Trang chủ » 15. ĐỪNG GIẾT NGƯỜI

15. ĐỪNG GIẾT NGƯỜI

by Trung Kiên Lê
117 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Đừng giết người (Xuất hành XX, 13)

Học trò không thể cao hơn thầy của mình, nhưng khi hoàn thiện rồi thì sẽ giống như thầy… (Luc, VI, 40)

… Bởi vì hết thảy những kẻ nào cầm kiếm đều sẽ chết vì kiếm (Matth, XXVI, 52) Trong tất thảy mọi việc, nếu muốn người ta đối xứ với anh như thế nào thì hãy cư xử với người khác y như thế (Matth, VII, 12).

Khi các vị vua như Charles I, Louis XVI, Maximilien của Mexico bị hành quyết theo phán xét của tòa án, hoặc khi các vị quốc vương, hoàng đế, thiên tử khác như Piotr III, Pavel bị giết trong các cuộc cách mạng cung đình thì thông thường người ta im lặng, không nhắc đến chuyện đó; nhưng khi những người như Henri IV, Alexander II, Nữ hoàng Áo, quốc vương Ba Tư và bây giờ là Humbert bị giết mà không xét án, hoặc không có những cuộc cách mạng cung đình, thì những cuộc ám sát đó gây cho các vị vua chúa và quần thần nỗi phẫn nộ đáng kinh ngạc, cứ như những người ấy chưa từng tham gia vào những vụ giết người, chưa từng áp dụng kế sách tàn sát, chưa hạ lệnh giết ai.

Trong khi đó, chưa nói về những vụ hành quyết tại gia, ngay những người tốt bụng nhất trong số những ông vua bị giết như Alexander II hoặc Humbert, cũng là những kẻ đã khởi xướng, tham gia và tòng phạm trong những vụ hàng chục nghìn người bị tàn sát trên chiến trường; còn những ông vua độc ác thì chính là những kẻ đã giết hại hàng trăm nghìn, hàng triệu con người.

Học thuyết của Kitô đã bãi bỏ luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng những người không chỉ trước đây, mà cả bây giờ vẫn luôn luôn tuân theo luật ấy và áp dụng nó với quy mô khủng khiếp cả trong chiến tranh lẫn trong những hình phạt, và ngoài ra, còn áp dụng luật ấy không chỉ để mạng đổi mạng, mà chẳng có nguyên cớ gì cũng tuyên chiến giết hại hàng người, những người như thế không có quyền gì phẫn nộ khi người ta áp dụng luật đó đối với họ, mà chỉ ở cấp độ quá nhỏ nhoi, quá nhẹ nhàng, chỉ giết một ông vua hay một vị hoàng đế đổi mạng cho hàng trăm nghìn, hàng triệu người đã và đang bị tàn sát theo lệnh hay được sự đồng ý của các vua chúa. Vua chúa không những không được phẫn nộ trước các vụ ám sát Alexander II hay Humbert, mà cần phải ngạc nhiên, tại sao lại ít xảy ra những vụ giết chóc như vậy sau những tấm gương về sự thường xuyên sát hại toàn dân mà họ từng nêu ra cho nhân quần.

Đám đông quần chúng bị thôi miên đến mức họ trông thấy mà không hiểu ý nghĩa của những việc đang thường xuyên diễn ra trước mắt họ. Họ thấy sự quan tâm thường xuyên của các quốc vương, hoàng đế, tổng thống… đến kỷ luật của quân đội, thấy những cuộc tập trận, duyệt binh mà các vị ấy thực hiện để khoe mẽ với nhau, và dân chúng say mê chạy đi xem những người anh em của mình, mặc những bộ áo quần ngớ ngẩn, sặc sỡ, đi như máy dưới tiếng kèn, tiếng trống, theo tiếng thét của một người diễn đi diễn lại mỗi một động tác mà không hiểu nó có nghĩa là gì.

Mà ý nghĩa đó thì vô cùng giản đơn: điều đó không có gì khác ngoài sự chuẩn bị giết người. Đó là sự làm ngu con người nhằm biến họ thành công cụ giết người. Và chỉ có những quốc vương, hoàng đế và tổng thống làm điều đó, điều khiển cái đó và tự hào vì nó. Vậy mà họ, những kẻ làm nghề giết người và lúc nào cũng mang quân phục và vũ khí giết người – thanh kiếm bên hông – lại lấy làm ghê sợ và phẫn nộ khi một người trong số họ bị giết.

Các vụ giết vua, như vụ ám sát Humbert mới đây, khủng khiếp không phải do tính chất tàn ác của nó. Những việc được thực hiện theo lệnh của các vua chúa – không phải chuyện đã qua như Đêm Bartholomée[81], những cuộc chiến tranh tôn giáo, những cuộc đàn áp khủng khiếp các cuộc nổi loạn của nông dân, những cuộc tắm máu ở Versailles[82] – mà cả những án tử hình hiện nay của chính phủ, sự giết chết dần trong các nhà tù đặc giam, trong các tiểu đoàn kỉ luật, những cuộc treo cổ, chặt đầu, chém giết trong chiến tranh còn tàn bạo hơn rất nhiều so với những vụ ám sát do những người vô chính phủ thực hiện.

Những cuộc giết người đó khủng khiếp cũng không phải bởi tính oan uổng của chúng. Nếu Alexander II và Humbert không đáng bị giết, thì những sinh linh còn không đáng bị giết hơn là hàng nghìn người Nga đã chết gần Plevna[83], và hàng nghìn người Italia chết ở Abissinia[84]. Những cuộc ám sát như vậy khủng khiếp không phải bởi tính tàn bạo và oan uổng của chúng, mà bởi sự nhầm tưởng của những người thực hiện.

Nếu như những kẻ giết vua làm điều đó dưới ảnh hưởng của lòng căm phẫn cá nhân, vì thương xót nhân dân bị nô dịch khốn khổ, mà theo họ, Alexander, Carno, Humbert là những kẻ có tội, hay do cá nhân họ bị chà đạp và muon trả thù, thì cho dù những hành động đó có vô đạo đức đến đâu đi nữa, chúng đều có thể hiểu được. Nhưng tại sao một tổ chức người, theo cách nói bây giờ là những người vô chính phủ, đã trục xuất Bressi và đang đe dọa các vị hoàng đế khác, tại sao cái tổ chức ấy lại không có thể nghĩ ra một điều gì tốt hơn để cải thiện tình cảnh của nhân dân, ngoài việc giết những người mà lợi ích của sự thủ tiêu họ chẳng qua cũng chỉ giống như việc chặt đầu quái vật trong truyện thần thoại, chặt đầu này thì lập tức sẽ mọc ra đầu khác?

Các quốc vương và hoàng đế từ lâu đã lập ra cho mình cái trật tự y như trong băng đạn: khi viên này bay ra khỏi nòng thì có một viên khác lập tức thay chỗ. Le roi est mort, vive le roi (Đức vua đã băng hà – đức vua muôn năm! – tiếng Pháp)_ND). Vậy thì giết họ phỏng có ích gì?

Chỉ có bằng cái nhìn hời hợt nhất mới có thể tưởng rằng sự thủ tiêu những người đó là phương tiện giải cứu nhân dân khỏi bị áp bức và tránh được những cuộc chiến tranh tàn sát nhân loại.

Chỉ cần nhớ rằng những sự áp bức, những cuộc chiến tranh đó đã xảy ra thường xuyên, không hề phụ thuộc vào việc ai đứng đầu chính phủ: Nikolai hay Alexander, Friedrich hay Wilhelm, Napoleon hay Louis, Palmeston hay Gladston, Carno hay Faure, McKinlay hay người nào đó khác, thì sẽ hiểu ra ngay là không phải những người nhất định nào đó gây ra sự áp bức hoặc chiến tranh khiến cho nhân dân phải chịu đau khổ lầm than.

Sự đau khổ của nhân dân không xuất phát từ những cá nhân riêng biệt, mà là do chế độ xã hội mà trong đó tất cả mọi người đều liên quan đến nhau, tất cả đều phụ thuộc vào quyền lực của một số người, hoặc nhiều khi là của một người; một số người hoặc một người ấy thì bị tha hóa bởi vị trí phi tự nhiên đứng bên trên số phận và cuộc sống của hàng triệu con người đến mức họ luôn luôn ở trong trạng thái bệnh hoạn, ở mức độ nhiều hay ít, luôn luôn bị ám ảnh bởi bệnh grandiosa? (vĩ cuồng – Latin), khó nhận thấy chẳng qua do địa vị đặc biệt của họ.

Chưa nói về chuyện những con người ấy ngay từ khi mới lọt lòng cho đến khi xuống mộ lúc nào cũng được bao bọc trong sự xa hoa vô độ nhất, trong bối cảnh dối trá, bợ đỡ, khúm núm nhất, tất cả sự giáo dục, sự học hành của họ đều tập trung vào một việc là nghiên cứu sự giết người trước đây, các phương pháp giết người xuất sắc nhất trong thời chúng ta, những cách chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc giết người.

Từ nhỏ các vị vua chúa đã được dạy giết người dưới mọi hình thức, luôn luôn mang theo mình các vũ khí giết người như giáo, kiếm, mặc quân phục, tổ chức tập trận, duyệt binh, đến thăm viếng nhau, tặng nhau huân huy chương và cả những đội quân, và không một ai dám gọi những việc họ làm bằng đúng tên thật của chúng, không ai dám bảo họ rằng chuẩn bị để giết người là tội ác đáng ghê tởm, trái lại, từ mọi phía họ chỉ nghe thấy những lời tán dương, khâm phục trước hoạt động của họ. Những đám đông dân chúng chạy theo từng cuộc xuất hành, từng cuộc duyệt binh của họ, hân hoan chào mừng họ, và thế là họ tưởng rằng toàn thể nhân dân thể hiện sự đồng tình đối với hoạt động của họ.

Một bộ phận báo giới mà các vị đế vương biết đến và coi là sự thể hiện tình cảm của toàn dân hay những đại diện xuất sắc nhất của nhân dân, không ngớt ca tụng những lời nói, việc làm của họ một cách nô lệ nhất, cho dù những lời nói việc làm đó có ngu ngốc và tàn bạo đến đâu chăng nữa. Đám đàn ông, đàn bà, tăng lữ, quý tộc thân cận – tất cả những người không coi trọng nhân phẩm của mình, thi nhau xem ai nịnh hót sành sỏi hơn, chiều chuộng các đế vương trong tất cả mọi chuyện và lừa dối họ, không cho họ cơ hội nhìn thấy cuộc sống thực sự.

Những vị vua chúa ấy có thể sống đến 100 tuổi mà không trông thấy một con người tự do thực sự nào và không bao giờ được nghe sự thật. Nhiều khi nghe những lời nói và việc làm của những người ấy mà thấy kinh hãi, nhưng chỉ cần nghĩ đến vị thế của họ là có thể hiểu rằng bất cứ ai ở địa vị của họ cũng làm y như thế. Nếu một người khôn ngoan rơi vào tình cảnh của họ, thì anh ta chi có thể hành động một cách khôn ngoan là tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh đó, còn nếu vẫn ở trong tình trạng của họ thì bất cứ ai cũng phải làm đúng y như vậy.

Quả thật, chẳng biết điều gì phải xảy ra trong đầu một ông Wilhelm nào đó của Đức[85], một con người thiển cận, ít học, háo danh với lý tưởng điền chủ Đức, khi mà không có một điều nhảm nhí và thô lỗ nào mà ông ta nói ra lại không được báo chí thế giới bình luận, tán dương và hô hoch – hoan hô (tiếng Đức) ầm ĩ như một sự kiện tối ư quan trọng. Ông ta bảo, theo lệnh của ông, binh lính phải giết cả những bố đẻ của mình – người ta hô hura! Ông ta bảo phải bằng nắm đấm ban hành kinh Phúc Âm – cũng hura!

Ông ta bảo ở Trung Quốc quân đội của ông không được bắt ai làm tù binh, mà phải giết tất, song không ai trói ông ta đưa vào nhà thương điên, mà lại hô hura và đổ xô đến Trung Quốc để thực hiện lời huấn thị ấy. Hoặc khi một Nikolai II, khiêm tốn về bản chất, bắt đầu trị vì bằng việc tuyên bố với các bô lão đáng kính có nguyện vọng bàn luận công việc với triều đình rằng tự quản là mơ ước vô nghĩa, thì báo chí và tất cả những người mà ngài nhìn thấy xung quanh mình liền hết lời ca ngợi tuyên bố đó.

Khi ngài đưa ra cái đề án trẻ con, ngu ngốc và dối trá về hòa bình toàn thế giới, đồng thời ra lệnh tăng quân, họ lại hết lời ca ngợi sự sáng suốt và phẩm hạnh của ngài. Ngài xúc phạm và hành hạ một cách vô cớ, phi lý và không thương xót cả một dân tộc Phần Lan, – nhưng lại chỉ nghe thấy những lời tán dương. Cuối cùng, ngài gây ra một cuộc tàn sát đẫm máu đối với Trung Quốc, khủng khiếp về tính bất công, tàn bạo và không phù hợp tí nào với đề án hòa bình, vậy mà từ mọi phía người ta lại cùng một lúc ca ngợi ngài cả vì những chiến thắng, cả vì ngài tiếp tục chính sách hiếu hòa của phụ thân.

Quả thật, điều gì phải xảy ra trong đầu và trong tim những người ấy?

Cho nên, nếu nhân dân bị áp bức, bị tàn sát trong chiến tranh thì tội lỗi không những thuộc về những Alexander, Humbert, Nikolai và những Wilhelm, những người điều khiển những cuộc áp bức và chiến tranh ấy, mà tội lỗi còn thuộc về những kẻ đã đặt các vị đế vương ấy vào địa vị chúa tể đối với đời sống con người, đã ủng hộ các bậc vua chúa ấy. Vì thế không nên giết các vị Alexander, Humbert, Nikolai và những Wilhelm, mà phải chấm dứt không ủng hộ nữa chế độ xã hội sản sinh ra các bậc vua chúa đó. Mà cái ủng hộ và duy trì chế độ hiện hành là sự ích kỉ của những con người bán rẻ tự do và danh dự của mình vì những lợi lộc vật chất nhỏ bé.

Những người đứng ở bậc thang thấp nhất, một phần bị làm ngu do ảnh hưởng của lối giáo dục ái quốc và tín ngưỡng sai lầm, một phần do lợi ích cá nhân, đã thoái nhượng tự do và phẩm giá con người của mình để phục vụ lợi ích của những kẻ đứng ở bậc thang cao hơn và chìa cho họ những ích lợi vật chất. Trong tình trạng như vậy còn có một số người ở bậc thang cao hơn, cũng bị mê hoặc vì lợi lộc mà bán rẻ tự do và lòng tự trọng của mình cho người đứng cao hơn, và cứ như thế cho đến những bậc thang cao nhất, đến tận một vài hay một cá nhân đứng trên đỉnh chóp, mà do chẳng phải lo kiếm chác một cái gì nữa, cho nên motif hoạt động duy nhất của cá nhân này là tham quyền cố vị và hám danh, thông thường bị tha hóa và mụ mẫm vì quyền lực đối với sự sống chết của người khác và gắn liền với thói xu nịnh, luồn cúi của thuộc hạ xung quanh, nên không ngừng làm điều ác, trong khi vẫn hoàn toàn tin tưởng rằng hắn ta đang ra ơn mưa móc cho nhân loại.

Các dân tộc tự dâng hiến nhân phẩm để kiếm lợi cho mình sản sinh ra những con người không biết làm gì hơn ngoài những việc họ đang làm, rồi sau đó lại tức giận vì những hành động ngu ngốc và tàn ác của họ. Giết những người đó, có khác nào nuông chiều con cái quá mức rồi sau đó đánh đòn trừng phạt chúng.

Để không còn cảnh nhân dân bị áp bức, để chiến tranh vô nghĩa không xảy ra, để không ai phẫn nộ trước những người bị coi có tội gây ra những cảnh đó và không giết chết những người đó, thiết tưởng chỉ cần rất ít ỏi, chính là cần làm sao để người ta hiểu đúng sự việc, gọi sự việc bằng đúng cái tên của nó; sao cho nhân dân hiểu rằng quân đội là phương tiện giết người, mà tập hợp và điều khiển quân đội – chính cái việc mà các quốc vương, hoàng đế, tổng thống chuyên làm với niềm tự tin quá thái đến thế – đó là chuẩn bị giết người.

Chỉ cần mỗi quốc vương, mỗi hoàng đế, mỗi tổng thống hiểu rằng chức vụ chì huy quân đội của ông ta không phải là một trách nhiệm vinh dự và quan trọng như những kẻ xu nịnh vẫn ám thị, mà là công việc chuẩn bị giết ngưòỉ đáng hổ thẹn, – và chỉ cần mỗi con người cá thể hiểu rằng nộp thuế để có tiền tuyển quân và trang bị súng ống, hơn nữa tòng quân phục vụ trong quân đội không phải là hành động trung tính, vô tội, mà là việc làm tệ hại, đáng xấu hổ, không những dung túng, mà còn trực tiếp tham gia vào công việc sát nhân – thế thì tự nhiên sẽ tiêu tan cái quyền lực của các quốc vương, hoàng đế, tổng thống khiến chúng ta phẫn nộ mà vì quyền lực ấy mà bây giờ họ bị giết.

Cho nên, không cần giết các vị Alexander, Humbert, Carnot và những người khác, mà chỉ cần giải thích cho họ hiểu rằng họ là những kẻ giết người, và điều chính yếu là không cho phép họ giết người, từ chối không giết người theo lệnh của họ.

Nếu người đời vẫn không hành động như thế, thì chỉ bởi vì họ vẫn ở trong trạng thái bị thôi miên mà do bản năng tự vệ, các chính phủ cố gắng giam hãm dân chúng ở trong đó. Cho nên, muốn góp phần làm cho dân chúng không giết vua chúa và không giết nhau nữa thì không thể dung cách thức là giết người- cac vụ ám sát ngược lại chỉ làm cho tăng trạng thái bị thôi miên – mà phải thức tỉnh nhân quần.

Đó chính là điều tôi cố gắng thực hiện bằng bài viết này.

Đừng giết người (“Ne ubij”) Tolstoi đặt bút viết bài báo này ngay sau khi được tin vua Ý Humbert I bị một kẻ vô chính phủ ám sát ngày 17 tháng Bảy 1900. Bài báo được viết đi viết lại bảy lần và vào trung tuần tháng 8 được gửi sang Anh cho người trợ thủ trung thành của Tolstoi là V.G.Chertkov mới lưu vong sang đó, ông này đã lập tức công bố nó trên báo Nga ngữ Ngôn luận tự do (“Svobodnoe slovo”) và nhanh chóng in lại trên tất cả các tờ báo lớn của thế giới. Nhà cầm quyền Nga đã không dám làm gì Tolstoi nhưng đã truy bức khắc nghiệt những ai tàng trữ hay phát tán bài báo này. Nó được công bố ở Nga chỉ sau cách mạng tháng Hai 1917.

[81] … Đêm Bartholomée … – cuộc thảm sát những người đòi cải cách tôn giáo, được thực hiện bởi những người công giáo ở Paris vào đêm trước ngày lễ thánh Bartholomée, 14 tháng Tám 1572. Gần 30 nghìn người đã bị giết chết.

[82] cuộc tắm máu ở Versailles – những cuộc đàn áp đẫm máu công xã Paris 1871 bởi quân đội bảo hoàng Pháp được gọi là “phe Versailles”.

[83]  hàng nghìn người Nga chết ở gần Plevna … – Ngụ ý những cuộc chiến ác liệt gần thành phồ Plevna (Bungari) trong cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ 1877 – 1878, kết quả là Plevna đã bị nộp cho quân Thổ.

[84]  hàng nghìn người Italia chết ở Abissinia… – Tolstoi nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược của Italia ở Abissinia (Etiopia ngày nay) năm 1895 -1896, đã khiến ông viết hẳn một lời kêu gọi Gửi những người Ý (1896).

[85] … một ông Wilhelm nào đó của nước Đức … – Ngụ ý diễn văn của hoàng đế Đức Wilhelm II vào tháng Sáu 1900, kêu gọi binh sĩ Đức “bằng mọi giá” tiêu diệt những người Trung Quốc bất trị.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x