Trang chủ » Chương I – GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Chương I – GIÁO DỤC VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

by Hậu Học Văn
188 views

Có đi khắp thế gian mới thấy bản chất của con người giống nhau đến lạ, dù ở Ấn hay Mỹ, ở châu Âu hay châu Úc. Điều này đặc biệt đúng ở các trường cao đẳng và đại học. Chúng ta đang sản sinh ra, như thể đúc từ một cái khuôn, một kiểu người mà mối quan tâm chính của họ là tìm kiếm cảm giác an toàn, trở thành một người quan trọng, hay thoải mái tận hưởng những giây phút vui vẻ mà càng ít phải suy nghĩ càng tốt.

Lối giáo dục truyền thống đã khiến cho việc tư duy độc lập trở nên hết sức khó khăn. Thái độ tuân phục dẫn đến sự xoàng xĩnh. Muốn duy trì sự khác biệt so với đám đông hay đề kháng lại sức ảnh hưởng của môi trường bên ngoài là điều chẳng dễ dàng gì, và thường là rất nguy hiểm, chừng nào ta còn tôn thờ sự thành công. Sự thèm khát thành công, hay nói cách khác là mong cầu phần thưởng dù trong thế giới vật chất hay thế giới tinh thần, sự tìm kiếm cảm giác an toàn bên trong hay bên ngoài, mong cầu được thanh thản,… toàn bộ quá trình này bóp nghẹt khả năng bày tỏ thái độ không thỏa nguyện, chấm dứt tính tự sinh và nuôi dưỡng nỗi sợ hãi, mà sợ hãi lại chính là yếu tố khóa chặt khả năng hiểu biết của trí tuệ về cuộc sống. Càng luống tuổi, trí óc con người càng trở nên mụ mị và con tim càng trở nên chai sạn.

Trong lúc tìm cầu sự thanh thản, ta thường tìm đến một góc tĩnh lặng nào đó trong cuộc sống, nơi vắng bóng xung đột nhất, và rồi sau đó lại e sợ phải bước ra khỏi nơi náu mình ấy. Nỗi sợ hãi cuộc sống này, nỗi sợ hãi sự đấu tranh và những trải nghiệm mới này, giết chết tinh thần phiêu lưu mạo hiểm ở trong ta; toàn bộ cách thức nuôi nấng và giáo dục bấy lâu nay đã làm cho ta e sợ mình sẽ khác biệt với những người xung quanh, e sợ mình sẽ hình thành những suy nghĩ trái với khuôn mẫu sẵn có của xã hội, nhào nặn nơi ta một thái độ kính trọng giả dối trước uy quyền và truyền thống.

May mắn thay, vẫn còn một số ít người kiên trì giữ thái độ nghiêm túc, sẵn sàng truy vấn các vấn đề của con người một cách không thành kiến, không thiên lệch; nhưng đa số thì chẳng thể hiện thái độ không thỏa nguyện hay phản kháng thực sự nào hết. Khi ta nhượng bộ hay thỏa hiệp một cách dễ dãi trước những tác động từ bên ngoài, tinh thần phản kháng sẽ dần tiêu tan, và chẳng mấy chốc những trách nhiệm bộn bề của ta sẽ đặt dấu chấm hết cho thái độ mang tính xây dựng ấy.

Có hai loại phản kháng: loại phản kháng bằng bạo lực, đơn thuần là sự phản ứng thiếu hiểu biết, chống lại trật tự hiện tồn; và loại phản kháng trong chiều sâu tâm lý của trí tuệ. Có nhiều người phản kháng chống lại những thông lệ đã được xác lập chỉ để lại rơi vào những tín điều mới còn đầy ảo tưởng hơn và buông thả mình trong những khoái lạc được ngụy trang. Điều thường xảy ra là ta đoạn tuyệt với một nhóm người hay một tập hợp các lý tưởng này để gia nhập vào một nhóm người khác với tập hợp những lý tưởng khác, thế là ta tạo ra một khuôn mẫu tư tưởng mới mà ta sẽ phải vùng lên chống lại một lần nữa. Mọi hình thức phản ứng chỉ gây ra sự chống đối, và sự đổi mới thì cần phải đổi mới hơn nữa.

Trong khi đó, phản kháng bằng trí tuệ không phải là sự phản ứng; nó đi cùng khả năng tự nhận thức bản thân thông qua việc tự quan sát tư tưởng và cảm nhận của chính mình. Chỉ khi nào ta can đảm đối diện với một trải nghiệm khi nó xảy đến với mình và không tìm cách tránh né sự xáo trộn thì ta mới thành công trong việc duy trì sự tỉnh giác cao độ về mặt trí tuệ; và sự tỉnh giác cao độ ấy chính là trực giác, “người dẫn đường” chân chính duy nhất của ta trong cuộc sống.

Thế thì ý nghĩa của cuộc sống là gì? Chúng ta sống và đấu tranh vì điều gì? Nếu ta được giáo dục chỉ để trở nên khác biệt, giành lấy một công việc tốt hơn, có nhiều năng lực hơn, thống trị người khác nhiều hơn, thì cuộc sống của ta sẽ trở nên hời hợt và trống rỗng vô cùng. Nếu chúng ta được đào luyện chỉ để trở thành những nhà khoa học, những học giả suốt ngày chúi mũi vào sách vở, hay trở thành những chuyên gia nghiện ngập mớ kiến thức không mấy cần thiết, thì chúng ta đang góp phần vào sự suy vong và khốn cùng của thế giới.

Thực vậy, cuộc sống có ý nghĩa rộng lớn hơn và cao cả hơn tất cả những điều đó, và nền giáo dục phỏng có ích gì nếu như nó chẳng thể giúp ta khám phá ra ý nghĩa ấy? Chúng ta có thể được giáo dục rất tốt, nhưng nếu không tạo ra sự hợp nhất sâu sắc giữa tư tưởng và tình cảm thì cuộc sống của chúng ta không thể trọn vẹn; nó sẽ bị mâu thuẫn và xâu xé bởi đủ kiểu lo sợ; và chừng nào nền giáo dục còn chưa vun bồi được cái nhìn hợp nhất ấy, thì nó chẳng có ý nghĩa gì.

Trong nền văn minh hiện đại của con người, chúng ta đã chia nhỏ cuộc sống của mình thành quá nhiều ngăn đến mức giáo dục chẳng còn mấy ý nghĩa, ngoại trừ việc học hành một kỹ năng hay một nghề nghiệp đặc thù nào đó. Thay vì đánh thức trí tuệ toàn diện ở mỗi người, nền giáo dục lại đang khuyến khích anh ta tuân phục theo một khuôn mẫu nhất định và theo đó cản trở sự hiểu biết của anh ta về chính mình. Hiểu biết bản thân là một tiến trình tổng thể. Nỗ lực giải quyết những vấn đề của cuộc tồn sinh ở mức độ riêng rẽ, bị xẻ nhỏ như thể mỗi phần nằm trong những bảng phân loại khác nhau, chỉ càng cho thấy chúng ta chẳng hiểu gì về nó cả.

Con người là một tổng thể hài hòa được tạo thành từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng việc nhấn mạnh vào những khác biệt và khuyến khích sự phát triển của nhiều kiểu phân loại rạch ròi đã dẫn đến vô vàn điều phức tạp và mâu thuẫn. Nền giáo dục phải mang đến sự hợp nhất các khía cạnh riêng biệt này – vì nếu không có sự hợp nhất ấy, cuộc sống sẽ trở thành một chuỗi những cuộc xung đột và nỗi bất hạnh. Được đào tạo trở thành luật sư phỏng có ích gì nếu ta cứ tranh chấp triền miên? Kiến thức phỏng có giá trị gì nếu ta cứ mãi sống trong sự mù mờ? Khả năng về công nghệ và kỹ thuật phỏng có nghĩa lý gì nếu ta dùng nó để hủy hoại người khác? Giá trị cốt lõi của cuộc tồn sinh này là gì nếu nó dẫn ta đến bạo lực và sự khốn cùng? Dẫu ta có nhiều tiền bạc hay thừa sức kiếm ra nó, dẫu ta có những thú vui hay thuộc về một tôn giáo nào đó, thì chúng ta vẫn tiếp tục sống trong sự xung đột bất tận.

Ta cần phải phân biệt giữa cá nhân và cá thể. Cá nhân là thứ mang tính ngẫu nhiên; và qua từ “ngẫu nhiên”, tôi muốn ám chỉ hoàn cảnh chào đời, môi trường mà qua đó ta tình cờ được nuôi dưỡng, với chủ nghĩa dân tộc, sự cuồng tín, sự phân biệt giai cấp hay sự định kiến. Cá nhân hay cái ngẫu nhiên chỉ mang tính nhất thời, cho dù khoảnh khắc ấy có thể kéo dài cả đời người; và một khi hệ thống giáo dục hiện nay được đặt để trên nền tảng cá nhân, cái ngẫu nhiên, cái nhất thời, thì nó dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và khắc sâu những nỗi lo sợ mang tính phòng vệ bản thân.

Tất cả chúng ta đều đã được đào tạo, thông qua giáo dục và môi trường sống, để tìm kiếm lợi ích và sự an toàn cho chính mình, cũng như đấu đá nhau vì bản thân. Cho dù ta có che đậy nó bằng những ngôn từ hoa mỹ đến mấy, thì sự thực là chúng ta đã được đào tạo trong một hệ thống được dựa trên sự bóc lột và nỗi lo sợ – khiến ta ra sức thu vén, tích lũy cho thật nhiều. Kiểu đào tạo như thế chắc chắn đẩy chúng ta và cả thế giới vào trạng thái hỗn loạn, đau khổ. Điều đó là không thể tránh khỏi, vì nó dựng lên trong mỗi cá nhân những rào cản tâm lý chia cắt và cách ly anh ta với những người khác.

Giáo dục không chỉ là việc đào tạo tâm trí. Đào tạo tâm trí chỉ làm cho tâm trí trở nên hiệu quả, chứ không làm cho nó trở nên vẹn toàn. Một tâm trí, nếu chỉ được đào tạo đơn thuần, thì chẳng qua là sự nối dài của quá khứ, và một tâm trí như thế có thể chẳng bao giờ khám phá ra điều gì mới mẻ. Đó là lý do tại sao, để biết được đâu mới là nền giáo dục đúng đắn, chúng ta sẽ phải truy vấn toàn thể ý nghĩa của cuộc sống.

Đối với hầu hết mọi người, việc xem xét toàn thể ý nghĩa cuộc sống không phải là điều tối quan trọng. Hệ thống giáo dục của chúng ta ưu tiên cho các giá trị thứ yếu, làm cho chúng ta trở nên tinh thông trong một lĩnh vực nào đó. Dẫu kiến thức và tính hiệu quả là những yếu tố cần thiết, nhưng quá chú trọng đến chúng chỉ dẫn đến xung đột và hỗn loạn mà thôi.

Tính hiệu quả được truyền cảm hứng bởi tình yêu thương thì vượt xa và vĩ đại hơn so với tính hiệu quả xuất phát từ tham vọng; và nếu thiếu vắng tình yêu thương, vốn là thứ giúp ta hiểu biết toàn diện về cuộc sống, thì tính hiệu quả ấy sẽ nuôi dưỡng sự nhẫn tâm. Đấy chẳng phải là điều đang diễn ra trên khắp thế giới đó sao? Hệ thống giáo dục hiện nay hướng tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những cuộc chiến tranh, mục tiêu chính của nó là không ngừng phát triển tính hiệu quả; chúng ta bị vướng mắc vào cỗ máy đua tranh tàn bạo và hủy diệt lẫn nhau. Nếu nền giáo dục này dẫn đến chiến tranh, nếu nó dạy ta phải hủy diệt hay bị hủy diệt, thì chẳng phải là nó đã hoàn toàn thất bại rồi sao?

Muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn, ta phải hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn thể của nó, và vì thế ta phải có năng lực tư duy trực diện và chân thật, nhưng không cố chấp. Người tư duy trước sau như một nghe có vẻ kiên định nhưng là người không có tư tưởng thực sự, bởi lẽ anh ta tuân phục theo một khuôn mẫu; anh ta chẳng qua lặp lại từ ngữ và tư duy theo lối mòn. Chúng ta không thể nào hiểu thấu sự hiện hữu một cách trừu tượng hay lý thuyết. Hiểu cuộc sống là hiểu chính mình, và đó vừa là khởi điểm vừa là đích đến của giáo dục.

Giáo dục không chỉ dừng lại ở việc sở đắc kiến thức, thu thập và kết nối các dữ kiện; giáo dục là nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống như một toàn thể nguyên vẹn. Nhưng cái toàn thể này không thể được tiếp cận qua một trong những thành phần của nó – đây là việc mà các nhà cầm quyền, các tổ chức tôn giáo và các đảng phái độc đoán đang cố gắng thực hiện.

Chức năng của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện và có trí tuệ. Chúng ta có thể sở hữu nhiều bằng cấp và tính hiệu quả một cách máy móc nhưng không có trí tuệ. Trí tuệ không phải là năng lực tích trữ thông tin; trí tuệ không phải từ sách vở mà có, nó cũng không phải là kiểu phản ứng tự vệ thông minh và sự xác quyết mang tính gây hấn. Người không học hành vẫn có thể thông minh hơn người có học. Chúng ta đã biến các kỳ thi cử và bằng cấp học thuật trở thành tiêu chuẩn của trí tuệ và đã phát triển cái đầu óc ranh mãnh luôn né tránh những vấn đề sống còn của con người. Trí tuệ là năng lực nhận biết cái bản chất, cái vốn đang tồn tại; và việc đánh thức năng lực này, ở bản thân và ở mọi người, chính là giáo dục.

Giáo dục phải giúp ta tìm thấy những giá trị phổ quát vững bền sao cho ta không còn lệ thuộc vào các công thức vô hồn hay lặp đi lặp lại các khẩu hiệu sáo rỗng; nó phải giúp chúng ta phá vỡ những rào cản trong xã hội và giữa các quốc gia, thay vì làm nổi rõ những cản trở ấy, vì chúng gây ra sự đối kháng trong mối tương quan giữa con người với nhau. Khổ nỗi, hệ thống giáo dục hiện nay đang khiến chúng ta trở nên lệ thuộc, máy móc và vô minh một cách cùng cực; cho dù nó đánh thức trí năng của ta thì sâu bên trong nó vẫn khiến ta không trọn vẹn, thiếu nhạy bén và không sáng tạo.

Không hiểu rõ cuộc sống một cách toàn diện, các vấn đề của cá nhân và tập thể sẽ bị làm cho sâu đậm và lan rộng hơn. Mục đích của giáo dục không chỉ đơn thuần sản sinh ra những học giả, những kỹ thuật viên và những người đi săn việc, mà còn nhằm tạo ra những con người toàn diện, được giải thoát khỏi nỗi lo sợ; vì chỉ với những con người như thế chúng ta mới mong có được nền hòa bình trường tồn.

Chỉ với sự thấu hiểu sâu sắc về chính mình thì nỗi lo sợ mới chấm dứt. Nếu mỗi cá nhân buộc phải vật lộn với cuộc sống hết lúc này đến lúc khác, nếu anh ta buộc phải đối mặt với sự phức tạp của cuộc sống, với những khốn khó và những đòi hỏi bất thình lình của cuộc sống, thì anh ta phải hết sức linh hoạt và do đó phải thoát ly khỏi các lý thuyết cũng như các khuôn mẫu tư duy đặc thù.

Giáo dục không nên khuyến khích cá nhân tuân phục theo xã hội hay hòa hợp một cách tiêu cực với nó, mà nên giúp anh ta khám phá những giá trị đích thực vốn luôn song hành với sự tìm tòi và ý thức về chính mình một cách trung thực, không mảy may định kiến. Khi không hiểu biết về chính mình thì sự tự thể hiện bản thân sẽ biến tướng thành sự tự khẳng định, cùng với những xung đột đầy tham vọng và gây hấn. Giáo dục phải đánh thức năng lực tự nhận biết bản thân, chứ không phải để thỏa mãn việc tự khẳng định bản thân.

Học hành xuất sắc phỏng có ích chi nếu trong quá trình sống ta tự hủy hoại chính mình? Chúng ta đang chứng kiến và chịu đựng hết cuộc chiến tranh tàn phá này đến cuộc chiến tranh hủy hoại khác, đấy là dấu hiệu cho thấy rõ ràng có điều gì đó hoàn toàn sai lầm trong cách chúng ta nuôi dạy con cái. Tôi nghĩ hầu hết chúng ta biết rõ tình trạng này, nhưng lại không biết làm thế nào để giải quyết.

Các hệ thống, các tổ chức đều không thể thay đổi một cách triệt để; chúng chỉ có thể thực sự chuyển đổi khi có sự thay đổi căn cơ trong chính bản thân chúng ta. Cá nhân là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải hệ thống; và chừng nào cá nhân còn chưa hiểu rõ toàn bộ diễn trình của chính mình, thì không một hệ thống nào, dù là cánh tả hay cánh hữu, có thể mang lại trật tự ổn định và hòa bình vững bền cho thế giới.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x