Trang chủ » Chương 14. Tận Tâm Hạ

Chương 14. Tận Tâm Hạ

by Hậu Học Văn
728 views

TẬN TÂM, PHẦN SAU

1. Mạnh Tử nói: “Lương Huệ Vương bất nhân thay! Người nhân toan tính từ chỗ thân yêu đến chỗ chẳng thân yêu. Kẻ bất nhân toan tính từ chỗ chẳng thân yêu đến chỗ thân yêu.”

Công Tôn Sửu nói: “Làm sao lại nói vậy?”

“Lương Huệ Vương lấy cớ đất đai, đem dân mình đi chiến đấu đến tàn hại. Thất bại lớn, muốn đánh nữa, sợ không thể thắng, nên đã xua con em thân yêu của mình liều thân đến chết. Như thế gọi là toan tính từ chỗ chẳng thân yêu đến chỗ thân yêu vậy.”

BÌNH GIẢI:

Thực tế lịch sử thời Chiến Quốc cho biết vì tranh giành đất đai với nước Tề, quân dân nước Lương thua trận chết thảm; chính con trai lớn của Lương Huệ Vương cũng tử trận. Vì tham vọng đất đai, Lương Huệ Vương đã khiến cho những người xa (chẳng yêu) là dân chúng, đến người gần (thân yêu) là con em bị tàn sát. Do đó Mạnh Tử đã liệt Lương Huệ Vương vào loại bất nhân.

Vào thời ấy, từ ngữ còn hạn chế, cho nên văn cổ thường tối nghĩa, chúng ta cần hội ý mà hiểu. Mạnh Tử chỉ dùng một chữ “” () (lấy, làm) và đảo câu văn để diễn ý “toan tính”. Chữ “dĩ” trên hàm ý toan tính nâng đỡ, cứu giúp; chữ “dĩ” dưới hàm ý toan tính lợi dụng để thỏa mãn tham vọng hùng bá.

2. Mạnh Tử nói: “Những cuộc chiến tranh thời Xuân Thu không có chính nghĩa. Nước này khéo hơn nước kia, có vậy thôi.

“Chinh nghĩa là người trên đánh phạt kẻ dưới. Các nước chống cự nhau không phải là chinh.”

BÌNH GIẢI:

Thời Xuân Thu kéo dài trong khoảng thời gian từ năm 722 đến năm 480 trước Công nguyên, được kể từ khi nhà Chu suy nhược, phải dời đô về Lạc Ấp cho tới khi Khổng Tử chấm dứt bộ sử Xuân Thu. Vì Thiên tử nhà Chu, giữ guồng máy cai trị trung ương, không còn chút thế lực nào để có thể duy trì chính nghĩa, điều khiển các chư hầu, cho nên Mạnh Tử cho rằng các cuộc chiến tranh trong thời này không có chính nghĩa. Chẳng qua, nước này giỏi hơn hoặc khéo hơn, mạnh hơn nước kia thì đem quân đi tranh đoạt đất đai của nước kia và bắt phải tuân phục mình. Chỉ có vậy thôi. Tuy nhiên thời đó, chưa có nước nào đủ mạnh để phế bỏ hẳn nhà Chu, tuy nhà Chu đã suy yếu lắm rồi. Có nước đủ sức phế bỏ nhưng lại sợ các nước chư hầu khác có thế lực ngang với mình, lấy danh nghĩa phò Chu kết hợp với nhau mà tiêu diệt. Mãi đến cuối thời Chiến Quốc, khoảng năm 221 trước Công Nguyên, nước Tần mới dùng bạo lực tiêu diệt 6 nước còn lại và phế bỏ nhà Chu.

Đúng nghĩa của chữ “chinh” () là hành động của Thiên tử (chính quyền trung ương) đem quân đi đánh phạt một nước chư hầu (chính quyền địa phương) không tuân theo phép nước, thi hành đường lối bất nhân, bất nghĩa với dân. Còn các nước chư hầu chống cự lẫn nhau, tranh giành đất đai, quyền lợi, chỉ gọi là “chiến”, chứ không gọi là “chinh” được.

3. Mạnh Tử nói: “Quá tin vào Kinh Thư, không bằng không có Kinh Thư. Ta đối với thiên Vũ Thành, lấy hai ba đoạn sách mà thôi. Người nhân không có đối thủ trong thiên hạ. Lấy chí nhân đánh bất nhân mà sao máu chảy trôi cả chày giã gạo?”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử tỏ ý ngờ vực khi đọc Kinh Thư đến thiên Vũ Thành (phần Chu Thư). Ông chỉ nhặt lấy hai ba đoạn sách trong đó, còn thì loại bỏ, không chấp nhận. Mạnh Tử nêu lý do: Vũ Vương, con của Văn Vương, có tiếng là bậc nhân đức. Đã là người nhân đức thì không có ai chống cự nổi, ra quân ắt chiến thắng dễ dàng; địch quân sẽ đầu hàng mà ít đổ máu. Tại sao Vũ Vương đem quân đánh Trụ, người chí nhân đánh kẻ bất nhân, trong thiên Vũ Thành lại chép rằng máu chảy trôi cả chày giã gạo? Như thế sự việc ấy có phải do chép sai chăng? Do đó, những điều chép trong Kinh Thư không thể trọn vẹn tin được.

Nguyên văn đoạn Kinh Thư ấy được chép như sau: “Giáp Tý, muội sảng Thụ xuất kỳ lữ nhược lâm hội vu Mục Dã, võng hữu địch vu ngã sư; tiền đồ đảo qua, công vu hậu dĩ bắc. Huyết lưu phiêu chử: Ngày Giáp Tý, lúc rạng đông vua Thụ kéo quân đông như rừng, họp ở cánh đồng Mục Dã, các binh sĩ không ai chống lại quân ta; toán tiền phong ngược cả giáo lại đánh toán quân đi sau, rồi chạy. Máu người chảy trôi cả cái chày giã gạo.” (Thẩm Quỳnh: Bản dịch Kinh Thư, Bộ Giáo dục miền Nam xuất bản, năm 1965, trang 219).

Xét đoạn văn này, chúng ta thấy sự nghi ngờ của Mạnh Tử là có lý. Bởi vì: quân của Vũ Vương chưa đánh; tiền quân của vua Trụ quay lại đánh hậu quân rồi chạy. Hai bên quân nhà hoảng sợ đánh nhau, sao có thể kịch liệt, tàn nhẫn đến độ máu chảy trôi cả chày giã gạo được. Rõ ràng đây là một đoạn văn miêu tả cường điệu hóa, bi thảm hóa cuộc chiến, không sát thực tế.

Mạnh Tử là một hiền triết, cho nên ông đọc sách và suy nghĩ rất cẩn thận, cân nhắc từng chữ, liệu đoán từng việc để có một nhận thức trung thực, chắc chắn.

Kinh Thư là một cuốn sách nổi tiếng trong bộ Ngũ Kinh của đạo Nho, tương truyền do Khổng Tử san định. Mạnh Tử rất tôn trọng Khổng Tử, thế mà Mạnh Tử vẫn nghi ngờ những điều viết trong Kinh Thư, có nghĩa là Mạnh Tử không mù quáng như một số học giả đời sau, khư khư tin vào thế giá của Khổng Tử. Thực ra, những điều trong Kinh Thư có lẽ Khổng Tử chỉ nghe thuật lại và sao chép mà không kịp phê phán. Cũng có thể, những người sau Khổng Tử đã chép sách mà cường điệu hóa làm cho sự việc sai lệch đi.

Từ kinh nghiệm tra vấn Kinh Thư của Mạnh Tử, chúng ta có thể suy rộng ra: không phải chỉ riêng một quyển Kinh Thư, mà đối với tất cả các sách khác, người đọc khôn ngoan cũng phải biết nghi ngờ tra vấn, đặt giả thuyết để có thể hiểu đúng đắn, hiểu sâu xa tư tưởng của người xưa, chứ không vội tin theo nghĩa đen trên mặt chữ. Nếu cứ chăm chắm tin theo nghĩa đen thô sơ mà không phê phán, người ta có nguy cơ sai lầm trong việc trình bày hay truyền bá một lý thuyết. Triết học là một môn học đi tìm sự thật; thế mà nghi ngờ là một trong những phẩm tính căn bản của triết học (theo Karl Jaspers trong Triết học nhập môn). Có biết nghi ngờ người ta mới không dễ bị mắc lừa, và chân lý mới có thể lộ diện đích thực. Nhất là đối với các tác phẩm vào loại cổ kinh của nhân loại, người học cần phải có căn bản về môn Thuyên thích luận (Hermeneutics) để có thể vận dụng các kiến thức phụ thuộc về thời đại xuất hiện của cổ kinh. Nhờ đó, người học mới có thể hiểu một cách tương đối đúng đắn được.

Câu “Tận tín Thư tắc bất như vô Thư” của Mạnh Tử ngày nay được coi như một lời răn đáng ghi nhớ cho các học giả khi đọc sách; không riêng với Kinh Thư, mà chữ “thư” được hiểu chung cho các loại sách. Cứ nhắm mắt tin vào sách một cách thiển cận, chẳng thà không đọc sách còn hơn.

4. Mạnh Tử nói: “Có người nói: ‘Ta giỏi đánh trận; ta giỏi chiến đấu.’ Đó là kẻ có tội lớn.

“Vua một nước yêu thích đức nhân là người vô địch trong thiên hạ. Ông ấy quay về nam chinh phạt, người Bắc địch oán; quay mặt về đông chinh phạt, người Tây di oán. Nói rằng: ‘Sao đến với ta sau?’

“Vũ Vương đi đánh nhà Ân, xe da ba trăm cỗ, quân đội hùng tráng ba nghìn người. Vua nói: ‘Đừng sợ, đem yên ổn cho các ngươi thôi, không chống cự với trăm họ đâu.’ Họ rập đầu dường như những con thú gục sừng xuống đất.

“Chinh là nói làm cho chính vậy. Tất cả đều muốn làm cho mình được chính đáng. Đâu cần dùng tới chiến đấu?”

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn này thể hiện rõ hơn quan niệm nhân trị của Mạnh Tử. Ông cho rằng người nào tự hào về khả năng giỏi đánh trận, giỏi chiến đấu là kẻ có tội lớn. Bởi vì giỏi đánh trận, giỏi chiến đấu là giỏi giết người hàng loạt; chẳng có gì đáng hãnh diện cả. Thế mà vào thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có nhiều vua, nhiều tướng tự hào, hãnh diện như vậy.

Mạnh Tử tin rằng một ông vua yêu thích điều nhân thì ai cũng tin phục, không cần đánh cũng thắng; cho nên mới là người vô địch trong thiên hạ.

Ông nêu ra trường hợp vua Thành Thang ngày xưa đi chinh phạt miền nam thì rợ phương Bắc than oán, đi chinh phục miền đông thì rợ phương Tây than oán. Họ oán trách sao vua đến với ta muộn, khiến ta phải chịu sự cai trị bạo ngược quá lâu.

Trường hợp Vũ Vương đi đánh nhà Ân cũng vậy, chỉ có ba trăm cỗ xe da đựng lương thực và một binh đội ba nghìn người. Đi đến đâu vua cũng an ủi dân đừng sợ, ngài chỉ đem yên ổn đến chứ không chống lại dân chúng. Thế là họ răm rắp thần phục.

Chữ “chinh” () theo chiết tự, là kết hợp giữa bộ sách () và chữ chính (

). Chữ chính () là kết hợp giữa chữ chỉ () và chữ nhất ().

Bộ sách biểu thị bước đi.

Chữ chính biểu thị sự chính đáng.

Chính đáng chỉ nhất, nghĩa là hướng về Trời (Thượng Đế).

Như vậy, chinh là dẫn người ta trở về đường lối chính đáng, tức là đem người ta về với đạo Trời. Đem người ta trở về đường ngay nẻo chính để được yên ổn tốt lành, đó là hợp ý nguyện chung của tất cả mọi người rồi. Thực hiện một đường lối cai trị thể hiện ý nguyện tốt ấy, ai mà chẳng theo, cần gì phải dùng tới biện pháp chiến tranh!

5. Mạnh Tử nói: “Thợ mộc, thợ đóng xe có thể cho người ta cái qui, cái củ, không thể khiến người ta trở nên khéo léo.”

BÌNH GIẢI:

Cái qui là dụng cụ làm hình tròn, cái củ là dụng cụ làm hình vuông. Thợ mộc, thợ đóng xe thường dùng những dụng cụ ấy để chế tác các đồ vật tròn vuông. Họ có thể cho người ta những dụng cụ ấy và hướng dẫn cách sử dụng chúng, nhưng không thể khiến người ta trở nên khéo léo và chế tác nên những đồ vật tinh xảo được. Muốn trở nên khéo léo, người ta phải chăm chỉ rèn tập, chịu khó thao tác đôi tay trong một thời gian lâu.

6. Mạnh Tử nói: “Ông Thuấn ăn cơm khô, ăn rau rợ, dường như sẽ trọn đời như vậy. Đến khi làm Thiên tử, mặc áo trang sức đẹp đẽ, gảy đàn, có hai vợ săn sóc, dường như đã có sẵn như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử miêu tả thái độ của ông Thuấn lúc còn hàn vi, ăn cơm khô, rau rợ một cách tự nhiên, bình thản, không lo buồn, chán nản, không than thở gì cả, dường như sẵn lòng sống trọn đời như vậy. Đến khi làm Thiên tử, thay vua Nghiêu cai trị muôn dân, địa vị tôn quý, ông mặc y phục đẹp đẽ, gảy đàn, lại được hai bà vợ (Nga Hoàng, Nữ Anh) săn sóc, thế mà ông vẫn có thái độ tự nhiên, bình thản, không có vẻ gì kiêu hãnh, hí hửng, dường như đã quen sống trong hoàn cảnh ấy từ lâu rồi.

Thái độ của vua Thuấn đã biểu hiện thái độ của người quân tử được miêu tả trong sách Trung Dung: “Quân tử tố kỳ vị nhi hành; bất nguyện hồ kỳ ngoại. Tố phú quý, hành hồ phú quý; tố bần tiện, hành hồ bần tiện; tố di đch, hành hồ di địch; tố hoạn nạn, hành hồ hoạn nạn. Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên. –君子素其位而行,不願乎其外。素富貴,行乎富貴;素貧賤, 行乎貧賤;素夷狄,行乎夷狄;素患難,行乎患難。君子無入而不自得 焉! (Người quân tử hành động ở trong địa vị hiện tại của mình; không mong ước gì ở ngoài. Vốn sẵn giàu sang, hành động theo giàu sang; vốn sẵn nghèo hèn, hành động theo nghèo hèn; vốn sẵn mọi rợ, hành động theo mọi rợ; vốn sẵn hoạn nạn, hành động theo hoạn nạn. Người quân tử không vào đâu mà không được vui lòng.” (Trung Dung, chương 14).

7. Mạnh Tử nói: “Từ nay về sau, ta biết rằng giết người thân của người là điều hệ trọng. Giết cha của người, người cũng giết cha mình; giết anh của người, người cũng giết anh mình. Thế thì chẳng phải tự mình giết cha anh, một là gián tiếp giết vậy.”

BÌNH GIẢI:

Tục ngữ nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.” Luật nhân quả chi phối mọi hành vi trong đời. Ai gieo nhân nào sẽ gặp quả đó. Nếu mình giết người thân của người khác, người khác sẽ tìm cách giết lại người thân của mình hoặc giết hại chính mình. Vì thế, cổ nhân nói: “Sát nhân giả tử: giết người thì phải chết” là như thế.

Do đó, muốn bảo toàn thân mệnh của người thân và của mình thì chớ phạm vào tội giết người.

8. Mạnh Tử nói: “Ngày xưa lập ra cửa ải cốt để ngăn ngừa cường bạo; ngày nay lập ra cửa ải cốt để làm việc cường bạo.”

BÌNH GIẢI:

Đối với thời Chiến Quốc của Mạnh Tử, ngày xưa chỉ đến thời đại của các bậc thánh vương như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang… Bấy giờ các cửa ải ở biên cương, các cửa ô ở đô thị được lập ra để kiểm soát những kẻ phi pháp đột nhập, ngăn cản những hành vi cường bạo cướp bóc dân chúng.

Ngày nay chỉ thời đại của Mạnh Tử đang sống, các cửa ải, cửa ô cũng được lập ra, nhưng dân chúng, khách thương qua lại đó thường bị các quan chức cướp bóc, sách nhiễu. Như thế, đã chẳng những không ngăn việc cường bạo mà lại thi hành việc cường bạo làm khổ dân chúng. Mỉa mai thay!

9. Mạnh Tử nói: “Thân mình không thi hành đạo lý, không làm cho vợ con thi hành đạo lý được. Không lấy đạo lý sai khiến người ta, không thể sai khiến vợ con được.”

BÌNH GIẢI:

Hành đạo tức là sống đạo; đó là tất cả sinh hoạt bao gồm ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi đều noi theo đạo lý.

Trong gia đình, mình muốn vợ con sống đạo thì chính mình phải làm gương sống đạo trước. Mình không sống đạo, không có lý do gì bắt vợ con phải sống đạo.

Nếu mình không lấy đạo lý sai khiến người ta, tức là sai khiến người ta làm những điều trái đạo lý, chắc hẳn người ta không nghe. Chẳng những thế, khiến vợ con làm những điều trái đạo lý, vợ con cũng không nghe nữa.

Đôi khi, có người dùng cường quyền bạo lực và lợi lộc mua chuộc khiến người ta làm trái đạo lý; điều đó chỉ xảy ra nhất thời, kết quả không lâu dài và thường mang đến tai họa ở giai đoạn chung cuộc.

10. Mạnh Tử nói: “Lo đầy đủ về của cải, gặp năm mất mùa, không bị chết. Trọn vẹn hướng về đạo đức, gặp thời thế ngang trái không bị rối loạn.”

BÌNH GIẢI:

Cổ nhân nói: “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn: chứa trữ gạo thóc để phòng đói, chứa trữ áo quần đề phòng lạnh.” Nếu người nào lo chứa trữ đầy đủ của cải, tiêu dùng tiết kiệm, khi gặp năm mất mùa, người ấy sẽ không bị chết đói.

Người nào chuyên tâm sống trong đạo đức hằng ngày, không gây thù chuốc oán với ai, lại hay giúp đỡ mọi người, khi gặp thời buổi ngang trái, tức là gặp lúc đất nước xáo trộn, người ấy sẽ không bị bối rối vì tai họa, không bị báo thù, dễ tìm được sự giúp đỡ, chở che.

11. Mạnh Tử nói: “Người ưa chuộng danh dự có thể từ bỏ một nước nghìn cỗ xe. Ví bằng chẳng phải người ấy, thì một giỏ cơm, một tô canh đã hiện ra ở dung mạo rồi.”

BÌNH GIẢI:

Ở đây, “hiếu danh” không phải là tính ưa thích tiếng tăm hão huyền, thích khoe khoang vô lối, mà là chuộng danh dự, phẩm giá. Người ưa chuộng danh dự, phẩm giá là người biết tự trọng, không tham lam, thèm khát những gì trái đạo lý, những gì trái tính phận của mình. Để bảo tồn danh dự, người ấy có thể từ chối làm vua một nước, sống thanh bần, đạm bạc trọn đời. Nếu người không biết trọng danh dự, phẩm giá, thì chỉ với một món lợi nhỏ nhoi tầm thường như giỏ cơm, tô canh, từng ấy đã đủ làm cho người ấy biểu hiện tính tình ti tiện, nổi máu tham lam, thèm thuồng lộ ra sắc mặt, đã có thể giận hờn hay tranh giành.

12. Mạnh Tử nói: “Không tin bậc nhân nghĩa tài đức, thì nước trống rỗng. Không có lễ nghĩa thì người trên kẻ dưới rối loạn. Không có việc cai trị, thì của dùng chẳng đủ.”

BÌNH GIẢI:

Trong một quốc gia, bậc nhân nghĩa tài đức phải là rường cột. Vị lãnh đạo đất nước mà không tin bậc nhân nghĩa tài đức, không trao trọng trách cho họ, mà chỉ tin dùng bọn tiểu nhân nịnh hót, thì đất nước không có thực lực, sớm muộn gì cũng phải sụp đổ, để rồi bị đô hộ, bị diệt vong.

Đó là hình tượng của quẻ Bĩ trong Kinh Dịch:

Quẻ Bĩ chỉ sự bế tắc, sự trống rỗng; trong đó, ba hào dương ở ngoại quái, ba hào âm làm chủ nội quái. Đó là hình ảnh cho thấy những người quân tử, bậc nhân nghĩa tài đức bị tống xuất ra ngoài, phải lui về ẩn náu nơi thảo dã, biên thùy, thậm chí bỏ trốn ra nước ngoài. Còn lại nội các thì dành cho bọn tiểu nhân (ba hào âm) vô lương tâm, bất tài, thiếu đức.

Vì vậy, cần phải tin dùng bậc nhân nghĩa tài đức, đem họ vào nội các, hất bọn tiểu nhân ra ngoài để đảo quẻ Bĩ thành quẻ Thái (tốt đẹp):

Bậc nhân nghĩa tài đức mới có khả năng qui tụ quần chúng thành một khối thuần nhất, mới động viên được tinh thần hy sinh phục vụ, tạo nên giềng mối vững chắc, đất nước mới vững bền, dân tộc mới phồn vinh được.

Để cho đất nước ổn định, cần phải có lễ nghĩa; đó là sự tương giao tốt đẹp, có thứ tự hẳn hoi. Không có lễ nghĩa, người trên không nhường nhịn kẻ dưới, kẻ dưới không tôn trọng, không tín nhiệm người trên, mọi sự sẽ rối loạn đảo điên hết.

Ngoài ra, nếu không có bậc hiền tài, đất nước sẽ không được cai trị có phương pháp, không biết sắp đặt việc tài chính, không có đường lối phát triển tài nguyên kinh tế, không biết thu gom thuế má hợp lý, quốc khố không có của cải, tiền bạc, nhà nước sẽ không có ngân quĩ để xây dựng những công trình ích quốc lợi dân, thì dân chúng sẽ thiếu thốn.

13. Mạnh Tử nói: “Kẻ bất nhân mà được nước, thì có. Kẻ bất nhân mà được thiên hạ, chưa từng có vậy.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Mạnh Tử, có kẻ nhờ mưu thuật và bạo lực có thể thừa thời nắm lấy quyền lãnh đạo đất nước một thời gian. Kẻ bất nhân ấy không có khả năng lừa dối được cả thiên hạ, bao gồm nhiều nước chư hầu, mà lên ngôi Thiên tử lãnh đạo tất cả.

Tuy nhiên, sau khi Mạnh Tử mất rồi, điều mà Mạnh Tử chưa từng thấy, một chuyện hiếm có đã xảy ra. Một tên lái buôn phi thường là Lã Bất Vi đã dùng thuật buôn vua để tạo cơ hội cho Tần Thủy Hoàng, một kẻ bất nhân hạng nhất, thống nhất được thiên hạ. Nhưng việc độc chiếm thiên hạ ấy cũng chẳng diễn ra được bao lâu!

14. Mạnh Tử nói: “Dân là quý, đất nước là hạng dưới, vua là nhẹ. Cho nên người được lòng dân ở ruộng rẫy thì làm Thiên tử; người được lòng Thiên tử thì làm vua chư hầu; người được lòng vua chư hầu thì làm quan đại phu.

Vua chư hầu làm nghiêng đổ đất nước thì bỏ đi. Khi những con vật hiến tế đã có, xôi cúng đã tinh sạch, việc tế tự đã đúng thời, vậy mà cứ nắng hạn khô kiệt, hay lũ lụt, thì biến đổi đất nước.”

BÌNH GIẢI:

Hai chữ “xã tắc” (社稷) ngày xưa thường được hiểu là thần đất, thần lúa, là những năng lực siêu nhiên hỗ trợ cho giang sơn đất nước được vững bền; nhưng “xã tắc” cũng được hiểu là chính giang sơn đất nước, là cơ sở cho một dân tộc tồn tại.

Theo quan niệm thông thường trong chế độ quân chủ phong kiến, vua là bậc tôn quý nhất, thứ đến là giang sơn đất nước, dân chúng là hạng chót. Vì thế, người ta vẫn lấy dân chúng làm phên giậu cho đất nước, đem sinh mạng dân chúng để bảo vệ ngôi vua.

Tuy nhiên, Mạnh Tử có thể được xem là một hiền triết cách mạng nhất thời Xuân Thu Chiến Quốc, bởi vì ông đã sắp xếp lại một trật tự mới: dân chúng là quý nhất, đất nước là thứ hai, vua là hạng chót. Như vậy, Mạnh Tử đã nêu ra dân quyền và dân chủ vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Khổng Tử đã chú trọng đến dân, nhưng nói một câu thượng tôn dân quyền, dân chủ mãnh liệt như thế, phải là công đầu của Mạnh Tử. Tiếc thay, tư tưởng cách mạng ấy đã bị chìm đi tới 22 thế kỷ. Mãi tới thế kỷ 18 (cách mạng 1789 ở Pháp), tư tưởng đề cao dân chủ mới nổi lên và được cả thế giới hoan nghênh.

Dân đáng quý trọng như vậy, thế mà dân ở ruộng rẫy lại chiếm tuyệt đại đa số. Vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc dân ở ruộng rẫy chiếm tới 95% dân số cả lục địa Trung Hoa. Bởi thế, ai chiếm được lòng số dân đông đảo ấy mới có thể làm Thiên tử, cai trị cả thiên hạ. Các đại thần được lòng Thiên tử thì được cấp đất đai để làm vua chư hầu (chế độ phong kiến). Những kẻ sĩ được lòng vua chư hầu thì được làm quan đại phu (khanh, tướng).

Bởi vì vua là nhẹ, là hạng chót, cho nên hễ vua chư hầu làm nghiêng đổ đất nước, tức là làm hỏng guồng máy cai trị bằng những hành vi dâm ô, tham tàn, bạo ngược… dân chúng có quyền đứng lên phế bỏ đi. Ngày nay việc ấy được gọi là cách mạng.

Vào thời ấy, người ta vẫn có niềm tin đơn sơ vào các thế lực thiên nhiên, nhất là tin vào thần đất, thần lúa. Người ta cũng tin rằng các thế lực này có ảnh hưởng tới các tác động của thiên nhiên như mưa nắng, hạn hán, lũ lụt. Do đó người ta có thói quen cúng tế các thế lực thiên nhiên bằng các lễ nghi trọng vọng, có các con vật hiến tế (bò, heo, dê) và xôi nếp tinh sạch vào đúng thời vụ, để mong có mưa thuận gió hoà.

Mạnh Tử cho rằng sau khi đã thi hành các nghi thức cúng tế cổ truyền mà thiên nhiên không thuận lợi cho mùa màng, cứ hạn hán hoặc lũ lụt, thì nên biến đổi xã tắc đi. Trong cách hiểu của tâm thức người xưa, thì người ta biến đổi bằng cách xoay hướng đền xã, đền tắc cho hợp phong thủy. Tuy nhiên, với cách hiểu của người thời nay, câu nói của Mạnh Tử có thể được hiểu là: biến đổi các hình thái đất nước cho thuận tiện việc canh tác như: dẫn nước sông vào ruộng khô, đắp đê ngăn lụt, v.v.

Tóm lại, tư tưởng của Mạnh Tử nếu được hiểu một cách thông thoáng thì vẫn thích hợp với thời đại văn minh khoa học ngày nay. Riêng tư tưởng dân chủ vẫn là một chân lý muôn đời.

15. Mạnh Tử nói: “Thánh nhân là thầy của trăm đời. Đó là Bá Di, Liễu Hạ Huệ vậy. Cho nên nghe đến phong thái của Bá Di, kẻ tham lam trở nên liêm khiết, kẻ hèn yếu có chí tự lập. Nghe đến phong thái của Liễu Hạ Huệ, kẻ nhỏ nhen trở nên đôn hậu, kẻ hẹp hòi trở nên rộng rãi. Trăm đời về trước đã từng phấn chấn, trăm đời về sau được nghe thấy chẳng ai không hưng khởi. Chẳng phải thánh nhân mà có thể được như thế sao? Huống hồ những người được gần gũi?”

BÌNH GIẢI:

Qua những lời ca tụng của Mạnh Tử ở đây, chắc chắn ông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều về nhân cách của Bá Di và Liễu Hạ Huệ; người trước sống vào thời Văn Vương, Vũ Vương (đầu nhà Chu), người sau sống vào thời Xuân Thu (trước Khổng Tử). Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử đã từng nhắc đến hai vị thánh nhân này.

Đối với Việt Nam và các nước trên thế giới, người ta không biết nhiều về Bá Di và Liễu Hạ Huệ, nhưng những bậc thánh nhân như Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử lại được biết đến và tìm hiểu rất nhiều. Những tư tưởng từ bi, nhân ái, vô vi của các vị ấy đã chẳng giác ngộ được nhiều người, chẳng khiến cho nhân loại bớt được nhiều đau thương hay sao? Còn các nhân vật được gần gũi, được các vị ấy trực tiếp dạy dỗ đã chẳng trở thành các Bồ Tát, các hiền nhân quân tử hay sao? Cho nên các vị ấy hẳn là các thánh nhân của nhân loại, là thầy dạy của trăm thế hệ.

16. Mạnh Tử nói: “Kẻ có lòng nhân là con người [đích thật] vậy. Góp lại mà nói, đó là đạo.”

BÌNH GIẢI:

Chữ nhân () là lòng nhân do bộ nhân () ghép với chữ nhị (). 

Chữ nhân () chỉ sự tương quan yêu mến giữa ta và tha nhân. Ta và tha nhân là hai thực thể biểu thị trong chữ nhị (). Như thế lòng nhân gắn liền với con người. Đã nhận mình là người phải có lòng nhân ái đối với tha nhân;

ai không có lòng nhân ái chỉ là con vật có thân xác giống người chứ không phải con người đích thực. Góp cả ta và tha nhân hay lòng nhân và thân xác lại mà nói, đó là đạo.

Đạo là gì?

Đạo () là một cặp âm dương bao gồm chữ thủ () và bộ sước ().

Chữ thủ () biểu thị tính chất tĩnh (âm), bộ sước () biểu thị tính chất động (dương). Kinh Dịch nói: “Nhất âm, nhất dương chi vị đạo: một âm, một dương gọi là đạo” (Hệ Từ thượng: 5, 1). Như vậy, đạo là một thực tại kép bao gồm âm dương. Ta và tha nhân là một cặp âm dương. Nếu ta không chấp nhận tha nhân để nên một cặp âm dương thì không hoàn thành đạo được.

Ta và tha nhân có thể là âm hoặc dương tùy từng trường hợp. Âm có tính thuận theo (nhu); dương có tính chủ động (cương). Nếu tha nhân yếu đuối, tức tha nhân là âm, ta phải là dương để nâng đỡ tha nhân. Nếu tha nhân giỏi giang khôn ngoan, đáng bậc thầy, tức tha nhân là dương, ta phải giữ phận âm là học trò để học hỏi. Nếu ta giàu có, tức ta là dương; tha nhân nghèo khó, tức tha nhân là âm; ta phải có bổn phận thương xót đùm bọc tha nhân. Ý nghĩa âm dương của đạo Dịch rất linh hoạt, quấn quít lấy nhau, thì ta và tha nhân có thể là âm hoặc dương tùy theo tương quan, nhưng luôn luôn phải thương yêu, tương trợ, liên kết với nhau. Đó là đạo Trời.

Nếu người nào sống thiếu lòng nhân, tức là ở vào tình trạng cô dương hoặc độc âm, sẽ đánh mất đạo Trời. Mất đạo Trời, cuộc nhân sinh sẽ lầm than, đau khổ.

Bên Tây phương, khi triết gia Jean Paul Sartre cho rằng: “Tha nhân là địa ngục”, tức là ông ta đã không chấp nhận tha nhân; đạo Trời bị gãy đổ.

17. Mạnh Tử nói: “Khổng Tử rời nước Lỗ, nói: ‘Ta đi thong thả thôi.’ Đó là đường lối bỏ nước của cha mẹ vậy. Rời nước Tề, thì đón lấy gạo mới vo mà đi. Đó là đường lối bỏ nước người vậy.”

BÌNH GIẢI:

Là một bậc thánh hiền, Khổng Tử rất có ý tứ trong hành vi để thích ứng với nghĩa lý tùy thời. Khi bất đắc dĩ phải rời nước Lỗ là đất nước của cha mẹ mình, ngài bảo các học trò đi thong thả để bày tỏ nỗi niềm luyến tiếc. Khi rời nước Tề, không phải quê hương mình, có lẽ lắm kẻ ghét, Khổng Tử ra đi một cách vội vàng, chẳng kịp đợi nấu chín cơm. Có lẽ để tránh tai họa đuổi theo mình.

18. Mạnh Tử nói: “Tai nạn của quân tử ở khoảng hai nước Trần Thái, vì không có kết giao với người trên kẻ dưới ở đấy.”

BÌNH GIẢI:

Quân tử ở đây chỉ Khổng Tử. Trên đường chu du liệt quốc, có lần Khổng Tử và các học trò bị vây ở khoảng giữa hai nước Trần, Thái; lương thực cạn kiệt, một số học trò ngã bệnh vì đói. Mạnh Tử cho rằng bởi vì Khổng Tử không kết giao với vua và các quan đại phu hai nước ấy, cho nên bị tai nạn như vậy.

Trong bộ Sử Ký, Tư Mã Thiên nói rõ hơn về việc này. Nguyên do là: vua nước Sở định mời Khổng Tử về giúp. Nhưng thầy trò Khổng Tử chưa kịp đến nước Sở, còn đang loanh quanh ở ranh giới Trần, Thái. Bấy giờ các quan đại phu tham nhũng ở Trần, Thái sợ rằng nếu Khổng Tử được trọng dụng ở nước Sở thì nguy cho họ. Vì thế họ cùng nhau sai bọn tay chân đến vây Khổng Tử ở giữa rừng.

Kết cuộc, Khổng Tử sai Tử Cống thoát vòng vây đến nước Sở. Sở Chiêu Vương cho quân đi đón; nhờ đó thầy trò Khổng Tử thoát nạn.

19.  Mạch Kê nói: “Kê này bị nói gièm những điều chẳng phải.”

Mạnh Tử nói: “Không hại gì. Kẻ sĩ hay bị ghét và thêm thắt chê bai. Kinh Thi rằng: ‘Lòng ưu sầu thiểu não, bị bọn tiểu nhân oán hận.’ Đó là trường hợp Khổng Tử. ‘Tuy không ngăn dứt được lòng oán hận của họ, cũng không làm mất tiếng tăm của mình.’ Đó là trường hợp Văn Vương.”

BÌNH GIẢI:

Có người tên là Mạch Kê than thở với Mạnh Tử rằng người ta nói những điều chẳng hợp lý về mình. Mạnh Tử cho biết, kẻ sĩ thường hay bị nhiều người ghen ghét chê bai như vậy. Điều đó chẳng thương tổn gì. Đến như Khổng Tử và Văn Vương kia cũng bị nhiều người chê bai oán ghét khiến cho lòng dạ rầu rĩ, buồn bực, nhưng tiếng tăm các ngài vẫn còn đó.

Hai câu Kinh Thi ứng vào tâm sự Khổng Tử được trích trong thiên Bội Phong, bài Bách Chu. Hai câu Kinh Thi ứng vào trường hợp Văn Vương được trích trong thiên Đại Nhã (chương 8).

20. Mạnh Tử nói: “Bậc tài đức lấy sự sáng sủa của mình để khiến cho người trở nên sáng sủa. Người ngày nay lấy sự tối tăm của mình để khiến cho người trở nên sáng sủa.”

BÌNH GIẢI:

Bậc tài đức ngày xưa lấy gương lành của mình mà dạy dỗ người, chứ không cần nói lý thuyết. Các ngài dù ở cương vị nào, là vua, quan, cha mẹ, hay thầy dạy, đều sống đạo đức sáng sủa để rồi lấy đó làm gương mẫu, khiến cho mọi người bắt chước mà trở nên sáng sủa.

Ngày nay người ta chỉ sống trong tối tăm mà lại mong mọi người trở nên sáng sủa. Như thế người ta làm một đàng mà nói một nẻo: hành động thì tối tăm, lại nói năng sáng sủa để khuyên dạy người. Đó là một điều rất phi lý; cho nên chẳng có kết quả nào cả!

21. Mạnh Tử bảo Cao Tử rằng: “Cái khoảng người ta đi ở lối nhỏ trong núi, bỗng nhiên cứ sử dụng hoài, thì thành con đường. Cách khoảng ra không sử dụng thì cỏ tranh lấp kín đi. Nay cỏ tranh đã lấp kín lòng ngươi rồi!”

BÌNH GIẢI:

Trong núi thường có lối nhỏ do thợ rừng vẹt cây, phát cỏ mà đi. Nếu người ta cứ đi lại thường xuyên trên lối nhỏ đó, lâu ngày nó sẽ biến thành một con đường rộng rãi thênh thang. Nhưng cách ra một khoảng thời gian không có ai qua lại, cỏ tranh, lau le sẽ mọc lên rậm rạp và lấp kín hết đường đi.

Lòng dạ con người cũng tương tự như vậy. Nếu người ta chịu khó xét nét chính mình, tu tập các nhân đức, thì các nết xấu sẽ bớt dần đi; một ngày nào đó, tâm hồn sẽ thông thoáng, an nhiên, tốt lành chẳng khác gì một đại lộ phẳng phiu, không có cỏ tranh, lau sậy. Nếu bỏ quên việc xét nét chính mình, bê tha trong các thói quen xấu, thì dục vọng sẽ dấy lên, bao nhiêu nết xấu, bao nhiêu ý nghĩ ti tiện sẽ dần dần xuất hiện như cỏ gặp mưa vậy.

Mạnh Tử cảnh cáo môn đệ là Cao Tử đã để cho các nết xấu lấp kín cả tâm hồn rồi!

22. Cao Tử nói: “Thanh nhạc của vua Vũ (nhà Hạ) hơn thanh nhạc của Văn Vương (nhà Chu).

Mạnh Tử hỏi: “Sao lại nói vậy?”

Đáp: “Cái khung treo chuông (của vua Vũ) bị mòn khuyết.”

Hỏi: “Thế đã đủ sao? Cái vết bánh xe ngoài cửa thành do sức hai con ngựa ư?”

BÌNH GIẢI:

Cao Tử cho rằng thanh nhạc của vua Vũ (nhà Hạ) hay hơn thanh nhạc của Văn Vương (nhà Chu). Mạnh Tử hỏi lý do. Cao Tử lập luận rằng: cái khuy treo chuông của vua Vũ bị mòn khuyết nhiều; đó là bằng chứng cho biết nhiều người ưa nhạc của vua Vũ, hay đánh vào cái chuông ấy; vì thế nhạc của vua Vũ hay hơn.

Mạnh Tử cho Cao Tử biết lập luận đó chưa đủ minh chứng. Ông nêu ví dụ: cái vết bánh xe ngoài cửa thành sở dĩ hằn sâu xuống như vậy đâu phải do sức hai con ngựa kéo qua một đôi lần. Đó là do thời gian quá lâu, xe ngựa qua lại nhiều mà vết bánh xe bị hằn sâu xuống. Cũng như thế, cái khuy treo chuông của vua Vũ sở dĩ mòn khuyết nhiều vì đã treo chuông quá lâu rồi. Vua Vũ nhà Hạ xuất hiện trước Văn Vương nhà Chu khoảng 800 năm. Do đó, cái khuy treo chuông của vua Vũ phải bị mòn khuyết, sứt mẻ nhiều. Bằng chứng ấy chưa đủ để đánh giá thanh nhạc của vua Vũ hay hơn thanh nhạc của Văn Vương được; muốn đánh giá chính xác cần phải xét tới những yếu tố khác mà thời nay không hội đủ. Cái hay của một bản nhạc nằm trong giai điệu và cách kết cấu giai điệu đó với các cung bậc thanh âm bổng trầm. Ngày xưa chưa có cách ký âm hoàn chỉnh, ngày nay lấy đâu ra một bản tổng phổ hẳn hoi để có thế so sánh chính xác được.

Nếu mọi việc trên đời mà cũng được đánh giá đơn sơ theo cách của Cao Tử thì thật hồ đồ, sẽ dẫn đến hậu quả sai lầm nhiều lắm.

23. Nước Tề gặp nạn đói. Trần Trăn nói: “Người trong nước đều cho rằng thầy sẽ một lần nữa phát chẩn ở ấp Đường; nhưng e rằng không thể làm như vậy.”

Mạnh Tử nói: “Thế là làm như Phùng Phụ rồi. Người nước Tấn có Phùng Phụ, giỏi bắt hổ. Chung cuộc ông trở nên kẻ sĩ tốt lành. Khi đi đến vùng hoang 

dã, có đám người đuổi theo hổ. Con hổ ẩn vào góc núi. Chẳng ai dám đến gần; trông xa thấy Phùng Phụ, họ bước tới đón tiếp. Phùng Phụ xăn tay, xuống xe. Đám người đều vui mừng. Hành vi ấy làm cho những kẻ sĩ chê cười.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời gian làm khách khanh ở nước Tề, gặp lúc mất mùa, dân chúng đói kém, Mạnh Tử đã một lần mở kho lẫm ấp Đường phát chẩn cho dân chúng. Mọi người đều cho rằng Mạnh Tử sẽ lại phát chẩn một lần nữa. Nhưng đệ tử Trần Trăn e rằng thầy sẽ không làm như vậy.

Mạnh Tử hưởng ứng ý ấy và giải thích thêm: nếu làm như vậy sẽ giống trường hợp của Phùng Phụ. Phùng Phụ là người nước Tấn, lúc trẻ, đã có lần tay không bắt hổ. Về sau, nhờ tu tập, ông trở nên một kẻ sĩ tốt lành. Một lần nọ, đi đến một miền xa, ông gặp dân chúng đuổi hổ. Con hổ khôn ngoan núp vào một hẻm núi. Dân chúng mong muốn Phùng Phụ giúp họ bắt hổ. Ông hiên ngang xuống xe, định ra tay bắt một lần nữa. Dân chúng hoan nghênh lắm, nhưng những kẻ sĩ lại chê cười.

Tại sao vậy?

Lý do là: Phùng Phụ không biết lượng sức mình. Ngày trước, sở dĩ bắt được hổ, có lẽ do may mắn gặp được con hổ già yếu hay con hổ còn non, Phùng Phụ lại còn là trai tráng. Nay với thời gian, sức khỏe đã suy, lỡ gặp con hổ khỏe mạnh, hung dữ, nếu bắt một lần nữa, Phùng Phụ sẽ mất mạng như chơi. Một lần may mắn trong đời mà lại tự phụ, quá ỷ tài cậy sức, muốn khoe tài lần thứ hai, lỡ mất mạng có uổng chăng? Đó là Phùng Phụ đã làm trò cười cho những kẻ sĩ vậy.

Nay, việc mở kho lương thực của nhà nước phát chẩn cho dân, chẳng qua là một việc cấp bách bất đắc dĩ, chỉ có thể làm một lần. Muốn cấp phát thêm phải có lệnh vua. Không có lệnh vua mà phát chẩn nhiều lần, đến nỗi kho lẫm rỗng không thì mang tội. Dân chúng đói quá thì phải phát chẩn, nhưng liền sau đó, phải khuyến khích dân tăng gia sản xuất, mới là kế hoạch cứu đói lâu dài. Cho dân ăn không ngồi rồi để cho dân thêm lười biếng, không phải là chính sách hay.

24. Mạnh Tử nói: “Miệng hướng về nếm vị, mắt hướng về hình sắc, tai hướng về âm thanh, mũi hướng về mùi ngửi, tay chân hướng về an nhàn, đó là tính tự nhiên tiên thiên. Có số mệnh đòi buộc, người quân tử không nói đến tính tự nhiên tiên thiên.

“Điều nhân hướng về cha và con, điều nghĩa hướng về vua và tôi, điều lễ hướng về khách và chủ, trí khôn hướng về người tài đức, Thánh nhân hướng về đạo Trời, đó là số mệnh đòi buộc. Có tính thành tựu hậu thiên, người quân tử không nói đến số mệnh đòi buộc.”

BÌNH GIẢI:

Đây là một đoạn văn khó dịch, bởi vì chữ nghĩa ngày xưa hạn chế. Mạnh Tử chỉ dùng một chữ “tính” thôi, mà phải hiểu hai trường hợp khác nhau. Chữ “mệnh” vừa khó dịch vừa khó giải thích. Tuy nhiên để tâm cảm nghiệm, suy tưởng, chúng ta có thể hiểu như thế này:

Đã là con người, ai cũng có các giác quan: miệng để nếm, mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để ngửi, tay chân để cử động. Dĩ nhiên ai cũng thích nếm vị ngon, nhìn sắc đẹp, nghe tiếng hay, ngửi mùi thơm, tay chân được an nhàn thảnh thơi. Đó là tính tự nhiên tiên thiên của con người. Tuy nhiên, thực tế cuộc đời cho thấy, mỗi người có một số mệnh riêng, không phải ai cũng được thỏa mãn tính tự nhiên tiên thiên như vậy. Có người chẳng được miếng ngon, chẳng được mặc đẹp, chẳng được nghe tiếng hay, mà chỉ gặp những sự khốn cùng, những lời chói tai, những mùi hôi hám, tay chân lao nhọc suốt ngày. Tại sao mọi người lại khác nhau như vậy? Cổ nhân cho rằng mỗi người có một số mệnh riêng. Thế mà số mệnh do đâu, không ai giải thích được rốt ráo. Vì vậy, người khôn ngoan như Khổng Tử cũng không thể giải thích rõ ràng ra sao; do đó ngài ít nói đến. Nhiều người phấn đấu cải số mệnh mà không thành. Nhiều người không tin có số mệnh, cố gắng vận dụng tự do để tìm hạnh phúc hầu thỏa mãn tính tự nhiên tiên thiên, nhưng cứ loay hoay gặp toàn những điều bất như ý.

Có học thuyết cho số mệnh là do nghiệp quả của kiếp trước hoặc do nghiệp quả của tổ tiên. Nhưng ai tạo nên qui luật khắt khe đó? Lại chỉ còn cách giải thích là do Trời thiết định. Có người tránh né nói đến Trời; có người như Nguyễn Du thì nói thẳng ra:

“Ngẫm hay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần, phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Nhưng Nguyễn Du cũng đã tin rằng số mệnh của Trời lại có tương quan với con người:

“Sư rằng: “Phúc họa đạo Trời,

Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.

Có Trời mà cũng tại ta,

Tu là cõi phúc, tình là dây oan.”

Tuy nhiên cũng có trường hợp không bởi nghiệp quả nào cả mà chỉ tại Trời muốn tạo số mệnh khó khăn để rèn tập một nhân tài dành cho kế đồ hậu lai, đem ơn ích cho nhiều người. Như vậy, làm sao biết và nói rõ về số mệnh được!

Ở đây, đại diện cho Nho giáo chính truyền, Mạnh Tử quan niệm rằng có số mệnh dành cho mỗi người khác nhau; cho nên người quân tử không nói đến tính tự nhiên tiên thiên (Hữu mệnh yên, quân tử bất vị tính dã), tức là không đòi hỏi mình phải được đáp ứng theo tính tự nhiên: được ăn ngon, mặc đẹp, được nghe tiếng du dương, v.v.

Không đòi hỏi phải được đáp ứng tính tự nhiên, nhưng người quân tử phải giữ điều nhân giữa cha và con, giữ điều nghĩa giữa vua và tôi, giữ điều lễ giữa khách và chủ. Người quân tử lại phải rèn tập trở nên người tài đức để có trí khôn sáng suốt. Cao xa hơn nữa, muốn trở nên Thánh nhân, người quân tử phải sống theo đạo Trời. Đó là số mệnh đòi buộc người quân tử phải như vậy, thì xã hội mới ổn định, gia đình mới an vui, đất nước mới thái bình.

Khi thực hiện được số mệnh tốt đẹp đó, người quân tử mới đạt được tính thành tựu hậu thiên (khác với tính tự nhiên tiên thiên). Học làm người quân tử, người ta cần phải thành tựu tính hậu thiên tốt đẹp đó, mà đừng coi là số mệnh đòi buộc, ép uổng (Hữu tính yên, quân tử bất vị mệnh dã.).

25. Hạo Sinh Bất Hại hỏi rằng: “Nhạc Chính Tử là người thế nào?” Mạnh Tử đáp: “Là người thiện, người tín.”

“Thế nào gọi là thiện? Thế nào gọi là tín?”

Đáp: “Có thể được cảm tình gọi là thiện. Có thực chất nơi mình gọi là tín. Thật có đầy đủ gọi là mỹ. Thật có đầy đủ mà tỏa sáng gọi là đại. Lớn lao mà cải hóa được người gọi là Thánh. Thánh mà người đời không thể biết được gọi là Thần. Nhạc Chính Tử ở trong hai loại, ở dưới bốn loại trên.”

BÌNH GIẢI:

Hạo Sinh Bất Hại là người nước Tề, họ Hạo Sinh, tên Bất Hại. Nhạc Chính Tử là môn đệ hàng đầu của Mạnh Tử, làm quan ở nước Lỗ. Nhạc Chính Tử là người mà Mạnh Tử rất tín nhiệm; đến nỗi khi nghe tin vua Lỗ muốn trao quyền chấp chính cho ông ta, Mạnh Tử đã vui mừng quên cả ngủ.

Trả lời Hạo Sinh Bất Hại hỏi về Nhạc Chính Tử, Mạnh Tử cho biết ông là người thiện, người tín. Giải thích về thiện, tín, Mạnh Tử nhân đó nói rõ về sáu bậc người đặc biệt, kể từ thấp lên cao: thiện, tín, mỹ, đại, thánh, thần.

Thiện là người có đức hạnh, nhân phẩm khiến cho người ta sinh lòng cảm mến, kính trọng.

Tín là người thành khẩn tự trong đáy lòng, không dối trá ai, nói lời nào ra đều đáng cho người ta tin tưởng.

Mỹ là người đầy đủ mọi tính tốt, thể hiện ra ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, khiến cho dáng mạo bên ngoài trở nên tươi tốt, ai cũng muốn gần.

Đại là người phát huy được mọi tính tốt làm sáng tỏ mọi nơi mà người ấy hiện diện.

Thánh là người có khả năng cải hóa được nhiều người khác trở nên thiện như mình.

Thần là bậc thánh có sự thấu suốt vượt không gian thời gian, tác động trên nhân sinh cả trong hiện tại và tương lai, người đời không thể đo lường được hết khả năng hiểu biết và tầm ảnh hưởng.

Nhạc Chính Tử nằm trong hai loại thiện tín. Bốn loại người ở bậc mỹ, đại, thánh, thần thì thật hiếm hoi trong đời. Người phàm mà tu tập tới mức thiện, tín, mỹ, đại thì công phu to tát lắm. Đạt tới thiện, tín đã thành bậc quân tử. Đạt tới mỹ, đại có thể gọi là bậc nhân hiền. Chính Khổng Tử chưa dám nhận mình là bậc nhân, bậc thánh. Ngài đã từng nói: “Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm. 若聖與仁則吾豈敢。 (Ví bằng bậc thánh và nhân, thì ta đâu dám!)

26. Mạnh Tử nói: “Bỏ họ Mặc ắt về theo họ Dương; bỏ họ Dương ắt về theo đạo Nho. Nếu trở về, những người ấy sẽ được nhận thôi. Nay người ta biện luận với phái Dương Mặc như đuổi con heo sổng chuồng; đã đưa vào chuồng rồi, lại còn theo mà trói buộc.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Chiến Quốc bấy giờ, có ba học thuyết chính: học thuyết kiêm ái (gồm yêu) của Mặc Địch, học thuyết vị ngã (vì mình) của Dương Chu và học thuyết nhân nghĩa của Nho. Học thuyết kiêm ái và học thuyết vị ngã là hai cực đoan đối lập; còn Nho học là học thuyết dung hoà ở giữa hai cực đoan.

Mạnh Tử cho rằng khi người ta chán họ Mặc, ắt quay sang họ Dương; nếu bỏ họ Dương, ắt người ta quay về đạo Nho. Trở về với đạo Nho, thì các Nho gia đón nhận thôi.

Tuy nhiên, những Nho gia ngày nay lại quá khắt khe với những người trở về. Họ biện luận với những người theo phái Dương Mặc trở về, tương tự như đi đuổi bắt con heo sổng chuồng; bắt cho vào chuồng rồi mà vẫn còn trói cẳng. Cần phải khuyên nhủ, hướng dẫn họ mới phải, chẳng khác gì cho heo được ngơi nghỉ thảnh thơi vậy. Những Nho gia ngày nay đã chỉ trích, chê bai những người từ phái Dương Mặc trở về một cách quá đáng.

27. Mạnh Tử nói: “Có thứ thuế lấy vải và tơ, có thứ thuế lấy lúa gạo, có thứ thuế lấy sức lao động. Người quân tử cai trị lấy một thứ mà cho hoãn lại hai thứ. Nếu lấy hai thứ thì dân có kẻ chết đói; lấy ba thứ thì cha con phải chia lìa.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, nhà cầm quyền cai trị thường lấy ba thứ thuế. Thuế lấy vải và tơ đánh vào những người trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Thuế lấy lúa gạo đánh vào những người cày ruộng. Thuế lấy sức lao động, tức là bắt dân đi lao động không công (đi làm xâu, sưu dịch) vào mùa đông rảnh việc. Mạnh Tử khuyên người cầm quyền cai trị có lương tâm (quân tử) chỉ nên lấy một thứ thuế, còn cho hoãn lại hai thứ. Nếu lấy hai thứ thuế cùng một lúc thì có một số dân bị chết đói. Nếu lấy ba thứ thuế cùng một lúc thì thanh niên trai tráng phải bỏ quê đi tha phương cầu thực, cha con chia lìa nhau.

28. Mạnh Tử nói: “Ba thứ quý báu của vua chư hầu là: đất đai, nhân dân, việc chính trị. Nếu quý báu châu ngọc, tai vạ ắt đến mình.”

BÌNH GIẢI:

Vua chư hầu cần phải chú trọng ba điều:

Giữ gìn trọn vẹn bờ cõi đất đai, khéo khai thác đất đai để phát triển kinh tế.

Bảo vệ nhân dân khỏi bị xâm lược, cướp bóc và làm cho nhân dân giầu mạnh.

Thi hành việc chính trị lương hảo, diệt trừ nạn tham nhũng sách nhiễu dân chúng.

Đất đai, nhân dân, việc chính trị là ba thứ quý báu hơn châu ngọc. Nếu nhà cầm quyền chỉ lo thu góp châu ngọc cho vợ con được giàu có, chắc chắn tai vạ sẽ nhanh chóng ập đến thân mình. Tai vạ có thể đến từ bên trong do nhân dân nổi loạn. Tai vạ có thể đến từ bên ngoài do địch quốc xâm lược.

29. Bồn Thành Quát làm quan ở nước Tề. Mạnh Tử nói: “Bồn Thành Quát sẽ chết thôi.”

Khi Bồn Thành Quát bị giết, người nhà hỏi rằng: “Sao thầy biết ông ta sắp bị giết?”

Đáp: “Ông ta là người có chút tài năng, nhưng chưa nghe biết đạo lớn của bậc quân tử; thì đủ mà bị sát thân rồi.”

BÌNH GIẢI:

Bồn Thành Quát chưa nghe biết đạo lớn của bậc quân tử, tức là chưa biết đạo nhân nghĩa, chưa biết lẽ tiến thối tùy thời; do đó thường hay hiếu thắng, cố chấp. Là người có chút tài năng thì dễ cậy tài mà áp bức người, cho nên có nhiều kẻ ghét. Có nhiều kẻ ghét ắt có lúc bị giết chết.

30. Mạnh Tử đến nước Đằng, trọ ở cung dành cho thượng khách. Có dép mới làm xong để trên cửa sổ. Người coi nhà trọ tìm không thấy. Có người hỏi (Mạnh Tử) rằng: “Dường như là người nào theo hầu thầy giấu đi chăng?”

Đáp: “Ông cho là đến đây ăn trộm dép ư?”

Thưa: “E rằng chẳng phải vậy. Cách sắp đặt khoa giáo của thầy là: kẻ đi không đuổi theo, người đến không cự tuyệt; ví bằng hễ có lòng chuyên chú, người ấy được nhận thôi!”

BÌNH GIẢI:

Vì việc thất lạc đôi dép mới bện mà người trông coi quán trọ thượng cung nước Đằng đã làm phật lòng thầy trò Mạnh Tử.

Qua lời tạ lỗi của người giữ quán trọ với Mạnh Tử, chúng ta biết rõ thêm về môn qui, khoa giáo của ông. Những kẻ thôi học ra đi không bị đuổi theo tra vấn gì; những người đến xin học không bị cự tuyệt và cũng không bị đòi hỏi điều gì về lệ phí hay lễ lạc; miễn là có lòng cầu đạo thánh hiền thì đều được thâu nhận làm đệ tử.

31. Mạnh Tử nói: “Người ta đều có chỗ chẳng nỡ; đem chỗ chẳng nỡ ấy thấu suốt được sự tàn nhẫn, đó là nhân vậy. Người ta đều có chỗ không làm;đem chỗ không làm ấy thấu suốt được những việc mình làm, đó là nghĩa vậy.

“Người ta nếu phát triển đầy đủ tấm lòng không muốn hại người thì điều nhân không thể dùng hết. Người ta nếu phát triển đầy đủ tấm lòng không trộm cắp (khoét ngạch) thì điều nghĩa không thể dùng hết. Người ta nếu phát triển đầy đủ thực trạng không bị gọi là thằng, là mày, thì chẳng đi chỗ nào mà chẳng làm điều nghĩa.

“Kẻ sĩ, nếu chưa nên nói mà nói, đó là lấy lời mà mua chuộc; nếu nên nói mà không nói, đó là không lấy lời mà mua chuộc. Cả hai đều là loại trộm cắp mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Mọi người dù tốt hay xấu, thế nào cũng có lúc chẳng nỡ làm điều gì đó. Nếu người ta biết mở rộng chỗ chẳng nỡ đó, làm cho nó thấu suốt, bao trùm được sự tàn nhẫn, như thế là trở nên người nhân đức. Mọi người đều có trường hợp không chịu làm một điều gì đó. Nếu người ta biết từ chối làm những điều xấu mình đang làm hại cho người; như thế là trở nên người nghĩa khí.

Nếu người ta lại mở rộng vô hạn lòng nhân, không muốn hại ai, thì điều nhân sẽ đầy rẫy trong cõi đời. Nếu người ta mở rộng lòng tự trọng, không trộm cắp của ai, thì điều nghĩa sẽ tràn lan khắp xã hội. Nếu người ta lại phát triển nhân cách, phẩm giá đến độ không bao giờ phải nhận là thằng, là mày (những tên gọi đê tiện); trái lại, ai cũng kêu mình là ông, là anh, là chị, thì đâu đâu cũng có điều nghĩa hiện diện.

Kẻ sĩ là người có học. Người ta phải học làm sao để biết lúc nào đáng nói, lúc nào không. Có lúc chưa nên nói mà nói, chẳng phải là dùng lời nói mua chuộc lòng người sao? Có lúc đáng nói, đáng bày tỏ ý kiến trung thực mà lại không chịu mở lời, chẳng phải là ngậm miệng cho người vui lòng sao? Cả hai trường hợp ấy đều không phải cả. Ai phạm vào đều không phải là kẻ sĩ trung thực. Mua chuộc lòng người cũng là cách trộm cắp, trộm cắp cảm tình của người, tương tự như những kẻ đào ngạch khoét vách lấy của người ta vậy.

32. Mạnh Tử nói: “Lời nói gần gũi mà ý chỉ xa xôi là lời nói hay. Giữ kiệm ước mà thi thố rộng rãi là đường lối hay. Lời nói của người quân tử tuy không xuống khỏi đai lưng thế mà chứa trữ đạo lý vậy.

“Sự giữ gìn của người quân tử cốt sửa lấy mình mà thiên hạ bình ổn. Cái bệnh của người ta là bỏ ruộng mình mà làm cỏ ruộng người. Cái điều cầu mong ở người thì nặng nề, mà cái điều tự mình nhận lấy thì nhẹ nhõm.”

BÌNH GIẢI:

Làm thế nào để có thể nói được những lời gần gũi, tầm thường thôi mà lại hàm ý tứ xa xôi, sâu sắc; đó mới là lời hay, ý khéo. Làm thế nào mà tự hạn chế được chính mình, không xa hoa phung phí, mà ban bố cho người lại rộng rãi, dư dật; đó mới là đường lối tốt, làm vui lòng người. Học tập được lời nói khôn khéo và cách cư xử tốt đẹp như thế là học tập làm người quân tử.

Người quân tử nói lời đơn sơ, ngắn gọn thế mà trong đó đầy ắp đạo lý, có khả năng cải thiện được người.

Lý tưởng của người quân tử là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Muốn cho thiên hạ thái bình thì phải khởi đầu từ sự tu thân. Vì thế, người quân tử ưu tiên giữ mình cho tốt đẹp, mẫu mực mọi mặt. Thông thường người ta hay làm ngơ tật xấu của mình mà đi chỉ trích tật xấu của người. Người ta hay mong mỏi người khác đảm đương công việc nặng nhọc, mà chính mình lại thích việc nhẹ nhõm. Học làm người quân tử phải thi hành đảo ngược lại: trách mình trước, trách người sau; tự mình gánh lấy trách nhiệm nặng nhọc mà trao phần nhẹ nhàng cho người. Nếu trong xã hội mà có nhiều người quân tử như thế, còn có việc gì đáng trách, còn có việc gì nặng nhọc nữa!

33. Mạnh Tử nói: “Vua Nghiêu, vua Thuấn sẵn tính tốt lành; vua Thang, vua Vũ tự phản tỉnh.

“Hành động, dung mạo, trước sau trọn vẹn trúng lễ phép, đó là có đức hạnh đầy đủ hết mức. Khóc người chết mà thương xót, chẳng phải vì người sống. Noi theo đạo đức mà không tà vạy, chẳng phải để kiếm bổng lộc. Nói năng ắt đáng tin, chẳng phải cố sửa nết.

“Người quân tử thi hành Thiên lý đương nhiên để đợi mệnh mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng vua Nghiêu, vua Thuấn là hai trường hợp đặc biệt; các ngài có sẵn tính tốt lành tự nhiên, không cần phải tu tập gì; còn vua Thang, vua Vũ tự phản tỉnh mà nên tốt, tức là tự xét lại các hành vi của mình để sửa chữa cho tốt.

Khi đã nên tốt thật, mọi hành vi, cử chỉ, dung mạo trước sau trọn vẹn đều hợp lễ, không ai chê vào đâu được; đó là người đức hạnh đầy đủ hết mức. Đối với con người ấy, mọi nết tốt đều tự nhiên phát huy không cần cố gắng, không gượng ép. Trường hợp khóc người chết là do sự thương xót tự trong lòng người ấy thể hiện, không phải khóc giả vờ để lấy lòng người sống. Người ấy noi theo đạo đức không phải để kiếm bổng lộc, mà do đạo đức tự phát, không thể làm khác được. Người ấy nói ra toàn những lời thành khẩn, đáng tin, không do gượng gạo chỉnh sửa.

Đó là đức hạnh phép tắc theo Thiên lý của người quân tử. Tuy nhiên người quân tử thi hành phép tắc mẫu mực như vậy để làm gì? Thưa rằng để đợi Mệnh Trời. Trời muốn trao cho người quân tử một sứ mệnh nào đó để mưu ích cho mọi người, để hướng dẫn lịch sử đi sang một ngã rẽ tốt đẹp hơn.

Rốt ráo mà nói, đời sống đạo đức cần có một cứu cánh, đó là niềm tin vào Trời. Không có niềm tin vào Trời, người ta không thể vui sống đạo đức được. Quân tử là người có niềm tin vào Trời mãnh liệt nhất.

34. Mạnh Tử nói: “Nói chuyện với những người cao sang, hãy giữ bình thường, đừng để ý đến vẻ nguy nga của họ. Nếu ta được như ý, ta chẳng làm nhà cao mấy nhận, đầu rui (đòn tay) mấy thước. Nếu ta được như ý, ta chẳng ăn trước bàn cả trượng vuông, có mấy trăm tì thiếp hầu hạ. Nếu ta được như ý, ta chẳng uống rượu vui vẻ miệt mài, ruổi ngựa thẳng rong săn bắn, có nghìn cỗ xe theo sau. Ta đều chẳng làm những gì như ở những người cao sang. Đối với ta, tất cả đều giữ chế độ ngày xưa. Ta nào sợ những người ấy?”

BÌNH GIẢI:

Những người cao sang là những người có thế lực, có địa vị sang giàu thời bấy giờ. Họ là vua quan nắm quyền cai trị, quyền sinh sát trong nước. Họ xây dựng nhà cửa đồ sộ nguy nga, có bàn ăn rộng thênh thang với mấy trăm tì thiếp hầu hạ. Họ say sưa rượu chè suốt ngày hoặc sải ngựa đi săn chim thú quanh rừng; bỏ mặc dân chúng lầm than khốn khổ.

Mạnh Tử cho biết giả như ông được như ý (đắc chí), có địa vị phú quý, quyền thế hơn người, ông không bắt chước lối sống xa hoa phù phiếm vô đạo của những người cao sang đương thời. Học đạo quân tử, ông chỉ giữ theo cách sống của các thánh hiền đời xưa như Nghiêu, như Thuấn: sống đơn sơ, kiệm ước để duy trì đạo lý. Với lý tưởng cao cả đó, ông không sợ đám người cao sang. Ông khuyên các đệ tử khi có việc phải nói chuyện với họ thì hãy coi thường, đừng chú ý gì tới nhà cửa đồ sộ, sang trọng của họ.

35. Mạnh Tử nói: “Nuôi tâm hồn, không gì tốt bằng ít ham muốn. Người nào ít ham muốn, tuy không bảo tồn được đạo nghĩa, thì ít thôi. Người nào nhiều ham muốn, tuy bảo tồn được đạo nghĩa, thì ít thôi.”

BÌNH GIẢI:

Ham muốn chỉ tất cả lòng khao khát thanh, sắc, danh lợi trong đời. Ham muốn khiến cho tâm thức hướng về ngoại giới qua cửa ngõ các giác quan. Do hướng ngoại, bôn chôn, khao khát, lo lắng nhiều, tâm hồn bị bệnh hoạn. Muốn nuôi tâm hồn được khỏe mạnh, trong sáng, không gì tốt bằng giảm trừ ham muốn. Càng ít ham muốn càng tốt. Người nào có tâm hồn trong sáng mới có thể tiếp cận Thiên lý, mới phát huy được đạo nghĩa. Thiên lý là linh lực của Trời như những luồng sóng siêu hình; tâm hồn vẩn đục, bệnh hoạn không thể tiếp thu được. Cổ nhân nói: “Nhân dục thắng, Thiên lý vong: Lòng muốn của con người thắng, lẽ Trời mất.” Điều đó rất đúng.

Mạnh Tử cho rằng người ít ham muốn mà không bảo tồn được đạo nghĩa, nếu có, thì ít lắm. Trái lại, người nhiều ham muốn mà còn bảo tồn được đạo nghĩa, trường hợp đó rất hiếm.

Các Nho gia xưa thường hiểu chữ “tồn” trong đoạn văn trên là “bảo tồn Thiên lý, thành tựu đạo nghĩa”. Tuy nhiên chữ “tồn” còn có thể được hiểu là “sinh tồn”, nghĩa là “còn sống”. Vì thế câu trên có thể được dịch là: “Người nào ít ham muốn tuy không còn sống, thì ít thôi. Người nào nhiều ham muốn tuy còn sống, thì ít thôi.”

Nói khác đi: người nào ít ham muốn thì sống lâu; người nào nhiều ham muốn thì chóng chết.

Điều này cũng không sai, bởi vì nhiều ham muốn thì tâm hồn bị náo loạn sinh bệnh. Tâm bệnh sẽ khiến cho thân xác bệnh theo. Tâm bị bệnh nặng, thân xác cũng bệnh nặng và tử vong. Tâm bệnh không thể dùng thuốc chữa được, chỉ có giảm trừ ham muốn mới khiến tâm khỏe mạnh.

36. Tăng Tích ưa thích táo đen, nên Tăng Tử không nỡ ăn táo đen. Công Tôn Sửu hỏi rằng: “Nem chả và táo đen, thứ nào ngon hơn?” Mạnh Tử nói: “Nem chả ngon thay!”

Công Tôn Sửu nói: “Vậy, sao Tăng Tử ăn nem chả mà không ăn táo đen?”

Đáp: “Nem chả là thứ nhiều người cùng thích; táo đen là thứ một người thích thôi. Kiêng tên mà chẳng kiêng họ; họ thì chung cho nhiều người; tên thì riêng cho một người thôi.”

BÌNH GIẢI:

Lúc sinh thời, Tăng Tích ăn táo đen, cho nên khi Tăng Tích mất rồi, con là Tăng Tử (Tăng Sâm) không nỡ ăn táo đen; vì trông thấy táo đen lại bùi ngùi xúc động nhớ đến cha.

Công Tôn Sửu không hiểu thâm ý ấy, mới đem nem chả ra so sánh với táo đen và hỏi về lý do không ăn táo đen của Tăng Tử.

Mạnh Tử giải thích: nem chả là món ưa thích chung của nhiều người; còn táo đen là món ưa thích riêng của Tăng Tích. Tăng Tử kiêng táo đen để tránh phạm đến cha. Cũng tương tự như người ta tránh tên húy vậy. Tên thì riêng cho một người, cho nên phải kiêng, không dám coi thường. Họ thì chung cho nhiều người, nên không cần kiêng.

37. Vạn Chương hỏi rằng: “Khổng Tử ở nước Trần, nói: ‘Sao chẳng về thôi? Những kẻ sĩ ngông cuồng giản dị ở làng ta, đã tiến thủ, lại không mất tính ban sơ.’ Khổng Tử ở nước Trần sao lại nghĩ về đám cuồng sĩ ở nước Lỗ?”

Mạnh Tử nói: “Khổng Tử không được những người theo trung đạo mà truyền đạt, ắt không đến với đám cuồng quyến sao? Người cuồng chịu tiến lên, người quyến có điều chẳng làm. Khổng Tử há chẳng muốn bậc trung đạo sao? Không thể được, cho nên nghĩ đến hạng dưới vậy.”“Dám hỏi người như thế nào có thể bảo là cuồng?”

Đáp: “Như các ông Cầm Trương, Tăng Tích, Mục Bì. Khổng Tử bảo các ông ấy là cuồng.”

“Sao lại bảo là cuồng?”

Đáp: “Chí khí của họ lớn lao, thường nói rằng: ‘Người đời xưa! Người đời xưa!’ Công bằng mà xét hành vi của họ, thì họ không nắm được gì.

“Người cuồng đã không thể kiếm được, nên muốn kiếm loại kẻ sĩ chẳng thèm làm những điều không trong sạch để truyền đạt. Thế là hạng quyến lại là hạng dưới nữa.”

“Khổng Tử nói: ‘Đi qua cửa ta mà không vào nhà ta, ta chẳng giận những kẻ ấy, riêng đám hương nguyện chăng? Hương nguyện làm hại đạo đức vậy.’ Xin hỏi: Người như thế nào có thể bảo là hương nguyện?”

Đáp: “Sao lại lớn lối vậy? Lời nói chẳng đối đến hành vi, hành vi chẳng đối đến lời nói; hay nói rằng: ‘Người đời xưa! Người đời xưa!’ Hành vi sao mà lủi thủi, lạnh lẽo thế? Đã sống ở đời này, hãy làm việc đời này đi; có thể thế là tốt rồi. Những kẻ giấu diếm mà nịnh đời, đó là đám hương nguyện vậy.”

Vạn Chương nói: “Cả làng đều khen ngợi là những con người thuần túy, không đến nơi nào mà không làm con người thuần túy. Sao Khổng Tử cho họ là làm hại đạo đức?”

Đáp: “Chê họ thì không lấy gì nêu lên được; trách họ thì không có gì để trách. Họ hoà đồng với thói tục thông thường; phù hợp với cõi đời ô trọc. Ăn ở giống như trung, tín; hành động giống như liêm khiết. Mọi người đều vui lòng, tự họ cũng thấy như thế; thế mà họ không thể cùng ta bước vào đạo của Nghiêu Thuấn, cho nên nói là làm hại đạo đức vậy.

“Khổng Tử nói: ‘Ghét cái thứ giống mà chẳng phải thật. Ghét cỏ dữu, sợ rằng nó lộn với lúa miêu. Ghét nịnh hót, sợ rằng nó làm rối điều nghĩa. Ghét khéo miệng, sợ rằng nó làm rối niềm tin. Ghét thanh âm nước Trịnh, sợ rằng nó làm loạn nhã nhạc. Ghét màu tía, sợ rằng nó làm hỏng mầu đỏ. Ghét hương nguyện, sợ rằng họ làm rối loạn đạo đức vậy.”

“Người quân tử trở lại với lời dạy của thánh hiền mà thôi. Lời dạy của thánh hiền được thực hành chính đáng (kinh chính), thì dân thường sẽ hưng khởi. Dân thường hưng khởi, không còn những điều gian tà, giả dối nữa.”

BÌNH GIẢI:

Vạn Chương thắc mắc với Mạnh Tử: khi ở nước Trần, sao Khổng Tử lại có ý muốn trở về cố hương, nước Lỗ, với đám cuồng sĩ?

Mạnh Tử cho biết: Bởi vì Khổng Tử không tìm được những người có khả năng theo trung đạo để truyền đạt đạo lý cao siêu, cho nên mới có ý định trở về với đám cuồng quyến ở quê nhà.

Trung đạo là đạo Trung dung, đạo cao cả xuyên suốt từ đạo quân tử qua thánh đạo, đến Thiên đạo. Người có khả năng theo trung đạo là người có chí hướng trở nên bậc hiền thánh, phối hợp với Trời. Thế mà, sau nhiều năm chu du liệt quốc, Khổng Tử không tìm thấy hạng trung đạo, vì thế ngài thất vọng, muốn trở về quê hương sống với đám cuồng quyến. Cuồng là người tuy ngông nhưng có chí cao, chịu khó thăng tiến. Quyến là người chẳng có tài đức gì, nhưng đáng khen ở chỗ không chịu làm những điều trái đạo. Như thế, cuồng quyến là hạng người bậc dưới so với hạng trung đạo.

Vạn Chương hỏi thêm về người cuồng. Mạnh Tử cho biết, trong cửa Khổng, Khổng Tử bảo các ông Cầm Trương, Tăng Tích, Mục Bì là người cuồng, bởi vì các ông ấy có chí lớn, cho nên ngông nghênh, thường hay ca ngợi người đời xưa để bày tỏ ý chí muốn bắt chước người xưa, tức là học theo Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Cao Dao, Y Doãn, v.v. Thực ra, các ông ấy cũng chưa nắm được tính hạnh gì đặc biệt của người xưa cả. Tuy nhiên, người cuồng cũng hiếm lắm; vì thế, Khổng Tử phải kiếm thêm người quyến để dạy đạo. Người quyến không có chí lớn, nhưng lại đáng khen ở chỗ không dám làm điều càn bậy. So với người cuồng, người quyến là hạng thấp hơn nữa.

Vạn Chương lại hỏi Mạnh Tử về đám hương nguyện. Mạnh Tử cho biết: Hương nguyện là những người chê bai cả hai loại cuồng quyến. Họ chính là những đàn anh trong làng xóm, có địa vị nho nhỏ trong chính quyền địa phương, được dân chúng trọng nể (thời phong kiến ở nước ta gọi là ông lý, ông xã, ông trùm…). Đối với người cuồng, họ chê là những kẻ phách lối, lúc nào cũng bô bô cái miệng, đem người xưa ra làm mẫu mực, nhưng nói một đàng làm một nẻo, chẳng nên trò gì. Đối với người quyến, họ chê là những kẻ lủi thủi một mình, lãnh đạm với mọi người. Họ cho rằng đã làm kiếp người, sao không hoà đồng với mọi người mà sống, hoà được là tốt rồi; còn mơ tưởng cầu kỳ, xa xôi làm gì. Chính xác mà nói, hương nguyện là những kẻ trá hình, giấu diếm nết xấu của mình và dua nịnh theo thói thường thế gian để tranh thủ cảm tình của người ta.

Vạn Chương thắc mắc thêm: đám hương nguyện đều được cả làng khen ngợi là người thuần túy, tử tế; sao Khổng Tử lên án họ là làm hại đạo đức? Mạnh Tử chỉ rõ: xét theo bề ngoài, người ta muốn chê trách hương nguyện cũng khó; vì họ không có hành vi tệ hại lộ liễu đáng chê trách. Họ sống một cuộc đời hoà hợp với xã hội lưu tục, người sao ta vậy; đời say họ cũng say, đời đục họ cũng đục. Họ ăn ở cũng có vẻ trung tín, liêm khiết; nghĩa là không trộm cắp, ức hiếp ai. Tuy nhiên, họ không sống theo đạo quân tử, nghĩa là không thành khẩn trong lòng và không chịu khó thăng tiến mỗi ngày trong điều thiện. Họ có thể làm điều xấu một cách lén lút, nhưng giỏi che đậy để được khen. Tóm lại, hương nguyện là kẻ giả đạo đức, không thể bước vào đạo thánh hiền Nghiêu Thuấn được. Họ làm hại đạo đức là ở chỗ đó! 

Lúc còn sinh thời, Khổng Tử ghét những thứ có bề ngoài tương tự mà chẳng phải thứ thật, vì chúng dễ khiến người ta lầm lộn. Ngài ghét cỏ dữu vì nó giống lúa miêu; ghét lời nịnh hót vì nó có vẻ tử tế hợp nghĩa; ghét đứa khéo miệng, vì nó dễ khiến người ta tin tưởng; ghét thanh âm khiêu dâm của nước Trịnh vì nó làm hỏng nhã nhạc; ghét màu tía vì nó dễ nhầm với màu đỏ chính sắc. Và cuối cùng, ngài ghét đám hương nguyện vì họ sống giả hình, dễ khiến người ta lầm lẫn với người đạo đức thật.

Mạnh Tử kết luận: muốn học làm người quân tử thì phải lấy lời dạy của thánh hiền (kinh) làm chuẩn mực. Ở cương vị người cầm quyền, nếu sống trung thực từ tư tưởng đến ngôn ngữ, hành vi đều theo lời dạy của thánh hiền, đúng đạo Trời (kinh chính), dân chúng sẽ hưng khởi trong nhân đức. Khi dân chúng đã đua nhau sống nhân đức theo người quân tử cầm quyền thì sẽ không còn điều gian tà, giả dối hoành hành được nữa.

38. Mạnh Tử nói: “Từ vua Nghiêu, vua Thuấn cho đến vua Thang có trên năm trăm năm. Tự nhiên vua Vũ, ông Cao Dao được thấy mà biết. Còn như vua Thang được nghe mà biết.

“Từ vua Thang cho đến vua Văn Vương, có trên năm trăm năm. Tự nhiên ông Y Doãn, ông Lai Châu được thấy mà biết. Còn như vua Văn Vương được nghe mà biết.

“Từ vua Văn Vương cho đến Khổng Tử, có trên năm trăm năm. Tự nhiên ông Thái Công Vọng (Khương Tử Nha), ông Tản Nghi Sinh được thấy mà biết. Còn như Khổng Tử được nghe mà biết.

“Từ Khổng Tử cho đến bây giờ (thời Mạnh Tử), có trên một trăm năm. Từ đây mà đến đời Thánh nhân, tự nhiên thời gian đó chưa xa gì; những người ở gần Thánh nhân dường như nhiều lắm; vậy mà không có ai thấy mà biết được ư! Lại cũng không có ai nghe mà biết được ư!”

BÌNH GIẢI:

Ở đây, Mạnh Tử nói tới đạo thống Nho giáo được truyền từ vua Nghiêu, vua Thuấn cho đến thời Chiến Quốc trải qua khoảng 2000 năm. Các Nho gia hằng tin tưởng rằng đạo lý do Trời (Thượng Đế) ban xuống nhân gian, đặt trong lòng người, vì thế Kinh Thi nói:

“Thiên sinh chưng dân,

Hữu vật hữu tắc.

Dân chi bỉnh di,

Hiếu thị ý đức”

(Trời sinh ra mọi người, có vật thì có phép tắc. Mọi người giữ tính thường, muốn có đức tốt.)

Phép tắc ở con người là đạo nhân nghĩa. Như thế, có con người là đã có đạo. Tuy nhiên đạo chỉ phát huy được ở người ít dục vọng; kẻ nào nhiều dục vọng đạo sẽ bị chôn vùi đi.

Đạo nhân nghĩa rõ nét nhất mà người ta còn nhớ được trong lịch sử Trung Hoa cổ đại là khoảng thời gian vua Nghiêu, vua Thuấn cai trị. Xa hơn nữa về trước, chắc chắn đạo vốn có, nhưng không có sử sách ghi và trí khôn loài người cũng không nhớ nổi. Do vậy, đạo thống mà Mạnh Tử nói đến ở đây được tính từ thời Nghiêu Thuấn.

Từ vua Nghiêu, vua Thuấn (khoảng 2357 năm trước Công nguyên) cho đến vua Thang (khoảng 1783 năm trước Công Nguyên) trải qua trên 500 năm. Nghiêu Thuấn là hai vua nhân đức. Đạo đức của các ông ấy, có ông Vũ, ông Cao Dao là những bề tôi thân cận được chứng kiến tận mắt. Sau này, vua Thang chỉ được nghe nói đến mà thôi.

Từ vua Thang (khoảng 1783 năm trước Công nguyên) cho đến Văn Vương (khoảng 1231 năm trước Công nguyên) trải qua trên 500 năm. Vua Thang cũng là một người nhân đức. Tương truyền ông cho khắc vào bồn tắm câu châm ngôn: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân: Ví như mỗi ngày một mới, thì ngày ngày phải đổi mới, ngày lại ngày đổi mới.”; và thường xuyên tu sửa tính nết của mình cho tốt. Đạo đức của vua Thang có ông Y Doãn và ông Lai Châu là những cộng sự thân tín được thấy tận mắt. Sau này Văn Vương chỉ được nghe nói đến mà thôi.

Từ Văn Vương (khoảng 1231 năm trước Công nguyên) cho đến Khổng Tử (sinh năm 551 trước Công Nguyên) trải qua trên 500 năm. Vua Văn Vương là người nhân đức thấm đến dân chúng và được các chư hầu tuân phục. Đạo đức của vua Văn Vương có ông Thái Công Vọng (Khương Tử Nha) và ông Tản Nghi Sinh là những hiền thần thân cận được chứng kiến tận mắt. Khổng Tử chỉ được nghe nói đến mà thôi.

Từ Khổng Tử cho đến thời Chiến Quốc mà Mạnh Tử đang sống, thời gian trải qua chỉ có trên 100 năm. Thời gian đó so với những thời gian trước chẳng có xa gì lắm. Có nhiều người ở nước Lỗ chứng kiến nhân đức của Khổng Tử. Trong đó, nhiều đệ tử đã coi ngài như bậc Thánh, chắc chắn đã có nhiều người thấy biết hoặc nghe nói về hạnh kiểm của bậc Thánh nhân ấy. Đạo lý của ngài đã được truyền lại. Đạo thống mà Mạnh Tử đã nhận được là đạo thống chính truyền do Tăng Tử truyền cho Tử Tư (Khổng Cấp: cháu nội Khổng Tử); từ Tử Tư, đạo đã đến với Mạnh Tử. Như vậy, những lời của Mạnh Tử nói về đạo nhân nghĩa là những lời chân chính, có đầu mối từ Nghiêu Thuấn cho đến Khổng Tử, Tăng Tử và Tử Tư. Đó là một nền đạo đức đáng tin, trải qua sự kế thừa của các bậc hiền thánh.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

5 2 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x