Trang chủ » Chương 1. Homo Laborans – Con người lao động

Chương 1. Homo Laborans – Con người lao động

by Hậu Học Văn
163 views

Xung đột giữa đứa trẻ và người lớn

Xung đột giữa người lớn và đứa trẻ là khởi điểm của những hậu quả lan rộng hầu như vô tận, trong đời sống con người, như những gợn sóng tỏa ra xa khi ta ném một viên đá vào mặt hồ phẳng lặng. Các hậu quả này là những dao động khuếch tán ra mọi hướng theo vòng tròn.

Chính xác đây là cái mà y học và phân tâm học đã khám phá ra khi quay lại tìm căn nguyên của các chứng bệnh về thể chất và tâm thần. Các nhà phân tâm học phải đi rất xa trong cuộc truy tìm căn nguyên của bệnh tâm thần, giống những nhà thám hiểm đi tìm cội nguồn của sông Nile, đã phải đi xa, vượt qua nhiều ghềnh thác nguy hiểm trong hành trình cho đến khi họ đến tận các vùng nước yên của các đại hồ. Các khoa học thăm dò nguyên nhân của các yếu kém, thiếu khả năng, kháng cự và méo mó của tâm hồn con người phải vượt khỏi các nguyên nhân trước mắt và đi xa hơn các nguyên nhân đã được nhận diện và có thể hiểu được, cho đến khi họ đến tận vùng biển êm, đó là thể chất và tâm hồn của trẻ nhỏ.

Nhưng nếu ta muốn du hành theo hướng nghịch và quan tâm đến lịch sử mới của nhân loại như đã được viết ra trong bí mật của sự hình thành các nhân tố của nó, thì ta có thể khởi hành từ biển hồ yên tĩnh của thuở ban đầu trong thời thơ ấu và đi theo dòng chảy dữ dội của sự sống lúc nó phóng tới và chảy xuống từ triền núi cao, vượt qua các chướng ngại vật, quanh co trên hành trình cam go của nó, phóng xuống các vực sâu. Ta có khả năng làm mọi sự trừ việc ngồi bất động hay ngừng chảy theo dòng cuộn xoáy của khối nước.

Các chứng bệnh dễ thấy nhất làm khổ người lớn như bệnh về thể chất, thần kinh và tâm thần thật sự có thể truy ra từ tuổi thơ, chính cuộc đời của đứa trẻ có thể cho ta thấy các triệu chứng đầu tiên.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là mỗi điều ác lớn và dễ thấy đều kèm theo vô số điều ác nhỏ hơn. Trường hợp chết vì bệnh ít hơn so với các trường hợp cùng bệnh được chữa lành, và nếu bệnh hoạn là nguyên nhân của sự yếu ớt đã không thể kháng cự lại sự tấn công của nó, chắc hẳn phải có nhiều người yếu ớt cho dù họ đã không còn là con mồi của bệnh tật. Các tình trạng bất thường khiến dễ bị bệnh có thể so sánh với các đợt sóng truyền các đao động của không khí đến vô tận. Vì vậy, ai muốn biết nước tinh khiết và có thể uống được hay không, họ sẽ không dùng hết nước mà chỉ khảo sát một lượng nhỏ. Nếu lượng đó bị ô nhiễm, họ kết luận phần còn lại cũng bị ô nhiễm. Thế nên, nếu người ta chết vì bệnh hay vì lạc vào hỗn loạn tâm thần hay tinh thần, ta có thể kết luận rằng toàn thể nhân loại đều bị lầm lỡ.

Khái niệm này không mới. Ngay vào thời Moses, người ta đã nhận ra rằng con người đầu tiên đã phạm tội, đó là Tội tổ tông theo đó toàn thể nhân loại đều bị lây nhiễm và lạc lối. Tội tổ tông dường như là một quan niệm vô lí và bất công vì nó bao hàm sự kết án khả dĩ của vô số kẻ vô tội tạo nên nhân loại, nhưng ta có thể quan sát một sự kiện tương tự khi thấy những đứa trẻ vô tội bị kết án phải chịu những hậu quả tai hại của sự phát triển bị bóp méo bởi các lỗi lầm lặp lại qua các thời đại. Căn nguyên của cái mà chúng ta chữa trị nằm trong xung đột tồn tại ngay trong nền tảng đời sống con người, một xung đột với nhiều hệ lụy chưa được khám phá đầy đủ.

Bản năng lao động

Trước khi bản chất tự nhiên đích thực của đứa trẻ được khai mở, các quy luật chi phối sự hình thành của đời sống tâm lí vẫn hoàn toàn chưa được biết đến. Khảo sát các giai đoạn mẫn cảm chỉ đạo sự hình thành của con người có lẽ sẽ trở thành một trong các khoa học có tính ứng dụng thực tiễn nhất của loài người.

Nền tảng của tăng trưởng và phát triển nằm trong các mối quan hệ lũy tiến và luôn mật thiết giữa cá thể và môi trường của nó, vì sự phát triển của tính cá nhân của trẻ, hay cái gọi là tự do của trẻ, không thể là gì khác hơn sự độc lập tiệm tiến của trẻ đối với người lớn, được hiện thực hóa bằng phương tiện của một môi trường thích hợp, nơi trẻ có thể tìm được các phương tiện cần thiết cho sự phát triển các chức năng của nó. Điều này cũng rõ ràng và đơn giản như trong thực tế khi cho trẻ sơ sinh cai sữa, chúng ta làm các món ăn cho bé từ ngũ cốc, nước rau và nước hoa quả, nghĩa là dùng các sản phẩm của môi trường bên ngoài để thay thế sữa mẹ.

Cái sai lầm khi hình dung ra sự tự do của đứa trẻ trong giáo dục nằm trong sự tưởng tượng rằng sự độc lập giả định của đứa trẻ khỏi người lớn là không cần một sự chuẩn bị tương ứng về môi trường, sự chuẩn bị môi trường như vậy là một phần của khoa học về giáo dục, giống như việc chuẩn bị thức ăn dặm cho trẻ là một phần của khoa học về sức khỏe. Vậy chuẩn bị một môi trường tâm lí, với các nguyên tắc cốt lõi, như là một nền tảng của giáo dục mới, đã được phác thảo bởi chính đứa trẻ, khá đủ rõ ràng để biến thành một thực tại có tính thực tiễn.

Trong các điều mặc khải mà đứa trẻ đã mang đến cho chúng ta, có một điều có tầm quan trọng cơ bản, đó là hiện tượng bình thường hóa qua lao động. Vô số các thí nghiệm với trẻ em của mọi chủng tộc trên thế giới đã cho phép chúng tôi tuyên bố rằng hiện tượng này là dữ liệu đã được kiểm chứng chắc chắn nhất mà chúng ta có trong lĩnh vực tâm lí học hay giáo dục. Chắc chắn là thái độ của trẻ đối với lao động biểu hiện một bản năng thiết yếu cho sự sống, bởi không có lao động, nhân cách của trẻ không thể tự tổ chức và sẽ bị lệch khỏi sự hình thành bình thường của nó. Con người tự xây dựng bản thân qua lao động. Không có gì thay thế được lao động, cả sức khỏe thể chất hay tình yêu mến và mặt khác các sự chệch hướng cũng không thể chỉnh sửa bằng hình phạt hay gương tốt.

Con người xây dựng bản thân qua lao động, lao động với đôi tay của nó, sử dụng đôi tay như là công cụ của bản ngã của nó, cơ quan của trí tuệ và ý chí cá nhân của nó quyết định sự hiện hữu của chính nó khi đối diện với môi trường. Bản năng của đứa trẻ là bằng chứng cho thấy lao động là một khuynh hướng cố hữu trong bản chất của con người, nó là bản năng đặc trưng của loài người.

Vậy tại sao lao động, lẽ ra phải là một nguồn thỏa mãn tối thượng, một trung tâm cho sức khỏe và tái tạo, như đối với trẻ em, lại bị gạt bỏ bởi người lớn? Tại sao ta có thể nghĩ rằng lao động là sản phẩm của các nhu cầu tất yếu khắc nghiệt do môi trường của nó tạo ra? Có lẽ vì lao động trong xã hội loài người được đặt trên những nền tảng sai lầm. Nó phát triển từ con người lệch lạc, lệch lạc qua sự chiếm hữu, quyền lực, dửng dưng, dính bén, nên bản năng sâu xa vẫn còn tiềm ẩn như một đặc tính bị kiềm chế. Nên lao động chỉ tùy thuộc vào các tình huống bên ngoài hay các tranh giành giữa những con người lệch lạc. Nó trở thành lao động cưỡng bức làm nảy sinh các rào cản tâm lí mạnh mẽ, và do đó trở thành khổ cực và đáng ghét.

Nhưng khi thông qua các tình huống ngoại lệ, lao động là kết quả của một thôi thúc nội tại theo bản năng, thì ngay ở người lớn, nó sẽ có một đặc tính hoàn toàn khác biệt. Lao động như thể trở nên hấp dẫn và khó cưỡng, và nó nâng cao con người lên trên các lệch lạc và xung đột bên trong nó. Đó là lao động của một nhà sáng chế hay kẻ khám phá, những nỗ lực anh hùng của nhà thám hiểm, các sáng tác của người nghệ sĩ, có nghĩa là lao động của những con người được ban cho một năng lực phi thường khiến họ có thể khám phá lại cái bản năng của chủng loại theo các khuôn mẫu của chính cá tính của họ. Bản năng này như một suối nguồn vụt phun ra từ vỏ mặt đất cứng rắn và dâng cao do một thôi thúc sâu xa, để rơi xuống như nước mưa tưới mát nhân loại khô cằn.

Chính qua sự thôi thúc này tiến bộ thật sự của văn minh đã xuất hiện.

Các đặc tính của hai loại lao động

Người lớn và đứa trẻ được tạo ra để yêu thương nhau và sống với nhau, thế nhưng họ luôn xung khắc do không hiểu nhau, điều này xói mòn các gốc rễ của sự sống, trong một bí mật bất khả xâm phạm.

Những vấn đề liên quan đến mối xung khắc này có tính đa diện, và một số, rõ ràng và cụ thể có ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội bên ngoài. Người lớn có sứ mệnh chu toàn một việc phức tạp và dồn dập đến nỗi họ thấy khó mà tạm ngừng như họ nên làm nếu họ phải theo sau đứa trẻ, tự thích ứng với nhịp điệu và các nhu cầu tâm lí của sự phát triển của trẻ. Mặt khác, sự phức tạp ngày càng tăng và tốc độ trong môi trường của người lớn ngày càng trở nên không thích hợp cho đứa trẻ. Chúng tôi có thể tưởng tượng ra một trạng thái giản dị và bình yên của đời sống sơ khai trong đó đứa trẻ tìm ra một nơi nương náu tự nhiên.

Trẻ thấy người lớn làm những công việc đơn giản theo một nhịp điệu chậm rãi, đứa trẻ được bao quanh bởi các gia súc và thấy chúng sống quanh nó. Trẻ sờ các đồ vật và cố gắng làm việc mà không ai la mắng. Nó ngủ khi buồn ngủ, buông mình dưới bóng mát một cây cổ thụ. Nhưng dần dần văn minh đã lấy đi môi trường xã hội khỏi đứa trẻ. Mọi thứ đều bị quy định quá chặt chẽ, quá hạn chế, quá vướng víu, quá nhanh. Không những nhịp điệu sống vội vàng của người lớn bận bịu là một chướng ngại cho đứa trẻ, mà sự xuất hiện của máy móc, tựa như một cơn lốc, đã quét mất những nơi ẩn náu cuối cùng của trẻ thơ. Trẻ không còn có thể sống một cách năng động, sự chăm sóc cho đứa trẻ hàm ý cho sự che chở nó khỏi các hiểm nguy đang gia tăng quanh trẻ trong thế giới bên ngoài.

Thế là trẻ trở thành một kẻ tị nạn, một sinh linh bất lực, một nô lệ. Không ai nghĩ đến nhu cầu tạo ra một môi trường đặc biệt cho đời sống của trẻ, không ai nghĩ rằng điều thích hợp là trẻ cũng cần hoạt động và làm việc. Điều cần thiết là hiểu rằng có hai vấn đề xã hội vì có hai dạng thức của đời sống, do đó có hai nhu cầu cần xét đến – vấn đề xã hội của người lớn và vấn đề xã hội của đứa trẻ. Trong mỗi lĩnh vực, có công việc tất yếu phải làm; công việc của người lớn và công việc của đứa trẻ, cả hai đều thiết yếu cho đời sống của nhân loại.

Nhiệm vụ của người lớn

Nhiệm vụ của người lớn là xây dựng một môi trường đặt chồng bên trên thiên nhiên, một công việc hướng ngoại đòi hỏi hoạt động và nỗ lực thông minh; đó là cái ta gọi là lao động sản xuất, và do có bản chất xã hội nó có tính tập thể và tổ chức. Để đạt được mục tiêu của công việc, con người phải cần tổ chức có trật tự, điều hòa công việc theo các tiêu chuẩn là quy luật của xã hội. Họ áp đặt một kỉ luật tập thể mà mọi người tự nguyện tuân thủ, vì chính họ cũng nhìn nhận các luật lệ này là cần thiết để đời sống xã hội có trật tự và hiệu quả.

Nhưng ngoài các luật lệ thể hiện những nhu cầu của địa phương và thời đại, khác biệt giữa các nhóm người và giữa các lứa tuổi, có những luật lệ căn bản khác bắt nguồn từ chính bản chất con người, liên quan đến chính lao động; những luật này là chung cho mọi người và mọi lứa tuổi. Một trong những luật đó là luật phân chia lao động, áp dụng phổ quát cho mọi sinh vật sống, cần thiết để các sản phẩm của con người phải được chuyên môn hóa.

Một quy luật tự nhiên khác lại liên quan đến cá nhân lao động là luật về cố gắng tối thiểu, theo đó, con người tìm cách đạt năng suất tối đa với sự lao động tối thiểu. Đấy là quy luật vô cùng quan trọng không phải vì ước muốn làm việc tối thiểu mà bởi vì khi theo luật này, sản xuất được gia tăng nhưng với mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu. Đó là nguyên lí có lợi ích thực tiễn được áp dụng cho các máy móc thay thế hay hoàn tất lao động của con người.

Có những “quy luật tốt” về thích ứng lao động trong xã hội và tự nhiên.

Nhưng không phải cái gì cũng tiến hành theo đúng các “quy luật tốt” này, bởi vật liệu con người dùng để lao động và sản xuất của cải có giới hạn, và trong cuộc đấu đá cạnh tranh đến sau đó, việc áp dụng các luật này bị suy thoái.

Thế là các tập quán xấu xa của con người xuất hiện, và sự chiếm hữu thành quả lao động của kẻ khác thay thế cho sự phân chia lao động. Thay thế cho luật cố gắng tối thiểu, nguyên tắc khai thác công việc của người khác xen vào: “Hãy để họ làm việc để ta có thể thu lợi từ sức lao động của họ trong khi ta nghỉ ngơi.” Những sự thoái hoá này kết hợp với các “quy luật tốt và thiết lập một hình thức xã hội của lao động của người lớn, dưới lớp ngụy trang của quyền tư hữu.

Đứa trẻ cơ bản là một hữu thể tự nhiên, sống với người lớn, về mặt đời sống vật chất của nó. Nhưng trẻ em luôn hoàn toàn xa lạ với lao động xã hội của người lớn; sinh hoạt của nó không thể sử dụng được trong sản xuất xã hội. Đúng ra, chúng ta phải giữ nguyên tắc này trong đầu rằng đứa trẻ không thể tham gia vào lao động xã hội của người lớn. Nếu chúng ta dùng biểu tượng của lao động chân tay như công việc của người thợ rèn đập cái đe bằng một cây búa nặng nề, đứa bé không thể làm việc đó. Nếu ta dùng biểu tượng của lao động trí óc như công việc của nhà khoa học sử dụng dụng cụ của họ trong một dự án nghiên cứu khó khăn, đứa trẻ không có gì để đóng góp vào lĩnh vực này. Hay nếu ta nghĩ đến nhà lập pháp suy tư về những bộ luật tốt nhất, đứa trẻ không bao giờ có thể thay thế ông ta.

Đứa trẻ do đó hoàn toàn xa lạ với xã hội của người lớn và có lẽ ta có thể diễn tả vị trí của nó bằng lời Thánh Kinh: “Vương quốc” của Ta không thuộc về thế giới này.” Nó là kẻ xa lạ, nằm ngoài tổ chức tạo ra bởi con người, bên ngoài thế giới nhân tạo mà con người đã xây trên thiên nhiên. Đứa trẻ sinh ra trong thế giới là một hữu thể bên-ngoài-xã-hội theo đúng nghĩa. Chúng ta gọi một người là kẻ ở bên-ngoài-xã-hội khi họ không thể tự thích ứng với xã hội hay không tích cực đóng góp một phần vào lao động sản xuất hoặc vào các quy luật của tổ chức của nó, và do đó họ là kẻ phá rối trật tự đã thiết lập.

Sự kiện đứa trẻ là hữu thể bên-ngoài-xã-hội luôn gây xáo trộn triền miên cho người lớn, ngay chính trong ngôi nhà của cha mẹ nó. Sự thiếu khả năng thích nghi với môi trường của người lớn càng thêm trầm trọng bởi đứa trẻ năng động và không thể từ bỏ hoạt động của nó. Do đó, người ta có nhu cầu gây chiến với đứa trẻ, đứa trẻ phải được dạy không quấy rầy hay làm phiền cho đến khi trở nên thụ động. Nó phải dời đến một nơi xa để sống, nếu không phải là nhà tù cho những người lớn bên-ngoài-xã-hội, thì cũng là một chỗ tương tự, dù là nhà giữ trẻ, phòng chơi hay trường học.

Đây là những nơi đứa trẻ bị lưu đày cho đến khi nó có thể sống trong thế giới người lớn mà không gây xáo trộn cho người khác. Chỉ lúc đó đứa trẻ mới được gia nhập xã hội. Nhưng trước tiên, trẻ phải vâng lời người lớn như một kẻ không có quyền công dân, hay đúng ra cũng không có đời sống dân sự, nó không là gì cả. Người lớn làm chủ nhân của nó; trẻ phải luôn chấp hành mệnh lệnh của họ, mà không được khiếu nại và do đó được xem là lẽ đương nhiên. Đứa trẻ đến với gia đình từ số không, và đối với trẻ, người lớn vĩ đại và quyền năng như thần thánh, là kẻ duy nhất có thể ban các thứ nhu yếu cho sự sống của nó. Người lớn là kẻ sáng tạo ra nó, kẻ quyền uy, chủ nhân, kẻ ban bố các hình phạt; không ai có thể cực kì và hoàn toàn lệ thuộc vào một kẻ khác như đứa trẻ lệ thuộc vào người lớn.

Nhiệm vụ của đứa trẻ

Nhưng đứa trẻ cũng là một người lao động và sản xuất. Tuy nó không thể tham gia vào công việc của người lớn, nó lại có một công việc riêng lớn lao, thực sự khó khăn và quan trọng mà nó phải thực hiện, đó là công việc tạo ra con người. Từ đứa trẻ sơ sinh bất lực, không có ý thức, ngu ngơ, và không có khả năng tự nâng mình đứng dậy, lại có thể hình thành nên một cá thể người lớn với hình dạng hoàn hảo, có tư duy phong phú với tất cả các sở hữu của đời sống tinh thần của họ, rạng rỡ với ánh sáng tâm linh, đó là công việc của đứa trẻ.

Chính đứa trẻ xây nên con người, chỉ mình đứa trẻ mà thôi. Người lớn không thể thay chỗ đứa trẻ trong vào công việc này; sự loại trừ người lớn khỏi “thế giới” và “công việc” của đứa trẻ còn hiển nhiên và tuyệt đối hơn sự loại trừ đứa trẻ khỏi công việc tạo ra cái trật tự xã hội xây chồng bên trên thiên nhiên, nơi người lớn đang ngự trị. Lao động của đứa trẻ thuộc vào một trật tự khác và có một lực hoàn toàn khác với công việc của người lớn. Lao động của đứa trẻ được thực hiện vô thức, buông theo một năng lực tâm linh huyền bí, tích cực tham gia vào sự sáng tạo.

Nó đúng là một lao động sáng tạo, có lẽ đó chính là hiện tượng sáng tạo con người, như đã được vạch ra một cách tượng trưng trong Kinh Thánh. Thần khí được thổi vào con người, mà Sách Thánh chỉ nói rằng nó đã “được tạo ra”. Nhưng cách thức con người được sáng tạo, cách thức mà sinh vật này đã nhận được những đặc tính của trí thông minh và uy quyền trên tất cả mọi tạo vật, tuy nó xuất phát từ cái không, là cái chúng ta có thể quan sát và chiêm ngưỡng với mọi chi tiết ở đứa trẻ và trong mọi đứa trẻ. Cảnh tượng tuyệt vời này diễn ra trước mắt ta hằng ngày. Cái đã xảy ra có thể tự tái diễn trong mỗi sinh linh của loài người khi nó được sinh ra. Ở đó ta tìm được cội nguồn sinh động của sự bất tử, nơi mọi sự được tái sinh khi nó chết.

Chúng tôi có thể lặp lại từng giây phút, trước bằng chứng rõ ràng của thực tế rằng đứa trẻ là cha của con người. Tất cả năng lực của người lớn xuất phát từ khả năng của “con-trẻ-là-cha” có thể hoàn tất sự hiện thực hóa của khuôn mẫu bí mật nó mang trong người. Tuy nhiên, điều đã đặt đứa trẻ vào vị thế của một người lao động thật sự là do trẻ không hoàn tất “khuôn mẫu của con-người-sẽ-là” đơn thuần qua chiêm nghiệm và nghỉ ngơi.

Không, lao động của đứa trẻ được tạo ra bởi hoạt động, trẻ sáng tạo qua sự tập luyện không ngừng nghỉ, và chúng ta phải nhớ rõ rằng trẻ cũng sử dụng môi trường bên ngoài của trẻ cho công việc của nó, cũng cái môi trường mà người lớn sử dụng và biến đổi. Đứa trẻ lớn lên qua sự tập luyện; sinh hoạt kiến tạo của trẻ là lao động thực thụ, phát sinh cụ thể từ môi trường bên ngoài của nó. Qua các kinh nghiệm của nó, đứa trẻ tự tập luyện và vận động; nhờ đó nó học điều hòa các cử động của nó và hấp thu, từ môi trường bên ngoài, các cảm giác đem đến tính cụ thể cho trí khôn của nó.

Trẻ miệt mài thụ đắc ngôn ngữ qua hành vi chú ý lắng nghe kì diệu và những nỗ lực sơ khởi mà chỉ nó có thể làm được. Không gì kiềm chế được đứa trẻ cố gắng tự đứng trên đôi chân của nó. Và khi làm như thế, trẻ đang đi theo một chương trình và một lịch trình như nhà học giả năng nổ nhất trên thế giới, với sự kiên định bất biến của các vì sao trong các chu trình vô hình của chúng. Mỗi năm, chúng ta có thể đo chiều cao của đứa trẻ và nó sẽ đạt đến giới hạn tăng trưởng đã quy định. Chúng ta cũng biết trẻ lên năm tuổi sẽ đạt đến một trình độ thông minh nào đó và đứa lên tám đạt một trình độ khác. Khi trẻ mười tuổi, chúng ta có thể nói nó cao bao nhiêu và nó sẽ làm được gì; bởi đứa trẻ sẽ tuân theo chương trình mà thiên nhiên đã hoạch định cho nó.

Do đó, qua hoạt động không mệt mỏi, tạo ra bởi các nỗ lực, trải nghiệm, chinh phục và đau buồn, qua các thử thách cam go và đấu tranh kiệt sức của nó, đứa trẻ, từng bước, chu toàn nhiệm vụ khó khăn và vinh quang của nó, luôn tăng thêm các hình thái mới của sự hoàn thiện. Người lớn thật sự hoàn thiện môi trường, nhưng đứa trẻ hoàn thiện chính hữu thể bản thân. Các nỗ lực của đứa trẻ giống như của một người bước đi không ngừng nghỉ cho tới khi đạt đến mục tiêu của họ. Do đó, sự hoàn hảo của con người trưởng thành tùy thuộc vào đứa trẻ.

Người lớn chúng ta phụ thuộc vào đứa trẻ. Chúng ta là con cái và kẻ lệ thuộc vào đứa trẻ trong phạm vi lao động của trẻ, cũng như nó là con cái của ta và lệ thuộc vào phạm vi lao động của chúng ta. Một kẻ phụ thuộc trong một lĩnh vực này, kẻ kia phụ thuộc trong lĩnh vực kia. Người lớn làm chủ trong một lĩnh vực, nhưng đứa trẻ làm chủ lĩnh vực của nó. Và do đó, cả hai phụ thuộc vào nhau; cả đứa trẻ, và người lớn đều là vua, nhưng mỗi bên có vương quốc riêng.

Đấy là khuôn khổ nền tảng cho sự hài hòa trong nhân loại. .

So sánh hai nhiệm vụ

Bởi lao động của đứa trẻ gồm các hành động tác động lên các sự vật có thực trong thế giới bên ngoài, nó có thể là đề tài của một nghiên cứu tích cực nhằm xác nhận các quy luật, nguồn gốc và mô thức tiến hành của nó, và so sánh nó với lao động của người lớn. Cả người lớn và đứa trẻ đều tiến hành một hành động tức thời, có ý thức, và tự nguyện trong môi trường của riêng mình, và do đó có thể được xem là sự lao động. Nhưng ngoài mặt này, mỗi bên có một mục tiêu phải đạt được, mà không được trực tiếp biết đến và làm do ý muốn.

Tất cả sự sống, dù là của thực vật, đều phát triển nhờ vào môi trường. Hơn thế nữa, sự sống là một năng lượng trong thế giới bên ngoài, liên tục tái phối trí cái môi trường, nếu không, có lẽ sẽ thoái hóa và do đó, luôn canh tân nó, cho phép sự sáng tạo luôn tiếp diễn, ví dụ, công việc trước mắt của các trùng san hô là hấp thu chất calcium car-bô-nat từ nước biển và từ đấy tạo thành cái vò che chắn cho chúng, trong khi mục tiêu cuối cùng của chúng đối với môi trường là tạo nên các lục địa mới. Và bởi mục tiêu tối hậu còn xa vời đối với công việc trước mắt của chúng, chúng ta có thể khảo sát tất cả những gì có thể khảo sát trong rạn san hô, bằng nghiên cứu khoa học, nhưng chúng ta sẽ không tìm thấy một lục địa mới. Điều này ít nhiều cũng áp dụng cho tất cả các sinh vật và đặc biệt cho con người.

Mỗi hữu thể sơ sinh tham gia vào sự sáng tạo một sinh vật trưởng thành đều có một mục tiêu xa nhưng rõ ràng và chắc chắn. Khi nghiên cứu đời sống trẻ sơ sinh hay của đứa trẻ nói chung, từ mọi khía cạnh, chúng ta cuối cùng có thể biết được và khám phá ra mọi sự về đứa trẻ, từ các phân tử của sự sống vật chất của nó cho đến các chi tiết nhỏ nhặt nhất của tất cả các chức năng của nó, nhưng có một điều chúng ta sẽ không tìm ra, đó là người lớn mà nó sẽ trở thành:

Vậy, hai mục tiêu của tác động xa và gần đều bao hàm sự lao động tận dụng môi trường.

Đôi khi thiên nhiên, qua các sinh vật đơn giản hơn của nó bày ra những ví dụ cho ta thấy thoáng qua một phần bí mật của nó. Ví dụ trong giới côn trùng, chúng ta có thể ghi nhận hai hình thức của lao động thật sự có năng suất. Một thứ là tơ lụa, chất sợi bóng bẩy mà con người dệt thành vải vóc quý giá nhất; thứ kia là mạng nhện với sợi mong manh mà con người vội vàng phá hủy. Lụa là sản phẩm của một sinh vật còn non, mạng nhện là sản phẩm của một sinh vật đã lớn. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang có hai thứ lao động khác nhau. Do đó, khi chúng ta nói đến công việc của đứa trẻ và so sánh nó với công việc của người lớn, chúng ta đang nói về hai loại hoạt động khác biệt với hai mục đích khác nhau, nhưng cả hai đều chính đáng.

Bây giờ cái chúng ta cần biết là đặc tính lao động của đứa trẻ. Khi một đứa trẻ làm việc, nó không làm để đạt được một mục tiêu bên ngoài nào đó. Mục đích lao động của trẻ chính là công việc, và khi lặp lại một bài tập, trẻ hướng về một mục tiêu, mục tiêu đó độc lập với các yếu tố bên ngoài, về mặt các đặc tính cá nhân, mục tiêu của công việc không hề là hệ quả của sự mệt mỏi, bởi nét đặc trưng ở trẻ là rời khỏi công việc của nó với sinh lực mới và tràn đầy năng lượng.

Thế nên, chúng tôi cho rằng công việc của trẻ là sự thỏa mãn một nhu cầu nội tại, một hiện tượng trưởng thành về mặt tinh thần. Mục đích bên ngoài, được xem là một tổng thể – có nghĩa là đối tượng mà đứa trẻ tác động lên qua hoạt động của nó, công dụng của đối tượng này và mục tiêu trẻ nhắm đến – cái mục đích này tự rút gọn thành một phương tiện duy nhất cho hoạt động nội tại. Hoạt động này không hoàn toàn gắn kết với đối tượng như thể có một tác nhân cơ động ấn định một hoạt động máy móc, nhưng là cái trí tuệ phải đóng vai trò của nó.

Việc lặp lại hành vi phát sinh từ một tri thức đã được thụ đắc chính xác qua thao tác và qua các mục đích phải đạt được. Và tất cả điều này cấu tạo thành cái động lực phức tạp cần thiết cho một bài tập có tính đào tạo. Đứa trẻ cảm thấy có nhu cầu lặp lại thao tác này không phải để hoàn thiện thao tác của nó mà để xây nên hữu thể nội tại của chính nó, và thời gian cần thiết, số lần lặp lại theo nhu cầu, quy luật nội tại tiềm ẩn trong phôi thai tình thần là một trong những điều bí ẩn của trẻ thơ.

Điều này cho thấy một trong những sự khác biệt giữa các định luật tự nhiên về lao động của người lớn và lao động của trẻ em. Đứa trẻ không tuân theo định luật về cố gắng tối thiểu, nhưng theo một định luật hoàn toàn trái ngược. Nó tiêu thụ rất nhiều năng lượng cho một mục đích không thực chất và không những để thúc đẩy mà còn sử dụng năng lượng một cách mãnh liệt nhằm thực hiện chính xác mỗi chi tiết. Hành động hướng ngoại và đối tượng do đó là một phương tiện có tầm quan trọng luôn luôn mang tính tạm thời. Mối quan hệ giữa tài nguyên môi trường và sự hoàn thiện hóa đời sống nội tâm của đứa trẻ như thế thật đáng kinh ngạc, bởi lẽ theo người lớn, chính ý tưởng này phải thể hiện qua đời sống tâm linh. Con người đã đạt đến mức thăng hóa không còn bận tâm đến các vật bên ngoài, nhưng chỉ sử dụng chúng vào lúc đó để hoàn thiện bản ngã bên trong của họ. Trong khi đó, kẻ sống trên một bình diện thông thường, bận tâm quá nhiều đến các sự vật, đến những mục tiêu bên ngoài, sẵn sàng hi sinh bản thân cho chúng và đánh mất linh hồn và sức khỏe vì chúng.

Một đặc tính khác, rõ ràng và khó phủ nhận giữa lao động của người lớn và lao động của đứa trẻ là công việc của đứa trẻ không cho phép bóc lột kẻ khác và không thể đi tắt đón đầu. Đứa trẻ chỉ xúc tiến công việc cho sự phát triển của nó và tiến hành công việc cho đến khi hoàn tất. Không ai làm được công việc của trẻ và lớn lên giúp nó. Để trở thành con người tuổi đôi mươi, nó phải trải qua hai mươi năm. Thật vậy, đi theo một kế hoạch và lịch trình nội tại bất biến và khắt khe chính là đặc tính của tuổi thơ đang phát triển.

Thiên nhiên là người thầy khắt khe trừng phạt những hành vi bất tuân nhỏ nhặt nhất bằng cái ta gọi là “bị chậm lớn” hay là sự chệch hướng về chức năng, nói ngắn gọn là bằng bệnh tật hay sự bất thường. Điều thú vị là ta hãy tạm ngừng một lát để xem đứa trẻ, một học giả của thiên nhiên, hoàn toàn tuân theo một năng lực tự nhiên hướng dẫn nó và trao cho nó công việc mà nó sẽ trung thành thực hiện hơn cả các hiệp sĩ thời Trung cổ vì danh dự của họ. Đứa trẻ sẽ phát triển về thể chất và khả năng tâm lí, như chương trình đặt ra bởi thiên nhiên đã ra lệnh.

Cách trẻ làm thế nào, trẻ tiến hành sự kiến tạo bên trong bản thân ra sao, đó là bí mật mà trẻ thơ sẽ không tiết lộ – như một học giả cần mẫn luôn giữ im lặng về những gì họ đang làm. Chỉ trong những tình huống đặc biệt, bí mật mới được phơi mở, chúng ta có thể nói, là học giả của thiên nhiên, đứa trẻ thỉnh thoảng phải thi đỗ, có nghĩa là phải cố gắng để hoàn tất những giai đoạn khác nhau trong quá trình tiến bộ của nó. Đó là những giai đoạn mẫn cảm mà mọi sinh vật ở giai đoạn “sơ sinh”, từ côn trùng cho đến con người, đều phải trải qua.

Trong các giai đoạn này, có những sự mẫn cảm đặc trưng của giai đoạn phát triển đặc biệt sau đó sẽ biến mất, và với từ ngữ “mẫn cảm”, chúng tôi cũng hàm ý về một khả năng hoạt động đặc biệt – một năng lực hành động dường như nhất thời và đặc trưng của một giai đoạn nhất định, và do đó dường như kì diệu đối với những kẻ không còn sở hữu nó. Thật vậy, chúng tôi có thể nói rằng mỗi sự thụ đắc bởi một sinh vật đang tiến hóa là nhờ một giai đoạn mẫn cảm, không khác gì học giả thi đỗ không chỉ trong từng bộ môn mà còn để đi từ lớp dưới lên lớp trên trong cùng bộ môn.

Phát triển qua hoạt động

Các giai đoạn mẫn cảm của các sinh vật trong quá trình tiến hóa là một trong những kì quan lớn nhất của thiên nhiên. Có những bản năng chỉ tìm thấy trong giai đoạn sơ sinh, và biểu thị một sự chỉ đạo nội tại mang đến những đặc tính chuyên biệt. Tăng trưởng không phải là cái gì mơ hồ như sự tích lũy tiệm tiến về vật chất hay một nhu cầu tất yếu di truyền bên trong. Nó là một quá trình được hướng dẫn tỉ mỉ bởi các bản năng nhất thời cung cấp một sự mẫn cảm nhạy bén và một động lực hướng đến các hình thức hoạt động chuyên biệt, và chúng thường khác biệt rất rõ ràng với các hoạt động của cá thể ở giai đoạn trưởng thành.

Đúng ra chúng tôi có thể nói rằng sự khác biệt sâu sắc giữa hai trạng thái nằm ở điểm này: khi đạt đến mức tối đa về chiều cao và phát triển thể chất, người lớn đồng thời đã hiện thực hóa các bản năng chủng loại của nó, khiến nó tác động theo một thể thức ổn định lên thế giới bên ngoài. Trong khi đó, trẻ sơ sinh thường thiếu hẳn, hơn là có, các bản năng cố định của chủng loại, và thay vào đó, nó có một số những bản năng có thể thay đổi và tiếp nối với nhau, đưa nó đến sự thụ đắc những đặc tính của giai đoạn trưởng thành.

Các sự mẫn cảm này do ảnh hưởng của các bản năng chỉ đạo phát triển có tính nhất thời khiến ta hiểu được hoạt động không ngừng nghỉ của thiên nhiên. Theo cùng thể thức, khi thâm nhập sâu hơn vào bên dưới hình dạng bên ngoài của cơ thể, chúng ta thấy các cơ quan và các mô đang hoạt động bên trong, điều này cung cấp một giải thích chi tiết về đời sống của một cơ thể sống, cùng với các hiện tượng thuộc về trật tự tâm lí, chúng ta có thể khảo sát bên dưới bề mặt và tìm ra các hoạt động khác nhau đang tác động lên sự tăng trưởng. Các giai đoạn mẫn cảm trong đứa trẻ đôi khi ban cho nó những năng lực thực sự kì diệu.

Ví dụ, chúng ta có thể ghi nhận sự nhạy bén lạ lùng của các giác quan của đứa trẻ, sự nhạy bén của đôi mắt của trẻ đối với màu sắc và kích thước đang hướng dẫn sự chú ý của trẻ vào việc thu thập các chi tiết nhỏ nhặt nhất của môi trường. Giai đoạn nhạy cảm về trật tự đối với các vật bên ngoài và vị trí của chúng trong thiên nhiên cũng thật tuyệt vời. Chính qua sự mẫn cảm này mà đứa trẻ có thể tự định hướng, điều này khó khả thi nếu thiên nhiên đã không ghi sâu khả năng này trong trẻ sơ sinh.

Đứa trẻ có một nguyên lí động lực thúc đẩy khác cái động lực ở người lớn. Người lớn hành động trong sự hỗn độn của những động lực bên ngoài đòi hỏi nhiều cố gắng, lao động mệt mỏi. Và nếu người lớn phải có tầm mức tương xứng với nhiệm vụ của họ, đứa trẻ, mà họ đã từng là, cũng phải đã từng làm việc thật tốt để họ thành một con người mạnh mẽ.

Người lớn đã đánh mất sự mẫn cảm ban đầu, và giờ đây họ là một đứa học trò tồi của thiên nhiên, đáng bị đánh trượt trong cuộc thi gắt gao. Họ không thể bắt chước đứa trẻ.

Đứa trẻ bị thúc đẩy tiến tới bởi các nhạy cảm tinh tế, bừng sáng với tình yêu của trí tuệ đang thôi thúc trẻ hướng ra thế giới bên ngoài và khiến trẻ tích lũy ấn tượng của các sự vật như một thứ sữa tâm linh mà nó cần tiếp thu để nuôi dưỡng đời sống nội tâm của nó. Vì vậy, những biểu hiện tâm lí của đứa trẻ vừa là động lực của sự nhiệt tình vừa là nỗ lực của sự nhẫn nại kiên định và cẩn thận.

Đứa trẻ không trở thành mệt mỏi vì lao động nhưng nó trở nên mạnh mẽ hơn. Nó lớn lên do lao động và vì thế mà lao động làm tăng năng lượng của nó. Đứa trẻ không bao giờ xin được lấy bớt gánh nặng công việc của nó mà ngược lại nó xin được phép thực hiện các công việc của nó và được phép làm một mình. Nhiệm vụ tăng trưởng là đời sống của đứa trẻ, trẻ phải thực sự làm việc hay phải chết.

Người lớn nếu không ý thức về điều bí ẩn này sẽ không bao giờ hiểu được lao động của đứa trẻ. Và trong thực tế, họ chưa bao giờ hiểu được bí mật này. Vì vậy, họ luôn ngăn cản đứa trẻ làm việc vì nghĩ rằng cái mà trẻ cần nhất để lớn lên là sự nghỉ ngơi. Người lớn làm tất cả cho đứa trẻ, bởi họ chỉ được hướng dẫn bởi các quy luật lao động tự nhiên của chính họ, sự cố gắng tối thiểu và tiết kiệm thời gian, Nhanh hơn và khéo léo hơn đứa trẻ, người lớn đã thay áo và mặc áo cho đứa trẻ, tắm cho nó, đút cho nó ăn, ẵm nó trong tay hay đặt trong xe đẩy và sắp xếp môi trường của nó mà không cho phép nó tham gia.

Khi đứa trẻ được phép có một không gian nhỏ “trong thế giới và trong thời gian”, nó tuyên bố như một dấu hiệu đầu tiên của sự háo hức tự vệ, “Con, con muốn làm cái đó!”.

Nhưng trong môi trường đặc biệt đã được chuẩn bị cho trẻ trong trường của chúng tôi, trẻ em tìm thấy một câu diễn tả nhu cầu nội tại này. “Xin giúp con tự làm một mình.” Chân lí đằng sau lời yêu cầu nghịch lí này thật sâu sắc! Người lớn phải trợ giúp cho đứa trẻ, nhưng trợ giúp bằng cách nào để trẻ có thể hành động cho chính nó và thực hiện công việc thực sự của nó trong thế giới. Câu này không những diễn tả nhu cầu của đứa trẻ mà còn biểu lộ cái mà trẻ cần từ môi trường của nó: trẻ phải được bao quanh bởi một môi trường sống, không phải một môi trường chết. Trẻ không muốn một môi trường để làm chủ và thụ hưởng; trẻ muốn một môi trường có thể giúp nó thiết lập các chức năng của nó. Môi trường này rõ ràng phải được làm cho sinh động bởi một trí khôn cao hơn, sắp xếp bởi một người lớn đã được chuẩn bị cho sứ mệnh của họ. Điều này là quan niệm của chúng tôi khác với quan điểm của thế giới trong đó người lớn làm mọi việc cho trẻ hay khác với một môi trường thụ động trong đó người lớn bỏ mặc đứa trẻ một mình.

Phôi thai tinh thần, như phôi thai vật chất, cần một môi trường sống để phát triển.

Điều này có nghĩa là đặt trẻ vào giữa các đồ vật có tỉ lệ tương xứng với dáng vóc và thể lực của chúng là chưa đủ; người lớn giúp trẻ còn phải được huấn luyện để làm việc đó. Nếu người lớn, do một hiểu lầm chết người, thay vì giúp trẻ tự làm các việc cho nó, lại làm thay cho đứa trẻ, thì người lớn đó sẽ trở thành chướng ngại mù quáng và mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển đời sống tinh thần của đứa trẻ, Bi kịch lớn đầu tiên về đấu tranh giữa con người và sự lao động của nó, và có lẽ nguồn gốc của mọi bi kịch và mọi đấu tranh của nhân loại nằm trong sự hiểu lầm này, tức là trong sự cạnh tranh quá mức giữa lao động của người lớn và lao động của đứa trẻ.

Các yếu tố này vừa tế nhị vừa sâu xa nhắc nhở chúng ta nghĩ đến các mô trong phôi thai thể chất cần được che chở, bao bọc trong một môi trường bảo vệ, để cái khuôn mẫu về hình thái chúng chứa đựng sẽ không bị hỏng. Điều không thể nghi ngờ là chúng ta phải xây nên một môi trường sống và bảo vệ cho đứa trẻ, phôi thai tinh thần của con người. Đặt trong tầm tay của trẻ vài phương tiện sinh hoạt có kích cỡ cân xứng và có mục đích để trẻ tập luyện các năng lực xây dựng là chưa đủ. Cung cấp vài lời khuyên cho các bà mẹ hay nói chung cho những người lớn yêu quý và gần gũi với trẻ nhất cũng không đủ. Cái cần là cái gì thuộc về một chiều kích rộng lớn hơn. Bởi đứa trẻ bộc lộ không những các ước vọng cần thỏa mãn mà cả toàn bộ sự sống phải tiến hóa, sự sống cần sự chăm sóc tế nhị nhất, mà người lớn vẫn còn chưa nhận thức được.

Nói một cách không thái quá, người lớn xưa nay chỉ xây dựng một thế giới cho người lớn nên bắt đầu xây lên một thế giới cho đứa trẻ. Cư xử với đứa trẻ là việc phức tạp và tế nhị đến nỗi ta cần có thêm điều gì khác hơn là sự thức tỉnh ở người mẹ hay sự huấn luyện những loại người bảo mẫu và giáo viên mới.

Sự đáp ứng cho các nhu cầu của trẻ phải là sự canh tân giáo dục về mặt tư duy và tâm linh, nó sẽ là trung tâm của nhiều khoa học phụ, cho đến khi đạt được kết quả mĩ mãn, là một quan điểm mới về cuộc sống, là một sự canh tân đời sống.

Các bản năng hướng đạo

Trong thiên nhiên, cũng có hai dạng thức sống: một của kẻ trưởng thành và một của sinh vật sơ sinh, chúng khác nhau và thậm chí đối nghịch nhau. Đời sống của người lớn có đặc tính đấu tranh, đấu tranh để thích nghi với môi trường, như Lamarck đã mô tả, hay đấu tranh vì cạnh tranh và chọn lọc tự nhiên như Darwin đã minh họa: đấu tranh không những cho sự sống còn của loài, mà còn cho sự chọn lọc tự nhiên trong sự cạnh tranh về mặt tính dục.

Điều xảy ra giữa các động vật trưởng thành có thể so sánh với các diễn biến trong đời sống xã hội của loài người, ở đây, chúng ta cũng tìm thấy nỗ lực tự đảm bảo sự sinh tồn và tự vệ chống trả kẻ thù, ta cũng tìm thấy các đấu tranh và lao động để thích ứng thành công với môi trường, và ở đây ta cũng nhìn thấy tình yêu và chinh phục về tình dục. Trong cuộc cạnh tranh này, Darwin đã tìm ra các tác động của sự tiến hóa và lời giải thích cho sự tồn tại của các hình thái vật chất, cũng như các sử gia duy vật đã quy sự tiến hóa về lịch sử của nhân loại cho sự đấu tranh và cạnh tranh giữa người với người.

Trong khi giải thích lịch sử con người, chúng tôi không có dữ liệu nào khác ngoài các hoạt động của người lớn, nhưng trong thiên nhiên thì không phải như vậy. Ngược lại, chìa khóa thật sự dẫn đến sự sống vẫn dai dẳng tồn tại và tự thiết lập trong thiên nhiên và cho thấy sự đa dạng tuyệt vời của vô số sinh vật nằm trong chương sách dành riêng cho giai đoạn sơ sinh. Tất cả các sinh vật đều yếu ớt trước khi chúng lớn mạnh đủ để chống chọi, và tất cả sinh linh đều ở một giai đoạn mà vấn đề thích ứng của các cơ quan của chúng không cần đặt ra bởi vì các cơ quan này chưa hiện hữu, Không một sinh vật nào bắt đầu ở thể trưởng thành.

Vậy hẳn phải có một phần ẩn giấu của sự sống, dưới những hình thức khác, những phương tiện khác, những động lực khác hơn là những cái đã tồn tại trong mối tương giao giữa cá thể mạnh mẽ và môi trường của nó. Chương sách này, chương sách về tuổi thơ trong thiên nhiên, nắm giữ chìa khóa đích thực dẫn đến sự sống, bởi điều xảy ra cho người lớn chỉ có thể giải thích được những rủi ro của sự sinh tồn.

Các nghiên cứu sinh học về đời sống “sơ sinh” của các sinh vật đã chiếu rọi ánh sáng lên khía cạnh kì diệu và phức tạp nhất của thiên nhiên, cho thấy những thực tại đáng kinh ngạc và những triển vọng tuyệt vời, đong đầy thiên nhiên sống động với chất thơ và hầu như với tôn giáo. Trong lĩnh vực này, sinh học đã khám phá và đưa ra ánh sáng các mặt sáng tạo và bảo tồn của loài cho thấy sự hiện hữu của các bản năng đã hoạt động với vai trò chỉ đạo nội tại cho các sinh vật sống, và để phân biệt các bản năng này với các bản năng có tính khích động, có mối liên hệ với các phản ứng tức thời của một sinh vật với môi trường, chúng có thể được gọi là “bản năng chỉ đạo”.

Trong sinh học, tất cả các bản năng hiện hữu luôn được tập hợp thành hai nhóm căn bản khác nhau tùy theo các mục tiêu riêng của chúng, đó là, các bản năng để bảo vệ sự sống cá thể và các bản năng để bảo vệ sự sinh tồn của loài, cả hai trường hợp đều cho thấy sự đấu tranh có mối liên hệ với các giai đoạn nhất thời, và như thế, với những tiếp cận giữa cá thể và môi trường xung quanh nó, đồng thời trong cả hai trường hợp đều có những bản năng bộc lộ vai trò hướng dẫn kiên định thiết yếu cho sự sống với một chức năng chủ yếu để bảo tồn.

Ví dụ, trong các bản năng liên quan đến bảo vệ sự sống của cá thể, khía cạnh đấu tranh có tính giai đoạn của nó được biểu hiện bởi bản năng tự vệ chống lại các nguyên nhân bất lợi và có tính đe dọa. Giữa các bản năng liên quan đến sự bảo đảm sinh tồn của loài, có bản năng mang tính giai đoạn, được khơi dậy bởi sự gặp gỡ với những sinh vật khác dưới dạng quan hệ tính dục hay xung đột về tính dục. Các chi tiết riêng lẻ này, vì hiển nhiên và dữ dội hơn, là các bản năng đầu tiên được các nhà sinh học nhận ra và khảo sát.

Tuy nhiên, sau này, người ta chú ý nhiều hơn đến các bản năng cho sự bảo tồn của cá thể và loài trong khía cạnh bảo thủ bất biến của chúng. Các bản năng này được xác định là những bản năng chỉ đạo được nối kết chặt chẽ với chính sự hiện hữu của sự sống trong vai trò vũ trụ vĩ đại của nó, Các bản năng này không hẳn là những phản ứng đối với môi trường, với tính chất là những sự mẫn cảm tinh tế bên trong, cố hữu của sự sống, tương tự như tư duy thuần túy là một phẩm chất nội tại cố hữu của trí tuệ.

Chúng ta có thể tiếp tục so sánh và xem chúng như là những ý tưởng của Thiên Chúa đang hoạt động sâu trong lòng các tạo vật sống, rồi sau đó hướng dẫn chúng tác động lên thế giới bên ngoài để hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa. Vì thế, các bản năng chỉ đạo không có tính chất khích động của những đấu tranh nhất thời nhưng được đánh dấu bởi một trí tuệ và một sự khôn ngoan hướng dẫn các sinh linh trên hành trình của chúng qua thời gian (các cá thể) và trong vĩnh cửu (các loài).

Các bản năng hướng đạo đặc biệt kì diệu khi chúng có nhiệm vụ hướng dẫn và bảo vệ sự sống của trẻ sơ sinh lúc ban đầu, khi sinh linh vẫn hầu như chưa hiện hữu và còn non nớt, tuy nhiên đang tiến đến sự phát triển toàn vẹn. Ở giai đoạn như vậy, nó chưa thụ đắc những đặc điểm chủng tộc, chưa có sức mạnh, sự đối kháng, hay các vũ khí sinh học để tranh đấu, thậm chí cả niềm hi vọng vào chiến thắng cuối cùng, là phần thưởng chắc chắn cho sự sống còn. Ở đây, bản năng hướng đạo tác động vừa như một bà mẹ vừa như một nhà mô phạm, cả hai đều bí ẩn như bí mật của sáng tạo. Sự hướng dẫn này đem sinh vật bất lực đến bờ an toàn khi nó không có phương tiện hay sức mạnh để tự cứu nó.

Một trong những bản năng hướng đạo này liên quan đến tình mẫu tử, bản năng kì diệu đã được Fabre và các nhà sinh học mô tả là một chìa khóa cho sự sinh tồn của Các sinh vật. Một bản năng khác liên quan đến sự tăng trưởng của cá thể đã được nhà sinh học người Hà Lan mô tả trong nghiên cứu về các giai đoạn mẫn cảm.

Bản năng mẫu tử không chỉ đơn thuần giới hạn ở con mẹ, mặc dù nó là kẻ sinh con đẻ cái trực tiếp cho chủng loại và có vai trò lớn nhất trong nhiệm vụ bảo vệ này. Nó xuất hiện ở cả cha mẹ và đôi khi cả trong quần thể sinh vật. Một cuộc nghiên cứu sâu hơn về bản năng mẫu tử cho chúng ta nhận ra nó là một năng lượng huyền bí không chỉ có liên hệ với các sinh vật sống, mà còn để bảo vệ chủng loài ngay khi không thông qua con mẹ, như lời trong sách Ecclesiasticus, “Từ thuở ban sơ, và trước khi có thế giới, ta đã được tạo ra”.

Do đó, thuật ngữ “bản năng mẫu tử” là một thuật ngữ chung cho bản năng chỉ đạo liên quan đến sự bảo tồn chủng loại, có một số đặc điểm chung của bản năng này trong tất cả các loài; bản năng mẫu tử đòi hỏi sự hi sinh của tất cả các bản năng khác trong sinh vật đã lớn để đảm bảo sự tồn tại của loài.

Một con vật hung dữ nhất sẽ bộc lộ một sự hiền lành và dịu dàng tùy theo đặc tính của nó; con chim bay thật xa để tìm thức ăn hay để thoát khỏi hiểm nguy, nhưng sẽ đứng yên để canh giữ cái tổ của nó, nó sẽ tìm cách khác để tự vệ khỏi mối nguy hiểm, nhưng không bao giờ bỏ trốn. Bản năng cố hữu của loài thường bất ngờ thay đổi tính chất. Ngoài ra, trong nhiều loài, có một khuynh hướng xây dựng và laọ động xuất hiện mà chưa từng được thấy cũng ở những loài này, vào những thời điểm khác, bởì một khi đã đến giai đoạn trưởng thành, chúng thích ứng với môi trường thiên nhiên chúng đã tìm thấy. Bản năng mới che chở cho loài dẫn đến một lao động kiến tạo để chuẩn bị một chỗ ở và ẩn náu cho con non mới sinh… về phương diện này, mỗi loài và các sinh vật khác nhau tuân theo một sự chỉ đạo đặc biệt.

Không sinh vật nào ngẫu nhiên gom góp vật liệu đầu tiên mà nó tìm thấy hay điều chỉnh cách xây tổ của nó theo địa điểm. Không, các chỉ dẫn cho nó là cố định và bất biến, Ví dụ, cách chim xây tổ là một trong những đặc điểm để phân biệt các loài chim khác nhau, ở côn trùng, ta tìm thấy những ví dụ đáng kinh ngạc về công việc kiến tạo; tổ ong là những lâu đài xây theo một kiến trúc hình học hoàn hảo mà cả quần thể ong đã phối hợp để xây cho thế hệ mới.

Những ví dụ khác, ít ngoạn mục hơn nhưng không kém phần thú vị, như con nhện, khác thường vì tự “xây nhà” cho chính nó và biết cách giăng bẫy rộng và mỏng manh để bắt kẻ thù của nó. Nhưng rồi bỗng nhiên, con nhện hoàn toàn thay đổi công việc của nó, và quên đi các nhu cầu tất yếu của chính nó, bắt đầu tạo ra một cái túi tí hon với những sợi tơ mới, đan bện chặt, hầu như không thấm nước. Thường túi có vách đôi, biến nó thành chỗ trú ẩn tuyệt vời ở những vùng ẩm và lạnh, nơi vài loài nhện sinh sống.

Đây là sự khôn ngoan thật sự trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Bên trong cái túi an toàn, con nhện đẻ trứng. Nhưng thật lạ, là con nhện say mê gắn bó với cái túi này. Trong một số quan sát tại phòng thí nghiệm, người ta thấy những con nhện như vậy, với thân hình màu xám, nhỏ bé, mà không sự tìm kiếm nào cho thấy nó có một quả tim, có thể chết vì đau buồn nếu cái túi của nó bị xé ra hay phá hủy. Trên thực tế, người ta khám phá ra rằng con nhện gắn bó với cái túi của nó như thể cái túi là một phần nối dài của cơ thể nó. Nó yêu cái túi, nhưng nó không có cảm xúc gì đối với trứng hay các con nhện tí hon cuối cùng sẽ chui ra từ các trứng này. Con nhện dường như không để ý đến sự hiện diện của chúng. Bản năng đã khiến con nhện mẹ này làm việc cho loài của nó dù không có sinh vật sống nào của loài là đối tượng trực tiếp. Do đó, có thể có một bản năng không có đối tượng trực tiếp với hoạt động khổ cưỡng, biểu thị sự tuân phục đối với một mệnh lệnh nội tại để làm cái gì cần thiết và mang đến sự yêu thích cái đã được ra lệnh.

Có những con bướm cả đời hút mật hoa mà không hề biết đến sự quyến rũ của thức ăn nào khác. Nhưng đến lúc đẻ trứng, chúng không bao giờ đẻ trứng trên hoa. Chúng được chỉ đạo bởi một bản năng khác, bản năng tìm thức ăn thích hợp cho các thay đổi của cá thể, và chúng được hướng dẫn đi tìm một môi trường khác, thích hợp cho một cá thể mới cần thức ăn khác. Thế nhưng những con bướm không để ý đến thức ăn đó, cũng như chúng không bao giờ biết đến sinh vật sắp ra đời. Côn trùng mang bên trong chúng mệnh lệnh của thiên nhiên, hoàn toàn xa lạ với chúng. Con bọ cánh cam và các côn trùng tương tự không bao giờ đẻ trứng ở mặt trên của lá sẽ là thức ăn cho các ấu trùng nhỏ bé, mà ở mặt dưới của lá, để ấu trùng có thể được che chở và giấu kín. Chúng ta thấy “suy nghĩ thông minh” tương tự trong một số lớn các côn trùng, chúng không bao giờ ăn lá những cây mà chúng đã chọn để nuôi dưỡng con non của chúng. Do đó, nói theo mặt “lí thuyết”, chúng có một “thứ kiến thức”, để biết cái gì sẽ là thức ăn thích hợp cho con non và “dự đoán” các nguy hiểm có thể đến từ thời tiết.

Một sinh vật trưởng thành với sứ mệnh bảo vệ các sinh linh mới, do đó thay đổi các đặc tính của nó và biến đổi chính bản chất của nó, như thể đã đến lúc quy luật thông thường chi phối chính cuộc sống của nó tạm ngừng, để chờ đợi một sự kiện thiên nhiên vĩ đại nào đó – phép lạ của sáng tạo. Rồi nó làm một việc không những chỉ để sống, mà ta có thể nói, nó tiến hành một nghi thức được diễn ra trong cái phép lạ này.

Thật vậy, một trong những phép lạ huy hoàng nhất của thiên nhiên là khả năng của con non, mặc dù hoàn toàn thiếu kinh nghiệm, là xác định phương hướng cho chúng và tự bảo vệ mình trong thế giới bên ngoài, với sự hướng dẫn của các bản năng không toàn phần và nhất thời được xem là các Giai Đoạn Mẫn Cảm. Ở đây, bản năng theo nghĩa đen, thật sự là kẻ chỉ đạo hướng dẫn chúng tuần tự qua các khó khăn liên tiếp và kích hoạt các sinh vật mới với sức mạnh khó cưỡng.

Rõ ràng thiên nhiên đã không bỏ mặc sự bảo vệ trẻ sơ sinh cho người lớn, thiên nhiên nắm chắc các quy tắc và cảnh giác dõi theo sự tôn trọng các quy tắc này. Người lớn phải làm việc trong các giới hạn đã ấn định bởi các bản năng hướng đạo để bảo vệ chủng loại. Thông thường, như đã thấy ở loài cá và côn trùng, hai dạng bản năng hướng đạo, một dạng ở con bố mẹ và một dạng ở con non, hoạt động riêng biệt và độc lập, khi con bố mẹ và con non không hề gặp nhau. Mặt khác, ở các động vật cấp cao hơn, hai bản năng dần dần hợp lại trong sự gặp gỡ giữa bố mẹ và con, và sự cộng tác hài hòa xảy ra sau đó, chính trong sự gặp gỡ giữa các bản năng hướng đạo trong con mẹ và các giai đoạn mẫn cảm của con non mà tình thương có ý thức phát triển giữa con bố mẹ và con non. Hay ngay tình mẫu tử cũng có thể mở rộng đến một quần thể có tổ chức, chăm sóc thế hệ mới như một tổng thể, sản phẩm sống động của một chủng loại. Ta tìm thấy điều này ở các côn trùng có hình thức tổ chức xã hội, như ong, kiến và vân vân.

Tình yêu và sự hi sinh không phải là nguyên nhân để bảo vệ loài, mà là các hệ quả của một bản năng hướng đạo sinh động có bộ rễ vươn xuống tận cái phòng thí nghiệm sáng tạo vĩ đại của sự sống, nơi từ đó mỗi loài rút ra sức sinh tồn của chúng, cảm xúc yêu thương chỉ khiến nhiệm vụ được áp đặt trở nên dễ dàng hơn, mang đến cho nỗ lực niềm vui thú đặc biệt, tìm thấy trong sự hoàn toàn tuân phục đối với mệnh lệnh của thiên nhiên.

Nếu chúng ta muốn gói trọn thế giới người lớn chỉ trong một cái nhìn thoáng qua, chúng ta có thể nói rằng đôi lúc cũng có trường hợp ngoại lệ đối với các quy luật chi phối nó, các quy luật rõ ràng nhất trong tự nhiên, do đó tưởng chừng như tuyệt đối và bất biến. Và rồi, các quy luật không thể thắng này bị phá vỡ: chúng tạm ngừng như để nhường chỗ cho điều gì cao hơn, và chúng nhượng bộ các yếu tố mâu thuẫn với chúng, có nghĩa là, chúng tạm ngừng cho đến khi các quy luật mới xuất hiện trong đời sống sơ sinh của chủng loại. Nhờ đó, sự sống được vĩnh viễn duy trì, nó được đổi mới bởi sự tạm ngừng như thế, cho phép nó hướng nội đến sự vĩnh cửu.

Bây giờ chúng ta có thể hỏi, con người có vai trò nào trong các quy luật thiên nhiên này? Con người chứa trong bản thân nó, như trong một sự tổng hợp tối cao, tất cả các hiện tượng thiên nhiên của các sinh linh thấp hơn nó, con người là mẫu mực điển hình và vượt trội hơn chúng. Và, hơn nữa, nhờ đặc quyền về trí óc, con người tôn vinh chúng với vẻ huy hoàng rực rỡ của trang phục tinh thần tạo nên bởi trí tưởng tượng, cảm xúc và nghệ thuật.

Vậy, hai hình thức của sự sống được thể hiện ở loài người như thế nào và chúng tự bộc lộ dưới những khía cạnh cao cả nào? Thật ra hai đời sống này không hiển nhiên. Nếu chúng ta phải tìm ra chúng trong thế giới con người, chúng ta phải nói rằng nó chỉ bao gồm thế giới của người lớn, trong đó các đặc điểm phổ biến là đấu tranh, nỗ lực thích ứng, và lao động cho các chinh phục bên ngoài.

Tất cả các dữ kiện của thế giới con người đều quy tụ vào việc chinh phục và sản xuất, như thể không có gì quan trọng hơn. Nỗ lực của con người va chạm và vỡ ra trong cạnh tranh, như một lưỡi gươm đã tôi luyện va vào một tấm giáp che ngực. Nếu người lớn xét đến đứa trẻ, họ sẽ làm như thế với cái lí luận mà họ đã áp dụng cho chính cuộc đời của họ. Họ thấy ở đứa trẻ một sinh vật khác biệt và vô dụng, và họ giữ chúng ở xa; hoặc, với cái gọi là giáo dục, họ cố lôi kéo đứa trẻ quá sớm và trực tiếp vào trong quỹ đạo các hình thức đời sống của chính họ. Họ hành động như con bướm mà ta có thể hình dung, như thể nó sẽ phá vỡ cái kén của ấu trùng để khuyến khích nó bay đi, hoặc như con ếch sẽ lôi con nòng nọc ra khỏi nước và cố hết sức làm cho nó thở bằng phổi và đổi màu da đen xấu xí thành màu lá xanh.

Điều này ít nhiều là cách con người đã hành xử với con cái của họ. Người lớn phô bày cho trẻ thấy sự hoàn hảo, sự trưởng thành của họ, các mẫu hình của chính họ và họ trông chờ trẻ em bắt chước họ. Họ khó mà hiểu được rằng các đặc tính khác biệt của đứa trẻ cần một môi trường khác và một phương tiện sống khác, thích hợp với cái hình thức hiện hữu khác đó.

Làm sao có thể giải thích được quan niệm sai lầm này cho một kẻ cao cả nhất và tiến hóa nhất, được phú cho trí thông minh, kẻ là thống lĩnh môi trường của nó, sinh vật đầy quyền lực, có thể lao động với một sự vượt trội tột bậc hơn tất cả các sinh vật khác?

Vậy mà, con người, nhà kiến trúc sư, kẻ xây dựng, kẻ sản xuất và biến đổi môi trường lại làm ít hơn con ong hay các côn trùng hay bất cứ sinh vật nào cho con cái của họ.

Cái cao nhất và thiết yếu nhất trong các bản năng hướng đạo của sự sống có thể hoàn toàn vắng bóng ở con người sao? Con người có thật sự bất lực và mù lòa trước một hiện tượng đáng sửng sốt nhất của sự sống trong vũ trụ, mà sự hiện hữu của các loài vật phụ thuộc vào chăng?

Con người phải cảm nhận cái mà các sinh vật khác cảm nhận, bởi trong thiên nhiên, mọi sự đều biến đổi nhưng không có gì mất đi và các năng lượng cai quản vũ trụ đặc biệt không thể hủy diệt. Chúng vẫn dai dẳng ngay cả khi bị chệch ra khỏi chính đối tượng của chúng.

Con người, kẻ kiến tạo, xây nên chốn đặc biệt cho con cái họ ở đâu? Trẻ phải sống trong một môi trường đẹp đẽ, ở đó con người thể hiện các hình thái nghệ thuật cao quý nhất của họ, một nghệ thuật không bị ảnh hưởng và ấn định bởi bất cứ nhu cầu hướng ngoại nào, trong đó có một động lực tình yêu quảng đại tích lũy những của cải không thể sử dụng trong thế giới của sản xuất. Những chỗ này có phải là nơi mà con người cảm thấy nhu cầu đình lại và quên đi các cá tính thông thường của nó, nơi nó nhận thức rằng điều cốt yếu duy trì sự sống là cái gì khác hơn sự đấu tranh? Ở nơi nào đó khi một chân lí trỗi dậy từ thâm sâu, họ sẽ nhận ra rằng áp bức kẻ khác không phải là bí mật để sinh tồn hay là điều quan trọng nhất trong đời, mà chỉ là mối quan tâm hoàn toàn mang tính cá nhân?

Do đó, ở đâu sự từ bỏ bản thân sẽ thật sự là suối nguồn của sự sống? Không có nơi nào mà tâm hồn đầy khát khao phá vỡ được các xiềng xích của luật lệ đang trói buộc nó vào thế giới của các sự vật bên ngoài sao? Không có sự mong mỏi truy tìm một phép lạ, một nhu cầu về phép lạ để duy trì sự sống hay sao? và đồng thời không có một khao khát hướng đến một cái gì vượt lên trên khoảng thời gian dài nhất của cuộc đời cá thể và kéo dài đến vĩnh cửu hay sao? Đây là con đường đưa đến giải thoát.

Ở những nơi này, con người cảm thấy nhu cầu phải từ bỏ chính cái lí luận nhọc nhằn của nó và sẵn sàng có lòng tin. Bởi đó là những tình cảm phải được khơi dậy trong con người bằng những sự kiện tương tự với những điều đã dẫn mọi sinh vật đến sự ngừng lại các quy luật của bản chất của chúng, để tự hiến tế chính họ, ngõ hầu sự sống có thể kéo dài đến vô tận. Vâng, có những chốn để con người không còn thấy nhu cầu chinh phục nhưng có nhu cầu thanh tẩy và được hồn nhiên, để nó khao khát sự giản dị và bình an. Trong cái bình an hồn nhiên ấy, con người tìm kiếm sự đổi mới cho cuộc đời, như một sự phục sinh thoát khỏi các gánh nặng của trần gian.

Vâng, trong con người phải có những khát vọng vĩ đại, khác xa hơn hay đối nghịch với những cái của đời thường.

Đấy chính là tiếng nói của Thượng Đế mà không ai có thể làm im, đang lớn tiếng kêu gọi con người cùng nhau hợp quần quanh đứa trẻ.

❁ ❁ ❁ 

Ảnh: Rene Bernal on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x