Trang chủ » Chương 3. Trí tuệ đang hình thành

Chương 3. Trí tuệ đang hình thành

by Hậu Học Văn
144 views

Những giai đoạn mẫn cảm

Tính nhạy cảm ở trẻ sơ sinh, trước khi nó kích hoạt các phương tiện tự biểu lộ, dẫn đến một cấu trúc trí tuệ sơ khai có lẽ vẫn chưa bộc lộ ra. Có điều gì đó huyền nhiệm khi ta nghĩ rằng đứa bé nhỏ nhất cũng đã có đời sống tinh thần. Ý nghĩ này có thể dẫn ta đến sự chiêm ngắm đứa trẻ sơ sinh trong cùng một tinh thần giống như khi ta chiêm ngắm Giêsu Hài Đồng trong tôn giáo, như là sự nhập thể của một Đấng Thượng Đế thật sự hiện diện trong thân thể bé nhỏ kia. Vậy, chúng ta có thể tưởng tượng rằng có một linh hồn con người ẩn giấu trong cơ thể non nớt, chưa tự làm được việc gì của một em bé, một linh hồn đã phát triển và nhạy cảm, cho dù vẫn còn dại khờ.

Nhưng quan niệm này không đúng. Cũng giống như ta nói rằng đứa trẻ sơ sinh đã có sẵn một ngôn ngữ hoàn chỉnh, nhưng các cơ quan phát âm vẫn còn bất lực, chưa có khả năng để biểu lộ. Cái đã có mới chỉ là một thiên hướng cho năng lực ngôn ngữ. Và, tương tự, cũng có thể áp dụng cho toàn bộ phức thể tâm lí mà ngôn ngữ là cái được biểu lộ. Em bé có một khả năng sáng tạo, một năng lượng tiềm tàng sẽ giúp nó có thể xây lên cả một thế giới tinh thần từ thế giới xung quanh nó. Trong việc này, bé sẽ gặp cản trở, nó phải đấu tranh cho sự hiện hữu về tinh thần, dù chưa có ý thức về cái tinh thần đó, nhưng nó vẫn có thật, với những hậu quả không ngăn được đối với mức cuối cùng của sự thành tựu của nó. Nếu không ai giúp nó, nếu môi trường không được chuẩn bị để tiếp đón nó, nó sẽ là một sinh vật luôn gặp hiểm nguy trong đời sống tinh thần. Ta có thể nói rằng khi đó đứa trẻ nhỏ bị đặt trong tình thế nguy hiểm, bị bỏ rơi giữa thế gian.

Trong quá trình phát triển tâm lí, đứa bé hoàn thành nhiều điều kì diệu như là những phép lạ vậy, và chỉ do thói quen mà chúng ta đã trở thành những khán giả thờ ơ. Làm sao một đứa trẻ như vậy, đến từ hư vô, tự định hướng được trong cái thế giới phức tạp này? Làm sao nó phân biệt được vật này với vật khác, và do sự kì diệu nào mà nó thành công trong việc học một ngôn ngữ đặc biệt với nhiều chi tiết, không cần thầy, chỉ đơn giản học trong đời sống? Bé học đơn giản và vui vẻ, không mệt mỏi, trong khi một người lớn khi phải tự định hướng trong môi trường mới, sẽ phải cần đến rất nhiều trợ giúp, và để học một ngôn ngữ mới, sẽ phải trầy trật và không bao giờ đạt được sự hoàn hảo như trường hợp được học nói tiếng mẹ đẻ từ khi còn thơ.

Chỉ mới gần đây chúng ta mới có thể tự hỏi rằng một sự phát triển như thế đã dựa vào điều gì và một sinh vật sống tăng trưởng như thế nào.

Khi nói về sự phát triển, sự gia tăng của ý thức, chúng ta nói đến một sự kiện thấy rõ bên ngoài, gần đây chúng ta mới hiểu được cơ chế bên trong của vấn đề này. Khoa học hiện đại đã tạo thuận lợi cho những nghiên cứu khảo sát như thế qua hai cách. Một là qua nghiên cứu về các tuyến nội tiết tác động đến sự tăng trưởng, những khám phá trong lĩnh vực này đã ngay lập tức khơi đậy mối quan tâm do ảnh hưởng lớn lao của chúng đối với sự chăm sóc trẻ em trong thực tiễn. Cách kia là nghiên cứu các giai đoạn mẫn cảm, đã chiếu rọi ánh sáng lên sự phát triển về tinh thần của đứa trẻ.

Chính nhà khoa học người Hà Lan Hugo de Vries là ngươi đã khám phá ra những giai đoạn nhạy cảm trong đời sống động vật, nhưng chính chúng tôi, ở trường của mình, quan sát đời sống của trẻ trong gia đình, là những người đầu tiên đã phát hiện các giai đoạn mẫn cảm trong thời ấu thơ, và đã đáp ứng lại theo quan điểm về giáo dục.

Các giai đoạn này tương ứng với những sự nhạy cảm đặc biệt phát hiện thấy ở các sinh vật đang trong quá trình phát triển, chúng có tính chuyển tiếp và được giới hạn cho việc thụ đắc một đặc tính đã ấn định. Một khi đặc điểm này đã thay đổi, sự nhạy cảm tương ứng cũng biến mất. Vậy là, mỗi đặc điểm được thiết lập nên là nhờ có sự trợ giúp của một kích thích, của một sự mẫn cảm nhất thời kéo dài trong một giai đoạn tăng trưởng có giới hạn, tức là trong giai đoạn mẫn cảm tương ứng. Vì vậy tăng trưởng không phải là cái gì mơ hồ, một sự di truyền bẩm sinh bất biến, mà là một công việc được hướng dẫn tỉ mỉ bởi những bản năng nhất thời đem đến một sự thôi thúc hướng tới những hoạt động đã được ấn định, và những hoạt động này thường khác biệt lạ thường với những hoạt động của cùng cá thể ở giai đoạn trưởng thành.

Trong sinh học, De Vries là người đầu tiên nghiên cứu các giai đoạn này, và thấy chúng xuất hiện rõ rệt ở các sinh vật đã đạt đến mức trưởng thành qua sự lột xác như trong trường hợp các côn trùng. Một ví dụ là ở con sâu bướm, sâu bướm phải ăn những búp lá rất non, thế nhưng con bướm lại đẻ trứng ở cái chạc ba nhánh kín nhất, gần thân cây. Ai sẽ chỉ cho các con sâu bướm nhỏ xíu ẩn kín ở đó, khi chúng chui khỏi vỏ rằng những lá mềm chúng cần ăn đều ở phía ngọn của nhánh, trong ánh sáng?

Ở giai đoạn này, con sâu bướm cực kì nhạy cảm với ánh sáng. Ánh sáng thu hút, mời gọi nó như một tiếng gọi khó cưỡng, mê hoặc nó, và thế là con sâu ngọ nguậy bò lần đến nơi sáng nhất, tới khi nó đến tận cùng ngọn nhánh, và trong cơn đói cồn cào, nó thấy mình ở giữa những chồi lá non mềm có thể nuôi dưỡng nó. Điều kì lạ là khi con sâu bướm đã trải qua giai đoạn đầu tiên của nó và đã tăng trưởng hết mức, nó có thể ăn thức ăn khác và đến khi đó nó bỗng mất đi sự nhạy cảm với ánh sáng. Điều này đã được chứng minh trong các phòng thí nghiệm khoa học. Trong một cái hộp tối chỉ có con sâu và ánh sáng, con sâu sẽ bò nhanh về phía bất cứ tia sáng nào xuyên qua một cái lỗ trong hộp tối nơi nó bị nhốt làm thí nghiệm. Sau một thời gian nào đó, nó hoàn toàn dửng dưng với các tia sáng. Bản năng này không còn tác động đến nó nữa. Con sâu bướm sẽ đi theo những hướng khác, tìm những lối sống khác.

Một sự nhạy cảm tác động tương tự bỗng nhiên biến con sâu, đã từng rất tham ăn phá hoại các cây cối đẹp đẽ, thành một kẻ khổ hạnh ăn kiêng. Kiêng cữ khắt khe, nó xây nên một thứ “quan tài” để chôn mình trong đó như không còn sống và công việc này nó làm thật ráo riết và khó cưỡng. Chôn mình như thế, nó sẽ chuẩn bị cho giai đoạn cuối; là sự ra đời của con bướm đẹp đẽ với đôi cánh lộng lẫy.

Chúng ta biết rõ rằng ở các ấu trùng của loài ong, có một giai đoạn mà mỗi con ong cái đều có thể trở thành ong chúa. Nhưng bầy ong chỉ chọn một trong số đó. Các con ong thợ chuẩn bị một chất dinh dưỡng đặc biệt chỉ riêng cho con ong được chọn, cái mà các nhà động vật học gọi là “sữa ong chúa” được nó ăn ngấu nghiến. Thế là con ong được đặc ân nuôi bằng yến tiệc vua chúa này trở thành ong chúa của bầy. Nhưng sau một thời gian, nếu những con ong thợ muốn chọn con ấu trùng cái khác và cũng nuôi bằng sữa ong chúa tốt nhất, con ấu trùng này sẽ không bao giờ có thể trở thành ong chúa; giai đoạn thèm ăn dữ dội đã qua và cơ thể của nó không còn khả năng để phát triển như thế nữa.

Những sự kiện này có thể giúp chúng ta thấu hiểu được then chốt của vấn đề, kể cả khi nó liên quan đến con trẻ của loài người, sự khác biệt to lớn là giữa động lực sinh động thúc đẩy thực hiện những hành động tuyệt vời đáng sửng sốt và sự lãnh đạm dẫn tới sự mù quáng và thiếu khả năng. Người lớn không thể làm gì được từ bên ngoài để tác động lên những trạng thái khác nhau này.

Trong những giai đoạn nhạy cảm, đứa trẻ lĩnh hội nhiều thứ, những cái sẽ đặt nó vào trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài một cách cực kì mãnh liệt. Tiếp theo đó, mọi sự đều dễ dàng; tất cả đều là nhiệt huyết, là sự sống, mỗi nỗ lực đều là một sự gia tăng quyền năng cho mình.

Và khi một số đam mê tinh thần này tàn lụi đi, thì những ngọn lửa khác lại nhen lên, thế là tuổi ấu thơ trải qua một loạt các chinh phục, trong một sự sôi nổi liên tục đầy sức sống mà ta gọi là niềm vui và sự giản dị. Công việc sáng tạo ra thế giới tinh thần của con người đã diễn ra qua chính cái ngọn lửa đẹp đẽ bùng cháy không tàn này.

Vì vậy, cái sinh lực đầy phấn chấn của đứa trẻ là điều lí giải cho các phép lạ về sự chinh phục tự nhiên cần quan sát trong sự phát triển về tinh thần.

Vậy là, cái ta gọi bằng thuật ngữ “nhập thể” và các giai đoạn mẫn cảm có thể so sánh được với lỗ nhòm để nhìn vào các quá trình nội tại của trí tuệ đang thành hình, để chúng ta thấy thực sự các cơ quan bên trong đang làm việc và xác định sự phát triển tinh thần của đứa trẻ như thế nào.

Thế nên, chúng ta đã thấy rõ là sự phát triển tâm lí không xảy ra một cách ngẫu nhiên và không xuất phát từ các kích thích bên ngoài; nó được chỉ đạo bởi các nhạy cảm nhất thời, bởi các bản năng tạm thời kết nối với sự thụ đắc một số đặc điểm nào đó. Mặc dù sự phát triển này diễn ra bằng những phương tiện nằm ở thế giới bên ngoài, cái thế giới này không có tính xây dựng nào. Nó chỉ đơn thuần cung cấp những phương tiện cần thiết cho đời sống tinh thần, giống như cơ thể, do ăn và thở, tiếp thu từ môi trường bên ngoài những phương tiện cần thiết cho đời sống vật chất.

Những sự mẫn cảm nội tại, mà chúng tôi đã đề cập, quyết định sự chọn lọc những gì cần thiết từ một môi trường đa diện và chọn lọc những tình huống thuận lợi cho sự phát triển. Hướng dẫn này được thể hiện qua cách làm cho đứa trẻ chỉ nhạy cảm với một số điều nào đó, nhưng lại để nó thờ ơ với những thứ khác. Khi trẻ tỏ ra mẫn cảm với cái gì đó, lúc đó như thể có một ánh sáng đến từ đứa trẻ chỉ chiếu rọi vào cái đó mà không vào thứ gì khác, và từ những thứ đó mà thế giới của đứa trẻ được tạo thành. Nhưng đây không chỉ là vấn đề của một khát khao mãnh liệt tự đặt mình vào những hoàn cảnh nào đó, hoặc chỉ để hấp thu các nhân tố nào đó. Đứa trẻ có một khả năng đặc biệt, độc nhất khiến trẻ sử dụng những mẫn cảm này để lớn, bởi chính trong giai đoạn nhạy cảm mà trẻ thụ đắc một số khả năng tâm lí, như khả năng tự định hướng trong môi trường bên ngoài, và trở nên có khả năng kích hoạt các cơ quan vận động của nó với tất cả những cái đặc thù kín đáo và tinh tế của chúng.

Trong những mối quan hệ nhạy cảm này giữa đứa trẻ và môi trường của nó, ta có thể tìm ra chìa khóa dẫn đến ngõ ngách bí ẩn nơi phôi thai tinh thần hoàn tất các phép lạ của sự tăng trưởng.

Chúng ta có thể mường tượng được cái hoạt động sáng tạo này như một loạt cảm xúc nhiệt tình trỗi dậy từ tiềm thức, qua sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà xây dựng nên ý thức của con người. Bắt đầu từ sự hỗn độn, chúng đạt đến sự phân biệt rõ ràng, rồi tạo ra hoạt động, ví dụ như trong thành tựu về tiếng nói. Lúc đầu các âm thanh của môi trường thật lộn xộn và hỗn độn, không sao phân biệt được và bỗng nhiên chúng trở nên rõ ràng, quyến rũ, mê hoặc, những âm thanh riêng lẻ của một ngôn ngữ rõ ràng tuy vẫn chưa hiểu được, và trí tuệ, lúc ấy dù chưa có tư duy, nghe thấy một thứ âm nhạc ngập tràn thế giới.

Rồi sau đó, chính các thớ thịt trong bản thân đứa bé được kích động, không phải tất cả, mà chỉ những cái giờ đây phải đóng vai trò của chúng, dù trước đây vẫn ẩn tàng, chỉ rung lên qua những tiếng kêu lộn xộn vô nghĩa. Bây giờ chúng đã đánh thức trong một chuyển động đều đặn, có trật tự, thay đổi cách vang rung và do đó một nhịp độ và tiết tấu mới được chuẩn bị cho cái vũ trụ của phôi thai tinh thần. Nhưng chính nó đang sống mãnh liệt trong thì hiện tại và hoàn toàn tập trung vào hiện tại, chưa hề biết tới sự huy hoàng của bản thể tương lai của nó.

Dần dần, đôi tai nghe được âm thanh, cái lưỡi trước đây chỉ giữ vai trò bú mút cũng được kích hoạt theo động tác mới, bây giờ bắt đầu cảm thấy một rung động hướng nội và như thể có một lực khó cưỡng, lôi cuốn nó tìm kiếm cổ họng, đôi môi, gò má. Những rung động này là sự sống, nhưng chưa phục vụ một mục đích nào, chỉ đem đến niềm khoái lạc khôn tả.

Một giai đoạn mẫn cảm đang hoạt động, một mệnh lệnh thần thánh đang thổi qua các vật bất động, kích hoạt chúng bằng sinh khí của tinh thần.

Vở diễn nội tại trong đời sống của đứa bé là một vở diễn về tình yêu. Tình yêu theo nghĩa rộng lớn nhất của nó là thực tại lớn lao duy nhất, biến hóa trong các hốc ẩn kín của tâm hồn và đôi lúc hoàn toàn tràn ngập tâm hồn. Những hoạt động kì diệu này không biến đi mà không để lại những dấu vết không phai mờ, qua đó con người sẽ thành kẻ vĩ đại hơn, và trao cho nó những đặc điểm cao quý hơn, sẽ đi theo nó suốt đời; tất cả đều đang diễn ra trong sự im lặng khiêm nhường.

Tất cả những điều này diễn ra lặng lẽ và không thể nhận thấy được, chừng nào các điều kiện môi trường bên ngoài còn phù hợp tương ứng với những nhu cầu nội tại của đứa trẻ. Chẳng hạn như trong trường hợp tiếng nói, đây là một trong những quá trình kích hoạt khó khăn nhất, tương ứng với giai đoạn nhạy cảm dài nhất, nó nằm tiềm ẩn vì đứa trẻ luôn được bao quanh bởi những người biết nói, và do đó họ cung cấp cho trẻ những yếu tố cần thiết cho thành tựu của nó. Dấu hiệu duy nhất bộc lộ ra bên ngoài cho thấy trạng thái mẫn cảm của đứa bé là nụ cười của nó, là niềm vui rõ ràng nó bộc lộ ra khi chúng ta trực tiếp nói với trẻ bằng những từ ngắn, phát âm rõ ràng, để nó có thể phân biệt như ta phân biệt âm thanh của hồi chuông.

Hoặc chúng ta thấy đứa trẻ trở nên yên tĩnh trong bình an hạnh phúc vào buổi tối khi có người lớn ca bài ru em, lặp đi lặp lại những từ giống nhau; chính trong trạng thái thích thú như thế mà trẻ rời thế giới ý thức để đi vào thế giới của giấc mộng. Bởi vì chúng ta biết rõ điều này nên chúng ta nói với đứa trẻ những lời dịu dàng ve vuốt để nhận được nụ cười đầy sức sống của nó; và đây là lí do tại sao từ thời xa xưa cha mẹ vào buổi tối lại đến bên con trẻ đang chờ đợi và đòi được nghe lời ca và tiếng nhạc với sự khẩn khoản của kẻ xin được an ủi khi sắp chết.

Đó là những bằng chứng tích cực về tính nhạy cảm sáng tạo của trẻ.

Nhưng cũng có những bằng chứng rõ ràng hơn, với ý nghĩa tiêu cực. Đó là những điều bộc lộ ra khi có những hoàn cảnh bên ngoài nào đó ngăn cản hoạt động bí ẩn nội tại của trẻ, gây nên những xáo trộn dữ dội và những méo mó dẫn đến những khiếm khuyết sẽ lưu lại suốt đời. Nếu đứa trẻ không có khả năng làm việc phù hợp với những hướng dẫn trong giai đoạn nhạy cảm của nó, thì có nghĩa là nó đã mất đi cơ hội chinh phục tự nhiên và sẽ mất hẳn cơ hội đó.

Khi có cái gì trong môi trường của nó cản trở hoạt động bên trong của nó, sự hiện hữu của một giai đoạn nhạy cảm được bộc lộ qua những phản ứng dữ dội, trong một nỗi tuyệt vọng ta nghĩ là vô cớ, và do đó bị xem là “ngỗ nghịch” và tính khí thất thường. Ngỗ nghịch là một biểu hiện của sự rối loạn bên trong hay của một nhu cầu không được thỏa mãn, một trạng thái căng thẳng; tâm hồn của trẻ lên tiếng khóc đòi cái nó cần, để tự vệ.

Điều này được bộc lộ qua sự gia tăng hoạt động vô ích và không ngừng nghỉ, tương tự cơn sốt cao thường hay xảy ra ở các em bé mà ta không biết được nguyên nhân, về mặt thể chất. Ta thường thấy trẻ em bị thân nhiệt cao đáng ngại khi bị bệnh nhẹ mà nếu ở trường hợp người lớn thì hầu như chẳng có chuyện gì, cơn sốt chợt đến rồi cũng chợt biến nhanh. Tương tự, ở lĩnh vực tâm lí, ta có thể thấy trạng thái kích động dữ dội xuất phát từ nguyên nhân cực nhỏ, tương ứng với sự nhạy cảm cực độ của đứa bé.

Ai cũng từng biết về những phản ứng này, và thật vậy, những cơn nổi nóng thất thường của trẻ nhỏ hầu như từ lúc sinh ra đều được xem là bằng chứng của tính xấu bẩm sinh của bản chất con người. Tuy nhiên, nếu mỗi sự rối loạn chức năng được xem là bệnh về chức năng, chúng ta cũng phải gọi rối loạn tâm thần tác động cả đời người là bệnh về chức năng, cơn “ngỗ nghịch” đầu tiên của bé là cơn bệnh đầu tiên của tâm hồn một con người.

Những phản ứng dữ dội này đã được quan sát vì những sự kiện bệnh lí rõ ràng luôn là những cái đầu tiên được ta để ý đến ngay; không phải sự yên tĩnh mà chính sự mất yên tĩnh tự lộ ra như một vấn đề mà ta cần suy nghĩ. Những gì hiển nhiên nhất của thiên nhiên không phải là các quy luật của nó mà là các lệch lạc của thiên nhiên. Do vậy không ai để ý thấy các dấu hiệu bên ngoài khó nhận thấy của nhiệm vụ sáng tạo sự sống hay những chức năng tiếp theo làm công việc duy trì sự sống đó. Các sự kiện sáng tạo và bảo tồn đều bị giấu kín.

Trong hoạt động của cơ thể, cơ chế của các cơ quan nội tạng thật sự kì diệu, nhưng không ai nhìn thấy hay để ý đến chúng. Ngay cả người được sống nhờ vào các cơ quan này cũng không nhận thức được sự sắp đặt lạ lùng của chúng. Thiên nhiên làm việc mà không hiển lộ, và ta gọi sự cân bằng hài hòa giữa các năng lượng tổng hợp là sức khỏe, là sự bình thường. Sức khỏe! chuyện đơn giản, nhưng lại có nghĩa là sự chiến thắng trong từng chi tiết, là sự chiến thắng của mục đích đối với mọi nguyên nhân.

Chúng ta khách quan ghi nhận mọi chi tiết về căn bệnh mặc dù vẫn chưa hiểu biết đầy đủ những điều kì diệu của hiện tượng sức khỏe. Đúng là trong lịch sử y khoa, từ thời xa xưa nhất con người đã hiểu biết về bệnh tật. Chúng ta tìm được vết tích lưu lại của người tiền sử về cách trị bệnh bằng giải phẫu, trong khi nguồn gốc khoa y học đã có từ các nền văn minh của Hi Lạp và Ai cập. Nhưng khám phá về những chức năng của các cơ quan nội tạng thì mới có gần đây. Khám phá về tuần hoàn của máu là vào thế kỉ 17, còn cuộc giải phẫu đầu tiên trên cơ thể con người với mục đích tìm hiểu về cơ quan nội tạng của nó diễn ra vào năm 1600. Chính bệnh lí học, có nghĩa là bệnh tật, đã gián tiếp dẫn đến việc khám phá ra các bí ẩn của sinh lí học, hay của những chức năng bình thường.

Do đó, ta không nên ngạc nhiên khi người ta chỉ biết đến những chứng bệnh tâm thần của trẻ em, còn hoạt động bình thường của tâm hồn đứa trẻ thì vẫn bị che khuất hoàn toàn trong bóng tối. Và điều này càng dễ hiểu hơn do sự tinh tế cực kì của những chức năng tâm thần đó, chúng hoạt động trong bóng tối, trong bí mật, không thể biểu lộ ra ngoài.

Do đó, nói rằng người lớn chỉ biết về các rối loạn tâm lí của đứa trẻ mà không biết gì về sức khỏe tâm thần của nó sẽ gây sửng sốt nhưng lại không vô lí. Tâm lí khỏe mạnh vẫn bị che khuất, giống như các lực khác trong vũ trụ vẫn cần được khám phá.

Nếu hẳn như vậy, một khi ta phải xem đứa bé là một trong những lực còn giấu kín, vẫn còn là điều bí mật đối với chúng ta, và nếu đời sống tinh thần của đứa trẻ phát triển trong tình trạng rối loạn chức năng và bệnh tật, thì hậu quả đương nhiên sẽ là một loạt méo mó dị dạng cùng với sự mù lòa, yếu ớt và ngừng phát triển. Đây không phải là chuyện tưởng tượng, mà chính là thực tại. Những nguyên nhân nho nhỏ xảy ra trong giai đoạn đầu của sự sống có thể dẫn đến sự chệch hướng nghiêm trọng; con người lớn lên và trưởng thành dưới một cái vẻ đặc trưng khác hẳn, không còn là chính nó nữa.

Sự chăm sóc cần thiết

Người lớn không trợ giúp bởi họ không hiểu những nỗ lực của trẻ, và do đó không nhận ra phép lạ đang diễn ra, phép lạ của sự sáng tạo từ cái gần như không có, như thể sự sáng tạo đang được thực hiện bởi một sinh thể không có đời sống tinh thần.

Nhờ quan niệm này mà chúng ta có được một phương cách cư xử mới đối với đứa trẻ vốn vẫn bị coi như là một cơ thể nhỏ sống lay lắt, có nhu cầu cấp bách được chăm sóc về thể chất, và chỉ có thế. Ngày nay, điều ưu tiên trước nhất phải là một thái độ mong chờ các biểu hiện của trí tuệ: trong việc chăm sóc trẻ, chúng ta phải quan tâm không chỉ đến cái đang có mà còn phải chú ý đến cái sẽ có.

Người lớn không được nhắm mắt trước cái thực tại tinh thần đang trong quá trình trở thành hiện thực dù là ở một đứa trẻ sơ sinh; người lớn phải theo dõi sự phát triển sơ khởi của bé và khuyến khích nó. Người lớn không cần phải giúp đỡ đứa bé tự thành hình, vì đó là việc của thiên nhiên, nhưng người lớn phải tỏ sự tôn trọng tế nhị đối với các biểu hiện của cái hiện thực tinh thần này, cung cấp cho nó cái nó cần nhưng không thể cung cấp cho sự hình thành của chính nó. Nói một cách ngắn gọn, người lớn phải tiếp tục cung cấp một môi trường thích hợp cho cái phôi thai tinh thần, giống như thiên nhiên dưới dạng người mẹ đã cung cấp một môi trường thích hợp cho cái phôi thai vật chất.

Để chứng minh sự hiện hữu của đời sống tinh thần trong đứa trẻ nhỏ bé nhất, chúng ta không cần đến các thí nghiệm khoa học, hiểu theo nghĩa tâm lí học thực nghiệm, như đã từng được tiến hành bởi một số nhà tâm lí học hiện đại khi họ tìm cách kích thích các giác quan của trẻ để thu hút sự chú ý của nó, họ mong sẽ thấy được các phản ứng vận động như thế và xem đó là dấu hiệu của một phản ứng tâm lí.

Trước hết, đây không phải là một điều có thể chứng minh, ngoại trừ ở một giai đoạn (đúng ra có thể xảy đến trong vòng năm đầu đời) khi một sự phối hợp tâm lí của các cơ quan của vận động đã được thiết lập, có nghĩa là, khi quá trình kích hoạt hay nhập thể đang diễn ra. Ấy thế nhưng nhất thiết phải có một sự sống tinh thần, dù là ở dạng phôi thai, cái sự sống tinh thần có trước bất cứ sự kích hoạt nào của vận động tùy ý, nói cho thật chính xác, đó là vì tinh thần đang kích hoạt động tác ấy.

Dạng thức kích hoạt sớm nhất được tạo ra bởi cảm xúc. Ví dụ, như Levine đã cho thấy trong các bộ phim về tâm lí, khi đứa trẻ muốn một vật nào, nó phóng cả cơ thể lao vào vật ấy, và phải một thời gian lâu hơn sau đó, khi đã có được sự phối hợp các cơ quan vận động, đứa trẻ mới có thể tách biệt hành động này với hành động khác, ví dụ như vươn tay đến món đồ nó muốn.

Một ví dụ khác có thể thấy ở bé bốn tháng tuổi, nó dán mắt vào đôi môi của một người đang nói và đôi môi nó biểu lộ những cử động mơ hồ, không âm thanh và đặc biệt là cái nhìn chăm chú trên gương mặt của bé, cho thấy bé hoàn toàn bị thu hút bởi hiện tượng thú vị trước mặt. Nhưng sau đó, chỉ sau sáu tháng, bé có thể bắt đầu phát ra một âm tiết, vậy là, trước khi đứa bé phát ra được những âm thanh rõ ràng, bé đã có một mối quan tâm mang tính xúc cảm rõ rệt, tích lũy âm thanh và bí mật chuẩn bị kích hoạt các cơ quan phát âm; vậy là, trước khi hành động, trẻ đã bị một nhân tố kích hoạt. Những sự nhạy cảm này là đối tượng của quan sát chứ không phải của thí nghiệm. Thật ra, những thí nghiệm do các nhà tâm lí học thực nghiệm thực hiện kiểu như vậy có lẽ thuộc vào những loại tình huống bên ngoài, chúng có thể gây tổn hại cho sự lao động bí mật của tâm thần ở trẻ sơ sinh vì đã sử dụng những năng lượng xây dựng trước thời điểm sẽ cần đến.

Đời sống tâm thần của đứa trẻ phải được quan sát giống như Fabre đã quan sát côn trùng, đi tìm chúng trong môi trường tự nhiên của chúng, và ông đã ẩn mình để không tác động đến chúng. Và chúng ta cũng phải bắt đầu quan sát đứa trẻ trong thời gian khi các giác quan của trẻ, như các cơ quan cầm nắm, bắt đầu chụp lấy và tích lũy những ấn tượng có ý thức về thế giới bên ngoài; vì từ lúc đó, cũng bắt đầu nảy nở một cuộc sống tự phát theo môi trường bên ngoài của nó.

Để giúp trẻ, ta không cần phát triển năng lực quan sát tinh vi khác thường hay có khả năng lí giải được nó. Chỉ cần một điều đơn giản hơn: đó là một tâm hồn đã được chuẩn bị để trợ giúp cái trí tuệ ẩn tàng của đứa trẻ. Rồi chỉ cần có sự khôn ngoan thông thường là đủ để ta đi theo được nó.

Sự chăm sóc cần thiết vừa đơn giản lại thực tiễn, như tôi sẽ trình bày trong một vài ví dụ. Bắt đầu với một điều gì rất thông thường, người ta tin rằng vì đứa bé không thể ngồi dậy, nên bé phải luôn nằm thẳng. Và thế là các quan hệ giác quan đầu tiên của đứa bé với môi trường của nó là quan hệ với bầu trời hơn là với mặt đất, nhưng cảnh tượng bầu trời lại đúng là cái nó bị ngăn cản. Trong thực tế, trẻ nằm nhìn lên trần nhà của căn phòng, thường là có màu trắng và trơn nhẵn hoặc nhìn lên mui của chiếc xe đẩy. Ấy thế nhưng chính qua thị giác mà các ấn tượng đầu tiên phải được tiếp thu để nuôi dưỡng cái linh hồn đói khát.

Những người quan niệm rằng đứa bé cần có cái để nhìn, đã nghĩ cách đặt các vật trước mặt bé, chứ không đem bé khỏi những điều kiện sai lầm đã tách biệt bé ra khỏi môi trường của nó. Bắt chước theo cách của các nhà tâm lí thực nghiệm, những người tốt bụng này sẽ treo một chuỗi quả bóng hay những đồ vật sặc sỡ trước cái nôi của bé. Em bé háo hức lĩnh hội hay đúng hơn là nó ngấu nghiến tiếp thu những hình ảnh từ môi trường của nó, bé đưa mắt dõi theo các trái bóng hay những món đồ chơi đang nhảy múa trước mặt, cơ thể bé cố vặn vẹo một cách không tự nhiên. Người lớn dùng một món quà nhân tạo, thô thiển về mặt hình thức lẫn vận động để áp đặt lên đứa bé và khiến chúng cố công cố sức tự tạo cho mình thành dị dạng. Thực ra, ta chỉ cần đặt đứa trẻ ở một nơi cao, trên một mặt phẳng hơi nghiêng, là đủ để trẻ có thể nhìn hết toàn cảnh, ít nhất là môi trường trong căn phòng của nó. Nhưng ta vẫn có thể đặt đứa trẻ theo cách đó trong khu vườn nơi hoa lá cây cỏ lung linh và các con thú đang chạy nhảy tạo thành một quang cảnh sống động cho bé.

Các cảnh tượng cho em bé thám hiểm cần phải luôn giống như vậy trong một thời gian dài. Do nhìn thấy cũng những vật đó mà bé tập nhận ra chúng, luôn tìm thấy chúng ở cùng chỗ cũ, đồng thời bé học phân biệt được những chuyển động của những thứ đi chuyển do luồng không khí với các chuyển động của các sinh vật sống.

Định hướng qua trật tự

Một em bé mới một tháng tuổi chưa bao giờ ra khỏi nhà. Bảo mẫu của bé đang ôm bé trên đùi khi cha bé và một người chú sống trong nhà cùng lúc xuất hiện trước mặt bé. Cả hai người cao gần như nhau và cùng tuổi tác. Lúc đầu, bé nhìn sững sờ và gần như sợ hãi, cả hai đều ở trước mặt bé, nhưng đứng riêng, người đi về bên phải, người đi về bên trái. Em bé quay đầu chăm chú nhìn một trong hai người với vẻ lo lắng rõ rệt, và sau khi nhìn ông hồi lâu bé mỉm cười.

Nhưng bỗng nhiên, nét mặt bé lại lộ vẻ lo âu, rồi thậm chí, bé tỏ ra sợ hãi. Với một động tác chớp nhoáng, bé quay đầu nhìn sang người kia, và sau khi nhìn một lúc, bé lại mỉm cười. Bé tiếp tục chuyển từ trạng thái lo âu sang mỉm cười gần hai mươi lần trước khi có một thứ ánh sáng vụt hiện trong bộ óc nhỏ bé của nó, và bé hiểu ra là có hai ông. Họ là những người đàn ông duy nhất mà bé đã thấy. Cả hai đều tíu tít vì bé, cho bé ăn, và nói lời trìu mến với bé, và bé đã hiểu ra việc có một kiểu người khác ngoài bà mẹ, bảo mẫu, và những người đàn bà khác mà bé đã có dịp để ý, nhưng chưa bao giờ thấy hai người đàn ông cùng một lúc, rõ ràng là trong đầu bé chỉ có một ông. Do đó, bé sợ vì bỗng nhiên nhận thấy rằng cái con người mà bé đã cố gắng phân loại từ đám hỗn độn kia đã biến thành hai người.

Một đặc điểm của trẻ nhỏ là tình yêu trật tự. Các trẻ một tuổi rưỡi hay hai tuổi đã bộc lộ rõ ràng cái đã bộc lộ một cách mơ hồ từ trước đó; các bé cần sự trật tự trong môi trường xung quanh mình. Tình yêu trật tự này không thể so sánh được với điều người nội trợ tốt đã tuyên bố, “Tôi yêu cái nhà của tôi, tôi muốn nó phải luôn ngăn nắp”. Bà chỉ nói, nhưng em bé thì không thể sống trong hỗn loạn. Sự mất trật tự gây quấy rầy, xáo trộn cho đứa trẻ, và bé có thể bộc lộ nỗi đau khổ của mình bằng những tiếng khóc tuyệt vọng, hay một xáo động đôi khi như là cơn bệnh. Đứa bé nhận ra ngay lập tức có sự mất trật tự, điều mà người lớn và các trẻ em lớn hơn không để ý và nhận ra. Rõ ràng trật tự trong môi trường bên ngoài ảnh hưởng tới sự mẫn cảm của bé rồi sẽ biến mất khi bé lớn lên.

Vậy thì, đây đích thực là một trong những sự mẫn cảm có tính giai đoạn đặc thù ở các sinh vật đang trong quá trình phát triển và ta gọi là “giai đoạn mẫn cảm”; đây là một trong những giai đoạn quan trọng và bí ẩn nhất.

Sẽ có vẻ bất thường và lạ lùng khi ta nói trẻ trải qua một giai đoạn nhạy cảm về trật tự bên ngoài, trong khi mọi người đều tin rằng trẻ em đương nhiên là bừa bãi. Lí do của điều mâu thuẫn này nằm trong sự kiện là bé không thể bộc lộ hết mình trong một môi trường không phải của chính nó, mà kẻ làm chủ môi trường là một người lớn mạnh hơn bé song lại không hiểu được bé, rồi với cách suy nghĩ của họ, họ lại cho bé là một sinh vật có tính khí thất thường. Nhưng chúng ta đã chẳng thường thấy một em bé khóc một cách vô vọng, không rõ lí do, hay như ta nói là do tính khí thất thường hay sao? Chúng ta đã chẳng thường thấy một em bé khóc mà không gì dỗ nín được hay sao? Trong tâm hồn của em bé, có những bí ẩn vẫn còn giấu kín đối với người lớn.

Nhưng chỉ cần một gợi ý nho nhỏ, một lời hướng dẫn về sự hiện hữu của các nhu cầu bí mật này, để người lớn nhận ra chúng thì họ sẽ thấy tâm hồn của trẻ thơ bộc lộ các bí ẩn đó như thế nào.

Trong trường chúng tôi, nếu có vật gì đặt không đúng chỗ, chính đứa trẻ hai tuổi sẽ nhận ra và để nó lại đúng chỗ. Điều này không xảy ra thường xuyên, vì theo lệ, trẻ hai tuổi không đến trường. Trẻ em phải cần tập thói quen, giữ mọi thứ ở đúng chỗ của nó, như ở trường chúng tôi, nơi tất cả những thứ thừa thãi đều bị loại bỏ. Chưa kể là để bộc lộ các xu hướng đó, trẻ em phải được tự do.

Khá đông công chúng đã có thể quan sát hiện tượng như thế ở lớp học mẫu trong tòa nhà Trung tâm Triển lãm San Francisco vào năm khai trương Kênh đào Panama (1917). Có một đứa bé hai tuổi, sau giờ học, đã đem tất cả các ghế ngồi đặt lại vị trí của chúng dọc theo tường. Nó có vẻ như đang suy nghĩ trong lúc làm việc. Một ngày kia, đứng tựa vào một cái ghế to, nó có vẻ do dự, nó bỏ đi chỗ khác rồi trở lại đặt chiếc ghế ấy ra xa các ghế còn lại; ở đấy, đúng là vị trí thường đặt cái ghế lớn. Một lần khác, một đứa bé lớn hơn, khoảng bốn tuổi, khi rót nước từ một bình đựng sang bình đựng khác, làm rơi vài giọt trên nền nhà mà không để ý thấy. Một đứa bé tí hon đã lấy một miếng giẻ, ngồi xuống nền nhà và lau các giọt nước vừa rơi; đứa lớn không hề chú ý đến. Khi nước ngừng rơi, đứa nhỏ hỏi, “Không còn nữa hả?”

“Còn cái gì?”, đứa lớn ngạc nhiên hỏi.

Nhưng nếu môi trường không được chuẩn bị và em bé thấy mình đang ở giữa các người lớn, các biểu hiện thú vị từng xảy ra thật bình yên này, có lẽ sẽ trở thành một tình trạng khổ sở, một điều khó hiểu, hay một sự nghịch ngợm.

Để có thể bất ngờ gây ra một biểu hiện tích cực về nhạy cảm này ở trẻ sơ sinh, như biểu hiện niềm vui và phấn chấn khi nhu cầu của trẻ được thỏa mãn, người lớn cần tìm hiểu khía cạnh này của tâm lí trẻ và hơn thế nữa cần lưu ý rằng giai đoạn mẫn cảm với trật tự tự bộc lộ trong những tháng đầu tiên của cuộc đời. Chỉ có các bảo mẫu được đào tạo theo các quy tắc của chúng tôi mới có thể đưa ra các dẫn chứng về điều này.

Tôi có thể đưa ra ví dụ của một bảo mẫu đã quan sát được điều ấy khi cô đẩy một bé gái năm tháng tuổi trong xe đi chầm chậm trong phạm vi căn nhà, bé tỏ vẻ quan tâm đặc biệt và vui thích khi thấy một tấm đá cẩm thạch trắng ghép trên bức tường xám cũ kĩ. Mặc dù trên mặt đất có nhiều bông hoa xinh đẹp, bé luôn tỏ ra hào hứng và hài lòng khi xe đến gần tấm đá cẩm thạch. Do đó, mỗi ngày người bảo mẫu ngừng xe ngay trước đó, mặc dù ai cũng nghĩ rằng với một đứa trẻ sơ sinh thì tấm đá đó có lẽ là thứ cuối cùng có thể đem đến niềm thích thú thường trực cho nó.

Mặt khác, có những cản trở mà qua đó ta dễ nhận thấy sự hiện hữu của một giai đoạn mẫn cảm; cớ lẽ đa số các trường hợp giận dữ ở lứa tuổi quá nhỏ xuất phát từ những sự mẫn cảm này.

Tôi sẽ đưa ra vài ví dụ rút từ đời sống thực. Đây là chuyện xảy ra trong một gia đình nhỏ. Em bé trong câu chuyện, chỉ mới vài tháng tuổi, quen nằm trên một cái giường cao, đặt nghiêng, để có thể nhìn thấy toàn bộ môi trường trong căn phòng của nó. Phòng của bé không sơn màu trắng thông thường, có thể lau rửa đúng nguyên tắc vệ sinh vật lí; phòng này của em sạch sẽ về mặt tâm lí. Có những tấm bảng màu trên cửa sổ, có bàn ghế xinh xắn, có hoa và còn có một chiếc bàn có khăn trải màu vàng, trên đặt một chậu cây.

Một bữa nọ, có một người khách đến và đặt chiếc dù của bà lên bàn. Bé trở nên kích động, chắc chắn chiếc dù phải là lí do, vì sau khi chăm chú nhìn chiếc dù đó, bé bắt đầu khóc. Người phụ nữ nghĩ rằng bé muốn chiếc dù, nên cầm lên và đưa cho bé, nhưng đứa bé đẩy nó ra. Chiếc dù được đặt trở lại trên bàn và bảo mẫu nhẹ nhàng ẵm bé đến đó và đặt bé trên bàn, gần chiếc dù, nhưng bé vẫn khóc và càng chống cự lại. Người không rành sẽ coi phản ứng này là một trong những cơn giận dữ quá sớm từ lúc sinh ra. Nhưng mẹ của bé, nhờ có chút hiểu biết về các triệu chứng tâm lí trẻ sơ sinh, đã lấy chiếc dù khỏi bàn và mang nó ra khỏi căn phòng. Bé lập tức trở nên bình tĩnh. Nguyên nhân kích động của bé là chiếc dù trên bàn không ở đúng chỗ và điều này gây xáo trộn dữ dội trong hình ảnh thông thường của vị trí các đồ vật trong trật tự mà đứa bé cần nhớ.

Sau đây là một ví dụ khác. Trong trường hợp này đứa bé lớn hơn nhiều, khoảng một tuổi rưỡi, và bản thân tôi cũng đóng một vai tích cực trong cảnh này.

Một ngày nọ, tôi cùng một nhóm người đi băng qua bang Nero ở Naples. Một phụ nữ trẻ dẫn theo đứa con quá nhỏ để có thể đi bộ hết đoạn đường hầm chạy xuyên một ngọn đồi. Bé khoảng một tuổi rưỡi.

Đúng là sau một lúc thì bé thấy mệt mỏi và đòi mẹ bế nhưng cô ấy đã lượng quá sức lực của mình. Người phụ nữ thấy nóng, nên dừng lại để cởi áo khoác rồi vắt nó lên tay, thế là tay cô vướng víu với chiếc áo này, cô nhấc đứa bé lên, lúc này bé bắt đầu khóc, và tiếng kêu gào càng lúc càng lớn. Mẹ bé cố gắng dỗ dành bé trong vô vọng. Tiếng ồn ào khiến mọi người trong nhóm trở nên khó chịu và đương nhiên họ giúp bế đứa bé. Đứa bé được chuyền từ cánh tay này qua cánh tay khác, nó chống cự, la hét và mọi người dỗ dành nó, la mắng nó nhưng điều này chỉ làm tình trạng tồi tệ hơn.

Có vẻ rồi thì mẹ của bé vẫn phải bế nó, nhưng bấy giờ bé đã đến mức bị coi rõ ràng là hư đốn, và tình trạng dường như không thể giải quyết được. Đến nỗi người hướng dẫn phải la lên, “Bà ơi, sao chồng bà lại có thể để bà đi một mình với đứa bé như vậy? Đưa nó cho tôi!”. Rồi ông ta ẵm lấy đứa bé trong đôi tay vững chắc với vẻ nghiêm trọng kiên quyết, nhưng khi đó đứa bé càng chống cự dữ dội.

Tôi nghĩ đến bí ẩn của trẻ sơ sinh và nghĩ rằng các phản ứng của trẻ phải luôn có một nguyên do. Tôi đến bên mẹ của bé và nói với cô ấy: “Tôi có thể giúp cô mặc lại áo khoác được không?”, cô ấy nhìn tôi kinh ngạc vì cô vẫn còn thấy nóng; nhưng đang lúc bối rối, cô nhượng bộ và để tôi giúp mặc lại áo khoác. Đứa bé lập tức lắng dịu, những giọt nước mắt và sự kích động biến mất, bé nói, “Mẹ, áo khoác lên”, như thể nó muốn nói “Đúng, mẹ à, áo khoác là để mặc”, tựa như còn có ngụ ý rằng “Thế là mẹ đã hiểu con.”, và bé đưa tay về phía mẹ với nụ cười, chuyến hành trình kết thúc hoàn toàn êm đẹp. Áo khoác là để mặc và không phải để vắt như một miếng giẻ trên tay, và sự luộm thuộm của người mẹ đã tác động đến đứa bé như một xáo trộn gây bực bội.

Tôi có mặt trong một cảnh có ý nghĩa soi sáng nhất, với một gia đình khác. Một người phụ nữ đau ốm, đang ngồi hay đúng hơn là đang ngả mình trên một chiếc ghế bành, nơi bảo mẫu đã đặt hai cái gối, và đứa con gái nhỏ của cô, mới hai mươi tháng, đứng bên và đòi cô kể một “câu chuyện”. Người mẹ nào có thể từ chối một lời yêu cầu như thế? Dù cảm thấy không khỏe, người phụ nữ bắt đầu kể một mẩu chuyện được bé theo dõi vô cùng chăm chú. Nhưng mẹ của bé thấy đau đến nỗi không thể tiếp tục. Cô phải ngồi dậy và yêu cầu giúp cô vào giường ở phòng bên cạnh. Bé gái nhỏ khóc, nó bám vào cái ghế, mọi người nghĩ rằng bé khóc là tự nhiên vì sợ và lo buồn cho cơn bệnh của mẹ, họ cố dỗ dành bé. Nhưng khi người bảo mẫu muốn lấy hai cái gối từ ghế để mang vào phòng bên kia, bé bắt đầu thét lên, “Không, không phải mấy cái gối…” Dường như bé đang cố nói, “Ít nhất cái gì cũng phải ở lại đúng vị trí của nó!”

Mọi người âu yếm và nói lời an ủi đưa bé đến bên giường mẹ, và bất chấp cơn đau, mẹ nó cố gắng tiếp tục kể câu chuyện, nghĩ rằng như vậy có thể đỗ dành được bé. Nhưng bé vẫn nức nở, mặt đầm đìa nước mắt, bé nói liên tục “Mẹ ơi, cái ghế!”

Bé không còn hứng thú với câu chuyện, cả mẹ và mấy cái gối đều thay đổi vị trí, câu chuyện đã bắt đầu ở phòng này nhưng lại kết thúc ở phòng khác và mâu thuẫn trong đầu óc của đứa bé quả thật sâu sắc và không thể giải tỏa được.

Những ví dụ nấy cho thấy sự mãnh liệt của bản năng về trật tự và sự phát triển sớm đến mức đáng ngạc nhiên của đứa trẻ, ở đứa trẻ ba tuổi, nhu cầu về trật tự đã đi vào giai đoạn tĩnh lặng, hợp nhất với giai đoạn yên tĩnh và năng động về mặt thực hành ứng dụng của nó. Thật vậy, một trong những hiện tượng thú vị nhất trong các trường học của chúng tôi, như chúng tôi đã nói, là nếu vật nào nằm sai vị trí, chính đứa trẻ hai tuổi sẽ nhận thấy và đặt nó về chỗ cũ. Đứa trẻ cảm nhận được những chi tiết nhỏ nhặt về sự xáo trộn, nằm ngoài sự chú ý của người lớn và thậm chí của trẻ lớn hơn.

Chẳng hạn, nếu một mẩu xà phòng nằm trên bồn rửa thay vì trong đĩa đựng xà phòng, hay chiếc ghế đặt không ngay ngắn hoặc sai chỗ, chính đứa bé hai tuổi sẽ nhìn thấy và đặt nó lại đúng vị trí. Sự bất trật tự dường như đem đến một kích động, một lời kêu gọi sinh động, nhưng hơn thế, việc đặt mọi vật trật tự đem lại niềm vui thật sự. Thật vậy, chúng tôi nhận thấy ở trường ngay cả những đứa trẻ lớn hơn, đã ba hay bốn tuổi, sau khi kết thúc một trò chơi hay bài học, sẽ đặt mọi thứ trở lại vị trí, và công việc này rõ ràng là tự phát và thú vị như bao việc khác.

Trật tự là mọi vật ở đúng chỗ của chúng. Điều đó có nghĩa là trẻ đã nhận biết cách sắp xếp mọi vật xung quanh và ghi nhớ đúng vị trí của mỗi vật. Điều này có nghĩa là trẻ có thể tự định hướng trong môi trường của mình và nắm rõ môi trường đó đến từng chi tiết. Chúng ta làm chủ một môi trường trong trí óc khi chúng ta biết rõ nó và có thể nhắm mắt tìm ra lối đi và tìm ra mọi thứ mình muốn trong tầm tay. Một nơi như vậy là thiết yếu cho sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Đơn giản là tình yêu trật tự của trẻ không giống như cái người lớn hiểu qua câu chữ. Ở một độ tuổi nào đó, nó là nhu cầu thiết yếu cho sự sống, ở đó sự xáo trộn gây đau đớn, tạo ra một vết thương trong thẳm sâu linh hồn, như thể trẻ có thể nói, “Con không thể sống trừ phi có trật tự quanh con.” Thật vậy, đây là một vấn đề sống còn. Đối với người lớn, nó chỉ là một vấn đề thú vui bên ngoài, hoặc tiện nghi ít nhiều thoải mái, một chuyện không quan trọng. Nhưng trẻ nhỏ lại tự tạo ra chính bản thân nó từ các yếu tố của môi trường của nó, và sự tự tạo ra bản thân này không thể hoàn tất với những công thức mơ hồ, mà phải đi theo một sự hướng dẫn chính xác và xác định.

Sự hướng dẫn của thiên nhiên áp đặt một chương trình và thời gian biểu phải tuân theo bởi một kỉ luật độc đáo trong đó sức khỏe và bệnh tật, sự sống và cái chết đều có vai trò của chúng. Đối với đứa trẻ nhỏ bé, trật tự giống như một mặt bằng nơi các sinh vật trên mặt đất nghỉ ngơi nếu chúng muốn tiến tới, như nước đối với cá. Điều cần thiết là từ thuở còn thơ, đứa trẻ phải thụ đắc những yếu tố về định hướng trong môi trường nơi mà tâm hồn nó phải tiến tới những cuộc chinh phục mới.

Những đặc tính của niềm đam mê trật tự này được bộc lộ ra qua các trò chơi của con trẻ. Giáo sư Piaget, nhà tâm lí học Thụy Sĩ, người giữ chức vụ mà Giáo sư Claparède đã đảm nhiệm trước đó ở Geneva, đã làm những thí nghiệm lí thú với đứa con mình. Ông giấu một vật dưới tấm đệm của một chiếc ghế bành, và sau khi đưa bé ra khỏi phòng, ông lấy vật đó và đặt nó dưới tấm đệm của một chiếc ghế khác đối diện với chiếc ghế đầu tiên. Ý của giáo sư là bé sẽ đi tìm món đồ sau khi bé không tìm thấy ở chỗ ban đầu, và để cho sự tìm kiếm dễ dàng hơn, ông đã giấu nó ở một chỗ tương tự. Nhưng đứa bé chỉ đơn thuần giở tấm đệm của chiếc ghế thứ nhất và nói với ngôn ngữ trẻ thơ “Hổng có ở đó”. Phản ứng mà ông dự đoán là bé sẽ tìm kiếm cái vật bị biến mất đã không xảy ra sau đó.

Giáo sư lặp lại thí nghiệm, nhưng lần này cho bé thấy ông mang đồ vật từ ghế này sang ghế kia. Nhưng cậu bé làm giống hệt lần trước và cũng nói “Hổng có ở đó”. Vị giáo sư sắp sửa kết luận là con trai mình ngu ngốc và gần như mất kiên nhẫn, ông giở tấm đệm của chiếc ghế thứ hai và nói, “Con không thấy bố để nó ở đây à?”. “Đúng” đứa bé trả lời, và sau đó chỉ vào chiếc ghế thứ nhất bé nói, “Nhưng nó phải ở đây”.

Đứa trẻ không có ý niệm về việc tìm đồ vật, nó không quan tâm đến chuyện này, cái nó quan tâm là món đồ phải trở về đúng nơi của nó, và có lẽ chính bé sẽ kết luận là vị giáo sư không hiểu trò chơi. Trò chơi không phải là đem vật gì đi rồi đặt nó lại vào đúng vị trí của nó hay sao? Đem “giấu” theo ý người bố chỉ có nghĩa là giấu vật đó khỏi tầm mắt, dưới tấm đệm. Nhưng nếu không đặt món đồ trở lại chỗ cũ, thì đâu còn là trò chơi?

Tôi cũng đã từng kinh ngạc khi theo dõi mấy đứa trẻ rất nhỏ (từ hai đến ba tuổi) chơi trò đi trốn-đi tìm. Trong những trò chơi kiểu này, trẻ em luôn hào hứng, sung sướng, và tràn đầy mong đợi. Chúng đã chơi như thế này: Một bé, trước mặt các bé khác, núp dưới một cái bàn được phủ tấm khăn trải kín đến tận sàn nhà. Sau đó, tất cả các bé khác đi ra rồi trở vào và giở tấm khăn bàn lên với những tiếng hét vui mừng như thể chúng đã vừa phát hiện ra bạn mình núp dưới đó. Trò chơi được lặp đi lặp lại. Chúng thay phiên nhau nói, “Bây giờ tớ sẽ trốn”, rồi chui xuống dưới tấm khăn trải bấn. Một dịp khác tôi thấy các bé lớn hơn chơi trò trốn tìm với một bé nhỏ. Chúng để đứa nhỏ giấu mình sau một đồ nội thất, rồi trở lại, giả vờ như không thấy bé và đi tìm kiếm khắp mọi nơi. Nhưng đứa bé kêu lên, “Em ở đây”, bằng giọng điệu rõ ràng như muốn nói rằng “Các anh chị không thấy em ở đây sao?”.

Một lần, tôi đã tham gia vào một trò chơi tương tự. Tôi thấy một nhóm các bé nhỏ đang hò hét và vỗ tay trong niềm hân hoan vì chúng tìm thấy bạn mình trốn sau cánh cửa. Chúng vây quanh tôi và nói “Chơi với chúng con đi, cô trốn đi”. Tôi chấp nhận lời mời, và tất cả chúng chạy khỏi phòng như thể không muốn nhìn thấy nơi tôi sẽ trốn. Thay vì đứng sau cánh cửa, tôi trốn trong một góc tối sau tủ áo. Khi các bé trở vào, tất cả đều chạy tìm tôi phía sau cánh cửa. Tôi chờ một lúc và, cuối cùng, thấy rằng chúng sẽ không tìm tôi, tôi bước ra khỏi chỗ trốn. Các bé đều thất vọng và thiểu não. “Tại sao cô không chơi với chúng con?”, chúng trách móc, “Tại sao cô không trốn?”.

Nếu mục đích của trò chơi là sự vui sướng (và đúng là trẻ hoàn toàn vui vẻ trong việc lặp lại nghi thức “ngớ ngẩn” của chúng), phải thừa nhận rằng ở một lứa tuổi nào đó, trẻ có thú vui đặc biệt trong việc tìm lại các món đồ ở nơi chúng đã được đặt trước đó, “Giấu” đối với trẻ là đặt cái gì ra khỏi tầm mắt, còn tìm thấy lại nó, đem đến một cảm giác về trật tự không chỉ trong cái có thể thấy được mà còn ở trong cái không thể thấy, để trẻ có thể tự nói với mình, “Bạn không thể nhìn thấy nó, nhưng tôi biết nó ở đâu và nhắm mắt cũng có thể tìm thấy, biết chắc nơi nó đã được đặt”.

Thiên nhiên phú cho trẻ nhỏ sự nhạy cảm với trật tự, dựng lên bởi một giác quan bên trong là một giác quan không phải để phân biệt các vật mà để phân biệt mối quan hệ giữa các vật, để nó nhận thức môi trường như một tổng thể với những thành phần phụ thuộc lẫn nhau. Chỉ trong một môi trường được biết đến như một tổng thể như vậy, đứa trẻ mới có thể tự mình định hướng và hành động có mục đích; không có nó, trẻ sẽ không có một nền tảng để xây dựng cái nhận thức về quan hệ của nó. Điều này giống như có đồ đạc mà không có căn nhà để xếp vào. Có ích gì khi tích lũy những hình ảnh bên ngoài không có trật tự để đưa chúng vào mối quan hệ có tổ chức. Nếu một người chỉ biết các vật riêng lẻ mà không hiểu mối quan hệ giữa chúng, họ sẽ như ở trong một tình trạng hỗn độn không thể thoát ra.

Chính nhờ lao động vất vả của đứa trẻ mà con người có được khả năng tìm ra lối đi trong thế giới, điều tưởng như là quà tặng của thiên nhiên để con người tự mình định hướng. Trong giai đoạn mẫn cảm về trật tự, thiên nhiên dạy bài học đầu tiên theo cách giáo viên sẽ chỉ cho đứa trẻ sơ đồ lớp học để chuẩn bị cho nó học bản đồ địa lí. Ta cũng có thể nói rằng qua bài học đầu tiên này, thiên nhiên đã cho con người chiếc la bàn để tự định hướng trong thế giới. Cũng theo cách này, tự nhiên trao cho đứa trẻ năng lực lặp lại chính xác những âm thanh cấu tạo nên ngôn ngữ, cái ngôn ngữ có thể phát triển đến vô tận và được con người phát triển qua các thời đại. Trí tuệ của con người không phải nảy sinh từ con số không; nó được hình thành dựa trên các nền tảng mà trẻ xây dựng trong những giai đoạn mẫn cảm của chúng.

Định hướng vào bên trong

Nhạy cảm về trật tự của đứa trẻ xảy ra cùng một lúc trên hai phương diện, cái hướng ra bên ngoài (cái ngoại tại – ND) liên quan đến các thành phần thuộc về môi trường của trẻ, cái hướng vào bên trong (cái nội tại – ND) khiến trẻ nhận thức được những phần cơ thể của mình, các cử động và vị trí của chúng. Phương diện thứ hai này có thể gọi là sự định hướng nội tại của trẻ.

Đã có nhiều đề tài nghiên cứu định hướng nội tại này. Các nhà tâm lí học thực nghiệm đề cập đến một cảm giác cơ bắp cho phép đứa trẻ ý thức được những vị trí của các chi khác nhau và ấn định một dạng trí nhớ đặc biệt: trí nhớ cơ bắp. Lối giải thích này trở thành cơ sở của một lí thuyết hoàn toàn máy móc, dựa trên kinh nghiệm của những cử động có ý thức. Chẳng hạn, nếu ta cử động bàn tay để nắm lấy một vật gì, ta có ý thức về động tác đó, ghi nhớ và có thể lặp lại.

Nhưng ngược lại, đứa trẻ đã chứng minh là có một giai đoạn nhạy cảm rất phát triển, liên quan đến những vị trí khác nhau của cơ thể từ lâu trước khi nó có thể di chuyển tự do và làm bất cứ thí nghiệm nào. Nói cách khác, tự nhiên đã trang bị cho trẻ sự nhạy cảm đặc biệt đối với các khả năng và vị trí của cơ thể.

Những học thuyết cũ trước đây dựa vào cơ chế thần kinh; nhưng những giai đoạn nhạy cảm lại liên quan tới những sự kiện tâm lí, những bừng hiểu tâm linh và những “rung động”, chuẩn bị cho sự xuất hiện của ý thức, chúng là những năng lượng xuất phát từ “cái không hiện hữu”, đem lại sự hiện hữu của các yếu tố cơ bản mà từ đó thế giới tinh thần của trẻ cuối cùng được xây dựng. Những khả năng này khởi thủy là món quà của thiên nhiên, và các thử nghiệm có ý thức chỉ làm chúng phát triển thêm mà thôi.

Có những bằng chứng tiêu cực cho thấy giai đoạn mẫn cảm này không những tồn tại mà biểu hiện mãnh liệt của nó, trong các điều kiện môi trường của đứa trẻ, còn cản trở sự tiến triển âm thầm của đứa trẻ trong các chinh phục sáng tạo của nó. Khi đó, đứa trẻ trở thành nạn nhân của sự xáo động gay gắt và thường là dữ dội được bộc phát không chỉ qua các cơn giận dữ, la khóc, đứa trẻ có vẻ như đang bị bệnh một khi các tình huống bất lợi không được dẹp bỏ, trong khi, ngay lúc vật cản được tháo gỡ thì cả cơn giận dữ và bệnh tật đều biến mất, đây là một bằng chứng rõ ràng về nguyên nhân của hiện tượng bất thường.

Một cô bảo mẫu người Anh đã kể cho tôi một ví dụ thú vị về điều này. Cô phải nghỉ phép ngắn hạn, tạm xa cái gia đình đã thuê cô. Cô tìm được người bảo mẫu thay thế cũng khéo léo như cô để chăm sóc em bé. Mọi việc diễn ra thuận lợi cho cô bảo mẫu sau, cho tới khi cô này tắm cho em bé. Đứa bé trở nên khó bảo. Không những la hét, nó còn chống cự để thoát khỏi vòng tay người bảo mẫu. Còn người bảo mẫu thì vẫn cố gắng hết sức để chuẩn bị cho các lần tắm cho em bé, nhưng vô ích. Dần dần, đứa bé không còn muốn nhìn thấy cô. Khi người bảo mẫu đầu tiên trở về, bé lại hoàn toàn ngoan ngoãn và yên lặng, có vẻ thích thú với việc tắm rửa. Người bảo mẫu này đã được đào tạo theo các nguyên tắc của chúng tôi, do đó có hứng thú trong việc khám phá yếu tố tâm lí, trong việc tìm hiểu bí ẩn nào của tuổi thơ có thể giải thích cho hiện tượng đã xảy ra. Cô kiên nhẫn thử diễn giải những “lời nói” chưa hoàn chỉnh của em bé còn nhỏ như vậy.

Cô phát hiện ra hai điều: Đứa trẻ sơ sinh coi người bảo mẫu thứ hai là xấu, nhưng tại sao? Bởi cô ấy cho bé tắm theo trình tự ngược lại. Hai người bảo mẫu, khi so sánh cách họ tắm cho bé đã phát hiện rằng trong khi người thứ nhất đỡ đầu của bé bằng tay phải và tay trái để gần chân của bé, người bảo mẫu thứ hai làm ngược lại. Cách làm đó khiến bé có cảm tưởng là đầu của bé sẽ được tắm vào lúc cuối trong khi nó đã quen rằng chân mới là phần cuối.

Có lần tôi có liên can đến một trường hợp bệnh lí. Lần ấy, tôi không được trực tiếp mời đến với tư cách là bác sĩ, nhưng tôi chứng kiến mọi việc xảy ra. Một gia đình vừa trở về sau một chuyến đi rất dài và một trong các đứa trẻ quá nhỏ không chịu nổi sự mệt nhọc, hay đúng hơn những người lớn cho rằng như vậy. Tuy nhiên, mẹ của bé nói mọi việc trong cuộc hành trình đều ổn. Họ nghỉ đêm ở các khách sạn rất tốt, mọi sự đã được sắp xếp cho họ, bé có thức ăn và nôi phù hợp. Họ hiện đang sống tại một căn hộ có tiện nghi; không có nôi nhưng em bé ngủ trong một chiếc giường rộng với mẹ. Bệnh khởi phát với tình trạng bé lăn lộn mất ngủ về đêm và bị rối loạn tiêu hóa. Đêm đến, bé phải được bế lên đi tới đi lui, bởi người ta nghĩ bé khóc là do đau bụng, các bác sĩ chuyên gia được tham vấn và một người kê đơn cho bé ăn những món ăn mới giàu vitamin, được nấu rất kĩ lưỡng. Rồi còn tắm nắng, ra ngoài với khí trời trong lành, song mọi cách điều trị tân kì đều không hiệu quả.

Tình trạng của bé ngày thêm trầm trọng và đêm đến là những buổi canh thức vô vọng cho cả gia đình. Cuối cùng, bé bị những cơn co giật. Bé lăn lộn trên giường trong những cơn co giật đáng ngại. Những cơn co giật này xảy ra hai đến ba lần một ngày. Bé còn quá nhỏ chưa biết nói, nên rất cần sự trợ giúp để tìm ra nguyên nhân. Họ quyết định tham vấn một trong các chuyên gia nổi tiếng nhất về bệnh thần kinh ở trẻ. Lúc ấy, tôi mới can thiệp.

Đứa bé trông khỏe mạnh, và theo như lời cha mẹ của nó, bé có sức khỏe tốt và không quấy trong suốt chuyến đi. Do đó nguyên nhân của các triệu chứng có lẽ là về tâm lí – một trong những bí ẩn của trẻ sơ sinh. Bỗng nhiên tôi có một hành động theo trực giác. Đứa bé đang nằm trên một cái giường lớn, trong cơn xáo động. Tôi lấy hai cái ghế bành và đặt chúng đối diện nhau với hai thành ghế là vách giống một chiếc nôi; tôi đặt chăn và tấm trải vào, và lẳng lặng kéo nó đến cạnh chiếc nôi. Em bé nhìn nó, ngừng khóc, lăn trườn cho đến mép giường, và sau đó thả mình xuống chiếc nôi tôi vừa chế ra, miệng nói, “Ulla, ulla, ulla!”. Và bé ngủ ngay lập tức. Các triệu chứng bệnh không xảy ra nữa. Bé đã theo cách của mình, phản đối lại một sự xáo trộn khủng khiếp là người ta đã lấy đi chiếc nôi của bé và đặt bé vào cái giường lớn của người lớn.

Rõ ràng đứa bé tỏ ra nhạy cảm khi tiếp xúc với chiếc giường nhỏ, bao bọc lấy thân bé và làm chỗ tựa cho tay chân của bé, trong khi chiếc giường lớn không cho bé một nơi ẩn náu như thế. Hệ quả là một sự xáo trộn về định hướng nội tại của bé và xáo trộn này là nguyên nhân của xung đột đau đớn khiến bé bị rơi vào bàn tay chăm sóc của quá nhiều y sĩ. Quyền năng của các giai đoạn nhạy cảm là như thế. Chúng có sức mạnh đầy quyền uy của thiên nhiên sáng tạo.

Đứa bé không có cảm giác về trật tự giống như chúng ta. Chúng ta đã có được vô số ấn tượng và chúng ta vẫn còn thờ ơ đối với trật tự, nhưng đứa bé thì nghèo nàn và đến từ số không. Trong mọi việc bé làm, bé khởi đầu từ cái không; bé chỉ biết sự lao động của sáng tạo và để chúng ta làm người thừa kế của nó. Chúng ta giống như đứa con trai của một người đã tích lũy của cải bằng mồ hôi nước mắt của ông ta, và chúng ta không hiểu gì về sự vất vả cực nhọc mà người ấy đã chịu đựng. Chúng ta vô ơn và lạnh lùng vì chúng ta mang thái độ kẻ cả, được cung cấp đầy đủ mọi thứ với một vị trí đã được thiết lập sẵn trong xã hội.

Chúng ta chỉ cần sử dụng cái lí trí đứa bé đã phát triển cho chúng ta, cái ý chí bé đã dựng nên, cơ bắp mà bé đã kích hoạt để chúng ta có thể sử dụng chúng. Chúng ta tìm ra hướng đi trong thế giới, là vì trẻ đã ban cho chúng ta khả năng để làm điều đó. Chúng ta cảm nhận được bản thân, vì trẻ đã chuẩn bị cho ta sự nhạy cảm đó. Chúng ta giàu có vì chúng ta là những kẻ kế-thừa của đứa trẻ, người đã vẽ ra tất cả các nền tảng của đời sống của chúng ta từ cái không có gì. Đứa bé hoàn thành nỗ lực lớn lao của bước đầu tiên, cái bước từ hư không đến khởi điểm. Trẻ gần với chính suối nguồn của sự sống đến nỗi trẻ hành động chỉ vì hành động, vì đó là điều xảy ra trên bình diện của sáng tạo, và trẻ không thể tự mình cảm nhận và không thể khiến mình tự nhớ lại về mình.

Trí tuệ đang khai mở

Đứa trẻ cho chúng ta thấy rằng sự hiểu biết của nó không phải là cái gì được xây dựng dần từ bên ngoài. Thế nhưng, đấy lại là quan niệm của tâm lí học theo thuyết cơ giới, vẫn có ảnh hưởng chính về mặt thực hành cả trên khoa học thuần túy và giáo dục. Các nhà tâm lí của trường phái này khẳng định rằng hình ảnh của các vật ngoại tại gõ vào các cánh cửa giác quan, và gần như là xâm nhập vào, để được truyền đi bằng một luồng kích thích từ bên ngoài, nhưng, vẫn trên bình diện tâm lí, chúng liên hợp với nhau, và dần dần rơi vào một trật tự có tổ chức và tạo nên tâm trí. Điều này giả định rằng đứa trẻ hoàn toàn thụ động về mặt tâm lí, phó mặc cho ảnh hưởng của môi trường, do đó chịu sự kiểm soát hoàn toàn của người lớn. Ý tưởng này được bổ sung bởi một định đề phổ thông khác rằng về mặt tinh thần, đứa trẻ không những thụ động mà còn, như các nhà giáo dục xưa thường nói, giống như cái bình rỗng, phải được làm đầy và khuôn đúc.

Chắc chắn là kinh nghiệm riêng của chúng tôi không khiến chúng tôi xem nhẹ tầm quan trọng của môi trường trong sự hình thành trí tuệ. Mọi người đều biết, đường lối sư phạm của chúng tôi đề cao môi trường của trẻ đến nỗi biến nó thành tâm điểm của toàn bộ đường lối sư phạm, đồng thời chúng tôi cũng xem hoạt động giác quan của trẻ có tầm quan trọng cơ bản hơn và có tính hệ thống hơn bất cứ phương pháp giáo dục nào đã có trước đây. Tuy nhiên, có sự khác biệt tinh tế giữa cái quan niệm xưa xem trẻ em là thụ động và các sự kiện có thật. Sự khác biệt này là do sự mẫn cảm nội tại của trẻ. Có một giai đoạn nhạy cảm gần như kéo dài đến tận lúc năm tuổi, lúc này trẻ có một khả năng thực sự phi thường để tự mình sở hữu những hình ảnh của môi trường của nó. Trẻ là người quan sát chủ động hấp thụ các hình ảnh thông qua các giác quan của trẻ, điều này rất khác với quan điểm coi trẻ tiếp thu chúng như một tấm gương. Làm người quan sát có nghĩa là phải có một động lực nội tại được xác định bởi tình cảm hay hứng thú, do đó mà có sự chọn lọc những hình ảnh nào đó thay vì những hình ảnh khác.

Ý tưởng này được William James minh họa khi ông nói rằng không ai từng nhìn thấy cái gì với toàn bộ chi tiết của nó, mà mỗi người chỉ thấy một phần của nó, được quyết định bởi tình cảm và sở thích của họ; vì lí do đó, những người khác nhau. Sẽ có mô tả khác nhau về cùng một vật. James cho một ví dụ hóm hỉnh về điều này, ông nói nếu bạn đang mặc bộ cánh mới mà bạn ưa thích, khi bạn đi trên đường, bạn sẽ đặc biệt để ý đến quần áo của những người mặc đẹp đến nỗi bạn có nguy cơ sẽ bị xe cán.

Bây giờ, có một vấn đề được đặt ra: những sở thích của trẻ nhỏ là gì khi chúng làm công việc chọn lọc từ đống hỗn độn vô tận những hình ảnh cấu thành môi trường của chúng? Điều hiển nhiên là em bé sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi các động lực bên ngoài, như những điều mà James đã nêu ra, bởi đứa trẻ không có kinh nghiệm nào hết. Đứa trẻ bắt đầu từ, cái không, nó là một hữu thể chủ động tiến lên bằng chính năng lực của nó. Chúng ta hãy đi thẳng vào vấn đề, cái trục mà xoay quanh đó, giai đoạn nhạy cảm đang hoạt động bên trong đứa trẻ chính là lí trí. “Hoạt động tư duy” này phải được xem như là một chức năng sáng tạo tự nhiên dần kết nụ, dần phát triển và mang một hình dạng cụ thể từ các hình ảnh mà nó thu nhận từ môi trường.

Đây là cái sức mạnh khó cưỡng, là thứ năng lượng sơ khai. Các hình ảnh lập tức rơi vào khuôn thức phục vụ cho lí trí: chính nhằm để phục vụ lí trí mà trẻ hấp thụ trước hết những hình ảnh như vậy. Đứa trẻ khao khát hình ảnh, và chúng ta có thể nói, nó không hề biết no biết chán hình ảnh. Như chúng ta đều biết, trẻ con bị thu hút mạnh mẽ bởi ánh sáng, màu sắc, âm thanh, tất cả những thứ này làm chúng vui thích rõ ràng. Nhưng cái chúng tôi muốn chứng minh là sự thực nội tại về một lí trí (của con trẻ – ND) hiện hữu ở một trạng thái đơn thuần là của cái mầm.

Không cần chúng tôi phải nhấn mạnh rằng chúng ta phải tôn kính và hỗ trợ sự chuyển tiếp từ hư vô đến một khởi nguyên như thế; đứa trẻ đang làm sống dậy cái món quà quý báu nhất đem đến sự cao cả cho con người, đó là lí trí. Trẻ sẽ tiến bước trên con đường lí trí này ngay từ trước khi đôi chân nhỏ bé của nó có thể đủ sức nâng đỡ cơ thể nó bước đi.

Một ví dụ sẽ làm sáng tỏ hơn hẳn sự tranh luận nên tôi sẽ nhắc lại trường hợp rất ấn tượng của một đứa trẻ bốn tuần tuổi đã kể ở trước.

Trong một môi trường khác, nơi người lớn có liên quan không biết gì về quá trình tâm trí đã hoạt động từ khi bé mới sinh, biến cố có lẽ xảy ra mà không ai để ý tới, và đứa bé hẳn là đã bị mất đi sự trợ giúp lớn lao mà hai người đàn ông đã cho bé, bằng cách giúp bé đi qua một bước khó nhất để gắng sức hiện thực hóa ý thức cửa nó.

Tôi muốn nêu thêm các ví dụ từ những trải nghiệm với các trẻ lớn hơn. Một bé bảy tháng đang ngồi trên sàn chơi với một cái gối. Cái áo gối được trang trí với hình hoa lá và trẻ con, cô bé ngửi hình bông hoa và hôn hình trẻ con với sự thích thú rõ ràng. Một cô hầu thiếu hiểu biết phụ trách việc chăm sóc bé, diễn giải điều này rằng bé thích chơi trò ngửi và hôn mọi thứ, nên cô vội vã mang cho bé đủ món đồ và nói, “Ngửi cái này! Hôn cái này!”. Thế là tư duy của bé đang hình thành các khuôn thức của riêng nó, đang nhận ra các hình ảnh và cố định chúng bằng cách vận động, đang hoàn thành công việc xây dựng nội tại trong niềm vui và yên tĩnh, bỗng bị đẩy vào cảnh hỗn loạn. Những nỗ lực huyền bí của trật tự nội tại bị phá tan bởi sự thiếu hiểu biết trong lối suy nghĩ của người lớn.

Người lớn do đó có thể cản trở công việc nội tại này khi họ bỗng gặp các trẻ nhỏ mà không hiểu chúng, họ bế bồng nhún nhảy chúng lên xuống hay cố làm vui và can thiệp một cách thô bạo dòng suy nghĩ của chúng làm cho chúng bị phân tâm. Cũng như khi họ nắm bàn tay của trẻ mà hôn, như một trò đùa, hay khi họ cố làm trẻ ngủ mà không chú ý đến quá trình tâm thần đang hoạt động trong trẻ. Vì không ý thức được công việc bí ẩn này, người lớn có thể phá tan khuôn thức sơ khai trong tâm trí của trẻ, như sóng biển quét trên cát và cuốn đi các lâu đài cát, khiến kẻ xây trên cát cứ mãi mãi phải làm lại từ đầu. Trong khi đó, điều quan trọng là đứa trẻ phải làm sao bảo tồn được những hình ảnh mà nó thu nhận với sự sáng suốt tối đa; vì chính qua sự rõ ràng và rực sáng về ấn tượng phân biệt cái này với cái khác mà bản ngã có thể xây nên trí tuệ.

Một trải nghiệm thú vị nhất đã xảy đến với một bác sĩ chuyên về cách nuôi trẻ sơ sinh bằng thức ăn không tự nhiên (thay vì bú sữa mẹ – ND) trong những năm đầu đời, ông ta lập một bệnh viện lớn và các thí nghiệm cho ông thấy rằng có một yếu tố cá nhân cần phải xét đến ngay trong việc nuôi dưỡng đứa bé; do đó, không có một thực phẩm nào thay thế sữa mẹ lại có thể được cho là “bổ dưỡng cho trẻ em” ở thời gian nào đó của năm đầu đời, bởi một thức ăn bổ cho đứa trẻ này có thể có hại cho đứa trẻ khác. Bệnh viện của ông là kiểu mẫu hoàn hảo nhất, về cả phương diện khoa học lẫn thẩm mĩ. Những kết quả về sức khỏe cho trẻ đến sáu tháng tuổi thật tuyệt vời, nhưng sau giai đoạn đó, sức khỏe của chúng bắt đầu suy giảm. Đây là một bí ẩn, vì việc nuôi trẻ bằng thức ăn không tự nhiên trở nên dễ dàng sau sáu tháng đầu tiên.

Nay, ông có một phòng mạch, kết nối với bệnh viện của ông, cho các bà mẹ nghèo không thể nuôi con bằng sữa mẹ, do đó cần thức ăn không tự nhiên cung cấp theo lời hướng dẫn của bệnh viện, và các trẻ này, khác với các trẻ ở bệnh viện, sau sáu tháng lại không ngã bệnh. Sau khi lặp lại những quan sát này. Vị giáo sư nghĩ rằng phải có nhân tố tâm thần nào đó có thể giải thích hiện tượng này, và ông lập tức nhận thấy các trẻ hơn sáu tháng tuổi trong bệnh viện bị bệnh vì “buồn chán, do thiếu thức dinh dưỡng cho tâm trí”, ông cho các bé những trò giải trí và tạo thay đổi trong đời sống của trẻ, chú ý khi cho chúng ra ngoài thay vì chỉ cho chúng tới vườn hoa cảnh của bệnh viện; kết quả là chúng phục hồi được sức khỏe.

Vô số thí nghiệm đã cho thấy chắc chắn rằng trẻ con, trong năm đầu tiên của cuộc đời, đã lĩnh hội những ấn tượng giác quan về môi trường của chúng rõ ràng đến mức chúng có thể nhận ra mình trong các bức hình, cả hình ảnh phối cảnh hay trên mặt phẳng. Nhưng ngoài điều này, chúng tôi có thể khẳng định rằng các ấn tượng này đã bị vượt qua và không còn vẻ lôi cuốn sinh động nữa.

Từ lúc bắt đầu năm thứ hai, trẻ không còn bị lôi cuốn bởi những món đồ lòe loẹt và màu sắc sặc sỡ với sự hấp dẫn rất đặc trưng của những giai đoạn nhạy cảm, nhưng trẻ chú ý đến những vật bé xíu mà chúng ta không để ý. Thậm chí có thể nói bây giờ cái thu hút sự chú ý của trẻ là cái vô hình, hoặc những gì nằm ngay bên lề của ý thức.

Tôi nhận thấy sự mẫn cảm này lần đầu tiên ở một bé gái mười lăm tháng tuổi. Tôi nghe bé cười phá lên từ trong vườn, lối cười khác thường ở những trẻ em nhỏ như vậy. Bé tự đi ra một mình và ngồi trên nền đá lót sân hiên nhà. Gần đó là một thảm hoa phong lữ lộng lẫy nở rộ dưới ánh nắng gần như của miền nhiệt đới. Nhưng bé không nhìn đến hoa. Mắt bé dán vào mặt đất, nơi rõ ràng không có gì để nhìn.

Đây là một trong những bí mật của trẻ nhỏ. Tôi bò đến và xem xét chỗ bé đang nhìn nhưng không thấy gì cả. Chính bé giải thích cho tôi bằng những từ gần như không phải là các từ ngữ, “Có cái gì nhỏ đang động đậy ở đó”, với lời chỉ dẫn này, tôi có thể thấy một côn trùng cực nhỏ, hầu như không thể thấy được, gần như cùng màu với các viên gạch, đang bò rất nhanh. Điều đập mạnh vào trí óc của bé là việc một sinh vật nhỏ đến vậy, có thể di chuyển, có thể chạy! Sự kinh ngạc trước điều kì diệu khiến bé thích thú cười lớn, lớn hơn bình thường ở các trẻ nhỏ như vậy, và niềm vui của bé không phải từ ánh mặt trời, hoa lá, hay sắc màu.

Tôi có một kinh nghiệm tương tự với một bé trai khoảng tuổi em bé đó. Mẹ của bé đã cho bé một bộ sưu tập lớn những tấm bưu thiếp màu, và bé dường như rất mong khoe bộ sưu tập với tôi. “Bam-bam”, bé nói, đó là chữ bé dùng, nghĩa là, “xe hơi”, và tôi hiểu rằng bé muốn chỉ cho tôi tấm hình một chiếc xe hơi. Bé có vô số tấm hình, rõ ràng là mẹ bé đã kết hợp việc dạy dỗ với việc làm cho con vui thú. Có những tấm hình những động vật lạ như hươu cao cổ, sư tử, gấu, khỉ, chim chóc và có những tấm hình thú nuôi, những thứ chắc hẳn sẽ thu hút một đứa trẻ nhỏ – cừu, mèo, lừa, ngựa, và bò. Và cũng có cả những bức phong cảnh nhỏ có thú vật, nhà cửa, và con người. Tuy nhiên, điều lạ là không có hình xe hơi trong bộ sưu tập phong phú này.

“Cô không thấy chiếc xe hơi nào”, tôi nói với bé. Bé tìm hết trong bộ ảnh rồi lấy ra một tấm hình và nói một cách đắc thắng, “Đây này!”. Bức hình có cảnh đi săn nhưng chủ thể chính là một chú chó săn tuyệt đẹp. Ở phía xa hơn là người thợ săn vác súng trên vai, ở một góc, phía xa, có một túp lều nhỏ với một đường ngoằn ngoèo chắc là một con đường, và trên con đường này có thể thấy một chấm đen. Đứa trẻ chỉ tay vào chấm đen và nổi, “Bam-bam”. Và thực ra, dù kích thước của cái chấm quá nhỏ gần như vô hình, tôi cũng có thể thấy nó thật sự tượng trưng cho một chiếc xe hơi. Chính sự khó khăn để nhìn thấy nó, chính cái sự kiện chiếc xe đã được làm nhỏ như vậy khiến bức hình thành lí thú và đáng được chỉ cho tôi xem.

Tôi nghĩ có thể không ai chỉ cho bé thấy những hình ảnh đẹp đẽ và hữu ích trên các tấm bưu thiếp khác. Tôi chọn ra một tấm có hình đầu và cổ của một con hươu cao cổ và bắt đầu giảng giải, “Nhìn cái cổ ngồ ngộ, quá dài này!”, “Affa!” (Hươu cao cổ), bé trả lời một cách nghiêm túc. Tôi không còn dám tiếp tục nữa.

Dường như trong năm thứ hai cuộc đời của đứa trẻ, có một thời kì khi đó thiên nhiên, qua các giai đoạn liên tiếp, dẫn dắt trí tuệ của trẻ đến sự hiểu biết hoàn toàn về các sự vật trong môi trường của nó. Đây là vài ví dụ từ kinh nghiệm bản thân tôi. Hôm đó, tôi muốn cho một bé trai khoảng hai mươi tháng tuổi xem một quyển sách đẹp dành cho người lớn. Nó là bản sao của Kinh Tân Ước được Gustave Dore minh họa. Đâu đó, ông có vẽ lại những bức tranh của các danh họa xưa, như bức “Biến Hình” của Raphael. Tôi chọn một tấm hình có chúa Giêsu đang gọi các em nhỏ đến bên Ngài và tôi bắt đầu giảng giải: “Đây là một em bé đang trong vòng tay của Chúa Giêsu. Bé khác đàng tựa đầu vào Ngài. Tất cả đều ngước nhìn Ngài và Ngài đều yêu thương chúng…”.

Mặt của cậu bé không biểu lộ chút hứng thú nào, và ra vẻ như không để ý, tôi lật trang sách và tìm một bức hình khác trong quyển sách. Bỗng nhiên đứa bé nói, “Ngủ”. Câu nói khiến tôi nhận ra cái bí ẩn đáng ngạc nhiên về tâm trí của trẻ con. “Ai ngủ?”.

“Giêsu” bé sốt sắng trả lời. “Giêsu ngủ”. Và bé ra hiệu cho tôi lật lại các trang sách. Hình tượng Đức Ki-Tô được vẽ trên cao nên khi Ngài nhìn xuống các các đứa trẻ, mí mắt Ngài hạ xuống giống mắt người đang ngủ. Sự chú ý của bé bị lôi cuốn bởi một chi tiết mà không người lớn nào để ý đến.

Tôi tiếp tục giảng giải về những bức hình và dừng lại ở hình lấy từ bức “Biến Hình” của Raphael. Tôi nói “Nhìn này, Giêsu được nâng lên khỏi mặt đất và mọi người hoảng sợ. Nhìn đứa bé có đôi mắt tròn xoe và người phụ nữ đang dang đôi cánh tay ra này!”. Tôi nhận ra lời giải thích của tôi không thực sự thích hợp với cậu bé, và tôi đã không chọn một bức hình tốt. Nhưng nay cái tôi quan tâm là gây ra một phản ứng bí ẩn, gần như để so với cái mà người lớn thấy trong một bức ảnh thật phức tạp với cái một đứa bé nhỏ như vậy có thể thấy. Nhưng lần này, bé chỉ lẩm bẩm như đang nói “Lật tiếp đi”, và gương mặt nhỏ nhắn của bé không biểu lộ chút quan tâm nào. Trong lúc tôi chuẩn bị lật trang sách, bé sờ vào chiếc mề-đay nhỏ đeo ở cổ, có hình như con thỏ. Rồi bé nói, “Thỏ con!”

“Bé bị phân tâm bởi cái ảnh đeo cổ”, tôi nghĩ vậy. Nhưng đột nhiên bé giục tôi lật lại trang sách, và đây rồi, đúng là có một con thỏ nhỏ được vẽ ở một bên của bức “Biến Hình”. Có ai từng để ý đến con thỏ đó chưa?

Người lớn tin rằng trẻ con chỉ nhạy cảm với những vật lòe loẹt, những màu sắc rực rỡ, và những tiếng động ồn ào, v.v. Đúng là các kích thích dữ dội thu hút sự chú ý của trẻ, tất cả chúng ta đều thấy trẻ em bị thu hút bởi người đang ca hát, bởi tiếng chuông ngân, bởi những là cờ bay hay ánh đèn rực rỡ. Nhưng những thu hút mạnh mẽ từ bên ngoài này chỉ có tính nhất thời, có thể làm các em sao nhãng trong phút chốc, có thể đánh thức sự chú ý và khuếch tán nó ra trên những gì đã kích thích các giác quan. Chúng ta cũng vậy, mặc dù sự so sánh không hoàn toàn đúng hẳn, như khi chúng ta đang tập trung đọc một quyển sách hay và đột nhiên nghe một ban nhạc ồn ào đi qua dưới cửa sổ, chúng ta đứng dậy xem điều gì đang xảy ra.

Nếu ta không để ý đến việc một người đang yên lặng tập trung cao độ ngồi đọc sách mà chỉ thấy việc anh ta đứng lên để nghe ban nhạc, có lẽ ta sẽ nói con người bị kích thích bởi âm thanh nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác. Đó cũng là cách mà chúng ta phán đoán về trẻ nhỏ. Sự thật là một kích thích mạnh mẽ bên ngoài thu hút sự chú ý của trẻ chỉ hoàn toàn là ngẫu nhiên và xảy ra do may rủi. Nó không có mối liên hệ với phần hình thành sâu sắc đặc điểm tư duy của trẻ, cái thuộc về đời sống nội tại của trẻ. Chúng ta có thể nhìn thấy các biểu hiện của quá trình nội tại này khi chúng ta thấy trẻ chú tâm đến những vật nhỏ bé rất khó nhận biết. Kẻ nào quan sát sự nhỏ bé của các vật sẽ quan tâm nhiều đến chính các vật ấy và không còn cảm thấy chúng là những ấn tượng của giác quan mà là sự biểu hiện của một “trí khôn của tình yêu”.

Đối với tất cả các mục tiêu thực tiễn, mặt tinh thần của đứa trẻ là một bí mật đối với người lớn, vì họ đánh giá nó đơn thuần từ sự bất lực về phản ứng trong thực tiễn, chứ không từ cái năng lượng tâm thần tự nó có đầy uy lực. Chúng ta phải nghĩ rằng đằng sau mỗi biểu hiện đều có một nguyên nhân có thể giải mã. Không có hiện tượng nào lại không có động cơ của nó, cái raison d’ être (“lí do tồn tại” – ND) của nó.

Thật quá dễ đánh giá mỗi phản ứng khó hiểu, mỗi giai đoạn khó khăn chỉ là một sự bốc đồng. Phải giả định rằng những bốc đồng này có tầm quan trọng của một vấn đề phải giải quyết, một bí ẩn phải được giải mã. Điều này chắc chắn khó khăn nhưng cực kì thú vị. Hơn hết, nó có nghĩa là một thái độ mới và cao thượng hơn từ phía người lớn. Nó khiến người lớn trở thành một học trò hơn là kẻ thống trị mù quáng hay một quan tòa chuyên chế, như nhiều lúc họ đã ứng xử trong mối quan hệ với trẻ.

Một nhóm phụ nữ có những quan niệm tân tiến thảo luận với nhau chỉ riêng về đề tài này, ở một góc phòng khách. Gần bên họ, đứa con trai nhỏ của bà chủ nhà khoảng một tuổi rưỡi đang yên lặng ngồi chơi một mình. Cuộc nói chuyện đi từ lí thuyết sang những chuyện cụ thể hơn và rồi họ cũng bàn cãi về các cuốn sách viết cho trẻ em. “Mấy cuốn sách ngớ ngẩn với những hình ảnh vô lí”, một bà mẹ trẻ nói vậy. “Tôi có một quyển tựa là Chủ bé Sambo Đen. Sambo là em bé da đen.

Vào ngày sinh nhật của nó, cha mẹ cho nó đủ thứ, một chiếc ô, một chiếc quần, giày, tất, và một cái áo khoác màu và họ chuẩn bị một bữa tối ngon lành cho bé. Sambo thì muốn khoe quần áo mới, nó mặc vào và trốn ra khỏi nhà. Trên đường bé gặp nhiều loại thú hoang dã, khiến nó sợ hãi, và để dụ chúng bé phải dần dần cho hết tư trang của mình. Con hươu cao cổ lấy chiếc ô, hổ lấy đôi giày, và cứ thế cuối cùng chú bé Sambo trở về nhà trần truồng và khóc lóc, nhưng bố mẹ tha thứ cho bé và câu chuyện kết thúc vui vẻ trong một buổi tiệc lớn, như có thể thấy ở trang cuối cùng của quyển sách.”

Quyển sách được chuyền tay mọi người. Bỗng đứa bé lên tiếng, “Không, Lola”. Mọi người đều ngạc nhiên, đây có lẽ là một trong những bí ẩn của tuổi thơ. Đứa bé đã nói. Đúng vậy nó tiếp tục quả quyết lặp lại câu khẳng định bí ẩn này, “Không, Lola.” Mẹ nó nói “Lola là bảo mẫu mới trông nom bé được vài ngày”. Nhưng đứa bé bắt đầu hét lên, “Lola”, trong cơn giận dữ hầu như vô lí. Rồi có người đưa cho bé quyển sách và bé chỉ vào bức hình cuối cùng, không phải ở trong nội dung câu chuyện mà ở bìa sau có hình một chú bé da đen đang khóc. Lập tức mọi người đều hiểu từ “Lola” bé đang nói, với ngôn ngữ trẻ con của nó. Từ “llorar“, tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là “khóc”.

Sự thật là thế này, kết thúc của câu chuyện không phải là buổi tiệc vui, mà là bức hình Sambo đang khóc ở bìa sau. Không ai chú ý có bức hình này ở đó. Sự phản đối của bé do vậy là hợp lí bởi mẹ của bé nói, “Mọi chuyện đều kết thúc một cách vui vẻ”.

Đối với bé, rõ ràng là quyển sách kết thúc với cảnh Sambo đang khóc. Cậu bé đã quan sát quyển sách kĩ hơn mẹ của nó, và bé chính xác và độc đáo khí quyết định đấy mới là bức ảnh cuối. Nhưng cái đáng kinh ngạc hơn là đứa bé hầu như chưa nói trọn được một từ, lại có thể theo dõi toàn bộ cuộc trò chuyện khá dài của người lớn.

Hiển nhiên là đứa trẻ và người lớn là hai nhân cách khác biệt. Đây không phải là trường hợp cái tối thiểu (đứa trẻ – ND) phát triển dần dần thành cái tối đa (người lớn – ND).

Đứa trẻ thấy được những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cái thực tại của chúng hẳn phải xem thường chúng ta như những sinh vật hạ đẳng, những kẻ đem áp đặt những điều trí óc mình tổng hợp lên những gì mình thấy, coi chúng ta như những kẻ không biết cách nhìn sự vật. Có lẽ, trẻ em đánh giá chúng ta là không có đầu óc chính xác, hơn thế nữa, chúng ta đã dửng dưng hoặc vô thức bỏ qua những điều thú vị. Chắc hẳn là, nếu tự bày tỏ được, trẻ em sẽ bộc lộ rằng từ thẳm sâu trong thế giới tâm thức, chúng không tin tưởng chúng ta, cũng hệt như chúng ta không tin ở con trẻ, vì chúng quá xa lạ với cách nhận thức sự vật của chúng ta. Đây là lí do tại sao người lớn và trẻ con không hiểu nhau.

❁ ❁ ❁ 

Ảnh: Rene Bernal on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x