Trang chủ » 7. TOLSTOI VỚI ADIN BALLOU VÀ LEWIS G. WILSON

7. TOLSTOI VỚI ADIN BALLOU VÀ LEWIS G. WILSON

by Trung Kiên Lê
91 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Tiểu dẫn – Adin Ballou (1803-1890) và Leivis G. Wilson (1858-1921) là hai nhà hoạt động tôn giáo Mỹ cùng chí hướng chủ trương đấu tranh phi bạo lực vì các quyền con người, vì tự do, bình đẳng và công bằng xã hội. Sau khi làm quen với một vài tác phẩm của Tolstoi – nhà tư tưởng, Wilson vào tháng Sáu năm 1889 đã chủ động viết thư cho Tolstoi, giới thiệu về mình và về người thầy của mình – Ballou, đồng thời gửi tặng Tolstoi chân dung và 5 cuốn sách của Ballou. Tolstoi đã viết thư trả lời Wilson, rồi sau đó trao đổi thư từ trực tiếp với Ballou cho đến ngày nhà truyền giáo này qua đời.

Trong khảo luận tôn giáo – đức lý lớn nhất của mình Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta (1893), Tolstoi đã dành nhiều trang trình bày với thái độ đằng tình cao độ những quan điểm của Ballou, trích dẫn nhiều tác phẩm của ông cũng như của Garrison, người đề xướng chủ thuyết đấu tranh phi bạo lực, và bằng cách ấy đã làm cho tên tuổi của họ, trước đó khá lu mờ ngay cả ở Mỹ, được biết đến trong toàn thế giới văn minh.

1. Tolstoi gửi Levvis G. Wilson

Yasnaya Polyana 23 tháng Sáu / 5 tháng Bảy 1889

Thưa quý ông,

Tôi ít khi cảm thấy được thỏa mãn như khi đọc chuyên khảo và những cưốn sách khác của ông Ballou và không thể đồng ý với ý kiến của ông rằng Ballou “sẽ không sống mãi cho hậu thế”. Theo tôi, với tư cách một trong những người đầu tiên tuyên cáo “thời đại mới”, trong tương lai ông ấy sẽ được thừa nhận là một trong những ân nhân vĩ đại nhất của loài người. Nếu trong cuộc đời dài và bề ngoài không thành đạt của mình, ông Ballou đã trả iqua những thời kỳ trầm uất, tưởng rằng tất cả mọi công sức của ông đều uổng phí, thì về mặt này ông ấy chi chia sẻ số phận với người Thầy của mình và của chúng ta.

Xin ông truyền đạt tới ông ấy rằng những nỗ lực của ông ấy đã không uổng phí; chúng truyền thêm sức mạnh cho những người khác, như tôi có thể phán xét qua bản thân mình. Trong những tác phẩm của mình ông ấy, ngoài trình bày những cơ sở chân chính của giáo thuyết, đã đánh đổ một cách xuất sắc tất cả những luận điểm thường được đưa ra để bác bỏ thuyết bất kháng. Tôi sẽ cố gắng dịch một số tác phẩm của ông Ballou và truyền bá chúng trong khả năng của mình và tôi không chỉ hy vọng mà còn đinh ninh rằng đã đến lúc mà “những người chết sẽ nghe thấy tiếng nói của con Thiên Chúa và những ai nghe thấy sẽ hồi sinh.”[373]

Một số ít nhận xét mà tôi có thể đưa ra về những kiến giải giáo lý của ông ấy tựu trung là, thứ nhất tôi không thể không đồng tình với sự nhượng bộ mà ông ấy chấp nhận trong việc sử dụng bạo lực chống lại những người nghiện rượu và mất trí. Thầy của chúng ta đã không nhượng bộ và chúng ta cũng không được cho phép mình một nhân nhượng nào. Chúng ta phải cố gắng, như ông Ballou nói, làm cho sự tồn tại của những con người như thế trở nên bất khả, nhưng nếu họ vẫn tồn tại thì chúng ta phải sử dụng mọi biện pháp hữu khả đối với chúng ta, phải hy sinh mình, nhưng không được dùng bạo lực. Một tín đồ thực thụ của Kitô bao giờ cũng sẽ chọn thà bị kẻ điên giết chết, cònhơn tước đoạt tự do của y.

Thứ hai, ông Ballou giải quyết vấn đề về sở hữu một cách chưa đủ xác định. Một người Kitô giáo thực thụ không những không thể công nhận quyền sở hữu, mà ngay bản thân khái niệm “sở hữu” cũng không thể có một ý nghĩa gì đối với nó. Tất cả những gì mà người theo đạo Kitô dùng, anh ta dùng chỉ chừng nào một ai đó chưa lấy đi của anh ta. Người theo đạo Kitô không thể bảo vệ tài sản của mình, vì thế anh ta không thể có sở hữu. Sở hữu là gót chân Achille của những người Queker cũng như của công xã Hopedale[374]. Thứ ba, tôi cho rằng đối với một tín đồ thực thụ của Kitô khái niệm “chính phủ” (mà ông Ballou định nghĩa rất đúng) không thể tồn tại và không thể có một ý nghĩa thực tế nào.

Đối với người Kitô giáo, chính phủ chỉ là bạo lực được hợp pháp hóa. Những từ: chính phủ, nhà nước, quốc gia, sở hữu, giáo hội – tất cả cái đó đối với một con chiên thực thụ của Kitô không có một nghĩa lý gì; nó chỉ có thể hiểu cái nghĩa mà những người khác gán cho những từ ấy, nhưng đối với nó, chúng hoàn toàn vô nghĩa; hệt như đối với một doanh nhân ra xem cricket giữa trận đấu: tất cả những phân chia sân và các luật chơi khác sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của anh ta. Không một thoái nhượng nào! Những nguyên tắc Kitô giáo phải được tuân thủ đến cùng, để có thể dựng xây trên chúng đời sống thực tiễn.

Những lời của Kitô “Ai muốn đi theo tôi hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ ác của mình và đi theo tôi”[375] đã là đúng đắn trong thời đại của mình và vẫn đúng đắn trong thời đại chúng ta; môn đồ của Kitô phải sẵn sàng chịu đựng nghèo khó và khổ đau, nếu không thì không phải là môn đồ của Người; cả nguyên lý bất kháng cũng đòi hỏi cái đó. Còn hơn thế nữa, sự cần thiết của khổ đau là một đại phúc cho người theo đạo Kitô, nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được chúng ta làm vì ai – vì Chúa Trời hay vì mình.

Sự áp dụng mọi học thuyết vào thực tiễn luôn luôn là sự nhượng bộ, nhưng bản thân học thuyết trong lý thuyết không được chấp nhận một sự thoái nhượng nào; mặc dù chúng ta biết rằng chúng ta không thể kẻ một đường toán học chính xác, chúng ta không thể đưa ra một định nghĩa nào khác về đường thẳng ngoài định nghĩa nó là “khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm”. Tôi sẽ cố gắng tìm cho ông cuốn sách về cuộc sống của tôi và sẽ sung sướng nếu ông và ông Ballou đồng tình với nó.

“Tôi đến mang lửa xuống đất và tôi ao ước sao cho lửa cháy bùng lên!”[376]. Tôi thiết nghĩ, thời buổi ấy đang đến, và thế giới đã bùng cháy, và nhiệm vụ của chúng ta chỉ là cháy và tùy theo sức của mình liên kết với những điểm cháy khác, và cái đó tôi muốn làm cho đến ngày cuối cùng của đời mình.

Rất cám ơn ông vì bức thư của ông, vì chân dung của ông Ballou và vì những cuốn sách[377]. Nhờ ông chuyển tới ông ấy rằng tôi kính trọng sâu sắc và yêu mến ông ấy và rằng những gì ông ấy làm đã mang lại hạnh phúc lớn lao cho linh hồn tôi và tôi nguyện cầu Chúa và hy vọng đến lượt mình tôi cũng sẽ làm những điều ấy cho những người khác.[378]

Người anh em của ông trong Đức Kitô,

Lev Tolstoi

2. Ballou gửi Tolstoi

Ballou gửi Tolstoi Hopedale, Massachusetts, Hoa Kỳ

14 tháng Giêng 1890

Gửi bá tước Lev Tolstoi Yasnaya Polyana, Tula, nước Nga

Thưa quý ông và người anh em của tôi,

Tôi biết ơn ông sâu sắc vì thái độ tán đồng mà ông đã biểu lộ đối với công hình của tôi về sự bất kháng Kitô giáo[379] cũng như vì những tình cảm anh em đối với tôi mà bằng chứng là bức thư của ông đề ngày 5 tháng Bảy 1889 gửi mục sư L. Wilson. Tôi là một người già đã không giành được vinh quang trong thế giới này và đang chuẩn bị chỉ nay mai sang thế giới bên kia, nơi mà danh vọng trần thế không có giá trị gì. Tôi ít băn khoăn bởi cái việc là chỉ một nhúm người chia sẻ cùng tôi cái học thuyết cao cả ấy, trong khi đó thì tuyệt đại đa số, ngay cả trong cái gọi là thế giới Kitô giáo, coi rẻ nó. Tuy nhiên, hiện thực này không cướp đi niềm tin son sắt vào tính chân lý và hoàn hảo thần thánh của nó cũng như vào việc nó cuối cùng sẽ toàn thắng.

Tôi đã không thiên vị tìm hiểu những phản bác mà một số luận điểm trong thuyết bất kháng Kitô giáo của tôi đã gây nên nơi ông và tuyệt không phật lòng trước sự không đồng ý thẳng thắn của ông. Những phản bác như thế luôn luôn có thể có giữa những người tự do và độc lập tinh thần. Nhưng cũng với sự cởi mở anh em như thế tôi phải nói với ông rằng điều đó đã không làm lung lay niềm tin chắc của tôi vào lẽ phải của mình. Vì vậy tôi muốn được phát biểu ngắn gọn với ông để bảo vệ những quan điểm của mình đối nghịch với những quan điểm của ông. Hy vọng, ông sẽ không từ chối nghe tôi.

1. Ông nói: “Tôi không thể đồng tình với việc ông ấy dung thứ bạo lực chống lại những người nghiện rượu và mắc bệnh tâm thần. Thầy của chúng ta đã không chấp nhận ngoại lệ, và chúng ta cũng không được tạo ra những ngoại lệ.” Nhưng tôi đâu có tán thành sử dụng bạo lực như là bạo lực tôi chỉ chấp nhận khả năng trong những hường hợp như thế áp dụng sự tác động tới thân thể một cách vô hại và có thiện ý, bởi vì cần phải lo cho sự an toàn tuyệt đối của tất cả các bên hữu quan.

Tôi không chấp nhận sự giết người sự làm thương tật hay làm hại cho con người. Cái mà tôi đồng tình không những được chấp nhận, mà còn được ấn định bởi những quy luật của ý chí thiện. Thuộc về những trường hợp ngoại lệ này là tất cả các trường hợp rối loạn tâm thân, mất trí cục bộ và cuồng điên. Trong những trường hợp như thê cả hai bên, kẻ tấn công và nạn nhân của nó, sẽ biết ơn vì những biện pháp kiềm chế và ngăn ngừa bạo lực đã được áp dụng và đưa đến kết quả tốt lành. Kinh nghiệm của loài người biết nhiều trường hợp như vậy. Trong những trường hợp như thế không nên lẫn lộn việc sử dụng hữu ích những biện pháp ngăn chặn thể xác với quan niệm của người đời về việc đối với những tội nhân và kẻ thù cần phải áp dụng không biết thương tiếc vũ lực thể chất có thể dẫn đến cái chết. Một quan niệm như thế mới là sự kháng cự cái ác mà Kitô đã nghiêm cấm.

2. Ông nói: “Thầy đã không nhượng bộ bao giờ và chúng ta cũng không được cho phép mình một nhượng bộ nào.” Quả thật, Người đã không chấp nhận một nhượng bộ nào cho phép đối xử tàn nhẫn, áp dụng sức mạnh gây hại hay gây chết chống lại những kẻ tội phạm và kẻ thù. Và cũng không cho phép chúng ta làm như thế. Sự áp dụng sức mạnh như thế được chấp nhận từ những thời tối cổ như là một phương tiện tất yếu và chính đáng để chống lại những kẻ ác. Lập trường này cho đến tận hôm nay vẫn được chia sẻ bởi mọi nhà lập pháp, mọi chính phủ và mọi người sống chỉ bằng những lo toan của thế giới này. Nhưng Đức Kitô thì không cho phép cái đó ở bất kỳ mức độ nào. Song thế thì sao? Người có bao giờ cấm chống lại cái ác bằng những sức mạnh vô hại và hướng tới cái thiện phúc, bất cứ đó là những phương tiện thể chất hay tinh thần? Không bao giờ!

Và giải thích điều răn của Người – “đừng chống lại cái ác”[380] – như là sự thể hiện một lập trường thụ động hoàn toàn đối với tất cả và mọi kiểu biểu hiện của cái ác, bởi Người đã không chỉ ra những giới hạn chính xác, tức là không lưu ý đến ngữ cảnh và gán cho Người một sự phi lý hiển nhiên. Nếu xét theo toàn cục thì thật rõ ràng, sự chống đối cái ác như thế nào được luật pháp và truyền thống chấp nhận, nhưng Người thì lại khuyến dụ chối từ. Từ đó trở nên rõ, là thế nào những khả năng và giới hạn áp dụng lời dạy của Người. Cái đó không ít hơn và không nhiều hơn những gì mà văn bản của điều răn nói đến. Và lý trí được khai minh không thể không tuân theo cái đó.

3. Ông nói: “Sự áp dụng mọi học thuyết vào thực tiên bao giờ cũng là sự nhượng bọ nhưng bản thân học thuyết trong lý thuyết không thể cho phép thoái nhượng v.v…” Tôi không tự tin rằng đã hiểu đúng ý của ông. Nếu thế thì hóa ra không một học thuyết, lý thuyết hoặc điều răn nào có thể được thực hiện trong thực tiễn mà không phải nhượng bộ. Nếu tư tưởng của ông là thế thì tôi không thể đồng ý với nó. Từ góc độ đức lý, tôi thấy là thiếu căn cứ những học thuyết, lý thuyết hay điều răn mà không thể thực hiện trong đời sống thực tiễn một cách triệt để, không đính chính.

Tôi thay thật là nguy hiểm việc nuông chiều sự yếu đuối của con người bằng cách chấp nhận rằng trong thực tiễn có thể xa rời luật đạo đức được thừa nhận là đúng đắn. Trên toàn thế giới, những kẻ giả nhân giả nghĩa mộ đạo và những thầy đời luôn luôn làm ra vẻ họ một lòng một dạ tôn kính những giới luật vĩ đại – như giới luật thứ hai[381] và Quy tắc vàng[382] – nhưng đồng thời lại thường xuyên vi phạm chúng một cách tệ hại nhất, lấy lý do rằng thế sự đã được sắp xếp như thế và con người không thể không nhượng bộ. Vậy thì chúng ta, những người bất kháng, có nên hành xử cũng như thế không – luôn luôn cứng rắn trong bảo vệ học thuyết và tiền hậu bất nhất trong thực tiễn?

4. Ông nói: “Một tín đồ thực thụ của đạo Kitô sẽ luôn luôn chọn thà bị kẻ điên giết chết, còn hơn tước đoạt tự do của y.” Theo phép ngoại suy, tôi cho rằng ông phải công nhận là một tín đồ Kitô giáo chân chính cái người mà, trông thấy tên điên giết trước mắt mình vợ mình, con mình và những người bạn tốt nhất của mình, sẽ bình thản quan sát tất cả cái đó thay vì bằng sức manh hạn chế tự do bệnh hoạn của bệnh nhân mà không làm hại hắn? Điều răn nào của Kitô linh thiêng hóa bệnh điên? Hay là lý trí được khai sáng, lòng nhân đạo và tình bác ái xui khiến một thái độ như thế đối vói những người mắc tâm bệnh?

5. Ông nói: “Một tín đồ Kitô giáo thực thụ không những không thể thừa nhận quyền sở hữu, mà ngay khái niệm “sở hữu” cũng không thể có một ý nghĩa nào đối với anh ta. Tất cả những gì mà người theo đạo Kitô sử dụng, anh ta sử dụng chỉ chừng nào một ai đó chưa lấy đi của anh ta.” Nhưng cái ăn, cái mặc, mái nhà che thân cũng không thể thiếu cho những người theo đạo Kitô trong cuộc giống trần gian, như là cho những người khác. Những phúc lợi ấy là thiết yếu không có ngoại lệ. Đức Kitô nói: “Cha của các người biết là các người có nhu cầu về mọi thứ ấy”[383]. Nếu tất cả cái đó cần thiết cho cuộc sống trần gian thì có nghĩa là tất cả cái đó quan trọng cao độ. Đức Kitô lại nói: “Vậy trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa và chân lý của Ngài, thế thì tất cả cái đó sẽ đến với các người”[384]. Lẽ nào cái “tất cả” ấy không được ban thưởng cho tất cả những con chiên chân chính theo ý du của người Cha che chở họ?

Lẽ nào không phải là sở hữu chính đáng của những ai đang sở hữu chúng – những ai đã được Chúa cho cái đó? Cái “tất cả” ấy thuộc về họ cũng như thân xác của họ, mà họ có trách nhiệm đạo đức phải giữ gìn và không ai có quyền tước đoạt của họ bằng sự lừa gạt hay vũ lực? Thế nhưng ông vẫn nói: “Một con chiên chân chính của Chúa không thể đòi làm chủ bất kỳ một sở hữu nào – dù nó có tiêu dùng cái gì, nó tiêu dùng chỉ chừng nào một người khác chưa lấy đi của nó.” Lẽ nào môt ai đó lại có quyền theo ý chí của mình tước đi cái là sở hữu của người ấy? Lẽ nào không có những sự trộm cắp, cướp bóc, tống tiền hay những tội ác chống lại sở hữu mà một tín đồ chân chính của đạo Kitô có quyền phẫn nộ? Mặt khác, lẽ nào vẫn không có cái thực tế là một con chiên chân chính của Chúa có tài sản phân phát nó dưới dạng bố thí hay vì những mục đích từ thiện theo học thuyết của Kitô? Hay là tôi hiểu không đúng Kitô, những quy luật của trí tuệ và tình yêu?

6. Ông nói: “Đối với người theo đạo Kitô chính phủ chỉ là bạo lực được hợp pháp hóa. Những từ: chính phủ, nhà nước, quốc gia, sở hữu, giáo hội – tất cả cái đó không có ý nghĩa gì đối với một tín đồ chân chính của đạo Kitô.” Thế nhưng tất cả cái đó hiện tồn. Và chúng ta không thể coi như chúng không có trên đời. Cho dù những khái niệm ấy còn chưa chín muồi và hoàn hảo đến đâu, chúng được tự nhiên ban cho ta. Con người theo bản chất tự nhiên của mình là một sinh vật xã hội.

Nó không phải và không thể là một cá thể đơn độc, không lệ thuộc vào đâu hết, ở mức này hay mức khác, nó là và nhất thiết phải là sinh vật xã hội. Luôn luôn đã và sẽ tồn tại gia đình, chính phủ, nhà nước, quốc gia, giáo hội và cộng đồng. Đức Kitô đã đến để thiết lập một trật tự cao nhất của tổ chức nhà nước – Hội Thánh, mà “quyền lực của tử thần cũng không thắng nổi”[385]. Vì cái đó Người đã sống, đã chết, đã phục sinh, đã thăng thiên lên Vương quốc của Thiên Chúa để trị vì ở trên ấy cho đến khi tất cả sẽ quy phục Người và “Chúa sẽ là tất cả trong tất cả”[386]. Sự phủ định nhà nước, chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa cá nhân vô điều kiện không có quan hệ gì với đạo Kitô. Đó là một cái gì đó bất khả thể, phi lý, phản tự nhiên – tóm lại là sự hỗn mang.

Cùng với Thầy, chúng ta phải nỗ lực sao cho không thoái nhượng, bằng con đường đạo đức dẫn đưa tất cả những thiết chế xã hội còn man rợ, bán hoang dã và phi Kitô giáo đến sự thống hợp lý tưởng – Hội Thánh chân chính nơi những người đầu tiên sẽ trở thành những người cuối cùng và tất cả sẽ tái hợp với Người trong tinh thần cũng như Người đã tái hợp với Cha chí thiện Nếu trên đường đi đến đích thiêng liêng ấy, chúng ta sẽ phải chia tay với cái đa số ích kỷ và hiếu chiến, thì chúng ta vẫn sẽ đi theo Người thậm chí đến chết, chừng nào chưa đạt tới thắng lợi cuối cùng.

Đó là những xác tín sâu sắc của tôi về những gì là chân lý và công lý.

Cho phép tôi chia sé vối ông một số suy nghĩ của mình về những tư tưởng mà ông đã bày tỏ trong khảo luận Tín ngưỡng của tôi.

1. Về Con của loài người[387] ông viết: “Con của loài người là con đồng chất của Thiên Chúa.” (tr. 125). “Con của loài người, theo giải đáp của Kitô là ánh sáng mà loài người phải đi lại ở trong đó chừng nào còn có ánh sáng ở trong họ ” “Ánh sáng ấy là trí tuệ, và cần phải phụng sự một mình nó và tìm kiếm phúc lợi trong một mình nó” tr. 126). “Con của loài người với tư cách đế vương sẽ nói: “Hỡi những ai được Cha ban phước lành hãy đến và hãy thừa kế vương quốc vì các người đã cho tôi uống, cho tôi ăn, cho tôi mặc đã tiếp đón và an ủi tôi, bởi vì tôi luôn luôn là một ở trong các người và ở trong những kẻ bé mọn kia mà các người đã thương xót và đã làm điều thiện cho họ. Các người đã sống không phải cuộc sống cá nhân, mà cuộc sống của Con của loài người và vì thế các người có được sự sống vĩnh hằng” (tr. 142 -143).

Câu hỏi. Nếu Con của loài người “đồng chất với Thiên Chúa” và là “Ánh sáng của trời” có sứ mệnh soi sáng tất cả, là trí tuệ mà duy nhất cần phải thờ phụng, thì theo nghĩa nào tất cả cái đó có thể liên quan đến con người? Đó có phải là Con của Thiên Chúa hay nói chính xác hơn là bản thân Thiên Chúa? Nhưng nếu đó là bản thân Thiên Chúa thì Ngài có thể cần đến hoặc có thể chấp nhận hay không sự thờ phụng của loài người mà lại phải đền thưởng cho họ về sự thờ phụng ấy? Lẽ nào đã không được nói rằng sự giúp đỡ là của con người dành cho con người? Lẽ nào đã không được nói rằng cả những người cho lẫn những người nhận đều hưởng như nhau ân phước của Ngài? Và còn nữa, lẽ nào Kitô không thường xuyên nói về mình như là về Con của loài người? Hơn thế nữa: trí tuệ có thể là Thượng Đế tuyệt đối, mà duy nhất cần phải thờ phụng? Lẽ nào nó không phải là tặng phẩm của Thượng Đế, xét đến cùng – là năng lực bẩm sinh[388] của linh hồn con người? Hãy tha thứ cho tôi những thắc mắc nảy sinh từ một tâm thức xa lạ với chủ nghĩa thần bí.

Còn về ý thức cá nhân sau khi chết thì ông viết: “Dù có là kỳ lạ đến đâu việc nói về một Kitô mà bản thân đã phục sinh và đã hứa phục sinh cho tất cả mọi người, Kitô không bao giờ khẳng định bằng một lời nào sự phục sinh cá nhân và sự bất tử của cá nhân trong thế giói bên kia, và ngay cả sự hồi sinh của những người đã chết trong vương quốc của đáng cứu thế mà những người pharisiêu đã đưa ra cũng được Người đem lại cho một ý nghĩa khác, loại trừ quan niệm về sự phục sinh cá nhân” (tr. 144). Bản thân tôi đã chăm chỉ nghiên cứu kinh Phúc Âm trong vòng 75 năm, và những khẳng định như trên mâu thuẫn với nhận thức của tôi về những chỗ tương ứng trong kinh ấy đến mức, nếu mà tôi có điều kiện đặt câu hỏi cho ông trong giao tế trực tiếp thì tôi ngại sẽ làm phiền ông khá nhiều.

Nhưng do không có điều kiện như vậy, xin tự giới hạn bằng mấy suy xét sau đây: những người thánh thiện nhất có mong ước hay không một phúc hanh hữu thức nào khác, ngoài cái mà cuộc sống trần gian đã ban cho họ? Nếu sau cái chết thể xác, theo lời của ông, họ sẽ tái hợp trong Thiên Chúa, thì họ sẽ có ý thức được cái đó hay không? Và có một giá trị gì sự tồn tại cá thể của đa số nhân loại, mà thường xuyên sống trong trạng thái chết tinh thần, cách biệt với Thượng Đế và không thể hy vọng về sự hoàn thiện hóa sau cái chết? Và sự sinh tồn què quặt như thế có thể đem lại vinh dự gì cho Đấng Sáng Tạo?

Tôi cho rằng với lòng khoan dung Ki tô giáo của mình ông sẽ rộng lượng tha thứ cho tôi sự tự do mà với nó, tôi đã viết cho ông và bất chấp cái vẻ táo bạo ấy, tôi đang và sẽ quý trọng sâu sắc và yêu thương ông bằng tình yêu Kitô giáo.

Người bạn và người anh em của ông, Adin Ballou.

3. Tolstoi gửi Ballou

Yasnaya Polyana 5-8 tháng Ba/ 21 – 24 tháng Hai 1890

Thưa tiên sinh kính mến,[389]

Tôi sẽ không làm cái việc phản bác những phản bác của tiên sinh – cách làm như thế sẽ không dẫn đến cái gì cả. Tuy nhiên cái đã được diễn đạt chưa đủ rõ ràng trong thư trước của tôi thì tôi phải minh xác để tránh sự hiểu lầm. Đó là về sự nhượng bộ. Tôi nói rằng sự nhượng bộ, không thể tránh khỏi trong thực tiễn, không thể được chấp nhận trong lý thuyết. Tôi hiểu như thế này: con người không bao giờ đạt được sự hoàn hảo mà chỉ đến gần với nó. Cũng như trong thực tại không thể kẻ một đường thẳng toán học và mọi đường kẻ chỉ là sự đến gần với đường thẳng, hệt như thế mọi mức độ hoàn hảo đạt được bởi con người chỉ là sự nhích lại gần với thể hoàn hảo của Cha, mà con đường đến với Người, Đức Kitô đã chỉ cho chúng ta. Vì vậy trong đời sống hiện thực, mọi hành vi của một người hoàn hảo nhất và toàn bộ cuộc đời của anh ta sẽ luôn luôn chỉ là sự nhượng bộ trong thực tiễn – lực hợp thành giữa sự yếu đuối của anh ta và khát vọng đạt tới thể hoàn hảo. Và sự nhượng bộ như thế không phải là tội lỗi mà là điều kiện tất yếu của mọi cuộc sống Kitô giáo.

Nhưng sự nhượng bộ trong lý thuyết là một tội lỗi vĩ đại, một mưu đồ đánh thấp lý tưởng của Kitô hòng làm cho nó trở thành khả thi. Và tôi cho rằng một thoái nhượng lý thuyết như thế chính là sự chấp nhận bạo lực, cho dù đó là bạo lực thiện ý, đối với những người điên (rất khó định nghĩa chính xác thế nào là người điên). Không chấp nhận sự thoái nhượng ấy, tôi chỉ đánh liều cuộc sống của mình hay của những người khác mà có thể bị kẻ điên giết chết; nhưng cái chết sớm muộn sẽ đến, mà cái chết để thực hiện ý chí của Thượng Đế là ân phúc, như chính tiên sinh viết trong sách của mình. Nhưng nếu chấp nhận sự thoái nhượng ấy, tôi liều lĩnh đi ngược lại luật của Kitô, mà cái đó thì tồi tệ hơn cái chết.

Cũng như thế với sở hữu. Chỉ cần tôi thừa nhận trong nguyên tắc quyên sở hữu của mình, thì tôi tất yếu sẽ cố gắng giữ lấy nó, không cho những người khác, cũng như gia tăng nó, vì vậy tôi sẽ đi lệch rất xa lý tưởng củaKitô.

Tôi chỉ thực sự nhích lại gần với lý tưởng của Kitô, nếu tôi mạnh bạo tuyên bố rằng người theo đạo Kitô không thể có bất kỳ một sở hữu nào. Một ví dụ đập vào mắt về sự thoái nhượng trong lý thuyết như thế là câu 22 trong chương V sách của Mathieu nói về sự giận dữ, nơi mà chỉ một từ eikè (oan uổng)[390] được thêm thắt vào đã và đang luôn luôn biện minh cho mọi sự bất khoan dung, mọi sự sát phạt và những điều độc ác mà những người tự xưng là những con chiên của Kitô hay làm đến thế. Chúng ta càng giữ gìn trong tâm thức lý tưởng đường thẳng như là khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm, thì trong thực tại càng dễ bề tiến tới sự tạo ra được một đường thẳng như thế. Chúng ta càng giữ gìn trong sáng hơn lý tưởng hoàn hảo của Kitô trong sự bất khả thi của nó thì lại càng dễ bề tiến đến gần với nó hơn trong thực tế.

Cho phép tôi không tranh luận với tiên sinh về những bất đồng mang tính giáo lý trong những ý kiến của chúng ta về ý nghĩa từ “con Thiên Chúa”, về sự sống cá nhân sau cái chết, về phục sinh. Tôi đã viết một cuốn sách lớn – chuyển ngữ, hợp nhất và kiến giải các sách Phúc Âm – ở đấy tôi đã trình bày tất cả những gì mà tôi nghĩ về những vấn đề ấy[391]. Một khi – khoảng mười năm trước đây – đã dốc toàn bộ tâm lực để nhận thức những vấn đề ấy, tôi giờ đây không thể thay đổi những quan điểm của mình mà không kiểm định lại chúng. Nhưng sự dị biệt ý-kiến về những phạm trù ấy tôi thấy là ít quan trọng. Tôi tin tưởng sắt đá rằng nếu tôi dành hết sức lực của mình thực hiện ý chí của Chủ được diễn đạt rõ ràng đến thế trong những lời của Người và trong lương tâm của tôi – dù tôi hình dung không hoàn đúng những mục đích và ý định của Chủ tôi – thì Người vẫn sẽ không ruồng bỏ tôi và sẽ thu xếp mọi sự để tôi được hưởng chân phúc.

Tôi sẽ rất biết ơn tiên sinh, nếu tiên sinh viết cho tôi dù chỉ vài lời. Xin nhờ tiên sinh chuyển tới ông Wilson lòi chào nhiệt thành của tôi. Một trong những khảo luận của tiên sinh đã được dịch rất tốt ra tiếng Nga, được lưu truyền giữa những người cùng chí hướng với tiên sinh và được họ đánh giá rất cao.

Với lòng kính trọng sâu sắc và tình yêu mến dạt dào mãi là người em nhỏ và người bạn của tiên sinh.

Lev Tolstoi

4. Ballou gửi Tolstoi

Hopdale, Massachusetts, Hoa Kỳ  30 tháng Năm 1890

Kính gửi bá tước Lev Tolstoi  Yasnaya Polyana, Tula, nước Nga

Thưa quý ông và người anh em của tôi,

Bức thư chân tình của ông đã đến tay tôi ngày 26 tháng Ba. Việc tôi đã không thể trả lời ngay xảy ra trái với những ý định ban đầu của tôi. Tuổi tác làm chậm lại hoạt động của tôi, và ông nên tha thứ cho tôi về sự chậm trễ này. Tôi e ngại sự thẳng thắn của tôi trong sự trình bày những quan điểm của mình ở những chỗ mà chúng không phù hợp với những quan điểm của ông, vị tất đã gây cho ông ấn tượng tốt đẹp, mặc dù tôi tuyệt không mong muốn điều đó.

Tôi biết ơn ông vì thư trả lời chân thành của ông và vì sự giải thích quan điểm của ông về tính tất yếu của những nhượng bộ trong khi đưa vào đời sống thực tiễn một học thuyết không biết thoái nhượng. Tôi xa với ý muốn đi sâu vào những phân trần và tranh luận xung quanh những sự bất đồng trong sử dụng từ của chúng ta. Ta hãy để chúng yên. Xin cam đoan với ông rằng tôi, bằng cả trái tim mình, chia sẻ cái điều mà ông viết trong một trong những mệnh đề kết thúc thư ông: “Tôi tin tưởng sắt đá rằng trong những lời của Người và trong lương tâm của tôi – dù tôi hình dung không hoàn toàn đúng những mục đích và ý đồ của Chủ tôi – thì Người vẫn sẽ không ruồng bỏ tôi và sẽ thu xếp mọi sự để tôi được hưởng chân phúc.” Chúng ta sẽ hành động thích ứng với nhận thức ấy.

Người anh em chung của chúng ta L.G. Wilson cám ơn ông vì những lời thăm hỏi chí tình và đáp trả cũng bằng tình cảm nồng nhiệt như thế. Tận dụng khả năng, xin gửi tới ông một số công trình nữa của tôi viết trong những thời kỳ khác nhau, tuyệt không chờ mong ông chia sẻ tất cả các quan điểm của tôi và để ông được hoàn toàn tự do không đồng ý với tôi, xuất phát từ những xác tính vô cùng sâu sắc của mình. Nhưng nếu ông có thời gian và kiên nhẫn đọc hết chúng thì ông sẽ có thể hình dung được lối tư duy của tôi. Muốn được hy vọng rằng chúng sẽ may mắn đến được với ông, bất chấp chế độ kiểm duyệt nghiệt ngã ở nước ông. Tôi rất cảm động được biệt ở Nga tôi có một số người anh em xứng đáng chia sẻ thuyết bất kháng và tôi nhắc đến họ trong những lời cầu nguyện hằng ngày của mình, dâng lời tạ ân lên Cha của chúng ta trên trời vì Ngài đã truyền cho họ cái niềm tin cao cả nhất ấy và vì việc những tác phẩm của tôi ở một mức nào đó đã phục vụ cho sự giáo huấn họ.

Tôi muốn được thông báo về sự truyền bá rộng rãi hơn cái học thuyết thiên giới ấy ở nước tôi. Nó dần dần thẩm thấu ý thức của nhiều người, tuy nhiên ảnh hưởng mê hoặc của nền chính trị thế tục, những lợi thế tạm thời mà hệ thống cũ, dựa trên cưỡng bức thô bạo, mang đến cho vô số những kẻ háo danh có nghề nghiệp xem ra vẫn toàn năng. Tôi thường xuyên vấp phải thực ra chỉ một lập luận: “Xét theo đạo thì lý thuyết của ông cao cả và kỳ vĩ đấy, nhưng không áp dụng được vào đời sống trong xã hội hiện hữu. Chúng tôi phải có chính phủ, phải kinh bang tế thế và phải làm tiền!” Thành thử, giáo hội, nhà nước và cái đa số bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử được che chở an toàn trong bến cảng của nền văn minh hiện tồn cho tởi hết thiên niên kỷ.

Nhưng không một cám dỗ nào trong những cám dỗ ấy có thể đẩy tôi cách xa, dù chỉ bằng một sợi tóc, với Đấng là “Con đường, Chân lý và Cuộc sống”[392]. Có hai điều mà tôi tin tưởng tuyệt đối. Thứ nhất, đạo Kitô không thể đạt được miền đất hứa chừng nào giáo hội chưa chính thức công nhận lại thuyết bất kháng là phiến đá nền của mình; và thứ hai, học thuyết này thế nào rốt cuộc cũng phải được thừa nhận. Bây giờ người ta gọi nó là điều ngu ngốc nhưng trong tương lai sẽ hiểu rằng nó là “Trí anh minh của Thượng Đế”. Bây giờ nó bị những người xây dựng bỏ đi nhưng một lúc nào đó sẽ được đặt vào “góc tường”[393].

Cầu Chúa ban phước lành cho ông, mãi mãi là Bạn và Anh Em của ông trong Kitô.

Adin Ballon

5. Tolstoi gửi Ballou

12 tháng Bảy 1890 / 30 tháng Sáu 1890

Yasnaya Polyana

Thưa người bạn và người anh quý mến của tôi, tôi ít khi có được một niềm thú vui chần chính và lớn như khi đọc bức thư thấm tình anh em Kitô giáo đích thực của tiên sinh. Rất cảm ơn tiên sinh vì những cuốn sách dày mỏng mà tiên sinh đã gửi cho tôi. Tôi đã may mắn nhận được tât cả và đã đọc một số cuốn với niềm vui thú và bổ ích lớn. Sách giáo lý của những người bất kháng[394] tôi đã dịch và sẽ phát tán giữa những bạn bè của chúng ta. Ở đấy được trình bày tuyệt hay và dưới hình thức cô đúc đến thế những chân lý chính của tôn giáo của chúng ta. Thái độ của tiên sinh ra sao đối với tuyên ngôn lập trường của hội bất kháng do Garrison thành lập?

Thời ấy tiên sinh có là thành viên của hội ấy không?[395] Tôi hoàn toàn đồng ý với tiên sinh rằng đạo Kitô sẽ không bao giờ vào được miền đất hứa của mình, chừng nào chân lý thánh thần của nguyên tắc bất kháng chưa được công nhận. Nhưng nó sẽ được công nhận không phải bởi cái gọi là giáo hội. Tôi hoàn toàn đinh ninh rằng mọi giáo hội đã và vẫn là những kẻ thủ ác dữ nhất của cơ đồ Kitô. Chúng luôn luôn dẫn dắt nhân loại không theo con đường của Kitô, mà đi chệch nó. Tôi nghĩ tất cả những gì mà chúng ta có thể nói và mong muốn xung quanh vấn đề giáo hội, đó là cố gắng là những thành viên của Hội thánh của Kitô, nhưng chúng ta không bao giờ có thể định nghĩa về hội thánh ấy, những ranh giới của nó và nói rằng chúng ta là những thành viên của một hội thánh thống nhất, chân chính.

Với tình yêu huynh đệ thật sự và kính trọng hoàn toàn, mãi mãi là người bạn và người em nhỏ của tiên sinh.[396]

[373] Kinh Thánh, Cựu Ước, Jona 5 : 25.

[374] Công xã nông dân ở bang Massachusets do chính Ballou sáng lập và lãnh đạo.

[375] Tân Ước, Luc 9 : 23

[376] Tân Ước, Luc 12: 49

[377] 5 cuốn sách của Adin Ballou hiện nay vẫn đuợc luu giữ trong thư viện của Tolstoi ở Yasnaya Polyana

[378] Wilson đã chuyển bức thu này cho Ballou, và Ballou đã trực tiếp viết trả lời Tolstoi. Xem thư sau.

[379] Ballou nói đến cuốn sách của mình: “Christian Non – Resistance in all its Important Bearings” (Bất kháng Kitô giáo trong tất cả các phương diện quan trọng của nó) được Wilson gửi tặng Tolstoi.

[380] Tân ước: Matthieu 5 : 39.

[381] “Hãy yêu kính cha mẹ ngươi…” trong luật của Moses (kinh Cựu Ước).

[382] “Hãy đối xử với người khác như ngươi muốn được người khác đối xử với ngươi” – lời dạy của Kitô được ghi lại trong các sách Phúc Âm.

[383] Tân ước: Matthieu 6 : 32.

[384] Tân ước: Matthieu 6 : 33.

[385] Tân ước: Matthieu 16 :18.

[386] Tân ước: I Cor. 15 : 28.

[387] “Con của loài người” – một trong những công thức tự xưng của Kitô mà thần học Kitô giáo xem là một Thần – Nhân, còn Tolstoi chỉ xem là con người.

[388] Từ “donation”, “don”, “dar” trong các Âu ngữ vừa có nghĩa là tặng phẩm, vừa có nghĩa là tài năng, năng lực bẩm sinh (trời cho).

[389] Trong nguyên tác: “Người bạn và người anh em quý mến.

[390] Tân ước: Matthieu: V, 22. Câu này trong bản Nga ngữ được Thánh vụ viện Giáo hội chính thống Nga thông qua đọc như sau: “Còn ta, ta bảo các người biết: ai giận anh em mình một cách oan uổng, thì đáng bị ra tòa…” Từ “oan uổng” không có trong các bản dịch Việt ngữ và Pháp ngữ mà chúng tôi biết.

[391] Công trình này mang tên: “Bốn tin mừng. Hợp nhất và chuyển ngữ bốn sách Phúc Âm” được Tolstoi thực hiện trong những năm 1881-1883. Để làm việc này, Tolstoi đã ôn lại liếng Hy Lạp cổ và tự học tiéng Do Thái cổ đến mức có thể đọc thông thạo các trường ca của Homer và kinh Cựu ước trong nguyên tác.

[392] Tân Ước: Phúc Âm của John 14 : 6

[393] Cựu Ước: Thánh vịnh 118 : 22

[394] Sách giáo lý của những người bất kháng của Ballou, viết dưới hình thức vấn đáp được Tolstoi phỏng dịch và trích dẫn trong khảo luận Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x