Trang chủ » Chương 16 – Từ người sáng tạo đến người lao động

Chương 16 – Từ người sáng tạo đến người lao động

by Hậu Học Văn
185 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Đột nhiên, trẻ trở thành một người có thể tự làm mọi việc mà không cần tới sự giúp đỡ của người khác. Điều đó đã vượt ra khỏi dự liệu của chúng ta, người lớn lúc này chỉ đóng vai người quan sát. Trong thế giới nhỏ bé này, trẻ thu được những thành tựu thật lớn lao, dần dần thích ứng với đời sống xã hội, đồng thời dần dần thay đổi tính cách của mình.

Ở phần trên, chúng ta đã thảo luận về một giai đoạn phát triển của trẻ. Giai đoạn phát triển này có nhiều điểm tương tự như tình trạng của trẻ khi còn nằm trong tử cung của mẹ. Loại hình phát triển này duy trì cho tới tận khi trẻ lên 3 tuổi. Trong giai đoạn phát triển tiềm ẩn tính sáng tạo này có rất nhiều biến đổi, nhưng sau khi qua đi thì liền lập tức tan biến. Tạo hóa dường như đã vẽ một đường ranh giới, mà ở một bên đường ranh giới đó, chúng ta không thể ghi nhớ, còn mọi thứ xảy ra ở phía bên kia, chúng ta bắt đầu có thể lưu lại trong kí ức. Phần bị quên lãng được chúng ta gọi là giai đoạn “phôi thai tinh thần”, giai đoạn này khác với giai đoạn “phôi thai sinh lí”.

Trong giai đoạn phôi thai tinh thần, các năng lực khác nhau sẽ phát triển một cách độc lập, ví dụ như ngôn ngữ, sự vận động của tay, chân… Một số năng lực cảm giác cũng dần dần hình thành, điều này khiến chúng ta nhớ lại giai đoạn trước khi chào đời. Ở giai đoạn đó, các cơ quan sinh lí phát triển độc lập mà không quan tâm đến tình trạng phát triển của các cơ quan khác. Trong giai đoạn phôi thai tinh thần, chúng ta phát hiện các năng lực kiểm soát tâm lí khác nhau cũng xuất hiện độc lập. Đừng lấy làm ngạc nhiên vì chúng ta không thể nhớ được những gì xảy ra trong giai đoạn này, bởi vì khi đó nhân cách con người vẫn chưa được định hình. Chỉ sau khi các cơ quan trong cơ thể đã phát triển hoàn toàn, nhân cách con người mới được định hình rõ nét.

Vào thời điểm 3 tuổi, sự sống dường như bắt đầu lại lần nữa, bởi vì trong giai đoạn này, ý thức xuất hiện và bắt đầu phát huy tác dụng. Hai giai đoạn vô thức và có ý thức dường như có một ranh giới rất rõ ràng. Trong giai đoạn vô thức, kí ức không hề tồn tại. Chỉ khi ý thức xuất hiện, chúng ta mới có thể có nhân cách nhất định và có khả năng ghi nhớ.

Trước 3 tuổi là giai đoạn xây dựng các loại chức năng. Sau 3 tuổi là giai đoạn phát triển các chức năng đó. Ranh giới giữa hai giai đoạn này giống như dòng sông quên lãng trong truyện Thần thoại Hi Lạp vậy. Chúng ta phát hiện ra rằng, con người rất khó nhớ những gì xảy ra trước 3 tuổi, chứ đừng nói đến trước 2 tuổi. Các chuyên gia phân tích tâm lí đang cố gắng khơi dậy kí ức của con người về giai đoạn này, nhưng dường như không ai có thể nhớ được những gì đã diễn ra khi họ chưa đủ 3 tuổi. Thật là kịch tính! Trong thời gian này, con người đã trải qua một quá trình sáng tạo từ không đến có, nhưng lại không thể nhớ được bất cứ điều gì đã diễn ra.

Người sáng tạo trong trạng thái vô thức đó, chính là đứa trẻ dưới 3 tuổi, đã hoàn toàn bị xóa sạch trong kí ức của loài người. Sau 3 tuổi, trước mặt chúng ta dường như là một đứa trẻ hoàn toàn khác. Sợi dây nối liền giữa người lớn và trẻ nhỏ đã bị tự nhiên cắt đứt. Vì vậy, những điều mà chúng ta làm với trẻ dưới 3 tuổi có thể có tính phá hoại. Cần nhớ rằng, trong giai đoạn đầu tiên này của cuộc đời trẻ, trẻ phải hoàn toàn dựa vào người lớn chúng ta. Trẻ hoàn toàn không có khả năng tự bảo vệ, trừ khi người lớn tuân thủ những quy luật của tự nhiên hoặc dưới ảnh hưởng của khoa học, tuân thủ những quy luật của tự nhiên. Nếu không chính chúng ta sẽ trở thành một chướng ngại vô cùng lớn trong quá trình phát triển của trẻ.

Khi giai đoạn này kết thúc, trẻ đã có được năng lực bảo vệ bản thân. Nếu cảm thấy đang bị người lớn quản chế, trẻ sẽ bộc lộ sự phản kháng thông qua ngôn ngữ hoặc một số trò phá hoại. Tuy nhiên mục đích thật sự của việc làm này của trẻ không phải để bảo vệ bản thân. Việc trẻ muốn làm là tìm hiểu môi trường xung quanh mình, tìm phương thức tự phát triển bản thân. Vậy trẻ muốn phát triển những gì? Thứ trẻ muốn phát triển chính là những năng lực đã được sáng tạo ở giai đoạn trước đó. Vì vậy, từ 3–6 tuổi, trẻ đã có đủ ý thức để nghiên cứu môi trường xung quanh, bắt đầu một giai đoạn kiến thiết, sáng tạo thật sự. Những năng lực tiềm ẩn được sáng tạo trong giai đoạn trước nay bắt đầu từ từ bộc lộ ra, đó là do tác dụng của những kinh nghiệm có ý thức của trẻ. Những kinh nghiệm đó không chỉ là việc vui chơi hay một chuỗi những hành vi ngẫu nhiên mà nó phục vụ cho quá trình trưởng thành. Đôi tay chịu sự chi phối của trí tuệ của trẻ bắt đầu tham gia vào các hoạt động điển hình của con người. Nếu nói trong giai đoạn đầu tiên, trẻ chỉ quan sát thế giới này một cách bị động, thầm lặng xây dựng nền tảng tâm lí cho mình thì tới giai đoạn thứ hai, trẻ bắt đầu phát huy ý nguyện cá nhân một cách hữu hiệu. Nếu trong giai đoạn đầu, trẻ chịu sự chỉ đạo của một sức mạnh thần bí tiềm ẩn bên trong thì đến giai đoạn này, trẻ đã có thể tự quyết định hành vi của mình, vì vậy đôi tay của trẻ bắt đầu trở nên bận rộn. Một đứa trẻ ban đầu chỉ tiến hành học tập và tiếp thu tri thức từ môi trường trong trạng thái vô thức, giờ đây đã có thể tự bắt tay vào cải tạo thế giới.

Một hình thức phát triển khác bắt đầu, đó là hoàn thiện những gì đã tiếp thu được trong giai đoạn trước đó. Ngôn ngữ là một ví dụ điển hình, bởi vì sự phát triển tự nhiên của nó sẽ tiếp tục cho đến khi trẻ khoảng 5 tuổi. Dù ngôn ngữ đã xuất hiện khi trẻ được khoảng 2 tuổi rưỡi, nhưng cho đến lúc này mới bắt đầu hoàn thiện, bởi vì bây giờ trẻ không những có thể nói được từ đơn mà còn có thể nói một số câu đúng ngữ pháp. Đến thời điểm này, trẻ còn có năng lực cảm giác đặc biệt (ở các chương trước, chúng ta gọi đó là thời kì nhạy cảm ngôn ngữ), loại năng lực cảm giác này có thể tăng cường việc ghi nhớ âm thanh một cách chính xác và năng lực biểu đạt ngôn ngữ một cách phong phú.

Vì vậy trong giai đoạn này, trẻ có hai khuynh hướng: Một là tăng cường ý thức hành vi của bản thân trong môi trường, hai là hoàn thiện các năng lực đã hình thành của bản thân. Điều đó cho thấy 3–6 tuổi là giai đoạn thông qua hành vi để tiến hành “sự hoàn thiện mang tính kiến thiết”.

Khả năng học hỏi, tiếp thu từ môi trường một cách không mệt mỏi của trẻ cho đến lúc này vẫn tồn tại, nhưng dưới sự trợ giúp của kinh nghiệm chủ động đã trở nên phong phú hơn. Trẻ không những có thể phát huy tác dụng của cảm giác, mà còn đích thân tham dự quá trình này. Tay trở thành cơ quan thừa lệnh của não bộ. Trước kia, dưới sự dẫn dắt của người lớn, trẻ học hỏi và tiếp thu bằng quan sát, còn bây giờ trẻ trực tiếp chạm vào các sự vật đó và tiến hành phân loại. Trẻ vô cùng bận rộn, hào hứng, đôi tay không ngừng làm hết việc này đến việc khác. Trí lực của trẻ đã chuyển từ giai đoạn hình thành sang giai đoạn phát triển. Trẻ hi vọng có thể thông qua hành động của bản thân để khám phá thế giới, bởi vì trong giai đoạn hình thành này còn xuất hiện một bước phát triển tâm lí nữa.

Độ tuổi này thường được gọi là “tuổi vui chơi”. Trước đây chúng ta đã có hiểu biết nhất định về điều này, nhưng cho đến gần đây nó mới được coi là một đề tài nghiên cứu khoa học thật sự.

Ở châu Âu và châu Mỹ, tốc độ phát triển văn minh nhanh chóng đã tạo nên hố sâu ngăn cách giữa con người và tự nhiên. Con người hi vọng thỏa mãn nhu cầu của trẻ bằng số lượng lớn các món đồ chơi, nhưng nhu cầu thật sự của trẻ vốn không phải là những món đồ chơi đó. Trẻ thuộc lứa tuổi này có nhu cầu tiếp xúc với nhiều thứ khác nhau, nhưng lại không được chạm đến các đồ vật thật sự. Người lớn còn ngăn cấm trẻ đụng vào rất nhiều thứ mà trẻ đã nhìn thấy, chỉ còn một thứ duy nhất chúng được cho phép tiếp xúc, đó là cát. Hiện tượng này vô cùng phổ biến. Cũng có đôi khi trẻ được phép nghịch nước, nhưng không được nghịch cho thỏa thích. Vì như thế trẻ sẽ làm cho mình ướt từ đầu đến chân, cát và nước trộn lẫn sẽ làm nên một mớ hỗn độn bẩn thỉu, mà người lớn thì không bao giờ thích phải dọn dẹp “bãi chiến trường” sau khi trò chơi kết thúc.

Nhưng ở những nước mà các loại đồ chơi chưa phổ biến thì trẻ con lại có những thú vui khác. Những đứa trẻ này vẫn giữ được sự nhạy cảm và niềm vui thích đối với các sự vật ở môi trường xung quanh. Suy nghĩ duy nhất của trẻ là muốn được tham dự vào những điều đang diễn ra ở môi trường quanh mình, trẻ nhỏ và người lớn dường như cùng làm những việc giống nhau. Khi mẹ giặt quần áo, làm bánh mì hay bánh ngọt, lũ trẻ cũng tham gia vào việc đó. Mặc dù những hành vi của trẻ là bắt chước, mô phỏng, nhưng đó là sự mô phỏng một cách có lựa chọn và mô phỏng một cách thông minh. Trẻ coi những hành vi đó là sự chuẩn bị cho hoạt động của mình trong môi trường. Tất nhiên trẻ làm mọi việc là để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, thỏa mãn nhu cầu phát triển cái tôi của mình. Ở trường học của tôi, chúng tôi cung cấp cho trẻ đủ mọi thứ để có thể bắt chước. Chúng được duy trì là vì trẻ; kích thước to nhỏ, nặng nhẹ sao cho phù hợp với trẻ. Các căn phòng được thiết kế riêng cho trẻ nhỏ, ở đó trẻ được chơi tự do và nhờ thế có thể tự do trưởng thành.

Những quan điểm nói trên xem ra rất đúng đắn. Nhưng khi tôi đưa ra quan điểm này lần đầu tiên đã gặp phải những ánh mắt kinh ngạc vô cùng. Tôi và các trợ lí đã chuẩn bị một căn phòng dành riêng cho trẻ từ 3–6 tuổi, ở đó chúng có thể vui chơi như thể đang ở nhà. Việc làm này cũng bị mọi người đánh giá là không thể tưởng tượng nổi. Những chiếc bàn nhỏ, ghế nhỏ, đĩa nhỏ, bát nhỏ được chuẩn bị sẵn cho lũ trẻ. Trẻ được tự rửa bát đĩa, tự bày bàn ăn, tự làm vệ sinh, hơn nữa còn tự mặc quần áo. Đối với mọi người lúc bấy giờ, đó là những cải cách giáo dục kì quặc.

Trẻ phải tham gia vào đời sống xã hội là một việc vô cùng mới lạ đối với họ. Còn đối với trẻ thì những thứ tương tự cuộc sống thực đó có ý nghĩa hơn nhiều so với các trò chơi.

Nhà giáo dục học nổi tiếng người Mỹ – giáo sư Dewey nói, ông tưởng rằng ở các thành phố trung tâm của nước Mỹ như New York sẽ có những món đồ được thiết kế riêng cho trẻ em. Vì vậy ông đã làm một cuộc điều tra riêng về các cửa hàng ở New York nhằm tìm kiếm một số món đồ, ví dụ như những chiếc chổi nhỏ, đĩa nhỏ… Nhưng ông đã không tìm được những thứ đó, người ta cơ bản không hề có ý định sản xuất những món đồ như vậy. Ông đã cảm thấy rất kinh ngạc: “Lũ trẻ đã bị lãng quên mất rồi!”

Trẻ đã không chỉ bị lãng quên trên phương diện đó, mà chúng còn là những công dân bị quên lãng. Thế giới mà trẻ sinh sống có rất nhiều thứ thỏa mãn nhu cầu của những người khác, nhưng lại không có những thứ thỏa mãn nhu cầu của trẻ em. Trong thế giới trống rỗng đó, lũ trẻ chỉ có thể lang thang không mục đích, thỉnh thoảng bày một vài trò tinh quái, đánh vỡ đồ chơi của mình nhằm tìm kiếm sự thỏa mãn về tinh thần. Còn người lớn đã hoàn toàn không chú ý tới nhu cầu thực sự của trẻ.

Trong trường học của tôi, chúng tôi đã phá vỡ ranh giới này, vén tấm màn phủ lên thực tế. Chúng tôi mang lại cho trẻ những thứ mà trẻ thực sự cần và mong muốn những thứ đó sẽ khiến trẻ cảm thấy vui vẻ, nhưng những gì chúng tôi nhận lại còn to lớn hơn nhiều. Tính cách của lũ trẻ đã thay đổi, dấu hiệu rõ ràng nhất là trẻ có khuynh hướng độc lập. Dường như trẻ đang nói rằng: “Cháu muốn tự làm mọi việc, không cần ai phải giúp đỡ cháu.”

Đột nhiên, trẻ trở thành một người có thể tự làm mọi việc mà không cần tới sự giúp đỡ của người khác. Điều đó đã vượt ra khỏi dự liệu của chúng ta, người lớn lúc này chỉ đóng vai người quan sát. Trong thế giới nhỏ bé này, trẻ thu được những thành tựu thật lớn lao, dần dần thích ứng với đời sống xã hội, đồng thời dần dần thay đổi tính cách của mình.

Kết quả của việc làm này không những có thể mang lại cho trẻ niềm vui mà còn mở ra cánh cửa giúp chúng trưởng thành. Niềm vui không phải là mục đích duy nhất của giáo dục. Một người phải có được sự độc lập cả về năng lực lẫn tính cách thì mới có thể nắm lấy vận mệnh của chính mình. Đó là thứ mà những năm tháng tuổi thơ đã bày ra cho chúng ta, ý thức một khi vừa xuất hiện là đã bắt đầu chi phối vận mệnh của chúng ta.

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x