Trang chủ » Chương 5 – Kì tích của Tạo hóa

Chương 5 – Kì tích của Tạo hóa

by Hậu Học Văn
195 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Mỗi loài động vật, động vật có vú trong đó có con người – được coi là sinh vật kì diệu nhất – đều là kết quả của quá trình phát triển từ một tế bào giản đơn như mọi tế bào nguyên thủy khác, không có bất cứ sự khác biệt nào

Các nhà tư tưởng các thời kì đều bị lôi cuốn bởi một thực tế, đó là tại sao một sinh vật có thể đi từ không đến có, để rồi cuối cùng phát triển thành một người đàn ông hay một người đàn bà có tư tưởng hẳn hoi?

 Quá trình này diễn ra như thế nào? Những cơ quan vừa phức tạp vừa kì diệu đến thế đã được hình thành như thế nào? Đôi mắt là do cái gì tạo thành? Cái lưỡi mà chúng ta dùng để nói có được từ đâu? Còn cả bộ não và những bộ phận khác trên cơ thể con người, tất cả được hình thành do đâu? Các nhà khoa học và các nhà tư tưởng thời kì đầu thế kỉ 18 đều cho rằng, những bộ phận đó được hình thành từ rất lâu rồi. Họ cho rằng, trong tế bào chắc chắn phải có một con người tí hon hay thu nhỏ. Họ cho rằng con người trong tế bào đó nhỏ đến nỗi mắt thường không thể nào nhìn thấy được, nhưng chắc chắn có tồn tại, và rồi sẽ phát triển thành một con người to lớn như bình thường. Quan điểm này còn được cho là đúng với mọi loài động vật có vú, nhưng các nhà khoa học thời đó cũng chia thành hai trường phái: Một theo thuyết tinh trùng, một theo thuyết noãn tử. Hay nói một cách khác, một quan điểm cho rằng con người tí hon này tồn tại trong tế bào mầm ở nam giới, còn một quan điểm khác lại nhận định con người tí hon này tồn tại trong tế bào mầm ở nữ giới. Phần lớn các tranh luận đều diễn ra xung quanh vấn đề này.

 Nhưng một dược sĩ thời bấy giờ tên là G.F.Watts đã quyết định sử dụng chiếc kính hiển vi mới phát minh ra để tự mình quan sát, với mong muốn xem rốt cuộc quá trình này đã xảy ra như thế nào. Để đạt được mục đích của mình, ông đã tiến hành nghiên cứu tế bào trứng đã được thụ tinh ở gà. Cuối cùng ông đã đưa ra một kết luận khiến mọi người kinh ngạc: Trong quả trứng không hề có gà con, mà gà con được hình thành từ từ. Đồng thời ông cũng miêu tả lại những gì mình đã nhìn thấy qua kính hiển vi: Ban đầu chỉ có một tế bào mầm duy nhất, sau đó tế bào này phân tách thành hai tế bào, hai tế bào lại phân chia thành bốn tế bào (hình 1), cứ tiếp tục như thế, cuối cùng một chú gà đã được hình thành.

Hình 1 - Sự phân chia tế bào mầm

Hình 1 – Sự phân chia tế bào mầm

Các học giả bảo vệ quan điểm cũ tất nhiên vô cùng phẫn nộ với Watts. Thật thiếu hiểu biết! To gan! Dị đoan! Mạo phạm tôn giáo! Những lời chỉ trích cứ thế dồn dập trút lên ông. Quan điểm của Watts phải đối diện với tình thế vô cùng khó khăn, đến nỗi ông đành trốn chạy ra nước ngoài. Ông tổ của ngành phôi thai học hiện đại đã lưu vong ở nước ngoài như thế đó.

 Mặc dù kính hiển vi đã được sử dụng rộng rãi nhưng suốt 50 năm sau đó, không có ai dám dùng nó để tiến hành quan sát và nghiên cứu về bí mật đó nữa. Watts – người tiên phong đã vượt lên trước thời đại rất xa. Về sau, có một nhà khoa học tên là K.E. Van.Bayer đã tiến hành lại những thực nghiệm của Watts và phát hiện ra rằng, những kết luận của ông là chính xác, lúcnày mọi người mới chấp nhận phát hiện thực tiễn mới mẻ này. Từ đó, một phân nhánh mới rất thú vị của khoa học đã ra đời, đó chính là ngành phôi thai học.

 Phôi thai học rõ ràng là một phần kì diệu nhất của khoa học, không nghiên cứu các bộ phận trên cơ thể người trưởng thành như trong giải phẫu học, không nghiên cứu chức năng của các bộ phận cơ thể như trong sinh lí học, cũng không nghiên cứu về bệnh tật như trong bệnh lí học, môn khoa học này lại chuyên nghiên cứu về quá trình phát triển của sự sống, nghiên cứu quá trình từ không đến có của sự sống.

Mỗi loài động vật, động vật có vú trong đó có con người – được coi là sinh vật kì diệu nhất – đều là kết quả của quá trình phát triển từ một tế bào giản đơn như mọi tế bào nguyên thủy khác, không có bất cứ sự khác biệt nào. Vì kích thước của những tế bào này vô cùng nhỏ bé nên người ta cảm thấy chúng rất kì diệu. Tế bào mầm ở cơ thể nam giới dài chưa tới 1/10 mm, hay nói một cách trực quan sinh động hơn là bạn hãy dùng một chiếc bút chì đã được vót nhọn và chấm một chấm trên giấy, tổng độ dài của mười dấu chấm liên tiếp như thế chắc chắn chưa đầy 1 mm. Từ đó có thể thấy rằng, tế bào nguyên thủy mà sau này sẽ phát triển thành một con người, ban đầu nhỏ bé đến mức nào. Tế bào này phát triển độc lập với cơ thể người, nó được bao bọc bởi một lớp nang có tác dụng bảo vệ. Nang này sẽ biệt lập với cơ thể người đang chứa nó.

Phát hiện trên đúng với tất cả mọi loài động vật. Tế bào mầm tách biệt với cơ thể mẹ, sự phát triển từ bé đến lớn của tế bào này là hoàn toàn tự thân. Nó đã mở ra không gian vô hạn cho trí tưởng tượng của con người. Tất cả các vĩ nhân – dù là Alexander hay Napoleon, dù là Dante, Shakespeare hay Gandhi thì cũng đều giống như đồng bào của họ – đều là kết quả phát triển từ một tế bào vô cùng nhỏ bé.

Dùng một chiếc kính hiển vi cao cấp hơn nữa, chúng ta có thể phát hiện ra rằng, tế bào mầm này là tổ hợp của một số lượng huyết cầu nhất định và rất dễ bị vật chất hóa học nhiễm sắc, đó là lí do vì sao con người đặt tên cho chúng là “nhiễm sắc thể”. Nhiễm sắc thể của từng loài khác nhau cũng không giống nhau. Con người có 46 nhiễm sắc thể, các loài vật khác có từ 13 đến 15 nhiễm sắc thể, số lượng nhiễm sắc thể của từng loài là cố định. Nhiễm sắc thể được coi là vật chất mang đặc trưng di truyền. Gần đây, thông qua loại kính hiển vi siêu phóng đại, người ta đã khám phá ra mỗi nhiễm sắc thể là một hộp nhỏ chứa một chuỗi các hạt, mà mỗi chuỗi này có thể bao gồm 100 hạt nhỏ. Sau khi nhiễm sắc thể tách ra, các hạt nhỏ này được giải phóng và tế bào trở thành một kho chứa khoảng 4000 hạt nhỏ (gen). “Gen” là từ dùng để chỉ khái niệm di truyền từ đời này sang đời khác. Đại đa số quan điểm cho rằng, bên trong gen chứa đựng những thông tin di truyền nhất định, ví dụ như hình dạng mũi hay màu của tóc.

 Đương nhiên không thể giải thích hiện tượng khoa học này chỉ bằng cách dựa vào kính hiển vi, bởi vì bộ não của con người rất giàu tính sáng tạo. Đại não không chỉ chụp lại và lưu giữ hình ảnh của những sự vật bên ngoài mà còn có khả năng sáng tạo. Bằng trí tưởng tượng và khả năng “đào sâu suy nghĩ”, con người có thể liên kết những sự việc đang diễn ra với nhau. Tất cả những phát hiện khoa học mà con người thu được đều nhờ vào năng lực này. Nếu chúng ta không tin tưởng vào phát hiện về nguồn gốc của sinh vật thì những lí thuyết khoa học đơn điệu này sẽ bỗng chốc trở nên vô cùng bí ẩn. Trong tế bào nhỏ bé đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường đó chứa đựng thông tin di truyền được tích lũy từ đời này sang đời khác. Tế bào bé xíu này lại bao hàm tất cả những kinh nghiệm của loài người.

Hình 2 – Chuỗi 100 gen nối nhau

Hình 2 – Chuỗi 100 gen nối nhau, những gen này tồn tại bên trong 46 nhiễm sắc thể được sắp xếp theo dạng hình học ở bên trái.

Trước khi trong tế bào diễn ra những thay đổi và phát triển mà mắt thường có thể nhìn thấy được thì gen đã sớm bố trí trình tự của chúng rồi. Trong quá trình bố trí gen cũng xảy ra cạnh tranh và lựa chọn ưu thế, vì vậy không phải bất cứ gen nào cũng có thể phát huy tác dụng trong quá trình trưởng thành của con người trong tương lai. Chỉ những gen giành chiến thắng trong quá trình cạnh tranh mới có thể phát huy tác dụng, chúng mang đặc trưng di truyền nổi trội.

 Những gen không thể phát huy tác dụng là những gen mang đặc tính lặn. Hiện tượng khác thường này của tế bào mầm đã được phát hiện lần đầu tiên bởi Mendel. Ông đã đưa ra giả thuyết khoa học này dựa vào những thí nghiệm nổi tiếng của mình. Mendel đã thử lai một giống thực vật hoa đỏ với một giống thực vật cùng họ nhưng hoa trắng. Hạt giống sau khi lai tạp khi nảy mầm và sinh trưởng đã cho tỉ lệ hoa đỏ : hoa trắng là 3:1. Điều đó có nghĩa là tỉ lệ cây hoa đỏ – gen trội và cây hoa trắng – gen lặn là 3:1. Thông qua ví dụ này có thể dễ dàng rút ra một kết luận, rằng sự xuất hiện tổ hợp đặc trưng di truyền trội và lặn tuân theo một quy luật bất biến. Việc nghiên cứu các khả năng tổ hợp của gen là một công việc vô cùng phức tạp. Dưới điều kiện là ưu thế gen khác nhau, mỗi tế bào sinh dục sẽ trưởng thành thành một cá thể xấu đẹp, mạnh yếu khác nhau.

Chính vì sự tổ hợp gen khác nhau như vậy mà mỗi người là một cá thể hoàn toàn khác biệt với những người khác. Đó cũng là lí do mà những đứa trẻ cùng cha cùng mẹ sinh ra nhưng lại có người đẹp người xấu, người khỏe người yếu, người thông minh kẻ ngốc nghếch. Vì vậy mà người ta bắt đầu chú ý tới việc nghiên cứu điều kiện xuất hiện gen di truyền ưu việt, từ đó một môn khoa học hoàn toàn mới đã ra đời – môn ưu sinh học ứng dụng. Mặc dù chương này là nghiên cứu lịch sử khoa học (về gen và sự tổ hợp gen) dựa trên cơ sở của rất nhiều giả thiết, nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến nghiên cứu kết quả sau quá trình tổ hợp gen. Quá trình trưởng thành sinh học của một cá thể bắt đầu từ đó. Đó là quá trình phân li từ một tế bào, rất đơn giản và dễ dàng quan sát được. Thậm chí ngay sau lần đầu tiên quan sát sự phát triển của phôi thai qua kính hiển vi, Woolf đã có thể tiến hành mô tả các giai đoạn khác nhau trong quá trình đó.

Đầu tiên, một tế bào phân chia thành hai tế bào giống nhau và có liên hệ với nhau. Hai tế bào sau đó trở thành bốn, bốn trở thành tám, tám trở thành mười sáu, cứ thế các tế bào phân li không ngừng. Quá trình này chỉ dừng lại khi có sự xuất hiện của hàng trăm tế bào, tương tự như việc để xây một căn phòng, trước hết bạn phải mua đủ số lượng gạch vậy. Sau đó, những tế bào này được phân thành ba lớp có ranh giới rõ ràng, giống như những viên gạch đã được xây thành tường (so sánh của Huxley). Quá trình diễn ra sau đó ở mỗi loài động vật là giống nhau. Đầu tiên, tế bào hình thành một quả cầu rỗng giống như quả bóng cao su Ấn Độ (phôi dâu). Sau đó vỏ của nó bị bẻ cong thành hai mặt đối xứng nhau, vì thế nó có ba mặt, kết cấu hoàn chỉnh cuối cùng được hình thành (hình 3).

Hình 3

 Hình 3 – Hình trên cùng bên trái là tế bào nguyên thủy hình cầu (phôi dâu) được tạo thành từtế bào đơn (hình trên bên phải), hình dưới bên trái là phôi vị (phôi dạ) có thành tế bào cong vào trong. Hình dưới bên phải là hai thành tế bào phôi vị cong vào trong hình thành nên thành thứ ba.

Một tế bào gồm có những lớp sau: Lớp ngoài cùng là ngoại bì, lớp ở giữa là trung bì, lớp cuối cùng là nội bì. Những lớp này cùng tổ hợp thành một cá thể phân chia nhỏ bé. Kích thước to nhỏ của các tế bào là như nhau. Và tất nhiên, chúng có kích thước nhỏ hơn tế bào nguyên thủy.

 Ba lớp phức tạp này, mỗi lớp sẽ sản sinh một hệ thống cơ quan phức tạp. Lớp ngoài cùng hình thành nên da và hệ thống thần kinh, cơ quan cảm giác. Trên thực tế, điều này không khác những gì chúng ta tưởng tượng, bởi vì lớp này tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài, tế bào được bảo vệ bởi da, hệ thống thần kinh và cơ quan cảm giác là mối liên kết chúng với thế giới bên ngoài. Lớp trong cùng sẽ phát triển thành các cơ quan như ruột, dạ dày, tuyến tiêu hóa, thận, tuyến tụy, phổi… cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Lớp trung bì sẽ hình thành nên khung xương chống đỡ cơ thể và cơ bắp. Hệ thống thần kinh được gọi là “cơ quan liên lạc” vì chúng chịu trách nhiệm liên hệ giữa cơ thể với thế giới bên ngoài. Hệ tiêu hóa và hệ hô hấp được gọi là “cơ quan thực vật”, vì chúng phục vụ những bộ phận mang tính thực vật và phi hoạt tính của sinh vật.

Sự phát triển tự thân của tế bào là kết quả của những nghiên cứu mới đây. Trong mỗi tầng có khá nhiều điểm trung tâm, những điểm này đột nhiên thể hiện sức sống mạnh mẽ. Trong các mô hình nhỏ này xuất hiện tế bào và phát triển thành các cơ quan hoặc hình thức ban đầu của các cơ quan. Cho dù các cơ quan đó ra sao thì quá trình khởi thủy cũng đều như nhau, tất cả đều được hình thành từ những điểm trung tâm này. Tất nhiên quá trình sau đó ở mỗi cơ quan là khác nhau và chúng ta không thể biết được. Quá trình trên được phát hiện bởi giáo sư Charles Stewart thuộc đại học Chicago (Mỹ). Ông gọi những điểm trung tâm này là “gradient sinh lí”, một chuyên gia phôi thai học người Anh cũng có những phát hiện tương tự như Stewart, có điều những nghiên cứu của ông chỉ dừng lại ở hệ thống thần kinh mà thôi.

Khi các cơ quan bắt đầu xuất hiện, hình thái ban đầu không khác gì việc các tế bào bắt đầu chuyển hóa. Giữa các tế bào bắt đầu xuất hiện sự khác biệt lớn. Quá trình này được quyết định bởi chức năng của từng cơ quan. Để đáp ứng nhu cầu chức năng của từng cơ quan sau này, các tế bào bắt đầu phát triển theo xu hướng chuyên biệt hóa. Dù sự “chuyên biệt hóa” này là để phục vụ cho chức năng của các cơ quan trong tương lai, nhưng trước khi các chức năng phát huy tác dụng thì những tế bào vốn đã thích ứng nhu cầu của các cơ quan này rồi.

 Thông qua hình (4), có thể thấy rằng giữa các tế bào của các cơ quan đã có sự khác biệt rất lớn. Tế bào gan có hình lục giác, xếp liền nhau giống như những phiến đá lát, nhưng giữa chúng không có tổ chức liên kết. Tế bào xương hình bầu dục, số lượng ít, nằm cách xa nhau và được nối bởi mô tuyến tính, nhưng phần quan trọng nhất của xương là một tổ chức liên kết rắn được tạo nên bởi chính bản thân tế bào. Các tế bào bề mặt khí quản thì thú vị hơn. Các vòng nhỏ nằm rải rác trong những tế bào hình tam giác không ngừng tiết ra chất giống như nhựa cây để ngăn chặn bụi từ trong không khí xâm nhập vào. Các tế bào tam giác có tua sợi này không ngừng chuyển động và khiến chất nhầy không ngừng được tiết ra. Lớp da của chúng ta thì gồm các tế bào dạng phẳng. Các tế bào biểu bì không ngừng chết đi và được thay thế bởi các tế bào phía dưới. Những tế bào có tác dụng bảo vệ cơ thể này khiến chúng ta liên tưởng tới những chiến sĩ luôn sẵn sàng hiến dâng sinh mạng cho Tổ quốc.

Hình 4 – Các loại tế bào

 Các tế bào thần kinh chính là các tế bào phát triển nhất và cũng quan trọng nhất. Chúng là những tế bào không thể thay thế được. Các tế bào hình tua dài này là những đường dây truyền đi mệnh lệnh, giống như đường dây điện thoại liên lạc giữa các châu lục với nhau.

Sự khác biệt giữa các tế bào là cả một câu chuyện thú vị, nhưng rốt cuộc chúng đều có khởi điểm như nhau. Để hoàn thành những sứ mệnh tương lai, chúng bắt đầu biến đổi. Trước khi biến đổi, các tế bào ban đầu không thể hoàn thành được công việc trong tương lai. Nhưng sau khi việc chuyển hóa hoàn tất, chúng sẽ không thay đổi nữa. Tế bào gan vĩnh viễn không thể trở thành tế bào thần kinh. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, các tế bào không còn giống như chúng ta tưởng tượng lúc trước, tiến hành những công tác chuẩn bị trên cơ sở đầu tiên, mà đã thay đổi trạng thái của chúng.

Chúng ta phát hiện ra rằng, các cơ quan trong cơ thể người cũng giống như những nhóm người khác nhau trong xã hội. Thời nguyên thủy, một người có thể làm rất nhiều công việc. Cùng một người có thể làm kiến trúc sư, thợ mộc và cả bác sĩ. Nhưng cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của xã hội loài người, mỗi người chỉ chọn cho mình một nghề nghiệp, vì thế về phương diện tâm lí cũng không thể thích ứng được với các công việc khác. Theo một nghề không giống như học một kĩ thuật nào đó. Theo một nghề có nghĩa là phải làm nghề đó thật tốt. Ngoài kĩ thuật thì cao hơn nữa là tâm lí người đó phải thích ứng với công việc của mình. Nó chính là lí tưởng của một người, để rồi trở thành mục tiêu suốt đời của họ.

Bây giờ chúng ta hãy cùng quay lại vấn đề phôi. Mỗi cơ quan trong cơ thể là sự hợp thành của những tế bào đặc trưng, có những chức năng nhất định và không giống chức năng của các cơ quan khác. Những chức năng này giữ vai trò tất yếu trong việc duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể và sự vận hành bình thường của các cơ quan. Mỗi cơ quan đều được hình thành và phát triển vì mục đích đó.

 Sự phát triển của phôi không chỉ tạo thành cơ quan mà còn tạo ra mối liên hệ giữa chúng. Công việc này được thực hiện bởi hai hệ thống quan trọng – hệ tuần hoàn và hệ thần kinh. Hai hệ thống này phức tạp hơn tất cả các hệ thống khác. Chúng là hai hệ thống kết nối các cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Hệ tuần hoàn giống như một dòng sông, vận chuyển vật chất tới các bộ phận trong cơ thể, giống như một người làm công việc thu thập. Trên thực tế, hệ tuần hoàn là công cụ vận chuyển chất dinh dưỡng tới các cơ quan trong cơ thể, nhưng đồng thời cũng hấp thụ oxi từ phổi. Máu cũng đồng thời chứa vật chất mà tuyến nội tiết tiết ra. Vật chất này được gọi là hormone. Hormone có ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể người, kích thích hoạt động của chúng. Điều quan trọng nhất là hormone có thể điều tiết hoạt động của các cơ quan khiến chúng duy trì hoạt động nhịp nhàng.

 Khoảng cách giữa các cơ quan cần hormone và tuyến tiết ra hormone lại cách nhau quá xa. Vì vậy việc vận chuyển hormone do hệ tuần hoàn đảm nhận. Mỗi cơ quan đều đặt bên “bờ” của “dòng sông” này. Các cơ quan sẽ lấy những gì mình cần từ dòng sông, đồng thời cũng đưa những vật chất mà mình tạo ra vào đó. Những vật chất ấy cũng có thể chính là thứ mà nhữngcơ quan khác đang cần.

Còn có một hệ thống khác điều hòa các tổ chức trong cơ thể, đó là hệ thần kinh. Nó làm công việc truyền các mệnh lệnh từ đại não – cũng chính là “phòng điều khiển” tới các cơ quan trong cơ thể. Trong xã hội loài người cũng có hệ thống tuần hoàn như vậy. Sản phẩm mà các quốc gia và các khu vực khác nhau tạo ra được đưa vào lưu thông và qua lưu thông thì người mua sẽ có được những gì họ muốn. Hàng hóa qua lưu thông được đưa tới các quốc gia và khu vực trên thế giới. Nhà sản xuất và người bán hàng chẳng phải cũng giống như hồng cầu trong máu sao? Chẳng phải trong xã hội cũng có hiện tượng hàng hóa được sản xuất ở nơi này lại được tiêu thụ ở nơi khác sao? Trong những năm gần đây, chúng ta đã được tận mắt chứng kiến công tác điều tiết của các “hormone” này.

 Một số nước lớn bắt đầu quy hoạch môi trường, kiểm soát thương mại, khuyến khích và chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp với mục đích mang lại sự phát triển hài hòa cho xã hội loài người. Có người nói rằng, những công việc này vẫn còn tồn tại những thiếu sót rõ rệt. Điều này chỉ cho thấy rằng sự phát triển phôi “hệ tuần hoàn xã hội” đang nằm trong giai đoạn khởi thủy và còn lâu mới đạt tới sự hoàn mĩ. Trong xã hội, cơ quan đóng vai trò giống như hệ thần kinh vẫn còn thiếu.

Trong tình trạng thế giới vẫn còn hỗn loạn như ngày nay, chúng ta có thể nói rằng, cơ quan đóng vai trò giống như hệ thần kinh vẫn chưa xuất hiện. Và khi chưa có được điều này thì xã hội chưa thể đạt tới trình độ phát triển hài hòa. Hình thức văn minh cao nhất hiện nay – dân chủ, cho phép chúng ta bỏ phiếu để bầu ra người lãnh đạo mình. Trong phôi thai học thì điều này là vô lí. Bởi nếu mỗi tế bào phải chuyên biệt hóa cao độ, thì tế bào điều khiển những tế bào đó phải có mức chuyên biệt hóa cao hơn nữa. Việc điều khiển tất cả những tế bào khác là rất khó khăn, công việc này phải có trình độ chuyên biệt hóa cao hơn hẳn những công việc khác. Và vì vậy, đối với tế bào, không có thứ gọi là lựa chọn, mà là quá trình rèn luyện dần dần thích ứng với các điều kiện. Để lãnh đạo được người khác thì trước tiên phải thay đổi bản thân mình. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ, chẳng ai có thể trở thành người lãnh đạo. Quá trình chuyên biệt hóa phải tuân theo nguyên tắc này. Nhất định chúng ta phải nhận thức được tác dụng to lớn của nó.

Phôi thai học cũng có tác dụng chỉ đường và khơi gợi những cảm hứng của chúng ta. Julian Huxley đã đánh giá về sự thần kì của phôi thai học như sau: “Con người, từ chưa tồn tại đến hiện hữu, từ giản đơn đến phức tạp, từ sơ sinh đến khôn lớn trưởng thành, là một phép lạ vĩ đại của tạo hóa. Nếu trong chúng ta, có ai đó không bị phép lạ này làm cho kinh ngạc, thì chỉ vì một nguyên nhân duy nhất mà thôi, đó là phép lạ này từng giờ từng phút đang diễn ra trước mắt chúng ta.”

Cho dù nghiên cứu loài chim, thỏ, hay bất kì động vật có xương sống nào khác, chúng ta cũng phát hiện rằng chúng được tạo nên bởi những cơ quan vô cùng phức tạp. Điều khiến ta kinh ngạc là những cơ quan vô cùng phức tạp này có mối quan hệ đầy thần bí với nhau. Nếu tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ, chúng ta sẽ thấy rằng hệ tuần hoàn có cấu tạo phức tạp, tinh vi và cực kì hoàn chỉnh, cho dù chúng ta có sử dụng những kĩ thuật tiên tiến nhất cũng không thể tạo ra thứ gì tuyệt vời như thế. Bộ não cũng vậy. Cơ quan này sẽ tập trung các thông tin cảm giác, sau đó tiến hành xử lí. Đó là một quá trình thần kì, không có bất cứ máy móc hiện đại nào có thể làm được công việc đó. Không có máy móc nhân tạo nào có thể làm thay công việc của tai và mắt con người. Nếu tiến hành nghiên cứu kĩ lưỡng những phản ứng hóa học trong cơ thể con người, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, cơ thể con người là một phòng thí nghiệm hoàn chỉnh và được trang bị đầy đủ nhất để có thể tự vận hành. Đó là điều mà không máy móc nhân tạo nào làm được. Tất cả những hệ thống kì diệu con người đã tạo ra như điện thoại, vô tuyến điện, ti vi, điện báo đều không thể so sánh được. So sánh với hệ thần kinh thì những sáng tạo này càng trở nên nhỏ bé, nực cười.

Những đội quân được huấn luyện tinh nhuệ nhất trong xã hội ngày nay cũng không thể sosánh với cơ bắp con người. Chúng có thể hoàn thành những công việc mà đại não đưa ra một cách nhanh nhất, giống như một người đầy tớ ngoan ngoãn luôn sẵn sàng thực thi mệnh lệnh. Nếu nghiền ngẫm thực tế này, rồi xem xét những cơ quan trong cơ thể, nghiên cứu hệ cơ bắp, nghĩ về những tế bào thần kinh nhỏ bé, và biết rằng tất cả được bắt nguồn từ một tế bào mầm giản đơn, chúng ta chắc chắn sẽ phải thốt lên rằng: Tạo hóa thật thần kì và vĩ đại!

❁ Tiếp chương 6

❁ ❁ ❁
Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x