Trang chủ » Chương 24 – Sai lầm và cách sửa chữa

Chương 24 – Sai lầm và cách sửa chữa

by Hậu Học Văn
183 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Nếu chúng ta buộc phải tiến hành khen ngợi và trừng phạt trẻ thì có nghĩa là trẻ đã không có được năng lực tự kiềm chế bản thân, lúc này phương pháp kiềm chế phải do giáo viên mang lại. Nhưng giả sử trẻ đang làm việc gì đó, nếu chúng ta không ngừng khen ngợi hay trừng phạt trẻ thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự do về tinh thần của trẻ.

Bọn trẻ ở trường của tôi được tự do hoạt động, nhưng điều này không có nghĩa là chúng vô tổ chức. Trên thực tế, tổ chức là điều bắt buộc. Nếu muốn để cho trẻ tự do “làm việc”, chúng ta lại càng cần suy xét nhiều hơn đến yếu tố tổ chức. Trong môi trường mà chúng tôi đã sáng tạo, trẻ sẽ thu thập kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân, nhưng dành cho trẻ sự quan tâm đặc biệt là điều không thể thiếu được. Khi trẻ đã bắt đầu có thể tập trung chú ý, điều này sẽ được bộc lộ qua nhiều phương diện. Bản thân trẻ càng tích cực thì giáo viên lại càng tiêu cực. Thực tế là giáo viên chỉ cần đứng một bên và không phải làm gì cả.

Đúng như đã nói ở phần trên, trẻ sẽ hòa nhập vào xã hội dưới điều kiện này, và những thành quả mà trẻ thu được sẽ vô cùng tốt đẹp. Một số người sau khi chứng kiến hiện tượng này có thể sẽ nghĩ rằng, nếu những đứa trẻ này không bao giờ phải chịu sự bó buộc của người lớn thì sẽ càng tốt hơn. Việc bọn trẻ ở cùng nhau là một hiện tượng quan trọng và tinh tế giống như cuộc sống phôi thai. Chúng ta không nên làm phiền cuộc sống này của trẻ. Việc chúng ta chuẩn bị cho trẻ các món đồ, tạo ra môi trường phát triển cho trẻ chính là đang tạo nền tảng cho hiện tượng này.

Xã hội hiện đại cần tạo ra định vị chính xác về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Chúng ta sẽ thảo luận về công việc của giáo viên trong một chương khác, nhưng có một việc mà giáo viên tuyệt đối không được làm, đó là can thiệp vào cuộc sống của trẻ bằng những phương thức như khen thưởng, trừng phạt hoặc sửa đổi những lỗi lầm của trẻ. Điều này xem ra thật là khó tin, và cũng không phải là điều dễ lí giải. Có người sẽ hỏi: “Nếu không giúp trẻ sửa sai thì làm sao có thể khiến trẻ đi theo con đường đúng đắn đây?”

Rất nhiều giáo viên cũng cho rằng, công việc chính của họ là phê bình bọn trẻ. Cho dù là về mặt học tập hay về mặt đạo đức thì các giáo viên cũng đều áp dụng phương pháp này. Họ cho rằng, việc dạy dỗ học sinh chủ yếu trên hai phương diện: Phê bình và trừng phạt.

Nếu chúng ta buộc phải tiến hành khen ngợi và trừng phạt trẻ thì nghĩa là trẻ đã không có được năng lực tự kiềm chế bản thân, lúc này phương pháp kiềm chế phải do giáo viên mang lại. Nhưng giả sử trẻ đang làm việc gì đó, nếu chúng ta không ngừng khen ngợi hay trừng phạt trẻ thì điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tự do về tinh thần của trẻ. Trường chúng tôi luôn tôn trọng sự phát triển tự nhiên và tự do, chúng tôi tuyệt đối không sử dụng phương pháp khen thưởng hay trừng phạt. Trong rất nhiều trường hợp, trẻ tiến hành công việc của mình một cách tự do, chúng cho rằng khen thưởng và trừng phạt là điều hoàn toàn không cần thiết.

Việc chúng tôi yêu cầu không khen thưởng trẻ có thể sẽ không phải đón nhận quá nhiều lời chỉ trích. Rốt cuộc việc này không phải trả cái giá quá đắt, cũng không ảnh hưởng quá lớn đến trẻ, bình thường chúng ta nhiều nhất cũng chỉ khen thưởng trẻ một lần. Nhưng việc trừng phạt thì khác, hầu như ngày nào chúng ta cũng trừng phạt trẻ. Ví dụ như việc chúng ta tiến hành sửa bài tập trong vở bài tập cho trẻ. Sau khi sửa, điểm số của trẻ có thể dao động từ 0 điểm đến 10 điểm. Lẽ nào điểm 0 có thể sửa chữa những khiếm khuyết của trẻ? Giáo viên có thể sẽ nói: “Em luôn phạm những sai lầm giống nhau, em hoàn toàn không nghe lời tôi, nếu cứ thế này, em mãi mãi không thể thi đỗ trung học.”

Tất cả những lời biểu dương hay phê bình về bài tập của trẻ đều chỉ dập tắt lòng nhiệt tình và tính tích cực của trẻ mà thôi. Nếu bạn chê một đứa trẻ quá nghịch ngợm hay ngu đần, những lời nói này sẽ chỉ làm hại trẻ chứ không thể khiến trẻ có bất cứ thay đổi tốt nào, bởi nếu muốn một đứa trẻ không phạm lỗi, thì đứa trẻ đó buộc phải thành thạo việc hơn nữa. Nhưng nếu trẻ đã không đạt yêu cầu, cũng không được ai khuyến khích thì làm sao trẻ có thể nâng cao trình độ hơn nữa? Những giáo viên trước kia thường véo tai học sinh học dốt và đánh vào tay những học sinh viết chữ xấu. Nhưng dù cho họ có véo đỏ tai hay đánh sưng tay học sinh thì cũng không thể nâng cao được năng lực của chúng. Chỉ có không ngừng học tập và tích lũy kinh nghiệm thì mới giúp trẻ nâng cao năng lực. Để có được các loại khả năng khác nhau thì đòi hỏi phải có một thời gian luyện tập rất lâu dài. Những đứa trẻ không nghe lời sẽ trở nên nghe lời khi được cùng làm việc với những đứa trẻ khác, còn nếu chỉ nói với trẻ rằng: “Con thật nghịch ngợm” thì sẽ không thể khiến trẻ trở nên biết nghe lời. Nếu bạn nói rằng một học sinh thiếu một kĩ năng nào đó, học sinh đó có thể sẽ trả lời rằng: “Tại sao thầy lại nói như vậy, em biết kĩ năng đó.”

Đó không phải là sửa chữa, mà chỉ là trần thuật lại một thực tế. Sự phát triển và chuyển biến tốt chỉ có thể có được thông qua việc trẻ chủ động luyện tập trong một thời gian dài.

Tất nhiên cũng có lúc trẻ phạm lỗi nhưng bản thân lại không biết đó là điều sai, nhưng chính bản thân giáo viên cũng không bao giờ tự biết lỗi của mình. Thầy cô giáo luôn tự răn bản thân không được phạm lỗi, họ sợ sẽ làm một tấm gương xấu cho trẻ. Vì vậy, khi phạm lỗi, họ nhất định sẽ không thừa nhận với trẻ. Không bao giờ phạm lỗi trong mắt họ chính là sự tôn nghiêm. Họ cho rằng, giáo viên luôn luôn đúng. Đương nhiên đó không hoàn toàn là trách nhiệm của giáo viên, mà cả hệ thống giáo dục phải chịu trách nhiệm về điều này, bởi nó đã được xây dựng trên một nền móng sai lầm.

Nếu chịu khó nghiên cứu về hiện tượng phạm lỗi, chúng ta sẽ thấy rằng, bất cứ ai cũng từng phạm lỗi, đó là một thực tế và việc chúng ta chịu thừa nhận thực tế này đã là một bước tiến. Nếu dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thật thì chúng ta nên thừa nhận rằng, ai cũng có lúc sai lầm, nếu không chúng ta đã trở thành người hoàn hảo. Vì vậy chúng ta nên có cách ứng xử đúng đắn về vấn đề phạm lỗi, nên coi sai lầm là một phần không thể tách rời của con người, bởi sai lầm ở một mức độ nào đó cũng có ích lợi của nó.

Rất nhiều sai lầm sẽ được sửa chữa trong suốt cuộc đời con người. Một đứa trẻ chập chững học đi rồi cuối cùng cũng sẽ biết đi, bằng quá trình trưởng thành và tích lũy kinh nghiệm, cuối cùng trẻ đã có được thành tựu này. Ai cho rằng mình là người hoàn mĩ, thì người đó chỉ đang tự lừa dối bản thân. Sự thật là chúng ta không ngừng phạm lỗi, đồng thời không có ý thức sửa đổi lỗi lầm. Chúng ta không nhận thức được sai lầm của bản thân, chúng ta sống trong thế giới ảo tưởng xa rời sự thật. Một giáo viên tự nhận mình hoàn mĩ, không nhận thức được khuyết điểm của bản thân thì không phải là một người giáo viên tốt.

Sai lầm tồn tại mọi nơi mọi lúc, nếu là người muốn theo đuổi sự hoàn mĩ, chúng ta cần chú ý đến khuyết điểm của bản thân, chỉ có sửa chữa khuyết điểm thì chúng ta mới có thể đưa mình lên tầm cao mới. Cần tỉnh táo nhận thức được điều này, cần hiểu rằng phạm lỗi là việc không thể tránh được. Thậm chí trong các môn khoa học, lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác như toán học, vật lí, hóa học… việc phạm lỗi cũng có tác dụng vô cùng quan trọng, bởi vì những môn khoa học này luôn tiến hành xem xét từ những sai lầm. Theo đuổi một môn khoa học tức là cần phải nghiên cứu các sai sót một cách khoa học. Việc khoa học và sai lầm bị chia tách khỏi nhau chính là vì khoa học có thể đánh giá các sai sót một cách hữu hiệu.

Trong quá trình đánh giá này có hai vấn đề vô cùng quan trọng, một là thu được một trị số chính xác, trị số thu được tồn tại một phạm vi sai số cho phép. Kết luận khoa học không nhất định là một kết luận tuyệt đối, nó cho phép có sai số nhất định, ví dụ như tỉ lệ thành công của tiêm kháng sinh là 95%. Nhưng chúng ta biết rằng tỉ lệ sai sót 5% cũng vô cùng quan trọng. Một chiếc thước đo cũng chỉ chính xác được tới một đơn vị nhất định chứ không thể chính xác tuyệt đối. Không thể có được con số tuyệt đối và kết luận tuyệt đối, việc đưa ra tỉ lệ sai sót nhất định mới khiến kết luận trở nên có giá trị hơn. Sai sót có thể xuất hiện và bản thân các con số đều quan trọng như nhau, nếu không đưa ra sai số cho phép thì con số đó sẽ không được coi là con số nghiêm túc. Trong khoa học theo đuổi sự chính xác, sai số có tầm quan trọng như vậy, và nó còn quan trọng hơn nữa trong công việc của chúng ta. Đối với chúng ta, sai sót có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì chỉ có hiểu được sai sót thì mới có thể sửa đổi và xóa bỏ nó.

Vì vậy chúng tôi đã tổng kết ra một nguyên tắc khoa học, chỉ rõ con đường tiến tới sự hoàn mĩ. Chúng tôi gọi đó là “khống chế sai lầm”. Công việc của giáo viên trong nhà trường, công việc của học sinh và của những người khác đều có thể phạm sai lầm. Vì vậy chúng tôi đưa ra một nguyên tắc: Sửa chữa sai lầm không phải là việc quan trọng nhất, mà trước tiên chúng ta cần phải nhận thức được sai lầm của mình. Mỗi người đều nên kiểm điểm bản thân, kiểm điểm những việc làm của bản thân có đúng hay không. Chúng ta cần biết việc mình làm là đúng hay sai, mà tiền đề của việc này là chúng ta không được nghiêm trọng hóa mà thay vào đó là cần cảm thấy hứng thú trước sai lầm mà bản thân đã phạm phải.

Trong các trường học bình thường, học sinh hoàn toàn không biết lỗi mà mình phạm phải. Trẻ phạm lỗi trong trạng thái vô thức và có thái độ không quan tâm đến lỗi lầm của mình, bởi vì sửa lỗi không phải là việc của bản thân trẻ mà là việc của giáo viên. Điều này khác xa so với sự tự do mà chúng ta đã đề cập!

Nếu không thể tự sửa chữa sai lầm của bản thân thì chúng ta sẽ tìm kiếm sự trợ giúp của người khác, nhưng hiểu biết của người khác về sai lầm của chúng ta thậm chí còn ít hơn cả chúng ta. Nếu tự nhận thức được sai lầm của bản thân và có thể sửa chữa thì thật tốt biết mấy! Nếu hỏi thứ gì có tính quyết định đối với sự hình thành tính cách của con người thì đó chính là khả năng tự sửa chữa sai lầm. Nếu không có năng lực này, chúng ta sẽ trở nên tự ti hoặc thiếu tự tin.

Nguyên tắc “khống chế sai lầm” có thể cho chúng ta thấy phương hướng mà chúng ta đi là chính xác hay sai lầm. Giả dụ rằng chúng ta đang muốn tới một thành phố nhưng lại không biết đường đi, đó là tình huống xảy ra hàng ngày mà chúng ta rất hay gặp. Để chắc chắn, chúng ta sẽ tra cứu bản đồ hoặc tìm biển chỉ đường. Nếu nhìn thấy tấm biển “Ahmedabad – 2km”, chúng ta sẽ lập tức cảm thấy an tâm. Nhưng nếu biển chỉ đường viết là “Mumbai – 50km” thì chúng ta biết mình đã đi nhầm đường. Bản đồ và biển chỉ đường là những thứ giúp ích cho chúng ta rất nhiều, nếu không có chúng, chúng ta chỉ còn cách hỏi đường bằng miệng mà những câu trả lời nhận được có thể hoàn toàn trái ngược nhau. Lời chỉ đường đáng tin cậy là một điều kiện không thể thiếu giúp chúng ta đi tới đích. Vì vậy những điều cần thiết trong đời sống thực tế và khoa học cần được thể hiện trong khởi điểm của giáo dục, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể nhận thức được khuyết điểm của mình. Chúng ta cần mang lại sự trợ giúp cho học sinh giống như việc ta chỉ đạo và cung cấp tư liệu học tập cho trẻ. Động lực phát triển phần lớn quyết định bởi việc phương hướng phát triển mức độ tự do có chính xác hay không, vì vậy chúng ta cần vận dụng phương pháp nào đó để tìm hiểu bản thân có bị chệch hướng phát triển hay không. Nếu nguyên tắc này được ứng dụng trong nhà trường và trong cuộc sống hàng ngày thì việc giáo viên và người mẹ có hoàn mĩ hay không đã không còn quá quan trọng nữa. Việc người lớn phạm lỗi sẽ khiến trẻ cảm thấy thú vị ở chừng mực nào đó, chúng còn có thể đồng cảm với người lớn, nhưng sự đồng cảm này là một tình cảm tự nhiên. Đối với trẻ, phạm lỗi trở thành một hiện tượng rất tự nhiên. Hiện tượng “bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm” này có thể ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, đồng thời nó còn giúp rút ngắn khoảng cách giữa mẹ và con. Sai lầm rút ngắn khoảng cách giữa chúng ta, biến chúng ta thành bạn hữu. Sai lầm dễ thúc đẩy hình thành mối quan hệ tốt đẹp hơn là sự hoàn mĩ. Chúng ta không thể nào thay đổi một người “hoàn mĩ”. Nếu hai người “hoàn mĩ” cùng đi với nhau, họ nhất định sẽ không ngừng cãi cọ, bởi vì họ không thể thấu hiểu cũng như nhường nhịn đối phương.

Chúng ta biết rằng, trò chơi đầu tiên của trẻ là sắp xếp các vật hình trụ. Những khối trụ cao thấp khác nhau, đường kính khác nhau, mỗi khối trụ đều có thể xếp vào một vị trí tương ứng. Khi chơi trò chơi này, trước tiên trẻ sẽ biết rằng tất cả các khối trụ đều khác nhau. Thứ hai, trẻ hiểu rằng cần dùng ngón tay cái kết hợp với hai ngón tay khác để túm lấy đỉnh của khối trụ. Trẻ sẽ xếp khối trụ này cạnh khối trụ khác. Cuối cùng, trẻ sẽ phát hiện rằng mình đã phạm sai lầm – khối trụ cuối cùng quá lớn, không thể đặt vào trong lỗ của khối trụ thứ hai, trong khi một số khối trụ khi đưa vào trong lỗ của khối trụ khác thì lại rất dễ dàng. Trẻ sẽ bắt đầu kiểm tra lại, nghiên cứu tỉ mỉ, cố gắng giải quyết vấn đề. Khối trụ còn sót lại này cho thấy trẻ đã phạm sai lầm. Chính sai lầm này khiến trẻ cảm thấy thích thú. Vì vậy, trẻ sẽ không ngừng lặp đi lặp lại trò chơi này. Trò chơi này có hai điểm tốt đối với trẻ: Một là nâng cao năng lực lí giải của trẻ, hai là khiến trẻ kiểm soát sai lầm một cách hiệu quả.

Những đồ chơi mà chúng tôi thiết kế cho trẻ có thể cho trẻ nhận ra sai lầm của mình bằng trực quan. Trẻ 2 tuổi đã có thể dùng các món đồ chơi này và sớm hình thành quan niệm tự sửa sai, điều này khiến trẻ bước vào con đường không ngừng hoàn thiện. Nhưng điều này không có nghĩa là trẻ đã trở nên rất hoàn mĩ mà thay vào đó, trẻ còn cần phải nhận thức được năng lực của bản thân, như vậy mới có thể kích thích nguyện vọng nỗ lực làm việc của trẻ.

Trẻ có thể sẽ nói: “Cháu không hoàn mĩ, cũng không phải là việc gì cũng làm được, nhưng cháu biết mình có thể làm được gì. Cháu có phạm lỗi, nhưng cũng có thể tự sửa lỗi.”

Tính cách thận trọng, tự tin và những kinh nghiệm đã có được sẽ giúp ích cho chúng ta suốt đời. Cảm giác tự hào này không dễ dàng có được như chúng ta tưởng tượng, dẫn dắt trẻ vào con đường từng bước hoàn thiện cũng không phải là việc dễ. Việc chúng ta chỉ đánh giá ai đó nhanh nhẹn hay lười biếng, thông minh hay ngu ngốc, tốt hay xấu sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi. Trẻ cần biết bản thân phù hợp với việc gì. Chúng ta không nên tiến hành giáo dục trẻ, mà nên tạo điều kiện cho trẻ hiểu về sai lầm của bản thân.

Chúng ta có thể nhìn thấy những đứa trẻ đã tiếp nhận sự giáo dục đó trong khoảng thời gian rất dài có tình trạng như thế nào. Sau khi giải toán và có được kết quả, trẻ sẽ kiểm tra lại kết quả, việc này đã trở thành thói quen của trẻ. Kiểm tra kết quả có sức hấp dẫn đối với trẻ hơn là bản thân kết quả. Chúng tôi có một kiểu luyện tập, đó là yêu cầu trẻ xếp thẻ có ghi tên đồ vật vào với đồ vật tương ứng, trẻ sẽ dùng các cách khác nhau để kiểm tra kết quả của mình, sau khi phát hiện lỗi sai, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú tột cùng.

Trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà trường, chúng tôi thường cố ý sắp xếp một số sai sót dễ dàng được nhận thấy, bởi vì như vậy sẽ khiến trẻ dần dần hoàn thiện. Trẻ em theo đuổi sự hoàn mĩ có thói quen không ngừng xem xét hành vi của mình, điều này vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển của trẻ. Trẻ cũng có bản tính theo đuổi sự chuẩn xác, theo đuổi sự hoàn mĩ. Một cô bé trong trường của chúng tôi khi chơi trò chơi “làm theo mệnh lệnh” đã đọc được một mệnh lệnh như sau: “Đi ra ngoài, đóng cửa lại, sau đó quay vào”. Cô bé nghiên cứu tỉ mỉ câu mệnh lệnh đó, sau đó làm theo, nhưng còn chưa hoàn tất mệnh lệnh thì cô bé đã chạy đến trước mặt giáo viên và hỏi: “Nếu con đã đóng cửa lại thì làm sao con có thể quay vào được?”

“Con nói đúng,” Giáo viên nói, “Là lỗi của ta.” Và sau đó giáo viên đã viết lại câu mệnh lệnh đó.

“Được rồi ạ.” Cô bé nói, “Giờ thì con đã có thể hoàn thành mệnh lệnh.”

Tìm hiểu những sai sót này có thể giúp tăng cường mối quan hệ giữa con người với con người. Sai lầm có thể chia cách con người, nhưng sửa chữa sai lầm có thể gắn kết con người với nhau. Phát hiện sai sót, sửa chữa sai sót đã trở thành niềm vui thích của con người, khiến sai sót trở thành một chuyện thú vị. Sai sót trở thành sợi dây nối liền giữa người với người, thúc đẩy sự hòa hợp giữa người lớn và trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ sẽ không vì phát hiện ra sai lầm của người lớn mà không tôn trọng người lớn, người lớn cũng không vì thế mà mất đi uy quyền của mình. Sai lầm không chỉ là một vấn đề cá nhân, mỗi người đều có trách nhiệm sửa chữa sai lầm.

Có những việc nhỏ chính vì thế mà đã trở nên vĩ đại.

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x