Trang chủ » Chương 2 – Giáo dục quyết định cả cuộc đời

Chương 2 – Giáo dục quyết định cả cuộc đời

by Hậu Học Văn
209 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Đó chính là sự giáo dục trợ giúp – sự giáo dục được tiến hành ngay từ thuở vừa mới lọt lòng. Nó làm nên một cuộc cách mạng hòa bình, hướng tất cả sự vật tới cùng một mục tiêu chung duy nhất.

Trước hết tôi muốn nói rõ hơn về mệnh đề mở đầu cho chương này: “Giáo dục được tiến hànhngay từ thuở lọt lòng”. Gandhi là một vị lãnh tụ nổi tiếng trên thế giới. Ông từng nói rằng giáo dục nên kéo dài suốt cả cuộc đời. Hơn nữa, ông còn nhận định vấn đề chủ chốt của giáo dục phải là bảo vệ con người. Đây là lần đầu tiên một lãnh tụ dân tộc và tinh thần đưa ra những suy nghĩ như vậy. Ngoài ra, không chỉ giới khoa học nhận định rằng giáo dục trọn đời là cần thiết, mà thực tế cả một thế kỉ cũng đã chứng minh rằng giáo dục kéo dài cả cuộc đời sẽ mang lại thành công cho con người. Nhưng điều khiến người ta hối tiếc chính là từ trước tới giờ, chưa có một tổ chức chính phủ nào chấp nhận và áp dụng quan điểm giáo dục này.

Giáo dục ngày nay chỉ chú trọng đến phương pháp, mục tiêu và thỏa mãn nhu cầu của xã hội chứ chưa hề xét tới bản thân con người. Trong tất cả các phương thức giáo dục hiện nay của các quốc gia trên thế giới, chưa có một phương pháp nào hỗ trợ cũng như bảo vệ sự phát triển của con người ngay từ khi mới lọt lòng. Quan niệm giáo dục hiện nay đang không đi đôi với quy luật sinh lí cũng như quy luật của cuộc sống xã hội. Tất cả những người đang bắt đầu tiến hành học tập đều bị cách li khỏi xã hội. Sinh viên đại học bị yêu cầu tuân theo quy định của nhà trường, hơn nữa còn phải học tập theo những giáo trình đã được soạn sẵn. Cho tới gần đây, có thể nói giáo dục dại học vẫn không hề chú trọng xem xét yếu tố cuộc sống vật chất và xã hội. Nếu một sinh viên ăn không đủ no, hoặc vì thị lực và thính lực kém mà ảnh hưởng tới năng lực học tập thì sinh viên đó chỉ có thể nhận điểm thấp.

Mặc dù ngày nay những khiếm khuyết cơ thể đã bắt đầu nhận được sự chú ý (nhưng chỉ là bảo vệ ở góc độ sinh lý) thì vẫn không có ai quan tâm tới việc những phương thức giáo dục không kiện toàn hoặc không phù hợp sẽ gây ra tổn hại và uy hiếp tinh thần của sinh viên như thế nào. Cuộc vận động “giáo dục mới” của nhà tâm lí học Édouard cũng từng đưa ra những nghi ngờ về số lượng bài học, hơn nữa ông đã nỗ lực giảm thiểu số lượng giáo trình để giảm bớt gánh nặng cho học sinh, tuy nhiên hành động này chưa chạm tới được vấn đề “vì sao trẻ nhỏ có thể tiếp nhận văn hóa một cách hoàn toàn tự nhiên”. Đại đa số quan chức giáo dục chỉ quan tâm tới việc hoàn thành các kế hoạch đã đề ra mà thôi. Nếu một học sinh nào đó phản ứng trước những bất công trong xã hội hoặc những vấn đề chính trị mà chúng cảm thấy bức xúc thì các cơ quan quyền lực lập tức sẽ ra lệnh cấm học sinh đó quan tâm tới chính trị, yêu cầu cậu ta chú tâm tới việc học hành. Những học sinh bị trói buộc về tư tưởng một cách nghiêm trọng như vậy, sau khi rời giảng đường sẽ đánh mất đi cá tính của riêng mình và không thể đưa ra những phán đoán chính xác về những vấn đề của thời đại mình nữa.

Cơ chế giáo dục cách xa cuộc sống xã hội. Cuộc sống và những vấn đề nảy sinh dường như chẳng có liên quan gì tới học sinh. Giới giáo dục giống như một ốc đảo mà cuộc sống của những người sống trong đó hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, hơn nữa họ đã chuẩn bị sống cuộc sống ấy trọn đời. Nếu một sinh viên đại học chết vì bệnh lao phổi, nhà trường (chính là môi trường xã hội mà sinh viên ấy đang sống) sẽ tới đám tang bày tỏ lòng thương xót và sự quan tâm, trong khi những thứ ấy chưa hề được bày tỏ trong thời gian sinh viên ấy lâm bệnh. Điều này khiến người ta không khỏi cảm thấy ngạc nhiên và đau lòng.

Lại có một số sinh viên khác cảm thấy vô cùng căng thẳng vì phải hòa nhập xã hội sau khi tốt nghiệp, trở thành gánh nặng cho gia đình và bạn bè. Cho dù là như vậy, bạn cũng đừng mong chờ nhà trường quan tâm tới điều đó. Thái độ thờ ơ của họ đã được minh chứng bằng rất nhiều quy định – những quy định này không cho phép giáo dục quan tâm tới yếu tố tâm lí mà chỉ cho phép giáo dục tổ chức việc học hành và thi cử. Sau đó là đến việc mang lại cho học sinh bằng cấp và học vị. Đó chính lànhững nhiệm vụ tối cao của một trường học ngày nay. Các học giả nghiên cứu các vấn đề xã hội cũng phát hiện, những sinh viên đã tốt nghiệp và những người có bằng cấp hoàn toàn không hề có sự chuẩn bị nào cho tương lai, không những vậy, năng lực hòa nhập vào công tác xã hội của các em cũng rất kém. Các số liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng, số lượng người gặp phải trục trặc tâm lí, tội phạm và những trí thức “quái đản” ngày càng gia tăng. Các chuyên gia kêu gọi nhà trường cần quan tâm hơn tới thực trạng này, nhưng nhà trường lại không hề bận tâm. Trường học thuộc về một thế hệ khác, cổ hủ và không dễ dàng chịu phá vỡ những truyền thống của mình. Chỉ có những áp lực từ bên ngoài mới có thể thay đổi và lấp đầy những thiếu sót của giáo dục. Phương thức giáo dục sai lầm đã mang lại những ảnh hưởng quá lớn đối với học sinh.

Vậy đối với giai đoạn từ khi mới sinh đến khi 6, 7 tuổi thì sao? Trường học vốn không hào hứng với giai đoạn này, từ đó xuất hiện giáo dục tiền học đường, hay nói cách khác là việc giáo dục ở lứa tuổi này đã bị đẩy ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ. Đúng là một đứa trẻ sơ sinh biết học gì ở nhà trường chứ? Những cơ sở được xây dựng dành cho trẻ sơ sinh hầu như đều không thuộc sự quản lí của nhà nước mà là của các tổ chức tư nhân. Bảo vệ sự phát triển tâm lí trẻ nhỏ vẫn chưa được coi là vấn đề xã hội cần quan tâm, người ta cho rằng trẻ nhỏ thuộc sự quản lí của gia đình chứ không phải của chính quyền.

Ngày nay giai đoạn một năm đầu đời của trẻ đã bắt đầu được lưu tâm hơn, nhưng vẫn chưa có ai đưa ra những biện pháp thực thi dành riêng cho giai đoạn này. Mọi người chỉ cho rằng nên định hướng giáo dục gia đình, vì thế cần phải giáo dục người mẹ trước tiên, nhưng rốt cuộc gia đình không phải là một phần của trường học mà nó thuộc về xã hội. Thế là nhân cách và sự quan tâm tới phát triển nhân cách lại bị tách rời. Một mặt, yếu tố gia đình – một phần của xã hội nhưng lại bị cách li khỏi xã hội – bị xem nhẹ.

Mặt khác, nhà trường, bao gồm cả trường đại học cũng bị tách rời khỏi xã hội. Không có một khái niệm thống nhất về vấn đề này, xã hội không quan tâm đúng mức tới con người, khi đối diện với nó, người ta chỉ biết hôm nay cầu cứu nhà trường, ngày mai lại đòi hỏi sự trợ giúp của gia đình, sau này thì lại nhờ tới trường đại học. Đại học cũng bị coi là một loại trường học, là giai đoạn cuối của giáo dục nhà trường. Thậm chí một số ngành khoa học xã hội như xã hội học, tâm lí xã hội học đã nhận thức được tác hại của sự phân tách này nhưng những nghiên cứu của họ vẫn chỉ là lí thuyết màu xám.

Vì vậy cho tới nay vẫn chưa xuất hiện một hệ thống có thể thực sự giúp ích cho sự phát triển của nhân loại. “Trợ giúp cho sự phát triển của con người” vốn không phải là một khái niệm mới, chỉ là nó chưa có đủ sức nặng trong nhận thức của xã hội. Nền văn minh của nhân loại cần sớm tiến thêm một bước nữa, và những ý tưởng cho bước tiến này đã bắt đầu hình thành. Các nhà phê bình có thể dễ dàng chỉ ra những thiếu sót hiện nay của chúng ta, còn các nhà nghiên cứu cũng đã biết được con người cần những tri thức như thế nào trong mỗi giai đoạn khác nhau. Mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng, việc cần làm chỉ là bắt tay vào mà thôi. Thành quả của những nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay giống như những viên đá cần thiết đều đã được chuyển tới nơi cần đến chúng. Việc còn lại chỉ là sắp xếp lại những viên đá đó, bắt đầu xây nên nấc thang mới của văn minh nhân loại.

Quan niệm “lấy con người làm trung tâm” đã thay đổi tất cả những tư tưởng giáo dục trước kia. Giáo dục không thể chỉ bó hẹp bằng giáo trình và thời khóa biểu mà phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cá nhân. Quan điểm này tự nhiên khiến việc giáo dục trẻ sơ sinh trở nên quan trọng. Quả thực là trẻ sơ sinh chưa biết làm bất cứ việc gì, và theo lẽ thường thì chúng ta không thể giáo dục trẻ sơ sinh, chúng chỉ là đối tượng để chúng ta quan sát và trợ giúp trong những nhu cầu cơ bản nhất như ăn uống hay làm vệ sinh cá nhân. Mục đích của những nghiên cứu của chúng ta là tìm ra quy luật của sự sống. Bởi muốn trợ giúp sự sống thì trước hết ta phải hiểu quy luật của nó. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, chỉ hiểu quy luật của sự sống cho thấy chúng ta vẫn chưa thực sự đi sâu vào lĩnh vực tâm lí học.

 Chúng ta nên tuyên truyền rộng rãi những kiến thức về phương diện phát triển tâm lí trẻ nhỏ, chỉ có như vậy, giáo dục mới có thể mang một “tầm vóc” mới và mới có thể cất tiếng nói đầy quyền uy với thế giới: “Đây chính là quy luật của sự sống, các bạn cần phải tuân theo những quy luật ấy, chúng chính là ‘tuyên ngôn nhân quyền’ của con người, là chân lí thường thấy nhất.”

Nếu xã hội cho rằng giáo dục là cần thiết, hay nói cách khác con người cần phải được giáo dục, nếu chúng ta tán đồng với quan điểm giáo dục cần bắt đầu ngay từ khi một đứa trẻ vừa ra đời, vậy thì thấu hiểu quy luật phát triển của con người sẽ trở thành việc vô cùng quan trọng. Trong tình trạng giáo dục bị xem nhẹ, các cơ quan quyền lực cần phải phát huy vai trò vốn có của mình trong xã hội. Xã hội cần bảo vệ nhu cầu cố hữu hoàn toàn mới này của sự sống. Mọi người cần chung tay góp sức, cha mẹ cần làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu gia đình không thể thực hiện nghĩa vụ của mình thì xã hội phải ra tay, phải chịu trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ. Nếu giáo dục có nghĩa là bảo vệ con người thì khi gia đình bất lực và xã hội ý thức được điều đó thì chính là lúc xã hội cần dang đôi tay của mình để cứu giúp trẻ. Chính phủ không thể luôn luôn phủi tay chối bỏ trách nhiệm được nữa.

Giáo dục nên trở thành một phần chức năng của xã hội chứ không nên bị cách li khỏi xã hội như trước kia. Nếu xã hội muốn quản lí con người một cách hiệu quả, nếu giáo dục quả thực có thể giúp ích cho con người thì sự quản lí đó không nên bị kiềm chế hoặc cấm cản, xã hội cũng cần trợ giúp cả về phương diện vật chất hoặc tinh thần. Bước đầu tiên xã hội cần làm là thỏa mãn nhu cầu về tài chính của giáo dục.

Cũng đã có những nghiên cứu về nhu cầu của trẻ trong giai đoạn phát triển và kết quả cũng đã được công bố với giới truyền thông. Xã hội hiện đại được coi là một chỉnh thể cần tỏ rõ trách nhiệm giáo dục của mình, đồng thời giáo dục – đang hưởng thụ lợi ích từ sự phát triển của xã hội – cũng cần có ý thức báo đáp xã hội. Giáo dục không chỉ là việc của trẻ em và cha mẹ chúng mà còn là việc của chính phủ và toàn thể xã hội. Nó có thể khơi mào cho những cải cách trong mỗi thành phần xã hội và là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Hiện nay còn có thứ gì có thể lạc hậu và bảo thủ hơn giáo dục không? Nếu nhà nước có ý định thắt chặt kinh tế thì giáo dục tất nhiên sẽ trở thành vật hi sinh trước tiên. Nếu bạn hỏi một quan chức chính phủ rằng, ông ta nhìn nhận thế nào về giáo dục, ông ta hẳn sẽ trả lời giáo dục chẳng liên quan gì đến mình, ông ta đã giao trọng trách giáo dục con cho vợ của mình, và vợ ông ta lại giao trọng trách đó cho nhà trường. Trong một tương lai không xa, các quan chức chính phủ sẽ không còn đưa ra câu trả lời như vậy, cũng không thể có cái nhìn thờ ơ đến thế với giáo dục.

Chúng ta có thể rút ra điều gì từ những báo cáo nghiên cứu trẻ sơ sinh của các nhà tâm lí học? Tất cả đều cho rằng, khi nhận được sự quan tâm và giúp đỡ đúng mức, sức mạnh nội tại của trẻ sẽ khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn, tâm lí cân bằng hơn, trí tuệ phong phú hơn. Vậy nên chúng ta hãy chủ động bắt tay hành động bằng cách quan tâm đến những đứa trẻ đang trong giai đoạn phát triển một cách khoa học. Điều đó có nghĩa là bạn không nên chỉ thỏa mãn nhu cầu vật chất của trẻ. Cũng giống như cách bạn bảo vệ con không bị đau đớn về thể xác, bạn cũng nên bảo vệ tinh thần và bộ não của trẻ khỏi bị tổn thương.

Khoa học cũng có những khám phá mới mẻ khác về trẻ sơ sinh. Sức mạnh tinh thần của những đứa trẻ còn đang ở tuổi quấn tã lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Xét trên phương diện tâm lí học thì trẻ sơ sinh không thể làm được bất cứ việc gì. Ngay cả việc dịch chuyển bản thân đối với trẻ cũng là một việc vô cùng khó khăn, chân tay của trẻ chưa phát huy được tác dụng nào cả, hầu như không làm được việc gì. Ngoài ra, trẻ cũng không thể nói được mặc dù trẻ đã có thể nhận biết được những việc đang diễn ra quanh mình. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những đứa trẻ ngày nào giờ đã biết đi, biết nói, trẻ lần lượt đạt được hết thành tựu này đến thành tựu khác, và cuối cùng, trên cả phương diện sinh lí lẫn tâm lí, trẻ đã trở thành một con người thực thụ. Tất cả những thực tế nói trên đã chứng minh cho một chân lí: Trẻ em vốn không phải là một cá thể bị động luôn luôn chờ đợi sự trợ giúp của chúng ta, cũng không phải là một chiếc bình rỗng chờ đợi được lấp đầy. Mà ngược lại, không có trẻ em thì sẽ không có người lớn, không có trẻ em thì cũng chẳng có loài người.

 Chúng ta đã bàn luận rất nhiều về năng lực mang tính kiến thiết này của trẻ, và các nhà khoa học cũng đang dày công nghiên cứu về điều đó. Nhưng từ trước đến nay, chúng ta đều nhận định rằng yếu tố có quan hệ mật thiết nhất với vấn đề này chính là người mẹ. Người ta thường nói rằng, chính người mẹ đã nuôi nấng một đứa trẻ khôn lớn thành người, chính mẹ đã dạy trẻ biết đi, biết nói. Nhưng tất cả những hành vi nói trên đâu phải do người mẹ thực hiện, mà đó chính là thành tựu của bản thân trẻ. Mẹ chỉ là người đã sinh ra trẻ, còn quá trình khôn lớn trưởng thành là do trẻ đã tự mình thực hiện. Cho dù người mẹ có qua đời, trẻ vẫn sẽ tiếp tục lớn lên và hoàn tất quá trình trưởng thành của mình. Nếu đưa một đứa trẻ Ấn Độ sang Mỹ và để người Mỹ nuôi dạy nó, thì nó sẽ nói tiếng Anh chứ không phải tiếng Hindi. Sở dĩ như vậy là vì ngôn ngữ của một đứa trẻ không được hình thành bởi người mẹ, mà hình thành bởi việc học tập một cách tự giác của trẻ, cũng giống như cách trẻ lĩnh hội những thói quen và truyền thống từ những người xung quanh mình. Trẻ không thể thu được tất cả những điều đó thông qua di truyền. Trẻ đã tiếp thu tất cả từ môi trường sống quanh mình, để rồi dần dần khôn lớn thành người.

Thừa nhận những năng lực phi thường này của trẻ không có nghĩa là chúng tôi hạ thấp quyền năng của những bậc sinh thành. Một khi cha mẹ có thể tự thuyết phục bản thân từ bỏ “vai chính” trong quá trình này để đảm nhận vai trò của “diễn viên phụ”, thì họ sẽ càng thực hiện chức trách của mình tốt hơn. Xét một cách toàn diện thì lúc này sự giúp đỡ của cha mẹ sẽ càng có giá trị hơn. Nếu những sự trợ giúp này được đưa ra một cách thích hợp, trẻ sẽ trưởng thành lành mạnh. Bởi lẽ quyền năng của cha mẹ không đến từ những bộ mặt nghiêm nghị, mà đến từ việc cha mẹ có thể đưa tay ra giúp đỡ trẻ. Đó mới là quyền năng và phẩm giá chân chính của người làm cha mẹ.

Bây giờ chúng ta hãy thử nhìn nhận địa vị của trẻ trong xã hội từ một góc độ khác.

Lí luận chủ nghĩa Marx đã đề cao hình tượng người lao động, và đã trở thành một bộ phận trong đạo đức lương tri của xã hội hiện đại. Người lao động được coi là người đã tạo ra của cải vật chất, là lực lượng trụ cột sáng tạo ra xã hội văn minh. Xã hội đã dần dần nhận thức được giá trị kinh tế và lí luận của người lao động, và từ đó thỏa mãn những yêu cầu sinh hoạt và lao động của họ.

Hãy thử vận dụng lí luận này vào lĩnh vực của trẻ. Đứa trẻ cũng là một người lao động, mục đích lao động của trẻ là để khôn lớn trưởng thành. Cha mẹ là người cung cấp phương tiện tất yếu cho sự lao động sáng tạo của trẻ. Lúc này, vấn đề xã hội càng trở nên quan trọng hơn, bởi lẽ thành quả lao động của trẻ không phải là vật chất thông thường, mà là sự sáng tạo nhân cách cho không chỉ riêng một dân tộc, một giai cấp hay một tổ chức xã hội nào, mà là cho toàn thể nhân loại. Từ góc độ ấy, chúng ta có thể rút ra một kết luận rằng, xã hội cần phải quan tâm chăm sóc trẻ, thừa nhận quyền lợi của trẻ, thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Khi dành toàn bộ công sức vào nghiên cứu con người, chúng ta sẽ phát hiện ra chúng ta đang chạm vào nơi sâu kín nhất của nhân loại, thông qua nghiên cứu này, chúng ta có thể nắm được cách thức thay đổi vận mệnh. Khi nói giáo dục chính là một cuộc cách mạng, điều này có nghĩa là diện mạo của giáo dục hôm nay đã hoàn toàn đổi khác. Tôi thì coi đó là cuộc cách mạng sau cùng – không có bạo lực, không có đổ máu, bởi vì chỉ cần một chút máu đổ thôi cũng sẽ khiến công cuộc kiến thiết tâm hồn của trẻ bị vấy bẩn và lu mờ.

Thứ mà chúng ta cần phải bảo vệ chính là quá trình kiến thiết trạng thái bình thường của con người. Chẳng phải tất cả những nỗ lực mà chúng ta đã bỏ ra đều là để dọn sạch những chướng ngại, xóa bỏ mọi hiểm nguy và hiểu lầm trên con đường phát triển phía trước của trẻ hay sao?

Đó chính là giáo dục, với tư cách mang lại sự trợ giúp cho con người, giáo dục bắt đầu từ khi một con người vừa chào đời. Nó làm nên một cuộc cách mạng hòa bình, thu hút tất cả hướng tới một mục tiêu chung. Chính trẻ em cùng tiềm năng tâm hồn đầy bí ẩn của chúng sẽ tiến hành cuộc cách mạng này. Cha mẹ, cũng như các chính trị gia đều phải tôn trọng cũng như đưa ra sự trợ giúp cần thiết cho tiến trình này. Bởi đó chính là tia hi vọng cho loài người. Thứ mà nhân loại cần không chỉ là một cuộc tái thiết, mà là thúc đẩy công việc đầy tính kiến thiết này và đưa nó đến thành công. Nó có thể khai thác những tiềm năng to lớn của trẻ – thế hệ con cháu của chúng ta.

❁ Tiếp chương 3

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] nói đầu ❁ Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường […]

1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x