Trang chủ » Chương 17: SUY NGẪM VỀ CÁI CHẾT

Chương 17: SUY NGẪM VỀ CÁI CHẾT

by Trung Kiên Lê
118 views

Thật là một nghịch lý to lớn khi một trong những người thầy vĩ đại nhất của muôn đời hóa ra lại là cái chết. Không một ai, không một tình huống nào từng có thể dạy bạn nhiều như những gì mà cái chết dạy bạn. Trong khi một ai đó chỉ có thể nói với bạn rằng bạn không phải là cơ thể của bạn, cái chết sẽ cho bạn thấy luôn sự thật này. Trong khi ai đó chỉ có thể nhắc nhở bạn về sự vô nghĩa của những gì mà bạn đang bám chấp, cái chết tước đi tất cả những thứ đó chỉ trong một giây. Trong khi người ta chỉ có thể dạy bạn rằng đàn ông và đàn bà thuộc mọi chủng tộc đều bình đẳng và rằng không có sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo, cái chết ngay lập tức khiến tất cả chúng ta trở nên giống nhau.

Câu hỏi đặt ra là, không lẽ bạn định đợi cho đến giây phút cuối đời để cho cái chết làm người thầy dạy bạn những chân lý đó? Chính những nguy cơ dẫn đến cái chết cũng đã có đủ quyền năng dạy cho chúng ta bất cứ lúc nào. Người thông thái, khôn ngoan sẽ nhận ra rằng vào bất cứ lúc nào họ cũng có thể thở ra mà không còn hít hơi vào được nữa. Điều này có thể xảy ra vào bất kỳ thời khắc nào, tại bất kỳ địa điểm nào, và đó là lúc hơi thở cuối cùng của bạn ra đi mãi mãi. Đây là bài học quý giá cho bạn. Người khôn ngoan sẽ luôn sẵn sàng đón nhận thực tế, những điều không thể tránh và cái chết không báo trước.

Bất kỳ khi nào gặp rắc rối, hãy nghĩ về cái chết. Giả sử bạn thuộc tuýp người hay ghen, và bạn không thể chịu được khi có ai đó thân mật với người bạn đời của mình. Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn không còn tồn tại trên thế gian này. Có thực sự lãng mạn không nếu người bạn yêu thương sống một mình mà không có ai thay bạn chăm sóc cho họ? Nếu bạn có thể vượt qua những vướng mắc cá nhân, bạn sẽ nhận ra rằng bạn muốn người bạn yêu thương được hạnh phúc và có cuộc sống trọn vẹn, tốt đẹp. Nếu đó là điều bạn thực sự muốn dành cho họ, vậy tại sao bạn lại gây khó dễ chỉ vì họ nói chuyện với người khác?

Không nên xem cái chết như một thách thức để bạn sống ở cấp độ cao nhất. Tại sao phải đợi đến lúc bạn bị lấy đi tất cả mọi thứ thì mới bắt đầu loay hoay tìm cách đào sâu vào bên trong bản thân mình để khám phá tiềm năng cao nhất của bạn? Người thông thái sẽ quả quyết: “Nếu chỉ với một hơi thở mà tất cả đều có thể thay đổi, vậy thì tôi muốn sống ở bậc cao nhất có thể khi vẫn còn tồn tại trên cõi đời này. Tôi sẽ không gây phiền toái cho những người tôi yêu thương.

Tôi sẽ sống cuộc đời từ phần sâu kín nhất của con người tôi”. Đây là tâm thức cần thiết cho những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa. Hãy nghĩ lại xem chúng ta đã đối xử vô cảm như thế nào với những người thân thương của mình. Chúng ta nghiễm nhiên cho rằng họ đang ở đó và sẽ luôn ở đó vì chúng ta. Vậy nếu họ chết đi thì sao? Nếu bạn chết đi thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn biết rằng đây là buổi tối cuối cùng bạn được gặp họ? Hãy tưởng tượng một thiên thần bay xuống và nói với bạn rằng: “Hãy sắp xếp mọi việc. Con sẽ không thức dậy sau giấc ngủ đêm nay. Con sắp đến với ta”. Thể là bạn biết rằng tất cả những người bạn gặp ngày hôm đó sẽ là những người bạn gặp lần cuối. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Bạn sẽ tương tác với họ ra sao?

Thậm chí liệu bạn có còn bận tâm đến những ác cảm vụn vặt và những lời than phiền oán trách mà bạn “gieo rắc” xung quanh mình bấy lâu nay? Bao nhiêu tình yêu thương bạn có thể trao cho những người yêu thương khi biết rằng đó là lần cuối cùng bạn ở cùng họ? Hãy hình dung cuộc sống đã như thế nào nếu từ trước đến giờ bạn trao gửi yêu thương với tất cả mọi người trong từng khoảnh khắc sống. Cuộc sống của bạn hẳn đã hoàn toàn khác. Bạn nên suy ngẫm về điều này. Nghĩ về cái chết không phải là một tư tưởng không lành mạnh. Cái chết là bậc thầy vĩ đại nhất muôn đời.

Hãy dành ít phút để xem xét những gì mà bạn nghĩ là bạn cần. Ngẫm xem bạn đã dành bao nhiêu thời gian và sinh lực cho nhiều hoạt động khác nhau trong đời. Thử hình dung nếu bạn biết bạn sẽ ra đi” trong khoảng một tuần hoặc một tháng nữa. Điều này sẽ thay đổi mọi thứ như thế nào? Những ưu tiên trong cuộc sống của bạn sẽ thay đổi ra sao? Những quan điểm của bạn sẽ thay đổi như thế nào? Hãy thành thật suy nghĩ về những gì bạn sẽ làm trong tuần cuối cùng của cuộc đời. Quả là một ý tưởng tuyệt vời để suy ngẫm. Sau đó, hãy cân nhắc câu hỏi tiếp theo đây: “Nếu đó thực sự là những gì bạn sẽ làm với tuần cuối cùng của bạn, vậy hãy nghĩ xem bạn định sẽ làm gì cho phần thời gian còn lại của cuộc đời mình? Lãng phí nó? Vứt bỏ nó? Đối xử với nó như thể nó chẳng phải là cái gì quý giá cả? Bạn đang làm gì với cuộc sống của bạn thế? Đó là những câu hỏi đến từ cái chết”.

Giả sử bạn đang sống mà không hề nghĩ đến cái chết, và rồi Thần chết hiện ra và nói: “Hãy đến đây, đã đến lúc phải đi rồi”. Bạn thảng thốt: “Ôi không. Ít ra Ngài phải cảnh báo trước cho tôi để tôi có chút thời gian nghĩ xem tôi muốn làm gì với tuần cuối cùng của mình chứ. Tôi cần sống thêm một tuần nữa”. Bạn có biết Thần chết sẽ nói gì với bạn không? Ông ấy sẽ nói: “Lạy Chúa tôi! Chỉ tính năm vừa qua ta đã cho ngươi năm mươi hai tuần rồi. Và còn tất cả những tuần trước đó nữa. Tại sao ngươi còn cần thêm một tuần nữa? Thể người đã làm gì với biết bao nhiêu tuần đã qua?”. Nếu được hỏi như thế, bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ trả lời ra sao? “Tôi đã không để ý… Tôi đã không nghĩ rằng điều này quan trọng đến thế”. Quả là đáng ngạc nhiên khi bạn có thể nói như thể về cuộc đời của chính mình.

Cái chết là một bậc thầy vĩ đại. Nhưng ai trong chúng ta sống mà đạt được mức độ nhận thức sâu sắc đó? Bất kể bạn bao nhiêu tuổi, bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể trút hơi thở cuối cùng. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai – trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên, hay những người ở tuổi trung niên – chứ không chỉ xảy ra với người già. Một hơi thở và tất cả chấm dứt. Không ai biết khi nào đến lượt họ. Cho biết trước không phải là cách thức vận hành của cái chết.

Vậy thì tại sao lại không đủ dũng khí để thường xuyên suy ngẫm về cách bạn sẽ sống trong tuần cuối đời này? Nếu bạn đặt câu hỏi này cho những người thực sự thức tỉnh, họ sẽ không gặp trở ngại gì khi trả lời bạn. Chẳng có điều gì thay đổi bên trong họ. Chẳng có ý nghĩ khác biệt nào băng qua tâm trí họ. Nếu cái chết xảy đến trong một giờ nữa, nếu cái chết xảy đến trong một tuần nữa, hoặc nếu cái chết xảy đến trong một năm nữa, họ vẫn sẽ sống giống y như cách mà họ đang sống hiện giờ. Không có bất cứ điều gì trong sâu thẳm trái tim mà lẽ ra họ đã phải làm từ lâu. Nói cách khác, họ đang sống một cuộc đời trọn vẹn, không nhượng bộ hay bày trò với chính mình.

Bạn phải sẵn sàng suy nghĩ về việc cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu Thần chết gõ cửa nhà bạn. Và rồi bạn phải quyết định sẽ luôn an nhiên tự tại trong chính bản thân mình để cái chết không gây ra sự khác biệt nào cho dù nó có đến hay không. Có câu chuyện về một bậc thầy yoga như thế này: Ông nói rằng mọi giây phút trong đời mình ông đều cảm thấy như thể có một thanh kiếm treo lơ lửng trên đầu mình trên một tấm mạng nhện mong manh. Ông sống mỗi ngày trong đời với nhận thức rằng ông đang cận kề cái chết. Bạn cũng ở gần cái chết như thế. Mỗi lần bạn bước lên xe, mỗi lần bạn băng qua đường và mỗi lần bạn ăn món gì đó, tất cả đều có thể là việc cuối cùng bạn làm trong đời.

Bạn có nhận ra rằng việc bạn đang làm ở bất kỳ thời khắc nào đều là việc mà một ai đó đang làm khi Thần chết gõ cửa? “Ông ấy qua đời khi đang ăn tối… Anh ấy mất trong một vụ tai nạn xe hơi, cách nhà hai dặm… Cô ấy chết trong tai nạn máy bay khi đang trên đường đến New York… Cậu ấy đi ngủ và không bao giờ tỉnh dậy nữa…” Đôi khi đây là cách cái chết xảy đến với một ai đó. Bất kể bạn đang làm gì, bạn hãy nghĩ đến việc có người đã “ra đi” khi đang làm việc tương tự.

Bạn không được sợ hãi khi bàn về cái chết. Đừng căng thẳng về nó. Thay vào đó, hãy để sự hiểu biết này giúp bạn sống mỗi giây phút cuộc đời một cách trọn vẹn, bởi vì mỗi phút giây đều quan trọng. Đó là điều xảy ra với ai đó khi họ chỉ còn một tuần để sống. Bạn có thể đoan chắc rằng họ sẽ nói với bạn tuần quan trọng nhất họ có trong đời là tuần cuối cùng này. Mọi điều đều trở nên có ý nghĩa gấp triệu lần trong tuần cuối cùng đó. Liệu cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu bạn sống tất cả mọi tuần đều theo cách đó?

Bây giờ, bạn nên hỏi bản thân tại sao bạn chưa sống theo cách như vậy. Bạn sẽ chết. Bạn biết điều đó. Bạn chỉ không biết là khi nào. Tất cả, từng thứ một, đều sẽ vụt khỏi tầm tay bạn. Bạn sẽ để lại sau lưng của cải, những người thân yêu, cùng tất cả những hy vọng, ước mơ, hoài bão đối với cuộc sống này. Bạn sẽ bất ngờ được mang đi khỏi nơi bạn đang ở. Bạn sẽ ngay lập tức không được tiếp tục đóng những vai mà hiện giờ bạn đang dành trọn thời gian để “diễn”. Cái chết biển đổi mọi thứ trong tích tắc. Đó là thực tế vẫn luôn xảy ra. Nếu tất cả mọi thứ đều có thể bị thay đổi trong chớp mắt như thế, vậy thì suy cho cùng mọi thứ đều không thật. Có lẽ bạn nên kiểm chứng bạn là ai. Có lẽ bạn nên nhìn sâu hơn vào mọi thứ.

Vẻ đẹp của việc nắm rõ những sự thật sâu xa này nằm ở chỗ bạn không cần phải thay đổi cuộc sống của bạn, bạn chỉ cần thay đổi cách bạn sống cuộc đời của mình. Điều bạn cần xem xét không phải là bạn đang làm những gì; mà bạn đang dành bao nhiêu phần trong con người bạn cho việc đó. Lấy một ví dụ rất đơn giản: Bạn đã đi bộ ngoài trời cả ngàn lần, nhưng có bao nhiêu lần bạn thực sự thưởng thức buổi đi bộ đó? Hãy tưởng tượng một người nằm trên giường bệnh và vừa được cho biết là chỉ còn một tuần để sống. Họ ngước nhìn bác sĩ và hỏi: “Tôi có thể đi dạo ngoài trời không? Tôi có thể ngắm nhìn bầu trời chỉ một lần nữa không?”. Nếu trời bên ngoài đang mưa, họ sẽ muốn cảm nhận cơn mưa một lần nữa. Đối với họ, đó ắt hẳn là điều quý giá nhất. Trong khi bạn thì không thích mưa chút nào. Bạn chạy nhanh để tránh khỏi nó và che chắn kỹ càng.

Điều gì ngăn trở chúng ta sống cuộc đời của mình? Phần nào bên trong chúng ta quá sợ hãi đến mức ngăn cản chúng ta hưởng thụ cuộc sống như thế. Chính cái phần bên trong đó bận tâm đến việc làm sao để điều sắp xảy ra phải theo đúng mong muốn của nó, đến mức độ chúng ta không thể có mặt ở đây, ngay bây giờ để sống cuộc đời của mình. Trong khi đó, cái chết vẫn đang bám theo chúng ta. Bạn có muốn sống thực sự trước khi cái chết có thể đến bất ngờ không? Có thể bạn sẽ không nhận được lời cảnh báo.

Rất hiểm người được cho biết thời khắc họ sẽ chết. Hầu như tất cả mọi người chỉ hít thở mà không hề hay biết rằng đó là hơi thở cuối cùng của họ. Vậy thì, hãy bắt đầu tận dụng mỗi ngày để buông bỏ phần sợ hãi trong bạn – cái phần không cho bạn sống cuộc đời trọn vẹn. Vì bạn biết rằng mình sẽ chết nên hãy vui vẻ nói điều cần nói và làm việc cần làm. Hãy vui vẻ sống trọn vẹn phút giây hiện tại mà không lo sợ về những gì sẽ xảy ra trong giây phút tiếp theo. Đó là cách con người sống khi đối mặt với cái chết. Bạn cũng nên bắt đầu làm điều này, vì bạn đang đối mặt với cái chết trong từng khoảnh khắc cuộc đời. Học cách sống như thể bạn đang đối diện với cái chết vào mọi lúc, và bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và cởi mở hơn.

Nếu bạn sống cuộc đời trọn vẹn, bạn sẽ không có ước muốn cuối cùng nào chưa được thực hiện. Vì bạn đã và sẽ thực hiện những ước muốn này từng giây từng phút. Chỉ khi đó bạn mới có một cuộc sống với đầy đủ trải nghiệm và giải phóng cái phần sợ sống bên trong bạn.

Chẳng có lý do gì để sợ cuộc sống. Và nỗi sợ sẽ tan biến dần khi bạn hiểu rằng chỉ có một điều duy nhất để nhận từ cuộc sống, đó chính là sự trưởng thành đến từ việc trải nghiệm cuộc sống. Cuộc sống chính là sự nghiệp của bạn, và sự tương tác giữa bạn với cuộc sống là mối quan hệ có ý nghĩa nhất của bạn. Những việc còn lại bạn làm chỉ là tập trung vào những phần “râu ria” của cuộc sống để thêm chút gia vị cho cuộc sống của bạn. Còn điều thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống chính là sẵn sàng sống cuộc sống đó. Đó là việc sẵn sàng trải nghiệm tất cả mọi sự kiện của cuộc sống, không chỉ là một sự kiện cụ thể nào. Sẽ ra sao nếu bạn biết rằng người mà bạn sắp nhìn thấy sẽ là người cuối cùng bạn nhìn thấy?

Bạn sẽ “say” trong cuộc gặp đó và trải nghiệm từng giây phút. Bất kể họ đang nói gì, bạn cũng chỉ lắng nghe như nuốt từng lời vì đó sẽ là cuộc gặp cuối cùng của bạn. Sẽ ra sao nếu bạn đem mức độ nhận thức này đến mọi cuộc nói chuyện? Bạn sẽ làm như thế khi bạn được báo trước rằng cái chết đang đến rất gần: Như vậy sự thay đổi là tùy thuộc ở bạn, không phải ở cuộc sống. Người tìm kiếm sự sống đúng nghĩa nguyện sống như thể trong mọi giây phút cuộc đời và không để cho bất cứ điều gì cản trở họ.

Vậy tại sao lại có điều gì đó cản trở bạn? Dù gì thì bạn cũng sẽ chết đi mà.

Nếu bạn thôi thúc bản thân phải sống như thể đây là tuần cuối cùng của bạn, tất cả những khao khát dồn nén sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn. Nó sẽ bắt đầu nói về mọi điều mà bạn luôn muốn làm, và có lẽ bạn nghĩ rằng bạn nên bắt tay vào thực hiện ngay. Ngay sau đó bạn sẽ nhận ra rằng đó không phải là câu trả lời. Bạn cần phải hiểu rằng chính khao khát muốn nhận được những trải nghiệm đặc biệt từ cuộc sống sẽ khiến bạn bỏ lỡ trải nghiệm cuộc sống thực sự. Cuộc sống không phải là cái mà bạn có được, đó là cái mà bạn trải nghiệm. Cuộc sống vẫn tồn tại dù có hay không có bạn. Nó đã tiếp diễn qua hàng tỷ năm rồi. Chỉ là bạn may mắn được nhìn thấy một lát cắt nhỏ bé của nó.

Nếu tâm trí bạn bận tìm cách để có được một thứ gì đó, bạn sẽ bỏ lỡ mất phần lát cắt cuộc sống đang thực sự diễn ra cho bạn trải nghiệm. Mỗi trải nghiệm cuộc sống đều khác nhau, và mỗi trải nghiệm đều vô giá. Cuộc sống không phải là “thứ” để lãng phí. Nó thực sự quý giá. Đó là lý do vì sao cái chết là bậc thầy vĩ đại như vậy. Chính cái chết đã khiến cuộc sống trở nên quý giá. Hãy xem cuộc sống trở nên đáng trân quý đến mức nào khi bạn tưởng tượng rằng mình chỉ còn một tuần để sống. Hãy xem cuộc sống sẽ còn đáng quý không nếu không có cái gọi là “cái chết”? Bạn luôn lãng phí mỗi giây phút của cuộc sống bởi vì bạn nghĩ rằng bạn luôn có nó. Chính vì hiếm nên quý giá. Chính sự khan hiếm khiến cho một hòn đá trở thành một viên ngọc quý hiếm.

Vì vậy, cái chết thực sự mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Cái chết là bạn của bạn. Cái chết là người giải phóng bạn. Vì cuộc sống, hãy đừng nên sợ chết. Hãy cố gắng tìm hiểu những gì cái chết đang nói với bạn. Cách học hỏi đỉnh cao là nắm bắt từng giây phút của cuộc sống và nhận ra rằng điều quan trọng là sống trọn vẹn mỗi giây phút ấy.

Nếu bạn sống mỗi phút giây thật trọn vẹn, bạn sẽ có một cuộc sống tròn đầy hơn và bạn sẽ không cần phải sợ cái chết. Bạn sợ chết vì bạn khao khát được sống. Bạn sợ chết vì bạn nghĩ rằng có một số điều bạn vẫn chưa trải nghiệm. Nhiều người cảm thấy rằng cái chết sẽ lấy đi thứ gì đó của họ, trong khi người khôn ngoan, thông thái thì hiểu được rằng cái chết không ngừng trao tặng họ một cái gì đó. Cái chết đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Bạn là người vứt bỏ cuộc sống của chính bạn, bạn phung phí mỗi giây sự sống. Bạn ngồi lên xe, lái từ điểm này đến điểm kia, và trên đường đi bạn không thật sự nhìn thấy gì. Thậm chí bạn cũng không thật sự ở đó. Bạn bận suy nghĩ về những gì bạn dự định làm tiếp theo. Bạn sống trước bản thân bạn một tháng, hay thậm chí là một năm. Bạn không đang sống cuộc sống của bạn, bạn chỉ đang sống với tâm trí của bạn mà thôi. Vậy ra chính bạn mới là người vứt bỏ cuộc sống của chính bạn chứ không phải cái chết.

Cái chết thực sự giúp bạn kéo cuộc sống trở lại bằng cách khiến bạn chú tâm đến thời điểm hiện tại. Nó khiến bạn thốt lên: “Ôi Chúa ơi, mình sắp đánh mất điều trân quý này. Suýt nữa mình mất đi những đứa con của mình. Đây có thể đã là lần sau cùng mình nhìn thấy chúng. Từ giờ trở đi mình sẽ quan tâm nhiều hơn đến các con, chồng/vợ mình, tất cả những người thân yêu và bạn bè mình. Mình muốn nhận được nhiều hơn nữa từ cuộc sống!”.

Nếu bạn đang sống trọn vẹn với môi trải nghiệm thì cái chết sẽ chẳng lấy đi bất cứ điều gì từ bạn.

Chẳng có gì để lấy đi cả vì bạn đã cảm thấy đủ đầy. Đó là lý do vì sao người khôn ngoan luôn sẵn sàng để “ra đi”. Chẳng có gì khác biệt khi cái chết đến vì những trải nghiệm của họ đã trọn vẹn và đầy đủ. Giả sử bạn yêu nhạc hơn bất cứ thứ gì khác. Bạn luôn muốn nghe bản nhạc cổ điển yêu thích được chơi bởi dàn nhạc mà bạn thần tượng. Đó là giấc mơ của cuộc đời bạn. Cuối cùng, giấc mơ này biến thành hiện thực. Bạn ở đó và đắm mình trong không gian âm nhạc như mộng ước. Trải nghiệm này khiến bạn hoàn toàn mãn nguyện. Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên đã nâng bạn tới nơi mà bạn muốn đến. Điều này cho thấy chỉ cần một khoảnh khắc là đủ để bạn chìm đắm trong trạng thái siêu an lạc, siêu bình yên. Vì vậy, điều bạn thực sự cần không phải là có nhiều thời gian hơn trước khi chết; mà là trải nghiệm sâu hơn trong suốt quãng thời gian sống của mình.

Đó là cách sống mỗi giây phút cuộc đời. Bạn hãy để cuộc sống khiến cho bạn hoàn toàn mãn nguyện. Bạn hãy để nó chạm vào đáy sâu con người bạn. Bất cứ khoảnh khắc nào cũng phải đạt đến chiều sâu đó. Ngay cả khi một điều gì đó tồi tệ xảy ra, hãy xem nó như một trải nghiệm khác của cuộc sống. Cái chết tặng cho bạn một lời hứa hẹn thật ý nghĩa, giúp bạn luôn có được trạng thái an nhiên sâu sắc.

Lời hứa đó là: Mọi thứ đều thuộc về trần thế; tất cả sẽ trôi qua theo không gian và thời gian. Nếu bạn kiên nhẫn thì điều tồi tệ nào cũng sẽ trôi qua. Người khôn ngoan hiểu rằng sự sống cuối cùng cũng thuộc về cái chết. Cái chết là người tự định ra thời gian để đến và lấy đi sinh mệnh của bạn. Cái chết là chủ nhà còn bạn chỉ là tá điền. Người khôn ngoan sẽ nói như thế này: “Anh ấy đang sống trong thời gian vay mượn”, (tức là anh ấy còn sống sau một cơn bạo bệnh), hay “Anh ấy đã ký hợp đồng thuê sự sống mới”, (tức là anh ấy đã sống trở lại). Anh ấy vay mượn thời gian từ ai? Từ cái chết, tất nhiên rồi. Thần chết đến để xác nhận tài sản của mình vì sự sống luôn luôn thuộc chủ quyền của cái chết. Bạn nên có mối liên hệ tốt đẹp với cái chết, vì vậy không nên để nỗi sợ hãi là sợi dây nối liền ở giữa.

Hãy cảm tạ cái chết vì đã trao cho bạn thêm một ngày nữa, thêm một trải nghiệm nữa; và vì đã khiến cuộc sống ngắn ngủi trở nên quý giá đến nhường ấy. Nếu làm điều này, bạn sẽ không còn phung phí cuộc sống mà mình được ban tặng nữa – bạn sẽ trân quý nó. Cái chết là hiện thực cuối cùng của cuộc sống. Các bậc thầy yoga và các vị thánh đều sẵn sàng đón nhận cái chết. Thánh Phao-lô đã hỏi: “Hỡi Thần chết, lưỡi hái của người ở đâu? Hỡi Tử thần, chiến thắng của người ở đâu?” (Trích dẫn Kinh thánh 1 Cor 15:55).

Bậc vĩ nhân không ngại nói về cái chết. Các bậc thầy yoga có truyền thống đi vào nghĩa địa hay những bãi hỏa thiêu để thiền. Họ ngồi đó để nhắc nhở chính mình rằng sự sống là phù du và cái chết là tất yếu. Phật tử được dạy phải suy niệm về bản chất vô thường của sự vật. Tất cả đều vô thường, và cái chết nói cho bạn biết điều này. Vì vậy, thay vì lạc lối trong những cuộc trò chuyện thường ngày, tại sao tâm trí bạn không dành thời gian để suy ngẫm về bản chất vô thường của cuộc sống? Tại sao không nghĩ về điều gì đó ý nghĩa hơn? Đừng sợ chết. Hãy để cái chết giải thoát bạn. Hãy để cái chết khuyến khích bạn trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn. Nhưng hãy luôn nhớ, đâu là cuộc sống thật sự của bạn. Cuộc sống thật sự bạn nên trải nghiệm là cuộc sống đang diễn ra trước mắt, chứ không phải là cuộc sống bạn mong muốn diễn ra.

Đừng phí hoài khoảnh khắc nào của cuộc sống chỉ để cố gắng làm cho điều này hoặc điều kia xảy ra; hãy trân trọng những khoảnh khắc mà bạn được ban tặng. Bạn đừng bao giờ quên rằng mỗi phút trôi qua bạn lại bước đến gần cái chết hơn.

Bạn hãy sống cuộc đời của mình theo cách như vậy. Bạn sống như thể bạn đang bên bờ vực của cái chết, bởi vì quả đúng là thế thật.

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: Michael A. Singer
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com/

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x