Trang chủ » Chương 3 – ANH EM THOMSON, MILL, GOETHE ĐƯỢC GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?

Chương 3 – ANH EM THOMSON, MILL, GOETHE ĐƯỢC GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO?

by Hậu Học Văn
98 views

1.

Cha Witte đã ghi chép lại phương pháp giáo dục của mình, nhưng cha Thomson và cha Mill thì không. Chính vì họ không ghi chép lại nên chúng ta không thể hiểu tường tận về phương pháp giáo dục họ đã áp dụng trong việc dạy dỗ anh em Thomson và Mill. Tuy nhiên, sau đây tôi sẽ giới thiệu những hiểu biết của mình về phương pháp này.

Anh em Thomson được sinh ra khi cha của họ, James Thomson, đang là giáo sư của một trường chuyên ngành ở Beltfast. Cũng giống như cha Witte, ông bắt đầu dạy ngay khi anh em Thomson vừa biết nói. Phương pháp này bắt đầu bằng cách truyền sự đam mê qua ngôn ngữ. Người chị lớn kể lại: “Hàng ngày, trước bữa sáng, cha tôi lại dắt bốn anh em tôi đi dạo và lần nào ông cũng chuẩn bị sẵn một câu chuyện thú vị để kể cho chúng tôi nghe. Vừa đi, ông vừa khéo léo sắp xếp sao cho cả bốn anh em chúng tôi đều lần lượt được nắm tay ông. Điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy rất vui”.

Anh em Thomson thích thú lắng nghe những câu chuyện của cha. Cha họ kể về những chuyến vượt biển đến Ấn Độ, Trung Quốc, những chuyến phiêu lưu ngược sông Nile gặp thổ dân, những chuyến thám hiểm sâu trong lục địa châu Phi gặp sư tử, voi, chuyện cưỡi lạc đà qua sa mạc, thám hiểm vùng băng tuyết vĩnh cửu ở Bắc Cực, lang thang trong cánh rừng hương ngào ngạt ở Sri Lanka, rồi quay trở về mấy ngàn năm trước cùng với người Spartan tấn công thành Troy, tham gia vào đội quân của Alexander viễn chinh châu Á…

Qua câu chuyện kể của người chị thì cha họ đã làm điều giống như cha Witte. Ông không chỉ kể chuyện cho con nghe, mà còn tìm cách kích thích trí tưởng tượng của các con, giúp con cùng tham gia vào câu chuyện. Bằng cách này, ông đã dạy ngôn ngữ cho anh em Thomson và làm phong phú kiến thức của họ từng ngày một. Ông còn tận dụng thời gian trong bữa ăn để nói với con rất nhiều chuyện.

2.

Ông James Mill, cha của Mill, là học giả nổi tiếng trong các lĩnh vực triết học, kinh tế, lịch sử, đồng thời cũng là nhà tâm lý học nổi tiếng. Dựa trên các nghiên cứu tâm lý, ông đã nhận ra rằng giáo dục từ sớm là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng giống như cha của anh em Thomson, ông không để lại tài liệu nào về phương pháp giáo dục của mình. Đây là điều đáng tiếc.

Nhưng trong tự truyện của mình, Mill đã ghi lại phương pháp giáo dục mà ông được thừa hưởng từ thời thơ ấu. Ông viết: “Tôi đã sống một cuộc sống không có những sự kiện đặc biệt, một cuộc sống cực kỳ đơn điệu. Chính vì vậy chắc nhiều người sẽ không thấy thú vị khi đọc tự truyện của tôi. Gần đây, nền giáo dục nước nhà đang được quan tâm nghiên cứu, do đó tôi viết tự truyện này vì nghĩ rằng phương pháp giáo dục mà cha tôi áp dụng có thể hữu ích cho các nhà nghiên cứu khi cần đến tài liệu tham khảo. Tôi được nhận từ cha một sự giáo dục khác thường. Trẻ em thường sẽ tiêu phí khoảng thời gian thơ ấu của mình vào các trò chơi vô bổ. Nhưng nếu nhìn từ phương pháp giáo dục mà tôi được tiếp nhận thì trẻ em có thể tiếp thu một lượng tri thức khổng lồ ở đúng giai đoạn vốn hay bị bỏ qua một cách lãng phí này”. Đọc trích đoạn này có lẽ bạn đã hiểu mục đích viết tự truyện của Mill. Tuy nhiên, nếu phương pháp đó được ghi chép bởi người dạy thì sẽ tốt hơn là bởi người học.

Mill sinh năm 1806, tức là sau Karl Witte sáu năm. Theo tự truyện của Mill thì từ năm 3 tuổi ông đã được học tiếng Hy Lạp, nên chúng ta có thể đoán rằng ông được học tiếng mẹ đẻ từ 1 tuổi rưỡi. Ông học tiếng Hy Lạp bắt đầu bằng việc nhớ những từ ngữ thông thường. Cha Mill đã làm cho ông những tấm bìa cứng, trên đó ghi những từ vựng đơn bằng tiếng Hy Lạp có kèm giải thích nghĩa của nó.

Trước hết, Mill được dạy những từ đơn. Sau khi nhớ được những từ đơn, Mill được cha cho đọc sách bằng tiếng Hy Lạp ngay, dù cậu không hiểu hết ý nghĩa các từ. Cũng như cha của Witte, cha của Mill không dạy ngữ pháp – ông chỉ dạy ngữ pháp khi các con lớn hơn một chút. Những truyện Mill đọc đầu tiên là Ngụ ngôn Aesop, tiếp đến là tác phẩm của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại như Tòng quân ký của Xenophon, Lịch sử của Herodotos, Ngôn hành lục của Socrates, Tự truyện của triết gia của Diogenes, Những câu chuyện tự kể của các triết gia của Laertius và nhiều tác phẩm nổi tiếng trong văn học Nga. Năm 7 tuổi, Mill bị bắt đọc Đối thoại của Platon, nhưng ông không hiểu gì. Cha Mill đặt bàn học của Mill gần nơi mình làm việc và cho Mill học, trên bàn chỉ có từ điển Hy Lạp – La-tinh, không có từ điển Hy Lạp – Anh. Do Mill chưa thông thạo tiếng La-tinh nên phải hỏi cha nghĩa của rất nhiều câu đơn giản. Dù là người nóng tính và bận rộn với công việc viết sách nhưng cha Mill vẫn giảng giải cho Mill tỉ mỉ, chu đáo. Điều đó cho thấy cha Mill rất tận tâm trong việc dạy dỗ con cái.

Tuy nhiên, có thể coi phương pháp giáo dục của cha Mill là hơi khác thường, có ý kiến cho là thiên lệch do ông đã không dạy những điều gần gũi với thiên nhiên như cha của Witte. Witte học được rất nhiều từ thiên nhiên, còn Mill học chủ yếu từ sách vở. Hơn nữa, ngoài tiếng Hy Lạp, Mill chỉ được học toán chứ không có môn gì khác. Mà toán cũng không được chú trọng lắm nên Mill chỉ học vào các buổi tối. Ban ngày, ngoài đọc sách tiếng Hy Lạp, Mill còn đọc rất nhiều sách bằng tiếng mẹ đẻ.

Mỗi ngày, cha Mill dắt cậu đi dạo trước khi ăn sáng. Việc này không chỉ nhằm rèn luyện thể chất cho Mill mà còn để nâng cao sức khỏe cho chính ông. Trong lúc đi dạo, ông thường hỏi Mill về những quyển sách cậu đã đọc hôm trước. Do đó khi đọc sách, Mill luôn ghi chép lại để sáng hôm sau vừa nhìn vào đó vừa trả lời các câu hỏi của cha. Cha Mill nghe rồi hỏi lại, sau đó sửa những chỗ bị hiểu sai, nhắc nhở thêm về những điểm còn bỏ sót. Trong giai đoạn này, Mill chủ yếu đọc sách lịch sử, bắt đầu bằng những cuốn sách của Hume, Gibbon và đặc biệt thích Thế hệ thứ 2 và thế hệ thứ 3 của dòng họ Philip của Watson, Lịch sử Roma của Hooke. Mill thường đọc đi đọc lại bản dịch tiếng Anh cuốn Lịch sử cổ đại của Roland, bản dịch tiếng Anh Truyện các anh hùng Hy Lạp của nhà sử học La Mã cổ đại Plutarchus. Ngoài ra, Mill còn đọc rất nhiều sách khác, các loại truyện ký, truyện thám hiểm, nhật ký hàng hải… Cha Mill rất ít khi cho con đọc tiểu thuyết, nhưng những truyện nổi tiếng như Robinson Crusoe… Mill đều đọc qua. Và cậu bé Mill đã đọc tất cả những cuốn sách đó trước khi tròn 7 tuổi.

Mill bắt đầu học tiếng La-tinh từ 8 tuổi và đến năm 12 tuổi, cậu đã đọc hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của Hy Lạp và La Mã. Cũng trong giai đoạn này, ông bắt đầu học đại số và hình học, vi phân, tích phân của toán học cao cấp. Khoảng 13 tuổi, Mill bắt đầu đọc sách khoa học, tuy nhiên, chủ yếu là nghiên cứu lý thuyết. Bất kỳ ai cũng phải sửng sốt với số lượng sách khổng lồ mà Mill đã đọc trong thời niên thiếu.

3.

Theo lời kể của Mill thì cha ông đã ngừng phương pháp giáo dục đó năm ông 14 tuổi. Lý do là vì năm 14 tuổi, Mill sang Pháp một năm. Khi trở về, Mill bắt đầu tự học và đến khoảng năm thứ 3, thứ 4 trung học thì Mill đã có thể tự học mà không cần đến sự hướng dẫn của bất kỳ ai. Mill viết về thời gian đó như sau: “Từ thời niên thiếu, tôi đã được tiếp cận những kiến thức đỉnh cao. Có thể mọi người nghĩ rằng cha tôi đã rất lao tâm khổ tứ trong việc dạy dỗ tôi, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Tôi tiếp thu những kiến thức đó hết sức dễ dàng. Từ đó có thể suy ra rằng trẻ con có thể tiếp thu một lượng kiến thức đáng kinh ngạc ngay trong thời thơ ấu. Tôi cho rằng ở trường học, chúng ta chỉ dạy một chút tiếng La-tinh và Hy Lạp cho các em như hiện nay là sự lãng phí rất lớn về thời gian. Nếu tôi có năng lực tiếp thu và ghi nhớ của một thiên tài thì những gì tôi vừa nói sẽ không đúng. Nhưng tôi lại là người tiếp thu chậm hơn bình thường. Vì thế tôi khẳng định những đứa trẻ có sức khỏe và năng lực tiếp thu bình thường hoàn toàn có thể học được những gì tôi đã học. Nếu tôi có được thành công nào đó thì tất cả là nhờ vào sự giáo dục từ sớm của cha tôi. Sự giáo dục đó giúp tôi trưởng thành nhờ có được lượng kiến thức mà người khác phải tích lũy suốt 25 năm.

Sự giáo dục từ sớm của cha tôi có những ưu điểm hết sức quan trọng và chúng mang lại cho tôi rất nhiều lợi ích. Đa phần thanh thiếu niên chỉ học thuộc kiến thức và không phát triển tư duy. Hơn nữa, họ cũng chỉ thụ động ghi nhớ ý kiến của người khác nên đã tự mình làm mai một khả năng đưa ra ý tưởng. Rất nhiều đứa trẻ là con của những người cha ưu tú nhưng tự biến thành bản sao của cha mình chứ không phát triển thêm. Nguyên nhân là do người cha khi dạy dỗ đã trao cho con những suy nghĩ tinh túy nhất của bản thân. Cha tôi không làm như vậy. Ông không nhồi nhét kiến thức. Ông dạy tôi không nhất thiết phải suy nghĩ giống ông, mà tự tôi phải tìm ra cách tư duy vượt trội hơn cha mình. Cha tôi cho rằng hễ suy nghĩ thì sẽ hiểu được. Ông thường bảo tự nghĩ và quyết không chỉ dạy khi tôi chưa đưa ra suy nghĩ của mình.

Tuy nhiên, tôi lại là người không thành công ở điểm này. Những lúc như vậy, cha tôi đưa ra rất nhiều câu hỏi gợi ý, sau cùng mới bắt đầu giải thích. Dù vậy, cách dạy của cha vẫn có chỗ khó khăn đối với tôi. Ví dụ lúc 13 tuổi, khi tôi dùng từ ‘Quan niệm’, cha đã hỏi: ‘Quan niệm là gì?’. Tôi giải thích theo suy nghĩ của mình, nhưng thế này cũng không phải, thế kia cũng không phải, làm cha tôi bực mình. Hoặc có lần tôi tình cờ nói: ‘Về mặt lý luận thì chính xác, nhưng thực tiễn cần chỉnh sửa ít nhiều’, cha liền hỏi: ‘Lý luận là gì? Con giải thích đi!’. Tôi đã giải thích dựa trên những kiến thức mình đã biết, nhưng đối với đứa trẻ 13 tuổi thì đây chẳng phải là việc dễ dàng. Lúc đó, cha tôi cũng bực mình. Cuối cùng, cha giải thích cho tôi ý nghĩa của từ lý luận như sau: ‘Thật ra, lý luận và thực tiễn không phải là hai phạm trù tương phản. Vì vậy, khi nghĩ nó như là sự tương phản tức là chẳng hiểu gì về ý nghĩa của từ lý luận cả. Những người dùng từ mà không hiểu nghĩa của từ đó thì chỉ là người vô học’. Đòi hỏi này thật vô lý. Làm sao một đứa trẻ 13 tuổi có thể hiểu được điều đó chứ? Tuy nhiên, tôi lại nghĩ nếu đứa trẻ không được yêu cầu những điều ngoài khả năng của mình thì nó không bao giờ có thể phát huy hết tiềm lực vốn có”.

4.

Đa số đều cho rằng những đứa trẻ được coi là thần đồng từ khi còn nhỏ thì kết quả học tập ở tiểu học, thậm chí lên đến trung học thường rất tốt, nhưng thành tích này sẽ sụt giảm dần. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm.

Tại sao lại như vậy? Đây có lẽ là hậu quả của bệnh tự mãn và tính lơ đãng. Tuy đã được giáo dục từ sớm nhưng do tính tự mãn và thiếu trau dồi thường xuyên nên khả năng sẵn có sẽ dần mai một. Đó là điều tự nhiên. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý việc này, nếu không thì công sức coi như “đổ sông đổ biển”. Về điểm này, Mill đã viết:

“Những đứa trẻ được giáo dục từ sớm và được coi là thần đồng rất dễ có khuynh hướng kiêu căng, tự phụ. Để tránh điều này, cha mẹ cần rèn cho con tính khiêm tốn, bất kể con mình tài giỏi đến đâu. Cha tôi đã tốn rất nhiều công sức để rèn đức tính này cho chúng tôi bằng cách tránh để chúng tôi nghe những lời tán dương quá mức. Và bản thân ông cũng rất ít khi khen ngợi con cái. Tôi đã tự học và nhận ra rằng kiến thức là vô hạn, còn hiểu biết của mình thì có hạn. Những điều tôi biết rất có thể người khác đã biết, ngay cả những điều tôi không biết, chưa biết thì có thể đã có người khác biết. Cha tôi cũng dạy ‘nếu so sánh với người khác để học hỏi những điều hay ở họ thì hãy so sánh, không nên so sánh chỉ để cảm thấy mình hơn họ’. Có lẽ thấm nhuần tư tưởng giáo dục này mà bản thân tôi cảm thấy mình luôn giữ được sự cân bằng cần thiết: không quá khiêm tốn, cũng không quá tự cao.

Năm 14 tuổi, tôi rời Anh sang Pháp du học. Trước khi đi, cha tôi dẫn tôi đến một nơi để thực hiện một cuộc ‘huấn luyện đặc biệt’. Đó là công viên Hyde Park. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cuộc nói chuyện ngày hôm đó. Cha nói: ‘Chuyến sang Pháp lần này là cơ hội để con gặp gỡ nhiều người và học hỏi nhiều điều mới lạ. Kết quả này chủ yếu là do bản thân con đã nỗ lực trong thời gian qua. Có thể con sẽ nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Nhưng con hãy nhớ: thành tích của con hôm nay không chỉ là công sức của riêng con. Dù con thật sự xuất sắc, nhưng mình giỏi còn có người giỏi hơn. Con có điều kiện và nhận được sự giáo dục tốt nên thành tích có thể trội hơn so với các bạn cùng lứa, nhưng đừng vì thế mà tỏ ra tự mãn. Được khen thì vui, nhưng vui quá mức cũng không tốt. Con cần cảm thấy xấu hổ khi được khen thì mới tiến bộ được. Con hãy ghi nhớ lời cha. Có thể bây giờ con chưa hiểu đâu, nhưng dần dần con sẽ hiểu’. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên cha khen tôi ‘con thật sự vượt trội’, nhưng tôi lại thấy bình thường, không có chút cảm giác tự mãn nào. Có lẽ đây là kết quả của nhiều năm được cha giáo dục.

Cũng giống như cha Witte, cha sợ tôi lây nhiễm tính xấu nên không cho tôi kết bạn với những đứa trẻ khác. Hay cha tôi cũng sợ rằng nếu tôi chơi với bạn bè thì sẽ lộ ra sự khác biệt quá rõ ràng giữa tôi và họ, từ đó tôi sẽ sinh ra kiêu ngạo chăng? Cũng còn lý do khác nữa. Đó là cha tôi sợ tôi bị ảnh hưởng những suy nghĩ, thái độ của họ. Vì những lý do này mà cha không cho tôi đến trường giống như những đứa trẻ khác. Tôi chủ yếu học theo phương pháp ‘Cha truyền con nhận’ và tự học.

Mục tiêu của cha tôi là ‘một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng’, vì thế tuy thời gian học của tôi bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng không có nghĩa là tôi suốt ngày cắm cúi bên bàn học. Cha thường dẫn tôi đi dạo, cho tôi tham gia một số môn thể thao như chạy bộ, cưỡi ngựa. Nhưng nói thật là tôi không xuất sắc trong các môn thể thao. Cha tôi luôn kết hợp ‘học mà vui, vui mà học’ nên dù là Chủ nhật, tôi cũng ít khi được nghỉ ngơi hoàn toàn. Cha cho rằng không học tập đều đặn ắt sẽ dẫn đến thói quen lười biếng”.

5.

Goethe – một vĩ nhân trong nền thi ca thế giới – cũng là một người được giáo dục từ sớm. Qua những thông tin trong cuốn tự truyện của ông, chúng ta có thể khẳng định điều đó. Cha Goethe vốn xuất thân là quân nhân nên ngay từ nhỏ, Goethe đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc mang tính kỷ luật chặt chẽ của quân đội.

Cha của Goethe cũng áp dụng phương pháp giống như cha của Witte. Ông chú ý dạy con ngay từ nhỏ. Mặc dù Goethe là con trai duy nhất nhưng không vì thế mà ông nuông chiều con. Ông cũng chú ý phát triển toàn diện cho Goethe. Nước Đức có rất nhiều bài đồng dao và cha của Goethe đã bắt con học thuộc lòng tất cả. Những bài hát này vừa dễ thuộc, vừa giúp làm tăng vốn từ vựng cho trẻ. Chưa đầy 4 tuổi, Goethe bắt đầu được dạy đọc thông qua những cuốn sách đơn giản có sử dụng những ca từ trong các bài đồng dao này. Lớn hơn một chút, cha của Goethe thỉnh thoảng dẫn con đi dạo quanh vùng Frankfurt và kể cho con nghe về địa lý, lịch sử của những nơi này. Đặc biệt những nơi liên quan đến ca từ trong các bài đồng dao thì cha của Goethe đều cố gắng tìm hiểu và giải thích tỉ mỉ cho con. Đây là một phương pháp giáo dục tâm lý rất tốt. Nhờ vậy mà Goethe luôn cảm thấy thích thú và muốn nghe, muốn học nhiều bài đồng dao hơn.

Trong việc giáo dục Goethe không thể không nhắc đến vai trò của người mẹ. Từ lúc lên 2, Goethe đã được mẹ kể cho nghe rất nhiều chuyện cổ tích. Ngày nào cũng thế, mỗi ngày một chuyện. Dường như bà mẹ này hiểu được đòi hỏi then chốt trong việc giáo dục trẻ từ sớm là không ngừng bổ sung vốn từ vựng của trẻ.

Mẹ của Goethe không chỉ kể chuyện cho con nghe, mà thỉnh thoảng bà còn để Goethe tự đọc và kể lại. Đối những việc khó hơn như đọc một câu chuyện ngắn trên báo hay một đoạn trong cuốn tiểu thuyết nào đó thì mỗi lần đọc, bà thường dừng lại ít phút để con có thời gian ghi nhớ và tưởng tượng. Hôm sau, Goethe trao đổi với mẹ những cảm nhận của mình về câu chuyện. Cứ như vậy kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Việc rèn luyện trí tưởng tượng này thật sự rất hiệu quả đối với Goethe và giúp ông rất nhiều trong sự nghiệp sáng tác sau này. Từ năm 8 tuổi, ngoài tiếng Đức, Goethe còn thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng La-tinh, tiếng Hy Lạp. Nhưng cũng giống như Witte, ông không chỉ được dạy về ngôn ngữ, mà còn được tiếp cận nhiều lĩnh vực khác như khoa học, văn học, âm nhạc, hội họa.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Kimura Kyuichi
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x