Trang chủ » Nhịn ăn – một bài tập thanh lọc.

Nhịn ăn – một bài tập thanh lọc.

by Hậu Học Văn
70 views

Nhịn ăn kiểm soát sự ham mê. Nhịn ăn triệt tiêu sự phấn khích tình dục. Nó làm dịu đi cảm xúc. Nó giúp kiểm soát các giác quan (Indriyas). Đàn ông và đàn bà trẻ tuổi thi thoảng nên luyện tập nhịn ăn. Nó sẽ chứng tỏ được lợi ích tối ưu. Nhịn ăn là pháp tu khổ hạnh tuyệt vời. Nó thanh tẩy tâm trí. Nó tiêu trừ vô số trọng tội. Giới luật (Shatras) quy định thực hành Chandrayana Vrata, Krichara Vrata, Ekadasi Vrata, Pradosha Vrata (các pháp tu khổ hạnh bao gồm nhịn ăn) để thanh tẩy tâm trí.

Nhịn ăn giúp kiểm soát lưỡi miệng, là đối thủ gây chết người của bạn. Khi bạn thực hành nhịn ăn, đừng cho phép tâm trí nghĩ đến những món ăn ngon, vì như vậy thì bạn sẽ không gặt hái được nhiều lợi ích. Nhịn ăn giúp tu sửa lại hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa và tiết niệu. Nó tiêu trừ mọi tạp nhiễm của cơ thể và tất cả các loại độc tố. Nó tiêu hủy cặn dư axít – uric. Giống như vàng tạp chất được tinh lọc bằng cách nung chảy lặp đi lặp lại bên trong lò luyện, vì thế, tâm trí tạp nhiễm cũng trở nên ngày càng thanh sạch hơn bằng cách nhịn ăn lặp đi lặp lại.

Những người thực hành tiết dục (Brahmacharins) trẻ tuổi, cường tráng nên nương theo pháp nhịn ăn mỗi khi ham mê quấy nhiễu họ. Bạn sẽ đạt được trạng thái thiền định toàn hảo trong lúc nhịn ăn, vì lúc này tâm trí đang yên tĩnh. Mục tiêu chính của việc nhịn ăn là để thực hành Thiền định (Dhyana) một cách nghiêm túc trong suốt khoảng thời gian các giác quan đang tĩnh lặng.

Bạn cần phải thu rút tất cả các giác quan và cố định tâm trí vào Thượng Đế. Cầu nguyện Thượng Đế dẫn lối và chiếu một luồng sáng soi rọi con đường. Hãy tỏ bày bằng Nhận thức Thượng Đế (Bhav):”Thượng Đế! Prachodayat, Prachodayat. Hãy dẫn dắt con, dẫn dắt con. Trahi, Trahi. Hãy che chở con, che chở con. Con thuộc về Người, hỡi Người!” Bạn sẽ được trong sạch, sáng suốt, mạnh khỏe, và thông tuệ. Nhịn ăn là một trong mười giới hành của Yoga.

Hãy tránh việc nhịn ăn quá đáng. Nó sẽ gây ra tình trạng suy nhược. Hãy sử dụng trực giác. Những người không thể tuân thủ trọn vẹn pháp nhịn ăn thì có thể nhịn ăn khoảng chín tiếng hoặc mười hai tiếng, và có thể dùng sữa và trái cây vào buổi xế chiều hoặc tối.

Trong lúc thực hành nhịn ăn, những cơ quan tiêu hóa trong cơ thể như: dạ dày, gan, và lá lách được nghỉ ngơi. Epicureans (những người theo chủ nghĩa hưởng lạc), những người háu ăn và những người ăn không biết mệt mỏi không cho phép những cơ quan này được nghỉ ngơi dù chỉ trong một vài phút. Vì thế, những cơ quan này sẽ sớm sinh bệnh. Tiểu đường, chứng anbumin (do thừa chất đạm trong nước tiểu; thường gây ra triệu chứng rối loạn cơ quan thận), chứng khó tiêu, và viêm gan tất cả là do ăn quá nhiều.

Suy cho cùng, con người chỉ muốn một số ít thứ từ trái đất này. Chín mươi phần trăm dân số trên thế giới tiếp nhận thức ăn nhiều hơn mức cần thiết tối đa cho cơ thể. Ăn quá nhiều đã trở thành thói quen của họ. Tất cả mọi bệnh tật đều bắt nguồn từ việc ăn quá nhiều. Thỉnh thoảng nhịn ăn hoàn toàn, là một giải pháp tuyệt vời cho tất cả những ai muốn duy trì sức khỏe tốt, giải tỏa cho những cơ quan nội tạng và duy trì giới hành Brahmacharya. Những căn bệnh được cho là không thể chữa khỏi bằng liệu pháp đối chứng và vi lượng đồng căn đều được chữa khỏi nhờ nhịn ăn. Nhịn ăn giúp phát triển sức mạnh ý chí. Nó làm gia tăng sức chịu đựng. Manu (thủy tổ loài người), Đấng lập pháp người Hindu, cũng đề ra phương cách nhịn ăn trong bộ luật của mình nhằm miễn trừ năm đại tội.

Trong suốt quá trình nhịn ăn, tốt hơn là nên uống nhiều nước, ấm hay lạnh đều được, tùy theo tính cách và khuynh hướng. Nó sẽ thải độc thận và tẩy rửa độc tố và tất cả mọi loại tạp nhiễm trong cơ thể. Trong Hatha Yoga nó được gọi là Gata-Suddhi hoặc sự thanh lọc nồi da (flesh-pot), cơ thể vật lý. Bạn có thể thêm nửa muỗng soda bicarbonate vào nước. Những người nhịn ăn khoảng hai hoặc ba ngày không nên ngắt ngang quá trình nhịn ăn bằng thực phẩm cứng. Họ nên dùng một ít nước ép trái cây các loại, nước cam ngọt hay nước ép quả lựu đều được. Họ nên uống từng hớp chậm rãi. Bạn có thể dùng ống bơm rửa ruột (an enema) mỗi ngày trong quá trình nhịn ăn.

Nhịn ăn khoảng một ngày khi mới bắt đầu. Rồi từ từ tăng dần số ngày tùy theo sức lực và khả năng của bạn. Lúc mới bắt đầu bạn có thể cảm thấy suy nhược nhẹ. Ngày đầu tiên có thể sẽ rất mệt mỏi. Bạn sẽ thấy phúc lạc (Ananda) đích thực, chân phúc, vào ngày thứ hai hoặc thứ ba. Cơ thể sẽ trở nên rất nhẹ nhàng. Thành ra, bạn có thể thực hiện nhiều hoạt động tinh thần hơn trong quá trình nhịn ăn. Những người có thói quen thực hành nhịn ăn sẽ cảm thấy hân hoan. Vào ngày đầu, tâm trí sẽ dụ dỗ bạn bằng đủ mọi cách khác nhau để bạn ăn món này hay món kia. Hãy vững vàng. Hãy kiên quyết. Chế ngự tâm trí ngay khi nó kích động hoặc vùng dậy.

Hãy thực hành tụng niệm chú Gayatri nhiều hơn hoặc bất kỳ loại Mantra nào trong quá trình nhịn ăn. Việc nhịn ăn gần với pháp môn Kriya* tinh thần hơn Kriya thể xác từ góc nhìn sức khỏe. Bạn cần phải tận dụng những ngày thực hành nhịn ăn cho những mục đích tâm linh cao hơn và trong sự chiêm nghiệm Thượng Đế. Luôn luôn kết nối với ý niệm về Thượng Đế. Đi sâu vào những vấn đề của đời sống như là nguyên do và nguồn gốc của vũ trụ. Truy vấn: “Tôi là ai? Chân ngã hoặc Brahman là gì? Những cách thức và phương pháp để đạt được sự thấu hiểu Thượng Đế là gì? Làm sao để đến gần Người?” Rồi nhận biết trạng thái phúc lạc tự thân (Nijananda) và an tịnh trong sự thuần khiết mãi mãi về sau.

*Kriya: thường đề cập đến một “hành động trọn vẹn”, kỹ thuật hoặc thực hành trong một bộ môn yoga để đạt được một kết quả cụ thể, trong Kinh Yoga của Patanjali định nghĩa ba loại kriya, là khổ hạnh, nghiên cứu và sùng tín.

Hỡi những người anh em thân mến! Bạn sẽ bắt đầu thực hành nhịn ăn Tapasya (khổ hạnh) ngay khi bạn đọc được những dòng này chứ?

Bình an cho tất cả chúng sanh!

Tác giả: Sri Swammi Sivananda
Biên dịch: Quang Lý
Nguồn: Triết Học Đường Phố.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x