Trang chủ » Sự Chiêm Nghiệm là khởi đầu của Minh Triết

Sự Chiêm Nghiệm là khởi đầu của Minh Triết

by Hậu Học Văn
407 views

Hôm nay lại mượn cậu là đối tượng để tớ có thể viết ra và chia sẻ những điều của hiện tại ngay lúc này để gửi đến cậu, và những người bạn đồng điệu về tư tưởng, hay những người có cùng sự quan tâm.

Cậu hôm nay thế nào? Đang suy nghĩ gì? Hôm nay có cảm nhận gì hay chiêm nghiệm gì không? Có lẽ ít người chúng ta có thể hỏi những câu này mỗi ngày cậu nhỉ, bởi đa phần mọi người chỉ quan tâm đến những biến chuyển và thay đổi bên ngoài, có mấy ai từng ngày, từng giờ, từng phút chú ý đến những suy nghĩ, cảm xúc và tâm tư bên trong mình, có lẽ cũng bởi vậy mà đa phần chỉ hướng tâm ra bên ngoài tìm cầu sự bình an, hạnh phúc, và cứ để tâm trôi lăn theo ngoại cảnh đến suốt đời.

Những tri thức của Phật, của Đạo, của các bậc Thánh hiền cũng chỉ được mọi người mang ra để ngân nga, triết lý cho vui, để tô điểm một chút màu sắc cho cuộc đời khô cằn và hời hợt, chứ mấy ai Sống thực với những điều ấy để tự phản tỉnh, ý thức bản thân mỗi lúc hay quan tâm đến nội tâm của người khác để cùng nhau sống trong sự tỉnh thức, sáng suốt và tự tại.

Nếu chúng ta chú ý đến ngoại cảnh thì chắc ai cũng phải thấy sự mong manh và vô thường của mọi thứ cậu nhỉ, để từ đó ta đừng tham đắm, hay si mê điều gì bởi đó là gốc rễ của đau khổ và phiền muộn. Cậu có nhớ những lúc tớ và cậu nói về cái chết không, khi tớ hỏi nếu tớ chết đi thì cậu sẽ cảm thấy thế nào, hay những người thân yêu không còn thì cậu có thể tự tại, an nhiên đối diện và chấp nhận mọi điều ấy ngay lúc này không? Ngay cả khi chúng ta trong trạng thái yêu thương khôn tả thì cái chết hay sự vô thường sẽ là phép thử để chúng ta tự nhìn nhận lại bản thân mình có đang tham đắm, cuồng si, hay dính mắc không, để từ đó, ta được giải thoát và tự do khỏi mọi điều ấy.

Đất nước chúng ta đang tạm yên ổn, nhưng những nước khác thì cái chết và nỗi sợ đang xâm chiếm bởi dịch bệnh, chúng ta có thể là một trong số họ, mất mát người thân, gia đình, bạn bè, người ta yêu thương… Vậy nếu ở hoàn cảnh đó, con người ta sẽ sống thế nào? Nếu tự bản thân ta không chú tâm tỉnh thức hay sống với trí tuệ nội tâm thì ta sẽ sống thế nào đây? Có phải ta sẽ đau khổ, trống rỗng, chán trường, điên loạn hay không?

Có những điều xảy ra ngay trước mắt ta nhưng ta bị nỗi sợ, sự si mê, tham đắm che hết, ta chẳng muốn hay chẳng dám nhìn cái sự thật trần trụi ấy – rằng ta sẽ chết, rằng mọi thứ chẳng có gì an toàn hay chắc chắn cả, vậy mà ta cứ muốn cố nắm giữ mọi thứ ta ham thích, yêu thương được còn mãi. Và bởi vì dính mắc, tham đắm nên nếu thứ ta dính mắc bị mất, ta cũng cảm thấy đó như là cái chết của mình, nên ta sẽ làm mọi điều để bảo vệ thứ ta đang dính mắc đó, và sự vô cảm, mâu thuẫn, hận thù, ghen ghét, chiến tranh cũng từ đó mà ra.

Cậu có thấy điều đó không? Rằng cái si mê, ngu muội dẫn đến đủ mọi điều xấu ác trên cuộc đời này. Chúng ta cứ hàng ngày rao giảng về tình yêu, hạnh phúc hay hòa bình đến mọi người nhưng cũng giống như việc ta múc nước rồi đổ vào cái chậu bị thủng đáy, chẳng có nghĩa lý gì bởi ngày nào con người không sống với sự sáng suốt và minh triết của sự tự biết – tự ý thức mình thì ngày đó con người vẫn còn ngu muội, tối tăm, và sự xấu ác, đau khổ, chiến tranh sẽ vẫn còn mãi ở thế gian này.

Cuộc sống như một trận chiến mà ai cũng phải vật lộn với nó, không mấy khi con người ta có khoảng không gian cho riêng mình để tự chiêm nghiệm mọi điều mình từng trải qua hay những điều mình đang Sống có ý nghĩa gì, hay ý nghĩa của cuộc hiện sinh trên cõi đời này là gì. Với tớ, sự chiêm nghiệm chính là khởi đầu của minh triết, chứ không phải việc học những tri thức bên ngoài hay tìm cầu trí tuệ của người khác.

Một người đã từng trải qua điều gì, hay đang sống với điều gì nếu anh ta có thể ngồi lại trong sự thư thái, tĩnh lặng mà nhìn lại bên trong như xem một bộ phim thì chính từ sự chiêm nghiệm ấy, mở ra cho anh ta những phát kiến lớn lao về chính mình, về những quy luật cuộc sống, hay ý nghĩa ẩn tàng nấp sau mọi thứ.

Chính từ sự chiêm nghiệm ấy mà nổi lên những câu hỏi để anh ta tự vấn bản thân, và trong sự tra vấn ấy lại mở ra thêm nhiều điều khác. Cậu có thấy cái đẹp của điều đó không? Rằng chúng ta chẳng cần phải đi đâu, làm gì hay nương tựa vào ai để tìm cầu trí tuệ, mà chỉ cần ngồi lại với chính mình, từng ngày, từng giờ, từng phút thì khi ấy một trí tuệ sẽ soi sáng cho ta mọi góc tối trong tâm trí của mình, mà từ đó ta sẽ là một người khác, ta sẽ sống một cuộc sống khác, thế giới từ đó cũng khác – theo cách tốt đẹp hơn.

Đó là thực tế, đó là cuộc sống mà tớ đang sống. Nó không phải thứ mơ mộng hay triết lý cho hay. Cậu hiểu phải không vì tớ biết cậu cũng đang như vậy. Ngoài việc chiêm nghiệm một mình, thì việc có những cuộc trò chuyện sâu sắc về tư tưởng và việc đọc sách cũng là điều giúp tâm trí chúng ta trở nên tỉnh thức hơn.

Thời gian này, khi đang xây dựng nội dung cho website để chia sẻ tri thức đến mọi người, bản thân phải tự đọc hết tất cả để soát lỗi chính tả hay xem những nội dung phù hợp, rồi tự cảm thấy rằng mình may mắn khi được đọc những nội dung như thế vì mỗi lần đọc là mỗi lần tự soi lại mình và chiêm nghiệm, để từ đó Thấy Biết rõ ràng mọi thứ trong tâm trí và ở trong trạng thái trống không, an nhiên, tĩnh tại vô cùng. Và rồi lại thấy cái nhìn của tớ đến mọi thứ trở nên thật tinh khôi, hồn nhiên, dịu dàng và tràn đầy thích thú.

Nhưng tiếc rằng sách Thánh hiền thì nhiều mà người đọc nó thì ít, người đọc đã ít mà người Sống với nó lại càng hiếm hoi. Như thế hệ cha mẹ ta đã sống một đời trong chiến tranh, và quá vất vả trong cuộc mưu sinh với vô vàn trắc trở, thì giờ với họ, ngày làm kinh tế, tối về xem TV hay thể dục, giải trí là đủ rồi, thế hệ trẻ hơn ta thì ngụp lặn với đủ thể loại giải trí trên internet hay những khoái lạc do tiện nghi vật chất đem lại.

Tớ vẫn luôn tự hỏi rằng làm thế nào để mọi người cảm thấy sự cần thiết của việc đọc những cuốn sách ấy cho việc sống một đời sáng suốt, trí tuệ và bình an. Vì được đọc những cuốn sách đó cũng giống như việc ta gặp các bậc Thánh hiền hay trò chuyện với họ ở ngoài đời thực, họ sẽ giúp ta mỗi ngày sáng suốt hơn, trí tuệ hơn, tỉnh thức hơn mà từ đó khởi phát lòng từ và tình yêu thương thực sự. Vì tình yêu thương không xuất phát từ việc ta “cố gắng” hay cố trau dồi nó, mà chỉ xuất hiện trong sự tĩnh lặng của tâm và sự tỉnh thức, sáng suốt của cái trí.

Vậy nên cậu ạ, đừng làm biếng đọc sách mỗi khi tớ vắng mặt nhé. Ngoài cậu ra thì sách với tớ là tri kỷ, tớ có thể “trò chuyện” với sách bất cứ lúc nào để tỉnh thức chú tâm đến chính mình từng giây từng phút. Bởi tâm ta thường bị lôi kéo bởi nghìn lẻ một thứ trên đời nên có những “người bạn tri kỷ” bên cạnh sẽ giúp ta tự phản tỉnh mỗi ngày để nhiều khi bất giác nhận ra mình đã buông thả, si mê và ngu muội thế nào.

Bụng tớ đang sôi sùng sục vì đói, đấy thấy tớ tỉnh thức và ý thức bản thân ghê không. Hôm nay tạm chia sẻ vậy, hẹn cậu hôm khác chia sẻ nhiều hơn nhé.

Gửi đến cậu và những người bạn sự tĩnh tại và an nhiên của khoảnh khắc này!

❁ ❁ ❁
Phạm Đức Hậu

4 3 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

4 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Trần Trung Kiên

Cảm ơn anh vì tất cả

Nguyễn Ngọc Châu

Cảm ơn cậu!

4
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x