Trang chủ » Chương 9 – Khởi nguồn của Sự sống

Chương 9 – Khởi nguồn của Sự sống

by Hậu Học Văn
194 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Bộ não tự thúc đẩy sự phát triển của nó thông qua những tri thức tiếp thu được từ môi trường xung quanh. Đặc biệt là giai đoạn sau khi trẻ vừa chào đời, chúng ta cần làm cho trẻ cảm thấy môi trường xung quanh thật thú vị và đầy thu hút. Năm đầu tiên trong cuộc đời trẻ có thể được phân thành vài giai đoạn, với mỗi giai đoạn, chúng ta đều cần dành sự quan tâm đặc biệt.

Nếu buộc phải hỗ trợ đời sống tinh thần của nhân loại thì chúng ta cũng cần biết rằng, bộ não có sức thẩm thấu của trẻ tiếp nhận “dinh dưỡng” từ môi trường xung quanh. Bằng những tri thức tiếp thu được từ môi trường, bộ não tự thúc đẩy sự phát triển của nó. Đặc biệt là giai đoạn khi trẻ vừa chào đời, chúng ta cần làm cho trẻ cảm thấy môi trường xung quanh thật thú vị và đầy thu hút.

Chúng ta đã biết sự phát triển của trẻ phải trải qua nhiều giai đoạn, trong mỗi giai đoạn, môi trường sẽ có những tác dụng quan trọng khác nhau. Nhưng môi trường có vai trò quan trọng nhất đối với giai đoạn trẻ mới chào đời. Có rất ít người biết được sự thật này, trước đây, người ta vẫn còn nghi ngờ về việc một đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi có thật sự có nhu cầu tinh thần hay không. Khi đã biết được tầm quan trọng đặc biệt của những nhu cầu tinh thần này, chúng ta không nên coi thường chúng, nếu không hậu họa sẽ là khôn lường.

Trước kia, các nhà khoa học chỉ chú ý tới phương diện thể chất của trẻ. Đặc biệt là trong thế kỉ này, rất nhiều loại dược phẩm và phương pháp y tế đã được sử dụng nhằm giảm bớt tỉ lệ tử vong rất cao ở trẻ em. Chính vì mục đích của những phương pháp này là hạ thấp tỉ lệ tử vong ở trẻ em nên hầu hết đều tập trung vào phương diện thể chất của trẻ. Lĩnh vực sức khỏe tinh thần vẫn chưa được chú ý, trong giới tự nhiên cũng có rất ít lí luận đề cập đến điều này. Mục đích bồi dưỡng trẻ nên được xác định là giúp trẻ có thể thích ứng với đời sống xã hội và thời đại của mình.

Lịch sử tự nhiên cho chúng ta thấy điều gì? Lịch sử đó nói với chúng ta rằng, giai đoạn trẻ ra đời chính là giai đoạn tinh thần trẻ cần thích ứng với thế giới bên ngoài. Điều này thậm chí còn cần thiết đối với cả những động vật có vú vốn vừa chào đời đã có năng lực hành vi.

Chúng ta cần nhớ rằng, con người không phải vừa sinh ra đã có năng lực hành vi, nhưng đối với trẻ, vấn đề không phải là năng lực tinh thần được đánh thức mà là vấn đề sáng tạo ra năng lực tinh thần. Chúng ta phát hiện thấy rằng, môi trường có vai trò rất lớn trong việc này. Tầm quan trọng và tác dụng của môi trường là rất lớn, nhưng cũng có mức độ nguy hiểm nhất định. Chúng ta cần kiểm tra kĩ lưỡng môi trường xung quanh trẻ sơ sinh, không nên để xuất hiện sự ngăn cách giữa trẻ với môi trường, khiến trẻ xuất hiện khuynh hướng quay lưng với thế giới. Chúng ta cần làm cho trẻ cảm thấy thế giới xung quanh trẻ tràn ngập niềm vui, làm như vậy rất có ích cho việc học tập, trưởng thành và phát triển của trẻ.

Năm đầu đời của trẻ có thể được chia thành mấy giai đoạn, với mỗi giai đoạn, chúng ta đều nên dành sự quan tâm đặc biệt. Giai đoạn đầu tiên cực kì ngắn ngủi, chính là thời khắc trẻ chào đời. Nói một cách đơn giản, giai đoạn này cần tuân theo một số nguyên tắc. Trẻ cần được tiếp xúc và gần gũi với mẹ trong những ngày đầu tiên chào đời. Nhiệt độ, âm thanh và ánh sáng không nên có thay đổi quá lớn so với trước khi trẻ ra đời. Môi trường bên trong tử cung của người mẹ vô cùng tĩnh lặng, tối tăm và ấm áp. Ngày nay, bệnh viện thường cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ở trong phòng kính, nhiệt độ trong phòng được kiểm soát kĩ lưỡng và dần dần thay đổi cho tới khi giống với nhiệt độ của môi trường bên ngoài. Kính xung quanh phòng thường có màu xanh, vì vậy ánh sáng cũng rất dịu nhẹ.

Việc chăm sóc và di chuyển trẻ sơ sinh cũng cần tuân thủ những quy định nghiêm khắc. Không nên đột ngột thả trẻ vào tắm trong nước giống như trước kia người ta vẫn thường làm, điều này sẽ khiến trẻ sơ sinh bị “sốc”. Cũng không nên thay quần áo cho trẻ quá nhanh giống như đối xử với một thứ đồ vật vô tri vô giác mà không quan tâm tới cảm xúc của trẻ.

Cách làm khoa học là chúng ta cần ít động chạm tới trẻ, cũng không cần mặc quần áo cho trẻ. Có thể cho trẻ nằm trong một căn phòng sạch sẽ, đủ ấm áp. Cách di chuyển trẻ cũng cần khác với người xưa thường làm. Nên dùng một chiếc chăn lông như một chiếc võng để di chuyển trẻ, động tác cần thật nhẹ nhàng. Không được đột ngột bế trẻ lên hay đột ngột đặt xuống để không làm tổn thương đến trẻ. Điều này không chỉ có lợi cho phương diện sức khỏe của trẻ. Y tá nên đeo khẩu trang để không làm lan truyền virus trong không khí. Mẹ và trẻ vẫn cần giữ mối liên hệ mật thiết như một chỉnh thể. Chúng ta cần hỗ trợ trẻ hòa nhập với môi trường dựa vào những quy luật tự nhiên, bởi vì người mẹ và trẻ có một “sợi dây liên kết” rất đặc biệt.

Người mẹ có thể mang lại cho trẻ một sức mạnh vô hình, sức mạnh này có thể giúp trẻ thích ứng với thế giới bên ngoài. Chúng ta có thể nói rằng, trẻ chẳng qua chỉ ra ngoài cơ thể mẹ, thay đổi vị trí so với trước kia, còn các phương diện khác vẫn như cũ, giữa người mẹ và trẻ vẫn còn mối liên hệ với nhau. Đây chính là thứ mà hiện nay chúng ta cho là mối liên kết giữa mẹ và con, nó hoàn toàn khác với các quan niệm trước kia. Trước kia, ngay cả những bệnh viện tốt nhất cũng cho rằng sau khi được sinh ra, trẻ nhỏ cần phải tách rời khỏi người mẹ.

 Những điều tôi đã đề cập ở trên được coi là quy tắc chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhưng thực tiễn đã chứng minh, phương pháp đặc biệt này không cần sử dụng trong suốt cả giai đoạn sơ sinh. Sau một thời gian, mẹ và trẻ không cần phải ở trong trạng thái cách li nữa mà có thể hòa nhập vào xã hội.

Vấn đề xã hội đối với trẻ không giống như với người lớn. Ảnh hưởng của bất bình đẳng xã hội lên trẻ cũng không giống với ảnh hưởng lên người trưởng thành. “Người lớn càng giàu càng tốt, trẻ càng nghèo càng tốt”, cách nói này không phải là không có lí. Ngoài đủ kiểu quần áo, tập tục xã hội và rất nhiều người tới thăm nom trẻ, những người mẹ giàu có thường giao trẻ cho bảo mẫu chăm sóc để bản thân được an nhàn, còn những người mẹ nghèo thì tôn trọng quy luật của tự nhiên – luôn giữ trẻ ở bên cạnh mình. Từ một khía cạnh rất nhỏ như vậy thôi, chúng ta cũng có thể phát hiện ra rằng, những thứ mà người lớn coi trọng rất có thể lại có vai trò hoàn toàn ngược lại trong thế giới của trẻ.

Sau giai đoạn này, trẻ có thể dễ dàng thích ứng với môi trường, bắt đầu bước chân vào con đường độc lập mà chúng ta đã nói ở trên, và đồng thời có thể mở lòng trước thế giới, bắt đầu học hỏi hết mình những tri thức xung quanh.

 Những hoạt động đầu tiên trên con đường độc lập này (mà chúng ta gọi là hoạt động “chinh phục”) chính là trẻ vận dụng các giác quan của mình. Bởi vì hệ xương của trẻ vẫn chưa phát triển thành thục, nên trẻ không thể nào tự dịch chuyển cơ thể và chân tay một cách linh hoạt. Chỉ có bộ não là hoạt động, không ngừng sử dụng các giác quan để cảm nhận thế giới xung quanh.

Đôi mắt của trẻ trong sáng và đầy khát vọng. Gần đây các nhà khoa học đã chứng minh rằng, đôi mắt của trẻ không chỉ nhạy cảm với ánh sáng mà còn có thể tiếp nhận vô vàn các tin tức khác nhau, trẻ không ngừng dùng mắt để tìm kiếm thông tin.

Nếu giải phẫu mắt của động vật, chúng ta sẽ thấy, mắt của động vật cũng giống như mắt của con người, đều là cơ quan thị giác giống như một chiếc máy ảnh, nhưng do ảnh hưởng của tạo hóa nên phạm vi sử dụng mắt của động vật rất hạn chế. Mắt của động vật chỉ nhạy cảm với một số sự vật chứ không phải với tất cả mọi thứ ở môi trường xung quanh. Thị giác của chúng chỉ đáp ứng nhu cầu trên một phương diện nào đó mà thôi. Có thể nói, mắt của động vật bị khống chế bởi một số nhu cầu nhất định.

Những ảnh hưởng này bắt đầu xuất hiện ngay từ khi ra đời, sự hình thành và hoàn thiện các cơ quan cảm giác của động vật tuân thủ quy luật này. Mắt của mèo (cũng như các động vật săn mồi ban đêm khác) phù hợp với hoạt động về ban đêm, nhưng chúng chỉ nhạy cảm với các vật thể chuyển động chứ hoàn toàn không có tác dụng với các vật thể bất động. Khi phát hiện vậtthể chuyển động trong đêm tối, mèo lập tức tấn công, nó hoàn toàn không để tâm tới các vật thể đứng yên. Có thể nói, nó không hề có hứng thú với tất cả mọi thứ trong môi trường mà chỉ có hứng thú với một số sự vật.

Tương tự như vậy, một số loài côn trùng chỉ ưa thích loài hoa có một vài màu sắc nhất định, bởi vì trong những bông hoa có màu sắc đó có thực phẩm mà chúng cần. Những ấu trùng vừa phá kén chui ra ngoài vốn không có khả năng định hướng, chúng chỉ có thể dựa vào bản năng do mắt chỉ huy. Hành vi của động vật bị khống chế bởi những yếu tố này, trong khi con người không hoàn toàn là nô lệ của các giác quan. Các giác quan phục vụ cho cơ thể sinh vật mà nó thuộc về, trong khi hoạt động của cơ thể thì tuân theo quy luật nhất định.

 Trẻ nhỏ lại không như vậy, quy luật mà các giác quan của trẻ tuân theo không giống như ở động vật. Mèo chỉ chú ý tới các vật thể di chuyển trong môi trường, còn trẻ thì không bị hạn chế như vậy. Trẻ quan sát tất cả những sự vật sự việc nằm trong tầm quan sát của mình, đồng thời tiến hành tiếp thu và học hỏi từ tất cả mọi thứ. Ngoài ra, trẻ không quan sát một cách máy móc, những gì quan sát được sẽ sản sinh ra phản ứng tâm lí nào đó, những sự vật sự việc đó đều có ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ. Có thể nói, nếu cuộc sống của một người chỉ chịu sự chi phối của những dục vọng của bản thân thì tâm lí của người đó sẽ xuất hiện nhiều hạn chế. Quy luật mà hành vi của những người này phải tuân theo vẫn tồn tại, nhưng ảnh hưởng của chúng đối với họ là rất nhỏ. Điều này khiến họ trở thành cái máy, một vật hi sinh của giác quan, trở nên hoang mang.

Chúng ta cần tỉnh táo nhận ra rằng, những quy luật phát triển của trẻ là thứ quan trọng nhất. Và chúng ta cần dành sự quan tâm thích hợp cho những quy luật này.

 Những so sánh mà chúng ta đưa ra rất có ích cho việc tìm hiểu trẻ học hỏi và tiếp thu từ môi trường xung quanh như thế nào. Một số loài côn trùng có hình dáng rất giống với lá cây hay thực vật nơi chúng sinh sống. Những côn trùng này sống trên thân thực vật hay lá cây, dần dần hình dáng của chúng cũng trở nên tương đồng với thân thực vật hay lá cây đó. Tình trạng này cũng gần giống ở trẻ nhỏ. Trẻ tiếp thu và học hỏi từ môi trường và hơn nữa, dần dần trở thành một phần của môi trường đó, giống như côn trùng trở thành một phần trong cây cỏ, thực vật nơi nó kí sinh. Trẻ và môi trường sống của trẻ càng ngày càng trở nên giống nhau. Mỗi loài sinh vật đều có loại năng lực này để có thể học hỏi và thích ứng với môi trường.

Ở trên chúng ta đã bàn luận về tình trạng của côn trùng. Đối với các loài động vật khác, tình trạng này chủ yếu xảy ra trên phương diện thể chất, còn ở trẻ em, nó lại xảy ra trên phương diện tinh thần.

Chúng ta cần xem xét đồng thời khuynh hướng chủ yếu của trẻ em và của các động vật khác. Trẻ em không nhìn nhận thế giới theo cách của người lớn. Khi chứng kiến một sự vật, sự việc thú vị nào đó, chúng ta có thể thốt lên rằng: “Tuyệt quá!”, thế rồi những việc khác cuốn chúng ra đi, sự vật sự việc kia chỉ còn tồn tại trong kí ức chúng ta một cách mơ hồ. Nhưng còn trẻ nhỏ thì sẽ thông qua những ấn tượng sâu sắc thu được từ môi trường xung quanh để xây dựng nên cái tôi trong sâu thẳm tâm hồn, đặc biệt là trong giai đoạn vừa chào đời, mà con người thì lại thông qua sức mạnh nội tại đặc biệt vốn có từ thuở ấu thơ để xây dựng nên đặc trưng nhân cách sẽ theo mình suốt cả cuộc đời. Những đặc trưng đó bao gồm: Ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc… Đó chính là phương thức trẻ thích ứng với môi trường sống của mình. Khi thực hiện những công việc này, trẻ cảm thấy vui vẻ, đại não của trẻ sẽ trở nên ngày càng thành thục.

 Không chỉ có thế, trẻ còn thích ứng với các kiểu môi trường xuất hiện trong tương lai. Cũng có nghĩa là, trẻ dần điều chỉnh bản thân, dần thích ứng với môi trường và trở thành một phần của môi trường. Vì vậy, nếu chúng ta muốn giúp đỡ trẻ, hãy tự hỏi nên làm thế nào, nên tạo cho trẻ một môi trường sống như thế nào.

Nếu bạn đã từng tiếp xúc với một đứa trẻ 3 tuổi, có lẽ trẻ có thể cho bạn câu trả lời. Thứ mà trẻ thiếu không phải là hoa tươi và đồ chơi. Chúng ta phải dự đoán và mang lại cho trẻ tất cả những thứ trẻ cần trong từng giai đoạn phát triển. Chúng ta cần biết điều kiện hành vi cần thiết để phát huy tiềm năng phát triển của trẻ. Nếu chúng ta đang đối diện với một đứa trẻ sơ sinhbắt đầu những bước đầu tiên hòa nhập với thế giới, chúng ta cần chuẩn bị cho trẻ môi trường như thế nào?

Hiện tại chưa có đáp án cuối cùng cho câu hỏi này, nhưng trên thực tế, trẻ trưởng thành nhờ môi trường xung quanh. Muốn học một loại ngôn ngữ, trẻ cần sống cùng những người nói loại ngôn ngữ đó, nếu không trẻ sẽ không thể học được. Tất cả những phương thức sống, tập quán và truyền thống mà con người học được đều bắt nguồn từ những phương thức, tập quán và truyền thống sẵn có của tập thể những người sống quanh người đó.

 Đó là một quan điểm mang tính cách mạng, bởi vì nó hoàn toàn khác với cách nghĩ và cách làm trước kia của chúng ta. Trước kia, để giữ sức khỏe, trẻ thường bị cách li và nuôi dưỡng trong phòng riêng biệt. Ở đó trẻ được dỗ ngủ và đối xử giống như đang bị ốm vậy.

Cần biết rằng, sự chăm sóc sức khỏe như vậy lại có hại cho tinh thần của trẻ. Nếu trẻ bị cách li, ngoài bảo mẫu ra không được tiếp xúc với bất cứ ai, không nhận được tình yêu và sự chăm sóc của mẹ thì trẻ sẽ không thể phát triển và trưởng thành một cách bình thường. Sự bất mãn và khát vọng về tinh thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ. Trẻ không được sống cạnh mẹ – người có mối liên hệ đặc biệt nhất với chúng, mà ngày ngày chỉ được gặp bảo mẫu – những người rất ít khi để tâm trò chuyện với trẻ. Hơn nữa, trẻ còn không có cơ hội được quan sát mọi chuyện xảy ra ở môi trường xung quanh.

Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những gia đình giàu có. Điều may mắn là sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mọi thứ đã thay đổi nhiều. Cuộc sống khó khăn sau chiến tranh và rất nhiều lí luận xã hội mới đã đưa những đứa trẻ về bên bố mẹ chúng, khiến chúng tìm được bầu bạn tốt.

Cách đối đãi với trẻ nên được xem là một vấn đề xã hội. Các kết quả nghiên cứu và quan sát cho thấy, khi trẻ đã có khả năng bước ra thế giới bên ngoài, cha mẹ nên tạo mọi cơ hội để trẻ được quan sát thế giới một cách đầy đủ nhất. Thiết kế xe và phòng riêng của trẻ ngày nay đã có nhiều thay đổi. Các căn phòng cho trẻ không còn tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn y tế, và trên tường đã bắt đầu treo nhiều bức tranh. Trẻ nhỏ chỉ việc nằm đó và thoải mái ngắm nhìn mọi thứ chứ không còn phải dán mắt lên trần nhà nữa.

Vấn đề ngôn ngữ càng gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là trong tình trạng thuê bảo mẫu cho trẻ, những bảo mẫu này thường không cùng tầng lớp xã hội với trẻ. Một vấn đề khác là, khi trò chuyện cùng bạn bè, cha mẹ có nên cho trẻ ở bên cạnh hay không. Dù gặp phải nhiều khó khăn, nhưng nếu chúng ta muốn giúp đỡ trẻ, hãy cho trẻ được ở cạnh chúng ta để nhìn thấy cha mẹ đang làm gì, nói gì. Dù trẻ chưa ý thức được điều gì đang diễn ra, nhưng chúng sẽ ghi nhớ những điều này trong tiềm thức và sẽ giúp ích cho quá trình trưởng thành của trẻ.

Khi được đưa ra ngoài, trẻ quan tâm tới điều gì? Không ai có thể nói chắc được, nhưng hãy thử quan sát trẻ, một người mẹ hoặc bảo mẫu tận tâm sẽ phát hiện ra trẻ chú ý tới thứ gì, đồng thời giúp trẻ được tới gần hơn và quan sát cụ thể hơn những thứ đó. Khi đó, nét mặt trẻ sẽ tỏ rõ sự hào hứng và hiếu kì. Muốn biết trẻ đang cảm thấy ra sao, chúng ta buộc phải thường xuyên quan sát biểu hiện của trẻ. Người lớn cần từ bỏ những quan niệm cũ và tạo ra một cuộc cách mạng mới trên lĩnh vực này. Trẻ nhỏ tự định hình nhân cách thông qua môi trường, vì vậy chúng cần được tiếp xúc một cách đầy đủ và toàn diện với môi trường. Nếu không, những đứa trẻ sau này sẽ thực sự trở thành một vấn đề xã hội.

Hình 7 – Sự phát triển ngôn ngữ

Có bao nhiêu vấn đề nảy sinh từ việc một cá nhân không thể thích ứng với đạo đức xã hội? Đó chính là vấn đề cơ bản. Nó khiến chúng ta nhận thức được rằng chăm sóc trẻ là một vấn đề cần nhận được sự quan tâm và coi trọng đúng mức của xã hội văn minh.

 Có thể sẽ có người hỏi, tại sao một sự thật quan trọng và hiển nhiên như vậy mà suốt bao lâu nay lại bị con người lơ là? Những người không đồng ý chấp nhận những điều mới lạ sẽ nói, những người không biết đến những kiến thức này chẳng phải từ trước đến nay vẫn sống tốt hay sao? Lại có người nói: “Loài người có lịch sử vô cùng lâu đời, hết thế hệ này đến thế hệ khác, chẳng ai được học những lí luận nói trên mà rồi cũng đều biết nói, đều thông thuộc tập quán xã hội đấy thôi”.

Thế nhưng, hãy thử xem xét con người ở những bối cảnh văn hóa khác. Những người đó có cách nuôi dưỡng trẻ hợp lí hơn chúng ta rất nhiều. Cách thức chúng ta đối đãi với trẻ thật sự không phù hợp với quy luật tự nhiên. Ở hầu hết các quốc gia, con cái không rời cha mẹ nửa bước, đó là mối quan hệ không thể tách rời. Cha mẹ và con cái cùng đi chơi, cha mẹ nói chuyện, con cái được lắng nghe. Thậm chí trẻ còn được chứng kiến mẹ mình ngã giá hàng hóa từ đầu đến cuối. Người mẹ gắn bó với con trong suốt thời thơ ấu. Vì phải chăm sóc con, những người mẹ đó không thể ra ngoài mà để con ở nhà một mình. Điều này càng thắt chặt thêm mối quan hệ mẹ con. Tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ sẽ gắn kết tình mẹ con, đồng thời nâng cao năng lực thích ứng với xã hội của trẻ. Tất cả những phương thức này diễn ra hết sức tự nhiên, mẹ và trẻ dường như vẫn là một thể thống nhất.

Nếu tập quán này không bị phá vỡ bởi xã hội văn minh, người mẹ sẽ không bao giờ giao con mình cho người khác chăm sóc. Trẻ sẽ được tận hưởng những ngày tháng ở bên cạnh mẹ, đồng thời trở nên biết nghe lời mẹ. Đối với mẹ thì điều này quá tốt, nhưng nó còn cần thiết hơn đối với sự phát triển và khả năng thích ứng xã hội của trẻ. Nếu trẻ chỉ được nghe thấy lời của mẹ nói với người khác thì như vậy là quá ít. Điều trẻ nghe thấy là toàn bộ nội dung trò chuyện, thứ trẻ nhìn thấy là hành vi trong lúc nói chuyện của người lớn. Trẻ sẽ dần dần lĩnh hội những điều này, nó quan trọng hơn nhiều so với những điều mẹ nói với trẻ, bởi ngôn ngữ chính là thứ truyền tải tư tưởng của hành vi.

Phương diện này ở các tổ chức xã hội, dân tộc và chủng tộc khác nhau sẽ khác nhau. Ví dụ, cách bế trẻ ở mỗi nơi là không giống nhau. Đây là một trong các phương diện thú vị mà các nhà nhân chủng học đang để tâm nghiên cứu. Hầu hết các bà mẹ trên thế giới này đều đặt con vào một chiếc giường nhỏ hoặc một chiếc địu nhỏ chứ không chỉ nâng con bằng cánh tay mình. Ở một số nước, khi phải ra ngoài làm việc, người mẹ sẽ địu con trên vai bằng một sợi dây thừng nối với một mảnh gỗ. Có người lại đặt con lên cổ, một số địu con trên lưng, có người thì dùng giỏ để cho trẻ nằm. Nhưng có một điểm chung ở tất cả các quốc gia là người mẹ luôn đưa con đi theo bên mình. Để trẻ có thể hít thở bình thường, không bị ngạt thở, những đứa trẻ thường được tựa lên vai mẹ.

Ví dụ, người Nhật thường đặt con sao cho mặt trẻ ở trên vai mình, đó chính là lí do mà người đầu tiên phát hiện ra đất nước này đã đặt cho nó cái tên là “dân tộc hai đầu”. Người Ấn Độ thường bế trẻ con bên hông. Người da đỏ Bắc Mỹ thường mang trẻ nhỏ đi theo bằng những thứ tương tự như chiếc nôi, đứa trẻ quay lưng về phía mẹ nhưng người mẹ có thể nhìn thấy con. Không quan tâm đến con đối với một người mẹ là việc không thể chấp nhận được. Trong lễ đăng quang hoàng hậu ở một bộ lạc châu Phi, các giáo sĩ kinh ngạc phát hiện ra rằng, hoàng hậu mang con cùng tham dự lễ hội.

 Một vấn đề khác cần nói rõ là truyền thống kéo dài thời gian cho bú. Thời gian bú sữa mẹ có thể kéo dài từ 1,5 năm, có khi là 2 năm, thậm chí là 3 năm. Điều này không có quan hệ với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, bởi vì lúc này trẻ đã hoàn toàn có khả năng hấp thụ các thực phẩm khác. Tuy nhiên kéo dài thời gian cho bú có thể khiến mẹ và trẻ có nhiều thời gian ở cạnh nhau hơn, đây là động lực vô hình hỗ trợ cho quá trình thích ứng với xã hội và hoàn thiện bản thân của trẻ. Bởi vậy, cho dù người mẹ không trò chuyện cùng trẻ, trẻ vẫn có thể tiếp xúc với thế giới xung quanh. Trẻ có thể nghe thấy lời người lớn trò chuyện trên phố, quan sát xe cộ đi lại, quan sát các loài động vật. Dù cho không biết tên gọi là gì, nhưng những hình ảnh đó sẽ để lại dấu ấn trong não trẻ. Hãy thử nhìn xem, trẻ đang quan sát mẹ mình trả giá hoa quả với vẻ mặt thích thú. Bạn có thể nhận ra rằng, ngôn ngữ và động tác là thứ khơi gợi cảm hứng lớn nhất cho trẻ.

Chúng tôi phát hiện ra rằng, những đứa trẻ được ra phố cùng mẹ, nếu không phải vì bị ốm thì chúng sẽ không bao giờ khóc lóc. Có lúc trẻ sẽ ngủ gật, nhưng không hề khóc. Nếu quan sát một số bức ảnh ghi lại cuộc sống ở các quốc gia khác nhau, bạn sẽ thấy những đứa trẻ ở bên cạnh mẹ không bao giờ khóc.

Trẻ em phương Tây thường có tật thích khóc lóc. Chúng ta thường nghe thấy các bà mẹ than thở vì lũ trẻ rất hay khóc, đồng thời thảo luận xem nên làm thế nào để khiến trẻ trở nên bình tĩnh và vui vẻ. Đáp án mà tâm lí học hiện đại đưa ra cho những người mẹ này là: “Trẻ nhỏ quấy khóc, giận dữ, nóng nảy đều là vì chúng đang ở trong trạng thái đói khát về tinh thần”. Kìm hãm trẻ trong một phạm vi không gian nhỏ hẹp, kiểu quản thúc như nhà tù đó khiến trẻ không thể phát huy hết các tiềm năng của mình. Phương pháp đối phó có liên quan đã được áp dụng một cách vô thức ở nhiều quốc gia. Đối với chúng ta mà nói, chúng ta cần hiểu rõ điểm này để có thể thay đổi nó một cách có ý thức.

❁ Tiếp Chương 10

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống ❁Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ❁Chương 11. Tiếng gọi của […]

1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x