Trang chủ » Sức thẩm thấu của Tâm Hồn – Maria Montessori

Sức thẩm thấu của Tâm Hồn – Maria Montessori

by Hậu Học Văn
569 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Sức thẩm thấu của tâm hồn là cuốn sách được yêu thích nhất của Maria Montessori, đồng thời thể hiện rõ nét nhất tư tưởng giáo dục có ý nghĩa cải cách của bà. Cuốn sách liên tục được tái bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới, cho thấy tiếng nói của bà trong các cuộc luận bàn liên quan đến giáo dục và tiềm năng của con người đã nhận được sự coi trọng của toàn thế giới. Những nghiên cứu của Montessori về sự phát triển của trẻ và giáo dục truyền thống có giá trị to lớn đối với các bậc phụ huynh, các nhà công tác giáo dục, chuyên gia tâm lí và tất cả những người nghiên cứu về trẻ em và xã hội.

Cuốn sách này được biên soạn dựa trên những tư liệu bằng tiếng Italy của Montessori khi bà giảng dạy tại Ahmedabad (Ấn Độ) – nơi bà sinh sống trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuốn sách Sức thẩm thấu của tâm hồn thể hiện tư tưởng giáo dục thời kì sau của Maria Montessori. Trong thời kì này, bà đã dự đoán được những lí luận về trẻ em của mình sẽ được toàn thế giới quan tâm. Điều khiến người ta ngạc nhiên là những tư tưởng của Montessori vượt xa những đồng nghiệp trong giới tâm lí học và giáo dục cùng thời với bà. Ví dụ, “giáo dục không phải là giáo viên làm gì, mà là kết quả của sự phát triển tự thân và tự nhiên của con người. Giáo dục không có được thông qua việc nghe giảng, mà có được thông qua việc trẻ tích lũy kinh nghiệm trong môi trường đặc biệt.”

Lí luận nói trên có thể coi là căn cứ lí luận của các nhà giáo dục theo chủ nghĩa kết cấu – những người đang có ảnh hưởng sâu rộng đến giáo dục ngày nay. Sức ảnh hưởng của Montessori cũng tương tự như vậy, giáo dục chủ nghĩa kết cấu đã có ảnh hưởng to lớn đến giáo dục trước tuổi đến trường, hơn nữa hiện nay đã bắt đầu có tác động rất lớn đến giáo dục tiểu học. Giáo dục trung học – dưới ảnh hưởng của lí luận này – có từ bỏ phương thức giáo dục coi nội dung là trung tâm, bài trừ việc hướng dẫn, không coi trọng sự khác biệt hay không thì còn đang được tiếp tục theo dõi.

Nếu có lí luận nào gần với hạt nhân lí luận của Montessori hơn lí luận “quan tâm đến trẻ và hành vi của trẻ” thì đó chính là “tư tưởng giáo dục phải bắt kịp với thời đại” của bà. Các nhà công tác giáo dục trong các hoạt động như xây dựng giáo trình thì chỉ quan tâm tới bản thân giáo trình, và trong thi cử chỉ chú ý tới mục đích có được thành tích tốt mà coi nhẹ trình độ phát triển của cá nhân trẻ. Khi đọc những tài liệu có liên quan đến cải cách giáo dục, bạn sẽ phát hiện ra rằng, trong việc chuẩn hóa các kì thi thì “thành tích xuất sắc“ đã trở thành mục đích duy nhất của giáo dục. Montessori nói: “Giáo dục không nên dừng lại ở giáo trình và thời khóa biểu, giáo dục phải phù hợp với nhu cầu thực tế của bản thân con người.”

Việc xuất bản cuốn sách của Mark Bernstein: Thời kì phát triển mấu chốt – quan điểm liên ngành đã một lần nữa chứng minh quan điểm mà Montessori luôn kiên trì cho đến nay đã được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà xã hội học.

 Dan Robbins thuộc Đại học California cũng viết một số tài liệu liên quan đến thời kì học ngôn ngữ quan trọng của trẻ. Ông cho rằng tính phức tạp của quá trình học ngôn ngữ khiến giả thiết “bộ não của trẻ tiến hành công việc dựa vào một phương thức đã được định trước, căn cứ vào đặc điểm kết cấu ngôn ngữ con người” trở nên có vẻ đúng nhưng thật ra là sai. Ông tiến tới nhận định rằng, những bằng chứng gián tiếp của quá trình này bắt nguồn từ thực tế “thời kì quan trọng trong quá trình học ngôn ngữ của con người dường như được quyết định bởi đặc tính sinh vật”.

Một chủ đề lớn trong cuốn sách này của Dan chính là việc học ngôn ngữ của trẻ. Trong cuốn sách này, trải qua quá trình quan sát tỉ mỉ và suy ngẫm thấu đáo, Montessori đã hình thành nên một mô thức rất gần với Lí thuyết tương tác ngày nay. Tư tưởng của bà không giống với chủ nghĩa hành vi và lí thuyết học tập mô phỏng lúc đó, cũng hoàn toàn khác với quan điểm của Noam Chomsky 20 năm sau đó.Khi nói về sự phát triển của ngôn ngữ (chứ không phải là việc dạy ngôn ngữ), Montessori đã cho rằng, sự phát triển của ngôn ngữ của tất cả trẻ nhỏ đều tuân theo nguyên tắc cố định. Bà cảm thấy mỗi đứa trẻ đều học ngôn ngữ, cú pháp và quy tắc ngữ pháp từ môi trường sống của mình, cho dù những thứ đó đơn giản hay phức tạp, bởi vì bất cứ ai, bao gồm cả người lớn, cũng đều không thể trình bày tường tận và chính xác hoàn toàn quy tắc ngữ pháp.

Chúng ta phải giả thiết Montessori cho rằng, khi trẻ nói dường như trẻ đã hiểu quy tắc ngữ pháp. Đồng thời bà cho thấy, việc học tập ngôn ngữ thời kì thơ ấu ảnh hưởng đến khả năng phân biệt phát âm của chúng ta. Ví dụ, nếu sự khác biệt giữa S và Z trong tiếng Tây Ban Nha quan trọng như trong tiếng Anh, trẻ sẽ học cách phân biệt chúng, để rồi cuối cùng học được cách phát âm hai chữ cái này. Nhưng một người trưởng thành trong môi trường toàn tiếng Tây Ban Nha có thể sẽ nhầm lẫn cách phát âm hai chữ này. Montessori cho rằng, hành vi học ngôn ngữ của trẻ không diễn ra trong trạng thái có ý thức, mà tâm hồn trẻ vừa sinh ra đã có khả năng học ngôn ngữ từ môi trường một cách vô thức.

Những học giả sẽ nghiên cứu những lí luận được đề cập đến trong cuốn Sức thẩm thấu của tâm hồn và những lí luận khác của Montessori sẽ nghiên cứu việc học ngôn ngữ thời kì đầu như thế nào, đồng thời ảnh hưởng đến tâm lí của trẻ ở một mức độ lớn hơn. Đối với những người này, việc nghiên cứu này là vô cùng thú vị. Montessori cũng dùng quan điểm phân tích và chứng minh cho những mô tả của của mình về việc học ngôn ngữ của trẻ. Đối với Montessori, chủ động thúc đẩy trẻ học ngôn ngữ là điều hoang đường. Ngoài ra, những quan điểm của bà rất giống với lí luận chủ nghĩa kết cấu, nhưng hoàn toàn khác với chủ nghĩa hành vi.

 Montessori cho rằng, trong thiên tính của con người vốn sẵn có khả năng học tập bất cứ ngôn ngữ nào (ngôn ngữ trong môi trường mà con người sinh sống). Trẻ nhỏ không phải vừa sinh ra đã có khả năng học tập một ngôn ngữ nhất định nào đó. Dựa vào suy luận này, đồng thời với việc suy ngẫm về quan điểm nói trên, bà cho rằng chắc chắc trẻ nhỏ đặc biệt nhạy cảm với phát âm.

Vì vậy bà nhận định rằng, ngay từ đầu trẻ đã có khả năng nhận thức – sớm hơn rất nhiều so với độ tuổi mà các nhà tâm lí học trẻ em thời đó cho rằng trẻ nhỏ bắt đầu có khả năng nhận thức. Bà cho rằng, khi có thể phát ra âm thanh và bắt chước người khác nói chuyện, trẻ đã bước vào thời kì này. Cho dù loại khả năng nhận thức này hay là những biểu hiện cụ thể của nó thì cũng đều đã được hình thành trong thời kì sơ sinh.

Đối với các hành vi liên quan đến ngôn ngữ và những biểu hiện của chúng, Montessori đã phân giai đoạn và mô tả như sau: Giai đoạn sớm nhất – khi trẻ chưa đầy 8 đến 10 tháng tuổi, lúc này đối với trẻ, ngôn ngữ vẫn thuộc về giai đoạn sơ khai; khi trẻ 1 tuổi, trẻ vô cùng mong muốn cho người khác biết cảm giác và nhu cầu của mình; khi trẻ 18 tháng tuổi, chúng phát hiện ra rằng mỗi sự vật đều có tên gọi riêng.

Không lâu sau đó, chúng có thể sử dụng “câu một từ đơn” hoặc “một vài từ đơn không quy phạm”. Montessori đã đưa ra ví dụ sau: Khi nhìn thấy bữa tối đã sẵn sàng, trẻ nói “mupper”, có nghĩa là “mẹ ơi (mummie), con muốn ăn tối (supper)”. Đặc điểm điển hình của kiểu ngôn ngữ này là từ đơn đã bị trẻ cải biên nguyên dạng. Những từ đơn này thường do những phát âm tượng thanh tổ hợp thành, như tiếng chó sủa “gâu gâu” hoặc một số từ đơn khác do trẻ tự “phát minh”. Sự phân chia giai đoạn của Montessori dường như chưa có được nhiều sự hỗ trợ của kinh nghiệm thực tế, nhưng đúng như Robbins đã viết trong cuốn sách của mình, trực giác của Montessori dường như lại một lần nữa vượt trước thời đại.

Montessori gọi 2 tuổi là “thời kì bùng nổ từ vựng”. Trước thời điểm này là thời kì số lượng từ vựng của trẻ tăng lên rất nhiều. Sau 2 tuổi, khả năng sử dụng câu của trẻ nhanh chóng tăng lên, đồng thời có thể tiến hành sắp xếp những từ đơn mới học một cách có trật tự. Lúc này trẻ đã có được khả năng vận dụng cú pháp. Montessori cho rằng, nếu trong thời kì quan trọng này, trẻ tiếp nhận hai loại ngôn ngữ, ví dụ như cha và mẹ của trẻ nói hai thứ tiếng khác nhau, khả năng sáng tạo sẵn có trong tâm lí sẽ cho phép trẻ đồng thời học được cả hai ngôn ngữ đó, cũng có nghĩa là trẻ lần lượt nói từng thứ tiếng với cha và mẹ.

Vào năm 1970, Robbins cùng với đồng sự của mình tại Berkeley đã tiến hành một lần thực nghiệm liên ngành mang tính chất dấu mốc – tiến hành nghiên cứu việc học ngữ pháp của trẻ. Trong số những trẻ tham gia cuộc thực nghiệm này có cả trẻ em da trắng và da đen, có những trẻ thuộc tầng lớp nghèo khổ, cũng có trẻ thuộc tầng lớp trung lưu, có trẻ thuộc các nước khác nhau như Đức, Nga, Phần Lan, Kenya và Samoa.

Trong lần thực nghiệm này, Robbins định nghĩa từ “ngữ pháp” là “công cụ có liên quan đến phát âm và ngữ nghĩa”. Kết quả báo cáo cho thấy, các giai đoạn phát triển ngôn ngữ thông thường rất giống với các giai đoạn mà Montessori đã đưa ra. Cũng có nghĩa là đối với những đứa trẻ thuộc các bối cảnh văn hóa khác nhau tham gia vào cuộc thực nghiệm này thì giai đoạn bập bẹ học nói đều kết thúc ở thời gian khoảng 18 tháng tuổi. Robbins còn giới hạn giai đoạn trẻ nói “1, 2 từ đơn”, giai đoạn này thông thường bắt đầu từ khi trẻ được 18-24 tháng. Nghiên cứu cũng phát hiện thời gian trẻ nói “1, 2 từ đơn” rất ngắn, nhưng đứa trẻ nào cũng đều phải trải qua giai đoạn này.

Kết luận mà Robbins cùng đồng sự có được là sự tồn tại phổ biến của thời kì “1, 2 từ đơn” cho thấy sự thành thục của “công cụ học tập ngôn ngữ” có một “giai đoạn tương đối cố định”. Cũng giống như Montessori, Robbins đã nhận thức được sự phức tạp và đặc biệt của quá trình học ngôn ngữ và tầm quan trọng của nó trong việc truyền thụ và kế thừa văn minh. Ông cho rằng, thế hệ trẻ em này nối tiếp thế hệ trẻ em khác tiến hành làm mới ngôn ngữ.

 Montessori nói rằng: “Nếu không có khả năng cảm nhận ngôn ngữ đặc biệt này, trẻ sẽ không thể tự nhiên nắm vững ngôn ngữ, vậy thì tất cả những việc mà nhân loại đã làm được đều vô dụng. Hiện tượng này không thể xuất hiện trong quá trình truyền thụ văn minh. Chúng ta cần nhìn nhận trẻ từ góc độ chân thực này, điều này vô cùng quan trọng. Trẻ khiến tất thảy hành vi của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Hành vi của trẻ dựa trên nền tảng là nền văn minh của nhân loại.” Montessori không đồng ý việc trẻ nhỏ học ngôn ngữ giống như người lớn.

Những người ủng hộ quan điểm lí luận học tập ngôn ngữ kiểu “kích thích – phản ứng” của người lớn hiện nay vẫn có những phản ứng nhất định, nhưng những người ủng hộ quan điểm này đã trở nên ngày càng ít đi. Noam Chomsky có thể sẽ đồng ý với quan điểm “ngôn ngữ không được học tập bằng phương thức chủ nghĩa hành vi” của Montessori. Trong cuốn sách nổi tiếng của mình xuất bản năm 1965, ông viết: “Kiến thức về cấu trúc ngôn ngữ không thể có được bằng bất cứ hình thức ứng dụng dần dần những hướng dẫn nào do các môn khoa học như ngôn ngữ học, tâm lí học hay triết học nào phát triển thành.

Hiển nhiên việc học ngôn ngữ dường như dựa trên cơ sở là trẻ lĩnh hội ngữ pháp tạo sinh mà mình đã học được, lí luận này xem ra khá thâm thúy và trừu tượng. Khá nhiều lí luận và nguyên tắc của nó chỉ có chút liên hệ với những kinh nghiệm có được nhờ sự đan cài phức tạp của những bước tiến vô thức, tương tự suy lí. Hoạt động thực nghiệm cũng chứng minh quan điểm “bùng nổ” ngôn ngữ. Phân chia giai đoạn và quan điểm sự phát triển mang tính không liên tục dường như là sự miêu tả thích hợp nhất về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt là ở phương diện từ vựng.

Ngoài ra, Montessori cũng mô tả về toàn bộ quan điểm ngữ pháp của mình, bà nói: “Chúng ta cần biết rằng trẻ tự học những kiến thức ngữ pháp, nhưng điều này không thể trở thành lí do của việc khi nói chuyện với trẻ, chúng ta có thể không tuân theo quy tắc ngữ pháp, cũng không thể trở thành lí do chúng ta không giúp trẻ học cấu trúc ngữ pháp.” Tóm lại, lí luận học ngôn ngữ thời kì sơ sinh của Montessori đã định hình. Nếu bạn nói rằng lí luận này không đủ chi tiết thì đó là vì nó đang nằm trong giai đoạn dần dần hoàn thiện.

Cuốn sách nổi tiếng của Montessori đưa ra một chủ đề vẫn đang còn gây tranh cãi không dứt: Vai trò của chính phủ trong quá trình hỗ trợ gia đình và giáo dục trẻ em. Những vấn đề chúng ta phải đối mặt như tội phạm, bạo lực, nghiện hút và sự thất bại của giáo dục nhà trường… đều có thể bắt nguồn từ gia đình. Trước những vấn đề này, Montessori vẫn tỏ rõ lập trường của bà: “Bộ máy xã hội phải thích ứng với quan niệm mới về nhu cầu cố hữu – ‘bảo vệ con người’ và phải huy động sự trợ giúp của toàn nhân loại. Cha mẹ phải hoàn thành trách nhiệm của mình. Nếu gia đình không thể lãnh trách nhiệm này, xã hội phải đưa ra hướng dẫn cho những người có nhu cầu, đồng thời trợ giúp việc nuôi dưỡng trẻ.

Tóm lại, Sức thẩm thấu của tâm hồn là một cuốn sách rất đáng đọc. Cuốn sách này cho thấy quan điểm của Montessori đã vượt xa so với những đồng nghiệp của bà. Cuốn sách là sự kết hợp giữa những nghiên cứu của Montessori về sự phát triển của trẻ và những đánh giá về việc “làm thế nào thiết lập được một phương pháp giáo dục mới nhằm thay thế phương pháp giáo dục cũ”. Ngày nay, quan điểm này của bà tất yếu phải phát triển và biến đổi cùng với những lí luận mới về việc học tập và trưởng thành của trẻ, đồng thời giữ được sự quan tâm và yêu mến của bà dành cho trẻ em.

Tiến sĩ John Chattin-McNichols (Hội trưởng Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ)

❁ ❁ ❁

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x