Trang chủ » Chương 19 – Để trẻ phát triển bình thường

Chương 19 – Để trẻ phát triển bình thường

by Hậu Học Văn
187 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Trẻ làm việc thiếu quy luật là do trước đó đã từng có người tùy tiện cưỡng chế công việc có quy luật của trẻ; trẻ lười biếng là do trẻ bị bắt làm việc; trẻ không nghe lời là vì trước đó chúng đã bị bắt phải nghe lời.

Con người có lúc không coi những khiếm khuyết trong tính cách của trẻ là điều xấu, giống như ở chương trước chúng ta đã từng thảo luận về khiếm khuyết ở những đứa trẻ khỏe mạnh và những đứa trẻ ốm yếu, có người còn đánh giá cao những khiếm khuyết đó. Những đứa trẻ mà hành vi thiếu chủ động lại được cho là những đứa trẻ tốt, còn những đứa trẻ ồn ào, trí tưởng tượng phong phú thì được cho là xuất chúng…

Xã hội thường chia trẻ thành các loại như sau:

  1. Những đứa trẻ có khiếm khuyết cần phải chữa trị;
  2. Những đứa trẻ ngoan (những đứa trẻ mà hành vi không chủ động) là tấm gương cho những đứa trẻ khác học tập;
  3. Những đứa trẻ ồn ào xuất chúng hơn những đứa trẻ khác.

Hai nhóm 2 và 3 được rất nhiều người thừa nhận. Cha mẹ thường rất yêu quý những đứa trẻ như vậy, trong khi bạn bè thì không ưa nổi chúng, đặc biệt là những đứa trẻ ở nhóm cuối cùng.

Tôi nhấn mạnh và yêu cầu các bạn chú ý đến kiểu phân loại này, bởi vì phương pháp phân loại sai lầm này đã kéo dài suốt hàng trăm năm. Trong trường học đầu tiên và những trường tiếp theo của tôi, khi trẻ bị một công việc nào đó thu hút, những đặc điểm nói trên cũng biến mất. Những đặc điểm được coi là xấu, tốt và xuất chúng trên hoàn toàn không còn tồn tại ở trẻ.

Điều này cho thấy chúng ta không thể phân định chính xác sự tốt xấu trong tính cách của trẻ, cách nghĩ quen thuộc trước đây của chúng ta là sai lầm. Nó khiến ta nhớ lại một câu cách ngôn tôn giáo: “Chỉ có chân lí nằm trong tay Thượng đế, ngoài ra tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chỉ là ảo ảnh”. Qua việc quan sát những đứa trẻ ở trường của mình, chúng tôi phát hiện rằng trẻ vô cùng khao khát được làm một số điều. Trước kia chẳng có ai chú ý đến việc trẻ cũng lựa chọn những việc mình muốn làm. Dưới sự chi phối của tâm lí, trẻ bắt đầu bận rộn với một số việc có thể khiến nội tâm chúng yên ổn và vui vẻ.

Ở những đứa trẻ đó còn xảy ra những chuyện trước đây chưa từng có. Những đứa trẻ này vô thức có tính kỉ luật nhất định, điều này đã khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên. Bồi dưỡng tính kỉ luật bằng cách tạo cho trẻ sự tự do đã giúp giải quyết được bài toán mà trước đó xem ra không thể giải quyết nổi. Đáp án nằm ở chỗ chúng tôi đã rèn luyện tính kỉ luật bằng cách mang lại cho trẻ tự do. Những đứa trẻ có thể tự do lựa chọn việc làm sẽ có thể tập trung vào công việc của mình, từ đó tạo nên tính kỉ luật. Điều này đã được chứng minh bằng đủ loại sự thật tồn tại ở khắp nơi trên thế giới trong suốt 40 năm qua. Sự thật cho thấy, chỉ khi đặt trẻ vào một môi trường nơi có thể tiến hành hoạt động một cách trật tự thì trẻ mới hình thành nên tính kỉ luật nhất định. Hay nói cách khác, điều này đúng với tất cả mọi người trên thế giới này. Trước đây chúng ta còn chưa hiểu rõ về vấn đề này là vì chúng ta còn chưa nhìn nhận đúng đắn về đặc điểm này của trẻ.

Sự thay đổi xảy ra đối với tất cả trẻ nhỏ này không xuất hiện từ từ mà đột nhiên xuất hiện. Mỗi đứa trẻ đều có thể chuyên tâm làm một việc gì đó. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cần cưỡng chế một đứa trẻ lười biếng phải làm việc. Chỉ cần đặt trẻ vào một môi trường được chuẩn bị riêng cho trẻ, khiến trẻ có thể làm một vài việc có mục đích là đủ. Sau khi trẻ bắt đầu chú tâm vào một việc, tất cả những khiếm khuyết của trẻ đều sẽ tiêu tan. Nếu chỉ thuyết giáo thì sẽ không mang lại tác dụng gì. Tâm lí của trẻ dường như đột nhiên xuất hiện những điều này, trẻ bị thế giới bên ngoài thu hút đến mức say mê. Những hoạt động này sẽ thu hút mọi tinh lực của trẻ, chúng có thể sẽ không ngừng làm đi làm lại một việc.

Con người là một chỉnh thể, chỉnh thể này được hình thành bằng việc học hỏi và tiếp thu từ cuộc sống thực tại căn cứ vào những quy luật của tự nhiên.

Kể từ khi chào đời đến khi 3 tuổi, các loại cơ quan của con người phát triển độc lập. Trong giai đoạn sau đó, tức là giai đoạn từ 3–6 tuổi, bàn tay bắt đầu có thể làm việc dưới sự chỉ đạo của não bộ. Trong khoảng thời gian này, các cơ quan bắt đầu trở thành một chỉnh thể, phối hợp với nhau để phục vụ cá thể.

Nếu vì nguyên nhân bên ngoài mà trạng thái phối hợp uyển chuyển đó không xuất hiện thì một sức mạnh nào đó bên trong con người vẫn sẽ thúc đẩy các bộ phận khác tiếp tục phát triển độc lập. Kết quả sẽ dẫn đến sự phát triển không cân đối giữa các cơ quan, cuối cùng không thể kết hợp để hoàn thành nhiệm vụ.

Khi ấy đôi tay con người sẽ vận động không có mục đích, bộ não sẽ tưởng tượng những vấn đề khác xa với thực tế, ngôn ngữ trở thành thứ tự thỏa mãn, thân thể trở nên lười biếng. Tất cả các bộ phận đó đều phát triển độc lập, việc không thể thỏa mãn nhu cầu tự thân dẫn đến sự phát triển không bình thường của cá thể, cuối cùng trở thành nguồn gốc của xung đột và tuyệt vọng.

Tất cả những vấn đề đó chỉ có thể được khắc phục khi các chức năng của cơ thể người cùng hợp tác để phục vụ cơ thể.

Hình 10 – Những đặc điểm bình thường và bất thường của trẻ

Nhưng trẻ luôn bị môi trường mới thu hút, chúng có động lực để tiến hành hoạt động có tính sáng tạo. Vì vậy khi những năng lực này kết hợp với nhau thì tính cách lệch lạc sẽ quay trở lại quỹ đạo vốn có. Tính cách của trẻ sẽ trở nên ổn định. Nhưng trên thực tế, đó đều là do cá tính thực sự của trẻ, cá tính giúp trẻ phát triển bình thường.

Trong hình 10, chúng tôi giới thiệu với độc giả những đặc tính khác nhau của trẻ. Những đặc tính này được biểu thị bằng hình rẻ quạt tỏa ra từ trung tâm. Đường thẳng ở giữa biểu thị trẻ tập trung chú ý làm một việc gì đó, đó là đường biểu thị sự bình thường. Khi trẻ bắt đầu tập trung sức lực, tất cả các hình bên phải đường thẳng đều sẽ biến mất, chỉ còn lại hình bên trái đường thẳng. Những khiếm khuyết đó biến mất không phải nhờ công lao của người lớn mà là do tự bản thân trẻ. Bằng sự nỗ lực cá nhân, trẻ vượt qua đường trung gian và có được sự phát triển bình thường.

Trong tất cả các trường học của chúng tôi đều có hiện tượng này, cho dù trẻ thuộc tầng lớp xã hội nào, dân tộc nào, nền văn minh nào.

Đó là kết luận quan trọng nhất rút ra được từ công tác nghiên cứu của chúng tôi.

Sự chuyển biến đó của trẻ có được thông qua sự tập trung chú ý và quá trình làm việc bằng tay.

Loại hiện tượng tâm lí này được các nhà phân tâm học dùng để điều trị cho người trưởng thành, nếu dùng từ chuyên môn để gọi tên thì sẽ là “bình thường hóa”.

Ngày nay, sau rất nhiều năm trải qua vô số kinh nghiệm đào tạo, sự thật này cuối cùng đã được chấp nhận. Cuốn sách Sách hướng dẫn chẩn đoán bệnh trẻ em được sử dụng rộng rãi trong điều trị “trẻ em có vấn đề” đã ứng dụng lí luận này. Cuốn sách này đã đề nghị phải tạo ra cho trẻ một môi trường sao cho chúng có thể làm mọi việc, ở đó trẻ có thể căn cứ vào nhu cầu của mình để lựa chọn việc mình muốn làm. Trong quá trình chọn lựa, trẻ sẽ không chịu sự chi phối của giáo viên hay bất cứ người lớn nào khác.

“Phương pháp điều trị bằng trò chơi” cũng cho phép trẻ lựa chọn trong số rất nhiều đồ chơi và trò chơi mô phỏng, phạm vi lựa chọn này rộng hơn nhiều so với phạm vi lựa chọn trong gia đình.

Lí luận nói trên và một số lí luận của các chuyên gia tâm lí đã thúc đẩy sự phát triển của liệu pháp điều trị cho trẻ em tại gia đình, cũng thúc đẩy sự phát triển tính cách của trẻ. Đương nhiên lí luận này cũng đòi hỏi trẻ phải chơi cùng những đứa trẻ khác, hình thành nên bầu không khí tương tự như cuộc sống xã hội thực sự.

Tất nhiên chỉ có cách làm này là chưa đủ. Nó chỉ cung cấp thêm một phương pháp điều trị mà thôi. Chúng ta cần tìm hiểu sâu thêm về “công việc (trẻ làm việc gì đó) và tự do liệu có thể điều trị những khiếm khuyết trong quá trình trưởng thành hay không”. Điều đó cũng có nghĩa là công việc và tự do là điều kiện tất yếu và không thể thiếu được cho sự phát triển bình thường của trẻ.

Trên thực tế, chúng ta thường gặp tình trạng là sau khi chữa trị, trẻ quay lại môi trường sống vốn có, do thiếu động lực và cơ hội phát triển bình thường nên trẻ lại bị quay lại trạng thái ban đầu.

Trường học ở một số quốc gia đã cố gắng tạo ra bầu không khí gọi là hoạt động tự do, nhưng dường như quan niệm về tự do và hoạt động của họ vẫn chưa thỏa đáng.

Sự lí giải của họ về tự do vẫn nằm ở mức độ thấp. Họ cho rằng, tự do chính là giải thoát khỏi sự bó buộc, không chịu sự kìm kẹp của uy quyền… Quan niệm như vậy chưa chính xác, đó chỉ là một kiểu phản kháng trước áp bức. Nếu nhà trường áp dụng giải pháp này, lũ trẻ sẽ chỉ có một phản ứng duy nhất: Nỗ lực xả ra mọi cảm xúc về việc không còn bị khống chế, bởi vì trước đây hành vi của trẻ bị khống chế bởi ý muốn của người lớn. “Hãy cho trẻ làm việc mà chúng muốn làm”, nếu trẻ còn chưa có khả năng tự kiểm soát thì thứ mà trẻ có được sẽ không phải là tự do thực sự.

Trẻ làm việc thiếu quy luật là do trước đó đã từng có người tùy tiện cưỡng chế công việc có quy luật của trẻ; trẻ lười biếng là do trẻ bị bắt làm việc; trẻ không nghe lời là vì trước đó chúng đã bị bắt phải nghe lời.

Tự do là kết quả của sự phát triển, là một kiểu phát triển chuyển hóa dần dần thông qua giáo dục. Sự phát triển vốn mang tính chủ động, nó là quá trình xây dựng nhân cách thông qua nỗ lực và kinh nghiệm cá nhân. Một đứa trẻ muốn thành thục thì phải trải qua giai đoạn lâu dài này.

Chúng ta có thể áp bức những đứa trẻ yếu ớt, khuất phục chúng nhưng không thể cưỡng ép chúng phát triển và trưởng thành. Sự phát triển không thể có được bằng cách học tập.

Nếu chúng ta cho rằng, tự do là cho trẻ làm bất cứ việc gì chúng muốn làm không kể đúng sai, vậy thì nhân cách của trẻ sẽ tiếp tục phát triển lệch lạc, trẻ sẽ càng trở nên bất bình thường hơn.

Sự phát triển bình thường của trẻ bắt nguồn từ việc làm gì đó một cách chuyên tâm. Vì vậy, chúng ta cần cung cấp một cách có mục đích cho trẻ công cụ phục vụ nhu cầu hành vi của trẻ, thỏa mãn nhu cầu hứng thú cho trẻ, đánh thức năng lực chú ý của trẻ. Sự phát triển bình thường của trẻ phụ thuộc vào những thứ chúng đã sử dụng, bởi những thứ này được bố trí cho chúng một cách có mục đích. Những thứ này cần phù hợp với quy luật tâm lí của trẻ. Nếu các đồ vật đó được sử dụng phù hợp và chuẩn xác, năng lực phối hợp vận động của trẻ sẽ được nâng cao.

Tập trung chú ý có thể khiến tâm lí trẻ phát triển, khả năng phối hợp vận động được nâng cao, cuối cùng có thể chữa trị được những khiếm khuyết của trẻ. Ở đây chúng ta nói tới “sức chú ý” chứ không phải là “làm việc gì đó”, bởi nếu trẻ làm việc không mục đích thì sẽ không thể thay đổi các khiếm khuyết của mình.

Điều quan trọng là chúng ta cần thông qua một vài phương thức để kích thích hứng thú, từ đó cải thiện cá tính của trẻ.

Không phải vừa vào trường học của chúng tôi là trẻ đã có thể chữa khỏi các khiếm khuyết mà điều này đòi hỏi phải có thời gian. Khi “sự tự do trong hành vi” của trẻ được củng cố, cá tính được phát triển thì mới có thể nói rằng khiếm khuyết của trẻ đã được chữa trị.

Chỉ khi dưới tác động của môi trường thì những đứa trẻ bình thường mới có thể thể hiện được sức mạnh của bản thân trong quá trình phát triển: Có tính kỉ luật tự phát, không ngừng vui vẻ làm việc, có lương tâm xã hội, sẵn lòng giúp đỡ và biết thương xót người khác.

Tự do lựa chọn hành vi cho bản thân trở thành một phương thức trong cuộc sống có quy luật của trẻ. Việc chữa trị này đã mở ra cánh cửa cuộc sống mới cho trẻ.

Nguyên tắc chủ yếu của chúng tôi không hề thay đổi. Đó chính là cho trẻ làm một số việc thú vị mà trẻ tự lựa chọn. Những việc này có thể khiến trẻ tập trung chú ý hơn và không cảm thấy mệt mỏi, từ đó nâng cao năng lực tinh thần và sức khỏe cho trẻ, khiến trẻ trở thành chủ nhân của chính mình.

Để mang lại sự trợ giúp thật sự cho sự phát triển của trẻ, chúng ta không thể tùy tiện lựa chọn các món đồ mà trẻ sẽ sử dụng. Việc chọn lựa đồ vật đó cần coi hứng thú và hoàn thiện cá tính của trẻ là nguyên tắc chủ yếu. Chúng ta cần căn cứ vào sự phát triển tâm lí của trẻ để lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp.

Những đứa trẻ trong trường của chúng tôi không những phát triển về tính cách mà khát vọng tri thức của chúng cũng rất mãnh liệt.

Có thể nói rằng, lũ trẻ đang tiến hành rèn luyện tinh thần, chúng đang tìm kiếm con đường tự hoàn thiện bản thân và thanh lọc tâm hồn.

Một cuốn sách của Ấn Độ có tên là Kinh Gita đã coi sự phát triển của trẻ là nguyên tắc chủ yếu.

“Cho trẻ làm việc nên làm là điều vô cùng quan trọng. Bộ não cần phải không ngừng làm việc. Chỉ khi không ngừng chú tâm vào một việc gì đó thì tinh thần mới được phát triển. Bộ não lười biếng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những điều không tốt. Một người lười biếng không thể là một người có tinh thần khỏe mạnh”.

Quan điểm của chúng tôi có điểm tương tự với những lời mà Gibran đã viết: “Công việc chính là biểu hiện bên ngoài của tình yêu”.

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x