Trang chủ » 19. LỜI TỰA CHO TIỂU SỬ ANH NGỮ CỦA GARRISON DO V.G. CHERTKOV VÀ F. HOLLA BIÊN SOẠN

19. LỜI TỰA CHO TIỂU SỬ ANH NGỮ CỦA GARRISON DO V.G. CHERTKOV VÀ F. HOLLA BIÊN SOẠN

by Trung Kiên Lê
128 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Rất cám ơn ngài đã gửi cho tôi tiểu sử Garrison.

Đọc nó, tôi sống lại mùa xuân của sự bừng tỉnh cho cuộc sống chân chính của mình. Đọc những bài nói và viết của Garrison, tôi nhớ lại một cách sống động niềm vui được nếm trải 20 năm trước đây, khi tôi được biết rằng cái quy luật không chống cự, mà tôi đã được dẫn đến với nó bởi sự nhận ra đạo Kitô với toàn bộ ý nghĩa của nó, cái quy luật đã khai mở cho tôi lý tưởng hoan hỉ về sự thực hiện đời sống Kitô giáo ấy ngay từ những năm bốn mươi [của thế kỷ XX] đã không những được Garrison (về Ballou tôi được biết muộn hơn) thừa nhận và tuyên cáo, mà còn được ông đặt làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn của mình, nhằm mục đích giải phóng những người nô lệ.

Thời ấy, niềm vui trong tôi pha lẫn với một thắc mắc lớn, bằng cách nào chân lý vĩ đại ấy của kinh Phúc Âm, 50 năm trước đây đã được Garrison minh định, lại bị ém nhẹm đến nỗi tôi đã phải nói lên nó như thể một điều mới mẻ.

Thắc mắc của tôi ngày càng tăng cường, đặc biệt bởi vì không chỉ những người thù địch với sự vận động đi lên của loài người, mà ngay cả những người tiên tiến nhất, tiến bộ nhất cũng đều hoặc hoàn toàn dửng dưng hoặc thậm chí còn thù địch với sự rao giảng cái quy luật làm cơ sở cho mọi tiến bộ chân chính ấy.

Nhưng càng nhiều thời gian trôi qua, thì với tôi càng trở nên rõ hơn là sự thờ ơ chung và thù địch được thể hiện hồi ấy và tiếp tục được thể hiện giờ đây, chủ yếu trong giới các nhà hoạt động chính trị, đối với luật không chống cự chỉ là dấu hiệu về ý nghĩa vĩ đại của luật ấy.

“Phương châm của chúng tôi, – Garrison viết vào giữa đời hoạt động của mình, – ngay từ đầu cuộc đấu tranh tinh thần của chúng tôi đã là: Tổ quốc của chúng tôi là cả thế giới, đồng bào của chúng tôi là cả nhân loại. Chúng tôi tin rằng đó sẽ là phương châm được khắc lên mộ của chúng tôi. Một phương châm khác mà chúng tôi đã chọn cho mình: Giải phóng cho toàn thể mọi người. Cho đến nay chúng tôi mới giới hạn sự áp dụng phương châm của mình chỉ ở những người được tập hợp bởi những người chủ nô ở miên nam nước này như là một giá trị thị trường, một thứ hàng hóa, một thứ gia súc, một thứ dụng cụ.

Từ nay trở đi chúng tôi sẽ sử dụng phương châm của mình theo nghĩa rộng nhất: giải phóng toàn bộ chủng tộc của chúng ta khỏi sự thống trị của con người, khỏi sự nô dịch chính mình, khỏi quyền lực của sức mạnh thô bạo, khỏi sự nô dịch bằng tội lỗi và đặt mọi người dưới quyền lực chỉ của Thượng Đế, dưới sự kiểm soát của lương tâm của họ và dưới sự điều khiển bởi quy luật tình yêu.”

Garrison, như là một người được khai minh bởi ánh sáng của đạo Kitô, khởi đầu từ một mục đích thực tiễn – đấu tranh với chế độ nô lệ – đã rất mau hiểu ra rằng nguyên nhân của chế độ nô lệ không phải là sự chiếm hữu nhất thời mấy triệu người da đen bởi một số người da trắng ở miền nam, mà là sự thừa nhận chung và từ xa xưa, nhưng đi ngược lại học thuyết Kitô giáo, cái quyền của những người này cưỡng bức những người khác. Lý do để thừa nhận quyền ấy bao giờ cũng là cái ác, mà người ta cho là có thể loại bỏ hoặc làm giảm bớt bằng vũ lực, tức là cũng bằng cái ác.

Hiểu được điều ấy, Garrison đã đưa ra để phản bác chế độ nô lệ không phải những đau khổ của những người nô lệ, không phải sự tàn bạo cùa những chủ nô, không phải sự bình quyền công dân của mọi người, mà là cái giới luật vĩnh cửu của đạo Kitô về việc không chống lại cái ác bằng bạo lực: non-resistance (không kháng cự, không chống lại_ND). Garrison đã hiểu cái mà ngay cả những người chiến sĩ tiên phong nhất chống lại chế độ nô lệ cũng không hiểu được: rằng lập luận duy nhất không thể bác bỏ chống lại chế độ nô lệ là phủ nhận quyền của một người sở hữu tự do của người khác trong bất kỳ điều kiện nào.

Những người theo chủ nghĩa phế nô cố gắng chứng minh rằng chế độ nô lệ là bất hợp pháp, không có lợi, tàn nhẫn, làm hư hỏng con người,… song những người bênh vực chế độ nô lệ đến lượt mình lại chứng minh tính không hợp thời, tính mạo hiểm và những hậu quả có hại có thể phát sinh từ sự giải phóng nô lệ. Và cả bên này lẫn bên kia đều không thuyết phục được nhau. Còn Garrison thì, nhận thức được rằng tình cảnh nô lệ của người da đen chỉ là một trường hợp cá biệt của bạo lực phổ biến, đã đề ra một nguyên tắc chung, mà không thể không đồng ý với nó – đó là không một ai không vì một lý do nào có quyền thống trị, tức là sử dụng bạo lực chống lại đồng loại của mình. Garrison không hẳn khẳng định quyền tự do của những người nô lệ, mà nhiêu hơn phủ định quyền của bất cứ một hay một tập thể người nào bằng vũ lực cưỡng bức một người khác làm một cái gì đó. Để đấu tranh với chê độ nô lệ ông đề ra nguyên tắc đấu tranh với toàn bộ cái ác của thế giới.

Nguyên tắc mà Garrison đã đề ra là không thể bác bỏ, nhưng nó đụng chạm, thậm chí phá bỏ mọi cơ sở của trật tự đã được thiết lập, cho nên những người quý giá địa vị của mình trong trật tự hiện hữu đã hoảng sợ sự tuyên cáo, chứ chưa nói đến sự áp dụng vào cuộc sống nguyên tắc ấy; họ cố gắng phớt lờ nó, không nhắc đến nó, hi vọng đạt được mục đích của mình mà không phải tuyên cáo và áp dụng vào đời sống cái nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực – theo quan niệm của họ, nó phá vỡ mọi khả năng thu xếp ổn thỏa đời sống con người. Và hậu quả của sự lẩn tránh thừa nhận tính bất chính của bạo lực là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, cuộc chiến ấy, giải quyết vấn đề một cách bề ngoài, đã mang vào đời sống của nhân dân Mỹ một tai họa mới, xem ra còn lớn hơn – sự tha hóa con người song hành với mọi cuộc chiến tranh.

Cốt lõi của vấn đề thì vẫn còn nguyên chưa được giải quyết và cũng vấn đề ấy, chỉ dưới hình thức mới, bây giờ nhân dân Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Ngày trước vấn đề là ở chỗ bằng cách nào giải phóng người da đen khỏi bạo lực của các chủ nô; bây giờ vấn đề là làm thế nào giải phóng người da đen khỏi bạo lực của tất cả những người da trắng và giải phóng người da trắng khỏi bạo lực của tất cả những người da đen.

Và vấn đề ấy dưới hình thức mới của nó sẽ được giải quyết, tất nhiên không bằng sự hành hình người da đen theo kiểu Lynch và cũng không bằng những biện pháp nới rộng tự do có vẻ khéo léo nào đó của các chính khách Mỹ, mà chỉ bằng sự áp dụng vào đời sống vẫn cái nguyên tắc mà nửa thế kỷ trước đây Garrison đã đề xướng.

Mới đây trong một trong những tạp chí tiên tiến nhất, tôi được đọc ý kiến của một nhà văn có học vấn và thông minh[95], được diễn đạt với sự tự tin hoàn toàn vào lẽ phải của mình, rằng việc tôi công nhận nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực là một lầm lạc đáng buồn và có phần hài hước mà, lưu ý tới tuổi già và một vài công lao của tôi, chỉ có thể độ lượng làm lơ.

Cũng một thái độ như thế đối với vấn đề ấy tôi đã bắt gặp cả trong cuộc đàm luận của mình với một người Mỹ thông minh và tiên tiến tuyệt vời – ông Bryan[96]. Ông này, cũng với ý định rõ rang cho tôi thấy một cách mềm mại và lịch sự cái sai của tôi, hỏi tôi vê việc tôi giải thích thế nào cái luận điểm kỳ quặc của mình về sự không chống lại cái ấc bằng bạo lực và, như thường lệ, đưa ra một lập luận tưởng chừng không thể bẻ gãy về một tên cướp đang giết hay hãm hiếp một em bé.

Tôi nói với ông ta rằng tôi thừa nhận luật không chống lại cái ác bằng bạo lực bởi vì, đã sống 75 năm trên đời, tôi chưa bao giờ bắt gặp, ngoại trừ trong những luận thuyết, cái tên cướp hoang đường mà ngay trước mắt tôi định giết chết hay hãm hiếp một dứa bé, nhưng tôi đã không ngớt nhìn thấy và giờ đây vẫn nhìn thấy không phải một, mà hàng triệu kẻ cướp hà hiếp cả trẻ em, cả phụ nữ, cả những người lớn, cả những cụ ông, cả những cụ bà và tất cả những người lao động do họ được phép dùng bạo lực chống lại đồng loại. Khi tôi nói xong điều ấy, người cùng đàm đạo khả ái của tôi với sự nhanh trí là thuộc tính của ông ta, không để tôi nói hết, cười xòa và thừa nhận lập luận của tôi là thỏa đáng.

Cái tên cướp giả tưởng ấy chưa ai trông thấy, nhưng cả thế giới rên xiết vì bạo lực thì luôn luôn trước mắt mọi người. Nhưng trong khi ấy thì lại không ai thấy và không ai muốn thấy rằng cuộc đấu tranh mà có thể giải phóng loài người khỏi bạo lực không phải là cuộc đấu tranh với một tên cướp giả tưởng, mà với những tên cướp hiện thực đang hà hiếp nhân loại.

Nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực chỉ có nghĩa là phương tiện tương tác của các sinh linh có trí tuệ không ở trong bạo lực – nó chỉ được phép sử dụng trong quan hệ với những sinh thể hạ đẳng, vô trí, – mà ở trong sự thuyết phục hợp lý lẽ; và tất cả những ai mong muốn phục vụ lợi ích của loài người đều phải hướng tới sự thay thế bạo lực bằng sự thuyết phục hợp lý lẽ ấy.

Tưởng chừng rõ rành rành là 14 triệu người đã bị giết chết trong thế kỷ trước và giờ đây công sức và mạng sống của hàng triệu người đang bị tiêu phí cho những cuộc chiến tranh không cần thiết cho bất kỳ một ai, là toàn bộ đất đai đang nằm trong tay những người không làm việc trên đất, là mọi thành quả lao động của loài người đang bị thu hút bởi những người không lao động, là tất cả mọi trò lừa bịp thông ngự thế gian này tồn tại được chỉ vì người đời cho phép dùng bạo lực trấn áp cái mà một số người nhất định cho là cái ác, và vì thế cần phải cố gắng thay thế bạo lực bằng thuyết phục. Nhưng để làm được việc ấy, trước hết cần phải chối từ quyền dùng bạo lực.

Nhưng lạ thay, ngay những người tiên tiến nhất trong giới chúng ta cũng cho rằng phủ nhận quyền dùng bạo lục và cố gắng thay thế nó bằng sự thuyêt phục là việc nguy hiểm. Những người ấy, khi đã quyết đoán rằng không thể thuyết phục kẻ cướp không giết hại đứa trẻ, cũng cho là không thể thuyết phục những người lao động không tước đoạt đất đai và những thành quả lao động của mình khỏi những người không lao động, và vì vậy cho là cần phải cưỡng bức họ không làm điều ấy.

Vì vậy, dù có đáng buồn đến đâu vẫn cứ phải nói ra điều này, cách giải thích duy nhất sự không nhận thức được ý nghĩa của nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực là ở chỗ những điều kiện sống của con người đã biến chất đến nỗi những ai phán xét về nguyên tắc không chống cự cho rằng sự áp dụng nó vào đời sống và sự thay thế bạo lực bằng thuyết phục sẽ triệt tiêu mọi khả năng thu xếp ổn thỏa xã hội và mọi khả năng có được những tiện nghi trong đời sống mà họ đang hưởng.

Nhưng nguyên tắc không chống cự không phải là nguyên tắc của bạo lực, mà là nguyên tắc của sự hòa hợp và tình thương yêu và vì thế nó không thể biến thành bắt buộc đối với loài người bằng những biện pháp cưỡng chế. Nguyên tắc không chống lại cái ác bằng bạo lực, mà tựu trung là sự thay thế bạo lực bằng thuyết phục, chỉ có thể được tiếp nhận một cách tự do. Và ở trong chừng mực mà nó được nhân loại tiếp nhận tự do và tự do áp dụng vào đời sống, tức là ở chừng mực mà loài người chối bỏ bạo lực và thiết lập những quan hệ của mình trên sự thuyết phục hợp lý lẽ, chỉ ở chừng mực ấy sự tiến bộ thực sự trong đời sống của nhân loại mới được thực hiện.

Cho nên, dù muốn hay không, loài người chỉ có thể giải phóng mình khỏi cảnh nô dịch và áp bức lẫn nhau nếu tuân thủ nguyên tắc ấy. Dù họ có muốn hay không, nguyên tắc ấy vẫn làm cơ sở cho mọi sự cải thiện đích thực đã và sẽ đạt được trong đời sống con người.

Garrison là người đầu tiên đã tuyên cáo nguyên tắc ấy như là một quy tắc để sắp xếp đời sống của con người. Công lao vĩ đại của ông là ở đây. Nếu thời ấy ông đã không đạt được sự giải phóng những người nô lệ ở Mỹ, thì ông đã chỉ ra con đường giải phóng tất cả mọi người nói chung khỏi quyền lực của sức mạnh thô bạo.

Vì vậy Garrison mãi mãi sẽ là một trong những con người vĩ đại nhất đã hoạt động và đã làm lực đẩy cho sự tiên bộ chân chính của loài người.

Thiết nghĩ, việc xuất bản tiểu sử tóm tắt này sẽ hữu ích cho nhiều người.

Lev Tolstoi

[1904]

Lời tựa cho tiểu sử Anh ngữ của Garrison (“Predislovie k anglijskoj biografii Garrisona”) William – Lloyd Garrison (1805-1879) là nhà văn và nhà hoạt động xã hội Mỹ, người đấu tranh cho sự hủy bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ và truyền bá học thuyết về không chống lại cái ác bằng bạo lực, gọi tắt là non-resistance (bất kháng). Ông cùng những người cùng chí hướng vào đầu những năm 1830 đã thành lập một hội có tuyên ngôn và cương lĩnh, tuy nhiên đến những năm 1870 thì hội này trên thực tế không còn hoạt động nữa. Năm 1886, sau khi đọc tác phẩm Tín ngưỡng của tôi của Tolstoi và tìm thấy ở đấy nhiều tư tưởng tương đồng với những tư tưởng của cha mình, một trong những con trai của Garrison đã viết thư cho Tolstoi và gửi cho ông những trước tác của Garrison.

Tolstoi đã đưa toàn bộ tuyên ngon cua hội chủ trương đấu tranh phi bạo lực do Garrison sáng lập vào sách Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta và từ đấy rất quan tâm tuyên truyền cho thân thế yà sự nghiệp của Garrison Vào năm 1903, nữ ký giá người Anh F.Hollah kiến nghị vơi trợ thủ của Tolstoi là V.G.Chertkov, thời ấy sống lưu vong ở Anh, cùng với bà biên soạn một tiểu sử tóm tắt của của Garrison dựa vào bộ tiểu sử bốn tập, do các con của ông biên soạn và xuất bản trước đó ở Hoa Kỳ. Theo đề nghị của Chertkov, Tolstoi đã viết lời tựa này, cùng với tiểu sử tóm tắt của Garrison được in thành sách riêng ở Anh vào năm 1904.

[95] …tôi được đọc ý kiến của một nhà văn có học vấn và thông minh – Tolstoi nói đến một bài viết về ông của nhà phê bình thuộc phái dân túy rất có uy tín thời ấy – N.K.Mikhailovski (1842-1904).

[96]  … ông Bryan – William J.Bryan (1860 – ) là nhà hoạt động chính trị Mỹ, từng ứng cử chức tổng thống, năm 1913-1915 là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Cuối năm 1903 đã viếng thăm Tolstoi tại điền trang Yasnaya Poliana.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x