Trang chủ » 37. CHUYỆN TRÒ VỚI THIẾU NHI NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC 

37. CHUYỆN TRÒ VỚI THIẾU NHI NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC 

by Trung Kiên Lê
101 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Tôi đã thử giảng đạo đức học cho thiếu nhi như thế này: sau khi tập hợp những chân lí đạo đức được các nhà tư tưởng khác nhau phát biểu và diễn đạt lại bằng ngôn ngữ để cho trẻ khoảng 10 tuổi hiểu được, tôi phân chia thành các mục và mỗi ngày đọc cho trẻ nghe một tư tưởng theo thứ tự mục, và sau khi đọc xong yêu cầu chúng nói lại bằng lời mình những gì tôi vừa đọc, giải thích những chỗ chúng chưa hiểu và trả lời những câu hỏi được khơi gợi bởi cái được đọc.

Những mục như thế tôi đã soạn được gần 20, tôi nói gần 20 bởi vì còn chưa quyết định dứt khoát số lượng mục và lúc thì tăng lên, lúc thì bớt đi. 

Những mục chính là như sau:

1) Thượng Đế

2) Cuộc sống của ta ở trong quyền năng của Thượng Đế 

3) Con người là con của Thượng Đế

4) Trí tuệ

5) Tình yêu

6) Sự hoàn thiện hóa 

7) Sự cố gắng

8) Tư tưởng

9) Lời nói

10)     Hành vi là việc làm

11) Những cám dỗ nội tại

12) Những cám dỗ ngoại tại

13) Đức khiêm nhường

14) Đức tự hi sinh

15) Nguyên tắc bất kháng 

16) Cuộc sống trong hiện tại

17) Cái chết

18) Hạnh phúc được sống

19) Tín ngưỡng (tôn giáo)

Những chân lí như thế tôi đã tập hợp được trên 700, thành thử nếu phần bố chúng theo số ngày (trong năm), thì mỗi ngày có 2 tư tưởng.

TỪ MỤC 1

Một hôm đàn cá dưới sông nghe thấy người nói: cá chỉ có thể sống được trong nước. Và lũ cá bắt đầu hỏi nhau: nước là gì? Và không một con cá nào trong sông trả lời được nước là gì. Khi ấy một con cá già, thông minh nói rằng ngoài biển có một con cá anh minh vô cùng. Cái gì nó cũng biết. Chúng ta hãy tìm đến hỏi nó: nước là gì? Thế là đàn cá bơi ra biển, tìm đến con cá già anh minh và hỏi: làm thế nào để chúng tôi biết được nước là gì? Con cá anh minh nói: các bạn không biết nước là gì vì các bạn sống trong nước. Ta chỉ biết được nước là gì khi ta đã ra khỏi nước và cảm thấy không có nó không sống được. Chỉ khi ấy ta mới hiểu tất cả chúng ta đều sống nhờ nước và không có nước thì không có sự sống.

Cũng là như thế với loài người khi họ nghĩ rằng họ không biết Thượng Đế là gì. Chúng ta sống trong Thượng Đế và nhờ có Thượng Đế, và chỉ cần lìa bỏ Thượng Đế là chúng ta tức khắc thấy khó sống, cũng như cá không có nước.

TỪ MỤC 2

Khi trên đường cái có cướp giật, thì khách du hành không lên đường một mình, anh ta chờ ai đó có bảo vệ để xin đi cùng và sẽ không còn sơ bị cướp giật nữa.

Con người có trí khôn cũng hành xử như thế trong cuộc sống. Anh ta tự nhủ: Trên đời nhiều tai họa đủ kiểu. Tìm đầu ra sự che chở, làm thế nào tránh được tất cả cái đó? Chờ người đồng hành nào để lên đường được an toàn? Đi sau theo ai: theo gót người này hay người kia? Theo gót một phú gia ư, một quan lớn ư, hay theo gót chính hoàng đế? Nhưng liệu họ có bảo vệ được ta không? Bởi lẽ họ cũng bị cướp giật và bị giết, họ cũng chịu tai nạn như những người khác. Vả lại ngay người mà ta sẽ đi cùng có thể sẽ tấn công và trấn lột ta. Thế thì tìm sao cho ra được một người đồng hành mà sẽ không bao giờ tấn công ta và luôn che chở ta? Ta phải đi theo ai? Có một người đồng hành trung thành như thế. Người đồng hành ấy là Thượng Đế. Nên đi theo Người để không bị nạn. Nhưng như thế nào là đi theo Thượng Đế? Đó là mong muốn những gì mà Người muốn và không mong muốn cái Người không muốn. Nhưng bằng cách nào đạt được điều ấy? Hiểu và tuân thủ luật của Người.

TỪ MỤC 3

Đức Kitô đã nói: từng người một là con của Thiên Chúa. Cái đó có nghĩa là thần khí của Thiên Chúa sống trong từng người; về mặt thể xác, mỗi người là con của cha mẹ mình, nhưng về mặt tinh thần thì mỗi người là con của Chúa. Con người càng hiểu biết thần khí của Chúa bên trong mình, càng nhận thức được mình là con của Chúa, thì càng tiến đến gần hơn với Chúa và với hạnh phúc chân chính.

TỪ MỤC 4

Cuộc sống của con người càng thiện lương thì ở anh ta càng nhiều trí thông minh. Và con người càng thông minh thì cuộc sống của nó càng thiện lương.

Để cuộc sống được thiện lương, cần có ánh sáng của trí tuệ. Để trí tuệ được minh mẫn, cần có cuộc sống thiện lương. Cái này hỗ trợ cái kia. Cho nên nếu trí tuệ không giúp cho cuộc sống được thiện lương, thì đó không phải là trí tuệ thực thụ. Và nếu cuộc sống không trợ giúp cho trí tuệ, thì đó không phải là cuộc sống thiện lương.

TỪ MỤC 5

Hãy cố yêu thương người mà bạn không ưa thích, người đã xúc phạm bạn. Và nếu bạn làm được điều đó, thì bạn sẽ lập tức cảm thấy sung sướng trong lòng. Giống như ánh sáng chói lọi hơn sau bóng tối, cũng như thế ta thường thấy vui sướng đặc biệt khi mà thay vì căm giận và bực tức, ta cảm thấy yêu thượng kẻ mà trước đây ta không yêu, kẻ từng xúc phạm ta.

TỪ MỤC 6

TỪ MỤC 6 Tất cả chúng ta đều biết chúng ta đã không sống như cần phải và lẽ ra có thể sống. Và vì vậy nên luôn luôn nhớ rằng cuộc sống của chúng ta có thể và cần phải trở nên tốt hơn.

Cần nhớ cái đó không phải để chê bai cuộc sống của người khác và của mình mà không sửa đổi nó, và để từng ngày từng giờ cố gắng trở nên tốt hơn dù chỉ một chút ít, để tự tu chính.

Đấy là công việc chính và nó mang lại nhiều niềm vui hơn cả trong cuộc đời.

TỪ MỤC 7

Ta thấy khó chịu, khi người khác khen ta về cái ta không làm, và cũng thấy khó chịu khi bị quở trách về cái không đáng quở trách. Nhưng có thể tìm thấy ích lợi cho mình cả trong những lời khen và lời trách không đáng ấy. Nếu bạn đã không làm cái việc tốt mà vì nó bạn được khen thì hãy cố gắng làm điều đó. Còn nếu bạn bị trách vì cái việc mà bạn không làm thì từ nay hãy cố gắng đừng làm điều đó.

TỪ MỤC 8

Tựa như bằng hàm thiếc chúng ta điều khiển ngựa và bằng bánh lái điều khiển tàu bè, cũng như thế bằng lưỡi (ngôn ngữ) chúng ta điều khiển thân thể mình. Bằng ngôn ngữ có thể làm ô uế và cũng có thể làm linh thiêng mình. Cho nên không nên bạ đâu nói đấy, mà phải chăm chú theo dõi những lời nói của mình.

Lời nói là việc làm tối hệ trọng. Tựa như một ngọn lửa nhỏ có thể thiêu cháy nhiều làng, chỉ một lời nói có thể gây nên một tai họa lớn.

TỪ MỤC 9

Để không làm việc ác, cần phải kiêng tránh không chỉ những việc làm, mà cả những lời nói ác độc. Mà để kiêng tránh những việc làm và lời nói ác độc thì phải biết kiêng tránh cả những ý nghĩ ác độc. Khi bạn suy nghĩ một mình và những ý nghĩ bất thiện sẽ đến với bạn — bạn lên án hay tức giận một ai đó – thì hãy nhớ ra rằng nghĩ như thế là không tốt, hãy dừng lại và cố gắng ngĩ về cái khác. Chỉ khi nào bạn biết kiêng tránh những ý nghĩ độc ác, khi ấy bạn mới kiêng tránh được những việc làm ác độc. Căn nguyên của những việc ác ở những ý nghĩ ác.

TỪ MỤC 10

Người ta hỏi một hiền giả Trung Hoa: có chữ nào mà lại có thể mang lại hạnh phúc trọn đời?

Hiền giả ay trả lời: “Có chữ “thứ”, nghĩa là thế này: đừng làm cho người cái ta không muốn người làm cho ta.”

Còn khi người ta hỏi đức Kitô về lời dạy cốt yếu thì Người nói: “Trong mọi việc, muốn những người khác đối xử với các bạn thế nào thì hãy đối xử với họ như thế. Toàn bộ lề luật và sấm truyền là ở đó.”

Nhà hiền triết Trung Hoa dạy đừng làm cho người khác cái gì ta không muốn cho mình, tức là đừng hành xử không theo tình yêu thương. Còn Kitô thì dạy: không những đừng làm cho người cái không muốn cho mình, mà còn hãy làm cho người cái muốn cho mình – hãy hành xử theo tình yêu thương.

TỪ MỤC 11

Không nên hùa theo những gì mà người khác làm, mà nên sống bằng trí khôn của mình. Không hề chi, nếu chúng ta cười mà không biết tại sao, chỉ vì thấy người khác cười, hay nếu thấy người khác ngáp thì ta cũng ngáp. Nhưng sẽ không tốt, nếu chúng ta ngả theo tình cảm độc ác của người đang căm giận ta, đang xúc phạm ta. Y căm giận, ta cũng căm giận. Đấy, chính lúc này cái quý giá hơn “cả là đừng để tình cảm ác lây lan sang mình mà, ngược lại, lấy sự hiền từ đáp trả sự hờn căm. Nếu với những kẻ ác bạn sẽ ác như họ thì mau chóng bạn sẽ trở nên ác độc cả với những người hiền.

TỪ MỤC 12

Trong kinh Phúc Âm được nói rằng cái gì oai vệ với người đời, cái đó hèn mạt trong con mắt Thiên Chúa (Luc XVII,15) – nên luôn luôn nhớ điều đó để không xem là vĩ đại và quan trọng những gì là bé nhỏ và hèn mạt. Nên luôn nhớ điều đó, bởi vì người đời luôn đề cao, tô điểm cho cái mà họ biết rằng nếu không được đề cao, tô điểm thì sẽ không ai để ý đến và sẽ bị coi là xấu xa. Mọi lễ đường, mọi cuộc diễu hành với âm nhạc, cờ quạt, y phục lộng lẫy đều được tổ chức vì mục đích ấy. Cần không ngã lòng trước sự hào nhoáng ấy và nhớ rằng tất cả những gì chân chính và thiện hảo đều không cần đến sự tô điểm mà thường giản dị, khiêm tốn.

TỪ MỤC 14

Loài người sống được nhờ lao động của mọi người. Cả nồi gang, lưỡi hái, lưỡi cày, len dạ, giấy, diêm, nến, dầu hỏa và hàng ngàn đồ dùng khác, tất cả đều là công sức của những con người. Vì vậy, để không cướp đi công sức của những người khác, cần phải bằng lao động của mình đền trả những công sức ấy mỗi khi ta hưởng thụ chúng.

Có câu ngạn ngữ nói rằng nếu một người sống mà không làm việc, thì ở một nơi nào đó, một người nào đó vì thế mà đang chết đói.

Nhưng làm sao tính được tôi lấy nhiều hơn hay cho nhiều hơn? Không thể tính được, cho nên để không là kẻ cắp hay kẻ giết người, tốt nhất hãy cho nhiều hơn lấy, mà để có được điều đó cần phải làm việc thật nhiều và nhận thật ít từ những người khác.

TỪ MỤC 15

“Các người đã nghe dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn ta, ta bảo các người: đừng chống cự cái ác; ngược lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Matt. V, 38-39). Học thuyết này ngăn cấm làm những điều mà từ chúng cái ác trên thế giới được nhân lên chứ không chấm dứt. Khi một người tấn công người khác, xúc phạm anh ta thì bằng cách ấy nó nhen nhóm lên trong người khác tình cảm căm thù – căn nguyên của mọi điều ác. Thế thì phải làm gì để dập tắt tình cảm ác ấy? Chẩng lẽ lại làm chính điều đã gây nên tình cảm ác, tức là lặp lại cái việc xấu xa? Hành xử như thế tức là thay vì tiêu diệt cái ác, làm gia tăng nó.

Cho nên không lấy ác chống ác là phương pháp duy nhất để chiến thắng cái ác, chỉ có nó mới triệt tiêu được cái ác cả ở kẻ đã làm lẫn ở người phải chịu.

TỪ MỤC 16

Đừng bao giờ trì hoãn việc thiện mà ta có thể làm ngay hôm nay. Thần chết không tính tới việc con ngườỉ đã làm hay chưa những gì phải làm.

Thần chết không chờ một ai và một cái gì. Nó không có cả thù lẫn bạn. Những việc làm của con người, những gì mà nó đã kịp làm, trở thành số phận của nó, tốt hay xấu. Và vì vậy đối với con người cái quan trọng nhất trên đời là cái nó đang làm.

TỪ MỤC 17

Con người trông thấy mọi vật trên thế gian – cả cây cỏ lẫn chim muông – đều sinh ra, lớn lên, sinh sôi nảy nở rồi suy yếu, hư hại, già cỗi và chết đi. Cũng cái đó con người nhận thấy ở thân thể mình và khi nhìn những người khác đang chết, nó biết cả về nó rằng thân thể của nó cũng sẽ già đi, sẽ hư hại và sẽ chết đi như tất cả những gì sinh ra và sống trên thế gian này.

Nhưng ngoài cái mà con người trông thấy ở các vật sống và ở loài người, mỗi người còn biết ở trong mình cái không hư hại, không già cỗi, mà ngược lại, càng sống lâu thì càng trở nên tốt đẹp hơn và mạnh mẽ hơn – mỗi người còn biết trong mình cái linh hồn của mình.

Cái gì sẽ đến với hồn ta, khi ta chết đi, không ai biết được. Song chúng ta biết một điều chắc chắn – chỉ cái gì thuộc về thân xác, cái đó mới hư hại, phân hủy và rữa nát, còn linh hồn thì không thuộc thân xác cho nên với nó, không thể xảy ra những điều diễn ra với thân xác. Vì vậy cái chết chỉ đáng sợ cho những ai sống chỉ bằng thân xác.

Còn đối với người sống bằng phần hồn, thì không có cái chết.

TỪ MỤC 18

Hãy biết và nhớ rằng nếu con người bất hạnh, thì chính nó có lỗi trong việc ấy, bởi vì Thượng Đế sáng tạo ra loài người không để cho chúng bất hạnh mà để cho chúng được hạnh phúc. Người đời thường thấy mình bất hạnh chỉ khi họ mong muốn cái mà họ không phải lúc nào cũng có thể có và họ hạnh phúc khi mong muốn cái họ luôn luôn có thể có. Thế thì cái gì loài người không phải lúc nào cũng có thể có? Và cái gì họ luôn luôn có thể có khi họ mong muốn?

Con người không phải lúc nào cũng có thể có cái không thuộc quyền năng của nó, cái mà những người khác có thể cướp đi của nó. Tất cả những thứ ấy con người không thể luôn luôn có. Nó luôn luôn có thể có chỉ cái mà không ai có thể cướp đi của nó.

Cái thứ nhất, đó là tất cả những lợi lộc trần thế, sự giàu có, vinh hiển, sức khỏe. Cái thứ hai là linh hồn của ta, lòng mong muốn trong mọi sự thực hiện ý chí của Đấng Tối Cao. Và Đấng Tối Cao đã cho chúng ta sở hữu đúng cái cần thiết hơn cả cho hạnh phúc của chúng ta, bởi lẽ không một cái gì, không một lợi ích trần thế nào có thể cho ta cái chân phúc, mà chỉ luôn luôn đánh lừa chúng ta. Chỉ sự thực hiện ý chí của Thuợng Đế mới mang lại cho ta hạnh phúc chân chính. Thuợng Đế không phải là kẻ thù của chúng ta, Người đã xử sự với chúng ta như một người cha hiền từ: Người đã không cho chúng ta chỉ những gì không thể mang lại cho ta hạnh phúc.

TỪ MỤC 19

Trong mọi tôn giáo, giáo thuyết về việc loài người cần phải sống thế nào là thống nhất. Nghi lễ khác nhau, nhưng tôn giáo là một.

Người minh mẫn nhìn thấy cái nhất thống trong mọi tôn giáo, kẻ ngu tối thì chỉ nhìn thấy những điều dị biệt.  

[1907] [141] Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức (“Besedy s det’mi po nvavstvennym voprosam”) Tòa soạn tạp chí Giáo dục tự do (“Svobodnoe vospitanie”) mới xuất bản ở Nga vào cuối 1907 đề nghị Tolstoi viết cho họ một bài chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em. Tolstoi, suốt đời quan tâm tha thiết đến vấn đề này, đã lập tức hưởng ứng đề nghị của tạp chí.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x