Trang chủ » Chương 5. Nhịp điệu

Chương 5. Nhịp điệu

by Hậu Học Văn
122 views

Nhịp diệu

Người lớn không hiểu nổi rằng sinh hoạt bằng tay là nhu cầu thiết yếu cho trẻ và không nhận ra được biểu hiện đầu tiên của bản năng lao động, vì thế mà đã ngăn cản sự làm việc của trẻ. Điều này không phải luôn là hậu quả của một thái độ tự vệ nhưng có thể có những nguyên nhân khác. Một trong số nguyên nhân đó là việc người lớn đi tìm mục đích bên ngoài cho hành động và bản chất tư duy của họ khiến họ có lối hành động cố định riêng, cố gắng đạt được mục tiêu của mình trong thời gian ngắn nhất có thể, đối với người lớn đã trở thành một thứ luật tự nhiên mà họ thật sự đã phát biểu thành công thức là “luật cố gắng tối thiểu”. Khi thấy trẻ hết sức nỗ lực thực hiện hành động dường như vô bổ, hay không thiết thực mà bản thân người lớn có thể làm trong nháy mắt và làm tốt hơn nhiều, người lớn bị thôi thúc phải xông ra giúp một tay, như để kết thúc một cảnh tượng khó chịu.

Sự hăng say mà người lớn thấy ở đứa trẻ nhỏ đối với những điều tầm thường khiến họ bực bội vì thấy vô lí và thậm chí khó hiểu. Nếu trẻ thấy khăn trải bàn bị lệch, và nhớ cách chiếc khăn vẫn được trải ra, nó sẽ cố đặt nó lại y như kiểu nó nhớ, và nếu nó được làm như thế, nó sẽ làm một cách chậm chạp nhưng với tất cả năng lực và nhiệt tình vốn có; bởi nhớ là nhiệm vụ chính của tâm trí đứa trẻ, và đặt cái gì lại cho đúng như nó đã thấy, là chiến thắng tối thượng, tương ứng với trình độ phát triển của nó. Nhưng bé chỉ có thể làm được điều này khi không có người lớn nào ở gần đó chú ý đến sự gắng sức của bé.

Nếu đứa trẻ muốn tự chải đầu, người lớn thay vì vui mừng trước sự cố gắng tuyệt vời này, lại cảm thấy chính các quy tắc của mình bị vi phạm. Người lớn biết là trẻ không thể chải đầu gọn gàng hay nhanh chóng, và trẻ sẽ không đạt đến mục đích yêu cầu, trong khi người lớn có thể làm nhanh chóng và tốt hơn trẻ. Thế là, đứa trẻ đang thích thú thực hiện một trong những hành động xây dựng nên nhân cách của nó, nó bỗng thấy người lớn, một kẻ khổng lồ cao gần trần nhà vô cùng mạnh mẽ, không gì có thể chống lại, đến trước mặt, lấy đi chiếc lược và nói rằng họ sẽ chải đầu cho nó.

Điều tương tự xảy ra khi người lớn thấy trẻ cố tự mặc quần áo hay thắt dây giày một cách khó khăn. Mọi nỗ lực của trẻ đều bị gián đoạn. Người lớn bực bội không chỉ vì trẻ cố thực hiện một hành động không cần thiết, mà còn bực bội bởi nhịp điệu khác biệt, cách cử động khác biệt của trẻ. .Nhịp điệu không như một khái niệm cũ có thể thay đổi, hay một tư tưởng mới có thể hiểu được. Mỗi cá thể có một nhịp điệu riêng trong vận động, là một phần của bản thân nó, một đặc tính cố hữu nội tại, gần giống như vóc dáng cơ thể của nó, và nếu nhịp điệu riêng này hài hòa được với các nhịp điệu tương tự, thì nó lại không thể thích nghi được với các nhịp điệu khác nó mà không bị đau khổ.

Chẳng hạn, nếu ở gần và phải đi bộ cạnh người bị liệt chúng ta cảm thấy rất khó chịu, và khi chúng ta thấy họ chậm rãi nâng cái li lên miệng, có thể làm đổ chất lỏng bên trong, một sự xung đột khôn tả giữa các nhịp điệu khác nhau khiến ta khó chịu và tìm cách hóa giải bằng cách thay thế nhịp điệu riêng của chúng ta cho nhịp điệu của kẻ khác, và chúng ta gọi đó là sự giúp đỡ. Người lớn có con nhỏ cũng hành động tương tự. Tựa như do tự vệ vô thức, họ cố ngăn cản đứa trẻ làm những động tác chậm chạp và vụng về, giống như họ sẽ tự nhiên phủi đi một con ruồi vô hại đang quấy rầy họ.

Ngược lại, người lớn có thể chịu đựng những động tác của trẻ khi chúng xảy ra chớp nhoáng, với nhịp điệu nhanh hơn. Trong trường hợp này, người lớn sẵn sàng chịu đựng sự lộn xộn và hỗn loạn do đứa trẻ năng động gây ra trong môi trường của họ. Ở đây người lớn có thể “trang bị cho mình sự kiên nhẫn” vì đây là cái gì rõ ràng và thể hiện ra ngoài; và ý chí của người lớn luôn có thể kiểm soát các hành vi có ý thức của họ. Nhưng khi đứa trẻ cử động chậm chạp, người lớn cảm thấy bị buộc phải can thiệp bằng cách “thay thế”. Thế là, thay vì hỗ trợ đứa trẻ trong những nhu cầu tinh thần thiết yếu nhất của trẻ, người lớn lại đứng ra thay thế cho đứa trẻ trong mọi hoạt động mà trẻ muốn tự thực hiện, do đó đóng lại mọi con đường hoạt động của trẻ và biến thành trở ngại to lớn nhất cho sự phát triển sự sống của trẻ. Những tiếng thét tuyệt vọng của đứa trẻ “ngổ ngáo” không muốn được tắm rửa, mặc quần áo, hay được chải tóc, là những cảnh tượng của thảm kịch đấu tranh sớm nhất của con người.

Ai có thể nghĩ rằng sự giúp đỡ vô ích cho đứa trẻ là cội rễ đầu tiên của tất cả mọi đàn áp, và do đó là nguyên nhân của vết thương nguy hiểm nhất mà cá thể người lớn có thể gây ra cho đứa bé?

Người Nhật đã có một quan niệm đầy ấn tượng về địa ngục của trẻ em. Như là một phần của việc thờ cúng người chết, họ đặt lên các ngôi mộ của trẻ con một số hòn đá nhỏ và những vật tương tự như đá để giúp chúng thoát khỏi những hành hạ của thế giới bên kia sẽ cố tiếp tục giáng xuống đầu chúng. Khi đứa trẻ dựng lên cái gì, một con quỷ sẽ đạp nó xuống và phá tan đi, và các hòn đá nhỏ mà cha mẹ nó chu đáo đặt lên mộ sẽ giúp nó có thể xây trở lại. Đây là một trong những dự phóng đầy ấn tượng của tiềm thức vào cuộc sống ở thế giới bên kia.

Sự thay thế của người lớn

Người lớn thay thế hành động của trẻ bằng chính hành động của mình không những ở cách đứng ra làm thay cho đứa trẻ, mà còn thể hiện ở chỗ đem ý chí của họ thâm nhập vào trong ý chí của trẻ khiến ý chí của họ thay thế ý chí của trẻ. Khi điều này xảy ra, trẻ không còn hành động nữa mà chính là người lớn hành động thông qua trẻ.

Trong Viện Tâm thần học nổi tiếng của mình, khi chỉ ra sự hoán đổi nhân cách bằng thuật thôi miên trong trường hợp các cá thể mắc chứng cuồng loạn thần kinh, Charcot đã gây ra một tiếng vang lớn. Những thí nghiệm của ông làm lung lay những quan niệm căn bản được coi là bất biến, ví dụ, con người là chủ nhân của hành động của chính nó. Đã có thể chứng minh bằng thực nghiệm rằng sự ám thị áp đặt lên một chủ thể đến độ kiềm chế cá tính của họ và thay thế nó bằng cá tính của nhà thôi miên. Những sự kiện này, dù hạn chế trong phạm vi bệnh viện và một số thí nghiệm rất giới hạn, đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu và khám phá mới. Hiện tượng này đưa đến các nghiên cứu về dạng nhân cách hai mặt, về những trạng thái tâm lí trong tiềm thức và những trạng thái có tính thăng hoa và cuối cùng dẫn đến thám hiểm thế giới vô thức bằng phân tâm học.

Có một giai đoạn trong cuộc đời cực kì nhạy cảm với sự ám thị – giai đoạn sơ sinh – khi ý thức đang trong quá trình hình thành, và sự mẫn cảm với các yếu tố bên ngoài đang trong giai đoạn được tạo dựng. Lúc đó, người lớn có thể đưa chính cá tính của họ len lỏi vào đứa trẻ, như để bằng sự xâm nhập tinh vi, với chính ý chí của họ, kích hoạt cái phẩm chất tuyệt vời của ý chí của trẻ, là tính mềm dẻo dễ uốn nắn của trẻ.

Trong các trường học của mình, chúng tôi nhận thấy rằng nếu chỉ cho trẻ cách làm bất cứ điều gì với quá nhiều nhiệt tình hay làm những động tác thái quá hay quá chính xác, sẽ dập tắt khả năng phán đoán và hành động theo chính cá tính của trẻ. Hệ quả, như đã xảy ra, là một động tác bị tách rời khỏi cái bản ngã phải chỉ huy nó, và thay bằng động tác từ một bản ngã bên ngoài mạnh mẽ hơn nó, với một chuyển động nhỏ, nhưng có sức mạnh kinh khủng để vồ lấy, và hầu như đánh cắp chính các cơ quan non nớt của nhân cách của đứa trẻ. Người lớn thực hiện việc ám thị không chỉ theo ý muốn mà còn có thể ngoài ý muốn của họ hay vì không ý thức và không nhận diện được vấn đề đang tồn tại.

Tôi sẽ đưa ra vài ví dụ. Một lần, tôi thấy một bé khoảng hai tuổi đặt một đôi giày lên tấm trải giường trắng tinh, với một động tác nông nổi, không suy nghĩ, không cân nhắc, tôi lấy đôi giày và đặt chúng xuống đất, trong một góc phòng rồi nói, “Bẩn!” và tôi dùng tay phủi tấm trải giường nơi đôi giày đã được đặt xuống. Sau sự việc này, bất cứ khi nào thấy một đôi giày, đứa bé sẽ chạy đến, nhặt chúng lên và đặt chúng ở chỗ khác và nói, “Bẩn!”, sau đó đến bên giường và quơ tay cứ như để phủi sạch, mặc dù đôi giày không hề ở gần đó.

Đây là một ví dụ khác. Một gia đình nhận một gói quà và bà mẹ thích thú đón nhận. Cô ấy mở ra, thấy một mảnh lụa và một chiếc kèn nhỏ, cô lập tức đưa mảnh lụa cho đứa con gái nhỏ, còn chiếc kèn cô đưa lên môi để thổi. Đứa bé vui mừng hét lên “Nhạc!”. Và suốt khoảng thời gian sau đó bất cứ khi nào sờ vào một mảnh vải, bé đều trở nên háo hức và nói “Nhạc!”.

Đặc biệt là những yếu tố ức chế dễ len lỏi vào trong các hành vi của một đứa trẻ bởi một ý chí nằm bên ngoài nó, khi ý chí của người lớn không đủ mạnh để tạo ra một phản ứng ở trẻ. Những con người đàng hoàng, có tự chủ, và nhất là những bảo mẫu thạo nghề đặc biệt chấp nhận điều này. Một trường hợp minh họa rõ ràng nhất mà tôi đã gặp là một bé gái khoảng bốn tuổi sống cùng bà nó ở nhà của bà. Đứa bé rất muốn vặn cái vòi phun trong vườn để thấy nước bắn ra. Nhưng khi bé sắp làm việc này, bé đột ngột co tay lại. Bà của bé khuyến khích bé vặn cái vòi, nhưng bé đáp, “Không, bảo mẫu không cho”. Người bà cố thuyết phục bé rằng bé hoàn toàn được phép làm điều đó, chỉ ra rằng bé đang ở nhà của bà. Bé cười thích thú, thể hiện sự hài lòng và hơn hết sự háo hức nhìn thấy vòi nước phun, nhưng, dù bé đã vươn tay đến vòi nước, song đến phút cuối, bé vẫn rụt tay lại không mở vòi. Tính vâng lời theo mệnh lệnh của người bảo mẫu vắng mặt mạnh đến nỗi sự thuyết phục âu yếm của người đang ở kề bên cũng không thể lật ngược cái lực ở xa đó.

Một trường hợp tương tự là một cậu bé lớn hơn một chút, khoảng bảy tuổi, rất muốn chạy đến cái gì ở xa đã hấp dẫn nó, song bé quay trở lại và ngồi xuống, cứ như cọ sự lưỡng lự trong ý chí mà bé không thể vượt qua. Không biết được ai là “chủ nhân” kiểm soát bên trong đứa trẻ, bởi kí ức của nó đã mất hết dấu vết về điều này.

Chúng ta có thể nói rằng sự cởi mở của đứa trẻ đối với sự gợi ý ám thị là một sự phóng đại của một trong các chức năng tâm lí có tính định hình, hay của một sự mẫn cảm nội tại đặc trưng mà chúng ta gọi là “tình yêu môi trường”. Đứa trẻ hào hứng quan sát mọi vật và bị chúng thu hút, nhưng trên hết, trẻ bị lôi cuốn bởi các hành động của người lớn và tìm cách học hiểu và lặp lại chúng. Trong việc này, có lẽ người lớn có một sứ mệnh: tạo cảm hứng cho các hành động của con trẻ, là một quyển sách mở mà trẻ có thể đọc sự hướng dẫn cho các động tác của chúng và học cái nó phải học để hành động đúng đắn. Nếu vậy, người lớn phải luôn điềm đạm và hành động của họ phải chậm rãi, để tất cả các chi tiết hành động của họ thật rõ ràng cho đứa trẻ theo dõi. Nếu người lớn tự buông theo nhịp điệu nhanh và mạnh của họ như thường vẫn xảy ra, thì thay vì gây cảm hứng, họ có thể khắc ghi chính cá tính của họ lên đứa trẻ và hoán đổi đứa trẻ với bản thân họ qua sự ám thị.

Ngay cả những vật bất động, nếu chúng hấp dẫn các giác quan, chúng vẫn có thể có một sức ám thị khêu gợi sự chú ý của trẻ, như thanh nam châm có sức hút từ bên ngoài. Để làm rõ điều này, tôi sẽ nêu lên một thí nghiệm thú vị của Giáo sư Levine được minh họa trong các phim về tâm lí của ông. Ông muốn ghi nhận thái độ khác biệt của trẻ em khuyết tật và trẻ em bình thường trong trường chúng tôi (ông chú ý chọn ra các trẻ cùng tuổi và cùng môi trường) khi đối diện cùng các món đồ.

Trong phim này, chúng ta thấy một cái bàn lớn, trên đó đặt sẵn nhiều vật khác nhau, gồm cả vài thứ của chúng tôi. Một nhóm trẻ em đi vào, chúng liền bị thu hút, thích thú với các vật trước mặt. Chúng linh hoạt và luôn vui cười, và có vẻ hài lòng khi đứng trước nhiều đồ vật khác nhau như vậy. Mỗi đứa lấy một món nào đó và sửa soạn làm việc, nhưng lại đặt đồ xuống, chọn món khác và cứ tiếp tục như thế, từ thử nghiệm này đến thử nghiệm khác. Đấy là một cảnh tượng.

Còn đây là cảnh tượng khác. Nhóm trẻ thứ hai đi vào. Chúng đi chầm chậm, ngừng bước, nhìn xung quanh. Chúng chọn một trong nhiều món đồ và ở lại quanh đó một lúc, và rồi chúng có vẻ như đứng yên, không làm gì. Đó là cảnh tượng thứ hai.

Trong hai nhóm trẻ này, nhóm nào là trẻ khuyết tật và nhóm nào là trẻ bình thường? Các trẻ em khuyết tật là những đứa năng động, vui vẻ, di chuyển nhanh, chạy từ món này qua món khác và muốn thử đủ thứ. Đối với mọi người, chúng có vẻ là những đứa thông minh, bởi ai cũng thường nghĩ rằng đứa trẻ sống động, vui tươi, chuyển từ món này qua món khác là thông minh.

Và ngược lại những đứa trẻ bình thường là những đứa di chuyển bình thản, để nhiều giờ đứng yên và chú ý đến một món đồ như thể chúng đang suy nghĩ. Vậy hành động điềm tĩnh, kiềm chế, cân nhắc và tính khí trầm tư là các đặc tính của sự bình thường.

Thí nghiệm ghị lại trên hai bức ảnh trên dường như đối lập với các quan niệm nói chung đã được thiết lập; bởi trong một môi trường bình thường, các trẻ thông minh hành xử như trẻ khuyết tật trong phim. Đứa trẻ bình thường chậm rãi, trầm tư, là típ mới, nhưng nó cho thấy ngay rằng các cử động có kiểm soát được chỉ huy bởi bản ngã của nó và cai quản bởi lí trí. Những đứa trẻ như vậy làm chủ sự gợi ý ám thị đến với chúng từ những vật bên ngoài và hành xử với những vật như vậy với sự tự do. Cho nên điều quan trọng không phải là cử động nhiều mà là sự tự chủ. Điều quan trọng cho bất cứ cá nhân nào không phải là nó phải vận động bất cứ cách nào và theo bất cứ hướng nào, mà là nó phải đạt được sự tự chủ với các cơ quan vận động của nó. Khả năng vận động theo bản ngã và không bị thống trị bởi sự hấp đẫn đơn thuần của các vật ngoại tại, khiến đứa trẻ chỉ tập trung vào một vật, và đó là một hiện tượng có căn nguyên nội tại.

Vận động tinh tế và có suy nghĩ như vậy là trạng thái thật sự bình thường; nó kết thành một trật tự mà ta có thể gọi là trật tự của kỉ luật nội tại. Kỉ luật trong những hành động bên ngoài là biểu hiện của một kỉ luật nội tại đã kết tinh xung quanh trật tự. Khi điều này không xảy ra, vận động nằm ngoài vòng kiểm soát của nhân cách và có thể bị thống trị bởi một ý chí bên ngoài, hay trở thành nạn nhân của những tác động bên ngoài giống như con tàu không bánh lái. Một ý chí bên ngoài khó tạo ra hoạt động có kỉ luật bởi vẫn còn thiếu sự tổ chức cần thiết cho hoạt động như vậy. Khi ấy, chúng ta có thể nói tính cá thể đã bị phá vở.

Đứa trẻ khi đã mất cơ hội phát triển theo đúng bản chất của chính nó cũng gần giống như người đáp xuống sa mạc trong khinh khí cầu và đột ngột nhận thấy khinh khí cầu bị gió cuốn đi. Anh ta thấy mình không thể làm gì để có thể điều khiển nó và thấy không có gì thay thế được nó. Đây là hình ảnh của con người khi nó thật sự phát triển qua cuộc đấu tranh giữa người lớn và trẻ nhỏ. Tâm hồn của nó là một tâm hồn tối tăm, không phát triển, xa lạ với những phương tiện biểu lộ của nó, nó như thể bị bỏ rơi, trở thành nạn nhân của các yếu tố trong thiên nhiên.

Tầm quan trọng của sự vận động

Rõ ràng là người lớn, bởi không hiểu được tầm quan trọng của hoạt động đối với trẻ, nên chỉ biết ngăn cấm những hoạt động làm phiền họ.

Tương tự, cũng không rõ vì sao các nhà khoa học và nhà giáo lại không nhận ra tầm quan trọng cực kì của hoạt động trong sự hình thành kẻ-sẽ-là-người. Ngay từ ngữ “động vật” đã bao hàm cái ý tưởng về sự vận động, tức là hoạt động: sự khác biệt giữa động vật và thực vật là thực vật đứng yên còn động vật di chuyển, vậy thì tại sao người ta lại có thể nghĩ rằng nên giảm bớt các hoạt động của đứa trẻ?

Những lối khen ngợi khác nhau thể hiện sự chấp nhận thái độ này từ tiềm thức. Đứa trẻ được gọi là “bông hoa nhỏ” – một thứ đứng yên. Hay là “thiên thần nhỏ”, tức là một kẻ di chuyển, bay nhảy, nhưng bay nhảy trong một thế giới khác chứ không phải thế giới của con người.

Tất cả điều này phơi bày sự mù quáng bí ẩn của tâm hồn con người, sự mù quáng này vượt khỏi các ranh giới chật hẹp mà Freud đã chỉ ra là điểm mù tâm lí được ông mô tả như một sự mù lòa từng phần, hiện diện trong vô thức nhân loại.

Sự mù lòa này thật sự sâu sắc nếu khoa học, với các phương pháp khám phá một cách có hệ thống những điều chưa biết, đã lướt qua lời chứng thực quan trọng nhất về sự sống con người nhưng không hề biểu lộ được nó.

Ai cũng đồng ý về tầm quan trọng của các giác quan trong sự hình thành trí tuệ. Không ai nghi ngờ rằng trí óc của một người câm điếc hay của một đứa trẻ mù gặp phải những khó khăn khủng khiếp trong quá trình phát triển của nó, bởi thị giác và thính giác là cửa ngõ của tư duy, chúng được xem là những giác quan của tri thức. Người ta cũng đồng ý rằng dù các điều kiện nội tại giống nhau, trí khôn của kẻ câm điếc và kẻ mù vẫn thấp kém hơn trí khôn của kẻ hoàn toàn vận dụng được các giác quan của họ.

Nhưng những nỗi khổ của người mù và người điếc thì ai cũng thấy rõ, cho dù những nỗi khổ này khác cái khổ về thân xác, thậm chí những đau khổ ấy có thể xảy ra ở kẻ có một sức khỏe hoàn hảo. Không ai có thể vô lí đến nỗi giả định rằng việc ngăn cản đứa trẻ nhìn và nghe, một cách giả tạo, sẽ khiến chúng có thể hấp thu tốt hơn văn hóa tri thức và đạo đức xã hội. Hay cũng không ai có thể nghĩ rằng tiến bộ văn minh sẽ phải trông chờ vào kẻ điếc, người mù.

Nhưng chắc hẳn cũng khó chấp nhận ý tưởng cho rằng vận động cũng có tầm quan trọng bằng hay hơn đối với sự hình thành tư duy và đạo đức của con người. Nếu con người tự hình thành nhưng xem thường các cơ quan vận động của nó, sự tăng trưởng của nó sẽ bị đình trệ và nó sẽ mãi mãi ở trong một tình trạng thấp kém trầm trọng hơn cái được hình thành từ sự thiếu vắng của một trong những giác quan của tri thức.

Sự đau khổ của kẻ bị là tù nhân của thân xác của nó bộc lộ một hình ảnh bi thảm và nghiêm trọng hơn các nỗi khổ của kẻ điếc hay mù. Người mù và người điếc chỉ thiếu các nhân tố trong môi trường của họ để làm phương tiện cho sự phát triển của họ. Linh hồn có những năng lực thích nghi đến nỗi ở một điểm nào đó, sự nhạy bén của một giác quan này có thể bổ trợ cho sự khiếm khuyết của giác quan khác. Nhưng vận động là một phần của chính nhân cách của con người, và không gì có thể thay thế được nó. Người không vận động là kẻ bị thương trong chính bản thể của nó và là một kẻ sống ngoài lề xã hội.

Khi nói đến cơ bắp, ta liên tưởng ngay đến một cơ chế máy móc, đúng thế, cơ chế của một bộ máy. Và điều này gần như khác hẳn với quan niệm của chúng ta về cái tinh thần, là thứ xa lạ với vật chất và cơ chế máy móc.

Dường như là một sự thách thức với các quan niệm trước đây khi chúng ta thấy sự vận động có tầm quan trọng lớn hơn những cái được gán cho là “giác quan đem lại tri thức” trong sự phát triển của tư duy và trong sự tiến hóa về tri thức của một con người.

Nhưng trong đôi mắt và đôi tai, lại có những cơ chế máy móc. Không gì hoàn hảo hơn là cái “máy ảnh” tuyệt vời và sinh động nằm trong đôi mắt. Và đôi tai là một tập hợp của những chiếc đàn thụ cầm nhiều dây với một ban nhạc jazz đầy đủ, có cả trống nữa!

Tuy nhiên, khi chúng ta nói đến tầm quan trọng của những công cụ tuyệt vời này ở đôi mắt và đôi tai trong sự hình thành trí thông minh, chúng ta không nghĩ rằng chúng là những cơ chế, mà chúng ta nghĩ đến bản ngã đang sử dụng những cơ chế ấy. Qua những công cụ kì diệu thiết yếu cho sự sống này, bản ngã đi vào mối quan hệ với thế giới và sử dụng chúng tùy theo nhu cầu tâm lí của nó. Những cảnh tượng đẹp của thiên nhiên, bình minh hay hoàng hôn, hoặc của những tác phẩm nghệ thuật, những ấn tượng âm thanh của thế giới bên ngoài, giọng nói của con người, hay âm nhạc, tất cả các ấn tượng đa diện và liên tục này ban cho bản ngã nội tại những niềm vui của đời sống tinh thần và sự dinh dưỡng cần thiết cho sự bảo tồn đời sống tinh thần ấy.

Bản ngã là tác nhân đích thực, là trọng tài duy nhất và là người lĩnh hội các ấn tượng của giác quan. Nếu không có bản ngã để nhìn thấy và thụ hưởng, thì công dụng của các cơ chế của giác quan là gì? Không phải sự thấy và sự nghe là quan trọng, mà điều quan trọng là bản ngã phải tự hình thành, lớn lên, vui hưởng và tự bảo tồn qua sự thấy và nghe.

Bây giờ chúng ta có thể rút ra được sự giống nhau giữa điều này và sự vận động. Không nghi ngờ gì nữa, vận động có những bộ phận cơ học của nó, mặc dù chúng không xơ cứng và cố định như lớp màng của màng nhĩ hay thủy tinh thể của mắt. Bây giờ, vấn đề cơ bản của đời sống con người và do đó của giáo dục là bản ngã phải có khả năng vận động và làm chủ các cơ quan vận động của chính nó, sao cho trong các hành động của nó, nó phải được hướng dẫn bởi cái gì đó cao hơn những gì mang tính vật chất hay chỉ là những chức năng của một đời sống thực vật, một cái nói chung là bản năng, nhưng ở con người, cái bản năng đó lại rõ ràng là một tinh thần có tính sáng tạo, bao phủ bởi trí thông minh.

Nếu cái bản ngã không đạt đến điều kiện tất yếu này, sự thống nhất của nó sẽ tan vỡ. Nó sẽ giống như một bản năng phải đi vòng trong thế giới, tách khỏi thân xác mà nó phải kích hoạt.

“Trí tuệ của tình yêu”

Tất cả lao động của sự sống tự hoàn tất theo quy luật của nó và đem lại sự hài hòa giữa các sinh vật, đạt được ý thức dưới dạng TÌNH YÊU.

Tình yêu không phải là luồng kích thích vận động, nhưng nó phản ánh kích thích vận động như các hành tinh phản chiếu ánh sáng mặt trời. Vận động là bản năng, là sự thôi thúc sáng tạo của sự sống. Nhưng khi vận động này mang đến sự sáng tạo, nó khiến ta cảm nghiệm được tình yêu, và vì vậy mà tình yêu tràn ngập nhận thức của đứa trẻ. Việc đứa trẻ tự hiện thực hóa bản thân xảy đến với nó qua tình yêu.

Thật vậy, dưới dạng tình yêu đối với môi trường của trẻ, chúng ta có thể hình dung thấy sự thôi thúc khó cưỡng, trải qua các giai đoạn mẫn cảm, đã kết hợp đứa trẻ với mọi vật. Nó không phải là tình yêu theo nghĩa là một cảm xúc như thông thường ta vẫn hiểu, mà là tình yêu của trí tuệ có thể nhìn thấy, hấp thu, và tự hình thành qua yêu thương. Vâng, nhà hướng đạo nội tại dẫn dắt trẻ em quan sát những gì xung quanh chúng, có thể diễn tả bằng cách nói của Dante, là “trí tuệ của tình yêu”.

Đó đúng là một dạng tình yêu đem lại cho trẻ em khả năng quan sát một cách mãnh liệt và kĩ lưỡng, đến nỗi những vật trong môi trường của chúng, mà chúng ta, vì lạnh nhạt, không nhìn thấy khi đi qua. Sự mẫn cảm khiến đứa trẻ thấy cái mà những người khác không nhận thấy, không phải là một đặc tính của tình yêu hay sao? Hay là việc góp nhặt những chi tiết mà người khác không nhận ra, trân trọng những phẩm chất đặc biệt, với bản chất cố hữu của nó, ẩn kín, mà chỉ có tình yêu mới khám phá ra? Chính vì trí khôn của trẻ hấp thu bằng yêu thương, chứ không thờ ơ, mà trẻ có thể thấy được cái vô hình, sự hấp thu chủ động, say mê, chi tiết và kiên định, trong tình yêu là một đặc trưng ở trẻ em.

Đối với người lớn, sự linh hoạt và vui tươi được xem là đặc điểm của sức sống mãnh liệt của trẻ, chúng được xem là đặc tính của trẻ sơ sinh. Nhưng họ không nhận thấy tình yêu đằng sau những đặc tính này, không nhận thấy cái năng lượng tâm linh, cái đẹp đạo đức đi đôi với sự sáng tạo.

Tình yêu của trẻ vẫn còn trong sáng, không vướng vào các tương phản. Trẻ yêu vì trẻ tiếp thu, vì Tự nhiên ra lệnh cho trẻ làm như vậy. Và cái nào nó tiếp nhận thì nó hấp thu để biến thành một phần của chính sự sống của nó, để sáng tạo ra chính bản thể của nó.

Trong môi trường của trẻ, người lớn là đối tượng đặc biệt cho tình yêu của chúng. Trẻ nhận từ người lớn những thứ vật chất và sự hỗ trợ tinh thần, và từ người lớn, với tình yêu mãnh liệt, trẻ lấy ra những gì nó cần cho sự tự hình thành nhân cách của mình. Đối với trẻ, người lớn là con người đáng tôn kính, từ miệng của người lớn, như từ một suối nguồn tâm linh, tuôn ra những lời giúp trẻ tạo ra lời nói của nó, và dẫn dắt nó. Đối với đứa trẻ, lời của người lớn là những kích thích siêu nhiên.

Chính người lớn, bằng hành động của mình, chỉ cho trẻ, kẻ đến từ cái hư vô, cách thức con người vận động. Bắt chước họ là bước vào sự sống. Đứa trẻ bị mê hoặc, hấp dẫn bởi lời nói và hành động của họ, chúng có thể mang cả sức ám thị: vì thế mà đứa trẻ nhạy cảm với người lớn đến độ nhân cách của nó có thể tan biến và người lớn sống và làm việc trong trẻ và hành động thay cho trẻ. Câu chuyện của đứa trẻ đặt giày bẩn lên tấm trải giường cho thấy sự vâng lời đến mức mê muội. Những gì người lớn nói với trẻ được khắc ghi trong tư duy của trẻ cứ như những con chữ được khắc lên đá

Chữ “nhạc” thốt ra bởi bà mẹ lúc nhận được gói quà là một ví dụ khác nữa. Vì thế người lớn nên cân nhắc tất cả những lời nói của họ trước mặt đứa trẻ; vì trẻ rất háo hức học lấy từ họ; trẻ là kẻ tích lũy tình yêu.

Từ tận đáy tâm hồn đứa trẻ sẵn sàng vâng lời người lớn. Chỉ tới khi người lớn yêu cầu trẻ từ bỏ các mệnh lệnh của động lực nội tại thôi thúc trẻ sáng tạo với những quy tắc và luật lệ bất biến, trẻ mới hết có thể vâng lời. Tương tự như lúc trẻ đang mọc răng, có kẻ bảo nó phải ngừng lại và không cho răng nào mọc ra nữa. Những cơn thịnh nộ và bất tuân của trẻ là biểu hiện của một xung đột thiết yếu giữa thôi thúc có tính sáng tạo và tình yêu của trẻ dành cho người lớn đang không hiểu được nó. Khi người lớn gặp phải cơn giận dữ thay vì sự vâng lời của trẻ, họ nên luôn nhớ đến mối xung đột này và phải để ý đến sức phản kháng của một hành động tất yếu cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Thật vậy, chúng ta nên nhớ rằng trẻ muốn vâng lời và yêu mến chúng ta. Trẻ yêu người lớn hơn tất cả những thứ khác, nhưng người ta chỉ nói đến tình yêu của người lớn dành cho đứa trẻ. Điều này áp dụng không những cho cha mẹ mà còn cho thầy cô, “Thầy cô yêu học trò biết bao!”. Hơn nữa, mọi người nói rằng trẻ phải được dạy biết yêu cha mẹ, thầy cô, và tất cả mọi người, và thậm chí cả động vật, thực vật, hoa cỏ và mọi thứ.

Nhưng ai là người sẽ dạy trẻ? Ai sẽ là người thầy dạy trẻ về nghệ thuật yêu thương? Những người hạ thấp các biểu hiện hồn nhiên của trẻ thành sự ngỗ nghịch, và chỉ nghĩ đến cách bảo vệ bản thân và của cải khỏi rơi vào tay đứa trẻ? Một người như vậy không thể là thầy dạy trẻ yêu thương vì không còn sự nhạy cảm mà chúng ta gọi là “trí tuệ của tình yêu”.

Thay vào đó, chính đứa trẻ là kẻ yêu thương người lớn, kẻ muốn thấy người lớn gần bên mình, để luôn ở kề bên họ và vui sướng trong việc thu hút sự chú ý đến nó: “Nhìn con đi! ở lại với con nhé!”.

Vào buổi tối khi đi ngủ, trẻ gọi người mình yêu và van xin người đó đừng bỏ đi. Và khi chúng ta đi ăn tối, đứa trẻ chưa cai sữa, thích được đi cùng, không phải để ăn mà chỉ muốn ở gần để có thể nhìn chúng ta. Người lớn lướt qua tình yêu huyền nhiệm này mà không nhận thấy nó. Nhưng đứa trẻ bé nhỏ yêu chúng ta nhiều đến thế sẽ lớn lên và biến mất. Và ai sẽ yêu chúng ta như đứa trẻ đang yêu chúng ta? Ai sẽ gọi chúng ta khi đi ngủ và nói rằng: “ở với con nhé!”. Khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ nói một cách lạnh nhạt “Chúc ngủ ngon”. Lúc ấy, ai sẽ tha thiết chỉ muốn nhìn chúng ta khi chúng ta ăn? Chúng ta tự vệ chống lại cái tình yêu sẽ qua đi này, và chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy tình yêu khác giống vậy! Trong cơn rối loạn, chúng ta nói: “Không có thời giờ đâu! Không thể được! Bận bịu lắm!” và trong lòng chúng ta đang nghĩ: “Phải dạy đứa bé tốt hơn, nếu không, nó sẽ biến chúng ta thành nô lệ của chúng.”

“Cái chúng ta muốn là được tự do khỏi trẻ để chúng ta có thể làm những gì mình thích, để chúng ta không phải từ bỏ tiện nghi của riêng mình”.

Thật là một sự nghịch ngợm kinh khủng về phần đứa trẻ khi nó đánh thức cha mẹ vào buổi sáng, lúc họ vẫn còn ngủ. Khi điều kiện xã hội cho phép, người bảo mẫu phải ngăn cản điều này hơn hết. Bảo mẫu là người canh giữ giấc ngủ sáng của cha mẹ.

Nhưng điều gì thúc đẩy trẻ đi tìm cha mẹ ngay khi trẻ thức dậy nếu đó không phải là tình yêu? Khi có thể, đứa trẻ ra khỏi giường rất sớm, như mọi sinh vật trong sáng, khi trời vừa hửng sáng, trẻ đi tìm cha mẹ còn ngái ngủ như muốn nói: “Hãy học sống thánh thiện! Sáng rồi! Giờ là buổi sáng!”. Nhưng trẻ đến với cha mẹ không phải để dạy họ mà chỉ chạy đến nhìn những người mà trẻ yêu thương.

Có thể là căn phòng vẫn còn tối, rèm còn buông để ánh sáng bình minh sẽ không quấy rầy những người còn ngủ, có thể là đứa trẻ vừa đi vừa vấp, tim đập mạnh vì sợ bóng tối nhưng nó sẽ vượt qua mọi sự, nhẹ nhàng đến bên và chạm vào người cha mẹ. Cha và mẹ cằn nhằn nó: “Đã bảo con đừng đánh thức bố mẹ vào sáng sớm mà!” “Con không đánh thức bố mẹ”, bé trả lời, “Con chỉ muốn sờ bố mẹ, con chỉ muốn hôn bố mẹ”. Như thể trẻ nói: “Con không muốn đánh thức thân xác của bố mẹ khỏi giấc ngủ, con chỉ muốn đánh thức tinh thần của bố mẹ thôi.”

Vâng, tình yêu của trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chúng ta quan tâm đến nó. Cha và mẹ ngủ cả đời, họ luôn có xu hướng ngủ thêm, và cần một con người mới đánh thức họ và giữ vững họ bằng một nguồn năng lượng tươi mới và sinh động mà họ đã đánh mất từ lâu. Họ cần một sinh linh sống khác để nói với họ mỗi buổi sáng: “Có một một cuộc đời khác mà cha mẹ đã quên! Hãy học sống tốt hơn!”.

Để sống tốt hơn! Để cảm thấy hơi thở của tình yêu! Con người sẽ suy thoái nếu không có trẻ giúp họ tái sinh. Nếu người lớn không thức tỉnh, lớp vỏ cứng sẽ dần hình thành bao quanh họ và biến họ thành vô cảm. Điều này nhắc nhở chúng ta về Ngày Phán Xét Chung, khi Đức Ki-Tô nói với những linh hồn sa đọa, những kẻ đã không bao giờ sử dụng những phương tiện họ gặp trong đời để cải thiện bản thân:

“Tránh xa ta, kẻ bị nguyền rủa… Ta là kẻ lạ và ngươi đã không cho ta vào, ta trần truồng và ngươi không cho ta mặc, ta bệnh và tù tội và ngươi đã không thăm viếng ta!”

Và họ sẽ trả lời: “Nhưng, thưa Ngài, có bao giờ chúng con thấy Ngài đói, khát, là người lạ, trần truồng, bệnh tật hay ở tù mà không thăm nom đâu?”

“Thật vậy, Ta bảo các ngươi. Bất cứ khi nào ngươi không làm gì cho những kẻ thấp hèn nhất này, tức là ngươi đã không làm cho ta.”

Trong cách mô tả sống động của Phúc Âm, dường như chúng ta phải phục vụ Đức Ki-Tô ẩn kín trong mỗi con người nghèo khó, bị tù đày, và đau khổ. Nếu áp dụng cảnh tượng tuyệt vời này vào đứa trẻ, chúng ta sẽ thấy Đức Ki-Tô xuất hiện để phục vụ mọi người dưới hình dạng của đứa trẻ.

“Ta yêu ngươi. Ta đến đánh thức ngươi vào buổi sáng, và ngươi đã đuổi ta.”

“Nhưng, thưa Ngài, có khi nào Ngài đến với chúng tôi vào buổi sáng để đánh thức chúng tôi, và chúng tôi đuổi Ngài bao giờ?”

“Khi đứa con ngươi sinh ra đến gọi ngươi, nó chính là ta. Khi nó nài nỉ ngươi đừng rời bỏ nó, nó chính là ta!”

Chúng ta thật ngu ngốc! Đó là Đấng Cứu Độ! Chính là Đấng cứu Độ đến đánh thức chúng ta và dạy chúng ta biết yêu thương! Nhưng chúng ta chỉ thấy tính ngỗ nghịch của đứa trẻ và chúng ta đã đánh mất con tim của mình!

❁ ❁ ❁ 

Ảnh: Rene Bernal on Unsplash

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x