Trang chủ » 12. HAI CUỘC CHIẾN

12. HAI CUỘC CHIẾN

by Trung Kiên Lê
102 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Hiện nay, trong thế giới Kitô giáo đang diễn ra hai cuộc chiến tranh. Thật ra, một cuộc đã kết thúc, cuộc kia vẫn chưa kết thúc, nhưng cả hai đều diễn ra vào cùng một thời điểm và sự đối lập giữa chúng thật đáng kinh ngạc. Một cuộc, bây giờ đã kết thúc, là cuộc chiến cũ kĩ, hư danh, ngu xuẩn và tàn ác, hủ lậu, tà giáo – giữa Tây Ban Nha và Mĩ – nó lấy việc tàn sát những người này để giải quyết vấn đề, những người kia cần được ai cai trị và cai trị như thế nào. Cuộc chiến khác, giờ vẫn đang tiếp tục và chỉ kết thúc khi mọi cuộc chiến tranh đều chấm dứt – đó là cuộc chiến thiêng liêng, kiểu mới, đầy tinh thần hi sinh, dựa trên tình yêu và trí tuệ – cuộc chiến tranh chống chiến tranh mà từ lâu (như V. Hugo đã diễn đạt tại một cuộc hội nghị) một bộ phận của nhân loại Kitô giáo ưu tú, tiên tiến đã tuyên bố trước một bộ phận khác, thô bạo, dã man, của chính nhân loại ấy, cuộc chiến mà trong thời gian gần đây, một nhúm tín đồ Kitô giáo, những Dukhobor[73] vùng Kavkaz, đang tiến hành với thắng lợi và sức mạnh đặc biệt, chống lại chính phủ hùng hậu của nước Nga.

Gần đây tôi có nhận được một bức thư từ Kolorado của một quý ngài Jessi Glodwin nào đó, yêu cầu tôi gửi cho ông ấy… “mấy lời hoặc những ý nghĩ thể hiện tình cảm của tôi đối với sự nghiệp cao cả của dân tộc Mĩ và chủ nghĩa anh hùng của binh lính cùng thuỷ thủ của dân tộc này.” Quý ngài ấy, cùng đa số nhân dân Mĩ, hoàn toàn tin rằng những việc làm của người Mĩ, mà tựu trung là họ đã giết chết mấy nghìn người hầu như không có vũ khí (so với binh bị của người Mĩ, thì người Tây Ban Nha gần như không có vũ khí), chắc chắn là một sự nghiệp cao cả, noble work (Việc làm cao quý_ND), rằng những người đã từng giết được một số lượng khổng lồ như vậy những đồng loại của mình, mà bản thân đa phần vẫn sống, vẫn khoẻ mạnh và tạo dựng được cho mình một địa vị ưu đãi – quả là những anh hùng.

Cuộc chiến Tây Ban Nha – Mĩ, chưa nói những chuyện khủng khiếp mà người Tây ban Nha đã làm ở Cuba và tạo cớ cho chiến tranh, bản thân cuộc chiến Tây Ban Nha – Mĩ rất giống với một chuyện như thế này:

Một lão già đã kiệt sức và mất hết trí khôn, được giáo dục theo những truyền thống về danh dự giả dối, thách một thanh niên đang ở tuổi cường tráng nhất thụi nhau để giải quyết xích mích giữa lão với tay thanh niên ấy; còn tay thanh niên, theo quá khứ của anh ta và theo những gì bản thân anh ta đã nhiều lần tuyên bố, thì lẽ ra phải đứng trên tầm hơn hẳn so với lối giải quyết vấn đề như vậy, lại nhận lời thách đấu và với một quả chuỳ nắm chặt trong tay, lăn xả vào lão già lẩm cẩm và đã kiệt sức, đập rụng hết răng, bẻ gẫy xương sườn của lão rồi sau đó khoái trá kể lại những chiến công của mình với một cử tọa đông đảo những người cũng trẻ tuổi như thế, một cử toạ hân hoan và tán dương người anh hùng đã bẻ què lão già.

Một cuộc chiến tranh từng thu hút toàn bộ trí tuệ của thế giới Kitô giáo là như thế. Còn một cuộc chiến tranh khác thì không thấy ai nói, hầu như không có ai biết về nó. Cuộc chiến tranh khác – nó là thế này:

Mọi quốc gia, để đánh lừa dân chúng, đều nói: tất cả các người do ta lãnh đạo đang đứng trước mối nguy bị các dân tộc khác xâm lược, ta sẽ bảo vệ hạnh phúc và sự yên bình của các người và vì thế, ta yêu cầu các người mỗi năm nộp cho ta hàng triệu rúp sản phẩm lao động của các người, ta sẽ dùng mua vũ khí, trái pháo, thuốc nổ, tàu chiến… để bảo vệ các người; ngoài ra, ta yêu cầu các người tự mình đến với những tổ chức do ta xây dựng, nơi các người sẽ bị biến thành những bộ phận nhỏ xíu của một cỗ máy khổng lồ – thành một đạo quân do ta chỉ huy. Ở trong đạo quân ấy, các ngươi sẽ không còn là người và không còn có ý chí của mình, mà sẽ làm tất cả những gì ta muốn. Trước hết, ta muốn thống trị; phương tiện để thống trị được ta sử dụng là giết người, và vì thế, ta sẽ dạy các ngươi giết người.

Và cho dù có phi lí đến đâu những lời khẳng định rằng dân chúng (một nước.- ND) đang đứng trước mối nguy bị tấn công bởi những chính phủ của các nước khác, những nước cũng ra rả khẳng định rằng dẫu rất mong muốn hòa bình, song họ vẫn đối mặt với nguy cơ như thế, cho dù có nhục nhã đến đâu cái cảnh nô lệ mà dân chúng lâm vào khi gia nhập quân đội, và cho dù công việc mà họ được hô hào phải làm có tàn nhẫn đến đâu, người ta vẫn để cho mình bị lừa bịp, vẫn trả tiền cho sự nô dịch mình và tự mình nô dịch lẫn nhau..

Nhưng bỗng xuất hiện một số người, họ nói:

Các ngài nói về mối nguy đang đe dọa chúng tôi và về sự quan tâm của các ngài bảo vệ chúng tôi trước nguy cơ ấy, nhưng đó chỉ là sự dối trá. Mọi quốc gia đều quả quyết rằng họ muốn hòa bình, nhưng đồng thời họ đều vũ trang chống lại nhau. Ngoài ra, theo định luật mà các ngài cũng thừa nhận, tất cả mọi người đều là anh em và không có sự khác nhau nào trong việc thuộc về quốc gia này hay quốc gia khác, chính vì thế, việc những quốc gia khác sẽ tấn công chúng tôi mà các ngài mang ra để dọa dẫm, với chúng tôi, chẳng có gì đáng sợ và không có một chút ý nghĩa nào cả.

Cái chính là, theo lề luật mà Chúa Trời đã ban cho chúng tôi, mà cả các ngài, những người yêu cầu chúng tôi tham gia vào việc chém giết, cũng thừa nhận, thì không chỉ việc giết người, mà ngay cả mọi thứ bạo lực cũng rõ ràng bị nghiêm cấm, vì thế, chúng tôi không thể và sẽ không tham gia vào việc sửa soạn cho sự chém giết của các ngài, sẽ không nộp tiền để làm việc ấy và sẽ không đến nơi tuyển mộ binh lính do các ngài tổ chức, nơi mà trí tuệ và lương tri của con người, bị bóp méo và bị biến thành công cụ của bạo lực, ngoan ngoãn phục tùng bất kì một kẻ hiểm độc nào nắm giữ trong tay thứ công cụ ấy.

Đấy, cuộc chiến tranh khác được tiến hành từ lâu giữa những con người ưu tú của thế giới với các đại diện của sức mạnh thô bạo tựu trung là như thế; trong thời gian gần đây nó đang bùng cháy với sức mạnh đặc biệt giữa những dukhobor và nhà nước Nga. Nhà nước Nga phô bày mọi công cụ mà họ có thể sử dụng chống những người dukhobor. Những công cụ ấy là: dùng cảnh sát để bắt bớ, không cho rời nơi cư trú, cấm giao tiếp với nhau, thu giữ thư tín, do thám, cấm đăng báo những tin tức có liên quan đến những người dukhobor, bôi nhọ họ trên báo chí, mua chuộc, đánh đập, bỏ tù, đày ải, làm khánh kiệt gia đình, về phía mình, những người dukhobor cũng trưng ra thứ vũ khí tôn giáo duy nhất: khôn ngoan nhu hòa và sự kiên định của lòng nhẫn nại, và họ nói: không được tuân phục con người nhiều hơn tuân phục Chúa Trời, và dẫu các vị có làm gì với chúng tôi đi nữa, thì chúng tôi vẫn không thể và sẽ không tuân phục các vị.

Người ta tán dương các vị anh hùng Tây Ban Nha và Mĩ trong cuộc chiến tranh man rợ vừa qua, những kẻ vì muốn nổi bật trước dân chúng, muốn nhận ban thưởng và vinh quang, đã giết rất nhiều người hoặc bản thân đã tử trận trong quá trình tàn sát đồng loại của mình. Nhưng không ai nói và thậm chí không ai biết về những người anh hùng của cuộc chiến tranh chống chiến tranh, những người chưa được biết, chưa được nghe, đã và đang chết dưới đòn roi hoặc trong các xà lim hôi thối, hay trong lưu đày gian khốn, nhưng dẫu thế nào thì cho đến hơi thở cuối cùng vẫn tin vào chân lí và cái thiện.

Tôi biết hàng chục người tuẫn giáo đã chết ấy và hàng trăm người tản mát trên khắp thế giới vẫn đang tiếp tục tuyên tín chân lí và chết vì nó.

Tôi biết Drozhzhin, một thầy giáo – nông dân, người trước khi chết, từng bị đày đọa ở đội phạm binh; tôi biết một người khác – Iziumchenko, chiến hữu của Drozhzhin, bị giam trong đội phạm binh, rồi sau đó bị đày tới nơi hẻo lánh; tôi biết Olkhovich, một nông dân đã chối từ quân dịch, vì thế bị kết án giam vào đội phạm binh và trên tàu thuỷ đã giác ngộ anh lính áp giải Sereda. Khi hiểu ra những gì Olkhovich nói về tội lỗi của chế độ quân dịch, Sereda đã gặp chỉ huy và nói, giống như các bậc tuẫn đạo thời xưa từng nói: “Tôi không muốn ở với những người phản đạo. Hãy nhập chung tôi vào với những người tử vì đạo”, và người ta bắt đầu hành hạ anh, tống anh vào đội phạm binh, và sau đó đày đi tỉnh Jakut. Tôi biết hàng chục người dukhobor, nhiều người trong số đó đã chết, đã bị mù mắt, nhưng vẫn không chịu phục tùng những yêu cầu trái ngược với giới luật của Chúa Trời.

Gần đây tôi được đọc lá thư viết về một thanh niên dukhobor, một mình, không có chiến hữu, bị phái tới trung đoàn đóng ở Samarkand. Lại vẫn những yêu cầu như thế từ phía chỉ huy và những câu trả lời giản dị, mãnh liệt như thế: “Tôi không thể làm những gì trái với niềm tin của tôi vào Chúa Trời.” “Chúng ta sẽ làm mày khốn khổ.” “Đó là việc của các vị. Các vị hãy làm việc của mình, còn tôi sẽ làm việc của tôi.”

Và cậu bé hai mươi tuổi ấy, một mình bị quăng vào nơi đất khách quê ngươi, giữa những kẻ thù địch với cậu, những kẻ có sức mạnh, giàu có, được học hành, dồn toàn lực của mình vào việc khuất phục cậu, nhưng cậu không khuất phục và vẫn làm công việc vĩ đại của mình.

Người ta nói: Đó là những hi sinh vô ích. Những người ấy sẽ chết, còn thể chế đời sống thì vẫn giữ nguyên như vậy.” Tôi nghĩ, ngày xưa người ta cũng nói như thế về sự vô bổ trong cuộc tự hi sinh của Đức Kitô, cùng tất cả những người tuẫn nạn vì chân lí. Nhân loại ở thời đại chúng ta, đặc biệt là các học giả, đã trở nên thô thiển tới mức không hiểu, thậm chí, do sự thô thiển của mình, mà không thể hiểu ý nghĩa và tác động của sức mạnh tinh thần.

Khối mìn 25 put bắn vào đám người sống, người ta hiểu ngay điều ấy và nhìn thấy ở đó sức mạnh; nhưng một tư tưởng, một chân lí được đưa vào đời sống, được tuân thủ tới mức người ta có thể tuẫn tử vì nó, tới mức hàng triệu con người đã lĩnh hội nó, cái đó, theo quan niệm của họ, lại không phải là sức mạnh, vì nó không nổ oàng oàng và không thấy những đống xương gãy và những vũng máu.

Các học giả (thật ra, những học giả tồi) sử dụng toàn bộ sự thông thái của mình để chứng minh rằng nhân loại đang sống như một đàn súc vật chịu sự điều khiển của chỉ những điều kiện kinh tế, và rằng trí tuệ được trao cho nó chỉ để tiêu khiển; nhưng các chính phủ thì biết, cái gì đang làm thế giới chuyển động, vì thế, theo bản năng tự vệ không thể sai lầm, họ đối xử một cách không khoan nhượng hơn cả với những biểu hiện của sức mạnh tinh thần, mà sự tồn vong của họ lệ thuộc vào đó. Vì lẽ ấy mà toàn bộ sức lực của chính phủ Nga từng được dồn vào và sẽ còn được dồn vào việc vô hiệu hoá những người dukhobor, cách ly họ và trục xuất họ ra nước ngoài.

Nhưng, bất chấp mọi nỗ lực, cuộc đấu tranh của các chiến sĩ dukhobor đã mở mắt cho hàng triệu con người.

Tôi biết hàng trăm người, những chiến binh già và trẻ, do có sự đàn áp chống lại đám dukhobor hiền lành, yêu lao động mà đã hoài nghi tính chính đáng của hoạt động của mình; tôi biết những người lần đầu tiên đã suy ngẫm về cuộc đời và ý nghĩa của đạo Kitô sau khi được biết hoặc được nghe về đời sống của những con người kia, về sự truy bức mà họ phải hứng chịu.

Và chính phủ đang cai trị hàng triệu con người biết điều đó và cảm thấy nó bị thương vào chính con tim.

Đấy, cuộc chiến tranh khác đang diễn ra trong thời đại của chúng ta là thế, và những hậu quả của nó là hế. Mà hậu quả của nó có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng với chính phủ Nga. Mọi chính phủ dựa vào quân đội và bạo lực đều bị đánh bại bởi vũ khí ấy. Đức Kitô nói: “Ta đã thắng thế gian.” Và Người quả đã thắng thế gian nếu như nhân loại tin vào sức mạnh của vũ khí Người đã ban cho.

Vũ khí đó là sự tuân theo trí tuệ và lương tâm của mình ở mỗi người.

Điều đó quả là giản dị, hiển nhiên và bắt buộc với mọi người. “Các vị muốn biến tôi thành kẻ can dự vào việc sát nhân. Các vị đòi tôi nộp tiền để mua sắm vũ khí giết người, muốn tôi tham gia tụ tập giết người có tổ chức – con người có trí tuệ không bán rẻ và làm mờ tối lương tâm của mình nói – Nhưng tôi tin theo giới luật mà cả các vị cũng tin theo, và theo giới luật ấy, không chỉ giết người, mà mọi sự thù hận đều bị nghiêm cấm, chính vì thế, tôi không thể tuân phục các vị.”

Và thật thế, cái lợi khí ấy, tối ư là đơn giản, mình nó đang chiến thắng thế gian.

Jasnaija Poliana 

15 tháng 8 năm 1898

[73] Hai cuộc chiến (“Dve vojny”) Lý do của bài viết này là cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ năm 1898. Với lập trường chống chiến tranh kiên định của mình, Tolstoi tuy vậy phân biệt rạch ròi những chiến tranh phong kiến kiểu xưa, được tiến hành nhiều khi vì danh dự hão huyền, với các chiến tranh đế quốc thời đại mới, đơn thuần theo đuổi những lợi ích kinh tế vị kỷ. Ông không khoan nhượng lên án tất cả các cuộc chiến tranh như thế: chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ 1898 vì quyền đô hộ Cuba, chiến tranh Mỹ – Philipin 1898-1899, chiến tranh của Anh ở Nam Phi đầu thế kỷ XX, chiến tranh Nga – Nhật 1904-1905, các cuộc xâm chiêm Trung Quốc của các nước đế quốc, ách đô hộ của Anh ở Ấn Độ, của Anh và Pháp ở Đông Dương. Và ông đối lập những cuộc chiến phi nghĩa ấy với cuộc chiến thầm lặng chống lại chiến tranh bằng các biện pháp hòa bình. Sinh thời Tolstoi, bài viết này củng chỉ được đăng ở ngoài nước. Những người dukhobor vùng Kavkai… – xem chú thích 72 cho bài trên.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x