Trang chủ » Chương 14. Điềm đạm cách ngôn

Chương 14. Điềm đạm cách ngôn

by Hậu Học Văn
295 views

1. Khí tượng như chim phụng hoàng liệng trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không động được tâm nữa.

2. Nuốt đặng cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người.

3. Thân ở trong muôn loài, tâm ở trên muôn loài.

4. Kẻ sĩ mà còn quyến luyến những sự thuận tiện yên vui cho xác thịt thì tâm lụy, chí hèn, không đáng gọi là kẻ sĩ.

5. Ta có tai, mắt ta nghe, ta trông; ta có tâm tư, ta suy, ta nghĩ; ta đối với người xưa, có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chiu. Ta theo lý, nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.—Lương Khải Siêu

6. Yên vui, thư nhàn là thuốc độc, không nên quyến luyến ham mê.—Tả Truyện

7. Nghe lời chê bai mà giận là làm ngòi cho người gièm pha; nghe câu khen ngợi mà mừng là làm mồi cho người nịnh hót.—Văn Trung Tử

8. Ở đời cái gì thung dung thì còn mà cấp bách thì mất; việc mà thung dung thì có ý vị, người mà thung dung thì thường sống lâu.—Lữ Khôn

9. Tâm không bình, khí không hòa thì nói hay lầm lỗi.—Hứa Hành

10. Điều dưỡng cái khí lúc đang giận; đề phòng câu nói lúc sướng mồm; lưu tâm sự lẫm lúc bối rối; biết dùng đồng tiền sẵn sàng.—Uông Thụ Chi

11. Nói đương sướng hả mà nín ngang được; ý đương hớn hở mà thu hẳn lại được; tức giận, ham mê đương sôi nổi, nồng nàn mà tiêu trừ biến mất được; không phải là người kiên nhẫn thì không tài nào được như thế.—Vương Thủ Nhân

12. Ít sắc dục để nuôi tình, ít ngôn ngữ để nuôi khí, ít tư lự để nuôi thần.—Tuân Sinh Tiên

13. Những cách làm cho sống lâu: Từ, Kiệm, Hòa, Tĩnh, thì Tĩnh là cao siêu hơn hết.—Cổ Ngữ

14. Biết người ta dối mà không thèm nói ra miệng, phải người ta khinh mà không thèm giận ra mặt, như thế thì có ý vị vô cùng và thụ động vô cùng.—Súc Đức Lục

15. Nhịn điều người ta không thể nhịn được, dung điều người ta không thể dung được, chỉ có người kiến thức và độ lượng hơn người mới được như thế.—Trình Di

16. Làm nhà bên đường, gặp ai cũng bàn, thì ba năm không xong.—Tào Bao Truyện

17. Người mà tính khí thất thường, suốt đời không làm nên được việc gì.—Tăng Quốc Phiên

18. Có yên tĩnh mới nẩy ra tinh thần, có tinh thần mới nẩy ra trí lực.—Hồ Lam Đức

19. Mặt trời đứng bóng thì xế, mặt trăng đã tròn thì khuyết: vật gì thịnh lắm thì suy.—Thái Trạch

20. Tâm địa bình tĩnh thì tự nhiên khoan khoái công minh.—Trình Hiệu

21. Phàm việc đã tốt mà cho tốt quá, nhiều khi hay hỏng.—Tạ Tôn Phương

22. Người tri túc không vì lợi mà lụy thân.—Trang Tử

23. Người ta mà nóng nảy, nông nổi, hẹp hòi thì xử việc, việc hay hỏng, tiếp người, người hay giận, mà chính mình cũng phải thiệt thòi.—Lữ Khôn

24. Người đã biết nuôi chí thì không nghĩ đến hình.—Trang Tử

25. Ai mà thân được nhàn rỗi thì chí thường hẹp hòi.—Gia Ngữ

26. Người sinh ở đời, nếu trong lòng không tự đắc thì đi đến đâu mà chẳng khổ; nếu trong lòng thản nhiên thì đi đến đâu mà chẳng sướng.—Mã Tồn

27. Chớ đem vọng tưởng mà làm hại chân tâm; chớ đem khách khí mà làm hại nguyên khí.—Hồ An Quốc

28. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, nếu chẳng để cho thâm tâm yên lặng đặng một lúc, nghĩ cũng đáng thương.

29. Đá đập được mà không làm mất được tính rắn; son mài được, mà không thể làm mất được sắc đỏ.—Lữ Thị Xuân Thu

30. Lửa bốc lên cao, nước chảy xuống thấp, thế mà bao giờ lửa cũng thua nước.

31. Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận?  Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan.

32. Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.—Thích Ca

33. Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không lỡ đâm phải ta; như cơn gió dữ lỡ tạt nhằm ta, ta nghĩ cho cùng thì có gì đáng giận.—Mạnh Tử

34. Than van, khóc lóc khẩn cầu đều là khiếp nhược.—A. de Vigng

35. Kẻ nào biết xem bằng một cặp mắt vô tư, kẻ xấu như người tốt, kẻ thù như người thân, kẻ lạ như người quen, kẻ ấy là người đã vượt thoát kẻ khác rất xa trên con đường đạo đức vậy.—Bhagavad Gita

36. Khi nào ta không còn cảm thấy bị bận mắc trong các sự vật hữu hình, cũng không còn bận mắc trong hành vi hay trong tưởng tượng của dục tình nữa, chừng ấy ta mới gọi là hoàn toàn đặng.—Bhagavad Gita

37. Còn ham muốn một kết quả cho hành vi là còn nô lệ lấy ngoại vật.—Bhagavad Gita

38. Làm mà mong cho Nên, thì tất phải sợ Hư. Chưa nên mà đã lo hư, nên rồi còn phải lo giữ: hành vi ấy là hành vi nô lệ.

39. Làm chủ lấy mình và luôn luôn điềm tĩnh.
Vui buồn, sướng khổ, ấm lạnh, nhục vinh đều xem như nhau;
Biết xem cục đất như hòn vàng, cục đá như hòn ngọc;
Đối với một kẻ thân như người sơ, kẻ nghịch như người bạn;
Không nô lệ một hy vọng hay một dục vọng nào;
Đối với vạn vật đều xem như một.—Bhagavad Gita

40. Những điều không thể tránh khỏi, đừng để cho nó bận lòng mình.

41. Một thân thể không đau, một tâm hồn không ghẻ lở: chân hạnh phúc của con người chỉ có bấy nhiêu thôi.—Epicure

42. Được thì tự cao, mất thì điên đảo, đó là tâm hồn của đứa tiểu nhân.—Gnomol

43. Điều chỉnh đời mình theo thiên nhiên thời không bao giờ nghèo; điều chỉnh đời mình theo dư luận của con người, thời không bao giờ giàu.—Sénèque

44. Lúc cần phải trở lại với tâm hồn mình, là lúc bị áp bách phải chen lộn với quần chúng.[28]—Sénèque

45. Tự túc, là đã được một thứ của quí vô giá: tự do.—Epicure

46. Tìm được sự yên ổn về phần vật chất đâu có ích gì, nếu khi nghĩ đến cái chết, cái khoảng mênh mông vô tận của trời đất mà trong lòng hãy còn run sợ?—Epicure

47. Kẻ thấy nghèo không sợ, thấy khổ không nao là người không ai khiếp-phục được.—Epicure

48. Không có cái gì làm cho vừa lòng được cái người đã có đủ mà cứ tưởng cho mình còn thiếu thốn mãi.—Epicure

49. Hễ muốn, tất sẽ được.—Voltaire

50. Với một tấm lòng can đảm, không có gì gọi là khó cả.—Jacques Coeur

51. Nản lòng thối chí, không còn gì đáng sợ hơn nữa: đó là sinh lực đến thời tàn tạ.—Sénèque

52. Kẻ nhẫn nại quí hơn người dũng sĩ: kẻ làm chủ được tâm hồn mình hơn kẻ thâu thành cướp lũy.—A. Kempis

53. Nước chảy đá mòn.—Franklin

54. Giá trị thật của con người ở nơi nhân cách, không phải ở nơi của cải.—Blackie

55. Hay nóng giận, nản lòng là triệu chứng của một tâm hồn yếu đuối.—Plutarque

56. Bị người nhục mà giận, là đem cái lỗi của người mà hành hạ báo thù mình.—Swift

57. Mỗi khi Socrate thấy trong lòng chao động sự nóng giận muốn khởi lên, ông liền thay đổi sắc cho tươi cười, giọng nói êm dịu, nhờ đó ông được tâm hồn luôn luôn bình thản.—Plutarque

58. Kẻ bị sỉ nhục, dùng sỉ nhục để báo thù, có khác gì người sỉ nhục họ kia không? Chẳng qua là những kẻ cùng làm quấy như nhau, nhưng chỉ kẻ trước người sau mà thôi vậy.—Tertullien

59. Thóa mạ là những lý lẽ của bọn lầm lỗi.—J. J. Rousseau

60. Mình bị phải sự bất công của một kẻ dữ: hãy tha thứ cho nó đi, để cho mình với nó khỏi làm hai đứa dữ.—Saint Augustin

61. Ít nói, không phải là nói ít, mà là đừng nói những điều vô ích.—Francois Salle

62. Biết làm thinh quí hơn biết nói.—Ambroise

63. Lắm khi lời nói ra, như mũi gươm ngược lưỡi đâm mình.—Plutarque

64. Những điều chưa nói, mình làm chủ nó; nói ra rồi, mình là tớ nó.—Imitation de J. C.

65. Tạo hóa sanh ra con người có hai lỗ tai và một lỗ miệng, là để cho ta tập nghe nhiều hơn nói.[29]—Nabi Effendi

66. Phải dùng lời như dùng vàng bạc vậy.—Joubert

67. Người quân tử chỉ có cúi đầu trước lương tâm của mình thôi: nhưng lương tâm ấy, trên thế gian nầy, không ai làm chủ nó được.—Wagner

68. Tự do không bao giờ đi chung với yếu đuối.—Vauvenargues

69. Một chiếc ghe trên con sông, có thể hoặc tự để trôi theo dòng nước; hoặc chèo ngược, bơi ngang, tùy ý.
Con người, đối với sức lôi cuốn của sự vật cũng một thế. Tự Do ở nơi đó và chỉ có bao nhiêu đó mà thôi.—Thiers

70. Không được tự do, mà tưởng mình đã được tự do, không có nô lệ nào đau đớn bằng.—Goethe

71. Không tự do, đời chỉ là một guồng máy thôi.—Lacordaire

72. Không nên có cái gì dư.—Solon

73. Không bao giờ nâng cao tâm hồn được, nếu không lo giải thoát nó.—Socrate

74. Tâm hồn, như con chim, càng lên cao chừng nào, càng khoan khoái chừng nấy.—V. Hugo

75. Nếu gọi giàu, kẻ không thiếu thốn gì cả, thì người giàu nhất chỉ có người quân tử thôi.[30]—La Bruyère

76. Không có cách nào báo thù những kẻ làm ác với mình hay bằng cách nầy: đừng giống họ.—Marc-Aurèle

77. Biết yêu kẻ đã xúc phạm mình, đó là hạnh phúc của người quân tử.
Muốn được vậy, phải biết nghĩ rằng: Những kẻ ấy là họ hàng thân thích mình; – Những kẻ ấy phạm lỗi, là vì không biết chớ không phải là cố ý; – Những kẻ ấy rồi chẳng bao lâu cũng cùng với ta mà chết cả; – Mà thứ nhứt, những kẻ ấy không có làm thiệt hại cho mình chút gì cả, bởi họ không từng làm cho tâm tính mình hư đi được.—Marc-Aurèle

78. Cái thuật ở đời, giống như phép đấu võ hơn là phép khiêu vũ; phải vững chân mà đứng, sẵn sàng đợi sự bất ngờ nó vụt đến.—Marc-Aurèle

79. Con mắt lành thì vật gì cũng phải trông thấy được, chứ không thể nói: “Tôi chỉ trông một sắc xanh thôi”, vì thế là con mắt mình đã hư rồi vậy.
Cái tai lành, cái mũi lành cũng phải nghe được mọi tiếng, ngửi được mọi mùi. Tì-vị tốt thì đồ ăn nào cũng phải tiêu được, như cái cối xay lúa, thứ lúa nào cũng phải xay được.
Vậy thời, cái óc thông minh bao giờ cũng phải sẵn sàng mà tiếp nhận lấy các sự vật xẩy ra. Chứ cái óc, chỉ biết nguyện: “Ước gì cho con cái ta được sống lâu”, hay là “Ước gì cho việc gì ta làm cũng được thiên hạ khen”, thời có khác gì con mắt chỉ muốn nhìn sắc xanh, cái răng chỉ muốn nhai vật mềm mà thôi đâu.—Marc-Aurèle

80. Người nào phiền não hay tức giận về việc gì, không khác con heo phải đem chọc huyết mà còn giẫy giụa, kêu la. Người nào nằm trên giường một mình mà lẩm nhẩm than cái nỗi phiền lụy ở đời cũng vậy. Phải biết rằng duy có kẻ có trí khôn biết lẽ phải, mới biết đem ý nguyện thuận theo những việc xẩy ra.—Marc-Aurèle

81. Có lẽ còn có một chốc lát nữa thời chết đấy; thế mà hiện nay trong lòng hãy còn chưa bình tĩnh, yên ổn, chưa thoát đặng cái lầm tưởng rằng ngoại vật có thể hại được mình, hoặc đem lại hạnh phúc, thật không còn gì ngao ngán bằng!—Marc-Aurèle

82. Cái xấu của mình, có thể tránh được lại không tránh; cái xấu của người không thể tránh được, lại cố tránh; thật cũng nực cười!—Marc-Aurèle

83. Hoặc có kẻ đứng bên cạnh cái suối nước trong và ngọt mà chửi rủa cái suối, cái suối vẫn chảy không ngừng, ném đất bùn, ném dơ bẩn vào, nó cuốn sạch đi ngay, không còn chút bợn lại. Làm sao cho trong người của mình cũng có một cái suối trong vô tận như thế. Là lúc nào cũng giữ cho trong mình được tự do, êm ái, bình tĩnh, khiêm hòa.—Marc-Aurèle

84. Nếu biết đem tư tưởng mà bao quát cả vũ trụ;
Nếu biết nghĩ đến cái thời gian thiên cổ vô cùng tận;
Nếu biết xét đến mỗi vật biến thiên mau chóng là dường nào; xét từng phần một, từ khi sanh ra đến khi chết, ngắn ngủi dường nào, mà cái thời gian trước khi sinh ra với cái thời gian sau khi diệt đi, bát ngát, mênh mông, không bờ không bến;
Nếu biết thế, thời khỏi được lắm nỗi phiền lòng vô ích vì những cái danh lợi cỏn con; biết thế thì cuộc đời sẽ được thảnh thơi yên tĩnh.—Marc-Aurèle

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x