Trang chủ » 5. LỜI BẠT CHO BẢN SONAT KREUTZER

5. LỜI BẠT CHO BẢN SONAT KREUTZER

by Trung Kiên Lê
142 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Tôi đã và đang nhận được nhiều thư của những người không quen biết đề nghị tôi giải thích bằng những lời lẽ giản dị và rõ ràng những suy nghĩ của tôi về đối tượng của truyện ngắn Bản sonat Kreutzer mà tôi đã viết. Tôi sẽ cố gắng làm điều đó, tức là bằng mấy lời ngắn gọn diễn đạt, ở mức có thể làm, thực chất của những gì mà tôi muốn nói trong truyện ấy và của những kết luận mà theo tôi có thể rút ra từ nó.

Tôi muốn nói, thứ nhất, rằng trong xã hội của chúng ta đã được định hình một xác tín vững chắc, chung cho mọi đẳng cấp và lại được nền khoa học lầm lạc nâng đỡ, đó là quan hệ tính giao là việc làm cần thiết cho sức khỏe, và bởi lí do hôn nhân là việc không phải lúc nào cũng khả thể, cho nên quan hệ tính giao bên ngoài hôn nhân, không bắt buộc người đàn ông làm cái gì khác ngoài trả tiền, là việc hoàn toàn tự nhiên và vì thế phải được khuyến khích.

Quan niệm ấy đã trở nên phổ biến và vững chắc đến mức các bậc cha mẹ, theo lời khuyên của các bác sĩ, tổ chức sự trụy lạc cho con em của mình; các chính phủ, mà lẽ (tồn tại) duy nhất của họ là chăm lo cho phúc lợi đạo đức – tinh thần của các công dân của mình, thì xác lập sự trụy lạc, tức là điều hành cả một tầng lớp phụ nữ có bổn phận tự hủy hoại cả thể xác lẫn tinh thần vì những nhu cầu hư ảo của đàn ông, và thế là những người đàn ông độc thân với lương tâm thanh thản hoàn toàn lao vào sự trụy lạc ấy.

Và do vậy, tôi muốn nói rằng cái đó là không tốt, bởi vì không thể có chuyện là vì sức khỏe của những người này mà cân phải hãm hại thân thể và linh hồn của những người khác, cũng như không thể có chuyện là vì sức khỏe của người này mà cần uống máu người khác.

Còn kết luận mà, như tôi thiết nghĩ, một cách tự nhiên được rút ra từ điều đó, là không nên hùa theo sự lầm lỗi và sự lừa dối ấy. Mà để không hùa theo thì, thứ nhất, cần phải không tin vào những học thuyết vô luân, dù chúng có được những khoa học hư ngụy nào chăng nữa ủng hộ, và thứ hai, cần phải hiểu rằng việc bước vào một kiểu quan hệ tính giao mà với nó người ta hoặc giải phóng mình khỏi những hậu quả khả thể – sự có con, hoặc trút toàn bộ gánh nặng của hậu quả ấy lên người phụ nữ, hoặc ngăn chặn khả năng sinh con – rằng quan hệ tính giao như thế là sự giẫm đạp lên một yêu cầu sơ đẳng nhất của đạo đức, là sự đểu cáng, cho nên những người độc thân không muốn sống đểu cáng không nên làm điều đó.

Để cho họ có thể kiêng giữ, thì họ phải, ngoài việc sống một lối sống tự nhiên – không uống rượu, không ăn quá nhiều, không ăn thịt và không né tránh lao động (không phải thể dục điền kinh, mà là lao động làm mệt, không mang tính trò chơi), còn phải không cho phép mình nghĩ đến khả năng có quan hệ với những phụ nữ của người khác, hệt như bất cứ ai cũng đều không cho phép có một khả năng như thế giữa mình và mẹ, chị em gái, họ hàng và vợ của bạn mình.

Còn những minh chứng cho sự kiêng giữ như thế là khả thể, ít nguy hiểm và có hại cho sức khỏe hơn là sự không kiêng giữ, thì mỗi một người đàn ông có thể tìm thấy xung quanh mình hàng trăm.

Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, ấy là trong xã hội chúng ta, do sự nhìn nhận quan hệ luyến ái không chỉ như là một điều kiện thiết yếu cho sức khỏe và như là một lạc thú, mà còn như là một hạnh phúc cao cả, đầy chất thơ của cuộc sống, nên sự không chung thủy giữa vợ chồng trong tất cả các tầng lớp xã hội (đặc biệt trong tầng lớp nông dân, do chế độ quân dịch) đã trở thành một hiện tượng thông thường nhất.

Và tôi cho rằng cái đó là không tốt. Còn kết luận xuất phát từ đấy là không nên làm điều đó.

Mà để không làm điều đó thì cần làm sao cho cách nhìn nhận về tình yêu xác thịt được đổi khác, sao cho những người đàn ông và đàn bà được giáo dục trong gia đình và bằng dư luận xã hội một cách thích ứng, khiến họ cả trước cũng như sau hôn nhân không xem sự phải lòng, sự si tình và tình yêu xác thịt gắn bó với nó là một trạng thái thơ mộng và cao thượng, như người đời nhìn hiện nay, mà như một trạng thái thú tính hạ nhục con người, và khiến cho sự vi phạm lời giao ước thủy chung, được đưa ra trong khi kết hôn, bị dư luận xã hội phỉ báng ít nhất cũng như sự vi phạm những cam kết về tiền nong hay sự lừa đảo trong mua bán hiện nay bị phỉ báng, chứ không phải được ca ngợi, như hiện giờ vẫn đương làm, trong các tiểu thuyết, các bài thơ, bài hát, nhạc kịch,…

Đó là điều thứ hai.

Thứ ba, ấy là trong xã hội chúng ta, cũng lại do ý nghĩa sai trái được gán định cho tình yêu xác thịt, sự sinh con đẻ cái đã mất đi ý nghĩa của nó, và thay vì là mục đích và điều biện minh cho quan hệ vợ chồng, nó đã trở thành chướng ngại cho việc tiếp tục thỏa thích những quan hệ ái ân, vì vậy mà cả ngoài lẫn trong hôn nhân, theo khuyến nghị của các vị tư tế của khoa học y thuật, đã được dùng tràn lan những phương tiện tước đi của người phụ nữ khả năng sinh con, hoặc đã bắt đầu trở thành tập quán và thói quen cái điều mà cả xưa kia lẫn hiện nay không có trong các gia đình nông dân phụ quyền: sự tiếp tục quan hệ vợ chồng trong khi người vợ mang thai và cho con bú.

Và tôi cho rằng cái đó là không tốt. Là không tốt việc sử dụng những – phương tiện chống thai, thứ nhất bởi vì việc đó giải phóng con người khỏi những chăm lo và lao động vì con cái, vốn là sự chuộc tội cho tình yêu xác thịt, và thứ hai, việc đó rất gần với một hành động trái ngược nhất với lương tâm con người – sự sát sinh. Và cũng không tốt việc không kiêng giữ trong thời gian mang thai và cho con bú, bởi vì việc đó phương hại đến thể lực, và cái chính là đến tâm lực của người phụ nữ.

Kết luận xuất phát từ đấy là không nên làm những việc ấy. Mà để không làm, cần phải hĩểu rằng sự kiêng giữ, là điều kiện thiết yếu của phẩm giá con người trong trạng thái ngoài hôn nhân, và còn mang tính bắt buộc hơn trong hôn nhân.

Đó là điều thứ ba.

Thứ tư, trong xã hội chúng ta, nơi mà con cái hoặc là chướng ngại vật cho sự hưởng lạc, hoặc là một ngẫu nhiên bất hạnh, hoặc là một kiểu lạc thú, khi chúng được sinh ra với số lượng định trước, những người con ấy được giáo dục không phải vì những nhiệm vụ của nhân sinh mà chúng sẽ phải thực hiện với tư cách những sinh linh có trí tuệ và biết yêu thương, mà chỉ vì những khoái cảm mà chúng có thể mang lại cho cha mẹ.

Do đó, những người con ấy được nuôi dưỡng như con của loài vật, và mối chăm lo chính của các cha mẹ không còn là chuẩn bị chúng cho những hoạt động xứng đáng với con người, mà chỉ là (và ở điểm này các bậc cha mẹ được cái khoa học lầm lạc gọi là y học ủng hộ) cho ăn thật tốt, làm cho chúng lớn nhanh, trở nên sạch sẽ, trắng trẻo, no ấm, đẹp xinh (nếu trong các giai cấp hạ lưu người ta không làm điều đó thì chỉ do sự tất yếu, chứ còn quan niệm thì chỉ là một).

Và ở những người con được chỉều chuộng quá mức, cũng như ở tất cả các động vật được vỗ béo quá mức, một cách phi tự nhiên sớm xuất hiện tính nhục dục không thê cưỡng lại, là nguyên nhân của những đau khổ đáng sợ của những trẻ em ấy vào tuổi thiếu niên. Những bộ trang phục, những sách đọc, những trò xem, âm nhạc, khiêu vũ, thức ăn ngon ngọt, toàn bộ môi trường sống, tư tranh trên các hộp đến những tiểu thuyết, truyện vừa và trường ca, lại càng khơi gợi thêm tính nhục dục ấy, và hệ quả là những thói hư và chứng bệnh tính dục tệ hại nhất trở thành những điều kiện thông thường của sự phát triển trẻ thuộc cả hai giới và nhiều khi chúng biến thành những tật cố hữu ở người đã bước vào tuổi trưởng thành.

Và tôi cho rằng cái đó là không tốt. Còn kết luận mà có thế rút ra từ đấy, đó là cần phải ngừng nuôi dưỡng con cái của loài người như là con cái của loài vật và để giáo dưỡng con cái của loài người cần phải đặt ra cho mình những mục đích khác nữa, ngoài cái thân thể hấp dẫn được chăm sóc từng ly từng tí.

Đó là điều thứ tư.

Thứ năm, ấy là trong xã hội chúng ta, nơi mà sự phải lòng giữa người đàn ông và người đàn bà trẻ tuổi, dẫu sao thì vẫn nảy nở trên cơ sở tình yêu xác thịt, được nâng lên thành một mục tiêu cao nhất và thơ mộng nhất của mọi khao khát nơi con người, mà bằng chứng nói lên cái đó là toàn bộ nghệ thuật và thơ ca của chúng ta – trong một xã hội như vậy những người thanh niên dành những năm tháng tốt đẹp nhất của đời mình để nam giới thì nhòm ngó, tìm kiếm và chỉếm hữu những đối tượng “sộp” nhất của tình yêu dưới hình thức tư tình hay hôn nhân, còn nữ giới thì quyến rũ và lôi kéo đàn ông vào những cuộc dan díu hay hôn nhân.

Do đó mà những sức lực tinh hoa của con người bị tiêu phí cho những việc không chỉ khôngnăng sản, mà còn có hại. Từ đó mà đa phần phát sinh sự xa xỉ điên rồ của cuộc sống chúng ta, sự nhàn tản của giới nam và sự không biết hổ thẹn của giới nữ – không ngại ngùng phơi bày những bộ phận của thân thể kích thích nhục dục theo thời trang vay mượn ở những người đàn bà trụy lạc.

Và tôi cho rằng cái đó là không tốt.

Cái đó không tốt bởi vì, sự đạt tới mục đích gắn kết trong hoặc ngoài hôn nhân với đối tượng của tình yêu, bằng hôn nhân hay bên ngoài hôn nhân, cho dù việc này có được thi vị hóa đến đâu, vẫn là việc không xứng đáng với con người, cũng như là không xứng đáng với con người cái mà nhiều người coi là phúc lợi cao nhất – kiếm được cho mình thật nhiều thức ăn ngon ngọt.

Còn kết luận có thể rút ra từ đấy, đó là cần phải thôi nghĩ rằng tình yêu xác thịt là một cái gì đó đặc biệt cao quý, mà cần phải hiểu rằng mục đích xứng đáng với con người – phụng sự nhân loại, hay tổ quốc, hay khoa học nghệ thuật (chưa nói đến phụng sự Thượng Đế) – bất kể nó là gì, chỉ cần chúng ta xem nó là xứng đáng với con người, không thể đạt được bằng sự gắn kết với đối tượng tình yêu trong hay ngoài hôn nhân, mà ngược lại, sự phải lòng và gắn kết với đối tượng tình yêu (cho dù người ta có cố gắng chứng minh điều này đến đâu trong thơ ca và văn xuôi) không bao giờ tạo thuận lợi, mà luôn luôn chỉ gây khó khăn cho sự đạt tới cái đích xứng đáng với con người.

Đây là điều thứ năm.

Đó là những gì cốt lõi mà tôi muốn nói và thiển nghĩ rằng đã nói lên được trong thiên truyện của mình. Và tôi đã tưởng rằng có thể bàn luận về việc làm thế nào sửa chữa được cái ác, mà những luận điểm ấy đã chỉ ra, và không thể nào không đồng tình với chúng.

Tôi tưởng rằng người ta không thể không đồng tình với những luận điểm ấy, thứ nhất, bởi vì chúng hoàn toàn phù hợp với sự tiến bộ của loài người, luôn luôn đi từ sự buông thả lớn hơn đến sự tiết dục lớn hơn, và với ý thức đạo đức của xã hội, với lương tâm của chúng ta, bao giờ cũng lên án sự buông thả và quý trọng phẩm tiết; và thứ hai, bởi vì những luận điểm ấy chỉ là những kết luận tất yếu từ học thuyết của kinh Phúc Âm mà chúng ta đều tuyên tín hoặc ít nhất, dù chỉ vô thức, thừa nhận là cơ sở của những khái niệm của chúng ta về đạo đức.

Nhưng đã diễn ra không như thế.

Thực tình mà nói, không một ai tranh cãi trực tiếp với những điều như là không nên ăn chơi trác táng trước cùng như sau hôn nhân, hoặc không nên ngăn chăn một cách nhân tạo sự sinh con đẻ cái, hoặc không nên biến con cái thành vật tiêu khiển, hoặc không nên đặt sự gắn kết ái ân lên cao hơn tất cả, – tóm lại, không ai tranh luận về việc sự tiết dục tốt hơn thói buông thả. Nhưng người ta nói: “Nếu không kết hôn tốt hơn kết hôn thì rõ ràng con người phải làm cái gì tốt hơn. Nhưng nếu làm như thế, thì loài người sẽ chấm dứt sự tồn tại, mà sự diệt vong loài người không thể là lí tưởng của nó.”

Chưa nói đến chuyện sự diệt vong loài người không phải là một khái niệm mới đối với nhân quần trong thế giới chúng ta mà là một tín điều tôn giáo đối với những người có đạo, còn đối với những người làm khoa học thì là một kết luận không thể tránh khỏi từ những quan sát về sự nguội đi của mặt trời; trong lời phản bác này có một sự ngộ nhận lớn, phổ biến và cũ kĩ.

Người ta bảo: “Nếu loài người đạt tới lí tưởng phẩm tiết viên mãn thì nó sẽ tự diệt vong, vì thế mà lí tưởng này là không chính đáng.” Song những ai nói như thế, dù hữu ý hay vô tình đều lẫn lộn hai thứ – quy tắc, quy định và lí tưởng.

Phẩm tiết không phải là quy tắc hay quy định, mà là lí tưởng, hay nói đúng hơn, một trong những điều kiện của lí tưởng. Mà lí tưởng, chỉ là lí tưởng khi mà sự thực hiện (trọn vẹn) nó chỉ khả thể trong ý tưởng, trong tư tưởng, khi mà nó được xem là có thể đạt được chỉ trong vô tận, vì thế mà khả năng tiến lại gần với nó cũng là vô tận. Nếu mà lí tưởng không chỉ có thể đạt được mà chúng ta còn có thể hình dung cho mình sự thực hiện nó, thì nó sẽ không còn là lí tưởng nữa.

Là như thế lí tưởng của Kitô giáo – sự thiết lập vương quốc của Thiên Chúa trên mặt đất, cái lí tưởng trước đó đã được các nhà tiên tri tuyên cáo, khi họ nói sẽ đến thời – mà tất cả mọi người sẽ được Chúa Trời giáo dục, sẽ rèn gươm kiếm thành lưỡi cày, giáo mác thành liềm, sư tử sẽ nằm bên cạnh cừu non và hết thảy những gì tồn tại sẽ được liên kết bằng tình yêu. Toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống con người nằm ở sự vận động hướng tới lí tưởng ấy, vì vậy sự hướng tới lí tưởng Kitô giáo trong chỉnh thể của nó và sự tiết dục như là một trong những điều kiện của nó không những không loại trừ khả năng của sự sống mà ngược lại, sự thiếu vắng lí tưởng Kitô giáo sẽ tiêu hủy sự vận động về phía trước và từ đó tiêu hủy cả khả năng của sự sống.

Suy luận về việc loài người sẽ không còn nữa, nếu mà mọi người bằng mọi cách hướng tới phẩm tiết, tựa như suy luận mà người ta có thể (và thực ra đang) làm về việc loài người sẽ tiêu vong, nếu mà mọi người, thay vì đấu tranh vì sinh tồn, lại hêt lòng hết sức thực hiện tình thương yêu đối với bạn bè cũng như đối với kẻ thù và mọi chúng sinh. Những suy luận như thế xuất phát từ việc không hiểu cái khác nhau giữa hai kiểu hướng dẫn đạo đức – tinh thần.

Giống như có hai kiểu chỉ dẫn cho người tìm đường, người du hành, cũng có hai kiểu hướng dẫn đạo đức – tinh thần cho con người tìm kiếm chân lí. Một cách hướng dẫn là chỉ cho con người những vật chuẩn mà nó sẽ trông thấy, và con người sẽ định hướng theo những vật chuẩn ấy.

Cách hướng dẫn khác là định hướng cho con người theo cái kim chỉ nam mà con người mang theo mình và con người sẽ luôn luôn nhìn thấy theo cái kim chỉ nam ấy một định hướng đã xác định và từ đó mà nhìn thấy tất cả mọi sự đi lệch khỏi hướng ấy nơi mình.

Cách hướng dẫn đạo đức – tinh thần thứ nhất là cách đưa ra những quy định và quy tắc ngoại tại: con người được chỉ cho biết những dấu hiệu xác định của những hành vi mà nó cần phải làm và không được làm.

“Hãy tuân thủ ngày thứ bảy, hãy cắt bao quy đầu, đừng ăn cắp, đừng uống rượu, đừng sát sinh, hãy tắm rửa và cầu nguyện ngày năm lần, hãy làm lễ rửa tội, hãy thụ lễ ban thánh thể,…” Là như thế những chỉ định của những học thuyết tôn giáo ngoại tại: Bàlamôn, Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo hư ngụy của các giáo hội.

Cách hướng dẫn đạo đức – tinh thần thứ hai chỉ cho con người thấy một thể hoàn hảo mà nó không bao giờ có thể đạt tới nhưng niềm khao khát thể hoàn hảo ấy nó nhận thấy được ở bên trong mình: con người được chỉ cho thấy cái lí tưởng, mà trong tương quan với nó con người bao giờ cũng có thể nhận ra mức độ đi lệch ở mình.

“Hãy yêu kính Thượng Đế của người bằng cả trái tim, cả tâm hồn và trí tuệ của mình và hãy yêu thương đồng loại như chính mình. Hãy hoàn thiện như Cha của các người trên trời hoàn thiện.”

Là như thế học thuyết của Ki tô.

Tiêu chí thực hiện các học thuyết tôn giáo ngoại tại là sự ăn khớp giữa những hành vi và những quy tắc cụ thể hóa các học thuyết ấy và sự trùng khít ấy là khả thể.

Tiêu chí thực hiện học thuyết của Kitô là nhận thức về mức độ không phù hợp với thể hoàn hảo lí tưởng (Mức độ gần cận với lí tưởng không thấy được, chỉ thấy được mức độ xa lệch).

Người tuyên tín học thuyết tôn giáo ngoại tại là người đứng dưới ánh đèn được treo lên cột. Anh ta đứng trong ánh sáng của chỉếc đèn ấy, anh ta thấy sáng sủa và anh ta không phải đi đâu xa hơn nữa. Người tuyên tín học thuyết Kitô giáo tựa như một người bộ hành mang chỉếc đèn đằng trước mình trên một cái sào tương đối dài: ánh sáng luôn luôn ở phía trước anh ta và luôn luôn thôi thúc anh ta đi theo nó và luôn luôn mở ra cho anh ta thấy một không gian được chỉếu sáng mới, cuốn hút tới với nó.

Người Pharisee tạ ơn Thượng Đế về việc y thực hiện tất cả (những gì được quy định).

Chàng thanh niên giàu có cùng thực hiện tất cả những gì được quy định từ thơ ấu và không hiểu mình còn thiếu cái gì nữa. Và cả hai đều không thể suy nghĩ khác được: trước họ không có cái mà họ có thể hướng tới. Một phần mười (tài sản) đã được cống, ngày thứ bảy được tuân thủ, cha mẹ được trọng vọng, không tà dâm, không trộm cắp, không giết người. Còn cần gì nữa nào? Nhưng đối với người tuyên tín học thuyết Kitô giáo thì sự đạt được một bậc hoàn hảo lại khơi gợi nhu cầu bước lên bậc cao hơn, mà từ đó anh ta nhìn thấy được bậc cao hơn nữa, và cứ thế không bao giờ kết thúc.

Con người tuyên tín học thuyết Kitô luôn luôn ở trong tình cảnh của một kẻ thu thuế. Anh ta luôn luôn cảm thấy mình bất toàn, không trông thấy sau mình quãng đường đã đi mà chỉ lúc nào cũng thấy trước mình con đường còn phải đi và chưa đi.

Đây là điểm khác biệt giữa học thuyết Kitô giáo với tất cả các học thuyết tôn giáo khác, sự khác biệt này không phải là khác biệt giữa những yêu cầu mà là khác biệt giữa những phương cách hướng dẫn con người. Đức Kitô không đưa ra bất lời giới thuyết nào về cuộc sống, Người cũng không bao giờ lập ra bất kì một thiết chế nào, không bao giờ lập ra cả thiết chế hôn nhân. Nhưng những người không hiểu biết những đặc điểm của học thuyết Kitô, đã quen với những học thuyết ngoại tại và muốn cảm thấy mình là công chính, tựa như người Pharisee cảm thấy mình là công chính, trái ngược với toàn bộ tinh thần của học thuyết Kitô, từ lời văn của nó đã làm ra một học thuyết của những phép tắc, được gọi là giáo thuyết của hội thánh Kitô giáo, và đã lấy nó đánh tráo cái học thuyết chân chính về lí tưởng của Kitô.

Kitô. Những học thuyết của các giáo hội tự xưng là Kitô giáo trong thái độ đối với tất cả những hiện tượng của đời sống, thay vì học thuyết về lí tưởng của Kito, đã đề ra toàn những quy định và quy tắc ngoại tại đi ngược lại học thuyết ấy. Đã được làm như thế trong thái độ đối với chính quyền, tòa án, quân đội, giáo hội, thánh lễ; cũng đã được làm như thế cả với hôn nhân: bất chấp việc Kitô không những không bao giờ xác lập hôn nhân mà phần nhiều phủ nhận nó (“hãy bỏ vợ và đi theo tôi”), các học thuyết của các giáo hội tự xưng là Kitô giáo đã xác lập hôn nhân như là một thiết chế Kitô giáo, tức là họ đã quy định những điều kiện bên ngoài mà với chúng tình yêu xác thịt tuồng như có thể là vô tội, là hợp pháp hoàn toàn đối với người theo đạo Kitô.

Nhưng do trong giáo thuyết của đạo Kitô chân chính không có một căn cứ nào cho thiết chế hôn nhân, cho nên đã xảy ra cái việc là loài người của thế giới chúng ta đã rời một bờ nhưng lại không cập bờ khác, tức là thực tình họ không tin vào những giới thuyết của giáo hội về hôn nhân, cảm thấy rằng thiết chế này không có căn cứ trong học thuyết Kitô, nhưng đồng thời họ lại không nhìn thấy trước mình cái lí tưởng của Kitô đã bị học thuyết của giáo hội che khuất – sự hướng tới phẩm tiết tuyệt đối – và trong thái độ với hôn nhân, họ vẫn như xưa, không có bất kì sự hướng dẫn nào. Từ đó mà xảy ra cái hiện tượng thoạt đầu tưởng chừng trái khoáy, ấy là ở người Do Thái, người Hồi giáo, Lạt Ma giáo và những người khác, tuyên tín những học thuyết tôn giáo cấp thấp hơn nhiều so với đạo Kitô, nhưng lại có những quy định ngoại tại chính xác về hôn nhân, thì nhân tố gia đình và tình chung thủy vợ chồng lại vững chắc hơn một cách không thể so sánh với những người gọi là tín đồ Kitô giáo.

Một bên có thể chế tì thiếp được xác định, thể chế đa thê được giới hạn bằng những ranh giới nhất định. Một bên thì hiện tồn một sự buông tuồng tuyệt đối và cả việc có tì thiếp, cả sự đa thê và đa phu đều không được đặt dưới bất kì một quy định nào mà đơn thuần nương náu dưới hình thức hư tưởng của thể chế một vợ một chồng.

Chỉ bởi lí do một bộ phận nào đó của những cặp gắn kết chấp thuận để giới tăng lữ thực hiện cho họ một nghi lễ xác định có trả tiền được gọi là lễ kết hôn trong nhà thờ, mà những người trong thế giới chúng ta ngây thơ hoặc một cách đạo đức giả nghĩ rằng họ sống trong thể chế một vợ một chồng.

Không thể có và chưa bao giờ có hôn nhân Kitô giáo, cũng như chưa bao giờ có và không thể có thánh lễ Kitô giáo (Matth.VI, 5-12; John, IV, 21), các sư phụ và cha cố Kitô giáo (Matth.XXIII, 8-10), sở hữu Kitô giáo, quân đội, tòa án, nhà nước Kitô giáo. Những tín đồ Kitô giáo chân chính của những thế kỉ đầu và những thế kỉ tiếp theo luôn luôn hiểu như thế.

Lí tưởng của người theo đạo Kitô là tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại, là sự chối bỏ mình để phụng sự Thiên Chúa và đồng loại; tình yêu xác thịt, hôn nhân thì lại là sự phụng sự bản thân mình nên trong mọi trường hợp là chướng ngại cho sự phụng sự Thiên Chúa và nhân loại, vì vậy mà theo quan điểm Kitô giáo là sa ngã và tội lỗi.

Việc kết hôn không thể trợ giúp cho sự phụng sự Thiên Chúa và nhân loại ngay cả trong trường hợp những người kết hôn theo đuổi mục đích duy trì nòi giống con người. Với những người như thế, thay vì kết hôn để sinh đẻ con cái, sẽ là đơn giản hơn nhiều giúp đỡ và cứu vớt hàng triệu sinh mạng trẻ em đang tử vong xung quanh chúng ta vì thiếu dinh dưỡng, tôi chưa nói dinh dưỡng tinh thần, mà chỉ vật chất.

Một tín đồ Kitô giáo có thể kết hôn mà không cảm thấy sa ngã, mắc tội chỉ trong trường hợp anh ta trông thấy và biết rằng tất cả các trẻ em đang sống đã có một đời sống bảo đảm.

Có thể không chấp nhận học thuyết của Kitô, cái học thuyết đã thẩm thấu toàn bộ cuộc sống của chúng ta và làm cơ sở cho toàn bộ nền đạo đức của chúng ta, nhưng khi đã chấp nhận học thuyết ấy thì không thể không công nhận rằng nó chỉ ra lí tưởng về sự phẩm tiết tuyệt đối.

Bởi lẽ trong kinh Phúc Âm đã được nói rõ ràng và không có cách nào hiểu khác đi được – thứ nhất, rằng người đã có vợ không nên ly hôn với vợ để lấy người khác mà cần phải sống với người mà mình một lần đã gắn kết (Matth.V, 31-32; XIX, 8); thứ hai, rằng với con người nói chung, tức là cả với người đã có vợ lẫn người chưa có vợ, việc nhìn phụ nữ như là đối tượng của lạc thú là tội lỗi (Matth.v, 28-29) và thứ ba, rằng đối với người chưa có vợ, việc tuyệt không lấy vợ sẽ là tốt hơn – tức là giữ phẩm tiết trọn vẹn (Matth.XIX, 10-12).

Đối với nhiều người, rất nhiều người, những tư tưởng trên tưởng chừng kì quái và thậm chí mâu thuẫn. Và chúng quả thật mâu thuẫn, nhưng không phải với nhau, mà với toàn bộ đời sống của chúng ta, và bất giác trong ta xuất hiện một mối nghi hoặc: ai đúng? Những tư tưởng ấy hay là đời sống của hàng triệu người và của cả tôi? Chính tôi từng trải nghiệm cảm giác này và ở mức độ mạnh nhất trong quá trình đi đến với những xác tín mà giờ đây tôi bày tỏ: tôi tuyệt không ngờ rằng diễn trình tư duy nơi tôi sẽ dẫn tôi đến nơi mà nó đã dẫn đến. Tôi từng kinh hoàng trước những kết luận của mình, không muốn tin vào chúng, nhưng cũng không thể không tin. Và cho dù những kết luận ấy có mâu thuẫn đến đâu với toàn bộ thể chế đời sống của chúng ta, mâu thuẫn với những gì trước đây tôi nghĩ và thậm chí từng phát biểu, nhưng tôi đã phải thừa nhận chúng.

“Nhưng tất cả cái đó đều là những suy luận chung, mà có thể là đúng đắn, song chúng liên quan đến học thuyết của Kitô và có tính bắt buộc đối với những ai tuyên tín học thuyết ấy, nhưng cuộc sống thì vẫn là cuộc sống và không nên chỉ ra ở đằng trước chỉ một lí tưởng bất cập của Kitô mà để nhân quần ở lại không được hướng dẫn chỉ đạo một trong những vấn đề nóng bỏng nhất/chung nhất và gây ra nhiều tai ương lớn nhất.”

“Một thanh niên đầy nhiệt huyết thoạt đầu sẽ say mê với lí tưởng, song sẽ không chịu đựng được, sẽ trượt ngã và, do không biết và không thừa nhận một quy tắc nào, sẽ sa vào trụy lạc hoàn toàn!”

Người ta thường lập luận như thế.

“Lí tưởng của Kitô là không thể đạt được, vì thế nó không thể làm kim chỉ nam cho chúng ta trong đời sống; có thể nói, có thể mơ ước về nó, nhưng không thể áp dụng nó vào đời sống, vì vậy cần từ bỏ nó. Cái chúng ta cần không phải là lí tưởng, mà là những quy tắc, những chỉ dẫn vừa sức với chúng ta, vừa với trình độ trung bình của những sức lực đạo đức – tinh thần của xã hội chúng ta: sự kết hôn trung thực trong nhà thờ, hoặc cho dù một cuộc hôn nhân không hoàn toàn trung thực, mà ở đấy một trong hai bên kết duyên, ở ta thường là người đàn ông, trước đó đã gắn kết với nhiều phụ nữ, hoặc cho dù cuộc hôn nhân với khả năng ly hôn, hoặc cho dù một cuộc hôn nhân dân sự, hoặc (vẫn đi theo con đường ấy) cho dù hôn nhân kiểu Nhật, có thời hạn – tại sao lại không chấp nhận cả những nhà thổ?”

Người ta bảo, cái đó vẫn tốt hơn sự trụy lạc bừa bãi. Đấy, tai họa chính là ở đấy, ở cái chỗ là một khi đã hạ thấp lí tưởng cho hợp với sự yếu đuối của mình, thì sẽ không thể đĩ đến một giới hạn nào cả.

Nhưng rõ ràng suy luận vừa rồi không đúng đắn ngay từ đầu: không đúng đắn trước hết cái điều nói rằng lí tưởng hoàn hảo vô tận không thể là kim chỉ nam cho đời sống, và khi nhìn thấy nó, cần phải hoặc phủi tay, nói tôi không cần cái lí tưởng ấy bởi vì sẽ không bao giờ đạt tới, hoặc hạ thấp nó xuống đến những cấp bậc mà sự yếu đuối của tôi ưng thuận.

Một suy luận như thế chẳng khác nào một người đi biển sẽ nói vì tôi không đi được theo đúng cái hướng mà la bàn chỉ, cho nên tôi sẽ quẳng la bàn đi hoặc sẽ không nhìn vào nó nữa, tức là vứt bỏ lí tưởng; hoặc là tôi sẽ gắn kim la bàn vào chỗ ứng với hướng đi trong thời điểm ấy của con tàu, tức là hạ thấp lí tưởng xuống cho hợp với sự yếu đuối của tôi. Lí tưởng hoàn hảo được Kitô chỉ ra không phải là ước mơ hay đối tượng của những thuyết giáo hoa mỹ mà là chỉ dẫn thiết yếu nhất và khả dĩ đối vói mọi người trong đời sống đạo đức – tinh thần, cũng như la bàn là công cụ hướng dẫn cần thiết nhất cho người đi biển mà ai ai cũng có thể có; chỉ cần tin vào cả cái này lẫn cái kia.

Cho dù con người có ở trong trạng huống như thế nào, họ luôn luôn cần có học thuyết về lí tưởng của Kitô, và nó là đủ để họ có được sự chỉ dẫn đúng đắn nhất về những hành vi cần được làm và không được làm. Song cần phải tin tưởng hoàn toàn vào học thuyết ấy, chỉ một học thuyết ấy thôi, còn không được tin vào tất cả các học thuyết khác, y như người đi biển phải tin vào la bàn và không ngó nhìn và lấy làm vật chuẩn những gì mà anh ta trông thấy xung quanh. Phải biết dùng học thuyết của Kitô làm công cụ chỉ đạo, y như phải biết sử dụng la bàn làm công cụ chỉ hướng, mà để làm được điều đó thì cần hiểu biết vị trí của mình và phải biết không ngần ngại xác định thật chính xác độ đi chệch của mình so với định hướng lí tưởng.

Cho dù con người có đứng ở bậc nào, với nó vẫn luôn luôn có khả năng tiến lại gần hơn nữa với lí tưởng ấy, và không có một vị trí nào mà ở đây con người có thể nói là đã đạt tới lí tưởng và không cần phải nhích lại gần hơn nữa với nó. Là như thế quan hệ của con người với lí tưởng Ki tô giáo nói chung và với phạm tiết nói riêng. Nếu hình dung ra tất cả những trạng huống của con người trong vấn đề tính dục – từ thời thơ ấu trong trắng đến hôn nhân – mà ở đấy sự kiêng giữ không được tuân thủ, thì ở từng bậc giữa hai trạng huống ấy, học thuyết của Kitô vói lí tưởng mà nó đề ra sẽ luôn luôn là một kim chỉ nam rõ ràng và xác định về những gì con người cần phải làm và những gì không được làm trên từng bậc thang (đạo đức).

Cần phải làm gì đây một chàng trai, một cô gái trong trắng? Giữ mình trong trắng trước mọi cám dỗ, và để có khả năng dâng hiến toàn bộ sức lực của mình cho việc phụng sự Thượng Đế và nhân quần thì phải cố gắng đạt tới sự trinh bạch hơn và hơn nữa trong những tư tưởng và nguyện vọng.

Cần phải làm gì đây một thanh niên và một thiếu nữ đã ngả theo cám dỗ, đã bị cuốn hút bởi những ý nghĩ về tình yêu không có đối tượng hay tình yêu đối với một con người nhất định, và do đó đã đánh mất một phần khả năng phụng sự Thượng Đế và nhân quần? Vẫn là điều đó: không dung túng, không để cho mình sa ngã, vì biết rằng sự dung túng như thế sẽ không giải phóng mình khỏi cám dỗ mà chỉ làm tăng thêm mối cám dỗ và cũng cố gắng đạt tới sự trinh bạch hơn và hơn nữa để có khả năng phụng sự Thiên Chúa và loài người đầy đủ hơn nữa.

Cần phải làm gì đây những người đã không vượt qua được cuộc đấu tranh và đã sa ngã? Nhìn nhận sự sa ngã của mình không phải như là một lạc thú vui hợp pháp, như người đời nhìn nhận hiện nay, khi mà sự sa ngã ấy được biện minh bằng nghi lễ hôn nhân, cũng không phải như là một lạc thú ngẫu nhiên mà có thể lặp lại với những người khác, cũng không phải như một điều bất hạnh khi ma sự sa ngã xảy ra với người không xứng đôi và bên ngoài giá thú, mà xem sự sa ngã đầu tiên của mình là duy nhất, là việc bước vào cuộc hôn nhân không thể phá vỡ.

Việc bước vào cuộc hôn nhân ấy với hậu quả phát sinh từ đó – sự sinh đẻ con cái – quy định cho những người đã kết hôn một hình thức mới, hạn hẹp hơn, trong việc phụng sự Thượng Đế và loài người. Trước hôn nhân, con người có thể trực tiếp dưới những hình thức đa dạng nhất phụng sự Thượng Đế và nhân loại; sự kết hôn giới hạn phạm vi hoạt động của nó và đòi hỏi nó phải nuôi dưỡng và giáo dục những thế hệ sinh ra từ cuộc hôn nhân, những người phụng sự Thượng Đế và nhân loại trong tương lai.

Cần phải làm gì đây một người đàn ông và người đàn bà sống trong hôn nhân và thực hiện việc phụng sự có giới hạn Thượng Đế và loài người thông qua nuôi dưỡng và giáo dục con cái?

Cũng vẫn là điều đó: cùng nhau cố gắng đạt tới sự giải phóng khỏi mối cám dỗ, sự thanh tẩy mình và sự chấm dứt tội lỗi bằng cách thay thế những quan hệ ngáng trở sự phục vụ chung cũng như riêng cho Thượng Đế và nhân quần – thay thế tình yêu xác thịt bằng quan hệ trong trắng giữa anh em.

Và vì vậy là không đúng khi nói rằng chúng ta không thể lấy lí tưởng của Kitô làm kim chỉ nam, bởi vì lí tưởng ấy cao quá, hoàn hảo quá và quá khó đạt tới. Chúng ta không thể lấy nó làm kim chỉ nam chỉ bởi vì chúng ta tự nói dối mình và tự lừa gạt mình.

Bởi lẽ nếu chúng ta nói rằng cần có những quy tắc khả thi hơn lí tưởng của Kitô, bằng không thì chúng ta, khi không đạt được lí tưởng ấy, sẽ sa vào trụy lạc, thì chúng ta nói ra không phải cái điều là lí tưởng của Kitô quá cao đối với chúng ta, mà là chúng ta không tin vào lí tưởng ấy và không muốn xác định những hành vi của mình căn cứ vào nó.

Bởi lẽ khi nói rằng đã trượt ngã một lần thì chúng ta tất sẽ sa vào trụy lạc, chúng ta bằng cách ấy chỉ nói ra rằng chúng ta đã quyết trước: sự sa ngã với người không xứng đôi không phải là tội lỗi, mà là một trò tiêu khiển, một sự mê muội mà không nhất thiết phải sửa chữa bằng cái mà ta gọi là hôn nhân. Còn nếu như chúng ta hiểu rằng sự sa ngã là tội lỗi mà có thể và phải được đền chuộc chỉ bằng cuộc hôn nhân không thể phá vỡ và bằng toàn bộ hoạt động phát xuất từ việc giáo dưỡng những đứa con sinh ra từ cuộc hôn nhân, thì sự sa ngã sẽ không thể nào là nguyên nhân của sự ngập ngụa trong trụy lạc.

Khi nói rằng đã trượt ngã một lần thì chúng ta tất sẽ sa vào trụy lạc thì điều đó chẳng khác nào một người làm ruộng mà lại không coi là sự gieo trồng cái vụ gieo đã không thành công, và lại đi gieo trồng ở chỗ khác, rồi chỗ khác nữa, sẽ chỉ xem là sự gieo trồng đích thực cái vụ gieo thành công. Hiển nhiên là một người như thế sẽ làm hỏng nhiều đất và hạt giống và sẽ không bao giờ biết gieo trồng. Chỉ cần xem phẩm tiết là lí tưởng, chỉ cần coi mọi sự sa ngã bất kì của một ai với bất kì một ai đều là cuộc hôn nhân duy nhất và không thể phá vỡ suốt đời, thì sẽ trở nên hiên nhiên rằng cái kim chỉ nam mà Đức Kitô đã cho chúng ta không chỉ là đủ, mà còn là duy nhất có thể có.

“Con người vốn yếu đuối, phải đặt ra cho nó một nhiệm vụ vừa sức”, người đời nói. Nhưng nói thế chẳng khác nào nói: “Tay tôi yếu, và tôi không kéo được một đường thẳng, tức là đường ngắn nhất giữa hai điểm, cho nên để thuận tiện cho mình, tôi vẫn muốn kéo một đường thẳng đấy nhưng lại lấy làm mẫu cho mình một đường cong hoặc gấp khúc.” Tay tôi càng yếu hơn, thì tôi lại càng cần có một mẫu mực hoàn hảo hơn.

Một khi đã nhận thức được học thuyết về lí tưởng của đạo Kitô thì không thể làm như thể ta không biết về nó và thay thế nó bằng những quy định ngoại tại. Học thuyết về lí tưởng của đạo Kitô được khai mở cho loài người chính vì nó có thể hướng đạo cho loài người trong độ tuổi hiện nay của nhân loại. Nhân loại đã sống qua thời kì của những quy định tôn giáo ngoại tại và đã không còn ai tin vào chúng.

Học thuyết về lí tưởng của đạo Kitô là học thuyết duy nhất có thể dẫn đường chỉ lối cho nhân loại. Không thể, không được thay thế lí tưởng của Kitô giáo bằng những quy tắc ngoại tại, mà cần phải kiên định giương cao trước mình cái lí tưởng ấy trong tất cả sự trong sáng của nó và, cái chính là sự tin tưởng vào nó.

Có thể nói với một người bơi không xa bờ: “Hãy trông theo cái mỏm đồi ấy, cái mũi ấy, cái tháp ấy”,…

Nhưng thời gian trôi qua, và những người đi biển đã rời xa bờ, và vật dân đường cho họ phải là, và chỉ có thể là, những thiên thể không thể với tới và cái la bàn định hướng. Mà cả cái này lẫn cái kia đều được ban cho chúng ta. 

[1890]

❁ ❁ ❁ 

[52] Lời bạt cho Bản sonat Kreutzer (“Posleslovie k Kreitzerovoj sonate”) Truyện Bản sonat Kreutzer (1889) của Tolstoi, bàn về vấn đề tình yêu và hôn nhân trong xã hội hiện đại, đã làm xôn xao dư luận Nga và châu Âu, gây ra những tranh luận sôi nổi, với những ý kiến ủng hộ Tolstoi thì ít mà phản bác thì nhiều. Cho nên ngay sau khi truyện đến tay bạn đọc, Tolstoi đã thấy cần phải viết lời bạt để minh định những quan điểm của mình mà ông cho là trung thành với những lời dạy của Kitô về quan hệ nam nữ, về hôn nhân và gia đình. Dễ thấy những quan điểm tôn giáo luận ấy xa lạ thể nào đối với xã hội thế tục hóa ngày nay, nhưng chính vì thế mà chúng đáng đươc quan tâm tham cứu.Về mặt triết học, bài viết này của Tolstoi đáng để ý bởi sự xác định hợp lý giữa lý tưởng tôn giáo và thực tại đời sống con người, không phủ định cái thứ hai nhưng đặt nó dưới sự hướng đạo của cái thứ nhất.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x