Trang chủ » Chủ nhật, 24 tháng 4 năm 1983

Chủ nhật, 24 tháng 4 năm 1983

by Hậu Học Văn
131 views

Hôm nay là một buổi sáng mùa xuân, một buổi sáng độc nhất vô nhị.

Các cây trà, cây hồng đang trổ hoa và các cọng cỏ đang tỏa hương trong gió.

Bây giờ là mùa xuân, mặt đất thật tươi vui. Từ thung lũng, những ngọn núi vươn lên xanh mát và ngọn cao nhất mới xung sức làm sao trong dáng uy nghiêm, bất biến. Những chú sóc bé con chạy hối hả trên đường, những ngọn lá lấp lánh trong ánh nắng. Mùa đông dài đăng đẳng cuối cùng đã trôi đi, mầm lá mong manh mơn mởn ló dạng. Dù không phải là lãng tử hay thi nhân ta vẫn nảy sinh được một tình yêu rộng lớn, một tâm từ trước cái đẹp tuyệt vời này. Hàng ngàn buổi sáng mùa xuân đã xuất hiện nhưng chưa bao giờ buổi sáng như thế này lại xảy ra, vắng lặng, thanh tịnh đến nỗi bạn dường như muốn ngộp thở. Phải chăng đó là do sự ngưỡng mộ tràn ngập trong ta và không còn ai ở đây nữa, kể cả những chú sóc với các bác thằn lằn.

Bây giờ là sáng mùa xuân và không khí reo vui, mọi người trên trái đất này đều chào đón chúa xuân, nỗi hân hoan được bộc lộ bằng nhiều cách nhưng niềm vui không thể thốt ra lời. Ta cảm nhận được khắp nơi, trong tiếng hát và điệu múa, sức sống mãnh liệt của tâm xuân.

Sao ta lại cưu mang những cảm giác tầm phào để tạo nên đủ thứ rắc rối khiến ta không còn tính nhậy bén để cảm nhận được mọi sinh vật ở quanh ta. Thực sự nhạy bén không phải chỉ đối với một vật đặc biệt nào mà chỉ là nhạy bén như mầm lá non khi phải đương đầu với bão táp mưa sa, bóng đêm và ánh sáng. Sống trong cái thế giới ồn ào hung ác, trong cái thô tháo và dao động của đời sống hàng ngày ta mất hẳn tính nhạy bén đó.

Nhưng giữ cho giác quan mình nhạy bén tỉnh giác không có nghĩa là thả liều. Cảm giác một cách mãnh liệt tỉnh táo tất cả mọi cái chuyển động của tư tưởng, những tình cảm, những nối khổ đau, nỗi cô đơn khắc khoải, việc ấy đưa đến một cảm giác khác, vượt hẳn những phản ứng cảm quan hay nhục cảm. Có bao giờ bạn ngắm nhìn biển cả hay những ngọn núi mênh mông như ngọn Hy-mã-lạp-sơn chẳng hạn. Trải dài từ góc trời bên này sang tít chân trời bên kia, hoặc quan sát thật kỹ cánh hoa hồng chưa.

Khi có một sự quan sát toàn diện bằng tất cả các cảm quan như thế thì sự quan sát ấy không khởi từ một trung tâm, không có tự ngã. Khi sự quan sát có ngã chấp xen vào thì chỉ có một hay hai giác quan được sử dụng khiến hành động ích kỷ phát sinh. Rốt cuộc, chúng ta sống bằng giác quan, bằng cảm giác và tất cả rắc rối của dục vọng chỉ xuất hiện khi tư duy tạo ra những hình ảnh phát sinh từ cảm giác.

Sáng hôm nay, tron bầu không khí trong lành ta ngắm nhìn thung lũng với tấm thảm rộng xanh mướt. Thành phố ở tít xa, vô số vạn vật trên trái đất mà không để những hình ảnh do tư tưởng tạo ra xem vào. Làn gió nhẹ từ thung lũng thoảng lên đến ghềnh đá, ta theo con đường quay trở xuống để gặp một con linh miu ở phía dưới cách ta mười bước. Hãy để ý tiếng gù gừ khi nó cạ mình vào tảng đá, nhóm lông đã dựng lên, cái đuôi ngắn và những cử động duyên dáng lạ thường của nó.

Buổi sáng mùa xuân này cũng là của nó, ta cùng nó đi xuống. Nó dường như không gây ra một tiếng động nào và gù gừ thích trí trong nắng xuân. Bộ lông sáng ngời thanh khiết, nó tượng trưng cho thiên nhiên hoang rã. Có tiếng động, ai đó dẫm lên cành khô, thế là nó lẩn đi không hề ngó lại. Tiếng động đó chứng tỏ sự hiện diện của con người, loài vật nguy hiểm nhất. Nó đã biến mất trong chớp mắt vào những bụi dặm và tảng đá, nó đã mất cả niềm vui vì biết quá rõ sự tàn nhẫn của con người và không muốn chờ đợi. Nó muốn đi xa, thật xa.

Bây giờ là sáng mùa xuân, tất cả đều bình yên. Ý thức được sự hiện diện của con người gần ngay bên mình, con linh miu ấy đã theo bản năng phải đối phó với hình ảnh con người đã tàn sát biết bao nhiêu thứ, phá hoại biết bao nhiêu thành phố, bao nhiêu thế hệ vì cứ luôn theo đuổi tham vọng trong khi mãi mãi tìm kiếm lạc thú và bình an.

Khát ái, động lực của con người, đã khiến người ta tạo ra biết bao nhiêu thứ hấp dẫn và hữu ích. Nhưng trong mối tương quan giữa người với người, khao khát khoái lạc đã từng là nguyên nhân của quá nhiều vấn đề, nhiều rắc rối và lắm chuyện khốn cùng. Trong thế giới tu sĩ, những nhà khổ hạnh đã nỗ lực khỏa lấp thèm muốn ấy bằng cách cố gắng tôn sùng một lý tưởng, một hình ảnh, một biểu tượng. Nhưng sự thèm khát như ngọn lửa luôn hực cháy.

Ta cần phải hiểu rõ và quan sát bản chất của thèm khát, tính phức tạp của nó, nhóm hoạt động đòi hỏi và thỏa mãn của nó. Nỗi thèm khát luôn leo thang ấy về quyền lực, hoàn cảnh, uy thế và nỗi thèm khát không đối tượng. Nỗi thèm khát vượt mọi khả năng thường nhật đã thúc đẩy con người gây ra biết bao hành vi xấu xa và tàn bạo. Thèm khát là sản phẩm của cảm giác, được tạo bằng đủ loại hình ảnh do tư tưởng gợi lên. Nó là nguồn gốc của bất mãn và bất lực. Ta không nên ngăn chặn thèm khát mà phải quan sát bản chất, nguồn gốc và đối tượng của nó.

Sự quan sát sâu xa này không do một thèm khát mới vì nó không có động lực nào cả, nó cũng như khi ta cúi xuống để ngắm nhìn một cái hoa. Hoa bắt đầu lộ rõ trong nét yểu điệu của màu sắc, hương thơm, cánh hoa, cành hoa và đất từ đó nó sinh ra. Hãy nhìn sự thèm khát ấy và bản chất của nó mà đừng để tư duy xen vào vì tư duy luôn gán thêm cho các cảm giác những ý niệm về lạc khổ thưởng phạt. Khi ấy sẽ xuất hiện chuỗi nhân quả, nguồn gốc của thèm khát. Không cần xen, giải thích bằng lời hay tri thức. Nhận thức tế nhị ấy đã là trí tuệ và trí tuệ này sẽ tự có những tác động lành mạnh hợp lý đối với thèm khát.

Như thế đó, buổi sáng mùa xuân thấm nhuần ta, làm ta sống trong nó, đi trong nó, là niềm vui vượt mọi đo lường, không quá lắm lời, không đầy suy diễn. Buổi sáng như thế này không lặp lại nữa và cứ như vậy cho đến khi ai đó gõ vào cánh cửa.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x