Trang chủ » Chính mình là cuốn Kinh kỳ diệu nhất

Chính mình là cuốn Kinh kỳ diệu nhất

by Hậu Học Văn
235 views

Trà đạo ngày 02.8.2016

Tà định và sự liên quan đến tà kiến

Hỏi: Tà định là khi định có mục đích bất thiện.

Nhưng trong lúc hành thiền không có bất cứ ý niệm bất thiện nào thì mới vào định được. Chỉ cần có 1 tâm sở bất thiện không thể nào vào định được. Vậy tà định và chánh định khác nhau chỗ nào?

– Tà định thường được hiểu theo nghĩa định có động cơ và mục đích không đúng hướng giác ngộ giải thoát, nhưng cũng có loại tốt loại xấu, vì vậy gọi đó là “không phải chánh định” chính xác hơn. Dù là định tốt cũng có phân biệt phàm định với Thánh định. Phàm định là định còn “hữu, tướng, tác, cầu”, tức còn vô minh ái dục nên bị giới hạn trong Sắc ái và Vô sắc ái, đó là định hữu vi, hữu ngã, nên chỉ cần định này có mục đích không đúng hướng vẫn không phải là chánh định. Trong khi Thánh định là định “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” , đã vượt khỏi tam giới, hoàn toàn vô vi, vô ngã. Đây mới là định trong bát Chánh Đạo.

Chánh định là định đúng hướng “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” mà Đức Phật dạy, vì vậy chỉ cần thân thư giãn, tâm buông xả mọi ý đồ trở thành của bản ngã để trả tâm về với bản chất thanh tịnh vắng lặng tự nhiên của nó, đó mới là định vô vi vô ngã. Lúc đó tâm tự an trú trên đối tượng tự nhiên (như sự thở vô thở ra hoặc chính trạng thái tịch tịnh của tâm). Để tâm tự yên, không cần cố gắng nỗ lực dụng công, chỉ buông ra thì tâm liền tự lắng dịu và tự đi vào định, cũng không cần phải biết tâm vào loại định sơ thiền hay tứ thiền, mà chỉ để tâm tự định, có thể đi đến định cao nhất, nhưng cũng không cần khởi khái niệm phân biệt đó là định cao hay thấp. Khi vào định tự nhiên này thì tâm vừa rỗng lặng vừa trong sáng, nên gọi là định hay tuệ gì cũng được, hoặc có khi định tuệ nhất như, có khi yếu tố tuệ trội hơn thì sáng suốt thấy rõ Pháp, khi yếu tố định mạnh hơn thì vào định dễ dàng. Dù thế nào vẫn là vô vi vô ngã.

Trong Bát Chánh Đạo, khi có chánh kiến thì có chánh tư duy, khi có chánh tư duy thì có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng nhờ đó tâm tự động ổn định trong chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Nên Bát chánh đạo là một chuỗi liên hoàn không tách rời ra để tu từng phần. Sở dĩ Đức Phật dạy tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác (chánh kiến) trong Kinh Tứ Niệm Xứ, vì đó là 3 yếu tố dẫn đầu giúp hoàn thiện 5 yếu tố còn lại trong Bát Chánh Đạo. Nghĩa là khi có tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác thì tự động có chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng và chánh định một cách hoàn toàn tự nhiên. Nếu hiểu đúng nguyên lý Đức Phật dạy thì việc tu tập trở nên rất dễ dàng, hoàn toàn tự động, nên mới gọi là “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” .

Thời kỳ đầu Đức Phật chỉ thẳng những nguyên lý tinh yếu như Tứ Thánh Đế, Vô Ngã Tướng, Pháp duyên khởi, 5 uẩn, 18 giới, Bát chánh đạo v.v… để người nghe thấy ra sự vận hành tương giao hoặc mối quan hệ của thân-tâm-cảnh mà không bị lầm lạc trong đó. Trong Kinh Đoạn Giảm, Đức Phật dạy rất rõ: Dù chứng đắc 4 thiền hữu sắc và 4 thiền vô sắc cũng chỉ là hiện tại lạc trú và không tịch trú thôi, không phải là hạnh đoạn giảm trong giáo pháp của bậc Thánh. Hạnh đoạn giảm là hạnh “xả ly, ly tham, đoạn diệt” đối với các ác, bất thiện pháp như sát sanh, trộm cắp, dâm dục, dối trá… tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến v.v… thì tâm mới an tịnh và chánh trí mới chứng ngộ Niết-bàn. Chỉ gọi là chánh định khi kết hợp với giới và tuệ một cách hài hoà, nếu tách riêng định để tu một cách chủ quan thì dù có đắc định cao nhất trong tứ thiền bát định vẫn rơi vào tà kiến và tham ái.

Sở dĩ gọi là tà định vì 62 tà kiến phần lớn xuất phát từ các loại định này. Tà kiến là chủ trương chấp vào một mặt của thực tại, còn gọi là chấp nhị nguyên hay biên kiến. Thí dụ tính thường và đoạn là hai mặt tương dung của một pháp, nhưng chỉ chấp thường hoặc chấp đoạn, hoặc chấp vừa thường vừa đoạn… đều là tà kiến. Với tà kiến hữu biên, vô biên v.v… cũng vậy. Sai ở chỗ chấp một chiều như người bịt mắt sờ voi. Sờ cái tai là thật nhưng kết luận con voi giống cái quạt là sai. Sờ cái chân là thật nhưng cho rằng con voi giống cây cột là sai. Phải mở mắt ra để nhìn thấy toàn diện mới được.

Nhiều người đọc kinh nghe Phật nói 62 tà kiến thì tưởng kiến nào như vậy đều sai, nhưng thực ra chúng cũng đúng nhưng chỉ đúng cục bộ, phiến diện, một chiều thôi mà tưởng là toàn diện nên mới gọi là tà kiến. Nếu người thấy được sự tổng hợp toàn diện 62 kiến đó đúng với vị trí của mỗi phương diện thì lại là người có chánh kiến. Cũng vậy, tà định có khi không hoàn toàn là xấu, nhưng sở dĩ gọi là tà vì không đúng hướng chánh đạo: viễn ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí giác ngộ Niết-bàn, mà chỉ hướng đến đạt sở đắc này, sở đắc kia làm cho bản ngã ngày càng tăng trưởng… nên mới gọi là tà định mà thôi.

Thiền để đắc định hay giác ngộ?

Hỏi: Mục đích ngồi thiền là để đạt được các tầng định Sắc giới và Vô sắc giới. Có mục đích định như vậy mới ngồi thiền được. Đó là thiện tâm, vậy sai ở chỗ nào?

– Tại sao ngồi thiền chỉ hướng đến mục đích đạt được các tầng định hữu sắc, vô sắc để rồi chỉ dính mắc thêm trong tam giới, trong khi có thể hướng đến trí tuệ giác ngộ Bốn Sự Thật? Như trường hợp ngài Xá Lợi Phất hướng dẫn tâm một người sắp lâm chung khiến sau khi chết người ấy sinh lên cõi Trời, đã bị Đức Phật quở trách, lẽ ra không nên hướng tâm người ấy đến cõi Trời mà có thể hướng tâm ông ta đến chứng ngộ đạo quả Tu-đà-hoàn. Mục đích các tầng định chỉ là hiện tại lạc trú và tu luyện thần thông chứ không hướng đến giác ngộ giải thoát, nên vẫn còn vướng vào những kiết sử sắc ái, vô sắc ái. Phật tuỳ căn cơ người tâm nhiều vọng động bất an mà tạm thời cho họ thiền định để được an lạc thôi, không được thi triển thần thông. Nhưng với những người như Bāhiya, Vakkāli, nhóm Kondaññā v.v… Phật không dạy thiền định, mà dạy thấy biết như thực hoặc chỉ cho thấy ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã… thì liền giác ngộ giải thoát. Tất nhiên giác ngộ phải có đầy đủ giới định tuệ, nhưng đây là chánh định, không phải là định hữu sắc, vô sắc và cách hành hoàn toàn khác nhau.

Vì tâm thường vọng động hoặc vì ham muốn an lạc và thần thông nên mới thích định, nhưng cố trấn áp khối tham sân si tạo tác hằng ngày nên phải cố dồn nén và hậu quả là căng thẳng dẫn đến tẩu hỏa nhập ma. Còn nếu đạt được định thì cũng chỉ là lấy đá đè cỏ nhưng lại dễ bành trướng bản ngã sở đắc, không thể giác ngộ giải thoát được. Tất cả phương pháp thiền định là do các vị tổ sư và thiền sư sau này tự đặt ra dựa theo Chú Giải. Thí dụ cách ngồi đếm hơi thở không có trong Chánh Tạng mà do người sau mô phỏng theo cách tu thiền định của Bà-la-môn để chế tác ra.

Trong khi Đức Phật chỉ dạy cảm nhận trọn vẹn sự thở trên thân “cảm nhận toàn thân khi thở vô, cảm nhận toàn thân khi thở ra” v.v… mà thôi . Nếu biết cách thì trong khi đi đứng ngồi nằm và tất cả mọi hoạt động hàng ngày định có thể phát huy hoàn hảo, nghĩa là chỉ cần thận trọng (giới), chú tâm (định), quan sát (tuệ) một cách tự nhiên trong mọi lúc mọi nơi thì định ngày càng kiên cố. Nên nếu hành như vậy một cách nghiêm túc thì chỉ cần khi ngồi buông thư là định tự đến rất dễ dàng tự nhiên, đó mới chính là chánh định, vô vi vô ngã.

Cách Đức Phật dạy khác với cách dạy của thế gian là ngài dạy từ cao rồi mới xuống thấp dần, chứ không từ thấp lên cao để khỏi mất thời gian của những người căn cơ bậc thượng phải học vỡ lòng. Tức là ngài dạy những nguyên lý thực tánh rốt ráo như Tứ Thánh đế, Vô ngã, 6 Xứ, 18 Giới, 5 Uẩn, 12 Duyên sinh… trước rồi mới nói xuống các pháp môn thấp dần tuỳ theo trình độ. Cuối cùng khi trình độ tăng chúng hơi phức tạp Đức Phật mới ban hành giới định tuệ chế định.

Nghĩa là trước đó không có giới định tuệ chế định các vị giác ngộ đều nhờ giới định tuệ tự tánh. Trong Bát Chánh Đạo, 8 yếu tố này luôn tương tác với nhau, không tách thiền định riêng để tu như Bà-la-môn. Các yếu tố giới định tuệ luôn hợp nhất trong Bát Chánh Đạo, nên khi đã thấy rõ các yếu tố then chốt này thì có thể tuỳ lúc cần thiết mà ứng cho phù hợp với hoàn cảnh, đó chính là biết điều chỉnh nhận thức và hành vi. Về sau các tông phái tách rời các yếu tố trong Bát Chánh Đạo ra riêng để tu nên mới gọi là thời Mạt Pháp. Mạt là tách ra từng nhánh ngọn riêng, từng chi Pháp riêng mà hành, như chỉ niệm Phật, chỉ hành thiền v.v… để mong đạt được sở đắc lý tưởng của mình nên mới hữu vi hữu ngã.

Chánh định là trạng thái vô vi vô ngã hoàn toàn thư giãn, buông xả mọi ý đồ trở thành của bản ngã, cảm nhận toàn thân đang thở, đang đi hoặc đang ngồi… tuỳ chỗ, tuỳ lúc, tuỳ hiện trạng một cách tự nhiên, nên tâm không còn tán loạn, tự trở về với bản chất rỗng lặng, trong sáng hồn nhiên. Lúc đó, thoát khỏi mọi ý đồ sở đắc nên tâm tự định, tánh biết tự soi, không có bản ngã tạo tác nào trong đó, vì vậy chánh định được gọi là vô vi vô ngã. Ngược lại, không phải có mục đích xấu mới gọi là tà định, mà định tác thành bởi ý đồ của bản ngã, dù có mục đích thiện vẫn là phàm định, vẫn còn vô minh ái dục, chưa phải là chánh định. Trong 4 giai đoạn tiến hóa, giai đoạn phát huy bản ngã thiền định được xem là phương tiện tối ưu để tiểu ngã trở thành đại ngã. Trong đạo Phật thì thiền định hữu vi hữu ngã vẫn còn trong tam giới nên chưa được gọi là chánh định.

Về sau do một số nhà chú giải trước kia tinh thông giáo điển Bà-la-môn đã vô tình (hay hữu ý?) đưa tư tưởng và phương pháp hành trì của Bà-la-môn (nhất là thiền định) vào giáo pháp Đức Phật, mà nhiều người do không đủ trình độ thâm nhập trực tiếp lời dạy của Đức Phật đã quá tin vào các chú giải ấy để rồi hiểu Phật pháp theo Bà-la-môn mà hoàn toàn không hay biết. Bāhiya nghe Phật dạy không cần qua bất kỳ một chú giải nào, một luận sư vẫn giác ngộ lập tức.

Chính mình là cuốn kinh kỳ diệu nhất

Cuốn kinh vô cùng quan trọng mà mỗi người cần phải đọc thật kỹ lưỡng đó là chính mình. Chính mình là cuốn kinh vi diệu nhất không có kinh luận nào có thể sánh bằng. Bất kỳ kinh luận nào dù vi diệu đến đâu cũng không thể nói hết sự thật nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp sẵn có ở mỗi người. Toàn bộ những lời Phật dạy cũng chỉ giới thiệu sự thật đó mà thôi.

Hãy đọc cuốn kinh nơi chính mình! Ai thấy sự thật ngay nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nơi tất cả cảm giác cảm xúc, nơi những phản ứng, những thái độ, những trạng thái nội tâm, nơi sự tương giao và mối quan hệ với vạn pháp xung quanh… người ấy dễ thông suốt toàn bộ lời dạy của Phật mà không bị giới hạn bởi ngôn ngữ được thuật lại và biên tập về sau thành kinh điển.

Như trên tấm bản đồ, người ta chỉ phác hoạ sơ nét con đường đi thôi, còn thực tế con đường phong phú hơn nhiều, khác xa với hình vẽ. Nên khi đi trên con đường đó có thể thấy biết bao cây cối xung quanh, cây nào đang nở hoa, hoa nào màu đỏ, hoa nào màu xanh, con đường lát đá gì, rộng bao nhiêu, hai bên đường có bao nhiêu nhà… vô số những điều mà bản đồ không thể nói hết được.

Cũng vậy người nào biết đọc cuốn kinh vi diệu nơi chính mình để khám phá ra ở đó sự thật vô cùng phong phú, người đó mới có khả năng xiển dương Phật Pháp nhiệm mầu, vì Phật Pháp không phải là ngôn từ được tường thuật lại trong kinh điển mà người sau đã thêm thắt và chú giải chủ quan theo lý trí hơn là chỉ thẳng sự thật.

 Giác ngộ y cứ trên Sự Thật, không y cứ theo luận giải

Hỏi: Đọc trong Kinh điển và Chú giải thấy có vẻ như đề cao thiền định, nên hầu như ai cũng muốn tu để đạt được lý tưởng tứ thiền, bát định như Bà-la-môn. Trong khi chính Bồ-tát Siddhattha đã từ bỏ thiền định đó khá lâu trước khi giác ngộ. Phải chăng Kinh và Chú giải đã bị lý trí của các nhà Sư gốc Bà-la-môn thêm thắt để đánh tráo thiền định với giác ngộ? Con tâm đắc câu nói của thầy: “Đọc lại chính mình mới là đọc quyển Kinh vi diệu nhất!”. Ngài Ajhan Chah cũng nói vậy, phải trải nghiệm, chứng nghiệm Sự Thật mới có thể tự mình và giúp Phật tử thâm nhập chánh đạo được. Không nên quá y cứ vào Kinh điển và Chú Giải do người đời sau biên tập.

– Đúng vậy! Khi đặt ra mục đích lý tưởng là tưởng tượng đã đưa khái niệm ra trước, rồi cuối cùng chạy theo phóng ảnh của khái niệm đó. Khi đạt được mục đích đề ra, tưởng đã đạt được Sự Thật, thực ra chỉ đạt được ảo tưởng của chính mình. Như cô gái nọ lấy được người chồng lý tưởng mà cô hằng mơ ước, nhưng sau một thời gian chung sống mới phát hiện ra đó chỉ là bánh vẽ của chính mình, còn anh ta vẫn chỉ là anh ta chứ không như mình mơ mộng.

Trong chúng ta vốn có sẵn tất cả pháp. Định gì cũng có sẵn trong đó nhưng chúng ta lại cố gắng tu luyện cho bằng được loại định mà bản ngã mong cầu. Có lúc ngồi lặng lẽ quan sát lại mình thấy tâm đang đi qua hỷ lạc, có lúc định xả, thậm chí có lúc thấy cả trạng thái tâm phi tưởng phi tưởng xứ một cách hoàn toàn tự nhiên, không hề mong đợi.

Nhưng khi chúng ta dụng ý, dụng công để cố gắng định tâm thì tâm càng bị dồn nén, cho dù có đạt được định như ý muốn thì định đó hoàn toàn hữu vi hữu ngã mà bên trong khối vô minh ái dục bị dồn nén vẫn còn nguyên.

Vì không biết chánh niệm tỉnh giác để chiêm ngoạn chính mình, không biết mọi tâm định đều có sẵn bên trong, nên cứ mãi loay hoay đi tìm kiếm, tu luyện, nỗ lực dụng công để rồi chỉ đi tìm được ảo tưởng của cái ngã lý trí mà thôi! Chỉ cần buông mọi tìm kiếm, trở về với tâm thái vô sự – không, vô tướng, vô tác, vô cầu – thì liền thấy tâm hoàn toàn lặng lẽ, đúng là đang vào định càng lúc càng sâu mà hoàn toàn không cần dụng công dụng ý gì cả. Như vậy, càng xả bỏ tâm ham muốn định thì định càng sâu.

Chánh định bắt đầu đã là “ly dục ly ác pháp” , và định càng sâu càng tương ứng với xả, đúng với hướng “xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh” mà Đức Phật đã dạy.

Chỉ cần ngồi buông xả vô sự – không ham muốn gì, không khởi bất thiện pháp nào – với tâm “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” như vậy tâm không khởi ái, thủ, hữu thì ngay đó không cần nỗ lực của bản ngã vẫn thấy hỷ, lạc, nhất tâm và xả của định là gì, thậm chí có thể thấy luôn cả tâm định trong phi tưởng phi phi tưởng xứ như thế nào nữa. Và nếu đầy đủ nhân tố giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến có thể thấy luôn cả tâm Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm… và Niết-bàn không chừng.

Tất cả những Pháp này đều có sẵn nơi mỗi người, chỉ vì vô minh ái dục mà không thấy ra thôi, đâu cần phải rèn luyện để trở thành, bởi vì ngay khi khởi tâm rèn luyện để trở thành là đã lọt vào quỹ đạo duyên sinh của vô minh-hành, tức rơi vào Tập đế, Khổ đế mất rồi. Nếu thấy tất cả các pháp như nó đang là thì đâu cần luyện tập để trở thành. Chỉ do không đủ sức đi theo nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh nên không thể nào thấy chánh trí giác ngộ Niết-bàn như Đức Phật đã dạy.

Phật xác định giáo Pháp của Như Lai là nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt thì tâm mới an tịnh, chánh trí mới giác ngộ Niết-bàn. An tịnh này chính là tâm buông xả mọi ý đồ của bản ngã nên trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong xúc chỉ xúc, trong biết chỉ biết, đó chính là chánh trí giác ngộ Niết-bàn. Thế mà bản ngã cứ nỗ lực rèn luyện để mong cầu đạt được định này định kia để rồi chỉ loay hoay luân hồi trong Tam giới, trở thành đại ngã, làm sao liễu thoát sinh tử?

Niết-bàn vẫn luôn ngay đây, không sinh không diệt, sao lại phải tìm kiếm trong thiền định hữu vi hữu ngã?

Nếu tâm có tham sân si thì ngay đó liền thấy tức là minh, nhưng nếu cố gắng thiền định để trấn áp chúng thì chỉ tăng thêm vô minh ái dục, vì trấn áp chỉ dồn nén tham sân si vào vô thức, khó mà diệt được.

Nếu không thận trọng chú tâm quan sát, không trở về trọn vẹn tỉnh thức, không trong lành định tĩnh sáng suốt, không rỗng rang lặng lẽ trong sáng ngay đây và bây giờ với thực tại thân-thọ-tâm-pháp thì dù có nỗ lực thiền định tới đâu cũng không phải là chánh đạo, dù lên núi vào hang khổ luyện kiểu gì cũng đều không phải là chánh đạo. Nhưng khi đi đứng, khi động tịnh đều rõ biết – không mê – thì dù ở đâu tâm vẫn tự thanh tịnh trong sáng. Như nàng Patācārā sau khi mất hết mọi thứ sở hữu, trở nên điên loạn. Nhưng khi nghe Phật nói một câu kệ không có gì sở hữu được trên đời thì nàng liền tỉnh ngộ. Sau khi xuất gia hàng ngày mặc y mang bát đi khất thực trong chánh niệm tỉnh giác.

 Một hôm, đi khất thực về, múc nước rửa chân thấy nước chảy xuống thấm vào đất mất hút, với tâm thuần tịnh trong sáng – không, vô tướng, vô tác, vô cầu – nàng đã chứng ngộ đạo quả A-la-hán. Chứng đạo quả không phải do thấy nước, mà do tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng. Lúc đó không kinh điển, không chú giải, không ngôn từ, không tư tưởng, chỉ một tâm hoàn toàn tịch tịnh mà thôi.

 Biết thực chất và biết tên gọi

 Hỏi: Các thiền sinh khi trình thiền, căn cứ trên lời trình thiền thiền sư kết luận đã đắc tam thiền, tứ thiền, đắc quả này quả kia. Lúc nãy, thầy có nói đôi khi vào trạng thái tâm thiền rồi mà mình không biết là thiền gì, nhưng Phật nói ai chứng thì người đó biết ngay làm con bối rối. Vì đôi lúc con cho rằng mình thấy như vậy nhưng sợ rằng đó là ảo tưởng thì sao. Làm sao biết tâm mình khi đó ở trạng thái nào?

– Người thường chánh niệm tỉnh giác, trọn vẹn tỉnh thức, thận trọng chú tâm quan sát thực tại thì đương nhiên biết rõ thân tâm đang ở trạng thái nào – biết rất rõ thân thọ tâm pháp ra sao – nên nếu tâm vào định cũng biết trạng thái tâm định như thế nào.

Nhưng có hai loại “biết rõ”: Một là biết rõ trạng thái thực chứng nhưng không biết gọi tên nó là gì. Hai là biết rõ tên từng chi pháp các tầng thiền theo pháp học nhưng không thực chứng. Như trong thời Đức Phật có 2 vị tỳ kheo, một vị giỏi pháp học Phật hỏi chi Pháp nào cũng nói được, còn vị kia tuy thực chứng nhưng không biết nói gì cả. Đến khi Đức Phật hỏi vào sự thực chứng thì vị ấy diễn tả được rõ ràng còn vị thứ nhất lại không biết gì cả. Vị thực chứng biết rõ tâm mình nhưng không biết gọi nó là gì nên không cho mình là đắc thiền thứ mấy, hoặc đạo quả nào.

Ngược lại vị giỏi pháp học có khi tưởng mình đã đắc tam thiền tứ thiền theo khái niệm học được nhưng trên thực tế đó chỉ là ảo tưởng. Có nhiều thiền sư cũng ưa tuyên bố vị này đắc thiền này vị kia đắc quả nọ theo kiến thức pháp học chứ không phải đúng với tri kiến chân thực. Cho dù có đắc tam thiền tứ thiền mà thấy có “cái tôi đắc” là đã tà thiền rồi. Còn vị thực chứng chỉ thấy trạng thái tâm như vậy, như vậy… chứ không cần nói cũng không cần biết đó là tam thiền hay tứ thiền gì cả. Đặt thêm khái niệm tam tứ gì vào đó chỉ giống như chụp mũ cho pháp mà thôi.

Khi cảm nhận trạng thái thực, hoàn toàn thực mới không có chụp mũ. Nếu nói đó là tứ thiền thì đã chụp mũ khái niệm vào cái thực rồi. Nhân duyên tâm thế nào thì thấy ra như thế, người giác ngộ có thể thấy rõ từ địa ngục cho tới Niết-bàn, nhưng không cần nói đắc tầng này tầng kia cao thấp làm cho hành giả phát lòng tham sở đắc. Nên Đức Phật dạy Pháp là trở về mà thấy, ngay nơi thực tại, có thể thấy ngay, không qua thời gian và mỗi người tự chứng tự biết là vậy.

 Không trụ chân đế, không xả tục đế

Hỏi: Tứ niệm xứ nói trong thấy chỉ là thấy, trong nghe chỉ là nghe, không có tôi nghe trong đó. Vậy khi con nghe tiếng: “Cứu tôi với” cách con 100m, con phải hành xử như thế nào cho phù hợp?

– Pháp có hai: Pháp thực tánh chân đế và Pháp khái niệm tục đế, vì vậy người giác ngộ sống trong thế gian biết rõ cả 2 mặt nhưng không loại bỏ tục đế cũng không bám trụ chân đế. Nếu trụ thực tánh chân đế không thôi vẫn là trầm không trệ tịch, cũng sai.

Thấy rõ tục đế là tục đế, chân đế là chân đế mới giác ngộ toàn diện. Thấy chân đế để không lệ thuộc hoàn toàn vào tục đế, tức “không nương tựa, không vướng mắc bất kỳ điều gì ở đời”, nhưng cũng phải thấy rõ tục đế mới giải quyết những vấn đề tương đối giữa đời.

Vì vậy nghe kêu cứu phải biết rất rõ là giả hay thực.

Có một lần ở Sydney, nghe tiếng kêu hốt hoảng như đang kêu cứu của một con quạ, ra xem thì đúng là con quạ đang cầu cứu, nó bị một con chim khác tấn công, thấy bóng người con chim lạ bay đi. Nên đôi lúc trong tục đế cũng cần phân biệt thật rõ ràng xem kêu cứu thật hay giả như Tôn Ngộ Không mới được, chứ đừng vội đến cứu mà bị ma quỷ bắt ăn thịt như Đường Tăng thì nguy. Không phải cứ tưởng mình nguyện hạnh Bồ-tát rồi gặp gì cũng cứu thì chỉ là bi không trí mà thôi.

Giữa tục đế và chân đế có gì khác biệt? Thấy một vật, gọi cây cột, là thấy khái niệm tục đế, còn thấy nó như nó là, tức thấy thực tánh chân đế. Thực ra “cái cột” chỉ là khái niệm quy ước chỉ có giá trị tục đế, phải thấy thực chất của nó là tứ đại giả hợp, là một hiện tượng duyên khởi mới thấy đâu là tục đế, đâu là chân đế. Thí dụ nghe tiếng chuông báo hiệu biết đến giờ ăn trưa là tục đế cần thiết trong sinh hoạt đời thường.

Nhưng nếu chỉ biết như thế thì bị giới hạn trong khái niệm chế định mặt tục đế, khó thấy được sự thật rốt ráo mặt chân đế, nên người tu còn phải biết trong nghe chỉ nghe, trong thấy chỉ thấy để thoát khỏi khái niệm tục đế mới thấy được bản chất thật của đời sống. Ví như người biết ngôi nhà mình ở đâu thì dù có đi xa (tục đế) cũng biết chỗ về (chân đế), mới không bị lạc.

Ngoài phân biệt tục đế và chân đế, còn một cách nhìn khác là tánh và tướng, thật và ảo. Người giác ngộ không những thấy tánh trong chân đế mà còn thấy tánh của tướng duyên khởi và thấy luôn cả tướng ảo do tưởng sinh. Như vậy thế giới này có 3 mặt: 1/ Mặt ảo. 2/ Mặt thực tướng duyên khởi. 3/ Mặt tự tánh chân đế (Thánh đế và Niết-bàn). Người thực hành sống đạo cần thường thấy ra lúc nào là ảo, lúc nào là duyên khởi, lúc nào ở trong ảo hóa và duyên khởi mà vẫn “không động, không sầu, tự tại và vô nhiễm” thì mới thấy được Niết-bàn.

Phân biệt tâm bất động của Định và Tuệ

Hỏi: Khi ngồi thiền tâm con bất động, tâm buông xuống, hoàn toàn yên lặng, trong con không có ý niệm gì khởi lên. Vậy lúc đó con đã trở về tâm rỗng lặng trong sáng hay là tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt và biết tất cả như nó đang là chưa? Con vẫn chưa được rõ.

– Có hai loại bất động: Bất động của định và bất động của tuệ. Bất động của định cũng có hai loại: Đối với định thuộc Sắc và Vô sắc giới thì bất động có nghĩa là an trú trên một đối tượng, không quan tâm đến các đối tượng khác. Đối với chánh định – trong Bát Chánh Đạo – thì bất động có nghĩa là tâm an tịnh trước mọi đối tượng. Còn bất động của tuệ thì trong thấy chỉ thấy, trong biết chỉ biết mọi đối tượng đến đi như nó đang là không khởi ý niệm tham sân hay thủ xả. Trong bất động của tuệ tánh biết tùy lúc, tùy nơi, tuỳ đối tượng mà tự ứng, khi hữu sự thì thận trọng chú tâm quan sát, khi vô sự thì trở về trọn vẹn tỉnh thức, khi ứng ra bên ngoài thì trong lành định tĩnh sáng suốt, khi buông xả thì rỗng rang lặng lẽ trong sáng một cách tự nhiên thuận pháp chứ không còn ý đồ của bản ngã nên tuy trong động mà vẫn bất động.

Điều này mỗi người phải tự chứng mới biết đang ở trạng thái bất động nào.

Chỉ cần nghiêm túc, không cần nghiêm trọng

Hỏi: Xin thầy chỉ dạy thêm Thiền trong đời sống hàng ngày. Sống trọn vẹn với thân tâm như nó đang là. Phải sống nghiêm túc với chính mình trong mọi hoạt động hàng ngày như thế nào?

– Khi đi trọn vẹn tỉnh thức biết rõ đang đi. Cũng vậy biết mình trong mọi hành động, mọi cảm giác, cảm xúc, mọi trạng thái hoặc thái độ nội tâm, mọi sự tương giao hoặc mối quan hệ với hoàn cảnh. Biết lúc nào cần thận trọng chú tâm quan sát, lúc nào chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức. Lúc nào đối pháp tâm vẫn trong lành định tĩnh sáng suốt, lúc nào buông ra để tâm trở về với bản chất rỗng lặng trong sáng nơi chính nó. Đó là tất cả giới định tuệ tự tánh có sẵn, sẽ ứng ra tùy trường hợp. Cho nên khi pháp đến tâm tự biết ứng xử, khi pháp đi tâm trở về lặng lẽ rỗng không.

Cụ thể như bây giờ nghe chuông báo đến giờ ăn sáng, hết giờ Trà đạo, thì thầy nhìn xuống xem dép ở đâu, đưa chân xuống, mang dép vào, đứng dậy đi… Mỗi mỗi đều rõ ràng là tu chứ có tu gì nghiêm trọng quá đâu! Chỉ cần nghiêm túc, không cần nghiêm trọng.

❁ ❁ ❁

Soi sáng Thực tại – Thầy Viên Minh

Ảnh: Patrick Hendry on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x