Trang chủ » Chương 4. Công Tôn Sửu Hạ

Chương 4. Công Tôn Sửu Hạ

by Hậu Học Văn
676 views

CÔNG TÔN SỬU, PHẦN SAU

1. Mạnh Tử nói: “Thiên thời không bằng địa lợi; địa lợi không bằng nhân hoà. Thành dài ba dặm, quách dài bảy dặm, bao vây tấn công mà không thắng. Này, bao vây tấn công, chắc có được thiên thời. Thế mà không thắng được, đó là thiên thời không bằng địa lợi.

“Thành chẳng phải không cao, hào chẳng phải không sâu, binh khí chẳng phải không cứng rắn sắc bén, lúa gạo chẳng phải không nhiều; vất bỏ mà chạy, đó là địa lợi không bằng nhân hoà.

“Cho nên mới nói: ‘Giữ dân trong bờ cõi, không thể lấy ranh giới biên cương, giữ nước bền chắc, không thể lấy núi khe hiểm trở; làm cho thiên hạ sợ, không thể lấy binh khí sắc bén.’ Giữ được đạo thì nhiều người hỗ trợ; đánh mất đạo, thì ít người hỗ trợ. Ít người hỗ trợ cho đến thân thích lìa bỏ, nhiều người hỗ trợ cho đến thiên hạ thuận theo. Lấy chỗ thuận theo của thiên hạ tấn công chỗ thân thích lìa bỏ; cho nên người quân tử không cần đánh; đánh thì ắt thắng.”

BÌNH GIẢI:

Thiên thời chỉ đến hai điều: thời cơ thuận lợi và thời tiết thuận lợi.

Thời cơ thuận lợi là cơ hội suy thoái của đối phương, đồng thời là cơ hội thuận tiện cho mình. Lấy cục diện nước Trung Hoa thời Tam Quốc mà nói, người ta thường cho rằng trong ba nước Ngụy, Ngô, Thục thì Tào Tháo của Ngụy nắm giữ thiên thời, Tôn Quyền của Ngô giữ được địa lợi, Lưu Bị của Thục giữ được nhân hoà. Thiên thời của Tào Tháo nằm ở chỗ: nhà Hán suy vong, Hán đế nhu nhược, đất nước loạn lạc, Tào Tháo giữ chức Thừa tướng, nêu cao danh nghĩa tôn phù nhà Hán để lãnh đạo quan quân. Với danh nghĩa tôn Hán, các quan lại địa phương khắp nơi dù không ưa Tào Tháo, cũng không tiện chống lại mà răm rắp tuân lệnh.

Lấy cuộc nổi dậy của các dân tộc nhược tiểu trên thế giới giữa thế kỷ 20 mà nói, các dân tộc nhược tiểu lúc ấy nắm được thiên thời. Thiên thời bấy giờ là sự suy thoái của đế quốc thực dân. Sau thế chiến thứ hai, các đế quốc hoặc tan rã hoặc suy yếu: Nhật, Đức, Ý tan rã; Anh, Pháp suy yếu. Trong các nước thuộc địa, dân trí dần dần mở mang; họ thấy rõ mình bị bóc lột và thấy cần phải nỗ lực để tự giải phóng. Đó là thời cơ thuận lợi cho các dân tộc bị trị đứng lên giành độc lập.

Thời tiết thuận lợi là yếu tố thời gian, mùa màng thuận lợi cho công việc. Việc canh nông cần thời tiết thuận lợi để thu đạt kết quả thì việc quân sự, việc chính trị cũng cần như vậy.

Mỗi khi tính chuyện hành quân, vị chỉ huy khôn ngoan bao giờ cũng phải xét xem tiến binh trong thời tiết nào thì có lợi cho mình nhất và có hại cho địch nhất. Napoléon thua trận Waterloo vì trời mưa lũ. Quân đội Đồng Minh đổ bộ lên Normandie vào ngày xấu trời, mưa gió sụt sùi, gây bất ngờ cho quân Đức, trong khi quốc trưởng Hitler chưa ngủ dậy!

Trong Tam Quốc Chí, Gia Cát Khổng Minh thừa cơ trời đổ sương mù dày đặc đã ung dung cho thuyền tiến sát vào dinh quân Tào để lấy tên.

Vào đầu thế kỷ 20 ở Trung Hoa, trong khi dân chúng chán ghét đế chế, muốn thành lập một quốc gia dân chủ, cộng hoà với khí thế sục sôi, mà Viên Thế Khải còn dám lên ngôi hoàng đế ở Bắc Kinh; đó là không hiểu gì về thiên thời. Vì vậy mà thất bại thê thảm!

Tóm lại, thời cơ thuận lợi và thời tiết thuận lợi là những yếu tố tạo nên cái gọi là “thiên thời” trong binh pháp và trong việc chính trị.

Địa lợi chỉ đến những hình thái sông, hồ, núi biển… hiểm trở và thành quách, đồn, lũy vững chắc vừa bảo vệ được mình vừa là chướng ngại vật gây trở ngại cho đối phương khi tấn công mình .

Thời Tam Quốc, nước Ngô của Tôn Quyền được địa lợi nhờ thế hiểm của Trường Giang. Quân Tào tiến vào phải vượt Trường Giang mênh mông, cho nên bị lao nhọc và thua thiệt.

Các vua chúa thời trước mỗi khi định đô đều phải tìm thế đất thuận lợi cho việc bảo vệ kinh thành.

Chiến thuật du kích là một lối đánh linh hoạt, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, cũng vận dụng thành công nhờ vào địa lợi.

Nhân hoà chỉ đến sự hoà hợp của dân chúng với chính quyền. Dân chúng thương mến nhà cai trị như con cái thương mến cha mẹ; mọi người đồng tâm nhất trí tạo nên nhân hoà, là yếu tố quan trọng nhất trong việc chính trị, quân sự.

Thời Tam Quốc, Lưu Bị của nước Thục là lãnh tụ nắm được nhân hoà. Trong khi long đong bôn tẩu không có một tấc đất, nhưng lòng nhân nghĩa của ông đã cảm hoá được lòng người. Ông đi tới đâu là dân chúng đem cơm giỏ nước bầu ra đón rước, lấy thân mình làm phên giậu che chắn cho ông.

Để minh chứng cho quan điểm “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà”, Mạnh Tử nêu ví dụ:

-Giả sử có một thành kia dài ba dặm, quách bao quanh dài bảy dặm. Quân địch kéo đến bao vây, ra sức tấn công mà không thắng nổi. Khi ra quân, dĩ nhiên quân địch phải tính tới yếu tố thời cơ và thời tiết thuận lợi cho mình. Thế mà không thắng được đối phương vì quách quá vững, thành quá chắc, không thể phá vỡ mà vào đuợc. Điều đó chứng tỏ thiên thời không bằng địa lợi.

– Trường hợp khác, giả sử một nước có thành cao, hào sâu, binh khí sắc bén, lương thực đầy đủ. Nhưng khi quân địch vừa tới nơi, quân lính trong thành đã vất bỏ binh khí, trở về kéo vợ con bỏ chạy. Sở dĩ xảy ra nông nỗi ấy, lý do là mọi người trong thành không đồng tâm nhất trí với vua; vua không được lòng quân dân, cho nên yếu tố nhân hoà không có; địch chưa đánh đã thua. Điều đó chứng tỏ địa lợi không bằng nhân hoà.

Vậy muốn có nhân hoà cần phải thế nào?

Người xưa cho rằng không thể lấy ranh giới biên cương mà giữ dân trong bờ cõi được. Khi nhà cầm quyền không giữ được lòng dân, làm cho dân khiếp sợ, thì bằng mọi cách dân sẽ bỏ chạy, bất kể sông sâu, biển cả, núi cao, đèo hiểm. Nói theo ngôn ngữ Lênine, khi người ta không được bỏ phiếu bằng tay thì họ sẽ bày tỏ nguyện vọng bằng cách bỏ phiếu bằng chân; nghĩa là bỏ chạy. Họ sẽ chạy bán sống bán chết không kể hiểm nguy trên sóng biển, sông nước…

Người xưa còn cho biết không thể lấy núi khe hiểm trở để giữ nước cho bền chắc được. Dưới thời cai trị của Lưu Thiện ở Thành Đô, đất Ba Thục có núi Kiếm Các, có đường sạn đạo… biết bao hiểm trở, nhưng nào có ngăn được đại quân của Đặng Ngãi, Chung Hội tiến vào!

Ngoài ra, cũng không thể lấy binh khí sắc bén mà làm cho thiên hạ sợ. Sự lầm than, áp chế, khắc nghiệt đã làm cho dân chúng dở sống dở chết thì họ đâu có còn sợ binh khí sắc bén!

Sau khi luận về yếu tố nhân hoà vượt trên thiên thời, địa lợi, Mạnh Tử cho biết thêm, khi nhà cầm quyền giữ được đạo thì nhiều người hỗ trợ, yếu tố nhân hoà sẽ đạt được; đánh mất đạo thì ít người hỗ trợ, nhân hoà sẽ mất.

Đạo là gì mà quan trọng như thế?

Đạo là qui luật của Trời trong cõi nhân sinh. Đó là sống công chính và yêu thương, tôn trọng phẩm giá con người. Nhà cầm quyền nào lìa bỏ đạo thì nhân tâm ly tán, dân chúng xa lánh, thậm chí đến những người thân thích họ hàng cũng không hỗ trợ nữa. Họ sẽ ùa theo vị lãnh tụ nào giữ được đạo.

Kẻ nào đã bị dân chúng và người thân thích lìa bỏ tức là kẻ ấy tự đào hố chôn mình rồi; còn cần gì ai đánh nữa? Người quân tử trước sau giữ lấy đạo cho nên tất thắng!

2. Mạnh Tử sắp vào chầu vua. Vua sai người đến nói: “Quả nhân định đến thăm ngài. Nhưng bị bệnh cảm lạnh, không thể gặp gió. Sáng mai sẽ ở triều đình. Chẳng biết quả nhân có thể được gặp ngài chăng?”

Đáp rằng: “Chẳng may tôi có bệnh, không thể vào triều được.”

Hôm sau, ông đi viếng tang ở họ Đông Quách. Công Tôn Sửu nói: “Hôm qua, khước từ vì bệnh. Hôm nay đi viếng tang. E rằng chẳng phải chăng?”

Đáp: “Hôm qua mắc bệnh; hôm nay khỏi. Làm sao mà chẳng đi viếng tang?”

Vua sai người đến thăm bệnh, thầy thuốc cũng đến. Mạnh Trọng Tử (em họ của Mạnh Tử) đáp rằng: “Hôm qua, có lệnh vua; thầy mắc bệnh, không thể vào triều. Nay, bệnh đã thuyên giảm, thầy rảo bước vào triều. Tôi không biết đã tới hay chưa.” Bèn sai mấy người đón ở trên đường, nói: “Xin thầy đừng về nhà, mà hãy vào triều.”

Chẳng đặng đừng, Mạnh Tử phải ngủ đêm ở họ Cảnh Sửu. Cảnh Tử nói: “Bên trong, thì có cha con, bên ngoài, thì có vua tôi; đó là mối luân lý lớn của con người. Cha con chủ về ơn; vua tôi chủ về kính. Sửu tôi thấy vua kính thầy mà chưa hề thấy thầy kính vua.”

Mạnh Tử nói: “Ôi! Sao lại nói thế? Người nước Tề không đem nhân nghĩa nói với vua. Há cho rằng nhân nghĩa chẳng tốt đẹp sao? Trong lòng họ nói: ‘Sao lại nói được nhân nghĩa cho đủ mà nói?’

“Thế thì chẳng có sự bất kính nào lớn hơn. Tôi, chẳng phải đường lối của vua Nghiêu, vua Thuấn thì không dám trình bày trước mặt vua. Cho nên người nước Tề chẳng có ai kính vua bằng tôi vậy.”

Cảnh Tử nói: “Không phải, chẳng phải nói điều đó. Kinh Lễ nói rằng: ‘Cha vời, không dạ suông; lệnh vua vời, không đợi đóng xe.’ Đã sắp vào triều, nghe được lệnh vua mà lại lần lữa không quả quyết (ra đi). Về sự xứng hợp với lễ, dường như tự nhiên không hợp.”

Mạnh Tử nói: “Há nói thế ư? Tăng Tử nói rằng: ‘Nước Tấn, nước Sở giàu có, chẳng thể theo kịp. Họ nương vào giàu có, ta nương vào đức nhân của ta; họ nương vào tước vị, ta nương vào đức nghĩa của ta. Ta nào có ân hận gì?’ Này, há lời ấy là điều bất nghĩa, mà Tăng Tử lại nói sao? E rằng (lời ấy cùng với lời ta) là một đạo lý vậy.

“Thiên hạ đều tôn trọng ba điều: tước vị là một, tuổi tác là một, đức độ là một. Ở triều đình không gì bằng tước vị; ở làng xóm không gì bằng tuổi tác; giúp vua, chăn dân không gì bằng đức độ. Ô, người được một điều, lại khinh thường người được hai điều sao?

“Cho nên, ông vua sắp làm nên sự nghiệp lớn, ắt phải có người bề tôi mà tự mình chẳng dám vời. Muốn có mưu tính gì, thì tìm đến người ấy. Ông vua tôn trọng đức hạnh, vui với đạo lý mà không làm như thế, thì không có sự cộng tác đủ để làm nên sự nghiệp. Cho nên vua Thang đối với Y Doãn, đã học ông, rồi sau mới mời ông làm bề tôi. Vì thế, chẳng lao nhọc mà nên vương. Hoàn Công đối với Quản Trọng, đã học ông, rồi sau mới mời ông làm bề tôi. Vì thế, chẳng lao nhọc mà nên Bá.

“Nay thiên hạ, đất đai bằng nhau, đức độ ngang nhau. Chẳng ai có khả năng vượt trội hơn; không có gì khác là chỉ ưa thích người bề tôi nghe giáo lệnh của mình mà không ưa thích người bề tôi mình phải thụ giáo. Vua Thang đối với Y Doãn, Hoàn Công đối với Quản Trọng thì không dám vời. Quản Trọng còn không thể vời, huống chi người không buồn làm như Quản Trọng ư?”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử là thượng khách của vua Tề. Trừ trường hợp Mạnh Tử muốn chủ động đến thăm, nếu không, muốn bàn việc nước, vua Tề phải đích thân đến viếng Mạnh Tử mới đúng phép lịch sự đãi khách; chứ không thể sai người đến vời gọi. Nếu vua Tề vời gọi mà Mạnh Tử đến, đó là Mạnh Tử thiếu tự trọng. Vì thế, khi sứ giả đến ngỏ ý vời gọi, Mạnh Tử kiếm cớ bị bệnh để từ chối.

Công Tôn Sửu không hiểu điều đó cho nên thắc mắc về việc Mạnh Tử đi viếng tang ngày hôm sau tại nhà họ Đông Quách. Mạnh Tử có bị bệnh thật; đó là bệnh phiền não trong tinh thần vì không được vua Tề tôn trọng, chứ không phải bệnh thể xác.

Tưởng Mạnh Tử bị bệnh thể xác, vua Tề cho người đến thăm và sai thầy thuốc đến chữa. Người em con chú, đồng thời là học trò của Mạnh Tử, là Mạnh Trọng Tử nói thác rằng Mạnh Tử đã vào triều nhưng không biết đã tới chưa. Một mặt, ông sai người đi đón đường, bảo Mạnh Tử hãy vào triều ngay vì có lệnh vua gọi.

Dĩ nhiên, Mạnh Tử vẫn giữ lập trường tự trọng là không vào triều theo lệnh gọi; vì thế ông phải vào ngủ đêm ở nhà quan đại phu Cảnh Sửu để né tránh. Thấy vậy, Cảnh Sửu cho rằng Mạnh Tử đã bất kính với vua.

Mạnh Tử giải rõ cho Cảnh Sửu biết ông không hề bất kính; trái lại, tôn kính vua còn hơn những người nước Tề (có lẽ trong đó có Cảnh Sửu) ở chỗ, hễ truớc mặt vua là ông thành thật đem nhân nghĩa, tức là đường lối của vua Nghiêu, vua Thuấn ra khuyên vua, mong ước vua xây dựng vương nghiệp.

Cảnh Sửu đã trích dẫn Kinh Lễ để chứng minh Mạnh Tử không xử sự hợp lễ. Theo Kinh Lễ, khi cha gọi con thì con không được dạ suông, mà phải vội chạy ngay đến để xem cha cần sai bảo điều gì; khi vua gọi bề tôi thì bề tôi phải vội vã chạy bộ vào triều, không được chần chừ đợi đóng xe ngựa. Nay, nghe được lệnh vua gọi mà Mạnh Tử lần lữa, tránh né, không quyết ra đi; như thế tự nhiên là thất lễ rồi.

Một lần nữa, Mạnh Tử phải giải thích kỹ hơn cho Cảnh Sửu biết bằng cách viện lời Tăng Tử. Tăng Tử đã nương vào đức nhân, đức nghĩa của mình mà không cần đến cầu cạnh với vua Tấn, vua Sở giàu có. Mạnh Tử đâu có phải là bề tôi vua Tề; ông không cần cầu cạnh với vua Tề cũng là theo một đạo lý như Tăng Tử vậy.

Theo lẽ thường, thiên hạ đều tôn trọng ba điều: tướcvị, tuổi tác, đức độ. Vua có tước vị ở triều đình chỉ là được một điều tôn trọng. Trong khi đó, Mạnh Tử vừa có tuổi tác, vừa có đức độ; tức là Mạnh Tử được tới hai điều tôn trọng. Chẳng lẽ người được một điều tôn trọng là tước vị vua lại đi khinh thường người được hai điều tôn trọng là tuổi tác và đức độ như Mạnh Tử hay sao?

Một ông vua muốn xây dựng sự nghiệp lớn phải có được người bề tôi đủ tài đức mà chính vua phải tôn trọng như bậc thầy, chẳng dám vời gọi. Muốn hỏi han, mưu tính điều gì, vua phải thân hành đến tận nhà bậc thầy ấy mà hỏi. Như thế mới đúng là biết kính trọng bậc hiền sĩ. Ông vua nào tôn trọng đức hạnh, hiểu đạo lý, ắt phải thực hiện như vậy; nếu không, ông vua ấy không thể làm nên nghiệp vương. Ngày xưa, vua Thang khi gặp Y Doãn, phải hạ mình làm học trò của Y Doãn rồi mới mời ông về làm quan với mình. Vì vậy, vua Thang chẳng phải vất vả mà nên nghiệp vương. Tề Hoàn Công khi gặp Quản Trọng, phải hạ mình tôn Quản Trọng làm trọng phụ, coi như cha, học hỏi Quản Trọng, rồi mới mời ông làm Tướng Quốc cho mình. Vì vậy, Tề Hoàn Công thảnh thơi mà nên Bá nghiệp.

Vào thời Chiến Quốc lúc ấy, các vua chư hầu đều có đất đai tương đối bằng nhau, thế lực tương tự nhau, đức độ cũng sàn sàn ngang nhau; chẳng ai có tài đức vượt trội hơn. Nhưng sở dĩ không có ông vua nào xây dựng nghiệp vương được, bởi vì họ chỉ ưa thích những bề tôi hoàn toàn nghe lời họ, làm theo ý muốn của họ; chẳng có ông vua nào ưa thích được thụ giáo ai; không ưa thích bề tôi có khả năng làm thầy dạy mình. Do đó, chẳng có ông vua nào nên nghiệp vương, đem thái bình an lạc cho thiên hạ được.

Vua Thang không dám vời Y Doãn. Tề Hoàn Công không dám vời Quản Trọng. Quản Trọng tuy có công lao rực rỡ nhưng có lối thấp hèn (công liệt như bỉ kỳ ty Công Tôn Sửu thượng, 1), thế mà Hoàn Công còn không dám vời; huống chi Mạnh Tử (người không buồn làm như Quản Trọng) lại không đáng được vua Tề đến viếng ư?

Đọc đoạn văn này, chúng ta hiểu thêm được rằng Khổng Tử và Mạnh Tử không thành công được trong thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng phải. Cả Khổng Tử lẫn Mạnh Tử đều theo đuổi mộng giúp vua xây dựng nghiệp vương theo vương đạo, tự trọng giữ thân phận mình, không chịu khinh thân chạy theo nghiệp bá. Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, không có ông vua nào đủ tư cách xây dựng nghiệp vương, cho nên Khổng Tử và Mạnh Tử không được trọng dụng là như thế. Cả hai ngài đều là hạng hiền sĩ có khả năng dạy vua, chứ không phải hạng bề tôi nịnh hót, xin việc, chỉ biết tuân theo lệnh vua. Giá như hai ngài có ý tìm người xây dựng nghiệp bá, thì sự nghiệp các ngài đâu có thua Quản Trọng!

3. Trần Trăn hỏi rằng: “Ngày trước ở nước Tề, vua đưa tặng gồm cả vàng một trăm dật mà thầy không nhận. Ở nước Tống, đưa tặng bảy mươi dật mà thầy nhận. Ở nước Tiết, đưa tặng năm mươi dật thầy cũng nhận. Nếu ngày trước không nhận là đúng, thì ngày nay nhận là sai. Nếu ngày nay nhận là đúng, thì ngày trước không nhận là sai. Thầy ắt ở vào một lần sai trong hai lần ấy.”

Mạnh Tử nói: “Đều đúng cả. Đương khi ở nước Tống, ta sắp đi xa. Người đi ắt cần tiền lộ phí. Vua có lời tạ từ rằng: ‘Xin tặng tiền lộ phí.’ Ta sao lại chẳng nhận? Đương khi ở nước Tiết, ta có lòng phòng bị. Vua có lời tạ từ rằng: ‘Nghe nói thầy cần phòng bị.’ Cho nên vua cho tiền trả công quân lính (bảo vệ). Ta sao lại chẳng nhận?

“Còn như ở nước Tề, chưa có việc xử lý. Không phải xử lý mà đưa tặng, đó là mua chuộc vậy. Lẽ nào người quân tử có thể chịu nhận sự mua chuộc?”

BÌNH GIẢI:

Trần Trăn là học trò của Mạnh Tử. Với cái nhìn hạn hẹp của một người thường, ông ta không thể hiểu được tại sao có lúc thầy không nhận vàng của vua nước này, có lúc lại nhận vàng của vua nước kia. Trong hai trường hợp nhận và không nhận, chắc hẳn phải có một trường hợp sai. Trần Trăn đem vấn đề thắc mắc ấy ra chất vấn với thầy Mạnh Tử.

Theo lời giải thích của Mạnh Tử, chúng ta hiểu được rằng: người quân tử cư xử phải biết tùy thời và phải hiểu ý nghĩa sâu xa của từng trường hợp khác nhau. Cũng một việc diễn ra, có lúc là đúng, lúc khác lại là sai. Đúng hay sai lại còn tùy thuộc vào cách thích nghi, ứng xử của mình.

Ở nước Tống, khi chuẩn bị lên đường đi xa, vua thành khẩn tặng tiền lộ phí; bấy giờ nên nhận. Không nhận lấy đâu tiền đi đường; không nhận lại còn làm buồn lòng người có thiện chí đưa tặng.

Ở nước Tiết, khi ra đi, cần phải thuê cảnh vệ hộ tống để tránh sự hành hung, ám sát của kẻ xấu; vua biết việc ấy và đưa tiền ủng hộ; bấy giờ nên nhận. Không nhận, vua sẽ buồn lòng và lấy đâu tiền trả công cho cảnh vệ.

Cả hai trường hợp ấy, vua nước Tống và vua nước Tiết đều có lòng quan tâm ưu ái, không có một hậu ý gì khác; nếu không nhận là sai.

Trường hợp ở nước Tề, Mạnh Tử chưa có ý định đi đâu cả, không cần tiền lộ phí; thế mà vua Tề lại đưa tặng tới một trăm dật vàng, xem ra có hậu ý muốn dùng vàng để mua chuộc. Nếu nhận, Mạnh Tử trở nên một món hàng (hoá) được bán cho vua Tề. Người quân tử sao lại có thể tự biến mình thành một thứ hàng hoá để chịu lệ thuộc vào người, trong khi người đó chẳng xứng đáng cho mình phụng sự.

Vậy nên, người quân tử cần phải hiểu nghĩa lý “tùy thời”; tùy thời mà chẳng xu thời. Kinh Dịch nói: “Tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai!” (Nghĩa lý tùy thời lớn lao thay!). Hiểu nghĩa lý tùy thời và hành xử cho thích hợp để thành công và để tòng đạo. Trình Tử nói: “Tùy thời biến dịch, dĩ tòng đạo dã.” (Tùy thời thay đổi để theo đạo vậy.)

4.

Mạnh Tử đến Bình Lục, nói với quan đại phu ở đấy rằng: “Đối với viên quan cầm kích, trong một ngày bỏ đội ngũ ba lần, ông có truất phế người ấy đi hay không?”

Đáp: “Không đợi tới ba lần.”

“Vậy thì ông cũng đã bỏ đội ngũ của ông nhiều lần rồi. Vào những năm đói kém, mất mùa, dân của ông, người già yếu vất vưởng nơi ngòi rãnh, người trai trẻ tán lạc đi bốn phương, tới mấy ngàn người.”

Đáp: “Điều đó chẳng phải công việc của Cự Tâm tôi được làm.”

Mạnh Tử nói: “Nay có kẻ nhận trâu dê của người đi chăn; ắt phải đi tìm chỗ chăn và rơm cỏ. Tìm chỗ chăn và rơm cỏ mà không được, thì trả lại cho người chủ, hay cứ đứng nhìn thú vật chết ư?”

Đáp: “Điều đó là tội lỗi của Cự Tâm tôi vậy.”

Ngày khác, ra mắt vua, Mạnh Tử nói: “Những quan cai trị kinh đô của vua, tôi biết được năm người. Người biết nhận tội lỗi của mình chỉ có Khổng Cự Tâm.”

Ông thuật lại rành rọt cho vua nghe. Vua nói: “Điều đó là tội lỗi của quả nhân vậy.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử là một hiền triết luôn luôn quan tâm tới chính trị, tức là quan tâm tới việc cai trị tốt cho dân được hạnh phúc ấm no. Trong khi là khách ở nước Tề, ông đã đi thăm một số vùng đất thuộc kinh đô, xem các quan chức ở đây thi hành bổn phận như thế nào. Đến đất Bình Lục, thấy tình cảnh dân chúng thiếu thốn, khổ sở, Mạnh Tử đã khéo léo tìm cách cho quan đại phu sở tại nhận ra tội lỗi của mình.

Ông nêu ví dụ về một võ quan cấp thấp (cầm kích) trông coi một đội ngũ năm người lính. Ông hỏi ý kiến quan đại phu sở tại về cách xử lý đối với viên đội trưởng nếu người này bỏ đội ngũ ba lần trong một ngày. Quan đại phu cai trị Bình Lục là Khổng Cự Tâm không rõ ý tứ sâu xa của Mạnh Tử, đã nhanh nhẩu cho biết ý kiến: không đợi tới ba lần; chỉ một, hai lần, viên đội trưởng ấy đã bị phế bỏ.

Nắm được ý ấy, Mạnh Tử quay vào quan đại phu mà kết luận: chính ông cũng đã bỏ đội ngũ, tức là không làm tròn trách nhiệm đối với dân chúng Bình Lục. Dân chúng Bình Lục chính là đội ngũ thuộc quyền lãnh đạo của ông. Ông đã bỏ lửng việc cai trị, cho nên dân chúng bị chết đói trong những năm mất mùa; người già chết nơi đầu ngòi, xó rãnh; mấy ngàn trai tráng phải tha phương cầu thực.

Nghe vậy, đại phu Khổng Cự Tâm đã từ chối trách nhiệm và cho rằng chỉ có vua mới có quyền ra lệnh mở kho thóc lúa để chẩn cấp cho dân.

Mạnh Tử đưa ra một ví dụ khác: Khi một người kia nhận chăn nuôi trâu dê cho chủ, anh ta có trách nhiệm tìm đồng cỏ hay thu gom rơm cỏ cho trâu dê ăn. Nếu không tìm được đồng cỏ hay cỏ rơm, theo lẽ thường, anh ta trả súc vật lại cho chủ, rồi rút khỏi công việc chăn nuôi mới phải. Chẳng lẽ anh ta cứ lãnh lương của chủ mà nhìn súc vật chết đói sao? Cũng vậy, khi một viên quan không biết cách cai trị khiến dân phải đói khát, ông ấy phải từ nhiệm để vua tìm người khác thay thế. Lẽ nào dân chúng chết đói mà người cai trị cứ bình chân như vại ngồi nhìn rồi thản nhiên lãnh lương cao bổng hậu?

Mạnh Tử luận đến như thế, Khổng Cự Tâm mới nhận ra tội lỗi của mình. Khi kể lại với vua, ông cho biết trong năm vị quan cai trị đất Kinh đô. chỉ có một người duy nhất là Khổng Cự Tâm biết nhận lỗi mình; còn bốn người kia vẫn tìm cách chối tội.

Trong khu vực Kinh đô, nơi gần gũi vua và triều đình mà chỉ có một phần năm các quan cai trị biết nhận lỗi; còn ở những miền xa xôi, hẻo lánh khác của đất nước, liệu có được mấy ông quan biết nhận lỗi.

Cũng may trước mặt Mạnh Tử, vua Tề cũng còn biết nhận lỗi mình. Có biết bao ông vua thời Xuân Thu, Chiến Quốc đã không chịu nhận lỗi, lại còn bịt miệng, trả thù người nào dám vạch lỗi của mình. Biết nhận lỗi đã là tiến bộ một nửa rồi. Làm sao có được những vị vua biết sửa lỗi sau khi đã nhận ra lỗi thì dân chúng mới đỡ khổ!

5. Mạnh Tử bảo Trì Oa rằng: “Ông khước từ đất Linh Khâu mà xin làm quan can gián, tựa hồ chức ấy giúp ông có thể nói năng được. Nay đã mấy tháng rồi, chưa thể nói được gì ư?”

Trì Oa bèn can ngăn vua, nhưng chẳng được nghe theo; ông trả quan mà bỏ về.

Người nước Tề nói: “Lý do giúp Trì Oa thì tốt lành; lý do (Mạnh Tử) tự giúp mình, thì ta chẳng biết ra sao.”

Công Đô Tử đem lời ấy thuật lại.

Mạnh Tử nói: “Ta có nghe rằng: ‘Người giữ chức quan, chẳng làm tròn được chức vụ thì bỏ. Người giữ trách nhiệm can ngăn, chẳng được nghe lời, thì bỏ.’ Ta không giữ quan chức, ta không có trách nhiệm can ngăn. Thế thì ta tới lui há chẳng thảnh thơi nhàn nhã sao?”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử đồng quan điểm với quan đại phu Trì Oa nước Tề, khước từ chức quan cai trị đất Linh Khâu, xin làm chức sĩ sư, hy vọng có cơ hội đem lời đạo lý để can gián vua. Được sự nhắc nhở của Mạnh Tử, Trì Oa lên tiếng khuyên can vua Tề, nhưng vua không dùng những lời khuyên ấy. Thế là Trì Oa giã từ quan chức mà về.

Thấy vậy, người nước Tề bảo nhau: Mạnh Tử góp ý với Trì Oa là phải, nhưng nếu đứng ở địa vị của Trì Oa, không biết Mạnh Tử xử trí ra sao.

Nghe người học trò là Công Đô Tử thuật lại lời bàn tán ấy, Mạnh Tử đã trưng ra một câu ngạn ngữ cổ, tán thành cách xử sự của Trì Oa. Như thế tức là đứng ở địa vị của Trì Oa, can ngăn vua không nghe, thì Mạnh Tử cũng từ quan mà về. Còn trong tình thế lúc bấy giờ, Mạnh Tử chưa làm quan với vua Tề, chưa có trách nhiệm can ngăn vua; ông cảm thấy an nhiên tới lui, thảnh thơi nhàn nhã, chẳng có gì phải bận tâm cả.

6. Mạnh Tử làm quan khanh ở nước Tề, ra đi viếng tang ở nước Đằng. Vua sai quan đại phu đất Cáp là Vương Hoan đi giúp đỡ. Sáng chiều Vương Hoan đều ra mắt. Trên quãng đường đi về giữa Tề Đằng, chưa từng có lời nói với nhau về công việc phải làm.

Công Tôn Sửu nói: “Địa vị của quan khanh nước Tề (Vương Hoan) chẳng phải nhỏ. Đường đi giữa Tề Đằng chẳng phải gần. Đi về, mà chưa từng có lời nói với nhau về công việc phải làm. Tại sao vậy?”

Mạnh Tử nói: “Này, đã có người thu xếp rồi. Ta sao còn phải nói?”

BÌNH GIẢI:

Sau khi nhận chức quan khanh ở nước Tề, Mạnh Tử được vua cử cầm đầu phái đoàn đi viếng tang ở nước Đằng, có quan đại phu đất Cáp là Vương Hoan phụ tá. Vương Hoan là một ông quan siểm nịnh. Do đó, mặc dầu cùng đi về với nhau trên một quãng đường dài giữa Tề Đằng, nhưng Mạnh Tử không chịu nói chuyện, bàn bạc gì với Vương Hoan cả. Có lẽ Mạnh Tử coi Vương Hoan là một kẻ tiểu nhân cho nên ông giữ thái độ nghiêm trang không muốn thân mật.

Công Tôn Sửu muốn hỏi cho ra lý do tại sao hai ông chánh phó sứ không nói chuyện với nhau; bởi vì, dù sao Vương Hoan cũng là một vị quan lớn của nước Tề.

Mạnh Tử không muốn nói xấu về Vương Hoan; vì thế ông đã tìm cách nói lảng đi, cho rằng công việc điếu tang có những người cấp dưới lo sắm đầy đủ rồi, không cần nói nữa.

7. Mạnh Tử từ nước Tề về tổ chức an táng tại nước Lỗ. Trở lại nước Tề, dừng ở đất Doanh. Sung Ngu xin hỏi rằng: “Ngày trước, không biết Ngu tôi là đứa vụng về, thầy đã sai Ngu tôi đôn đốc công việc đóng áo quan. Trong lúc vội vã, Ngu tôi chẳng dám hỏi. Nay trộm mong được hỏi thầy. Dường như gỗ áo quan tốt quá.”

Mạnh Tử nói: “Ngày xưa, áo quan, áo quách không có hạn độ nào. Thời trung cổ, áo quan dày bảy tấc; áo quách dày tương xứng như vậy. Từ thiên tử suốt tới dân thường, chẳng những làm cho hợp mỹ quan, sau đó còn muốn trọn vẹn tấm lòng nữa. Không được (chức phận sang trọng), không thể làm được thỏa lòng; không có của cải, không thể làm được thỏa lòng. Nếu được (chức phận sang trọng) và đang có của cải, người xưa đều dùng chế độ (an táng) ấy. Ta sao một mình chẳng làm như vậy?

“Vả lại, đối với người gửi vào cõi chết, không để đất cát cọ vào da thịt, thì riêng lòng người sống chẳng thỏa thuê sao?

“Ta nghe nói rằng: ‘Người quân tử đừng để thiên hạ cho là hà tiện với cha mẹ mình.’”

BÌNH GIẢI:

Sau khi làm khách khanh ở nước Tề, Mạnh Tử trở về nước Lỗ tổ chức lễ an táng cho thân mẫu. Xong việc, một đệ tử là Sung Ngu, người được giao việc đôn đốc thợ mộc đóng quan quách, mới nêu thắc mắc với thầy. Ông ta khiêm tốn rào đón rồi đưa ý kiến: gỗ dùng để đóng quan quách tốt quá. Câu nói của Sung Ngu hàm ý rằng: có lẽ thầy đã xa xỉ quá chăng, đã trái lễ chăng?

Ý kiến này cũng đồng một ý với Lỗ Bình Công trước kia (Lương Huệ Vương hạ, 16). Do sự báo cáo của Tang Thương, Lỗ Bình Công đã chê Mạnh Tử tổ chức đám tang mẹ vượt hơn đám tang cha, với quan quách, y phục tẩm liệm đẹp đẽ quá (quan quách y khâm chi mỹ).

Mạnh Tử phân trần thế này: Thời thượng cổ, việc an táng tùy tiện, chẳng có hạn độ nào cả. Sang thời trung cổ, sau khi diệt Trụ, Chu Công thiết định Chu Lễ, mới đưa ra hạn độ: áo quan dày bẩy tấc (khoảng 14 cm), áo quách bao ngoài cũng dày tương xứng. Từ vua cho đến dân thường đều theo như vậy; ai cũng muốn làm cho đẹp mắt và tỏ ra tận tình với người đã khuất. Vì thế, người chẳng có chức phận sang trọng và không có tiền của thì chịu vậy, chẳng thể lo việc an táng được mãn ý. Còn người có chức phận sang trọng và có tiền của, thì người xưa đều tổ chức an táng và đóng quan quách theo chế độ của Chu Công. Ngày nay, Mạnh Tử là quan khanh ở nước Tề, có của cải, trở về quê hương tổ chức an táng cho mẹ, chẳng lẽ lại không theo cách ấy, chẳng lẽ lại lấy gỗ mỏng, gỗ xấu mà đóng áo quan, áo quách cho mẹ hay sao?

Vả lại làm một người con, ai lại muốn da thịt cha mẹ mình phải chịu cảnh đất cát cọ sát, mà không dùng áo quan, áo quách để bảo vệ? Bảo vệ được thân xác cha mẹ khi chết như khi còn sống cũng là điều an ủi thoả thích cho con cháu lắm chứ!

Dân gian thường quan niệm một cách chung rằng: Người quân tử có thể hà tiện với chính mình nhưng chẳng nên hà tiện với cha mẹ mình.

8. Thẩm Đồng lấy tình riêng hỏi rằng: “Nước Yên có nên đánh chăng?”

Mạnh Tử nói: “Nên. Tử Khối (vua Yên) chẳng được phép trao nước Yên cho người. Tử Chi (một bề tôi nước Yên) chẳng được phép nhận nước Yên ở Tử Khối. Giá như có một viên quan ở đây, ưa thích ông. Không báo cáo cho vua mà tự mình trao tước lộc cho ông. Này, lại có kẻ sĩ, cũng không có lệnh vua mà tự nhận tước lộc ở ông; thì có thể được chăng? Sao lại khác biệt ở những trường hợp đó?”

Người nước Tề đánh nước Yên. Có người hỏi (Mạnh Tử) rằng: “Ông khuyên nước Tề đánh nước Yên, có phải chăng?”

Mạnh Tử nói: “Chưa hề. Thẩm Đồng hỏi nước Yên có nên đánh chăng. Ta đáp rằng nên. Do đó mà có chuyện đánh. Người ấy (Thẩm Đồng) mà nói như thế này: Ai có thể đánh được? Ắt ta sẽ đáp rằng: Là Thiên lại (quan của Trời) thì có thể đánh được .

“Nay có kẻ giết người; có người hỏi rằng: kẻ ấy nên giết chăng? Ắt ta sẽ đáp rằng: Nên. Người ấy mà nói như thế này: Ai có thể giết được? Ắt ta sẽ đáp rằng: là quan sĩ sư (phụ trách hình pháp) thì có thể giết được. Nay đem nước Yên đánh nước Yên, sao ta lại khuyên điều ấy chứ?”

BÌNH GIẢI:

Thẩm Đồng là bề tôi của vua Tề; nhân chỗ giao tình riêng giữa ông và Mạnh Tử, ông đã hỏi xem có nên đánh nước Yên không.

Mạnh Tử cho rằng nên. Ông lập luận: vua nước Yên là Tử Khối bất đắc dĩ phải trao ngôi vị cho quan đại thần là Tử Chi. Tử Chi là bề tôi vua Yên (Tử Khối), chẳng đủ tài đức để nhận ngôi vị từ Tử Khối. Cả hai việc trao và nhận này đều trái lẽ. Bởi vì, tổ tiên của vua Yên đã được Thiên tử nhà Chu phong tước và cắt đất cho cai trị. Nay cả hai việc trao ngôi và nhận ngôi đều không có lệnh của Thiên tử nhà Chu; cho nên là bất hợp pháp. Vì thế, nước Yên nên bị chinh phạt.

Cũng tương tự như trường hợp giả định ở nước Tề đây. Có một viên quan ưa thích Thẩm Đồng; rồi tự mình trao tước lộc của triều đình cho Thẩm Đồng mà không báo cáo để xin lệnh vua. Rồi cũng không có lệnh vua mà một kẻ sĩ nào đó lại tự nhận tước lộc của Thẩm Đồng trao cho. Những việc trao và nhận đó không thể hợp pháp được.

Những việc bất hợp pháp giả định ở nước Tề vừa nêu, so sánh với việc bất hợp pháp ở nước Yên nào có khác gì nhau.

Những việc ấy mà xảy ra ở triều đình nước Tề, thì vua biến thành bù nhìn và nước Tề sẽ rối loạn. Việc ấy xảy ra ở nước Yên, thì Thiên tử nhà Chu biến thành bù nhìn và thiên hạ sẽ rối loạn. Vì thế, nước Yên nên bị trách phạt là việc lặp lại kỷ cương cho thiên hạ.

Ý kiến của Mạnh Tử trình bày với Thẩm Đồng là như vậy.

Thế rồi, xảy ra chuyện nước Tề đánh nước Yên. Có người đã hỏi Mạnh Tử rằng: “Ông khuyên nước Tề đánh nước Yên có phải chăng?”

Mạnh Tử thanh minh như sau: Ông chưa hề khuyên Tề đánh Yên! Ông chỉ trả lời cho Thẩm Đồng về chuyện nước Yên nên bị trách phạt. Giả như Thẩm Đồng hỏi thêm rằng: Ai có thể đánh được? (tức là: Ai có quyền đánh?). Ông sẽ trả lời: chỉ có Thiên lại, tức là vị quan của Trời, có tài đức thay Trời trị dân, mới có quyền trách phạt mà thôi. Trên danh nghĩa lúc bấy giờ, chỉ có Thiên tử nhà Chu là có quyền trách phạt nước Yên. (Tiếc rằng nhà Chu lúc này không còn là Thiên lại đúng nghĩa, lại đang suy nhược, lo thân không xong, không thể thi hành quyền đó.)

Mạnh Tử giải thích thêm: Cũng giống như có kẻ giết người; tuy là đáng giết nhưng chỉ có quan sĩ sư, phụ trách về hình pháp, mới có quyền xét xử và ra lệnh giết kẻ ấy.

Trong tình thế thời Chiến Quốc lúc bấy giờ, nước Tề cũng vô đạo như nước Yên, vậy thì nước Tề cũng là nước Yên. Chẳng lẽ Mạnh Tử là một hiền triết lại đi khuyên nước Yên đánh nước Yên hay sao? Đâu có sự mâu thuẫn trong tâm tư một hiền triết như thế được.

9. Người nước Yên chống lại. Vua nói: “Ta rất hổ thẹn với Mạnh Tử.”

Trần Giả nói: “Vua đừng lo. Vua hãy lấy mình sánh với Chu Công, xem ai đã nhân lại trí hơn?”

Vua nói: “Ô sao lại nói thế?”

Trần Giả nói: “Chu Công sai Quản Thúc giám sát vua Ân. Quản Thúc cùng với vua Ân làm phản. Biết mà còn sai đi, ấy là bất nhân. Không biết mà sai đi, ấy là bất trí. Nhân, trí, Chu Công còn chưa trọn vẹn, huống hồ là vua? Giả tôi xin yết kiến (Mạnh Tử) để nhờ giải thích.”

Yết kiến Mạnh Tử, Trần Giả hỏi rằng: “Chu Công là người thế nào?”

Đáp: “Bậc thánh nhân thời cổ.”

Hỏi: “Sai Quản Thúc giám sát vua Ân. Quản Thúc cùng với vua Ân làm phản. Có chăng?”

Đáp: “Đúng vậy.”

Hỏi: “Chu Công biết sẽ làm phản mà còn sai đi chăng?”

Đáp: “Không biết.”

“Vậy thì thánh nhân cũng có lỗi lầm ư?”

Đáp: “Chu Công là em. Quản Thúc là anh. Lầm lỗi của Chu Công cũng chẳng hợp lẽ sao?

“Vả lại quân tử ngày xưa mắc lỗi thì sửa đổi; quân tử ngày nay mắc lỗi thì cứ thuận theo. Quân tử ngày xưa mắc lỗi thì như mặt trời, mặt trăng bị xâm thực vậy, dân chúng đều thấy. Kịp đến lúc sửa sai rồi, dân chúng đều ngưỡng mộ. Quân tử ngày nay chẳng những thuận theo, lại lấy lời lẽ mà biện bạch.”

BÌNH GIẢI:

Sau khi đánh thắng nước Yên, vua Tề đặt nền cai trị hà khắc, không chịu nghe lời Mạnh Tử rút quân về, trao trả độc lập cho nước Yên (xin xem lại Lương Huệ Vương hạ, tiết 10 và 11). Giờ đây, người nước Yên tôn con trai của vua Yên (Tử Khối) là thái tử Bình lên ngôi; rồi đồng lòng khởi nghĩa chống lại quân Tề. Vì thế, vua Tề mới nói với cận thần Trần Giả rằng: “Ta rất hổ thẹn với Mạnh Tử.

Trần Giả là một nịnh thần, đã không biết khuyên vua sửa lỗi lầm, lại còn tâng bốc khen vua Tề đã nhân lại trí hơn Chu Công. Để tìm cách ngụy biện, Trần Giả đem chuyện cũ của Chu Công để vạch lỗi.

Ngày xưa, dưới đời Chu Thành Vương (con của Vũ Vương), Chu Công làm Tể Tướng, có sai anh là Quản Thúc (tên là Tiên, em của Vũ Vương, anh của Chu Công) đến giám sát bên cạnh vua Ân là Vũ Canh (con vua Trụ). Quản Thúc đã thay lòng, không thần phục nhà Chu nữa, mà cùng với Vũ Canh làm phản. Chu Công phải đem quân dẹp loạn.

Trần Giả cho rằng: Nếu Chu Công biết Quản Thúc hai lòng mà còn sai đi, để rồi có cớ tiêu diệt; đó là bất nhân. Nếu Chu Công không biết Quản Thúc bất trung mà sai đi, để sinh chuyện phản nghịch; đó là bất trí. Như thế, hoặc bất nhân hoặc bất trí, Chu Công vẫn chưa trọn vẹn, vẫn là có lỗi. Do đó, việc đánh chiếm và cai trị nước Yên của vua Tề, so với Chu Công, không có gì đáng trách; cho nên không đáng hổ thẹn. Để xác chứng cho lập luận của mình Trần Giả xin đi hỏi ý kiến Mạnh Tử.

Sau vài câu hỏi đáp qua lại, Mạnh Tử xác nhận Chu Công không biết Quản Thúc có thể làm phản. Sở dĩ Chu Công tín nhiệm Quản Thúc mà trao cho việc lớn, bởi vì Chu Công và Quản Thúc là anh em ruột thịt với nhau; tin nhau là lẽ tự nhiên. Chu Công có lỗi nhưng không cố tình. Lỗi lầm của Chu Công là lỗi lầm hợp với lẽ thường tình của người đời. Chu Công đã sửa lỗi bằng cách đem quân dẹp loạn mà không bao che.

Liền theo đó, Mạnh Tử tế nhị chỉ trích vua Tề và Trần Giả: Quân tử ngày xưa (ám chỉ Chu Công) mắc lỗi thì công khai; ai cũng trông thấy như hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Mắc lỗi rồi thì sửa lỗi, như mặt trời, mặt trăng sáng trở lại; cho nên dân chúng đều hoan nghênh. Quân tử ngày nay (ám chỉ vua Tề) mắc lỗi nhưng có người mách bảo cho (ám chỉ Mạnh Tử), lại không biết sửa, vẫn cứ ngoan cố, tiếp tục đi theo điều lỗi. Lại còn có người dùng lời lẽ khéo léo cố gắng biện bạch (ám chỉ Trần Giả) cho lỗi lầm đó nữa.

10. Mạnh Tử chấm dứt quan chức mà trở về. Vua đến thăm Mạnh Tử nói: “Ngày trước, ước mong gặp mà không được. Được hầu ngài cùng với triều đình, rất vui sướng. Nay lại bỏ quả nhân mà về. Chẳng biết còn có thể tiếp tục được gặp ngài như thế nữa chăng?”

Đáp rằng: “Chẳng dám xin như vậy; nhưng cố nhiên là ước nguyện của tôi.”

Ngày khác, vua bảo Thời tử rằng: “Ta muốn dựng một ngôi nhà cho Mạnh Tử ở giữa nước, cho ông vạn chung thóc để nuôi các đệ tử, khiến cho các đại phu, những người trong nước đều có một khuôn mẫu đáng kính. Ông sao chẳng vì ta mà nói chuyện ấy?”

Thời tử cậy Trần tử thông báo với Mạnh Tử. Trần tử đem lời Thời tử báo với Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Thế thì, Thời tử sao chẳng biết điều ấy không thể được? Ví như khiến ta ham muốn giàu có, thì bỏ mười vạn chung thóc mà nhận một vạn chung, đó là ham muốn giàu có sao?

“Quý Tôn đã nói: ‘Khác thường thay Tử Thúc Nghi! Mình chẳng được dùng làm việc chính trị, thì đành thôi, lại còn khiến con em mình được làm quan khanh! Người ta ai chẳng muốn giàu có? Nhưng một mình ở trong sự giàu có thì riêng có kẻ khéo mưu lợi.

“Xưa kia mới làm chợ, đem cái người này có trao đổi với kẻ không có. Quan chức coi sóc việc ấy. Có người thanh niên hèn hạ tìm thủ đoạn khôn khéo mưu lợi để bước lên, ngó bên trái bên phải mà kiếm lợi ở chợ một cách không ngay thẳng. Người ta đều cho là hèn hạ; cho nên mới có chuyện theo đó đánh thuế. Việc đánh thuế buôn bán bắt đầu từ người thanh niên hèn hạ đó.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử là người ấp Trâu, dòng dõi họ Mạnh Tôn, thuộc nước Lỗ. Ông đến nước Tề, mong muốn đem vương đạo giúp vua Tề xây dựng nghiệp vương, ổn định thiên hạ. Vua Tề rất kính trọng Mạnh Tử nhưng không chịu thực hành vương đạo. Vì vậy, sau vài năm làm khách khanh ở nước Tề, ông chán nản từ quan, trở về nước Lỗ.

Mặc dầu không mặn mà với vương đạo mà chỉ ưa thích bá đạo, vua Tề vẫn mến tiếc Mạnh Tử, muốn lưu giữ ông lại nước Tề dạy học trò để nêu cao tấm gương đạo đức đáng kính cho các quan và dân chúng. Vua Tề đã sai Thời tử tìm cách thuyết phục Mạnh Tử ở lại. Thời tử không dám trực tiếp gặp Mạnh Tử, cho nên cậy vào Trần tử (Trần Trăn), học trò của Mạnh Tử chuyển lời hộ.

Mạnh Tử tỏ ra khó chịu khi thấy vua Tề đưa ra món lợi một vạn chung thóc để mong giữ mình lại. Thực ra, Mạnh Tử đến nước Tề không phải vì lợi. Nếu vì hám lợi, ông cứ giữ chức khách khanh với món thù lao mười vạn chung thóc một năm, làm gì ông phải từ chức ra đi. Ông đến nước Tề vì nghĩ rằng với một lãnh thổ rộng lớn và sự phát triển văn minh, kinh tế vào bậc nhất thời Chiến Quốc, nếu vua Tề hướng về vương đạo thì có thể khiến cho nhân dân trăm họ trong thiên hạ được hưởng thái bình. Như vậy, nhà Đào Đường của vua Nghiêu, nhà Hữu Ngu của vua Thuấn, nhà Hạ của vua Vũ, nhà Thương của Thành Thang, nhà Chu của Văn Vương, Vũ Vương có thể được tái hiện. Giờ đây, thấy ý định của mình không thành, Mạnh Tử cương quyết trở về quê hương nước Lỗ ẩn dật theo bước chân của Khổng Tử ngày xưa. Thế mà vua Tề không hiểu, lại muốn dùng một món lợi nhỏ để giữ ông lại, có khác gì coi ông như Tử Thúc Nghi ngày trước hay như một kẻ lũng đoạn thị trường hèn hạ nơi chợ búa.

Quý Tôn ở nước Lỗ đã từng khinh thường Tử Thúc Nghi vì ông này đã bị vua sa thải lại còn cố năn nỉ cho con em mình làm quan khanh. Tử Thúc Nghi đã muốn mình mãi mãi giàu có như anh chàng lũng đoạn nào đó ngày xưa.

Tên lũng đoạn này đã lợi dụng người ta đến chợ trao đổi hàng hoá, kiếm lấy một địa vị vượt trội để kiếm lợi tối đa bằng những mánh khoé không ngay thẳng. Do đó, chính quyền đã đặt lệ đánh thuế vào hàng hoá của anh chàng lũng đoạn hèn hạ này.

Ngày nay, vua Tề dùng lợi để giữ chân Mạnh Tử nào có khác gì đánh giá Mạnh Tử cũng tham lam của cải như Tử Thúc Nghi và kẻ lũng đoạn ngày xưa vậy.

11. Mạnh Tử rời nước Tề, nghỉ đêm ở ấp Trú. Có người muốn vì vua lưu giữ khách ra đi. Người ấy ngồi rồi nói. Mạnh Tử không đáp, tựa ghế mà nằm. Người khách không vui, nói: “Đệ tử giữ chay một đêm rồi mới dám nói. Thầy nằm mà chẳng buồn nghe. Xin chẳng dám trở lại yết kiến nữa.”

Mạnh Tử nói: “Hãy ngồi đấy, ta nói rõ cho ông nghe. Xưa kia, Lỗ Mục Công không cử người đến bên Tử Tư, thì không thể an lòng Tử Tư; Tiết Liễu, Thân Tường không cử người đến bên Mục Công, thì không thể an thân mình.

“Ông vì người lớn tuổi này mà lo nghĩ, nhưng chẳng theo kịp đối với Tử Tư. Ông cự tuyệt người lớn tuổi này? Hay người lớn tuổi này cự tuyệt ông?”

BÌNH GIẢI:

Ra khỏi kinh đô nước Tề, Mạnh Tử nghỉ đêm ở ấp Trú, một khu vực kế cận ở phía tây nam. Chuyến đi có vẻ thong thả, dường như Mạnh Tử muốn chờ đợi vua Tề đổi ý.

Một người khách nào đó muốn vì vua Tề đến thuyết Mạnh Tử để giữ ông lại; nhưng người ấy không giữ đúng lễ khi ra mắt một đại hiền, thượng khách của vua. Ông ta không chờ cho Mạnh Tử mời ngồi và hỏi han, tự mình ngồi xuống và nói luôn một hồi. Mạnh Tử đành phải bày tỏ thái độ bất mãn của mình bằng cử chỉ nằm tựa vào ghế, không đáp lời. Người khách phản đối thái độ thờ ơ có vẻ thiếu lịch sự của Mạnh Tử và định kiếu từ.

Mạnh Tử bèn phân giải đại ý: Ngày xưa, đối với bậc đại hiền xứng đáng làm thầy như Tử Tư (Khổng Cấp), vua Lỗ Mục Công phải cử người đến bên ông săn sóc, phục vụ để giữ trọn sự kính lễ, nếu không chẳng giữ được chân ông ấy ở lại nước Lỗ.

Ngoài ra, Tiết Liễu và Thân Tường (con của Tử Trương), tuy không phải bậc đại hiền như Tử Tư, nhưng rất nhiệt tình trong lễ nghĩa. Các ông mà không cử người thường xuyên ở bên cạnh Lỗ Mục Công để giảng đạo lý cho vua thì cảm thấy không an thân. Vua tôi nước Lỗ cùng trọng lễ với nhau là như vậy.

Nay ông vì vua Tề đến yết kiến một người vừa cao tuổi vừa là bậc thầy của vua Tề mà không biết kính lễ; ông lại chẳng phải là người được vua cử đến thăm hỏi săn sóc; thế thì vua Tề xử với Mạnh Tử chẳng bằng Lỗ Mục Công xử với Tử Tư. Trong tình thế này, phải nói khách cự tuyệt Mạnh Tử hay Mạnh Tử cự tuyệt khách đây?

12. Mạnh Tử rời nước Tề. Doãn Sĩ nói với người ta rằng: “Không biết vua (Tề) không thể làm vua Thang, vua Vũ được, đó là không sáng suốt. Biết không thể làm được mà lại còn đến, đó là cầu bổng lộc. Đi ngàn dặm mà yết kiến vua; chẳng được hợp ý, cho nên bỏ đi. Ngủ đỗ ba đêm rồi mới ra khỏi ấp Trú, thì chẳng chậm trễ sao? Sĩ tôi thật chẳng hài lòng.”

Cao tử đem những lời ấy báo lại. Mạnh Tử nói: “Ôi, Doãn Sĩ há lại biết ta sao? Đi ngàn dặm mà yết kiến vua, đó là ước muốn của ta. Chẳng được hợp ý, cho nên bỏ đi; ta há muốn vậy sao? Ta bất đắc dĩ thôi! Ta nghỉ ba đêm rồi mới ra khỏi ấp Trú; thế mà lòng ta còn cho là vội. Hy vọng rằng vua thay đổi; giả như vua đổi ý, ắt kêu ta quay lại.

“Ôi, ra khỏi ấp Trú mà vua chẳng đuổi theo ta, sau đó ta mới quyết chí mạnh mẽ mà về. Tuy nhiên ta há bỏ vua sao? Vua còn đủ điều kiện làm điều thiện. Giá như vua dùng ta, không những dân Tề được bình an, đến dân chúng trong thiên hạ cũng đều được bình an nữa. Hy vọng rằng vua thay đổi; mỗi ngày ta trông mong như vậy.

“Ta há giống như kẻ trượng phu tiểu nhân kia sao? Can ngăn vua mà chẳng được nhận lời thì nổi giận hầm hầm hiện ra mặt. Ra sức bỏ đi hết ngày cho mãi đến đêm sao?”

Doãn Sĩ nghe được những lời ấy, nói: “Sĩ tôi thật là kẻ tiểu nhân.”

BÌNH GIẢI:

Một người nước Tề là Doãn Sĩ đã đánh giá thấp Mạnh Tử. Ông nhận xét rằng Mạnh Tử chỉ là một người tầm thường ở vào một trong hai trường hợp: hoặc không sáng suốt (bất minh), hoặc cầu bổng lộc (can trạch).

Thái độ từ chức khách khanh với bổng lộc mười vạn chung thóc một năm và không nhận làm tôn sư với bổng lộc một vạn chung thóc một năm đã chứng tỏ Mạnh Tử đến nước Tề không cốt ý cầu bổng lộc. Còn vấn đề Mạnh Tử có sáng suốt không, thì sao? Nếu sáng suốt, tại sao Mạnh Tử không biết vua Tề không thể làm vua Thang, vua Vũ được?

Hỏi như thế cũng giống như hỏi rằng: Khổng Tử không sáng suốt hay sao mà mất công bỏ ra 13 năm chu du liệt quốc tìm minh quân để cải tạo thiên hạ?

Thực ra đến bậc thánh nhân cũng không thể biết chắc được tương lai một dân tộc sẽ hướng về đâu. Nếu ai tin vào Thiên số, thì Thiên số cho một dân tộc chỉ hiện rõ ra sau khi mọi sự đã tới hồi chung cuộc. Trước đó, không ai có thể biết được Thiên số; cho nên một bậc đại Nho xưa mới nói: “Tận nhân lực nhi qui Thiên số” (Làm hết sức người rồi mới qui theo Thiên số.). Cũng trong quan điểm này, thi hào Nguyễn Du mới mượn lời Tam Hợp đạo cô để nói lên trong truyện Kiều: “Có Trời mà cũng tại ta.”

Nếu biết trước được tương lai không ra gì, người ta không cần nỗ lực làm việc nữa; hoặc nếu biết chắc rằng tương lai sẽ tốt đẹp, người ta cũng chẳng cần cố gắng làm gì. Tương lai một dân tộc, một đất nước hay một con người là một thực tại khả thể, có thể huy hoàng, có thể suy mạt. Đối với một đất nước, sự huy hoàng hay sự suy mạt tùy thuộc vào cả một dân tộc, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào tầng lớp trí thức hay sĩ phu; nhất là tùy thuộc nhiều vào người lãnh đạo đất nước tức là vào ông vua. Ông vua lại là một thực tại khả thể, nghĩa là có thể tốt, có thể xấu; ông vua ấy cũng có thể biến đổi từ tốt sang xấu hay từ xấu sang tốt. Tin rằng con người có thể cải thiện được và cố gắng cải thiện mỗi ngày một tốt hơn; đó là ý nghĩa của nhân sinh. Sự cố gắng cải thiện chính là giá trị cao cả nhất của một con người. Vì vậy, vua Thành Thang mới cho khắc vào bồn tắm của mình câu châm ngôn để đọc đi đọc lại mỗi ngày: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Ví như mỗi ngày một mới, thì ngày ngày phải đổi mới, ngày lại ngày đổi mới).

Nếu Mạnh Tử biết trước một cách chắc chắn vua Tề không thể làm vua Thang, vua Vũ được mà Mạnh Tử không đến Tề, thì còn có gì đáng nói nữa!

Nếu ông thầy nào cũng tin rằng học trò không thể tốt, không thể giỏi được, thì trong nhân loại đã không có sự giáo dục. Có sự giáo dục và có sự tiến bộ; đó là một bằng chứng rằng con người có thể cải thiện được.

Mạnh Tử đến nước Tề là do thiện chí muốn hoằng dương đạo lý trong thiên hạ để cho dân chúng được hạnh phúc, thái bình. Ông đến Tề với niềm hy vọng rằng mặc dù vua Tề chẳng bằng vua Thang, vua Vũ, nhưng nếu cố gắng cải thiện, vẫn có thể theo kịp vua Thang, vua Vũ được. Sự cố gắng cải thiện của vua Tề là một khả thể chưa nắm chắc, cho nên Mạnh Tử cũng cố gắng để thúc đẩy sự cải thiện ấy. Đó là giá trị trong nhân phẩm của Mạnh Tử vậy.

Dù sao, khi nghe được lời phân giải truyền gián tiếp đến, Doãn Sĩ đã tỉnh ngộ về sự đánh giá sai lầm đối với tâm tư một bậc hiền, tự nhận ra mình là kẻ tiểu nhân, chỉ biết dùng lý luận một chiều khô cứng để chê bai người, không có tấm lòng quảng đại, dung thông bao quát, linh hoạt của bậc đại nhân. Tuy nhiên biết mình là kẻ tiểu nhân, Doãn Sĩ cũng đã tiến bộ lắm rồi và rất đáng khen vậy.

13. Mạnh Tử rời nước Tề. Trên đường, Sung Ngu hỏi rằng: “Thầy dường như có sắc không vui. Ngày trước, Ngu tôi nghe thầy nói: ‘Người quân tử không oán Trời, không trách người.’

Mạnh Tử đáp: “Hồi ấy là một thời, hồi này là một thời!

“Năm trăm năm, ắt có bậc vương giả dấy lên; thời gian ấy ắt có những nhân vật nổi danh xuất hiện ở đời. Từ nhà Chu trở lại đây, đã có trên bảy trăm năm rồi. Tính theo con số ấy thì đã quá. Đã có thể đến thời thế nghiệm xét (thay đổi chính trị) rồi đấy.

Ôi, Trời chưa muốn thiên hạ được bình trị. Nếu như muốn thiên hạ bình trị, ở đời nay đây, bỏ ta, thì còn ai nữa? Ta sao lại chẳng an vui?”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử thất vọng với vua Tề, ra đi trong dáng vẻ buồn chán. Một đệ tử là Sung Ngu thắc mắc: Thầy có sắc mặt không vui, phải chăng thầy đã bỏ quên lối sống lạc thiên an mệnh thuở trước của người quân tử: không oán Trời, không trách người?

Mạnh Tử phân giải đại ý như sau:

Thuở trước khác, hồi này khác. Căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử từ lâu đời, dân chúng thời Xuân thu, Chiến Quốc cho rằng cứ khoảng 500 năm, lại có một bậc vương giả đủ tài năng, đức hạnh xuất hiện; đồng thời, cũng có các bậc anh tài, đạo đức ra giúp đỡ vị vương giả ấy, điều chỉnh lại những lệch lạc sai trái trong xã hội. Kể từ đời Văn Vương, Vũ Vương đến nay, đã trên 700 năm, nghĩa là vượt quá hạn số 500 năm, thế mà vẫn chưa thấy vị vương giả nào xuất hiện. Thời Xuân Thu, sau Văn Vương, Vũ Vương đã có Khổng Tử là bậc đại hiền. Ngày nay, thời Chiến Quốc, lại có Tử Tư, rồi Mạnh Tử cũng là những bậc hiền có tài kinh bang tế thế, nhưng không thấy vị vương giả nào ra đời để xoay đổi thời thế.

Gần đây, nghe tiếng Tề Tuyên Vương có lòng trắc ẩn đối với con bò bị đem đi giết, Mạnh Tử tưởng rằng Tề Tuyên Vương là một ông vua hướng thiện, đã thương súc vật như thế, chắc cũng thương dân. Mạnh Tử dự đoán rằng Tề Tuyên Vương có thể là vị vương giả đã xuất hiện ứng với niềm tin trong dân gian; cho nên ông mới lặn lội đường xa ngàn dặm mà đến nước Tề với hy vọng giúp vua đổi mới chính trị theo Vương đạo. Không ngờ mấy năm ở đất Tề, vua chẳng chịu thi hành vương đạo, mà chỉ thích mở rộng bá quyền. Vì thế, Mạnh Tử phải buồn bã ra đi. Mạnh Tử buồn không phải riêng cho mình, mà buồn cho thiên hạ phải chịu lầm than, loạn lạc, không biết bao giờ mới dứt.

Giá như Trời muốn cho thiên hạ được bình trị, giá như vua Tề chịu cải sửa theo vương đạo, thì người có thể giúp vua thực hiện một cuộc cách mạng chính trị chỉ là ông, chứ còn ai nữa? Nếu như thế thì không vui sao được?

14. Mạnh Tử rời nước Tề, ở lại ấp Hưu. Công Tôn Sửu hỏi rằng: “Quan chức mà không nhận bổng lộc, đường lối của người xưa chăng?”

Đáp: “Không phải. Ở đất Sùng, ta được yết kiến vua, lúc lui ra thì đã có chí nguyện bỏ đi; không muốn thay đổi ý ấy, cho nên không nhận (bổng lộc). Tiếp đến có lệnh phát động chiến tranh; không tiện xin đi. Ở lâu tại nước Tề, chẳng phải là chí nguyện của ta.”

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn này lại càng chứng tỏ Mạnh Tử đến nước Tề không phải để cầu bổng lộc. Mạnh Tử tuy có làm khách khanh ở Tề mấy năm nhưng không nhận lương bổng của vua Tề để khi cần thì rút lui cho tiện.

Giờ đây, trong khi thầy trò dừng chân tại đất Hưu, Công Tôn Sửu hỏi Mạnh Tử xem như thế có phải là đường lối của các bậc thánh hiền xưa chăng.

Mạnh Tử cho biết: Không phải.

Một khi đã quyết chí làm quan, hợp tác với vua trị nước thì phải nhận lương bổng; đó là món thù lao để chi dùng hằng ngày. Tuy nhiên, sau cuộc hội kiến với vua Tề ở đất Sùng, Mạnh Tử đã nhận ra rằng vua Tề không có chí nguyện theo vương đạo cùng với mình. Vì thế, Mạnh Tử đã có ý định bỏ đi từ đấy; cho nên vua Tề có cho vàng (100 dật) cũng không nhận. Vài năm kế tiếp đó, vì vua Tề ra lệnh phát động chiến tranh với nước Yên, Mạnh Tử không tiện xin đi, nhưng vẫn không nhận lương bổng. Như vậy, ở lại nước Tề mấy năm là tình trạng bất đắc dĩ, ngoài chí nguyện của Mạnh Tử.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x