Trang chủ » Chương 5. Ảnh hưởng của hoàn cảnh

Chương 5. Ảnh hưởng của hoàn cảnh

by Hậu Học Văn
231 views

A. Ảnh hưởng của hoàn cảnh

BẢN TÁNH loài người, ham bắt chước cái chi mình tôn kính. Những điều ta mục kích chung quanh ta là những tấm gương khuyến lệ, kích thích lòng hâm mộ, phấn khởi của ta. Khi còn nhớ, đi xem hát, thấy Quan Công đánh cờ, Hoa Đà múc tên tôi hết sức cảm phục cái thái độ điềm tĩnh của Quan Công, đến lập nguyện trong tâm, về sau không chịu rên khóc khi phải bị vấp ngã hay thương tổn Lớn lên, chung quanh tôi, trong phòng văn, thường hay treo những hình ảnh các bực anh hùng, dũng sĩ, những kẻ biết xem thường những náo động vô ích, những tình cảm nhỏ nhen của bản ngã. Về sau, chỉ giữ bên bàn viết một đầu hình Phật Thích Ca, đầu hình bằng đá, nét mặt trầm tĩnh không một nét gì tỏ ra cho ta thấy có mảy may thất tình. Mỗi khi, trong lòng tôi thấy muốn chao động, cặp mắt liền day bên gương mặt trầm tĩnh kia, như nhắc nhở, như khuyến lệ, bỗng dưng, trong lòng thấy phẳng lặng, nhẹ nhàng.

Tạo cho mình một hoàn cảnh, một không khí đầy sức mạnh thiêng liêng, giúp cho mình rất nhiều, trong bước đường đầu tiên trên con đường siêu thoát. Bởi vậy, hãy tránh xa những bạn tác, những kẻ nhút nhát, rụt rè, những kẻ háo thắng, nóng nảy, hay nói khoe khoang; trái lại, tìm mà làm bạn hay gần gụi với những kẻ điềm đạm, quả quyết, cử chỉ thuần hậu, ôn hoà. Lâu ngày, gần mực đen, gần đèn sáng. Nhứt định xa lánh những bạn tác có tính vụt chạc, lẳng lơ, náo động nhất thời, lao-chao liến-khỉ. Nếu hoàn cảnh bắt buộc phải sống chung, hay gần gũi với bọn người ấy, thì hãy xem họ như cái gương xấu phải giữ mình.

B. Tiết điệu điều hòa

Trong xã hội văn minh nầy, người ta thường gọi “thời giờ là tiền bạc”, đó là một trong nhiều nguyên nhân làm cho mất cả sự điềm tĩnh.

Khéo tiên liệu một cách châu-đáo những công việc làm hằng ngày của ta, định cho mỗi công việc một thời giờ riêng và thi hành theo đó một cách quả quyết không sai chạy, ấy là những cử chỉ đầu tiên ta phải lo nghĩ hơn hết, nếu ta muốn sống trong một tiết điệu điều hoà.

Được vậy, ta trừ được ba nguyên nhân của sự náo động vô ích:

Trễ nải, làm cho ta phải hấp tấp, hối hả, vụt chạc.
Quên, làm cho ta hối hận, bứt rứt.
Áy náy vì phải bận nghĩ về những điều sẽ làm sau nầy
Khéo tổ chức thời giờ làm việc như thế, đem lại rất nhiều cái hay cho sự điềm tĩnh của ta. Thật vậy, kẻ náo động nhất thời rất ghét sự kềm thúc ấy. Họ tưởng vậy là bị nô lệ trong thời giờ. Trái lại, làm thế là mình làm chủ lấy nó vì mình không để nó bắt chẹt mình được chút nào cả; mình không vì nó mà phải bị hối hả, mất cả sự điềm tĩnh trong cử chỉ, trong tư tưởng Khéo tổ chức thời giờ, giúp ta làm việc được thư thả, có tiết điệu, có qui tắc, không phải có sự nhọc nhằn.

Không phải bảo ta làm một cái biểu dùng thời giờ làm việc trong một năm hay một tháng. Nếu vì công việc của mình bắt buộc mà không thể nhứt định trước được trong một tuần, thì cũng ít ra, phải làm một cái biểu cho mỗi ngày. Trước khi đi ngủ, hoặc sáng sớm, lúc mới thức dậy, phải tiên liệu cho một chương trình làm việc trong ngày Làm như thế không phải là công việc dễ dàng gì, bởi nó sẽ gặp rất nhiều trở ngại đủ mọi phương diện, trong và ngoài: tâm tính lười biếng, cẩu thả của mình là một, sự quyến rủ cầu cạnh của kẻ khác quấy rối mình là hai Bởi vậy, ta phải thận trọng nhắc nhở lấy mình và đem hết ý chí mà thừa hành chương trình của mình đã lập sẵn đó. Hãy tự nhủ luôn luôn: “Tôi muốn sống theo sự quyết định của tôi, không chịu làm nô lệ cho một ý muốn nào khác ngoài tôi cả”.

Bạn hãy thí nghiệm trong một tháng, sẽ thấy đời bạn có tiết điệu điều hoà, tâm tánh bạn có chiều thư thả hơn xưa rất nhiều vậy.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x