Trang chủ » Chương 4 – Con đường mới

Chương 4 – Con đường mới

by Hậu Học Văn
178 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Cuộc đời trẻ là vạch nối liền giữa hai thế hệ người trưởng thành, một đầu là người sáng tạo, đầu còn lại là người được sáng tạo, được bắt đầu bởi một người trưởng thành này và kết thúc ở một người trưởng thành khác

Sinh vật học hiện đại đang chuyển sang một hướng đi mới. Tất cả những nghiên cứu trước đây đều tập trung vào cá thể người trưởng thành. Khi nghiên cứu động vật hay thực vật, tiêu bản được các nhà khoa học lựa chọn là các cá thể trưởng thành, và nghiên cứu với con người cũng giống như vậy. Bất luận là vấn đề liên quan đến đạo đức hay liên quan đến hình thái xã hội thì cũng chỉ có người trưởng thành mới là đối tượng để nghiên cứu. Một vấn đề được bàn luận nhiều nhất chính là cái chết. Điều này không khiến chúng ta ngạc nhiên, bởi vì tất cả những người trưởng thành đều đang trên đường tiến dần đến cái chết.

 Tất cả mọi vấn đề đạo đức đều có liên quan đến pháp luật hoặc là những vấn đề quan hệ xã hội của người trưởng thành. Nhưng khoa học hiện đại đang chuyển sang một hướng đi khác, thậm chí có thể nói là đối lập. Bởi vì những nghiên cứu ngày nay không chỉ về con người mà đối với các hình thái sự sống khác, thì trọng điểm cũng tập trung vào cá thể non trẻ, thậm chí là tập trung vào nguồn gốc của những hình thái sự sống đó. Phôi thai học và tế bào sinh thái học (nghiên cứu sự sống của tế bào) là những ngành đi tiên phong. Thông qua nghiên cứu về những hình thái cấp thấp này, một ngành triết học mới đã bắt đầu hình thành – mà ngành triết học này không hoàn toàn chỉ mang tính lí luận.

Theo quan sát, chúng tôi có thể nói rằng, nó đầy tính khoa học vì được tổng kết từ những kết luận của các nhà tư tưởng phi trừu tượng thời kì đầu. Cùng với sự tiến triển của những hoạt động đang được tiến hành bên trong phòng thí nghiệm, ngành triết học mới này cũng đang dần dần vén lên bức màn bí ẩn của nó. Trên thực tế, phôi thai học đã đưa chúng ta quay về điểm khởi đầu của một cá thể trưởng thành. Có rất nhiều điều trong giai đoạn này không giống với giai đoạn trưởng thành. Các nhà tư tưởng trước kia hoàn toàn không biết chút gì về sinh mệnh, còn môn khoa học này lại mang ánh bình minh đến với những nghiên cứu về tính cách của trẻ nhỏ.

Hãy bắt đầu từ cách nói vô cùng đơn giản như thế này: Không giống với việc người trưởng thành đang dần dần tiến gần đến cái chết, đứa trẻ lại đang tiến về phía sự sống và sự huy hoàng. Việc mà trẻ phải làm chính là gắng sức xây dựng nên một con người chân chính. Đứa trẻ sau khi đã khôn lớn trưởng thành sẽ không còn là đứa trẻ như trước nữa. Vì thế, cuộc đời trẻ đang phát triển theo hướng hoàn thiện và hoàn mĩ. Thông qua những luận điểm đó, chúng ta có thể suy luận rằng, trẻ đang rất hào hứng làm một công việc, đó chính là hoàn thiện bản thân mình. Cũng chính bởi có quá trình đó mà cuộc đời trẻ đầy ắp niềm vui và hạnh phúc. Còn đối với người trưởng thành thì cuộc sống hàng ngày lại đầy rẫy áp lực. Đối với trẻ, cuộc đời chính là một kiểu vươn xa và mở mang. Cùng với sự tăng dần của tuổi tác, trẻ cũng trở nên càng ngày càng thông minh và cường tráng hơn. Chính hành động và việc làm của trẻ đã giúp trẻ có được sức mạnh và trí tuệ đó.

Nhưng tuổi tác tăng lên cũng có mặt hạn chế riêng. Nói cách khác, khi trưởng thành, trẻ sẽ không thể nào hoàn thiện bản thân giống như thuở thơ ấu. Hay nói một cách đơn giản thì sẽ chẳng có ai giúp trẻ trưởng thành giống như trước được nữa. Nếu nhìn ngược lại thời điểm trước khi một đứa trẻ được sinh ra, nó đã có mối liên hệ với người trưởng thành, bởi vì sự phát triển của phôi thai đã diễn ra trong tử cung của người mẹ. Và trước đó, phôi thai được tạo ra nhờ sự kết hợp hai tế bào của người cha và người mẹ. Cho dù là lội ngược dòng để tìm về trạng thái nguyên thủy của đứa trẻ hay là nghiên cứu quá trình phát triển của trẻ thì chúng ta cũng đều thấy có mối liên hệ với người trưởng thành.

Cuộc đời trẻ là đường nối liền hai thế hệ người trưởng thành, một đầu là người sáng tạo và đầu kia là người được sáng tạo, khởi đầu ở một người trưởng thành này và kết thúc ở một người trưởng thành khác. Đó chính là con đường mà một đứa trẻ phải trải qua, con đường ấy rất gần với người trưởng thành, những nghiên cứu về vấn đề này sẽ mang lại cho chúng ta niềm hứng khởi lớn lao và những gợi ý quan trọng. Quy luật tự nhiên luôn đòi hỏi chúng ta phải chăm bẵm, lo liệu cho trẻ. Trẻ được sinh ra vì tình yêu, tình yêu chính là suối nguồn tự nhiên nuôi dưỡng trẻ.

 Khi vừa ra đời, trẻ đã nhận được sự chăm sóc cẩn thận của cha mẹ. Điều này có nghĩa là trẻ không hề bơ vơ, cha mẹ chính là hàng rào đầu tiên bảo vệ trẻ khỏi thế giới bên ngoài. Tự nhiên đã trao cho cha mẹ tình yêu đối với con cái và không có thứ gì có thể tô vẽ để trở thành tình yêu giống như vậy, nó là thứ tình yêu vô điều kiện. Tình yêu của cha mẹ dành cho trẻ rất vĩ đại, nó đại diện cho một sức mạnh của tình yêu, một kiểu bản năng có thể thôi thúc một người hi sinh vì một người khác, có thể khiến một người tình nguyện cung phụng một người khác. Từ nơi sâu thẳm của tình yêu thương ấy, cha mẹ sẽ không ngại hi sinh cả cuộc sống của mình để bảo vệ cuộc sống của trẻ, đó là một thứ tình yêu sinh ra rất tự nhiên. Nó mang lại cho cha mẹ niềm vui chứ không phải là cảm giác thiệt thòi. Chẳng có ai nói rằng: “Nhìn con người tội nghiệp kia đi, anh ta có tới hai đứa con!” mà ngược lại, người ta cảm thấy có hai đứa con là điều vô cùng may mắn. Làm mọi việc cho con cái sẽ khiến cha mẹ cảm thấy hạnh phúc, đó chính là bản tính của cha mẹ.

Có thể nói, đứa trẻ đã thức tỉnh một thứ tình cảm đẹp đẽ của loài người, chính là sự dâng hiến rất vô tư, đó là sự dâng hiến mà người khác ngoài những thành viên trong gia đình sẽ không bao giờ làm được. Một thương nhân lăn lộn kiếm tiền sẽ không bao giờ nói với đối thủ của ông ta rằng: “Tôi không cần, những điều tốt đẹp này xin dành cả cho anh.” Thế nhưng khi thiếu thức ăn, cha mẹ sẽ dành chiếc bánh mì duy nhất cho con mình, còn bản thân thì tình nguyện chịu đói. Vì thế, chúng ta có thể phát hiện rằng, ở người trưởng thành có hai kiểu tâm thái hoàn toàn khác nhau. Một kiểu tâm thái của người làm cha mẹ, kiểu còn lại chính là tâm thái của một thành viên trong xã hội.

Tâm thái của người trưởng thành khi được làm cha mẹ đã bộc lộ một phần tốt đẹp trong bản tính loài người. Hai tình trạng hoàn toàn khác nhau này cũng tồn tại một cách phổ biến trong thế giới động vật, những loài vật hung bạo nhất cũng sẽ xử sự rất ôn hòa với con non. Sư tử, hổ đều rất âu yếm với những đứa con thơ của chúng. Và ngược lại, những con hươu mẹ hàng ngày vốn rất hiền lành cũng sẽ trở nên hung dữ khác thường khi bảo vệ con của nó. Quy luật này dường như phù hợp với tất cả các loài động vật, khi đối diện với những đứa con còn nhỏ, loài động vật nào cũng sẽ thể hiện một tâm thái hoàn toàn khác một cách rất tự nhiên. Đó là bản năng đặc biệt của cha mẹ, bản năng đó hoàn toàn khác với những thứ chúng ta vẫn thường thấy. Nhiều loài động vật còn ôn hòa hơn con người cũng có bản năng tự bảo vệ mình, và khi phải bảo vệ con của chúng, bản năng này sẽ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Loài chim cũng vậy, khi đối diện với nguy hiểm, bản năng thôi thúc chúng sải cánh bay lên. Nhưng nếu đang ấp trứng, chúng sẽ nhất quyết không rời khỏi tổ và dùng đôi cánh che đi những quả trứng màu trắng rất dễ bị phát hiện. Có một số loài chim sẵn sàng đối mặt với nguy cơ bị chó cắn để dụ chó rời xa khỏi tổ của chúng, khiến chó không chú ý tới sự tồn tại của cái tổ.

Thông qua việc nghiên cứu về các loài động vật, chúng tôi đã rút ra một kết luận tương đồng: Động vật có hai kiểu bản năng, một là bản năng tự bảo vệ mình, hai là bản năng bảo vệ con non. Nhà sinh vật học vĩ đại – J.H.Fabre đã từng đưa ra một ví dụ rất tinh tế, ông đã dùng câu nói sau để làm lời kết cho một tác phẩm nổi tiếng của mình: “Mọi loài động vật đều nên nói lời cảm ơn mẹ vì đã bảo vệ sự sinh tồn của chúng. Nếu kĩ năng sinh tồn là thứ duy nhất để dựa vào khi trốn chạy khỏi nguy hiểm, thì những đứa con bé nhỏ – trước khi được trang bị những kĩ năng này – sẽ bảo vệ mình như thế nào? Hổ con mới sinh ra chẳng hề có răng, chim non thì không hề có lông. Vì thế, để duy trì sự tồn tại của giống nòi, trước hết các con mẹ phải bảo vệ những đứa con không có khả năng tự vệ của mình.” Nếu sự sinh tồn chỉ nhờ vào cơ thể cường tráng thì các loài động vật đã sớm bị diệt vong.

Bởi thế, tình yêu mà các cá thể trưởng thành dành cho con non là nguyên nhân chủ yếu của sự sinh tồn và duy trì của các loài động vật.Một phần kì diệu nhất trong lịch sự thế giới tự nhiên chính là phần nghiên cứu những biểu hiện bên ngoài của trí tuệ. Kiểu biểu hiện bên ngoài này của trí tuệ tồn tại ở cả những động vật ôn hòa nhất. Mỗi loài động vật đều được tạo hóa ban tặng bản năng phòng vệ, mỗi loài sinh vật đều có trí tuệ đặc trưng của mình, nhưng trí tuệ này chủ yếu được dùng để bảo vệ các cá thể con non. Đồng thời chủng loại bản năng tự bảo vệ cũng thấp hơn và trí tuệ cũng được thể hiện ít hơn.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ rất nhỏ, còn nhà sinh vật học Fabre trong 16 cuốn sách nổi tiếng của mình đã miêu tả vô số hành vi mà các con côn trùng trưởng thành bảo vệ con non của chúng. Nếu tiến hành nghiên cứu với các sự sống khác nhau, chúng ta sẽ phát hiện ra tính tất yếu của hai kiểu bản năng và hai phương thức sống khác nhau này. Nếu xem xét kết luận này ở con người, dù chỉ từ góc độ xã hội thì chúng ta cũng cần tiến hành nghiên cứu về trẻ em bởi vì nó có ảnh hưởng to lớn đến hành vi của người trưởng thành. Những nghiên cứu về loài người muốn có được thành quả thì buộc phải bắt nguồn từ việc nghiên cứu trẻ em.

❁ Tiếp chương 5

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x