Trang chủ » Suy niệm mỗi ngày P.2 – Lev Tolstoy

Suy niệm mỗi ngày P.2 – Lev Tolstoy

by Hậu Học Văn
229 views

32. ĐỨC TIN

Tuân theo quy luật của Thượng đế là làm cái mà Thượng đế muốn chúng ta làm, chứ không phải làm cái mà Ngài không muốn chúng ta làm.

Tôn giáo đích thực không phải là tin vào một biến cố siêu nhiên hay tuân theo những luật tắc và nghi lễ. Tôn giáo đích thực là thái độ mà một người có đối với những người khác và với cái thế giới vô hạn – một thái độ dựa trên trí tuệ và kiến thức đương thời.

Những đức tin và tôn giáo khác nhau có nhiều quy luật và quy tắc khả biến khác nhau, và cũng có một vài quy luật và quy tắc bất biến và vĩnh cửu. Những quy luật vĩnh cửu này chính là tôn giáo đích thực.

Những ai mà đặt tôn giáo vào hàng thứ hai trong đời mình, họ không có tôn giáo nào cả.

33. LINH HỒN

Có hai lối đi trong đời: Một là sống cho thể xác, và lối kia, cho linh hồn. Nếu bạn sống cho thể xác, sự thể sẽ trở nên rõ ràng rằng, những lạc thú xác thịt vốn mong manh, sẽ yếu đi qua tháng năm, và kết thúc với cái chết. Trái lại, nếu bạn sống cho linh hồn, thì những niềm vui của đời sẽ gia bội với thời gian, và cái chết sẽ không còn đáng sợ.

Vậy thì, chúng ta là ai? Không là gì cả. Quả thật, chúng ta không là gì cả. Nhưng cái “không là gì” này lại có khả năng hiểu chính nó và cái nơi chốn của nó trên thế gian này.

Khi bạn nhìn chính mình như là một hữu thể vật chất, bạn trở thành một câu đố không thể giải đối với chính bạn. Trái lại, ngay khi bạn hiểu rằng “cái tôi nội tại” của mình là cái linh hồn bị giam nhốt trong thân xác này, thì câu đố biến đi này, và thế gian trở thành dễ hiểu.

Nếu chúng ta so sánh sức mạnh thể chất của mình với những sức mạnh của thiên nhiên, thì chúng ta không là gì cả. Nếu chúng ta nhìn vào linh hồn mình – nó vốn là một phần của linh hồn thiêng liêng(63) – thì chúng ta hiểu rằng, chúng ta là một cái gì đó ở bên trên cái phần còn lại của thế gian này.

34. MỘT LINH HỒN TRONG TẤT CẢ

Đa số mọi người nghĩ rằng chỉ có họ mới là quan trọng, và những người khác thì không. Tuy nhiên, có những người nhân ái và khôn ngoan, họ hiểu rằng cuộc đời của những người khác và những thú vật, thì cũng quan trọng như đời của chính họ, và họ thực tình quan tâm đến mọi sinh vật. Đối với những người như thế, sống và chết đều dễ dàng.

Có một thời, khi tất cả mọi người đều ăn thịt người, và nghĩ rằng họ không đang làm cái gì sai trái. Bây giờ, ngày càng có thêm nhiều người hiểu rằng ăn thịt súc vật là xấu. Thời điểm sẽ đến, khi mà mọi người sẽ nghĩ rằng việc giết mổ và ăn thịt cừu, bò cái, hay lợn, thì cũng xấu như việc giết hại một con người.

Mọi sinh vật, người và thú, thì được kết nối mật thiết với nhau. Khi một sinh vật khổ thì những sinh vật khác cũng khổ nữa. Tương tự như vậy, khi một người hạnh phúc thì niềm hạnh phúc trải ra và khiến cho kẻ khác hạnh phúc.

Bạn sẽ hiểu cuộc đời này chỉ khi nào bạn thấy chính mình trong mọi người.

35. THƯỢNG ĐẾ

Đừng tìm Thượng đế trong những ngôi đền. Ngài hiện diện, và đang sống bên trong bạn. Hãy trao mình cho Thượng đế, và bạn sẽ luôn luôn vui sướng và hạnh phúc.

“Một người trầm tư có thể cảm nhận sự hiện diện của linh hồn chính mình và linh hồn đại đồng – Thượng đế. Nhưng ngay khi у cố làm sáng tỏ và giải thích những ý tưởng này, у phải khiêm cung ngừng lại, và không thể chạm vào bức màn vốn che phủ chúng. Mọi dân tộc đều rao giảng cái Linh hồn tối thượng vĩ đại kia, gọi nó bằng những cái tên khác nhau và mặc cho nó những trang phục khác nhau. Bên dưới những cái tên và trang phục này, chỉ có một Thượng đế duy nhất”.

J. J. Rousseau

Kẻ hướng dẫn đời ta và cuộc sống của toàn thế gian, là Thượng đế.

Thượng đế mong muốn cái tốt lành cho tất cả. Nếu bạn cũng ao ước điều tốt lành cho tất cả, thế thì Thượng đế sống bên trong bạn.

Người ta có thể tránh việc nói tên của Thượng đế, nhưng người ta không thể tránh việc chấp nhận sự hiện hữu của Ngài. Không có gì hiện hữu, nếu Ngài không hiện hữu.

36. SỰ HỢP NHẤT TRONG LINH HỒN

Khi một người chỉ sống cho thân thể mình, thì dường như chỉ có duy nhất một cái hiện hữu và quan trọng: “Tôi”. Tuy nhiên, có hàng triệu người mong ước được hạnh phúc như là những cá thể (riêng lẻ, tách rời), và họ mâu thuẫn với nhau, vì không ai hoàn toàn thỏa mãn. Cái “tôi” của bạn nói với bạn rằng thân thể bạn thì không vĩnh cửu: Nó sẽ biến mất và chết đi với thời gian. Con đường ra khỏi sự mâu thuẫn này là chấp nhận rằng, cái “tôi” của bạn thì không chỉ ở trong thân thể mà thôi, nó còn ở trong linh hồn, cái linh hồn mà sẽ được hợp nhất với những người khác bởi tình yêu, bởi vì linh hồn thì không chết.

Thân thể muốn cái tốt nhất cho chính nó, cho dù cái đó làm hại linh hồn. Còn linh hồn thì lại muốn cái tốt nhất cho chính nó, cho dù cái đó làm hại thân thể. Cuộc đấu tranh này sẽ biến đi chỉ khi nào bạn hiểu rằng, đời bạn không ở trong thân thể – nó sẽ biến đi và chết: Thân thể chỉ là nơi chốn mà linh hồn vĩnh cửu của bạn lưu trú tạm thời.

Một người có thể hiểu tình yêu tốt lành như thế nào, khi у hiểu thân xác у mong manh như thế nào.

37. TÌNH YÊU ĐẠI ĐỒNG

Nếu bạn mong đợi một phần thưởng cho tình yêu của mình, thì đó không phải là tình yêu chân thực. Cái phẩm chất cốt tủy của tình yêu là hiến tặng những phúc lành cho tất cả những ai ở xung quanh bạn – và không đòi hỏi cái gì đáp lại.

Người ta sống không phải bằng những cái mà họ nghĩ về cuộc đời, mà chỉ qua tình yêu.

Bạn muốn sự tốt lành, và sẽ nhận được nó khi bạn mong muốn sự tốt lành cho hết thảy mọi người.

Có nhiều sự tốt lành trên thế gian này, nhưng chỉ có duy nhất một sự tốt lành chân thực: Yêu người khác.

Tình yêu mà có một lý do thì không phải là tình yêu thuần khiết. Chỉ có tình yêu vô hạn chế, vô điều kiện mới là tình yêu vĩnh cửu. Tình yêu như thế không biến đi, mà liên tục tăng trưởng với thời gian.

38. TỘI LỖI

Không có cuộc sống nào mà không có tội lỗi và việc chuộc lại những sai lầm của bạn. Những tội lỗi của chúng ta thì giống như một cái vỏ trứng hay một hạt lúa mạch. Diệt trừ những tội lỗi của ta, thì giống như việc phá vỡ cái vỏ ngoài, nó giải phóng chú gà con, hay để cho hạt mầm phát triển khi nó được phô ra không khí trong lành và ánh sáng. Cùng cách như vậy, cái tôi tâm linh của chúng ta tăng trưởng khi được phô bày ra trước linh hồn của Thượng đế.

Thân thể bạn nên phục vụ linh hồn bạn. Nhưng thường khi, do hoàn cảnh, người ta làm ngược lại. Đây là cái mà tôi gọi là một tội lỗi.

Trong thế giới tâm linh, mọi sự được nối kết chặt chẽ hơn trong thế giới vật chất. Bất cứ lời nói dối nào cũng dẫn đến dăm bảy lời nói dối khác, bất cứ hành vi tàn nhẫn nào cũng dẫn đến những hành vi tàn nhẫn khác.

Đối với chúng ta, trẻ con có vẻ thuần khiết hơn người lớn. Sở dĩ như vậy, có thể là vì tâm trí của chúng chưa bị làm hỏng bởi những thành kiến của người lớn. Người lớn phải tranh đấu với tội lỗi của họ.

39. SỰ CÁM DỖ

Hãy phục vụ thân thể bạn chỉ khi nào nó thực sự cần đến sự phục vụ đó, chứ không phải bằng cách tạo ra thêm nhiều cách để chiều chuộng nó. Khi bạn chiều chuộng thân thể bạn quá nhiều, thực ra bạn đang làm đau chính mình. Để có một cuộc sống tốt đẹp, thân thể bạn nên phục vụ linh hồn bạn, chứ không phải ngược lại.

Chỉ có thân thể bạn mới khổ, chứ linh hồn bạn không biết đến sự khổ. Cuộc sống tâm linh của bạn càng yếu thì bạn sẽ càng khổ. Tốt nhất là sống bằng linh hồn bạn nhiều hơn.

Bao tử bạn ví như những chiếc cùm trói buộc linh hồn bạn. Bạn nên ăn để chống lại cơn đói, chứ không phải cho lạc thú của vị giác.

Càng ít chú tâm đến thực phẩm, у phục đắt tiền và trò giải trí, thì bạn sẽ càng có nhiều tự do hơn.

40. LAO ĐỘNG VÀ NHÀN RỖI

Nếu bạn không muốn làm việc, bạn sẽ sống hoặc là bằng sự nhục nhã hay bạo động, hoặc bằng cách ăn cắp từ những người khác.

Chúng ta nên kính trọng người khác không phải vì sự giàu có của họ, mà vì công việc họ làm. Thường khi, những người rất lười biếng nhưng rất giàu thì được nể trọng, trong khi những ai làm công việc hữu ích bằng tay chân, như những nông dân, hay kẻ làm thuê hưởng thù lao từng ngày, lại không được nể trọng. Đây là điều sai lầm.

Không có gì làm hại một cuộc sống tốt đẹp nhiều cho bằng bỏ bê công việc bình dị, thường nhật – làm ra thực phẩm của chính bạn, quét dọn nhà cửa, và giặt ủi quần áo. Nhiều người giàu bỏ bê những việc lặt vặt thường nhật như thế, nhưng đối với một người lương thiện, thì đây là công việc quan trọng nhất của đời mình.

Nếu bạn làm việc cho những người khác thì hãy đừng xấu hổ về điều này, và đừng đòi thêm thù lao phụ trội. Hãy nhớ rằng, lao động của bạn khi được làm trong tình yêu, cho sự tốt lành của người khác, thì tốt cho linh hồn mình.

41. DỤC VỌNG VÀ ĐAM MÊ

Thường khi, người ta không phân biệt rạch ròi giữa hai loại tình yêu: thể xáclinh hồn. Nếu bạn không thể thấy sự khác biệt nào giữa hai loại tình yêu đó, thì bạn không thể thấy sự khác biệt giữa những lời nói dối và sự thật.

Chúa Jesus dạy điều sau đây về quan hệ tình dục: “Các ngươi nghe người ta nói: ‘Đừng ngoại tình’. Nhưng ta nói với các ngươi rằng, bất cứ ai mà nhìn một người đàn bà một cách thèm muốn, thì đã phạm tội ngoại tình với cô ta trong trái tim mình”. (Matthew 5: 27-28). Theo lời dạy này, một người nên phấn đấu cho sự trinh bạch, và bằng cách làm như vậy, bạn đang làm cái tốt nhất.

Là một điều tội lỗi, nếu bạn xem thực phẩm chỉ như là một nguồn lạc thú. Tương tự như vậy, là tội lỗi, nếu xem tình dục chỉ là một nguồn lạc thú. Điều này có hại cho linh hồn bạn.

Chúng ta có thể nói rằng, ước vọng về hôn nhân và con cái hiện hữu trong một số người, tới mức độ mà họ không thể chu toàn quy luật của Thượng đế, và hy vọng rằng con cái họ sẽ có thể.

42. TỘI LỖI

Những tội lỗi của thân xác – như háu ăn, lười biếng và ham muốn nhục dục – thì không chỉ xấu xa trong tự thân chúng, mà còn bởi vì chúng dẫn đến sự thù địch giữa con người với nhau.

Nếu bạn muốn được mọi người yêu mến, bạn không nên chú ý quá nhiều đến của cải vật chất, bởi vì bạn không thể có tất cả những thứ mà những người khác có. Thay vào đó, bạn nên đặt tình yêu của mình vào những phúc lành tâm linh – những điều mà nhiều người có thể có một cách đồng thời.

Đừng khinh bỉ hay ca ngợi kẻ khác. Nếu bạn khinh bỉ họ, bạn sẽ không thấy cái tốt lành trong họ. Nếu bạn ca ngợi họ quá mức, thì những mong đợi mà bạn dành cho họ sẽ là quá lớn. Hãy bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác, như họ làm như thế đối với bạn.

Những Phật tử nói rằng, mọi tội lỗi là hậu quả của sự ngu si. Điều này đúng cho tất cả mọi tội lỗi, nhất là sân hận và sự thù địch đối với người khác.

43. KIÊU MẠN

Giận huynh đệ mình thay vì yêu thương là một điều xấu. Tuy nhiên, càng tệ hơn nếu у nghĩ rằng у tốt hơn huynh đệ của mình.

Thật ngốc nghếch, nếu một người nghĩ rằng mình cao hơn một người khác. Càng ngốc nghếch hơn, khi một dân tộc nghĩ rằng nó cao hơn một dân tộc khác.

Một người không thể tự nhấc mình vào trong không trung. Hệt như vậy, у không thể thực sự tự tôn vinh chính mình.

Chỉ trong cuộc sống vật lý của mình, bạn mới có thể đối xử một cách tự tôn với kẻ khác. Tuy nhiên, nếu bạn sống một cuộc sống tâm linh, bạn sẽ thấy mọi người đều bình đẳng, ngang hàng với bạn.

Sự bất bình đẳng là không tương thích với tình yêu chân thực. Tình yêu là mặt trời, chiếu sáng một cách bình đẳng trên tất cả mọi người. Nếu mặt trời chiếu sáng cho một số người, mà không chiếu sáng cho những người khác, thì nó sẽ không phải là mặt trời. Cũng như vậy, một tình yêu chỉ dành cho một số người, thì không phải là tình yêu chân thực.

44. KIÊU MẠN VÀ DANH VỌNG

Chỉ sống cho danh vọng thật là nguy hiểm. Nếu bạn chỉ sống cho riêng bản thân mình, thì khi vấp ngã, bạn chỉ làm hại một mình bạn. Nhưng nếu sống cho danh vọng, bạn có thể làm hại những người khác nhiều hơn một trăm lần.

Hãy “đắp tai ngoảnh mặt” với những dư luận của người khác về bạn. Nếu không có sự “làm ngơ” đó, bạn sẽ không thể là một người tự do.

Càng về già, qua tháng năm, phần lớn những tội lỗi và cám dỗ đều trở nên yếu đi. Tuy nhiên, riêng với lòng kiêu mạn, thì bạn sẽ phải đấu tranh với nó suốt từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi già.

Thượng đế sáng tạo ra trời và đất, nhưng chúng ta không thể nắm bắt khái niệm này, hoặc tìm thấy hạnh phúc trong nó. Thượng đế cũng tạo ra chúng ta để hiểu hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều được sáng tạo như là một bộ phận của một cơ thể duy nhất, một cơ thể mà phải yêu chính nó.

45. THAM LAM VÀ GIÀU CÓ

“Một người từ bi, không bao giờ giàu có. Một người giàu có, thì không từ bi”.

Tục ngữ Trung Hoa

Một số người nói: “Tôi giàu bởi vì tôi tốt hơn những người khác”, và đồng thời nói: “Tôi tốt hơn những người khác bởi vì tôi giàu”. Vâng, thực sự là khó cho một người giàu bước vào vương quốc của Thượng đế.

Bạn nên tích lũy loại của cải mà không ai có thể lấy đi từ bạn: Nó vẫn còn lại với bạn ngay cả sau cái chết, và không bao giờ hư mất. Những của cải đó được lưu trữ trong linh hồn bạn, trong một cuộc sống tràn đầy tình yêu.

Mười người tốt, đứng đắn, có thể nằm chung trong một căn phòng nhỏ và ngủ ngon trên một cái sàn nhà, đắp một cái chăn bình dị. Tuy nhiên, hai người giàu không thể chịu được nhau, ngay cả trong một dinh thự với mười phòng ngủ.

Qua thời gian, người giàu trở nên càng xấu hổ, và người nghèo càng thêm tuyệt vọng.

46. KIÊU MẠN

Trong thời cổ đại, ngay cả trong thời trung đại, người ta tin rằng không phải mọi dân tộc đều bình đẳng, và một vài dân tộc như Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, hay Pháp, thì ưu việt hơn những dân tộc khác. Chúng ta không còn có thể tin như vậy.

Chỉ có trẻ con mới là bằng chứng của sự bình đẳng thực thụ giữa con người với nhau. Người lớn phạm một tội ác khi họ dạy trẻ con đối xử với tha nhân một cách bất bình đẳng.

Chủ nghĩa dân tộc là một thành kiến đặt nền tảng trên sự bất bình đẳng giữa những dân tộc.

Những kẻ tôi tớ trong nhà của những người giàu cấu thành một sự phi lý vốn đi ngược lại Ki-tô giáo.

Những kẻ rao giảng đạo đức, thường hay giới hạn trách nhiệm của họ vào gia đình hay đất nước, nhưng trong khi làm như vậy, họ dạy sự ích kỷ. Gia đình và đất nước chỉ là hai vòng tròn nằm trong cái vòng tròn lớn hơn, là nhân loại.

47. PHÁN XÉT VÀ TRỪNG PHẠT

Sự trả thù và trừng phạt đối với những ai đã lăng nhục hay làm hại bạn trong bất cứ cách nào là một sai lầm. Lời dạy rằng sự bạo động thì hữu ích cho con người, cũng là một sai lầm.

Sự bạo động có thể là một cản trở và một chướng ngại cho những gì mà người ta muốn. Tuy nhiên, giống như một con đập vốn không thể ngăn dòng chảy của một con sông, sự bạo động không thể ngăn chặn cơn thủy triều của cảm xúc, mà sẽ một ngày nào đó vỡ bùng ra.

Mọi người đều hiểu rằng cái xấu không thể tiêu diệt cái xấu. Chúng ta chỉ tăng cường cái xấu ác khi ta tin rằng cái xấu phải bị trừng phạt. Chúng ta không tiêu diệt được cái xấu, mà chỉ làm gia bội nó khi ta đáp trả cái xấu bằng cái xấu.

Ta có thể thấy tội lỗi trong người khác một cách dễ dàng như ta thấy vết nhơ trên mặt họ, nhưng ta không thể thấy chính những tội lỗi của bản thân, bởi vì ta không đang nhìn vào tấm gương của lương tâm mình. Ta cần soi vào tấm gương đó một cách thường xuyên hơn. Rồi, chúng ta sẽ trách cứ những người khác ít hơn về những tội lỗi của họ, và trở nên thuần khiết hơn.

48. BẠO ĐỘNG VÀ CHIẾN TRANH

Có vẻ như việc làm thay đổi xã hội và làm cho con người trở nên tốt hơn là một vấn đề đơn giản. Do vậy, chúng ta thường hay cố thay đổi những ai xung quanh ta và quên đi việc phát triển tâm linh của chính mình – tự phấn đấu để đạt tới sự toàn thiện nội tại. Con đường chân thực duy nhất để cải thiện xã hội là cải thiện cái tôi tâm linh của mình.

Nhiều thành kiến, niềm tin sai lầm, những thái độ giả dối và nhiều nghi thức trống rỗng bảo chúng ta làm thế nào để phục vụ Thượng đế. Cũng có thành kiến cho rằng, một số người có thể cưỡng bách áp đặt lên kẻ khác những quan điểm của họ về cách sống một cuộc sống tốt đẹp, và bảo họ phải làm cái gì.

Làm thay đổi xã hội mà không có sự cải thiện nội tại của mỗi cá thể, thì giống như việc cố tái thiết một ngôi nhà bằng đá, mà chỉ dịch chuyển và tái sắp xếp những hòn đá, chứ không dùng vôi hồ để gắn chúng lại. Bất luận bạn sắp xếp những hòn đá ra sao, nếu chúng không được gắn lại với nhau, thì khi gặp thời tiết xấu, toàn bộ tòa nhà sẽ rã ra từng mảng.

Sự cải thiện thế giới này nằm trong việc thay thế bạo động bằng tình yêu, và trong việc hiểu rằng cái nền tảng cho một cuộc sống đẹp không phải là sợ hãi sự bạo động, mà là tình yêu.

49. LAO ĐỘNG VÀ NHÀN RỖI

“Không có gì ngăn trở cuộc đời của con người nhiều hơn là việc buộc người khác làm như ta muốn, bằng cách dùng bạo lực. Một ngày sẽ đến, khi mà người ta sẽ hiểu rằng, có một quy luật chung, không phải quy luật của bạo động, mà là của tình yêu đại đồng trong quan hệ với nhau”.

Félicité Robert de Lamennais

Những kẻ cắp sống bằng việc ăn cắp. Bạn không thể tin rằng họ là những người tử tế cho đến khi họ ngừng hành vi xấu đó; và việc cầu nguyện và những hiến tế sẽ không khiến cho họ trở nên tốt. Điều này cũng đúng cho những người giàu và những kẻ lười biếng. Nếu họ không làm việc, mà dựa vào lao động của người khác, thì họ cũng không thể trở nên tốt, bất luận họ cầu nguyện hay hiến tế nhiều thế nào đi nữa.

Những ai khuyến khích sự phân công lao động, họ giành lấy công việc dễ dàng nhất cho chính mình. Tuy nhiên, thật kỳ lạ rằng công việc quản lý của họ trở nên gian nan, trong khi công việc tay chân mà họ trốn tránh lại trở thành công việc thú vị nhất.

“Những món quà lớn nhất có thể bị hủy diệt bởi sự nhàn rỗi”.

Michel De Montaigne

50. CHÂN LÝ

Đời chúng ta trở nên xấu, thậm chí xấu hơn cuộc sống của những kẻ ngoại đạo, bởi vì chúng ta chấp nhận chân lý hư dối thay vì chân lý đích thực.

Ngay khi người ta đã quyết định rằng họ có thể tạo ra một tổ chức gọi là một giáo hội, và trong khi làm như vậy, thoát khỏi tội lỗi, thì một nhóm người khác xuất hiện, và cũng nói hệt như vậy. Ngay khi hai nhóm này khởi sự cáo buộc lẫn nhau về tội nói dối, thì rất có thể cả hai đều sai.

Bất cứ sự nô lệ nào cũng dễ chịu đựng hơn là sự nô lệ đặt nền trên tôn giáo dối trá. Một người, khi đã là tên nô lệ cho một tông phái hay giáo hội nào đó, thì ở dưới sự kiểm soát hoàn toàn của những vị đạo sư của y.

Thời đại chúng ta là thời đại của sự phê phán thực hành, mà trong đó mọi sự có thể được xem xét và đánh giá với óc phê phán.

“Hai nhóm cố trốn tránh sự phê phán: Những cơ sở tôn giáo, nấp dưới cái cớ là thánh thiện; và những kẻ làm luật, nấp dưới cái cớ của quyền lực và sự vĩ đại của họ”.

Immanuel Kant

51. KHOA HỌC SAI LẦM

Loài cú có thể nhìn thấy trong bóng tối, nhưng trở nên mù lòa trong ánh sáng. Đối với nhiều học giả thì cũng đúng у như vậy. Họ biết nhiều kiến thức lặt vặt, “từ chương”, nhưng không biết, hay không muốn biết cái khoa học quan trọng nhất, cần thiết cho cuộc sống – ta nên sống như thế nào trên thế gian này.

Có những quan điểm sai lầm về mọi thứ thì cũng có những khoa học sai lầm. Một số ý kiến được xem là chân lý duy nhất, không phải bởi vì chúng đáp ứng những nhu cầu của con người, mà bởi vì những học giả xem nó là cần thiết. Do vậy, khoa học trở thành sai lầm. Điều này thường xuyên xảy ra trong thế giới chúng ta.

Khả năng của tâm trí để hấp thu kiến thức, khả năng đó không phải là vô giới hạn. Do vậy, bạn không nên tin rằng càng biết nhiều hơn thì càng tốt hơn. Kiến thức về những điều không quan trọng là một trở ngại cho sự hiểu biết chân thực.

52. NỖ LỰC

Khi một người tìm cách cải thiện chính mình, у có thể sẽ ngã trở lại những thói xấu cũ, nhưng sau cùng luôn luôn trở về với những nỗ lực của mình. Cái bước lùi này thì luôn nhỏ hơn sự tiến bộ của y. Nếu một người muốn cải thiện cuộc sống nội tại của mình, sau cùng у sẽ thành công.

“Chúng ta nên loại bỏ cái quan điểm sai lầm rằng, Thượng đế có thể sửa chữa những tội lỗi của chúng ta. Ngoài bạn ra, không ai có thể làm việc này cho bạn. Nếu bạn nấu bữa ăn một cách cẩu thả, chiếu lệ thì bạn không thể mong đợi Thượng đế làm cho nó trở nên ngon lành. Nếu bạn đi sai hướng trong cuộc đời, bạn không nên mong đợi Thượng đế, qua sự can thiệp thiêng liêng, thay đổi nó và bất ngờ làm cho nó tốt hơn”.

John Ruskin

Nói rằng bạn không thể thực hiện một nỗ lực để giữ cho mình khỏi làm điều sai trái, thì cũng như công nhận rằng bạn không phải là một con người, mà là một con vật, hay một sự vật vô tri. Con người biết rằng, thực hiện một nỗ lực, cái đó nằm trong quyền lực của chúng ta.

Mọi tôn giáo đều dạy chúng ta rằng, toàn bộ cuộc đời ta là một nỗ lực, tiến lên từ những giai đoạn thú vật sơ khai đến sự sống cao hơn của linh hồn.

53. KHÔNG CÓ ĐIỀU XẤU

Nếu một chút xíu trong cái nỗ lực mà người ta đặt vào việc làm giàu, tự chiêu đãi mình, hay tranh cãi, được đầu tư vào việc cải thiện cái tôi nội tại của họ, và không chống lại lương tâm họ, thì chẳng bao lâu mọi điều xấu sẽ biến đi khỏi thế gian này.

Đừng nói hay phàn nàn về những điều xấu mà những kẻ thân yêu của bạn đã làm. Nếu những người khác đàm tiếu, phán xét, và chỉ trích những láng giềng của họ, hãy cố phớt lờ nó. Bạn càng ít phán xét kẻ khác, thì càng tốt hơn cho bản thân mình.

Bạn không thể làm gia tăng sự tốt lành của cuộc đời này. Đời bạn, trong tự thân nó là một điều tốt đẹp. Tất cả những gì bạn cần làm là không làm hỏng nó. Quả thực, đôi khi chúng ta sống một cuộc sống xấu xa, nhưng sở dĩ như vậy là bởi vì chúng ta đã làm những điều xấu, mà lẽ ra chúng ta không nên làm.

Câu nói: “Aut bene, aut nihil” thường được hiểu là: “về người chết, chỉ nên nói điều tốt, hoặc không nói gì cả”. Điều này sai. Người ta nên nói ngược lại: “về người đang sống, chỉ nên nói điều tốt, hoặc không nói gì cả”. Làm điều này, chúng ta sẽ thoát khỏi nhiều lỗi lầm và khỏi trộn lẫn cái tốt với cái xấu.

54. Ý NGHĨ

Bạn không thể, về mặt thể lý, loại bỏ tội lỗi, sự cám dỗ, hay những lời nói dối. Bạn có thể loại bỏ chúng chỉ trong những ý nghĩ của bạn.

Sức mạnh tâm linh vốn có thể dịch chuyển thế giới này, thường hay vuột khỏi sự chú ý của ta. Nó không được tìm thấy trong những cuốn sách, nhật báo, luật lệ, hay những chuyên san có tính hàn lâm. Vô hình, nó luôn tự do. Nó có thể được tìm thấy trong những ý nghĩ của bạn, và nó là sức mạnh của linh hồn bạn.

Trước hết, hãy nói bằng tiếng nói nội tại của bạn khi nghĩ về thế gian này; chỉ lúc đó, bạn mới nên nói ra với những người khác.

Cuộc đời của con người được xác định, không phải bởi những hành động của họ, mà bởi những ý tưởng nội tại vốn chỉ đạo, hướng dẫn những hành động của họ; có thể nói tương tự như thế về những dân tộc. Chúng được xác định, không phải bởi những biến cố bên ngoài, mà bởi những ý kiến được chia sẻ, vốn hợp nhất những con người.

Một ý tưởng lớn cư ngụ trong linh hồn của một người, có thể làm thay đổi toàn bộ đời y.

55. CHÂN LÝ

Đừng tin bất cứ điều gì mà chỉ dựa vào lời nói của ai đó. Hãy suy nghĩ và phân tích mọi sự, rồi chấp nhận chỉ những điều được trí tuệ của bạn phê chuẩn.

Để sống một cuộc sống tốt, hãy sống bằng sự thật, và tìm kiếm sự hướng dẫn từ những vị hiền nhân sống trước bạn.

Chân lý chỉ đến với bạn nếu bạn dùng trí tuệ của mình.

Nếu bạn muốn biết chân lý, hãy tự giải phóng mình ra khỏi mọi ý tưởng về lợi lộc cá nhân, và rồi, hãy làm quyết định của bạn.

Mọi người đang tìm kiếm chân lý, việc này nhắc tôi nhớ về một nông dân. Nhiệm vụ chính yếu của у là chọn lựa chân lý, như một nông dân chọn những hạt giống tốt nhất của mình, và rồi trồng chân lý này vào trong linh hồn, như người nông dân trồng những hạt giống của y. Những từ ngữ là những dụng cụ chủ yếu của bạn.

56. KHIÊM CUNG VÀ KHIÊM TỐN

Những người thực sự đức hạnh không nghĩ rằng họ đức hạnh, bởi vì họ đức hạnh.

Đức hạnh đích thực không nói về chính nó hay khoa trương. Đức hạnh giả dối mới muốn khoa trương và khệnh khạng.

Những người khiêm cung, thiện lành, có đạo đức thường nể trọng những người thiếu đạo đức nhưng “kêu to” và la lối ầm ĩ. Sở dĩ như vậy là bởi vì một người tử tế và khiêm cung thường xét đoán người khác theo những tiêu chuẩn của chính mình, và không thể tưởng tượng, làm thế nào mà một ý tưởng ngu xuẩn lại có thể được nói ra với quá nhiều tự tin như vậy.

Sự khiêm cung là cái nền tảng cho mọi đức hạnh và trí tuệ. Không có ý tưởng nào hữu ích hơn ý tưởng rằng, bạn chỉ là một côn trùng bé nhỏ, một phân tử bé tí hon, không là gì cả.

Bạn chỉ cần hiểu rằng bạn là một người nhỏ bé và không quan trọng, thì bạn sẽ không sợ chết, và sẽ có niềm vui chân thực trong đời.

57. HY SINH

Bạn càng ít chú ý tới thân thể mình, thì bạn sẽ càng thu được nhiều hơn trong cuộc sống tâm linh. Bạn phải chọn cái gì là quan trọng hơn đối với mình.

Cái duy nhất mà không dừng lại hay kết thúc, là việc chỉ sống cho kẻ khác. Khi bạn sống cho kẻ khác, bạn có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và thanh thản.

Để có đức tin chân thực, bạn nên quên đi chính mình. Để quên mình, bạn cần đức tin. Hai điều này tăng cường sức mạnh cho nhau.

Những thời đại cứ tiếp tục trôi đi, và câu đố: “Làm thế nào con người có thể sống một cuộc sống tốt?” vẫn còn là một câu đố không thể giải – thế nhưng, nó đã được giải cách đây rất lâu rồi.

Một người phải sẵn sàng hy sinh cuộc sống thể xác cho cuộc sống tâm linh.

58. SỐNG TRONG HIỆN TẠI

Cuộc đời chúng ta ở đây trong hiện tại là thời điểm khi mà Thượng đế sống trong chúng ta. Do vậy, một phút của đời ta trong hiện tại thì quý giá hơn bất cứ cái gì khác. Hãy cố gắng hết sức mình, đừng lãng phí thời gian này, và hãy tìm một cách cẩn thận, sự biểu hiện của Thượng đế bên trong mình.

Càng già đi, những hồi ức của tôi càng rõ rệt. Thật kỳ lạ, chẳng hiểu sao mà tôi chỉ nhớ những điều tốt và nhân ái, và đôi khi thậm chí tận hưởng những hồi ức này còn hơn là tận hưởng hiện tại. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là không có cái gì ra đi. Không có cái gì đã hiện hữu hay sẽ hiện hữu, bởi vì mọi thứ đều ở đây, bây giờ, trong hiện tại.

Nếu bạn sống, tập trung toàn bộ đời mình vào trong hiện tại, thì bạn sẽ không có câu hỏi nào về cuộc sống tương lai của mình, trước hay sau cái chết.

59. NỖ LỰC

Để hoán chuyển từ cuộc sống thú vật đến cuộc sống tâm linh của mình, chúng ta cần phải chiến đấu chống lại điều xấu ác. Chỉ bằng cách vượt qua những vấn đề, những bất hạnh, đau khổ của bản thân, thì chúng ta mới tiến gần sát hơn đến cái tôi tâm linh của mình.

Người ta nói rằng, những ai may mắn trong đời, những ai giàu có, mạnh khỏe, và không có những vấn đề thông thường, họ thường là người xấu và yếu đuối. Từ điều này, bạn thấy tại sao một người cần phải làm một nỗ lực trong đời để vượt qua những trở ngại. Chúng ta không nên phàn nàn về những khó khăn của mình, mà nên vượt qua chúng.

Một con người là thành phần của linh hồn Thượng đế bị giam giữ trong một thân xác. Ở khởi đầu của cuộc sống, một người không nghĩ như vậy, у tin rằng đời у ở trong thân thể. Càng sống lâu, у càng hiểu rằng, cuộc sống chân thực của у không phải ở trong thân thể, mà ở trong linh hồn.

Nếu bạn có một kẻ thù, hãy xem đây là cơ hội để học cách tha thứ và yêu kẻ thù của mình. Bằng cách này, bạn sẽ thu được nhiều hơn so với khi bạn chỉ đơn giản đóng cửa lại với y.

60. CÁI CHẾT

Nếu cuộc đời là một giấc mộng, và cái chết là một sự thức dậy, thì trong giấc mơ tương lai của mình, tôi có thể thấy chính tôi như là một hữu thể khác, khác biệt với “cái tôi” hiện nay.

Những con người, giống như những con thú, kháng cự, chống lại sự chết; nhưng do trí tuệ của mình, ngay cả khi họ kháng cự, họ có thể chấp nhận sự tất yếu của nó.

Toàn bộ cuộc sống con người bao gồm vô số những thay đổi nhỏ, mà mắt ta không thấy được, nhưng chúng xảy ra với chúng ta từng phút. Tại ngay khởi đầu của những đổi thay này, ta là một đứa trẻ. Ở chính sự kết thúc là cái chết, không phải là cái mà ta hiểu được. Cái chết là sự thay đổi của hình thức mà trong đó linh hồn ta sống. Ta không nên lẫn lộn cái hình thức với cái được nối kết với nó.

Đời ta, từ sinh đến tử, kể cả những giấc mơ của ta – há chẳng phải tất cả chỉ là một giấc mơ lớn, mà ta đinh ninh nó là một cuộc đời thực, với một cuộc đời lớn hơn vẫn còn ở phía trước chúng ta?

61. ĐỨC TIN

Mọi con người đều cảm thấy rằng có một cái gì đó vĩ đại ở bên trong mình. Trong đời, “cái gì đó” – cái không thể hiểu được – là cái quan trọng nhất trong tất cả. Thái độ của một người về cái đó, chính là tôn giáo.

Quy luật tôn giáo đích thực thì quá rõ ràng và giản đơn, đến nỗi không có lời bào chữa nào để không biết nó.

Một chuyên gia về luật, trắc nghiệm Chúa Jesus với câu hỏi này: “Bạch Thầy, đâu là điều răn lớn nhất trong Luật?” Ngài trả lời: “Hãy yêu Chúa của ngươi với toàn bộ linh hồn mình, với tất cả trái tim và trí óc mình. Đây là điều răn đầu tiên và lớn nhất. Và điều răn thứ hai: Hãy yêu kẻ láng giềng của ngươi như chính bản thân ngươi. Toàn bộ Luật và tất cả mọi Ngôn sứ đều lấy hai điều răn này làm nền tảng”.

Matthew 22: 35-36.

Niềm tin cậy vào quyền lực của trí năng là nền tảng của mọi đức tin. Người ta không thể tin vào Thượng đế nếu người ta đánh giá thấp khả năng của chính cái trí năng, mà thông qua nó, người ta hiểu Thượng đế.

62. LINH HỒN

Một người cảm thấy hài lòng, to lớn và quan trọng khi so sánh mình với một loài côn trùng. Thế nhưng, khi so với kích thước của trái đất, у cảm thấy mình bé nhỏ. Khi so với mặt trời, trái đất chỉ là một hạt cát bé tí teo. Khi so với những vì sao lớn thì mặt trời cũng bé tí teo. Thân thể của một người là cái gì, khi so sánh với mặt trời và những ngôi sao ở trên cao? Không là gì cả.

Đôi khi người ta hỏi: “Có phải bạn đã quên đi Thượng đế?” Đây là một câu hỏi tốt. Quên đi Thượng đế có nghĩa là quên đi một kẻ mà luôn luôn ở bên trong bạn. Nhớ Thượng đế – và làm cái này không chỉ qua lời nói, mà còn bằng cách thường trực nhớ rằng Thượng đế ở trong chúng ta – thực sự là một điều vĩ đại.

Nếu hiểu chính mình như là một hữu thể tâm linh, bạn có thể tự cứu chính bạn thoát khỏi mọi rắc rối. Bất luận cái gì xảy ra, chúng đều không thể chạm vào bạn.

63. MỘT LINH HỒN TRONG TẤT CẢ

Nếu một người hiểu rằng у sống không phải bằng thân thể mà bằng linh hồn, thì у sẽ có một cảm thức về sự nhất thể với mọi sinh vật thụ tạo.

Chúng ta không thể tìm thấy nguồn gốc của linh hồn mình ở đây, trên thế gian này; cái nguồn gốc đó cũng không nằm trong khả năng nhớ lại quá khứ, hiểu hiện tại, hay nhìn vào tương lai. Chúng ta khác với thế giới vật chất – chúng ta có linh hồn.

Có lòng từ bi đối với mọi sinh linh là điều cốt yếu cho việc trở nên một người đức hạnh. Người ta không thể nói: “Anh ta là một người đức hạnh, nhưng không từ bi”, hay: “Đây là một người từ bi, nhưng tàn nhẫn”. Những câu nói này chả có ý nghĩa gì cả.

Để hòa hợp với người khác, bạn phải chiêm nghiệm những điều nào vốn hợp nhất con người lại với nhau, chứ không phải những điều gây chia cách.

64. THƯỢNG ĐẾ

Khi nhìn lên bầu trời mùa đông quang đãng, bạn thấy ngôi sao này sau ngôi sao kia, có vẻ như vô tận. Và khi bạn nhận thức rằng mỗi vì sao này đều lớn hơn trái đất gấp nhiều lần, và rằng đằng sau những ngôi sao đó là hàng ngàn, có lẽ hàng triệu những ngôi sao còn lớn hơn, và rồi bầu trời là vô tận, bạn cảm nhận được bạn không thể hiểu mọi cái đó – dù chỉ mới bắt đầu hiểu. Đây là những cái mà bạn gọi là Thượng đế.

Một người không thể không nghĩ rằng có một cái gì đó đằng sau cuộc đời mình, rằng у là công cụ của ai đó, được tạo ra cho một mục đích đặc thù nào đó. “Ai đó” hay “cái gì đó” mà sử dụng cái công cụ này, chính là Thượng đế.

Thượng đế là vĩnh hằng, ôm choàng tất cả, và hiện hữu xuyên qua không gian và thời gian. Thượng đế là tất cả những gì hiện hữu. Không có Thượng đế nào khác hơn Thượng đế này. Tất cả đều hiện hữu trong Ngài. Toàn bộ sự sống khi nó xuất hiện, không đến từ hư vô, mà đúng hơn từ Thượng đế. Và khi cái chết mang ta đi, nó không mang ta đến hư vô, nó mang ta trở về với Thượng đế.

65. SỰ HỢP NHẤT TRONG LINH HỒN

Bạn có thể hiểu đời mình trong hai cách. Cách thứ nhất, là tin rằng bạn là người quan trọng nhất, và rằng mọi người khác, thú vật, và những sinh vật là thứ yếu đối với bạn; những con người và những sinh vật chỉ đơn giản sống xung quanh bạn. Chính là khi sống như thế này, mà bạn cảm thấy giận ghét những người khác, những sinh vật khác.

Tuy nhiên, có một cách thứ hai để hiểu đời bạn: Toàn thế gian sống cùng cách như bạn, và bạn được hợp nhất với tất cả. Chỉ lúc đó bạn mới cảm thấy bình an bên trong, linh hồn được thanh thản.

Có thể một ngày nào đó, bạn nói: “Tôi cảm thấy buồn chán và cô đơn”. Nhưng ai bảo bạn quên đi những kẻ xung quanh mình, trong khi bạn tự đóng nhốt mình trong một nhà tù gọi là “tôi”?

Một người có thể sống một cuộc sống tốt, chỉ khi у hiểu chính mình như là một hữu thể tâm linh, một hữu thể được kết hợp với tất cả.

66. TÌNH YÊU ĐẠI ĐỒNG

Chúng ta có thể cải thiện đời nhau không phải qua tiền bạc, quà cáp, lời khuyên tốt, hay thậm chí công việc, mà là qua tình yêu.

Người ta không nên sợ Thượng đế, bởi vì Thượng đế tình yêu. Làm thế nào mà người ta lại sợ tình yêu? Nếu người ta yêu Thượng đế, người ta không thể sợ bất cứ cái gì trên thế gian này.

Thượng đế tạo ra trời và đất, chúng vốn không thể tìm thấy niềm vui trong sự kiện rằng chúng hiện hữu. Do vậy, Thượng đế tạo ra những sinh vật biết suy nghĩ, mà có thể tìm thấy niềm vui như thế. Tất cả chúng ta đều được tạo ra như thể chúng ta là một cơ thể duy nhất, một cơ thể mà phải yêu chính nó.

Tình yêu – không phải đối với một con người đặc thù nào, mà đúng hơn một tình yêu tâm linh dành cho tất cả – đó là trạng thái mà bên trong nó, ta có thể hiểu linh hồn của chính ta.

67. TỘI LỖI

Đời chúng ta được trải qua trong việc tranh đấu chống lại tội lỗi, sự cám dỗ và thành kiến.

Có năm tội lỗi trọng yếu, chúng dằn vặt con người: Thói háu ăn, sự lười biếng, ham muốn tình dục, sự giận dữ hoặc thù hận, và sau cùng, lòng kiêu mạn.

Nếu thân thể chúng ta không tách rời khỏi nhau, thì linh hồn thiêng liêng bên trong chúng ta sẽ được hợp nhất. Không có thân thể thì không thể có sự sống nào; nhưng ngoài thân thể ra còn có một cuộc sống khác.

Mọi tội lỗi phát xuất từ việc thiếu sự hiểu biết.

Nếu bạn có thể vượt lên khỏi cơn thịnh nộ và sự giận dữ, để tha thứ và nhân ái với những ai đã làm hại bạn, thì bạn đang làm cái điều tốt đẹp nhất mà một người có thể làm.

68. DỤC VỌNG VÀ ĐAM MÊ

Trong cuộc sống vật lý, nhất là khi truyền giống, người ta nên hành xử cao hơn những con vật, không nên ở dưới chúng. Khi thú vật giao phối, chúng làm như thế để truyền giống. Đàn ông và đàn bà hình thành quan hệ tình dục để có một thời gian vui thú – họ thường không nghĩ về chuyện con cái.

Khi một người đàn ông và một người đàn bà có quan hệ gần gũi, thâm tình với nhau về mặt thể xác, và không có kế hoạch sinh con cùng nhau, họ phạm tội.

Ham muốn tình dục, tội lỗi này chỉ mọc lên trong trí tưởng tượng. Hãy cố diệt trừ những ý tưởng này, và nhớ đến hữu thể tâm linh nội tại của bạn.

Việc sinh con là tốt hay xấu, chúng ta không biết. Đấng sáng tạo ra thế gian này biết cái mà Ngài đang làm. Chúng ta nên giữ điều này trong tâm trí khi chúng ta vi phạm giới cấm về tiết hạnh, và rơi vào tội lỗi tình dục.

69. SỰ CÁM DỖ

Bạn luôn có thể xác định cái gì mà cơ thể bạn thực sự cần để sống còn: Y phục, và một miếng bánh mì để ăn. Nhưng cơ thể bạn mỗi lúc càng khao khát nhiều hơn và không có kết thúc, và khi đầu hàng nó, bạn không bao giờ có thể thỏa mãn những dục vọng của nó.

Nếu bạn không đáp ứng những đòi hỏi của cơ thể mình về thực phẩm, giấc ngủ, hay nghỉ ngơi, thì cơ thể ngay lập tức chỉ ra cái sai lầm của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho sự nhàn rỗi, thì cái sai lầm đó sẽ chỉ trồi lên bề mặt trong tương lai, khi cơ thể bạn trở nên yếu đi, và đánh mất thói quen làm việc.

Socrates, một hiền nhân, đã cố tránh mọi cái thái quá. Ông chỉ ăn để khỏi đói, không phát triển những thị hiếu cầu kỳ và yêu cầu những môn đệ của ông cũng làm như vậy, và dành nhiều thời gian hơn cho việc cải thiện linh hồn họ.

Khi bạn tập trung những nỗ lực vào cơ thể mình, mà không phải vào sự tăng trưởng của linh hồn, thì bạn giống như một con chim đang bước đi trên đôi chân yếu ớt của nó, thay vì đang bay đến nơi mà nó muốn, trên đôi cánh hùng mạnh của nó.

70. THAM LAM VÀ CỦA CẢI

Người giàu, mà đã tích lũy một lượng của cải đồ sộ, nghĩ về sự giàu có của họ như là thành tựu lớn nhất. Đây là điều có thể hiểu được – bởi vì họ phải hy sinh nhiều để đạt được nó. Tuy nhiên, thật kỳ lạ, rằng người nghèo lại nể trọng người giàu vì điều này. Tại sao vậy? Người nghèo nể trọng và thán phục người giàu, bởi vì họ ham muốn cái tương tự cho chính họ.

“Phải chăng Thượng đế ban cái gì đó cho một người, và không ban nó cho mọi người khác? Phải chăng Người Cha Vĩnh Cửu loại trừ một đứa con nào của Ngài? Hãy chỉ cho tôi, chỗ nào trong Tân Ước, nói rằng đấng Thiên Phụ loại bỏ một ai.”

Félicité Robert De Lamennais

Của cải không bao giờ thỏa mãn lòng tham của con người. Bạn càng có nhiều, bạn càng thèm khát muốn có thêm. Ngay cả một núi của cải đồ sộ nhất cũng không thể thỏa mãn người tìm kiếm ngày càng nhiều của cải.

Sự bất công mà một tài sản lớn gây ra thì được gắn liền với nhiều bất công và tội lỗi khác, chúng hiện hữu để hỗ trợ cho sự giàu có đồ sộ đó.

71. LAO ĐỘNG VÀ NHÀN RỖI

Đừng làm phiền người khác, xin họ những cái mà bạn có thể tự mình kiếm được.

Nếu con người không tranh đấu với thiên nhiên thì cơ thể у sẽ tàn lụi và chết. Và nếu con người trốn tránh bổn phận của mình bằng cách ép buộc một ai khác làm cho mình, rồi thì linh hồn у cũng sẽ tàn lụi và chết.

Một số người nghĩ rằng, lao động tay chân sẽ ngăn cản việc có một cuộc sống trí thức. Tôi nghĩ ngược lại: Bạn chỉ có thể có một cuộc sống trí thức và tâm linh, nếu bạn dấn mình vào lao động tay chân.

Khi bạn làm việc với hai bàn tay, bạn học hỏi được thế giới xung quanh. Khi tôi ra vườn rau và đào đất với cái thuổng của mình, tôi luôn nghĩ: “Tại sao trước đây mình không tự tạo ra cái này, để được hạnh phúc như bây giờ?” Bởi vì nó cũng đòi hỏi sức khỏe tốt và kiến thức tốt.

“Tôi xấu hổ trước người tiều phu, người thợ làm bánh và người đầu bếp của tôi, bởi vì họ có khả năng tự thỏa mãn chính mình; họ có thể sống mà không có sự trợ giúp của tôi trong một ngày, hay thậm chí một năm. về phần tôi, tôi phải lệ thuộc vào họ”.

72. GIẬN VÀ THÙ

Thật khó mà nhân ái với một người xấu ác hay vô đạo đức, nhất là nếu у ngược đãi bạn. Thế nhưng, chính là với loại người này, mà bạn nên bày tỏ lòng nhân ái, vì sự tốt đẹp của у lẫn của mình.

Một người khôn ngoan, thông minh biết rằng tất cả những gì mà у cần đều ở bên trong y, và muốn tiếp tục cải thiện chính mình. Một người ngu xuẩn muốn kẻ khác đối xử tốt với y, và trở nên giận dữ nếu họ không cho у cái mà у muốn. Một người khôn ngoan không có ai để giận.

Rất thường khi, chúng ta không nhận ra cái tốt lành mà người khác làm. Chúng ta đơn giản không thấy nó, bởi vì chúng ta không ưa họ, và đây là sai lầm của chúng ta. Để vượt qua cảm giác này, hãy thay đổi thái độ của bạn, và cố thấy cái tốt đẹp nhất trong những người mà bạn không yêu mến.

“Bụi ném ngược gió, bay trở lại người ném. Cái ác cũng hệt như vậy: Nó dội ngược lại kẻ đã gây ra nó”.

Tục ngữ Ấn Độ

73. KIÊU NGẠO

Người kiêu ngạo muốn lời khen của kẻ khác. Để được khen, у phải được người khác ngưỡng mộ. Để được ngưỡng mộ, у phải được yêu mến. Để yêu mến y, người ta phải nghĩ tốt về y. Tuy nhiên, người ta không đánh giá cao kẻ kiêu ngạo, do vậy, kẻ kiêu ngạo không bao giờ đạt được cái mà у muốn.

Kiêu ngạo là ngu xuẩn. Tuy nhiên, thậm chí càng ngu xuẩn hơn khi kiêu hãnh về lý lịch gia đình hay quốc tịch của bạn.

Phần lớn điều xấu trên thế gian này đều phát xuất từ lòng kiêu ngạo. Nếu một gia đình (dòng họ) đấu đá nhau, thì một cuộc chiến tranh giữa những dân tộc có thể theo sau.

Một người kiêu ngạo có vẻ như bị nhốt trong một cái vỏ ốc băng giá. Không tình cảm tốt đẹp nào có thể xuyên thấu.

74. TỰ PHỤ VÀ DANH VỌNG

Chúng ta nên sống như những người thợ mỏ bị cô lập trong một hầm mỏ sau một cơn động đất. Bạn làm cái tốt nhất mà bạn có thể, và cố không nghĩ về dư luận của kẻ khác. Đó là cuộc sống đích thực.

Sống cho Thượng đế, không phải cho những con người, có vẻ là khó, bởi vì bạn không nhận thấy một phần thưởng vật chất cho cuộc sống tốt đẹp của mình. Nhưng sự thật thì ngược lại. Linh hồn của Thượng đế sống bên trong bạn sẽ thưởng bạn ngay tức thì, và phần thưởng tinh thần này thì tốt hơn bất cứ cái gì mà bất cứ ai trao tặng bạn.

Một kẻ xu nịnh tâng bốc bạn, bởi vì у đánh giá thấp bạn. Do vậy, tại sao bạn lắng nghe у và hân hoan trước lời ca tụng của y?

Một kẻ chú ý quá nhiều đến cái mà những người khác nói về y, sẽ không bao giờ tìm thấy bình an tâm hồn.

75. PHÁN XÉT VÀ TRỪNG PHẠT

Khi một cái gì xấu được làm cho bạn, bạn muốn trả thù, nhưng bạn giải thích và biện minh rằng, bạn muốn cải thiện người mà đã làm tổn thương mình.

Những ai nghĩ rằng không thể cai trị mà không có sự bạo động và hăm dọa, họ giống như những con ngựa mang miếng da che mắt, để có thể kéo cái gánh nặng mà không bị chia trí.

Trong nỗ lực để chống lại cái ác, ta thực sự phạm phải thêm nhiều sự ác, khi ta áp dụng sự trừng phạt như là sự trả đũa của mình.

Đời chúng ta thì còn xa với một cuộc sống theo Ki-tô giáo. Chúng ta có thể thấy điều này trong niềm tin rằng, sự trừng phạt là công cụ tốt và hữu ích trong việc giáo dục con cái. Quy luật của Thượng đế bảo chúng ta hãy tha thứ và không đáp lại cái ác bằng cái ác; nhưng chúng ta lại nghĩ rằng đây là một trò đùa, và tiếp tục làm cái ngược lại.

Mọi sự trừng phạt đều tàn nhẫn. Sự trừng phạt của thời đại chúng ta – nhà tù, thì cũng tàn nhẫn như những lằn roi da hàng trăm năm trước.

76. NỖ LỰC

Chỉ có một cách duy nhất để cải tạo xã hội là tất cả chúng ta, mỗi người phải tự cải thiện mình. Để điều này xảy ra, bạn cần làm chỉ duy nhất một điều: Cải thiện cái tôi nội tại của mình.

Sự cải thiện đời ta, và cuộc chiến của ta chống lại cái ác, chỉ có thể bắt đầu với sự phát triển tâm linh của mỗi cá nhân.

Nếu làm một cuộc thăm dò dư luận, lấy ý kiến của những người được gọi là có giáo dục, về việc chúng ta nên cải thiện đời ta bằng cách nào, thì ta sẽ thấy có một sự bất đồng to lớn trong những câu trả lời của họ, đến nỗi nó sẽ cho thấy rằng việc cải thiện cuộc đời người khác là bất khả. Cách duy nhất để cải thiện thế giới này là thông qua sự tự cải thiện của chính bạn về mặt tâm linh.

Thật rõ ràng, chúng ta sẽ bị đánh bại trong cuộc sống thể xác của mình, và chúng ta sẽ phải chết. Chúng ta thấy điều này với chính đôi mắt và trí năng của chính chúng ta. Đây là quy luật của thế giới mà Thượng đế mong muốn. Kẻ nào hiểu điều này sẽ ngừng đấu tranh cho những thành quả của cuộc sống thể xác mình, và dành nhiều nỗ lực hơn cho cuộc sống tâm linh.

77. BẠO ĐỘNG VÀ CHIẾN TRANH

Người ta răm rắp tuân theo những luật lệ và quy định pháp lý nhiều hơn là luật của Thượng đế. Không nên như vậy, bởi vì những luật lệ trong một nước thì khác biệt với những luật lệ của những nước khác, trong khi luật của Thượng đế là một cho hết thảy mọi người, ở mọi nơi.

Chính quyền không chỉ có thực quyền, mà nó còn có những học thuyết dối trá, nhằm ủng hộ quyền lực này.

Cách duy nhất để loại trừ sự bạo động là đừng tham gia vào nó.

Gươm và súng, những khí giới của thời chúng ta, sẽ được triển lãm trong những viện bảo tàng của tương lai như những di vật của thời xưa, hệt như bây giờ chúng ta tham quan những hình cụ của Tòa án dị giáo.

78. Đức Tin

Đấng Christ được hỏi: “Quy luật (đạo đức) chân thực là gì?” Ngài đáp: “Hãy yêu Thượng đế và kẻ láng giềng của ngươi”. Đức Phật và Khổng Tử cũng dạy tương tự như vậy.

Theo thường lệ, các bậc cha mẹ nuôi dạy con cái họ cho thế giới của ngày hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta nên nuôi dạy con cái mình cho cuộc sống tương lai của chúng, để chúng có thể sống trong những điều kiện tốt hơn, và làm cho thế giới này trở nên một nơi chốn tốt hơn.

Để hiểu sự nhân ái, không đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần. Tôi chỉ cần tự hỏi mình một câu hỏi: “Tôi có thể đồng ý rằng những động cơ chỉ phối những hành động của mình, chúng có thể là một quy luật đại đồng cho tất cả?”

Thượng đế ban cho chúng ta đức tin vào trái tim ta và sự trợ giúp của lương tâm và trí năng ta. Chúng ta không thể xây dựng niềm tin vào người khác thông qua những lời hăm dọa và bạo lực. Do vậy, chúng ta đừng trách cứ những kẻ “bị lạc đường” và những kẻ vô tín; họ đã đủ bất hạnh do những cách hành xử sai lầm của chính họ rồi.

79. KHOA HỌC SAI LẦM

“Những kẻ bảo vệ khoa học một cách nồng nhiệt nhất, họ thiếu một sự hiểu biết sâu xa về bất cứ khoa học đặc thù nào”.

Georg C. Lichtenberg

“Những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của quá khứ là vĩ đại, bởi vì họ diễn đạt một cách tự do những ý tưởng của riêng họ và không chỉ đơn giản lặp lại cái mà những người khác đã viết trong những cuốn sách”.

Ralph Waldo Emerson

Hôm nay, khoa học chiếm giữ cái vị trí mà các giáo hội đã chiếm giữ cách đây hai ba trăm năm. Cả hai đều tổ chức những buổi hội họp, hội nghị tương tự nhau. Cả hai đều cho thấy sự thiếu tư duy phê phán, và niềm tự tin kiêu ngạo. Những khái niệm then chốt mà cả hai đưa ra thì vừa rộng vừa mơ hồ.

Bạn cần biết nhiều, để hiểu rằng mình biết ít như thế nào.

80. NỖ LỰC (a)

Chúng ta sống để thoát ra khỏi tội lỗi. Nỗ lực càng lớn, bạn càng thành tựu nhiều sự tốt lành hơn. Do vậy, cái tốt đẹp ở một người là nỗ lực của người ấy để trở nên tốt hơn.

Hãy đối mặt, chống lại mọi trở lực can thiệp vào khả năng yêu thương của bạn.

Rất thường khi, thể xác ta muốn một điều, nhưng linh hồn ta lại muốn một cái gì đó khác. Thân thể ta muốn ăn, nhưng linh hồn muốn tặng thực phẩm cho người đói. Chúng ta nên chọn cái nào?

“Hãy chú ý đến mọi thứ mà bạn làm, và đừng nghĩ về bất cứ cái gì không xứng đáng với sự chú ý của bạn”.

Khổng Tử

Chúng ta luôn luôn cảm thấy vui khi làm điều tốt cho người khác. Nếu chúng ta sống cho kẻ khác thì toàn bộ thế gian sẽ trở thành bạn của chúng ta.

81. HY SINH

“Kẻ nào không thể thấy chính mình trong cái thân xác đang chết của y, kẻ ấy biết sự minh triết của cuộc đời này”.

Minh triết Phật giáo

“Bạn không thể tách rời chính mình ra khỏi nhân loại cho dù rằng bạn muốn. Bạn sống trong nó, cho nó, và cùng với nó. Tất cả chúng ta đều được sáng tạo để tương tác và truyền thông với nhau; nhưng điều này là bất khả nếu không có sự hy sinh, quên mình”.

Marcus Aurelius

Việc yêu chính mình thái quá có thể trở nên một cơn bệnh của linh hồn. Trong hình thức rõ nét nhất của nó, nó có thể trở thành bệnh tâm thần, gọi là bệnh “vĩ cuồng”.

Bạn có muốn những người khác sống cho bạn và yêu bạn hơn yêu chính họ? Chỉ có một cách để cho ước vọng này biến thành sự thực: Mọi người sống cho sự tốt lành của tất cả mọi người khác và yêu hết thảy mọi người. Chỉ lúc đó ta mới sẽ được yêu bởi tất cả, và có thể có được cuộc sống mà ta mong ước.

82. NỖ LỰC (b)

Mọi người đều biết rằng không thể thành tựu bất cứ điều gì thuộc lĩnh vực vật chất mà không có nỗ lực. Đối với mục đích chủ yếu của cuộc đời – cuộc sống của linh hồn bạn – thì cũng tương tự như vậy: Bạn không thể thành tựu bất cứ điều gì cho linh hồn mình mà không có nỗ lực.

Bất mãn với chính mình và có một ước vọng về sự hoàn hảo nội tại là những điều kiện cần thiết cho cuộc sống tinh thần của bạn. Chỉ có những điều kiện này mới thúc đẩy bạn cố gắng cải thiện chính mình.

Sau một ngày nóng bức giữa mùa hè, một cơn mưa mát lành rơi xuống mặt đất. Cùng thế ấy, sau ánh mặt trời nung đốt của sự tự ái mộ, những cách hành xử khiêm cung làm tươi mát lại linh hồn.

Bất cứ khi nào bạn so sánh những hành động của mình với hành động của những người khác, thì bạn đang cho phép sự cám dỗ đặt một trở ngại trên lối đi tới sự tự cải thiện.

83. CHÂN LÝ

Một lời nói thật thì quý hơn tất cả của cải trên thế gian.

Bất luận lời nói dối có sức cám dỗ ra sao, nó sẽ dằn vặt kẻ nào nói ra nó. Chẳng sớm thì muộn, một người cần quay lưng lại với những lời dối trá và tìm sự cứu rỗi của mình trong sự thật.

Khi sống xung quanh những người khác, thật khó mà loại bỏ khỏi bạn những lời nói dối và những quan niệm sai lầm đã có từ thuở ấu thơ, hoặc những lời nói dối của những người mà bạn sống gần. Bạn có thể làm điều này chỉ khi nào ở một mình. Trong những khoảnh khắc cô độc, bạn phải tra vấn mọi ý nghĩ và lời dạy mà về chúng bạn còn thấy hoài nghi(111).

Cho sự tốt lành của chính mình, thì nếu bạn sợ đối mặt với sự thật, bạn sẽ không bao giờ cải thiện tình huống của bạn, mà chỉ làm cho nó tồi tệ hơn.

84. LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG

Ở đây bạn nói một lời xấu; ở kia bạn làm một hành vi xấu. Đôi khi bạn không để ý tới những lời nói của mình, để xem là chúng tốt hay xấu. Chúng ta hãy làm những hành vi tốt và nói những lời nói tốt – đó là những hạt giống mà sẽ làm cho cây tình yêu phát triển thành một đại thụ.

Nếu bạn không chắc chắn thì đừng nói, cũng đừng hành động. Đây là một quy tắc quan trọng cần phải tuân theo.

Những hành vi tốt, dù nhỏ bé, cũng giúp xây dựng tính cách của bạn; do vậy, không có điều gì gọi là nhỏ bé trong cuộc đời này. Toàn bộ cuộc sống được dựng xây từ những sự việc nhỏ, không quan trọng và những điều tưởng chừng như vụn vặt.

Để thành tựu một cái gì đó, bạn cần làm một nỗ lực. Cái nỗ lực khó khăn nhất và cũng là quan trọng nhất, là biết giữ im lặng khi cần thiết.

“Hãy lắng nghe, hãy chú tâm, và chỉ nói ít thôi”.

Minh triết Sufi

85. PHÁN XÉT VÀ TRỪNG PHẠT

Đừng phán xét kẻ khác. Nếu một ai phán xét, và nói những điều xấu về bạn, đừng phán xét trả đũa lại người đó.

Cái mục tiêu hàng đầu của đời người là hợp nhất với linh hồn của Thượng đế. Lời nói là một trong những dụng cụ trợ giúp chúng ta trong mục tiêu này. Hãy cẩn thận, đừng sử dụng sai lời nói, và hãy tôn trọng mọi lời nói – những phán đoán của chính bạn và của người khác, được viết ra, in ấn và được nói ra. Hãy cẩn thận, tránh những lời nói gây chia cách, và hãy dùng những lời nói làm hợp nhất.

Đừng trách cứ người láng giềng của bạn cho đến khi bạn đặt chính mình vào địa vị của người ấy.

Kẻ nào làm điều xấu, thì у đã bị trừng phạt bởi lương tâm mình. Nếu у không đang bị dằn vặt bên trong, thì sự trừng phạt thể xác mà у nhận từ kẻ khác, sẽ không cải tạo được y, mà chỉ càng khiến cho у giận dữ hơn mà thôi.

86. Ý NGHĨ

Phần lớn những hành vi xấu mà con người đã phạm, thì không phải là do những người đó xấu, mà bởi vì họ tin vào những ý tưởng xấu được diễn đạt bởi những người khác. Chúng ta đừng bao giờ mặc nhiên thừa nhận những ý kiến của người khác, mà không suy xét.

Nếu chúng ta tin và nhớ rằng, sức mạnh của chúng ta nằm trong những ý tưởng của chúng ta, rồi thì rất nhiều cái xấu sẽ biến đi, cho phép cái tốt bước vào trong thế gian này.

Một cảm giác xuất hiện độc lập với ý chí của một người. Nhưng một ý tưởng có thể hoặc chấp nhận, hoặc từ khước cái cảm giác đó. Do vậy, ý tưởng của ta là cái cốt tủy của mọi sự.

Những ý tưởng của chúng ta thì giống như những vị khách. Chúng ta không phải chịu trách nhiệm về những vị khách đó, bất luận họ tốt hay xấu. Nhưng việc loại bỏ những ý tưởng xấu và chỉ giữ lại những ý tưởng tốt, cái đó nằm trong quyền lực của chúng ta.

87. KHÔNG CÓ ĐIỀU XẤU

Một người có thể thoát khỏi nỗi bất hạnh đổ xuống у từ bên ngoài, nhưng không thể thoát khỏi nỗi bất hạnh mà chính у tạo ra.

Mọi người đều có những khó khăn, trắc trở trong đời, nhưng nếu chúng ta sống với lòng khiêm cung thì dễ mang được gánh nặng này. Những thử thách được trao cho chúng ta để chúng ta có cơ hội phấn đấu chống lại chúng.

Nếu bạn bị bệnh, hãy chịu đựng; nếu bạn bị phán xét, hãy đáp trả với lòng nhân ái. Nếu bạn bị làm nhục, hãy khiêm cung; nếu bạn phải chết, hãy chấp nhận cái chết với lòng biết ơn.

Tất cả những điều thực sự vĩ đại đều xảy ra thông qua sự đau khổ.

Một tâm trạng xấu thì không phải chỉ vì nó xấu cho bạn, mà bởi vì nó còn lây lan. Nếu bạn cảm thấy bất hạnh, hãy trải qua một ít thời gian một mình. Hãy ở gần những người khác chỉ khi nào bạn đang cảm thấy dễ chịu hơn.

88. SỐNG TRONG HIỆN TẠI

Khi bạn thức dậy mỗi buổi sáng, hãy hỏi chính mình câu hỏi: “Hôm nay tôi có thể làm điều tốt gì?”

Một người gieo một hạt giống xuống đất. Y lo lắng, không biết khi nào nó sẽ bắt đầu mọc; do vậy у đào lên, và thường trực kiểm tra nó. Khi làm thế, у làm hỏng hạt giống, và nó không cho quả. Tương tự như vậy, bạn nên làm việc mà không dừng lại, không nhìn ra đằng sau, và thành quả lao động của bạn sẽ đến khi đúng thời, đúng tiết.

Không có thời gian. Chỉ có một sát-na bé tí teo của thời gian trong hiện tại, nơi mà đời ta được tập trung vào. Do vậy, bạn phải tập trung tất cả nỗ lực của mình trên khoảnh khắc hiện tại này.

Chúng ta không thể tưởng tượng đời ta sẽ ra sao sau cái chết, và không thể tưởng tượng đời ta ra sao trước khi sinh – bởi vì chúng ta không thể tưởng tượng vượt quá khái niệm về thời gian. Tuy nhiên, cuộc sống chân thực của chúng ta nằm bên ngoài thời gian.

89. CÁI CHẾT

Kẻ nào không nghĩ về vĩnh cửu, kẻ ấy không nghĩ về cuộc sống. Nếu một người chỉ là một hữu thể vật lý thì cái chết của у sẽ là một cái gì đó đáng thương. Nhưng nếu một người là một hữu thể tâm linh, chỉ tạm thời sống trong thân thể, thì cái chết chỉ là một sự thay đổi mà у sẽ trải nghiệm.

Nhớ đến cái chết không có nghĩa là sống một cách thường trực với ý nghĩ về sự chết trong tâm trí bạn, mà là vui sướng và sẵn sàng, khi một ngày nào đó nó đến với bạn.

Một con vật sống mà không biết rằng nó sẽ chết, và do vậy nó không sợ chết. Vậy thì tại sao một người dự cảm sự kết thúc của mình và sợ nó? Một người khôn ngoan chuyển đổi đời у từ “cái tôi vật lý” sang “cái tôi tâm linh”. Điều này không loại bỏ nỗi sợ hãi về sự chết, nhưng khiến cho bạn cảm thấy mình giống như một kẻ lang thang trở về nhà từ một cuộc hành trình dài.

90. CHÂN LÝ / SAU CÁI CHẾT

Chân lý luôn luôn ở trong tầm với của bạn. Nó theo sau bạn như một cái bóng theo sau một người đang bước đi dưới ánh mặt trời.

Những lời dạy hư dối thường bảo rằng, cuộc sống là xấu ác, và sự tốt lành chỉ có thể được đạt tới trong một kiếp sau. Sự thật là mục đích của cuộc đời này là sự tốt lành, có thể được đạt tới ở đây và bây giờ.

Đừng nói rằng để sống một cuộc sống tốt thì sự tốt lành cần phải ở khắp nơi xung quanh bạn. Bạn nên làm nỗ lực để sống theo quy luật của Thượng đế; rồi đời bạn sẽ tốt đẹp.

Nếu thiên đường không ở bên trong bạn thì bạn không thể bước vào thiên đường.

Sự sống và sự chết là hai cái mức giới hạn. Có một cái gì đó tương tự đằng sau chúng mà tôi không biết đến; ở đó, không có “cái hư vô” mà là “một cái gì đó”.

91. TÌNH YÊU

“Đừng tìm kiếm lạc thú; thay vào đó, hãy chuẩn bị để tìm thấy lạc thú trong mọi sự mà bạn làm”.

John Ruskin

Cuộc sống không tình yêu thì vô ích. Những phúc lành của niềm vui chỉ được ban cho con người, khi bằng cách kháng cự tội lỗi và cám dỗ, họ dâng hiến chính mình cho tình yêu thiêng liêng, vốn sống trong linh hồn họ.

Đời chúng ta thì đang thường trực di chuyển về phía sự thiện.

Yêu là biểu lộ cái tốt lành. Tất cả chúng ta hiểu tình yêu này và không thể hiểu nó một cách nào khác. Nhưng không thể tìm thấy tình yêu chỉ ở trong lời nói, mà còn ở trong những hành động chúng ta thực hiện vì kẻ khác.

Hãy quên đi “cái tôi” nhỏ bé và không quan trọng, hãy ngừng muốn điều tốt chỉ cho chính bạn. Hãy ngừng đổ lỗi cho những kẻ khác, hãy ngừng cảm thấy ghen tỵ, hãy ngừng làm những điều xấu, và bạn sẽ cảm thấy Thượng đế thức dậy trong bạn, và bắt đầu chiếu sáng bên trong bạn.

92. ĐỨC TIN

Người ta thường nói hay nghĩ rằng, thật khó mà chu toàn quy luật của Thượng đế. Điều này không đúng. Thượng đế không yêu cầu bạn bất cứ điều gì ngoài việc yêu Thượng đế và kẻ láng giềng của mình, và tình yêu thì không khó khăn mà là vui sướng.

Tư duy tôn giáo phát triển qua thời gian. Là một sai lầm nếu cho rằng tư duy tôn giáo trong quá khứ cũng giống hệt như ngày nay. Nói như vậy thì cũng tương tự như nghĩ rằng khi đã trưởng thành bạn có thể mặc vừa khít những у phục thuở còn hài nhi.

Đức tin đích thực không cần những ngôi đền lớn, những vật trang trí bằng vàng, hay âm nhạc của đàn organ. Trái lại, đức tin chân thực đi vào trong trái tim bạn từ sự im lặng và sự cô độc.

Đức tin không nằm ở những điều mà bạn tin vào một cách lưỡng lự, mà trong những điều bạn tin tưởng một cách chắc chắn.

Tôn giáo đích thực, đức tin đích thực khiến cho chúng ta trở thành những đứa con của Thượng đế, chứ không phải là những nô lệ của Ngài. Biết Thượng đế có nghĩa là yêu Thượng đế, tin cậy Ngài, và sống theo quy luật của Ngài.

93. LINH HỒN

Một người sống thông qua linh hồn mình, nhưng đồng thời không phải bằng cách phủ nhận thân thể mình.

Tất cả những rắc rối của chúng ta đều phát xuất từ sự kiện là chúng ta quên rằng Thượng đế sống bên trong chúng ta.

Sự hiểu biết của tôi về cuộc sống tâm linh của mình là sự khởi đầu của mọi sự.

Chúng ta không thể có một cuộc sống nhân ái và hạnh phúc mà không tin vào sự hiện hữu của một cuộc sống vĩnh cửu, phi thời gian.

Không có sự sống trong một thân thể, nếu không có linh hồn của nó. Một thân thể sống thông qua linh hồn. Nếu đối với bạn, có vẻ như bạn sống thông qua chỉ thân thể mình mà thôi, thế thì bạn không biết cuộc sống có mục đích gì. Và để sống một cuộc sống tốt, bạn phải sống thông qua linh hồn mình.

94. MỘT LINH HỒN TRONG TẤT CẢ

Khi bạn nói chuyện với một ai đó, hãy nhìn kỹ vào mắt người ấy. Bạn sẽ cảm nhận rằng tất cả chúng ta thì rất gần gũi với nhau, như thể chúng ta là thành viên của một gia đình, như thể chúng ta đã biết nhau một thời gian dài, rất dài. Tại sao? Bởi vì, cùng một linh hồn sống trong tất cả chúng ta.

Người ta ăn thịt thú vật bởi vì những lời dạy hư dối cho phép điều đó. Nhưng tiếng nói nội tại của bạn nói với bạn bằng giọng to hơn bất cứ bài học nào trong bất cứ cuốn sách nào, và nó nói rằng bạn không nên giết những con vật. Cái này được viết trong trái tim chúng ta.

Khổng Tử, một hiền nhân Trung Hoa, nói rằng không có gì quan trọng hơn là tôn trọng người khác như bạn tôn trọng chính mình, và đối xử với kẻ khác như bạn muốn mình được đối xử.

Thân thể chia cách chúng ta, nhưng linh hồn hợp nhất chúng ta. Chúng ta có thể cảm nhận những làn sóng năng lượng từ đằng xa trong thế giới tâm linh, hệt như chúng ta thấy ánh sáng của một ngôi sao xa.

95. THƯỢNG ĐẾ

Sợ Thượng đế là tốt, nhưng yêu Thượng đế thì tốt hơn. Cái tốt nhất là hiểu được rằng Thượng đế ở bên trong bạn.

Thượng đế là gì? Thượng đế là một hữu thể vĩnh cửu và ở trong mọi sự mà tôi cảm thấy mình là một phần. Chẳng sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều sẽ đến với Thượng đế, bất luận chúng ta có muốn hay không. Do vậy, Thượng đế hiện hữu một cách tất yếu cho mọi người.

Khi bạn hiểu chính mình như là một hữu thể tách rời, thì bạn hiểu những người khác. Khi bạn hiểu rằng mọi sự đều được nối kết, thì bạn hiểu Thượng đế. Chúng ta có khả năng hiểu cả hai.

Qua tình yêu, có nghĩa là, bằng cách nới rộng những giới hạn của mình, một con người có thể trở nên gần gũi hơn với Thượng đế. Tình yêu không phải chỉ là một phẩm chất của Thượng đế, mà còn là một năng lực trong con người.

Tất cả chúng ta đều có những ý tưởng và cảm xúc mà chúng ta muốn chia sẻ với người khác. Bạn có thể cảm thấy rằng đó là điều bất khả, rằng không ai khác hiểu được tâm hồn mình, nhưng bạn vẫn phải chia sẻ. Những điều như thế chỉ có thể được chia sẻ với Thượng đế.

96. SỰ HỢP NHẤT TRONG LINH HỒN

Một người sống càng lâu, người ấy càng được nối kết với những người khác. Có thể nói một cách tương tự về nhân loại. Nhân loại càng sống nhiều, chúng ta càng trở nên hợp nhất nhiều hơn.

Ngay khi bạn loại bỏ tình yêu vị kỷ ra khỏi mình, thì mặc dù không chủ ý, bạn hợp nhất với người khác.

Nếu bạn không bỏ qua lời dạy quan trọng nhất của đấng Christ – sự hợp nhất – rồi thì, mặc dù không thốt ra chữ “Christ”, chúng ta cũng sẽ trở nên những người Ki-tô đích thực.

Bạn có thể tìm thấy lối đi tới sự hợp nhất, dễ dàng như bạn theo lối đi lát ván xuyên qua một đầm lầy. Ngay khi bạn bước chệch khỏi lối đi đúng, bạn chìm xuống vũng lầy của sự chia cách, tranh chấp và cái ác.

Cái tốt chân thực là cái gì tốt cho tất cả mọi người.

97. TÌNH YÊU ĐẠI ĐỒNG

Một hiền nhân Ấn Độ nói: “Một người mẹ che chở, nuôi dạy và cưng chiều đứa con độc nhất của mình. Cũng hệt như vậy, bạn nên khích lệ và bảo vệ trong chính mình cái tài sản quý giá nhất của bản thân – khả năng yêu kẻ khác”.

Khi chúng ta yêu kẻ khác, và khi chúng ta được yêu, chúng ta cảm thấy dễ chịu. Điều này chứng minh rằng cái tốt lành chân thực của chúng ta, nó được phát lộ ra chỉ trong tình yêu.

Nếu bạn hiểu rằng tình yêu là điều quan trọng nhất trên thế gian, rồi thì khi gặp một ai đó, bạn không nên quan tâm về sự hữu dụng của họ đối với mình, mà nên quan tâm về việc làm thế nào bạn có thể giúp đỡ họ. Nếu làm được điều này, bạn sẽ thành tựu nhiều hơn, so với khi bạn chỉ nghĩ về chính mình.

Tại sao tôi tin vào quy luật của tình yêu và tuân theo nó? Cái gì sẽ xảy ra với điều đó? Tôi không biết. Nhưng tôi thực sự biết rằng tôi càng tuân theo quy luật đó, thì càng tốt hơn cho mình và cho kẻ khác.

98. TỘI LỖI

Khi thời gian trôi qua, bạn nên cố loại trừ những sai lầm của mình. Nếu bạn thất bại trong việc loại bỏ những sai lầm của quá khứ, không thấy đời mình có tính khai phóng, thì bạn đang phạm phải sai lầm lớn nhất trong tất cả.

Không ai không có tội lỗi, không có ai không phạm sai lầm. Loại trừ tội lỗi ra khỏi chính mình, điều đó nên là mục đích chính yếu của đời bạn.

Có thể là khó khăn khi nghĩ về những tội lỗi của bạn, nhưng thoát khỏi chúng quả là một niềm vui lớn. Nếu không có bóng tối, chúng ta sẽ không hân hoan trong buổi bình minh.

Nếu bạn muốn tỏ ra là mình đúng, thì bạn sẽ không thể đối mặt với 

những tội lỗi của mình. Khi những người khác phát hiện những sai lầm và tội lỗi của bạn giùm bạn, thì cái đáp ứng tồi tệ nhất khả hữu, là giận dữ; với sự giận dữ, bạn chỉ tạo thêm một tội lỗi nữa.

99. DỤC VỌNG VÀ ĐAM MÊ

Một người không thể thực sự đức hạnh. Do vậy, hãy cố từ bỏ ham muốn xác thịt, ác ngữ, tật háu ăn, và rượu chè say sưa. Cuộc sống của bạn càng quân bình, nó sẽ càng trở nên vui sướng hơn.

Một con thiêu thân bay vào trong một đống lửa mà không biết lửa sẽ đốt cháy đôi cánh của nó. Một con cá nuốt mồi mà không nhận thức rằng việc đó có thể dẫn đến hậu quả là cái chết. Chúng ta biết những ham muốn tình dục có thể hủy hoại ta, thế nhưng chúng ta vẫn cứ tự nộp mình cho chúng.

Hầu như không có một đề tài nào gây ra nhiều bối rối hơn là những mối quan hệ tình dục. Do vậy, tốt nhất là người ta nên thảo luận nó với sự chân thành, một cách minh bạch, công khai.

Một số người quay sang hôn nhân để thỏa mãn cái ham muốn xác thịt của họ, nhưng điều đó không ngăn họ khỏi cảm thấy thèm muốn.

❁ ❁ ❁
Trích – Suy niệm mỗi ngày – Lev Tolstoy.
(Nếu bạn yêu thích, hãy mua sách giấy ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x