Trang chủ » Chương 2: Nguyên Thần, Thức Thần

Chương 2: Nguyên Thần, Thức Thần

by Trung Kiên Lê
1499 views

Tổ Sư nói :
Trời Ðất xem con người như kiếp phù du sớm sinh chiều diệt, còn Ðại Ðạo lại xem Trời Ðất mong manh như bèo bọt, thời gian sống còn chỉ trong thoáng chớp. Duy chỉ có chân tính Nguyên Thần của loài người là có thể tồn tại lâu dài, vượt qua tháng năm Nguyên hội (3) bền lâu.

Thế nhưng Tinh và Khí của con người lại nát tan thối rữa cùng Trời Ðất, chẳng thể tồn tại vĩnh hằng. May thay còn có Nguyên Thần tồn tại, đó chính, là cái mà ta gọi là “Vô Cực”, Trời Ðất cũng từ đó sinh ra. 

Vì thế, người học Ðạo chỉ cần nắm giữ được Nguyên Thần, không để nó hư hao thất thoát, là có thể sống ngoài Âm Dương (4), không trong Tam giới (5). 

Có điều, muốn thế phải nhìn thấy được chân tính của Nguyên Thần. Chân tính ở đây thật ra là cái ta vẫn gọi là “Bộ mặt chân thực” của con người. 

Con người, ngay từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ, Nguyên Thần kia đã nằm ở tấc vuông giữa hai lông mày trên trán (6) , còn Thức Thần lại nằm ở trái tim phía dưới. 

Trái tim máu thịt phía dưới có dáng hình giống quả đào to, có phổi che phủ phía trên, sát cạnh có gan, phía dưới tiếp giáp đại trường, tiểu trường. 

Ví phỏng con người một ngày không ăn thì trái tim bồn chồn, không yên. Khi trái tim ấy nghe thấy những tin đáng sợ liền đập liên hồi, nghe thấy tin buồn thì lặng lẽ âu sầu , nhìn thấy cảnh tang tóc thì cảm thấy đau thương, nhìn thiếu nữ dung nhan chim sa cá lặn thì mê mẩn bàng hoàng. 

Thế nhưng tại sao đầu óc lại rung động chỉ trong thoáng chớp ?

Nếu như đặt câu hỏi : chẳng lẽ Thiên Tâm không rung động hay sao ? 

Xin trả lời : Chân ý ở tấc vuông giữa hai lông mày ấy sao có thể rung động được? Nếu như quả nó rung động thật thì sự việc chẳng hay ho gì lắm, nhưng đồng thời cũng lại là tuyệt diệu nhất. Những người bình thường chỉ khi chết Thiên Tâm mới rung động, cho nên nói là “chẳng hay ho gì lắm”.

Còn “tuyệt diệu nhất” là chỉ thần quang kia đã ngưng kết thành Pháp Thân, dần dần linh thông và rung động. Ðây là một bí mật giữ kín hàng nghìn năm nay chẳng truyền thụ cho ai !

Thức Thần của người ta cũng giống như những chư hầu và bọn quân phiệt hoành hành lũng đoạn, dối vua , xưng hùng xưng bá cô lập ngoài biên. Lâu ngày, địa vị vua tôi đảo ngược, xảy ra chuyện tiếm quyền đoạt vị.

Bây giờ nếu như ngưng tụ thần quang chiếu rọi Nguyên cung (Thiên Tâm), tựa như đức vua anh minh , lại được các hiền thần như Y Doãn (7), Chu Công (8) dốc lòng phò tá. Hồi quang (9) hai mắt cũng ví như đại thần tả hữu hết lòng tham chính, kết quả chính trị ngời ngời tỏa sáng , lúc này, tất thảy bọn gian thần nghịch tặc chẳng đánh cũng tan. 

Ðại đạo dưỡng sinh xem ba yếu tố Tinh (thuộc Thủy), Thần (thuộc Hỏa), Ý (thuộc Thổ) là ba báu vật tối thượng.
Thế “Tinh Thủy” (10) là gì vậy ? Nó là Khí Chân Nhất tiên thiên, đã tồn tại trong vũ trụ khi chưa sinh Trời Ðất! Thần Hỏa (11) tức ánh sáng hay Linh Quang. Ý Thổ (12) tức là Thiên Tâm ở Trung cung. Ở đây lấy Thần Hỏa làm công dụng, lấy Thổ làm chủ thể, lấy Tình Thủy làm gốc .

Phàm con người ta lấy Ý (13) sản sinh ra Thân. “Thân” nói đây không đơn giản chỉ là tấm thân, máu thịt bảy thước , bởi lẻ trong Thân còn có “Hồn” và “Phách”.

Phávh sản sinh tác dụng gắn với Thức . Thức đựa vào Phách để tồn tại. “Phách” là âm tính, là cụ thể hóa của Thức .

Nếu như “Thức” không đoạn tuyệt thì tùy theo các vị nằm trong vòng sinh tử luân hồi bao nhiêu lần, “Phách” vẫn luôn luôn tồn tại, chỉ có thay đổi hình dáng, chuyển chổ mà thôi. Duy chỉ có “Hồn,” là nơi chứa “Thần”. Ban ngày, “Hồn” ngự trong mắt , ban đêm, khi ngủ “Hồn” sẽ nằm trong gan ruột.

Khi ở trong mắt, “Hồn” sẽ làm cho con người có thể nhìn thấy được, khi ở trong gan ruột sẽ làm cho con người nằm mơ . Nằm mơ, đó là lúc hồn phiêu diêu đây đó. Cho dù là Trời cao Ðất dày, “Hồn” chỉ lướt đi trong thoáng chớp. Nhưng sau khi tỉnh lại thì chẳng nhớ được gì, đó là vì bị hình thể chi phối, tức là bị “phách” chế ước.

Vì thế, hồi quang là nhằm mục đích luyện “Hồn” giữ Thần, chế “Phách dứt “Thức”. Cổ nhân tu Ðạo chủ trương luyện cho hết cặn âm tính, trở về cảnh giới thuần dương, thực chất chẳng qua chỉ là tiêu “Phách” giữ “Hồn” mà thôi.

Công pháp hồi quang mà ta nêu ra chính là mật quyết nhằm tiêu âm, chế Phách. trong đó tuy không có công pháp làm cho “Càn Dương” trở về, nhưng kỳ thực quả đã có khẩu quyết hồi quang tiềm ẩn. Thật vậy, gọi là “Quang”, đó chính là “Càn Dương”, còn “Hồi” có nghĩa là “trở về”.

Chỉ cần bền bỉ tu luyện côngpháp này là “Tinh Thủy” sẽ tự nhiên sung mãn, “Thần hỏa” sẽ tự nhiên nảy sinh, “Ý Thổ” sẽ tự nhiên ngưng kết, cuối cùng có thể kết thành “Thánh Thai” (18). Xin hãy xem chú bọ hung suốt ngày đẩy lăn những viên đất.

Trong viên đất quả đã sản ra một chất màu trắng, có thể nói đây đúng là một thần công kỳ diệu.

Thì ra ngay trong viên phân nhơ nhớp vẫn có thể sản sinh, thụ thai, ấp trứng, nở con (17) huống hồ ở Thiên Tâm, chỗ đất thánh có Nguyên Thần cư ngụ ấy, nếu ta tập trung Ý Nghĩ há lại chẳng thể sản sinh ra được Pháp thân sao ? 
Chân Tính linh diệu đó của con người, sau khi đã cư ngụ ở Càn Cung trên đầu, liền phân ra thành Hồn và Phách. 
“Hồn” trụ ở Thiên Tâm, thuộc Dương, là một loại khí thanh khiết, từ Thái hư (18) đưa tới, cùng với nguyên thủy đồng hình.Còn “Phách” thuộc âm, là một loại khí vẩn đục, bám vào phàm tâm hữu hình.

“Hồn” dắt dẫn con người đi tìm cái sống, còn “Phách” ngược lại đưa đẩy con người đi đến tử vong. Hết thảy những thói hư tật xấu như đam mê tửu sắc nóng nảy làm liều đều do “Phách” xui khiến, đây chính là “Thức Thần”. 

Sau khi người ta qua đời, “Phách” có thể hưởng thụ những đồ cúng tế, nhưng khi sống thì “Phách” vô cùng cực khổ. Vậy thì vì sao sau khi chết người ta vui hơn ? Ðó là vì từ Âm trở về với Âm, vật cùng loại thì tụ vậy.
Người học Ðạo nếu có thể luyện cho hết Âm Phách này tất nhiên sẽ trở thành đấng Thuần Dương vậy. 

Chú Thích :
1. Nguyên Thần : là Thần Khí hay Vô Thức tiên thiên do cha mẹ truyền cho, một trạng thái tinh thần tiềm ẩn, sáng láng. Nguyên Thần trong nhiều kinh sách còn được gọi là Nguyên Tính .

Ðổng Trọng Thư đời Tây Hán xem “Nguyên” là cái gì nguyên thủy nhất trong Vũ Trụ . Trong “Xuân Thu phồn lộ”, Ðổng Trọng Thư trình bày rõ về tầm quan trọng của Nguyên Khí . Ông viết : Nguyên tức là nguồn .

Vì thế Nguyên là gốc của Vạn Vật . Nguyên Thần vốn không phải là hoạt động tư duy, hoạt động ý niệm, mà nó thể hiện như trạng thái không hay không biết của trẻ thơ, song lại rất linh hoạt và có cảm giác rõ ràng . Như vậy “Thần” ở đây không có nghĩa là qui thần, mà là chỉ ý thức người . 

2. Thức Thần : hay còn gọi là Dục Thần . Thần hậu thiên , chỉ ý thức thông thường, tức năng lực nhận thức sự vật, có sự suy luận , phán đoán, thông qua hoạt động tư duy, đối lập với “Nguyên Thần” . 

3. Nguyên Hội : đơn vị tính năm, do Thiệu Ung Bắc Tống dùng trong sách “Hoàng Cực Kinh Thế” 
Một Hội bằng 30 Vận
Một Vận bằng 12 Thế
Một Thế bằng 30 năm
Như vậy một Hội bằng 10.800 năm.
Mạt Nguyên bằng 12 Hội, do đó một Nguyên tương đương bằng 129600 năm. 
Người ta thường nói : Trời khai mở vào Tý Hội, đóng lại vào Hợi Hội .
Như vậy là cứ khoảng 12 Hội, tức một Nguyên thì Trời Ðất lại đóng . 
Nếu tu luyện thành Chân Tính thì có thể vượt ra ngoài vòng Trời Ðất luân hồi .
Ðây cũng chính là “Phép quán Tâm Tính” của nhà Phật, bởi lẽ Tính là Thần, mà Thần thì không sinh không hủy.

4. Âm Dương: Khái quát của người xưa đối với hai loại sự vật đối lập trong giới .Tự Nhiên, như Trời và Ðất, Ngày và Ðêm, Ðàn ông và Ðàn bà, cương và nhu, mạnh và yếu , thiện và ác, tốt và xấu, thành và bại v.v… Những cái đầu là Dương, những cái sau là Âm.
Âm Dương biến hóa tạo ra muôn vật.

5. Tam giới : Tam giới nói chung chỉ Trên Trời, Dưới Ðất và Ðịa Ngục. Thuật ngữ Phật giáo xem Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. 

6. Tấc vuông giữa hai lông mày trên trán : đây còn gọi là Cung Nê Hoàn, Thượng Ðan Ðiền hay quyền khiếu, là nơi tụ họp của bách Thần.

7. Y Doãn : Chính tên là Y, Doãn là một chức quan. Ông là đại thần nhà Thương, truyền thuyết nói ông xuất thân nô lệ, đã có công lớn giúp vua Thang diệt vua Kiệt nhà Hạ. 

8. Chu Công : em vua Vũ nhà Chu, tên là Ðán, vì thế người đời gọi là Chu Công Ðán. Ông là nhà chính trị và nhà tư tưởng kiệt xuất của nhà Chu. Sau khi vua Vũ băng hà, ông đã giúp Thái tử tuổi còn nhỏ trông coi việc nước, trong thì chế Lễ tác Nhạc, xây dựng chế độ điển chương, ngoài thì đẹp giặc yên dân, xứng đáng là Công thần khai quốc nhà Chu. 

9. Hồi quang : thuật ngữ luyện nội công, còn gọi là “hồi quang phản chiếu” hay “nội chiếu phản quán”, quang ở đây là ánh mắt, là cái nhìn của đôi mắt. Hướng cái nhìn của đôi mắt vào trong mình là hồi quang, còn tập trung Thần vào bên trong là phản chiếu.

10. Tinh Thủy : trong sách “Hoàng Ðế Nội Kinh”, bộ sách y học cổ truyền lâu đời của Phương Ðông và là tài sản riêng của y thuật Cổ Trung Hoa, trình bày một cách sâu sắc hệ thống lý luận Ðông y , vận dụng học thuyết Âm Dương Ngũ Hành giải thích cơ chế sinh lý , bệnh lý của con người, các nguyên tắc chẩn đoán, chữa trị của Ðông y cũng như dùng quan niệm chỉnh thể “Thiên Nhẩn tương ứng” nêu lên tính thống nhất giữa môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể, có nói rõ “Thận chứa Tinh”, mà trong Ngũ Hành thì Thận thuộc Thủy, vì vậy trong sách gọi Tinh Thủy.

Trong bài Tinh Thủy chỉ Khí chân nhất tiên thiên. Sách “Ðạo Ðức Kinh” của Lão Tử viết : “Ðạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. “Nhất” ở đây chính là Khí chân nhất tiên thiên, vạn vật sinh ra từ Khí tiên thiên ấy.

Tinh trong cơ thể người phân ra thành Tinh tiên thiên vô hình và Tinh sinh dục hậu thiên hữu hình. Mục đích của pháp tu luyện là hóa tinh hữu hình thành tinh vô hình, khiến hậu thiên quay trở về tiên thiên . 

11. Thần Hỏa : trong bài nói thức Thần nằm ở tim, ở Tâm, mà trong Ngũ Hành thì Tâm thuộc Hỏa, vì vậy gọi là Thần Hỏa. Trong các bài sau Thần Hỏa cầm ánh sáng, Nguyên Thần tiên thiên chính là Chân Tính của con người, Tính quang và quay hướng vào trong, ngưng kết với Chân Tinh tức là “Hồi Quang phản chiếu” .

12. Ý Thổ : Sách “Hoàng Ðế Nội Kinh” nói : “Tỳ chủ Ý” tức là Chân ý , trong Ngũ Hành thì Tỳ thuộc thổ, vì vậy gọi là Ý Thổ .

13. Ý : chỉ dục vọng, theo Kinh Phật, cơ thể con người sinh ra do Ý Dục .

14: Hồn : Sách Hoàng Ðế Nội Kinh; nói “Can (gan) chứa Hồn”, trong Ngũ Hành, Can thuộc Mộc, Dương tính .

15. Phách : Sách “Hoàng Ðế Nội Kinh” nói “Phế (phổi) chủ Phách”, trong Ngũ Hành , Phế thuộc Kim, Âm tính .

16. Thánh Thai : còn gọi là Huyền Thai, tức Nội Ðan đã kết thành trong công pháp Nội Ðan . Trong “Thai tức kinh” do Ảo Chân tiên sinh chú thích có nói : “Thai kết thông qua phục khí, khi đã kết Thai sẽ sinh thai tức, khí tự nhiên sẽ đi vào cơ thể .

Khí đi vào cơ thể là sống, thần rời khỏi hình là chết. Hiểu rõ về thần khí có thể trường sinh, hãy giữ ở trạng thái hư vô để dưỡng thần khí. Thần hoạt động Khí sẽ hoạt động theo, Thần ngừng, Khí cũng sẽ ngừng. Nếu muốn trường sinh, Thần Khí phải hòa hợp, không tách rời nhau .

17. Trong viên phân nhơ nhớp vẫn có thể sản sinh, thụ thai, ấp trứng, nở con , trước khi bọ hung đẩy lăn những viên phân, chúng đã đẻ trứng vào trong đó. Trong lúc đẩy các viên phân, bọ hung tập trung toàn bộ tinh lực để ấp trứng. Hiện tượng trong viên phân ngả màu trắng cho hay ở đây đã có sự tập trung năng lượng.

Sau một khoảng thời gian, chú bọ hung con sỡ dĩ có thể đẩy vỡ vỏ trứng chui ra là do bọ hung mẹ đã đẻ trứng, rồi sau tập trung toàn bộ tinh thần ấp trứng. Tương tự như vậy, con người nếu tập trung toàn bộ tinh thần vào Thiên Tâm, nhất định sẽ sản sinh ra pháp thân tự nhiên.

18. Thái Hư : khái niệm triết học cổ đại , chỉ bầu Trời bao la, không bờ không bến. Sách Hoàng Ðế Nội Kinh: viết “Ðất ở dưới chân con người, ở trong Thái Hư” , ý muốn nói , Trời Ðất trôi nổi trong bầu trời mênh mang vô tận.

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Aleth1969!


1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x