Trang chủ » 11. NHÂN HỘI NGHỊ VỀ HÒA BÌNH

11. NHÂN HỘI NGHỊ VỀ HÒA BÌNH

by Trung Kiên Lê
88 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Thư gửi những người Thuỵ Điển

Thưa các quý ngài nhân từ!

Tư tưởng được phát biểu trong lá thư tuyệt vời của các ngài nói rằng nhìn chung, có thể thực hiện giải trừ quân bị bằng con đường nhẹ nhàng và đúng đắn nhất – qua việc những con người riêng lẻ sẽ khước từ quân ngũ, là hoàn toàn đúng. Thậm chí, tôi còn nghĩ, đó là con đường duy nhất cứu nhân loại thoát khỏi những tai họa khủng khiếp ngày càng gia tăng và gia tăng hơn nữa của giới quân phiệt.

Còn ý kiến của các ngài cho rằng, vấn đề thay thế chế độ quân dịch đối với những người cự tuyệt thực hiện nó bằng những nghĩa vụ xã hội, có thể được xem xét tại một hội thương sắp triệu tập theo đề nghị của Sa hoàng, thì tôi lại cho là hoàn toàn sai lầm – chỉ căn cứ vào một điểm, ấy là bản thân mọi cuộc hội thương không thể là một cái gì khác, ngoài các thiết chế giả nhân giả nghĩa nhằm mục đích không phải thiết lập hòa bình, mà ngược lại, là giấu giếm nhân loại cái phương tiện duy nhất giúp thiết lập nền hòa bình chung, mà những con người tiến bộ đã bắt đầu nhìn thấy.

Người ta nói, hiệp thương sẽ có mục đích nếu không phải giải trừ quân bị, thì cũng chấm dứt tăng cường vũ trang. Được đoán là trong cuộc hội thương này, đại biểu của các nước sẽ thỏa thuận không gia tăng thêm thiết bị quân sự của mình. Nếu đúng là như vậy, thì vô hình trung lại nảy sinh vấn đề, trong thời gian diễn ra hội thương, chính phủ của những nước tình cờ thấy mình yếu hơn các quốc gia lân bang sẽ phải hành động thế nào? Chưa chắc các chính phủ ấy sẽ bằng lòng cứ dừng lại ở vị thế yếu hơn các nước láng giềng của họ như vậy. Giả dụ họ bằng lòng dừng lại ở vị thế yếu hơn như vậy vì vững tin vào các điều khoản của hội thương, thì họ có thể sẽ bằng lòng yếu đi hơn nữa và tuyệt không tiêu tiền cho quốc phòng cũng được.

Còn nếu nhiệm vụ của hội thương là làm sao để cân bằng lực lượng quân sự của các quốc gia và dừng lại ở đó, thì, giả dụ ngay cả khi có thể đạt được một sự cân bằng chẳng bao giờ có như thế, thì tự nhiên, một vấn đề khác lại nảy sinh: tại sao các chính phủ cần dừng lại ở mức độ vũ trang hiện có, mà không thấp hơn? Vì sao cần hạn chế Đức, Pháp, Nga ở mức, nói giả dụ, dưới một triệu lính, mà không phải dưới 500 nghìn, dưới 10 nghìn, hay dưới một nghìn lính thôi. Nếu có thể giảm bớt, thì vì sao không giảm tới mức tối thiểu, và, cuối cùng, vì sao không đưa các đấu sĩ kiểu như David, Goliath thay cho quân đội, và giải quyết mọi công việc quốc tế bằng cách xem, ai sẽ thắng vật?

Người ta nói: những xung đột của các quốc gia sẽ được giải quyết bằng toá án trọng tài. Nhưng – chưa cần nói tới chuyện, đại diện của các chính phủ, chứ không phải đại diện của nhân dân, sẽ đứng ra giải quyết công việc, và vì thế chẳng có bất kì sự đảm bảo nào để những quyết định ấy sẽ đúng đắn – ai sẽ khiến các quyết định ấy của tòa án được thực hiện? – Quân đội. – Quân đội của ai? – Của tất cả các quốc gia. – Nhưng chính quân lực của các quốc gia có ngang nhau đâu. Ví như, ai sẽ tổ chức thực hiện trên đại lục quyết định mà giả dụ là bất lợi cho Đức, Nga hay Pháp, những nước liên kết thành một khối đồng minh, hoặc ai sẽ làm cho một quyết định trái với lợi ích của Anh, Mĩ, Pháp, trở nên có hiệu lực ở trên biển. Quyết định của tòa án trọng tài sẽ được tổ chức thực hiện bằng bạo lực quân sự, tức là, cái cần phải hạn chế sẽ thành phương tiện hạn chế. Thật là chuyện giăng đó ngọn cây.

Tôi nhớ, trong thời kì phong toả Sevastopol,[70] một lần tôi đang ngồi cùng đám sĩ quan tùy tùng của Saken, trưởng đồn biên phòng, thì công tước S.S.Urusov bước vào phòng khách. Đó là một sĩ quan can đảm, một người đại kì quặc và đồng thời còn là một kì thủ ưu tú món cờ vua thời ấy. Ông ta nói là có công việc với tướng quân. Sĩ quan tùy tùng dẫn ông vào văn phòng của vị tướng. Mươi phút sau, Urusov đi ngang qua chỗ chúng tôi, nét mặt tỏ vẻ bất mãn. Sau khi tiễn ông ta, viên sĩ quan tùy tùng quay lại chỗ chúng tôi và cười xoà, kể vì việc gì mà Urusov đến chỗ Saken. Ông ta đến chỗ Saken để đề nghị thách thức đám người Anh chơi một ván cờ, lấy vật cược là chiến hào tiền tiêu trước pháo đài số 5, đôi bên đã mấy lần chuyền tay và làm chết mấy trăm mạng người.

Hiển nhiên là chơi cờ mà được cuộc cả một chiến hào sẽ bội phần tốt hơn so với giết nhau. Nhưng Saken không tán thành lời đề nghị của Urusov, và hiểu rằng chỉ có thể đánh cờ để giành được một chiến hào khi cả hai bên hoàn toàn tin tưởng nhau trong việc thực hiện điều kiện đã được quy định. Nhưng sự hiện diện của quân đội trước chiến hào, và những cỗ đại bác nhắm vào nó đã chứng tỏ sự tin tưởng ấy hoàn toàn không tồn tại. Chừng nào vẫn còn quân đội của cả hai bên, thì ai cũng rõ, mọi việc sẽ được quyết định bằng lưỡi lê, chứ không phải bằng đánh cờ.

Các vấn đề quốc tế cũng giống hệt như vậy thôi. Muốn những vấn đề ấy được giải quyết bằng tòa án trọng tài, cần phải có sự tin cậy tuyệt đối giữa các quốc gia, rằng họ sẽ chấp hành quyết định của tòa án. Nếu có một sự tin cậy như vậy, thì tuyệt nhiên không cần phải có quân đội. Nếu vẫn còn quân đội, thì đã rõ là không có sự tin cậy ấy, và các vấn đề quốc tế không thể giải quyết bằng cách nào khác, ngoài sức mạnh quân sự. Khi vẫn còn quân đội, thì họ là lực lượng cần thiết không chỉ để chiếm đoạt đất mới, như mọi quốc gia hiện vẫn đang làm – nước này ở châu Á, nước kia ở châu Phi, nước khác ở châu Âu – mà để dùng sức mạnh giữ chặt những gì đã chiếm được bằng sức mạnh. Mà chiếm đoạt và giữ chặt bằng sức mạnh thì chỉ có thể thực hiện khi chiến thắng.

Thủ thắng bao giờ cũng chỉ có thể bằng những bầy đàn lớn. Chính vì thế, nếu chính phủ có quân đội, họ sẽ cần có một đội quân càng đông càng tốt. Và trách nhiệm của chính phủ là ở đó. Nếu chính phủ không làm điều đó, thì chẳng cần phải có chính phủ. Chính phủ có thể làm rất nhiều việc điều hành đối nội: có thể giải phóng, khai minh, làm giàu cho nhân dân, có thể xây dựng đường sá, đào kênh mương, khai phá đất hoang, kiến thiết những công trình xã hội, nhưng có một việc nó không thể làm, ấy chính là việc mà vì nó hội thương được triệu tập, tức là giải trừ lực lượng quân sự của mình.

Nếu mục đích của hội thương, như nó được làm rõ qua những lời giải thích gần đây, là nhằm thu hồi những vũ khí hủy diệt đang sử dụng mà người ta cho là đặc biệt tàn bạo (vì sao trong số vũ khí này, không nhân tiện cố gắng hủy bỏ luôn thể cả việc bóp nghẹt thư từ, đánh tráo thư tín, hoạt động gián điệp, và tất cả những trò đểu giả ghê gớm làm thành điều kiện tất yếu của phòng thủ quân sự?), thì việc cấm sử dụng tất cả các phương tiện hiện có để chiến đấu cũng hoàn toàn hữu khả, giống như cấm mọi người khi đánh nhau để bảo vệ sinh mạng sống của mình, thì không được đụng tới chỗ hiểm trên thân thể. Vả lại, vì sao thương tích và tử vong do đạn pháo gây ra lại tồi tệ hơn so với thương tích trúng vào hiểm huyệt do một viên đạn hay một mảnh vỡ bình thường, mà nó có thể gây ra đau đớn đến cùng cực hoặc cũng dẫn đến tử vong hệt như bất kì một thứ vũ khí nào khác?

Thật lạ lùng, khi những người lớn tuổi và tâm than khoẻ mạnh lại có thể phát biểu một cách nghiêm túc những ý tưởng kì quặc đến thế.

Cứ cho là các nhà ngoại giao dâng hiến cả đời mình cho sự dối trá, và đã quen với thói xấu ấy và lúc nào sống, hoạt động trong môi trường đầy ắp giả dối đến nỗi, họ không thể tự phát hiện toàn bộ sự vô nghĩa và giả dối trong những kiến nghị của họ; nhưng tại sao những tư nhân – những tư nhân trung thực, chứ không phải những người vì muốn lấy lòng Sa hoàng mà tán dương kiến nghị nực cười của ngài – tại sao những tư nhân trung thực ấy lại có thể không nhìn thấy, rằng kết quả cuộc hội thương này chẳng thể là một cái gì khác, ngoài việc củng cố vững chắc thêm sự lừa gạt mà các chính phủ đang giam giữ thần dân của mình trong ấy, giống như điều đó từng diễn ra dưới thời liên minh thần thánh của Alexander đệ Nhất[71].

Mục đích của hội thương không phải là thiết lập hòa bình, mà là che giấu khỏi nhân loại phương tiện duy nhất giúp giải phóng họ thoát khỏi các thảm họa chiến tranh, ấy là việc những cá thể con người chối từ tham gia giết người bằng quân sự, chính vì thế, hội nghị không thể chấp nhận thảo luận vấn đề này.

Với những ai chống lại chế độ quân dịch theo quan niệm của họ, mọi chính phủ bao giờ cũng hành xử giống hệt cách hành xử của chính phủ Nga với cánh Dukhobor[72]. Trong khi nó công bố trước toàn thế giới những dự định có vẻ như yêu chuộng hòa bình của mình, nó che giấu không cho ai biết điều đó, hành hạ, làm phá sản và xua đuổi những người Nga yêu chuộng hòa bình nhất chỉ vì họ yêu hòa bình bằng hành động, chứ không phải bằng nói suông, và vì thế mà họ từ chối phục vụ quân đội. Với những trường hợp cự tuyệt chế độ quân dịch, các chính phủ châu Âu, tuy đỡ thô bạo hơn, nhưng cũng hành xử giống hệt như vậy. Các chính phủ Áo, Phổ, Pháp, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Hà Lan đã và đang hành xử như thế, và họ không thể hành xử theo cách nào khác.

Họ không thể hành xử khác đi vì rằng, khi đã điều khiển thần dân của mình bằng sức mạnh được tạo thành bởi một quân đội có kỉ luật, thì họ không thể nào cho phép những cá nhân riêng biệt xuất phát từ những tâm trạng ngẫu nhiên của mình mà làm suy yếu sức mạnh ấy và, dĩ nhiên, cả quyền lực của họ, hơn nữa, chắc chắn là, chỉ cần cho phép tất cả đổi từ nghĩa vụ quân sự sang lao động ngành nghề, thì đại đa số dân chúng (không ai thích giết người và trở thành người bị giết) sẽ chọn lao động ngành nghề chứ không phải nghĩa vụ quân sự, và chẳng bao lâu sẽ có nhiều thợ thuyền và chỉ còn lại ít quân nhân tới mức, sẽ chẳng còn ai để buộc thợ thuyền phải làm việc.

Bị rối tung trong đống ngôn từ sáo rống của mình, cánh tự do chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa và những kẻ được gọi là các nhà hoạt động cấp tiến tưởng rằng, lời lẽ của họ trong các nghị viện và hội nghị, các liên minh, những cuộc biểu tình, những cuốn sách của họ là những hiện tượng tối ư quan trọng, còn việc cự tuyệt chế độ quân dịch của những cá nhân riêng lẻ chỉ là chuyện nhỏ nhặt, không đáng phải bận tâm; nhưng các chính phủ thì biết rất rõ, cái gì là quan trọng và cái gì là không quan trọng với họ, cho nên các chính phủ mới sẵn lòng chấp nhận mọi diễn thuyết tự do và cấp tiến trong các Reichstag (Nghị viện Đức, bị Hitle thủ tiêu vào năm 1933._ND), chấp nhận các khối liên minh thợ thuyền, các cuộc biểu tình xã hội chủ nghĩa, và thậm chí còn làm ra vẻ đồng tình với điều đó, vì biết rằng các hiện tượng ấy rất có lợi cho họ, chúng đánh lạc sự chú ý của các dân tộc ra khỏi phương tiện giải thoát duy nhất và chính yếu; nhưng không bao giờ các chính phủ lại công khai cho phép trốn tránh chế độ quân dịch hoặc từ chối đóng thuế phục vụ quân đội (hai điều này thực ra chỉ là một mà thôi), bởi vì họ biết rằng, những hành động cự tuyệt như thế sẽ bóc trần sự bịp bợm của chính phủ, nhổ tận gốc quyền lực của họ.

Chừng nào các chính phủ còn dùng sức mạnh để điều hành dân tộc mình và còn có tham vọng, như hiện nay, chiếm thêm những vùng đất mới (Philippines, Lữ Thuận Khẩu v.v…) và giữ lấy các vùng đất đã chiếm được (Ba Lan, Alsace, Ấn Độ, Algeria v.v…), chừng ấy, họ chẳng những không đời nào giảm bớt, mà ngược lại, sẽ thường xuyên gia tăng quân đội.

Gần đây có tin nói rằng, một trung đoàn Mĩ đã từ chối đi tới Iloilo (Một tỉnh của Philippines._ND). Tin ấy được lan truyền như một cái gì đáng ngạc nhiên. Trong khi ấy, nhẽ ra đáng ngạc nhiên phải là vì sao những hiện tượng như vậy không lặp lại thường xuyên: lẽ nào tất cả những người Nga, Đức, Pháp, Ý, Mĩ hiện đang tham chiến theo ý muốn của những kẻ xa lạ, phần lớn không được họ kính trọng, lại đi giết những người của một dân tộc khác và tự chuốc cho bản thân mọi đau khổ và chết chóc.

Tưởng chừng như những người ấy phải tỉnh ngộ là quá rõ ràng và đương nhiên, nếu không phải vào lúc người ta bắt họ vào lính, thì chí ít vào lúc chót, khi người ta đưa họ đến với kẻ thù: dừng lại, vứt bỏ vũ khí và gào lên để địch thủ cũng làm như vậy.

Tưởng chừng điều đó thật đơn giản, tự nhiên tới mức, ai cũng sẽ hành xử như vậy. Nhưng nếu dân chúng không hành xử như thế, thì lí do chỉ có thể là mọi người tin vào các chính phủ đã thuyết phục họ, rằng mọi gánh nặng mà mọi người phải mang vì chiến tranh được đặt lên vai họ vì lợi ích của họ. Mọi chính phủ với sự vô liêm sỉ đáng kinh ngạc từng quả quyết, và bao giờ cũng quả quyết, toàn bộ sự trù bị cho chiến tranh và ngay cả bản thân những cuộc chiến mà họ đang tiến hành đều cần thiết cho hòa bình.

Giờ đây, sự giả nhân giả nghĩa và lừa bịp này còn tiến thêm một bước mới: bản thân các chính phủ, vẫn cần có quân đội và chiến tranh vì sự tồn tại của mình, làm ra vẻ họ đang quan tâm tìm kiếm biện pháp để giải trừ quân bị và tiêu diệt chiến tranh. Các chính phủ mong muốn thuyết phục mọi dân tộc, rằng những cá nhân riêng biệt chẳng có gì phải băn khoăn về việc cứu thoát bản thân khỏi chiến tranh; trong những cuộc hiệp thương, bản thân các chính phủ sẽ thu xếp ổn thỏa tới mức, thoạt đầu là giải trừ, và sau đó sẽ hoàn toàn thủ tiêu quân đội. Nhưng đó chỉ là điều dối trá.

Giải trừ và thủ tiêu quân đội chỉ có thể thực hiện bằng cách đi ngược lại ý muốn chứ không thể chiều theo ý muốn của chính phủ. Giải trừ và thủ tiêu quân đội chỉ có thể xảy ra, khi nhân loại không còn tin vào các chính phủ và sẽ tự mình tìm cách thoát khỏi những tai họa khiến họ đau khổ và tìm cứu sách không ở những mưu chước phức tạp và tinh vi của các nhà ngoại giao, mà ở sự thực hiện một cách giản đơn giới luật đã trở thành bổn phận với môi cá nhân, được ghi trong tất cả các học thuyết tôn giáo và trong trái tim mỗi người, rằng điều mình không muốn, thì đừng làm cho người, nhất là đừng giết người đồng loại.

Sự giải trừ, và sau đó thủ tiêu quân đội chỉ có thể xảy ra khi dư luận xã hội trút sự phỉ nhổ lên đầu những kẻ vì sợ hãi hoặc mưu lợi mà bán đi tự do của mình và đứng vào hàng ngũ những kẻ sát nhân được gọi là quân đội; còn những người – hiện nay chưa ai biết và thậm chí bị chỉ trích – từ chối trao tự do của mình vào tay những kẻ khác, từ chối trở thành công cụ giết người, dù họ phải hứng chịu biết bao truy bức đau khổ vì điều đó, những người ấy sẽ được công nhận đúng với tư cách: là những chiến sĩ tiên tiến va ân nhân của nhân loại.

Chỉ khi đó, sự giải trừ, và sau nữa là thủ tiêu hoàn toàn quân đội mới thực sự bắt đầu, và một kỉ nguyên mới trong đời sống của nhân loại sẽ mở ra.

Và thời đại ấy đang đến gần.

Đó cũng chính là lí do vì sao tôi cho rằng nhận định của các ngài về việc những sự cự tuyệt chế độ quân dịch là những hiện tượng có tầm quan trọng lớn lao, và chúng sẽ giài phóng nhân loại khỏi những thảm họa của giới quân phiệt, là nhận định hoàn toàn đúng đắn; còn ý kiến cùa các ngài cho rằng các cuộc hội nghị có thể tác động tới điều đó, là hoàn toàn sai lầm. Các hội nghị có thể chỉ kéo tầm mắt của nhân dân ra khỏi phương tiện cứu thoát và giải phóng duy nhất.

L. Tolstoi 

Moskva. Tháng Giêng 1899.

[70] Nhân hội nghị về hòa bình (“Po povodu kongressa o mire”) Cuối năm 1898 nhân dịp các nước châu Âu đang chuẩn bị cho Hội nghị về hòa bình sẽ được tổ chức vào tháng Năm 1899 tại Hague (Haag) theo sáng kiến của hoàng đế Nga Nikolai II, một nhóm trí thức Thuỵ Điển gửi thư cho Tolstoi. Những người Thuỵ Điển này cho rằng một trong những phương sách hữu hiệu nhất để thiết lập hòa bình là sẽ việc các công dân của các quốc gia chối từ quân dịch, và sự chối từ này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu nó không bị pháp luật các nước trừng phạt nặng nề đến thế. Vì vậy nhóm trí thức này đề nghị Tolstoi cất tiếng nói cùng với dư luận quốc tế gây áp lực đối với các chính phủ sẽ nhóm họp, buộc chúng bớt hà khắc trong thái độ đối xử với những người từ chối quân dịch. Bức thư ngỏ này của Tolstoi xuất hiện trên báo chí Thuỵ Điển, Anh và Đức vào tháng Ba 1999. Tôi nhớ, trong thời kỳ phong tỏa Sevastopol… – Tolstoi đã trực tiếp tham gia cuộc phòng thủ Sevastopol trong chiến tranh Crưm 1854-1855 và đã phản ánh nó trong Những truyện ngắn Sevastopol.

[71]  … liên minh thần thánh của Alexander I… – Liên minh giữa Áo, Phổ và Nga được ký kết ở Paris vào tháng Chín 1815 sau khi đế chế của Napoléon sụp đổ. Trong liên minh này nước Nga của Sa hoàng Alexander I đóng vai trò lãnh đạo.

[72] cánh dukhobor – Dukhobory (nguyên nghĩa: những người đấu tranh bằng tinh thần) là tên một giáo phái thiểu số, hình thành trong giới nông dân Nga vào giữa thế kỷ XVIII. Giáo phái này phủ nhận giáo hội chính thống với tất cả các tổ-chức và nghi lễ của nó, phủ nhận quyền lực của Sa hoàng, phủ nhận chế độ tư hữu, tôn thờ Thượng Đế như tình yêu sống trong tim con người, và tuân thủ những nguyên tắc của đạo Kitô nguyên thủy. Bị nhà cầm quyền truy bức dữ dội, một bộ phận đáng kể của giáo phái này vào cuối thế kỷ XIX đã phải di cư sang Canada và Hoa Kỳ. Tolstoi đã nhiệt thành ủng hộ những người dukhobor và đã góp tiền giúp họ di cư.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x