Trang chủ » Chương 13. Phương pháp tĩnh tọa của Cương Điền

Chương 13. Phương pháp tĩnh tọa của Cương Điền

by Hậu Học Văn
1327 views

NHƯ các bạn đã thấy trước đây, luyện tập Điềm Đạm đến cõi chí cực, chỉ có những phương pháp Thiền Tọa hay Tĩnh Tọa là có hiệu quả hơn hết.

Dưới đây, sưu tập cho các bạn một phương pháp tĩnh tọa rất đắc dụng trong toàn cõi Á Đông (Trung Hoa và Nhật Bổn), để dùng làm tài liệu nghiên cứu. Tuy sơ lược nhưng cũng vừa đủ để thực hành. Bài nầy soạn theo thể tài bản dịch hán văn của Tưởng Duy Kiều, do nhà Thương Vụ xuất bản.

Sự thế của Cương Điền

Phàm muốn nhập môn cách thực hành phương pháp Tĩnh Tọa của Cương Điền, trước nên biết qua sơ lược về sự thế của tiên sinh.

Tiên sinh là một bực đại tu dưỡng nước Nhật, lúc nhỏ vốn hư nhược và nhiều bệnh tật. Cha mẹ lo cho tiên sinh không sống lâu được. Thế mà đến khi tiên sinh lên mười ba, mười bốn tuổi, thân tâm hốt nhiên biến hóa, trí tuệ quang minh, gây cho tiên sinh cái nguyên động lực sau nầy phát minh ra phép tĩnh tọa.

Tiên sinh sưu tập tất cả các phép tu dưỡng về tinh thần của các nước Âu Mỹ, dung hòa với các tinh túy các tôn giáo Á Đông để so sánh nghiên cứu. Đến năm Minh Trị thứ 32 tiên sinh sang tận các nước Âu Mỹ để khảo sát, đến khi trở về nhân cái học thực nghiệm của mình, sáng lập ra phép tĩnh tọa.

Cân nhục tiên sinh phát đạt một cách viên mãn

Trước kia, tiên sinh vốn là người nhỏ thó; khi sang Âu Mỹ, chỉ cân được ba mươi cân là cùng.

Thế mà cách chẳng mấy năm, thân thể tiên sinh phát đạt đến cực điểm: tiên sinh ngồi như gấu, đi như hổ, tay, chân, lưng, bụng, gân cốt nẩy nở đều đặn rất đẹp. Thân thể tiên sinh sở dĩ phát đạt đến thế, không phải vì tiên sinh có luyện tập theo các nhà quyền thuật, mà chính chỉ nhờ theo có một phép tĩnh tọa đó thôi.

Bấy nhiêu, đủ biết cái linh diệu của phép tĩnh tọa ấy to tát như thế nào.

Thể cách hùng vĩ của tiên sinh

Tiên sinh, vì nhờ tĩnh tọa, bao nhiêu tinh lực dồn xuống đơn điền[24], nên đứng rất vững vàng như một cội lão thọ. Tiên sinh đứng, không có cái gì làm cho tiên sinh lay chuyển đặng. Dầu gặp phải những tay quyền thuật cũng không làm sao cho tiên sinh chuyển động hay té ngã. Tiên sinh thường nói: “Nếu tôi ngồi xe, rủi xe lật đổ, cũng không làm sao ngã tôi cho đặng.” Cái công phu ấy cũng do phép tĩnh tọa mà nên vậy.

Cách sinh hoạt đồng hóa với tự nhiên của tiên sinh

Tiên sinh không phải sống theo chủ nghĩa khắc kỷ, cấm dục. Cấm dục, khắc kỷ đều là những phương pháp ức chế cái tiểu ngã. Còn tiên sinh thì lại không đếm xỉa gì đến tiểu ngã, chỉ trọng đại ngã thôi. Tôn chỉ của tiên sinh là bỏ cái tư ngã của mình đi, để đem mình đồng hóa cùng vạn vật. Cái chỗ mà thường nhân cho là vô vị, tiên sinh cho là hứng vị. Chỗ mà thường nhân cho là khổ cực, tiên sinh cho là sung sướng. Chỗ mà thường nhân lo sợ âu sầu, tiên sinh cho là thản nhiên tự thích. Đó là một chỗ bảo: cùng với tự nhiên mà đồng hóa. Lối sinh hoạt ấy, nếu là bực thường nhân mà xen vào, tất sẽ cho là khổ hạnh. Nhưng khổ hạnh là khi nào tâm ý cùng với tự nhiên đối chọi. Ở đây, cách sinh hoạt của tiên sinh không có chỗ nào nghịch lại với tự nhiên cả, mà chính là cùng với tự nhiên đồng hóa.

Tiên sinh không tin có bệnh

Cách sinh hoạt của tiên sinh đồng hóa với tự nhiên cho nên tiên sinh không tin có bệnh.

Bệnh là gì? Là cái kết quả trái với luật tự nhiên nên mới mất cái hạnh phúc viên mãn phát dục đi. Tĩnh tọa là cái phương pháp sinh hoạt thuần theo tự nhiên của tạo hóa. Bởi vậy, người theo phép tĩnh tọa mà sinh hoạt không tin có bệnh.

Tiên sinh không tin có chết

Tiên sinh cũng không tin có chết nữa. Theo sinh lý cái chết không nên gọi là chết, mà phải kêu là “thục” nghĩa là “chín mùi”. Chết, tức là cái cơ phát dục đã đến cõi hoàn toàn.

Hoặc chưa đến chỗ thành thục. Chưa đến thành thục mà chết, cũng như quả cây chưa phát dục hoàn toàn mà rụng, là cái chết không tự nhiên rất thống khổ. Đó là triệu chứng mình chưa tới nhân cách hoàn toàn. Cái chết của người hoàn toàn chỉ là một cái nhân cách đã thành thục đến cực điểm mà thôi. Cái chết ấy bất quá như ta đi ngủ, nào đâu có gì phải đau khổ. Cái khí tượng của tiên sinh bao giờ cũng vẫn tươi tỉnh, là vì cái nhân cách của tiên sinh luôn luôn hoàn toàn đến cùng cực.

Bởi vậy, muốn đạt đến cái mục đích ấy chỉ có phương pháp tĩnh tọa mà thôi.

Nhân cách chân không

Nhân cách chân không, tức là chỗ chí cực của tu dưỡng.

Theo tiên sinh thời cái yếu điểm của tu dưỡng là cốt đạt thành cái tư cách “chân không”.

Tĩnh tọa pháp không phải chỉ để tìm sự khang kiện về vật chất mà thôi, nó còn có một mục đích tối cao tối diệu hơn nữa là tạo cho mỗi người của chúng ta cái nhân cách “chân không”. – Phàm con người trên thế, cái chân hạnh phúc không phải nơi phú quí, cũng không phải nơi quyền thế, danh dự: mà chỉ nơi chỗ phá cái “ngã chấp”[25] của ta đi, cùng vạn vật hòa làm một thể: kẻ thường nhân thì chỉ biết chìm đắm trong vòng danh lợi, lo quanh nghĩ quẩn khiến cho tâm khí mất bình hòa, tinh thần hỗn trược. Thân thể vì đó lần lần kém cả cơ năng, khí huyết vì đó lần lần mất sự điều hòa. Bên trong hỗn loạn, ngoại tà nhân đó mà xâm vào. Phàm các bệnh tật đều do đó mà sinh ra. Nếu trong lòng giữ được sự thản nhiên điềm đạm thì thân thể tất nhiên cường tráng. Bởi vậy mới nói: chỗ chí cực của phép tĩnh tọa là cốt ở sự quên mình, khiến cho lòng được “chân không”. Chân không, là không tin có bệnh, không tin có chết; chân không, là không biết sợ cái gì cả. Đến cái bản ngã của mình mà không thèm đếm tới, thời còn cái gì nữa mà phải sợ. Lòng đã chân không, thời hòa bình tự tại, vật ngoài không còn lay động gì nữa đặng. Cứ theo được như thế mãi, thời sẽ sạch hết tư dục, tâm hồn trong trẻo, thân tâm càng ngày càng tiến lên đến ưu mỹ. Trong lòng hòa bình, thời tinh thần linh mẫn, cơ thể cường tráng, tính cách hoàn toàn.

Dẫu xử vào những cảnh bần cùng, muôn phần cay đắng, ngàn nỗi truân chuyên, mà giữ được tấm lòng hòa bình thì khổ hóa sướng, buồn hóa vui, cũng không có cái gì làm bận đến lòng mình được. Được vậy, cũng nhờ nơi công phu tĩnh tọa.

Bởi thế, những ai đến yết kiến tiên sinh, đều thấy vẻ mặt của tiên sinh bao giờ cũng tươi tỉnh như hoa buổi sáng, hòa nhã như gió mùa xuân.

Cái chân nghĩa của phép tĩnh tọa là không chủ ở sự cầu cạnh, ao ước gì cả. Tĩnh tọa mà còn mong vọng niệm, cầu sự khang kiện, thời không sao đạt đến được cái diệu cảnh của phép tĩnh tọa. Cái hiệu quả của tĩnh tọa thuộc về phương diện tinh thần, đã chẳng những trừ được tà niệm, tuyệt bỏ vọng tưởng, mà lại còn phá được ác tập, nuôi thành đởm lực khiến cho tinh thần bao giờ cũng hoạt bát, điềm đạm dầu gặp phải việc to tát khó khăn đến đâu cũng xem như thường.

Tóm lại, tĩnh tọa chẳng phải chỉ ở có một sự kiện khang mà thôi. Cực chỉ của phép tĩnh tọa, là cốt nuôi thành cái nhân cách “chân không”, tinh thần sáng suốt. Nhân có được cái tinh thần ấy, khí huyết tự nhiên mới điều hòa, thân thể phát dục, đó là cái lẽ đương nhiên có gì lạ. Lấy quả làm nhân, lấy nhân làm quả, là chưa hiểu được tới nguyên lý của phép tĩnh tọa vậy.

Phương pháp tĩnh tọa

Muốn nhập môn phép tĩnh tọa trước hết cần phải biết hai cái yếu nghĩa nầy:

Một là: tư thế ngay chánh.

Hai là: hô hấp điều hòa.

Những điều kiện nầy, trong phép tĩnh tọa, không xem là hai được, vì thiếu một, tĩnh tọa không được hoàn toàn.

a) Bàn về tư thế
Quì hai gối. Hai ngón chân cái để chồng lên. Hai gót chân xòe ra. Ngồi lên bọng chân.
Đầu thẳng. Đôi mắt hơi nhắm. Miệng ngậm cho kín.
Hai tay buông trước gối. Tay mặt nắm lấy tay trái, hai ngón cái để tréo lại.
Xương sống phải cho thật thẳng. Nếu hơi cong cong khòm khòm, là có hại cho sự điều khí.
Bụng, nên ưỡn ra đằng trước.
NÊN NHỚ: – Khi mới tập, ngồi như thế, có hơi khó chịu, có khi tê mỏi. Vậy, duỗi cẳng ra cho bớt mỏi, không sao. Tập lâu sẽ thành thói quen, rồi cũng không tê mỏi nữa.

b) Hô hấp
Khi hút vào, thì phình bụng ra; khi thở ra, thì hót bụng vào.
Thở, hút, phải từ từ. Đừng vội vàng. Cần hơi cho dài, nhưng đừng rán sức.
Thở, hút cốt cho đều đều là quí, đừng quá dùng sức. Phải cho thơ thới. Lâu dần, hô hấp sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng.

Tâm cảnh trong khi tĩnh tọa
Trong lúc tĩnh tọa, đừng lo gì, cũng đừng cầu vật gì.
Chớ cầu hết bệnh, cũng đừng cầu kiện khang; nhứt thiết việc gì cũng không nên tư vọng.
Thậm chí sự vô niệm, cũng không nên cầu. Nếu còn cầu vô niệm, thì ắt không thể nào vô niệm đặng.
(Chính là chỗ mà trước kia, tôi đã nói: phải tập làm mà không mong đến kết quả của việc làm).[26]
Trong lúc tĩnh tọa, đừng cho tai nghe việc gì Tuyệt hẳn với ngoại giới, để cho lòng trống không, tâm phẳng lặng. Khó thật, nhưng không phải không làm đặng.

Sự dao động thân thể trong khi tĩnh tọa
Trong khi tĩnh tọa, lâu ngày sẽ thấy thân thể dao động. Đừng lấy làm lạ, đó là cái động lực phát minh trong thân thể. Cái hiện tượng dao động ấy, tuy bản tánh và cơ thể của mỗi người mỗi khác; đừng lo sợ, hãy để tự nhiên như vậy.

Thân thể dao động, đừng sợ; mà không thấy thân thể dao động, cũng đừng lo. Thấy dao động là tự nhiên, thì không thấy dao động cũng là tự nhiên, không thể cầu mà được. Cố nên “thuần để theo tự nhiên”[27], đừng dụng đến sức người.

Thời gian tĩnh tọa
Mỗi ngày tĩnh tọa một lần. Trước khi ngủ. Buổi sáng mới dậy, hoặc buổi trưa. Bất luận giờ nào khác cũng được.
Mỗi khi tĩnh tọa, nên chịu khó ngồi ba mươi phút là ít hơn hết. Càng ngồi được lâu chừng nào, càng quí chừng nấy.
Phải chuyên tâm hằng ngày, không nên gián đoạn. Một tháng như một ngày; một năm như một tháng. Tĩnh tọa là phẩm cách của con người, nó là tu nghiệp của suốt một đời. Cho nên dầu có tập đã lâu ngày mà chẳng thấy có hiệu quả gì, cũng không nên nóng nảy. Phải kiên tâm mãi không thôi, rồi sau sẽ thấy kết quả.
Kết quả thấy sớm hoặc chậm, ta không nên bận lo đến.

Ta há quên rằng: tĩnh tọa chẳng những vô tưởng, vô niệm, mà lại tuyệt nhiên vô cầu nữa hay sao?

Ta hãy để mặc tự nhiên mà thôi.

Kết luận

Yếu điểm của tĩnh tọa pháp, bao giờ cũng lấy “trong lòng bình hòa” làm yếu điểm. Tâm mà được bình hòa rồi, thì thân ắt nhân đó mà cũng được bình hòa. Cho nên, con người mà còn đau yếu bệnh tật là tại nhân cách của mình chưa lên tới bực ưu mỹ, chưa được hoàn toàn vậy. Không cần cầu nghĩ đến kiện khang mà kiện khang ắt đến. Kiện khang không phải là cái gốc tĩnh tọa, mà là cái ngọn. Gốc vững thì ngọn tốt. “Bổn lập nhi đạo sinh”.

2 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x