Trang chủ » Chương 12. Cáo Tử Hạ

Chương 12. Cáo Tử Hạ

by Hậu Học Văn
1124 views

CÁO TỬ, PHẦN SAU

1. Người nước Nhâm có hỏi Ốc Lư Tử rằng: “Lễ và đồ ăn, cái nào trọng?”

Đáp: “Lễ trọng.”

“Sắc đẹp và lễ, cái nào trọng?”

Đáp: “Lễ trọng.”

Hỏi: “Giữ lễ để được ăn, thì đói mà chết; không giữ lễ để được ăn, thì được ăn; ắt giữ lễ chăng? Lấy lễ đón dâu, thì không được vợ; không lấy lễ đón dâu, thì được vợ; ắt lấy lễ đón dâu chăng?“

Ốc Lư Tử không thể trả lời.

Hôm sau, ông đến đất Trâu để trình bày với Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Trả lời điều đó, có gì đâu? Nếu không so về phần gốc, mà so đều phần ngọn, khúc gỗ vuông một tấc có thể khiến cao hơn cái nhà lầu. Kim khí thì nặng hơn lông chim, há một cái khoen kim khí mà bảo sánh với một cái xe lông chim ư?

“Nếu lấy chỗ quan trọng của đồ ăn và chỗ sơ sài của lễ mà so sánh với nhau, thì những lấy đồ ăn làm trọng chứ gì? Nếu lấy chỗ quan trọng của sắc đẹp và chỗ sơ sài của lễ mà so sánh với nhau, thì những lấy sắc đẹp làm trọng chứ gì?

“Hãy đi đáp lại rằng: ‘Vặn tay anh mà chiếm lấy đồ ăn, thì được ăn; không vặn, thì không được ăn; liệu ông sẽ vặn chăng? Trèo qua tường nhà phía đông mà giành lấy con gái nhà người, thì được vợ; không giành lấy, thì không được vợ; liệu ông sẽ giành lấy chăng?’”

BÌNH GIẢI:

Ốc Lư Tử là học trò của Mạnh Tử. Một người nước Nhâm xem ra có ý dùng thuật ngụy biện đưa Ốc Lư Tử vào ngõ bí. Người ấy biết rõ các đệ tử của Nho giáo luôn luôn trọng lễ; điều gì trái lễ không làm. Người ấy đem đồ ăn và sắc đẹp để so sánh với lễ, xem bên nào trọng hơn. Dĩ nhiên, Ốc Lư Tử, đệ tử của Nho giáo, phải trả lời là: Lễ trọng hơn đồ ăn và sắc đẹp.

Biết đã mắc bẫy, người nước Nhâm đưa Ốc Lư Tử vào thế kẹt: chẳng lẽ giữ lễ để chịu chết đói? Chẳng lẽ giữ lễ để không lấy được vợ?

Ốc Lư Tử đành chịu, không trả lời được. Không lẽ đáp lại: bỏ lễ để được ăn; bỏ lễ để được vợ. Nếu thế, còn gì là đệ tử của Nho giáo nữa?

Thế là Ốc Lư Tử phải đến nhờ thầy Mạnh Tử gỡ thế bí.

Mạnh Tử đã phân tích và giải thích, đại ý rằng: muốn so sánh hai thứ gì với nhau thì phải so sánh trong tình trạng bình thường và tương xứng. Nếu không như vậy, người ta có thể lấy một khúc gỗ vuông ngắn một tấc, rồi tìm cách đôn lên cao hơn cái nhà lầu, để đi đến kết luận: khúc gỗ vuông một tấc cao hơn cái nhà lầu, được chăng? So sánh như thế là chỉ lưu ý tới phần trên ngọn, mà bỏ quên phần dưới gốc. Hoặc căn cứ vào một thực tế ai cũng biết là kim khí nặng hơn lông chim, rồi đem so sánh một khoen kim khí nhỏ với một cái xe tải lông chim và bảo rằng cái khoen kim khí nặng hơn cái xe lông chim, được chăng?

Trở lại với vấn đề do người nước Nhâm đặt ra. Trường hợp người ấy đưa ra là trường hợp bất thường. Giả như khi ta gần chết đói, thì đồ ăn phải quan trọng hơn những lễ phép sơ sài (lễ chi khinh) như: hỏi han, xin phép.

Ví dụ, khi ta đói lả mà đi qua một vườn dưa hấu, không có chủ tại vườn. Chẳng lẽ ta phải đi tìm nửa ngày cho ra chủ vườn để xin phép (giữ lễ); nếu không thấy chủ, ta đành chịu chết đói sao?

Giá như khi ta và một người con gái nào đó gặp nhau và yêu nhau trên đường đi lánh nạn, thì sắc đẹp phải quan trọng hơn những lễ phép sơ sài như: đem trầu cau đến hỏi cha mẹ cô gái, và tổ chức lễ cưới. Trong tình thế khẩn trương lúc bấy giờ, hai người phải dắt nhau lập tức chạy khỏi bãi chiến trường sắp xảy ra, bom đạn đang ùa tới, tìm đến một nơi an bình thật xa để sống chung với nhau. Chẳng lẽ ta phải lặn lội trong lửa đạn tìm về nhà cha mẹ cô gái xin hỏi cưới theo lễ nghĩa hay sao?

Các thánh hiền xưa đã phân biệt ra hai trường hợp “kinh” và “quyền” để giúp người ta xử trí.

Lúc bình thường thì phải “chấp kinh”, nghĩa là phải giữ lễ theo những lời dạy của đạo lý cổ truyền. Trong tình huống biến động, khẩn cấp, thì phải “tòng quyền”, nghĩa là tự mình linh động mà xử lý mọi việc, miễn là không trái lẽ phải.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng lời Kim Trọng để đưa ra đạo lý này:

“Có khi biến có khi thường,

Có quyền, nào phải một đường chấp kinh.”

Sau khi phân tích và giải thích xong, Mạnh Tử bảo Ốc Lư Tử trở lại đáp lời cho người nước Nhâm: ông có chịu vặn tay anh (bỏ lễ) để chiếm lấy đồ ăn không, hay là phải nhường anh? Ông có dám trèo tường sang nhà phía đông (bỏ lễ) để giành lấy con gái nhà người làm vợ không, hay là chấp nhận sống độc thân, chờ cơ hội tốt đẹp hơn?

Đành rằng có lẽ “tòng quyền” đó, nhưng nhiều khi vì danh dự và lòng tự trọng, có người cũng khó lòng bỏ qua “kinh”, gạt lễ để “tòng quyền” mà không cảm thấy xấu hổ.

2. Tào Giao hỏi rằng: “Người ta đều có thể làm vua Nghiêu, vua Thuấn, có phải chăng?”

Mạnh Tử nói: “Phải.”

“Giao này nghe nói vua Văn Vương cao mười thước (khoảng 2m), vua Thang cao chín thước (khoảng 1m80). Nay, Giao này cao chín thước bốn tấc (khoảng 1m88). Chỉ biết ăn cơm. Sao có thể làm được như các vị ấy?”

Đáp: “Nào có can chi đến điều ấy? Cũng do việc làm mà thôi. Có người, sức không thể nhấc một con gà nhỏ, coi như người chẳng có tí sức nào. Nay người ấy nhấc được trăm quân (khoảng 3000 cân Tàu), coi như người có sức mạnh. Vậy, người ấy làm được cái việc của Ô Hoạch, đó là cũng trở thành Ô Hoạch mà thôi.

“Này, người ta há lo không nhấc nổi chăng? Không chịu làm đấy thôi.

“Người đi chầm chậm sau bậc trên, được gọi là có nết đễ. Người đi vội vàng vượt trước bậc trên, gọi là không có nết đễ. Này, đi chầm chậm, há người ta không thể làm được chăng? Tại không làm đấy thôi. Đạo của vua Nghiêu, vua Thuấn là hiếu đễ mà thôi.

“Ông mặc y phục của vua Nghiêu, nói năng những lời lẽ của vua Nghiêu, thi hành những hành vi của vua Nghiêu, thế là vua Nghiêu vậy. Ông mặc y phục của vua Kiệt, nói năng những lời lẽ của vua Kiệt, thi hành những hành vi của vua Kiệt, thế là vua Kiệt vậy.”

Đáp: “Giao này xin yết kiến vua nước Trâu, có thể mượn tạm quán trọ, nguyện ở lại đây để thụ nghiệp ở cửa nhà thầy.”

Mạnh Tử nói: “Này, đạo cũng như con đường rộng lớn. Há khó biết hay sao? Lo rằng người ta không tìm thôi. Ông hãy về mà tìm; có nhiều thầy lắm.”

BÌNH GIẢI:

Em vua nước Tào là Tào Giao, có việc sang nước Trâu, đến yết kiến Mạnh Tử. Sau khi được biết ai cũng có thể trở nên các bậc thánh nhân như vua Nghiêu, vua Thuấn, Tào Giao nêu thắc mắc: ông có thân thể cao lớn xấp xỉ như vua Văn Vương, vua Thành Thang; thế mà Văn Vương, Thành Thang là những thánh nhân đứng sau Nghiêu Thuấn; tại sao ông chỉ là người biết ăn cơm (có thể bị coi là kẻ ăn hại xã hội); vậy bí quyết nào để trở nên như các vị thánh nhân ấy?

Mạnh Tử cho biết kích thước cao thấp, lớn nhỏ của một con người không quan hệ tới đức độ và tài năng. Người ta có thể trở thành lực sĩ là do tập luyện. Giả như, có người ban đầu sức lực yếu đuối, nhưng chịu khó tập luyện, có thể trở nên lực sĩ như Ô Hoạch, một lực sĩ tiếng tăm thời cổ.

Tương tự như vậy, người ta có thể trở thành thánh nhân do chịu khó thực hiện các hành vi đạo đức. Ví dụ, người biết nhường bước các bậc trên, chầm chậm đi sau là có nết đễ; người vội vàng vượt trước người trên là thiếu nết đễ.

Việc đi chậm theo sau là việc rất dễ làm. Lấy đó làm căn bản, người ta có thể tập luyện các đức hạnh khác. Đạo lý của Nghiêu, Thuấn khởi đầu cũng chỉ là hiếu thảo với cha mẹ và nhường nhịn các bậc trên.

Nếu người ta ăn mặc thô sơ, tiết kiệm như vua Nghiêu, nói năng ôn tồn, nhã nhặn, khiêm tốn như vua Nghiêu, thi hành những điều ích quốc lợi dân như vua Nghiêu, tức là người ta trở thành vua Nghiêu. Nếu người ta ăn mặc tơ gấm lụa là, xa xỉ như vua Kiệt, nói năng thô lỗ, cộc cằn như vua Kiệt, thi hành chính sách bạo ngược như vua Kiệt, tức là người ta trở thành vua Kiệt.

Tâm đắc những lời dạy của Mạnh Tử, Tào Giao có ý định xin vua nước Trâu cho trọ một thời gian để học tập với thầy Mạnh Tử.

Mạnh Tử cho Tào Giao biết rằng đạo lý là con đường thênh thang tự cổ chí kim, dành chung cho mọi người, không lệ thuộc vào không gian nào; ở đâu cũng có cả và rất dễ hiểu biết. Chỉ tại người ta không chịu tìm đạo. Nếu người nào thiết tha tìm đạo thì có thể học tập ở đâu cũng được. Ở đâu cũng có thầy, có những tấm gương nhân đức để cho mình bắt chước.

3. Công Tôn Sửu hỏi rằng: “Ông Cao Tử nói: ‘Bài Tiểu bàn là bài thơ của kẻ tiểu nhân.’”

Mạnh Tử nói: “Sao lại nói vậy?”

Đáp: “Có ý oán trách.”

Mạnh Tử nói: “Cố chấp thay, sự lý giải Kinh Thi của ông già họ Cao! Giả như có người ở đây, thấy người nước Việt giương cung định bắn người, thì ta vừa nói cười vừa khuyên can; chẳng có gì khác, chỉ vì sự xa lạ giữa ta với người ấy. Còn anh mình giương cung định bắn người ấy, thì ta sa nước mắt khóc mà can ngan; chẳng có gì khác, chỉ vì tình thân thích giữa ta với anh. Sự oán trách trong bài Tiểu Bàn là do tình thân yêu cha mẹ. Thân yêu cha mẹ là lòng nhân vậy. Cố chấp biết bao sự lý giải Kinh Thi của ông già họ Cao.”

Hỏi: “Tại sao bài Khải phong không có ý oán trách?”

Đáp: “Bài Khải phong, lỗi của cha mẹ nhỏ. Bài Tiểu bàn, lỗi của cha mẹ lớn. Cha mẹ có lỗi lớn mà chẳng oán trách, đó là mình coi như xa cách cha mẹ. Cha mẹ có lỗi nhỏ mà oán trách, đó là mình không thể dằn lòng nổi. Coi như xa cách hơn là bất hiếu; không thể dằn lòng cũng là bất hiếu.

“Khổng Tử nói: ‘Vua Thuấn thật chí hiếu vậy. Năm mươi tuổi mà hãy còn thương mến cha mẹ.’”

BÌNH GIẢI:

Cao Tử là người nước Tề. Tiểu bàn là một bài trong Kinh Thi, thuộc thiên Tiểu Nhã; trong đó, thái tử Nghi Cữu tỏ ý oán trách cha là Chu U Vương đã nghe lời sàm nịnh, phế bỏ Thân hoàng hậu và thái tử Nghi Cữu. Việc này có quan hệ tới vận mệnh đất nước.

Bài Tiểu bàn gồm 8 đoạn, mỗi đoạn có 8 câu. Sau đây là đoạn tiêu biểu (đoạn thứ 7):

“Lời sàm vua đã tin rồi,

Như vừa trao rượu, vua thời uống ngay.

Vua không tưởng đến thân này,

Chẳng thèm xem xét dối ngay thế nào.

Đốn cây kê ngọn lên cao,

Củi thì theo thớ bửa vào tách ra.

Kẻ kia có tội vua tha,

Lại thêm trọng tội vào ta thế này.”

(Trích theo Tạ Quang Phát: Kinh Thi II, trang 264, NXB Văn học 2004)

Căn cứ vào ý tứ trong bài, Cao Tử đã cho rằng người sáng tác bài thơ đó là kẻ tiểu nhân vì có ý oán trách vua cha; Cao Tử quan niệm oán trách cha là tội bất hiếu.

Công Tôn Sửu thuật lại cho Mạnh Tử nghe để xem ý kiến của thầy mình thế nào.

Mạnh Tử thẳng thắn phê bình Cao Tử là người cố chấp và lý giải Kinh Thi theo kiểu đó là sai. Ông cho rằng sự oán trách trong bài Tiểu bàn là do tình thân yêu với cha, muốn sửa sai cho cha mình. Chu U Vương đã có chánh cung hoàng hậu là người nước Thân và có thái tử là Nghi Cữu. Nay U Vương nghe lời Bao Tự phế bỏ chánh cung hoàng hậu và thái tử; đó là lỗi lớn, làm nguy hại tới vận mệnh đất nước. Sự oán trách phát khởi từ tình thân yêu cha là lòng nhân; con thân yêu cha, biết sửa sai cho cha là người con hiếu. Nếu không biết can ngăn, sửa sai cho cha tức là coi cha xa lạ như người dưng nước lã.

Mạnh Tử nêu ví dụ: giả như khi thấy người nước Việt giương cung định bắn một người nào đó, ta còn biết dùng lời lẽ nhã nhặn (nói cười) mà can ngăn. Nếu thấy anh mình bắn người, ta lại càng phải cố sức (khóc lóc) mà can ngăn hơn. Cố sức can ngăn điều trái là biểu lộ tình thân thích ruột thịt. Nay cha mình làm điều sai trái, mà mình chẳng can ngăn sao?

Công Tôn Sửu lại hỏi Mạnh Tử về ý tứ trong bài thơ Khải phong. Khải phong là bài Kinh Thi trong thiên Bội phong, thuộc phần Quốc phong. Bài này gồm có 4 đoạn, mỗi đoạn có 4 câu. Sau đây là đoạn tiêu biểu (đoạn thứ nhất):

Gió nam từ phương nam thổi tới,

Lòng khóm gai phơi phới thổi qua.

Ngọn gai tươi tốt nõn nà,

Riêng lòng mẹ chịu xót xa nhọc nhằn.”

(Trích theo Tạ Quang Phát, Kinh Thi I, trang 139, NXB Văn học 2004)

Nội dung bài Khải phong là lời người con than thở vì không khéo thờ mẹ để mẹ định tái giá. Trong bài này không có ý oán trách mẹ.

Mạnh Tử giải thích rằng trong bài Khải phong, mẹ định đi tái giá chỉ là lỗi nhỏ. Mẹ có lỗi nhỏ, mà ta oán trách, đó là ta không dằn được nỗi lòng tức giận. Cha mẹ có lỗi lớn mà không oán trách, coi cha mẹ xa lạ hơn người dưng, đó là bất hiếu. Cha mẹ có lỗi nhỏ mà không dằn lòng chịu đựng, cũng là bất hiếu nốt.

Như thế, đạo hiếu cần phải được quan niệm đúng đắn, hợp lý, hợp tình, chứ không phải cố chấp một chiều như Cao Tử.

4. Tống Hình sắp đến nước Sở. Mạnh Tử gặp ở Thạch Khâu, nói: “Tiên sinh sắp đi đâu?”

Đáp: “Tôi nghe hai nước Tần, Sở sắp giao chiến. Tôi định yết kiến Sở Vương, thuyết phục ông bãi binh. Nếu Sở Vương chẳng chịu, tôi sẽ yết kiến Tần Vương, thuyết phục ông bãi binh. Trong hai vua, tôi cho rằng có người đồng ý với tôi.”

Mạnh Tử nói: “Kha này, xin không hỏi tường tận, mong được nghe ý chính thôi. Thuyết phục họ, sẽ như thế nào?”

Đáp: “Tôi sẽ nói về những điều bất lợi.”

Mạnh Tử nói: “Chí hướng của tiên sinh lớn thật; nhưng lý chứng của tiên sinh thì không thể được. Tiên sinh lấy lợi thuyết phục các vua Tần, Sở. Các vua Tần Sở vui lòng vì lợi, bèn bãi các sư đoàn trong ba quân. Thế là các tướng sĩ trong ba quân vui vẻ được bãi binh, lại vui mừng vì lợi. Người làm bề tôi ôm mối lợi để phụng sự vua. Người làm con ôm mối lợi để phụng sự cha. Người làm em ôm mối lợi để phụng sự anh. Thế là vua tôi, cha con, anh em, cuối cùng bỏ nhân nghĩa, ôm mối lợi để cùng giao tiếp với nhau. Vậy mà không bị diệt vong, thì chưa từng có.

“Nếu tiên sinh lấy nhân nghĩa thuyết phục các vua Tần, Sở. Các vua Tần Sở vui lòng trong nhân nghĩa mà dẹp bỏ các sư đoàn trong ba quân. Thế là các tướng sĩ trong ba quân vui vẻ được bãi binh, mà vui lòng trong nhân nghĩa. Người làm bề tôi nâng niu nhân nghĩa để phụng sự vua. Người làm con nâng niu nhân nghĩa để phụng sự cha. Người làm em nâng niu nhân nghĩa để phụng sự anh. Thế là vua tôi, cha con, anh em bỏ lợi, nâng niu nhân nghĩa để cùng giao tiếp với nhau. Vậy mà không thịnh vượng, thì chưa từng có vậy. Sao phải nói đến lợi?”

BÌNH GIẢI:

Tống Hình, người nước Tống, là một nhà thuyết khách có tiếng vào thời Chiến Quốc mà sách Nam hoa kinh của Trang Tử có nhắc đến. Trong cuộc gặp gỡ tại đất Thạch Khâu, Tống Hình cho Mạnh Tử biết ông sẽ vạch ra những điều bất lợi cho Tần Vương và Sở Vương nghe, nhằm đạt tới cuộc bãi binh giữa hai nước Tần, Sở.

Đem những điều bất lợi ra nói, có nghĩa là gián tiếp nói đến những điều lợi theo sau. Đây là một đề tài mà hầu hết các tay biện thuyết thời Xuân Thu, Chiến Quốc đem ra nói. Không những thế, những nhà ngoại giao con thoi xuất sắc giữa các nước trong thời đại nguyên tử ngày nay cũng thường đem ra trình bày.

Giao binh sẽ xảy ra nhiều điều bất lợi như: hao tổn sinh mạng, hao hụt ngân sách và tài nguyên, kinh tế đình đốn, thất nghiệp gia tăng, con số nạn nhân chiến tranh bao gồm: con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, người già không chỗ nương tựa, sẽ tạo nên gánh nặng cho nhà nước; ngoài ra, trong nước còn có thể xảy ra nội loạn… Hậu quả của một cuộc chiến tranh có thể kéo dài dai dẳng trong mấy chục năm, trải qua mấy thế hệ.

Nêu những điều bất lợi ra, dĩ nhiên sẽ khiến cho các vua và tướng sĩ hai bên nghĩ đến nhiều điều lợi. Các tướng sĩ, quân lính nghĩ đến lương bổng. Các người làm bề tôi phụng sự vua để kiếm bổng lộc. Những kẻ làm con phụng sự cha để mong kế thừa điền sản, gia tài. Những kẻ làm em phụng sự anh cũng mong được trả công. Thế là, từ trên chí dưới, cả nước đều kiếm lợi; đó là sẽ xảy ra những cuộc tranh lợi. Có những cuộc tranh lợi thì sẽ có những người bị thiệt thòi. Như thế làm sao đất nước không bị diệt vong.

Mạnh Tử là nhà hiền triết. Ông đã thấy trước và thấy xa những tai họa do điều lợi gây ra. Do đó, ông đã đề nghị Tống Hình hãy lấy nhân nghĩa mà khuyên các vua Tần, Sở.

Đối với những người thường, nói đến nhân nghĩa là nói đến những điều vu khoát, không thiết thực. Tuy nhiên, nhân nghĩa đem đến những kết quả to tát không thể lường được. Các tướng sĩ, binh lính, vua quan, cha con, anh em, vợ chồng mà tha thiết với nhân nghĩa thì đất nước không bị rạn nứt; mọi người nhất trí một lòng, không có một kẽ hở nào để cho quân thù có thể ly gián. Mọi người đoàn kết phục vụ nhau thì quốc gia ắt hưng thịnh, không có việc gì làm không nên; đất nước ổn định thái bình, nhân dân hạnh phúc. Nhân nghĩa là thi hành những điều tốt đẹp cho nhau, khoan dung độ lượng với nhau. Nhân nghĩa chính là một chất keo quý để gắn chặt mọi người trong nước với nhau, là sinh lực của một xã hội.

5. Mạnh Tử ở nước Trâu. Quý Nhâm xử lý thay vua Nhâm giữ nước, đem lụa trao tặng. Mạnh Tử nhận mà không đáp tạ. Khi ở đất Bình Lục, Trừ Tử làm Tể tướng, đem lụa trao tặng. Mạnh Tử nhận mà không đáp tạ.

Ngày khác, từ nước Trâu đến nước Nhâm, Mạnh Tử thăm Quý Tử. Từ Bình Lục đến nước Tề, Mạnh Tử không thăm Trừ Tử. Ốc Lư Tử mừng rỡ, nói: “Kết hợp lại nhận được kẽ hở.”

Bèn hỏi rằng: “Thầy đến nước Nhâm thăm Quý Tử; đến nước Tề, không thăm Trừ Tử. Vì ông ta chỉ làm Tể tướng thôi chăng?”

Đáp: “Chẳng phải. Kinh Thư nói rằng: ‘Dâng tiến phải có nhiều nghi tiết; nghi tiết không theo kịp vật dâng, coi như chẳng dâng tiến; riêng chẳng đem tâm chí vào việc dâng tiến.’ Vì ông ta chẳng thành thật dâng tiến vậy.”

Ốc Lư Tử vừa lòng. Có người hỏi về việc ấy. Ốc Lư Tử nói: “Quý Tử không đến được nước Trâu. Trừ Tử thì đến được Bình Lục.”

BÌNH GIẢI:

Quý Nhâm là em vua nước Nhâm, xử lý thay vua Nhâm trông coi việc nước trong thời gian vua Nhâm đi dự hội nghị ở nước Trâu. Nhân đó, Quý Nhâm sai gia nhân đem lụa trao tặng Mạnh Tử. Khi Mạnh Tử đến đất Bình Lục là đất của nước Tề, quan Tể Tướng nước Tề là Trừ Tử cũng sai gia nhân đem lụa trao tặng Mạnh Tử. Cả hai trường hợp, Mạnh Tử đều thu nhận tặng vật mà không đáp lễ cảm tạ.

Sau này, có dịp đi từ nước Trâu đến nước Nhâm, Mạnh Tử mới đến thăm Quý Tử để cám ơn. Nhưng từ Bình Lục đến kinh đô nước Tề, Mạnh Tử không đến thăm Trừ Tử.

Ốc Lư Tử mừng rỡ trong lòng vì đã nhận ra chỗ sơ hở trong cách cư xử của Mạnh Tử về hai trường hợp trên; ông muốn nhân dịp này trách lỗi thầy.

Trong lời chất vấn, Ốc Lư Tử cho rằng sở dĩ thầy đến thăm Quý Tử vì Quý Tử có danh vị là ông vua (xử lý thay vua Nhâm); còn thầy không đến thăm Trừ Tử vì coi nhẹ ông này có danh vị thấp, chỉ làm Tể Tướng mà thôi.

Mạnh Tử trích dẫn Kinh Thư để thanh minh: Lấy việc dâng tiến thần linh làm ví dụ. Dâng tiến cho thần thì phải có đủ lễ tiết. Nếu phẩm vật nhiều, mà lễ tiết thiếu, thì coi như chẳng dâng tiến, bởi vì người dâng chẳng đem hết lòng kính trọng. Tương tự như vậy, Trừ Tử ở nước Tề, đất Bình Lục là đất nước Tề; thế mà Trừ Tử chẳng chịu dời chân đến thăm Mạnh Tử, chỉ sai gia nhân đem tặng vật tới; đó là Trừ Tử không thành thật quý trọng Mạnh Tử. Do đó, sau này có dịp vào kinh đô nước Tề, Mạnh Tử không đến đáp lễ Trừ Tử.

Còn Quý Tử vì phải thay vua Nhâm xử lý việc nước, không thể bỏ nước Nhâm đến nước Trâu thăm Mạnh Tử được. Vì thế, Mạnh Tử không thể trách Quý Tử thiếu thành khẩn. Do đó, sau này có dịp đến nước Nhâm, Mạnh Tử phải đến đáp lễ Quý Tử.

Qua chuyện này, chúng ta thấy người xưa quả là kỹ lưỡng, rạch ròi biết bao trong việc giao tế!

6. Thuần Vu Khôn nói: “Kẻ nào đưa danh dự sự nghiệp ra trước, đó là kẻ vì người đời; kẻ nào đặt danh dự sự nghiệp ở sau, đó là kẻ vì chính mình. Thầy ở trong địa vị ba quan khanh, danh dự sự nghiệp chưa làm ích cho người trên kẻ dưới mà đã bỏ đi. Bậc nhân mà cố chấp như thế chăng?”

Mạnh Tử nói: “Ở địa vị thấp, chẳng đem tài đức phụng sự người vô đạo, đó là ông Bá Di. Năm lần đến với vua Thang, năm lần đến với vua Kiệt, đó là ông Y Doãn. Không ghét vua ô trọc, không chối từ chức quan nhỏ, đó là ông Liễu Hạ Huệ. Ba ông ấy không cùng đường lối, nhưng hướng đến một điểm. Một điểm đó là gì vậy? Thưa rằng đức nhân. Người quân tử nhắm đến đức nhân mà thôi. Đâu cần phải giống nhau?”

Thuần Vu Khôn nói: “Vào thời vua Lỗ Mục Công, Công Nghi Tử phụ trách chính sự; Tử Liễu, Tử Tư làm bầy tôi. Nước Lỗ bị tước đoạt (đất đai) càng nhiều. Như thế thì, người hiền thật là vô ích cho nước.”

Đáp: “Nước Ngu không dùng Bách Lý Hề, nên bị mất. Vua Tần Mục Công dùng ông, nên nghiệp Bá. Không dùng bậc tài đức thì mất nước, bị tước đoạt đất thôi ư?”

Thuần Vu Khôn nói: “Xưa kia, Vương Báo ở bên sông Kỳ mà dân Hà Tây khéo hát. Miên Câu ở Cao Đường mà dân Tề phía hữu khéo xướng ca. Các bà vợ của Hoa Châu, Kỷ Lương khéo khóc chồng mà thay đổi được phong tục trong nước. Có ở bên trong, ắt hiện hình ra ngoài. Làm nên sự nghiệp mà không có công sức, Khôn này chưa từng thấy. Vậy nên, (ngày nay) chẳng có bậc hiền nào cả. Nếu có, thì Khôn này ắt biết.

Mạnh Tử nói: “Khổng Tử làm quan Tư Khấu ở nước Lỗ, không được trọng dụng. Sau một cuộc tế, thịt tế không được đưa đến, ngài không cởi mũ mà ra đi. Người không biết cho rằng ngài hành động như thế vì phần thịt. Người hiểu biết cho rằng ngài hành động như thế vì thấy vua vô lễ. Hóa ra Khổng Tử muốn ra đi vì lỗi nhỏ của vua, không muốn ra đi một cách cẩu thả. Người quân tử hành động cố nhiên người đời chẳng biết được.”

BÌNH GIẢI:

Thuần Vu Khôn là một biện sĩ nước Tề, hay dùng thuật ngụy biện để đưa ra quan điểm của mình. Trong chương Ly Lâu thượng, ông đã dùng thuật đó để khích bác Mạnh Tử. Qua những lời lẽ trong đoạn này, hẳn là Thuần Vu Khôn không thuộc phái Nho gia.

Mở lời chất vấn Mạnh Tử, Thuần Vu Khôn nêu ra tiền đề: kẻ trọng danh dự sự nghiệp hay nói khác đi, cố gắng xây dựng danh dự sự nghiệp, kẻ đó hành động phục vụ mọi người; kẻ không để ý hoặc không chịu xây dựng danh dự sự nghiệp, kẻ đó chỉ vì chính mình.

Thế rồi, ông chỉ trích thẳng vào Mạnh Tử. Trong thời gian làm khách khanh nước Tề, Mạnh Tử chẳng chịu xây dựng danh dự sự nghiệp, chẳng ra sức đem lợi ích cho vua Tề và chẳng giúp dân Tề được điều gì, đã vội vàng bỏ đi. Bậc nhân có thể cố chấp trong quan điểm của mình, hành động như thế được chăng?

Mạnh Tử nêu ra ba nhân vật danh tiếng thời xưa để gián tiếp biện minh cho mình: bậc nhân hành động không giống nhau. Bá Di chẳng chịu đem tài đức giúp vua vô đạo. Y Doãn sẵn sàng hợp tác cả với vua tốt (như vua Thang) lẫn vua xấu (như vua Kiệt), miễn là có cơ hội thực hiện đức nhân. Liễu Hạ Huệ không ghét vua xấu, không chê chức nhỏ, cố tình ra tay giúp đỡ dân chúng. Ba ông ấy hành động khác nhau nhưng cùng thể hiện đức nhân. Bá Di thì tiêu cực; Y Doãn, Liễu Hạ Huệ thì tích cực.

Nhắc tới ba bậc hiền thuở xưa để gián tiếp nói đến lập trường của mình: Mạnh Tử không xây dựng danh dự sự nghiệp giúp vua Tề vì vua Tề không chịu theo nhân nghĩa để xây dựng nghiệp vương, không đặt hạnh phúc của dân chúng lên trên, chỉ thích dùng vũ lực để tranh ngôi Bá chủ.

Thấy Mạnh Tử phản biện được, Thuần Vu Khôn quay sang chỉ trích các hiền nhân thời trước: Công Nghi Tử, Tử Liễu, Tử Tư là những danh sĩ nổi tiếng, giúp đỡ Lỗ Mục Công; thế mà nước Lỗ bị tước đoạt đất đai càng nhiều. Như thế, các bậc hiền chẳng có ích gì cho nước.

Đáp trả, Mạnh Tử nêu ra trường hợp Bách Lý Hề, một hiền nhân nước Ngu thời Xuân Thu. Vua Ngu có Bách Lý Hề, nhưng không dùng, nên bị mất nước. Tần Mục Công biết nghe lời Bách Lý Hề mà trở nên Bá chủ.

Thuần Vu Khôn lái câu chuyện sang hướng khác: Vương Báo có tài hát hay; ở bên sông Kỳ đã khiến cho dân Hà Tây cũng khéo hát. Miên Câu giỏi xướng ca, ở đất Cao Đường, đã khiến cho dân Tề phía hữu cũng giỏi xướng ca. Các bà vợ của hai viên tướng Tề là Hoa Châu, Kỷ Lương đã khéo khóc chồng đến nỗi biến đổi được phong tục nước Tề. Do đó mới biết người có tài ắt gây được sự nghiệp đối với đất nước. Không có sự nghiệp ắt chẳng có tài. Vì thế, Thuần Vu Khôn cho rằng đương thời chẳng có bậc hiền tài nào cả, bởi vì chẳng có sự nghiệp nào được xây dựng. Lập luận như thế, Thuần Vu Khôn ám chỉ Mạnh Tử cũng là kẻ bất tài vô đức, chẳng xứng danh hiền nhân.

Mạnh Tử đã nhắc lại trường hợp của Khổng Tử để biện minh cho mình. Ngày xưa, Khổng Tử làm quan tư khấu phụ trách việc hình pháp kiêm Nhiếp Tướng sự, nhưng chẳng được vua Lỗ hoàn toàn trọng dụng. Vua Lỗ nghe lời Quý Tôn Tư, thâu nhận gái đẹp, ngựa quý của nước Tề. Khổng Tử can ngăn không được, định bỏ đi ngay, nhưng sợ vua Lỗ bị mang tiếng xấu. Ngài bèn đợi đến lúc vua Lỗ mắc một lỗi nhỏ, mới lấy cớ mà ra đi. Quả nhiên, sau khi có cuộc tế cúng tại đền miếu, vua Lỗ quên phần thịt tế gửi đến biếu; Khổng Tử biết cơ hội đã đến, bèn vội vã bỏ triều đình ra đi không kịp cởi mũ. Kẻ không biết, cho rằng ngài giận vì không được phần thịt. Người hiểu biết cho rằng ngài ra đi vì vua Lỗ vô lễ. Thực chất thì vua Lỗ đã say mê gái đẹp và ngựa quý của nước Tề, không để ý đến chính sự nữa. Như thế, người quân tử tùy thời mà hành động cho hợp đạo lý, người đời khó lường được.

7. Mạnh Tử nói: “Năm vị bá chủ là tội nhân của ba đời Vương. Các vua chư hầu ngày nay là tội nhân của năm vị bá chủ. Các quan đại phu ngày nay là tội nhân của các vua chư hầu đương thời.

“Thiên tử đi đến các chư hầu gọi là tuần thú. Các vua chư hầu vào chầu Thiên tử gọi là thuật chức. Mùa Xuân đi coi xét việc cày cấy để thêm cho những ai không đủ; mùa Thu đi coi xét việc thu hoạch để giúp cho những ai không đủ dùng. Vào bờ cõi nào, thấy đất đai mở mang, ruộng đồng sửa sang, người già được nuôi nấng, người hiền được tôn trọng, người tài giỏi có chức vị, thì khen thưởng; khen thưởng bằng cách lấy đất thêm cho. Vào bờ cõi nào, thấy đất đai mọc đầy cỏ rậm, người già bị bỏ rơi, người hiền bị truất phế, bọn bóp nặn dân được ở chức vị, thì quở trách. Lần đầu không vào chầu thì giáng chức; lần thứ hai không vào chầu thì tước đoạt đất đai; lần thứ ba không vào chầu thì đem sáu sư đoàn đánh đuổi. Vậy nên Thiên tử giết bỏ mà chẳng chiếm đất; các vua chư hầu thì chiếm đất mà không giết bỏ. Năm vị bá chủ thì lôi kéo các chư hầu để chiếm đoạt các chư hầu. Cho nên nói rằng: ‘Năm vị bá chủ là tội nhân của ba đời vương.’

“Trong năm vị bá chủ, có Hoàn Công cường thịnh. Cuộc hội chư hầu tại đất Quì Khâu có để một bản văn trên con vật hy tế bị trói mà không uống máu (ăn thề).

“Mệnh lệnh thứ nhất là: ‘Giết kẻ bất hiếu; không thay đổi thế tử; không lấy hầu thiếp làm vợ chính.’

“Mệnh lệnh thứ hai là: ‘Tôn trọng bậc hiền, nuôi nấng người tài, làm rạng rỡ người có đức hạnh.’

“Mệnh lệnh thứ ba là: ‘Kính trọng người già; nhân từ với trẻ nhỏ; không bỏ quên các lữ khách.’

“Mệnh lệnh thứ tư là: ‘Không được làm quan, người có dòng dõi xa; việc quan không được kiêm nhiệm; chọn người làm quan có thực tài; không tự chuyên giết đại phu.’

“Mệnh lệnh thứ năm là: ‘Không đắp đê cong queo (lấn đất nước bạn); không ngăn cấm (nước bạn) mua thóc lúa; không phong tặng cho ai mà không báo cáo.’

“Lại nói rằng: ‘Chúng ta là những đồng minh, đã thề về sau, ngôn ngữ phải hướng về hoà hảo.’

“Ngày nay các vua chư hầu đều vi phạm năm điều cấm đó. Cho nên nói rằng: ‘Các vua chư hầu ngày nay là tội nhân của năm vị bá chủ.’

“Làm lớn thêm điều ác của vua là tội nhỏ; đón rước điều xấu của vua là tội lớn. Các quan đại phu ngày nay đều đón rước điều xấu của vua. Cho nên nói rằng: ‘Các quan đại phu ngày nay là tội nhân của các vua chư hầu đương thời.’”

BÌNH GIẢI:

Năm vị bá chủ thời Xuân Thu là: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Công, Tần Mục Công, Tống Tương Công. Ba đời Vương là ba vị Thiên tử: vua Vũ mở đầu nhà Hạ, vua Thành Thang mở đầu nhà Thương, vua Văn Vương mở đầu nhà Chu.

Mạnh Tử cho rằng năm vị bá chủ là tội nhân của ba đời Vương, có nghĩa là họ không theo được đường lối cai trị vương đạo. Chẳng những không theo được, họ còn làm trái đạo lý của các đời Vương, cho nên mới bị coi là kẻ có tội.

Ngày xưa, khi mới mở đầu một triều đại, các vị vương ấy đều là những thánh vương, đưa ra chính sách cai trị lấy nhân nghĩa làm trọng, cốt đem lại thái bình hạnh phúc cho toàn dân thiên hạ. Các ngài phong tước và chia đất cho các nhân vật có công với đất nước, thành lập chế độ phong kiến (phong tước, kiến địa). Tất cả gồm có 5 tước từ cao xuống thấp: công, hầu, bá, tử, nam. Các nhân vật được phong tước và chia đất trở thành các vua chư hầu, chịu sự điều khiển của Thiên tử, y như các tỉnh chịu sự chi phối của chính quyền trung ương ngày nay vậy. Thời ấy, so với chế độ bộ lạc, chế độ phong kiến đã là tình trạng văn minh tiến bộ lắm rồi.

Bấy giờ có lệ, cứ 12 năm một lần, Thiên tử đi tuần thú các nước chư hầu để xét xem công việc cai trị có tốt đẹp không. Lại có lệ, cứ 6 năm một lần, vua chư hầu phải vào chầu Thiên tử, tường thuật về tình hình cai trị trong phần đất đã được trao cho mình (thuật chức).

Vào mùa xuân, Thiên tử đi xem xét việc cày cấy của dân, thấy ai thiếu thóc giống thì ban thêm cho đủ. Vào mùa thu, Thiên tử đi xem xét việc thu hoạch của dân, thấy ai thiếu thốn lương thực thì ban thêm cho ăn. Thiên tử vào bờ cõi một nước chư hầu nào, thấy kinh tế phát triển, người già được chính quyền chăm sóc tử tế, người hiền đức được tôn trọng, những người tài giỏi có chức vị tùy theo khả năng, Thiên tử sẽ khen thưởng bằng cách thêm đất cho vua chư hầu ấy. Tới nước nào, Thiên tử thấy đất đai rậm cỏ, không được khai khẩn, ruộng vườn không được trồng trọt hẳn hoi, người già bị bỏ rơi khốn khổ, người hiền không được trọng dụng, bọn quan lại tham nhũng, phường nịnh hót đầy rẫy trong guồng máy cai trị, ngài quở trách vị vua chư hầu ấy.

Tới kỳ hạn mà vua chư hầu không dám vào triều tâu trình tức là đã cai trị dở; lần đầu thì bị giáng chức; lần sau bị tước đoạt bớt đất đai; lần thứ ba, Thiên tử sẽ sai đại binh đi chinh phạt, giết bỏ vua chư hầu ấy, thay người khác vào ghế cai trị. Thiên tử chỉ giết bỏ vua chư hầu tàn ác với dân mà không chiếm đất (thảo mà không phạt).

Về sau, đến thời Xuân Thu, các vị bá chủ không còn theo chính sách nhân nghĩa của ba đời Vương nữa; họ lôi kéo các chư hầu về cùng phe cánh với mình và chiếm đoạt đất đai của các chư hầu yếu hơn để mở rộng biên cương. Vì thế, đối với đường lối nhân đạo của ba đời Vương, năm vị bá chủ là những kẻ có tội.

Trong năm vị bá chủ kể trên, Tề Hoàn Công là vị bá chủ cường thịnh nhất. Nhờ chính sách khôn khéo của Tướng quốc Quản Trọng, Tề Hoàn Công đã mời gọi được đa số các chư hầu thời ấy hội họp tại Quì Khâu, cùng nhau thề trung thành với Thiên tử nhà Chu và tuân hành 5 mệnh lệnh của nhà Chu đưa ra. Đó là:

Những kẻ bất hiếu với cha mẹ bị tru diệt; thế tử của chính thê đã được đặt thì không thay đổi; không được lấy hầu thiếp thay chính thê làm chính cung hoàng hậu. Những điều này được chấp hành để tạo sự ổn định trong triều đình.

Nhà nước tôn trọng bậc hiền, có chính sách nuôi nấng người tài, nêu cao danh tiếng của người đức hạnh. Những điều này cốt đề cao các bậc hiền tài đạo đức, tạo cơ hội cho họ phục vụ dân chúng.

Kính già, yêu trẻ, tiếp đãi tử tế những lữ khách từ các lân quốc tới. Những điều này nêu tính nhân đạo của nền cai trị, tạo nên bầu khí an vui trong dân và trong khắp thiên hạ.

Con cháu xa của những nhà thế tộc, của những quan lớn, nếu bất tài không được giữ quan chức, dành chỗ cho những người dân có tài đức tiến lên; việc quan không được kiêm nhiệm để tránh bao biện, đình đốn; vua không được giết các đại phu mà không qua xét xử công minh. Những điều này cốt xây dựng một guồng máy cai trị lành mạnh.

Không được lấy việc đắp đê (cong queo) để cố tình lấn chiếm bờ cõi của lân quốc; khi lân quốc mất mùa, không được ngăn cấm bán lúa, để cứu đói cho dân lân quốc; không phong tặng chức tước đất đai cho ai mà không báo cáo lên Thiên tử. Những điều này cốt để giữ cho thiên hạ được thái bình, ổn định.

Tề Hoàn Công đưa ra bản minh ước này ở Quì Khâu làm mẫu mực cho các bản minh ước về sau của bốn bá chủ tiếp theo. Những điều khoản đó thể hiện tính nhân đạo của nền chính trị thời phong kiến lúc bấy giờ. Nhưng đa số các vua chư hầu về sau đều vi phạm những mệnh lệnh trong bản minh ước đó. Vì thế, Mạnh Tử mới nói rằng: Các vua chư hầu ngày nay là kẻ có tội đối với năm vị bá chủ.

Từ thời Xuân Thu sang thời Chiến Quốc, các vua chư hầu sa đọa, tàn ác, một phần lớn cũng là do các quan đại phu bày vẽ, xúi giục, dẫn đường chỉ lối. Mạnh Tử cho rằng vua đã làm điều ác, mà các quan làm cho các điều ác ấy lớn rộng thêm, mới là tội nhỏ. Còn những quan đại phu đón rước điều xấu của vua, dẫn dụ vua làm điều xấu xa tàn nhẫn, mới là tội lớn. Các quan đại phu thời bấy giờ toàn là bọn “vẽ đường cho hươu chạy”, xúi giục, tạo điều kiện cho vua làm điều xấu để thủ lợi cả. Vì thế, các quan đại phu chính là những kẻ có tội đối với các vua chư hầu đương thời.

8. Vua Lỗ muốn sai Thận Tử làm tướng quân. Mạnh Tử nói: “Không dạy bảo dân mà đem dùng, gọi là hại dân. Kẻ làm hại dân, ở đời vua Nghiêu, vua Thuấn chẳng dung thứ. Một trận đánh mà thắng nước Tề, bèn có được đất Nam Dương, hẳn nhiên chẳng nên đánh.”

Thận Tử bỗng nhiên không vừa lòng, nói: “Điều đó thì Hoạt Ly này chẳng hiểu nổi.”

Mạnh Tử nói: “Tôi trình bày cho ông rõ. Đất đai của Thiên tử, vuông một nghìn dặm. Không có một nghìn dặm, không đủ tiếp đãi các vua chư hầu. Đất đai của vua chư hầu, vuông một trăm dặm. Không có một trăm dặm, không đủ giữ sổ sách tông miếu.

“Chu Công được phong ở đất Lỗ, một trăm dặm vuông. Đất không phải không đủ, nhưng được tiết chế trong vòng một trăm dặm. Thái Công được phong ở đất Tề, cũng một trăm dặm vuông. Đất không phải không đủ, nhưng được tiết chế trong vòng một trăm dặm.

“Nay, đất Lỗ, vuông gấp năm lần trăm dặm. Ông cho rằng (giá như) có một bậc vương ra đời, thì đất Lỗ bị giảm đi hay được tăng lên? Những lấy của người nọ mà cho người kia, hẳn nhiên bậc nhân chẳng làm; huống hồ giết người để lấy đất ư?

“Người quân tử phụng sự vua, cốt chăm hướng dẫn vua mình đi trong đạo lý, để chí vào điều nhân mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Vua Lỗ muốn sai Thận Hoạt Ly làm tướng đem quân đánh nước Tề để cướp đất Nam Dương. Mạnh Tử cho rằng không dạy dân điều nhân nghĩa, cũng không dạy dân kỹ thuật chiến đấu, mà xua dân ra trận, đó là làm hại dân.

Vào đời các vua Nghiêu, vua Thuấn ngày xưa, kẻ làm hại dân như vậy sẽ bị trừng phạt. Giả như chỉ cần đánh một trận mà chiếm được đất Nam Dương của nước Tề, cũng chẳng nên đánh.

Dĩ nhiên, Thận Hoạt Ly chẳng vừa lòng về quan điểm đó.

Mạnh Tử giải thích: Ngày xưa, khi mới ổn định thiên hạ, Thiên tử nhà Chu giữ một khu vực gồm một nghìn dặm vuông đất, cốt để có tài vật mà chiêu đãi, trọng thưởng cho các vua chư hầu mỗi khi họ về triều bái. Thiên tử lại cắt đất phong cho mỗi vua chư hầu một trăm dặm vuông đất, cốt để cho họ có tài vật mà cúng tế tổ tiên tại tông miếu.

Chu Công là em vua Chu Vũ Vương, có công sắp đặt việc cai trị, chỉ được phong cho đất Lỗ, một trăm dặm vuông. Các vua Lỗ sau này là con cháu của Chu Công.

Thái Công, tức là Khương Tử Nha, có công cầm quân giúp Vũ Vương diệt vua Trụ, được phong cho đất Tề, cũng chỉ có một trăm dặm vuông. Các vua Tề sau này là con cháu của Thái Công.

Đất đai không phải không đủ để cho hơn, nhưng qui định của triều đình được tiết chế như thế cốt để tạo sự quân bình trong thiên hạ.

Đến thời Chiến Quốc bấy giờ, sau trên 700 năm, đất Lỗ đã tăng lên 500 dặm vuông; như thế là quá mức qui định rồi. Giả như có một vị Vương tương tự như Văn Vương, Vũ Vương thống nhất thiên hạ, ắt vị ấy phải sắp đặt lại, có lẽ vị ấy phải tước bớt đất đai của nước Lỗ mới phải. Bởi vì, sở dĩ đất đai nước Lỗ rộng lớn thêm ra như thế, hẳn là do các vua Lỗ đã lấn đất của các lân quốc trong nhiều trăm năm qua. Nếu vua chư hầu nào cũng lấn đất như vậy thì thiên hạ đại loạn. Trên thực tế, thiên hạ đại loạn thật; những cuộc lấn đất đã diễn ra trong thời Xuân Thu, Chiến Quốc, khiến cho hơn một trăm nước chư hầu vào thời Vũ Vương, đến cuối thời Chiến Quốc, chỉ còn lại bảy nước; nước Lỗ cũng là nạn nhân của những cuộc xâm lấn đó.

Bậc nhân cai trị chỉ muốn hiếu hoà, chẳng chịu lấy đất của người này trao cho người kia, huống hồ đem quân đi cướp đất nước người?

Lẽ ra khi vua Lỗ có ý đồ chiếm đất, thì Thận Hoạt Ly phải can vua, hướng dẫn vua đi trong đạo lý, để chí vào điều nhân, tôn trọng đất nước người, mới xứng đáng là người quân tử.

Qua đoạn này, chúng ta thấy Mạnh Tử là một hiền triết theo chủ nghĩa hoà bình, tôn trọng quyền lợi của nước người cũng như quyền lợi của nước mình, không chủ trương xâm lấn, chiếm đoạt theo quan điểm của chủ nghĩa bá quyền.

9. Mạnh Tử nói: “Người đời nay phụng sự vua, nói rằng: ‘Ta có thể vì vua mở mang đất đai, chất đầy kho tàng.’ Ngày nay, những người đó được gọi là bề tôi tốt; ngày xưa, họ được gọi là giặc của dân. Vua không hướng về đạo lý, không để chí vào điều nhân, mà chỉ tìm giàu có, đó là làm giàu[theo kiểu] vua Kiệt vậy.

“‘Ta có thể vì vua giao ước cùng nước khác, hễ đánh ắt được.’ Ngày nay, những người đó được gọi là bề tôi tốt; ngày xưa họ được gọi là giặc của dân. Vua không hướng về đạo lý, không để chí vào điều nhân, mà chỉ tìm việc chiến đấu mạnh mẽ, đó là giúp cho [kẻ giống như] vua Kiệt vậy. Noi theo đường lối ngày nay, không biến cải được thói tục ngày nay, tuy có trao thiên hạ cho thì không thể cai trị được một buổi sáng!”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Chiến Quốc mà Mạnh Tử đang sống, vua chư hầu nào cũng mơ ước mở mang bờ cõi bằng cách tiêu diệt các chư hầu khác và lấy của cải trong các nước ấy về chất đầy kho tàng của mình. Cho nên bề tôi nào có khả năng giúp vua làm được công việc ấy, hay có khả năng giao ước với vài chư hầu khác, tạo nên một liên minh mạnh để có thể đánh đâu thắng đấy, thì được gọi là bề tôi tốt. Tuy nhiên, Mạnh Tử cho rằng vào thời xưa, thời của các thánh vương (Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn), những bề tôi ấy bị gọi là giặc của dân. Giặc của dân là những kẻ làm hại dân, cướp đoạt tài sản và sinh mệnh của dân. Họ không được các thánh vương dung thứ. Lý do là họ đã bắt dân đóng thuế nặng để sung vào quĩ chiến tranh, họ đã biến dân thành bọn lính xâm lược tàn nhẫn để rồi bỏ xác nơi chiến địa.

Nếu ông vua nào không hướng về đạo lý, không để chí vào điều nhân, chỉ tìm giàu sang, mà bề tôi còn giúp ông ta làm giàu, coi như người ấy đã làm giàu cho bạo chúa. Bề tôi nào giúp ông ta chiến thắng, coi như người ấy giúp cho ác vương (như vua Kiệt). Ông vua nào hướng về đạo lý, để chí vào điều nhân thì phải sống kiệm ước, phải giúp dân được yên vui sinh hoạt trong một đất nước ổn định thái bình. Mạnh Tử tiên đoán rằng những tên giặc của dân đó là những kẻ theo đuôi thời đại, không có tài năng biến cải được các thói tục xấu của thời đại; giả như có trao cả thiên hạ cho họ cai trị, họ cũng không giữ yên nổi đất nước trong một buổi sáng!

10. Bạch Khuê nói: “Tôi muốn lấy (thuế) một phần hai mươi, như thế thì sao?”

Mạnh Tử nói: “Đường lối của ông là đường lối của rợ Mạch. Trong một nước có mười ngàn nhà, có một người làm đồ gốm, có thể được chăng?”

Đáp: “Không được; khí cụ chẳng đủ dùng.”

Mạnh Tử nói: “Này, ở xứ rợ Mạch, năm giống lúa không sinh, chỉ có lúa mùa sinh thôi. Không có thành quách, cung thất, và các lễ nghi tế tự ở tông miếu. Không có lụa là, tiệc tùng đãi các chư hầu. Không có trăm quan và các viên chức. Cho nên lấy (thuế) một phần hai mươi là đủ.

“Nay sống ở Trung quốc, nếu bỏ nhân luân, không có giới chức cai trị, như thế có thể được chăng? Đồ gốm sản xuất ít, vả lại không thể lập thành quốc gia, huống hồ không có giới chức cai trị? Muốn lấy nhẹ (thuế) hơn đường lối của Nghiêu Thuấn, đó là trở nên rợ Mạch nhỏ so với rợ Mạch lớn thôi. Muốn lấy nặng (thuế) hơn đường lối của Nghiêu Thuấn, đó là trở nên tên Kiệt nhỏ so với tên Kiệt lớn thôi.”

BÌNH GIẢI:

Bạch Khuê, người nước Châu, tên là Đan, muốn trở thành một nhà cải cách về thuế khóa để bớt gánh nặng cho dân. Ông hỏi Mạnh Tử xem, nếu lấy thuế một phần hai mươi hoa lợi hằng năm của dân, hậu quả sẽ như thế nào.

Mạnh Tử cho biết đó là đường lối của rợ Mạch ở phương Bắc. Ông nêu ví dụ: giả như trong nước có mười ngàn nhà, mà chỉ có một thợ sản xuất đồ gốm thôi, liệu có đủ cho cả nước dùng không? Dĩ nhiên là không.

Rợ Mạch là một giống dân du mục, sống trôi nổi nay đây mai đó trên hoang mạc, thảo nguyên, cư ngụ trong những lều trại. Họ không thể trồng được ngũ cốc (đạo, lương, thúc, mạch, tắc) trên hoang mạc, vì khí hậu không thích hợp; chỉ trồng được loại lúa mùa ngắn hạn mà thôi. Vì sống lang thang nên cũng không có thành quách, cung điện và các lễ nghi tế tự ở tông miếu như dân định cư Trung quốc. Do đó, họ không cần những phẩm vật như lụa là để tặng các vua chư hầu, không cần tiệc tùng để thết đãi các vua chư hầu. Họ cũng không thiết lập triều đình và tổ chức một hệ thống chính quyền cai trị phức tạp gồm trăm quan và các viên chức cấp dưới. Đối với một tù trưởng bộ lạc du mục, lấy thuế một phần hai mươi hoa lợi của dân là đủ dùng.

Đối với nếp sống định cư của người Trung quốc, nếu bỏ các dạng thức luân lý làm người (nhân luân), bỏ hệ thống quan chức cai trị, liệu có thích hợp không? Nếu sản xuất đồ gốm ít hay sản xuất các dụng cụ khác ít, người ta không thể tổ chức xã hội thành quốc gia được, huống hồ lại không có giới chức cai trị thì xã hội định cư ổn định sao được? Phép lấy thuế một phần mười hoa lợi là đường lối của Nghiêu Thuấn đã được thiết lập từ ngàn xưa. Phép này đáp ứng tương đối đầy đủ cho sự tổ chức một xã hội định cư. Nếu lấy thuế nhẹ hơn mức đó, hẳn là xã hội Trung quốc sẽ biến thành xã hội du mục như rợ Mạch. Nếu lấy thuế nặng hơn mức đó của Nghiêu Thuấn, khiến dân phải cực nhọc lầm than, thì nhà cầm quyền sẽ trở thành tên Kiệt nhỏ (bạo chúa đàn em) so với tên Kiệt lớn (bạo chúa đàn anh) ngày xưa, tức là trở nên bạo quyền tàn nhẫn, ức hiếp dân chúng. Ức hiếp dân chúng lâu ngày, đất nước sẽ đại loạn vì những cuộc nổi dậy khắp nơi, và cuộc cách mạng ắt sẽ diễn ra, lật đổ bạo quyền áp bức.

11. Bạch Khuê nói: “Đan này sửa trị nước còn hơn ông Vũ.”

Mạnh Tử nói: “Lầm mất rồi. Ông Vũ sửa trị nước, theo đường lối của nước. Vậy nên ông Vũ lấy bốn biển làm chỗ chứa. Nay ông lấy nước láng giềng làm chỗ chứa. Nước chảy ngược gọi là nước chảy tràn. Nước chảy tràn là nước lụt. Người có nhân đều ghét nước lụt. Ông lầm mất rồi.”

BÌNH GIẢI:

Ông Vũ là bề tôi giỏi giang của vua Thuấn, lại tận tụy trong việc bổn phận. Bấy giờ, khoảng trên 2000 năm trước Công nguyên, Trung quốc chưa được mở mang. Ao, hồ, đầm lầy, sông ngòi bị ách tắc; nơi thì ngập úng, nơi thì lụt lội, nơi thì khô cạn; đất đai không trồng trọt được. Vua Thuấn cử ông Vũ đi sửa trị nước để rút nước khỏi chỗ úng, đưa nước vào chỗ khô cạn. Ông Vũ đã nương theo tính nước chảy từ cao xuống thấp, đào kênh mương, dẫn nước vào các biển hay hồ lớn. Do đó, nơi úng thì hết nước chua, nơi khô thì có nước ngọt; dân chúng mới cày cấy trồng trọt được. Vì có tài và có công như vậy, sau này ông Vũ mới được vua Thuấn truyền ngôi cho, mở ra triều đại nhà Hạ.

Ngày nay, Bạch Khuê sửa trị nước, lại theo lối đắp đê cản trở, đưa nước ra khỏi đất mình cho chảy vào các nước láng giềng, không biết thuận theo tính nước. Nước không được chảy thuận, xảy ra nạn tràn bờ, làm thành lụt lội, gây hại cho các nước láng giềng. Người có nhân sao có thể làm như vậy? Thế mà Bạch Khuê còn tự hào rằng mình sửa trị nước giỏi hơn ông Vũ, chẳng là lầm quá lắm sao?

12. Mạnh Tử nói: “Người quân tử mà chẳng sáng suốt, mới cố chấp làm sao!”

BÌNH GIẢI:

Lượng nghĩa là sáng suốt. Sáng suốt là phẩm tính của người thành thật, tự tin, hiểu mình, hiểu người, hiểu thấu sự lý trong đời. Do sáng suốt, thấu tỏ ngọn ngành, thành khẩn, người quân tử mới biết xét người, xét việc tới tận cội nguồn và sẵn sàng bao dung, tha thứ mỗi khi gặp người, gặp việc bất toàn. Nếu không sáng suốt, người ta rất dễ bám chắc vào một thành kiến cũ kỹ (cố chấp), rất dễ bảo thủ những điều sai lầm, lệch lạc, không hợp thời của mình.

Làm một người quân tử, nhất là ở cương vị lãnh đạo, cai trị, cần phải sáng suốt cho lắm, mới tránh được sự cố chấp, bảo thủ, hại cho lợi ích chung. Có giải trừ được sự cố chấp, bảo thủ, người ta mới dễ hoà đồng với mọi người, mới được lòng người. Muốn được sáng suốt, người ta cần phải luôn luôn xét lại mình và học hỏi không ngừng nghỉ. Xét lại mình và học hỏi không ngừng để tránh cố chấp, tránh tự cao tự đại, kiêu căng mới chính là những phẩm tính đích thực của người quân tử. Từ đó, người quân tử mới gây được niềm tin nơi mọi người.

13. Vua Lỗ muốn khiến Nhạc Chính Tử nắm việc chính trị. Mạnh Tử nói: “Ta nghe điều ấy, mừng mà chẳng ngủ.”

Công Tôn Sửu nói: “Nhạc Chính Tử mạnh mẽ chăng?”

Đáp: “Không.”

“Có trí mưu chăng?”

Đáp: “Không.”

“Nghe biết nhiều chăng?”

Đáp: “Không.”

“Vậy sao đến nỗi mừng mà chẳng ngủ?” Đáp: “Anh ta là người thích điều thiện.” “Thích điều thiện đủ chăng?”

Đáp: “Thích điều thiện thừa sức trị thiên hạ, huống hồ nước Lỗ? Này, nếu thích điều thiện thì mọi người trong bốn biển đều sẽ coi nhẹ nghìn dặm mà đến bảo cho điều thiện.

“Này, nếu chẳng thích điều thiện, người ta sẽ nói: ‘Dương dương tự đắc, ta đây đã biết rồi.’ Tiếng nói, nhan sắc của kẻ dương dương tự đắc chống lại những người ở ngoài nghìn dặm. Những người học thức dừng ở ngoài nghìn dặm thì bọn gièm pha nịnh hót, phường bợ đỡ trước mặt sẽ kéo đến. Cùng sống chung với bọn gièm pha nịnh hót, với phường bợ đỡ trước mặt mà nước muốn được an trị, liệu có được chăng?”

BÌNH GIẢI:

Nhạc Chính Tử có lẽ là môn đệ xuất sắc nhất của Mạnh Tử. Ưu điểm của ông ta là tính hiếu thiện. Mạnh Tử cho rằng có tính hiếu thiện thì thừa sức cai trị thiên hạ. Vì thế, nghe tin vua Lỗ muốn trao quốc chính cho Nhạc Chính Tử, Mạnh Tử mừng đến mất ngủ. Tuy nhiên, việc ấy chắc không thành; nếu thành, nước Lỗ đã chẳng mất tăm vào cuối thời Chiến Quốc. Hoặc có trao quốc chính cho, mà vua Lỗ không hết lòng tín nhiệm, thì Nhạc Chính Tử cũng bất lực như trường hợp Khổng Tử vào thời Xuân Thu mà thôi!

Mạnh Tử vẫn tin rằng tính thiện là bản tính ban sơ của con người; ai cũng có tính ấy tiềm tại trong lòng. Vì vậy, người nào thực sự đi trong đường thiện, tính thiện sẽ có cơ hội phát huy như men dậy trong bột, sẽ có khả năng thu hút mọi người để tạo nên một khối đoàn kết, sẽ có khả năng cải hóa được những kẻ xấu. Do đó, nhà cầm quyền có tính hiếu thiện sẽ khiến cho mọi người trong thiên hạ đều ngưỡng vọng, không kể đường xa nghìn dặm mà tìm tới để góp ý, mách bảo hoặc chịu sự sai khiến. Người thích điều thiện thì khiêm nhường, cho nên được mọi người quý mến, có thể lôi kéo mọi người về với mình như chỗ trũng thấp có sức thu hút các sông suối hội tụ lại.

Trái lại, người bất thiện thì hay dương dương tự đắc; tính kiêu căng, ngạo mạn, tự cao tự đại của người ấy nổi lên như một gò đống, khiến cho kẻ sĩ, những người thành tâm thiện chí phải xa lánh. Kẻ sĩ đã xa lánh thì bọn người nịnh hót, bợ đỡ, phường giá áo túi cơm phỉnh gạt sẽ ùa tới kiếm lợi. Thế là đất nước phải suy vong.

14. Trần Tử nói: “Người quân tử ngày xưa như thế nào thì làm quan?” Mạnh Tử nói: “Trường hợp ra có ba, trường hợp bỏ có ba.

“Lấy lễ mà đón hết mức cung kính, lời nói thực hành lời nói của mình, thì ra làm quan. Nếu lễ phép bề ngoài chưa suy kém, nhưng lời nói chẳng được thực hành, thì bỏ đi.

“Trường hợp thứ hai, tuy chưa thực hành lời nói của mình, nhưng lấy lễ mà đón hết mức cung kính, thì ra làm quan. Khi lễ phép bề ngoài suy kém, thì bỏ đi.

“Trường hợp cuối, buổi sáng không ăn, buổi chiều không ăn, người quân tử đói lả không ra được khỏi cửa ngõ. Vua nghe thấy vậy, nói rằng: ‘Ta cho là lớn quá, không có khả năng thi hành đạo của ông ấy, lại không có khả năng theo lời nói của ông ấy, nhưng để cho ông ấy đói lả ở đất đai của ta, ta hổ thẹn.’ Nếu trợ giúp cho thì cũng nên nhận. Thoát khỏi chết mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Chiến Quốc, những người có học đua nhau cầu cạnh hoặc nhờ người khác tiến cử để ra làm quan. Đó là dấu hiệu của thời đạo lý suy mạt. Một môn đệ của Mạnh Tử là Trần Trăn đã hỏi thầy về người quân tử thời xưa, với điều kiện nào thì ra làm quan. Trong trí của Trần Trăn, thời xưa chỉ giai đoạn lịch sử trước Xuân Thu, Chiến Quốc, phẩm giá và lòng tự trọng của kẻ sĩ được đề cao.

Mạnh Tử nêu ra ba trường hợp về người quân tử thời xưa có thể ra làm quan và bỏ quan.

Trường hợp thứ nhất:

Nếu vua lấy lễ đối đãi với mình hết mức cung kính, coi mình như bậc thầy, lý thuyết chính trị của mình đưa ra được vua đem thực hành ngay, bấy giờ người quân tử mới ra làm quan. Nếu bề ngoài, vua vẫn cung kính tiếp đãi, nhưng không thực hành lý thuyết của mình, coi mình như bù nhìn trang trí cho chế độ, người quân tử phải bỏ đi cho khỏi nhục.

Trường hợp thứ hai:

Tuy vua chưa thực hành lý thuyết của mình, nhưng đối đãi hết mức cung kính, người quân tử cũng nên ra làm quan; bởi vì hy vọng vua sẽ dần dần tin tưởng mà thực hành lý thuyết của mình. Khi bề ngoài, lễ phép đã lạt lẽo, thờ ơ; đó là dấu hiệu vua không còn tin tưởng vào mình nữa, người quân tử phải từ giã cho nhanh, kẻo mang họa.

Trường hợp cuối cùng:

Khi người quân tử vì thiết tha với đạo lý, không chú trọng vào việc tìm kiếm kế sinh nhai, đến nỗi có lúc thiếu thốn, đói lả. Tuy vua chê lý thuyết của mình, không chịu thực hành, nhưng lại động lòng trắc ẩn mà chu cấp lương thực cho; bấy giờ người quân tử nên tạm nhận sự trợ giúp ấy để khỏi chết đói. Đó là trường hợp chẳng đặng đừng mà thôi.

Như vậy, trong cả ba trường hợp, người quân tử thời xưa cũng không chủ động cầu cạnh một chức quan để kiếm bổng lộc. Trước sau, người quân tử chỉ nhắm vào đạo; gặp cơ hội thuận tiện thì thi hành đạo lý để cứu nước giúp dân; không gặp cơ hội thì sẵn sàng lánh đời để ôm giữ lý tưởng của mình.

15. Mạnh Tử nói: “Ông Thuấn phát khởi ở trong ruộng rẫy; ông Phó Duyệt nổi lên ở gian nhà đất ván; ông Giao Cách nổi lên ở trong chốn cá muối; ông Quản Di Ngô nổi lên ở kẻ học trò; ông Tôn Thúc Ngao nổi lên ở mé biển; ông Bách Lý Hề nổi lên ở chợ búa.

“Cho nên, Trời sắp trao trách nhiệm lớn cho các nhân vật ấy, ắt trước hết làm khổ tâm chí của họ, làm mệt nhọc gân cốt của họ, khiến da thịt họ phải đói lả, khiến thân xác họ phải nghèo túng, gây ra những ngang trái rối loạn trong các hành vi của họ, cốt để phát động cái tâm, nhẫn nhục cái tính, cho tăng thêm những gì họ chưa có khả năng.

“Người ta thường lầm lỗi rồi sau đó mới có thể cải hóa; có khốn khổ trong lòng, có cân nhắc trong toan tính về sau mới làm nên việc; có phô ra ở vẻ mặt, có phát ra ở tiếng nói, về sau mới trình bày được rõ ràng.

“Vào một nước mà không có những nhà biết giữ phép tắc, không có những kẻ sĩ biết phò tá; hướng ra, không có những nước thù địch, không có những mối lo lắng ở bên ngoài; nước ấy thường phải suy vong. Vậy sau đó mới biết sinh tồn do ở ưu hoạn, tử vong do ở an lạc.”

BÌNH GIẢI:

Ông Thuấn sống ở ruộng rẫy bên núi Lịch, được vua Nghiêu mời về, trao quốc chính và nhường ngôi. Ông Phó Duyệt sống nơi nhà đất ở miền Phó Nham, được vua Võ Đinh (1324 – 1266 trước Công nguyên) nhà Thương mời ra giúp nước. Ông Giao Cách làm nghề bán cá, bán muối được vua Chu Văn Vương mời cộng tác. Ông Quản Di Ngô là học trò nghèo nàn, được Tề Hoàn Công rước về, tôn làm Tướng quốc. Ông Tôn Thúc Ngao sống ở mé biển, được Sở Trang Vương mời làm quan lớn. Ông Bách Lý Hề chăn trâu ở nước Sở, sinh hoạt nơi chợ búa, đã về giúp Tần Mục Công dựng nên nghiệp bá.

Mạnh Tử nhận thấy các nhân vật trên hoặc là những thánh hiền tài đức, hoặc là những nhân vật lỗi lạc, giỏi giang. Họ đều là những người ban đầu nghèo khó, khốn khổ, chật vật trong sinh kế, phải lo toan mọi bề; thế mà sau này lập nên sự nghiệp lớn lao, giúp cho dân chúng được an thịnh lâu dài, lưu danh muôn thuở.

Do đó, Mạnh Tử rút ra một kết luận rằng: trước khi Trời trao cho ai trách nhiệm lớn lao, nặng nề, thì Trời đều tạo ra những thử thách khắc nghiệt như: làm khốn khổ tâm chí, làm mệt nhọc gân cốt, làm cho thân xác đói lả vì nghèo túng, gặp những tình cảnh ngang trái rối loạn đau lòng, gặp bất như ý mỗi khi hành động… tạo cho tâm trí được mở mang, tính tình quen chịu nhẫn nhục; từ đó tài năng sáng tạo mới được phát huy.

Qua kinh nghiệm trường đời, Mạnh Tử cũng nhận thấy rằng: người ta có lầm lỗi mới có ăn năn, hối hận và do đó được cải hóa thâm sâu; người ta có chịu đau đớn trong lòng, có phải cân nhắc suy nghĩ mới rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong công việc sau này. Người ta nếu có điều kiện phô bày tình ý ra vẻ mặt, có phát biểu rành rẽ ở ngôn ngữ, sau này mới có thể trình bày cho người khác nghe được rõ ràng.

Như thế, một người trở nên hữu ích cho xã hội cần phải được tôi luyện trong gian khổ cả thân xác lẫn tinh thần; y như vàng ròng chỉ được tinh luyện trong lửa.

Một quốc gia muốn được trường tồn, thịnh vượng, trong nước phải có nhiều thế gia biết phép tắc, phải có nhiều kẻ sĩ hết lòng giúp đỡ nhà cầm quyền. Các thế gia vô phép tắc sẽ khiến cho kẻ sĩ nản lòng, xa lánh; nhà cầm quyền sẽ bị cô lập. Hơn nữa, chính những nước thù địch xung quanh, tạo nên mối lo lắng từ bên ngoài là những cơ hội khiến cho nhà cầm quyền và dân chúng phải đề cao cảnh giác, phải phấn đấu nỗ lực để thăng tiến về mọi mặt. Do đó, đất nước mới không bị suy vong. Nếu không có kẻ thù nào phải đương đầu, không có mối lo lắng nào từ bên ngoài, đất nước lại dễ bị suy vong vì nhà cầm quyền và dân chúng dễ an nhiên tự thị.

Vì vậy, chúng ta mới biết rằng sự sống của một con người hay một quốc gia được trường tồn do phải gặp lo lắng hoạn nạn; và sự tử vong của một con người hay một quốc gia lại kéo đến do được an lạc lâu ngày. Câu “sinh ư ưu hoạn, tử ư an lạc” (sống ở lo lắng, chết ở an vui) trở thành một câu tục ngữ mà những bậc khôn ngoan xưa hay nhắc nhở.

16. Mạnh Tử nói: “Việc giáo dục cũng có nhiều phương cách. Ta chẳng thèm dạy dỗ, đó cũng là dạy dỗ cho rồi vậy.”

BÌNH GIẢI:

Giáo dục có nhiều phương cách; có cách trực tiếp, có cách gián tiếp. Đối với một người quá ngoan cố, quá ươn hèn… đến xin ta dạy dỗ họ; nếu ta nhận thấy họ thiếu thiện chí, ta từ chối không dạy. Chính sự từ chối của ta kích thích họ, khiến họ phải đặt lại vấn đề tự xét mình. Khi họ tự vấn lương tâm xét lại mình để rồi từ đó nảy ra ý hướng biết cải thiện, biết chăm học; đó là ta đã gián tiếp dạy dỗ họ rồi. Như thế ta đã khiến họ tự dạy dỗ họ. Tự mình dạy dỗ mình nhiều khi lại còn có kết quả hơn là được thầy dạy.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x