Trang chủ » Chương 5. Đằng Văn Công Thượng

Chương 5. Đằng Văn Công Thượng

by Hậu Học Văn
909 views

ĐẰNG VĂN CÔNG, PHẦN TRƯỚC

1. Đằng Văn Công lúc làm thế tử, khi sắp đến nước Sở, có ghé qua nước Tống mà yết kiến Mạnh Tử. Mạnh Tử nói rõ về tính thiện; lời nói luôn đề cao vua Nghiêu, vua Thuấn.

Thế tử từ nước Sở quay về, lại đến yết kiến Mạnh Tử.

Mạnh Tử nói: “Thế tử nghi ngờ lời nói của ta sao? Này, đạo lý có một mối mà thôi.

“Thành Kiến đã bảo vua Tề Cảnh Công rằng: ‘Người kia là đàn ông, tôi cũng là đàn ông. Tôi sao lại sợ người kia?’

“Nhan Uyên đã nói: ‘Vua Thuấn là người nào? Tôi là người nào? Có hiện thực, cũng giống như vậy.’

“Công Minh Nghi đã nói: ‘Văn Vương là thầy ta vậy. Chu Công há lừa dối ta sao?’

“Nay nước Đằng bớt chiều dài thêm chiều ngắn, được gần năm chục dặm, nhưng có thể trở nên một nước tốt.

“Kinh Thư nói: ‘Ví bằng thuốc chẳng làm cho nhắm mắt thì bệnh chẳng khỏi.’”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử đem thuyết tính thiện ra nói với Đằng Văn Công, lúc ông còn làm thế tử nước Đằng, đồng thời đề cao vua Nghiêu, vua Thuấn là những người đã thực hiện tính thiện. Đó là Mạnh Tử có thâm ý mong mỏi sau này ở ngôi vua nước Đằng, thế tử sẽ theo gương vua Nghiêu, vua Thuấn hết lòng phát huy tính thiện để xây dựng Vương nghiệp. Dĩ nhiên, muốn phát huy tính thiện, người ta cần phải hạn chế nhân dục, bởi vì: “nhân dục thắng, thiên lý vong”. Tính thiện là thiên lý trong con người. Đó là điều rất khó khăn cho mọi người, nhất là những người ở địa vị giàu sang, tôn quý, nhiều quyền thế.

Chính sự khó khăn đó đã khiến cho thế tử Đằng ngờ vực những lời nói của Mạnh Tử. Từ nước Sở quay về, lại yết kiến Mạnh Tử, thế tử Đằng muốn hỏi thêm cho ra lẽ. Đoán trước được sự ngờ vực ấy, Mạnh Tử xác định: đạo lý trong cõi đời chỉ có một mối mà thôi. Đó là nhìn nhận tính thiện do Trời phú cho con người, giữ gìn và phát huy tính thiện ấy, để rồi tùy cơ hội mà cải thiện xã hội. Làm chính trị lý tưởng là tạo cơ hội cho mọi người được sống lương hảo, thân thiện với nhau.

Để thêm niềm tin và nghị lực cho Đằng Văn Công, Mạnh Tử đã nhắc lại lời của Thành Kiến, một vị quan nước Tề nói với Tề Cảnh Công ngày xưa (đồng thời với Khổng Tử). Lời đó có ý nghĩa: Người ta là người có tài đức, có nghị lực; ta đây cũng có thể thành tựu được như người, cớ sao lại sợ không bằng người?

Mạnh Tử nhắc thêm lời Nhan Uyên, cũng hàm ý tương tự: Vua Thuấn cũng là người như tôi, nếu tôi thực hiện tính thiện, tôi cũng sẽ trở nên như vua Thuấn.

Mạnh Tử lại kể về Công Minh Nghi, một hiền nhân nước Lỗ, đã nhắc lại lời của Chu Công rằng: “Văn Vương là thầy ta vậy.” Chu Công là bậc đại hiền của nhà Chu, đồng thời là con của Văn Vương, nhưng Chu Công cũng tôn Văn Vương làm thầy của mình vì Văn Vương đã nêu gương mẫu đạo đức cho Chu Công như một bậc thầy lý tưởng. Nhờ bắt chước, học tập ở Văn Vương, mà Chu Công đã nên bậc đại hiền, làm quân sư phụ chính cho Vũ Vương và Thành Vương sau này. Chu Công nào có nói dối các đệ tử hậu bối.

Nước Đằng tuy nhỏ, mỗi chiều khoảng năm chục dặm, nhưng nếu vua Đằng biết phát huy tính thiện thì có thể biến nước Đằng thành một quốc gia bình trị thiện hảo được.

Để kết luận, Mạnh Tử nhắc lại một câu Kinh Thư có ý nói rằng: những lời khuyên của Mạnh Tử như một liều thuốc đắng. Thuốc có đắng mới là thuốc tốt, mới có khả năng chữa khỏi bệnh. Tục ngữ có câu: “Thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng.” Thuốc đắng có thể làm cho người uống phải nhắm mắt lại mà vẫn phải cố uống; thì những lời khuyên của Mạnh Tử cũng có thể làm cho Đằng Văn Công khó chịu; khó chịu vì phải bỏ những thói xấu thuộc về nhân dục.

Thuốc đắng có thể chữa khỏi bệnh, thì những lời khuyên của Mạnh Tử cũng có thể giúp Đằng Văn Công trở nên vua Nghiêu, vua Thuấn của nước Đằng.

2. Đằng Định Công mất. Thế tử bảo Nhiên Hữu rằng: “Xưa kia, Mạnh Tử đã từng nói chuyện với tôi ở nước Tống, trong lòng mãi không quên. Nay chẳng may, dẫn đến biến cố lớn. Tôi muốn nhờ thầy hỏi Mạnh Tử, rồi sau mới tiến hành tang lễ.”

Nhiên Hữu đến đất Trâu, hỏi Mạnh Tử.

Mạnh Tử nói: “Chẳng phải điều tốt sao? Để tang cha mẹ, cố nhiên mọi việc phải tự mình làm cho trọn. Tăng Tử nói: ‘Còn sống theo lễ mà phụng sự; khi mất, theo lễ mà an táng, theo lễ mà cúng tế; đáng gọi là hiếu vậy.’ Lễ nghi ở nước chư hầu, ta chưa tìm hiểu. Tuy nhiên, ta từng nghe nói rằng: ba năm cư tang, mặc áo thô bỏ gấu, ăn uống cháo lỏng, từ Thiên tử suốt tới người dân thường, ba đời cùng theo vậy.”

Nhiên Hữu quay về truyền bảo. Quyết định ba năm cư tang. Các bậc cha bác và trăm quan đều không bằng lòng, nói: ‘Các vua đời trước của nước Lỗ là nước gốc của ta chẳng làm như vậy; các vua đời trước của ta (nước Đằng) cũng chẳng làm như vậy. Đến bản thân thế tử làm ngược lại thì không thể được. Vả lại, sách Chí (một cổ thư) có nói: ‘Việc tang tế nên theo ông cha đời trước.’ Đó là nói rằng ta phải giữ những điều đã có.”

Thế tử bảo Nhiên Hữu rằng: “Ngày trước tôi chưa từng học hỏi, chỉ thích ruổi ngựa, thử kiếm, nay các bậc cha bác và trăm quan không cho rằng tôi có đủ (khả năng giữ lễ tiết), sợ rằng không thể làm tròn việc lớn này. Thầy hãy vì tôi hỏi lại Mạnh Tử.”

Nhiên Hữu trở lại đất Trâu, hỏi Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Vậy, không phải cầu ở người khác nữa. Khổng Tử nói: ‘Vua mất hãy nghe (việc) ở quan Tể Tướng, húp cháo, mặt mày đen đúa, tới gần bài vị mà khóc lóc; trăm quan, các chức việc chẳng ai dám không buồn thương. Đó là làm gương trước vậy. Người trên có sự ưa thích nào, kẻ bề dưới ắt bắt chước còn đậm hơn nữa.

Năng lực của quân tử như gió; năng lực của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi ở trên, ắt cỏ rạp xuống.’ Điều đó ở tại thế tử thôi.”

Nhiên Hữu quay về truyền bảo. Thế tử nói: “Vậy, điều đó thật ở nơi tôi.” Năm tháng ở nhà tranh, thế tử chưa có một giới lệnh nào. Trăm quan và những người trong dòng tộc đều bảo rằng ngài biết (lễ). Kịp đến lúc an táng, bốn phương lại xem, thấy nhan sắc ngài rầu rĩ, sụt sùi khóc lóc xót thương; những người đến viếng tang rất đẹp lòng.

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, Kinh Xuân Thu của Khổng Tử có quan niệm chính danh trong ngôn ngữ. Thiên tử mất, nói là “băng”; vua chư hầu mất, nói là “hoăng”, để phân biệt địa vị trên dưới. Đằng Định Công là cha của Đằng Văn Công. Trước kia, Đằng Văn Công đã từng được nghe Mạnh Tử nói về thuyết tính thiện và vương đạo. Những lời dạy của Mạnh Tử ít nhiều đã có ảnh hưởng tới Đằng Văn Công; cho nên khi cha mất, Đằng Văn Công nhờ thầy dạy là Nhiên Hữu đi hỏi Mạnh Tử xem nên tổ chức lễ an táng như thế nào để chứng tỏ mình là con có hiếu.

Thấy Nhiên Hữu tỏ bày ý nguyện của thế tử, Mạnh Tử đã vội khen ngay, đó là ý nguyện tốt lành. Trọn vẹn đạo hiếu với cha mẹ là rèn tập thói quen hướng về điều thiện. Muốn làm điều thiện phải sinh hoạt theo lễ. Tăng Tử cho biết rằng đối với cha mẹ, phải theo lễ mà phụng sự khi các ngài còn sống; đến khi các ngài mất, cũng phải theo lễ mà an táng, cúng tế nữa. Theo phong tục đã có từ ba đời (Tam đại: nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu), từ Thiên tử cho đến dân thường, mọi người đều phải cư tang ba năm để tạ ơn cha mẹ đã có công chăm sóc, bế bồng trong ba năm ròng rã. Trong thời gian cư tang, người ta còn phải mặc áo thô hoặc thưa bỏ gấu, ăn cháo lỏng để biểu hiện nỗi buồn thương, không thiết gì đến sự xa hoa, sung sướng thể chất.

Được Mạnh Tử dạy bảo như thế, Nhiên Hữu về tâu lại. Đằng Văn Công quyết định cư tang ba năm theo lệ cũ. Tuy nhiên, các bậc cha bác trong dòng tộc và trăm quan đều phản đối, cho rằng các vua đời trước của nước Lỗ và nước Đằng đã bỏ lệ đó rồi; giờ đây, chỉ nên theo những tục lệ của cha ông gần gũi với mình thôi. (nước Lỗ và nước Đằng đều là hậu duệ của Văn Vương, cho nên nước Lỗ được gọi là Tông quốc: nước gốc của nước Đằng.

Qua đây, chúng ta mới biết vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc, các vua chư hầu đã bỏ mất nhiều lễ tiết của thời Tam đại. Đó là dấu hiệu của sự suy đồi trong nghi lễ; nó đã kéo theo những sự suy thoái khác về đạo lý, làm cho thời Xuân Thu, Chiến Quốc trở nên rối loạn; con người trở nên độc ác, tàn nhẫn, bất lương…

Thực ra, quá chú trọng vào những lễ tiết cầu kỳ, rườm rà thì hao tốn, mất thời giờ và tạo ra sự cách bậc giữa người trên, kẻ dưới; nhưng đơn giản quá hoặc bỏ qua lễ tiết lại làm cho người ta không còn giữ được kỷ cương lễ nghĩa nữa; từ đó nảy sinh nhiều tệ nạn, nhiều tai họa trong xã hội. Đó là điều mà những nhà cầm quyền cần phải suy nghĩ!

Không được sự hưởng ứng của dòng tộc và các quan trong triều đình, Đằng Văn Công lại nhờ Nhiên Hữu đi hỏi Mạnh Tử một lần nữa để giải quyết nỗi phân vân ngờ vực.

Lần này, Mạnh Tử trưng dẫn lời của Khổng Tử để nói về ý nghĩa của việc tang. Theo thói tục xưa, khi vua mất, thế tử không trực tiếp cai trị đất nước, mà giao quyền cho quan Tể Tướng coi sóc; ngài chỉ nghe Tể Tướng tâu lại (thính ư Trủng Tể). Ngài ăn uống đơn sơ (húp cháo), không chú trọng giữ gìn sắc diện đẹp đẽ (mặt mày đen đúa), mà khóc lóc để làm gương giữ đạo hiếu cho các quan. Bởi vì, vua có giữ đạo hiếu với cha mẹ mình, các quan mới bắt chước mà giữ đạo hiếu với cha mẹ họ; sau đó, dân chúng sẽ bắt chước vua quan mà giữ đạo hiếu với cha mẹ dân. Vua quan là những bậc quân tử trị nước có năng lực mạnh mẽ như gió; dân chúng trong nước ở địa vị thấp như cỏ trên cánh đồng. Gió thổi, cỏ rạp xuống như thế nào thì đức hạnh của vua quan có khả năng chế phục dân chúng để họ vui lòng tuân thủ pháp luật của nhà nước như vậy. Việc cư tang, giữ hiếu của vua có công dụng giáo hoá xa xôi và sâu sắc như thế. Thế tử muốn làm sao hãy thi hành như vậy, đâu cần phải lệ thuộc vào ai.

Được lời mách bảo khôn ngoan của Mạnh Tử, Đằng Văn Công quyết tâm thực hiện việc cư tang theo lệ cổ: ăn ở chay tịnh trong nhà tranh và trao việc trị nước cho Tể Tướng (không ra một giới lệnh nào). Lúc này, trăm quan và các bậc cha bác trong dòng tộc thấy ngài có nghị lực tuân thủ các lễ tiết xưa, lại quay ra đổi lập trường mà khen ngợi. Trong buổi lễ an táng, dân chúng bốn phương và sứ giả các nước chư hầu đến viếng tang đều hết lòng kính phục thế tử.

3. Đằng Văn Công hỏi về việc nước. Mạnh Tử nói: “Công việc của dân không thể trì hoãn.

“Kinh Thi rằng: ‘Ngày thì lấy cỏ tranh, đêm thì xe dây thừng; vội vàng leo lên nhà; đầu mùa thì gieo các giống lúa.’

“Đường lối của dân chúng như sau: có của bền vững thì có lòng bền vững; không có của bền vững thì không có lòng bền vững. Ví bằng không có lòng bền vững thì sống buông thả, lệch lạc, phung phí, chẳng có gì không làm. Đến khi bị khép vào tội, rồi sau theo đó đem hành hình; đó là bủa lưới dân vậy. Sao có người nhân ở ngôi vị lại có thể bủa lưới dân như vậy?

“Cho nên bậc vua hiền ắt phải khiêm cung, tiết kiệm, lễ độ với bề dưới, lấy thuế dân có chừng mực thôi.

“Dương Hổ nói: “Làm giàu thì bất nhân; làm nhân thì không giàu.”

“Đời nhà Hạ, dân được 50 mẫu, nộp theo phép cống. Người đời Ân được 70 mẫu, nộp theo phép trợ. Người đời Chu được 100 mẫu, nộp theo phép triệt. Thật ra đều lấy thuế khoảng một phần mười. Triệt nghĩa là thông suốt với nhau. Trợ nghĩa là nhờ cậy lẫn nhau.

“Long tử nói: ‘Trong việc quản trị đất đai, không gì tốt bằng phép trợ, không gì xấu bằng phép cống. Ở phép cống, tính số trung bình trong năm để lấy làm mức thường. Vào năm được mùa, thóc lúa dư dật; có lấy nhiều cũng không tàn ác; chỉ là lấy ít thôi. Vào năm mất mùa, phân bón còn không đủ, lại cố lấy cho đủ số (theo mức thường). Làm cha mẹ của dân mà khiến dân hằn học liếc nhìn, suốt năm lao động cần cù mà không đủ nuôi cha mẹ, lại phải vay mượn mà đóng cho đủ thuế, khiến cho già trẻ phải lăn lóc nơi ngòi rãnh. Sao làm cha mẹ của dân lại như vậy?

“Này, có những nhà truyền đời hưởng lộc, nước Đằng hãy cố thi hành quản trị đất đai cho tốt.

“Kinh Thi rằng: ‘Trời hãy mưa trên công điền của tôi, rồi hãy đổ tràn thoả thuê trên tư điền của tôi!’ Chỉ nhờ sự trợ giúp mới có công điền. Do coi vào đó, nhà Chu cũng dùng phép trợ.

“Hãy thiết lập các loại trường tường, tự, học, hiệu để giáo dục dân. Trường tường nuôi dưỡng những đức căn bản, trường hiệu dạy dỗ kiến thức, trường tự hướng dẫn bắn cung. Đời nhà Hạ gọi là hiệu; đời nhà Ân gọi là tự; đời nhà Chu gọi là tường. Trường học (ở kinh đô), thì cả ba đời (Hạ, Ân, Chu) đều gọi chung như vậy. Tất cả đều để sáng tỏ luân lý làm người. Luân lý làm người sáng tỏ ở bậc trên, đám dân nhỏ nhoi sẽ thân yêu nhau ở dưới.

“Nếu có bậc vương giả ra đời ắt sẽ dùng phép cai trị ấy; thế thì ngài là thầy của bậc vương giả vậy.

“Kinh Thi rằng: ‘Nhà Chu tuy là nước cũ, mệnh của nước ấy lại mới.’ Đó là lời chỉ đến Văn Vương. Nếu ngài ra sức thi hành, ngài cũng được một nước mới.”

Tất Chiến được sai đi hỏi về phép tỉnh địa (chia đất theo chữ tỉnh). Mạnh Tử nói: “Vua của ông định thi hành nền chính trị nhân đạo, nên đã chọn ông mà sai đi; ông nên cố gắng. Này, chính trị nhân đạo ắt khởi đầu từ cách phân chia giới hạn ruộng đất. Chia giới hạn ruộng đất mà không ngay thẳng thì phép tỉnh địa không đều, bổng lộc thóc lúa không công bằng. Vậy nên, những ông vua tàn bạo, những quan lại tham ô ắt khinh thường việc phân chia giới hạn ruộng đất. Việc chia giới hạn ruộng đất đã ngay thẳng, thì ruộng đất phân đều, bổng lộc có chừng mực, sự việc có thể ổn định bằng cách đơn giản (ngồi tại chỗ).

“Này đất đai nước Đằng tuy nhỏ hẹp, đều có người quân tử, đều có kẻ thôn dã. Không có quân tử, không ai cai trị kẻ thôn dã; không có kẻ thôn dã, không ai nuôi quân tử.

“Đối với nông thôn, xin lấy một phần chín theo phép trợ; đối với dân ở kinh thành (quốc trung), xin lấy thuế một phần mười. Quan khanh trở xuống được có ruộng tiêu chuẩn (khuê điền). Ruộng tiêu chuẩn được 50 mẫu. Con trai chưa vợ (16 tuổi trở lên) được 25 mẫu.

“Chết thì được chôn cất không ra khỏi làng. Ruộng đất trong làng cùng một khu chữ tỉnh, dân ra vào cùng là bạn của nhau, trông giữ (trộm cướp) cùng trợ giúp nhau, có bệnh tật thì cùng nâng đỡ nhau; trăm họ sẽ thân thiết hoà nhã với nhau.

“Một dặm vuông là một tỉnh; một tỉnh có chín trăm mẫu. Ở giữa là công điền. Tám nhà đều có trăm mẫu tư điền. Tất cả cùng chăm sóc công điền. Việc công làm xong, rồi sau mới dám làm việc riêng; cốt để phân biệt ra những dân ở nông thôn vậy.

“Đó là sách lược đại cương. Nếu như muốn sắp đặt đầy đủ, thì ở tại vua và ông vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đằng Văn Công cảm phục Mạnh Tử, cho nên sau khi chính thức lên ngôi, đã hỏi Mạnh Tử về phép trị nước. Ý tưởng Mạnh Tử được ghi chép trong bài này có thể gom thành ba đề mục:

– Đừng gây phiền hà cho dân.

– Thu thuế chừng mực.

– Giáo dục dân.

1. Đừng gây phiền hà cho dân:

Dân chúng thường xuyên vất vả, đầu tắt mặt tối. Kinh Thi đã nói lên những nỗi vất vả của dân chúng thời ấy: ban ngày, phải đi lấy cỏ tranh về lợp nhà, hoặc kết thành vách chắn mưa gió. Ban đêm, phải thức khuya xe dây thừng dùng để trói, buộc… Lại phải leo lên mái nhà để lợp giặm những chỗ bị gió tốc hay hư nát. Vào đầu mùa xuân, phải gieo các giống lúa, đậu, ngô, v.v. Những công việc ấy không thể trì hoãn được vì liên hệ tới sinh hoạt hằng ngày. Cho nên, một chính quyền tốt không nên gây phiền hà cho dân, tức là không nên bắt dân làm phu không công, hay phục dịch quan quyền. Những việc đó làm trì hoãn công việc hằng ngày của dân.

2. Thu thuế chừng mực:

Tâm lý của dân chúng thường theo đường lối chung là: hễ có của ăn, của dư hay những của cải bền vững như đất đai, nhà cửa, tiền bạc (hằng sản), thì họ cũng có lòng bền vững (hằng tâm), tức là có lương tâm, biết giữ gìn đạo đức, luân lý. Nếu họ là những người vô sản tay trắng, họ dễ sống buông thả, lệch lạc, phung phí, sa đọa, bất cần đời, bạ đâu làm đấy.

Vì thế, ở cương vị cầm quyền, nếu cứ bóc lột dân hay để cho dân đói rách; đến khi họ phạm tội cướp của, giết người, rồi đem ra hành hình; đó là một hình thức bủa lưới vây hãm dân. Là một người lãnh đạo nhân đức không thể bủa lưới vây hãm dân như vậy được.

Cho nên làm vua hiền phải ăn ở khiêm cung, tiết kiệm để bớt đánh thuế nhiều; bởi vì những khoản chi tiêu của vua và quan lại đều là do tiền đóng thuế của dân. Dân đóng thuế có chừng mực, thì dân bớt đói khổ, sẽ không sinh ra trộm cướp. Vua lại còn phải giữ lễ với cấp dưới để cho các quan cấp dưới cảm phục mà theo gương tiết kiệm của vua.

Dương Hổ (tức Dương Hoá, một gia thần của họ Quý ở nước Lỗ) đã nói một câu chí lý: “Làm giàu thì bất nhân, làm nhân thì không giàu..” Ông vua nào ham tiền của đều bất nhân, không có lòng thương dân. Ông vua nào có lòng thương dân, sẽ không tích luỹ của cải tiền bạc, nghĩa là không thu vét của dân.

Muốn thu thuế có chừng mực, phải có phép thuế hợp lý. Mạnh Tử nêu ra ba phép thuế đã có từ xưa: phép cống, phép trợ phép triệt.

Đời nhà Hạ, mỗi hộ dân (khoảng 6 người: gồm cha mẹ, vợ chồng và con cái) được 50 mẫu ruộng. Theo học giả Đoàn Trung Còn, mỗi mẫu đời xưa vào khoảng 144 mét vuông ngày nay.[29]Dân phải nộp thuế theo phép cống.

Đời Ân, mỗi hộ dân được 70 mẫu ruộng; nộp thuế theo phép trợ.

Đời Chu, mỗi hộ dân được 100 mẫu ruộng; nộp thuế theo phép triệt. Nhận định về ba phép thuế này, Long Tử, một hiền nhân thời cổ cho rằng:

tốt nhất là phép trợ, tệ nhất là phép cống.

Trong phép cống, nhà cầm quyền tính số trung bình của tổng số thóc lúa thu hoạch được trong một năm, rồi lấy một phần mười làm thuế đóng cho nhà nước. Phép cống này tệ hại ở chỗ: nhà nước không phân biệt năm được mùa và năm mất mùa. Được mùa hay mất mùa đều phải đóng thuế như nhau. Vào năm được mùa, nhà nông thu được thóc lúa dư dật, thì đóng theo định mức không có gì đáng nói. Nhưng vào năm mất mùa, bão tố lụt lội, số thu hoạch rất ít; nông dân không đủ tiền trả phân bón ruộng, phải mắc nợ; thế mà nhà nước vẫn thu thuế theo định mức, không bớt chút nào cả. Nông dân cần cù suốt năm, không đủ nuôi cha mẹ, lại phải đi vay mượn để đóng thuế cho khỏi tù tội. Do đó vào những năm mất mùa, già trẻ đói khát, chết đầy đường, đầy chợ. Như thế, có phải nhà nước quá tàn nhẫn không? Nhà nước vẫn tự nhận là cha mẹ của dân, tại sao lại nỡ bóc lột dân, khiến cho dân phải liếc mắt nhìn nhà cầm quyền trong nỗi căm hờn, hằn học?

Sở dĩ Long Tử khen phép trợ là tốt, bởi vì phép trợ tùy thuộc vào công điền trong phép tỉnh địa hay tỉnh điền. Theo đó, nông dân được chia đất theo hình chữ tỉnh () gồm chín khu. Mỗi hộ dân có hai lao động chính (chồng, vợ), cha mẹ già và con nhỏ không kể, được chia 70 mẫu (đời Ân), hoặc 100 mẫu (đời Chu). Tám hộ dân trong một tỉnh thông công với nhau (nhờ cậy lẫn nhau) cùng cày cấy khu công điền ở giữa để lấy hoa lợi nộp thuế cho nhà nước (nhiều ít tùy năm). Thế rồi, mỗi hộ lại lo cày cấy khu riêng của mình, gọi là tư điền; hoa lợi tư điền nông dân được hưởng trọn. Sang đời Chu, phép trợ được đổi tên là phép triệt (thông công với nhau); nhà nước cũng lấy hoa lợi công điền làm thuế như phép trợ.

Mạnh Tử nhắc cho Đằng Văn Công biết rằng, nước Đằng cũng có những nhà truyền đời hưởng lộc (thế lộc), dĩ nhiên phải thu thuế mới cấp phát bổng lộc cho họ được, nhưng hãy cố gắng theo phép trợ thì tốt.

Kinh Thi cho biết dân chúng thời Ân, Chu đã sốt sắng như thế nào trong sự hưởng ứng phép trợ. Họ khấn Trời đổ mưa xuống công điền trước để ruộng của nhà nước được tốt, sau đó hãy tuôn mưa xuống tư điền của dân. Nhà Chu thấy được ưu điểm ấy mới dùng phép trợ để thu thuế, nhưng đổi tên là phép triệt, tăng mỗi khu 70 mẫu lên thành 100 mẫu.

3. Giáo dục dân:

Đề mục tiếp theo của việc trị nước là chính quyền phải chú trọng tới việc giáo dục dân. Ở huyện, ở làng phải thiết lập trường tường, trường tự để dạy dân về đạo đức, lễ nghĩa, tức là những vấn đề nhân bản cần thiết. Cao hơn thì có trường hiệu để mở mang kiến thức và dạy bắn cung để giới trẻ tham gia vào việc bảo vệ, trị an. Ở kinh đô, thì xây dựng trường học, đào tạo bậc quân tử để biết cách cai trị dân chúng.

Các trường tường, tự, học, hiệu đều có công dụng chủ yếu là dạy luân lý làm người. Vua quan ở trên sống theo luân lý làm người, thì nhân dân ở dưới cũng sẽ bắt chước mà sống đạo đức, thân ái, hoà nhã với nhau.

Mạnh Tử nhấn mạnh với Đằng Văn Công rằng: phép cai trị theo ba đề mục trên là thích hợp, cần thiết nhất. Giá như có bậc vương giả nào ra đời về sau, cũng sẽ trị nước như vậy. Nếu giờ đây Đằng Văn Công thi hành phép cai trị ấy thì ông sẽ là bậc thầy của các vương giả đời sau.

Để khích lệ Đằng Văn Công, Mạnh Tử lại trích dẫn Kinh Thi: nhà Chu của Văn Vương tuy là một nước cũ, nhưng lại biết cai trị dân tốt, cho nên đã nhận được mệnh mới của Trời. Do đó, Đằng Văn Công có thể nhận được mệnh mới nếu ông chịu thi hành phép cai trị đã nêu.

Một thời gian sau, Đằng Văn Công lại sai Tất Chiến đến gặp Mạnh Tử để hỏi rõ hơn về phép tỉnh địa. Mạnh Tử giải thích cho Tất Chiến biết phép tỉnh địa chính là sự phân chia giới hạn ruộng đất (kinh giới) một cách hợp lý. Nếu ruộng đất được chia cho dân một cách công minh ngay thẳng thì việc thu thuế mới công bằng được. Vì vốn hành động thiếu ngay thẳng, cho nên các vua chúa bạo ngược, các quan lại tham ô rất coi nhẹ và bỏ qua việc phân chia giới hạn ruộng đất. Ruộng đất chia không đều, sẽ có bất công trong dân chúng; đó là đầu mối loạn lạc. Ruộng đất chia đều hợp lý, bổng lộc phát cho các quan chức có chừng mực hẳn hoi, thì việc ổn định đất nước rất đơn giản.

Nước Đằng tuy nhỏ hẹp nhưng cũng có hai loại người: người quân tử và dân nông thôn. Chức năng của người quân tử là dùng trí khôn sắp đặt, điều khiển, giáo dục. Chức năng của dân nông thôn là dùng sức lực để tạo ra của cải.

Vì vậy, ở nông thôn thì dùng phép trợ lấy thuế một phần chín trên khu tỉnh địa. Ở ven đô, đất ít thì lấy thuế một phần mười. Quan khanh thì được 50 mẫu để có bổng lộc tế cúng tổ tiên. Khi người con trai tới 16 tuổi thì được chia cho 25 mẫu; có vợ thành lập một hộ mới, sẽ được 100 mẫu (thời nhà Chu).

Như vậy, phép tỉnh địa gắn bó dân nông thôn với đồng ruộng quê hương mình. Người chết được chôn trên đất quê hương; người sống cũng không rời quê hương để kiếm ăn phương khác. Vì thế, thành ngữ “tha phương cầu thực” (đi nơi khác kiếm ăn) đã nói lên một nỗi bất hạnh của đời người.

Mọi người trong tỉnh trở nên bạn bè của nhau, giúp nhau trông giữ làng xóm chống trộm cướp, nâng đỡ nhau khi bệnh tật. Mọi người trong thôn xóm càng ngày càng thân mật với nhau.

Chính cách bố trí này lâu ngày đã tạo nên tình quê hương hết sức đậm đà sâu sắc trong tâm tình người Viễn Đông, trong đó có Việt Nam.

Mạnh Tử cho biết những điều ông nói về phép tỉnh địa chỉ là sách lược đại cương đã có từ trước. Bây giờ, để thích ứng với tình thế nước Đằng, cần phải sắp đặt, thay đổi ra sao, chọn điều gì, bỏ điều gì (trạch)cho đầy đủ tốt đẹp (nhuận) thì tùy thuộc vào sáng kiến của Đằng Văn Công và quan phụ tá Tất Chiến.

Nhận xét:

Những điều Mạnh Tử nói về cách trị nước trong đoạn văn này, xét trên cương lĩnh, là những điều cốt lõi, đúng cho mọi thời đại. Đừng gây phiền hà cho dân, thu thuế chừng mực bằng cách phân chia ruộng đất hợp lý và giáo dục nhân bản cho dân. Cả ba điều này vẫn đúng trong thời nay. Ngay trong thế kỷ 20 vừa qua và sang thế kỷ 21 (ở Mỹ Châu Latinh), bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng nói đến xoá bỏ xiềng xích trói buộc dân (đừng gây phiền hà cho dân), cải cách ruộng đất, (phân chia ruộng đất hợp lý), phổ cập và phát triển giáo dục (giáo dục nhân bản) cho toàn dân. Trên thực tế, các nhà cầm quyền có làm được hay không, có làm hợp lý hay không là một chuyện khác, nhưng tất cả đều nhấn mạnh đến ba điều mục mà Mạnh Tử đã nêu ra ở thời Chiến Quốc.

Chỉ có khác là phép tỉnh điền không còn hợp với thời nay nữa; nó chỉ hợp với thời đất rộng dân thưa vào trước Công nguyên (Xuân thu, Chiến Quốc). Ngày nay, dân chúng quá đông đúc, nhà cầm quyền không lấy đâu ra nhiều đất để chia cho dân; cho nên hướng phát triển đất nước bây giờ là gia tăng phát triển công kỹ nghệ. Đặc biệt đối với Hoa Kỳ, nông nghiệp cơ khí hoá thành công đến nỗi, chỉ một phần trăm dân số làm nghề nông là dư sức nuôi ăn cả nước, lại còn thừa nông phẩm để xuất khẩu nữa. Vì vậy, nói đến phép tỉnh điền vào thời nay là lỗi thời, lạc hậu.

Phương sách trị nước của Mạnh Tử chỉ thấy thiếu một điều quan trọng là Mạnh Tử không nói đến việc phát triển mạng lưới y tế để chữa bệnh cho dân. Tuy nhiên, không nói cũng phải, vì thời ấy, y tế chưa phát triển; kinh đô không có trường dạy y khoa; trong chính phủ cũng không có bộ y tế. Hầu hết dân chúng tự chữa bệnh cho nhau theo phương pháp cổ truyền. Vả lại, thời ấy, đa số người ta sống theo qui luật thiên nhiên, cho nên ít có những căn bệnh khó trị như thời nay.

Qua bài này, chúng ta nhận thấy Đằng Văn Công có thiện chí xây dựng đất nước theo đường lối nhân chính vương đạo; Mạnh Tử cũng tha thiết đem lại công bằng, hạnh phúc cho dân. Nhưng tiếc thay nước Đằng quá nhỏ; nếu qui vuông, mỗi chiều chỉ có khoảng 50 dặm (chừng 30 km), dân lại ít, nằm lọt vào giữa hai nước lớn Tề và Sở, lúc nào cũng muốn lăm le nuốt trửng! Hơn nữa, cục diện nước Trung Hoa từ Xuân Thu sang Chiến Quốc đang biến đổi từng ngày: các nước nhỏ dần dần bị thâu tóm để đi đến thống nhất. Từ trên 100 nước thời Xuân Thu, sang thời Chiến Quốc, Trung Hoa chỉ còn lại 7 nước; cuối cùng nhà Tần thống nhất thành một nước vào năm 221 trước Công nguyên. Trước một thời cuộc như vậy, cả Mạnh Tử lẫn Đằng Văn Công không có cơ hội, không có lợi thế để thi hành đường lối nhân chính vương đạo của mình.

Mạnh Tử là một hiền triết theo học thuyết nhân nghĩa đức trị của Khổng giáo, cho nên chủ trương cai trị trong sự tôn trọng sinh mệnh, nhân phẩm, tình người, không dùng những biện pháp tàn nhẫn, vô lương tâm, cưỡng bách dân chúng như chủ trương pháp trị theo Bá đạo của Vệ Ưởng và Lý Tư hay một vài chế độ khắc nghiệt, phi nhân đời sau. Đó chính là điểm son trong chính sách cai trị của ông.

4. Có người tên là Hứa Hành, làm theo lời dạy của Thần Nông, từ nước Sở đến nước Đằng; đặt chân đến cổng thì báo với Văn Công rằng: “Người ở phương xa nghe tin vua thi hành nền chính trị nhân đạo, ước mong nhận được một chỗ ở mà làm dân của vua.” Văn Công cấp cho chỗ ở. Các đệ tử của ông, vài chục người, đều mặc áo lông, bện dép, dệt chiếu để kiếm sống.

Có đệ tử của Trần Lương là Trần Tương, cùng với em là Tân, vác cày và lưỡi cày từ nước Tống đến nước Đằng, nói: “Nghe nói vua thi hành nền chính trị của thánh nhân, vậy cũng là thánh nhân. Chúng tôi mong ước được làm dân của thánh nhân.”

Trần Tương gặp Hứa Hành thì rất vui mừng. Bèn bỏ hết cái học của mình [nơi Trần Lương], mà học theo Hứa Hành. Trần Tương ra mắt Mạnh Tử, nói về học thuyết của Hứa Hành rằng: “Vua nước Đằng thật là vua hiền. Tuy nhiên vua chưa nghe được đạo lý. Bậc hiền với dân đều cày ruộng kiếm ăn; tự nấu ăn sáng chiều mà cai trị. Nay, nước Đằng có các kho lẫm đầy thóc lúa; đó là tàn hại dân để nuôi mình. Sao là bậc hiền được?”

Mạnh Tử nói: “Hứa Tử chắc trồng lúa mà ăn chăng?”

Đáp: “Đúng thế.”

“Hứa Tử chắc dệt vải mà mặc chăng?” Đáp: “Không phải. Hứa Tử mặc áo lông.” “Hứa Tử đội mũ chứ?”

Đáp “Đội mũ.” Hỏi: “Mũ gì?”

Đáp: “Mũ lụa trắng.” Hỏi: “Tự dệt lấy chăng?”

Đáp: “ Không phải. Đem lúa đổi lấy mũ.” Hỏi: “Sao Hứa Tử không tự dệt?”

Đáp: “ Có hại cho việc cày cấy.”

Hỏi: “Hứa Tử có lấy nồi đồng, nồi đất thổi nấu, có lấy đồ sắt để cày cấy chăng?”

Đáp: “Đúng thế.”

“Tự làm lấy những thứ ấy chăng?”

Đáp: “ Không phải. Đem lúa đổi lấy những thứ ấy.”

Mạnh Tử nói: “Đem lúa đổi lấy những dụng cụ nấu nướng và cày cấy, không gây điều dữ cho những thợ gốm, thợ đúc; những thợ gốm, thợ đúc cũng đem các dụng cụ của mình đổi lấy lúa, lẽ nào gây điều dữ cho nhà nông sao? Vả lại, Hứa Tử sao chẳng làm thợ gốm, thợ đúc để giữ những đồ gốm, đồ đúc ấy trong nhà mà dùng? Sao phải rắc rối trao đổi với các ngành công nghệ? Hứa Tử không sợ phiền nhiễu sao?”

Đáp: “Làm việc của các ngành công nghệ, lại không thể cày cấy được.”

Mạnh Tử nói: “Vậy thì cai trị thiên hạ, một mình lại có thể cày cấy được ư? Có việc của bậc đại nhân, có việc của kẻ tiểu nhân. Vả lại, thân xác một con người phải cần đầy đủ chức năng của các ngành công nghệ; nếu như tự mình làm lấy mà dùng sẽ khiến cho thiên hạ sống ngoài đường (chạy ngược chạy xuôi) vậy. Cho nên mới nói: ‘Có người lao nhọc tâm trí, có kẻ lao nhọc sức lực. Người lao tâm thì cai trị người khác; kẻ lao lực thì được người khác cai trị. Kẻ được người cai trị thì nuôi người; kẻ cai trị người thì được người nuôi.’ Đó là nghĩa lý phổ thông trong thiên hạ vậy.

“Đương thời vua Nghiêu, thiên hạ còn chưa được bình yên. Nước lụt tràn lan, ngập khắp thiên hạ. Cây cỏ tha hồ sum suê. Chim muông sinh sản đông đúc. Năm giống lúa không thể cho kết quả. Chim muông lấn áp con người. Đường đi của móng chân thú, vết chân chim đan nhau khắp trong nước.

“Vua Nghiêu một mình lo nghĩ, mới cất nhắc ông Thuấn để mở rộng việc cai trị. Vua Thuấn sai ông Ích phụ trách về lửa. Ông Ích dùng lửa mạnh thiêu đốt các núi đầm. Chim muông chạy trốn. Ông Vũ đào khoét chín con sông, khơi sông Tế, sông Đạp cho chảy vào biển; vét sông Nhữ, sông Hán, bới sông Hoài, sông Tứ cho chảy vào sông Giang.

“Sau đó, Trung Quốc mới có thể khai thác kiếm ăn. Trong thời gian ấy, ông Vũ tám năm ở ngoài; ba lần đi ngang qua cửa nhà mình mà không vào. Tuy muốn cày cấy liệu có được chăng? Ông Hậu Tắc dạy dân cấy gặt, trồng tỉa năm giống lúa. Năm giống lúa chín thì dân chúng mới được nuôi nấng.

“Người ta phải có đạo lý; ăn no mặc ấm, ở nhàn mà không được dạy dỗ thì gần giống chim muông. Thánh nhân có sự lo nghĩ, nên khiến ông Tiết làm quan Tư Đồ (phụ trách lễ giáo), lấy luân lý làm người mà dạy dỗ: cha con có tình thân, vua tôi có tình nghĩa, vợ chồng có phân biệt, người lớn trẻ nhỏ có thứ tự, bạn bè có niềm tin nhau.

“Ông Phóng Huân (vua Nghiêu) nói: ‘Hãy an ủi, vỗ về, sửa cho chính đính, sửa cho thẳng thắn, giúp rập, nâng đỡ, khiến dân tự thành tựu, lại theo nhau tiến lên bậc đạo đức.’ Thánh nhân lo lắng cho dân như thế, còn rảnh rỗi đâu mà cày cấy?

“Vua Nghiêu lấy việc không mời được ông Thuấn làm mối lo lắng. Vua Thuấn lấy việc không mời được ông Vũ, ông Cao Dao làm mối lo lắng. Này, lấy trăm mẫu ruộng không dễ làm mối lo lắng, đó là nhà nông vậy.

“Lấy của cải phân phát cho người gọi là huệ; lấy điều thiện dạy dỗ người gọi là trung thực. Vì thiên hạ mà mời được người, gọi là nhân. Cho nên đem thiên hạ trao cho người thì dễ, được người vì thiên hạ thì khó.

“Khổng Tử nói: ‘Lớn lao thay ông Nghiêu làm vua! Chỉ có Trời là lớn lao. Vua Nghiêu bắt chước Trời vậy. Bát ngát chừng nào! Dân không thể xưng tụng hết. Xứng đáng vua thay là ông Thuấn. Cao cả chừng nào! Có thiên hạ mà chẳng dính bén điều gì.’ Vua Nghiêu vua Thuấn cai trị thiên hạ, há không dùng hết tâm trí của mình sao? Cũng chẳng dùng tâm trí được vào việc cày cấy nữa.

“Ta nghe nói dùng xứ Hoa Hạ biến đổi xứ man di, chưa nghe nói biến thành man di. Trần Lương sinh ở nước Sở, vui mừng vì đạo lý của Chu Công, Trọng Ni (Khổng Tử), đã lên phương bắc học ở Trung Quốc. Các học giả phương bắc chưa ai có thể đi trước được ông. Ông ấy đáng gọi là nhà trí thức siêu quần. Anh em ông phụng sự (theo học) ông ấy được vài chục năm. Thầy chết, bèn đã phản bội.

“Ngày xưa Khổng Tử mất, ngoài ba năm, các học trò tỏ ra hết lòng; lúc sắp về, vào vái chào Tử Cống, cùng ngoảnh vào nhau mà khóc lóc đến mất cả tiếng; rồi sau mới về. Tử Cống quay lại cất nhà tại chỗ (bên mộ), ở đó ba năm sau mới về.

“Ngày khác, Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du thấy Hữu Nhược hơi giống thánh nhân (Khổng Tử) muốn đem việc phụng thờ Khổng Tử mà thờ ông ấy; lại ép buộc cả Tăng Tử. Tăng Tử nói: ‘Không thể được. (cái món đồ) đã giặt ở sông Giang, sông Hán, rồi đem phơi dưới nắng thu, trắng trẻo biết bao, không gì có thể sánh được.”

“Ngày nay, có kẻ man di ở phương nam nói giọng như chim quyết, chẳng phải đạo lý của tiên vương, ông bội phản thầy ông (Trần Lương) mà học theo kẻ ấy (Hứa Hành), cũng là khác với Tăng Tử rồi. Ta nghe nói (có câu tục ngữ) ‘Ra khỏi hang tối, bay lên cây cao’, chưa nghe nói xuống khỏi cây cao mà chui vào hang tối (bỏ Trần Lương theo Hứa Hành).

“Thiên Lỗ Tụng (Kinh Thi) nói: ‘Các Rợ Nhung, Địch bị đánh dẹp; các nước Kinh, Thư bị trừng trị.’ (Lời của Chu Công). Nơi mà Chu Công đánh dẹp đó là nơi ông theo học; đó là biến đổi ra điều chẳng tốt vậy.”

Trần Tương nói: “Theo đường lối của Hứa Tử, giá hàng ở chợ không có hai, trong nước sẽ không có gian tà. Tuy sai một đứa nhỏ năm thước (khoảng một thước tây) đến chợ, chẳng có ai lừa gạt được. Vải lụa dài ngắn bằng nhau, giá sẽ như nhau. Sợi gai, sợi vải, tơ mịn, tơ thô nhẹ nặng bằng nhau, giá sẽ như nhau. Năm giống lúa nhiều ít bằng nhau, giá sẽ như nhau. Giày dép lớn nhỏ bằng nhau, giá sẽ như nhau.”

Mạnh Tử nói: “Này, loài vật không đều nhau, đó là thực chất của loài vật. Hoặc hơn gấp năm; hoặc gấp mười, gấp trăm; hoặc gấp nghìn, gấp vạn. Ông đem chúng sánh bằng nhau, là gây rối loạn thiên hạ. Dép lớn, dép nhỏ cùng một giá, người ta há làm ra sao? Theo đường lối của Hứa Tử, sẽ khiến làm ra những cái giả trá mà thôi. Sao có khả năng cai trị quốc gia được?”

BÌNH GIẢI:

Bài này thuật lại cuộc đối thoại giữa Mạnh Tử và Trần Tương. Trần Tương trước kia là đệ tử của Trần Lương, một Nho sĩ nổi danh của nước Sở, giờ đây đã bỏ thầy cũ mà đi theo học thuyết của Hứa Hành. Trao đổi với Trần Tương, Mạnh Tử đã kịch liệt phi bác học thuyết Hứa Hành bằng những lý luận xác đáng và đanh thép.

Hứa Hành, người nước Sở, đề cao việc canh nông, học theo lời dạy tương truyền là của Thần Nông. Thần Nông là một vị vua huyền thoại, cho nên được vẽ dưới hình người đầu trâu, một trong Tam Hoàng (Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế) thời thái cổ ở Trung Hoa, sống vào khoảng trên dưới 40 thế kỷ trước Công nguyên. Người xưa vẫn truyền ngôn rằng Thần Nông là người đầu tiên dạy dân cày cấy và dùng các loại cây lá để chữa bệnh.

Nghe tin Đằng Văn Công thi hành nhân chính, Hứa Hành và Trần Tương cùng đến xin làm dân nước Đằng. Tại đây, vốn ưa thích nghề nông (vác cày và lưỡi cày từ nước Tống đến nước Đằng), Trần Tương nghe qua học thuyết của Hứa Hành thì thích lắm, bèn bỏ học thuyết Nho giáo của thầy Trần Lương mà theo Hứa Hành.

Ra mắt Mạnh Tử, Trần Tương chê ngay Đằng Văn Công, vị vua đang theo học thuyết của Mạnh Tử, là chưa phải bậc hiền chân chính; bởi vì Văn Công chưa tự mình cày ruộng, tự mình nấu nướng, sống nhờ vào lương thực của dân. Đó là tàn hại dân.

Mạnh Tử đã khôn ngoan vạch ra sự sai lầm của học thuyết Hứa Hành bằng cách nêu ra một loạt câu hỏi để cuối cùng cho rằng Hứa Hành không biết đến sự phân công trong xã hội loài người. Hứa Hành cày ruộng để sống nhưng ông ta không tự dệt được vải, mũ, không tự nung được đồ gốm, đúc được đồ đồng, đồ sắt, v.v. mà phải đem lúa đi đổi. Chấp nhận đổi chác là chấp nhận có sự phân công trong xã hội, nếu ai cũng tự mình làm hết các việc, thiên hạ sẽ ngược xuôi ngoài đường để tìm các nguyên vật liệu chế tác; như thế, mọi người sẽ quay cuồng mà cũng không thể tự đáp ứng được các nhu cầu cho mình. Sở dĩ nhân loại tiến hoá được và tạo nên các nền văn minh là người ta đã biết đến phân công. Càng phân công hợp lý, càng có các ngành chuyên môn. Các ngành chuyên môn nâng đỡ nhau, kết hợp với nhau một cách hài hoà tốt đẹp, thì xã hội mới ổn định, con người mới được sống thảnh thơi.

Trong nhu cầu phân công của xã hội, có người làm vua quan cai trị, có người làm lính bảo vệ biên cương, có người làm thầy dạy học, có người canh tác đất đai sản xuất lương thực, có người chuyên môn nấu nướng để tạo nên những bữa ăn ngon cho mọi người… Trong cuộc phân công đó, có người lao tâm, có kẻ lao lực; công việc nào cũng có cái khó, có cái dễ. Người lao tâm tuy được kẻ lao lực nuôi, nhưng lại phải đắn đo suy nghĩ, nhiều khi mất ăn, mất ngủ… Kẻ lao lực sau những công việc nhọc nhằn thể xác lại được giấc ngủ ngon lành, tâm trí thảnh thơi.

Ngày xưa, vua Nghiêu muốn cho thiên hạ thái bình, không thể ngồi yên cai trị một mình. Ông phải tìm ông Thuấn làm phụ tá. Ông Thuấn lại phân công cho ông Ích phụ trách về lửa, phân công cho ông Vũ trị thủy, phân công cho ông Hậu Tắc dạy dân trồng trọt, phân công cho ông Tiết dạy dân về nhân luân… Việc cai trị phức tạp, bộn bề như vậy, còn thời giờ đâu mà tự mình cày ruộng, tự mình nấu ăn? Cai trị thiên hạ khó lắm, đâu phải ai cũng có thể làm được? Đến như ông Vũ kia, phụ trách việc đào sông ngòi, kênh mương tám năm trời; ba lần đi qua cửa nhà mình mà không vào thăm vợ con được, vì bận quá!

Sau khi công kích học thuyết của Hứa Hành, Mạnh Tử mới vạch ra lỗi lầm của Trần Tương. Đó là cái lỗi bỏ học thuyết của thầy Trần Lương mà theo Hứa Hành; việc này cũng tương tự như người bỏ chỗ sáng đi vào chỗ tối, hay như con chim nọ bỏ cây cao mà chui vào hang sâu. Thầy Trần Lương là người nước Sở. Nước Sở xưa kia là nước Kinh, một xứ man di thiếu văn hoá. Vì ái mộ đạo lý của Chu Công, Khổng Tử mà Trần Lương mới rời Sở lên phương bắc du học ở Trung quốc. Trần Lương là một học giả xuất sắc trong Nho giáo; thế mà thầy Trần Lương mới chết, anh em Trần Tương đã phản bội thầy. Anh em Trần Tương sánh sao được với các đệ tử của Khổng Tử. Khổng Tử chết rồi, họ cư tang bên mộ thầy ba năm, thương khóc chẳng kém cha mẹ. Riêng Tử Cống làm nhà bên mộ thầy, ở đó thêm ba nữa mới về.

Các ông Tử Hạ, Tử Trương, Tử Du tưởng nhớ thầy Khổng đến nỗi ông thấy Hữu Nhược hao hao giống thầy Khổng, bèn rủ cả Tăng Tử cùng phụng thờ Hữu Nhược để coi như phụng thờ thầy Khổng. Tuy nhiên, Tăng Tử không chịu theo bởi vì Hữu Nhược không thể sánh được với thầy Khổng. Coi Hữu Nhược như thầy Khổng là vô lễ với thầy vậy.

Mạnh Tử phân giải thêm: Xứ Hoa Hạ (Trung Hoa) là một đất văn minh; trong khi nước Sở có nguồn gốc là nước Kinh, một địa phương vốn man di. Trần Tương đã học cái văn minh Hoa Hạ với thầy Trần Lương, những tưởng rằng văn minh Hoa Hạ đã biến đổi được chất man di trong Trần Tương; nào ngờ Trần Tương theo học thuyết Hứa Hành, tức là từ văn minh biến thành man di vậy. Ngày xưa Chu Công đánh dẹp Nhung, Địch, trừng trị Kinh (nước Sở), Thư cốt để thuần hoá tính mọi rợ, dã man của họ. Ngày nay, Trần Tương học theo Hứa Hành muốn mọi người tự trồng lấy thóc, tự nấu lấy ăn, khiến cho xã hội đi trở xuống, tức là học trở lại thói man di của địa phương mà ngày xưa Chu Công đã tốn công khai hoá. Đó là Trần Tương đã biến đổi ra điều chẳng tốt vậy.

Mạnh Tử đã dùng nhiều ví dụ và lý luận để chê bai học thuyết Hứa Hành và thái độ của Trần Tương. Xem ra Trần Tương vẫn chưa tỉnh ngộ vì còn quá tin vào một lý thuyết nữa của Hứa Hành. Đó là: ở chợ không có hai giá hàng. Ông này cho rằng có nhiều giá hàng ở chợ là đầu mối của gian tà. Không nên phân biệt vải khác lụa; không nên phân biệt các loại tơ sợi, không nên phân biệt các giống lúa (lúa nếp, tẻ, v.v.); không nên phân biệt giày dép lớn nhỏ, v.v. Tất cả đều có chung một giá cho mỗi chủng loại thì tránh được sự lừa dối.

Đây lại là một lý thuyết sai lầm thậm tệ nữa. Mạnh Tử phân giải: loài vật vốn không đều nhau; không đều là thực chất của các loài. Cái này hơn cái nọ; con này hơn con kia; hơn nhiều hơn ít là một thực tế. Vì thế mới có sự phong phú và sự bổ sung trong các tạo vật. Nay đem đánh đồng hết là làm rối loạn thiên hạ. Nếu vải và lụa bằng nhau, ai còn tốn công dệt lụa? Nếu sợi gai, sợi tơ bằng nhau, ai còn mất công nuôi tằm để kéo tơ? Nếu gạo tẻ, gạo nếp, bắp ngô… bằng nhau, ai còn tốn công trồng lúa nếp và lấy đâu ra nếp để thổi xôi hay gói bánh chưng? Nếu dép lớn, dép nhỏ cùng một giá, ai còn muốn làm dép lớn làm gì cho tốn vật liệu và tốn công? Vân vân và vân vân… Nếu cả xã hội bị ép buộc theo học thuyết ấy, nó sẽ dẫn đến sự giả trá, suy sụp to lớn; không ai còn muốn phấn đấu để phát triển, tiến bộ nữa. Xã hội sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trong lý thuyết ấy, mọi người không thể có hạnh phúc, đất nước không có sự trị an.

Nhận xét:

Học thuyết của Hứa Hành chỉ biết đề cao việc canh nông và đánh đồng tất cả mọi vật là một lý thuyết không tưởng, sai lầm nặng nề, chẳng đáp ứng được nhu cầu tiến hoá và hạnh phúc của nhân loại.

Hứa Hành tự nhận mình học theo lời dạy của Thần Nông; nhưng có chắc gì Thần Nông dạy như vậy. Giá như Thần Nông có dạy như thế, thì sau mấy nghìn năm tiến bộ của nhân loại, lời dạy ấy cũng lỗi thời, đâu còn thích hợp nữa. Vào thời Thần Nông, cứ theo huyền thoại, có lẽ bấy giờ loài người chưa có những nhu cầu phức tạp như thời Chiến Quốc. Thời ấy, có lẽ loài người hãy còn sinh hoạt thô sơ, chỉ mới biết hái lượm, ăn sống, mới tập dùng lửa. Tương truyền, vị vua đầu tiên dạy người ta cách lấy lửa gọi là Toại Nhân, dùng hai miếng gỗ cọ vào nhau để bật ra lửa; ông này cùng thời với Tam Hoàng (Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế). Người ta chưa biết đi giày dép, chưa biết đội mũ… Bấy giờ, việc cai trị chưa phức tạp, cho nên một ông vua như Thần Nông mới có thời giờ đi cày cấy, đi hái thuốc…

Nghe theo một lời dạy không có cơ sở chắc chắn, lại lỗi thời, Hứa Hành mắc vào cái tội quá sùng bái cổ nhân mà không biết linh hoạt đổi mới tùy thời. Đạo lý, tình người thì bất biến, nhưng cách sinh hoạt thì luôn luôn thay đổi. Một bậc thầy xứng đáng phải biết “ôn cố tri tân”, giữ điều hay và lọc bỏ điều dở của người xưa để vận dụng cho hợp thời.

Ngoài sai lầm thượng tôn nghề nông, Hứa Hành còn mắc lỗi lầm nặng nữa là muốn đồng nhất giá cả trên thị trường, cho mọi thứ cùng một giá trị. Giá vải bằng giá lụa, giá dép lớn bằng giá dép nhỏ, v.v. cứ thế mà mở rộng quan niệm đó, người ta sẽ cho nhà trí thức học hành 20 năm cũng bằng một anh thợ cày học cày trong một tháng, lương bổng như nhau. Như thế, ai còn phải mất công vùi đầu vào việc học hành, trau giồi kiến thức làm gì? Đành rằng xét về phẩm giá con người và giá trị đạo đức thì nhà trí thức cũng bằng anh thợ cày; có khi anh thợ cày còn có giá trị đạo đức hơn nhà trí thức. Nhưng xét về giá trị sinh lợi thì người trí thức phải hơn anh thợ cày chứ! Có trình độ kiến thức mới có thể tìm phương thế gia tăng năng suất thu hoạch, bằng cách chế tác máy móc giúp đỡ hay làm cố vấn cho nhà nông về cách chọn giống, bón phân… Vì vậy một kỹ sư canh nông, một bác sĩ… tuy không biết cày ruộng nhưng vẫn có giá trị hơn một anh thợ cày. Đánh đồng hết cả là mắc vào cái lỗi mà Trang Tử đã chỉ trích trong Nam Hoa Kinh: Cưa giò hạc cho bằng chân vịt, hay kéo dài chân vịt cho bằng giò hạc; đàng nào cũng khốn khổ. Đó cũng là cái lỗi mà người Tây phương đã ghi vào huyền thoại “Chiếc giừơng của Procus” (cưa chân tù nhân nào dài hơn và kéo dài chân tù nhân nào ngắn hơn chiếc giường đã đóng sẵn).

Cuối thế kỷ 19 ở Trung Hoa, triết gia Khang Hữu Vi (bị dân chúng gọi mỉa mai là Khang Thánh Nhân) cũng đã có tư tưởng “thượng đồng” kỳ cục như vậy.

5. Di Chi, học giả theo phái Mặc Địch, đã nhờ Từ Tịch xin ra mắt Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Ta cố tình mong gặp; nhưng nay ta còn bệnh; khi bệnh khỏi, ta sẽ đến thăm, Di Tử không phải đến nữa.”

Ngày khác, lại xin ra mắt Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Ta nay đã có thể gặp được. Nếu không thẳng thắn, đạo lý không biểu hiện được. Ta sẽ thẳng thắn trình bày. Ta nghe Di Tử học theo phái họ Mặc. Mặc Tử tổ chức việc tang theo đường lối đạm bạc. Di Tử nghĩ rằng lấy đó mà sửa đổi thiên hạ há là việc làm chẳng phải sao, mà chẳng quý trọng? Tuy nhiên Di Tử an táng đấng thân một cách trọng hậu, rồi lại cho việc phụng thờ đấng thân theo cách đó là thấp hèn.”

Từ Tử đem những lời ấy báo lại cho Di Tử. Di Tử nói: “Người thời xưa theo đạo lý nhà Nho cho rằng ‘Như bảo bọc con đỏ.’ Câu đó dạy điều gì? Chi này cho rằng nghĩa là yêu người không phân hơn kém thứ bậc, nhưng khởi đầu thi thố từ đấng thân.”

Từ Tử đem những lời ấy báo lại cho Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Này, Di Tử tin rằng người ta thân yêu con của anh mình cũng như thân yêu đứa nhỏ của nhà hàng xóm ư? Câu đó (nhược bảo xích tử) mang ý thế này. Đứa nhỏ bò lổm ngổm sắp rơi xuống giếng, đó chẳng phải lỗi của đứa nhỏ. Vả lại Trời sinh ra loài vật, khiến cho có một gốc. Thế mà Di Tử cho là hai gốc, duyên cớ là thế.

“Thời thượng cổ không từng có việc an táng cha mẹ. Cha mẹ chết thì đem vất bỏ vào hang hốc. Ngày khác qua đó, thấy chồn cáo ăn thịt, ruồi bọ lại đục khoét. Người ta rịn mồ hôi trán, liếc mắt mà chẳng dám nhìn. Này, mồ hôi rịn ra, chẳng phải rịn mồ hôi vì người khác, mà tại trong lòng phát hiện ra bộ mặt. Bèn quay trở về, lấy sọt lấy cuốc mà chôn lấp đi. Chôn lấp mới thành lệ vậy. Do đó, người con hiếu, kẻ có lòng nhân mới chôn lấp cha mẹ của mình; đó ắt cũng là đạo lý vậy.”

Từ Tử đem những lời ấy báo lại cho Di Tử. Di Tử bùi ngùi, thẫn thờ nói rằng: “Đó là lời dạy bảo cho Chi này vậy.”

BÌNH GIẢI:

Có một học giả theo phái Mặc Địch tên là Di Chi, muốn xin yết kiến Mạnh Tử qua trung gian của Từ Tịch (một học trò của Mạnh Tử). Có lẽ Mạnh Tử mượn cớ bị bệnh để thử xem Di Chi có thật lòng muốn học hỏi chăng. Bởi lẽ, vào thời Chiến Quốc, hai phái Nho, Mặc thường công kích lẫn nhau, không chấp nhận học thuyết của nhau.

Lần thứ hai, Di Chi lại đến xin gặp. Mạnh Tử biết là thật lòng, cho nên ông thẳng thắn trình bày quan điểm của mình nhưng vẫn qua trung gian đưa lời của Từ Tịch.

Vốn chê đạo Nho đa lễ, rườm rà, hao tốn, Mặc Tử chủ trương tổ chức tang lễ một cách đạm bạc. Di Chi nghĩ rằng lý thuyết của Mặc gia là đạo lý đúng đắn, có thể dùng để sửa trị thiên hạ. Tuy nhiên trên thực tế, Di Chi lại an táng cha mẹ theo nghi lễ trọng hậu. Bởi thấy việc an táng trọng hậu trái với lý thuyết đạm bạc của Mặc gia mà ông hằng quý chuộng, cho nên trong lòng Di Chi vẫn có mặc cảm là mình làm một việc thấp hèn đáng trách. Mạnh Tử đã phân tích tâm lý của Di Chi như vậy.

Những lời nhận xét của Mạnh Tử được Từ Tịch chuyển đến cho Di Chi. Di Chi liền nêu ra thắc mắc: người theo đạo Nho xưa thường nói câu “Như bảo bọc con đỏ” (nhược bảo xích tử). Có lẽ câu đó có nghĩa rằng đạo Nho cũng chủ trương yêu thương mọi người như bảo bọc con đỏ, không hơn kém thứ bậc xa gần, nhưng khởi đầu tình yêu thương ấy từ cha mẹ và thân tộc.

Thấy Di Chi không hiểu rõ vấn đề, lẫn lộn lãnh vực này sang lãnh vực khác, cho nên Mạnh Tử tách vấn đề trên thành hai lãnh vực khác nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ của Mạnh Tử ở đây có vẻ tối nghĩa; chúng ta cần phải hiểu như sau:

Câu “như bảo bọc con đỏ” thực ra thuộc lãnh vực chính trị. Câu này vốn là một câu văn trích ở thiên Khang Cáo, phần Chu Thư trong Kinh Thư, tương truyền do Khổng Tử san định. Nguyên văn trọn câu này như sau: “Nhược bảo xích tử, duy dân kỳ khang nghệ”: giống như bảo bọc đứa con đỏ, thì dân được trị an. Đây là lời Vũ Vương do Chu Công thuật lại, khuyên em là Khang Thúc về đạo trị nước. Ý tứ của câu này là: người lãnh đạo đất nước cai trị dân cần phải lấy việc cha mẹ săn sóc, trông nom đứa con làm mẫu mực. Đứa con đỏ bò lổm ngổm sắp rơi xuống giếng, đó chẳng phải lỗi của đưa nhỏ, mà là lỗi của cha mẹ chẳng chăm nom săn sóc. Tương tự như vậy, dân chúng ít học hay làm càn, vi phạm luật pháp, không phải do lỗi của dân, mà là lỗi của nhà cai trị không biết dạy bảo dân, tạo điều kiện cho dân được no ấm để tránh khỏi lỗi lầm. Dân chúng xưa nay thường xuyên chịu thống khổ, lầm than, thiếu thốn, bị bóc lột, áp bức, bị lo lắng sợ sệt trăm chiều. Nếu nhà cai trị biết yêu dân như cha mẹ bảo bọc con đỏ của mình, thì sẽ biết tìm ra phương thế để giúp dân bớt khổ.

Di Chi đã hiểu lầm ý nghĩa câu trên mà giải sang lãnh vực đạo đức: “Yêu người không phân hơn kém thứ bậc.” (Dĩ vi ái vô sai đẳng.) Sở dĩ Di Chi giải như vậy vì ông ta quen nghĩ theo học thuyết “Kiêm ái” của Mặc Địch. Mặc Địch chủ trương gồm yêu tất cả mọi người không phân biệt thân sơ (kiêm ái), khác với đạo Nho chủ trương yêu cha mẹ, vợ con, anh em họ hàng (thân tộc) trước đã. Di Chi nói: “Yêu người không phân hơn kém thứ bậc, nhưng khởi đầu thi thố từ đấng thân.” (Dĩ vi ái vô sai đẳng, thi do thân thủy.); đó là Di Chi có thiện ý muốn dung hoà hai học thuyết Nho Mặc.

Về điểm này, Mạnh Tử công kích Di Chi và cũng là công kích Mặc phái. Ông nêu câu hỏi: “Này, Di Tử tin rằng người ta thân yêu con của anh mình cũng như thân yêu đứa nhỏ của nhà hàng xóm ư?” Thực tế không phải vậy. Theo tâm lý phổ thông, người ta yêu thương từ gần ra xa, yêu con mình, sau đó mới yêu thương con của anh, rồi sau nữa mới yêu đến đứa nhỏ của hàng xóm.

Mạnh Tử cho rằng Trời sinh ra loài vật, trong đó có loài người, khiến cho có một gốc. Có nghĩa là mỗi người chỉ có một gốc là cha mẹ mình. Nay Di Chi và Mặc phái chủ trương yêu những người khác cũng như yêu cha mẹ tức là chủ trương mỗi người có hai gốc: gốc cha mẹ và gốc người ngoài. Duyên cớ sai lầm của Di Chi nằm ở chỗ đó.

Thực ra, khi trả lời cho Phàn Trì hỏi về đạo nhân, Khổng Tử chỉ nói một cách chung là “Yêu người” (ái nhân); tức là lòng yêu thương mọi người, hơn loài vật. Đó là một đạo lý đúng đắn mang tính truyền thống. Mạnh Tử cũng hiểu như vậy, nhưng trên phương diện thực hành, ông cho rằng phải yêu thương từ gần ra xa: từ cha mẹ, vợ con, anh em, họ hàng, làng xóm, rồi mới đến mọi người trong thiên hạ. Mặc phái cho rằng yêu thương kiểu đó là hẹp hòi, mới chủ trương “Kiêm ái” (gồm yêu tất cả mọi người, không phân biệt xa gần). Lý thuyết của Mặc phái cũng rất hay. Lý thuyết đó giống như lý thuyết “Bác ái” của Kitô giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, có những người vì quá lưu tâm đến “Kiêm ái” cho nên đã dành thời giờ đi lo việc thiên hạ đến nỗi bỏ quên bổn phận đối với cha mẹ, vợ con, anh em, họ hàng! Người bình dân Việt Nam có những câu tục ngữ nói về loại người ấy như: “Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”, hay “ăn cơm nhà, thổi tù và thuê”, hay câu ca dao:

Chạy đôn chạy đáo việc người, Bỏ rơi cha mẹ cho ruồi nó bu.”

Việc yêu thương thiên hạ chưa lo được đến đâu nhưng lại bỏ quên cha mẹ cô độc và vợ con nheo nhóc. “Kiêm ái” như thế, thật là hỏng việc. Quan niệm của Nho giáo có vẻ hẹp hòi, không hợp với những tâm hồn quảng đại, nhưng lại gần gũi với thực tế, với tâm lý quần chúng hơn. Vì thế Mạnh Tử mới chê lý thuyết của Mặc Địch là không có cha mẹ và cho Mặc Địch là con người cực đoan: “Mòn trán lỏng gót” mà không quên lo việc thiên hạ; đối nghịch với cực đoan Dương Chu là: “nhổ một sợi lông mà lợi cho thiên hạ, không làm.” (Bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ bất vi.). Nho Mặc công kích lẫn nhau một phần cũng chỉ vì sự khác biệt lý thuyết đó.

Ngoài ra, Mạnh Tử giải thích cho Di Chi biết nguồn gốc của nghi lễ an táng, một chi tiết về đạo hiếu trong Nho giáo. Ông cho biết thuở xưa, người ta chưa biết chôn cất cha mẹ. Việc chôn cất bắt đầu diễn ra khi người ta thấy thi thể cha mẹ bị chồn cáo cắn xé trong hang núi… Người con nào thấy cảnh tượng ấy mà chẳng đau lòng, rịn mồ môi trán! Vì thế, việc chôn cất và lễ an táng trọng hậu dần dần được hình thành để thể hiện tâm tình thương tiếc đối với người đã khuất. Nho giáo đề cao lễ, trong đó có lễ an táng là cốt vun đắp tình người thêm nhân hậu chứ không cốt bày vẽ cho mất thời giờ và tốn phí tiền bạc. Tình người nhân hậu biết xử tốt với người đã khuất thì cũng biết xử tử tế với người còn sống. Như thế, xã hội mới được ổn định thái bình. Đạo lý ấy xuyên suốt qua cả sự chết và sự sống của con người.

Sau khi hiểu ra, Di Chi mới nhận rằng Mạnh Tử đã dạy cho mình những điều phải lẽ.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x