Trang chủ » 34. CHỈ MỘT GIỚI LUẬT 

34. CHỈ MỘT GIỚI LUẬT 

by Trung Kiên Lê
94 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Thiên Chúa là tình yêu.

John, IV, 16

Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Chúa mãi mãi sẽ ở trong ta và tình yêu của Người mãi mãi hoàn hảo trong ta.

1 John, IV, 12

Thưa Thầy, trong sách luật điều răn nào là điều răn quan trọng nhất? Đức Giêsu đáp: “Hãy yêu mến Đức chúa, Thiên chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và trí tuệ của ngươi. Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: hãy yêu đồng loại của mình như thể chính mình. Toàn bộ lề luật và sấm ngôn đều dựa vào hai điều răn ấy.”

Matt. XX, 36-40

I

Giáo thuyết Tin Mừng chứa đựng một tôn giáo giản đơn, cụ thể là tin vào Thiên Chúa và thờ phụng Người, hoặc, cũng thế thôi, tuân theo luật của Người. Còn toàn bộ luật của Người chỉ gói gọn trong một điều: thương yêu đồng loại.

Spinoza

Toàn bộ đạo Kitô gói gọn trong một chữ: tình yêu. Điều ấy tất cả chúng ta đều biết. Và chúng ta biết không chỉ bởi vì điều ấy được viết trong sách Phúc Âm, mà bởi vì điều ấy được ghi tạc trong lòng ta. Hãy nói về tình yêu với bất kỳ một ai: người Nga, người Đức, người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Ấn Độ, hãy nói điều ấy với tên ăn cắp, tên ăn cướp, kẻ đao phủ – và sẽ không có ai mà lại không đồng ý rằng sẽ là tốt hơn cho loài người nếu mọi người sống theo tình yêu thương, chứ không phải như đang sống hiện nay. Và không những ai ai cũng biết rằng sẽ là tốt hơn sống trong tình yêu thương, chứ không phải trong thù địch và căm ghét lẫn nhau, mà ai ai cũng còn biết rằng có thể sống như thế.

Thế thì tại sao chúng ta, những tín hữu Kitô giáo, tôi chưa nói về những người theo các tín ngưỡng khác, chúng ta, chính những tín hữu Kỉtô giáo mà, cũng như mọi người khác, biết rằng sẽ là tốt và có thể sống trong tình yêu thương, ngoài ra chúng ta còn biết điều đó thông qua sách Phúc Âm, mà Phúc Âm thì chúng ta coi là thánh kinh – tại sao chúng ta, những người theo đạo Kitô, lại sống không trong tình yêu thương, mà trong thù địch và căm ghét?

Tại sao lại thế?

Bởi vì cấ trong sách Phúc Âm lẫn trong lòng ta đều được ghi tạc một tín ngưỡng duy nhất – tín ngưỡng tình yêu – và một giới luật duy nhất, giới luật của tình yêu, song chúng ta, ngoài tình yêu, còn tin vào nhiều thứ khác, và ngoài giới luật của tình yêu, còn coi nhiều giới luật khác là những giới luật thần thánh, vì vậy mà trong đời sống của mình chúng ta tuân thủ nhiều hơn những giới luật ấy, chứ không phải cái giới luật của tình yêu được ban cho chúng ta trong trái tim của chúng ta và trong học thuyết Kitô giáo.

II

Từ giờ phút, khi mà những thành viên đầu tiên của các hội nghị giám mục nói: “Xin cho chúng tôi cùng Thánh Thần”, tức là họ đã nâng quyền uy ngoại giới lên cao hơn quyền uy nội giới, đã thừa nhận kết quả của những suy xét thảm thương của con người tại các hội nghị giám mục là quan trọng hơn và thiêng liêng hơn cái duy nhất thiêng liêng có đích thực ở con người: trí tuệ và lương tâm của nó, từ giờ phút ấy bắt đầu sự dối trá ru ngủ linh hồn người, nó đã hủy hoại hàng triệu sinh linh con người và cho đến giờ vẫn tiếp tục công việc khủng khiếp của mình.

Chúng ta dành cho đa phan nhân loại quá nhiều vinh dự, khi ta nói họ tuyên tín tôn giáo này hay tôn giáo khác. Bởi vì họ không biết và không tìm một tôn giáo nào cả, cái niềm tin theo điều lệ của nhà thờ – đó là tất cá những gì mà họ ngụ ý dưới từ ấy. Và cái gọi là những chiến tranh tôn giáo nhiều khi chấn động cả thế giới và làm nó tràn ngập máu không bao giờ là một cái gì khác, mà chỉ là những xích mích xung quanh những tín điều của các giáo hội, và người bị trấn áp phàn nàn thực ra không phải vì người ta đã ngăn cản anh ta thuộc vê tôn giáo của mình, bởi lẽ không một sức mạnh ngoại tại nào có thể làm được điều đó, mà vì người ta đã không cho phép anh ta tuân theo một cách công khai những tín điều của giáo hội của anh ta

Kant

Ông chủ giao việc cho những người làm, lệnh cho họ chỉ làm việc ấy thôi và hứa hẹn cho họ một đời sống tốt đẹp nếu họ làm như thế. Nhưng giữa những người làm lại có những kẻ rắp tâm thu xếp cho mình một đời sống tốt đẹp không chỉ bằng việc làm ấy, mà còn bằng cách cố gắng làm vừa lòng chủ bằng cả những việc khác nữa. Và những người ấy đã nghĩ ra rất nhiều việc khác nhau hòng làm vừa lòng chủ và bắt đầu làm những việc ấy, nhưng cái việc mà chủ giao thì họ chỉ làm khi nào họ thích, thậm chí còn tuyệt nhiên không làm nữa. Nhưng như thế chưa đủ, đã xảy ra cái việc là có những người làm đã quyết đoán rằng ông chủ chẳng cần gì đến tất cả những công việc vặt vãnh và vô bổ mà người ta dạy bảo họ hòng làm vừa lòng chủ và đã hồ nghi rằng ông chủ có thể cần một cái gì đó ở những người làm và đã thôi không làm nữa cái việc mà chủ sai. Cuối cùng có cả những người đã quyết định thẳng thừng rằng chẳng có một ông chủ nào hết và có thể sống và làm việc chỉ cho mình. Và cuộc sống của những người làm ấy đã trở nên tồi tệ, xấu xa.

Đấy, chính điều ấy đã xảy ra với những người mà, ngoài niềm tin vào tình yêu, đã xác lập nhiều tín điều khác nhau mà họ gọi là thần thánh: tín điều về Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, tín điều về tính thần thánh của Kitô, về công đức chuộc tội cho loài người của Ngài, về Thánh Mầu, về các vị thánh và những vị cao tăng đắc đạo làm nên phép lạ và về nhiều điều khác nữa, và nhiều giới luật mà họ cũng gọi là thần thánh: những giới luật về lễ rửa tội, lễ xưng tội, lễ ban thánh thể, kết hôn, ăn chay, đi lễ nhà thờ và nhiều giới luật khác mà bằng chúng họ tưởng là thu xếp được cho mình một đời sống tốt đẹp và làm vừa lòng Thiên Chúa.

Và với những người đã xác lập và thừa nhận những tín điều và giới luật ấy đã xảy ra cái việc, ấy là đa số những người ấy chỉ nói rằng họ tín nhưng trong lòng thì không tin vào những tín điều và giới luật ấy; và cùng với chúng, họ không tin cả vào giới luật về tình yêu mất hút giữa nhiều giới luật khác, còn trong số những giới luật ấy thì họ chỉ thực hiện những phép tắc nào dễ hơn và được người đời tán thưởng. Cả giới luật về tình yêu họ cũng chỉ thừa nhận trên lời nói, còn trong việc làm thì lại từng ngày từng giờ làm những việc trái ngược hoàn toàn với nó: thay vì nhường cơm sẻ áo, một số người giàu có sống trong xa xỉ giữa những đồng loại nghèo đói, bị lao động vắt kiệt sức, còn những người nghèo thì căm thù những kẻ giàu có và cố gắng làm điều ác cho họ.

Thay vì yêu thương và tha thứ cho những người anh em, người ta hành hạ nhau, làm cho nhau khánh kiệt, lưu đầy và giam hãm nhau, hành quyết và giết nhau hàng trăm và hàng ngàn người trong các cuộc chiến tranh. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Đã xảy ra một việc nữa, đó là nhiều người tốt bụng và thông minh từ nhỏ được dạy dỗ là có thể làm vừa lòng Thượng Đế bằng những tín điều và giới luật khác nhau được những người này truyền thụ cho những người kia, nhưng khi đã lớn khôn thì lại nhận ra rằng tất câ những thứ ấy chỉ là những hư cấu của con người, cho nến họ đã không tin nữa vào tất cả các tín điều và giới luật của giáo hội, và cùng với chúng, không tin nữa cả vào giới luật về tình yêu.

Có cả những người, và những người như thế mỗi năm một nhiều hơn, mà không chỉ không tin vào bất kỳ một giới luật nào của Thượng Đế mà còn không tin vào chính Thượng Đế. Thành thử trong thời đại chúng ta ngày càng xuất hiện nhiều hơn những con người không tin vào bất cứ một cái gì và không hề suy nghĩ về điều ấy, không biết mình tồn tại trong thế giới của Thượng Đế để làm gì và phải làm gì. Song họ cứ sống, chừng nào chưa chết, và cứ làm những gì mà họ thích muốn hay những gì bỗng dưng lọt vào đầu họ. Đấy, chính vì thế mà cuộc sống của con người trong thế giới chúng ta mới tồi tệ và mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày càng trở nên tồi tệ hơn và hơn nữa.

Cuộc sống sở dĩ tồi tệ là bởi vì loài người sống trái ngược với một giới luật duy nhat được ghi không chỉ trong kinh Phúc Âm, mà còn trong tất cả các học thuyết của tất cả những người hiền của thế giới: cả ở người Ấn Độ, cả ở người Trung Quốc, cả ở người Ai Cập, cả ở người Hồi giáo, v.v… và trong lòng mọi người trên thế gian. Mà loài người sống trái ngược với niềm tin và giới luật được ghi trong tất cả các giáo thuyết và trong lòng mọi người bởi lẽ thay vì thừa nhận và tuân thủ chỉ một giới luật ấy, họ lại xác lập bên cạnh nó nhiều tín điều và giới luật khác nữa và tuân thủ nhưng giới luật ấy nhiều hơn là giới luật duy nhất, hoàn vũ về tình yêu.

III

Nhà hiền triết nói: học thuyết của tôi giản dị, và nội dung dễ hiểu, cốt lõi là hãy thương người như thể thương mình.

Minh triết Trung Hoa 

Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giêsu và đám người ấy tranh luận với nhau. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức chúa, Thiên Chúa của chúng ta là chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí năng và hết sức lực của ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình, chẳng có điều răn nào khác lớn hơn hai điều răn ấy.”

Mc, XII, 28-31

“Nhưng nếu như đồng ý rằng chỉ có một niềm tin chân chính – tin vào tình yêu – và chi có một giới luật cần thiết – giới luật của tình yêu, thế thì chính đạo sẽ ra sao, phép thờ phụng thánh thần sẽ là thế nào, cần phải cầu nguyện thế nào, giao tiếp với thần thánh thế nào?” – có người sẽ hỏi. “Khi ta tin vào một tín ngưỡng thông thường đã định hình, thì ta biết ai là Thượng Đế của ta, từ ai tất cả đã được làm ra và phải cầu nguyện ai và mong chờ ân sủng từ ai. Nhưng nếu tin chỉ vào tình yêu, thì sẽ không có Thượng Đế chính thực và không có phép thờ phụng Ngài. Mà không có một Thượng Đế hiểu được và không có phép thờ phụng Ngài thì con người chưa từng sống mà cũng không thể sống.”

Người ta sẽ nói như thế, khi mà thay vì một Thượng Đế hiểu được mà có thể cầu nguyện và thờ phụng, ai đó lại đề xuất cho họ một tín ngưỡng tình yêu không hiểu nổi. Người ta sẽ nói và đang nói như thế.

Và họ hoàn toàn đúng trong cái điều là loài người chưa bao giờ sống và không thể sống mà không có môt đối tượng tín ngưỡng rõ ràng và hiểu được đối với đa số và không có những hình thức thờ phụng thánh thần cũng hiểu được và khả thể đối với đa số. Họ chỉ không đúng ở cái điều là theo họ, tình yêu là một đối tượng tín ngưởng không đủ rõ ràng và khó hiểu đối với đa số, và hoạt động xuất phát từ tín ngưỡng ấy – sự thờ phụng thánh thần – cũng không đủ rõ ràng và khả thể đối vớỉ đa số.

Họ nghĩ như thế chỉ bởi vì họ đã quen hình dung cho mình đối tượng chính của tín ngưỡng là một sinh linh nhân hình vĩnh hằng và toàn năng, một Đấng Sáng Thế cai trị thế gian, bằng nhiều phương thức siêu nhiên khải ngộ cho loài người về ý chí của mình, và đã quen với những hình thưc được xác định chính xác về nghi thức, thời gian và địa điểm nhất định, đến nỗi một tín niệm thống nhất về tình yêu không có bất kỳ một ngoại hình nào và sự thờ phụng thánh thần, xuất phát từ tín niệm ấy, cũng không được quy định bằng nghi thức, thời gian, địa điểm nào, theo họ là một cái gì đó mơ hồ, bất cập đối với đa số và thậm chí khả nghi.

Nhưng thực ra thì niềm tin duy nhất vào tình yêu và hoạt động phụng sự thánh thần bắt nguồn từ đấy không chỉ ít xác định hơn, ít rõ ràng và khả thể hơn đối với đa số những con người bình thường so với những tín ngưỡng đã được loài người xác lập, với nhiều đối tượng tín ngưỡng và nhiều giới luật, mà nó còn có một ưu thế rất lớn trước những tín ngưỡng khác, đó là trong khi tất cả các tín ngưỡng và hình thức thờ phụng thánh thần khác đều dị biệt, đối lập nhau, lên án nhau và chia rẽ loài người, dẫn dắt con người tới sự căm thù nhau, tới những cuộc giết người, những cuộc chiến tranh, thì chỉ một tín ngưỡng tình yêu và sự thờ phụng thánh

IV

Chừng nào con người còn sống, nó còn tin. Niềm tin của nó càng gần với chân lý thì cuộc sông của nó càng hạnh phúc hơn; càng xa chân lý, thì con người càng bất hạnh hơn.

Chỉ có thể tin vào cái rõ ràng tồn tại, nhưng ta lại không thẩm thấu được bằng lý trí.

Sự thờ phụng thánh thần tốt nhất là sự thờ phụng được thực hiện mà không hy vọng đạt tới một mục đích nào; tồi tệ nhất là sự thờ phụng nhằm vào mục đích xác định. Ai ái mộ sinh linh tối cao, phải biết chiêm quan ngài trong mọi vật tạo và mọi vật tạo trong ngài.

Agni Purana

Sự bất tín nguy hại nhất không phải ở chỗ con người không tin, mà ở chỗ con người tuyên tín cái mà nó không tin.

Martino

Nhưng tín ngưỡng tình yêu không chỉ sáng rõ hơn, xác định hơn, dễ hiếu hơn tất cả các tín ngưỡng khác được loài người xác lập, và ngoài ra chỉ một mình tín ngưỡng ấy là liên kết loài người, trong khi tất cả các tín ngưỡng khác đều chia rẽ họ, song tín ngưỡng ấy còn có một ưu thế nữa trước tất cả các tín ngưỡng khác, ấy là nó đồng thời là tín ngưỡng bất khả nghi nhất.

Cho dù con người có vững tin đến đâu về tính chân lý của tín ngưỡng nơi mình, nó khó lòng không ngờ vực, khi được biết rằng những người khác hệt như nó cũng tin vào tính chân lý của những tín ngưỡng của họ và coi tín ngưỡng của nó là sai lầm. Chỉ đối với con người thừa nhận tình yêu là đối tượng tín ngưởng chung cho mọi người – chỉ với người ấy không thể có một nghi vấn nào về tính chân lý của tín ngưỡng nơi anh ta.

Mọi tín ngưỡng tôn giáo luôn luôn chỉ là sự thừa nhận sự tồn tại của một khởi nguyên mà con người không thể hiểu được bằng trí khôn, nhưng không có nó thì con người lại không hiểu được cả cuộc sống của mình, cả cuộc sống của thế giới và vì thế nó phải tin vào sự tồn tại của khởi nguyên ấy. Sự tồn tại của khởi nguyên ấy được tất cả các tôn giáo thừa nhận. Đó là Brahma, đó là legova, đó là Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, đó là Thánh Allah, đó là Đạo của những người theo Đạo giáo, là Tam Thế Chư Phật của các phật tử, là vật chất của những người theo chủ nghĩa duy vật.

Một khởi nguyên như thế cho sự sống được cả tín ngưỡng về một giới luật thống nhất của tình yêu thừa nhận, chỉ với một khác biệt là trong khi ở tất cả các tôn giáo khác: Do Thái giáo, Bàlamôn giáo, Kitô giáo của nhà thờ, Hồi giáo và những tôn giáo khác, khởi nguyên ấy dược gọi là Thượng Đế và ít nhiều được xác định và được hình dung như là một sinh linh cá thể, toàn năng, vĩnh cửu, mà ý chí và những hành vi của sinh linh ấy được loài người biết đến thông qua những khải ngộ huyền diệu về mình mà chính sinh linh ấy thực hiện, trong tín ngưỡng tình yêu cái khởi nguyên ấy, cũng gọi là Thượng Đế, Thượng Đế – Tình yêu (“Thiên Chúa là tình yêu”), được mọi người tiếp cận không thông qua những truyền thuyết của con người mà thông qua sự khải ngộ trực tiếp và không ngừng của Ngài bằng tình yêu trong lòng từng người.

Chính vì thế mà tín ngưỡng này không thể không là sáng rõ hơn và xác định hơn bất kỳ một tín ngưỡng nào khác hay một sự thờ phụng thánh thần nào khác, dựa trên những truyền thuyết của loài người, khác nhau ở các dân tộc khác nhau; tín ngưỡng này cũng không thể không là hữu phúc hơn cho loài người bởi vì nó liên kết người với người thay vì sự chia rẽ mà các tín ngưỡng khác gây ra, đồng thời nó cũng không thể không là bất khả nghi hơn cả, bởi vì nó được thiết lập và khẳng định không trên nhưng truyền thuyết của nhân gian, mà trên sự cảm nhận trực tiếp và luôn luôn như nhau ở mọi người về Thượng Đế.

V

Thượng Đế là bất khả tri đối với trí khôn con người, chúng ta chí biết rằng có Thượng Đế.

Hãy tin vào Thượng Đế, hãy phụng sự Ngài, nhưng đừng cố gắng nhận biết Ngài; bạn sẽ không thu nhận được gì đền bồi cho những công sức của mình ngoài sự rối ren trong tư tưởng. Thậm chí cũng đừng lo lắng tìm hiểu cho bằng được có Ngài hay không có; hãy phụng sự Ngài, cứ như Ngài luôn luôn hiện hữu trong mọi sự.

Philimon

Chúng ta nhận thức được sự tồn tại của Thượng Đế không hẳn bằng trí tuệ mà phần nhiều bằng ý thức về sự phụ thuộc hoàn toàn vào Ngài mà chúng ta cảm thấy mình ở trong đó, tựa như cảm giác của đứa trẻ được ẵm trên tay mẹ. Đứa trẻ không biết ai ẵm nó, ai sưởi ấm nó, ai cho nó ăn uống, nhưng biết rằng có người ấy, và không chỉ biết, mà còn yêu người ấy, yêu sinh linh có đầy đủ quyền năng đối với nó. Cũng là như thế với con người.

Đừng bối rối bởi cái điều là khái niệm Thượng Đế lu mờ đối với bạn. Khái niệm ấy càng giản đơn và rõ ràng thì lại càng xa chân lý hơn và càng không đáng tin cậy hơn, với tư cách một điểm tựa.

Khi tôi nói với bạn về Thượng Đế, bạn đừng nghĩ rằng tôi nói với bạn về một vật nào đó làm bằng vàng hay bạc. Thượng Đế mà tôi nói với bạn, bạn cảm thấy trong lòng mình, bạn mang trong bản thân mình và bằng những ý đồ không trong sạch và những việc làm đáng ghê tởm bạn làm ô uế hình ảnh của Ngài trong lòng bạn. Trước một thần tượng bằng vàng mà bạn suy tôn là thần tối thượng, bạn kiêng tránh làm điều khiếm nhã, thế mà trước mặt Thượng Đế hiện hữu bên trong bạn và trông thấy và nghe thấy tất cả, bạn thậm chí không đỏ mặt mỗi khi giao mình cho những ý nghĩ và hành vi đê tiện.

Giá mà chúng ta luôn luôn nhớ rằng Thượng Đế ở trong ta là người chứng kiến tất cả những gì chúng ta làm và nghĩ, thế thì chúng ta sẽ không mắc tội nữa, và Thượng Đế sẽ ở trong ta mãi mãi không rời. Vậy chúng ta hãy nhớ đên Thượng Đế, suy nghĩ và đàm luận về Ngài càng nhiều càng hay.

Epictète

Niềm tin vào giới luật của tình yêu và sự thờ phụng thánh thần phát sinh từ đấy vừa rõ ràng hơn, vừa xác định hơn, vừa hữu phúc hơn, vừa bất khả nghi hơn bất kỳ mọi tín nguỡng nào, chỉ cần hiểu rõ niềm tin ấy và sự thờ phụng ấy là ở đâu.

Cốt lõi của niềm tin ấy là tin rằng chúng ta chỉ có thể nhận thức được Thượng Đế ở trong ta. Và chúng ta chỉ nhận thức được Ngài trên phương diện, mà ở đấy Ngài khải ngộ về mình cho chúng ta. Mà Ngài khải ngộ về mình cho chúng ta bằng tình yêu. Thành thử mặc dù chúng ta hiểu biết về Ngài còn xa mới đầy đủ, chỉ trên một phương diện, mà ở đấy Ngài khải ngộ về mình cho chúng ta, chúng ta vẫn biết một cách không thể hồ nghi về sự tồn tại của Ngài, về cái thuộc tính cơ bản của Ngài mà chúng ta nhận biết được cả ở trong mình và về những gì mà Ngài muốn ở chúng ta.

Niềm tin này đã nhiều lần được thể hiện trong tất cả các học thuyết tôn giáo của thế giới, bắt đầu từ những giáo thuyết cổ nhất của người Ai Cập và Ấn Độ, được gọi là đa thần giáo, và được diễn đạt một cách đặc biệt xác định trong học thuyết của Kitô.

Nó được diễn đạt như thế trong sách Phúc Âm của Marc XII, 28-31 và với sự sáng rõ đặc biệt trong sách Phúc Âm và các vận thư của thánh John.

“Quả thật, Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho người Con có được sự sống nơi mình như thế” (John V, 26).

“Đức Giêsu bảo họ: “Trong lề luật của các ông chẳng phải đã chép lòi này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh” (Thánh vịnh 81, 6). Nếu lề luật gọi những kẻ được Thiến Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh thì không thể hủy bỏ, thì tôi là người mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thánh” vì tôi đã nói: “Tôi là con Thiên Chúa”? Nếu tôi không làm những việc của Cha tôi thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm những việc ấy, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin vào những việc ấy. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Cha” (X, 34-38).

“Lẽ nào anh không tin rằng Tôi ở trong Cha và Cha ở trong TÔI? Những lời Tôi nói với anh em, Tôi không một mình nghĩ ra. Nhưng Cha, Đấng luôn luôn ở trong Tôi, chính Người làm những việc ấy của mình. Anh em hãy tin Tôi, tin rằng Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi; bằng không thì hãy tin vào Tôi theo những công việc Tôi làm” (XIV, 10-11).

“Hãy để cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (XII, 21).

“Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Chúa mãi mãi sẽ ở trong ta và tình yêu của Người mãi mãi hoàn hảo trong ta. Căn cứ vào điều này chúng ta biết được rằng chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta, đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta. Và chúng ta đã nhận biết được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và đã tin vào tình yêu ấy. Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong người ấy” (1 John, IV, 12,13,16).

Niềm tin vào tình yêu, đó là sự thừa nhận rằng khởi nguyên cơ bản của sự sống nơi chúng ta là một sinh linh bất khả tri đối với ta, hiển lộ trong chúng ta bằng tình yêu.

VI

Thật là tồi tệ là người đời không biết về Thượng Đế, nhưng tồi tệ hơn cả là người đời thừa nhận là Thượng Đế cái không phải là Thượng Đế.

Lactannius

Có hai niềm tin: một niềm tin từ sự tín nhiệm đối với những gì mà những người khác nói – đó là niềm tin vào con người hay vào những con người, và những niềm tin khác nhau như thế có nhiều, và một niềm tin vào sự phụ thuộc của mình vào Đấng đã sai tôi vào thế gian này. Đó là niềm tin vào Thượng Đế, và niềm tin như thế chi có một ở tất cả mọi người.

Tôn giáo của con người không được tạo thành không phải từ nhiều sự vật mà nó nghi ngờ và gắng sức tin, mà từ một ít sự vật mà nó tin tưởng chắc chắn và niềm tin vào chúng không đòi hỏi ở nó một công sức nào.

Carlyle

Tin vào một giới luật duy nhất có nghĩa là tin rằng Thượng Đế ở trong chúng ta và hiển lộ trong ta bằng tình yêu.

Còn sự thờ phụng thánh thần của tín ngưỡng về một giới luật duy nhất thì, cũng như ở trong mọi tín ngưỡng khác, tựu trung là làm những gì mà tín ngưỡng ấy sai khiến và không làm những gì mà nó ngăn cấm. Nhưng sự khác biệt là ở chỗ trong khi phép thờ phụng thánh thần của tất cả các tôn giáo, trong đó có đạo Kitô của nhà thờ, đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều việc và kiêng tránh còn nhiều việc hờn nữa, ngõ hầu làm vừa lòng thần thánh, thì sự phụng sự thánh thần của tôn giáo thống nhất đòi hỏi thực hiện chỉ một việc và kiêng tránh cũng chỉ một việc.

Tôn giáo của nhà thờ, nhằm làm vừa lòng Thiên Chúa, đòi hỏi thực thi nhiều bí lễ: rửa tội, xức dầu, xưng tội, ban thánh thể, kết hôn, đòi hỏi công nhận tính không thể sai lầm của một số kinh sách và nhân vật nhất định, đòi hỏi đi lễ nhà thờ, đọc những lời cầu nguyện nhất định trong những thời điểm nhất định và thực hiện nhiều giới luật khẳng định khác nữa. Những giới luật phủ định của nhà thờ thì lại nhiều hơn rất nhiều. Bên cạnh những yêu cầu kiêng tránh giết người, trộm cắp, tà dâm, còn yêu cầu không được thờ bái các thần linh khác, không được dùng thức ăn cấm trong những ngày nhất định, và nhiều hơn cả là không được xúc phạm những đối tượng được coi linh thiêng. Mà những đối tượng như thế thì cơ man.

Còn sự thờ phụng thánh thần trong tôn giáo của một giới luật thống nhất thì chỉ đòi hỏi ở mọi người một điều: tình yêu, tình yêu đối với Thượng Đế ở trong mình và ở trong tất cả những người khác. Yêu mến Thượng Đế ở trong mình tức là khao khát hướng tới thể hoàn hảo cao nhất của tình yêu, còn yêu mến Thượng Đế ở trong những người khác tức là thừa nhận trong từng con người cũng Đấng Tối Cao hằng sống trong ta và vì vậy làm cho mỗi một người khác không phải cái ta muốn, mà cái Đấng Tối Cao sống trong tất cả mọi người muốn. Đấy là toàn bộ giới luật về cái mà người tin vào tôn giáo thống nhất phải làm.

Còn về những gì mà theo tôn giáo ấy con người không được làm thì cũng chỉ có một điều cấm. Điều cấm duy nhất ấy là: không phương hại lòng ngưỡng mộ đối với Thượng Đế sống trong tôi và trong từng con người. Không phương hại lòng ngưỡng mộ Thượng Đế ở trong mình có nghĩa là luôn luôn nhớ về sự hiện diện của Thượng Đế ở trong mình, sửa đổi, hủy bỏ trong mình tất cả những gì không tương dung được với sự có mặt của Thượng Đế trong lòng người; còn không phương hại lòng ngưỡng mộ Thượng Đế sống ở trong những người khác có nghĩa là không những không làm hại đồng loại, không xúc phạm, không hạ nhục bất kỳ một ai, dù người ấy có là thế nào, mà còn tôn trọng, tôn kính người ấy như là một đối tượng thiêng liêng nhất có thể có trên thế gian.

Về thực chất, cả những giói luật khẳng định lẫn những giới luật phủ định trong tín ngưỡng tình yêu đều quy tụ được vào một điểm: thừa nhận rằng Thượng Đế sống trong con người và vì thế cần phải tôn kính và không xúc phạm Ngài ở trong mình cũng như trong bất cứ một người nào.

Kiểu thờ phụng thánh thần như thế nhiều lần đã được bày tỏ trong tất cả các học thuyết tôn giáo – đạo đức của nhân loại cả ở phương diện khẳng định: yêu mến Thượng Đế trong mình và trong những người khác, lẫn ở phươngdiện phủ định: không xúc phạm Thượng Đế ở trong mình và trong những người khác.

VII

Cơ sở của mọi tôn giáo nhà nước là bạo lực, cơ sở của đạo Kitô là tình yêu. Nhà nước là sự cưỡng bách, đạo Kitô là sự thuyết phục. Thanh kiếm của người lính và cái gậy của người chăn gia súc là đối nghịch và không thể trở thành những đồng minh.

Kuningam Heikei

Không thể nào cân đong hết, đo lường hết tất cá cái hại mà tín ngưỡng sai lạc đã và đang gây nên. Tín ngưỡng là sự xác lập quan hệ giữa con người với Thượng Đế và thế giới và, xuất phát từ quan hệ ấy, xác định sứ mệnh của con người. The thì cuộc song của con người sẽ phải là thế nào, một khi quan hệ ấy và cái sứ mệnh bắt nguồn từ đấy được xác định sai?

Vưt bỏ tín ngưỡng sai lầm, tức là quan hệ sai lầm với thế giới, là chưa đủ. Còn cần phải xác lập một quan hệ chân chính.

Sự bất hạnh và mọi tai họa của loài ngữời phát sinh không hẳn từ việc họ không biet những nghĩa vụ của mình mà nhiều phần hơn từ việc họ coi là những nghĩa vụ của mình cái không phải là nghĩa vụ của họ.

Tỉnh yêu con người cho ta một hạnh phúc nội tại không thể tước đoạt, bởi lẽ tình yêu liên kết con người với những người khác và với Thượng Đế.

Người ta nhồi sọ cho một cậu bé chưa biết suy nghĩ rằng câu không phải là con trai của người mẹ lương thiện, đôn hậu, thương yếu, đã nuôi nấng cậu và hiện nay vẫn cho cậu ăn, cho cậu mặc, mà là con của một nàng tiên nào đó, đẹp kỳ lạ, hùng mạnh, làm được đủ mọi phép mầu và có thể cho cậu mọi phúc lợi lớn nhất, nếu cậu thần phục và tôn sùng nàng. Và cậu bé tin và xa lánh mẹ mình, không nghe lời bà, không tận dụng những gì tốt lành mà bà mang lại cho cậu mà chỉ chờ đợi những phúc lợi vĩ đại và phi thường từ bà tiên tưởng tượng. Cậu ta không chỉ tin vào những truyện kể vê những phép lạ phi thường mà bà tiên ấy làm ra mà còn tự mình hư cấu ra những phép lạ ấy và tin vào chúng mặc dù chưa bao giờ trồng thấy một phép lạ nào. Và càng ngày cậu càng tin hơn vào bà tiên ấy, bởi vì một khi đã xa lánh mẹ mình thì toàn bộ hy vọng của cậu chỉ đặt vào bà tiên. Cậu cứ cầu nguyện mãi, cầu xin mãi những phép lạ, mặc dù chưa bao giờ thấy chúng. Nhưng thời gian trôi đi, không có phép lạ, và cậu bắt đầu nghi vấn về bà tiên. Nhưng bởi lý do cậu đã từ bỏ và quên đi người mẹ của mình, cho nên cậu vẫn không trở về với tình yêu của bà, mà ngược lại, thay vì làm vừa lòng mẹ, cậu lại làm rặt những điều trái ý bà.

Tình hình cũng như thế với tuyệt đại đa số loài người, với những người tin vào những phép lạ của một Thượng Đế Sáng Thế cá thể nào đó mà chưa một ai trông thấy bao giờ (“Chưa ai thấy Thiên Chúa bao giờ” John 1,18). Y như thế, cả những người ấy cũng chờ đợi từ Thượng Đế tưởng tượng ấy những ân sủng lớn lao, dồi dào, cầu nguyện Ngài, sáng tác ra thay Ngài những diễn từ, mệnh lệnh, và cái chính, những phép mầu kỳ quái nhất, đáng ngạc nhiên nhất và chẳng cần thiết cho bất kỳ một việc gì. Và giống như cậu bé ấy, những người ấy cũng không hiểu biết, không muốn hiểu biết người mẹ giản dị, dễ gần, luôn luôn ở bên họ, không ngừng yêu thương họ và có thể cho họ một hạnh phúc không phải tưởng tượng, mà chân chính, chỉ cần họ thừa nhận bà.

Người mẹ ấy là Thượng Đế – Tình Yêu, người đã và đang cho ta sự sống và một mình có thể cho chúng ta cái hạnh phúc chân chính, không gì có thể phá hủy. Và để tin vào người mẹ ấy – tin vào Thượng Đế – Tình Yêu duy nhất khả thể tiếp cận đối với con người ấy, không cần những phép lạ nào cả, và để nhận được từ Ngài hạnh phúc, không cần những lời khấn bái và thỉnh cầu nào cả, mà chỉ cần một điều: tựa như cậu bé kia cần không tin vào những lời dối trá hão huyền mà tin vào mẹ mình, loài người cũng thế, cần tin vào cái tồn tại đích thực và một mình có thể cho chúng ta hạnh phúc, tin vào cái không thể không tin, tin vào Thượng Đế – Tình yêu sống trong lòng từng người.

Và hễ con người tin vào Thượng Đế – Tình yêu ấy, thì cái hạnh phúc mà ước ao hướng tới nó là thuộc tính của mọi người, sẽ tự đến với nó và không bằng cách nào có thê cướp đi của nó. Không thể cướp đi bởi vì hạnh phúc ấy được thu hoạch không qua một sức mạnh ngoại tại nào, mà chỉ bằng hoạt động của chính mình. Chỉ cần con người giao mình cho Thượng Đế – Tình yêu, thê thì nó chắc chắn sẽ nhận được cái hạnh phúc ứng hợp với tâm hồn nó.

VIII

Không gì mạnh đến thế cản trở sự truyền bá chân lý như là sự ngoan cố trong việc duy trì truyền thống cổ xưa được thời gian linh thiêng hóa.

Sự không tôn trọng truyền thống không gây ra đến 1/1.000 cái ác được gây nên bởi sự câu nệ những tập quán, luật lệ, thiết chế mà thời nay đã không còn có sự biện minh hữu lý nào.

Không gì ít xứng đáng hơn với một sinh linh hữu trí như là khóc than về việc cái mà cha ông ta xem là chân lý hóa ra là sai lầm. Có tốt hơn không cố gắng tìm kiếm những cơ sở mới cho đoàn kết mà sẽ thay thế những cơ sở cũ.

Martino

Có những người nhận lấy cho mình quyền quyết định thay những người khác quan hệ của họ với Thượng Đế và thế giới, và có những người, tuyệt đại đa số loài người, cống cái quyền ấy cho những người khác và tin tưởng mù quáng vào những gì mà người khác bảo họ.

Nhiều khi phải ngạc nhiên tại sao người đời lại tin vào những huyền thoại kỳ quái, ngu ngốc và phi lý về Adam, Eva, Cain, Abel và vào những phép lạ còn ngu ngốc và vô dụng hơn: nào cho đám đông ăn no bằng (mấy) tấm bánh mì, nào thăng thiên, nào phục sinh, nào những sự chữa lành bởi những tranh thánh, nào sự chuộc tội bằng niềm tin vào những bí lễ, và cũng những huyền thoại phi lý như thế của Ấn Độ giáo, Phật giáo, v.v… Đáng ngạc nhiên nhất là những người tin vào tất cả những thứ ấy thường lại là những người khôn ngoan hoàn toàn, nhưng họ bắt trí khôn mình thực hiện những nỗ lực lớn nhất để biện hộ, giải minh cho tất cả những giả định rõ ràng không cần thiết và bất khả thể ấy.

Vì sao lại thế? Bởi vì người ta đã để mất niềm tin – mà để mất bởi vì những tín ngưỡng khác, sai lầm đã được nhồi sọ cho họ – cái niềm tin tự nhiên, dễ hiểu, cần thiết, thậm chí không phải niềm tin nữa mà là ý thức về mối quan hệ của mình với Thượng Đế của tình yêu. Mà đã để mất niềm tin ấy, thì họ cần phải có cái có thể thay thế nó. Và thế là để thay cho ý thức bị đánh mất về quan hệ với cái vô cùng vô tận, họ đã tất yếu bị dẫn dắt tới việc hư cấu ra một Thượng Đế mà bằng sự tồn tại của Ngài, người ta có thể giải thích quan hệ của mình với thế giới.

Và để bắt mình và mọi người tin vào một Thượng Đế kỳ lạ như thế, không phù hợp với quan niệm chính yếu về Thượng Đế như là một cái gì đó phi không gian, phi thời gian, không thể xác định bằng lý trí và ngôn từ, để tin vào một Thượng Đế cá thể như thế, cần phải hình dung ra Ngài như một sinh linh ngoại biệt, đứng trên tất cả mọi người và làm được những việc bất khả đối với con người – những phép lạ. Và càng nhiều phép lạ thì tưởng chừng niềm tin phải vững chắc hơn. Và không chi có thế, với sự thiếu vắng cái ý thức rõ ràng về quan hệ với khởi nguyên của tất cả – ý thức do niềm tin vào tình yêu làm nên – đã cần có không chỉ những phép lạ của Thượng Đế ấy, mà để củng cố niềm tin vào một Thượng Đế làm ra những phép lạ, còn cần cả những sự răn đe và trừng phạt từ Thượng Đế vì tội không tin vào phép lạ.

Để tin được vào một Thượng Đế như thế, cần phải tin vào những phép lạ mà Ngài làm ra; còn để tin được vào những phép lạ Ngài làm ra thì lại phải tin vào Thượng Đế đòi hỏi tin vào phép lạ. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã không tồn tại được lâu. Niềm tin vào Thượng Đế cá thể và những phép lạ của Ngài càng ngày càng tự hủy hoại. Và cùng với sự tự hủy hoại của niềm tin vào Thượng Đế cá thể và những phép lạ của Ngài, càng ngày càng hiện ra rõ hơn cái đối tượng của niềm tin duy nhất phù hợp với con người: tình yêu, tình yêu ấy đã và vẫn luôn luôn kêu gọi loài người đến với nó, giống như người mẹ không ngừng kêu gọi trở về với mình đứa con đã từ bỏ bà.

IX

Sự khác biệt giữa các tôn giáo – những từ ngữ kỳ lạ làm sao! Tất nhiên, có thể có những tín niệm khác nhau về những sự kiện lịch sử được dùng không phải trong tôn giáo, mà trong lịch sử để củng cố tôn giáo, và những phương tiện khác nhau thuộc về lĩnh vực học thuật, cũng như có thể có những kinh sách tôn giáo khác nhau (Zend – Avesta, kinh Veda, kinh Coran, v.v…). Nhưng chỉ có thể có một tôn giáo chính thực cho tất cả các thời đại. Còn tất cả những tín niệm khác nhau ấy thì không thể chứa đựng trong mình một cái gì khác, mà chỉ là những phương tiện phụ trợ cho tôn giáo, chúng xuất hiện ngẫu nhiên và có thể khác nhau, tùy theo những thời điểm và địa điểm khác nhau.

Kant

Tôn giáo là chân lý không phải vì nó đã được các thánh tông đồ truyền giảng, mà các thánh tông đồ đã truyền giảng nó, vì nó là chân lý.

Lessing

Không thể không tin cái học thuyết tâm linh mà sự áp dụng nó vào đời sông đem lại phúc lợi thực tiễn giản dị nhất cho tất cả mọi người. Không có tiêu chí nào cao hơn về tính chân lý của học thuyết. Và học thuyết Kitô giáo là như thế.

Và chỉ cần con người đã nhận thức được giới luật của tình yêu lìa bỏ, dù chỉ nhất thời, các niềm tin mù quáng được giáo dục từ thơ ấu vào một Thượng Đế cá thể, người đã sáng tạo ra thế giới, người báo thù và người đã thiết lập nhiều đến thế những giới luật khác nhau tùy theo nơi chốn và thời đại, thế thì niềm tin vào Thượng Đế của tình yêu, thống nhất cho cả thế giới, và vào giới luật thống nhất của tình yêu, không phải một lần được đưa ra mà được Thượng Đế không ngừng nêu ra cho tất cả mọi người sẽ trở thành duy nhất hữu khả, tự nhiên, tất yếu và không thể nghi ngờ.

Chỉ cần con ngườỉ hiểu rõ nó là ai, hiểu rõ rằng nó có thể và phải tìm kiếm Thượng Đế và luật của Ngài chỉ ở trong mình, thế thì người ấy sẽ ngỡ ngàng và kinh ngạc nhớ lại về những đối tượng và những chuyện kỳ quái mà nó từng nói là nó tin và từng tưởng rằng mình quả thật tin. Một con người như thế, ngoài nỗi ngạc nhiên trước việc nó đã có thể tin vào những đối tượng tín ngưỡng lạ lùng và trái ngược với những đòi hỏi của lý trí và tình cảm đến thế, còn sẽ nếm trải một cảm giác đặc biệt mừng vui về sự trấn tĩnh và vững vàng, tựa như cảm giác của một người đi kheo một cách khó nhọc, không vững, chỉ sợ đôi kheo tuột khỏi chân mình, khi mà anh ta bỏ kheo đi, đặt chân xuống mặt đất rắn chắc và bắt đầu đi trên đất bằng đôi chân của mình.

Thực ra, tình hình cũng không thể khác được.

Người đời tin vào Thượng Đế Sáng Thế, người trừng trị và khen thưởng, người lập ra cơ man giới luật đa dạng và khác nhau tùy theo các tín ngưỡng, người làm ra ở nhiều nơi khác nhau nhiều phép lạ đa dạng đáng kinh ngạc, bất chấp mọi phản bác rõ ràng của lý trí và những phản bác còn mãnh liệt hơn của tình cảm không dung hòa được với quan niệm về một Đấng Tối Cao mà lại làm những việc đối nghịch với tình yêu thương – người đời tin chỉ vì họ tin vào truyền thống linh thiêng do lâu đời, tin con người chứ không phải thánh thần và vì thế mà không hiểu biết thánh thần. Còn vào một Thượng Đế không phải là người sáng thế, người trừng phạt, mà luôn luôn làm phúc cho loài người, không lập ra nhiều giới luật khác nhau tùy theo dân tộc mà đã lập ra không bằng lời nói mà bằng việc làm chỉ một giới luật của tình yêu thống nhất cho mọi dân tộc và mọi thời đại và trong sự hiện hữu của mình không làm ra đủ mọi phép mầu kỳ lạ nhằm thuyết phục loài người mà không ngừng làm chỉ một phép mầu kỳ diệu nhất và hữu phúc nhất – hiển lộ trong lòng từng người – vào một Thượng Đế như thế không thể không tin.

X

Cái chân phúc luôn luôn ở trong tay ta. Nó như cái bóng theo gót cuộc sống thiện lương.

Những phúc lợi chân chính không nhiều. Chỉ chân chính những điều phúc và điều thiện mà là phúc và thiện cho tất cả mọi người. Vì vậy, để không đi lệch đích đã chọn, cần phải làm sao cho đích ấy là điều thiện phù hợp với lợi ích chung. Ai hướng hoạt động của mình vào mục đích như thế, người ấy sẽ thu nhận cho mình cái chân phúc.

Marcus Aurelius

Con trai của Quèse ở Talomo đến gặp Đức Phật và bắt đầu than vãn.

– Thưa Thầy, tăng sĩ nào và kẻ tu hành nào cũng ca ngợi tín ngưỡng của mình, bảo chỉ một mình nó là chân chính, và nguyền rủa tín ngưỡng của kẻ khác, gọi là hư trá. Nghi hoặc đang giày vò con, con không biết phải nghe lời ai bây giờ.

Đức Phật trả lời:

– Những nghi hoặc của con có căn cứ đấy, hỡi người con trai của Quèse. Hãy nghe những lời khuyên bảo của ta. Đừng tin một cái gì theo lời đồn thổi, đừng tin những truyền thuyết vì chúng đã kinh qua nhiều thế hệ trước khi đến với chúng ta. Đừng tin bất cứ một cái gì dựa vào những lời đồn hoặc bởi vì người ta nói nhiều về cái đó. Đừng tin chỉ vì người ta đưa ra cho con những lời làm chứng của một hiền nhân cố xưa nào đó. Đừng tin bất cứ cái gì chỉ vì như thế sẽ có lợi cho con hay vì thói quen lâu ngày thôi thúc con cong nhạn cai đo là sự thật. Đừng tin bất cứ cái gì chỉ dựa vào uy tín của những người thầy của con hay của giới tăng sĩ.

– Chỉ những gì phù hợp với kinh nghiệm của con và theo khảo sát của chính con phù hợp với lý trí và dẫn đến phúc lợi và hạnh phúc cho con và cho tất cả mọi chúng sinh, thì con mới xem là lẽ phải và hãy sống trong lẽ phải ấy.

Anquitara Nikayo

Đúng, chỉ cần mọi người tin, như họ giờ đây đang tin vào nhiều giới luật được xem là thần thánh: tín vào Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể, vào Đức Kitô – Chúa Cứu Thế, vào Thánh Mẫu, vào Krishna, Moses, Phật Đà, vào những sách được coi là thánh kinh và vì vậy mà chứa đựng những chân lý tưởng chừng không thể tranh cãi, vào những phép lạ mà không một ai trông thấy, vào những bí lễ và lời cầu mà tác dụng không ai biết và không ai có thể biết, chỉ cần mọi người tin dù chỉ gần gần như thế vào chỉ một giới luật được Thượng Đế đưa ra cho tất cả mọi người và ghi tạc trong tim từng người và chỉ một phép lạ thường hằng, không bao giờ chấm dứt – sự có mặt của Thượng Đế trong lòng người, và chỉ cần mọi người thực hành sự thờ phụng thánh thần phát sinh từ niềm tin ấy, thực hành dù chỉ na ná như hiện giờ người ta thực hiện những phép thờ phụng thánh thần của nhà thờ – những bí lễ, những nghi thức, những lễ nguyện cầu riêng và chung, thế thì mọi người sẽ rất nhanh quên đi về tất cả những điều khủng khiếp mà hiện giờ họ đang gây ra cho nhau, và tự nó, không có những chấn động ngoại tại, sẽ hình thành cho tất cả mọi người và đặc biệt cho nhân loại của thế giới Kitô cái cuộc sống chính nghĩa, thích hợp với con người thời đại ngày nay mà giờ đầy người ta muốn đạt tới bằng những việc làm bạo ngược và tàn nhẫn, đối nghịch hơn cả với tình yêu.

-Nhưng lẽ nào cái đó là có thể?

Sẽ là tốt hơn nếu chư vị hỏi: lẽ nào cái đó lại không thể có? Lẽ nào lại có the co cai hiện giờ đang có? Lẽ nào lại có thể có cái việc là loài người, đa số ngươi, trong khi thừa nhận niềm tin vào Thượng Đế của tình yêu là luật tối cao của thánh thần, trong khi nhận thấy trong trái tim mình những biểu hiện không ngừng của Thượng Đế ấy, đồng thời vẫn tiếp tục tuyên tín cái mớ hỗn tạp kỳ quái của những khải thị hư ngụy và không cần thiết cho bất cứ cái gì của một Thượng Đế bị hiểu sai và, thay vì phép thờ phụng thánh than duy nhất đúng đắn xuất phát từ niềm tin vào Thượng Đế của tình yêu – phép thờ phụng bằng tình yêu cần mẫn đối với Thượng Đế và đồng loại – vẫn tiếp tục những nỗ lực vô vọng cải thiện tình cảnh của mình bằng chính nhưng biện pháp đã khiến nó trở thành như hiện nay.

Chỉ cần một thứ niềm tin, nhưng là niềm tin thực sự, tin không phải vào con người, mà vào Thượng Đế. Chỉ cần thôi không tin những con người nữa, mà tin Thượng Đế, tin không phải những điều mặc khải của Thượng Đế được viết trong các sách, mà tin một Thượng Đế luôn sống trong lòng ta và không ngừng nói cho ta biết Ngài là ai và chúng ta là ai và chúng ta cần phải sống thế nào cho phù hợp với ý nguyện của Ngài.

Chỉ cần mọi người tin vào sự cần thiết thực hiện một giới luật thống nhất về tình yêu, như là hiện giờ họ tin vào sự cần thiết thực hành những bí lễ và nguyện cầu này nọ, chỉ cần họ tin, như hiện giờ họ tin vào tính thiêng liêng của những kinh sách, thánh đường, tranh tượng, đồ lễ của mình – tin vào một điều, đó là trên thế gian chỉ có một vật thiêng liêng không thể hồ nghi – con người, và một đối tượng duy nhất mà con người không thể và không được xúc phạm và làm ô uế – ấy là con người, một sinh linh mang trong mình khởi nguyên thần thánh, thế thì sẽ trở nên bất khả thể không chỉ những cuộc hành quyết và chiến tranh, mà còn bất kỳ một hành vi bạo lực nào của con người đối với con người.

Chỉ cần con người được giáo dục từ thơ ấu theo tinh thần thừa nhận Thượng Đế trong con người là cái thiêng duy nhất và sự yêu kính Thượng Đế là phép thờ phụng thánh thần duy nhất, thế thì không một ai sẽ dám xúc phạm Thượng Đế ở trong mình và trong người anh em của mình bằng chia rẽ, thù địch, bạo lực.

Chư vị hãy thử bảo một Phật tử, một tín đồ Hồi giáo, một tín đồ Kitô giáo của nhà thờ: hãy làm bẩn những đồ thờ vô sinh khí mà họ coi là thiêng liêng, thế thì họ sẽ thà chịu mọi khổ đau và thiệt thòi, kể cả đồng ý cho giết chết mình, chứ không xúc phạm đến cái mà đối với họ là vật thiêng.

Lẽ ra cũng sẽ là như thế với một tín đồ Kitô giáo trong quan hệ ứng xử với mọi người, nếu như anh ta được giáo dục theo đúng tinh thần của Kitô. Một con người như thế không vì bất kỳ một lợi ích nào, không do bất kỳ một đe dọa trừng phạt nào, thậm chí cả đe dọa giết chết, mà lại làm những việc đi ngược lại giới luật duy nhất về tình yêu; anh ta sẽ không khi nào xúc phạm, làm ô uế Thượng Đế ở trong mình và trong đồng loại của mình, và lại càng không xâm hại đến cái mà những người tin vào giới luật của tình yêu coi là vật thiêng cao nhất và duy nhất – mạng sống của người khác.

Và vì vậy không một ai tin vào giới luật duy nhất sẽ có thể làm đao phủ, hay hoàng đế, hay người lính, hay quan tòa, hay người quản ngục, hay điền chủ, hay người thu thuế, hay nhà tư bản, không một ai có thể tham gia dù trực tiếp hay gián tiếp vào những công việc trái ngược với tình yêu, làm ô uế, xúc phạm, phá hoại, tiêu hủy cuộc sống của con người. Và nếu như mọi người, một số người ngày càng đông đảo hơn, không đồng ý thực hiện hay tham gia vào những công việc như thế, thì sẽ tự nó được thiết lập, tôi không nói Vương quốc của Thiên Chúa (Vương quốc của Thiên Chúa, sự thực hiện mĩ mãn tất cả những gì mà con người không thể không ao ước, sẽ không bao giờ hiện diện, chừng nào còn cuộc sống nhục thể trong những con người), nhưng rõ ràng một cuộc sống, mà với nó sẽ là xấu hổ cả cầm quyền lẫn phục tùng quyền lực của con người đối với con người.

Sẽ xấu hổ là một phú gia, xấu hổ sở hữu đất đai, xấu hổ, tôi không nói giao chiến nữa, mà chỉ xem là kẻ thù những người thuộc những dân tộc khác. Và trong nhân gian sẽ có một ý thức rõ ràng về những gì con người không được làm và sẽ không thể tiếp diễn nữa cái đời sống thú tính, trái ngược với lý trí và tình cảm, mà hiện nay chúng ta đang sống, và một cách tất yếu và liên tục chúng ta sẽ nhích lại gần hơn và gần hơn nữa với cái cuộc sống hữu lý và thiện phúc duy nhất thích hợp với loài người trong thời đại ngày nay.

15 tháng Bảy 1909  Yasnaya Poliana

[138] Giới luật duy nhất (“Edinaja zapoved”) Bài viết này có thể được xem như là một cố gắng của Tolstoi trình bày một cách tập trung và có hệ thống quan niệm của mình về Thượng Đế – cái quan niệm mậ theo ông có thể làm cơ sở cho một tôn giáo thống nhất của toàn thể loài người. Tolstoi bắt đầu viết nó từ giữa tháng Năm 1909, viết đi viết lại nhiều lần, đưa cho bạn bè thân tín xem để góp ý kiến và chỉ sang năm 1910 mới hoàn thành. Sinh thời đã không một tạp chí Nga nào đồng ý đăng toàn văn bài này và nó chỉ đến tay bạn đọc sau cách mạng tháng Hai 1917.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x