Trang chủ » Chương 11: NỖI ĐAU, CÁI GIÁ CỦA TỰ DO

Chương 11: NỖI ĐAU, CÁI GIÁ CỦA TỰ DO

by Hậu Học Văn
144 views

Một trong những yêu cầu thiết yếu để có được sự trưởng thành về mặt tinh thần đích thực và sự biến đổi cá nhân sâu sắc là chung sống hòa bình với nỗi đau. Không có sự phát triển hay tiến hóa nào có thể xảy ra mà không có thay đổi, và các giai đoạn thay đổi không phải lúc nào cũng thoải mái, dễ chịu. Thay đổi liên quan đến việc thách thức những gì vốn đã quen thuộc với chúng ta và việc dám xem xét lại những nhu cầu truyền thống của chúng ta về sự an toàn, thoải mái và kiểm soát. Quá trình này thường được coi là một trải nghiệm đau đớn.

Trở nên quen thuộc với trải nghiệm đau đớn nói trên là một phần trong sự trưởng thành của bạn. Mặc dù có thể bạn không thực sự thích những cảm giác rối loạn bên trong, nhưng bạn phải có khả năng ngồi tĩnh lặng bên trong và đối mặt với chúng nếu bạn muốn nhận biết những rối loạn đó đến từ đâu. Một khi bạn có thể đổi diện với những xáo trộn này, bạn sẽ nhận ra rằng có một “lớp” của nỗi đau nằm sâu trong đáy tim. Nỗi đau này quá khó chịu, quá thách thức và quá hủy diệt đối với bản thân đến nỗi bạn phải dành trọn cuộc sống để tránh nó. Toàn bộ cá tính của bạn được hình thành dựa trên cách sống, suy nghĩ, hành động và niềm tin – tất cả đều được phát triển để tránh nỗi đau này.

Bởi vì việc tránh nỗi đau ngăn cản bạn khám phá cái phần con người bạn vốn siêu vượt cái lớp đó, cho nên sự phát triển tâm linh thật sự chỉ có thể diễn ra khi cuối cùng bạn quyết định đối phó với nỗi đau. Do nỗi đau nằm ở tận đáy tim nên nó phát ra ngoài và ảnh hưởng đến mọi điều bạn làm. Nhưng nỗi đau này không phải là cái đau thể xác với những tín hiệu mà bạn nhận được từ cơ thể. Cái đau thể xác chỉ hiện hữu tại chỗ bị đau khi có điều gì đó không ổn về mặt sinh lý. Cái đau nội tại thì luôn ngự trị ở đó, ẩn bên dưới những lớp suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Chúng ta cảm nhận nó rõ nhất khi con tim bị xáo trộn, như khi thế giới không đáp ứng mong đợi của chúng ta.

Đó là cái đau tâm lý – nỗi khổ tâm. Tâm lý được hình thành dựa trên việc tránh nỗi đau nội tại; và do đó, nó có nền tảng là sự sợ hãi nỗi đau. Đó là nguyên nhân tạo ra tâm lý. Để hiểu điều này, bạn để ý sẽ thấy rằng nếu cảm giác bị khước từ là một vấn đề lớn đối với bạn thì bạn sẽ sợ những trải nghiệm gây nên sự khước từ. Nỗi sợ đó sẽ trở thành một phần trong tâm lý của bạn. Mặc dù các sự kiện thực tế gây ra tình huống khước từ không xảy ra thường xuyên, nhưng bạn sẽ phải đối phó với nỗi sợ bị khước từ một cách thường trực. Đó là cách chúng ta tạo ra nỗi đau, khiến cho nó luôn tồn tại ở đó. Nếu bạn phải làm điều gì đó để tránh nỗi đau thì như thế nó đã chi phối cuộc sống của bạn. Tất cả suy nghĩ và cảm xúc của bạn đều sẽ bị ảnh hưởng bởi những nỗi sợ của bạn.

Bạn sẽ nhận ra rằng bất kỳ kiểu hành vi nào dựa trên việc tránh nỗi đau cũng sẽ trở thành một con đường dẫn đến nỗi đau. Nếu bạn sợ bị ai đó khước từ và bạn tiếp cận người đó với ý muốn họ chấp nhận bạn, nghĩa là bạn đang trượt trên lớp băng tan. Tất cả những gì họ làm là liếc nhìn bạn một cách thiếu thiện cảm hoặc nói điều gì đó không hay, và bạn sẽ cảm nhận nỗi đau của sự khước từ. Điểm mấu chốt là bởi vì bạn tiếp cận họ dưới “danh nghĩa” của sự khước từ nên bạn sẽ đứng chới với bên bờ vực của sự khước từ trong suốt quá trình tương tác.

Bằng cách này hay cách khác, những cảm xúc bạn có bên trong sẽ tác động trở lại với cái động cơ đằng sau đã dẫn tới những hành động của bạn. Tránh đau đớn là điều mà những hành động của bạn luôn hướng đến, và bạn sẽ luôn cảm thấy mong muốn thường trực này trong tim mình. Trái tim là cội nguồn của nỗi đau. Và đây là lý do bạn cảm nhận vô số rối loạn trong suốt ngày dài.

Bạn có nỗi đau sâu trong tim. Mọi đặc điểm tính cách và kiểu mẫu hành vi của bạn đều liên quan đến việc trốn tránh nỗi đau này. Bạn tránh nó bằng cách giữ mức cân nặng hợp lý, mặc trang phục phù hợp, trò chuyện theo cách thích hợp và chọn kiểu tóc nhất định. Mọi điều bạn làm đều là để tránh nỗi đau. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy quan sát điều gì xảy ra nếu một ai đó đề cập đến cân nặng hay chỉ trích trang phục của bạn: Bạn cảm thấy đau khổ. Mỗi lần bạn làm điều gì đó để tránh nỗi đau, điều đó sẽ lại trở thành một liên kết mới với nỗi đau tiềm ẩn khác từ nỗi đau mà bạn đang trốn tránh.

Nếu bạn không muốn xử lý nỗi đau tận gốc thì bạn sẽ làm mọi điều có thể để tránh nó. Nếu bạn ẩn mình phía sau một đời sống xã hội bận rộn thì bất kỳ điều gì mà người khác làm thách thức lòng tự trọng của bạn, chẳng hạn không mời bạn đến một sự kiện, sẽ khiến bạn cảm thấy đau. Ví dụ như bạn gọi điện mời một người bạn đi xem phim, và họ nói rằng họ đang bận. Một số người cảm thấy bị tổn thương vì điều đó. Bạn sẽ cảm thấy đau nếu nguyên nhân bạn gọi họ là để tránh nỗi đau. Chẳng hạn như bạn đi ra ngoài và gọi chú cún của bạn: “Này, Đốm, đến đây!” và nó không đến. Nếu nguyên nhân bạn gọi Đốm là để cho nó ăn, bạn chỉ cần đặt chén thức ăn xuống và để nó ăn khi nào nó muốn.

Nhưng nếu bạn gọi Đốm vì bạn đã có một ngày vất vả mà Đốm lại chẳng thèm đến thì bạn sẽ cảm thấy đau. “Ngay cả con chó cũng không thích mình”. Tại sao lại có nỗi đau tận đáy lòng như thể chỉ vì chú cún không chạy đến? Tại sao lại có nỗi đau khi người bạn nói họ đã có một cuộc hẹn khác và không thể đi xem phim vào hôm nay? Làm sao mà những tình huống như thể lại gây ra nỗi đau nhỉ? Đó là bởi vì sâu trong đáy lòng bạn có nỗi đau mà bạn chưa giải quyết. Việc bạn nỗ lực trốn tránh nỗi đau này đã tạo ra những lớp nhạy cảm kết nối với nỗi đau tiềm ẩn kia.

Chúng ta hãy lắng mình một chút để xem xét những lớp này được hình thành như thế nào. Để tránh nỗi đau bị từ chối, bạn cực lực duy trì tình bạn. Do bạn nhận thấy rằng bạn có thể bị khước từ, thậm chí là bởi những người bạn, nên bạn sẽ càng nỗ lực hơn nữa để tránh điều đó. Để thành công, bạn phải chắc chắn rằng mọi thứ bạn làm sẽ được những người khác chấp nhận. Lối tư duy này quyết định cách ăn mặc và hành vi của bạn. Hãy chú ý xem, bạn không còn tập trung toàn bộ tâm trí đến sự khước từ nữa. Giờ đây bạn quan tâm đến trang phục, cách đi đứng và chiếc xe bạn lái.

Bạn đang đi đến một phân lớp khác cách xa nỗi đau thực chất. Nếu ai đó đến gần bạn và nói: “Ôi, tớ tưởng là cậu có thể mua được một chiếc xe đẹp hơn thế này cơ đấy!”, bạn sẽ cảm nhận một phản ứng rối loạn bên trong. Tại sao tình huống đó lại gây cho bạn nỗi đau? Có gì to tát đâu nếu ai đó nói ra nói vào về chiếc xe của bạn? Bạn phải hỏi chính mình cái gì đã phản ứng trong tim bạn. Cảm giác đó là gì? Tại sao nó xảy ra? Mọi người thường không thắc mắc lý do; họ chỉ có gắng để nó không xảy ra.

Bạn phải đi sâu hơn và xem xét những lớp này được tạo ra như thế nào về mặt động lực học. Đầu tiên là nỗi đau nằm ở tâm. Sau đó, để tránh

nỗi đau này, bạn cố gắng duy trì mối quan hệ với bạn bè và giấu mình đằng sau sự chấp nhận của họ. Đó là lớp thứ nhất. Và rồi, để đảm bảo duy trì việc bạn được chấp nhận, bạn nỗ lực thể hiện bản thân theo cách nào đó để thu phục tình cảm của bạn bè và gây ảnh hưởng đến người khác. Đó là lớp tiếp theo. Mỗi lớp đều kết nối với nỗi đau “gốc”. Đó là lý do vì sao những tương tác hằng ngày lại có thể ảnh hưởng quá nhiều đến bạn như thế. Nếu nỗi đau cốt lõi không phải là động lực thúc đẩy bạn chứng minh bản thân mỗi ngày thì những gì người khác nói sẽ không ảnh hưởng đến bạn.

Nhưng bởi vì trốn tránh nỗi đau bên trong chính là lý do khiến bạn phải cố gắng chứng tỏ bản thân, nên bạn càng khiến cho mọi việc xảy ra đều có thể trở thành nỗi đau tiềm tàng cho bạn. Kết quả là bạn quá nhạy cảm đến mức bạn không thể sống trong thế giới này mà không bị tổn thương. Bạn thậm chí không thể tương tác với mọi người hay thực hiện những hoạt động hằng ngày bình thường khác mà không có những sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến trái tim của bạn. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy rằng ngay cả những tương tác đơn giản cũng thường gây ra nỗi đau, sự bất an, hoặc những rối loạn ở một mức độ nào đó.

Để có cái nhìn rõ hơn về tình trạng này, trước hết bạn xem xét nó ở góc độ khác. Đi bộ bên ngoài vào một đêm thanh và ngước nhìn bầu trời. Bạn đang ở trên một hành tinh xoay quanh giữa hư không. Mặc dù bạn chỉ có thể nhìn thấy vài ngàn ngôi sao, nhưng có đến hàng trăm tỷ ngôi sao chỉ tính riêng trong dải Ngân Hà của chúng ta. Trên thực tế, người ta ước tính có hơn một nghìn tỷ ngôi sao trong thiên hà xoắn ốc. Và thiên hà đó trông giống một ngôi sao đối với chúng ta, nếu chúng ta có thể nhìn thấy nó. Bạn chỉ đang đứng trên một quả cầu đất nhỏ bé và quay xung quanh một trong những ngôi sao đó mà thôi.

Từ góc độ đó, bạn có thực sự quan tâm đến những gì người ta nghĩ về trang phục hay chiếc xe của bạn không? Bạn có thực sự phải cảm thấy bối rối nếu bạn quên tên của ai đó? Làm sao bạn có thể để những thứ vô nghĩa này gây ra nỗi đau? Nếu muốn thoát ra, nếu muốn một cuộc sống tốt đẹp, bạn không nên dành cả đời để tránh những nỗi đau tâm lý như thế. Bạn không nên dành trọn thời gian sống của mình chỉ để lo lắng về việc liệu người ta có yêu mến bạn không hay liệu | chiếc xe của bạn có gây ấn tượng với mọi người không. Đó là loại cuộc sống gì vậy? Đó là cuộc sống khổ ải. Có lẽ bạn đã không nhận ra rằng bạn từng cảm thấy đau khổ đến thế, nhưng thực sự là đúng như thế.

Dành cả cuộc đời để tránh nỗi đau đồng nghĩa với việc nó luôn còn đó ở ngay phía sau bạn. Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể lỡ lời và nói sai điều gì đó. Bất cứ lúc nào cũng có điều gì đó có thể xảy ra. Kết quả là bạn sẽ phải dành trọn cuộc đời mình để trốn tránh khổ đau.

Vậy là bạn đã quan sát kỹ bên trong mình và bắt đầu quen với mọi ngóc ngách, bạn nhận ra rằng bạn đang quay trở lại với hai lựa chọn trong ví dụ cái gai đâm vào tay. Một lựa chọn là để nỗi đau lại bên trong và tiếp tục chiến đấu với bên ngoài. Lựa chọn khác là quyết định rằng bạn không muốn dành toàn bộ cuộc đời để tránh nỗi đau khổ bên trong, bạn chọn cách dứt bỏ nó. Rất ít người dám chuyển biến quá trình bên trong như thế này. Hầu hết mọi người thậm chí không nhận ra rằng họ đang đi khắp đó đây mang theo những nỗi đau ẩn sâu bên trong cần được phóng thích.

Bạn có thực sự muốn luôn mang nỗi đau âm ỉ trong lòng và phải xoay chuyển mọi thứ xung quanh để tránh cảm nhận về nó? Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu không bị điều khiển bởi nỗi đau đó? Bạn sẽ được tự do. Bạn có thể đi khắp thế gian trong tâm thể hoàn toàn tự do, chỉ tận hưởng niềm vui, cảm thấy thoải mái với bất kỳ điều gì xảy ra. Bạn thực sự có thể sống một cuộc sống tràn ngập những kinh nghiệm thú vị và chỉ việc thưởng thức những trải nghiệm này bất kể chúng là gì. Về cơ bản, đơn giản là bạn có thể sống cuộc sống của bạn và trải nghiệm những gì xảy ra trên hành tinh đang quay giữa thinh không, cho đến cuối đời.

Để sống ở cấp độ tự do này, bạn phải học cách không sợ hãi những nỗi đau và xáo trộn nội tâm. Một khi bạn còn e sợ nỗi đau, bạn sẽ cố bảo vệ bản thân tránh xa nó. Nỗi sợ hãi sẽ khiến bạn làm điều đó. Nếu bạn muốn tự do, chỉ cần xem nỗi đau bên trong như một thay đổi tạm thời trong dòng chảy năng lượng của bạn. Không có lý do gì phải sợ hãi trải nghiệm này. Bạn không cần phải e sợ sự khước từ, hoặc sợ cảm giác khi đau ốm, hoặc lo sợ ai đó chết đi, hoặc e ngại nếu có điều gì trục trặc xảy ra. Bạn không thể dành cả đời chỉ để trốn tránh những thứ không thực sự xảy ra, nếu không thì mọi việc sẽ trở nên tiêu cực. Rốt cuộc bạn chỉ cần phán đoán là khả năng sai sót chiếm tỷ lệ bao nhiêu.

Bạn có biết bao nhiêu thứ có thể gây ra nỗi đau và xáo trộn nội tâm không? Có lẽ còn nhiều hơn cả số sao trên trời. Nếu bạn muốn trưởng thành và tự do khám phá cuộc sống, bạn đừng lãng phí cuộc đời để tìm cách tránh né vì biết bao nhiêu điều có thể gây tổn thương cho con tim và tâm trí của bạn.

Bạn phải nhìn sâu vào bên trong mình và quyết định rằng từ giờ trở đi nỗi đau không còn là vấn đề với bạn. Nó chỉ là một trong vô số vạn vật của vũ trụ. Ai đó có thể nói với bạn điều gì đó khiến trái tim bạn phản ứng và “bắt lửa”, nhưng rồi nó sẽ qua thôi. Đó chỉ là một trải nghiệm tạm thời. Đa số mọi người khó có thể tưởng tượng rằng cuộc sống sẽ như thế nào khi có thể chung sống hòa bình với những rối loạn nội tâm. Nhưng nếu bạn không học cách sống an nhiên với nó, bạn sẽ phải dành cả đời để tránh nó. Nếu bạn cảm thấy bất an, đó chỉ là một cảm giác. Bạn có thể kiểm soát cảm giác. Nếu bạn cảm thấy bối rối, đó chỉ là một cảm giác, một phần của tạo hóa.

Nếu bạn cảm thấy ghen tuông và tức giận, chỉ cần quan sát nó một cách khách quan, giống như cách bạn làm đối với một vết bầm nhẹ. Nó là một vật trong vũ trụ lướt qua cơ thể bạn. Cười nhạo nó, vui đùa với nó, nhưng đừng e sợ nó. Nó không thể chạm đến bạn trừ khi bạn chạm đến nó.

Chúng ta hãy khám phá điều này. Trước hết, hãy xem xét khuynh hướng cơ bản của con người. Khi một cái gì đó gây đau đớn chạm vào cơ thể bạn, bạn có xu hướng di chuyển tránh xa nó theo bản năng. Bạn thậm chí cũng có phản ứng này với những mùi vị khó chịu. Trên thực tế, tâm lý của bạn cũng có phản ứng tương tự. Nếu điều gì đó phiền toái tác động vào nó, xu hướng của nó là lùi lại và phòng vệ. Đây cũng là cách tâm lý của bạn phản ứng với cảm giác bất an, ghen tuông, và những rung động khác mà chúng ta đã và đang thảo luận. Về cơ bản, bạn “khép lòng mình lại”, động thái này đơn giản là nỗ lực đặt tấm khiên xung quanh năng lượng bên trong bạn.

Bạn có thể cảm thấy hiệu ứng của động thái này như cảm giác co rút trong tim. Ai đó nói điều gì phật lòng, và bạn cảm thấy tim mình xáo trộn đôi chút. Và rồi tâm trí bạn bắt đầu lên tiếng: “Mình không cần phải chịu đựng điều này. Mình sẽ bỏ đi và không bao giờ nói chuyện với họ nữa. Họ sẽ thấy hối tiếc”. Trái tim của bạn đang cố gắng rút lui khỏi những gì nó đang trải qua và bảo vệ chính nó để không phải “nếm” cái cảm giác đó lần nữa. Bạn làm điều này vì bạn không thể kiểm soát nỗi đau mà bạn đang cảm nhận. Khi bạn không thể kiểm soát nỗi đau khổ, bạn sẽ phản ứng bằng cách đóng cửa lòng mình để bảo vệ bản thân. Ngay khi bạn đóng cửa, tâm trí bạn sẽ xây dựng một kết cấu tâm lý bao bọc toàn bộ năng lượng bị kìm giữ trong bạn.

Những suy nghĩ của bạn sẽ cố làm cho hợp lẽ vì sao bạn đúng, vì sao người khác sai, và những gì bạn nên làm để bảo vệ mình.

Nếu bạn chấp nhận nó, nó sẽ trở thành một phần của bạn. Qua nhiều năm nỗi đau này sẽ vẫn tồn tại bên trong và thực sự trở thành một trong những khối bê tông trong suốt cuộc đời bạn. Nó sẽ định hình những phản ứng, suy nghĩ và quyết định trong tương lai của bạn. Khi bạn xử lý tình huống bằng cách chống lại nỗi đau mà nó gây ra, bạn sẽ phải điều chỉnh hành vi và tư tưởng của bạn để bảo vệ bản thân. Bạn làm điều này với mục đích không để cho bất cứ điều gì có thể gây trầm trọng thêm nỗi đau bạn kìm giữ bên trong. Kết quả là bạn sẽ xây dựng cả một cấu trúc bảo vệ xung quanh cánh cửa lòng đóng kín. Nếu bạn có sự sáng suốt để quan sát tình huống đang diễn ra, và hiểu những hậu quả lâu dài, bạn sẽ muốn thoát khỏi cái bẫy này.

Tuy vậy, bạn sẽ không bao giờ tự do cho đến khi sự sáng suốt của bạn đạt đến trình độ sẵn sàng phóng thích nỗi đau ngay từ đầu thay vì tránh nó. Bạn phải học cách vượt qua xu hướng trốn tránh nỗi đau.

Những người khôn ngoan không muốn tiếp tục làm nô lệ cho nỗi sợ đau khổ. Họ cho phép thể giới được là chính nó thay vì sợ hãi nó. Họ toàn tâm tham gia vào cuộc sống chứ không nhằm mục đích tận dụng cuộc sống để trốn tránh chính bản thân họ. Nếu cuộc sống làm điều gì đó gây ra sự xáo trộn bên trong bạn, thay vì rút lui, bạn hãy để nó lướt qua bạn như một cơn gió. Xét cho cùng, mọi việc xảy ra hằng ngày đều gây xáo trộn bên trong. Bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể cảm thấy thất vọng, tức giận, sợ hãi, đố kỵ, bất an, hoặc bối rối. Nếu để ý quan sát, bạn sẽ nhận thấy rằng trái tim đang cố gắng đẩy tất cả chúng đi. Nếu muốn có tự do, bạn phải học cách ngừng kháng cự với những cảm xúc như thế này của con người.

Khi bạn cảm thấy nỗi đau, hãy đơn giản xem nó như là năng lượng. Chỉ cần quan sát những trải nghiệm bên trong này như năng lượng trôi qua tim bạn và phía trước con mắt của tâm thức. Sau đó hãy thư giãn. Tức là bạn đang làm ngược lại với hành động thu mình lại và khép cửa trái tim. Hãy thư giãn và thả lỏng. Thư giãn con tim cho đến khi bạn thực sự mặt đối mặt với vị trí chính xác của nỗi đau. Luôn mở lòng với thái độ sẵn sàng đón nhận để có thể hiện diện ngay nơi mà sự căng thẳng hiện hữu.

Bạn phải sẵn sàng có mặt ngay tại vị trí của sự căng thẳng và nỗi đau, và rồi thư giãn và sẵn sàng đi sâu hơn. Đây là một bước phát triển và chuyển biến rất sâu sắc. Nhưng bạn sẽ không muốn làm điều này. Bạn sẽ cảm thấy một sự chống cự khủng khiếp khi làm việc này, và như thể càng khiến cảm giác chống cự trở nên mạnh mẽ hơn. Khi bạn thư giãn và cảm thấy sự chống cự này là khi trái tim muốn rút lui, đóng cửa, bảo vệ và phòng thủ. Hãy tiếp tục thư giãn. Thả lỏng đôi vai và xoa dịu trái tim. Hãy thả lỏng mọi thứ và tạo khoảng trống cho nỗi đau lướt qua bạn. Nó chỉ là năng lượng. Chỉ cần xem nó như năng lượng và để nó đi. Nếu bạn đóng cửa xung quanh nỗi đau và ngăn không cho nó thoát ra, nó sẽ ở lại trong bạn.

Đó là lý do khiến xu hướng kháng cự tự nhiên của chúng ta thật ra là gây cản trở. Nếu không muốn “sở hữu” nỗi đau, tại sao bạn lại đóng cửa xung quanh nó và giữ nó lại? Hay bạn nghĩ là nếu bạn kháng cự, nó sẽ ra đi? Hoàn toàn không? Nếu bạn thả lỏng mọi thứ và để năng lượng thoát ra, nó sẽ đi ra khỏi bạn. Nếu bạn thư giãn khi nỗi đau xuất hiện trong tim bạn, và thực sự dám đối mặt với nó, nó sẽ biến mất. Mỗi một lần như thế, khi bạn thư giãn và sẵn sàng buông bỏ, là từng phần của nỗi đau sẽ lần lượt rời đi mãi mãi. Ngược lại, mỗi khi bạn chống cự và đóng cửa lại, bạn lại đang tích tụ thêm nỗi đau vào bên trong.

Tương tự như hành động đắp đập ngăn dòng suối vậy. Và rồi sau đó bạn bị buộc phải tìm cách sử dụng tâm lý để tạo ra lớp ngăn cách giữa bạn – người trải nghiệm nỗi đau và bản thân nỗi đau. Đó là cách mà tiếng nói huyên náo bên trong tâm trí bạn khuyên bạn: Tìm cách tránh nỗi đau bên trong.

Nếu muốn tự do, trước hết bạn phải thừa nhận rằng có nỗi đau trong tim bạn. Bạn đã lưu giữ nó đó. Và bạn đã làm mọi thứ bạn có thể để “giam giữ” nó ở đó, sâu bên trong, để bạn không bao giờ phải cảm thấy nó. Cũng có vô vàn những niềm vui, vẻ đẹp, tình yêu thương và cảm giác bình yên bên trong bạn. Nhưng chúng ở phía bên kia của nỗi đau. Ở phía bên kia của nỗi đau là trạng thái nhập định. Ở phía bên kia là tự do. Sự cao quý thực sự của bạn ẩn mình dưới một lớp vỏ bọc ở phía bên kia đó của nỗi đau.

Bạn phải sẵn sàng chấp nhận nỗi đau thì mới có thể bước qua phía bên kia đó. Chỉ cần thừa nhận rằng nó ở đó và rằng bạn sẽ cảm thấy nó. Chấp nhận rằng nếu bạn thả lỏng, nó sẽ xuất hiện trong một khoảnh khắc với nhận thức của bạn, và sau đó nó sẽ lướt qua. Nó luôn luôn như thế.

Đôi khi bạn sẽ cảm nhận sự nóng bừng bên trong bạn khi nỗi đau lướt qua. Thực tế là, khi bạn thả lỏng để cảm nhận năng lượng của nỗi đau, bạn có thể cảm thấy sức nóng khủng khiếp trong tim. Đó là lúc nỗi đau được thanh lọc khói trái tim bạn. Hãy học cách tận hưởng luồng nhiệt bừng bừng đó. Nó được gọi là lửa thiền. Cảm giác sẽ không thật sự dễ chịu, nhưng bạn sẽ học được cách tận hưởng nó vì nó đang giải thoát cho bạn. Quả thật, nỗi đau là cái giá của tự do. Và ngay khi bạn sẵn sàng trả cái giá đó, bạn sẽ không còn sợ hãi nữa. Ngay khi bạn không còn thấy sợ nỗi đau, là bạn đã có thể đối mặt với tất cả những tình huống trong cuộc sống mà không hề sợ hãi.

Đôi khi bạn sẽ bước qua những trải nghiệm sâu sắc khiến cơn đau dâng lên dữ dội trong bạn. Nếu có nỗi đau bên trong, bạn sẽ cảm thấy nó. Nếu khôn ngoan, bạn sẽ để mặc nó một mình và không cố gắng thay đổi cuộc sống của bạn để tránh nó. Bạn sẽ chỉ thư giãn và cho nó không gian cần thiết để giải phóng và tỏa sức nóng khi thoát ra khỏi bạn. Bạn không muốn thứ vặt vãnh này ở trong tim bạn. Để cảm nhận tự do và tình yêu tuyệt vời, để tìm kiếm sự hiện diện của Thượng đế bên trong bạn, tất cả những nỗi đau tích tụ này phải rời đi. Chính trong quá trình nội tại này mà tâm linh trở thành hiện thực.

Sự phát triển tâm linh tồn tại ngay trong khoảnh khắc bạn sẵn sàng trả giá cho tự do một cách có ý thức. Bạn cần phải sẵn sàng trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, duy trì trạng thái tỉnh thức của mình để đối phó với nỗi đau và để phối hợp với trái tim bạn bằng cách luôn thư giãn và luôn “mở cửa”.

Hãy nhớ rằng, nếu bạn khép mình xung quanh một đối tượng nào đó, tâm lý bạn sẽ nhạy cảm với điều đó trong suốt phần đời còn lại của bạn. Do bạn lưu giữ nó bên trong bạn nên bạn e sợ rằng nó sẽ xuất hiện lần nữa. Nhưng nếu bạn thả lỏng thay vì khép mình lại, nó sẽ tự có cách thoát ra khỏi bạn. Nếu bạn luôn cởi mở thì năng lượng bị tắc nghẽn bên trong bạn sẽ được giải phóng một cách tự nhiên, và bạn sẽ không phải chịu đựng nó thêm nữa. Đây là cốt lõi của cuộc hành trình tâm linh. Khi bạn có thể an nhiên tự tại với nỗi đau đang lướt qua bạn, bạn đã được tự do. Thế giới này sẽ không bao giờ có thể phiền nhiễu bạn nữa vì điều tồi tệ nhất mà thế giới có thể làm thì nó đã làm rồi – là khuấy động nỗi đau tích tụ bên trong bạn. Nếu bạn không bận tâm, nếu bạn không còn sợ hãi chính mình, bạn đã được tự do.

Từ nay bạn có thể dạo bước trong thế giới này một cách sôi nổi, tràn đầy khí lực hơn bao giờ hết. Bạn sẽ cảm nhận mọi thứ ở mức độ sâu hơn. Bạn sẽ bắt đầu cho phép những trải nghiệm thực sự tốt đẹp trỗi dậy trong bạn. Cuối cùng, bạn sẽ thấm thía một điều rằng có một đại dương tình yêu nằm sau tất cả những sợ hãi và nỗi đau này. Sức mạnh này sẽ nâng đỡ, hỗ trợ bạn bằng cách nuôi dưỡng trái tim bạn từ sâu bên trong. Theo thời gian, bạn sẽ hình thành mối quan hệ cá nhân sâu sắc với nội lực đẹp đẽ này. Nó sẽ thay thế cho mối quan hệ mà bạn đang có với nỗi đau và xáo trộn nội tâm.

Giờ đây sự bình yên và tình yêu thương sẽ dẫn dắt cuộc sống của bạn. Khi vượt ra khỏi cái lớp của đau khổ, bạn sẽ thoát khỏi những trói buộc của tâm lý.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Michael A. Singer
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com/

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x