Trang chủ » Chương 6: Hồi Quang Chứng nghiệm

Chương 6: Hồi Quang Chứng nghiệm

by Trung Kiên Lê
106 views

Tổ Sư nói :

Chứng nghiệm Hồi Quang cũng có nhiều hình nhiều vẻ. Ở đây ta không thể nhìn nhận một cách vụn vặt , hẹp hòi,mà phải có lòng khoan dung rộng lớn độ tận chúng sinh thoát vòng Khổ Hải. 

Các vị không thể nhìn nhận một cách hời hợt , thờ ư với những điều chứng nghiệm , mà cần thực hành từng bước theo nội dung mà ta đã trình bày mới có thể vượt mọi khó khăn , không lạc vào ma cảnh , tu thành chính quả. 


Trong khi nhập tĩnh sẽ có cảm giác man mác không lúc nào dứt , tâm tình sảng khoái , tinh thần thư thái , tựa như trong trạng thái ngà ngà say hay cảm giác sau khi tắm mát vậy , đó chính là lúc khắp cơ thể dương khí trào dâng,là dấu hiệu Bông Hoa Vàng vừa nhú (l). 

Tiếp sau đó sẽ cảm thấy vạn vật đều tĩnh lặng , một vầng Trăng sáng hiện giữa bầu trời , khắp mặt đất trở thành một thế giới sáng láng , quang minh , đó chính là lúc tâm hồn và thể xác khai sáng , là dấu hiệu bông Hoa Vàng đang nở (2). 

Tiếp sau, toàn thân phấn chấn , chẳng sợ gió sương , người ngoài cuộc thì cảm thấy vô vị , còn ta đã chứng nghiệm thì tinh thần hưng vượng , tựa như lâu đài xây bằng vàng , sân lát bằng ngọc , hết thảy mọi vật khô héo trên thế gian ta hà Chân Khí , liền bỗng dưng sống động , hồi sinh (3).

Máu đỏ trở thành dòng sữa. Tấm thân bảy thước của ta tựa hồ như toàn làm bằng ngọc quý. Có được dấu hiệu đó tức là đã đạt tới giai đoạn Bông Hoa Vàng đã ngưng tụ (4), Nội Ðan đã kết thành. Giai đoạn đầu ứng với “pháp tượng” Nhật lạc , Ðại thủy , Hạnh thụ v.v… trong “Quán Kinh” (5) của Phật Gia. 

Cảnh tượng Nhật lạc , tức Mặt Trời lặn , tượng trưng cho việc đặt cơ sở từ vô cực, trong cảnh hỗn độn. Cảnh tượng Ðại Thủy , tức nước to , phù hợp với cảnh “Thượng Thiện nhược thủy” (6) (bậc Thượng Thiện giống như nước) , thanh khiết không tư lợi như đã nói trong sách “Lão Tử” , đó chính lộ do Thái cực chủ trì, tức cái gọi là “Ðề xuất hồ chấn” nói đến trong “Kinh Dịch. Thuyết Quái”. 

Chấn trong Bát Quái , thuộc Mộc , vì vậy được tượng trưng bằng “Hạnh thụ”. “Thất trùng Hạnh thụ” nói đến trong Kinh tượng trưng cho sự quang minh của Thất Khiếu .

Giai đoạn hai xuất phát trên cơ sở của giai đoạn một : quán tưởng thế giới biến thành một vùng băng tuyết , thành ngọc lưu ly (7) ánh sáng chói lòa ngưng tụ ; sau đó, trong các hình tượng quán tưởng thấy xuất hiện tòa sen, chư Phật (8). Kim Tính, tức Bông Hoa Vàng nói đến trong sách này , xuất hiện , đó chẳng phải là Phật sao ?

Phật là dịch âm, có nghĩa là “Ðấng Kim Tiên Ðại Giác ngộ” Những điều trình bày trên là những chứng nghiệm ở những giai đoạn lớn trong việc tu luyện toàn bộ công pháp. Những chứng nghiệm mà các bạn có thể ấn chứng , đại để chia làm ba loại. 

Một loại là sau khi nhập tĩnh , Thần nhập Cốc (9), ta nghe thấy bên ngoài có người nói , âm thanh văng vẳng như ở đâu đó cách xa chừng một dặm , nhưng nghe rất rõ ; âm thanh đó róc vào tai ta như hồi âm vọng từ nơi thâm sơn cùng cốc, lúc không nghe thấy , lúc lại nghe thấy.

Hiện tượng Thần nhập Cốc này các bạn ai cũng có thể tự mình chứng nghiệm. Một loại khác là trong lúc nhập tĩnh , ánh mắt phiêu diêu phân tán , trước mắt chi thấy bàng bạc một màu tựa như đang ở trong mây , dù có giương mắt nhìn thân mình , cũng không sao nhìn thấy. 

Hiện tượng này gọi là “màn sương mờ ảo”. Ðó là do trong ngoài đều sáng rõ , là dấu hiệu tốt lành. Loại thứ ba là trong khi nhập tĩnh , thân tình nóng ran , mềm xốp , vừa giống như bông như bấc , vừa giống như ngọc như ngà. 

Rõ ràng ngồi đó mà hầu như không nhận biết , thân thể nhẹ tênh , cảm thấy như mình đang trôi nổi bồng bềnh. Cứ thế, lâu dần sẽ dạt được quyền năng đề khí khinh thân.

Cả ba trường hợp vừa trình bày đều là những cảnh tượng giờ đây có thể chứng nghiệm được Có điều những cảnh tượng mà mỗi người chứng nghiệm thường thiên hình vạn trạng , chẳng thể kể hết được ở đây , tùy theo tố chất của từng người mà mỗi người chứng nghiệm những diệu cảnh một khác. 

Y hệt như tướng “Thiện căn khai phát” (10) nêu lên trong sách “Tiểu Chỉ Quán” vậy. Chuyện này cũng giống như người uống nước , nóng lạnh mỗi người cảm nhận một khác . Tóm lại, mình tin sẽ trở thành thật. Trong những chứng nghiệm đó có thể tìm được Khí Tiên thiên. 

Khi Khí Tiên thiên đã tìm được tức là Ðan đã luyện thành. Ðó có thể là một hạt châu thực sự. Ðúng như câu “Một hạt lại một hạt , tích mãi sẽ thành nhiều” mà Trương Bá Ðoan đã nói tới trong bản văn “Kim Dan bốn trăm chữ”. 

Nói đến Tiên thiên thì có Tiên Thiên mang tính giai đoạn , tức là “một hạt” đã nói đến ở trên , nhưng cũng có Tiên Thiên mang tính chỉnh thể , tức là từ một hạt đến vô số hạt. Chỉ có điều, một hạt có sức mạnh của một hạt. Ðiều quan trọng nhất là tự mình phải có quyết tâm cao.

Chú Thích

1. Bông Hoa Vàng vừa nhú : Bông Hoa Vàng (Kim Hoa) tức Tính Quang. Tĩnh tọa lâu , Thân Tâm an định , Khí huyết trong cơ thể dâng trào , nuôi dưỡng toàn thân , như mưa xuân tưới nhuần cây cỏ. Lúc này Chân Khí dần dần tích tụ , như muôn hoa hé nụ , tuy chưa nỡ song đã lộ bày. 

Lúc này người tập chứng nghiệm cảnh Chân Khí vừa nảy sinh trong cơ thể , vì thế nên nói khắp cơ thể Dương Khí trào dâng , hay còn gọi là trong âm Thái Cực có Dương.

2. Bông Hoa Vàng đang nở : Chân Khí sung mãn , như Hoa đang nở , cánh hoa nhị Hoa tràn đầy Dương Khí , tuôn chảy khẩu hình hài , như ánh trăng dịu mát bao phủ khắp Ðất Trời , vì thế nên gọi là trong Dương Thái Cực có âm. 

3. Hà Chân Khí làm cho mọi vật khô héo trên thế gian sống động , hồi sinh : do Chân Khí trong máu thịt con người hao tán , cạn kiệt , nên dễ rữa nát , vạn vật cũng vậy. Con người nếu Hồi Quang thành công , Chân Khí trong cơ thể sinh sôi nảy nở , ngày một vượng thịnh. 

Trang Tử nói : “Con người ta sinh ra , Khí tụ thì sống , Khí tán thì chết”. Nếu Chân Khí trong con người sung mãn , có thể chiến thắng cái chết , kéo dài tuổi thọ. Truyền thuyết nói chư Tiên có thể điểm đá thành vàng , ý muốn nói dùng Chân Khí làm thay da đổi thịt.

4. Bông Hoa Vàng đã ngưng tụ : vấn đề Quang sinh hay Quang tụ đều do Thần điều khiển. Sau khi Bông Hoa Vàng đang nở , vẫn phải tiếp tục Hồi Quang , tập trung Thần vào Khí huyệt , làm cho Khí thay đổi về chất , Thần tụ thì Khí tụ , Khí tụ thì Thần sung mãn , vì thế tinh thần phấn chấn , lạc quan , tẩy bỏ hết cặn âm trong máu thịt , làm cho Dương Khí tràn đầy. 

Chính Khí đã vượng thì “Tà” không sao xâm nhập được , chẳng sợ gió sương. Ðoạn chứng nghiệm này cho biết Nội Dược (Nguyên Tinh , Nguyên Khí , Nguyên Thần) đã ngưng kết. Công pháp tu luyện của “Tông chỉ” xem quá trình Dược sinh , Dược luyện , Dược kết là giai đoạn khởi đầu. 

Về sau , giai đoạn nọ tiếp nối giai đoạn kia , mỗi giai đoạn đều từ lượng đổi thành chất , cuối cùng thì kết thành Ðại Ðan.

5. “Quán Kinh” tức “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” của Phật gia. Bộ Kinh này dạy các Phật tử quán tưởng Nước Phật Vô Lượng Thọ , tổng cộng có mười hai phép quán , mở đầu là Nhật quán , Thủy quán , Thất trùng bảo thụ quán v.v…

6. Thượng thiện nhược thủy (bậc Thượng thiện giống như nước) : xem chương Tám trong sách “Ðạo Ðức Kinh” của Lão Tử.

7. Ngọc lưu ly và tòa sen : đây là một trong những nội dung quán tưởng trong “Sinh quán vô lượng thọ”.

8. Phật : tên gọi tắt của Phật Ðà , tiếng Phạn là có nghĩa là “Giác ngộ”, người Tống gọi là “Ðấng Kim Tiên Ðại Giác Ngộ”.

9. Thần nhập Cốc : sách “Ðạo Ðức Kinh” , chương sáu viết : cốc Thần bất tử , thị vị Huyền Tần. Huyền Tần chi môn , thị vị Thiên Ðịa căn. Miên miên nhược tồn , dụng chi bất cần . Cốc nói ở đây chính là Khí khiếu , Ðan Ðiền.

10. Tướng “Thiện Căn khai phát” : trong sách “Tiểu chi Quán” của Ðại sư Trí Khải đã phân tướng “Thiện Căn khai phát” ra làm hai loại:Thiện căn khai phát bên ngoài gồm bố thí , trì giới , hiếu thuận với cha mẹ , tôn trưởng, cúng dường Tam Bảo và nghe Kinh , học Ðạo v.v… và “Thiện Căn khai phát bên trong” , tức là “Thiện căn khai phát” ( các pháp môn Thiền định ).

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x