Trang chủ » 24. LỜI KÊU GỌI NHỮNG NGƯỜI NGA

24. LỜI KÊU GỌI NHỮNG NGƯỜI NGA

by Trung Kiên Lê
81 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Gửi chính phủ, các nhà cách mạng và nhân dân

Các vị đấu tranh với những người cách mạng bằng những mưu mẹo, những thủ đoạn xảo quyệt và, tệ hơn tất cả, cũng bằng những biện pháp tàn bạo như thế, thậm chí còn tàn bạo hơn những gì mà họ sử dụng chống lại các vị. Nhưng trong hai phía đấu tranh, phía thắng luôn luôn không phải là phía xảo quyệt hơn, mưu trí hơn hoặc độc ác và tàn bạo hơn, mà là phía đứng gần hơn với cái đích mà nhân loại đang đi tới.

Dù phái cách mạng xác định đúng hay không đúng những mục đích mà họ hướng tới, thì họ vẫn hướng tới một thể chế đời sống mới; còn các vị thì chỉ mong muốn một điều: giữ lấy cái vị trí có lợi mà các vị hiện nay đang chiếm giữ. Vì thế các vị sẽ không đứng vững được trước cách mạng với ngọn cờ quân chủ chuyên chế của các vị, mặc dù đã có những sửa đổi bằng hiến pháp, và với đạo Kitô đã biến chất được gọi là đạo chính thống, cho dù có được phục hồi thể chế giáo chủ với đủ mọi giải thích huyền bí.

Tất cả những thứ ấy đều đã lỗi thời và không thể phục sinh. Sự cứu thoát cho các vị không phải ở những viện Duma được bầu bằng cách này hay cách khác và tuyệt không phải ở súng liên thanh và đại bác và các cuộc hành quyết, mà là ở việc thừa nhận tội lỗi của mình trước nhân dân và cố gắng chuộc tội, bằng cách nào đó sửa chữa nó, chừng nào các vị còn cầm quyền. Hãy đưa ra cho dân chúng những lý tưởng về cái công, cái thiện, cái chân cao hơn và đúng đắn hơn những lý tưởng mà các đối thủ của các vị đề ra.

Hãy làm chỉ những gì mà các vị trên cương vị chính phủ có nghĩa vụ phải làm, và chừng nào còn thời gian, hãy đặt ra cho mình nhiệm vụ thực hiện lợi ích đích thực của nhân dân, và thay vì cảm giác sợ hãi và căm giận mà các vị đang trải nghiệm, các vị sẽ được biết niềm vui của sự gần gũi, hòa hợp với một trăm triệu nhân dân Nga, được biết tình cảm thương yêu và biết ơn của cái nhân dân dịu hiền, nhẫn nhịn ấy, họ sẽ không nhắc lại những tội lỗi của các vị mà sẽ yêu mến các vị vì những gì tốt lành mà các vị sẽ làm cho họ cũng như hiện giờ họ vẫn yêu mên một người cùng với những người đã giải phóng họ khỏi chế độ nô lệ.

Các vị hãy nhớ lại, các vị không phải là những hoàng đế, những bộ trưởng, những thượng nghị sĩ và những tỉnh trưởng, mà là những con người và khi làm được điều đó thì, thay vì đau thương, tuyệt vọng va sợ hãi, các vị sẽ nếm trải niềm vui của sự tha thứ và tình yêu.

Nhưng để có được điều ấy, các vị cần, không phải bằng bề ngoài và không như một phương kế cứu vãn, mà một cách chân thành, nghiêm túc, bằng mọi tâm lực hiến mình cho công việc ấy, và các vị sẽ thấy một hoạt động hợp lý và đồng tâm nhất trí như thế nào sẽ bừng thức trong những tầng lớp ưu tú nhất của xã hội Nga, nâng cao những con người ưu tú nhất thuộc mọi đẳng cấp, bãi miễn và tước đi mọi giá trị của những kẻ đang khuấy đục nước Nga. Các vị hãy làm điều đó đi, và sẽ tiêu tan tất cả những yếu tố dã thú khủng khiếp của sự báo thù, sự căm hờn, sự tư lợi, đố kỵ, hư danh, háo danh và, cái chính, của sự ngu tối hiện đang lộ hết ra ngoài và làm lây nhiễm, gây lo âu và giày vò tâm trí mọi người Nga, mà kẻ có lỗi trong tất cả cái đó là chính các vị.

Đúng, trước các vị, những người chấp chính, giờ đây chỉ có hai lối ra: hoặc một cuộc thảm sát huynh đệ tương tàn với tất cả những điều khủng khiếp của cách mạng và cùng với nó, dẫu sao vẫn là cái chết nhục nhã và không thể tránh khỏi, hoặc việc thực hiện bằng những biện pháp hòa bình yêu cầu muôn thuở và chính đáng của toàn dân, và bằng cách ấy chỉ ra cho các dân tộc Kitô giáo khác đường hướng và khả năng xóa bỏ sự bất công gây cho loài người những đau khổ dài lâu và dữ dội đến thế.

Đã hết thời hay chưa cái hình thái tổ chức xã hội, mà với nó các vị đang cầm quyền, song chừng nào các vị còn cầm quyền, thì hãy sử dụng quyền lực không phải để nhân lên gấp mười lần cái ác mà các vị đã gây ra và nội. căm thù mà các vị đã dây lên trong dân chúng, mà để làm được một việc tốt vĩ đại không chỉ cho dân tộc mình mà còn cho cả loài người. Còn nếu hình thái này đã hết thời, thì cứ để cho hành động cuối cùng của nó sẽ là hành động của cái thiện và chân lý, chứ không phải của sự dối trá và tàn ác.

Với những người trong chính phủ, tôi xin nói như thế.

Còn với các nhà cách mạng, với giới trí thức nói chung, những người mà, từ phái lập hiến yêu chuộng hòa bình đến phái cách mạng hiếu chiến nhất, muốn thay thế quyền lực chính phủ hiện hành bằng một quyền lực khác, được tổ chức một cách khác và được hợp thành từ những con người khác, thì tôi xin nói thế này.

Các vị, những người cách mạng mang đủ mọi màu sắc và tên gọi, coi chính quyền hiện hữu là độc hại và bằng nhiều phương kế khác nhau – bằng tổ chức những hội họp được chính phủ cho phép hay không cho phép, bằng soạn thảo những dự án, ấn hành những bài viết, phát biểu những diễn từ, bằng các cuộc đình công, bãi khóa, biểu tình và cuối cùng — như một hệ quả tự nhiên và không thể tránh khỏi, đồng thời là cơ sở của những hành động ấy – bằng những cuộc ám sát, hành quyết, khởi nghĩa vũ trang — các vị muốn và cố gắng thay thế chính quyền hiện hữu bằng một chính quyền khác, chính quyền mới.

Mặc dù hết thảy các vị đều bất đồng ý kiến với nhau về vấn đề chính quyền mới ấy phải là thế nào, song để đưa vào cuộc sống cái chế độ mà mỗi một đảng trong nhiều đảng của các vị khuyến nghị, các vị không dừng lại trước bất kỳ một tội ác nào: ám sát, đánh bom, hành quyết, nội chiến.

Các vị không tìm ra đủ những lời khinh thị để diễn đạt sự lên án và khinh bỉ của các vị đối với những nhân vật trong chính phủ đang đấu tranh với các vị. Song có điều là tất cả những hành vi tàn ác của những nhân vật chính phủ, khi họ thực hiện chúng trong cuộc đấu tranh với các vị, trong con mắt của họ được biện chính bởi một lẽ là, thực hiện chúng, tất cả họ, từ Sa hoàng cho tới anh cảnh sát mạt hạng nhất, được giáo dục theo tinh thần kính trọng vô biên đối với cái thể chế đã được thiết lập và được linh thiêng hóa bởi tính lâu đời và bởi biết bao huyền thoại – tất cả họ hoàn toàn tin rằng, khi họ bảo vệ thể chế ấy, thì họ làm cái điều mà hàng triệu người công nhận tính hợp pháp của trật tự hiện hữu và của địa vị của họ, đòi hỏi ở họ.

Thành thử trách nhiệm tinh thần về những việc làm tàn bạo của họ đè xuống không chỉ một mình họ, mà còn nhiều người khác nữa. Còn các vị, những người thuộc những ngành nghề đa tạp nhất – các thầy thuốc, nhà giáo, kỹ thuật viên, sinh viên, giáo sư, nhà báo, nữ sinh, nhân viên đường sắt, công nhân, luật sư, thương nhân, điền chủ – và từ trước đến nay bận rộn với những chuyên môn không có gì chung với công việc quản lý; các vị, những người không được ai ngoài chính bản thân mình thừa nhận và thậm chí không được chính mình thừa nhận, các vị lại đột nhiên biết được một cách không thể hồ nghi chế độ cụ thể nào cần cho nước Nga và vì cái chế độ xã hội tương lai ấy, mà mỗi người trong các vị xác định theo lối của mình, các vị nhận lấy cho một mình các vị toàn bộ trách nhiệm về những hành vi khủng khiếp mà các vị đang làm: các vị nổ bom, đánh phá, chém giết, hành quyết.

Hàng ngàn người đã bị giết chết, tất cả mọi người Nga đều bị đẩy vào tuyệt vọng và cuồng nộ, tất cả đều bị hóa thú. Và tất cả cái đó là vì sao? Tất cả cái đó là vì giữa một nhóm người ít ỏi, vị tất bằng một phần vạn toàn dân, một vài anh nào đó đã quyết rằng để nước Nga được tổ chức một cách tốt nhất cần phải duy trì cái viện Duma đã nhóm họp trong thời gian gần đây, còn những anh khác lại quả quyết, rằng cần một viện Duma khác, được bầu cử phổ thông, bình đẳng, bỏ phiếu kín, v.v…, tốp thứ ba thì cho rằng cần một chế độ cộng hòa, tốp thứ tư rằng không chỉ cộng hòa đơn thuần, mà cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Và vì những thứ ấy, các vị dấy lên một cuộc nội chiến.

Các vị nói các vị làm cái đó vì nhân dân, mục đích chính của các vị là lợi ích của nhân dân. Nhưng vấn đề là một trăm triệu nhân dân, mà vì họ các vị làm điều ấy, vừa không cầu xin các vị làm, vừa không cần đến hết thảy những gì mà các vị cố giành lấy bằng những phương tiện tồi tệ như vậy. Nhân dân không cần gì đến tất cả các vị và luôn luôn đã và đang xem và không thể không xem các vị như là những kẻ ăn bám, những kẻ bằng cách này hay cách kia tước đoạt thành quả lao động của họ và đè nặng cuộc sống của họ.

Chỉ cần các vị hình dung rõ cho mình cái nhân dân Nga với một trăm triệu người làm nghề nông ấy, mà nói một cách nghiêm ngặt thì nó là thân thể cần các vị thử ướm đo cho những con người ấy tất cả những cải cách mà các vị đang đấu tranh giành lấy cho bằng được, thì các vị sẽ thấy ngay nhân dân ấy xa lạ đến đâu với tất cả những gì mà các vị đang cố sức giành giật tưởng chừng vì lợi ích của nó. Nó có những nhiệm vụ khác; sâu hơn các vị nó nhìn thấy cái đích ở đằng trước và nó thể hiện ý thức về sứ mệnh của mình không bằng những bài báo, mà bằng toàn bộ cuộc sống của một trăm triệu người.

Nhưng không, các vị không thể hiểu cái đó, các vị quan niệm sắt đá rằng cái dân chúng thô lỗ ấy không có bất kỳ cốt cách nào và đối với họ sẽ là một ân phúc vĩ đại, nếu các vị khai sáng cho họ bằng bài báo quèn gần đây nhất mà các vị đọc được, và họ cũng sẽ trở thành những kẻ đáng thương, bất lực và hư hỏng như các vị.

Các vị nói rằng các vị muốn một thể chế đời sống công chính, nhưng vấn đề là chính các vị chỉ có thể tồn tại trong một thể chế đời sống sai trái, bất công. Giả sử được thiết lập một thể chế đời sống thực sự công chính, mà trong đó không còn chỗ cho những kẻ sống bằng lao động của những người khác, – thế thì tất cả các vị, những điền chủ, thương nhân, thầy thuốc, giáo sư, luật sư, thầy giáo cũng như những công nhân nhà máy, chủ xưởng, chủ nhà máy và những kỹ thuật viên, giáo viên, những người sản xuất đại bác, thuốc lá, rượu cồn, nhung lụa, v.v… cùng với nhà cầm quyền – tất cả các vị sẽ chết đói.

Các vị không chỉ không cần một thể chế đời sống thật sự công chính, nhưng đối với các vị còn không có gì nguy hiểm hơn một thể chế, mà trong đó mọi người như nhau phải lao động, phải làm những việc hữu ích cho mọi người.

Chỉ cần các vị thôi lừa dối bản thân và nhìn thẳng vào cái vị trí mà các vị đang chiếm giữ bên trong nhân dân Nga và vào những gì các vị đang làm, thì các vị sẽ thấy rõ ngay rằng cuộc đấu tranh của các vị với chính phủ là cuộc đấu tranh của hai sinh vật ăn bám trên một thân thể lành mạnh, và đối với nhân dân thì cả hai bên đấu tranh đều có hại như nhau. Và vì thế hãy nói về những lợi ích của các vị, chứ không phải về nhân dân, đừng dối trá mỗi khi nói về dân, mà để cho nó được yên. Hãy đấu tranh với chính phủ, nếu các vị không kiềm giữ được mình khỏi việc ấy, nhưng hãy biết rằng các vị đấu tranh cho chính mình, chứ không phải cho dân, và rằng trong cuộc đấu tranh của những kẻ bạo hành ấy không những không có tí gì cao thượng và tốt đẹp, mà cuộc đấu tranh ấy là việc làm vừa ngu xuẩn vừa độc hại và cái chính là bất lương.

Hoạt động của các vị nhằm mục đích, như các vị nói, cải thiện tình trạng chung của mọi người. Nhưng để cho tình trạng của mọi người trở nên tốt hơn, cần phải làm sao cho mọi người trở nên tốt hơn. Đây cũng là điều hiển nhiên như là để cho bình nước ấm lên thì tất cả các phân tử nước phải ấm lên. Mà để cho mọi người trở nên tốt hơn, cần phải làm sao cho họ càng ngày càng để ý nhiều hơn tới chính mình, tới đời sống nội tâm của mình. Còn hoạt động bên ngoài xã hội, đặc biệt đâu tranh xã hội, thì bao giờ cũng đánh lạc hướng con người khỏi đời sống nội tâm và tất yếu làm hư hỏng con người và vì thế mà hạ thấp trình độ của đạo đức xã hội, như đã diễn ra khắp nơi và như hiện nay, ở mức độ đáng kinh ngạc, chúng ta đang thấy ở Nga.

Trình độ đạo đức xã hội suy giảm dẫn đến việc những bộ phận vô đạo đức của xã hội càng ngày càng nổi lên bề mặt và được thiết lập một dư luận xã hội vô đạo đức, cho phép và thậm chí tán thành những tội ác, cướp bóc, đồi trụy và thậm chí cả sự giết người. Và hình thành một vòng luân quan: được kích động bởi đấu tranh xã hội, những phần tử kém cỏi của xã hội lao vào cái hoạt động xã hội tương ứng với trình độ đạo đức thấp kém của họ, và hoạt động ấy lại thu hút những phần tử xã hội còn kém cỏi hơn. Và đạo đức ngày càng suy vi, và những con người vô luân nhất: những Danton, Marat, Napoléon, Talleyrand, Bismarsk trở thành những anh hùng của thời đại. Cho nên tham gia đấu tranh xã hội không những không phải là việc tốt, hữu ích, cao cả, như những người bận bịu với cuộc đấu tranh ấy quen nói, mà chắc chắn còn là một việc ngu xuẩn, có hại và bất lương.

Các vị hãy nghĩ một chút về cái đó, đặc biệt các bạn thanh niên còn chưa sa lầy trong bùn nhơ của hoạt động chính trị, hãy giũ khỏi mình sự thôi miên khủng khiếp mà các vị đang phải chịu đựng, hãy tự giải phóng khỏi điều dối trá của sự giả mạo phục vụ nhân dân mà vì nó các vị cho là được phép làm tất cả, và cái chính hãy nghĩ một chút về những thuộc tính cao quý của tâm hồn các vị, chúng đòi hỏi ở các vị không phải sự bỏ phiếu kín bình đẳng, v.v…, không phải những cuộc khởi nghĩa vũ trang hay là những quốc hội lập hiến và những điều ngu ngốc và tàn ác tương tự, mà chỉ một điều: cuộc sống thiện lương và chân thật của các vị.

Mà để có được cuộc sống thiện lương và chân thật, các vị cần trước hết không lừa dối mình, không lầm tưởng rằng giao mình cho những đam mê nhỏ nhen — sự hiếu danh, sự ưa chuộng hư danh, lòng đố kỵ, tính ngang bướng, ý muốn sử dụng sức lực rỗi rãi của mình hoặc cải thiện địa vị cá nhân của mình, các vị bằng cách ấy phục vụ nhân dân, mà phải nhìn lại mình và cố gắng tự sửa chữa những khuyết điểm của mình và trở nên tốt hơn. Còn nếu các vị muốn nghĩ đến đời sống xã hội, thì trước hết hãy nghĩ về cái tội của mình trước nhân dân và hãy cố gắng hưởng thụ ít nhất lao động của họ, và nếu không giúp đỡ được gì cho họ thì ít nhất đừng khiến họ nhầm lẫn, rối trí, đừng phạm cái tội ác khủng khiếp mà nhiều người trong các vị đang làm – lừa dối, gây phẫn nộ, kích động họ cướp bóc và nổi loạn – những cuộc cướp bóc và nổi loạn ấy bao giờ cũng kết thúc chỉ bằng những khổ đau và bằng sự nô dịch hơn nữa cái dân chúng ấy.

Hoàn cảnh đầy khó khăn và phức tạp của chúng ta ở nước Nga hiện nay đòi hỏi ở các vị ngay bây giờ không phải những bài viết để đăng báo, không phải những diễn thuyết tại các cuộc họp, không phải sự diễu hành ngoài phố với súng lục trong tay, không phải sự khuấy loạn nông dân một cách bất lương rồi phủi trách nhiệm khỏi mình, mà một thái độ thẳng thắn, nghiêm khắc đối với mình, đối với cuộc sống của mình – chỉ cuộc sống ấy mới nằm trong tay các vị và chỉ làm cho nó trở nên tốt hơn mới có thể cải thiện tình trạng chung của mọi người.

Còn với nhân dân, tôi ngụ ý toàn thể nhân dân Nga, nhưng chủ yếu là dân lao động nông nghiệp, mà lao động của họ nuôi dưỡng cuộc sống của tất cả những người khác, thì tôi xin nói như sau:

Các bạn, nhân dân lao động Nga, chủ yếu là dân lao động nông nghiệp, là nông dân, hiện giờ đang ở trong tình cảnh khó khăn đặc biệt. Trước đây, dù các bạn có sống khổ đến đâu với đất đai ít ỏi và nhiều cống nạp và thuế má, ấy là chưa kể những cuộc chiến tranh do chính phủ bày ra, nhưng cho đến thời gian gần đây nhất các bạn vẫn sống và tin tưởng vào Sa hoàng, tin rằng không có Sa hoàng và quyền lực của ông ta thì không sống được, và các bạn ngoan ngoãn phục tùng chính phủ.

Chính phủ của Sa hoàng ấy cho dù có cai quản các bạn tồi tệ đến đâu, các bạn vẫn ngoan ngoãn phục tùng, chừng nào nó còn là một chính phủ. Nhưng giờ đây khi mà một bộ phận dân chúng đã nổi loạn và chấm dứt sự phục tùng chính phủ của Sa hoàng, thậm chí bắt đầu giao chiến với nó, khi mà ở nhiều nơi thay vì một chính phủ đã có hai và chính phủ nào cũng đòi hỏi phải phục tùng nó, thì các bạn đã không thể làm như xưa, tức là không phân tích, chính phủ quản lý các bạn tốt hay tồi và vẫn ngoan ngoãn phục tùng những người đương quyền, mà giờ đây đã phải lựa chọn phục tùng chính phủ nào trong hai chính phủ. Thế thì các bạn phải làm gì bây giờ? Không phải mấy chục vạn công nhân đang chạy đi chạy lại lăng xăng, loạn xạ trong các thành phố, mà một trăm triệu nhân dân nông nghiệp, – cái nhân dân lớn, thực thụ ấy phải làm gì bây giờ?

Chính phủ Sa hoàng cũ bảo các bạn: “Đừng nghe bọn phiến loạn: chúng hứa nhiều, nhưng sẽ đánh lừa. Hãy tiếp tục trung thành với chúng tôi và chúng tôi sẽ thỏa mãn những nhu cầu của các người.” Những người nổi loạn thì nói: “Đừng nghe chính phủ Sa hoàng: nó từng đày đọa các bạn và sẽ tiếp tục đày đọa. Hãy đi theo chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi và chúng tôi sẽ thành lập cho các bạn một chính phủ giống hệt ở các nước tự do nhất. Khi ấy các bạn sẽ tự bầu ra những người cai trị, sẽ tự quản lý chính mình và tự thỏa mãn mọi nhu cầu của mình.”

Còn các bạn thì phải làm gì?

Ủng hộ chính phủ cũ? Nhưng từ lâu nó đã hứa giải quyết những nhu cầu của các bạn nhưng không những không giảm nhẹ mà chỉ làm tăng thêm những thiếu thốn của các bạn: thiếu thốn ruộng đat, thiếu thốn do thuế má, cống nạp, thiếu thốn do quân dịch.

Đứng về phía phe nổi loạn? Phe nổi loạn hứa sẽ thiết lập cho các bạn một chính phủ được bầu cử giống như ở các nước tự do nhất. Nhưng khắp nơi, ở đâu được thiết lập những chính phủ bầu cử như thế, ở các quốc gia tự do nhất như cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ, giống hệt như ở ta, những yêu cầu thiết yếu nhất của nhân dân cũng không được đáp ứng: khắp nơi, cũng như ở ta và còn tệ hơn ở ta, ruộng đất nằm trong tay những người giàu; và cũng hệt như ở ta, không hỏi dân chúng, người ta bắt họ nộp đủ mọi thứ thuế má cống nạp; và cũng hệt như ở ta, không hỏi dân chúng, người ta nuôi quân đội, tuyên bố chiến tranh và giao chiến, khi mà việc ấy cần cho những người cầm quyền. Và ngoài ra, cái chính phủ mới ấy còn chưa được thành lập, và còn chưa biết được nó sẽ là thế nào.

Nhưng các bạn không chỉ không có lợi ích gì khi đứng về phía chính phủ này hay chính phủ khác; các bạn còn không được làm điều ấy trước lương tâm, trước Thiên Chúa. Bảo vệ chính phủ cũ có nghĩa là làm những gì được làm gần đây ở Odessa, Sevastopol, Kiev, Riga, Kavkaz, Moskva: lùng bắt, chém giết, treo cổ, thiêu chết, hành quyết, bắn súng dọc các đường phố, sát hại trẻ em, phụ nữ. Đứng về phía cách mạng tức là làm cũng những việc ấy: giết người, nổ bom, đốt cháy, cướp bóc, đánh nhau với binh lính, hành quyết, treo cổ:

Vì vậy các bạn, nhân dân lao động theo đạo Kitô, hiện giờ, khi mà chính phủ Sa hoàng kêu gọi các bạn chiến đấu với những người anh em và phe cách mạng cũng kêu gọi như thế, các bạn không thu lợi ích của mình nữa mà trước mặt Thiên Chúa và lương tâm của chính mình, nên làm và cần phải làm chỉ một điều: không đúng về phía cả chính phủ cũ lẫn chính phủ mới và không dính dáng vào những việc làm phản đạo của chính phủ này cũng như chính phủ kia.

Không dính vào những việc làm của chính phủ cũ có nghĩa là không phục vụ trong quân đội, trong cảnh sát, trong lính canh, trong vệ binh ở thành phố cũng như nông thôn; không làm việc ở bất kỳ cơ quan chính phủnào hay cấp chính quyền nào, cả ở những hội đồng tự quản, các viện Duma và các hiệp hội. Còn không dính vào những việc làm của phe cách mạng có nghĩa là: không hội họp, không lập những hiệp hội, không bãi công, không đốt cháy và cướp phá nhà người khác, không tham gia những cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Bên trên các bạn giờ đây đã mọc lên hai chính phủ thù địch lẫn nhau và cả hai đều kêu gọi các bạn làm những việc độc ác, phản đạo. Thế thì các bạn cần phải làm điều gì khác nữa ngoài việc khước từ mọi chính phủ?

Người ta nói khó và thậm chí không thể sống mà không có chính phủ, nhưng các bạn, những người lao động Nga, đặc biệt các nông gia, biết rằng khi các bạn sống theo làng xã một cuộc sống nông thôn hòa mục, cần cù lao động, với quyền bình đẳng sử dụng đất đai và giải quyết mọi công việc xã hội của mình bằng đồng thuận thì các bạn nhiều khi thấy tuyệt không cần đến chính phủ.

Các bạn cần cho chính phủ, nhưng chính phủ không cần cho các bạn, những người Nga sống bằng nghề nông. Vì thế trong hoàn cảnh khó khăn hiện thời, khi mà đi theo chính phủ nào cũng đều là việc xấu, đối với các bạn, những người Nga làm nghề nông, sẽ là hợp lý và thiện phúc không phục tùng một chính phủ nào.

Nhưng nếu là thế đối với dân nông nghiệp, thế thì phải làm gì đây những người công nhân nhà máy mà ở nhiều vùng hiện đã đông hơn nông dân và toàn bộ đời sống của họ bị chi phối bởi quyền lực của chính phủ?

Cũng vẫn việc mà những công nhân nông nghiệp phải làm: không tuân lệnh một chính phủ nào và bằng mọi sức cố gắng trở về với đời sống nhà nông.

Chỉ cần các bạn, dân lao động thành thị, cũng như dân lao động nông thôn, thôi tuân lệnh chính phủ, thôi phục vụ nó, thế là quyền lực của chính phủ sẽ tiêu tan, và với sự tiêu tan của quyền lực ấy sẽ tự tiêu tan cả những điều kiện nô dịch mà các bạn đang phải sống trong đó bởi những điều kiện ấy được duy trì chỉ bởi quyền lực bạo hành của chính phủ. Mà người tạo ra cai quyền lực bạo hành ấy chính là các bạn. Chỉ có quyền lực ấy đánh thuế tất cả hàng hóa nhập và xuất. Chỉ quyền lực ấy thu thuế từ các sản phẩm quốc nội, chỉ quyền lực chính phủ ấy thiết lập nền luật pháp duy trì độc quyền của những tư nhân và quyền sở hữu ruộng đất, chỉ quyền lực ấy, sử dụng quân đội mà tự các bạn cung cấp cho nó, giam giữ các bạn trong tình trạng phụ thuộc thường hằng vào nó và khuất phục nó cùng với những trợ thủ của nó – những người giàu.

Chỉ cần các bạn, dân lao động thành thị, cũng như dân lao động nông thôn, ngừng phục tùng chính phủ thì các bạn, những người lao động thành thị, sẽ không cần phải chấp nhận những điều kiện mà những người chủ nhà máy đặt ra cho các bạn, mà các bạn sẽ tự đặt ra những điều kiện của mình, hoặc tự lập ra những tập đoàn sản xuất các vật cần cho dân chúng, hoặc trong điều kiện đất đai tự do, sẽ trở về với đời sống nông nghiệp tự nhiên.

“Nhưng nếu các vị không tuân lệnh chính phủ, không nộp thuế, không đi lính, thì các dân ngoại bang sẽ đến và chinh phục các vị” – những người cần thống trị các bạn sẽ nói như thế. Nhưng các bạn đừng tin vào điều đó. Chỉ cần sống, coi ruộng đất là của chung, không đăng lính và không trả thuế, ngoại trừ những thứ thuế mà các bạn tự nguyện đóng góp cho các công việc xã hội, và giải quyết hòa mục bằng những cuộc họp toàn thể những bất đồng của mình thì những tộc người ngoại bang, trông thấy đời sống tốt đẹp như thế của các bạn, sẽ học lấy lối sống ấy và thay vì giao chiến, sẽ liên kết với các bạn. Bởi lẽ tất cả các dân tộc, hệt như các bạn, đều đã và đang khổ sở vì các chính phủ, khổ sở vì cuộc đấu tranh giữa các chính phủ khác nhau – đấu tranh cả quân sự, cả thương mại, cả công nghiệp và cả giữa các đẳng cấp và đảng phái. Trong tất cả các dân tộc Kitô giáo đang diễn ra cuộc đấu tranh nội bộ mà mục đích chính là tự giải phóng khỏi các chính phủ.

“Cần có chính phủ, không có chính phủ không sống được” – những người tin vào điều ấy, đặc biệt hiện giờ, khi mà trong dân chúng đang xảy ra những cuộc bạo loạn, nói. Song họ là ai, những người lo lắng cho sự toàn vẹn của chính phủ đến thế? Đó chính là những người sống trên lao động của nhân dân, và ý thức được tội lỗi của mình, sợ bị tố giác và hi vọng rằng chính phủ gắn kết với họ bằng lợi ích chung, bằng sức mạnh sẽ bênh vực sự phi nghĩa của họ. Chinh phủ rất cần cho những người ấy, nhưng không cần cho các bạn, không cần cho nhân dân. Với các bạn, chính phủ vốn chỉ là gánh nặng; còn giờ đây, do cai trị tôi mà nó gây nên rối loạn và sự phân biệt thành hai chính phủ thì các bạn, những người lao động của dân tộc Nga, giờ đây không còn việc gì làm nữa, ngoài chấm dứt tuân phục và bắt đầu sống không có chính phủ.

Nếu do sự bất tuân phục của mình các bạn, những người lao động ở cả nông thôn lẫn thành thị, thời gian đầu sẽ phải chịu thiệt hại từ phía chính phủ cũ lẫn chính phủ mới, cũng như từ những bất đồng nội bộ có thể xuất hiện giữa các bạn, thì dẫu sao những tai họa có thể xảy ra từ những nguyên nhân ấy vẫn không là gì so với những tai họa và đau khổ mà hiện giờ các bạn phải chịu đựng từ chính phủ, và sẽ còn phải chịu đựng nếu như tuân lệnh chính phủ này hay chính phủ kia; các bạn sẽ bị lôi kéo vào những cuộc tàn sát, hành quyết, nội chiến mà các chính phủ đấu tranh với nhau đang và sẽ tiếp tục thực hiện không biết đến bao giờ, chừng nào các bạn không chấm dứt chúng bằng sự cương quyết không tham gia của mình.

Chỉ cần các bạn chấp thuận cái mà chính phủ này hay chính phủ kia đòi hỏi ở các bạn và kêu gọi các bạn; chỉ cần các bạn, ủng hộ chính phủ cũ, bước vào đấu tranh với phía làm cách mạng, tham gia quân đội, cảnh sát hay những tụ họp của đảng Trăm Đen[121], hoặc ủng hộ phía cách mạng, tham gia các cuộc bãi công, phá phách, nổi loạn vũ trang hoặc tham gia vào bất kỳ hiệp hội nào, bất kỳ cuộc bầu cử nào và viện Duma nào, thì lập tức các bạn, không kể việc các bạn sẽ nhận lấy cho linh hồn mình nhiều tội lỗi và chịu nhiều thiệt hại, chưa kịp ngoảnh lại, thì một chính phủ này hay chính phủ khác, cái chính phủ chiến thắng, mặc dù chính các bạn đã trợ giúp cho chiến thắng của nó, sẽ kéo chặt hơn trên cổ các bạn cái thòng lọng của chế độ nô lệ mà các bạn đã và đang sống trong đó.

Chỉ cần các bạn không xiêu lòng và không phục tùng cả những người này lẫn những người kia thì các bạn sẽ thoát khỏi mọi tai họa và trở nên tự do.

Từ hoàn cảnh khó khăn hiện thời, các bạn, dân lao động Nga, chỉ có một lối ra: từ chối phục tùng bất kỳ một chính phủ bạo hành nào, khiêm nhường và nhẫn nhịn chịu đựng bạo lực nhưng không tham gia bạo lực.

Lối ra ấy đơn giàn, dễ dàng, và không thể hồ nghi, dẫn đến cái thiện phúc. Nhưng để có thể hành xử như thế, các bạn phải thừa nhận quyền lực của Thiên Chúa và luật của Ngài.

“Kẻ chịu đựng đến cùng sẽ được cứu rỗi.” Và sự cứu rỗi của các bạn nằm trong tay các bạn.

1906

Lời kêu gọi những người Nga

(“Obrashchenie k russkim ljudjam”)

Lời kêu gọi này thể hiện rất rõ lập trường của Tolstoi đối với cả những người làm cách mạng cũng như chống đối cách mạng ở Nga. Xem them thư ông gửi V.V.Stasov đề ngày 20.9.1906 (tr 1015 – 1016) của sách này.

[121] …đảng Trăm Đen – Tên gọi tập hợp của các tổ chức cực hữu ở Nga (trong tiếng Nga gọi là “chernaja sotnja” hay “chernosotentsy”) trong thời kỳ 1905-1907, hoạt động dưới khẩu hiệu quân chủ chuyên chế, chủ nghĩa sôvanh nước lớn và bài Do thái. Sau cách mạng tháng Hai 1971 tổ chức này đã bị cấm.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x