Trang chủ » Chương 2 – PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA WITTE

Chương 2 – PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC CỦA WITTE

by Hậu Học Văn
503 views

1.

Chúng ta biết rằng cha Witte đã viết lại một cuốn sách về việc dạy con từ nhỏ đến lúc 14 tuổi. Được viết năm 1818, đây có lẽ là cuốn sách cổ nhất về phương pháp giáo dục. Nhưng người thời đó hầu như không lưu giữ cuốn sách này. Có hai lý do. Thứ nhất là vì cách viết kém: cuốn sách dày hơn 1.000 trang nhưng hầu hết là những lý luận không trọng yếu và ít thú vị. Sau này, tiến sĩ Wiener đã dịch ra tiếng Anh và lược bỏ những phần đó, còn lại khoảng 300 trang, tuy vẫn còn nhiều chỗ dài dòng. Cuốn này tên là Phương pháp giáo dục của Witte.

Lý do thứ hai là những luận điểm trong sách không phù hợp với cách nghĩ của người đương thời. Quan điểm mà cha Witte đưa ra là giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ buổi bình minh của nhận thức. Ông cũng đưa ra tập quán giáo dục từ sớm của người Hy Lạp. Nhưng đã từ lâu, tập quán tốt đẹp đó đã không còn được duy trì, thay vào đó người ta bắt đầu có quan điểm giáo dục trẻ từ 7, 8 tuổi. Hơn nữa, người ta còn cho rằng việc giáo dục từ sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Chính vì thế, luận điểm giáo dục của cha Witte được xem như là lộng ngôn và tài năng của Witte được nghĩ là do sinh ra chứ không phải nhờ giáo dục.

Nguyên văn lời của cha Witte như sau:

“Mọi người nói rằng con trai tôi sinh ra vốn đã có năng khiếu bẩm sinh chứ đó không phải là kết quả giáo dục của tôi. Không ai tin rằng con tôi được như thế là do tôi dạy dỗ. Nếu quả thực con tôi trở thành nhân tài là do ơn huệ trời ban, là tài năng thiên bẩm thì tôi không có gì đáng để vui mừng đến thế. Vì thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Hầu hết mọi người đều không tin lời tôi, kể cả những người bạn thân. Chỉ duy nhất một người tin, đó là mục sư Graupit, bạn thân của tôi từ khi còn nhỏ, người hiểu tôi nhất. Ông nói: ‘Cháu Karl hoàn toàn không phải tài năng thiên bẩm. Cháu thực sự là kết quả của việc giáo dục. Nhìn cách anh giáo dục cháu thì việc cháu trở nên giỏi giang là điều tất yếu. Chắc chắn sau này cháu sẽ khiến cả thế giới ngạc nhiên. Tôi hiểu rất rõ phương pháp mà cháu được giáo dục và tôi tin rằng nó sẽ mang lại thành công lớn’.

Và dưới đây là dẫn chứng cho những gì tôi nói. Trước khi con trai tôi sinh ra, một số giáo viên và mục sư trẻ ở Magdeburg và vùng lân cận đã cùng nhau lập ra một hội nghiên cứu về giáo dục. Mục sư Graupit là hội viên ở đó và ông đã giới thiệu tôi vào hội. Nhưng thời đó, trong hội có tư tưởng rằng giáo dục con trẻ quan trọng là ở khả năng thiên phú và dù giáo viên có tâm huyết đến mấy thì kết quả cũng rất hạn chế. Chỉ mình tôi phản đối tư tưởng này. Tôi nói: ‘Không, giáo dục con cái thì điều cốt yếu không phải là tư chất sẵn có. Trẻ lớn lên trở thành nhân tài hay chỉ là người bình thường, ít nhiều cũng có yếu tố trời cho, nhưng quan trọng hơn là việc giáo dục trẻ trong giai đoạn từ khi mới sinh đến khi 5, 6 tuổi. Đương nhiên tư chất của trẻ có sự khác biệt, nhưng sự khác biệt này chỉ ở mức độ nhất định. Không chỉ đứa trẻ sinh ra với tài năng thiên bẩm, mà cả những đứa trẻ sinh ra rất bình thường, ta đều có thể giáo dục chúng trở thành những tài năng phi phàm. Nhà triết học khai sáng của Pháp Claude-Adrien Helvetius đã nói rằng nếu mười đứa trẻ cùng được giáo dục đúng đắn thì cả mười sẽ trở thành nhân tài. Và tôi rất tin tưởng vào luận điểm đó’. Ai nấy đều phản đối tôi. Tôi lại nói: ‘Các vị ở đây có 13, 14 người, còn tôi chỉ một mình. Nếu tranh luận thì tôi chẳng thể nào thắng được. Nhưng nhất định tôi vẫn chọn con đường của tôi và sẽ chứng minh cho các vị thấy. Sau này nếu trời ban cho tôi một đứa con, bất kể nó thế nào, tôi cam đoan sẽ dạy dỗ nó thành một nhân tài’.

Những người có mặt ở đó đã chấp nhận ‘cam kết’ của tôi. Khi buổi họp kết thúc, mục sư Shuder mời tôi cùng mục sư Graupit về nhà và chúng tôi lại tiếp tục bàn về vấn đề trên. Nhưng nói gì đi nữa, tôi vẫn giữ ý kiến của mình. Mục sư Graupit trước đó chỉ im lặng, cuối cùng mới lên tiếng: ‘Tôi tin Witte sẽ biến lời hứa của mình thành sự thực’. Ông quả là một người bạn lâu năm và hiểu tôi nhất. Riêng mục sư Shuder thì vẫn cho rằng điều đó là không thể. Không lâu sau khi con trai tôi được sinh ra, mục sư Graupit thông báo cho mục sư Shuder và các hội viên khác. Ai cũng tò mò muốn biết con trai tôi là người như thế nào. Tôi và mục sư Graupit thường xuyên nhận được những câu hỏi kiểu như: ‘Thế nào rồi, thằng bé có triển vọng trở thành nhân tài không?’… nhưng chúng tôi chỉ im lặng khiến họ càng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt nghi ngờ.

Khi con trai lên 4 tuổi, có lần tôi dẫn cậu bé đến gặp mục sư Shuder. Chỉ mới gặp lần đầu nhưng ông đã trầm trồ: ‘Ồ, đây là một đứa trẻ sáng dạ!’ và rất có thiện cảm với Witte. Khi đó, mục sư Shuder cũng đang được gửi gắm nuôi dạy mười đứa trẻ bình thường khác. Sau này do thành tích của những đứa trẻ này có sự tiến bộ rất khác nhau nên ông dần dần tin vào học thuyết của tôi. Ông bắt đầu tìm cách thuyết phục người khác. Tuy nhiên, mọi người hoàn toàn không tin vào những lời ông nói. Như vậy có thể nói rằng cuốn sách của tôi dường như đã bị lãng quên”.

2.

Trong số những học thuyết của triết gia người Pháp Helvetius thì thuyết về giáo dục là đáng chú ý hơn cả. Đại ý thuyết này cho rằng nếu mười đứa trẻ cùng được giáo dục như nhau thì cả mười đều có thể trở nên tài giỏi, xuất chúng. Cá nhân tôi tin tưởng vào thuyết này, tuy nhiên, khác với Helvetius, tôi vẫn thừa nhận có sự khác biệt về khả năng thiên bẩm của trẻ. Khả năng thiên bẩm này đương nhiên ở mỗi người mỗi khác. Có những đứa trẻ sinh ra được trời phú cho 100 phần, lại có những đứa trẻ sinh ra chỉ có không quá 10. Trong mười đứa trẻ bình thường thì khả năng này chỉ khoảng dưới 50. Nếu tất cả đều hưởng nền giáo dục như nhau, lớn lên chúng ít nhiều vẫn khác nhau, đó là do khả năng bẩm sinh. Giả sử khả năng bẩm sinh của một đứa trẻ được trời cho 80, nếu không được giáo dục tốt chỉ đạt 40, một đứa trẻ được trời cho 60, nếu không được giáo dục tốt chỉ đạt 30, thậm chí có khi còn hoàn toàn không phát huy được khả năng ấy. Ngược lại, có đứa trẻ trời cho chỉ 50 nhưng nhờ giáo dục tốt cũng có thể đạt 80. Đương nhiên, đứa trẻ sẵn có 80 mà giáo dục tốt đương nhiên sẽ đặc biệt xuất sắc.

Tuy nhiên, trên thực tế những đứa trẻ như vậy quả thực rất ít, mà đại đa số trẻ sẽ rơi vào khoảng 50, tức là ở mức trung bình. Vì vậy, lý thuyết của tôi có thể không còn đúng sau khoảng một trăm năm nữa. Vào thời điểm đó sự giáo dục trẻ em ở các nước thường theo kiểu phổ cập chung, vì vậy có lẽ phương pháp giáo dục nào đó thành công hay không thành công cũng là kết quả chung đối với đa số trẻ chứ không có ngoại lệ. Và cho đến nay, nhìn vào những người được coi là vĩ nhân, những thiên tài thì thấy vẫn còn rất nhiều khuyết điểm mà nếu họ được thừa hưởng nền giáo dục hoàn thiện hơn thì nhất định họ đã trở thành những vĩ nhân, những thiên tài vĩ đại hơn, hoàn hảo hơn, và kết quả sẽ là điều mà chúng ta khó có thể đo đếm được.

3.

Cha Witte đã dựa vào lý thuyết giáo dục của Helvetius để tìm ra phương pháp dạy con mình. Đó chính là phương pháp giáo dục sớm. Điều quan trọng nhất là không được để cho khả năng tiềm tàng của trẻ mai một dần mà phải cố gắng nắm bắt thời cơ để phát huy tối đa khả năng đó. Cha của Witte rất hiểu điều đó và ông tin rằng để con phát huy được 80 hay 90 phần năng lực thì nhất định phải theo phương pháp này.

Tuy nhiên, việc phát huy năng lực của trẻ cũng cần tuân theo những trình tự nhất định, bằng không, bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu. Việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là giáo dục ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ chính là công cụ để tiếp cận mọi kiến thức khác. Con người tiến bộ hơn các loài động vật khác ở chỗ chúng ta biết sử dụng ngôn ngữ. Để phát huy khả năng này của trẻ, ngay từ đầu nên tìm cách cho trẻ học thuộc và nhớ từ vựng. Việc tưởng như đơn giản này dường như chỉ được chú trọng trong những năm gần đây với phong trào học thêm tiếng nước ngoài. Nhưng thật ngạc nhiên là cha Witte đã thấy trước tầm quan trọng của nó từ cách đây cả trăm năm.

Cha của Witte bắt đầu dạy ngôn ngữ cho con ngay từ khi Witte biết cảm nhận sự vật. Ông viết: “Với giáo dục con trẻ thì không có sự bắt đầu nào là quá sớm”. Đầu tiên, ông dạy Witte làm quen với các danh từ thông qua các hành động miêu tả. Ví dụ, ông đưa một ngón tay dứ dứ trước mặt trẻ, khi trẻ nhìn thấy sẽ nắm lấy. Đầu tiên, trẻ có thể chưa phát hiện ra và chưa nắm được, nhưng sau vài lần sẽ thành công. Khi nắm được rồi, trẻ sẽ rất vui mừng và lúc đó là lúc ta bắt đầu phát âm từ “ngón tay, ngón tay” lặp đi lặp lại nhiều lần cho trẻ nghe. Với cách làm này, cha Witte đã dạy con khả năng nghe chính xác từ ngữ, đồng thời làm quen với việc nhận biết sự vật. Không lâu sau, Witte đã phát âm được tên các vật đó. Tiếp theo, Witte được dạy cách nhận biết các đồ vật trên bàn ăn, các bộ phận của cơ thể, quần áo, đồ nội thất, các phần trong nhà, cây cỏ ngoài sân… Rồi dần dần cha Witte dạy các động từ, tính từ. Nhờ đó, vốn từ vựng của Witte ngày càng phong phú.

Phương pháp của Witte cha là kể những câu chuyện liên quan đến sự vật muốn dạy và kèm thêm vào đó những từ mới có liên quan, đồng thời giải thích ý nghĩa của chúng. Đầu tiên là những từ đơn giản rồi khó dần lên. Cứ thế mỗi ngày một chút, ông cho con nghe và bắt nhớ từng thứ một. Đối với trẻ con thì việc được nghe kể chuyện là điều quan trọng nhất, vì trẻ là “người lạ” với thế giới này và chúng muốn tìm hiểu về mọi thứ. Kể chuyện vừa là cách giúp trẻ từng bước tiếp cận với thế giới tri thức xung quanh, vừa phát triển khả năng ngôn từ của trẻ. Nhưng không phải chỉ nói cho trẻ nghe một lần, mà ta phải kể lặp đi lặp lại nhiều lần mới hiệu quả.

Kết quả của phương pháp giáo dục này là khi lên 5 tuổi, Witte đã nhớ được khoảng 30.000 từ. Điều này thật sự rất đáng ngạc nhiên, vì ngay cả học sinh trung học mất 5 năm học ngoại ngữ cũng không thể nhớ được 5.000 từ, thông thường chỉ khoảng 3.000 từ. Đây có thể là một ví dụ minh chứng cho sự thành công của phương pháp giáo dục từ sớm.

Trong cách dạy con của Witte cha có một điều mà ta không thể không đề cập tới. Đó là việc ông không dạy những ngôn ngữ trẻ con, tiếng địa phương, hay âm điệu… theo kiểu truyền thống. Ông cho rằng dạy trẻ những từ mô phỏng tiếng kêu của một số động vật nuôi trong nhà như gâu gâu, meo meo, cạp cạp… thì chẳng ích gì, dù chúng rất dễ phát âm. Trẻ khoảng từ 2 tuổi khi nghe nhiều lần một từ chuẩn đã có thể phát âm gần chính xác từ đó. Vì thế, nếu dạy những từ như gâu gâu, meo meo… thì chẳng khác nào chúng ta làm lãng phí thời gian của trẻ. Thay vào đó, ông dạy luôn cách phát âm từ “con chó”, “con mèo” thật chuẩn. Ông cố gắng phát âm thật chậm và chính xác (bằng tiếng Đức) rồi lặp đi lặp lại nhiều lần để Witte nghe và bắt chước. Khi Witte phát âm đúng, ngay lập tức ông khen: “Giỏi lắm, giỏi lắm!”. Nếu chưa đúng, ông nói với vợ mình: “Mẹ nó xem con đang nói gì này”. Sau đó, ông khéo léo cùng vợ sửa những lỗi phát âm cho con.

Nhờ đó ngay từ lúc nhỏ Witte đã cố gắng bắt chước cha, mẹ và phát âm chuẩn được hầu hết các từ mà không hề nói ngọng, nói lắp. Cha Witte không dừng lại ở việc dạy từ ngữ và cách nói đơn giản, mà ông tiếp tục dạy con các từ phức và cách sử dụng chúng. Để dạy được chính xác, ông và cả vợ đều phải dùng những từ thật chuẩn, phát âm thật chuẩn, đồng thời dùng cách diễn đạt chính xác, mạch lạc, trong sáng. Điều này đã giúp cho Witte không chỉ nói đúng, mà sau này còn đọc và hiểu được nhanh chóng những điều viết trong sách. Ngoài ra, cha Witte cũng dặn vợ và mọi người trong nhà không được sử dụng tiếng địa phương và các ngôn ngữ khác. Ngôn ngữ duy nhất mà ông bắt Witte phải học và phát âm chính xác lúc đầu là ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Đức).

4.

Cha Witte bắt đầu dạy con đọc từ lúc 3 tuổi, nhưng đây hoàn toàn không phải là việc vô ích. Phương châm của ông là không bắt ép. Ông luôn biết cách tạo hứng thú cho con, sau đó mới bắt đầu dạy. Đối với việc đọc sách, đầu tiên ông mua tranh và sách bằng tranh dành cho trẻ em, sau đó nghĩ ra những điều thú vị để nói với con nhằm kích thích trí tò mò của con, đại loại như: “Con không biết chữ thì làm sao mà hiểu được cuốn sách này?”, hay “Có rất nhiều câu chuyện hay, thú vị về bức tranh này”… Thế là Witte bắt đầu muốn tập đọc chữ và Witte cha bắt đầu dạy. Nhưng cách dạy chữ của ông khác với tất cả các trường học. Trước tiên, ông đi Leipzig mua mỗi loại mười bộ những con chữ được in cỡ khoảng 10 cm, bao gồm chữ cái tiếng Đức, La-tinh và chữ số Ả Rập.

Tiếp theo, ông dán những chữ đó lên các tấm bảng nhỏ và dùng nó để vừa chơi vừa dạy con. Bắt đầu dạy từ nguyên âm, sau đó chơi trò ghép vần. Cha Witte muốn áp dụng phương pháp cách đây hơn một thế kỷ của Maria Montessori, được thiết kế để trợ giúp sự cảm nhận của giác quan và chủ yếu dựa trên năng lực riêng của từng trẻ. Bảng chữ cái La-tinh chỉ gồm 26 chữ và cách phát âm trong tiếng Đức cũng không có nhiều quy tắc ngoại lệ nên Witte hầu như không gặp khó khăn để ghi nhớ cách đọc. Và mỗi lần ghi nhớ cách đọc của một từ, Witte học luôn từ đó. Dần dần, qua cách ghép vần, vốn từ của Witte trở nên phong phú và có thể nhanh chóng đọc thành thạo những cuốn sách cha mua về.

Trong hệ thống ngôn ngữ phương Tây thì tiếng Đức, Pháp, Anh, Ý là những ngôn ngữ thuộc “ngữ hệ gần”, vì vậy chỉ cần dạy Witte thông thạo tiếng Đức thì các ngôn ngữ kia tự nhiên sẽ rất dễ tiếp nhận. Sau khi Witte có thể đọc khá rành tiếng Đức, cha Witte đã dạy con tiếng Pháp. Đối với học sinh trung học bình thường ở Đức bấy giờ thì chỉ cần rành một ngôn ngữ này thôi đã mất rất nhiều thời gian, do đó ít có người học thêm ngôn ngữ khác. Nhưng cha Witte do đã yên tâm với kiến thức tiếng Đức của con nên muốn Witte học thêm một ngoại ngữ nữa. Sau khi học tiếng Pháp, ngôn ngữ tiếp theo mà Witte được cho học là tiếng Ý. Witte chỉ mất sáu tháng để nắm vững ngôn ngữ này. Thế là cha của Witte bắt đầu nghĩ đến việc dạy Witte tiếng La-tinh.

Lần lượt, Witte được dạy thông thạo tiếng Đức, tiếng Pháp, Ý, La-tinh, trong đó tiếng La- tinh là khó hơn cả. Ở phương Tây, khi học ngoại ngữ, người ta thường bắt đầu bằng tiếng La-tinh, nhưng cha Witte cho rằng cách đó không phù hợp. Tiếng Pháp và Ý gần gũi với tiếng Đức, vì thế ông dạy con trước, còn tiếng La-tinh là một ngôn ngữ khó, ông nghĩ cần phải có sự chuẩn bị dài hơn. Trước khi dạy Witte tiếng La-tinh, ông đã kể cho Witte nghe câu chuyện về Aeneas – vị anh hùng thành Troy trong thần thoại Hy Lạp – và cả những tác phẩm của nhà thơ La Mã cổ đại Virgil nhằm khơi gợi sự quan tâm của Witte.

Khi lên 7 tuổi, có lần Witte được cha đưa đến buổi hòa nhạc ở Nhà hát Leipzig. Vào giờ giải lao, Witte nhìn tờ giấy in chương trình và thấy lời của bản opera ghi trong đó, Witte hỏi: “Cha à, chữ trong này không phải tiếng Pháp, tiếng Ý, chắc là chữ La-tinh phải không cha?”.“Đúng rồi, con thử đoán xem nghĩa của nó là gì”. Witte suy diễn từ những ngôn ngữ đã học (tiếng Pháp và tiếng Ý) và cũng hiểu được đôi chút, cậu bé nói: “Cha à, chữ La-tinh dễ thế này thì con cũng muốn học”. Khi đó, cha Witte biết rằng đã có thể bắt đầu dạy con tiếng La-tinh và Witte con chỉ mất chín tháng để học ngôn ngữ này. Tiếp đó, cậu bé học tiếng Anh mất ba tháng, tiếng Hy Lạp mất sáu tháng. Lên 8 tuổi, Witte đã bắt đầu đọc tác phẩm của các tác giả La Mã cổ đại như Homer, Plutarchus ,Virgil, Ciero, Fenelon… Witte còn có thể đọc những cuốn sách văn học của các tác giả lớn của Đức, Pháp, Ý, Hy Lạp, La Mã.

Về phương pháp dạy ngoại ngữ của cha Witte cũng có một điểm đáng chú ý là ông chủ trương “Nghe quen rồi sẽ nhớ” và không đặt nặng vấn đề dạy ngữ pháp khi còn nhỏ.

Đối với tiếng mẹ đẻ thì đó là cách tốt nhất. Trẻ con có thể nghe mà không chán. Người lớn thường chỉ đọc cuốn tiểu thuyết một lần, nhưng trẻ con có thể nghe đi nghe lại nhiều lần mà vẫn thích thú. Cho nên, người lớn cần lưu ý điều đó thì mới dạy được trẻ. Cha Witte rất tâm đắc với điều này. Chỉ vẫn là một câu chuyện nhưng ông luôn cho con nghe nhiều lần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn ông kể truyện ngụ ngôn của Aesop cho Witte nghe không chỉ bằng tiếng Đức mà còn bằng tiếng Pháp,Ý và tiếng La-tinh. Phương pháp lặp đi lặp lại này đã thực sự hiệu quả.

5.

Đối với một người bình thường, việc thông thạo sáu ngôn ngữ có thể là mục tiêu phấn đấu cả đời, trong khi Witte chỉ là một đứa trẻ, thế nên dễ khiến người ta nghĩ rằng chắc hẳn cậu bé chỉ có mỗi một việc là học ngoại ngữ. Thực tế không phải vậy. Cha Witte không chỉ chú ý đến việc dạy ngoại ngữ cho con.

Ngoài việc thông thạo sáu ngoại ngữ, cậu còn được dạy về thực vật học, động vật học, vật lý, hóa học, toán học. Ngay từ lúc 3 tuổi, Witte đã được cha dẫn đi dạo mỗi ngày ít nhất hai tiếng. Trong thời gian đó, cha Witte nói với con rất nhiều điều. Đi qua cánh đồng hoa, ông giảng giải cho con nghe cái này là gì, cái kia là gì. Bắt được con côn trùng nhỏ, ông cũng chia sẻ những hiểu biết của mình với con. Từng viên đá, cọng cỏ đều là đối tượng để ông giảng bài. Ông tuyệt đối không bắt ép, mà luôn tạo hứng thú cho con. Ông cũng không dạy theo hệ thống cái này là thực vật học, cái kia liên quan đến động vật học… mà ông đưa kiến thức phù hợp với những thứ con có hứng thú, ngay trong khi đi dạo. Nhờ đó về sau, khi đọc sách về thực vật học, động vật học, Witte có thể nắm bắt vấn đề rất nhanh.

Bí quyết dạy của ông là bên cạnh việc tạo hứng thú, ông còn khuyến khích con đặt câu hỏi. Không như các bậc cha mẹ khác, khi con 2, 3 tuổi và bắt đầu biết đặt câu hỏi thì luôn than phiền là con ồn ào, nhiều chuyện và thường trả lời đại khái cho xong, chứ ít khi tận tình giải thích. Cha Witte nhất quyết không để con muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, hiểu thế nào thì hiểu. Ông cũng cố gắng để không truyền đạt cho con những kiến thức hời hợt, sai lệch. Nếu gặp phải câu hỏi mà chính mình cũng không nắm rõ, ông không ngần ngại thừa nhận mình không biết, sau đó hai cha con sẽ đi tìm hiểu trong sách hoặc đến thư viện. Bằng cách làm đó, ông đã tập cho con thói quen tìm tòi những kiến thức chính xác, gạt bỏ thói đại khái, giản tiện trong học tập nghiên cứu.

Đối với môn địa lý, ông dạy bằng cách thường xuyên đưa con đi dạo quanh khu làng. Nhờ đó mà Witte có khái niệm cơ bản về các vùng lân cận. Trong ngôi làng nơi gia đình Witte sinh sống có một ngọn tháp cao, thỉnh thoảng hai cha con lại mang theo giấy bút, trèo lên ngọn tháp đó và cha Witte để cho con thoải mái quan sát bốn phía. Ông giảng giải cho con phía này là gì, phía kia là gì, dựa vào đó hai cha con cùng nhau vẽ một bản đồ sơ lược. Sau đó, hai cha con tiếp tục đi dạo khu vực xung quanh, lần lượt bổ sung đường đi, rừng núi, sông suối, cây cỏ… Cuối cùng, hai cha con ông hoàn thành xong bản đồ của các vùng lân cận. Xong xuôi, ông mua một tấm bản đồ chuẩn để đối chiếu với bản đồ đã vẽ và điều chỉnh những chỗ chưa chính xác. Witte đã có những khái niệm đầu tiên về bản đồ và địa lý như thế. Vật lý và hóa học cũng được ông dạy theo cách tương tự.

Khi dạy con môn thiên văn học, cha Witte đã gián tiếp nhận được sự giúp đỡ của nhà quý tộc Zekendorufer, đồng thời là một học giả. Ban đầu, ông không quen biết cha Witte, nhưng do nghe nhiều người đồn đại về Witte nên ông tò mò tìm đến xem thử. Đến nơi, ông nhận thấy trình độ học lực của Witte còn hơn cả lời đồn đại. Ông rất mến cậu bé và thường dẫn Witte đến nhà, tận tình chỉ bảo cho Witte những kiến thức về thiên văn học. Witte tỏ ra rất thích thú với những chiếc kính viễn vọng trong phòng thí nghiệm của Zekendorufer. Ngoài ra, ở đây còn có những dụng cụ thí nghiệm vật lý và hóa học, lại rất nhiều sách. Witte được ông cho phép sử dụng tất cả những thứ đó, nhờ vậy mà cậu học ngày càng tiến bộ.

6.

Điểm đáng chú ý nữa trong phương pháp giáo dục của cha Witte là ông coi trọng việc mở rộng tầm hiểu biết cho con hơn là nhồi nhét kiến thức, và ông luôn tận dụng mọi cơ hội để làm việc đó. Ví dụ đứng trước một tòa nhà cao, ông sẽ nói với con đây là cái gì, là nơi người ta làm những việc gì…; đứng trước một tòa thành cổ ông sẽ kể lại lịch sử của nó… Khi Witte mới 2 tuổi, ông đã đưa con đi khắp nơi, từ đi mua sắm, thăm hỏi bạn bè, đến xem các lễ hội âm nhạc, vũ kịch. Lúc rỗi rãi, ông lại đưa con đi viện bảo tàng, phòng tranh, vườn bách thú, bách thảo, thậm chí cả công trường, hầm mỏ, bệnh viện, nhà dưỡng lão…

Sau khi từ các nơi đó trở về, ông để con tự thuật lại tỉ mỉ hoặc kể lại cho mẹ nghe. Vì thế ngay trong lúc đi xem, Witte đã biết chú ý quan sát và lắng nghe lời thuyết giảng của cha cũng như những hướng dẫn viên tại đó. Khi Witte 3 tuổi, ông bắt đầu đưa con đi du lịch khắp nơi và đến 5 tuổi thì cậu bé đã đi hầu hết các thành phố lớn của Đức. Ở mỗi điểm du lịch, ông đều bảo con viết thư kể cho mẹ và những người thân, đến khi về nhà lại kể lại lần nữa. Cha Witte không bao giờ tiếc tiền bạc và công sức để trau dồi tri thức cho con, thậm chí ông sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để Witte được một nhà ảo thuật tiết lộ bí quyết của một số tiết mục biểu diễn mà cậu thích. Qua đây có thể thấy cha Witte tâm huyết với việc nuôi dạy con đến mức nào.

7.

Dạy trẻ yêu và gần với thiên nhiên cũng là một điều cần thiết. Cha Witte đã dành một khoảng nhỏ ngay trong sân nhà để làm khu vườn vui chơi cho Witte. Ông rải sỏi, xung quanh trồng nhiều loại cây và hoa. Rải sỏi là để nếu mưa sẽ nhanh khô, trẻ lại có thể ngồi mà không sợ bẩn quần áo. Ở đấy, Witte có thể tìm hiểu các loài hoa, côn trùng. Cha Witte hầu như không mua đồ chơi cho con. Ông cho rằng trẻ không thể dựa vào đồ chơi mà nhớ được sự vật và cứ cho trẻ đồ chơi rồi trẻ lại ném đi là một sai lầm. Trên thực tế, Witte từ khi còn rất nhỏ đã biết đọc sách, quan sát sự vật và không cần tiêu thụ thời gian rảnh rỗi vào đồ chơi.

Thành ngữ “Nhàn cư vi bất thiện” không chỉ đúng với người lớn, mà với trẻ con cũng vậy. Việc cứ có đồ chơi rồi lại ném đi sẽ khiến trẻ nhàm chán, bực mình, rồi trẻ sẽ phá hỏng đồ chơi, rồi lại quấy khóc. Cha Witte cho rằng điều đó sẽ hình thành thói ưa phá hoại trong tính cách trẻ sau này. Ai cũng biết rằng khi trẻ chán, chúng sẽ bực bội và sẽ thường trút vào đồ chơi, hoặc có thể là những thứ xung quanh. Dù là cái gì thì kết quả cũng không hề tốt đẹp.

Cha Witte cho rằng trẻ con thường thích bắt chước người lớn và những công việc trong nhà bếp là hoạt động mà trẻ đặc biệt thích tham gia. Người lớn chúng ta thường cho rằng để trẻ làm chỉ vướng chân, nhưng thực tế nếu xử trí tốt thì đây cũng là một cách mở rộng tri thức cho trẻ. Cha Witte rất quan tâm đến điều này, vì thế, ông chuẩn bị cho con một bộ đồ chơi là dụng cụ nhà bếp.

Mẹ của Witte cũng không giống như nhiều người mẹ khác. Bà thường vừa làm bếp vừa tận tình trả lời các câu hỏi của con. Sau đó, bà hướng dẫn để con làm món ăn với các đồ chơi. Có khi bà đóng vai trò người làm bếp, Witte là chủ nhà. Người làm bếp sẽ được yêu cầu làm nhiều việc, còn chủ nhà thì đưa ra mệnh lệnh. Nếu mệnh lệnh không hợp lý thì chủ nhà sẽ bị biến thành người làm bếp. Khi Witte thành người làm bếp thì mẹ sẽ là người ra lệnh, chẳng hạn bây giờ sẽ làm món này, món kia, hãy ra vườn lấy nguyên liệu về, nếu lấy sai sẽ không được làm đầu bếp nữa.

Những trò chơi “đóng vai” như thế khiến Witte rất hào hứng. Hai mẹ con có lúc diễn lại những cảnh trong sách lịch sử, có lúc lại chơi trò đi du lịch tới những nơi đã từng đi qua. Đó là cách hay để củng cố kiến thức lịch sử và địa lý cho Witte. Mẹ Witte kể lại: “Lần đó, Karl là mẹ, còn tôi là con. Karl là người ra lệnh. Có những lúc tôi cố ý làm rất tốt, có lúc lại chẳng làm gì. Nếu Karl không để ý đến điều đó thì sẽ bị thua và không được làm mẹ nữa. Nhưng Karl đã phát hiện ra và góp ý với tôi, thái độ rất nghiêm túc. Tôi xin lỗi và hứa lần sau sẽ chú ý hơn. Sau đó, tôi lại làm điều không được phép, Karl cũng mắng tôi giống hệt điệu bộ của tôi. Lần khác, Karl làm giáo viên, tôi làm học sinh. Tôi cũng cố ý mắc những lỗi mà Karl hay mắc phải, và Karl cũng nghiêm khắc phê bình tôi. Trò chơi này giúp Karl tránh được những việc chưa tốt hàng ngày”.

Như vậy, qua các trò chơi, Witte đã dần dần nắm bắt được hầu hết các phương diện trong đời sống thường nhật, và tất cả những việc này đều diễn ra từ khi cậu còn rất nhỏ. Cha Witte đã nỗ lực phát triển năm giác quan của con thông qua các trò chơi, theo đúng như tư tưởng của nhà giáo dục Montessori.

Trò chơi của trẻ con không nên chỉ là một việc vô ích, mà phải thông qua đó giúp trẻ sử dụng được cái đầu. Như thế trẻ cũng sẽ không thấy chán và không quấy khóc. Cha của Witte nói: “Con trai tôi dù chỉ có rất ít đồ chơi nhưng vẫn không bao giờ thấy buồn tẻ, mà ngược lại, nó luôn vui vẻ, hạnh phúc với số đồ chơi đó”.

8.

Nhà bác học Mỹ Thomas Edison từng nói: “Phần lớn người dân nước ta ăn quá nhiều, vì thế năng lượng phải dồn xuống dạ dày để tiêu hóa chứ không cung cấp cho cái đầu làm việc”. Khi đó, dạ dày sẽ phải làm việc hơn mức cần thiết, trong khi bộ não lại không hoạt động. Người có cái bụng luôn no căng sẽ có xu hướng trì trệ. Cha Witte, từ cách đó hàng trăm năm, đã biết áp dụng với con trai đúng như thế. Ông cũng có suy nghĩ rằng tinh lực của trẻ nếu chỉ sử dụng vào việc tiêu hóa thức ăn thì sẽ không thể phát triển não bộ. Vì thế, trong quá trình nuôi dạy Witte, ông chủ trương không ép con ăn nhiều hơn mức cần thiết. Trong khi đó có những đứa trẻ ăn không biết chán, ăn nhiều đến sinh bệnh. Có điều đấy không phải là đặc điểm trời sinh của trẻ mà chính là do thói quen ăn uống phát sinh từ sự thiếu hiểu biết của bố mẹ. Đương nhiên ai cũng mong con chóng lớn, nhưng không thể cho ăn tùy tiện mà phải có chế độ dinh dưỡng khoa học.

Cha Witte rất chú ý đến điểm này. Witte chỉ ăn những thứ được cho phép và cậu cũng được dạy bảo điều đó. Cha Witte giải thích cho con nghe về tầm quan trọng của sức khỏe như thế này: “Người ta nếu ăn quá nhiều thì cơ thể sẽ khó chịu, đầu óc sẽ kém minh mẫn, lâu dần sẽ sinh bệnh. Nếu bị bệnh thì không thể học được mà cũng chẳng thể chơi được. Không những thế, khi con bệnh thì bố mẹ cũng sẽ phải chăm sóc con, vì thế mà không thể làm việc được”. Nếu thấy con nhà người quen nào bị ốm, cha Witte sẽ dẫn con đến thăm và không quên những lời giáo huấn đúc kết từ thực tế: “Đó con xem, bạn ấy vì ăn uống bừa bãi nên sinh bệnh đó…”.

Ông kể lại lần hai cha con đi dạo và tình cờ gặp người quen. Cuộc trò chuyện như sau:

– Xin chào, mọi người trong nhà có khỏe không ạ?

– Dạ, cám ơn.

– Chẳng phải cháu ở nhà bị ốm hay sao?

– Vâng, nhưng sao bác biết ạ?

– Cái đó tôi biết chứ, vì là sau Giáng sinh mà.

Tôi hoàn toàn không nói sai. Đứa trẻ đó ngày thường đã ăn quá nhiều, sau lễ Giáng sinh thì chắc chắn sẽ phát ốm thôi. Sự thực đúng như vậy. “Tôi đưa con trai đến thăm. Đứa bé đó đang rên hừ hừ vì đau bụng và nhức đầu. Tôi hỏi ra thì quả thật là do ăn uống. Con trai tôi đứng bên cạnh đã tận mắt chứng kiến và hiểu được mọi chuyện.

Nhờ cách giáo dục này mà Witte hầu như không bao giờ bị ốm vì ăn uống. Khi đến chơi nhà người quen, được mời kẹo nhưng dù có hấp dẫn thế nào và mọi người có nói gì đi nữa thì con trai tôi vẫn không đụng đến. Mọi người nhìn vào, không nghĩ đó là do Witte tự nguyện. Ai cũng cho rằng do tôi quá nghiêm khắc. Suy từ bản thân họ và con họ thì đúng là không thể hiểu nổi tại sao Witte lại có thể tự kiềm chế như vậy. Nhưng nếu được dạy bảo từ đầu, chắc chắn đứa trẻ nào cũng sẽ giống như con tôi”, cha Witte kể lại.

Đúng như Witte cha nói, nhiều cha mẹ vì nuông chiều con nên để con ăn uống không quy tắc, không giới hạn, tạo cho con thói quen ăn uống bừa bãi. Điều đó làm giảm sút tinh thần và trí lực của trẻ. Cứ như thế, dù giáo dục từ sớm hay giáo dục kiểu gì đi nữa thì cũng không hiệu quả.

9.

Cha Witte khuyến khích con toàn tâm toàn ý trong lúc học, đồng thời phân biệt thời gian học và chơi. Tuy nhiên, thực tế phương pháp giáo dục của ông không mấy phân biệt điều đó. Ông luôn kết hợp “Chơi mà học, học mà chơi”. Khi chơi, đi dạo hay lúc ăn uống, ông đều nỗ lực mở rộng hiểu biết cho con. Nói đến sự toàn tâm toàn ý ở đây là thời gian quy định việc học cho Witte. Như đã nói, ông bắt đầu dạy Witte học tiếng Pháp từ khi lên 6. Đầu tiên, mỗi ngày ông chỉ dạy Witte 15 phút. Trong khoảng thời gian này, nếu Witte lơ là, không tập trung sẽ bị ông la rầy và ông không cho bất kỳ ai làm phiền Witte trong lúc học. Dù mẹ cậu hay người hầu có gì cần hỏi, ông cũng nghiêm khắc từ chối: “Bây giờ không được, vì Karl đang học”. Nếu có khách đến chơi, ông cũng nói: “Xin lỗi, đợi tôi một chút” và nhất quyết không rời khỏi ghế. Nhờ đó mà Witte hình thành thói quen tập trung cao độ khi học tập và học thông thạo rất nhanh các ngoại ngữ khác nhau.

Ngoài ra, cha Witte còn cố gắng tạo cho con thói quen làm gì cũng phải nhanh nhẹn, hoạt bát. Nếu Witte chậm chạp, ù lì thì dù có làm được việc ông cũng tỏ ra không vui. Kết quả của việc giáo dục này là Witte làm gì cũng rất nhanh chóng, nhờ đó mà cậu có nhiều thời gian để vận động, nghỉ ngơi và tham gia vào các hoạt động khác.

Ông nhờ vợ mình và mọi người trong nhà thường xuyên dẫn Witte đi dạo và bày trò chơi vận động để Witte giải tỏa căng thẳng trong học tập. So với những đứa trẻ khác thì thời gian Witte ngồi vào bàn học ít hơn rất nhiều. Cậu có một đời sống lành mạnh, vận động thường xuyên, vui chơi hợp lý.

Trong việc dạy ngôn ngữ và toán học, cha của Witte rất nghiêm khắc. Ông nghiêm cấm Witte học theo kiểu đại khái và luôn rèn cho Witte thói quen học phải nắm vững triệt để, tìm hiểu tường tận đến nơi đến chốn. Ông coi việc đó giống như xây một bức tường gạch, nếu không làm như thế sẽ không thể đạt kết quả. Trên thế giới cũng có những người được gọi là thông thái nhưng họ nói, họ viết bằng những thuật ngữ mà người khác không hiểu nổi. Cha của Wittte gọi họ là những học giả, những nhà giáo dục chỉ giỏi lý thuyết suông. Cha của Witte đã dùng hành động thực tế để chứng minh thay cho lời nói và ông luôn tin tưởng sâu sắc vào những việc mình làm mà không cần để ý đến xung quanh.

Có lẽ những gì tôi viết ra ở đây vẫn chưa đủ thuyết phục và mọi người vẫn nghĩ rằng làm theo cách của cha Witte cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, thực tế thì cha Witte mỗi ngày chỉ mất một đến hai tiếng vào việc dạy Witte. Ông cũng là nhà cải cách giáo dục có tư tưởng mới khi đề cao việc giáo dục tại nhà. Ban đầu ông chỉ muốn giáo dục để Witte không thua kém các bạn và đến 17, 18 tuổi có thể vào đại học như chúng bạn cùng trang lứa. Còn việc Witte phát triển hơn cả mong đợi là điều ông không ngờ tới. Ông đã hứa là sẽ giáo dục Witte sao cho các giai đoạn phát triển của cậu bé không bị muộn, và ông chỉ cố gắng thực hiện điều đó. Ông cũng đã xác định từ đầu rằng sẽ phải mất nhiều công sức để giáo dục Witte, nhưng về sau thì các môn như ngữ văn và nhiều môn học khác Witte đều tự học và tự nhớ. Đến năm 8 và 9 tuổi, kiến thức của Witte đã vượt cả cha mình.

Người đọc có thể cảm thấy phương pháp giáo dục của Witte cha là lệch lạc, chủ yếu nhằm nâng cao trí tuệ. Tuy nhiên, ông lý giải phương pháp giáo dục của mình như sau: “Mọi người nghĩ tôi giáo dục con theo phương châm đào tạo học giả, hơn nữa còn cho rằng tôi muốn con trở thành thần đồng, làm cả thế giới phải ngạc nhiên. Sự thật không phải vậy. Tôi chỉ muốn con tôi được phát triển toàn diện. Tôi đã hứa sẽ giúp con phát huy mọi khả năng sẵn có và tôi nỗ lực để con tôi lớn lên trở thành người hoạt bát, khỏe mạnh, hạnh phúc. Bản thân tôi thích những người hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, tôi dạy con cả tiếng Hy Lạp, tiếng La-tinh, toán học, cũng là để giáo dục con theo hướng toàn diện ngay từ đầu. Tôi cũng không phải người chỉ giáo dục tri thức cho con.

Tôi và vợ tôi luôn khuyến khích mọi sở thích và trí tưởng tượng của con, đồng thời cố gắng để con hiểu rằng yêu hay ghét không phải chỉ dựa trên cảm tính, mà phải do đạo đức và lương tâm quyết định. Tôi ghét cái gọi là học giả: họ chỉ là những người giống như nhánh cây khô không tình cảm và không thể kết bạn, những người chỉ chăm chăm vào cái mình biết, đi đến đâu, gặp bất kỳ ai cũng thao thao về chuyên môn của mình. Đó là những kẻ không bình thường, là trò cười cho thiên hạ. Tôi không muốn con tôi trở thành học giả kiểu đó. Chuyện con tôi là thần đồng chỉ là tin đồn nhảm. Thần đồng là gì chứ? Chẳng phải chỉ là hoa trong nhà kính hay sao? Nếu tôi mà có thể lập kế hoạch biến con mình thành thần đồng, chẳng phải là tôi đã mạo danh cả các vị thần làm công việc của họ sao?”.

Nếu xét đến phương diện trí tuệ của một đứa trẻ thì 8 tuổi biết 6 thứ tiếng, 9 tuổi vào đại học, 14 tuổi thành tiến sĩ là một kết quả tuyệt vời. Nhưng nhìn theo một khía cạnh khác thì đây có thể chỉ là bình thường. Những người thời đó chỉ nhìn vào thành tích học tập của Witte nên cho rằng phương pháp giáo dục của ông là hướng vào tri thức. Còn đối với cha của Witte thì mục tiêu là giáo dục con về mọi mặt. Việc khả năng trí tuệ của Witte trở nên xuất chúng như vậy là kết quả hoàn toàn bất ngờ. Trên thực tế, để thực hiện kế hoạch toàn diện của mình, ông đã dồn nhiều công sức để giáo dục đức độ cho con hơn là tài năng. Bản thân ông là mục sư, vì thế Witte ngay từ nhỏ đã được dạy về lòng mộ đạo và kết quả là cậu bé thông thạo Kinh Thánh một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là những lời răn của Chúa thì Witte thuộc lòng từng chữ. Không ít trẻ là con mục sư, nói về Kinh Thánh thì cái gì cũng biết, nhưng lại quá đỗi phá quấy, khó bảo. Witte thì không. Đó là một cậu bé sùng đạo tuyệt vời với trái tim nhân ái sâu sắc, theo lời mọi người là “thanh khiết như Thiên sứ”. Từ nhỏ tới lớn, cậu không tranh giành với ai, thậm chí còn không làm đau cả loài hoa cỏ. Cả cuộc đời mình, Witte là tấm gương tiêu biểu cho một tâm hồn hào hiệp với lòng kính Chúa sâu đậm.

11.

“Khi Witte được 6 tuổi, một lần tôi đã dẫn Witte đến nhà vị mục sư ở làng bên chơi và ở lại đó qua đêm. Witte rất thích sữa nên mọi người đã mang ra loại sữa ngon nhất cùng rất nhiều bánh kẹo cho Witte. Nhưng trong bữa tiệc trà, Witte đã làm đổ một ít sữa. Ở nhà chúng tôi có quy định là nếu Witte làm đổ vỡ vật gì thì sẽ bị phạt và không được ăn bánh. Khi đó Witte bối rối và hơi đỏ mặt, rồi không ăn uống gì nữa.

Tôi lặng im, giả vờ như không thấy. Nhưng vị mục sư đã nói: ‘Cháu cứ uống nữa đi, uống nhiều vào’. Cậu bé từ chối: ‘Cháu đã làm đổ nên không được uống nữa’. ‘Hay là cháu sợ cha không đồng ý?’, mọi người hỏi Witte. Lúc đó tôi vừa uống trà vừa ăn bánh, làm như không để ý đến, xem Witte phản ứng ra sao. Witte vẫn không uống thêm chút nào. Hình như mọi người không vui lắm vì nghĩ rằng cách giáo dục của tôi khiến cậu bé quá sợ hãi và đánh mất đi vẻ ngây thơ, hồn nhiên vốn có.

Tôi bế Witte đặt lên ghế và giải thích cậu bé cư xử như vậy là do từ nhỏ đã được dạy về việc khống chế thói quen ăn uống những thứ mình thích. Mọi người nghe vậy đã trách tôi sao quá nghiêm khắc. ‘Không phải vậy, con trai tôi hiểu rõ những gì nó làm. Cho dù tôi có bảo cháu uống sữa nữa đi thì chắc chắn cháu cũng không uống vì cháu hiểu cái gì tốt và không tốt cho mình. Thói quen tự điều chỉnh và kiểm soát những gì mình muốn này đã được hình thành từ lâu’. Mọi người vẫn tỏ vẻ không tin. ‘Vậy thì tôi sẽ ra khỏi phòng, các vị cứ tự nhiên gọi Witte lại và thử cho cháu uống thêm sữa. Tôi chắc chắn rằng dù có tôi hay không thì Witte cũng sẽ không uống thêm sữa’.

Tôi ra khỏi phòng. Mọi người tiếp tục làm mọi cách để Witte uống thêm sữa nhưng hoàn toàn vô ích. Họ còn đem bánh kẹo ra dụ dỗ Witte, nói rằng cứ ăn đi vì cha không biết đâu… nhưng Witte không nghe mà còn thẳng thắn nói: ‘Cho dù cha cháu không thấy, không biết nhưng Thần thánh biết. Cháu không thể làm như thế được’. ‘Nhưng lát nữa chúng ta sẽ cùng đi dạo, nếu ăn ít thì sẽ không đủ sức đi chơi đâu’, một người cố gắng thuyết phục cậu bé. Nhưng Witte vẫn khăng khăng: ‘Cháu không sao!’. Mọi người ra ngoài gọi tôi vào. Cậu bé vừa khóc vừa kể lại mọi chuyện. Tôi liền ôm Witte vào lòng và nhẹ nhàng nói: ‘Karl, con ngoan lắm. Con chịu phạt như thế là đủ rồi. Mọi người vì yêu mến con nên muốn con ăn bánh kẹo và uống sữa. Con không ăn là phụ lòng tốt của mọi người đấy’.

Nghe tôi nói vậy, Witte mới vui vẻ tiếp tục uống hết chỗ sữa và ăn bánh. Việc cậu bé mới 6 tuổi mà đã biết tự chủ như vậy khiến mọi người ở nhà vị mục sư rất ngạc nhiên”.

Đọc đến đây chắc nhiều người sẽ nghĩ rằng cha Witte đã quá nghiêm khắc trong việc giáo dục con. Nhưng đôi khi sự nghiêm khắc đó cũng có hiệu quả, vấn đề là cần áp dụng đúng người đúng việc. Khi nhỏ nếu không rèn thói quen “đúng lúc đúng chỗ” này thì lớn lên sẽ khó hình thành tính kỷ luật. Thông thường, sự giáo dục nghiêm khắc sẽ làm cho trẻ rất khổ sở, nhưng riêng phương pháp giáo dục của cha Witte thì, ngược lại, rất thoải mái, tự nguyện. Nếu được dạy bảo tốt ngay từ đầu, trẻ sẽ không có cảm giác khó chịu vì bị ép buộc. Cũng giống như việc xây nhà: phải sắp xếp có trật tự ngay từ những viên gạch ban đầu. Và cha Witte đã làm rất tốt điều này.

Nguyên tắc cơ bản trong việc dạy con của ông là cái gì đã nói không thì nhất định không được làm, tránh thái độ bất nhất khi yêu cầu trẻ, lúc thì cho phép, lúc thì không cho. Như nhà thơ Đức, Johann Christoph Friedrich Schiller, đã nói: “Cái gì chúng ta không bao giờ có thì sẽ không cảm thấy thiếu”. Điều đó dễ hình thành trong suy nghĩ của trẻ khái niệm “khi cha mẹ nói không được là không được”. Cha Witte đã làm theo phương pháp giáo dục này và áp dụng ngay từ lúc Witte mới 1 tuổi. Chúng ta thường thấy các ông bố bà mẹ có suy nghĩ cứ để cho con làm, lớn lên chút nữa sẽ cấm. Như vậy sẽ càng làm khổ con. Điều khó trong việc dạy dỗ trẻ chính là giúp trẻ hình thành khái niệm. Cái gì là tốt, cái gì là xấu, những người làm cha mẹ phải nhất quán ngay từ đầu và không được thay đổi. Và giữa người lớn phải có sự đồng thuận, tránh mẹ nói một đằng, cha nói một nẻo. Việc giáo dục luôn đòi hỏi sự phối hợp thống nhất của cha, mẹ và cả những người trong nhà. Đôi khi cha quá nghiêm khắc, còn mẹ lại quá nuông chiều con, thế nên việc giáo dục không đạt kết quả. Cha Witte rất chú ý đến điều này. Dù trong giáo dục tri thức hay nhân cách, ông đều có sự hợp tác của vợ. Cái gọi là “mẹ hiền, cha nghiêm” nhất định không phải là biện pháp giáo dục tốt.

12.

Phương pháp giáo dục của cha Witte tuy có nghiêm khắc nhưng không phải là kiểu giáo dục độc tài, chuyên chế, bắt con làm theo ý mình một cách mù quáng. Trong cách dạy con cũng như mọi vấn đề khác, ông luôn tôn trọng tính hợp lý. Ông cho rằng trong giáo dục thì điều quan trọng là không được dùng quyền làm cha mẹ để che khuất lý trí và làm rối loạn năng lực phán xét của trẻ. Người làm cha mẹ thường có quan điểm sai lầm dẫn đến việc mắng con vô lý. Đó là điều không nên. Cho dù việc trách mắng và ngăn cấm là chính đáng, nhưng nếu không cho trẻ biết rõ lý do thì vẫn đáng trách. Phần đông các bậc làm cha mẹ mắc sai lầm này. Đây chính là sự chuyên chế. Cha Witte thì khác, ông luôn cố gắng nhìn vào thực tế để không mắng “oan” con. Bao giờ ông cũng giải thích để Witte hiểu vì sao không được làm việc này, không được làm việc kia… Ông cho rằng nếu làm hỏng năng lực tự phán xét của trẻ thì sau này trẻ sẽ không thể có cái nhìn khách quan, công bằng trong mọi vấn đề. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân trẻ, mà còn cản trở sự tiến bộ của xã hội.

Khi Witte cứ nói mà không suy nghĩ, cha Witte không mắng mà chỉ ôn tồn nhắc: “Như thế không có gì là xấu cả nhưng từ giờ con không nên nói thế nữa”. Lần đầu tiên, cha Witte đã mất rất nhiều thời gian để giải thích cho Witte hiểu mà không làm tổn hại đến khả năng đánh giá của cậu bé, cũng như không làm tổn thương cậu: “Những gì con nói hoàn toàn đúng. Cha cũng đồng ý điều đó nhưng nói ra trước mặt mọi người là việc không nên. Vì con nói như thế sẽ làm cho ông N mắc cỡ. Ông ấy rất quý mến con, nể cha nên không nói gì, nhưng sau đó ông ấy đối với con không còn vui vẻ như trước nữa, đúng không? Từ lúc đó, ông ấy không nói câu nào nữa là vì con đã nói những lời không hay như vừa rồi đấy”. Nghe những lời này, Witte đã hiểu được việc không nên làm nhưng vẫn thắc mắc: “Nhưng con nói sự thật mà”. “Đúng là sự thật nhưng ông N cũng có cách nghĩ của ông ấy mà chúng ta chưa chắc đã biết được. Không chừng ông ấy lại cho rằng con là trẻ nhỏ nên không hiểu ông ấy thì sao? Hơn nữa, cho dù điều con nói là sự thật nhưng không hẳn là điều bắt buộc phải nói. Nếu con nghĩ mình biết điều đó thì con nhầm rồi. Có lẽ điều đó không chỉ mình con biết mà những người khác cũng biết. Nhưng tại sao họ im lặng mà không nói ra như con? Và con thử nghĩ xem nếu ai đó để ý bắt lỗi của con rồi nói trước mặt người khác thì con có vui không? Thực ra người lớn hay trẻ con đều có khi mắc lỗi. Con cũng vậy. Nhưng những người khác luôn làm như không thấy lỗi của con. Họ im lặng không phải vì họ không biết đâu. Họ biết đấy, nhưng họ vẫn im lặng vì không muốn làm con xấu hổ. Như vậy con thấy họ có tốt bụng không? Chẳng phải Kinh Thánh đã dạy chúng ta: ‘Muốn người khác làm điều gì cho mình thì hãy làm điều đó với họ’ hay sao? Dù là sự thật đi nữa nhưng chỉ ra sai lầm của người khác trước mặt mọi người là điều rất không nên làm”. Witte băn khoăn: “Vậy con sẽ phải nói dối ư?”. “Không, đó không phải là nói dối. Con không cần phải nói dối. Chỉ im lặng là được rồi. Vì nếu như ai cũng chăm chăm để ý và chỉ trích sai lầm của người khác ở chỗ đông người thì chắc hẳn thế giới này sẽ chỉ toàn là cãi cọ và có thể chúng ta sẽ không sống an lành như thế này được…”. Sau khi nghe những lời này, Witte hứa: “Từ bây giờ con nhất định không làm như thế nữa”.

Bao giờ cũng thế, cha Witte luôn giải thích cặn kẽ đến khi con mình hiểu rõ. Tính hợp lý trong cách giáo dục của cha Witte là như vậy: không áp đặt quan điểm và không làm tổn hại đến khả năng phán xét của trẻ. Cũng nhờ đó mà Witte biết được nhiều từ ngữ, hiểu được nguyên nhân, hiểu được những lời giáo huấn của cha. Song phần lớn những đứa trẻ khác sẽ không hiểu nguyên nhân dù có được giải thích, vì thế khó mà áp dụng phương pháp giáo dục này. Đó là lý do tại sao cần phải làm phong phú vốn từ vựng cho trẻ ngay từ đầu.

13.

So với các bậc cha mẹ khác, cha Witte rất nghiêm khắc trong việc để con ra ngoài chơi. Theo như lời ông, nếu để trẻ ra ngoài chơi chúng sẽ không thể chọn bạn vì trẻ dễ kết thân với bất kỳ đứa trẻ nào chơi cùng và sẽ nhiễm phải những thói xấu, ví dụ như việc học đòi làm chuyện người lớn, đánh bạc, cãi lộn… Trẻ em hầu như chưa biết suy nghĩ. Chúng lấy cát, đá ném nhau, đùa giỡn rồi làm bạn mình bị thương… có khi còn hỏng cả đôi mắt. Gặp những đứa trẻ bị hỏng mắt, gãy tay, què chân… ông luôn hỏi kỹ nguyên nhân và biết rằng hầu hết đều xảy ra trong lúc vui chơi, đùa giỡn với chúng bạn. Vì thế, ông nhất quyết không cho Witte ra ngoài chơi. Không chỉ vậy, ông còn không cho Witte chơi với những đứa trẻ khác. Ông giải thích điều này như sau: “Nhiều người nói rằng trẻ con không có bạn cùng chơi sẽ rơi vào cảm giác cô độc. Trẻ có thể trở nên lầm lì, ít nói, tiêu cực, khó bảo. Tôi đã thử bàn việc này với vợ tôi và cuối cùng quyết định chọn cho con tôi hai cô bạn.

Đây là hai cô bé được dạy bảo tốt nhất trong vùng, lại biết hát, biết múa nên con trai tôi cùng chơi rất vui vẻ. Nhưng đúng như tôi lo lắng. Từ sau khi chơi với hai cô bé đó, Witte trở nên bướng bỉnh và bắt đầu nói dối, thậm chí nhiều lần dùng những từ thô lỗ, rất khó nghe, tính tình ích kỷ. Đó là vì hai cô bạn không phản đối Witte bất cứ việc gì. Tôi đã dặn hai cô bé đừng nuông chiều và nghe theo mọi lời nói của Witte, và khi Witte tỏ ra ích kỷ thì hãy nói với tôi, nhưng không có kết quả. Từ đó, tôi bỏ ý định cho Witte kết bạn với những đứa trẻ khác.

Tôi đã nghĩ rằng trẻ con nếu không có bạn chơi thì sẽ không vui, nhưng xem ra điều này không hoàn toàn đúng. Đương nhiên tôi hiểu trẻ con khi chơi với những bạn bè cùng trang lứa thì thích gì nói nấy, ưng gì làm nấy, hoàn toàn theo ý mình, rất thoải mái. Có lẽ vì vậy mà mọi người cho rằng đây là niềm vui của trẻ chăng? Nhưng nếu vui như thế thì thà không có còn hơn.

Nếu chúng ta có thể cũng mang trái tim và tâm hồn trẻ thơ để cùng chơi đùa với chúng thì trẻ sẽ vẫn vui mà lại có thể chơi một cách có ích, không bị tác động bởi những thói xấu. Nếu chỉ toàn là những đứa trẻ chơi với nhau, đứa trẻ ngoan sẽ bị ảnh hưởng bởi cái xấu, đứa trẻ hư thì càng bị ảnh hưởng phần xấu nhiều hơn. Việc trẻ ngoan có những thói quen tốt sẽ tác động đến trẻ hư là khả năng không thể, vì thói xấu mới là thứ dễ lây lan nhanh chóng. Đơn giản vì đức tính tốt là thứ cần nỗ lực rèn luyện và phải biết tự chủ cao mới có được, còn học cái xấu chẳng mất chút công sức nào. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tuyệt đối không cho trẻ chơi với những đứa trẻ khác. Đôi khi vẫn nên cho trẻ gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc với nhau dưới sự giám sát của cha mẹ, như thế trẻ sẽ tránh được những thói hư tật xấu. Witte được hạn chế theo cách đó. Kết quả là Witte không bị nhiễm thói hư tật xấu, vì thế không bao giờ cãi nhau với trẻ khác và chủ động tránh xa mỗi khi thấy bạn có hành vi xấu. Vì thế mọi đứa trẻ đều quý mến Witte đến mức khi tôi cho cháu đi chơi ở đâu thì lúc về những đứa trẻ khác đều khóc và muốn giữ lại.

Ở nhà, Witte không có cơ hội để tranh chấp với ai nên không dễ bị kích động như những trẻ khác. Còn những đứa trẻ khác dù có xấu đi nữa cũng không có lý do gì để tức giận với Witte. Cho đến tận năm 18 tuổi, Witte vẫn chưa một lần cãi cọ với ai. Trong thời gian ở đại học tuy có xảy ra những cuộc tranh luận về học tập nhưng Witte không hề làm người khác mất thiện cảm với mình. So với hầu hết bạn học thì Witte ít tuổi hơn nên tôi hơi lo lắng, nhưng vì Witte đối với mọi người rất chân thành nên được nhiều bạn bè quý mến. Điều đó làm tôi cảm động. Như vậy, theo kinh nghiệm của tôi, ‘trẻ không có bạn chơi sẽ không vui dẫn đến hay cáu kỉnh, khó bảo…’ là nhận định sai lầm. Nếu vì thấy trẻ có hứng thú chơi với những đứa trẻ khác mà cho rằng phải làm như thế thì tôi cho đó là định kiến. Có điều suy nghĩ này chưa dễ thay đổi”.

14.

Cha Witte đã mất rất nhiều công sức để hướng thiện cho con. Ngay từ lúc Witte còn thơ ấu, cha đã kể cho Witte nghe những câu chuyện về cái thiện, đặc biệt là những câu chuyện trong Kinh Thánh. Khi Witte làm được điều gì tốt, ông đều khen ngợi nhưng ông cũng luôn chú ý để không khen ngợi quá đà khiến con sinh ra kiêu ngạo. Khi Witte lớn hơn một chút, ông thường cho Witte đọc những bài thơ về đạo đức. Trong văn học Đức có rất nhiều bài thơ ca ngợi tình bạn, tình yêu, lòng dũng cảm, đức hy sinh… Witte đều thuộc cả. Ngoài ra, ông còn có một cuốn sổ nhỏ ghi lại những việc tốt của Witte để giữ làm kỷ niệm. Cách khen ngợi này đã khuyến khích Witte cố gắng làm những điều tốt đẹp. Nhưng việc mà cha Witte nỗ lực nhiều nhất chính là làm sao để con có thể cảm nhận niềm vui khi làm việc thiện, niềm vui trong việc nghiêm khắc với chính mình.

Không chỉ là lời nói suông, điều quan trọng là làm sao để con hiểu ra vấn đề. Đây là việc khó, tuy nhiên không phải là không thể. “Chỉ cần ta dốc sức làm việc thiện, Thánh thần sẽ biết”, cha Witte đã cố gắng để con mình thấm nhuần ý nghĩ đó. Và ông cũng nói về những kẻ làm điều xấu kèm theo lời phê phán rất nghiêm khắc.

Tuy nhiên, phương pháp khuyến khích con làm điều thiện có hơi khác so với việc khuyến khích con học. Nếu nói gọn trong một câu thì phương châm của cha Witte là “Học tập sẽ giúp ta trở nên giàu có, còn làm điều thiện sẽ được Chúa Trời ban thưởng”. Cứ một ngày học tập chăm chỉ, Witte sẽ được thưởng một đồng xu; nhưng nếu Witte làm sai điều gì sẽ mất đi đồng xu đó. Cha của Witte viết về điều này như sau: “Thỉnh thoảng, con trai nói với tôi: ‘Hôm nay con đã làm sai, chắc là con không được thưởng nữa’. Nghe điều này tôi rất vui và muốn thưởng cho Witte gấp đôi, nhưng tôi vẫn nói: ‘Thế à? Cha không biết đấy. Vậy ngày mai con nhớ làm điều tốt để bù lại nhé’”.

Nhiều người cho rằng thật không hay khi dùng tiền để khích lệ con học, nhưng đấy lại chính là ý nghĩa của thông điệp “Học tập mang lại sự giàu có”. Cha Witte viết: “Đúng là hơi buồn cười, nhưng tôi đã trả một xu cho mỗi ngày học tập của con. Tôi làm vậy để Witte hiểu rằng phải vất vả thế nào mới có thể được trả công. Bên cạnh đó, Witte còn học được cách sử dụng đồng tiền sao cho ý nghĩa. Vào dịp Giáng sinh, với số tiền ít ỏi dành dụm được, Witte có thể mua quà cho bạn bè và cho những gia đình nghèo. Điều đó sẽ giúp trẻ nhận ra rất nhiều điều có ý nghĩa”.

Khi trong vùng xảy ra thiên tai, cha Witte bao giờ cũng đến thăm những gia đình không may và Witte cũng dùng tiền của mình để đóng góp. Mỗi lần như thế, ông lại khen ngợi: “Con làm rất tốt. Số tiền của con tuy ít nhưng nó chính là Lepta của người quả phụ nghèo khổ đó”. “Lepta của người quả phụ nghèo khổ” là câu chuyện trích dẫn trong Kinh Thánh. Trong phần cuối của chương 12 phần kể về Thánh Marco có đoạn Chúa Jesus ngồi im lặng nhìn mọi người bỏ tiền vào chiếc hộp quyên góp. Ai nấy bỏ vào rất nhiều tiền, chỉ riêng bà quả phụ Lepta bỏ vào có hai xu. Các môn đệ của Người thấy vậy liền gọi lại hỏi và Lepta trả lời: “Các vị ở đây ai cũng giàu có nhưng tôi chỉ là một quả phụ nghèo. Số tiền đó là tất cả gia tài tôi đang có. Mong các vị vui lòng nhận cho”.

Cha Witte rất hay dùng lời răn trong Kinh Thánh, những điển cố, điển tích, những lời thơ ca… như vậy để khích lệ con làm việc thiện. Và ngay từ nhỏ, Witte đã phải ghi nhớ tất cả những câu chuyện đó và mỗi lần có ai làm điều gì sai mà Witte nhìn thấy, cha Witte đều hỏi: “Theo con, người đó làm đúng hay sai?”. Witte ngay lập tức hiểu ra và không bao giờ bắt chước như vậy.

Để khích lệ con học, cha Witte còn làm thế này: Khi Witte đọc hết một cuốn sách cổ và kể lại được thì ông sẽ dùng tên của những người nổi tiếng để gọi con. Và tiếp đó là mẹ Witte bước vào, chúc mừng và tặng quà cho Witte. Sau đó, Witte được dẫn vào thị trấn mua rất nhiều thứ mà Witte thích. Cả nhà mở tiệc và Witte mời một vài người bạn thân đến ăn cùng. Trước bữa ăn, ông tuyên bố lý do: “Hôm nay, Witte đã đọc hiểu được một cuốn sách rất khó, chứng tỏ học lực của cháu đã có nhiều tiến bộ”. Mọi người chúc mừng và hỏi Witte về cuốn sách. Witte sẽ kể sơ lược về cuốn sách đã đọc, rồi cậu bày tỏ lòng biết ơn Chúa Trời và Thánh thần đã ban cho cậu sức khỏe và nhiều ân huệ để có được học vấn như ngày hôm nay.

15.

Chúng ta thấy cha Witte thưởng tiền khi con học tốt, còn khi con làm việc thiện thì được ghi chép vào một cuốn vở. Nhìn chung, ông rất hiếm khi khen ngợi con vì sợ khi lạm dụng thì lời khen sẽ trở nên không hiệu quả. Vì thế khi Witte học tốt, ông chỉ nói: “À, con làm tốt đấy!”. Nhưng khi Witte làm được việc thiện, ông sẽ ca ngợi: “Chà! Con làm rất tốt. Chắc chắn rằng Chúa Trời cũng sẽ rất vui”. Nếu đó là việc đặc biệt tốt, ông sẽ ôm hôn con, nhưng hành động đó đặc biệt hiếm và đối với Witte thì đó là món quà rất có giá trị. Bằng cách đó, ông đã làm cho Witte cảm nhận được niềm vui khi làm việc thiện. Quan điểm của ông là khen trẻ thái quá sẽ khiến con kiêu ngạo. Việc ông dạy con nhiều thứ nhưng không bao giờ nói rằng đây là hóa học, đây là vật lý… cũng là để tránh cho con kiêu ngạo về những kiến thức mình có được. Còn nhỏ đã tự phụ thì sau này lớn lên khó thành đạt.

Cha Witte quả là đã rất lao tâm khổ tứ để tránh cho con khỏi có tính tự phụ. Ông không chỉ hạn chế khen ngợi con, mà còn tránh cả việc để người khác khen ngợi. Khi có người khen Witte, ông sẽ dắt con ra ngoài để khỏi phải nghe. Và một khi đã đề nghị mà vẫn không được, ông sẽ đoạn tuyệt không đến nhà đó nữa. Ông làm việc này quyết liệt đến mức nhiều khi mọi người không hiểu và có những lời bình phẩm không hay. Khi Witte lớn hơn một chút, ông dạy con rằng: “Có tri thức thì có thể nhận sự khen ngợi của người khác, còn làm việc thiện sẽ được Chúa Trời ban thưởng. Nhưng lời tán thưởng của nhân gian nói chung rất dễ thay đổi, dễ có mà cũng dễ mất. Còn phần thưởng của Chúa Trời là do việc thiện tích tụ mà nên, rất khó đạt được, nhưng sẽ là thứ vĩnh viễn không thay đổi. Bởi vậy không nên mê muội với những lời tán tụng của nhân gian. Người nào vui mừng với những lời tán tụng thì cũng sẽ buồn phiền vì những lời cay độc, và chỉ có kẻ ngốc mới bận tâm về miệng lưỡi người đời. Con người ta, dù học rộng đến đâu thì cũng chỉ như là giọt nước trong đại dương, cho nên người nào bằng lòng với lượng kiến thức của mình thì thật đáng thương”.

Ông nói những điều này với mong muốn Witte sẽ không mắc phải thói tự phụ. Đây thực sự là một mục tiêu khó khăn, nhưng ông đã rất thành công.

16.

Có không ít trẻ, do được mọi người ca ngợi quá mức, đã sinh ra thói kiêu căng, tự mãn. Cha Witte đã cố gắng tránh cho Witte thói hư này. Ông viết:

“Có lần, tiến sĩ Zenfer, ủy viên Giáo hội của Hale, đã hỏi tôi: ‘Witte thông minh như vậy chắc kiêu căng chứ?’. ‘Không, cháu không hề kiêu căng’, tôi trả lời với giọng tự hào. ‘Làm gì có chuyện đó. Thật khó tin! Thần đồng thông minh như thế mà không kiêu căng ư? Kiêu căng, tự phụ cũng là bình thường thôi mà, huống chi Witte dù sao vẫn còn là trẻ con’, tiến sĩ Zenfer tỏ vẻ không tin và muốn gặp Witte để nói chuyện. Tôi đồng ý. Sau buổi gặp và trò chuyện ấy, tiến sĩ Zenfer mới tin lời tôi là thật”.

Lần khác, giám sát viên H đến nhà người thân ở Gottingen chơi. Trước đó, ông ta đã nghe về Witte qua những câu chuyện truyền miệng và qua báo chí, nhưng ông muốn tìm hiểu rõ hơn về Witte vì biết người thân của ông có quen cha Witte. Qua sự giới thiệu và nể tình là chỗ quen biết, cha Witte đồng ý để vị này gặp và thử tài Witte với một điều kiện: “Cho dù thế nào thì cũng không được khen ngợi Witte”. Ông H đồng ý và nói rằng rất muốn thử kiểm tra kiến thức của Witte ở nhiều môn, nhưng do thời gian không nhiều nên chỉ kiểm tra môn toán. Witte và ông đã có buổi trò chuyện ngắn, sau đó là một cuộc kiểm tra kiến thức nhẹ nhàng xoay quanh đề tài toán học, từ những vấn đề đơn giản nhất đến phức tạp nhất. Tất cả những vấn đề ông nêu ra đều được Witte trả lời trôi chảy đến mức ông ngạc nhiên không nói được lời nào, mặc dù trước đó ông cũng đã biết rằng Witte rất giỏi toán.

Nếu cha Witte không đưa tay lên miệng làm dấu nhắc “Im lặng” thì đã rất nhiều lần ông phá vỡ lời hứa “không được khen Witte”. Do cả ông lẫn Witte đều thích môn toán nên bàn luận về chủ đề này không biết chán. Kết thúc buổi kiểm tra kiến thức, ông đã phải thốt lên: “Thật là giỏi! Có những điều Witte còn hiểu và nắm rõ hơn cả tôi”. Khi nghe cha Witte kể rằng Witte mới chỉ học môn toán được sáu tháng và chủ yếu là qua những lần nghe lỏm bài giảng của các vị giáo sư, ông lại càng ngạc nhiên hơn. Nhưng ông vẫn muốn thử Witte: “Đây là câu hỏi cuối cùng”, ông nói với Witte, “câu hỏi này, nhà toán học và vật lý Leonhard Euler đã mất ba ngày mới giải được. Nếu cậu giải được thì tôi thật sự rất vui”. Ông nói như thế là muốn thách đố, dường như không chịu thua Witte.

Cha Witte cảm thấy lo lắng. Ông không lo vì Witte không trả lời được, mà lo vì nếu Witte trả lời được thì có thể cậu bé sẽ cảm thấy tự phụ. Nhưng vì nhận lời rồi nên ông không thể “dừng cuộc vui” của hai người. Vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt ông. Giám sát viên H không hiểu nên lại nghĩ cha Witte sợ con không giải được.

Câu hỏi ông H đưa ra cho Witte như sau: “Một người nông dân có mảnh đất hình chữ L. Ông muốn chia thành ba phần bằng nhau cho ba người con, mỗi phần có diện tích và hình dạng giống nhau. Hãy giúp người nông dân đó”. Rồi ông ấy còn hỏi thêm: “Cháu đã từng nghe hay đọc một câu hỏi nào khó tương tự như thế này chưa?”. “Dạ, chưa. Hãy cho cháu chút thời gian suy nghĩ, cháu sẽ cố gắng tìm ra câu trả lời”. Ông H kéo tay cha Witte lại góc phòng và thầm thì: “Câu hỏi này tôi đã hỏi nhiều đứa bé được coi là thông minh, thần đồng rồi nhưng đến giờ chưa ai trả lời được. Tôi hiểu là tôi đã ra một câu hỏi khó, nhưng đây cũng là dịp để Witte học tập thêm”. Nhưng ông ấy vừa nói xong thì có tiếng Witte reo lên mừng rỡ: “Cháu tìm ra đáp án rồi”. Giám sát viên H ngạc nhiên đến nỗi không thốt nên lời. Witte bắt đầu giải thích. Ông H hoàn toàn bị thuyết phục nhưng vẫn không tin: “Cháu đã biết câu hỏi này từ trước phải không?”. “Dạ, không ạ”, Witte vừa trả lời vừa khóc. Cậu bé luôn miệng “Dạ, không ạ” như muốn thanh minh là mình nói thật và nhìn cha bằng ánh mắt cầu cứu. Ngay cả khi cha Witte xác nhận là Witte chưa hề biết câu hỏi này thì vị giám sát viên ấy vẫn chưa thật sự tin.

Ông ấy đùa: “Như vậy thì con trai ông giỏi hơn Euler rồi”. “Không, có lẽ do may mắn thôi. Kiến thức là vô hạn, tôi luôn cố gắng để Witte hiểu điều đó để cháu không tự phụ”.“Có lẽ nhờ phương pháp giáo dục đúng hướng mà Witte khác hẳn những cậu bé mà tôi đã gặp và chắc chắn cháu còn sẽ thành đạt hơn nữa”, vị giám sát viên gật gù. Witte không nghe rõ hai người nói gì, nhưng cậu rất vui vì quen được một người bạn mới tâm đầu ý hợp. Trước khi về, cậu bé còn mời ông H hôm nào đến chơi nữa.

Xin nói thêm một chút về câu hỏi mà vị giám sát viên H đã đố Witte. Hình như câu hỏi và tỉ lệ trong phần hình vẽ minh họa không được chính xác. Tuy không thể chứng minh bằng toán học nhưng tôi và một số giáo sư toán cũng đã thử trên mô hình bằng giấy. Kết quả là không làm cách nào chia ba phần có diện tích bằng nhau với hình dáng y hệt nhau được. Nếu câu hỏi sai thì chắc chắn không thể tìm ra đáp án. Hay vấn đề ở đây là do việc chuyển ngữ? Từ “similar” trong tiếng Anh sử dụng trong toán học phải chăng mang một nghĩa khác? Nếu không, Euler đã không phải mất đến ba ngày mới tìm ra đáp án. Mà cũng có thể vị giám sát viên H đó nhầm lẫn chỗ nào chăng?

17.

Phương pháp giáo dục của cha Witte, như ông đã nói, là để tạo ra một con người tài đức vẹn toàn với thể lực tối ưu. Vì thế, giáo dục tri thức, nhân cách, thể chất, đều được ông coi trọng. Tuy nhiên, trong sách của ông không thấy ghi chép về việc giáo dục thể chất nên mọi người cũng không biết chính xác. Chỉ thấy hình như hai cha con ông thường cùng nhau dạo chơi quanh làng, leo núi và đi bộ ra thị trấn. Không thấy đề cập đến bơi lội, quần vợt hay cưỡi ngựa. Nhưng rõ ràng cha Witte rất chú ý đến vấn đề sức khỏe và Witte cũng là một cậu bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đến cuối đời vẫn duy trì một thể lực tốt.

Cha Witte còn cho rằng chỉ dạy về tri thức, nhân cách, thể lực thôi thì chưa đủ mà còn phải “thổi” được cảm hứng vào trong đó, làm sao để việc dạy và học trở nên thú vị. Để làm điều này, ông đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bắt đầu từ ngôi nhà. Ông rất coi trọng sự hài hòa của ngôi nhà và trong nhà ông không gì là không thú vị. Giấy dán tường phải là loại giấy khiến người ta cảm thấy dễ chịu, trên đó treo những bức tranh vui tươi. Đồ vật trong nhà cũng thế, cái nào cũng có hoa văn trang nhã. Nếu là thứ được tặng nhưng không hợp với các đồ vật khác trong nhà thì ông nhất định không dùng. Trang phục cũng vậy. Ông dứt khoát tẩy chay những thứ lòe loẹt, chỉ dùng những bộ quần áo giản dị mà vẫn quý phái. Tiếp đến là những thứ xung quanh nhà. Ông trồng nhiều loại hoa, để sao cho từ đầu mùa xuân đến cuối mùa thu luôn có hoa nở. Ngay cả ở đây, mọi thứ cũng phải hài hòa.

Nhờ được cha truyền cho cảm hứng văn học mà Witte có khả năng cảm thụ thơ ca rất tốt và biết làm thơ từ sớm. Trong thư gửi Witte năm cậu bé lên 10 tuổi, nhà ngôn ngữ học Heine, nhà thơ Wieland đều rất ngạc nhiên về khả năng ngôn ngữ xuất sắc của cậu bé. Nhìn vào cuộc đời của Witte với học vị đầu tiên là tiến sĩ toán học, sau trở thành giảng viên luật học, lại có những nghiên cứu giá trị về Dante… chúng ta có thể khẳng định rằng đây là một người đa tài, toàn diện.

18.

Nhờ những nỗ lực của cha và sự phấn đấu tự thân mà đến năm 7 tuổi rưỡi, Witte đã có những tiến bộ vượt bậc trong học tập, xa gần đều biết. Nhiều người tìm đến để thử sức và ai nấy đều phải trầm trồ thán phục. Tháng 5 năm 1808, giảng viên Rant Fort ở Merseburg, với mong muốn khích lệ học sinh của mình, đã tìm đến và đề nghị được thử tài Witte trước mặt các học sinh.

Ban đầu, cha Witte từ chối vì sợ rằng điều đó có thể khiến con trở nên kiêu ngạo, nhưng ông nghĩ lại và đã đồng ý với điều kiện tất cả những người có mặt đều không được thốt ra một lời khen ngợi nào.

Giảng viên Rant Fort mời hai cha con Witte đến trường vào giờ dạy tiếng Hy Lạp, là môn học tương đối khó. Rant Fort hỏi Witte mấy câu khó. Ngay lập tức cậu bé trả lời hết sức dễ dàng và trả lời trôi chảy cả những câu khác. Các môn tiếng La-tinh, tiếng Pháp, lịch sử Hy Lạp, toán học… Witte đều làm rất tốt khiến ai nấy đều thán phục. Năm đó, cậu bé mới 7 tuổi 9 tháng.

Mấy ngày sau, báo chí đăng một bài về Witte với nội dung như sau: “Đã có một sự kiện gây chấn động ngành giáo dục đương thời: một cậu bé nhanh nhẹn hoạt bát, không hề có dấu hiệu già trước tuổi, đặc biệt không hề kiêu căng tự phụ và hoàn toàn không ý thức về tài năng của mình. Cậu bé đó là Karl Witte, con trai duy nhất của mục sư, tiến sĩ Karl Heinrich Gottfried Witte ở làng Lochau, Hale. Phương pháp giáo dục áp dụng cho cậu bé đã đạt được kết quả lý tưởng cả về tinh thần và thể chất. Chắc hẳn phương pháp đó rất lý thú, song đáng tiếc lại không được cha cậu kể lại tỉ mỉ”.

Ngay lập tức cái tên Karl Witte trở nên nổi tiếng khắp nước Đức khiến càng nhiều người từ nhiều nơi tìm đến thử tài Witte, trong đó có những vị là học giả nổi tiếng lúc bấy giờ như nhà vật lý người Mỹ, Bernard F. Schutz; nhà thơ người Mỹ, Casar Flaischlen… Một giáo sư của trường Đại học Leipzig và một số quan chức thành phố đã nghĩ đến việc nhận Witte vào học. Tiến sĩ Loster – một học giả nổi tiếng, hiệu trưởng trường trung học Thomas, người được mời đến kiểm tra trình độ của Witte – đã tha thiết khuyên cha của Witte đưa con đến đó học. Lúc đầu, cha của Witte từ chối vì nghĩ thi cử sẽ chỉ làm phí thời gian của Witte. Nhưng họ cứ nhiệt tình mời nên cuối cùng ông đã nhận lời.

Tiến sĩ Loster là người rất tốt bụng. Ông cũng đoán biết cha của Witte không tán thành nên đã giải thích tỉ mỉ. Sau khi cha của Witte đồng ý, ông lập tức tổ chức kỳ thi vấn đáp cho Witte. Đó là ngày 20 tháng 12 năm 1809. Ngay khi kỳ thi kết thúc, ông đã trao giấy chứng nhận cho Witte, đồng thời viết một bài báo ca ngợi cậu, trong đó có đoạn: “Karl Witte, con trai tiến sĩ, mục sư Witte, chưa đầy 9 tuổi nhưng đã có kiến thức tương đương những thanh niên 18, 19 hiện nay. Đó là thành quả xứng đáng của việc giáo dục từ sớm mà cha cậu đã áp dụng. Cậu bé có thể dịch thơ văn tiếng Pháp, Ý, La-tinh, Anh và Hy Lạp rất có hồn. Các học giả đều phục tài cậu. Trước mặt Quốc vương, cậu cũng đã thể hiện một kiến thức khổng lồ về lịch sử, địa lý, văn học từ cổ điển đến hiện đại. Điều ngạc nhiên hơn là sức khỏe của cậu bé hoàn toàn khác với các thần đồng – cậu đặc biệt nhanh nhẹn, hoạt bát. Cũng không như nhiều thần đồng khác, cậu hoàn toàn không có tính tự phụ. Đây thật là một cậu bé kỳ lạ. Nếu sau này được tiếp tục giáo dục tốt, chắc hẳn kết quả sẽ không thể nói hết được.

Nhưng cha cậu chỉ là một người dân quê với thu nhập thấp, vì thế việc học của cậu sau này sẽ tương đối khó khăn. Cho đến nay, cha cậu là người trực tiếp dạy dỗ cậu, nhưng sau này kiến thức của cha cậu sẽ không theo kịp nữa. Nguyện vọng của cha cậu là chuyển cả gia đình lên thành phố trong thời gian khoảng ba năm học đại học, nhưng với tình trạng kinh tế hiện giờ thì không thể thực hiện được. Vì vậy, tôi viết bài báo này để mong độc giả quan tâm giúp đỡ. Nếu có 4 mác(*) mỗi năm, cậu bé tài năng này có thể tới Leipzig để theo học ở một trường đại học danh giá. Đây thực sự là một nghĩa cử cao đẹp và tôi tin nó sẽ không vô ích. Sau này, tiến sĩ Witte có thể sẽ truyền đạt lại những kiến thức mình có cho các trẻ khác và sự nghiệp giáo dục của chúng ta sẽ được cải thiện. Tôi hy vọng độc giả sẽ ủng hộ”.

* Mác Đức, theo chế độ bản vị vàng ( được bãi bỏ từ năm 1914).

Hiệu quả của bài báo rất đáng mừng. Không phải một năm được 4 mác, mà hai cha con còn được hứa tài trợ 8 mác. Ngoài ra, họ còn được chu cấp một khoản tiền đủ dùng cho hai người và gia đình Witte có thể khởi hành ngay đến Leipzig. Để được sự cho phép của Quốc vương, hai cha con đã tới Kassel. Để tránh hiểu lầm, tôi xin giải thích một chút: Quốc vương không phải là vua Prosia mà là vua Jemom (con trai thứ 2 của Napoleon). Năm 1807, dưới thời Napoleon, phía Tây sông Elbe là phần của vua Jemom, vì thế vùng Lochau và Hale thuộc quyền quản lý của vị vua này và về mặt chính trị thì vùng này do cả người Pháp lẫn người Đức cai quản.

Khi hai cha con tới Kassel thì Quốc vương đang đi du lịch. Họ đã gặp một vị quan tên là Raist, người cũng thử tài Witte và vô cùng ngạc nhiên. Sau khoảng 3 giờ chất vấn, ông thấy để một nhân tài như thế ra nước ngoài là rất đáng tiếc, vì vùng Leipzig là địa phận của Sacsonia. Ông cũng hỏi cha Witte rất nhiều về phương pháp giáo dục, sau cùng ông đề nghị hai cha con sẽ không đi mà Leipzig mà ở lại trong nước. Hôm sau, hai cha con được mời dự tiệc tối với các quần thần và mọi người đều hài lòng với Witte. Quốc vương cũng không muốn hai cha con đi Leipzig mà ở lại học tại Đại học Hale hoặc Gottingen. Nhưng cha Witte vì không muốn thất hứa với những người dân Leipzig nên đã từ chối. Không được phép của Quốc vương, họ phải tạm thời dừng lại ở Lochau để đợi. Ngày 29 tháng 7 năm đó, triều đình gửi tới một bức thư thông báo sẽ tài trợ cho Witte mỗi năm 6 mác để theo học tại Đại học Gottingen.

19.

Mùa thu năm đó, Witte nhập học trường Đại học Gottingen và học tại đây bốn năm. Trong thời gian này, cậu học được rất nhiều. Học kỳ 1 về vật lý và lịch sử cổ đại, học kỳ 2 là số học và thực vật học, học kỳ 3 là toán học ứng dụng và lịch sử tự nhiên, học kỳ 4 là hóa học và giải tích, học kỳ 5 là lượng giác và hóa học thực nghiệm, học kỳ 6 là đại số, quang học, văn học Pháp, học kỳ 7 là chính trị, lịch sử, học kỳ 8 là toán học cao cấp, logic, đạo đức, ngôn ngữ học… Trong thời gian đầu, vì Witte còn khá nhỏ nên cha của Witte đã đi cùng để tiện chăm sóc. Một cậu bé 10 tuổi học cùng với những thanh niên 20 tuổi – tưởng rằng sẽ rất vất vả nhưng thực tế Witte lại rất thư nhàn.

Cậu vẫn có thời gian vận động, vui chơi. Witte thường ra ngoài sưu tập động thực vật, vẽ tranh, chơi piano và cả khiêu vũ. Ngoài những bài giảng, cậu vẫn không quên nghiên cứu về ngôn ngữ học cổ điển và hiện đại. Mùa Xuân năm 1811, khi gần kết thúc học kỳ 2, “Vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh, tôi đưa con đi du lịch. Điều này khiến mọi người rất ngạc nhiên. Họ nghĩ tôi sẽ nhân cơ hội này để giúp con ôn tập miệt mài trong thư viện. Thực tế là có một người bạn đã khuyên tôi như vậy, nhưng tôi bảo: Nếu muốn biến Karl thành con rối thì tôi sẽ làm như vậy. Nhưng mục đích của tôi là thứ khác. Sức khỏe và tầm nhìn của con tôi quan trọng hơn học vấn. Thời gian học như thế là đủ rồi”, cha Witte kể lại.

Cha Witte luôn chú ý đến sức khỏe của con. Vào những ngày tiết trời khô ráo, ông khuyến khích con ra ngoài vận động. Vào ngày mưa nhỏ hoặc có tuyết, hai cha con chỉ đi dạo. Trời lạnh thì hiếm khi thấy họ ra khỏi nhà. Mùa hè năm thứ 2, Quốc vương Jemom tới thăm trường Đại học Got- tingen. Ông đi dạo quanh trường rồi dừng lại ở vườn thực vật. Lúc này Witte đang học môn Thực vật học cùng với các học sinh khác. Thấy Witte, ông vui vẻ gọi lại nói chuyện và động viên hai cha con cố gắng, ông sẽ trợ giúp học phí. Mùa xuân năm 1812, sang học kỳ thứ 5, ở tuổi 12, Witte đã viết luận văn về các đường xoáy ốc và đưa ra những quan điểm của mình về tính tiện lợi của việc dùng những dụng cụ có rãnh. Luận văn này đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi.

Sau khi cuộc viễn chinh nước Nga thất bại, thế lực Napoleon dần suy yếu. Việc bại trận tại Leipzig và sự kiện Quốc vương Jemom qua đời tháng 10 năm đó đã khiến tình hình chính trị trong nước có nhiều biến động. Khi đó, Witte đang ở học kỳ thứ 7. Witte đã viết cuốn Thuật tam giác nhưng không xuất bản ngay mà phải đợi đến năm 1815, khi cậu đã rời Gottingen tới Đại học Heidelberg. Trong năm 1813, cha Witte nhận được lời hứa của Quốc vương rằng sẽ tài trợ cho việc học của con ông thêm 4 năm nữa, nhưng giờ đây, việc của hai cha con Witte sẽ do chính phủ nắm quyền của cả ba vùng là Hannover, Brunswick, Hessen giải quyết.

Chính phủ cũ của Jemom vốn một nửa là người Đức, vì quá sa đà vào chiến tranh nên ngân khố luôn cạn kiệt và đây không phải lúc để người ta có thể dễ dàng mở hầu bao. Thế nhưng học phí của Witte lại được cả ba chính phủ đề nghị chi trả, điều đó có nghĩa là tài học của cậu đã được thừa nhận. Học kỳ thứ 8 tại Đại học Gottingen, Witte được cả ba chính phủ này cùng tài trợ. Tháng 4 năm sau, Witte đi du lịch Wetzlar, nhân tiện ghé thăm trường Đại học Giessen và rất được hoan nghênh. Các giáo sư trong trường nói chuyện rất nhiều với cậu về vấn đề học tập (đặc biệt là về giá trị của luận văn đã công bố). Hiệu trưởng của trường đã trao cho cậu học vị tiến sĩ triết học. Đó là ngày 10 tháng 4 năm 1814. Sau đó, cậu tới Đại học Marburg và cũng được chào đón nồng nhiệt. Nếu trước đó cậu chưa nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Giessen thì chắc hẳn sẽ được trao ở đây. Như đã nói, học phí của Witte ở học kỳ thứ 8 tại Đại học Gottingen được ba chính phủ chi trả. Khi hai cha con đi tới Brunswick để nhận, họ đã gặp người đứng đầu chính phủ ở đó và sau khi tiếp xúc, người này nhiệt tình khuyên cha con Witte nên tới Anh quốc du học và ông ấy hứa sẽ chi trả toàn bộ học phí.

Cha con Witte tới Hannover. Ở đây, Witte được mời thuyết trình tại giảng đường của một trường trung học lớn về đề tài số học. Đó là ngày 3 tháng 5 năm 1814 (Witte 14 tuổi). Sau buổi hôm đó, chính phủ quyết định tài trợ nhiều hơn số tiền học phí đã hứa, đồng thời cũng đưa ra đề nghị cho Witte sang Anh du học. Kết thúc học kỳ 8, cha Witte đã suy nghĩ rất nhiều về tương lai của con. Nếu muốn nhanh chóng trở nên nổi tiếng thì tốt nhất là nên dừng lại để tập trung vào một trong các lĩnh vực đã học. Nhưng như vậy Witte sẽ trở thành học giả, tức là chỉ hoàn thiện được một phần kiến thức. Mà ông thì nghĩ rằng những thứ Witte phải học vẫn còn rất nhiều.

Làm giảng viên toán cũng hay, nhưng phải đợi đến 18 tuổi, còn từ giờ đến lúc đó phải tiếp tục mở mang kiến thức. Nếu đến 18 tuổi mà Witte vẫn thích Toán học hơn thì ông sẽ để con đi theo hướng đó. Với suy nghĩ như vậy, ông cho con theo học ở Đại học Heidelberg. Hai năm sau, Witte nhận được học vị tiến sĩ luật. Thời gian đó, Quốc vương Prosia đề nghị cho Witte đi du học tại Ý, nhưng cha Witte thấy con mình còn nhỏ tuổi nên đã từ chối. Đến năm 1818, khi đủ 18 tuổi, Witte bắt đầu tới Ý du học.

20.

Từ nhỏ đến lớn, Witte luôn là một người khỏe mạnh, cả tinh thần và thể lực. Cậu không phải người suốt ngày ngồi ở bàn học, ngược lại, vận động và vui chơi ở ngoài khá nhiều. Vì Witte được giải thích nguyên nhân của mọi việc từ rất sớm, nên khác với trẻ khác, không có gì cậu nghe mà không hiểu. Witte lại sáng dạ nên trẻ nào cũng thích chơi cùng. Và mặc dù hiểu biết hơn người nhưng Witte không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo, coi thường người khác nên rất được bạn bè quý mến.

Từ xa xưa đã có câu nói “Học giả thì chỉ biết chúi mũi vào học”, nhưng Witte không phải là con mọt sách mà luôn mang lại sự vui vẻ, thoải mái cho những người xung quanh. Có thể nói nhân cách Witte, dù trên cương vị học giả hay người bình thường, đều hoàn thiện.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Kimura Kyuichi
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x