Trang chủ » Chương 27 – Công tác chuẩn bị của giáo viên

Chương 27 – Công tác chuẩn bị của giáo viên

by Hậu Học Văn
173 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Giáo viên cần đầu tư toàn bộ sức lực, đồng thời căn cứ vào sự khác biệt giữa những giai đoạn phát triển của trẻ để thay đổi cách thức làm việc của mình. Trách nhiệm hàng đầu của giáo viên chính là quan tâm đến môi trường dành cho trẻ. Ảnh hưởng của môi trường là gián tiếp, nhưng nếu môi trường không tốt thì trẻ cũng không thể phát triển về thể chất, trí lực và tâm lí, và nếu có phát triển thì sự phát triển đó cũng không tồn tại lâu dài.

Muốn trở thành một giáo viên trong trường học Montessori thì phải có sự chuẩn bị sẵn sàng. Một điều người giáo viên phải ghi nhớ từng giây từng phút, đó chính là nếu như ở trong các trường học truyền thống, giáo viên luôn luôn phải chú ý đến hành vi của trẻ, luôn luôn phải chăm sóc và giáo dục trẻ, còn trong trường học Montessori, công việc của giáo viên là tìm những học sinh đã chạy ra khỏi lớp học. Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa trường học Montessori với các trường học truyền thống. Những giáo viên bắt đầu làm việc tại trường chúng tôi phải có quan điểm như thế này: Trẻ có thể phát triển bản thân thông qua công việc. Họ phải từ bỏ hết những quan điểm cũ của người đi trước truyền lại, bao gồm cả vấn đề về trình độ phát triển khác nhau của trẻ. Bất cứ đứa trẻ nào (hay nói cách khác là những đứa trẻ mắc những khiếm khuyết khác nhau) cũng không nên trở thành đối tượng lo lắng của giáo viên. Việc họ cần quan tâm hơn là vấn đề phát triển tâm lí bình thường của trẻ. Giáo viên cần có niềm tin sâu sắc rằng, nếu trẻ bị một công việc nào đó thu hút thì tất cả những bản tính của trẻ sẽ tự nhiên được phát huy hết. Chung quy lại, tất cả trẻ em rồi đều sẽ có một ngày có khả năng tập trung chú ý. Vì vậy giáo viên cần đầu tư toàn bộ sức lực của mình, đồng thời căn cứ vào sự khác biệt giữa những giai đoạn phát triển của trẻ để thay đổi cách thức làm việc của mình. Giáo viên chủ yếu phải giải quyết được ba vấn đề dưới đây.

Giai đoạn thứ nhất: Giáo viên cần phải trở thành người giữ gìn và quản lí môi trường, cần quan tâm đến tình trạng môi trường chứ không nên bị trẻ làm cho đau đầu mệt mỏi. Như vậy trẻ mới có thể dần dần đi vào quỹ đạo bình thường, ý chí của trẻ mới có thể phát triển bình thường. Ở nước tôi, để khiến những ông chồng cảm thấy gia đình có sức hút, các bà vợ sẽ trang trí nhà cửa thật đẹp. Họ không dồn sức chú ý vào người chồng mà chú tâm trang trí nhà cửa và xây dựng môi trường sống. Họ biến gia đình thành một nơi thoải mái, bình yên và tràn ngập niềm vui. Yêu cầu cơ bản nhất của một ngôi nhà có sức hấp dẫn nằm ở chỗ sạch sẽ, gọn gàng, đồ đạc được bài trí ngăn nắp. Giáo viên trong nhà trường cũng vậy. Các đồ vật trong lớp học cần phải bày biện có trật tự, sạch sẽ, gọn gàng. Mọi thứ cần được sắp đặt đúng chỗ và luôn luôn sẵn sàng chờ đợi được trẻ sử dụng. Tương tự, bản thân giáo viên cũng phải sạch sẽ, gọn gàng, hòa nhã, đồng thời có uy nghiêm nhất định, như vậy mới tạo ra sức hút trước học sinh, khiến trẻ có tâm lí vui vẻ. Đương nhiên mỗi người giáo viên có những điểm khác nhau, nhưng có một điều nhất định phải nhớ, đó là ngoại hình của giáo viên có chỉnh tề hay không có mối liên hệ trực tiếp với việc giáo viên đó có được học sinh tôn trọng hay không. Giáo viên cần cân nhắc về hành vi của bản thân nhiều hơn, cố gắng tạo cho hành vi của mình vẻ lịch thiệp, phong độ. Những đứa trẻ ở độ tuổi này thường coi mẹ mình là tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp. Chúng ta có thể không biết mẹ của trẻ là người như thế nào, nhưng khi nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp, trẻ sẽ nói rằng: “Đẹp quá, giống hệt mẹ của cháu!” Đương nhiên, trên thực tế có thể mẹ của trẻ chẳng xinh đẹp chút nào nhưng trong mắt trẻ thì mẹ rất đẹp, trẻ cho rằng tất cả những người đẹp đều giống mẹ của mình. Vì vậy giáo viên cần chú ý đến hình ảnh của bản thân, bởi vì hình ảnh của giáo viên chính là một phần trong môi trường sống của trẻ, hơn nữa là một phần quan trọng nhất.

Trách nhiệm hàng đầu của giáo viên là quan tâm đến môi trường dành cho trẻ. Ảnh hưởng của môi trường là gián tiếp, nhưng nếu môi trường không tốt thì trẻ cũng không thể phát triển về thể chất, trí lực và tâm lí, và nếu có phát triển thì sự phát triển đó cũng không tồn tại lâu dài.

Giai đoạn thứ hai: Sau khi xem xét về môi trường, chúng ta nhất định sẽ hỏi: “Giáo viên nên xử sự với học sinh như thế nào? Chúng tôi phải làm thế nào thì mới có thể thu hút những đứa trẻ mà tâm lí còn chưa hoàn toàn phát triển này? Làm thế nào mới khiến chúng chuyên tâm làm việc?” Tôi cho rằng cần phải “hấp dẫn” trẻ (hi vọng từ này sẽ không dẫn đến sự hiểu lầm của người lớn). Nếu chúng ta coi nhẹ môi trường sống của trẻ, đồ dùng gia đình bẩn thỉu, các món đồ nhỏ của trẻ cũng bị hỏng và bị đặt sai vị trí, và nguy hại hơn nữa là bản thân giáo viên tỏ ra lười biếng, không chú ý đến phép lịch sự, vậy thì mục đích giáo dục của giáo viên sẽ khó mà thực hiện được. Trong giai đoạn trước khi trẻ có thể tập trung chú ý, giáo viên phải là người thắp lên ngọn đuốc ấm áp và chiếu sáng căn phòng trong tim trẻ. Chúng ta không cần phải lo lắng rằng hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí của trẻ, bởi vì trong giai đoạn này, sự phát triển tâm lí của trẻ hoàn toàn chưa bắt đầu. Trước khi trẻ có thể tập trung chú ý, việc ít nhiều có thể chỉ đạo trẻ là một việc vô cùng quan trọng. Giáo viên có thể căn cứ vào nhu cầu để chỉ đạo hành vi của trẻ.

Tôi đã từng đọc được một câu chuyện như thế này. Một tín đồ Cơ đốc muốn thu gom tất cả trẻ em mồ côi trên đường phố, vì những đứa trẻ này sống theo bản năng nên ông đã làm mọi cách để khiến chúng vui. Trong giai đoạn quá độ này, giáo viên cũng nên áp dụng phương pháp tương tự như vậy. Giáo viên có thể kể chuyện, chơi trò chơi, hát múa… Việc giáo viên có thể thu hút trẻ vào các trò chơi khác nhau sẽ rất hữu ích trong việc khiến lũ trẻ yên lặng, cho dù những trò chơi này không mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Chúng ta đều biết rằng một giáo viên năng nổ sẽ có sức hấp dẫn hơn một giáo viên cứng nhắc. Nếu cố gắng, chúng ta đều có thể trở thành giáo viên năng nổ. Chúng ta có thể vui vẻ nói với lũ trẻ rằng: “Hôm nay chúng ta hãy chuyển hết mọi thứ đi.” Hoặc cùng chơi trò chơi với trẻ, khuyến khích và biểu dương trẻ. Hoặc có thể nói: “Chúng ta cùng dùng chổi cọ sạch những chiếc xô nhé? Chúng cần phải sạch sẽ.” Hoặc nói rằng: “Chúng ta cùng ra vườn hái hoa nhé?” Mỗi hành vi của giáo viên đều có tác dụng kích thích nhiệt tình của trẻ.

Đó chính là việc giáo viên nên làm trong giai đoạn thứ hai. Có những đứa trẻ trong giai đoạn này không ngừng làm phiền những đứa trẻ khác, đối với trẻ như vậy, cách tốt nhất là làm gián đoạn hành vi của chúng. Đương nhiên chúng ta từng có lần nói về điều này, khi trẻ bị thu hút bởi một việc gì đó, chúng ta không nên làm phiền trẻ, ngăn cản sự phát triển bình thường của trẻ. Nhưng phương pháp chúng ta áp dụng ở đây lại hoàn toàn ngược lại, chúng ta cần phải dừng hành vi làm phiền người khác của trẻ lại. Chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ cảm thán hoặc sự quan tâm cực đoan để trẻ dừng hành động của mình. Những phương pháp này vô cùng hiệu quả. Ví dụ, chúng ta có thể nói với trẻ: “Thế nào, John? Đi với cô, cô có thứ muốn cho con xem.” Nếu trẻ không chịu đi, giáo viên có thể nói tiếp: “Được thôi, chúng ta cùng ra vườn hoa thôi.” Giáo viên có thể đi cùng trẻ hoặc giao trẻ cho một ai khác, như vậy đứa trẻ này sẽ không làm phiền những trẻ khác nữa.

Giai đoạn thứ ba: Trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu có hứng thú với một số việc, đặc biệt là những việc có liên quan đến trải nghiệm cuộc sống. Thực tế đã chứng minh rằng, trước khi trẻ có thể tiếp nhận hoàn toàn, việc cung cấp cho trẻ một số thứ liên quan đến văn hóa sẽ không có nhiều tác dụng.

Sau khi trẻ đã có khả năng tập trung chú ý, chúng ta mới có thể cung cấp cho trẻ những thứ này. Đương nhiên, điều này có liên quan đến việc tích lũy kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống. Khi trẻ tỏ ra hứng thú trước điều gì đó, chúng ta nhất định không được làm phiền trẻ, bởi vì hứng thú này có liên quan mật thiết với quy luật tự nhiên. Việc trẻ tiếp xúc với những thứ ấy sẽ khiến chúng học được khá nhiều phương thức hành vi mới. Đương nhiên, bước tiến nho nhỏ này của trẻ là vô cùng mong manh, chỉ một chút phiền nhiễu từ thế giới bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng đến hứng thú của trẻ, giống như một bong bóng xà phòng đẹp đẽ có thể tan vỡ trong chớp mắt.

Trong thời kì này, giáo viên phải hết sức cẩn trọng, chú ý không được làm phiền trẻ dưới bất kì hình thức nào. Trong giai đoạn này, giáo viên cũng thường phạm phải một số sai lầm. Một đứa trẻ đang tập trung rất dễ bị làm phiền. Giáo viên đi ngang qua phía sau lưng trẻ, có thể chỉ cần một câu: “Tốt!” là đã đủ gây ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Trong đa số trường hợp, hứng thú của trẻ đối với một sự vật nào đó có thể kéo dài trong khoảng 2 tuần. Nếu giáo viên phát hiện ra trẻ đang cố gắng làm việc gì đó rất khó khăn và bước tới giúp trẻ, thì đứa trẻ có thể sẽ lập tức bỏ đi, hoàn toàn chẳng màng tới sự vật đó nữa. Hứng thú của trẻ không chỉ nằm ở việc được hoạt động tay chân mà còn nằm ở những khó khăn mà trẻ gặp phải trong quá trình hoạt động tay chân đó. Nếu giáo viên muốn giúp trẻ khắc phục khó khăn, trẻ sẽ lập tức không còn hứng thú với việc đó nữa. Chúng ta thường bắt gặp cảnh bọn trẻ muốn cầm một vật nào đó rất nặng lên, giáo viên tới giúp đỡ, thế là trẻ lập tức ném vật đó xuống đất và chạy đi chỗ khác. Khen ngợi, giúp đỡ thậm chí chỉ liếc nhìn thôi đều có thể làm phiền và ảnh hưởng tới trẻ. Điều này nghe qua thì có vẻ hoang đường, nhưng kể cả đối với người lớn chúng ta cũng vậy thôi, nếu có một người cứ ở bên cạnh xem chúng ta làm việc, chúng ta cũng cảm thấy bị ảnh hưởng và không thể tập trung. Một giáo viên ưu tú nên tuân thủ nguyên tắc sau: Khi trẻ đã tập trung làm việc, chúng ta nên coi như trẻ không hề tồn tại. Chúng ta có thể quan sát từ xa xem trẻ đang làm gì chứ không được làm phiền trẻ. Như vậy, trẻ sẽ không tỏ ra phớt lờ trước mọi sự lựa chọn nữa mà bắt đầu lựa chọn một vài việc một cách có mục đích. Việc này có thể làm nảy sinh một vấn đề khác: Rất nhiều đứa trẻ cùng tranh giành một món đồ. Nếu không có tình huống đặc biệt, chúng ta cũng không cần phải làm phiền trẻ, tự trẻ có thể giải quyết vấn đề này. Trách nhiệm của giáo viên chính là cung cấp cho trẻ thêm đồ dùng mới, sau khi chúng đã hoàn toàn thành thạo cách sử dụng các món đồ trước đó.

Chỉ có bằng thực tế, giáo viên mới biết được cần làm thế nào để không làm phiền trẻ. Kĩ năng này quả là không dễ thực hiện, chúng ta cần nâng nó lên tầm cao hơn – tầm kĩ năng tâm lí. Nhưng xét từ góc độ tâm lí thì sự giúp đỡ cũng có thể khiến dẫn đến sự ngạo mạn.

Sự giúp đỡ của giáo viên không nên chạy theo cảm xúc nhất thời mà cần chú ý vận dụng lí trí của bản thân, hiểu rõ chừng mực, bởi vì người cho đi bao giờ cũng vui vẻ hơn người tiếp nhận. Chúng ta chỉ nên âm thầm giúp đỡ trẻ, để nếu sự giúp đỡ này bị trẻ phát hiện thì trẻ cũng không cho đó là sự giúp đỡ mà cho đó là một điều hiển nhiên phải thế.

Dù trong giai đoạn này, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên thể hiện trên lĩnh vực tinh thần, nhưng giáo viên cũng cần giống như một người giúp việc tận tụy hầu hạ chủ nhân. Giáo viên cần lau dọn bàn sạch sẽ, đặt bàn chải vào vị trí cố định mà không cần phải báo cáo với “chủ nhân” lúc nào sẽ dùng chiếc bàn chải đó. Giáo viên phải chuẩn bị bữa ăn cho “chủ nhân” mà không cần bảo lúc nào sẽ ăn. Sau khi đã chuẩn bị xong mọi việc, giáo viên có thể rút lui. Chúng ta cần phải đặt mình vào góc độ sự hình thành tâm lí của trẻ để suy nghĩ về vấn đề. Tâm lí của trẻ chính là người chủ mà giáo viên đang phục vụ, khi chủ nhân cần gì thì chúng ta phải lập tức đáp ứng. Nếu chủ nhân không đưa ra yêu cầu thì giáo viên không được làm phiền, nhưng nếu chủ nhân đã yêu cầu thì giáo viên cần lập tức ra tay. Nếu trẻ cần được khen thưởng, giáo viên có thể nói: “A, đẹp quá!” cho dù trong thâm tâm không hề cảm thấy thứ đó đẹp. Tương tự như vậy, nếu trẻ đang tập trung vào việc gì đó thì nhất định không được làm phiền trẻ. Nhưng nếu chúng cần sự công nhận của chúng ta, chúng ta nên hào phóng tặng cho trẻ điều đó. Mối liên hệ về lĩnh vực tâm lí giữa trẻ và giáo viên tương tự như mối quan hệ chủ – tớ. Giáo viên cần phục vụ nhu cầu tinh thần của trẻ. Đây có thể coi là một việc rất mới mẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, nó hoàn toàn khác với việc chúng ta tắm rửa, khâu vá cho trẻ.

Chúng ta không phục vụ trẻ về thể chất, bởi vì chúng ta biết rằng nếu trẻ phát triển bình thường thì chúng hoàn toàn có thể tự làm việc đó. Vì vậy cần nhớ rằng, chúng ta không trợ giúp nhu cầu thể chất bình thường cho trẻ. Tính độc lập về thể chất là thứ trẻ có thể có được bằng cách tự phát triển. Trẻ có thể thông qua sự phát triển của năng lực tự do lựa chọn để trở nên độc lập về ý chí, có được sự độc lập về tư tưởng trong khi làm việc mà không bị làm phiền. Trẻ phát triển trong quá trình không ngừng củng cố tính độc lập, đó là tôn chỉ mà chúng ta phải tuân theo trong khi xử sự với trẻ. Chúng ta cần giúp trẻ độc lập làm việc, phán đoán và suy nghĩ. Đó là một môn nghệ thuật phục vụ tâm lí, chỉ có trong quá trình thực tiễn phục vụ trẻ, chúng ta mới có thể học tốt môn nghệ thuật này.

Nếu giáo viên có thể đáp ứng chính xác nhu cầu của trẻ thì sẽ phát hiện ra rằng, mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn đủ loại phẩm chất ưu tú, giống như dòng suối không ngừng tuôn chảy. Bởi những phẩm chất ưu tú đó thường ẩn tàng sau những vấn đề tâm lí của trẻ, nên một khi chúng được phát hiện ra, giáo viên sẽ cảm thấy cảm giác được đền đáp, một cảm giác thỏa mãn. Những đứa trẻ mang những phẩm chất ưu tú này khi đã bắt tay vào việc sẽ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, bởi vì chúng có lòng nhiệt tình không bao giờ tắt. Chúng sẽ nỗ lực khắc phục từng khó khăn, bởi vì việc khắc phục khó khăn sẽ mang lại cho chúng niềm vui cực kì to lớn. Chúng cũng sẽ thật lòng giúp đỡ những kẻ yếu hơn, bởi vì chúng hiểu rằng đồng cảm với người khác chính là tôn trọng họ, những nỗ lực để tôn trọng người khác sẽ giống như dòng suối tưới mát tâm hồn. Khi có phẩm chất này, trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ thực thụ, hình thành nên một hình mẫu người hoàn hảo.

Nhưng tất cả những điều này sẽ diễn ra một cách từ từ. Ban đầu, giáo viên có thể nói: “Đứa trẻ này phát triển không thua gì so với kì vọng của tôi, thậm chí còn tốt hơn một chút.” Đương nhiên, việc chỉ biết tên đứa trẻ, bố mẹ trẻ làm gì vốn không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được một số đặc tính trẻ em độ tuổi này nên có mà trẻ bộc lộ ra trong cuộc sống hàng ngày. Qua những biểu hiện này, giáo viên có thể hiểu sâu hơn về trẻ, không chỉ hiểu được đặc trưng bên ngoài mà còn hiểu được những bí mật bên trong nội tâm trẻ. Đương nhiên khi trẻ bộc lộ toàn bộ thiên tính của mình trước mặt giáo viên, có thể giáo viên sẽ lần đầu tiên hiểu được thế nào là tình yêu chân chính. Những thiên tính đó của trẻ sẽ làm thay đổi cả giáo viên. Đó là sự bộc lộ thiên tính có thể làm lay động, thay đổi người khác. Một khi chúng ta hiểu được hiện tượng này, nó sẽ trở thành chủ đề đàm thoại chủ yếu của chúng ta. Chúng ta có thể quên mất tên của trẻ, nhưng tinh thần và tình yêu mà trẻ đã bộc lộ ra là thứ chúng ta sẽ không bao giờ quên được.

Trong tình yêu có hai mức độ. Tình yêu trẻ mà chúng ta thường nói đến là chỉ việc chăm sóc, ôm ấp trẻ. Trẻ đã đánh thức tình yêu của chúng ta và chúng ta lại gieo thứ tình yêu này lên trẻ. Đó là vì chúng ta và trẻ có mối liên hệ về tinh thần với nhau.

Nhưng tình yêu mà chúng ta đang nói tới hoàn toàn không giống thứ tình yêu này. Tầng ý nghĩa của tình yêu này không phải là tình yêu cá nhân, tình yêu vật chất. Việc chúng ta phục vụ trẻ thực chất là phục vụ về tinh thần cho trẻ, trong quá trình đó, chúng ta phải cho trẻ đủ sự tự do. Mức độ khác nhau của tình yêu không do giáo viên vạch ra mà là do chính trẻ vạch ra. Giáo viên chỉ cảm thấy bản thân mình đã được đưa lên một tầm cao chưa từng có. Trẻ đã thôi thúc giáo viên không ngừng trưởng thành cho đến khi giáo viên hoàn toàn hòa nhập được vào thế giới của trẻ.

Trước những điều này, giáo viên cảm thấy công việc của mình vô cùng cao quý. Nhưng khi ngày lễ đến gần, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Giáo viên cũng giống như tất cả những người làm thuê khác, hi vọng được rút ngắn thời gian làm việc, nâng cao mức lương. Quyền lực của giáo viên và việc bản thân là tấm gương của học sinh cũng khiến giáo viên cảm thấy hài lòng. Nếu có thể làm hiệu trưởng hay người quản lí, những giáo viên này sẽ cảm thấy rất vui. Nhưng người muốn đạt tới trình độ cao hơn buộc phải hiểu rằng, hạnh phúc thực sự không nằm ở đó. Rất nhiều người hiểu được tầm quan trọng của vấn đề tinh thần nên đã từ chối chức vụ cao của mình để cống hiến hết mình cho công tác giáo dục mầm non, đây chính là minh chứng tốt nhất cho điều này. Những người này được gọi là “giáo viên mầm non”.

Tôi từng biết hai bác sĩ ở Paris, họ chủ động từ bỏ vị trí công việc hiện tại của bản thân để dấn thân vào công tác giáo dục mầm non, nghiên cứu về hiện tượng phát triển của trẻ. Họ cho rằng bản thân mình đã đạt đến trình độ phát triển cao hơn.

Đối với những giáo viên chuyển nghề này, tiêu chí thành công chủ yếu của họ là gì? Đó chính là họ có thể tự hào mà nói rằng: “Trẻ có thể làm việc nghiêm túc mà không quan tâm tới việc giáo viên có ở cạnh mình hay không.”

Trước khi có những chuyển biến này, cách nghĩ của những giáo viên này hoàn toàn khác. Họ cho rằng dạy trẻ nên người là công lao của họ, chính giáo viên đã giúp học sinh nâng cao trình độ của mình. Nhưng cùng với sự phát triển về tinh thần của trẻ, cách nhìn của giáo viên cũng có những biến đổi to lớn. Họ có thể sẽ nói về cống hiến của mình như thế này: “Tôi giúp trẻ hoàn thành công việc mà tạo hóa đã giao phó cho chúng.”

Đó thực sự là một việc khiến người ta hài lòng. Cho đến khi trẻ 6 tuổi, giáo viên bắt đầu ý thức được rằng họ đã làm những công việc vĩ đại giúp đỡ cho sự trưởng thành của con người. Nếu không nhờ việc trò chuyện tự do với trẻ, giáo viên có thể sẽ không biết chút gì về hoàn cảnh của trẻ. Họ cũng có thể không hào hứng gì với tương lai của chúng, không quan tâm đến việc trẻ lên trung học, đại học hay là kết thúc sự nghiệp học hành tại đây. Nhưng giáo viên rất vui khi nhận thấy rằng, trong thời kì mấu chốt của sự định hình này, trẻ đã có khả năng hoàn thành công việc cần thiết. Giáo viên có thể thản nhiên nói rằng: “Tôi đã góp sức mình vào tinh thần của những đứa trẻ này, bây giờ chúng đã hoàn thành quá trình phát triển của mình. Trong quá trình này, tôi đã đồng hành như người bạn của trẻ.” Không có người giáo viên nào – từng trực tiếp tham gia dạy dỗ học sinh – hiểu được giá trị công việc của họ nằm ở đâu. Giá trị của công việc đó là họ đã thúc đẩy sự phát triển tâm lí bình thường của trẻ, để từ đó cuộc sống của trẻ ngày ngày được bảo vệ về phương diện tâm lí. Rất nhiều người cho rằng đó đều là do đức tính hi sinh, họ nói: “Những giáo viên này thật khiêm tốn! Trong khi giáo dục trẻ, họ thậm chí còn không dùng đến sức mạnh của uy quyền.” Cũng có người nói: “Nếu bản năng tự nhiên của giáo viên bị kiềm chế thì phương pháp giáo dục của họ làm sao có thể thành công đây?” Nhưng thực tế là trong quá trình này, giáo viên chẳng phải hi sinh gì cả, cũng không phải chịu áp lực gì, thứ họ nhận được là sự hài lòng. Đó là một hình thức khác của giá trị của sự sống mà trước kia chúng ta chưa biết tới, nay đã được bộc lộ ra.

Ngoài ra, những nguyên tắc mà chúng ta tuân thủ cũng hoàn toàn khác. Ví dụ như sự “công bằng”, đối với nhà trường, xã hội và các quốc gia dân chủ thì thứ gọi là công bằng chính là một bộ luật duy nhất phù hợp với tất cả mọi người không kể giàu nghèo. Sự công bằng được số đông cho rằng có liên quan mật thiết với pháp luật, nhà tù, tố tụng. Tòa án được coi là “ngôi nhà của chính nghĩa”. Nếu ai đó nói: “Tôi là một công dân thành thật”, điều đó có nghĩa là anh ra không bị liên đới đến các cơ quan luật pháp như sở cảnh sát hay tòa án. Các thầy cô giáo trong nhà trường trong khi quan tâm đến trẻ cũng cần đặc biệt chú ý, nếu không họ sẽ bắt buộc phải quan tâm đến tất thảy học sinh, bởi vì họ phải công bằng. Đó là một sự công bằng khiến con người bị dừng lại ở một trình độ vô cùng thấp, giống như bởi vì không thể khiến con người cao bằng nhau nên chúng ta đành cắt bớt chiều cao của những người cao hơn vậy. Trên phương diện tinh thần cũng như thế.

Xét từ góc độ trình độ giáo dục tương đối cao thì sự công bằng thực sự là thứ thuộc về lĩnh vực tinh thần. Nó có thể đảm bảo cho mỗi đứa trẻ được phát triển ở mức độ cao nhất. Sự công bằng mà chúng ta đang nói tới chính là giúp đỡ những người cần được giúp đỡ, khiến thế giới tinh thần của họ phát triển toàn diện. Sự giúp đỡ về mặt tinh thần cho trẻ ở mọi độ tuổi sẽ khiến trẻ có được khả năng hình thành nên trình độ tinh thần đó. Điều này có thể trở thành nền tảng của xã hội có tổ chức, chúng ta không được đánh mất tài sản tinh thần này. So với tài sản tinh thần thì tài sản vật chất thấp kém hơn rất nhiều. Việc một người giàu sang hay nghèo hèn đã không còn quá quan trọng nữa. Nếu tất cả những năng lực của chúng ta phát triển bình thường thì vấn đề tài sản cũng sẽ theo đó mà được giải quyết. Nếu tinh thần của toàn nhân loại có thể đạt đến trình độ hoàn mĩ, thì loài người sẽ trở nên giàu có hơn, phương diện kinh tế cũng không còn tồn tại sự khác biệt giàu nghèo nữa. Sự sáng tạo thực sự của con người không bắt nguồn từ chân tay mà bắt nguồn từ tinh thần và trí tuệ. Khi tinh thần và trí tuệ của con người đạt đến trình độ nhất định, tất cả những vấn đề bế tắc sẽ được giải quyết.

Khi không có sự giúp đỡ của người khác, trẻ vẫn có thể thiết lập nên một xã hội có trật tự kỉ cương. Còn cuộc sống của người lớn chúng ta lại cần đến sự bó buộc của nhà tù, cảnh sát, quân đội và súng ống. Trong khi đó trẻ nhỏ có thể dùng phương pháp hòa bình để giải quyết vấn đề của mình. Sự phát triển của trẻ cho chúng ta thấy tự do và tính kỉ luật giống như hai mặt của một đồng tiền, bởi vì sự tự do một cách khoa học sẽ tự nhiên giúp hình thành nên tính kỉ luật. Một đồng xu bao giờ cũng có hai mặt, một mặt được chế tác rất đẹp, có hình người; mặt còn lại không có quá nhiều hình trang trí mà chỉ có một vài con số hoặc chữ viết. Chúng ta có thể so sánh mặt trang trí đơn giản là tự do, mặt được chế tác tinh xảo là tính kỉ luật. Rõ ràng là khi kỉ luật trong lớp rệu rã, giáo viên sẽ coi đó là kết quả của hành vi sai lầm của bản thân. Giáo viên sẽ tìm ra sai lầm mà mình mắc phải, đồng thời tiến hành khắc phục. Giáo viên trong các trường học truyền thống sẽ cảm thấy xấu hổ vì điều này, nhưng trên thực tế, họ không nên coi đó là điều xấu hổ, bởi đó chính là một phần của phương pháp giáo dục kiểu mới. Trong khi phục vụ trẻ, giáo viên cũng đồng thời phục vụ cuộc sống, trong khi giúp các quy luật tự nhiên phát huy tác dụng, họ cũng đồng thời đưa bản thân lên một giai đoạn cao hơn – giai đoạn siêu tự nhiên, bởi vì không ngừng tiến lên cao hơn chính là quy luật của cuộc sống mà người leo thang chính là trẻ nhỏ. Trật tự chính là yêu cầu của quy luật tự nhiên, khi nó tự nhiên xuất hiện trước mặt chúng ta, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng loài người đã bước vào một trạng thái có trật tự. Rất rõ ràng, trong sứ mệnh mà tạo hóa giao phó cho trẻ có bao gồm cả việc kêu gọi người lớn chúng ta đạt đến một trình độ cao hơn. Trẻ đưa chúng ta đến một trình độ tinh thần cao hơn, vấn đề vật chất sẽ theo đó mà được giải quyết. Như một hình thức tạm biệt, xin cho phép tôi nhắc lại một vài điều mà tôi đã từng nói, để giúp các bạn ghi nhớ những vấn đề mà chúng ta đã từng thảo luận. Đối với những giáo viên của chúng tôi, đây không phải là một lời cầu xin mà là một lời cảnh báo, một sự tổng kết ngắn gọn: “Thượng đế, xin người hãy giúp chúng con khám phá bí mật của lũ trẻ! Như vậy chúng con mới có thể dựa vào quy luật tự nhiên và những lời chỉ dạy của Người để thấu hiểu và yêu thương trẻ.”

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x