Trang chủ » Chương 11. Cáo Tử Thượng

Chương 11. Cáo Tử Thượng

by Hậu Học Văn
1635 views

CÁO TỬ, PHẦN TRƯỚC

1. Cáo Tử nói: “Tính cũng như cây kỷ liễu, nghĩa cũng như chén bát. Lấy tính con người làm điều nhân nghĩa, cũng như lấy cây kỷ liễu làm chén bát.”

Mạnh Tử nói: “Ngươi có thể thuận theo cái tính của cây kỷ liễu mà làm thành chén bát chăng? Phải đem chặt phá cây kỷ liễu, sau đó mới làm thành chén bát được. Nếu như đem chặt phá cây kỷ liễu rồi mới làm thành chén bát, thì cũng đem chặt phá con người để làm điều nhân nghĩa ư? Lãnh đạo người trong thiên hạ mà làm hại nhân nghĩa, ắt là lời nói của ngươi vậy!”

BÌNH GIẢI:

Kỷ liễu hay cự liễu là một loài liễu lớn, gỗ không quá cứng hay quá mềm; cho nên người ta có thể dùng nó, đẽo chuốt nên cái muôi, cái thìa để múc canh hay chén bát để đựng cơm.

Cáo Tử là một môn đệ của Mạnh Tử. Ông này cho rằng bản tính con người cũng trung tính như cây kỷ liễu, không cứng không mềm, nghĩa là không thiện không ác. Cây kỷ liễu có thể biến thành chén bát thì bản tính con người có thể khiến cho trở nên nhân nghĩa một cách dễ dàng. Nhân nghĩa cũng như chén bát vậy.

Mạnh Tử bác bỏ thuyết này của Cáo Tử. Ông lý luận: Có thể nào thuận theo cái tính của cây kỷ liễu mà làm thành chén bát chăng? Hẳn là không! Ắt là phải cưa cây, cắt khúc, đục đẽo, mài giũa, mới biến gỗ kỷ liễu thành chén bát được. Nếu giống như vậy, thì muốn biến bản tính con người thành điều nhân nghĩa, cũng phải chặt phá, đục đẽo con người, không khác gì cây kỷ liễu. Con người có thể chịu được sự chặt phá, đục đẽo đó không, dù là “chặt phá, đục đẽo” được hiểu theo nghĩa bóng! Sau khi “chặt phá, đục đẽo”, liệu con người có còn là người nữa không?

Đây là một quan niệm máy móc về con người, vật hóa con người, chủ trương giáo dục con người một cách nhân tạo theo qui trình tâm lý “phản ứng có điều kiện”, dẫn đến lối cai trị theo kiểu hình pháp với những áp chế khắc nghiệt Nếu lãnh đạo con người theo kiểu Cáo Tử, đó là làm hại nhân nghĩa. Nhân nghĩa không còn là những đạo đức tính tự phát nữa. Nhân nghĩa không còn tự phát thì không phải là đạo đức. Đó là những nhân nghĩa giả cũng như những bông hoa giả vậy!

2. Cáo Tử nói: “Tính cũng như nước chảy. Khơi về phương đông thì chảy sang đông; khơi về phương tây thì chảy sang tây. Tính con người không phân thiện hay bất thiện, cũng như nước không phân sang đông hay sang tây vậy.”

Mạnh Tử nói: “Nước đã hẳn không phân sang đông hay sang tây; lại không phân lên trên hay xuống dưới sao? Cái thiện của tính con người cũng như nước theo xuống dưới vậy. Con người không có bất thiện; nước không có không chảy xuống.

“Nay đối với nước, đánh thì vọt lên có thể vượt qua trán; chặn đứng khi đang di chuyển có thể khiến nó lên tới núi. Há tính nước như thế chăng? Đó là theo tình thế của nó, phải như vậy. Có thể khiến con người làm điều bất thiện, tính người cũng như thế thôi.”

BÌNH GIẢI:

Quan điểm của Cáo Tử vẫn là: bản tính con người vốn trung tính, chẳng thiện, chẳng bất thiện (ác); cũng như nước không phân đông tây. Khơi về đông, nước chảy sang đông; khơi về tây, nước chảy sang tây. Tính người cũng thế. Khiến tính người đi theo đường thiện thì ra thiện; khiến tính người đi theo đường bất thiện thì ra bất thiện. Như vậy, thiện là tính nhân vi, chứ không phải thiên tính tự nhiên.

Mạnh Tử bác bỏ quan điểm sai lầm này. Ông lý luận: tuy tính nước không phân đông tây, nhưng có phân trên dưới; nước luôn luôn chảy xuống dưới thấp. Bản tính con người vốn hướng về điều thiện cũng như tính nước luôn luôn chảy xuống thấp vậy. Nước không bao giờ không chảy xuống dưới; bản tính con người cũng không bao giờ không hướng về thiện.

Nhưng tại sao lại có bất thiện trong cõi đời?

Mạnh Tử giải thích điều này bằng ví dụ lấy ở nước. Nước vốn không có bản tính vượt lên trên; chỉ khi người ta đánh mạnh vào nước, nó mới có thể vọt lên quá trán, làm ướt đầu mặt người ta. Nước đang trôi chảy xuống, nhưng nếu người ta chặn đứng nó, nước có thể dâng lên tới núi cao. Tuy nhiên nó vẫn tìm kẽ hở để tuôn xuống dưới thấp. Vọt lên cao, vượt lên núi, không phải là tính của nước. Chẳng qua cái tình thế bắt buộc nó phải như vậy. Khi tình thế xoay chuyển cho phép, nước lại chảy xuống thấp mà thôi.

Bản tính con người cũng thế. Hoàn cảnh gia đình có thể thúc bách con người trở nên bất thiện. Hoàn cảnh đất nước, điều kiện thiên nhiên, tình thế xã hội có thể tác động vào con người, khiến người ta bị ép vào tình trạng ngặt nghèo phải làm điều bất thiện. Tuy nhiên khi tình thế đã đổi thay, con người sẽ hối hận và quay về với bản tính thiện cố hữu.

3. Cáo Tử nói: “Sự sống gọi là tính.”

Mạnh Tử nói: “Sự sống gọi là tính, cũng như cái gì trắng được gọi là trắng ư?”

Đáp: “Vâng.”

“Cái trắng của lông trắng cũng như cái trắng của tuyết trắng; cái trắng của tuyết trắng cũng như cái trắng của ngọc trắng ư?”

Đáp: “Vâng.”

“Vâng, thế thì tính con chó cũng như tính con trâu; tính con trâu cũng như tính con người ư?”

BÌNH GIẢI:

Trên thế gian, có nhiều sự sống: sự sống của loài thảo mộc, sự sống của các động vật và sự sống của loài người. Cáo Tử định nghĩa: “Sự sống gọi là tính”, tức là vơ đũa cả nắm, cho tất cả sự sống của các loài đều gọi là tính cả; cũng như cho tất cả các vật gì có màu trắng đều gọi là trắng như nhau cả.

Cáo Tử đã không phân biệt được màu trắng của lông trắng khác màu trắng của tuyết trắng; lại cũng không phân biệt được màu trắng của tuyết trắng khác màu trắng của ngọc trắng. Vì thế, có thể suy ra Cáo Tử không phân biệt được tính của thực vật khác tính của động vật, không phân biệt được tính con chó khác tính con trâu, tính con trâu khác tính con người.

Cáo Tử thật không có khả năng phân biệt, hay Cáo Tử cố tình đánh đồng đều tính các loài như nhau cho giản tiện?

Dù thế nào chăng nữa, điều đó chứng tỏ cái học của Cáo Tử quá thiển cận, sự suy tư của Cáo Tử quá nông nổi vậy. Lý do chẳng qua là Cáo Tử đã có một thành kiến bất di bất dịch về bản tính con người. Ông đã cho rằng bản tính con người là trung tính, không thiện, không ác (như cây kỷ kiễu, như nước không phân đông tây). Từ thành kiến này, ông đã gọi sự sống là tính, và đánh đồng đều tính người và tính vật như nhau, bởi vì cả người lẫn vật đều có sự sống như nhau, đều hiện diện trong một khoảng không gian và thời gian nhất định.

Thực ra, quan điểm của Cáo Tử không phải chỉ đưa đến một kết luận thô thiển, mà nó còn đưa đến một hậu quả nguy hiểm hơn; đó là: giản lược tính (phần linh minh sâu sắc của tinh thần con người) vào sự sống của thân xác.

Không ngờ giữa Cáo Tử thời Chiến Quốc và một số triết gia hiện sinh Tây phương bây giờ lại có quan điểm tương tự nhau. Khi triết gia hiện sinh quan niệm “Tôi là xác tôi” (Je suis mon corps), có phải họ đã đồng quan điểm với Cáo Tử cho rằng chính sự sống thân xác là bản tính con người?

4. Cáo Tử nói: “Thích ăn, thích vẻ đẹp, bản tính vậy. Điều nhân ở bên trong, chẳng phải ở bên ngoài. Điều nghĩa ở bên ngoài, chẳng phải ở bên trong.”

Mạnh Tử nói: “Sao lại bảo điều nhân ở bên trong, điều nghĩa ở bên ngoài?”

Đáp: “Người kia lớn tuổi mà tôi trọng cái tuổi lớn, chẳng phải có cái tuổi lớn ở nơi tôi; cũng như vật kia trắng mà tôi cho là trắng, ấy là theo màu trắng ở bên ngoài. Cho nên bảo rằng (nghĩa) ở bên ngoài.”

(Mạnh Tử) nói: “Nói khác đi, màu trắng của con ngựa trắng không khác gì màu trắng của con người da trắng. Chẳng biết có phải trọng cái tuổi lớn của con ngựa lớn tuổi không khác gì trọng cái tuổi lớn của con người lớn tuổi chăng? Vả lại, bảo rằng trọng người lớn tuổi là điều nghĩa hay trọng tuổi lớn là điều nghĩa?

Đáp: “Em tôi, thì tôi yêu. Em người nước Tần thì [tôi] không yêu. Tôi cảm thấy vui lòng như thế. Cho nên bảo (nhân) ở bên trong. Tôi trọng người nước Sở lớn tuổi cũng như trọng người nước tôi lớn tuổi. Như thế lớn tuổi làm tôi vui lòng tôn trọng. Cho nên bảo (nghĩa) ở bên ngoài.”

(Mạnh Tử) nói: “Ta ưa thích món chả của người nước Tần không khác gì ưa thích món chả của ta. Này đối với đồ vật thì cũng có thực chất như vậy cả. Vậy thì sự ưa thích món chả cũng có ở ngoài ư?”

BÌNH GIẢI:

Cáo Tử vẫn lý luận xoay quanh vấn đề bản tính con người. Ông cho rằng tính thích ăn, thích vẻ đẹp đều là bản tính cả vì chúng nội tại trong con người. Trong bản tính có điều nhân. Điều nhân là lòng yêu thương, nó cũng ở trong con người như tính thích ăn, thích vẻ đẹp vậy. Còn điều nghĩa là lẽ phải, được vận dụng khi giao tiếp với người khác. Cáo Tử cho rằng điều nghĩa ở ngoài bản tính, bởi vì nó lệ thuộc vào người khác.

Mạnh Tử chất vấn Cáo Tử về vấn đề “nhân ở bên trong, nghĩa ở bên ngoài” cho ra lẽ.

Cáo Tử nêu ví dụ để giải thích: khi tôi thấy người kia lớn tuổi (bỉ trưởng), tôi tôn trọng người lớn tuổi ấy (trưởng chi). Xét theo ngữ pháp, chữ “trưởng” thứ nhất là tính tự (adjectif), chữ “trưởng” thứ hai là động tự (verbe). Với chức năng động tự, “trưởng” là tôn trọng. Với chức năng tính tự, “trưởng” là lớn tuổi, cao niên, già.

Cáo Tử lý luận: cái tuổi lớn của người ấy chẳng phải ở nơi tôi (phi hữu trưởng ư ngã dã); cho nên điều nghĩa (sự tôn trọng) lệ thuộc vào người lớn tuổi, hẳn ở ngoài tôi. Cũng như có vật kia trắng (bỉ bạch) mà tôi nhận thấy là trắng (nhi ngã bạch chi); cái thấy của tôi lệ thuộc vào màu trắng ở bên ngoài tôi. Vì vậy, điều nghĩa là sự tôn trọng hướng về người ngoài, cho nên điều nghĩa ở bên ngoài bản tính con người.

Mạnh Tử chất vấn trở lại; ông nêu một ví dụ khác: có một con ngựa trắng và môt người da trắng. Cứ coi như màu trắng của con ngựa không khác gì màu trắng của con người. Con ngựa thì lớn tuổi (trưởng mã) và con người cũng lớn tuổi (trưởng nhân). Vậy không biết có nên tôn trọng con ngựa lớn tuổi không khác gì tôn trọng con người lớn tuổi chăng? Trên thực tế, ta chỉ tôn trọng con người lớn tuổi thôi chứ! Tôn trọng con người lớn tuổi mới là điều nghĩa, chứ đâu phải tôn trong cái tuổi lớn là điều nghĩa. Thế thì điều nghĩa không phải lệ thuộc hoàn toàn vào cái bên ngoài là cái tuổi lớn (chẳng hạn như cái tuổi của con ngựa già).

Không chấp nhận lý luận của Mạnh Tử, Cáo Tử vẫn phân biệt điều nhân ở trong bản tính, điều nghĩa ở ngoài bản tính. Cáo Tử lý luận: Yêu em mình thì lòng yêu thương là điều nhân và nó ở bên trong mình.

Tôn trọng người lớn tuổi (người nước Sở lớn tuổi cũng như người đồng hương lớn tuổi) là hướng sự tôn kính vào cái tuổi lớn; chính cái tuổi lớn ở bên ngoài là đầu mối điều nghĩa, cho nên điều nghĩa vẫn ở bên ngoài.

Để thuyết phục Cáo Tử, Mạnh Tử quay về với tính ưa thích ăn ngon; tính ưa thích ăn ngon thuộc về bên trong mà Cáo Tử đã chủ trương ở trên. Mạnh Tử đưa ví dụ: ta thích ăn chả của người Tần (chả của người ngoài), ta cũng thích ăn chả của nhà ta (chả thuộc về ta, thuộc về trong). Cả hai trường hợp đều là ưa thích cả (trong và ngoài). Ưa thích chả của ta thuộc về nhân, ưa thích chả người Tần thuộc về nghĩa. Nói khác đi, yêu thương em là nhân, tôn trọng người lớn tuổi là nghĩa. Cả yêu thương và tôn trọng đều là những năng hướng tình cảm từ trong ta phát ra, vì thế cả nhân và nghĩa đều ở bên trong bản tính con người.

5. Mạnh Quý Tử hỏi Công Đô Tử rằng: “Sao lại bảo điều nghĩa ở trong mình?”

Đáp: “Thể hiện sự kính trọng của mình; cho nên bảo là ở trong mình.” “Người làng lớn hơn anh họ (con của bác) một tuổi, thì kính trọng ai?” Đáp: “Kính trọng anh.”

“Mời rượu, thì mời ai trước?”

Đáp: “Mời rượu người làng trước.”

“Chỗ kính người này; chỗ tôn trọng người kia. Quả nhiên là ở bên ngoài, chẳng phải do bên trong mình.”

Công Đô Tử không thể trả lời được; bèn đem thưa với Mạnh Tử.

Mạnh Tử nói: “(Hãy hỏi ông ấy) Kính trọng chú hay kính trọng em? Ông ấy sẽ nói: Kính trọng chú. Hãy nói: Khi em đóng vai linh thần, thì kính trọng ai? Ông ấy sẽ nói: Kính trọng em. Ngươi hãy nói: Ôi lòng kính trọng chú ở đâu? Ông ấy sẽ nói: Ở địa vị cố định. Ngươi cũng nói: Ở địa vị cố định. Thông thường thì kính trọng anh, trong chốc lát thì kính trọng người làng.”

Quý Tử nghe thấy thế, nói: “Lúc đáng kính chú thì kính chú, lúc đáng kính em thì kính em. Quả nhiên là ở bên ngoài, chẳng phải do bên trong mình.”

Công Đô Tử nói: “Ngày mùa đông, thì uống nước nóng; ngày mùa hạ, thì uống nước lạnh. Nếu vậy thì ăn uống cũng do bên ngoài mình thôi.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Quý Tử là một nhân sĩ trong dòng họ Mạnh, một trong ba dòng họ quyền thế ở nước Lỗ: Mạnh, Thúc, Quý. Công Đô Tử là môn đệ của Mạnh Tử. Mạnh Quý Tử cùng lập trường với Cáo Tử, cho rằng điều nghĩa ở bên ngoài mình.

Ở đây, Mạnh Quý Tử chất vấn Công Đô Tử về lập trường của Mạnh Tử cho rằng điều nghĩa ở bên trong mình.

Công Đô Tử giải thích: điều nghĩa là thể hiện sự kính trọng của mình (hành ngô kính), cho nên điều nghĩa phải ở bên trong mình.

Mạnh Quý Tử nêu ra hai trường hợp: trường hợp kính anh họ, trường hợp tôn trọng người làng hơn tuổi (mời rượu). Kính người này hay tôn trọng người kia đều là những tình cảm lệ thuộc vào người ngoài; vì thế phải nói điều nghĩa ở bên ngoài mình mới đúng.

Công Đô Tử đem vấn đề ấy chất vấn Mạnh Tử. Mạnh Tử dạy cho Công Đô Tử cách đặt vấn đề lại với Mạnh Quý Tử. Giữa chú và em, thì phải kính chú hơn em. Nhưng khi em đóng vai linh thần, thì phải kính em hơn chú, vì linh thần ở trên con người. Như thế, sự kính trọng ai hơn hay ai trước là do địa vị cố định của người ấy. Cũng vậy, xét về tình thân thì kính trọng anh hơn người làng hơn tuổi; nhưng khi người làng ở địa vị người khách (địa vị cố định trong chốc lát), thì mình phải tôn trọng người ấy trước, tức là phải mời rượu người ấy trước.

Căn cứ vào những câu trả lời này của Công Đô Tử, Mạnh Quý Tử kết luận điều nghĩa lệ thuộc vào bên ngoài, cho nên điều nghĩa vẫn ở bên ngoài mình.

Tới đây, Công Đô Tử mới xác định được lập trường rõ rệt: do thích ứng với mùa đông hay mùa hạ mà ta thích uống nước nóng hay nước lạnh; sự thích ứng ấy ở trong lòng mình mà ra. Cũng tương tự như thế, ta kính ai, tôn trọng ai là sự thích ứng tình cảm của ta đối với người ấy; do đó, điều nhân cũng như điều nghĩa chính là sự thích ứng tùy từng trường hợp; cả hai đều ở bên trong mình hết.

6. Công Đô Tử nói: “Cáo Tử nói rằng: ‘Tính không thiện, không bất thiện.’ Có người nói: ‘Tính có thể làm điều thiện, có thể làm điều bất thiện. Vậy nên, vua Văn, vua Vũ dấy lên, thì dân ưa thích điều thiện; vua U, vua Lệ dấy lên, thì dân ưa thích tàn bạo.’ Có người nói: ‘Có tính thiện, có tính bất thiện. Vậy nên, được ông Nghiêu làm vua thì có tên Tượng; có Cổ Tẩu làm cha, thì có ông Thuấn; có Trụ là con của ông anh được lên làm vua, thì có Vi tử Khởi, vương tử Tỷ Can.’ Nay nói rằng tính là thiện, hẳn là những người kia đều chẳng phải ư?”

Mạnh Tử nói: “Ví bằng thuận theo tình trạng của mình thì có thể làm điều thiện, bèn bảo tình trạng đó là thiện. Nếu thuận theo làm điều bất thiện, thì chẳng phải là lỗi của cái khả năng vốn có.

“Tấm lòng thương xót chẳng nỡ, người ta đều có; tấm lòng hổ thẹn chán ghét, người ta đều có; tấm lòng cung kính, người ta đều có; tấm lòng biết phải trái, người ta đều có. Tấm lòng thương xót chẳng nỡ là đức nhân; tấm lòng hổ thẹn chán ghét là đức nghĩa; tấm lòng cung kính là đức lễ; tấm lòng biết phải trái là đức trí. Nhân, nghĩa, lễ, trí chẳng phải do bên ngoài nung đúc thành ta; ta vốn có sẵn vậy. Chẳng tưởng nghĩ tới mà thôi. Cho nên mới nói: ‘Tìm kiếm thì được; buông bỏ thì mất.’ Hoặc sẽ gấp hai, gấp năm, mà không tính xiết; không thể làm cạn hết cái khả năng vốn có của mình.

“Kinh Thi nói: ‘Trời sinh ra dân chúng, có vật thì có khuôn mẫu, dân gìn giữ tính thường, thì ưa thích đức tốt.’ Khổng Tử nói: ‘Người làm ra bài Thi đó biết đạo lý thay!’ Cho nên, có vật ắt có khuôn mẫu. Dân gìn giữ được tính thường, nên ưa thích đức tốt.”

BÌNH GIẢI:

Công Đô Tử là môn đệ của Mạnh Tử. Ông rất phân vân về thực chất bản tính con người. Ở đây, ông nêu ra với Mạnh Tử những quan niệm khác nhau của người đương thời về vấn đề này.

Cáo Tử quan niệm bản tính con người là trung tính (không thiện, không ác).

Có người quan niệm bản tính con người là một khả thể: có thể thiện, có thể ác. Khi vua Văn, vua Vũ là những vua thiện dấy lên, thì dân hướng về điều thiện; khi vua U, vua Lệ là những vua ác dấy lên, thì dân hướng về điều ác.

Người khác lại quan niệm bản tính con người không giống nhau: có người thiện, có người ác. Vì thế, trong thời vua Nghiêu thiện lại có tên Tượng là kẻ ác. Có người cha ác là Cổ Tẩu, lại có người con thiện là ông Thuấn. Cùng trong dòng tộc với nhau, vua Trụ thì ác độc, thế mà Vi tử Khởi và Vương tử Tỷ Can lại tốt lành, trung nghĩa.

Công Đô Tử kết luận: Nếu thầy Mạnh Tử chủ trương bản tính con người là thiện, thì những quan niệm vừa kể là sai hết chăng?

Mạnh Tử giải thích về thuyết tính thiện của mình như sau:

Trong con người có cái tình trạng (tình); nó cũng chính là cái khả năng vốn có (tài). Cái “tình” hay cái “tài” này là thực thể trong tâm hồn con người mà sách Trung dung gọi là “thiên mệnh” (Thiên mệnh chi vị tính), sách Đại học gọi là minh đức.

Nương theo cái “tình” đó mà hành động thì làm nên điều thiện; do đó mà nói cái “tình” là thiện. Khi người ta làm điều ác, đó là do thuận theo tư dục. Tư dục là lòng ham muốn của con người lệ thuộc vào hoàn cảnh thế gian. Như thế, điều ác là hậu quả của tư dục, chứ không phải hậu quả của cái “tình”, cái “tài” hay cái “tính” (thiên mệnh) của con người.

Tài” (khả năng vốn có) là phần tiên thiên (có trước); tư dục là phần hậu thiên (sinh ra sau). Tội lỗi thuộc về phần tư dục hậu thiên, chứ không thuộc về phần “tài” tiên thiên (phi tài chi tội).

Mạnh Tử cho rằng đã là người, ai cũng có những tấm lòng như: thương xót chẳng nỡ, hổ thẹn chán ghét, cung kính và biết phải trái. Những tâm tình ấy có tính nội khởi, không cần phải dạy dỗ. Những tâm tình ấy có thể được tìm thấy ngay cả nơi những người vô học, quê mùa nhất, man khai nhất.

Ví dụ, bất cứ ai nhìn thấy đứa trẻ sắp ngã xuống giếng cũng hồi hộp xót thương; bất cứ ai nhìn thấy người vô tội bị hành hạ cũng bùi ngùi cảm động; bất cứ ai nhìn thấy điều trái thuần phong mỹ tục cũng biết hổ thẹn; bất cứ ai nhìn thấy người nghiêm trang, có địa vị quyền bính lớn cũng sinh lòng cung kính; bất cứ ai cũng biết việc nâng đỡ người già yếu tàn tật là phải, hành hạ họ là trái. Những tâm tình đó là mầm mống của nhân, nghĩa, lễ, trí. Như vậy, nhân, nghĩa, lễ, trí là những đức tính sẵn có trong con người chứ không phải do bên ngoài nung đúc sẵn rồi đưa vào lòng người.

Những đức ấy sở dĩ không phát huy, bởi vì người ta đã bỏ quên, không nghĩ tưởng tới. Nếu người ta thường xuyên nghĩ tưởng để phát huy, thì cái khả năng vốn có (tài) bao gồm các đức nhân, nghĩa, lễ, trí vốn là vô biên, có thể nảy nở thành gấp hai, gấp năm, nhiều vô số kể… Cái “tài” của con người thuộc về thể siêu hình cho nên có khả năng vô hạn.

Mạnh Tử trích dẫn một bài Kinh Thi để xác chứng cho lý thuyết của mình.

Chúng ta có thể diễn giải bài Kinh Thi đó như sau:

Trời sinh ra dân chúng; hễ có vật thể thì có khuôn mẫu cho vật thể đó. Tính thiện là khuôn mẫu sẵn có trong con người. Vì dân chúng gìn giữ được cái tính thiện thường hằng đó (bỉnh di); cho nên dân chúng mới hướng về các đức hạnh tốt; mọi người trong dân chúng mới có khuynh hướng ưa thích sự toàn mỹ (ý đức). Đó là một thực tế muôn đời.

Khổng Tử đã từng khen ngợi tác giả bài Kinh Thi đó là người biết đạo lý; người đó nhận ra lẽ đạo vĩnh hằng tiềm tại trong con người. Nếu con người không có tính thiện, tại sao hầu hết nhân loại đều khao khát những hành vi thiện hảo? Vua quan nào thiện đức đều được toàn dân ca ngợi và ủng hộ hết mức.

Khuôn mẫu luôn đi liền với vật. Dân chúng ưa thích đức hạnh tốt, bởi vì dân chúng gìn giữ được tính thường là tính thiện. Tóm lại, bản tính con người là tính thiện.

7. Mạnh Tử nói: “Vào năm được mùa, con em nhiều người hiền lành; vào năm mất mùa, con em nhiều người tàn bạo. Chẳng phải Trời ban xuống khả năng cho họ khác nhau. Mà ở chỗ tâm hồn người ta bị vùi lấp, chìm đắm, vậy đó.

“Nay đối với lúa đại mạch và lúa tiểu mạch, đều được gieo giống rồi phủ đất lên. Đất đai như nhau, thời gian trồng trọt lại đều như nhau. Thoắt nhiên mọc lên, đến thời gian ngày đông chí, đều chín cả. Tuy vậy có sự không đồng đều, hẳn là đất có chỗ màu mỡ, chỗ cằn cỗi; mưa móc nuôi nấng, người chăm sóc không bằng nhau.

“Cho nên, cách chung những thứ đồng loại đều giống nhau. Sao riêng đối với con người lại nghi ngờ? Thánh nhân và ta là cùng một loại.

“Cho nên Long Tử nói: ‘Không biết chân mà làm dép, ta biết người ấy không làm ra cái giỏ.’ Dép mà giống nhau, thì chân của thiên hạ phải đều như nhau.

“Cái miệng đối với mùi vị, có cùng sự ưa thích. Dịch Nha trước kia đã đạt được chỗ ưa thích của miệng ta. Nếu như khiến cái miệng đối với mùi vị, tính thích của Dịch Nha với người ta khác nhau, giống như chó ngựa với ta không cùng loại, thì thiên hạ sao lại ưa thích theo Dịch Nha đối với mùi vị? Đến với mùi vị, thiên hạ sánh với Dịch Nha, đó là miệng của thiên hạ giống như miệng Dịch Nha vậy.

“Riêng về cái tai cũng thế. Đến với âm thanh, thiên hạ sánh với Sư Khoáng; đó là tai của thiên hạ giống như tai Sư Khoáng vậy.

“Riêng về con mắt cũng thế. Đến với Tử Đô, thiên hạ không ai không biết vẻ đẹp của ông ta. Không biết vẻ đẹp của Tử Đô; đó là người không có mắt vậy.

“Cho nên mới nói: Cái miệng đối với mùi vị, có sự ưa thích giống nhau; cái tai đối với âm thanh, có sự nghe ngóng giống nhau; con mắt đối với sắc đẹp, có sự nhận đẹp giống nhau. Đến với cái tâm, một mình nó không có chỗ giống nhau chăng? Cái chỗ giống nhau của tâm là thế nào? Bảo rằng là lý, là nghĩa vậy. Thánh nhân trước kia đã đạt được cái chỗ giống nhau của tâm ta đó. Cho nên lý nghĩa làm cho vui tâm ta, cũng như loài vật ăn cỏ, ăn lúa làm cho ngon miệng ta vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn này, Mạnh Tử tích cực đưa ra những lý lẽ nhằm chứng minh bản tính con người giống nhau và bản tính đó vốn thiện.

Ông lập luận: kinh nghiệm cho biết, vào những năm được mùa, đa số con em trong thôn xã đều hiền lành, bởi vì gia đình phong túc, cơm áo đầy đủ. Vào những năm mất mùa, gia đình thiếu thốn, cho nên có nhiều con em tham gia vào các băng đảng trộm cướp. Điều đó chứng tỏ rằng không phải Trời ban khả năng xuống cho con người khác nhau, tạo ra kẻ tốt, người xấu. Thực ra con người hóa ra xấu là do hoàn cảnh. Chính sự thiếu thốn trong những năm mất mùa đã khiến cho tâm hồn con người bị chìm đắm, vùi lấp; từ đó nảy sinh ra các hành vi xấu xa.

Mạnh Tử đưa ra ví dụ: Nay người ta đem lúa ra gieo trong điều kiện đất đai được cày bừa và thời điểm đều như nhau. Sau mấy tháng phát triển, đến mùa gặt, sự thu hoạch trên các thửa ruộng không đồng đều, mặc dầu cùng một loại lúa giống. Lý do khiến cho không đồng đều, nơi được nhiều, nơi được ít, chắc hẳn do đất đai trong các thửa ruộng ấy không giống nhau: ruộng này màu mỡ, ruộng kia cằn cỗi. Nếu những thửa ruộng ấy xa nhau thì sự đón nhận mưa móc từ trời cũng không đồng đều. Ngoài ra, lại còn tùy thuộc vào yếu tố nhân sự: ruộng này được chăm sóc, bón phân đầy đủ, ruộng kia thiếu thốn, v.v.

Từ đây, ta rút ra kết luận: cùng một loại lúa giống phẩm chất như nhau, nhưng sẽ cho kết quả khác nhau; kết quả khác nhau không phải do yếu tố nội tại, mà là do những yếu tố ngoại tại: phẩm chất đất tốt xấu, lượng nước mưa nhiều ít, công chăm sóc khác nhau của nhà nông…

Nhân đó suy ra, cách chung những thứ cùng chủng loại có tính chất giống nhau. Con người là một chủng loại, cho nên cũng có tính chất giống nhau. Thánh nhân và ta là cùng một chủng loại, do đó ta phải có tính chất giống với thánh nhân. Sao còn nghi ngờ gì nữa? Chẳng lẽ nhân loại lại không theo cùng một qui luật như các chủng loại khác hay sao?

Nhận ra điểm tương đồng này, Long Tử, một hiền nhân thời cổ mới nhận xét: người thợ đan dép đâu có biết hết chân của mọi người, thế mà ông ta làm ra đôi dép nào, dù cỡ lớn hay cỡ nhỏ, cũng đều phù hợp với hình dáng chân người cả; ông có đan cái dép nào thành ra cái giỏ đâu? Như vậy, mặc dầu to hay nhỏ, chân người vẫn có hình dáng giống nhau. Vì thế người thợ đan dép mới có thể sản xuất hàng loạt dép để bán mà không sợ ế.

Để nói lên tính chất giống nhau giữa những con người, Mạnh Tử đưa ra ví dụ về cái miệng, cái tai và con mắt.

Mọi người đều có khẩu vị giống nhau cho nên mới đều ưa thích cách nấu nướng, cách nêm nếm đồ ăn của Dịch Nha. Dịch Nha là đầu bếp danh tiếng thời Xuân Thu, đã được Tề Hoàn Công sủng ái nhờ thuật nấu nướng. Nếu khẩu vị của người ta khác với khẩu vị của Dịch Nha, chắc hẳn Dịch Nha không được tiếng khen như vậy.

Mọi người đều có cái tai biết thẩm âm như nhau cho nên mới cùng công nhận Sư Khoáng ở nước Tấn là một nhạc sư danh tiếng nhất thời Xuân Thu.

Mọi người đều có con mắt biết thưởng thức cái đẹp như nhau, cho nên mới cùng công nhận Tử Đô là người đẹp. Tử Đô, tức Công Tôn Át, người nước Trịnh, nổi tiếng đẹp trai nhất thời Xuân Thu. Đẹp đến nỗi, Mạnh Tử sống trong thời Chiến Quốc, sinh sau Tử Đô trên 200 năm, mà còn nghe được những lời ca ngợi Tử Đô truyền tụng trong dân gian.

Từ những ví dụ đã nêu, Mạnh Tử đúc kết: mọi người đã giống nhau từ bàn chân, cái miệng, cái tai, con mắt, đến cái tâm ắt phải giống nhau. Cái chỗ giống nhau của tâm con người là cùng yêu thích nghĩa lý. Điều gì hợp nghĩa, hợp lý, thì đều được mọi người đón nhận. Các thánh nhân ngày trước đã tìm ra được chỗ giống nhau của tâm con người, tức là tìm thấy nghĩa lý trong tương giao giữa người với người. Cái gì hợp nghĩa lý đều được mọi người vui vẻ công nhận, cho nên tục ngữ có câu: “Nói phải, củ cải cũng nghe.” Củ cải chỉ cho những người dốt nát nhất, nhưng họ cũng đều nghe theo lẽ phải.

Nghĩa lý đưa đến tình người. Tình người là cái có thể liên kết mọi người với nhau không kể xa gần, sắc tộc, tôn giáo… Tình người còn có thể liên kết mọi thế hệ, khơi động được lòng người từ quá khứ, qua hiện tại, sang tương lai. Tình người là mẫu số chung cho toàn thể nhân loại.

8. Mạnh Tử nói: “Cây ở núi Ngưu đã từng tươi tốt. Vì là khoảng đất ngoại thành bên nước lớn, cho nên bị búa rìu chặt đốn. Có thể tươi tốt được chăng? Ấy là ngày đêm còn tăng trưởng, còn được thấm nhuần mưa móc, không phải là không có những mầm chồi nảy ra. Trâu dê lại theo nhau tới ăn phá. Ấy vậy chỗ đó mới trơ trụi. Người ta thấy núi trơ trụi, nên cho rằng nó chưa từng có gỗ dùng được. Há đó là tính chất của núi chăng?

“Tuy nhiên cái tồn tại nơi con người, há không có tấm lòng nhân nghĩa chăng? Họ nếu đem buông thả lương tâm đi, thì cũng như búa rìu đối với cây cối vậy. Sáng sáng đều phá phách, có thể tạo sự tốt đẹp được chăng? Ngày đêm còn tăng trưởng, cái khí lực buổi sáng biểu lộ lòng thương ghét gần gũi với người thường đó quá ít ỏi. Rồi những việc làm của họ suốt ngày lại ngăn bít, đánh mất nó đi. Ngăn đi bít lại, khí lực ban đêm của họ chẳng đủ để giữ cho còn (lương tâm). Khí lực ban đêm chẳng đủ giữ cho còn thì họ chẳng lìa xa cầm thú nữa. Người ta thấy họ như cầm thú thì cho rằng họ chưa từng có cái khả năng Trời cho (tài). Há tình trạng của con người là thế chăng?

“Cho nên, nếu được nuôi nấng, không vật nào không trưởng thành; nếu bỏ mất sự nuôi nấng, không vật nào không mất đi.

“Khổng Tử nói: ‘Giữ thì còn, bỏ thì mất. Ra vào không có thời gian, chẳng ai biết nơi chốn của nó.’ Đó là nói riêng về tâm ư?”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng: lương tâm, lòng nhân nghĩa hay bản tính con người (thiện) là khả năng vốn có (tài) do Trời cài đặt sẵn. Sở dĩ, có người dường như không có khả năng đó, là vì họ tự phá phách đi mà không chịu bồi dưỡng nó.

Ông nêu ví dụ: cây ở núi Ngưu, phía đông nam nước Tề, đã có thời tươi tốt. Bởi vì núi Ngưu thuộc miền ngoại thành nằm sát biên giới một nước lớn, cho nên nó bị nhiều thợ rừng đến chặt đốn. Do đó, núi Ngưu không thể tươi tốt được nữa. Tuy thế, ngày đêm, sức sống trong cây vẫn còn tăng trưởng, lại thấm nhuần thêm mưa móc từ trời, vô số lộc chồi đã nảy ra. Thấy vậy, trâu dê kéo đến từng đoàn lũ, thi nhau cắn gặm, phá phách. Thế là nó trở nên trơ trụi. Ngày nay, thấy núi Ngưu trơ trụi, người ta cứ tưởng rằng ở đó không có cây lớn, không có gỗ quý làm được nhà, đóng được giường tủ. Trơ trụi không cây có phải là tính chất vốn có của núi không? Thưa không! Núi sở dĩ trơ trụi là do bị thợ rừng chặt phá và trâu dê cắn gặm.

Từ ví dụ về cây trên núi, Mạnh Tử chuyển sang con người. Trong con người vốn có một thực tại là tấm lòng nhân nghĩa. Tấm lòng nhân nghĩa chính là lương tâm, khả năng biết yêu thiện ghét ác. Tuy nhiên, nhiều người đã buông theo dục vọng, phế bỏ lương tâm, cũng như thợ rừng chặt phá cây cối đem về làm củi vậy. Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, người ta chạy đuổi theo những điều xấu, tức là người ta phá phách nhân nghĩa, phế bỏ lương tâm. Như thế làm sao xây dựng được nhân cách tốt đẹp? Sau một đêm ngủ nghỉ, cái khí lực tốt lành được phục hồi chút ít vào buổi sáng, có thể biểu lộ được lòng yêu thiện ghét ác gần giống như những người bình thường. Nhưng rồi từ sáng đến chiều, trọn ngày, những người ấy lại lao vào những thói xấu cũ, ngăn bít, đánh mất cái khí lực yêu thiện ghét ác ít ỏi đó đi.

Cứ như thế, ngày nọ tiếp ngày kia, lương tâm bị ngăn đi bít lại, cái khí lực hướng thiện được phục hồi ban đêm của họ không còn đủ để duy trì lương tâm, nhân nghĩa nữa. Thế là càng ngày, họ càng gần gũi với cầm thú, sống vô lương tâm như cầm thú. Thấy giống cầm thú như vậy, người ta lầm tưởng rằng họ chưa từng có khả năng tốt lành do Trời phú bẩm cho. Thực ra, sống như cầm thú đâu phải là tình trạng thực của con người?

Mạnh Tử đi đến kết luận: lương tâm, lòng nhân nghĩa của con người cần được nuôi nấng. Nếu được nuôi nấng tử tế, lòng nhân nghĩa ắt phát triển, khiến người ta có thể trở nên thánh nhân; không nuôi nấng, nhân nghĩa sẽ mất.

Khổng Tử cũng đồng ý như vậy: nếu biết giữ gìn thì lương tâm còn, bỏ đi thì lương tâm mất. Lương tâm bao gồm những phẩm tính tốt lành như: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Những phẩm tính ấy ra khỏi hay đi vào lòng người không có thời khóa nhất định. Vì là những phẩm tính siêu hình cho nên chúng không ở một nơi chốn cụ thể nào trong thân xác. Những phẩm tính siêu hình là thực tại thuộc về tâm linh.

9. Mạnh Tử nói: “Đừng ngờ rằng vua (Tề) là người không sáng suốt. Tuy có thứ cây dễ sống trong thiên hạ, một ngày đem phơi nắng, mười ngày chịu lạnh lẽo, thì chưa có năng lực sinh trưởng được. Ta cũng ít được yết kiến (vua). Ta thối lui, thì sự nguội lạnh đến với vua. Sao ta làm cho có chồi lộc được?

“Nay, hãy kể về việc đánh cờ, là một thuật nhỏ mọn. Không chuyên tâm đem hết ý chí thì không thành tựu. Dịch Thu là người đánh cờ giỏi nhất nước. Khiến Dịch Thu dạy hai người đánh cờ. Một người chuyên tâm đem hết ý chí, chỉ lắng nghe Dịch Thu dạy. Một người tuy có nghe nhưng một lòng hướng về chim hồng chim hộc sắp tới, nghĩ về việc giương cung buộc tên để bắn chim. Tuy cùng học đều như nhau, mà chẳng bằng nhau. Thế thì người này sáng suốt chẳng bằng người kia ư? Rằng chẳng phải vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trong hàng đệ tử theo Mạnh Tử đến nước Tề, có lẽ một số người đã nhận định rằng Tề Tuyên Vương không sáng suốt, cho nên mới không biết nghe lời Mạnh Tử để thi hành nghiệp vương.

Mạnh Tử cho rằng không nên ngờ như vậy. Thực ra, vua Tề là người sáng suốt. Nhưng tại sao vua Tề không biết nghe theo lời phải?

Trả lời cho câu hỏi này, Mạnh Tử nêu ví dụ: giả như có một loài cây nào đó dễ sống nhất trong thiên hạ; nhưng cứ một ngày đem ra phơi nắng cho nó được tiếp thu dương khí, thì mười ngày tiếp theo lại cất nó vào bóng tối, đêm đen lạnh lẽo. Vì thiếu dương khí, nó không thể phát triển được.

Trường hợp vua Tề cũng tương tự như vậy. Thỉnh thoảng Mạnh Tử mới được diện kiến một lần. Những lời nói của Mạnh Tử khuyên vua thi hành nhân nghĩa chẳng khác gì ánh dương đem sức sống cho cây. Tuy nhiên, sau khi Mạnh Tử thối lui, bên cạnh vua, bọn nịnh thần lại đua nhau khuyến khích, tâng bốc, nịnh bợ, xúi giục làm những điều bất chính, tạo cơ hội cho vua đi vào nẻo đường sai trái, trụy lạc. Những lời dua nịnh bất chính chẳng khác gì âm khí lạnh lẽo làm thui chột cây. Như thế, đám cận thần tiểu nhân đã làm nguội lạnh vua, khiến cho những chồi lộc nhân nghĩa do Mạnh Tử khơi dậy trong lòng vua bị tàn rụi mất.

Mạnh Tử lại đem chuyện đánh cờ ra để minh giải thêm. Thời ấy, bên Trung quốc có người tên là Thu, giỏi đánh cờ nhất nước; người ta lấy chữ Dịch (đánh cờ) ghép với tên Thu thành ra Dịch Thu, chỉ ông Thu giỏi đánh cờ. Giá như khiến Dịch Thu dạy hai người đánh cờ. Một người toàn tâm toàn ý nghe lời dạy của Dịch Thu về thuật đánh cờ. Người kia tuy cũng nghe nhưng hờ hững, tâm trí chỉ nghĩ đến chuyện chuẩn bị giương cung lắp tên để kịp bắn đàn chim hồng, chim hộc sắp bay tới. Sau một thời gian, người thứ hai ắt phải kém người thứ nhất. Có phải căn cứ vào sự thua kém về thuật đánh cờ của người ấy mà bảo rằng anh ta không sáng suốt chăng? Đâu phải vậy. Người ấy sáng suốt lắm chứ. Sở dĩ thua kém chỉ tại vì anh ta không chú tâm vào thuật đánh cờ, mà phân tâm vào việc bắn chim đó thôi.

Vua Tề cũng vậy. Ông ta cũng sáng suốt lắm; chỉ tại ông ta không tha thiết với nhân nghĩa cho bằng những lời nịnh hót, những điều xấu do các nịnh thần tiểu nhân đem lại.

10. Mạnh Tử nói: “Cá là món ưa thích của ta; tay gấu cũng là món ưa thích của ta. Hai món chẳng thể được cả, thì bỏ cá mà chọn lấy tay gấu vậy. Sự sống là thứ ưa thích của ta; điều nghĩa cũng là thứ ưa thích của ta. Hai thứ chẳng thể được cả, thì bỏ sự sống mà chọn lấy điều nghĩa vậy.

“Sự sống cũng là thứ ưa thích của ta; có thứ còn được ưa thích nhiều hơn sự sống, cho nên ta chẳng làm điều cẩu thả để được sống. Sự chết là thứ gớm ghét của ta; có thứ còn đáng ghét tệ hơn sự chết, cho nên ta có cái hoạn nạn mà không tránh.

“Như giả sử có người ham muốn mà chẳng gì ham nhiều bằng sự sống, thì phàm cái gì để cho được sống mà họ chẳng dùng? Giả sử có người gớm ghét mà chẳng gì ghét bằng sự chết, thì phàm cái gì có thể tránh được hoạn nạn mà họ chẳng làm? Bởi đó, có cách để được sống mà không dùng. Bởi đó, có cách có thể tránh hoạn nạn mà không làm. Vậy nên, có điều ham muốn còn quan trọng hơn sự sống; có điều gớm ghét còn thậm tệ hơn sự chết; chẳng phải riêng bậc hiền mới có tấm lòng ấy (tấm lòng không ham sống, không sợ chết); mọi người đều có cả. Bậc hiền thì không để cho tấm lòng ấy mất đi.

“Một giỏ cơm, một bát canh, được ăn thì sống, không được ăn thì chết; nếu cho mà giằn vặt, thì kẻ đi ngoài đường không chịu nhận; cho mà giày xéo lên, thì kẻ ăn xin chẳng thèm.

“Mười ngàn chung (thóc), (có người) chẳng phân tách lễ nghĩa mà nhận ngay! Mười ngàn chung thóc ấy đối với ta, có thêm gì chăng? Để xây biệt thự đẹp đẽ, để kiếm vợ lớn vợ nhỏ phụng sự, để giúp bà con khốn cùng thiếu thốn cho được như ta chăng?

“Trước kia, vì thân chết mà chẳng nhận (của ăn phi lễ), nay lại vì biệt thự đẹp đẽ mà nhận sao? Trước kia, vì thân chết mà chẳng nhận (của ăn phi lễ), nay lại vì vợ lớn vợ nhỏ phụng sự mà nhận sao? Trước kia, vì thân chết mà chẳng nhận (của ăn phi lễ), nay lại vì giúp bà con khốn cùng thiếu thốn cho được như ta mà nhận sao? Thế thì không thể dẹp bỏ được ư? Điều đó gọi là đánh mất bản tâm của mình vậy.”

BÌNH GIẢI:

Điều nghĩa là đạo lý quan trọng đối với Mạnh Tử. Người quân tử cần phải hành động phù hợp với điều nghĩa. Bất nghĩa là tiểu nhân. Điều nghĩa là lẽ phải trong tương giao giữa người với người. Vì thế có nghĩa vua tôi, nghĩa cha con, nghĩa vợ chồng, nghĩa anh em, nghĩa bè bạn, nghĩa đồng bào… Trong sinh hoạt xã hội, điều nghĩa rất cần thiết để tạo nên sự hoà ái, sự ổn định; do đó đời sống con người mới có hạnh phúc. Đánh mất điều nghĩa, xã hội loài người sẽ xáo trộn khủng khiếp; đó là một tai họa lớn lao, bởi vì người ta cư xử với nhau còn tệ hơn cầm thú. Do đó, Mạnh Tử rất có lý khi cho rằng điều nghĩa còn quý hơn sự sống.

Mạnh Tử lấy chính mình làm ví dụ: ông thích ăn cả cá lẫn tay gấu. Khi không thể được cả hai, ông chọn món tay gấu. Tay gấu hầm là món ăn trân quý của người Trung Hoa. Ông cũng ưa thích cả sự sống lẫn điều nghĩa. Nhưng khi không giữ được cả hai thì ông chọn điều nghĩa. Ông quan niệm người quân tử không thể sống bất nghĩa được. Ông đành chịu chết để giữ lấy điều nghĩa.

Mạnh Tử bàn thêm rằng: Có thứ còn được ưa thích nhiều hơn sự sống nữa. Ông không nói rõ là gì, nhưng chúng ta có thể suy ra: đó là danh dự, phẩm giá và lý tưởng. Một người đã bị người ta phạm đến danh dự, phạm đến phẩm giá và lý tưởng bị hủy hoại, người ấy có sống cũng như chết; chẳng thà chịu chết mà giữ được danh dự, phẩm giá và lý tưởng còn hơn sống. Vì vậy, Mạnh Tử xác nhận: ông chẳng làm những điều cẩu thả, những điều trái đạo lý để được sống.

Mạnh Tử bàn tiếp: Có thứ còn đáng ghét tệ hơn sự chết. Thứ đó là gì? Đó là sự nhục nhã. Người quân tử mà bị nhục nhã thì còn tệ hơn là bị chết. Vì thế, Mạnh Tử chủ trương không tránh né hoạn nạn, nếu việc tránh né ấy đưa đến sự nhục nhã, bị mọi người khinh bỉ.

Mạnh Tử giả sử rằng có ai đó ham sống bằng mọi giá, thì có biện pháp đê tiện nào mà họ chẳng dùng, miễn là được sống? Tương tự như vậy, giả sử có ai đó ghét chết trên hết mọi sự, thì có mánh khóe thô bỉ nào mà họ chẳng làm để tránh hoạn nạn?

Các loại người ham sống sợ chết hết mức đó, dĩ nhiên là loại tiểu nhân mạt hạng rồi. Ngoài ra, trong thiên hạ có rất nhiều người, không ham sống, không sợ chết, đã không dùng những biện pháp ti tiện để cầu sống, đã không làm những điều bất nghĩa để tránh hoạn nạn. Chẳng riêng gì các bậc hiền mới có tấm lòng can đảm ấy. Hãy xem khi một nước bị quân thù xâm lăng, có biết bao người dân, không kể trí thức, vô học, không kể già trẻ, trai gái… đã sẵn sàng xả thân vì tổ quốc. Họ quên chết để thi hành điều nghĩa là cứu đồng bào thoát khỏi ách đô hộ bạo tàn. Đối với họ, sự mất tự do, sự áp bức còn đáng ghét hơn sự chết; nền độc lập, tự chủ và danh dự của một dân tộc còn đáng quý hơn mạng sống cá nhân. Hoặc là khi một tín ngưỡng, một lý tưởng tôn giáo bị xâm phạm, một niềm tin vào Đấng Tối Cao bị cấm đoán, bị chế giễu, những tín đồ có thể sẵn sàng tử vì đạo để bảo vệ chân lý của mình. Như vậy, tấm lòng không ham sống, không sợ chết ấy tiềm tàng trong mọi người; tuy nhiên đối với các bậc hiền, tấm lòng ấy được đề cao trân trọng hơn.

Để minh chứng rằng danh dự và phẩm giá hiện diện nơi những con người tầm thường nhất, Mạnh Tử cho biết mặc dầu có kẻ qua đường, có kẻ ăn xin nào đó bị đói lả gần chết cần được một giỏ cơm, một bát canh để sống; nhưng nếu đem cơm canh cho họ mà sỉ mắng, giằn vặt, chà đạp thì họ cũng chẳng thèm ăn.

Mạnh Tử lại lấy trường hợp của mình làm ví dụ. Ông đã được vua Tề mời làm quan khanh, lương bổng mười ngàn chung thóc một năm, với ý đồ mua chuộc Mạnh Tử hết lòng tùng phục mình. Tuy nhiên, vua Tề là một hôn quân, đâu có thiết tha với nhân nghĩa, đâu có chú ý tới hạnh phúc của dân chúng. Vì thế, Mạnh Tử không thể nhận. Trước kia, lý tưởng của Mạnh Tử là trọng nghĩa, thà chết chứ chẳng chịu nhận của ăn phi lễ, nay chẳng lẽ lại nhận lương bổng phi nghĩa của vua Tề để xây thêm dinh thự, cưới thêm vợ, hoặc để giúp thân quyến hay sao? Tuy thế, không thiếu gì kẻ đã chẳng phân tách lễ nghĩa mà nhận ngay bổng lộc. Nếu chẳng dẹp bỏ được lòng hám lợi mà dấn thân vào đường bất nghĩa, chính là đánh mất bản tâm của mình. Bản tâm của con người tức là lương tâm hướng về nhân nghĩa. Nhân nghĩa thuộc về tính thiện, là tính thuần nhiên ban sơ của con người.

11. Mạnh Tử nói: “Đức nhân là tâm con người; đức nghĩa là đường con người. Bỏ đường của mình mà chẳng noi theo, để tâm mình đi mất mà không biết tìm lại, đáng thương thay!

“Người ta có con gà con chó chạy đi, thì biết tìm lại. Có tâm mất đi mà không biết tìm lại! Đường lối của sự học vấn không có gì khác: tìm cái tâm mình đã mất mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Đức nhân là đức cao cả nhất của con người. Tâm là phần siêu hình tiềm tại trong thân xác con người. Mạnh Tử cho rằng nhân chính là tâm. Còn đức nghĩa là đường mà con người phải đi trong cõi nhân sinh. Đó là con đường chân chính phẳng phiu; nếu không đi trong đường nghĩa, người ta sẽ bị sa lầy hoặc giẫm lên gai góc, thiệt hại đến thân xác.

Trong Nho giáo, đức nhân thuộc phần Hình nhi thượng, đức nghĩa thuộc phần Hình nhi hạ. Đức nhân sở dĩ được coi là đức cao cả nhất, bởi vì đức nhân là một hoà lực giữa năng lực trời (thiên) và năng lực đất (địa). Nhờ năng lực trời (dưỡng khí, ánh sáng) và năng lực đất (sinh khí nuôi nấng) mà muôn vật mới có thể sống và phát triển được. Ở thánh nhân, hai năng lực trời đất kết hợp ở mức quân bình hoàn hảo nhất cùng với sự duy trì được tính bản nhiên tinh tuyền thánh thiện, cho nên thánh nhân được đứng trong hàng Tam tài: Thiên Địa Nhân. Ở tầm mức phổ thông, đức nhân là đức ái nối kết người với người, tạo nên tình yêu thương khăng khít.

Đức nghĩa tuy thấp hơn đức nhân, nhưng lại là đức cần thiết trong tương giao xã hội. Đức nghĩa là con đường mà mọi người cần phải bước đi trên đó thì mới là người chân chính. Sách Lễ Ký chia đức nghĩa ra thành Thập nghĩa: “Phụ từ, tử hiếu, huynh lương, đệ đễ, phu nghĩa, phụ thính, trưởng huệ, ấu thuận, quân nhân, thần trung.” (Lễ Ký: Lễ Vận)

Phụ từ: cha mẹ phải thương yêu con cái.

Tử hiếu: con cái phải yêu kính, hiếu thuận với cha mẹ.

Huynh lương: anh chị phải tốt lành với em.

Đệ đễ: em phải thương mến, kính trọng anh chị.

Phu nghĩa: chồng phải yêu quý, trọn tình với vợ.

Phụ thính: vợ phải nghe theo, chiều thuận ý chồng.

Trưởng huệ: người trên phải ban ơn cho người dưới.

Ấu thuận: người dưới phải vâng theo người trên.

Quân nhân: người cai trị phải có lòng nhân.

Thần trung: bề tôi phải trung thành.

Thập nghĩa là những tương quan hai chiều có qua có lại, đi với nhau từng cặp một. Nếu chỉ có một chiều, Thập nghĩa sẽ bị hỏng mất.

Nay người ta bỏ đường đi, tức là bỏ Thập nghĩa mà chẳng noi theo, xã hội ắt rối loạn. Nếu cha không từ, con không hiếu, anh không thương em, em không kính anh, chồng không yêu vợ, vợ không nghe chồng, người trên xử tệ với người dưới, người dưới chống lại người trên, vua bất nhân, bề tôi bất trung, thử hỏi đất nước có yên ổn không, mọi người có sống yên vui được nữa không?

Nay người ta để tâm mình đi mất, tức là không còn đức nhân để kết hợp năng lực trời, năng lực đất, không còn biết yêu tha nhân; người đó trở nên bệnh hoạn, cô thân, cố thế như kẻ lữ hành một mình đi trong sa mạc. Những con người mất đức nhân sẽ trở nên như sói rừng, cắn xé lẫn nhau, tranh ăn, hận thù rồi chết!

Bỏ đức nhân, đức nghĩa, đánh mất tâm, con người sẽ không khác loài cầm thú. Như vậy chẳng đáng thương sao?

Theo Mạnh Tử, mất tâm thì mất luôn cả nghĩa; bởi vì nghĩa là hệ quả của nhân, mà nhân chính là tâm. Ông ngạc nhiên nhận thấy rằng người ta mất con gà, con chó thì lập tức đi tìm cho bằng được; thế mà tâm bị mất đi lại hân hoan, hoặc thờ ơ không tha thiết tìm.

Vì thế, đường lối của sự học vấn không có gì khác hơn là tìm lại cái tâm đã mất. Người mất tâm là người mất đi phần cao quý nhất trong con người, mất con người đích thực. Đó là người bị vong thân hoặc tha hóa trong ngoại vật.

Xét về khía cạnh tâm lý học hiện đại, tình trạng phóng tâm hay vọng phát tâm thức là tình trạng tinh thần phóng ngoại, nội tâm bị khô cạn, có thể dẫn đến chứng tâm thần phân liệt, điên cuồng, khó bề cứu giải.

Ngày nay, người ta chịu khó học hành mọi môn kiến thức bao gồm các ngành khoa học kỹ thuật, nhưng lại không chú trọng vào việc học để thu hồi phóng tâm, học để tìm lại nhân nghĩa, hay bồi đắp nhân nghĩa. Vì thế, nhân loại cứ đi từ khủng hoảng nọ sang khủng hoảng kia, rồi dẫn đến khủng bố, không sao được ổn định, thái bình.

12.

Mạnh Tử nói: “Nay có ngón tay áp út cong mà không duỗi ra được. Chẳng phải chứng bệnh, chẳng đau đớn, chẳng gây thiệt hại cho công việc. Nếu như có người làm cho duỗi ra được, thì chẳng quản đường xa đến nước Tần, nước Sở, chỉ vì ngón tay không bằng người thôi. Ngón tay không bằng người thì biết ghét; còn tâm không bằng người, thì không biết ghét! Điều đó gọi là không biết giống loài vậy.”

BÌNH GIẢI:

Để nhấn mạnh đến giá trị của tâm, Mạnh Tử nêu ra một trường hợp đặc biệt làm ví dụ. Người kia có một ngón tay áp út (ngón đeo nhẫn) bị cong, không duỗi ra được, nhưng không đau đớn, không gây trở ngại gì. Chỉ vì ngón tay ấy không giống ngón tay người ta, cho nên người kia ghét, muốn chữa, dù phải tốn tiền, tốn công đi tìm thầy, nếu có thầy biết chữa.

Đối với ngón tay thì như thế, nhưng đối với cái tâm của mình không bằng người thì người ta lại không biết ghét, không biết tìm cách hay tìm thầy chữa trị. Tâm của người thì nhân ái, thiện hảo, trong sáng; còn tâm mình thì đầy uất hận, ghen tuông, đen tối; như thế là tâm mình không bằng tâm người. Cái tâm quan hệ tới hạnh phúc biết chừng nào mà không biết chỉnh sửa, lại đi lo chỉnh sửa cái ngón tay chẳng gây trở ngại gì. Người như thế là người không biết phân biệt giá trị của giống loài, không biết cái gì có giá trị cao, cái gì có giá trị thấp; cái gì đáng coi trọng, cái gì đáng coi nhẹ.

13. Mạnh Tử nói: “Cây đồng, cây tử có thể ôm hay cầm được, người nào đó nếu muốn cho chúng sống, đều biết cách nuôi nấng chúng. Đến cái tấm thân, mà lại không biết cách nuôi nấng; há yêu tấm thân không bằng cây đồng, cây tử chăng? Đó là chẳng suy nghĩ kỹ vậy.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử quan sát thấy có người chơi cây đồng, cây tử làm kiểng (ôm, cầm bằng tay được). Dĩ nhiên, muốn cho chúng sống tốt, những người chơi cây đều biết cách thức nuôi chúng. Thế mà, con người ấy lại không biết cách nuôi nấng tấm thân của mình. Cây thì tươi tốt, còn tấm thân người chơi thì tiều tụy, bệnh hoạn. Chẳng lẽ người ấy yêu tấm thân mình không bằng yêu cây kiểng sao? Người ấy hẳn chưa suy nghĩ kỹ, hoặc chưa biết cái nào khinh cái nào trọng, cái nào đáng quan tâm hơn cái nào. Lẽ ra người ấy phải biết giữ gìn, chăm sóc tấm thân của mình cho khỏe mạnh trước đã, sau đó mới nghĩ đến nuôi cây.

14. Mạnh Tử nói: “Người ta đối với thân mình, gồm yêu hết. Gồm yêu hết, thì nuôi nấng hết. Không có tấc da nào mà không yêu, thì không có tấc da nào mà không nuôi nấng. Nếu đem khảo xét xem điều đó phải hay không phải, há có chỗ nào khác chăng? Ở mình chọn lấy mình mà thôi.

“Thân thể có phần quý phần hèn, có phần nhỏ, phần lớn. Đừng lấy phần nhỏ hại phần lớn; đừng lấy phần hèn hại phần quý. Kẻ nuôi nấng phần nhỏ của mình là kẻ tiểu nhân; người nuôi nấng phần lớn của mình là bậc đại nhân.

“Nay có quan đứng đầu ngành nông lâm, bỏ cây ngô, cây giá, mà nuôi cây nhị, cây gai; đó là quan đứng đầu ngành nông lâm kém cỏi.

“Nuôi một ngón tay mà bỏ quên vai lưng của mình chẳng biết đến; đó là con người bệnh hoạn như con chó sói vậy.

“Cái người chỉ ăn uống, thì người ta khinh rẻ, vì đi nuôi cái phần nhỏ để mất phần lớn. Cái người ăn uống mà không để mất (phần lớn) thì cái miệng, cái bụng há chỉ là mấy tấc da thôi chăng?”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng đối với thân thể của mình, người ta thường yêu quý tất cả; vì thế, người ta phải nuôi nấng, chăm sóc tất cả, chăm sóc từng tấc da trên thân mình. Ông đặt vấn đề: nuôi nấng, chăm sóc từng ly từng tý như vậy có hợp lẽ phải hay không? Căn cứ vào đâu mà phân biệt được? Muốn biết phải hay không phải, người ta chỉ cần xét trên chính mình mà thôi.

Mạnh Tử xét rằng: trong thân thể con người, có phần quý, phần hèn; có phần nhỏ, phần lớn. Ông có ý muốn nói rằng: trong con người có tâm (tinh thần) là phần quý và lớn, còn thân (thể xác) là phần hèn và nhỏ. Phân biệt được như vậy thì đừng lấy phần thân làm hại phần tâm. Ai nuôi nấng, chăm sóc phần thân quá kỹ lưỡng là kẻ tiểu nhân; ai nuôi nấng, chăm sóc phần tâm cẩn thận là bậc đại nhân.

Ông cho rằng người bỏ quên tâm mà chỉ chú trọng nuôi thân thôi, không khác gì ông quan đứng đầu ngành nông lâm bỏ những cây gỗ quý có giá trị kiến trúc như cây ngô, cây giá, mà đi nuôi những cây nhỏ nhoi vô giá trị như cây nhị, cây gai. Nếu làm như vậy, ông quan đó rõ là người kém cỏi không xứng đáng với chức vụ đầu ngành nông lâm của mình.

Cũng như thế, người chú trọng tới thân mà bỏ quên phần tâm không khác gì người chỉ chăm nuôi một ngón tay, chẳng chăm nuôi tới phần vai lưng là phần to tát hơn. Người ấy hẳn là kẻ bệnh hoạn chẳng khác gì con chó sói, chỉ biết chạy mãi về trước mà quên nhìn lại phía sau.

Người chăm chú vào việc ăn uống cho thỏa mãn cái miệng, cái bụng, thì bị người ta khinh rẻ, vì chỉ chú trọng tới thân xác mà bỏ mất phần tinh thần. Còn người cũng ăn uống nhưng lại biết chăm sóc phần tinh thần, biết bồi dưỡng và phát huy cái tâm nhân nghĩa, người ấy mới là người biết lẽ phải. Cái miệng, cái bụng của người ấy ăn uống thực phẩm cốt để nuôi thân xác cho mạnh khỏe, hầu phục vụ tha nhân và phát huy cái tâm nhân nghĩa. Cái miệng, cái bụng của người ấy hẳn có một chức năng quan trọng hơn mảnh da mấy tấc rất nhiều.

15. Công Đô Tử hỏi rằng: “Đều là người, có người thành đại nhân, có người thành tiểu nhân, tại sao?”

Mạnh Tử nói: “Theo cái phần đại thể của mình thì thành đại nhân; theo cái phần tiểu thể của mình thì thành tiểu nhân.”

Hỏi: “Đều là người, có người theo phần đại thể, có người theo phần tiểu thể, tại sao?”

Đáp: “Tai mắt là những cơ quan không suy nghĩ được mà lại bị vật che lấp. Vật giao tiếp với vật, thì bị dẫn dắt đi mà thôi. Tâm là cơ quan để suy nghĩ. Suy nghĩ thì đạt được; không suy nghĩ thì không đạt được. Những cái đó là những thứ mà Trời ban cho ta. Trước hãy thiết lập được phần lớn lao, thì cái phần nhỏ bé không có khả năng tranh đoạt được. Điều đó làm thành đại nhân vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trả lời cho câu hỏi của Công Đô Tử về vấn đề có người thành đại nhân, có người thành tiểu nhân, Mạnh Tử đề cập đến phần đại thể và phần tiểu thể trong con người.

Căn cứ vào ý tứ trong toàn đoạn văn, chúng ta có thể hiểu rằng: đại thể chỉ đến cái tâm, tức là phần siêu hình linh thiêng cao cả trong con người; tiểu thể chỉ đến các cơ quan trong cơ thể như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác. Nhà Phật gọi những cơ quan này là ngũ căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân). Đó là những cơ quan căn bản thuộc thân xác, hướng ra bên ngoài để nhận thức sự vật. Nếu người nào chú ý tới phần tâm, bồi dưỡng nhân nghĩa để hành động trong sự công chính, đem lợi ích cho tha nhân, người đó là đại nhân. Nếu người nào chỉ chú ý đến phần tiểu thể, đáp ứng các nhu cầu của ngũ căn, chẳng đem ơn ích lại cho ai, lại còn gây ra những hành vi xấu có hại cho gia đình, xã hội, người đó là tiểu nhân.

Trả lời cho thắc mắc: tại sao có người theo phần đại thể, có người theo phần tiểu thể, Mạnh Tử giải thích: những cơ quan trong con người, tiêu biểu là tai mắt, chẳng những không có khả năng suy nghĩ, lại còn dễ bị sự vật ở bên ngoài mê hoặc, che lấp mất sự thật. Mỗi khi tai mắt… (ngũ căn) giao tiếp với sự vật ở bên ngoài, tai mắt có thể bị sự vật sai sử, dẫn dắt đi, khiến cho con người có thể rơi vào mê lộ, tà đạo. Trong khi đó, tâm mới là cơ quan để suy nghĩ, suy nghĩ để phân biệt điều hay lẽ trái. Nhờ suy nghĩ, người ta mới thông đạo lý để đạt tới chân lý. Nếu không suy nghĩ người ta sẽ không biết đi đường tốt để trở nên quân tử thánh hiền được.

Các cơ quan của thân xác và cả phần tâm đều được Trời ban cho con người. Tuy nhiên, con người phải được giáo dục để thiết lập phần đại thể cho vững vàng, tức là đào luyện và phát triển tinh thần cho thật sâu sắc, khiến tâm có thể giữ vai trò chủ đạo trong con người. Như thế, phần nhỏ bé tức là các cơ năng của thân xác mới không thể tranh đoạt chủ quyền được. Thực hiện được điều đó, con người mới thành bậc đại nhân.

16. Mạnh Tử nói: “Có tước vị của Trời, có tước vị của người. Nhân, nghĩa, trung, tín, vui trong điều thiện không mỏi mệt, những thứ đó là thiên tước. Công, khanh, đại phu, những thứ đó là tước vị của người.

“Người xưa tu sửa thiên tước của mình, mà nhân tước theo đến. Người thời nay tu sửa thiên tước của mình để yêu cầu nhân tước. Đã được nhân tước thì phế bỏ thiên tước của mình, đó là điều mê lầm nặng nề vậy. Cuối cùng cũng là mất hết mà thôi.

BÌNH GIẢI:

Trong lịch sử triết học Trung Hoa, Mạnh Tử là người duy nhất phân biệt thiên tước nhân tước. Theo ông, thiên tước bao gồm các đức tính tốt: nhân, nghĩa, trung, tín, v.v. vui trong điều thiện không mỏi mệt. Quan niệm này thoát thai từ lý thuyết “tính bản thiện” của ông; bởi vì con người được Trời ban cho “tính bản thiện”, từ đó nảy sinh các đức tính khác. Ông đã gọi các đức tính khác (nhân, nghĩa, trung, tín…) là tước vị của Trời ban cho (thiên tước). Ngoài ra, ông gọi những tước vị thuộc về thế gian như công, khanh, đại phu (ngày nay là Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, Tổng Giám đốc…) là tước vị của người ban cho (nhân tước).

Mạnh Tử nói rằng: “Người xưa tu sửa thiên tước của mình, mà nhân tước theo đến.” “Người xưa” là tiếng chỉ đến các bậc hiền nhân quân tử thời Nghiêu, Thuấn, Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương, trong đó có các danh thần tiêu biểu như: Cao Dao, Y Doãn, Hậu Tắc, Khương Tử Nha, v.v. Các bậc hiền nhân ấy ngày ngày tu sửa tính nết của mình để gìn giữ thiên tước và làm cho thiên tước được sáng tỏ ra. Khi thiên tước đã rõ ràng, tức là các đức tính phổ biến khắp dân chúng, thì các vua tìm đến mời ra làm quan giúp nước và trao nhân tước cho.

Người thời nay” chỉ đến đa số trí thức ở thời Xuân Thu Chiến Quốc. Họ cũng tu sửa thiên tước để lấy tiếng với thiên hạ, để cầu các tước công, khanh, đại phu… Nhưng khi đã được các chức tước đó rồi, họ phế bỏ nhân, nghĩa, trung, tín… tức là bỏ thiên tước của mình.

Mạnh Tử cho rằng đó là điều mê lầm nặng nề; bởi vì bản chất của họ là giả dối, tu sửa nhân đức chỉ cốt để cầu công danh lợi lộc cho mình mà thôi. Họ có biết đâu một khi họ phế bỏ các đức tính, trở thành một viên quan tham nhũng, trụy lạc, bất lương, thì dân chúng không còn tín nhiệm, ủng hộ nữa. Sớm muộn gì vua cũng phế bỏ họ và cuối cùng họ mất cả thiên tước lẫn nhân tước; có khi còn bị tù đày hoặc chết thảm nữa.

17. Mạnh Tử nói: “Ham muốn điều quý, đó là tấm lòng chung của con người. Người người đều có điều quý ở nơi mình, không nghĩ đến đó thôi. Điều quý của người cho chẳng phải là điều quý thật. Cái điều quý mà Triệu Mạnh cho, thì Triệu Mạnh có thể làm ra thấp hèn.

“Kinh Thi rằng: ‘Lấy rượu làm cho say; lấy đức làm cho no.’ (Câu đó) muốn nói là no nhờ nhân nghĩa. Đó là lý do chẳng mong mùi vị đồ ăn ngon của người. Tiếng khen tốt, danh dự rộng rãi được thi thố ở thân mình. Đó là lý do chẳng mong vẻ đẹp rực rỡ do người cho. “

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng ai cũng ham muốn điều quý cho mình. Tuy nhiên, mỗi người đều có điều quý trong mình mà không biết. Vì không biết trong nội tâm mình có điều quý cho nên người ta cứ hướng ra bên ngoài để tìm. Ví dụ, người ta tìm kiếm danh giá, địa vị, tài sản… coi đó là những thứ quý báu cần ôm giữ, tích lũy. Thực ra những danh giá, địa vị, tài sản do người ta cho mình chỉ là danh giá hão, địa vị bấp bênh, tài sản dễ mất. Như vậy, đó là những điều quý ảo, không thật, không vững bền. Ví dụ, Triệu Mạnh hoặc một ông vua nào đó có thể trao cho người này một huy chương, một bằng khen, hay một chức tước; một lúc khác, Triệu Mạnh hoặc ông vua đó không còn thích nữa, bèn thu lại những tấm huy chương, bằng khen, chức tước; và còn có thể biến người ấy thành một kẻ thấp hèn, một kẻ tội phạm.

Cần phải biết rằng, trong tâm mỗi người đều có một kho báu quý giá; đó là nhân nghĩa và các đức hạnh khác. Khi người ta tìm thấy kho báu đó và phát huy ra; đó mới chính là điều quý chân thật và vĩnh hằng trong con người. Do đó, Kinh Thi mới nói: “Lấy rượu làm cho say; lấy đức làm cho no.” Đức tức là nhân nghĩa. Nhân nghĩa có thể làm cho người ta cảm thấy no đủ trong tâm hồn, không còn khao khát gì nữa.

Khi ta đã dồi dào nhân nghĩa, từ nhân nghĩa sẽ nảy sinh tiếng tốt, danh dự mà ai ai cũng biết. Như thế, tiếng tốt, danh dự là những điều quý từ trong thân thể con người thi thố ra, có thể lan xa vạn dặm, có thể chinh phục được mọi người, kể cả người thân, kẻ thù. Đó là lý do mà ta chẳng cầu mong người khác trao ban cao lương mỹ vị cho ta, chẳng cần mong mỏi người khác trao y phục đẹp đẽ rực rỡ cho ta.

18. Mạnh Tử nói: “Đức nhân thắng bất nhân cũng như nước thắng lửa. Nay người ta làm điều nhân như là lấy một ly nước mà ngăn chặn lửa của một xe củi. Không dập tắt được, thì bảo rằng nước không thắng lửa. Như thế lại giúp cho điều bất nhân trở nên thậm tệ hơn. Cuối cùng cũng là đánh mất đức nhân mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng đức nhân luôn luôn thắng bất nhân, cũng như nước luôn luôn dập tắt lửa. Tuy nhiên, ngày nay, những người làm điều bất nhân thì nhiều, người làm nhân thì ít. Hơn nữa, số người làm nhân ít ỏi đó lại không nỗ lực làm nhân, được chăng hay chớ. Vì thế, những điều nhân nhỏ nhoi đó không đủ để ngăn chặn những hành vi bất nhân lan tràn trong xã hội; không khác gì lấy một ly nước đem ngăn chặn một xe củi đang bốc lửa. Muốn dập tắt một xe củi rừng rực cháy, đòi hỏi một khối nước lớn hơn hoặc tương đương thể tích của xe củi mới mong ngăn chặn được. Đem một ly nước cứu hỏa, thấy không dập tắt được, người ta vội cho rằng nước không thắng được lửa.

Cũng vậy, thấy không đẩy lùi được bất nhân, người ta vội bảo rằng nhân không thắng được bất nhân. Làm nhân kiểu đó chỉ khiến cho những kẻ bất nhân chế giễu và gia tăng những hành vi bất nhân hơn nữa. Thế là người làm nhân trở nên bi quan, thất vọng, và đức nhân cũng mất hút trong lòng người.

19. Mạnh Tử nói: “Năm giống lúa là giống loài tốt đẹp. Nếu chúng không chín, thì chẳng bằng giống cỏ đề bái. Này, điều nhân cũng ở tại sự chín muồi mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Năm giống lúa là những giống loài thực vật có hạt, được coi là tốt đẹp, bởi chúng là thức ăn căn bản cho con người. Các thực phẩm khác như cá, thịt, rau, quả… tuy ngon nhưng không thay thế hoàn toàn cho năm giống lúa được. Tuy nhiên, các hạt lúa phải chín mới đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu chúng không chín, tức là bị lép thì chẳng bằng giống cỏ đề bái. Cỏ đề bái cũng có hạt như lúa nhưng có vị đắng, rất khó ăn. Nhưng những năm mất mùa lúa, nông dân tạm lấy hạt cỏ đề bái nấu cháo ăn cho đỡ đói.

Đem năm giống lúa ra làm ví dụ rồi, Mạnh Tử chuyển ý sang điều nhân.

Điều nhân là đức hạnh nền tảng của con người. Sách Trung Dung nói: “Nhân giả nhân dã – 仁者人也” (Điều nhân ấy là người vậy.) Nhưng điều nhân chỉ có giá trị hay chỉ thành tựu khi đem nó ra hiện thực trong đời sống. Đó là điều nhân đã chín muồi, có thể đem ơn ích cho mình và cho người khác; chứ không phải điều nhân trên lý thuyết, điều nhân ở môi miệng. Nếu chỉ nói lý thuyết về điều nhân mà không hiện thực điều nhân thì coi như điều nhân chưa chín. Thế thì có nhân cũng như không.

20. Mạnh Tử nói: “Ông Nghệ dạy người ta bắn cung, ắt phải để chí vào đích cung. Người học ắt cũng phải để chí vào đích cung. Người thợ mộc giỏi dạy người ta, ắt phải lấy khuôn tròn, khuôn vuông. Người học ắt cũng phải lấy khuôn tròn, khuôn vuông.”

BÌNH GIẢI:

Người học bắn cung phải để hết ý chí vào đích cung, thì khi buông tên, mũi tên mới trúng đích được. Tương truyền đó là phép dạy bắn cung của Hậu Nghệ; ông là vua nước Hữu Cùng, có tài bắn cung, trăm phát trăm trúng vào thời thượng cổ ở Trung Hoa. Người học nghề thợ mộc, cả thầy lẫn trò đều phải dùng khuôn tròn, khuôn vuông để làm mẫu mực. Khuôn tròn để làm đồ vật tròn; khuôn vuông để làm đồ vật vuông.

Cũng tương tự như vậy, người học làm quân tử, phải biết nhắm tới đích là các bậc hiền thánh; lấy bậc hiền thánh làm mẫu mực để mình bắt chước. Các hành vi nhân nghĩa, các cách đối nhân xử thế của các ngài phải trở thành khuôn mẫu (qui củ) cho mình noi theo.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x