Trang chủ » Dân chủ và Giáo dục – John Dewey

Dân chủ và Giáo dục – John Dewey

by Hậu Học Văn
407 views
❁ Lời Nói Đầu & Chương 1. Giáo dục xét như là một tất yếu của Sự sống ❁ Chương 2. Giáo dục xét như là một chức năng của Xã hội ❁ Chương 3. Giáo dục xét như là điều khiển ❁ Chương 4. Giáo dục xét như là sự tăng trưởng ❁ Chương 5. Sự chuẩn bị, sự bộc lộ và phương pháp rèn luyện hình thức ❁ Chương 6. Nền giáo dục bảo thủ và nền giáo dục tiến bộ ❁ Chương 7. Khái niệm dân chủ trong giáo dục ❁ Chương 8. Mục tiêu trong giáo dục ❁ Chương 9. Sự phát triển tự nhiên và hiệu quả xã hội xét như là mục tiêu ❁ Chương 10. Hứng thú và Kỷ luật ❁ Chương 11. Kinh nghiệm và Tư duy ❁ Chương 12. Tư duy trong giáo dục ❁ Chương 13. Bản chất của phương pháp ❁ Chương 14. Bản chất của nội dung ❁ Chương 15. Giải trí và làm việc trong chương trình học của nhà trường ❁ Chương 16. Ý nghĩa của môn Địa lý và môn Lịch sử ❁ Chương 17. Khoa học trong chương trình học ❁ Chương 18. Giá trị của Giáo dục ❁ Chương 19. Lao động và nhàn hạ ❁ Chương 20. Môn học lý thuyết và môn học thực hành ❁ Chương 21. Các môn học tự nhiên và môn học xã hội: Thuyết duy tự nhiên và thuyết nhân văn ❁ Chương 22. Cá nhân và Thế giới ❁ Chương 23. Những khía cạnh nghề nghiệp của giáo dục ❁ Chương 24. Triết lý giáo dục ❁ Chương 25. Những lý luận về Nhận thức ❁ Chương 26. Những lý luận về Đạo đức ❁ Mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này là kết quả của một nỗ lực nhằm phát hiện và trình bày những quan niệm gắn liền với một xã hội dân chủ, và vận dụng các quan niệm đó vào những vấn đề của hoạt động giáo dục. Cuốn sách chỉ rõ những mục tiêu và phương pháp kiến tạo của nền giáo dục công lập xét từ quan điểm nói trên, và đưa ra đánh giá có tính phê phán các lý luận về nhận thức và sự phát triển đạo đức. Các lý luận đó đã được phát biểu trong những điều kiện xã hội trước đó song vẫn tiếp tục có hiệu lực trong những xã hội mang danh xưng dân chủ và cản trở việc thực hiện đầy đủ cái lý tưởng dân chủ. Như [nội dung] cuốn sách này sẽ dần dần bộc lộ, triết lý được trình bày ở đây gần sự trưởng thành của dân chủ với sự phát triển của phương pháp thực nghiệm trong các môn khoa học, các khái niệm về tiến hóa của khoa sinh học, và sự tái tổ chức lại nền công nghiệp, đồng thời chỉ ra những thay đổi trong nội dung và phương pháp của giáo dục do sự đòi hỏi của những phát triển đó.

Tôi chân thành cảm ơn Tiến sĩ Goodsell của Đại học Columbia vì những ý kiến phê bình; Giáo sư Kilpatrick cũng thuộc Đại học Columbia vì những ý kiến phê bình vì những góp ý liên quan đến trình tự các chủ đề, tôi đã được phép tùy ý sử dụng những góp ý đó của ông; cảm ơn cô Elsie Ripley Clapp vì rất nhiều ý kiến phê bình và góp ý. Ngoài ra, hai người mà tôi kể tên đầu tiên còn vui lòng đọc bản in thử. Tôi cũng vô cùng cảm ơn rất nhiều sinh viên thuộc các khóa học kéo dài liên tục trong nhiều năm mà tôi chẳng thể kể ra hết.
J.D.
Đại học Columbia, tháng Tám năm 1915

❁ ❁ ❁

Chương I. Giáo dục xét như là một tất yếu của Sự sống

❁ ❁ ❁

1. Sự sống được khôi phục bằng việc truyền dạy.

Khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa sinh vật và vật vô tri vô giác là ở chỗ, sinh vật tồn tại bằng việc tự khôi phục. Nếu một hòn đá bị một lực va đập, nó kháng cự. Nếu sự kháng cự mạnh hơn lực của cú đập, hòn đá sẽ giữ nguyên hình dạng bên ngoài. Nếu ngược lại, hòn đá sẽ bị vỡ ra thành nhiều mảnh. Nhưng bất luận thế nào, hòn đá không thể chủ động chọn cách tự vệ để giữ nguyên hình dạng khi bị va đập, nó lại càng không thể lợi dụng cú va đập đó để góp phần vào hành động duy trì sự tồn tại của nó. So với vật vô tri vô giác, sinh vật dễ bị tiêu diệt nếu nó gặp phải lực tác động mạnh hơn nó, song sinh vật lại biết lợi dụng sức mạnh của lực tác động ấy để giúp nó tiếp tục tồn tại. Nếu sinh vật không làm được điều nói trên, nó không những bị vỡ ra thành những mảnh nhỏ (ít nhất, điều này đúng đối với những sinh vật bậc cao), mà lúc đó nó không còn được gọi là một sinh vật sống nữa.

Chừng nào sinh vật còn tồn tại, chừng đó nó vẫn tìm cách sử dụng năng lượng của môi trường xung quanh để phục vụ lợi ích của chính nó. Sinh vật sử dụng ánh sáng, không khí, độ ẩm và chất liệu của đất. Sử dụng năng lượng của môi trường xung quanh nghĩa là biến năng lượng đó thành phương tiện để tự bảo tồn. Nếu trong quá trình đó, sinh vật bỏ ra năng lượng ít hơn so với lợi ích mà nó thu được, thì nghĩa là sinh vật đó đang tăng trưởng lên. Nếu hiểu chữ “kiểm soát” theo nghĩa trên, chúng ta có thể nói rằng con người là một sinh vật biết cách chinh phục và kiểm soát các năng lượng để phục vụ cho sự tồn tại liên tục của nó, mà nếu không thế con người sẽ bị các năng lượng đó tiêu diệt. Sự sống là một tiến trình tự khôi phục nhờ việc tác động tới môi trường.

Ở tất cả những sinh vật bậc cao, quá trình nói trên không thể kéo dài vĩnh viễn. Sau một thời gian nhất định, sinh vật chịu thua; chúng chết.

Loài vật không có đủ khả năng để duy trì mãi mãi quá trình tự khôi phục. Nhưng, tính liên tục của tiến trình sự sống không phụ thuộc vào việc kéo dài sự tồn tại của bất kỳ một cá thể nào. Sự tái tạo của các dạng khác của sự sống vẫn cứ tiếp diễn liên tục. Theo các số liệu địa chất, không chỉ các cá thể mới bị chết đi sau một quãng thời gian tồn tại, mà cả những giống sinh vật cũng bị tuyệt chủng, thế nhưng tiến trình sự sống vẫn tiếp diễn trong dạng ngày càng phức tạp hơn. Trong khi một số giống nào đó bị tuyệt chủng, thì lại có dạng sinh vật khác xuất hiện, chúng thích nghi hơn với môi trường xung quanh và biết cách lợi dụng những bất lợi của môi trường thay vì chống chọi vô vọng. Tính liên tục của sự sống là quá trình liên tục tái thích nghi với môi trường vì những nhu cầu của sinh vật sống.

Chúng ta đang nói tới sự sống theo ý nghĩa tầm thường nhất của từ đó: một sự vật cụ thể. Nhưng chúng ta dùng từ “Sự sống” để chỉ toàn bộ phạm vi của kinh nghiệm, [kinh nghiệm] cá nhân lẫn [kinh nghiệm] chủng tộc. Khi chúng ta thấy một cuốn sách có nhan đề Cuộc đời của Lincoln, chúng ta không chờ đợi tìm thấy trong chủ đề của nó một chuyên luận về sinh lý học. [Trái lại], chúng ta đi tìm trong đó một nghiên cứu về lai lịch xã hội; một mô tả VỀ môi trường sống thời thơ ấu, về hoàn cảnh và nghề nghiệp của dòng họ; về những tình tiết chính liên quan đến sự phát triển tính cách; về những tranh đấu và thành tích nổi bật; về những hi vọng, sở thích, niềm vui và khổ đau của cá nhân. Theo cách hệt như vậy, chúng ta nói tới sự sống của một bộ lạc dã man, về người dân thành Athens, về dân tộc Mỹ. [Như vậy], “sự sống” bao hàm phong tục tập quán, các thiết chế, niềm tin, thắng lợi và thất bại, giải trí và các nghề nghiệp.

Chúng ta sử dụng từ “kinh nghiệm” với cùng hàm nghĩa phong phú như đối với từ “sự sống”. Nếu chỉ giới hạn hai chữ nói trên vào nghĩa sinh lý học đơn thuần, thì nguyên lý về tính liên tục của sự sống nhờ vào quá trình tự khôi phục, tỏ ra là thích hợp. Trong trường hợp của con người, sự khôi phục của tồn tại về thể xác còn kéo theo sự tái tạo lại niềm tin, lý tưởng, hi vọng, hạnh phúc, bất hạnh và thói quen. Hiểu theo nghĩa đen, mọi kinh nghiệm chỉ tiếp tục được duy trì nhờ vào quá trình tự khôi phục của nhóm xã hội.

Giáo dục, theo nghĩa rộng nhất, là phương tiện duy trì tính liên tục trên về mặt xã hội. Bất cứ ai nằm trong một xã hội, dù là một thành phố hiện đại hay một bộ lạc dã man, khi sinh ra đều non nớt, cần sự giúp đỡ của người khác, chưa biết sử dụng ngôn ngữ, chưa có niềm tin, quan điểm, hoặc các chuẩn mực xã hội. MỖI cá nhân, mỗi thành viên – với tư cách là người duy trì sự sống – kinh nghiệm của cộng đồng của anh ta, sẽ phải từ giã cõi đời vào một lúc nào đó. Thế nhưng, sự sống của cộng đồng đó vẫn tiếp tục tồn tại.

Bởi vì không một thành viên nào của một nhóm xã hội thoát khỏi quy luật tự nhiên là sinh ra và chết đi, cho nên giáo dục lại càng là điều tất yếu. Một mặt, trong bất kỳ cộng đồng nào cũng vậy, có sự tương phản giữa tính non nớt của các thành viên mới ra đời – những đại diện tương lai và duy nhất của cộng đồng – và tính trưởng thành của người lớn là những người đang nắm giữ sự hiểu biết và phong tục tập quán của cộng đồng ấy. Mặt khác, những đứa trẻ đó tất yếu phải được dạy để làm quen với những mối hứng thú, mục đích, thông tin, kỹ năng và tập quán của các thành viên trưởng thành, chứ không chỉ đơn thuần được duy trì về mặt thể xác theo số lượng, bởi nếu không làm thế: cộng đồng đó sẽ chấm dứt sự sống đặc trưng của nó.

Ngay tại một bộ lạc dã man, trẻ em cũng không bao giờ làm được những công việc của người lớn nếu chúng bị bỏ mặc. Nền văn minh càng phát triển, khoảng cách giữa năng lực ban đầu của trẻ em và chuẩn mực cùng tập quán của người lớn sẽ ngày càng rộng ra. Sẽ không đủ để tái tạo đời sống của cộng đồng nếu trẻ em của cộng đồng ấy chỉ đơn thuần lớn lên về mặt thể xác, nếu trẻ em của cộng đồng ấy chỉ đơn thuần học những kỹ năng tối thiểu để tồn tại. Cần có thêm cả nỗ lực đầy chủ tâm và sự động não vất vả nữa. [Do đó], bắt buộc phải làm cho trẻ em nhận thức và thực sự có hứng thú tới những mục đích và quy tắc ứng xử của cộng đồng, bởi khi sinh ra, chúng không những không có khái niệm gì, hơn nữa chúng còn hoàn toàn dửng dưng với những điều đó. Giáo dục, và chỉ có giáo dục, mới lấp được khoảng trống ấy.

Sự sống sinh vật tồn tại nhờ vào di truyền hệt như đời sống xã hội nhờ vào một tiến trình truyền dạy. Tiến trình truyền dạy này diễn ra thông qua việc người lớn tuổi hơn truyền đạt cho người trẻ tuổi những tập quán làm việc, suy nghĩ và bày tỏ tình cảm. Nếu không có việc truyền đạt những lý tưởng, hi vọng, kỳ vọng, tiêu chuẩn, quan điểm từ những người đã từng trải qua cuộc sống cộng đồng cho những người đang bước vào cuộc sống ấy, thì đời sống xã hội sẽ không thể tiếp tục duy trì. Trong một xã hội, các thành viên đang sống có thể dạy các thành viên ra đời sau họ, song việc làm đó xuất phát từ lợi ích cá nhân, hơn là xuất phát từ nhu cầu xã hội. Giờ đây việc dạy đó phải là một công việc bắt buộc.

Giả sử, một bệnh dịch đột nhiên cướp đi sinh mạng các thành viên của một cộng đồng, hiển nhiên toàn bộ nhóm người đó sẽ vĩnh viễn không còn. Song, giả sử các thành viên trong cộng đồng đó lần lượt chết đi, thì về hiện tượng mà nói, điều đó chẳng khác gì trường hợp họ đột nhiên chết vì một bệnh dịch. Tuy nhiên, các thành viên của cộng đồng đó không sinh ra cùng một lúc; có người sinh ra nhưng đồng thời cũng có người chết đi, điều đó giúp duy trì liên tục cơ cấu của xã hội thông qua tiến trình truyền dạy những hiểu biết và kinh nghiệm.

Song, quá trình khôi phục này không xảy ra một cách tự động. Nếu không có nỗ lực sao cho việc truyền dạy phải là thực chất và được duy trì liên tục, thì ngay cả cộng đồng văn minh nhất cũng chắc chắn bị quay trở lại tình trạng dã man và nguyên thủy. Trên thực tế, nếu trẻ em bị bỏ mặc để phát triển tự phát mà không có sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác, chúng không thể học được những khả năng sơ đẳng để tồn tại về mặt thể xác. Về phương diện này, trẻ em thua xa những con thú mới đẻ của rất nhiều động vật bậc thấp, bởi vì trẻ em không thể học được những khả năng để tự tồn tại mà không có sự hướng dẫn của người khác. Đấy mới là nói đến sự tồn tại về mặt sinh học, vậy sẽ khó khăn thế nào nếu nói đến toàn bộ thành tựu công nghệ, nghệ thuật, khoa học và đạo đức của nhân loại!

2. Giáo dục và truyền đạt.

Rõ ràng việc dạy và học là điều tất yếu, nếu không, một xã hội sẽ không thể tồn tại, vì thế tưởng như chúng ta không cần dừng lại quá lâu ở điều hiển nhiên ấy. Tuy nhiên, chúng ta lại có lý do để nhấn mạnh điều đó, bởi đó là cách để chúng ta thoát khỏi một quan niệm mang tính hình thức và kinh viện thái quá về giáo dục. Quả thực, nhà trường là một phương pháp truyền đạt quan trọng để hình thành nhân cách của trẻ em; nhưng nhà trường cũng chỉ là một phương tiện, và, so với các môi trường học tập khác, nó là một phương tiện tương đối hời hợt. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được rằng, ngoài nhà trường ra, còn có những phương thức học tập khác – chúng có tính cơ bản và diễn ra liên tục hơn – khi đó chúng ta mới có thể đánh giá đúng vai trò của các phương thức học tập thông qua nhà trường.

Xã hội không chỉ tiếp tục tồn tại nhờ vào tiến trình truyền dạy, nhờ vào sự truyền đạt; mà hoàn toàn có thể nói rằng xã hội quả đang tồn tại trong tiến trình truyền dạy, trong sự truyền đạt. Các từ “common” (chung) “community” (cộng đồng) và “communication” (sự truyền đạt) không chỉ có liên hệ với nhau đơn thuần ở chữ “common”. Con người sống trong một cộng đồng bởi họ chia sẻ những điều chung; và truyền đạt là con đường đưa họ chiếm lĩnh những điều chung đó. Những gì họ phải có “chung” để hình thành nên một cộng đồng hay xã hội, đó là: các mục tiêu, niềm tin, khát vọng, tri thức – một cách hiểu chung – một sự đồng cảm, “đồng điệu”, theo cách gọi của các nhà xã hội học.

Song, những điều chung ấy không thể được truyền từ người này sang người khác theo một con đường hữu hình, như những viên gạch chẳng hạn; cũng không thể chia đều chúng cho mọi người như chia nhỏ một cái bánh thành những miếng có thể nhìn thấy. Sự truyền đạt nào đảm bảo sự tham dự vào một cách hiểu chung là sự truyền đạt giữ vững được những khuynh hướng tình cảm và trí tuệ – tức những phương cách phản ứng giống nhau trước những kỳ vọng và đòi hỏi.

Một xã hội chưa hẳn là một tập hợp số đông những con người sống gần gũi nhau về mặt không gian, và một người, nếu bị cô lập với những người khác, dù với khoảng cách tính bằng centimet hay kilomet, lập tức sẽ không còn chịu tác động của xã hội ấy nữa. Đôi khi, một cuốn sách hoặc một bức thư có thể tạo ra một mối liên hệ gắn bó giữa những người sống cách xa nhau hàng ngàn cây số, hơn là những người cùng sống dưới cùng một mái nhà. Thậm chí, ngay cả khi các cá nhân cùng làm việc vì một mục đích chung nào đó, họ vẫn không tạo thành một nhóm xã hội. [Giống như thể] các bộ phận của một cỗ máy, dù cố phối hợp tuyệt đối nhịp nhàng vì một mục đích chung, họ vẫn không làm thành một cộng đồng.

Thế nhưng, giả dụ như họ nhận thức được mục đích chung đó, suy nghĩ về mục đích chung để điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp, thì khi đó họ làm thành một cộng đồng. Nhưng để cho tất cả những điều nói trên xảy ra, bắt buộc phải có sự truyền đạt. Mỗi người phải nắm được ý định của những người khác và phải biết kịp thời thông báo cho người khác nắm được mục đích và tiến bộ của mình. Như vậy, sự đồng thuận đòi hỏi phải có sự truyền đạt.

Do đó, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, ngay cả bên trong nhóm xã hội gắn bó nhất vẫn tồn tại nhiều mối quan hệ chưa phải mang tính xã hội. Bên trong bất kỳ nhóm xã hội nào, vẫn có rất nhiều mối quan hệ con người giống như các bộ phận của một cỗ máy. Các cá nhân lợi dụng lẫn nhau để đạt được mục đích cá nhân và không hề quan tâm đến thiên hướng tình cảm và trí tuệ cũng như sự đồng thuận của người bị lợi dụng, với tính chất như thế, sự lợi dụng biểu lộ rõ sự chênh lệch về khả năng thể chất, địa vị, năng lực, khả năng chuyên môn, kỹ năng sử dụng công cụ, máy móc và tiền bạc giữa các cá nhân.

Chừng nào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò, chủ và người làm thuê, người cai trị và người bị trị, vẫn dừng lại ở trình độ của một cỗ máy, chừng đó họ không thể hình thành một nhóm xã hội đích thực, bất kể công việc của người này liên quan mật thiết tới công việc của người kia như thế nào. Ra lệnh và tuân lệnh có thể làm thay đổi hành động và kết quả hành động, thế nhưng, tự nó không thể tạo ra sự chia sẻ mục đích, sự trao đổi mối hứng thú.

Đời sống xã hội không chỉ đồng nhất với truyền đạt; mà mọi sự truyền đạt (và do đó, mọi đời sống xã hội đích thực) đều mang tính giáo dục. Để tham gia vào một quá trình truyền đạt, con người phải mở rộng và thay đổi kinh nghiệm bản thân. Khi chúng ta hiểu được ý nghĩ và tình cảm của người khác, chúng ta, dù ít hay nhiều, đều thay đổi thái độ của bản thân. Nhưng bản thân người truyền đạt cũng không tránh khỏi bị tác động. Hãy thử làm một thí nghiệm sau đây: bạn hãy kể lại một kinh nghiệm nào đó cho một người khác, một cách đầy đủ và chính xác, nhất là khi chủ đề lại hơi phức tạp, bạn sẽ thấy mình phải thay đổi cách nhìn đối với kinh nghiệm mà bạn đang chia sẻ; nếu không thế, bạn sẽ không thể diễn đạt trôi chảy. Bạn phải hệ thống hóa điều bạn định nói, trước khi truyền đạt cho người khác.

Nhưng muốn hệ thống hóa, bạn phải thoát ra khỏi kinh nghiệm ấy, quan sát nó như thể bạn là một người khác, cố gắng tìm ra những điểm tương đồng giữa mình và người đang được truyền đạt, để sao cho cách truyền đạt không quá khó hiểu đối với người nghe. Trừ những trường hợp giao tiếp thông thường trong cuộc sống hằng ngày hoặc những câu nói mà ai cũng có thể hiểu dễ dàng, khi chúng ta muốn kể cho người khác một điều gì đấy, nếu như không muốn kể lại một cách ngớ ngẩn, chúng ta buộc phải hình dung mình đang ở vị trí của người đó. Truyền đạt, dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều giống như làm nghệ thuật.

Như vậy, hoàn toàn có thể nói rằng, xã hội, dù dưới bất kỳ hình thái nào, nếu nó muốn tồn tại một cách thực sự sống động như là xã hội hoặc nó được chia sẻ một cách sống động, thì xã hội đó phải có chức năng giáo dục các thành viên của nó. Chỉ khi nào một xã hội trở thành vật được đúc từ khuôn và tồn tại theo một phương thức bất di bất dịch, khi đó nó mới mất năng lực giáo dục.

Vậy thì xét cho cùng, không chỉ đời sống xã hội cần đến việc dạy và học để tồn tại lâu bền, mà bản thân quá trình các thành viên sống chung với nhau trong một xã hội đã là sự học tập rồi. Quá trình ấy sẽ mở rộng và soi sáng kinh nghiệm; nó kích thích và làm giàu óc tưởng tượng; nó tạo ra ý thức trách nhiệm về sự chính xác và sống động của lời nói và suy nghĩ. Một người sống cô độc (cô độc tinh thần cũng như cô độc về thể xác) sẽ có ít hoặc không có cơ hội để đúc rút kinh nghiệm. Bởi vì người lớn và trẻ em khác nhau về thành tựu, nên giáo dục mới là điều tất yếu, mặt khác, vì dạy học là điều tất yếu, nên người ta đã được khuyến khích rất nhiều rằng phải đơn giản hóa kiến thức thành dạng để trẻ em dễ hiểu nhất, và do đó dễ sử dụng nhất.

3. Vị trí của giáo dục nhà trường.

Như vậy, có sự khác biệt rõ rệt giữa hai phương thức giáo dục: giáo dục diễn ra trong quá trình con người sống chung với nhau – không một ai thoát khỏi quá trình giáo dục này, chừng nào người đó sống thực sự chứ không phải chỉ tồn tại đơn thuần về mặt sinh học; [và] giáo dục có chủ đích dành cho trẻ em. Ở trường hợp thứ nhất, giáo dục mang tính chất ngẫu nhiên; tuy nó diễn ra một cách tự nhiên và có vai trò quan trọng, nhưng việc giáo dục đó không phải là lý do rõ ràng của cộng đồng.

Có thể nói không phóng đại rằng, giá trị của mọi thiết chế xã hội, kinh tế, gia đình, chính trị, luật pháp, tôn giáo, có thể được đánh giá bằng điều sau đây: chúng có góp phần mở rộng và hoàn thiện kinh nghiệm của con người hay không; song, kết quả này lại không nằm trong động cơ được đề ra từ ban đầu, bởi vì mọi thiết chế đều được hình thành với mục đích rất hạn hẹp và để đáp ứng nhu cầu trước mắt.

Chẳng hạn, các thiết chế tôn giáo ra đời từ mục đích chiến thắng ma quỷ và tự vệ trước cái ác; gia đình thì ra đời từ mong muốn thỏa mãn dục vọng xác thịt và đồng thời duy trì dòng dõi; lao động có tổ chức hầu như xuất phát từ sự nô dịch lẫn nhau của con người v.v… Dần dần, người ta mới nhận ra sản phẩm phụ do các thiết chế đó tạo ra; người ta mới nhận ra tác động của các thiết chế đó tới tính chất và quy mô của đời sống hữu thức. Và với một tốc độ chậm hơn nữa, người ta mới coi tác động đó như là một nhân tố chi phối cách thức quản lý thiết chế [của con người].

Ngay cả ngày hôm nay, đúng là nền công nghiệp của chúng ta [nước Mỹ] đã tạo ra những giá trị nhất định như tính cần cù và tiết kiệm, nhưng chúng ta coi nhẹ tác động về tình cảm và trí tuệ của nền sản xuất toàn cầu tới các hình thức liên kết con người, mà chú trọng nhiều hơn tới “đầu ra” vật chất.

Nhưng, trong quan hệ với trẻ em, bản thân mối liên kết xã hội xét như một sự kiện trực tiếp của mối quan hệ nhân loại lại có tầm quan trọng. Khi tiếp xúc với trẻ em, chúng ta dễ coi nhẹ tác động của các hành động của chúng ta đối với nhân cách của trẻ, nghĩa là chúng ta coi trọng kết quả có tính bề ngoài và có thể nhìn thấy được, hơn là hiệu quả giáo dục; nhưng đối với người lớn, chúng ta không dễ coi nhẹ như vậy.

Đối với trẻ em, rèn luyện là nhu cầu hiển nhiên; nhu cầu rèn luyện là cấp bách – nghĩa là cần phải thực hiện bằng được một thay đổi về thái độ và thói quen, bởi thế không thể hoàn toàn bỏ qua những hệ quả của việc rèn luyện ấy. Bởi vì mục đích chính của chúng ta khi tiếp xúc với trẻ em là dạy chúng cách tham gia vào một cuộc sống chung, vì thế bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ xem liệu chúng ta có rèn luyện được hay không những năng lực mà thiếu chúng trẻ em không thể tham gia vào một cuộc sống chung. Nếu như nhân loại hiểu rằng, giá trị nền tảng của mọi thiết chế chính là tác dụng riêng của nó đối với con người – nghĩa là tác động của nó tới kinh nghiệm hữu thức – thì chúng ta hoàn toàn có thể cho rằng, có thể thấy hầu như rất rõ bài học đó khi chúng ta làm việc với trẻ em.

Như vậy, bên trong tiến trình giáo dục, hiểu theo nghĩa bao trùm mà chúng ta đang nói tới, ta đi đến chỗ phân biệt một kiểu giáo dục chính thức hơn – nghĩa là, giáo dục được thực hiện trực tiếp bởi người thầy hoặc thông qua nhà trường. Trong những nhóm xã hội lạc hậu, chúng ta thấy rất ít sự dạy học và huấn luyện chính thức. Để dạy cho trẻ em cách ứng xử cần thiết, bộ lạc dã man chủ yếu dựa vào chính [kiểu] liên kết đã từng duy trì sự trung thành của người lớn đối với cộng đồng. Họ không có các phương tiện, tài liệu hoặc các cơ sở được sử dụng riêng cho việc dạy học, ngoại trừ liên quan tới các nghi lễ tiếp nhận thành viên trưởng thành của bộ lạc.

Trẻ em chủ yếu học các thói quen của người lớn, học cách biểu lộ tình cảm và các quan điểm có sẵn của người lớn bằng cách tham gia vào công việc mà người lớn đang làm. Quá trình tham gia này phần nào diễn ra trực tiếp, nghĩa là trẻ em quan sát và bắt chước người lớn làm các công việc của mình và như vậy chúng làm việc với tư cách người học việc; nhưng mặt khác, quá trình này lại diễn ra gián tiếp, nghĩa là, trẻ em [diễn lại] những việc làm của người lớn và như vậy chúng học được cách phải làm như thế nào. Đối với các bộ lạc dã man, sẽ là ngược đời khi phải đi tìm một địa điểm mà ở nơi đó chỉ diễn ra một hoạt động duy nhất: học tập.

Nhưng khi nền văn minh càng phát triển, khoảng cách giữa năng lực của trẻ em và các mối quan tâm của người lớn ngày càng bị nới rộng. Khi đó, đối với trẻ em, học bằng cách quan sát và bắt chước ngày càng trở nên khó thực hiện hơn, đặc biệt đối với những nghề nghiệp phức tạp. Phần lớn những gì người lớn làm đều không thể quan sát trực tiếp bằng mắt và trừu tượng hơn, vì thế bắt chước ngày càng trở nên không còn thích hợp nữa, bởi bằng cách đó, trẻ em khó lòng làm đúng được như người lớn. Như thế, khả năng tham gia vào các công việc của người lớn có hiệu quả hay không, phụ thuộc vào việc trẻ em được huấn luyện trước cho mục đích ấy. Để làm việc đó, con người đã nghĩ ra những phương tiện được dùng vào mục đích dạy – đó là trường học, và vật liệu dùng để dạy – đó là các môn học. Công việc dạy được giao hẳn cho một nhóm người chuyên trách.

Trong một xã hội được tổ chức cao, nếu không có hệ thống giáo dục chính thức, con người không thể truyền bá mọi tri thức và thành tựu. Nhờ có giáo dục chính thức, trẻ em có cơ hội tiếp cận một kiểu kinh nghiệm mà chúng không thể có được nếu chúng bị bỏ mặc với việc học tập ngẫu nhiên qua mối liên kết không chính thức với những người khác, bởi vì nhờ có giáo dục chính thức, trẻ em chiếm lĩnh được tri thức dưới dạng sách vở và các biểu trưng.

Song, khi chuyển từ giáo dục bên ngoài nhà trường sang giáo dục nhà trường, có những nguy cơ đáng chú ý. Ở phương thức giáo dục bên ngoài nhà trường, dù học tập bằng quan sát và bắt chước, thì ít nhất hành động đó cũng có tác dụng trực tiếp và có ý nghĩa sống còn đối với người học. Ở một mức độ nào đó, những ưu điểm này đã bù đắp cho việc người học không có nhiều cơ hội học tập. Kiến thức của giáo dục nhà trường, trái lại, dễ trở thành viển vông và khô cứng – trừu tượng và lý thuyết suông, ấy là nói một cách thông thường và giảm nhẹ. Ở những xã hội chưa phát triển, ít ra tri thức tích lũy còn được đem ra sử dụng trong thực tiễn; tri thức được chuyển hóa vào trong tính cách; nó chỉ tồn tại trong chừng mực ý nghĩa của nó phù hợp với các mối hứng thú cấp thiết hằng ngày.

Nhưng, trong một nền văn minh phát triển, phần lớn những điều cần phải học lại được lưu giữ dưới dạng các biểu trưng. Khi đó, rất khó tìm thấy mối liên hệ tương ứng giữa kiến thức, việc làm và những đồ vật quen thuộc. Với tính chất như vậy, chất liệu có tính khá chuyên môn và hời hợt. Nếu lấy tiêu chuẩn bình thường của thực tế để đánh giá, thì kiến thức đó là có tính giả tạo. Bởi khi đánh giá như vậy, chúng ta đã gắn kiến thức với những vấn đề thực tiễn. Thế nhưng, kiến thức đó lại tồn tại trong một thế giới riêng, không thể hiểu được bằng tập quán suy nghĩ và cách biểu đạt thông thường.

Vì vậy, luôn tồn tại nguy cơ rằng, giáo dục chính thức tại nhà trường sẽ sử dụng chất liệu có nội dung tách rời khỏi nội dung của sự sống-kinh nghiệm. Nhà trường chắc chắn không nhận ra các mối hứng thú lâu dài của xã hội. Kiến thức không được chuyển hóa vào cơ cấu của đời sống xã hội, mà chúng hầu như vẫn chỉ là kiến thức chuyên môn được trình bày bằng các biểu trưng, được đề cao tại các nhà trường. Như vậy, chúng ta bắt đầu đề cập giáo dục theo cách hiểu có tính tập quán: cách hiểu này bỏ qua tính tất yếu xã hội của giáo dục, bỏ qua tính đồng nhất giữa giáo dục và mọi sự liên kết con người tác động tới đời sống hữu thức, và cách hiểu ấy đã coi giáo dục như là việc truyền bá những vấn đề tách rời khỏi đời sống và truyền đạt kiến thức thông qua các tín hiệu lời nói: học để biết đọc, biết viết.

Vì thế, một trong những vấn đề lớn nhất của triết lý giáo dục là phải tìm ra cách duy trì sự cân bằng giữa giáo dục không chính thức và giáo dục chính thức – tức là giữa phương thức giáo dục mang tính ngẫu nhiên và phương thức giáo dục có chủ đích rõ ràng. Khi việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng chuyên môn không tác động tới việc hình thành một khuynh hướng tính cách phù hợp với xã hội, thì khi đó kinh nghiệm gắn với đời sống thông thường sẽ không được làm phong phú thêm về ý nghĩa, trong khi đó nhà trường, trong chừng mực cho phép, chỉ tạo ra những “chuyên gia” – nghĩa là những nhà chuyên môn tự coi mình là giỏi nhất.

Giáo dục trẻ em mắc phải khó khăn về nhận thức đang gặp một khó khăn ngày càng lớn sau đây: làm sao tránh được sự phân rẽ giữa sự hiểu biết hữu thức bởi chúng ta biết rằng mình đã chủ động học được điều hiểu biết ấy dựa vào một quá trình học tập cụ thể, và sự hiểu biết ngẫu nhiên bởi chúng ta hấp thu nó để hình thành nên tính cách của mình trong quá trình giao tiếp với người khác.

Tóm lại

Sự sống, tự bản chất, là nỗ lực không ngừng để tiếp tục tồn tại. Bởi vì sự tồn tại này chỉ có thể được đảm bảo nhờ vào sự liên tục khôi phục, vì thế sự sống là một quá trình liên tục tự khôi phục. Dinh dưỡng và sinh sản quan trọng như thế nào với sự sinh tồn của động vật, thì giáo dục quan trọng như thế đối với đời sống xã hội. Sự giáo dục này trước hết cốt ở tiến trình truyền dạy dựa vào truyền đạt. Truyền đạt là một quá trình chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên cho đến khi cả hai bên cùng lĩnh hội được kinh nghiệm chung. Quá trình truyền đạt ấy sẽ làm thay đổi thái độ ứng xử của cả hai bên tham gia. Khi làm việc với trẻ em, chúng ta dễ nhận ra nhất một điều này: ý nghĩa cuối cùng của mọi phương thức liên kết của con người nằm ở sự đóng góp của nó vào việc cải thiện đặc tính của kinh nghiệm.

Nghĩa là, mặc dù trên thực tế mọi hình thái xã hội đều mang tính giáo dục, nhưng hiệu quả có tính giáo dục trước hết phải trở thành một phần quan trọng của mục đích liên kết giữa người lớn và trẻ em. Khi xã hội càng được tổ chức cao và giàu có, nó càng cần đến giáo dục chính thức, tức là dạy và học một cách có chủ đích. Cùng với sự phát triển về quy mô của giáo dục và đào tạo chính thức, sẽ xuất hiện một nguy cơ sau đây: hệ thống giáo dục đó sẽ vô tình tạo ra một sự tách rời giữa kinh nghiệm có được trong các mối liên kết trực tiếp hơn và kiến thức học được tại nhà trường. Ngày nay nguy cơ đó lại càng lớn hơn bao giờ hết, bởi tri thức và các phương thức của kỹ năng chuyên môn đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trong vòng vài thế kỷ qua.

❁ ❁ ❁

Phạm Anh Tuấn dịch
Bản tiếng Việt © 2008 NXB Tri thức 

Nguồn ebook: http://downloadsach.com/

Ảnh: Joanna Kosinska on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

2 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] như vậy (làm thành giáo dục gián tiếp và ngẫu nhiên mà chúng ta đã đề cập [tại Chương 1]) gần như là ảnh hưởng duy nhất nhằm dạy cho trẻ em những kinh nghiệm và […]

Duc Hau

><


2
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x