Trang chủ » Chương 10: Tính Quang, Thức Quang

Chương 10: Tính Quang, Thức Quang

by Trung Kiên Lê
166 views

Tổ Sư nói:
      

Công pháp Hồi Quang vô cùng linh hoạt. Trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm đều có thể thực hành được, không phải chi bó hẹp ở khi tĩnh tọa, vấn đề then chốt là phải hiểu thật rõ bản chất của Hồi Quang chính là Thần Khí hòa hợp, đắc cơ đắc khiếu (1). Trong chương sáu tôi đã nói tới hiện tượng “Hư thất sinh bạch” (Phòng không lóe sáng), ở đây chính là chỉ “Ánh Sáng”, lóe lên đó sao?
      

Nhưng có một điều cần nhắc nhở các vị, khi luyện công, lúc chưa nhìn thấy Ánh Sáng, nếu như lúc tĩnh tọa xảy ra hiện tượng “Hư thất sinh bạch”, điều đó cho thấy rằng đã đạt được kết quả bước dầu. Nếu như khi nhìn thấy Ánh Sáng trắng, Tâm Ý các vị lại chạy theo nó, như thế sẽ rơi vào cảnh giới ý thức, Ánh Sáng kia sẽ không phải là Tính Quang tiên thiên nữa (2).

Các vị không nên trong lòng lúc nào cũng chăm chăm theo dõi xem Ánh Sáng có xuất hiện hay không, chỉ cần giữ cho Tâm duy trì được trạng thái vô niệm và sinh niệm. Vậy trạng thái vô niệm là gì? Tức là hư tâm, không băn khoăn, lo lắng điều gì trở về với bản tính tự nhiên vô vi.

Thế còn trạng thái sinh niệm là gì? Tức là phải đạt tới trạng thái trong lòng vĩnh viễn chỉ có một ý niệm, thậm chí quán triệt trong suốt cả đời người. Ý niệm nói ở đây là Chính niệm, không giống những tạp niệm và vọng niệm trong đời sống thường ngày.

Từ “niệm” trong tiếng Hán là do hai chữ “Kim” và “Tâm” tạo nên, vì vậy nghĩa chính của “niệm” là “Tâm hiện tại”. “Tâm hiện tại” là Tâm tự nhiên, tự đến, nếu duy trì được Tâm ấy Ánh Sáng sẽ là Tính Quang. Tính Quang chính là thứ thuốc để luyện Nội Đan.

Bình thường mắt ta nhìn thấy những cảnh tượng bên ngoài, nhưng khi nhìn một cách có chủ định, ta sẽ nhìn thấy tình hình vốn có của chúng. Tâm lúc này chưa kịp phân biệt những đặc trưng và thuộc tính của sự vật, nhãn quang lúc ấy vẫn còn thuộc về Tính Quang.

Giống như mặt gương phản chiếu vạn vật một cách vô tâm, mặt nước lặng in hình cảnh vật một cách vô tâm. Đợi một lúc sau, Tính Quang sẽ biến thành Thức Quang, bởi lẽ lúc này nảy sinh Tâm phân biệt.

Trong gương có hình ảnh, bản thân gương bị hình ảnh che lấp trong nước lặng có hình ảnh, nước trong vắt có thể bị hình ảnh làm xáo trộn. Trong Ánh Sáng có lẫn Tâm phân biệt thì không còn là Tính Quang nữa.
      

Khi các vị Hồi Quang thoạt đầu trải nghiệm Tính Quang, sau khi chuyển niệm, Tính Quang sẽ biến thành Thức Quang. Khi Thức Thần làm chủ thì Quang không hình không bóng. Lúc này không phải là không có Ánh Sáng, mà là do Ánh Sáng đã chuyển hóa thành Ý Thức hậu thiên.

Hoàng Đế đã từng nói : “Âm thanh rung động sẽ không còn là âm thanh nữa, mà là âm hưởng” ý nói khi đã chuyển niệm thì sẽ đổi khác. Trong sách “Lăng Nghiêm thôi khám nhập môn” nói: “Không ở bụi trần, không ở Thức hậu thíên, mà chỉ trở về gốc rễ của Tâm”.

Như thế nghĩa là gì? Bụi trần chỉ những sự vật ngoài Tâm, tức là thế giới hữu hình. Những sự vật bên ngoài ấy vốn không có quan hệ gì với Tâm của chúng ta. Khi Tâm theo đuổi những sự vật bên ngoài thì sẽ coi những sự vật bên ngoài ấy là Tâm của mình, thế nhưng vạn vật rút cục vẫn là vạn vật, chúng không biến đổi theo Tâm, cần phải duy trì và đưa chúng trở về với bản tính riêng của chúng.

Chẳng hạn, bản tính của cửa sổ là thông gió và cho ánh sáng đi qua, bản tính của Mặt Trời và Mặt Trăng là làm cho sáng sủa, không hề chịu ảnh hưởng của chúng ta, không phụ thuộc vào chúng ta. Nếu như Tâm cứ đuổi theo vạn vật thì rồi cuối cùng chẳng đạt được cái gì cả, ngay đến bản thân mình cũng không thấy được bộ mặt thật của chính mình, nguyên nhân chính là ở bản thân mình, không nên tìm kiếm ở đâu khác.

Mặt Trời, Mặt Trăng bị che lấp sẽ không sáng cần phải gạt bỏ vật che lấp đó đi mới thấy ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng. Trên Trời có những lúc ta không nhìn thấy Mặt Trời, Mặt Trăng, nhưng con người thì không có Tâm và Tính không nhìn thấy Mặt Trời, Mặt Trăng, bởi lẽ Tâm và Tính vốn sáng rõ.

Cứ tiếp tục suy luận như thế, tới lúc do hiện tượng ta cần phân biệt Mặt Trời, Mặt Trăng có tồn tại hay không, khi sáng và tối không tồn tại thì ta căn cứ vào đâu mà phân biệt? Vì thế ở đây vẫn còn con đường quay trở về, tức là trở về trạng thái sáng suốt nội tâm vốn có, không nhiễm bụi trần của mình.

Chỉ khi nào nhìn thấy bản tính của mình mới ngừng quay trở về. Lúc nhìn thấy bản tính, không lấy việc nhìn
thấy mà có sự phân biệt, cho nên bản tính mà ta nhìn thấy thực tế cũng ở vào trạng thái trở về. Trở về nói ở đây chính là trở về với “Tính” bị ý thức làm rối loạn.

Trong kinh “Lăng Nghiêm”, Đức Thích Ca nói với đệ tử A Nan: “Tâm và mắt người bị trói buộc vào những sự vật bên ngoài, không nhận biết được bản tính, cho nên ngươi hành động theo hoàn cảnh”. Con người ta có Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thần thức, Ý Thức, Truyền đạt Thức và A lại na Thức, đồng thời cũng có tám “Hoàn” tương ứng.

Trên kia khi nói tới tám “Hoàn”, đối với bảy “Thức” đầu, Đức Thích Ca đã giải thích tường tận về “Hoàn”, chỉ tạm thời để lại không trình bày một tiết về “Kiến Tính”, coi như điểm tựa giúp A Nan ngộ ra Chân Tính.

Nghiên cứu lý lẽ về “Kiến Tính”, tất nhiên trong quá trình “Kiến Tính” có chứa “Hoàn” của “Tám Thức”, song như thế không có nghĩa là quả thật không có “quay trở về”, không có “Phản Hoàn”. Đức Thích Ca mãi cuối cùng mới nói rõ về “Hoàn” cuối cùng. “Tâm Thức” có chứa “Hoàn” mới đúng thực là nhìn thấy bản tính, tới lúc này mới thật là không quay trở về, không “Phản Hoàn” nữa.
       

Các vị thực hành công phu Hồi Quang, Quang trở về đó chính là Quang do Tính tiên thiên phát ra vậy. Quang này không cần quay trở về nữa, vì vậy chẳng cần đến mảy may ý nghĩ, chỉ cần tập trung Thần rọi soi là đủ. Các vị sở dĩ chạy theo hoàn cảnh, rơi vào vòng Luân Hồi là do các lục căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Và cũng chính nhờ lục căn này mà các vị trở thành Bồ Đề, thoát khỏi Luân Hồi. Chẳng cần đến những sự vật nào khác, như những sự vật trong Trần giới và Thức giới chẳng hạn, cái gọi là Bồ Đề thành đạt nhờ dùng lục căn không phải là chỉ việc dùng lục căn, mà là dùng Bản Thể và Bản Tính trong lục căn.

Nếu ta Hồi Quang không rơi vào Thức Thần, đó chính là Nguyên Tính trong căn phát huy tác dụng; còn nếu Hồi Quang trong trạng thái Ý Thức hậu thiên là do Thức Tính trong căn phát huy tác dụng, vấn đề khác nhau chừng gang tấc chính là ở chỗ này.
      

Tóm lại, dùng Tâm dùng Ý là Thức Quang, gạt bỏ Ý Niệm là Tính Quang, vấn đề sai một ly đi một dặm chính là ở chỗ này, không thể không phân biệt rạch ròi. Hãy nhớ rằng, Tâm Tĩnh thì Kim Đan tự nhiên ngưng kết, Tâm không thì tự nhiên Đại Dược sinh thành (3).

Không chấp bất cứ sự vật gì gọi là Tâm tĩnh, không vương vấn bất cứ sự vật gì, không nghĩ gì khác gọi là Tâm không. Tâm không là không một cách không chủ định, còn nếu ý thức rằng Tâm là không thì Tâm chỉ là một cách miễn cưỡng, chưa phải là thực không, chân không. Chỉ khi nào ngay đến cả không cũng
quên khuấy mới thực là chân không.

      

Chú Thích:
      

1. Sách “Đạo Đức Kinh” viết : “Đi, đứng, ngồi, nằm, không rời cái đó”. “Cái đó” ở đây chính là chỉ cơ khiếu, tức là tập trung Thần vào Khí huyệt. Cốt lõi của Phép Hồi Quang là làm cho Thần Quang không phân tán ra ngoài, mà là quay ngược về cơ thể.

Nếu như Thần lại dừng ở những bộ vị khác trong cơ thể thì vô tác dụng. Duy chỉ có Thần tập trung vào Khí huyệt, ở đó Thần Khí hòa hợp, nuôi dưỡng tắm gội, lâu dần cơ khiếu linh thông, đạt đích Tính Mệnh song tu. Ở đây, đi đứng ngồi nằm chỉ là hình thức bên ngoài, còn đắc cơ đắc khiếu mới là bản chất.
       

2. Ánh Sáng kia sẽ không phải là Tính Quang tiên thiên nữa: hiện tượng “Hư thất sinh bạch” (Phòng không lóe sáng) cho hay Tính Quang đã nảy sinh và công phu tu tập đã có kết quả.

Sau khi đã thấy được Tính Quang cần hư Tâm để duy trì, không để Tâm nảy sinh ý niệm phân biệt, bởi vì đã phân biệt một cách có ý thức thì tính chất của Ánh Sáng sẽ thay đổi, không thể nào phát huy tác
dụng. Then chốt của phép tu luyện chính là ở chỗ này.
      

3. Mục đích của tu luyện là phải đạt tới cảnh giới chân không, chân không thì Đan Dược linh diệu sinh thành. Muốn đạt tới cảnh giới chân không cần phải luyện Tâm. Cố nhiên Tâm phải đi từ bất định tới không, nếu như ý thức rằng Tâm là không chỉ là không một cách gượng ép.

Tâm quên đi không ý thức được rằng là không gọi là Tâm chết, đó mới thực là chân không. Tâm chết thì Thần sống, sau đó sẽ kết Đan, hoàn Đan.

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x