Trang chủ » 9. TÔN GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC

9. TÔN GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC

by Trung Kiên Lê
172 views

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

HÀNH TRÌNH TƯ TƯỞNG CỦA TOLSTOI

PHẦN I: TÁC PHẨM

1. Về giáo dục quốc dân

2. Về giáo dục và đào tạo

3. Tự bạch

4. Tín ngưỡng của tôi

5. Lời bạt cho bản SONAT KREUTZER

6. Về cuộc sống

7. Yêu lao động, hay là thắng lợi của nhà nông

8. Vương quốc của thiên chúa ở trong ta

9. Tôn giáo và đạo đức

10. Vô vi

11. Nhân hội nghị về hòa bình

12. Hai cuộc chiến

13. Lời tựa cho bài viết của EDWARD CARPENTER

14. Chủ nghĩa ái quốc và chính phủ

15. Đừng giết người

16. Trả lời quyết định của thánh vụ viện

17. Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?

18. Về khoan dung tín ngưỡng

19. Lời tựa cho tiểu sử anh ngữ của GARRISON do V.G CHERTKOV và F. HOLLA biên soạn

20. Gửi nhân dân lao động

21. Gửi các nhà hoạt động chính tri

22. “Hãy tỉnh ngộ”

23. Chung cục một thời đại

24. Lời kêu gọi những người Nga

25. Về ý nghĩa của cách mạng Nga

26. Thư gửi một người Trung Quốc

27. Thư gửi một người Ấn Độ

28. Phúc đáp một phụ nữ Ba Lan

29. Gửi đại hội Slave ở Sofia

30. Tham luận chuẩn bị cho Đại hội hòa bình tại Stokholm

31. Bàn thêm về khoa học

32. Bàn về giáo dục

33. Bước ngoặt không thể tránh khỏi

34. Chỉ một giới luật

35. Về chủ nghĩa xã hội

36. [Bài nói đã ghi âm]

37. Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức

38. Hãy tin mình

39. Tự nhủ

40. Đường sống

PHẦN II: THƯ TỪ

1. Thư của Tolstoi

2. Tolstoi với I.S.Turgenev

3. Tolstoi với Vladimir Soloviev

4. Tolstoi với Romain Rolland 

5. Tolstoi với Bernard Shaw

6. Tolstoi với M. Gandhi

7. Tolstoi với Adin Ballou và Lewis G. Wilson 

8. Tolstoi với một viên chức Mỹ

9. Tolstoi với hai nữ sinh da màu Mỹ

Ngài hỏi tôi: 1) Dưới từ “tôn giáo” tôi hiểu cái gì, và 2) Tôi có cho là có thể có một nền đạo đức không phụ thuộc vào tôn giáo như tôi hiểu nó hay không?

Tôi sẽ cố gắng trong chừng mực sức mình trả lời một cách tốt nhất hai câu hỏi tối quan trọng và được đặt ra một cách tuyệt hay như thế.

Thông thường, người ta gán cho từ “tôn giáo” ba nghĩa khác nhau.

Nghĩa thứ nhất: tôn giáo là những điều khải thị chân chính và xác định được thần thánh ban cho con người và sự thờ phụng thần thánh xuất phát từ đó. Nghĩa này được những người tin vào một trong những tôn giáo hiện hữu và vì thế cho chỉ một mình tôn giáo ấy là chân chính gán cho tôn giáo nói chung.

Nghĩa thứ hai được gán cho tôn giáo nói rằng tôn giáo là tập hợp của những điều mê tín nhất định và sự thờ cúng thần thánh xuất phát từ những điều mê tín ấy. Nghĩa này được những người không tin nói chung gán cho mọi tôn giáo hay không tin vào một tôn giáo nào đó gán cho tôn giáo ấy.

Nghĩa thứ ba được gán cho tôn giáo ấy là tôn giáo là một tập đại thành của những luận điểm và luật lệ do những người thông minh nghĩ ra và cần thiết cho quần chúng nhân dân thô thiển vừa để an ủi họ vừa để kiềm chế những dục vọng của họ và điều khiển họ. Nghĩa này được gán cho tôn giáo bởi những người thờ ơ với tôn giáo đích thị như là tôn giáo, song lại xem nó là công cụ hữu ích của nhà nước.

Tôn giáo theo định nghĩa thứ nhất là chân lý hiển nhiên và không thể hồ nghi mà nên và thậm chí nhất thiết cần truyền bá cho loài người bằng mọi phương tiện vì lợi ích của họ.

Theo định nghĩa thứ hai, tôn giáo là một mớ mê tín dị đoan mà nên và thậm chí nhất thiết cần giải thoát loài người khỏi chúng bằng mọi phương tiện.

Theo định nghĩa thứ ba, tôn giáo là một thiết chế xác định hữu ích cho loài người, tuy không cần thiết cho những con người phát triển cao, song thiết yếu cho việc an ủi và điều khiển dân chúng, và vì thế cần nâng đỡ thiết chế ấy.

Định nghĩa thứ nhất tựa như một ai đó sẽ định nghĩa rằng âm nhạc chính là cái bài hát mà anh ta biết và ưa thích và vì thế cần dạy thật nhiều người biết hát bài hát ấy.

Định nghĩa thứ hai tựa như một ai đó không hiểu và do đó không yêu âm nhạc sẽ nói rằng âm nhạc là sự phát ra những âm thanh bằng họng và miệng hay sự đụng tay vào những khí cụ nhất định, cho nên cần phải giáo dục loài người đừng làm cái việc vô bổ và thậm chí có hại ấy nữa.

Định nghĩa thứ ba tựa như một ai đó giới thuyết về âm nhạc rằng nó có ích để dạy cho người này người kia nhảy múa hay đi đúng nhịp, vì thế mà cần duy trì nó.

Sự khác nhau và sự bất túc của những định nghĩa ấy xuất phát từ chỗ tất cả chúng đều không thâu tóm được bản chất của âm nhạc, mà chỉ xác định những dấu hiệu của nó tùy theo điểm nhìn của người xác định. Tình hình cũng hệt như vậy với ba định nghĩa nói trên về tôn giáo.

Theo định nghĩa thứ nhất, tôn giáo là cái mà người định nghĩa về nó tin một cách chính đáng, theo xác tín của mình.

Theo định nghĩa thứ hai, tôn giáo là cái mà, theo nhận định của người định nghĩa, những người khác tin một cách không chính đáng.

Theo định nghĩa thứ ba tôn giáo là cái mà sẽ là có lợi bắt buộc mọi người tin.

Trong cả ba định nghĩa ấy cái được xác định không phải là bản chất của tôn giáo, mà là niềm tin của con người vào cái họ gọi là tôn giáo. Trong trường hợp thứ nhất tôn giáo được đánh tráo bằng niềm tin của người giới thuyết về nó, trong trường hợp thứ hai, tôn giáo được đánh tráo bằng niềm tin của những người khác vào cái mà họ gọi là tôn giáo; trong trường hợp thứ ba tôn giáo là niềm tin của con người vào cái mà người khác bảo anh ta: đây là tôn giáo.

Nhưng niềm tin là cái gì? Vì sao con người lại tin vào cái họ tin? Thế nào là niềm tin (tín ngưỡng) và nó phát sinh từ đâu?

Đa số người thuộc đám đông có văn hóa thời nay cho rằng câu hỏi này đã có giải đáp; giải đáp ấy nói rằng bản chất của mọi tôn giáo là nỗi sợ mang tính dị đoan trước những hiện tượng không hiểu nổi của tự nhiên, là sự nhân cách hóa, thần thánh hóa và sùng bái những sức mạnh tự nhiên ấy.

Ý kiến này được chấp nhận một cách không phê phán, một cách cả tin bởi đám đông có văn hóa thời nay và không những không bị những người làm khoa học phản bác, nhưng phần lớn lại nhận được những xác nhận quả quyết nhất chính từ giới ấy. Nếu thi thoảng có vang lên tiếng nói của một số người như Max Muller và những người khác, nhìn thấy nguồn gốc phát sinh và ý nghĩa của tôn giáo ở chỗ khác, thì những tiếng nói ấy không được nghe thấy và không được để ý đến trong khung cảnh sự thừa nhận nhất trí của mọi người rằng tôn giáo là biểu hiện của mê tín dị đoan và dốt nát.

Cách đây chưa xa lắm, vào đầu thế kỷ này, những người tiên tiến nhất nếu có bác bỏ đạo Công giáo, đạo Tin Lành, đạo Chính thống, như các nhà bách khoa toàn thư cuối thế kỷ trước đã làm, thì dẫu sao không ai trong họ lại phản bác cái điều nói rằng tôn giáo nhìn chung đã và đang là điều kiện thiết yếu của đời sống mỗi một con người. Không nói đến những nhà thần luận như Bernardin-de-Saint-Pierre, Diderot và Rousseau, Voltaire từng đặt tượng thờ Thượng Đế, Robespière thì lập lễ hội tôn vinh sinh linh tối cao.

Nhưng trong thời đại chúng ta, nhờ học thuyết nông nổi của Auguste Comte – người như đa số người Pháp, chân thành tin rằng đạo Kitô chẳng phải là cái gì khác mà là đạo Công giáo và nhìn thấy ở Công giáo sự thực hiện viên mãn của tôn giáo này – cái đám đông có học, thường hào hứng và chớp nhoáng tiếp thụ những quan niệm thấp kém nhất, đám đông, ấy đã quyết và đã tuyên cáo rằng tôn giáo chỉ là một giai đoạn xác định, đã được trải qua của sự phát triển nhân loại và hiện nay nó cản trở sự tiến bộ của loài người.

Được thừa nhận rằng nhân loại đã trải qua hai thời kỳ: thời kỳ tôn giáo rồi thời kỳ siêu hình học và giờ đây đã bắt đầu thời kỳ thứ ba, cao nhất – thời kỳ khoa học,[66] rằng tất cả mọi hiện tượng tôn giáo trong nhân gian chỉ là những chiêm nghiệm về một cơ quan tinh thần vào thời nào đó cần thiết cho loài người, nhưng đã từ lâu mất hết ý nghĩa và giá trị, tựa như cái móng ở ngón chân thứ năm của con ngựa. Được quan niệm rằng bản chất của tôn giáo tựu trung là thừa nhận và sùng bái những sinh linh tưởng tượng sinh ra từ nỗi sợ trước những sức mạnh không hiểu được của tự nhiên, như trong thời cổ đại Democritus đã từng nghĩ và như ngày nay các nhà triết học và các nhà lịch sử tôn giáo mới nhất khẳng định.

Nhưng, chưa nói đến chuyện là sự thừa nhận có những hoặc có một sinh linh siêu nhiên vô hình đã và đang diễn ra không phải lúc nào cũng do nỗi sợ trước những sức mạnh chưa hiểu được của thiên nhiên, mà nhân chứng về điều này là hàng trăm người tiên tiến nhất, có học vấn cao nhất trong quá khứ: những Socrates, Descartes, Newton, và cũng hàng trăm người trong thời đại ngày nay, tuyệt không vì sợ hãi trước nhưng hiện tượng thiên nhiên không hiểu được mà thừa nhận những hoặc một sinh linh siêu nhiên như thế – ý kiến khẳng định rằng tôn giáo phát sinh từ nỗi sợ mang tính dị đoan của người đời trước những sức mạnh không hiểu nổi của tự nhiên thực ra không trả lời câu hỏi chính: từ đâu lại có trong con người quan niệm về những sinh linh siêu nhiên vô hình?

Nếu xưa kia loài người sợ sấm sét, thì lẽ ra họ cứ sợ sấm sét, nhưng họ lại hư cấu ra làm gì một sinh linh siêu nhiên vô hình nào đó, như Jupiter cư ngụ ở đâu đó và thỉnh thoảng vãi tên bừa bãi xuống nhân gian?

Nếu loài người xưa kia kinh hoàng trước cái chết, thì lẽ ra họ cứ kinh hoàng, nhưng họ lại “hư cấu” ra làm gì linh hồn của những người đã chết để rồi giao tế với chúng trong tưởng tượng? Người ta có thể chạy trốn sấm sét, chạy trốn trước nỗi kinh hãi cái chết, nhưng người ta đã nghĩ ra một sinh linh vĩnh cửu và hùng mạnh và xem mình phụ thuộc vào sinh linh ấy cũng như nghĩ ra linh hồn sống của những người đã chết không chỉ vì sợ hãi, mà còn vì những nguyên nhân nào đó. Và chính ở những nguyên nhân ấy hàm ẩn bản chất của cái gọi là tôn giáo.

Vả lại, bất cứ một ai một lúc nào đó, dẫu trong tuổi ấu thơ, đã nếm trải tình cảm tôn giáo, thì qua kinh nghiệm cá nhân của mình đều biết rằng, tình cảm ấy luôn luôn nảy sinh không từ những hiện tượng vật chất đáng sợ bên ngoài, mà từ ý thức nội tâm, không có gì chung với nỗi sợ trước những sức mạnh không hiểu được của tự nhiên, về sự bé mọn, sự cô đơn và tội lỗi của mình.

Và vì thế con người từ những quan sát bên ngoài và từ kinh nghiệm nội tâm có thể nhận ra rằng tôn giáo không phải là sự sùng bái thần linh bắt nguồn từ nỗi sợ trước những sức mạnh chưa hiểu được của tự nhiên – sự sùng bái này có ở loài người chỉ trong một thời kỳ phát triển nhất định – mà là một cái gì đó hoàn toàn không phụ thuộc vào nỗi sợ và vào mức độ học vấn của con người và không thể bị xóa bỏ bằng bất cứ sự phát triển thế nào của văn hóa, bởi vì ý thức của con người về sự hữu hạn của mình giữa thế giới vô hạn và về sự tội lỗi của mình, tức là về việc mình đã không thực hiện tất cả những gì có thể làm và đáng lẽ phải làm, nhưng lại không làm – ý thức ấy đã và sẽ luôn luôn tồn tại, chừng nào con người còn là con người.

Quả là thế, bất kỳ con người nào, chỉ cần nó vừa ra khỏi trạng thái ấu sinh và hài nhi động vật, mầ trong thời gian ấy nó sống chỉ bằng cách tuân thủ những đòi hỏi từ phía bản chất sinh vật của nó – bất kỳ con người nào, mà ở nó ý thức hữu trí đã thức tỉnh, không thể không nhận thấy rằng mọi vật xung quanh nó đều sống, đều tái sinh, không tuyệt diệt, tuân thủ răm rắp một quy luật vĩnh cửu xác định, song chỉ một mình nó, tự ý thức mình là một sinh linh cách biệt với toàn thế giới, bị phán quyết phải chết, phải biến mất trong không gian và thời gian vô tận, và phải mang ý thức đầy khổ đau về trách nhiệm vì những hành vi của mình, tức là ý thức về việc nó đã hành xử không tốt trong khi có thể hành xử tốt hơn.

Và đã hiểu được điều đó, bất cứ con người nào có trí tuệ cũng không thể không tự hỏi: vậy để làm gì sự tồn tại trong khoảnh khắc, vô định và chơi vơi ấy của nó, giữa thế giói vĩnh cửu, được thiết lập chắc chắn và vô cùng vô tận này? Đã bước vào cuộc sống thực thụ của con người thì không ai có thể bỏ qua câu hỏi ấy.

Câu hỏi ấy luôn luôn đứng trước từng người, và mỗi một người bằng cách này hay cách kia thường xuyên trả lời nó. Sự trả lời câu hỏi ấy chính là cái tạo thành bản chất của mọi tôn giáo. Bản chất của mọi tôn giáo chỉ ở sự trả lời câu hỏi: tôi sống để làm gì và thái độ (quan hệ) của tôi ra sao đối với thế giới vô cùng vô tận bao quanh tôi?

Còn toàn bộ siêu hình học, tất cả những giáo thuyết về các thần linh, về nguồn gốc của vũ trụ, tất cả những hình thức ngoại giới thờ bái thần linh, thường được xem là bản thân tôn giáo, chỉ là những dấu hiệu song hành với tôn giáo, khác nhau tùy theo những điều kiện địa lý, sắc tộc và lịch sử. Không có một tôn giáo nào, từ cao siêu nhất đến thô thiển nhất, mà lại không mang trong nền móng của mình sự xác lập thái độ của con người đối với thế giới bao quanh hay nguyên nhân khởi thủy của thế giới ấy. Không có một nghi thức tôn giáo thô lậu nhất nào cũng như một hình thức thờ bái tinh tế nhất nào mà lại không mang trong cơ sở của mình cái quan hệ ấy. Mọi học thuyết tôn giáo đều là sự diễn đạt bởi người sáng lập ra tôn giáo ấy cái quan hệ phải được thiết lập giữa mình như là một con người, và như vậy là giữa tất cả mọi người khác, với thế giới hoặc với bản nguyên và nguyên nhân khởi thủy của thế giới.

Những quan hệ ấy được diễn ngôn rất đa dạng, tương ứng với những điều kiện sắc tộc và lịch sử, mà người sáng lập tôn giáo và dân tộc hấp thu nó sống trong đó; ngoài ra những diễn ngôn ấy lại luôn luôn được kiến giải đi kiến giải lại một cách khác nhau và bóp méo bởi những môn đồ của người thầy, mà người thầy ấy thì thường đi trước sự hiểu biết của quần chúng hàng trăm, có khi hàng ngàn năm; vì vậy, những quan hệ như thế giữa con người và thế giới, hay là những tôn giáo, tưởng chừng có rất nhiều, nhưng thực ra chỉ có ba loại quan hệ cơ bản giữa con người với thê giới hay khởi nguyên của nó: 1) quan hệ cá nhân luận nguyên thủy, 2) quan hệ đa thần luận mang tính xã hội, hay là gia đình – quốc gia, và 3) quan hệ Kitô luận, hay là Thượng Đế luận.

Nếu nói nghiêm ngặt thì chỉ có hai loại quan hệ giữa con người với thế giới: quan hệ cá nhân luận, mà nội dung là sự nhận thấy ý nghĩa cuộc sống trong lợi ích cá nhân có thể giành được một cách riêng rẽ hay trong sự liên kết với những cá nhân khác và quan hệ Kitô luận, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong việc phụng sự Đấng đã phái cử con người xuống thế giới này. Loại quan hệ thứ hai giữa con người và thế giới – xã hội luận – thực ra chỉ là sự mở rộng loại quan hệ thứ nhất.

Loại quan hệ thứ nhất, cổ xưa nhất mà hiện nay ta vẫn bắt gặp giữa những người đứng ở bậc phát triển thấp nhất, có bản chất như sau: con người xem mình là một sinh linh tự túc tự đủ, sống trên đời để giành cho mình cái lợi ích lớn nhất có thể có, bất chấp điều ấy phương hại đến đâu lợi ích của những người khác.

Từ loại quan hệ khởi thủy nhất ấy với thế giới, mà mỗi đứa trẻ ra đời đều sống trong đó, mà toàn thể loài người đã sống trong đó ở bậc phát triển đầu tiên, đa thần giáo của mình và hiện nay nhiều cá thể con người, thô bạo nhất về đạo đức, và cả những dân tộc man rợ vẫn sống, phát sinh tất cả những tôn giáo đa thần cổ xưa cũng như những hình thức thấp nhất của những tôn giáo sau này trong dạng bị biến chất đổi hình của chúng: đạo Phật[67], Đạo giáo, đạo Hồi và các đạo khác.

Cũng từ kiểu quan hệ như thế với thế giới đã phát sinh thuyết thông linh mới nhất, mà cơ sở cũng là bảo tồn cá nhân con người và những lợi ích của nó. Tất cả những hình thức thờ bái đa thần – bói toán, thần thánh hóa những sinh linh cũng ham hưởng lạc như con người hoặc những thánh nhân chuyên cầu nguyện cho con người, tất cả những lễ tế và lời cầu ban thưởng phúc lộc trần gian và giải thoát khỏi khổ đau đều bắt nguồn từ kiểu quan hệ ấy với đời.

Kiểu quan hệ thứ hai của con người với thế giới, mang tính xã hội luận, được thiết lập ở bậc phát triển tiếp theo và thường thấy ở những con người đã trưởng thành, có bản chất như sau: ý nghĩa cuộc sống được nhận thấy không ở lợi ích của cá nhân riêng lẻ, mà ở lợi ích của một tập hợp những cá nhân nhất định: ở gia đình, họ tộc, dân tộc, quốc gia và thậm chí nhân loại (thử nghiệm tôn giáo của phái thực chứng).

Với kiểu quan hệ này giữa con người với thế giới, ý nghĩa cuộc sống được chuyển dịch từ cá nhân sang gia đình, họ tộc, dân tộc, quốc gia, tức là một tập hợp nào đó của các cá nhân, mà lợi ích của nó được xem là mục đích của sinh tồn. Từ kiểu quan hệ này bắt nguồn các tôn giáo gia tộc và xã hội cùng một tính chất: tôn giáo Trung Hoa và Nhật Bản, tôn giáo của dân tộc đặc tuyển – dân tộc Do Thái, quốc giáo của người La Mã, tôn giáo mang tính giáo hội – nhà nước của chúng ta, bị giáng hạ xuống cấp ấy bởi Augustin, mặc dù nó vẫn được gọi bằng cái tên không thích hợp với nó – Kitô giáo, và cái tôn giáo nhân loại giả định của phái thực chứng.

Tất cả những nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở Trung Quốc và Nhật Bản, thờ bái các hoàng đế ở La Mã, toàn bộ hệ thống nghi lễ phức tạp của người Do Thái nhằm mục đích duy trì khế ước giữa dân tộc đặc tuyển với Chúa Trời, tất cả những lễ cầu đảo trong gia đình, ngoài xã hội hay trong nhà thờ Kitô giáo nhằm có đựợc sự thịnh vượng quốc gia hay những chiến thắng quân sự đều bắt rễ từ kiểu quan hệ ấy giữa con người và thế giới.

Kiểu quan hệ thứ ba giữa con người và thế giới, mà những người già cả bất giác cảm thấy mình ở trong đó và ngày nay cả loài người, theo tôi, đang bước vào, có nội dung như sau: ý nghĩa cuộc sống đã được con người nhận thấy không phải ở sự đạt mục đích cá nhân của mình hoặc mục đích của một hợp quần nào đó của những cá nhân, mà chỉ ở sự phụng sự cái ý chí đã sản sinh ra con người và toàn bộ thế giới không phải để chúng giành lấy những mục đích của riêng mình, mà để đạt tới những mục đích của chính ý chí ấy.

Từ kiểu quan hệ này với thế giới phát xuất cái học thuyết tôn giáo cao nhất mà chúng ta biết, mà phôi mầm đã có thể tìm thấy ở trường phái Pythagore, ở người Terapeutes, người Eusées, người Ai Cập, người Ba Tư, trong đạo Bàlamôn, đạo Phật và Đạo giáo với những đại diện ưu tú nhất của chúng, song học thuyết ấy chỉ thâu thái được sự thể hiện đầy đủ nhất và triệt để nhất ở đạo Kitô – trong nghĩa chân chính, không bị xuyên tạc của nó.

Tất cả những nghi lễ của các tôn giáo cổ bắt nguồn từ nhận thức như thế về cuộc sống và tất cả những hình thức giao tế đại đồng thời nay của những người thuộc các giáo phái nhất hợp, đại đồng, của những Quaker, những người Nazarenes vùng Serbia, những người Dukhobor ở Nga, và tất cả các giáo phái được gọi là duy lý, tất cả những thuyết giáo, thánh ca, đàm luận, sách vở của họ đều là những biểu hiện của kiểu quan hệ này giữa con người với thế giới.

Tất cả mọi tôn giáo có thể có, cho dù chúng có là thế nào, đều tất yếu có thể được phân phối theo ba kiểu quan hệ nói trên giữa con người với thế giới.

Mỗi một người đã ra khỏi trạng thái sinh vật tất yếu thừa nhận kiểu quan hệ thứ nhất, hoặc thứ hai, hoặc thứ ba, và tôn giáo thực thụ của mỗi một người nằm đích thực ở sự thừa nhận ấy, bất chấp anh ta về hình thức tuyên xưng mình thuộc về tôn giáo nào.

Mỗi một con người nhất thiết hình dung được quan hệ của mình với thế giới, bởi vì một sinh linh có trí tuệ không thể sống trong thế giới bao quanh nó mà lại không có một thái độ nào với thế giới ấy. Và bởi vì những kiểu quan hệ như thế giữa loài người và thế giới từ xưa đến nay mới chỉ được biết có ba, cho nên mỗi một người tất yếu định hướng theo một trong ba kiểu quan hệ hiện hữu ấy và – dù muốn hay không – thuộc về một trong ba tôn giáo cơ bản, mà giữa chúng toàn thể loài người có thể được phân chia.

Vì thế, một ý kiến rất phổ biến giữa những người thuộc đám đông có văn hóa trong thế giới Kitô giáo khẳng định rằng họ đã tiến tới bậc phát triển cao đến mức không cần đến một tôn giáo nào và họ không theo một tôn giáo nào, trong thực tế chỉ có nghĩa là những người ấy, không thừa nhận đạo Kitô – tôn giáo duy nhất tương thích với thời đại chúng ta – thì tuân thủ một tôn giáo thấp hơn – hoặc tôn giáo xã hội – gia đình – quốc gia hoặc tôn giáo đa thần nguyên thủy mà không ý thức được điều ấy. Một người không có tôn giáo, tức là không có bất kỳ một thái độ nào đối với thế giới, cũng không thể tồn tại y như một người không có tim. Nó có thể không biết là nó có tôn giáo, như thể có người không biết mình có tim; song không có tôn giáo, củng như không có trái tim thì con người không thể tồn tại.

giáo là thái độ được thừa nhận của con người đối với thế giới vô cùng vô tận bao quanh nó, hay là đối với bản nguyên và nguyên nhân khởi thủy của thế giới ấy, và một người có trí tuệ không thể không có một thái độ nào đó đối với thế giới ấy và bản nguyên ấy.

Nhưng có thể các bạn sẽ nói rằng sự xác lập quan hệ giữa con người và thế giới là công việc không phải của tôn giáo mà của triết học hay của khoa học nói chung, nếu xem triết học là một bộ phận của khoa học. Tôi không nghĩ như thế. Ngược lại tôi nghĩ rằng cái giả thiết cho là khoa học nói chung, kể cả triết học trong đó, có thể xác lập quan hệ giữa con người với thế giới là sai lầm hoàn toàn và là nguyên nhân chính của tình trạng lẫn lộn những khái niệm về tôn giáo, khoa học và đạo đức đang tồn tại trong các tầng lớp có văn hóa của xã hội chúng ta.

Khoa học, kể cả triết học, không thể xác lập quan hệ giữa con người với thế giới vô cùng vô tận hay vói bản nguyên của nó chỉ vì một lẽ, ấy là trước khi có thể xuất hiện một thứ triết học nào đó hay một thứ khoa học nào đó thì đã tồn tại cái mà không có nó thì không thể có bất kỳ một hoạt động nào của tư duy và một quan hệ nào, thế này hay thế kia, giữa con người và thế giới.

Giống như con người không thể bằng bất kỳ sự vận động nào tìm ra phương hướng mà nó phải vận động theo đó, nhưng mọi sự vận động đều tất yếu được tiến hành theo một hướng nào đó, hệt như thế, không thể bằng lao động trí óc, lao động triết học hay khoa học, tìm ra phương hướng, mà theo đó sự lao động ấy phải được thực hiện, nhưng mọi lao động trí óc đều tất yếu được tiến hành theo một hướng nào đó đã được xác định trước. Và đối với mọi lao động trí óc, hướng ấy luôn luôn được tôn giáo chỉ ra. Tất cả những nền triết học mà chúng ta biết, từ Plato đến Schopenhauer, bao giờ cũng tất yếu đi theo phương hướng mà tôn giáo chỉ ra cho chúng.

Triết học của Plato và các môn đệ của ông là triết học đa thần giáo, truy cứu những phương tiện đạt tới ích lợi lớn nhất cả cho cá nhân riêng lẻ lẫn hợp quần của những cá nhân trong một quốc gia. Triết học của giáo hội Kitô giáo trung cổ, xuất phát cũng từ quan niệm như thế về cuộc sống, truy cứu những phương thức cứu rỗi cá nhân, tức là làm sao cho cá nhân giành được phúc lộc lớn nhất ở kiếp sau, và chỉ trong những khuynh hướng thần quyền mới luận bàn về sự tổ chức những phúc lợi cho những xã hội.

Triết học thời nay, như của Hegel hay Comte, mang trong cơ sở của mình kiểu nhân sinh quan tôn giáo xã hội – nhà nước luận. Triết học bi quan của Schopenhauer và Hartmann, muốn tự giải phóng khỏi thế giới quan tôn giáo Do Thái, vô hình trung đã quy phục những cơ sơ tôn giáo của đạo Phật. Triết học đã và sẽ luôn luôn chỉ là sự khảo trắc những gì bắt nguồn từ quan hệ giữa con người với thế giới mà tôn giáo đã xác lập, bởi vì khi quan hệ ấy chưa được xác lập thì không có tư liệu cho khảo cứu triết học.

Cả khoa học chính thực trong nghĩa hẹp của từ ấy cũng là như thế. Khoa học ấy đã và sẽ luôn luôn chỉ là sự khảo sát, nghiên cứu tất cả những vật thể và hiện tượng mà người ta cho là cần được khảo sát, do một kiểu quan hệ nhất định, được tôn giáo xác lập, giữa con người và thế giới.

Khoa học đã và sẽ luôn luôn không phải là sự nghiên cứu “tất cả”, như những người hiện nay làm khoa học ngây thơ nghĩ (vả lại điều đó là bất khả, bởi vì có vô lượng đối tượng cho khảo cứu), mà chỉ là sự nghiên cứu cái mà tôn giáo trong trật tự đúng đắn và theo thứ bậc của tính quan trọng đề ra trong hằng hà sa số những vật thể, hiện tượng và điều kiện có thể nghiên cứu. Và vì thế có không phải một nền khoa học, mà có bao nhiêu tôn giáo thì có bằng ấy nền khoa học. Mỗi một tôn giáo lựa chọn một phạm vi nhất định những đối tượng cần được nghiên cứu, và vì vậy khoa học của mỗi một thời đại và dân tộc riêng lẻ tất yếu mang trong mình tính chất của cái tôn giáo, mà từ điểm nhìn của nó đối tượng được nghiên cứu.

Chẳng hạn, khoa học đa thần giáo, được phục hồi vào thời Phục Hưng và thịnh vượng cả trong thời nay dưới tên khoa học Kitô giáo, đã và đang chỉ là sự khảo cứu tất cả những điều kiện mà trong đó con người thu nhận được lợi ích lớn nhất và tất cả những hiện tượng của thế giới có thể đem lại cho con người cái lợi ích ấy. Khoa học triết lý Bàlamôn giáo và Phật giáo luôn luôn chỉ là sự truy cứu những điều kiện cho phép con người thoát khỏi những đau khổ giày vò nó.

Khoa học Do Thái (Talmud) bao giờ cũng chỉ là sự truy cứu và giải thích những điều kiện mà con người phải tuân thủ để thực hành khế ước với Chúa Trời và duy trì dân tộc đặc tuyển trên tầm cao sứ mệnh của nó. Khoa học của các giáo hội Kitô giáo xưa nay vẫn là sự khảo cứu những điều kiện mà trong đó con người có thể được cứu rỗi. Còn khoa học Kitô giáo chân chính, hiện nay đang nảy sinh, là sự truy cứu những điều kiện mà ở trong đó con người có thể nhận biết nhứng yêu cầu của ý chí tối cao đã phái cử nó và áp dụng những yêu cầu ấy vào đời sống.

Cả triết học lẫn khoa học đều không thể xác lập quan hệ giữa con người và thế giới bởi vì quan hệ ấy phải được thiết lập trước khi có thể khởi thủy một triết học hoặc khoa học nào đó. Chúng không thể làm được điều ấy còn bởi vì khoa học, nếu gộp cả triết học vào đấy, khảo cứu các hiện tượng bằng lý trí được gián cách với hoàn cảnh của người khảo cứu và với những tình cảm mà người ấy trải nghiệm. Còn quan hệ của con người với thế giới thì được quy định không chỉ bởi lý trí, mà còn bởi tình cảm, bởi toàn bộ tổng thể lực tinh thần của con người.

Dẫu người ta có ám thị và có giảng giải bao nhiêu cho con người rằng tất cả những gì tồn tại đích thực chỉ là những ý niệm, hay tất cả được tạo thành bởi những nguyên tử, hay bản chất của sự sống là ý chí hoặc thực thể, hay hơi nóng, ánh sáng, vận động, điện năng chỉ là những biểu hiện khác nhau của năng lượng – tất cả những thứ ấy vẫn không làm sáng tỏ cho con người – một vật sống biết cảm xúc, biết đau khổ và mừng vui, tranh đấu và hy vọng – cái vị trí của nó trong thế giới.

Vị trí ấy và từ đó quan hệ ấy với thế giới chỉ có tôn giáo mới chỉ ra cho con người, bảo nó: tất cả tồn tại vì mi cho nên hãy lấy từ cuộc sống tất cả những gì mi có thể lấy; hoặc: mi là thành viên của dân tộc được Thượng Đế sủng ái, hãy phụng sự dân tộc ấy, thực hành tất cả những gì mà Thượng Đế chi định, và mi cùng dân tộc mi thu lượm sẽ được phúc lộc lớn nhất khả thủ đối với mi; hoặc: mi là công cụ của ý chí tối thượng đã phái cử mi xuống thế giới để thực hiện công việc được dành cho mi, hãy nhận biết và tuân thủ ý chí ấy và mi sẽ làm được cho mình cái tốt nhất mà mi có thể làm.

Để thông hiểu những dữ liệu của triết học và khoa học phải có sự chuẩn bị và sự nghiên cứu; để thông hiểu tôn giáo cái đó không cần thiết: sự thông hiểu ấy khả thủ đối với mọi người, ngay cả người hạn chế nhất, thất học nhất.

Để cho con người nhận thức được quan hệ của mình với thế giới bao quanh hay bản nguyên của nó, anh ta chẳng cần gì những tri thức triết học hay khoa học – sự quá đầy đủ tri thức chồng chứa trong ý thức nhiều khi lại cản trở việc này – mà chỉ cần sự chối từ, dù chỉ nhất thời, những lo toan lăng xăng của nhân thế, sự ý thức được tính nhỏ bé vô cùng về mặt vật chất của mình và thái độ chân thật hay được bắt gặp hơn, như đã nói trong kinh Phúc Âm, ở trẻ em và ở những người bình dị nhất, ít học vấn nhất. Vì vậy mà chúng ta vẫn thường thấy nhiều khi những người thường dân nhất, ít uyên bác và ít học nhất lại tiếp thụ nhân sinh quan Kitô giáo một cách hoàn toàn sáng rõ, có ý thức và dễ dàng, trong khi ấy thì nhiều người thông thái nhất, có văn hóa nhất lại tiếp tục trơ lỳ trong bản tính tà giáo thô bạo nhất.

Thí dụ, chúng ta thấy không ít người tinh tế nhất và có học vấn cao nhất song lại nhận thấy ý nghĩa cuộc đời ở sự hưởng lạc cá nhân hoặc ơ sự tự giải thoát khỏi khổ đau, như một Schopenhauer thông minh và thông thái quan niệm, hoặc là ở sự cứu rỗi linh hồn thông qua những thánh lễ, bằng thiên ân, như là các vị giám mục có học vấn cao nhất quan niệm, trong khi ấy thì một anh mugic Nga theo giáo phái thiểu số chưa thông thạo chư viết, chẳng cần động não tí nào mà vẫn nhận ra ý nghĩa cuộc sống ở cái mà những nhà hiền triết lớn nhất của thế giới: những Epictetus, Marc Aurèle, Seneca đã nhận ra – ở sự ý thức được mình là công cụ của ý chí thần thánh tối thượng, là con của Chúa Trời.

Nhưng ngài sẽ hỏi tôi: thế thì bản chất của các phương thức nhận thức phi khoa học và phi triết học ấy là gì? Nếu sự nhận thức ấy không mang tính triết học và cũng không mang tính khoa học, thì nó mang tính chất gì? Những định tính của nó là gì? Với những câu hỏi như thế, tôi chỉ có thể trả lời như sau: do nhận thức tôn giáo là cái làm nền cho mọi loại nhận thức khác và đi trước mọi nhận thức khác, cho nên chúng ta không thể giới thuyết về nó, bởi vì không có công cụ để giới thuyết. Trong ngôn ngữ thần học, kiểu nhận thức này được gọi là “khải huyền”.

Và cách gọi ấy, nếu không gán cho từ “khải huyền” một ý nghĩa thần bí nào, hoàn toàn đúng, bởi vì sự nhận thức này có được không phải nhờ nghiên cứu hay nhờ những nỗ lực của từng người riêng lẻ hoặc nhiều người, mà chỉ nhờ sự tiếp thụ bởi từng người riêng lẻ hoặc nhiều người những biểu hiện của một trí tuệ vô hạn tự khai mở cho loài người.

Thế thì tại sao loài người 10.000 năm trước đây lại không thể hiểu được rằng ý nghĩa cuộc sống của họ không nằm gọn trong lợi ích cá nhân mà phải chờ đến lúc người ta phát hiện ra một nhân sinh quan cao hơn – của gia đình, của xã hội, dân tộc, quốc gia? Tại sao sự khai lộ nhân sinh quan Kitô giáo chỉ diễn ra trong phạm vi ký ức lịch sử của chúng ta? Và tại sao nó lại được khai lộ cho một người này hay những người này và vào thời điểm này, vào địa điểm này, chứ không phải địa điểm khác, dưới hình thức này chứ không phải hình thức khác?

Cố gắng trả lời những câu hỏi ấy, truy tìm nguyên nhân trong những điều kiện lịch sử của thời đại, của đời sống và tính cách của những con người cụ thể đã hấp thụ đầu tiên nhân sinh quan ấy và đã diễn đạt nó tương hợp với những đặc tính của họ chẳng khác nào cố gắng giải đáp câu hỏi: vì sao mặt trời đang lên lại chiếu sáng trước những vật cụ thể này chứ không phải những vật khác? Mặt trời chân lý càng lên cao hơn bên trên thế giới thì càng chiếu sáng hơn và càng được phân chiếu mạnh hơn từ những vật đã được những tia sáng của nó chiếu sáng trước tiên và có khả năng phản chiếu nhiều hơn cả.

Còn những thuộc tính khiến một số người có khả năng hơn những người khác tiếp thụ cái chân lý hướng thượng ay không phải là những phẩm chất chủ động đặc biệt nào đó của trí tuệ, mà ngược lại, là những thuộc tính thụ động của trái tim, ít khi trùng hợp với một trí tuệ lớn và tò mò – đó là sự chối từ những lo toan hư phù của nhân thế, ý thức về sự bé nhỏ vật chất của mình, tính thật thà, như chúng ta thấy những thuộc tính ấy ở tất cả các nhà sáng lập tôn giáo, họ chẳng bao giờ nổi trội về tri thức triết học hay khoa học.

Theo ý kiến tôi, điều lầm lạc lớn nhất, hơn mọi sai lầm khác cản trở sự tiến bộ chân chính của nhân loại Kitô giáo chúng ta là ở chỗ những người làm khoa học trong thời đại chúng ta, giờ đây đã ngồi lên mông của Moses, lấy thế giới quan đa thần giáo được khôi phục từ thời Phục Hưng làm kim chỉ nam, ngộ nhận cái hình thức đã bị bóp méo thô bạo của đạo Kitô là bản chất của nó và quyết rằng đó là trạng thái đã được loài người vượt qua (và, ngược lại, ngộ nhận rằng chính cái nhân sinh quan đa thần, xã hội luận và quốc gia luận, xưa cũ và quả thật đã bị loài người vượt qua, mà giờ đây họ đang noi theo, lại là một nhân sinh quan phát triển cao nhất mà loài người cần phải thấm nhuần) – những người ấy không những không thông hiểu đạo Kitô chân chính luôn luôn làm cốt lõi cho cái nhân sinh quan cao nhất mà cả loài người đang vận động tới đó, song thậm chí còn không muốn hiểu nó.

Nguồn gốc chính của sự ngộ nhận, đó là: những người làm khoa học, ly khai với đạo Kitô và nhìn thấy sự bất đồng giữa khoa học của mình với nó, cho bên có lỗi không phải là khoa học của họ mà là đạo Kitô, tức là họ tưởng tượng ra không phải cái có trong thực tại, tưởng tượng ra rằng không phải khoa học của họ đã tụt hậu 1.800 năm so với đạo Kitô đã chiếm lĩnh phần lớn xã hội hiện đại, mà là đạo Kitô dường như đã tụt hậu 1.800 năm so với khoa học của họ.

Chính từ sự lẫn lộn vai trò ấy đã phát sinh một hiện tượng kỳ quái, đó là không có ai mà lại có những quan niệm lẫn lộn hơn về bản chất và ý nghĩa chân chính của tôn giáo, những quan niệm lẫn lộn hơn về tôn giáo, về đạo đức, về cuộc sống như là những người làm khoa học; và có một hiện tượng còn đáng kinh ngạc hơn, đó là khoa học thời nay, quả đang đạt được nhiều thành tích lớn trong lĩnh vực của mình – lĩnh vực nghiên cứu những điều kiện của thế giới vật chất – trong những vấn đề của nhân sinh thì lại tỏ ra hoàn toàn vô dụng, và đôi khi còn gây những hậu quả tai hại.

Vì vậy mà tôi nghĩ rằng triết học và khoa học tuyệt nhiên không thể xác lập quan hệ giữa con nguời và thế giới, mà chỉ có tôn giáo mới làm được điều đó.

Như vậy, đối với câu hỏi thứ nhất của ngài: tôi hiểu tôn giáo là gì, tôi trả lời: tôn giáo là một kiểu quan hệ xác định được con người thiết lập giữa mình và thế giới vô tận và vĩnh cửu hoặc bản nguyên và nguyên nhân khởi thủy của thế giới ấy.

Từ câu trả lời ấy cho câu hỏi thứ nhất phát sinh một cách tự nhiên lời đáp cho câu hỏi thứ hai:

Nếu tôn giáo là quan hệ được thiết lập giữa con người và thế giới và quyết định ý nghĩa cuộc sống của nó thì đạo đức là sự hướng dẫn và giải thích các hoạt động của con người phát sinh tự nhiên từ quan hệ thế này hay thế kia giữa con người với thế giới. Và bởi lẽ chúng ta chỉ biết có hai kiểu quan hệ cơ bản với thế giới, nếu coi quan hệ đa thần giáo xã hội luận là sự mở rộng quan hệ cá nhân luận, hoặc ba kiểu, nếu xem quan hệ xã hội luận là riêng biệt, cho nên cũng chỉ có ba học thuyết đạo đức: học thuyết đạo đức nguyên thủy, man dã, cá nhân luận, học thuyết đạo đức đa thần giáo gia đình – quốc gia hay xã hội luận, và học thuyết đạo đức Kitô giáo về sự phụng sự thế giới hay Thượng Đế, hay là học thuyết Thượng Đế luận.

Từ kiểu quan hệ thứ nhất giữa con người và thế giới khởi nguồn các học thuyết đạo đức chung cho tất cả các tôn giáo đa thần, dựa trên ước vọng phúc lộc cho từng cá nhân riêng lẻ và vì thế xác định tất cả những trạng thái đem lại phúc lộc lớn nhất cho cá nhân và chỉ ra những phương tiện đạt tới phúc lộc ấy. Từ kiểu quan hệ ấy phát sinh những học thuyết đạo đức sau đây: thuyết Epicure trong biểu hiện hạ đẳng của nó, học thuyết đạo đức Hồi giáo, hứa hẹn cho cá nhân phúc lộc ở thế giới bên này và bên kia, học thuyết đạo đức giáo hội – Kitô giáo nhằm mục đích cứu rỗi, tức là đem lại phúc lộc cho cá nhân chủ yếu ở thế giới bên kia và học thuyết đạo đức thế tục thực dụng, hướng tới lợi ích cá nhân chỉ trong thế giới này.

Cũng từ kiểu quan hệ này, quan hệ nhìn thấy đích sống ở lợi ích của con người riêng lẻ, song lại quan niệm lợi ích ấy là sự giải thoát khỏi những khổ đau của sinh tồn cá thể, phát sinh học thuyết đạo đức Phật giáo dưới dạng thô sơ của nó và dưới dạng học thuyết bi quan thế tục.

Từ kiểu quan niệm thứ hai, đa thần giáo, giữa con người và thế giới, nhìn thấy đích sống ở lợi ích của một hợp quần xác định của các cá nhân, sự cho cái hợp quần ấy và xem lợi ích của nó là đích sống. Theo học thuyết này, sự hưởng thụ lợi ích cá nhân chỉ được cho phép trong chừng mực cả cộng đồng cá thể – mà nó mới là nền tảng tôn giáo của cuộc sống – cũng được hưởng như thế.

Từ kiểu quan hệ này với thế giới phát sinh các học thuyết đạo đức mà chúng ta biết của thế giới Hy Lạp và La Mã, nơi mà cá nhân luôn luôn phải tự hi sinh cho xã hội, và cả luân lý của người Trung Quốc; cũng từ kiểu quan hệ này phát sinh luân lý Do Thái đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích của dân tộc đặc tuyển và luân lý mang tính giáo hội – nhà nước của thời đại chúng ta, đòi hỏi hy sinh cá nhân cho lợi ích quốc gia; cũng từ kiểu quan hệ này với thế giới phát sinh đạo đức của đa số những người phụ nữ hiến mình cho lợi ích của gia đình và đặc biệt con cái.

Toàn bộ lịch sử cổ đại và cả một phần trung đại và thời mới đầy rẫy những mô tả về những kỳ công của kiểu đạo đức gia đình – xã hội và quốc gia ấy. Và ngay cả hiện nay đa số nhân loại vẫn nghĩ rằng, một khi họ tuyên xưng theo đạo Kitô thì đương nhiên họ tuân thủ đạo đức Kitô giáo, nhưng trong thực tế thì họ lại chỉ tuân thủ cái đạo đức gia đình – quốc gia, tức là đạo đức đa thần giáo, và xem đạo đức ấy là lý tưởng để giáo dục thế hệ trẻ.

Từ kiểu quan hệ thứ ba, Kitô giáo, với thế giới, mà cốt lõi là con người thừa nhận mình là công cụ của ý chí tối cao để thực hiện những mục đích của ý chí ấy, phát sinh những học thuyết đạo đức ứng hợp với nhân sinh quan ấy, chúng minh giải sự phụ thuộc của con người vào ý chí tối cao và xác định những yêu cầu của ý chí ấy.

Từ kiểu quan hệ như thế giữa con người và thế giới phát sinh tất cả những học thuyết đạo đức cao thượng nhất của nhân loại: học thuyết của phái Pythagore, của phái khắc kỷ, học thuyết Phật giáo, Bàlamôn giáo, Đạo giáo trong những biểu hiện cao nhất của chúng và học thuyết Kitô giáo trong ý nghĩa đích thực của nó, đòi hỏi sự chối từ ý chí cá nhân và lợi ích không chỉ cá nhân, mà còn gia đình, xã hội và quốc gia vì sự thực hiện cái ý chí được khải ngộ cho ý thức chúng ta – ý chí của sinh linh đã phái cử chúng ta vào cuộc sống. Từ kiểu quan hệ này hay khác, hay thứ ba đối với thế giới vô tận hoặc bản nguyên của nó phát sinh cái đạo đức thật, không giả dối của mỗi một con người, bất cứ anh ta về danh nghĩa tuyên xưng hay rao giảng kiểu đạo đức nào hoặc muốn được công nhận là con người thế nào.

Vì thế nếu một người nhận thấy cốt lõi của quan hệ giữa mình và thế giới là giành giật cho bằng được lợi ích lớn nhất cho mình thì dù anh ta có nói bao nhiêu rằng anh ta nhìn thấy đạo đức ở sự sống vì gia đình, vì xã hội, vì đất nước hay vì sự thực hiện ý Chúa, anh ta có thể giả vờ rất khéo trước mọi người và đánh lừa họ, nhưng động cơ đích thực cho hoạt động của anh ta bao giờ cũng sẽ chỉ là lợi ích của cá nhân anh ta, cho nên khi cần phải lựa chọn, anh ta hy sinh không phải cá nhân mình cho gia đình, cho đất nước hay để thực hiện ý Chúa, mà hy sinh tất cả vì mình, bởi vì, nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống của mình chỉ trong lợi ích của cá nhân mình, anh ta không thể hành xử một cách khác, chừng nào chưa thay đổi thái độ của mình với thế giới.

Cũng hệt như thế, dù con người, mà thái độ đối với thế giới tựu trung là sự phụng sự gia đình mình (những người phụ nữ chủ yếu là như thế), hoặc gia tộc, dân tộc, đất nước mình (những người con của các dân tộc bị áp bức hoặc các nhà hoạt động chính trị trong thời điểm đấu tranh thường là như thế), dù con người như thế có nói bao nhiêu rằng anh ta là tín đồ Kitô giáo, song đạo đức của anh ta sẽ bao giờ cũng chỉ là đạo đức gia đình luận, hoặc dân tộc, hoặc quốc gia luận, chứ không phải đạo đức Kitô giáo, và khi cần thiết phải lựa chọn giữa lợi ích của gia đình, của xã hội với lợi ích của cá nhân hoặc giữa lợi ích của xã hội với sự thực hiện ý Chúa, anh ta sẽ tất nhiên lựa chọn sự phục vụ lợi ích của cái cộng đồng người, mà vì nó anh ta sống, bởi vì anh ta nhìn thấy lẽ sống của mình chỉ trong sự phục vụ ấy.

Và cũng hệt như thế, dù người ta có ám thị bao nhiêu cho một người nhìn thấy cốt lõi quan hệ của mình với thế giới ở sự thực hiện ý chí của Đấng đã phái cử anh ta, rằng anh ta phải thỏa mãn những yêu cầu của cá nhân, gia đình, dân tộc, quốc gia, nhân loại và làm những việc đối nghịch với ý chí tối cao được anh ta ý thức thông qua những thuộc tính trí tuệ và tình yêu được phú cho anh ta, thì anh ta vẫn cứ hy sinh cả cá nhân mình, cà gia đình, cả tổ quốc, cả nhân loại để mà không thoái nhượng trước ý chí của Đấng đã phái cử anh ta, bởi lẽ anh nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống của mình chỉ ở sự thực hiện ý chí ấy.

Đạo đức không thể độc lập với tôn giáo bởi vì nó không chỉ là hệ quả của tôn giáo, tức là của cái quan hệ được thừa nhận giữa con người và thế giới, mà còn được hàm chứa ngay trong tôn giáo. Mọi tôn giáo đều là lời đáp cho câu hỏi: ý nghĩa cuộc sống của tôi là thế nào? Và lời đáp ấy của tôn giáo đã mang trong mình một yêu cầu đạo đức nhất định, yêu cầu ấy đôi khi có thể được đặt ra sau lúc ý nghĩa cuộc sống đã sáng tỏ, đôi khi trước đó. Có thể giải đáp câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống như thế này: ý nghĩa cuộc sống ở lợi ích cá nhân, cho nên hãy tận hưởng mọi lợi ích khả thủ đối với mi; hoặc: ý nghĩa cuộc sống ở lợi ích của hợp quần người, vì thế hãy phục vụ hợp quần ấy bằng tất cả sức lực của mình; hoặc: ý nghĩa cuộc sống ở sự thực hiện ý nguyện của Đấng đã phái cử mi, và vì thế bằng mọi sức lực của mình hãy cố gắng nhận biết ý nguyện ấy và thực hiện nó.

Cùng câu hỏi ấy có thể được trả lời như sau: ý nghĩa cuộc sống của mi ở sự hưởng lạc cá nhân, bởi vì sứ mệnh của con người là ở đấy; hoặc: ý nghĩa cuộc sống của mi ở sự phụng sự cái cộng đồng mà mi xem mình là một thành viên, bởi vì sứ mệnh của mi ở sự phục vụ ấy, hoặc: ý nghĩa cuộc sống của mi ở sự phụng sự Thượng Đế, bởi vì sứ mệnh của mi ở sự phụng sự ấy.

Đạo đức hàm ngụ trong phương cách tôn giáo giải thích cuộc sống và vì thế không thể nào có thể tách biệt nó khỏi tôn giáo. Chân lý này trở thành hiển nhiên đặc biệt sau những cố gắng của các nhà triết học không theo đạo Kitô chế tác ra một học thuyết về đạo đức cao nhất từ triết học của họ. Các nhà triết học ấy nhận thấy đạo đức Kitô giáo là cần thiết, và không có nó thì không sống được; còn hơn thế nữa, họ thấy đạo đức ấy quả thật tồn tại, và họ muốn gắn nối nó với triết học phi Kitô giáo của mình, thậm chí trình bày sự việc như thể đạo đức Kitô giáo phát xuất từ triết học đa thần hoặc xã hội luận của họ. Và họ cố làm điều đó, nhưng chính những cố gắng ấy rõ ràng hơn bất cứ cái gì khác cho thấy không chỉ sự độc lập, mà còn sự mâu thuẫn hoàn toàn của đạo đức Kitô giáo với triết học lợi ích cá nhân hay triết học giải phóng cá nhân khỏi khổ đau, cũng như triết học xã hội luận.

Đạo đức học Kitô giáo – cái mà chúng ta ý thức được do thế giới quan tôn giáo của chúng ta – đòi hỏi không phải sự hy sinh cá nhân cho hợp quần của những cá nhân, mà đòi hỏi từ bỏ cá nhân mình và hợp quần của các cá nhân để phụng sự Thượng Đế; còn triết học đa thần giáo thì chỉ truy cứu những phương tiện đạt lợi ích lớn nhất cho cá nhân hay hợp quần của những cá nhân, vì thế mà mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Để che giấu mâu thuẫn ấy, chỉ có một phương sách – đặt chồng chéo lên nhau những khái niệm trừu tượng, ước lệ và không ra khỏi lĩnh vực tù mù của siêu hình học.

Từ thời Phục Hưng, các nhà triết học đã hành xử chủ yếu như thế, và chính ở cái cục diện ấy – sự không thể dung hòa những đòi hỏi của đạo đức Kitô giáo, được thừa nhận là có trước, với triết học xuất phát từ cơ sở đa thần giáo – cần phải tìm ra nguyên nhân của tính trừu tượng khủng khiếp, của sự mờ tối, khó hiểu và xa lạ với cuộc sống của nền triết học mới. Ngoại trừ Spinoza, người trong triết học của mình xuất phát từ những cơ sở tôn giáo, cơ sở Kitô giáo thực thụ – mặc dù ông không được điểm danh trong số những tín đồ của đạo Kitô – và Kant thiên tài, người đã trực tiếp đặt đạo đức học của mình bên ngoài siêu hình học của mình, tất cả các nhà triết học khác, thậm chí cả Schopenhauer lộng lẫy, rõ ràng đều nặn ra quan hệ giả tạo giữa đạo đức học và siêu hình học của mình.

Xuất hiện một cảm giác rằng đạo đức học Kitô giáo là một cái gì đó có trước, đứng hoàn toàn vững chắc và độc lập với triết học và không cần đến những trụ cột hư tạo được đặt xuống dưới nó, rằng triết học chỉ hư cấu ra những luận điểm này nọ, cố sao cho đạo đức học Kitô giáo không mâu thuẫn với nó mà lại gắn liền với nó và tưởng chừng bắt nguồn từ nó. Nhưng những luận điểm ấy tưởng chừng biện chính cho đạo đức học Kitô giáo chỉ chừng nào chúng được xem xét trừu tượng. Chỉ cần áp dụng chúng vào những vấn đề đời sống thực tiễn, tức thì lộ ra hết, với toàn bộ sức mạnh của chúng, không chỉ sự bất đồng, mà còn sự mâu thuẫn lộ liễu giữa những cơ sở triết học và cái mà chúng ta gọi là đạo đức.

Nietzsche bất hạnh, gần đây mới trở nên nổi tiếng đến thế, đặc biệt quý giá cho chúng ta bởi sự bóc trần cái mâu thuẫn ấy. Không thể bác bỏ ông, khi ông nói rằng tất cả những quy tắc đạo đức, xét từ điểm nhìn của triết học phi Kitô giáo hiện hữu, đều giả dối và giả đạo đức, rằng đối với con người cái có lợi hơn nhiều, khoái chí và hợp lý hơn nhiều là tạo ra cộng đồng của những Ưebermensch (Siêu nhân) và là một trong những sinh linh như thế, chứ không phải chỉ là đám đông mà bổn phận là làm bục diễn cho những Uebermensch ấy.

Không một kết cấu nào của triết học xuất phát từ thế giới quan tôn giáo đa thần có thể chứng minh cho con người rằng điều có lợi hơn cho nó và hợp lý hơn là sống không cho lợi ích mong muốn, dễ hiểu và khả thủ của mình hay gia đình mình, xã hội mình, mà cho lợi ích của người khác – cái lợi ích không được mong muốn, không thể hiểu và không thể đạt tới bằng những phương tiện quá nhỏ bé của con người. Cái triết học dựa trên nhân sinh quan theo đuổi lợi ích của con người sẽ không bao giờ có thể chứng minh cho một người hữu trí, một người biết bất cứ lúc nào nó cũng có thể chết, rằng sẽ là điều tốt cho nó và là nghĩa vụ của nó chối bỏ cái hạnh phúc mong muốn, dễ hiểu và không thể hồ nghi ấy của mình thậm chí không phải vì hạnh phúc của người khác, bởi lẽ nó không bao giờ có thể biết sự hy sinh của nó sẽ dẫn tới những hậu quả gì, mà chỉ vì cái đo là tốt, là phải đạo, là mệnh lệnh nhất quyết.

Không thể chứng minh được điều đó xuất phát từ quan điểm triết học đa thần giáo. Để chứng minh được rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, rằng điều tốt hơn cho con người là cống hiến đời mình để phụng sự những người khác chứ không phải bắt người khác phụng sự mình, không phải chà đạp cuộc sống của họ, cần phải xác định một cách khác quan hệ của mình với thế giới: cần phải cho thấy rằng tình thế của con người là thế, rằng nó không thể làm được gì hơn, bởi vì ý nghĩa cuộc sống của nó chỉ ở sự thực hiện ý nguyện của Đấng đã phái cử nó, mà ý nguyện của Đấng đã phái cử nó là làm thế nào để nó dành cuộc đời mình cho sự phụng sự những người khác. Mà một sự thay đổi như thế quan hệ giữa con người với thế giới thì chỉ tôn giáo mới làm được.

Tình hình cũng như thế, khi ta xét những cố gắng suy ra và hòa giải đạo đức Kitô giáo với những luận điểm cơ bản của khoa học đa thần giáo. Không một ngụy biện nào và không một sự trí xảo nào có thể xóa đi được cái thực tại giản đơn và rõ ràng là quy luật tiến hóa làm nền móng cho toàn bộ khoa học thời đại chúng ta – quy luật ấy lại dựa trên một quy luật phổ quát, vĩnh cửu và bất biến – đó là quy luật về sự đấu tranh vì sinh tồn và về sự sống sót của vật sống hữu năng nhất (the fittest); từ đó mà mỗi một con người, để giành lấy lợi ích cho mình và cho xã hội của mình, cần phải trở thành vật sống fittest ấy và biến cải cả xã hội của mình thành như thế, để cho không phải nó và xã hội của nó, mà kẻ khác và xã hội khác, không hữu năng bằng, phải chết.

Cho dù một số nhà khoa học tự nhiên, hoảng sợ trước những kết luận logic được rút ra từ cái luật ấy và sự áp dụng chúng vào đời sống, có cố gắng đến đâu hòng bằng lời nói đánh át đi, yểm trừ đi cái quy luật ấy, thì mọi cố gắng của họ chỉ cho thấy hiển nhiên hơn sức mạnh không thể cưỡng lại của luật ấy – nó chi phối đời sống của toàn bộ thế giới hữu cơ và của con người được xem như là con vật.

Đúng lúc tôi đang viết những dòng này thì một bài viết của ngài Huxley, được soạn từ một diễn từ về sự tiến hóa và đạo đức học mà ông ta đã đọc trong một hiệp hội Anh quốc nào đó, được dịch ra tiếng Nga.

Trong bài viết ấy vị giáo sư thông thái, cũng như mấy năm trước đây giáo sư Beketov nổi tiếng của chúng ta và nhiều người khác nữa đã viết về vấn đề này và cũng đã không thành công y như những người đi trước ông ta, cố gắng chứng minh rằng sự đấu tranh vì sinh tồn không làm bang hoại đạo đức, rằng với sự thừa nhận luật đấu tranh vì sinh tồn là luật cơ bản của sự sống, đạo đức vẫn có thể không chỉ tồn tại, mà còn hoàn thiện từng bước. Bài viết của ngài Huxley đầy rẫy những câu nói bông lơn, những câu thơ và những cái nhìn hồi cố, vào tôn giáo và triết học của người đời xưa, vì thế mà cầu kỳ và rối rắm đến nỗi khó nhọc lắm mới lần tới được tư tưởng chính của nó.

Tuy vậy, tư tưởng ấy là như sau: luật tiến hóa đối nghịch với luật đạo đức, điều đó người đời xưa thuộc cả thế giới Hy Lạp lẫn Ấn Độ đã biết. Và cả triết học lẫn tôn giáo của cả hai dân tộc ấy đều đã dẫn dắt họ tới học thuyết về sự tự chối từ. Học thuyết ấy theo tác giả là không đúng, nhưng đúng đắn là học thuyết thế này: tồn tại một quy luật mà tác giả gọi là luật vũ trụ, theo luật ấy tất cả các vật sống đều đấu tranh với nhau và chỉ những kẻ hữu năng nhất, the fittest, mới sống sót. Cả con người cũng phục tùng quy luật ấy; chỉ nhờ nó mới hình thành con người như nó hiện tồn. Nhưng luật ấy đối nghịch với đạo đức.

Thế làm thế nào hòa giải nó với đạo đức? Đây, bằng cách này: có sự tiến bộ xã hội, nó cố gắng kìm hãm quy luật vũ trụ và thay thế nó, đặt vào vị trí nó một tiến trình khác – tiến trình đạo đức, mà mục đích đã không còn là sự sống sót của ai hữu năng nhất, the fittest, mà của ai tốt nhất, the best, theo nghĩa đạo đức.

Từ đâu mà có cái tiến trình đạo đức ấy, ông Huxley không giải thích, nhưng ở chú thích số 19 ông nói rằng, cơ sở của tiến trình ấy là ở chỗ những con người, cũng như những con vật, một mặt, ưa thích sống trong xã hội và tự trấn áp trong mình những thuộc tính có hại cho xã hội; mặt khác, các thành viên của xã hội cũng trấn áp những hành vi đi ngược lại lợi ích xã hội. Ông Huxley cho rằng quá trình ấy, bắt buộc mọi người kiềm chế những dục vọng của mình vì sự duy trì cái hợp quần mà họ là những thành viên, và do nỗi sợ bị trừng phạt nếu vi phạm luật lệ kỷ cương của hợp quần ấy, chính là tiến trình đạo đức mà sự tồn tại của nó ông cần chứng minh.

Hình như ông Huxley, với tâm hồn trinh trắng của ông, nghĩ rằng trong xã hội Anh quốc hiện nay, với xứ Ireland của nó, với sự khốn cùng của dân chúng, sự xa hoa điên rồ của những kẻ giàu có, với sự buôn bán thuốc phiện và rượu cồn, với những cuộc hành quyết và trận chiến, với sự tiêu diệt các dân tộc vì lợi ích của thương mại và chính trị, với sự trụy lạc ngấm ngầm và đạo đức giả dối – trong một xã hội như thế một con người không vi phạm những yêu cầu của cảnh sát đã là người có đạo đức và lấy luật đạo đức làm kim chỉ nam cho mình; có điều ông quên đi rằng những tính chất cần thiết cho sự sống còn một xã hội, mà trong đó những thành viên của nó đang sống, những tính chất ấy có thể có lợi lắm lắm cho xã hội ấy, giống như những tính chất của các thành viên một băng cướp, thậm chí giống như trong xã hội của chúng ta những tính chất của những tên đao phủ, những viên quản ngục, những quan tòa, những người lính, những linh mục giả đạo đức, v.v… đều là hữu ích lắm chứ, song chúng không có cái gì chung với đạo đức.

Đạo đức là cái luôn luôn phát triển, tăng trưởng, và vì vậy sự không vi phạm những luật lệ quy định của một xã hội nào đó, sự giữ gìn chúng bằng giá treo cổ và lưỡi rìu, mà về chúng, như là về những công cụ của đạo đức, ông Huxley đã nói, sẽ không phải là sự khẳng định, mà là sự hủy hoại đạo đức.

Và ngược lại, mọi sự vi phạm luật lệ hiện hữu, không chỉ như việc Kitô và các môn đệ của Người đã vi phạm luật lệ của một tỉnh La Mã, mà còn như những vi phạm của con người thời nay khi nó từ chối tham gia xử án, từ chối tham gia quân dịch, từ chối nộp thuế để chuẩn bị chiến tranh, sẽ không chỉ không đối nghịch với đạo đức, mà còn là điều kiện thiết yếu cho sự thể hiện nó. Bất kỳ một kẻ ăn thịt người nào, khi thôi ăn thịt những đồng loại của mình và hành xử theo nguyên tắc nói trên, cũng tất yếu vi phạm lề luật của xã hội của anh ta. Và vì thế những hành động vi phạm lề luật của mọi xã hội có thể là vô đạo đức, nhưng còn một điều khác nữa, không thể hồ nghi, ấy là bất kỳ một hành vi đạo đức thực thụ nào thúc đẩy đạo đức tiến lên bao giờ cũng phá vỡ những thói quen của xã hội.

Vì thế mà nếu trong xã hội xuất hiện một đạo luật mà theo nó con người phải hy sinh những lợi ích của mình để gìn giữ sự toàn vẹn của xã hội, thì luật ấy không phải là luật đạo đức, mà đa phần ngược lại – là luật đối nghịch với mọi thứ đạo đức, là cũng cái luật đấu tranh vì sinh tồn ấy, có điều ở dạng ẩn giấu, tiềm tàng. Đó vẫn là cuộc đấu tranh vì sinh tồn, chỉ có điều được chuyển dí từ những cá thể sang những hợp quần của các cá thể. Đó không phải là chấm dứt đánh nhau, mà chỉ là dang tay để đánh mạnh hơn.

Nếu luật đấu tranh vì sinh tồn và vì sự sống sót của kẻ hữu năng nhất, the fittest, là luật vĩnh cửu của mọi sự sống (mà nó không thể không được công nhận là một luật như thế đối với con người được xem là con vật), thì không luận thuyết rối rắm nào về tiến bộ xã hội và quy luật đạo đức, được bảo là phát sinh từ sự tiến bộ ấy, nhưng thực ra phát sinh không biết từ đâu, y như deus ex machine*, chỉ vì chúng ta cần đến nó – không một luận thuyết nào có thể làm suy suyển luật vĩnh cửu ấy.

*Thần linh xuống từ cỗ xe (Latin), nghĩa bóng: hoài) cảnh xuất hiện bất ngờ_ND.

Nếu quá trình tiến bộ xã hội, như ông Huxley nói khá quả quyết, tập hợp những cá thể con người thành những nhóm người, thì vẫn sự đấu tranh ấy và vẫn sự sống sót ấy sẽ tiếp tục diễn ra giữa các gia đình, gia tộc, quốc gia, và cuộc đấu tranh ấy sẽ không những không trở nên hữu luân hơn, mà sẽ còn tàn bạo và vô luân hơn cuộc đấu tranh giữa các cá nhân, như là chúng ta đang thấy trong thực tại.

Nếu thậm chí giả định một điều bất khả thể, rằng toàn thể nhân loại mấy ngàn năm nữa nhờ tiến bộ xã hội sẽ hợp nhất thành một chỉnh thể, sẽ hòa thành một dân tộc, một quốc gia, thì ngay cả khi ấy – chưa nói đến việc cuộc đấu tranh được xóa bỏ giữa các quốc gia và dân tộc sẽ chuyển hóa thành đấu tranh giữa loài người và thế giới động vật, và đấu tranh vẫn sẽ cứ là đấu tranh, tức là dạng hoạt động loại trừ trong cội rễ sự khả dĩ của đạo đức Kitô giáo được chúng ta thừa nhận.

Chưa nói về cái đó, ngay khi ấy cuộc đấu tranh giữa những cá nhân tạo thành những hợp quần và giữa những hợp quần: những gia đình, gia tộc, dân tộc, sẽ không giảm bớt tí nào, mà sẽ vẫn diễn ra như xưa, có điều chỉ dưới hình thức khác, như là hiện nay ta thấy trong tất cả những tập hợp con người thành những gia đình, gia tộc và nhà nước. Những người trong một gia đình cũng xích mích và đấu tranh với nhau, như những người ngoài, và nhiều khi còn khốc liệt hơn, tàn bạo hơn.

Hệt như vậy cả trong từng quốc gia, giữa những con người sống trong một nước vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh, như giữa những người sống ngoài nước, chỉ dưới những hình thức khác. Đằng ấy người ta giết nhau bằng tên và dao, đằng này bằng sự đói khổ. Còn nếu những người yếu đuối được cứu trợ cả trong gia đình lẫn trong quốc gia, thì tuyệt không nhờ sự liên kết thành quốc gia, mà vì trong những người đã liên kết thành những gia đình và quốc gia, vẫn có đức tự hy sinh và tình yêu thương. Nếu trong hai đứa con bị quẳng ra ngoài đường chỉ đứa the fittest sống sót, còn ở trong gia đình có người mẹ hiền cả hai sẽ sống, thì cái đó sẽ diễn ra tuyệt không phải do những con người ấy đã liên kết thành gia đình mà bởi vì ở người mẹ có tình thương yêu và đức tự hy sinh. Mà cả đức tự hy sinh lẫn tình thương yêu đều không thể xuất phát từ tiến bộ xã hội.

Khẳng định rằng tiến bộ xã hội sản sinh ra đạo đức chẳng khác nào khẳng định việc xây lò sưởi sản xuất ra hơi ấm.

Hơi ấm phát sinh từ mặt trời, còn lò sưởi chỉ làm ra hơi ấm, khi trong lò có củi, sản phẩm của mặt trời. Y như thế, đạo đức phát sinh từ tôn giáo. Còn những hình thức xã hội của đời sống chỉ sản sinh ra đạo đức khi mà những hình thức đời sống ấy hấp thu những hệ quả của tác động của tôn giáo – tức là hấp thu đạo đức.

Lò sưởi có thể được đốt lên và khi ấy nó cho hơi ấm, hoặc không được đốt lên và khi ấy nó lạnh lẽo; y như thế, những hình thức xã hội có thể mang trong chúng đạo đức, và khi ấy chúng có thể tác động hữu luân đến xã hội, hoặc không mang trong mình đạo đức, và khi ấy chúng không thể có một tác động nào đến xã hội.

Đạo đức Kitô giáo không thể được dựng xây trên nền móng của nhân sinh quan đa thần giáo và không thể được chế tác từ triết học cũng như khoa học phi Kitô giáo, nó không những không thể được chế tác từ chúng, mà còn không thể dung hợp với chúng.

Mọi triết học và khoa học nghiêm túc và nhất quán đều luôn luôn hiểu điều đó. “Những luận điểm của chúng ta không ăn khớp với đạo đức thì chì không có lợi hơn cho đạo đức” – cái triết học và khoa học ấy nói hoàn toàn đúng và tiếp tục những khảo cứu của mình.

Có nhiều công trình khảo luận đạo đức không dựa vào tôn giáo, thậm chí có nhiều sách giáo, lý thế tục được viết và được rao giảng, và người ta có thể nghĩ rằng người đời dùng chúng làm kim chỉ nam cho hành động, nhưng người ta tưởng là như thế chỉ vì loài người trong thực tế được hướng dẫn không phải bởi những khảo luận và những sách giáo lý ấy, mà bởi tôn giáo mà họ bao giờ cũng có; còn những khảo luận và những sách giáo lý thì chỉ là những đồ giả mô phỏng cái hình thành tự nhiên từ tôn giáo.

Những chỉ định của đạo đức học thế tục không dựa trên học thuyết tôn giáo giống hệt như những động tác của một người không biết âm nhạc mà lại đứng vào vị trí của nhạc trưởng và khua tay trước những nhạc công làm công việc quen thuộc. Nhờ quán tính và nhờ những gì mà các nhạc công đã học được ở những nhạc trưởng cũ, âm nhạc sẽ vang lên một thời gian nữa, song hiển nhiên là sự khua đũa chỉ huy của người không biết nhạc lý không chỉ là vô ích mà dần dần sẽ làm cho các nhạc công chơi sai và làm rối loạn dàn nhạc. Cũng sự rối loạn như thế bắt đầu diễn ra trong trí não con người thời nay do những người lãnh đạo họ mưu toan giáo dục cho họ một thứ đạo đức không đặt trên nền móng của một tôn giáo cao nhất, mà nhân loại Kitô giáo bắt đầu tiếp thụ và một phần đã tiếp thụ.

Quả thật, ai chẳng mong muốn có được một học thuyết đạo đức không pha tạp vói mê tín dị đoan, nhưng vấn đề là ở chỗ học thuyết đạo đức chỉ là hệ quà của một quan hệ xác định được thiết lập giữa con người với thế giới hay Thượng Đế. Còn nếu cái quan hệ đã thiết lập ấy được thể hiện dưới những hình thức mà ta cho là mê tín dị đoan, thì để cho không có cái đó nữa, cần phải diễn đạt quan hệ ấy một cách hữu lý hơn, rõ ràng và chính xác hơn, hoặc thậm chí, xóa bỏ quan hệ cũ, đã trở nên không thỏa đáng giữa con người và thế giới và đặt vào chỗ nó một quan hệ cao hơn, sáng rõ hơn và hữu lý hơn, nhưng tuyệt không được nặn ra một thứ đạo đức phi tôn giáo, gọi là đạo đức thế tục, dựa vào những trò ngụy biện hoặc chẳng dựa vào cái gì hết.

Mọi mưu toan xác lập đạo đức bên ngoài tôn giáo đều giống như điều mà trẻ con làm, khi mà muốn trồng sang chỗ khác một loài cây mà chúng ưa thích, chúng rứt nó khỏi bộ rễ mà chúng không thích và cho là không cần và cắm cây không gốc rễ ấy xuống đất. Không có nền móng tôn giáo thì không thể có bất kỳ một nền đạo đức nào thực thụ, không giả trá, cũng như không có gốc rễ thì không thể có cây cối thực sự.

Như vậy, trả lời hai câu hỏi của ngài, tôi nói: “Tôn giáo là quan hệ xác định được con người thiết lập giữa cá nhân riêng lẻ của mình với thế giới vô tận hoặc khởi nguyên của nó. Còn đạo đức là cái thường hằng hướng dẫn cuộc sống phát sinh từ quan hệ ấy.”

28 tháng Mười 1893

Yasnaya Polyana

[66] Tôn giáo và đạo đức (“ Religija i nravstvennost’ “) Vào đầu tháng Tám 1893, Tolstoi nhận được thư của giáo sư trường Đại học Berlin Georg von Gizicki, học giả này cho biết ông ta mới thành lập một “Hội đạo đức học” với tạp chí Vì văn hóa đạo đức (Fur Ethische Kultur) và thay mặt toa soạn tạp chí khẩn khoản đề nghị Tolstoi trả lời hai câu hỏi: 1) Dưới từ “tôn giáo” Tolstoi hiểu cái gì, và 2) Tolstoi có xem là hữu khả hay không sự tồn tại của một nền đạo đức không phụ thuộc vào tôn giáo.Tolstoi đã trả lời bức thư ấy bằng bài viết này. Bài viết đã được đăng tải trên tạp chí Fur Ethicsche Kultur vào cuối 1893 và sang 1894 được in thành sách riêng ở Berlin. Cũng trong năm ấy xuất hiện bản dịch Anh ngữ của bài viết. Bằng tiếng Nga bài viết của Tolstoi được công bố toàn văn chỉ vào năm 1908.…Được thừa nhận rằng nhân loại đã trải qua hai thời kỳ… và giờ đây bắt đầu thời kỳ thứ bâ, cao nhất – thời kỳ khoa học – Tolstoi phê phán cách phân kỳ lịch sử, một thời rất được tán thưởng, của nhà triết học Pháp Auguste Comte, người sáng lập triết học thực chứng.

[67] Đạo Phật mặc dù đòi hỏi những tín đồ của nó chối từ những ích lợi trần thế và thậm chí chối từ cả sự sống, nhưng vẫn dựa trên cơ sở cái quan hệ ấy giữa cá nhân tự túc tự đủ và phải được hưởng phúc với thế giới bao quanh nó, chỉ với một khác biệt là các đạo đa thần trực tiếp thừa nhận quyền con người hưởng lạc thú, còn đạo Phật thì thừa nhận quyền con người thoát khỏi khổ đau. Các đạo đa thần cho rằng thế giới phải phục vụ lợi ích của con người, còn đạo Phật thì cho rằng thế giới phải biến mất, vì nó gây ra đau khổ cho con người. Phật giáo chỉ là đa thần giáo lộn ngược.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Lev Tolstoi
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x