Trang chủ » 10. VÔ VI

10. VÔ VI

by Trung Kiên Lê
124 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Ông chủ bút tạp chí Revue des revues ở Paris gửi cho tôi hai bài cắt ra từ báo Pháp, vì cho rằng, như ông ấy viết trong thư gửi tôi, ý kiến của hai nhà văn nổi tiếng về tình trạng tâm não hiện nay sẽ khiến tôi quan tâm. Một bài là diễn văn của Zola, bài kia là thư của Dumas gửi chủ bút tờ Gaulois. Tôi rất biết ơn ngài Smith đã gửi bưu phẩm. Cả hai tài liệu này, cả về danh tiếng của tác giả, cả về tính hiện đại và chủ yếu là do sự tương phản của chúng, đáng được quan tâm sâu sắc, nên tôi muốn thổ lộ vài suy nghĩ mà chúng đã gợi ra.

Dù cố ý cũng khó tìm thấy trong sách báo đương thời một hình thức hàm súc, mạnh mẽ và sáng tỏ hơn để biểu đạt hai sức mạnh cơ bản nhất tạo nên hợp lực vận động của nhân loại: một lực là sức ì chết cứng muốn kìm hãm nhân loại trên con đường nó một lần lựa chọn, lực kia là sức sống của trí tuệ hướng nhân loại về phía ánh sáng.

Đây là toàn văn bài phát biểu của Zola:

GỬI THANH NIÊN

Thưa các ngài!

Các ngài đã mang đến cho tôi thật nhiều niềm vui và hạnh phúc sâu sắc bởi đã chọn tôi làm chủ tịch cuộc họp thường niên này. Không có hội đoàn nào tốt hơn, đáng yêu hơn và, quan trọng là, không có cử toạ nào khả ái hơn tuổi trẻ, trước cử toạ ấy trái tim mở rộng ngập tràn niềm khao khát được mến yêu, được lắng nghe.

Than ôi, tôi đang ở vào cái tuổi bắt đầu thấy nuối tiếc thời trai trẻ đã qua đi, và cũng là lúc người ta chăm lo cho một thế hệ mới đang lớn. Họ sẽ vừa là quan tòa, vừa là những người tiếp bước chúng tôi. Tôi thấy tương lai đang nảy nở ở họ và thường lo lắng tự hỏi: họ sẽ vứt bỏ những gì và giữ lại những gì của chúng tôi, những gì sẽ trở thành sự nghiệp của chúng tôi trong tay họ, bởi vì phải ở trong tay họ, nó mới thành sự nghiệp, chỉ khi ấy, nếu họ tiếp nhận nó, sự nghiệp của chúng tôi mới được mở rộng và hoàn thiện đến tận cùng. Đó là lý do vì sao tôi say sưa theo dõi sự vận động của tư tưởng trong giới trẻ hiện nay, tôi đọc các báo và tạp chí tiên tiến, cố gắng nhận ra tinh thần mới đang thổi sinh khí vào học đường, cuối cùng nhận ra tất cả các ngài đang đi đâu, vì các ngài là trí tuệ và ý chí của tương lai.

Thưa các ngài, sự thực là ở đây cũng có một chút ích kỷ, tôi không giấu giếm điều đó. Tôĩ giống như một người thợ đang hoàn tất ngôi nhà nơi anh ta hy vọng sẽ sống nốt những ngày còn lại của đời mình và lo ngại, không biết thời tiết sẽ thế nào. Mưa gió liệu có làm hư hại tường vách của nó? Hay là khi gió bấc nổi lên, liệu căn nhà có bị tốc mái? Và điều cơ bản, liệu anh ta xây dựng ngôi nhà đã vững chãi chưa, liệu nó có chống lại dông bão được hay không? Vật liệu có bền chắc không, mọi rủi ro đã được tiên liệu kỹ lưỡng chưa? Tôi nói điều đó chẳng phải vì giả định có sản phẩm nào đó của con người có thể trở thành trường cửu và hoàn hảo.

Ngay cả những tạo tác vĩ đại nhất cũng phải chấp nhận làm thành một khoảnh khắc mà thôi trong sự phát triển không ngừng của trí tuệ con người. Chỉ cần không có mặt mà vẫn thấy mình là đại diện cho tiếng nói của một thế hệ, dẫu đó là khoảnh khắc ngắn ngủi nhất, cũng đã mãn nguyên lắm rồi. Chính vì không thể kìm hãm được văn học, chính nhờ mọi sự phát triển không ngừng, luôn làm mới lại từ đầu, cho nên cần sẵn sàng chứng kiến lớp trẻ đang sinh ra và lớn lên như thế nào, lớp người sẽ thay thế các ngài, thậm chí có thể xóa sạch kí ức về các ngài.

Tôi tuyệt nhiên không muốn nói, rằng người lính già đang ngự trị trong tôi thỉnh thoảng không cảm thấy ý muốn kháng cự, khi anh ta thấy tác phẩm của mình bị công kích. Nhưng quả thật với thế kỷ tương lai đang tới, trong tôi, sự tò mò lớn hơn sự bất bình, sự cảm thông nhiệt thành nhiều hơn những lo lắng riêng tư, và hãy để cho tôi rữa nát, để cho cả thế hệ chúng tôi rữa nát cùng với tôi, nếu như chúng tôi đúng là chỉ đáng dùng vào việc lấp đầy những cái huyệt và bằng cách ấy, làm dễ con đường dẫn ted ánh sáng cho những ai đang nối gót chúng tôi.

Thưa các ngài, tôi thường nghe những lời bàn tán, rằng chủ nghĩa thực chứng đang giãy chết, rằng chủ nghĩa tự nhiên đã chết, rằng khoa hoc sắp phá sản đến nơi vì nó không đem lại cho con người hạnh phúc và một thế giới đức hạnh như đã hứa. Các ngài hiểu rõ là ở đây tôi không dám giải quyết những nhiệm vụ lớn lao mà các vấn đề ấy đề cập tới.

Tôi là kẻ dối nát. Tôi không có quyền nhân danh khoa học và triết học để phát ngôn. Nếu các ngài muốn biết, xin thưa, tôi chỉ đơn giản là người viết tiểu thuyết, là nhà văn đôi khi đoán định được chút ít, và mọi giá trị tôi có được đều là do tôi quan sát nhiều và làm việc nhiều. Và tôi cũng chỉ dám cho phép mình đứng vào vị trí một chứng nhân để nói với các ngài về chính thế hệ của chúng tôi – những người bây giờ ở độ tuổi năm mươi mà thế hệ các ngài sắp phải gọi là cha ông – cái thế hệ ấy từng là gì, hoặc chí ít, từng ước muốn trở thành cái gì.

Trong buổi khai mạc triển lãm tại Champs de Mars,[68] tôi đã vô cùng ngạc nhiên bởi dáng vẻ đặc biệt của những gian trưng bày. Cứ tưởng rằng đó vẫn chỉ là những bức tranh y chang như vậy mà thôi. Nhưng đó là một sai lầm – tiến hóa tuy chậm chạp, nhưng sẽ đáng ngạc nhiên biết bao, nếu như có thể phục dựng được những cuộc triển lãm trước kia! Về phần mình, tôi nhớ rất rõ những cuộc triển lãm sau chót của nghệ thuật hàn lâm và lãng mạn vào năm 1863. Lối làm việc ngoài trời (“với đầy đủ ánh sáng”, plein air) chưa ưu thắng, vẫn một màu hắc ín bao trùm; một sự cuồng si thế nào ấy, những màu sắc cháy sém thế nào ấy, ánh mờ ảo của những xưởng vẽ.

Rồi quãng mười lăm năm trôi qua, sau ảnh hưởng không gì cưỡng lại và cũng gây nhiều tranh cãi của ngài Manet, tôi nhớ những cuộc triển lãm, nơi bừng lên ánh tươi sáng của nắng trưa. Nó giống như một trận lũ lụt ánh sáng, mối quan tâm về sự thật đã khiến khung tranh trở thành ô cửa rộng mở nhìn ra thiên nhiên tràn ngập ánh sáng chói chang. Và chiều qua, lại sau mười lăm năm nữa, tôi được nhìn thấy giữa sự tươi tắn ấy của các tác phẩm, một cái gì giống như mây mù huyền bí đang dâng lên. Ở đây cũng vẫn mối quan tâm về hội họa hiện thực như xưa, nhưng thực tại đã biến dạng, hình hài bị kéo dài ra, nhu cầu về sự độc đáo và cách tân đưa nghệ sĩ ra ngoài giới hạn của mơ ước.

Nếu tôi nói về ba giai đoạn như thế của hội họa hiện đại, thì cũng chỉ vì tôi thấy chúng thể hiện hết sức rõ ràng sự vận động tư tưởng của thời đại chúng ta. Quả thật sau những vị tiền bối kiệt xuất mà chúng tôi là những người kế tục, thế hệ của tôi đã cố gắng mở rộng ô cửa hướng ra thiên nhiên: thấy tất, nói tất. Ở thế hệ này, ngay cả ở những người vô tâm nhất cũng đã hoàn kết nỗ lực dài lâu của triết học thực chứng và các khoa học phân tích và thực nghiệm.

Chúng tôi thường ngụp lặn trong thế giới khoa học đã vây bọc chúng tôi từ mọi phía, chúng tôi sống bằng khoa học, hít thở vào tâm can không khí của thời đại ấy. Bây giờ tôi có thể thú nhận điều đó, cá nhân tôi thậm chí còn là người theo trường phái cố đưa phương pháp khoa học nghiêm nhặt vào lĩnh vực văn học. Nhưng ở đâu có con người mà trong đấu tranh không dám vượt ra ngoài giới hạn của những gì cần thiết, băng lòng với chiến thắng đạt được để không phương hại cái lợi của nó? Thực ra, tôi chẳng tiếc bất kỳ cái gì và tiếp tục tin vào niềm đam mê, nó khao khát và nó hành động. Vả lại, chúng tôi được khích lệ bởi một nhiệt tình cháy bỏng biết dường nào và những hy vọng mới đẹp đẽ làm sao! Biết tất cả, làm được tất cả, chiến thắng tất cả!

Lấy chân lý làm phương tiện, giúp nhân loại trở nên cao quý hơn và hạnh phúc hơn! Thưa các ngài, đúng vào lúc này đây, các ngài, những người trẻ tuổi bước lên sân khấu. Tôi nói, tuổi trẻ là một cái gì đó không xác định, xa xăm và sâu như biển cả: bởi vì, biết nó ở đâu – tuổi trẻ? Nó sẽ là cái gì trong đời sống thực tại? Ai có quyền nhân danh nó mà phát ngôn? Tôi phải bám chặt vào những tư tưởng mà người ta đang gán cho tuổi trẻ. Và nếu những tư tưởng ấy không thuộc về nhiều người trong số các ngài, thì xin lượng thứ trước cho tôi. Tôi đề nghị những người ấy trách cứ những kẻ đã đánh lừa chúng tôi bằng các tri thức khả nghi, có lẽ phù hợp với mong muốn của họ hơn là với thực tế.

Như vậy, thưa các ngài, người ta quả quyết với chúng tôi, rằng thế hệ các ngài đoạn tuyệt với thế hệ của chúng tôi, rằng các ngài không còn đặt trọn niềm tin vào khoa học, các ngài thừa nhận sẽ có sự nguy hiểm về đạo đức và xã hội nếu xây dựng tất cả trên nền tảng của khoa học, rằng các ngài đã quyết quay trở về với quá khứ, lấy tàn tích của những tín ngưỡng thời xưa để tạo ra cho mình một tín ngưỡng sống động. Tất nhiên, điều đang nói ở đây không phải lấ chuyện đoạn tuyệt hoàn toàn với khoa học – cứ tạm cho là các ngài tiếp thu mọi thành tựu mới nhất của nó và các ngài cũng có ý đồ khuếch trương những thành tựu ấy cũng được.

Cứ tạm giả định rằng, các ngài thừa nhận những chân lý đã được kiểm nghiệm và cố gắng thích ứng chúng với những tín điều cổ xưa. Thực ra, khoa học bị đặt vào chỗ bên ngoài tín ngưỡng. Người ta đang đẩy nó vào vị trí xưa kia của mình. Nó chỉ là bài tập giản đơn của trí tuệ và là sự nghiên cứu được cho phép chừng nào nó chưa đụng tới cái siêu nhiên và thế giới bên kia. Người ta nói rằng, những thí nghiệm đã được làm, rằng khoa học không thể dán lại bầu trời mà nó đã phá tan hoang và cũng không thể trả lại hạnh phúc cho những tâm hồn mà thế giới ngây thơ của chúng đã bị nó hủy hoại.

Thời đại khoa học chiến thắng cái giả dối đã kết thúc. Nó phải lễ độ vì không thể biết tất cả, không thể lập tức chữa lành tất cả, làm tất cả trở nên giàu có. Nếu người ta vẫn chưa dám nói với tuổi trẻ trí thức rằng họ nên vứt sách và lìa bỏ những người thầy của mình, thì đã có những vị thánh và những nhà tiên tri đi giữa nhân quần ca ngợi đức hạnh của sự ngu dốt, sự sáng láng của cái giản đơn và nhu cầu thiết yếu đối với nhân loại đã quá thông thái và già nua, nhu cầu làm tươi mới mình dưới đáy sâu của nông thôn thời tiền sử, giữa những vị tổ tiên vừa mới rời khỏi đất cát, trước khi có bất kì xã hội và tri thức nào.

Tôi không phủ nhận cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua; đó là sự mỏi mệt và phẫn uất xuất hiện hồi cuối thế kỉ sau những nỗ lực đầy phấn khích và lớn lao nhắm tới mục đích biết tất cả và nói tất cả. Tưởng chừng nền khoa học vừa hủy hoại thế giới cổ xưa phải khôi phục lại nó một cách sống động theo lí tưởng mà chúng ta hằng ấp ủ về lẽ công bằng và hạnh phúc. Người ta đã chờ đợi 10, 20, 50, thậm chí 100 năm nay. về sau, khi thấy công lí vẫn không ngự trị, hạnh phúc vẫn không tới, người ta đã buông xuôi theo sự chán nản ngày càng lớn hơn, họ thất vọng và phủ địhh ngay cả việc có thể dùng tri thức để đạt được sở nguyện thống khoái.

Có một hiện tượng ai cũng biết: chẳng có hành động nào không có sự đáp trả, và chúng ta đang góp mặt vào sự mệt nhọc không thể tránh khỏi vốn là đặc điểm của những cuộc hành trình kéo dài: mọi người ngồi xuống vệ đường và, trong khi ngắm nhìn bình nguyên bao la của thế ki tương lai đang mở rộng trước mắt, mất hết hy vọng một lúc nào đó sẽ tiến tới đích, thậm chí, người ta nghi ngờ ngay cả con đường đã đi qua, người ta tiếc nuối vì đã không ngả mình trên đồng cỏ mà thiếp đi trong giấc ngủ vĩnh hằng. Đi làm gì, nếu cái đích vẫn mãi mãi xa xôi? Cứ dừng lại ở sự giản dị thuần khiết, ở sự dốt nát đầy hạnh phúc của một đứa trẻ hẳn là sẽ tốt hơn. Bởi thế, mọi người cảm thấy rằng khoa học, có vẻ như từng hứa hẹn mang lại hạnh phúc, đã hoàn toàn phá sản trong mắt chúng ta.

Nhưng có phải khoa học hứa hẹn mang lại hạnh phúc? Tôi không nghĩ như thế. Nó hứa hẹn mang lại chân lí, và vấn đề là ở chỗ, liệu từ chân lí có thể làm ra hạnh phúc hay không? Để thỏa với chân lí, dĩ nhiên, cần có đức khắc kỉ thật lớn, phải từ bỏ hoàn toàn “cái tôi” của mình, cần có sự sáng láng của một trí tuệ mãn nguyện chỉ có thể bắt gặp ở những người đặc tuyển. Trong khi đó, tiếng kêu gào thất vọng giữa nhân loại đau khổ đang vang lên mới thảm thiết làm sao!

Làm thế nào để sống không có dối trá và ảo tưởng! Nếu ở đâu đó không có một thế giới khác, nơi công lí luôn ngự trị, kẻ giàu có bị trừng phạt và người nhân hậu được ban thưởng, thì sao có thể sống chót đời người gớm ghiếc kia mà không nổi đoá lên? Tạo hóa thì bất công và nghiệt ngã, khoa học dường như đang dẫn dụ chúng ta đến với quyền năng của kẻ mạnh, cho nên mọi thứ đạo đức đều bị hủy hoại và xã hội nào rồi cũng dẫn tới chuyên chế. Vậy nên, trong sự phản ứng đang diễn ra, trong cái mệt mỏi vì thừa dư tri thức cũng có cả sự đầu hàng trước chân lí được luận giải còn tồi tệ và có vẻ như nghiệt ngã trong con mắt chúng ta, những đôi mắt chưa thể hiểu thấu và thâm nhập vào mọi quy luật. Không, không, chúng ta hãy quay về với giấc ngủ bình yên của sự vô tri!

Thực tại là trường học đồi bại, phải giết cho nó chết đi và phủ nhận nó, vì thực tại chỉ là sự quái gở và tội ác, nên mọi người lại chìm đắm vào mơ mộng, nên chẳng có cách cứu rỗi nào khác ngoài việc trốn khỏi mặt đất, tin vào thế giới bên kia và hy vọng rằng ở đó, cuối cùng, nhu cầu về tình hữu ái và công lí của chúng ta sẽ được thỏa mãn.

Cái tiếng gọi hạnh phúc vô vọng ấy, giờ đây chúng ta đang nghe rõ. Nó khiến tôi xúc động khôn nguôi. Xin để ý, nó đang vang lên khắp nơi giống như tiếng thét gào thảm thiết giữa cơn sấm sét chuyển rung của nền khoa học không dừng lại những bánh xe và cỗ máy của mình. Chúng tôi đã ngán ngẩm sự thật, hãy cho chúng tôi những ảo tưởng! Chúng tôi sẽ được bình tâm khi ước mơ về những gì không có, khi chúng tôi cất mình vào cõi vô cùng: nơi đó chỉ nở rộ những đoá hoa thần bí, mùi hương của chúng sẽ xoa dịu nỗi đau của chúng tôi. Âm nhạc đã đáp ứng, văn học cũng muốn thỏa mãn những khát khao mới, hội họa đang thích nghi với mốt tân kì ấy.

Tôi vừa nói với các ngài về cuộc triển lãm ở Champs de Mars: các ngài sẽ thấy ở đấy thế giới thảo mộc của hội họa cổ đại nở rộ trên các ô trống, những thánh mẫu gầy gò và yếu ớt, những bóng ma trong màn tối ảm đạm, những gương mặt cứng nhắc với những cử chi gãy khúc như người nguyên thuỷ. Đó là phản ứng chống lại thứ chủ nghĩa tự nhiên đã chết và đã được mai táng – người ta vẫn nói với chúng ta như thế. Vô luận thế nào, vẫn không thể phủ nhận sự phát triển, bởi vì nó bao trùm mọi biểu hiện của tinh thần, phải tính tới nó, phải nghiên cứu nó, nếu không muốn tuyệt vọng về ngày mai.

Về phía mình, thưa các ngài, là nhà thực chứng thâm căn cố đế và đã già, tôi thấy đó chỉ là điểm dừng không thể tránh khỏi trong sự vận động tiến về phía trước. Điểm dừng thật ra không có, vì rằng các thư viện, phòng thí nghiệm, các hí trường và học đường vẫn chẳng bao giờ vắng người. Điều gợi dậy niềm tin trong tôi còn là cơ sở xã hội không thay đổi, nó vẫn là cơ sở dân chủ đã sinh ra thời đại chúng ta. Muốn cho một nền nghệ thuật khác rộ nở, muốn cho một tín ngưỡng mới làm thay đổi xu hướng phát triển của nhân loại, tín ngưỡng ấy cũng cần một thổ nghi mới hợp với sự sinh trưởng của nó, thê nên, nếu thiếu một cơ sở mới, sẽ không thể có một xã hội mới. Tín ngưỡng không thể cải tử hoàn sinh, và từ những tôn giáo đã chết chỉ có thể làm ra những huyền thoại.

Bởi vậy, thời đại tiếp theo chỉ là sự khẳng định của thời đại chúng ta trong cao trào dân chủ và khoa học từng lôi cuốn chúng ta và vẫn đang tiếp diễn. Tất cả những gì tôi có thể chấp nhận, ấy là trong văn học, chúng ta đã khép chật tầm nhìn một cách thái quá.

Bản thân tôi đã hối hận vì từng theo chủ nghĩa bè phái, muốn trong nghệ thuật chỉ bám chặt vào những chân lý vừa được kiểm chứng. Những người mới đến đã mở ra nhiều viễn tượng bao hàm cả cái bí ẩn và cái chưa ai biết, và họ làm như thế là tốt. Giữa những chân lí do khoa học xác lập và nhờ thế mà trở nên không gì lay chuyển nổi với những chân lí mà khoa học mai ngày mới khám phá trong lãnh địa của cái giờ đây chưa biết để rồi sau đó cố định chúng có một khu vực vô định của những hoài nghi và dò tìm mà tôi có cảm giác, nó thuộc về văn học bao nhiêu thì cũng thuộc về khoa học bấy nhiêu.

Chính ở khu vực này đây chúng ta hoàn toàn có thể làm nên sự nghiệp của những công đầu tiên tiến bằng cách lí giải tác động của những sức mạnh bí ẩn theo đặc điểm và trí lực của mình. Lí tưởng chẳng phải là gì khác mà chính là cái không thể cắt nghĩa, là những mãnh lực của thế giới vô cùng mà chúng ta vẫn ngụp lặn trong đó nhưng không biết gì về chúng. Và nếu chúng ta nghĩ ra kế sách để lí giải cái chưa biết, thì chả lẽ chúng ta lại cho phép bản thân hoài nghi những quy luật đã được khám phá, hình dung những quy luật ấy là một cái gì khác và bằng cách ấy phủ nhận chúng? Rõ ràng là lí tưởng đang lùi dần theo mức độ tiến lên của khoa học, và thiết nghĩ, hình như ý nghĩa duy nhất của cuộc đời, niềm vui duy nhất mà chúng ta cần tìm thấy trong cõi nhân sinh nằm ngay ở công cuộc chinh phục chậm rãi ấy, dù rằng ai cũng đã tỏ tường tính chân xác đáng buồn của sự thật là chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết tất cả.

Thưa các ngài, ở thời đại tù mù mà chúng ta đang sống, ở thời đại biết bao thỏa thuê lạc thú, biết bao kiếm tìm, lại thấy xuất hiện các đấng chăn dắt linh hồn, những người rất quan tâm và nhiệt thành đem tín ngưỡng chào mời tuổi trẻ. Lời chào mời thật độ lượng, nhưng chỉ tiếc, tín ngưỡng ấy bị thay đổi và bóp méo cho hợp với nhà tiên tri đang chào mời nó. Có nhiều tín ngưỡng khác nhau, nhưng tôi không cảm thấy bất kì tín ngưỡng nào trong số ấy thật sáng tỏ, thật minh định. Người ta khẩn cầu các ngài hãy tin mà không nói rõ phải tin vào cái gì.

Có thể, không được làm như thế, mà cũng có thể, người ta không định làm như thế. Người ta mời chào các ngài tin tưởng là để các ngài có hạnh phúc được tin; cái chính, để các ngài học tín tưởng. Vấn đề tự nó chẳng có gì xấu: tất nhiên, bất luận thế nào, nương tựa vào sự đích đáng của tín ngưỡng là phúc lớn, nhưng khốn nỗi, lộc trời không thể điều khiển: ưng ở đâu, thì nó rơi xuống ở đấy.

Vậy thì, về phía mình, tôi sẽ kết thúc, sau khi cũng đề xuất với các ngài một tín ngưỡng, cầu xin các ngài hãy có niềm tin vào lao động. Hãy làm việc đi, hỡi những chàng trai trẻ. Tôi biết lời khuyên này có vẻ tầm thường như thế nào. Không có hành vi công khai nào mà nhân đó người ta không nhắc lại lời khuyên ấy giữa sự lãnh đạm chung của những người được dưỡng dục. Nhưng xin các ngài hãy suy nghĩ về nó và tôi, vốn lúc nào cũng chỉ là người thợ, tự cho phép nói với các ngài về lợi ích mà mình đã thu hoạch từ công việc dài lâu đã chiếm hầu hết đời tôi.

Tôi bước vào đời một cách khó khăn: tôi biết cả sự thất vọng lẫn nghèo túng, sau đó tôi sống trong tranh đấu, và ngay cả bây giờ vẫn sống trong cuộc đấu tranh ấy, vẫn chịu sự phân tích, bị phủ nhận, nếm trải đủ mọi thứ sỉ nhục. Nhưng biết làm thế nào? Tôi chỉ có một tín ngưỡng, một sức mạnh, ấy là lao động. Cái đã nâng đỡ tôi chỉ là công việc lớn lao mà tôi đã giao phó cho bản thân, trước tôi bao giờ cũng có cái đích ở phía xa mà tôi nhắm tới – chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để vực tôi dậy, truyền cho tôi dũng khí khi cuộc đời tồi tệ vùi dập tôi.

Công việc lao động mà tôi đang nói với các ngài là lao động đều, thường nhật, là bài học, là nghĩa vụ đặt ra cho bản thân, dẫu mỗi ngày chỉ nhích lên được một bước trong sự nghiệp của mình. Đã bao lần vào mỗi sáng, tôi ngồi vào bàn với đầu óc bối rối, miệng đắng nghét, bị một nỗi đau lớn nào đó, thể chất hay tinh thần, hành hạ! Và mỗi lần, dù nỗi đau trỗi dậy, bài học tôi dành cho bản thân vẫn là sự tĩnh tâm, dưỡng tính. Tôi bao giờ cũng được an ủi khi rời công việc, với trái tim, có thể bị tổn thương, nhưng không sa sút và vẫn được đến ngày mai.

Lao động! Thưa các ngài, hãy tâm niệm rằng đó là quy luật duy nhất của thế giới, là công cụ điều chỉnh đưa vật chất hữu cơ đến với cái đích đã biết của nó! Cuộc đời không có ý nghĩa nào khác, nguyên nhân nào khác, tất cả chúng ta sinh ra chỉ để hoàn thành phần việc lao động của mình rồi biến mất.

Cuộc đời chẳng phải là gì ngoài sự vận động liền mạch mà nó nhận lấy và để lại, và từ trong bản chất sự vận động ấy cũng không phải là gì khác mà chính là lao động, là công việc của một sự nghiệp lớn lao được thực hiện ở mọi thời đại. Vậy thì lẽ nào ta không làm người khiêm tốn và tiếp thu bài học dành cho môi chúng ta bằng cách lạnh lùng không nhượng bộ sự kiêu ngạo “cái tôi lúc nào cũng xem mình là trung tâm, không chịu đứng vào đội ngũ.

Thiết nghĩ, chỉ cần tiếp nhận bài học ấy, thì mỗi người, ngay cả những kẻ khốn khổ nhất, sẽ tìm thấy sự bình tâm. Tôi biết có những khối óc bị cái vô cùng vô tận hành hạ, lúc nào cũng đau khổ bởi những bí mật, tôi nói với họ bằng tình huynh đệ, tôi khuyên họ dành cả đời mình cho một công trình lớn lao nào đấy mà sẽ là rất hay nếu họ không nhìn thấy kết cục của nó. Đó là con lắc định vị mang lại cho họ khả năng thẳng bước, đó là sự bung nở ở mỗi thời khắc, là hạt giống gieo vào trí tuệ để nó xay giã nhào nặn làm thành thực phẩm thiết yếu, với ý thức mãn nguyện của một bổn phận đã được hoàn thành. Tất nhiên, điều đó không giải quyết bất kì một nhiệm vụ siêu hình nào, nó chỉ là phương tiện thực nghiệm để sống trọn đời mình một cách trung thực hoặc gần như bình thản; nhưng chả lẽ, để có được sức khoẻ tinh thần và thể chất, tránh được hiểm họa của mơ mộng mà chỉ cần giải quyết vấn đề về lao động, làm sao có được hạnh phúc lớn nhất có thể có trên trái đất này, thế vẫn còn ít lắm sao?

Xin thú nhận, tôi chưa bao giờ tin vào những ảo tưởng. Với mỗi con người, cũng như với các dân tộc, chẳng có gì kém bổ ích hơn sự nhầm lẫn: nó tiêu diệt sự gắng gỏi, nó làm cho mù quáng, nó là hư danh của những kẻ yếu ớt. Tiếp tục bám vào các huyền thoại, nhắm mắt trước hiện thực, tin rằng chỉ cần mơ ước về sức mạnh để trở nên mạnh mẽ – chúng ta đã thấy, điều đó đang đưa đi đâu, dẫn tới những thảm họa khủng khiếp như thế nào. Người ta bảo các dân tộc hãy ngửa cổ trông lên, hãy tin vào quyền năng tối thượng, hãy hướng tới lí tưởng.

Không! Không! Đôi khi tôi có cảm tưởng, những phát ngôn như thế là vô đạo. Một dân tộc mạnh mẽ chỉ có thể là dân tộc lao động, và chỉ có lao động mớỉ đem lại dũng khí và đức tin. Muốn chiến thắng phải làm sao cho kho vũ khí được phong túc, những trang bị được vững chắc và hoàn hảo nhất, binh sĩ phải được huấn luyện, phải tin vào chỉ huy và chính bản thân mình. Có thể có được tất cả những cái đó: muốn thế, chỉ cần mong muốn và có phương pháp tốt. Thời đại sau này, tương lai bao la sẽ thuộc về lao động. Hãy để mọi người không nghi ngờ điều đó. Chả lẽ chúng ta không nhìn thấy trong phong trào xã hội chủ nghĩa đang lên mầm mống của quy luật của xã hội tương lai, quy luật ai cũng lao động, lao động là người giải phóng và người hòa giải?

Hỡi thanh niên, hỡi những người trẻ tuổi, xin hãy bắt tay ngay vào công việc. Hãy để mỗi người trong các ngài nhận lấy bài học cần thấm đượm cuộc đời của mình. Công việc này dẫu khiêm tốn thế nào, thì nó vẫn có ích; dù nội dung nó là cái gì, thì nó cũng chỉ nâng đỡ các ngài. Khi các ngài chấn chỉnh công việc không mệt mỏi bằng cách tạo ra một khối lượng vừa với sức sản xuất hằng ngày của các ngài, nó sẽ mang lại cho các ngài khả năng sống lành mạnh và vui vẻ, cứu các ngài thoát khỏi nỗi thống khổ của cái vô cùng vô tận. Xã hội mà mỗi thành viên đều góp vào đó phần lao động hợp lí của mình là xã hội của những con người lành mạnh và vĩ đại biết bao! Người lao động bao giờ cũng nhân hậu. Bởi thế, tôi tin rằng, tín ngưỡng duy nhất có thể cứu các ngài là niềm tin vào sự nỗ lực đã được thực hiện. Ước mơ về cái vĩnh hằng là tuyệt vời, nhưng với người lương thiện, thì được sống trọn đời sau khi đã hoàn thành sự nghiệp của mình, thế là đã đủ lắm rồi.

Ngài Zola không tán thành việc các ông thầy mới của thanh niên đang mời chào họ tin vào một cái gì đó mập mờ và vô định; ở điểm này, ông ấy hoàn toàn có lí, nhưng chỉ tiếc, về phần mình, ông cũng đề xướng với họ một niềm tin và niềm tin ấy nhắm tới một cái gì đó còn mập mờ và mơ hồ hơn nhiều: niềm tin vào khoa học và lao động.

Ngài Zola cho rằng, dường như đã giải quyết xong xuôi và chẳng còn gì phải nghi ngờ đối với câu hỏi: thứ khoa học mà người ta phải luôn tin tưởng là gí? Hãy lao động vì khoa học! Nhưng vấn đề chính là ở chỗ chữ “khoa học” có ý nghĩa rất rộng và ít xác định, nên cái được những người này xem là khoa học, tức là công việc tối quan trọng, thì những người kia, khối người đông đảo nhất, toàn thể dân thợ thuyền, lại xem là những trò ngu ngốc vô bổ. Và không thể nói có chuyện như thế là do sự thất học của dân thợ thuyền, những người không hiểu được ý nhĩa sâu xa của khoa học: bản thân các học giả cũng thường xuyên phủ định lẫn nhau đấy thôi.

Nhiều học giả cho rằng, khoa học đích thực chỉ gồm các môn triết học, thần học, luật học, kinh tế – chính trị học; những học giả khác – các nhà khoa học tự nhiên – lại xem tất cả những bộ môn ấy chỉ là thứ rỗng tuếch, phi khoa học. Ngứợc lại, những gì được cánh thực chứng xếp vào loại khoa học quan trọng nhất thì lại bị các tín đồ của chủ nghĩa duy linh, các nhà triết học, thần học xem là những việc nếu không có hại, thì cũng là vô bổ. Nhưng thế vẫn còn ít, trong cùng một lĩnh vực ngay giữa đám tư tế, bất kì hệ thống nào bao giờ cũng có những người ủng hộ và những kẻ chống đối quyết liệt, đều sành sỏi như nhau, nhưng khẳng định những điều trái ngược. Hơn nữa, trong mỗi lĩnh vực thường xuất hiện những quan điểm khoa học, sau một thời gian tồn tại, có khi một năm, đôi khi là mười năm, những quan điểm ấy bỗng hóa ra là sai lầm và nhanh chóng bị lãng quên bởi chính những người đã truyền bá chúng.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, cái một mình nó được xem là khoa học tuyệt đối và là công việc rất quan trọng với người La Mã, dân La Mã tự hào về nó, thiếu nó, con người bị xem là man rợ – chính là phép hùng biện, tức là loại tập luyện mà giờ đây chúng ta chế nhạo, chẳng những chúng ta không xem là khoa học, mà còn cho là thứ bé mọn.

Chúng ta cũng biết, cái được xem là khoa học và là công việc quan trọng nhất ở thời trung đại là khoa học kinh viện, loại khoa học mà giờ đây chúng ta cũng chế nhạo như thế. Và tôi nghĩ, chẳng cần phải có tư tưởng táo bạo gì cũng có thể tiên đoán, trong khối tri thức khổng lồ được thời đại chúng ta xem là công việc quan trọng và gọi là khoa học, thể nào cũng có những thứ mà sau này, khi đọc những đoạn miêu tả thái độ nghiêm kính của chúng ta trong việc nghiên cứu phép hùng biện và triết học kinh viện của chúng ta – tức là những bộ môn được xem là khoa học ở thời đại ngày nay – lớp hậu bối chắc chắn cũng sẽ nhún vai.

Ở thời đại chúng ta, nhiều người, sau khi được giải thoát khỏi một loạt mê tín dị đoan mà vẫn không biết, lại rơi vào những mê tín dị đoan khác cũng vô ý thức và độc hại chẳng kém gì những thứ họ vừa được giải thoát. Vừa được giải thoát khỏi những dị đoan của các tôn giáo lỗi thời, người ta lại rơi vào các dị đoan khoa học. Thoạt nhìn, có vẻ như không thể có sự tương đồng giữa niềm tin của một người Do Thái cổ đại cho rằng thế giới được tạo ra trong sáu ngày, rằng tội lỗi của cha ông sẽ bị trừng phạt ở thế hệ con cháu, rằng có thể cho rắn thôi miên để chữa lành một số bệnh, với niềm tin của con người ở thời đại chúng ta cho rằng, thế giới ra đời từ sự vận động của vật chất và sự đấu tranh giữa các sinh vật, tội ác có cội rễ ở di truyền và có những loại vi sinh dưới dạng phẩy khuẩn, nhiều bệnh tật sinh ra từ đó… Dường như chẳng có gì tương đồng giữa những tín ngưỡng như thế, nhưng đó cũng chỉ là dường như mà thôi.

Chỉ cần hình dung qua tưởng tượng tình trạng trí tuệ của người Do Thái cổ đại khi anh ta được đám tư tế rao giảng cho mình các tín ngưỡng, ta sẽ thấy rõ, cơ sở tiếp nhận các luận điểm về nguồn gốc thế giới của anh ta và cơ sở để mọi người ở thời đại chúng ta tiếp nhận nhiều quan điểm khoa học không chỉ giống nhau, mà còn đồng nhất hoàn toàn.

Cũng như những người Do Thái thật ra tin không phải vào câu chuyện về cuộc sáng thế trong sáu ngày và rắn chữa bệnh, mà tin rằng có những người biết rành rẽ chân lí tối cao khả thủ với con người, và vì thế mà họ sẵn lòng tin những người ấy, hệt như thế, con người ở thời đại chúng ta cũng tin không phải vào thuyết di truyền của Darwin và phẩy khuẩn, mà tin vào tất cả những gì mà họ được rao giảng là chân lí bởi các vị tư tế của khoa học mà cơ sở hoạt động của các vị ấy mãi mãi là bí ẩn đối với những người tin họ, cũng giống như cơ sở tri thức của những người chỉ đường dẫn lối cho dân Do Thái mãi mãi là bí ẩn với họ.

Tôi dám bạo gan nói cả điều mà thậm chí đã nhiều lần chỉ ra, rằng chẳng khác nào đám tư tế ở thời cổ đại, do không bị ai kiểm soát ngoài cũng các vị tư tế ấy, đã mạnh bạo nói dối và khẳng định những gì vừa nảy ra trong đầu họ là chân lí, giờ đây cái mà những người được gọi là giới khoa học thường xuyên vẫn làm cũng giống như thế.

Toàn bộ bài phát biểu của ngài Zola đều nhằm chống lại những ông thầy đang kêu gọi thanh niên quay về với những tín ngưỡng lỗi thời, và ông Zola xem mình là địch thủ của họ. Thực ra, những người mà ông Zola lên tiếng chống lại, tức là những người đang tín, hay đúng hơn là đang muốn tin vào thứ tôn giáo lỗi thời, và những người mà ông ấy đang chiến đấu để bảo vệ, tức là các đại biểu của khoa học, là những người cùng một phe; và nếu họ hiểu rõ hơn một chút những ước muốn của mình thì họ sẽ chẳng còn gì để tranh luận với nhau: đây chỉ là querelles dzamoureux (Những cuộc cãi vã của các người tình (tiếng Pháp)_ND.), như ông Dumas nói.

Cả những người này lẫn những người kia đều không tìm kiếm nền cốt đời sống, động lực vận động của nó trong bản thân, trong trí tuệ của mình, mà tìm ở những hình thức bên ngoài của đời sống con người: những người này thì tìm ở cái mà họ gọi là tôn giáo, những người kia lại tìm ở cái đựợc gọi là khoa học. Đám người này, những người tìm kiếm sự cứu rỗi trong tôn giáo, nhận được sự cứu rỗi ấy từ truyền thuyết về tri thức cổ đại của những người khác và muốn tín vào tri thức cổ đại xa lạ ấy; đám người kia, những người tìm kiếm sự cứu rỗi trong cái mà họ gọi là khoa học, thâu nhận nó không phải từ tri thức của mình, mà từ tri thức của những người khác và tin vào những tri thức xa lạ ấy.

Đám người này nhìn thấy sự cứu vớt nhân loại ở đạo Kitô đã được chỉnh đốn, đổi mới, làm sạch – một thứ nửa Do Thái giáo, nửa đa thần giáo; đám người kia thì nhìn thấy sự cứu vớt ấy ở tổng thể những tri thức ngẫu nhiên, rời rạc, vô bổ nhất mà họ gọi là khoa học và xem nó là cái gì đó hữu hiệu, độc đáo, ưu việt và vì thế nó là cái tất yếu sẽ phải sửa chữa mọi khiếm khuyết của đời sống và mang lại cho nhân loại lợi ích cao nhất có thể đạt được.

Đám người này dường như cố ý không nhìn thấy rằng, cái mà họ muốn phục hồi và gọi là tôn giáo chỉ là tổ kén rỗng mà bướm đã bỏ lại, bay đi từ lâu và đang đẻ trứng ở chỗ khác, và rằng, sự khôi phục một tôn giáo như thế chẳng những không thể giúp làm giảm bớt, mà có thể còn làm tăng thêm hiểm họa của thời đại chúng ta, bởi nó làm mọi người sao nhãng những công việc đích thực. Đám người khác không muốn nhìn ra rằng, cái mà họ gọi là khoa học – vốn là sự tập hợp ngẫu nhiên của một số tri thức được một số người nhàn rỗi hiện nay quan tâm – có thể trở thành trò tiêu khiển vô hại dùng để giết thời gian dành cho những kẻ giàu có, hoặc may lắm, thành công cụ của cái thiện hoặc cái ác, tùy theo nó ở trong tay ai, tự bản thân, nhưng tự nó không thể thay đổi được gì cả.

Mà thật ra, tự đáy lòng, cả những người này lẫn những người kia chẳng ai tin vào tính thực tế của phương thuốc mà người ta đề xuất: tất cả bọn họ đều chỉ muốn dùng một cái gì đấy che mắt mình và mắt mọi người để khỏi nhìn thấy cái cái vực đang chắn ngay trước mặt nhân loại mà nó tất sẽ ngã nhào xuống đó nếu đi tiếp con đường của mình. Những người này thì tìm thấy phương tiện quên lãng ở chủ nghĩa thần bí, ở tôn giáo, những người kia, mà đại diện là Zola, lại tìm thấy nó trong tác động làm mụ mị của lao động vì khoa học.

Sự khác nhau giữa những người tin vào tôn giáo và tin vào khoa học chỉ là ở chỗ, những người này thì tin vào sự thông thái xưa cũ mà sự dối trá của nó đã bị bóc trần; còn những người kia thì tin vào sự thông thái mới mẻ mà sự dối trá của nó vẫn chưa bị vạch mặt, và nhờ thế nó vẫn gợi dậy ở một số người ngây thơ tâm trạng xốn xang đầy sùng mộ. Kì thật là, cái được gọi là khoa học chắc gì đã kém phần mê tín dị đoan hơn so với cái được gọi là tôn giáo. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ, một đằng là sự mê tín cái đã qua, một đằng là sự mê tín cái hiện tại.

Thế thì liệu có nguy hiểm chăng, nếu nghe theo lời khuyên của ngài Zola đem cả đời mình mà phụng sự cho cái được gọi là khoa học ở thời đại chúng ta và trong thế giới của chúng ta? Sự thể sẽ ra sao, nếu tôi dành cả đời mình vào việc nghiên cứu những hiện tượng đại loại như tính di truyền theo thuyết Lomboroso, hoặc dịch Koch, hay thể thứ tư của vật chất theo Crookes v.v…, rồi trước lúc chết, tôi bỗng nhận ra, những gì mà tôi đã ném cả đời mình vào đó chỉ là những trò ngu ngốc, thậm chí là những chuyện nhảm nhí có hại, vậy mà tôi chỉ sống có một lần.

Có một nhà triết học chưa mấy được biết đến của Trung Hoa là Lão Tử (bản dịch đầu tiên và cũng là bản dịch tốt nhất cuốn Đạo đức kinh của ông do Stanislas Julien thực hiện). Bản chất học thuyết của Lão Tử là tư tưởng cho rằng, mỗi cá nhân, đặc biệt là toàn thể nhân quần, có thể tìm thấy sự an lạc tuyệt đối thông quá việc tri “đạo” – một khái niệm được dịch là “con đường, đức hạnh, chân lí”; chỉ có thể đạt được sự tri “đạo” bằng cách vô vi, ‘Le non agir” như Julien đã dịch khái niệm ấy. Theo học thuyết của Lão Tử, mọi bất hạnh của con người không hẳn là sinh ra từ chỗ họ không làm những việc cần làm, mà chủ yếu là bắt nguồn từ chỗ họ toàn làm những việc không cần làm. Bởi vậy, con người sẽ tránh được những hiểm họa, nhất là những hiểm họa xã hội mà triết gia Trung Hoa đặc biệt lưu ý, nếu biết tuân thủ vô vi (s’ils pratiquaient le non agir).

Tôi nghĩ là Lão Tử hoàn toàn có lí. Hãy cứ để từng người sốt sắng làm việc. Nhưng thế thì sẽ sao? Nhà đầu tư chứng khoán, ông chủ nhà băng trở về từ sở giao dịch, nơi ông đã sốt sắng làm việc, viên đại tá trở về từ nơi huấn luyện người ta giết người, chủ xưởng trở về từ xí nghiệp, nơi hàng nghìn người đang hủy hoại đời mình bởi việc sản xuất gương kính, thuốc lá, rượu cồn. Tất cả những người ấy đều làm việc, nhưng chả lẽ có thể cổ xuý cho công việc của họ?

Hay có thể chỉ cần nói về những người làm việc vì khoa học?

Tôi thường nhận được từ nhiều tác giả khác nhau vô khối những cuốn vở, nhiều khi cả sách, với những công trình nghệ thuật và khoa học.

Một người giải quyết triệt để vấn đề nhận thức luận Kitô giáo, người khác in một cuốn sách về lớp ete vũ trụ, người thứ ba giải quyết một vấn đề xã hội, người thứ tư – một vấn đề chính trị, người thứ năm – vấn đề Đông phương, người thứ sáu xuất bản một tạp chí nghiên cứu các sức mạnh bí ẩn của tâm linh và tự nhiên, người thứ bảy giải quyết vấn đề về ngựa.

Tất cả những người ấy đều làm việc vì khoa học một cách sốt sắng và không mệt mỏi, nhưng tôi nghĩ, thời gian và công sức không chỉ của các cây bút ấy, mà còn của nhiều người khác, chẳng những mất toi, mà còn có hại nữa. Có hại bởi trước hết, để chuẩn bị cho sự viết lách ấy, hàng nghìn người phải làm giấy, đúc khuôn, sắp chữ, in ấn và tệ nhất là phải lo cái ăn, cái mặc cho tất cả những người lao động khoa học của mình; thứ đến, đám người viết lách kia lẽ ra phải cảm thấy có lỗi trước xã hội, như họ sẽ cảm thấy nếu như họ đánh bài hay chơi trò đuổi bắt, đằng này, họ vẫn cứ bình tâm tiếp tục làm cái công việc chẳng ai cần đến của mình.

Ai chẳng biết những người bất khả đối với chần lí và lại hay tàn nhẫn – các vị ấy bao giờ cũng bận tới mức chẳng có thì giờ – cái chính là chẳng có thì giờ để tự hỏi, công việc mà họ đang làm sốt sắng đến thế liệu có cần cho ai đó, hay liệu có hại hay không. Các bạn nói với họ: “Công việc của quý vị vô bổ hoặc có hại vì thế này, vì thế này, quý vị hãy khoan đã, chúng ta sẽ bàn thảo”; họ sẽ không nghe các ngài đâu, thậm chí còn phản đối với thái độ mỉa mai: “Bàn tán là chuyện tốt cho các vị khi chẳng có việc gì làm, còn tôi thì đang bận nghiên cứu nhà văn nọ đã dùng từ kia bao nhiêu lần, hoặc xác định các dạng thức của nguyên tử, hay hiện tượng thần giao cách cảm” v.v…

Nhưng ngoài những điều đó, từ lâu, bao giờ tôi cũng sửng sốt trước một ý kiến kì cục từng được khẳng định rộng rãi đặc biệt ở Tây Âu, rằng lao động là cái gì đó tựa như đức hạnh, và từ rất lâu trước khi được đọc ý kiến trình bày rõ ràng trong bài phát biểu của ông Zola, tôi đã nhiều lần ngạc nhiên với ý nghĩa lạ lùng được gán cho sự lao động ấy.

Quả là chỉ con kiến trong ngụ ngôn như một sinh thể không có lí trí và ý muốn hướng thiện là có thể nghĩ rằng, lao động là đức hạnh và có thể hãnh diện vì lao động.

Ngài Zola nói rằng, lao động làm con người trở nên nhân hậu; tôi thì luôn luôn thấy điều ngược lại: lao động tự giác, niềm hãnh diện kiểu kiến với lao động của mình chẳng những làm cho kiến, mà còn khiến cả con người trở nên tàn bạo. Nero và Piotr đệ Nhất, những tên ác ôn lớn nhất của loài người, bao giờ cũng vô cùng bận rộn và lo lắng, chẳng có phút nào ở lại một mình với mình mà lại không làm việc hoặc tiêu khiển.

Nhưng nếu như tình yêu lao động không phải là thói xấu hiển nhiên, thì dẫu thế nào, nó cũng không thể trở thành đức hạnh. Lao động cũng ít có khả năng trở thành đức hạnh giống như sự ăn uống. Lao động là nhu cầu mà nếu bị tước bỏ sẽ tạo ra đau khổ, nhưng nó không thể là đức hạnh. Nâng lao động lên vị trí của phẩm giá cũng quái gở giống như nâng sự ăn uống của con người lên vị trí của phẩm giá và đức hạnh. Ý nghĩa được gán cho lao động trong xã hội chúng ta có thể đã xuất hiện chỉ như một phản ứng chống lại sự nhàn rỗi được nâng lên thành đặc điểm của sự cao quý và cho đến nay vẫn được xem là dấu hiệu thể hiện sự ưu việt trong các tang lớp giàu có và thiếu giáo dục.

Lao động, sự luyện tập các bộ phận cơ thể, bao giờ cũng là thiết yếu đối với con người: những con bê lồng lên quanh cái cọc mà người ta cột chúng vào đó, đám người giàu có chịu cực hình của đủ loại môn thể dục, đủ loại trò chơi: bài, cờ, lawn tennis v.v..do không tìm được cách luyện tập hợp lí hơn cho các bộ phận cơ thể – tất cả đều chứng tỏ một sự thiết yếu như thế.

Lao động chẳng những không phải là đức hạnh, mà đa phần, trong xã hội được tổ chức dối trá của chúng ta, nó còn là phương thức gây mê tinh thần giống như hút thuốc, uống rượu để tự che giấu những khuyết tật và thói xấu của đời mình.

“Có lúc nào để luận bàn với ngài về triết học, đạo đức và tôn giáo – tôi phải xuất bản tờ nhật báo có nửa triệu người đặt mua dài hạn, tôi phải tổ chức quân chủng, tôi phải xây Tháp Eiffel, tổ chức triển lãm ở Chicago, đào kênh Panama, viết xong tập hai mươi tám trong bộ tổng tập của mình, vẽ xong bức tranh và viết xong vở opera của mình.” Giả sử mọi người ở thời đại ta không có cớ vin vào cái lao động thường trực vẫn thu hút toàn bộ họ, thì mọi người sẽ không thể sống như họ đang sống hiện nay. Chỉ nhờ dựa vào cái lao động rỗng tuếch và đa phần là có hại để che đậy những mâu thuẫn mà họ phải sống trong đó, mọi người mới có thể sống như họ đang sống.

Và quả là ngài Zola đã trình bày cho thính giả của mình về lao động như là một phương sách như vậy. Ông nói thẳng: “Đó chỉ là phương pháp thực nghiệm để sống trọn đời trung thực và dường như thanh thản. Nhưng dùng lao động để giải quyết vấn đề hạnh phúc phù hợp nhất với con người, mà có thể tìm thấy sức khoẻ cả thể chất lẫn tinh thần và tránh được hiểm họa của sự mơ mộng, chả lẽ vẫn chưa đủ, chả lẽ như thế vẫn còn ít sao?”

Lời khuyên mà ngài Zola trao cho tuổi trẻ của thời đại chúng ta là như thế.

Ông Dumas lại nói chuyện hoàn toàn khác.

Đây là lá thư của ông gửi cho tờ Gaulois.

Thưa ngài! Ngài hỏi ý của tói về những hoài bão mà xem ra đang bộc lộ ở tuổi trẻ học đường, và về cả những cuộc tranh cãi từng xảy ra trước và đồng thời với những biến cố ở Sorbonne (Sorbonne: tên gọi thông dụng của Đại học Paris._ND). Tôi cho là về bất kì chuyện gì, mình không phát biểu ý kiến thì vẫn tốt hơn, vì biết rõ, có phát biểu cũng chẳng đi đến đâu. Những người trước kia có cùng ý kiến với chúng ta sẽ tiếp tục bảo lưu ý kiến ấy thêm một thời gian nữa; những người đối lập sẽ ngày càng kiên trì hơn với quan điểm của mình. Tốt nhất là không tranh luận gì cả. Ý kiến giống như những cái đinh, một nhà đạo đức học trong đám bạn hữu của tôi nói: càng đập vào, chúng càng cắm sâu thêm.

Chẳng phải tôi không có ý kiến riêng về cái mà người ta gọi là những vấn đề lớn lao toàn thế giới và về những hình thức khác nhau được trí tuệ con người sử dụng để trong tích tắc chiếm lĩnh các đối tượng mà nó luận bàn. Ý kiến này rõ ràng và hiển nhiên tới mức khiến tôi từng nghĩ, tốt nhất là giữ nó lại trong vòng kiểm soát của cá nhân mình, chứ không có tham vọng tạo ra cái gì, phá hủy cái gì. Đáng lẽ tôi cần trở lại với những vấn đề chính trị, xã hội, triết học, tôn giáo lớn lao, và điều đó sẽ dẫn chúng ta đi rất xa, nếu như tôi tiếp bước theo ngài trong việc nghiên cứu những hiện tượng nhỏ bé bề ngoài mà những vấn đề ấy gây ra ở mỗi thế hệ mới. Quả thật, mỗi thế hệ mới bao giờ cũng xuất hiện với những tư tưởng và đam mê xưa cũ như trái đất, dù nó vẫn nghĩ rằng, trước nó không ai có những tư tưởng và những tình cảm ấy, bởi vì lần đầu nó chịu ảnh hưởng của chúng, và nó tin rằng chi chốc lát nữa thôi, nó sẽ cải tạo tất cả những gì hiện tồn.

Trong khi nhân loại suốt hàng nghìn năm gắng sức giải đáp cái bài toán về nhân quả mà sau một nghìn thế kỉ nữa chưa chắc nó đã giải được, nếu giả thiết, điều mà tôi không nghĩ tới, là bài toán ấy giải được, những trẻ em hai mươi tuổi tuyên bố, rằng trong những khối óc hoàn toàn thanh xuân của họ, họ có cách giải quyết không thể bác bỏ. Và, như là luận chứng đầu tiên ngay trong cuộc tranh luận đầu tiên, họ bắt đầu đập những ai không tán thành với họ. Từ chỗ này, liệu có cần kết luận rằng đó là dấu hiệu chứng tỏ toàn xã hội đã quay về với lí tưởng tôn giáo đang tạm thòi bị lu mờ và bị lãng quên? Hay ở các tông đồ trẻ tuổi này, cái đó chỉ là vấn đề sinh lí thuần tuý, vấn đề nhiệt độ của máu huyết, sức mạnh của cơ bắp – những gì đã từng đẩy thanh niên đến với phong trào đối lập hai mươi năm trước kia? Tôi nghiêng về giả thiết thứ hai này.

Ai muốn nhìn thấy bằng chứng về sự phát triển triệt để, hay dẫu chi là bền vững, trong những biểu hiện của lứa tuổi tràn trề sức lực, kẻ đó sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng. Ở đó chỉ có cơn sốt của sự phát triển. Những tư tưởng mà đám người trẻ tuổi đang nhân danh để đấm đá lẫn nhau dẫu thuộc loại nào, vẫn có thể đánh cược, rằng họ sẽ trở thành những kẻ đối địch với những tư tưởng ấy, nếu như họ sẽ gặp lại chúng trong lớp con cháu của mình. Tuổi tác và kinh nghiệm sẽ tạo ra điều đó.

Giữa những chiến binh và địch thủ ở thời khắc hiện nay, có nhiều, rất nhiều người sớm hay muộn lại sẽ gặp nhau nơi ngõ ngách của cuộc đời, phần thì mệt mỏi, phần thì thất vọng bởi đấu tranh với thực tại, và họ tay nắm tay sẽ cùng trở lại con đường lớn, buồn bã thừa nhận rằng bất chấp xác tín trước kia của họ, trái đất vẫn tròn, vẫn quay theo hướng ấy và vẫn là những chân trời ấy đang trải dài dưới bầu trời vô tận và đóng kín như thế.

Sau khi cãi vã và ẩu đả thỏa thích, người này vì tôn giáo, người khác vì khoa học để chứng minh là có Thượng Đế bao nhiêu thì cũng để chứng minh là không có Thượng Đế bấy nhiêu – ấy là hai ý kiến mà bàn về chúng, có thể choảng nhau mãi mãi, nếu quyết không hạ vũ khí cho đến chừng nào chưa thể chứng minh được – họ cuối cùng sẽ nhất trí, rằng đám người này chẳng biết gì nhiều hơn so với đám người kia, nhưng họ cũng biết chắc rằng rốt cuộc, con người cần hy vọng nếu không nhiều hơn hiểu biết thì cũng phải bằng chừng ấy, rằng nó đau khổ khủng khiếp vì sống trong sự vô tri, về những thứ mà nó thấy thú vị hơn cả, rằng nó luôn tìm kiếm một vị thế tốt hơn cái vị thế nó đang có, và rằng, nó cần được tuyệt đối tự do tìm kiếm trong lĩnh vực triết học cách thức để có được hạnh phúc nhiều hơn.

Trước nó là cái thế giới từng có lúc nó sinh và sẽ vẫn vậy sau khi nó không còn, chính nó cũng biết, rằng thế giới này vĩnh hằng và nó ao ước can dự vào sự vĩnh hằng ấy. Vì nó đã được mời gọi đến với đời, nó sẽ đòi phần của mình trong cuộc sống vĩnh hằng đang bao bọc nó, khêu gọi nó, chế nhạo nó và hủy diệt nó. Vì nó biết, rằng nó đã bắt đầu, nên nó không muốn kết thúc.

Nó lớn tiếng kêu gào, nó thì thầm cầu xin cái đích thật sự vẫn thường tuột khỏi tay nó vì hạnh phúc của chính nó, bởi với nó, tri thức đích thật sẽ là bất động và sự chết. Bởi động cơ mạnh nhất của nghị lực con người là cái chưa biết, bởi nó không muốn dừng lại ở cái đích thật, nên nó mới ấp ủ những lí tưởng viển vông, và dẫu nó có chệch xa thế nào sang phía chủ nghĩa hoài nghi, phủ định, thì do kiêu ngạo, hiếu kì, hằn học, thời thượng, nó bao giờ cũng lại quay về với hi vọng mà nếu thiếu, nó không thể sống. Cái đó giống như cuộc cãi vã của những cặp tình nhân: chỉ trong chốc lát.

Cho nên, mặc dù có đôi lúc mờ tối, nhưng lí tưởng của con người không bao giờ biến mất vô tăm tích. Những màn sương mù triết học trôi qua lí tưởng giong như đám mây che khuất vầng trăng, nhưng Hằng Nga vẫn tiếp tục hành trình của mình và từ phía sau, nó bỗng xuất hiện với vẻ đẹp nguyên sơ và sáng láng. Nhu cầu không thể kìm hãm ấy của lí tưởng trong con người lí giải vì sao con người lại tin tưởng như thế, hào hứng đến thế, chẳng hề có sự kiểm soát của lí trí khi vồ lấy các định thức tôn giáo khác nhau, những định thức hứa hẹn mang lại cho nó cái tuy là vô tận vô biên, nhưng lại thích hợp với bản chất của nó và đặt nó vào những khuôn khổ nhất định, bao giờ cũng thiết yếu ngay cả với lí tưởng.

Thế nhưng đã từ lâu, trong mỗi trạm vận động của nhân loại, số lượng những người mới bước ra khỏi bóng tối ngày càng đông hơn, nhất là 100 năm gần đây, nhân danh lí trí, khoa học và sự quan trắc, những người này phủ định chân lí, tuyên bố tính tương đối của chúng và muốn xóa bỏ các định thức từng kìm giữ họ.

Trong cuộc tranh cãi này, ai đúng? Ai cũng đúng – chừng nào tất cả còn tìm kiếm, nhưng cũng chẳng ai đúng – chỉ cần người ta bắt đầu hằm hè. Trong không gian giữa chân lí tạo thành cái đích và sự tự do nghiên cứu mà ai cũng có quyền, sức mạnh chẳng có việc gì để làm, dẫu rằng vẫn có những ví dụ nổi tiếng về điều ngược lại. Sức mạnh chỉ đẩy chân lí ra xa, thế là xong. Nó không chỉ tàn khốc, nó vô bổ, là cái tạo nên khiếm khuyết lớn nhất trong sự nghiệp của văn minh. Chẳng có đòn đánh nào của nắm đấm, dù nó mạnh thế nào, chứng minh được sự tồn tại hoặc không tồn tại của Thượng Đế.

Và, cuối cùng, dù là thế nào, cái sức mạnh đã tạo ra thế giới, vì thế giới, như tôi nghĩ, dẫu sao vẫn không thể tự kiến tạo, sau khi nhào nặn chúng ta thành những công cụ của nó, vẫn giữ cho mình cái quyền được biết, nó đã tạo ra chúng ta để làm gì và nó đang dẫn dắt chúng ta tới đâu. Sức mạnh ấy, bất chấp những ý đồ được người ta gán cho nó và những yêu sách mà người ta đưa ra với nó, sức mạnh ấy có vẻ như muốn giữ bí mật của mình và, cho nên tôi có cảm tưởng (ở đây tôi sẽ nói tất cả những gì tôi đang nghĩ), rằng nhân loại bắt đầu khước từ khát vọng thâm nhập vào đó. Nhân loại đã hướng tới những tôn giáo chẳng chứng minh được cho nó điều gì vì chúng rất khác nhau; hướng tới những triết học không làm sáng tỏ hơn cho nó điều gì vì chúng đầy mâu thuẫn, bây giờ nó sẽ cố gắng tự cáng đáng công việc với bản năng thô sơ và lí trí lành mạnh của mình, và bởi nó sống trên mặt đất mà không biết sống để làm gì và sống như thế nào, nên nó cố gắng hưởng phúc hết mức có thể hưởng bằng các phương tiện mà hành tinh của chúng ta ban cho nó.

Mới đây, trong một bài diễn văn xuất sắc dành cho sinh viên, Zola khuyên họ dùng lao động như một loại thuốc, thậm chí là thuốc bách bệnh chống lại mọi khó khăn trong đời sống. Labor improbus omnia vincit (Lao động nhẫn nại chiến thắng tất cả. (Latin)_ND). Thuốc ấy ai cũng biết, và không phải vì đã được biết mà nó kém hiệu quả, nhưng nó đã và sẽ tiếp tục mãi mãi là cái chưa đầy đủ. Hãy mặc cho con người lao động bằng cơ bắp hoặc trí tuệ của mình, có điều, việc kiếm ăn, gây dựng cơ nghiệp hay tìm kiếm danh vọng dẫu sao vẫn không thể là mối quan tâm duy nhất của nó.

Tất cả những ai giới hạn bản thân trong những mục đích như thế, khi đã đạt được, sẽ cảm thấy vẫn còn thiếu một cái gì đó: vấn đề ở chỗ là dù con người làm gì, nói gì, dù người ta nói gì với nó, nó vẫn không chỉ là cái thân xác cần cho ăn, là trí tuệ cần dạy dỗ và phát triển, mà hiển nhiên nó còn có một linh hồn luôn lên tiếng nói rõ những yêu cầu của mình. Chính cái linh hồn này đây đang sống trong lao động liên tục, trong phát triển không ngừng và trong khát vọng hướng tới ánh sáng và chân lí. Chừng nào nó chưa thu nhận được toàn bộ ánh sáng và chưa chiếm lĩnh được toàn bộ chân lí, chừng ấy nó vẫn còn hành hạ con người.

Và thế là, nó chưa bao giờ chiếm giữ, chưa bao giờ áp đặt quyền lực của mình với con người bằng một sức mạnh giống như ở thời đại chúng ta. Có thể nói, nó đã hòa vào toàn bộ bầu khí quyển mà thế giới đang hít thở. Một số linh hồn cá nhân từng mong ước riêng rẽ về sự thay đổi xã hội, ít nhiều đã tìm kiếm, hô hào, xích lại với nhau, đã hợp nhất, thấu hiểu bản thân và tạo thành một nhóm, một trung tâm cuốn hút mà giờ đây những linh hồn từ bốn phương đều hướng về đó giống những chú sơn ca bay nhào vào gương: bằng cách ấy, chúng tạo thành một linh hồn chung, linh hồn tập thể để từ nay về sau thực hiện chung sự thống nhất mai này một cách có ý thức, không gì ngăn cản nổi và sự tiến bộ chân chính của các dân tộc mà mới đây còn thừ địch với nhau. Linh hồn mới mẻ ấy, tôi tìm thấy và nhận ra ở những hiện tượng có vẻ như phủ định nó nhiều nhất.

Sự vũ trang kia của các dân tộc, sự đe dọa mà những đại diện của họ tạo ra cho nhau ấy, sự phục hồi đàn áp các sắc tộc nổi tiếng nọ, sự thù địch giữa những người đồng bào và ngay cả những trò con trẻ của Sorbonne đều là những biểu hiện có vẻ dữ, nhưng không phải là điềm dữ. Đó là những cơn co giật cuối cùng của chứng bệnh cần phải biến mất. Trong trường hợp này, bệnh tật chỉ là sự tăng cường năng lượng của cơ thể thoát khỏi tử huyệt.

Những kẻ đã sử dụng và hi vọng sẽ sử dụng lâu dài, mãi mãi những lầm lạc của quá khứ đang gắn kết với nhau nhằm mục đích cản trở mọi sự thay đổi. Hệ quả chính là sự vũ trang kia, sự đe dọa ấy, sự đàn áp nọ; nhưng nếu ngài để ý chăm chú hơn, ngài sẽ thấy, rằng tất cả những cái đó chỉ là vỏ bề ngoài. Tất cả những cái đó đồ sộ, nhưng rỗng tuếch.

Không có linh hồn trong tất cả những thứ đó: nó đã qua chỗ khác rồi. Tất cả hàng triệu người vũ trang hằng ngày tập dượt chuẩn bị một cuộc chiến tranh tận diệt không còn căm thù những kẻ họ phải chiến đấu, và cũng không có một vị thủ lĩnh nào của họ dám liều lĩnh tuyên bố chiến tranh. Còn nếu nói về những trách cứ thậm chí đang lấy lan có thể nghe được ở bên dưới, thì từ bên trên, một sự cảm thông lớn và chân thành, thừa nhận tính chính đáng của chúng đã bắt đầu đáp lại.

Sự thấu hiểu lẫn nhau tất yếu sẽ đến ở một thời điểm xác định và sẽ nhanh hơn chúng ta nghĩ. Tôi không biết điều đó xảy ra liệu có phải vì tôi sắp lìa bỏ thế giới này và ánh sáng toả rạng từ phía chân trời và chiếu rọi tôi đã làm tôi tối mắt, nhưng tôi nghĩ rằng, thế giới của chúng ta đang bước vào thời đại thực hiện những lời: “Hãy yêu thương nhau”, không cần bàn xem ai đã nói những lời này: Thượng Đế hay con người.

Phong trào duy linh thấy rõ khắp mọi nơi, mà vô khối kẻ tự kỉ và ngây thơ rắp tâm điều khiển, dứt khoát sẽ hợp nhân tình. Loài người chưa bao giờ làm gì một cách ôn hòa, sẽ yêu nhau phát si mê, cuồng dại. Rõ ràng, lúc đầu, điều đó sẽ không tự xảy ra. Sẽ có những ngộ nhận, có thể cả sự đổ máu: chúng ta đã được giáo dục và dạy dỗ căm thù nhau như thế nhiều khi bởi những người có sứ mệnh dạy chúng ta về tình yêu. Nhưng bởi hiển nhiên là quy luật về tình hữu ái vĩ đại kia đến một lúc nào đó phải được thực hiện, nên tôi tin là đang đến thời đại mà chúng ta sẽ mong muốn thiết tha cho điều đó được thực hiện.

A Dumas

1 tháng 6 năm 1893

Nét khác nhau chính giữa lá thư của Dumas và diễn văn của Zola, không kể khác biệt bề ngoài, là ở chỗ, diễn văn của Zola dành cho thanh niên và đúng là có vẻ xu nịnh họ (điều này đã trở thành hiện tượng bình thường và khó chịu ở thời đại chúng ta, giống như sự xun xoe của các nhà văn trước phụ nữ), còn thư của Dumas không gửi cho thanh niên và không nói với họ những lời đãi bôi, mà trái lại, vạch cho họ thấy sai lầm thông thường của sự tự tin thái quá, và vì chính điều đó mà thay vì ám thị cho đám thanh niên nghĩ rằng, họ là những người tối ư quan trọng, và rằng trong họ có tất cả sức mạnh – điều mà tuyệt nhiên không được nghĩ về mình nếu họ muốn làm nên một cái gì đó tử tế – lá thư lại không chỉ dạy họ, mà còn dạy cả người lớn và những người đứng tuổi rất nhiều điều – nét khác nhau chính còn là ở chỗ, diễn văn của Zola ru ngủ mọi người, kìm giữ họ trên con đường mà họ đang đứng, thuyết phục họ, rằng cái họ đang biết chính là điều họ cần biết; còn thư của Dumas lại đánh thức mọi người, chỉ cho họ thấy rằng đời sống đang diễn ra hoàn toàn không giống như nó phải diễn ra, và rằng họ không biết điều cơ bản nhất mà họ cần biết.

Dumas không mấy tin vào mê tín thời trước, cũng như dị đoan thời nay. Nhưng chính vì ông không tín cả mê tín thời trước, lẫn dị đoan thời nay, nên ông tự quan sát, tự nghiền ngẫm và nhờ thế, ông không chỉ thấy được hiện tại, mà còn nhìn rõ cả tương lai, giống như nó bao giờ cũng được nhìn thấy bởi những người mà ở thời cổ đại từng được gọi là các đấng tiên tri thấu thị. Dẫu điều này có vẻ lạ lùng đến đâu với những ai khi đọc tác phẩm của các nhà văn chi thấy bề ngoài của sự miêu tả, chứ không thấy tâm hồn tác giả, chính ôrìg Dumas, người từng viết Dame aux Camelias, Affaire Clemenceau (Trà hoa nữ, Vụ án Clémenceau (tiếng Pháp)_ND.) và nhiều tác phẩm khác, chính cái ông Dumas ấy giờ đã nhìn thấy tương lai và tiên đoán về nó.

Dấu điều này có vẻ lạ lùng thế nào với chúng ta, những kẻ chỉ quen hình dung nhà tiên tri trong bộ da thú rừng và sống nơi thâm sơn cùng cốc, thì sấm ngôn vẫn cứ là sấm ngôn, dù nó không được truyền đi trên đôi bờ Jordanes, mà được ấn loát trên bờ sông Seine, trong xưởng in của báo Gaulois, mà những lời của Dumas lại là sấm ngôn thực thụ, chứa đựng trong bản thân mọi dấu hiệu chính yếu của sấm truyền: thứ nhất, những lời nói ấy hoàn toàn trái ngược với tâm trạng chung của đám người mà giữa họ, chúng được phát ra; thứ hai, dù vậy, những người lắng nghe lời nói ấy tự mình không hiểu vì sao lại tán thành chúng và, thứ ba, cũng là dấu hiệu chính yếu, sấm ngôn này hỗ trợ cho việc thực thi những gì đươc nó tiên đoán.

Mọi người càng tin nhiều hơn, rằng nhờ một cái gì đó bên ngoài, tác động mặc nhiên, bất chấp ý chí của họ, như tôn giáo hoặc khoa học, họ có thể làm thay đổi hay cải thiện đời mình, thì việc thay đổi và cải thiện ấy càng khó thực hiện hơn. Khiếm khuyết cơ bản trong diễn ngôn của Zola chính là ở đấy. Nhưng, ngược lại, mọi người càng tin nhiều hơn vào những gì Dumas tiên đoán – tức là tin, rằng nhất định và chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày, khi mà tất cả mọi người đều đắm đuối bởi tình yêu thương lẫn nhau và dâng hiến cho tình yếu ấy, tự mình sẽ thay đổi toàn bộ đời sống hiện tại theo ý muốn của mình – thì ngày ấy càng đến nhanh hơn.

Đây cũng chính là ưu điểm chính trong thư của Dumas. Zola khuyên mọi người không cần đổi đời, mà chỉ cần đẩy mạnh hoạt động theo hướng một lần đã được tiếp nhận, và bằng cách ấy ông ám thị họ về sự bất biến của cuộc sống. Khi tiên báo về sự thay đổi nội tại tình cảm của mọi người, chính Dumas đã khơi gợi mọi người tạo ra sự thay đổi ấy.

Dumas tiên đoán, rằng sau khi nếm trải tất cả, cuối cùng – mà cũng chỉ trong một ngày rất gần – mọi người sẽ nghiêm cần bắt tay đưa quy luật về “tình yêu thương lẫn nhau” vào đời sống, và, như ông nói, họ sẽ đắm đuối trong tình yêu “si mê, cuồng dại”.

Ông nói là đã thấy giữa những hiện tượng đang diễn ra hung bạo đến thế các dấu hiệu của tình cảm yêu thương vừa mới nảy sinh ấy, thấy nhiều dân tộc được vũ trang đến từng đầu người giờ đây không còn căm thù nhau nữa, thấy rằng trong cuộc đấu tranh của các giai cấp giàu có với các giai cấp nghèo khổ đang xuất hiện không phải hội mừng của người chiến thắng, mà là sự đồng cảm chân thành của người thắng trận với kẻ chiến bại, là sự bất bình và hổ thẹn trước thắng lợi của mình; và, điều chủ yếu, như ông nói, ông thấy các trung tâm của tình bác ái thu hút nhiệt tâm đã hình thành, đang mở rộng và, giống như hòn tuyết, dứt khoát phải cuốn hút về phía mình tất cả những gì sống động còn chưa hòa nhập vào nó, và bằng con đường thay đổi tâm thức ấy, mọi cái ác đang khiến con người đau khổ sẽ bị sẽ tiêu diệt.

Tôi nghĩ, nếu phản bác sự cận kề của bước ngoặt mà Dumas tiên đoán, hoặc ngay cả khả năng lôi cuốn mọi người bằng tình yêu thương lẫn nhau, thì sẽ vẫn không có ai hồ nghi rằng, già dụ điều đó xảy ra thì nhân loại sẽ thoát khỏi phần lớn những tai ương đang làm nó phiền muộn và đang đe dọa nó.

Không thể không thừa nhận, rằng nếu con người làm được những gì hàng nghìn năm trước không chỉ Đức Kitô, mà còn tất cả các nhà hiền triết của thế giới đã khuyên bảo họ, tức là, nếu không thương yêu được người khác như thể chính mình, thì chí ít cũng không làm cho người khác cái mà họ không muốn người khác làm cho mình, nếu như mọi người lấy đức vị tha thay cho thói vị kỉ, nếu lối sống cá nhân chủ nghĩa được thay bằng lối sống tập thể chủ nghĩa, như là các nhà khoa học vẫn diễn đạt cái ý ấy bằng biệt ngữ tồi tệ của mình, thì cuộc sống của con người đã chuyển họa thành phúc. Hơn thế nữa, mọi người đều thừa nhận rằng nếu cuộc đời vẫn tiếp diễn trên những nền tảng của cuộc đấu tranh lẫn nhau mang tính đa thần giáo như hiện nay, thì nó sẽ không tránh khỏi đưa nhân loại tới những thảm họa lớn nhất, và thời khắc ấy đã đến rất gần.

Mọi người đều thấy, họ càng chiếm dụng đất đai và sản phẩm lao động của nhau nhiều hơn, hăng hái hơn, thì họ càng trở nên hung hãn hơn và vì thế, không chóng thì chầy, những kẻ bị chiếm đoạt nhiều nhất tất yếu sẽ lại chiếm đoạt của bọn trộm cướp những gì từng bị chúng chiếm đoạt lâu đến thế và còn trả thù một cách tàn bạo vì mọi sự tước đoạt đã gây ra cho họ.

Mọi người từ lâu đã nhìn thấy sự phi lí rành rành đến nực cười của cuộc chạy đua vũ trang giữa các dân tộc mà nó tất yếu phải kết thúc nếu không phải bằng những trận huyết chiến vô tận và khủng khiếp nhất, thì cũng bằng sự phá sản và thoái hóa của tất cả mọi người đang tham dự vào vòng của những cuộc vũ trang ấy. Ngoài ra, mọi người trên hành tinh của chúng ta đều thừa nhận là bắt buộc đối với chính họ, hoặc luật của đạo Kitô về tình thương yêu, hoặc luật lệ thế tục được xây dựng trên nền tảng Kitô giáo về sự tôn trọng đối với cuộc sống của người khác, tôn trọng nhân cách và quyền năng của con người.

Ai cũng biết điều đó, nhưng mặc dù như thế, ai cũng sắp xếp cuộc sống của bản thân trái ngược cả với lợi ích và sự bình yên của mình, cả với đạo luật mà họ tuyên cáo.

Rõ ràng, có một nguyên nhân quan trọng nhưng bí ẩn nào đó đang cản trở mọi người thực hiện những gì có lợi cho họ, cứu họ khỏi cơn nguy biến rành rành cùng những gì họ thừa nhận là bắt buộc với bản thân họ là luật tôn giáo hay đạo đức. Đã mấy trăm năm, tình yêu thương lẫn nhau được ngợi ca giữa họ và bây giờ nó được rao giảng từ hàng nghìn bục giảng tôn giáo và thế tục khác nhau chắc hẳn không phải là để lừa dối lẫn nhau.

Quả là từ lâu mọi người nhẽ ra đã phải quyết định, rằng nếu tình yêu thương đồng loại là việc có ích, có lợi, là việc thiện thì phải lấy nó làm nền tảng mà xây dựng cuộc sống của mình, hoặc nếu thừa nhận tình yêu chỉ là giấc mơ không thể thực hiện, thì thôi, đừng nói tới nó nữa. Nhưng tất cả mọi người đều không làm thế này, mà cũng chẳng làm thế kia: họ tiếp tục sống trái ngược với tình yêu và tiếp tục ngợi ca tình yêu. Rõ ràng, họ tin rằng tình yêu là cái có thế, là cái mong muốn và là đặc tính vốn có của họ, nhưng họ không thể thực hiện được nó. Vì sao lại có chuyện như thế?

Mọi thay đối lớn lao trong cuộc đời mỗi con người hoặc toàn nhân loại đêu băt đâu và diễn ra trong tư tưởng. Những biến chuyển bên ngoài trong đờỉ sống con người dù là thế nào, về sự bức thiết phải thay đổi tình cảm và hành vi dù được mọi người tuyên truyền ra sao, chừng nào những chuyển biến trong tư tưởng vẫn chưa xảy ra, thì chừng ấy đời sống của con người vẫn chưa thay đổi. Nhưng chỉ cần sự thay đổi diễn ra trong tư tưởng, thì nó sớm hay muộn, tùy vào tầm quan trọng của sự thay đổi, tất yếu sẽ xảy ra cà trong tình cảm, trong hành động và cả trong đời sống của mọi người, giống cú ngoặt của con tàu sau khi bẻ tay lái.

Ngay từ những lời thuyết giáo đầu tiên của mình, Kitô không bảo mọi người: hãy làm thế này hay thế kia, hãy có tình cảm này hay tình cảm khác; mà nói với mọi người: tiếng Nga – hãy hồi tâm, hãy thay đổi cách hiểu đời sống của mình. Ngài không nói với mọi người: hãy thương yêu nhau (mãi sau này ngài mới nói như thế với các môn đồ, những người thấu hiểu giáo lí của ngài); mà nói với tất cả mọi người đúng cái điều thánh lohann Rửa Tội, vị tiền bối của ngài đã nói: hãy sám hối, tức là hãy hồi tâm, hãy thay đổi cách hiểu đời sống của mình, tiếng Nga – hãy hồi tâm, nếu không tất cả sẽ tiêu vong, – ngài nói.

Ý nghĩa cuộc sống của các ngươi không thể là làm sao để từng người tìm kiếm, lợi ích riêng lẻ cho mỗi cá nhân hay lợi ích của một nhóm người nào đó, ngài nói, bởi vì, cái lợi ích sở đắc gây thiệt hại cho những cá nhân khác, gia đình khác, dân tộc khác cũng đang tìm kiếm chính nó và bằng chính những phương cách hệt như thế – lợi ích ấy rõ ràng chẳng những không thể có được, mà còn dẫn các ngươi tói chỗ diệt vong. Hãy hiểu rằng, ý nghĩa cuộc sống của các ngươi chỉ có thể là thực hiện ý nguyện của sinh linh đã phái các ngươi xuống cuộc đời này và đòi hỏi các ngươi phụng sự không phải cho mục đích của cá nhân của mình, mà là mục đích của sinh linh ấy, tức là xây dựng sự thống nhất và tình yêu thương giữa tất cả các tạo vật, xây dựng một thiên quốc, nơi người ta đúc kiếm thành lưỡi cày, đúc giáo mác thành liềm hái và sư tử nằm cạnh hươu nai, như các đấng tiên tri đã bày tỏ.

Hãy thay đổi cách hiểu đời sống của các ngươi, nếu không, tất cả sẽ chết, ngài nói. Nhưngloài người đã không nghe theo Kitô, đã không thay đổi cách hiểu cuộc sống của mình và cho đến nay vẫn níu giữ lấy nó. Chính cách hiểu đời sống sai trái được mọi người níu giữ bất chấp sự phức tạp hóa của các hình thái đời sống và sự phát triển ý thức con người trong thời đại chúng ta là nguyên nhân khiến mọi người, tuy ý thức được toàn bộ sự tốt lành của tình yêu, tất cả nguy cơ của lối sống đối lập với nó, tuy thừa nhận đó là luật của trời hay của đời, rốt cuộc vẫn không thể noi theo được nó.

Quả thật, trong thế giới của chúng ta, với những con người nghĩ rằng mục đích của đời họ nằm trong lợi ích của cá nhân họ, hay của gia đình, hay của dân tộc, mà lợi ích thì chỉ thu được bởi cuộc đấu tranh quyết liệt với những người khác cũng hướng tới đó, giữa những thể chế của một thế giới luôn hợp thức hóa mọi cuộc đấu tranh và bạo lực – với những người như thế có khả năng nào để họ thương yêu những người khác bao giờ cũng cản đường họ vào họ dứt khoát phải hãm hại những người ấy để đạt được những mục đích đã đặt ra cho mình?

Để có thể diễn ra sự thay đổi của tình cảm và hành vi, trước hết phải diễn ra sự thay đổi tư tưởng. Muốn sự thay đổi tư tưởng có thể diễn ra, con người phải dừng lại và phải chú ý tới cái mà nó cần phải hiểu. Để đám người đang cùng tiếng gào thét và tiếng các bánh xe rầm rầm lao xuống vực lắng nghe những người muốn cứu họ gào lên với họ, trước hết đám người ấy phải dừng lại. Nếu không thì làm sao con người có thể thay đổi tư tưởng của mình, cách hiểu đời sống của mình, một khi nó vẫn không ngừng, vẫn cứ si mê – và lại còn bị thúc giục bởi những người thuyết phục nó rằng chính cái đó là cần thiết – tiếp tục làm việc trên cơ sở của chính cách hiểu sai trái về đời sống mà nó cần thay đổi?

Những đau khổ của con người xuất phát từ quan niệm sai trái về đời sống đã chín muồi, đồng thời, lợi ích do quan niệm đúng đắn về cuộc đời mang lại đã sáng tỏ và trở nên hiển nhiên tới mức, trong thời đại của chúng ta, để mọi người thay đổi đời sống của bản thân cho phù hợp với quan niệm của mình, họ chẳng phải thực hiện biện pháp gì, không cần phải làm gì, mà chỉ cần dừng lại, thôi làm những gì họ đang làm, tập trung và suy nghĩ.

Những người thuộc thế giới Kitô giáo của chúng ta cùng ở trong một tình thế của những kẻ đang kiệt lực cố kéo một vật nhẹ bật khỏi vị trí của nó, chỉ bởi tại họ không thể thỏa thuận với nhau và không ngừng kéo về các phía trái ngược nhau.

Nếu thời trước, khi sự bất hạnh của đời sống tà đạo và lợi ích được hứa hẹn bởi tình yêu chưa được làm sáng tỏ đúng mức, nên mọi người có thể duy trì cảnh nô lệ, chế độ áp bức, xử tử hình, chiến tranh một cách vô thức và dùng lí lẽ khôn ngoan để bảo vệ địa vị của mình, thì ở thời đại chúng ta điều đó hoàn toàn không thể: mọi người thời nay có thể sống theo lối sống tà giáo, nhưng họ không thể biện hộ cho nó. Chỉ cần những người thuộc thế giới Kitô giáo ngừng trong chốc lát hoạt động của mình, ngẫm nghĩ về tình thế của mình, ướm thử những yêu cầu của trí tuệ và trái tim mình vào hoàn cảnh sống đang vây bọc quanh họ đế nhận ra rằng, toàn bộ đời sống của họ, mọi hành vi của họ mâu thuẫn thường xuyên và gay gắt với lương tri, trí tuệ và tâm hồn họ.

Hãy hỏi riêng từng người ở thời đại chúng ta xem cái gì đang hướng đạo anh ta và anh ta thấy có cần được hướng đạo hay không trong đời sống của mình, hầu như ai cũng sẽ trả lời các bạn rằng anh ta chịu sự hướng đạo nếu không phải của tình yêu, thì cũng của công lí – anh ta sẽ nói với các bạn, rằng, với cá nhân anh ta, kẻ tự nguyện thừa nhận tính bắt buộc hoặc của giáo lí đạo Kitô, hoặc của những nguyên tắc đạo đức thế tục dựa trên nền tảng Kitô giáo, không cần có bạo lực, không cần tòa án, không cần tử hình, không cần chiến tranh, và anh ta chịu phục tùng những điều kiện sống như thế kia chỉ vì chúng cần thiết cho những người khác; nếu hỏi tiếp người thứ hai, thứ ba, hầu như tất cả đều trả lời đúng như thế. Mà tất cả bọn họ đều chân thành. Nếu xét theo đặc điểm nhận thức của họ, thì đa số con người ở thời đại chúng ta đã từ lâu cần phải sống với nhau như một tín hữu Kitô giáo. Nhưng hãy xem, trong thực thế họ sống thế nào: họ sống như những dã thú!

Tóm lại, phần lớn những người thuộc thế giới Kitô giáo ở thời đại chúng ta đang sống cuộc sống tà giáo không hẳn vì họ muốn sống như thế, mà chủ yếu vì thể chế đời sống, từng có lúc nào đấy cần thiết cho những người có nhận thức hoàn toàn khác, được giữ lại nguyên như thế và được duy trì bởi sự lăng xăng tất tưởi muôn đời của con người, không để họ có thời gian ngẫm ngời và thay đổi nó cho phù hợp với nhận thức của mình.

Mọi người chỉ ngừng lại dẫu một thời gian, không làm cái mà Zola và những đối thủ tưởng tượng của ông, tất cả những ai viện cớ về sự tiến bộ chậm rãi và tiệm tiến nhằm duy trì trật tự hiện hành khuyên họ: hãy ngừng làm mụ mị bản thân bằng những tín niệm sai trái của tôn giáo hay khoa học và cái chính là bằng thứ lao động không ngừng, đầy tự mãn để làm những công việc mà lương tri của họ không thể biện hộ, thì lập tức họ sẽ thấy, rằng ý nghĩa đời sống của họ không thể nằm ở tham vọng rõ ràng đánh lừa con người được tạo dựng trong cuộc đấu tranh với những người khác nhắm tới lợi ích riêng biệt của cá nhân, gia đình, dân tộc hay quốc gia, họ sẽ thay, rằng ý nghĩa duy nhất khả dĩ, hữu lí về đời sống là những gì đã được đạo Kitô khai mở cho nhân loại từ 1.800 nãm trước.

Cuộc đại tiệc từ lâu đã sẵn sàng, và mọi người được mời đi dự tiệc cũng đã từ lâu; nhưng người thì mua đất, kẻ thì lấy vợ, người thứ ba thử nghiệm bò tót, người thứ tư xây đường sắt, nhà máy, bận truyền giáo ở Ấn Độ hay Nhật Bản, giảng đạo đấu tranh để thông qua nghị định của “Home Rule”[69] hoặc luật chiến tranh, dự thi, viết luận văn khoa học, trường ca, tiểu thuyết. Mọi người không còn bao giờ, chẳng có lúc nào để hoàn hồn, hồi tâm, nhìn lại mình và thế giới và tự vấn: mình đang làm cái gì? nhằm mục đích gì?

Rõ ràng, cái sức mạnh từng sinh ra tôi cùng với bản tính của trí tuệ và tình yêu không thể nào sinh ra tôi với những bản tính ấy chỉ để đánh lừa, chỉ để tôi tưởng rằng muốn đạt được lợi ích cao nhất cho cá nhân đang tiêu vong của mình, tôi có thể tùy ý sử dụng cuộc đời tôi và cuộc đời của những người khác để cuối cùng nhận ra rằng, tôi càng gắng sức làm những điều đó nhiều hơn, thì tình hình càng tồi tệ hơn với tôi, với gia đình, với dân tộc, và tôi càng rời xa những yêu cầu của tình yêu và trí tuệ nằm sâu trong tôi và không một phút giây ngừng cất tiếng đòi hỏi, thì tôi càng lìa xa phúc lợi chân chính. Tôi được ban tặng những bản tính cao nhất của tâm hồn không thể chỉ để chúng, giống như gông xiềng dưới chân người tù, cản trở tôi đạt được những mục đích của mình.

Như thế này liệu sẽ đúng hơn chăng: cái sức mạnh, từng sinh hạ ra tôi, đã sinh ra tôi vói với trí tuệ và tình yêu không phải là để dành cho những mục đích cá nhân ngẫu nhiên, chốc lát, bao giờ cũng đối lập với mục đích của những người khác (thực ra đó là điều nó không thể làm được, vì khi nó sinh ra tôi, cả tôi lẫn các mục đích của tôi đều chưa có), mà là để đạt được mục đích của chính nó, và những bản tính cơ bản của tâm hồn tôi được tạo ra là để hỗ trợ cho mục đích ấy. Và bởi vậy, sẽ tốt hơn cho tôi chăng, nếu ngoan cố theo đuổi ý nguyện của bản thân và ý nguyện của người khác – cái ý nguyện trái nghịch với những bản tính cao cả kia và đang dẫn tôi tới hiểm họa, tôi sẽ vĩnh viễn thừa nhận mục đích đời mình là trong mọi việc và mọi lúc thực hiện ý nguyện của đấng đã phái tôi xuống cõi đời này, bất chấp mọi lí lẽ khác, chỉ đi theo những chỉ dẫn của lí trí và tình yêu mà đấng ấy đã trao gửi cho tôi để thực hiện ý chí của người?

Quan niệm Kitô giáo về đời sống đã thâm nhập vào tâm hồn mỗi người ở thời đại chúng ta là như thế. Để vương quốc của Chúa được thực hiện, phải làm sao cho mọi người bắt đầu yêu thương lẫn nhau không phân biệt cá nhân, gia đình, dân tộc. Muốn cho mọi người thương yêu nhau như thế, cần làm thế nào để quan niệm sống của họ thay đổi. Để quan niệm sống của họ thay đổi, cần làm cho họ hồi tâm tĩnh trí, mà để họ hồi tâm tĩnh trí thì trước hết họ cần phải dừng lại dù chỉ một lúc trong hoạt động hối hả cho những công việc mà quan niệm tà giáo về đời sống đòi hỏi ở họ và họ đang đắm chìm trong đó; cần phải thoát thoát khỏi dù trong chốc lát cái mà người Ấn Độ gọi là “sansara”, thoát khỏi sự xắng xở đời thường luôn cản trở con người nhiều nhất trong việc thấu hiểu ý nghĩa sự tồn tại của họ.

Ở thời đại chúng ta, tai ách của đời sống tà giáo và sự sáng tỏ cũng như tính phổ biến của ý thức Kitô giáo đã đạt tới mức mà mọi người chỉ cần thôi bắng nhắng là họ sẽ lập tức nhìn thấy cái vô nghĩa trong hoạt động của mình và quan niệm Kitô giáo tự nó tất yếu sẽ hình thành trong ý thức của họ, giống như nước tất yếu đông lại trong khí trời băng giá, chỉ cần không khuấy động nó. Chỉ cần mọi người lĩnh hội được quan niệm sống kia, thì tình yêu giữa họ với nhau, với mọi người và mọi sinh linh, giờ đang ở trong tình trạng bị đóng kín ở bên trong họ, dứt khoát sẽ bộc lộ trong hoạt động của họ và trở thành động cơ của tất cả các hành vi của họ, giống như theo quan niệm đa thần giáo về đời sống hiện nay, tình yêu được thể hiện chỉ với bản thân, với gia đình mình, với dân tộc mình.

Mà chỉ cần tình yêu Kitô giáo nảy nở trong mọi người thì tự nhiên chẳng phải mảy may gắng gỏi, những hình thức đời sống cũ sẽ tan rã và sẽ hình thành những hình thức đời sống tốt đẹp mà nếu thiếu chúng mọi người sẽ xem là trở ngại chính yếu đối việc thực hiện những gì trí tuệ và trái tim của họ từ lâu đã đòi hỏi.

Giá như chỉ một phần trăm cái năng lượng mà hiện nay người ta đang dốc ra để thực hiện những công việc vật chất hoàn toàn khác nhau, không gì có thể biện hộ và vì thế, làm lu mờ tâm trí họ, được mọi người sử dụng vào việc làm sáng tỏ bản thân ý thức nói trên và thực hiện những gì mà nó đòi hỏi họ, thì vương quốc của Chúa mà Ngài đòi hỏi loài người kiến tạo chắc sẽ được kiến tạo nhanh hơn và đơn giản hơn gấp bội lần so vói những gì chúng ta có thể tưởng tượng, và chắc mọi người sẽ tìm thấy hạnh phúc mà họ được hứa hẹn.

Hãy tìm kiếm vương quốc của Chúa và mọi chân lí của Ngài, những thứ còn lại, rồi sẽ tự đến với ngươi.

Lev Tolstoi

9 tháng 8 nâm 1893

[68] Vô vi (“Nedelanie”) Bài việt này, thể hiện sự hấp thụ sâu sắc tư tưởng của Lão Tử nơi Tolstoi, thuộc số ít tác phẩm nghị luận của Tolstoi được kiểm duyệt cho in trong nước. Nó xuất hiện trên tạp chí Người đưa tin phương Bắc (Severnyj vestnik) No9/1893 và ngay sau đó được dịch ra tiếng Pháp và đăng trên tạp chí Revue des revues, số tháng Mười 1893. Chính chủ bút của tạp chí này E.Smith đã gửi cho Tolstoi bài viết của Zola và thư ngỏ của Dumas. …. Champs de Mars – Một quảng trường lớn ở Paris, gần tháp Eifel, mang tên thần chiến tranh Mars vì bên cạnh có trường quân bị. Tại quảng trường này ngoài các cuộc duyệt binh, các họa sĩ cũng tổ chức những triển lãm mỹ thuật.

[69] … nghị định “Home Rule” – “Home Rule” là tên phong trào đấu tranh đòi quyền tự trị cho Ireland vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x