Trang chủ » Chương 6 – Phôi thai học và hành vi

Chương 6 – Phôi thai học và hành vi

by Hậu Học Văn
245 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Những nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng, các giai đoạn phát triển của phôi thai ở các động vật bậc cao (bao gồm cả con người) đều giống nhau. Còn ở các động vật bậc thấp, vì sự phát triển là chưa hoàn toàn nên có sự khác biệt. Sở dĩ có điều đó là do tác động của một trở ngại trong một giai đoạn nào đó gây ra.

Ví dụ, trùng roi khi phát triển đến giai đoạn hình cầu thì dừng lại. Nó mãi mãi chỉ là một quả cầu rỗng trôi nổi trong đại dương. Trên bề mặt của tế bào trùng roi có các “roi” không ngừng lay động giúp trùng roi di chuyển.

Các giai đoạn phát triển của động vật ruột khoang cũng tương tự. Hình cầu rỗng bắt đầu cong vào phía trong, hình thành nên lớp nội bì và lớp ngoại bì của tế bào. Sau khi đã hình thành ba lớp rõ ràng, hình thái giai đoạn sau ở hầu hết các loài động vật là như nhau, khiến chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa phôi thai của các loài với nhau. Hình (5) sẽ chỉ cho chúng ta thấy rõ đặc điểm này.

Hình 5 – Hình thái phôi thai

Thực tế này được coi là một chứng cứ thuyết phục về mức độ tiến hóa khác nhau của động vật. Vì vậy mà con người được cho là tiến hóa từ loài vượn. Động vật có vú và các loài chim thì tiến hóa từ động vật bò sát, trong khi động vật bò sát thì tiến hóa từ động vật lưỡng cư. Động vật lưỡng cư thì tiến hóa từ cá, cứ như vậy quay ngược lại cho đến hình thái đơn giản nhất của sinh vật – động vật đơn bào. Vì nguyên nhân di truyền, phôi thai phải trải qua tất cả các giai đoạn mà tổ tiên nó đã từng trải qua. Có thể nói phôi thai là sự phản ánh rõ ràng quá trình tiến hóa của một loài. Hay nói cách khác là cá thể lặp lại diễn biến của cả hệ thống.

Cũng chính vì nguyên nhân này mà phôi thai học được gộp vào học thuyết của Darwin. Lí luận của Darwin được coi là những bằng chứng đáng tin cậy nhất. Nhưng sau khi những phát hiện của De Fraise được công bố thì người ra bắt đầu nhận thức được rằng, muốn lí giải một cách chính xác về sinh vật, phôi thai học cần bao hàm nội dung rộng lớn hơn.

 Chúng ta hãy bắt đầu từ lí thuyết đột biến. De Fraise đã tiến hành quan sát các cây khác nhau được gây giống từ một cây mẹ. Ông phát hiện ra rằng, đột biến xảy ra trong điều kiện không có bất cứ tác động nào từ bên ngoài, người ta gọi là tiến hóa tự nhiên. Nếu không thể tìm thấy nguyên nhân của những biến đổi này từ thế giới bên ngoài thì chỉ có thể quy kết nguyên nhân là do hoạt động bên trong phôi thai. Hay có thể nói rằng, ngay trong phôi thai đã xảy ra sự tiếnhóa nhanh chóng.

Vì vậy chúng ta phải nhìn thẳng vào các loại khả năng khác chứ không chỉ dừng lại ở giả thiết “thích ứng – biến đổi” của Darwin. Thích ứng với thay đổi đòi hỏi một thời gian rất dài. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu tự do hơn trong việc tìm kiếm đáp án từ những phương diện khác và chấp nhận nhiều khả năng hơn.

Trên thực tế, sự phát triển của phôi thai quan sát được qua kính hiển vi chỉ là một quá trình máy móc. Bởi vì sinh vật không chỉ là tập hợp của các cơ quan. Điều khiến chúng ta cảm thấy kì diệu là sau khi phôi thai của các động vật cao cấp trải qua quá trình hầu như giống hệt nhau thì có phôi phát triển thành động vật bò sát, có phôi phát triển thành chim, có phôi phát triển thành động vật có vú, thậm chí là thành người.

Hình thái cuối cùng trong sự phát triển của các động vật này, ví dụ như các chi, răng… vốn không có liên hệ nhiều với hình thái phôi thai của chúng, mà phần nhiều được quyết định bởi hành vi của chúng trong môi trường sinh tồn.

Điều này cho thấy giới tự nhiên có quy luật sinh tồn của riêng mình. Sự phát triển của phôi và công việc của con người có phần giống nhau. Mọi công trình kiến trúc của con người, cho dù đơn giản hay phức tạp đều bắt đầu bằng khâu chuẩn bị vật liệu (gạch, đá), công việc sau đó là dùng các vật liệu để xây thành những bức tường. Thế nhưng điều gì khiến cho vẻ bề ngoài của các công trình hoàn toàn khác biệt nhau? Không phải vì vật liệu sử dụng là khác nhau, mà là vì mục đích thiết kế nên những công trình đó là khác nhau.

Điều thật sự quan trọng là phôi thai học đã bước qua giai đoạn suy luận logic và bước đầu định hình. Phôi thai học không tiết lộ bản chất của sự vật, mà chỉ ra cho chúng ta một con đường nghiên cứu thông qua thực nghiệm. Bằng con đường ứng dụng thực tiễn này, chúng ta đã có được nhiều bước tiến rất lớn.

Trên thực tế, phôi có thể bị tác động. Hay nói cách khác, con người có thể gây ảnh hưởng đến phôi thông qua các hoạt động thí nghiệm, từ đó thay đổi tiến trình cuộc sống con người. Đã từng có người tiến hành những thí nghiệm kiểu này.

 Chúng ta có thể thông qua gen và ảnh hưởng của sự tổ hợp gen để tiến hành thay đổi quá trình di truyền ở các loại rau hoặc động vật. Lĩnh vực rất mới và đầy thú vị này đã mở ra trước mắt ta một cánh cửa lớn, nó không chỉ mang tính lí luận mà còn có tác dụng thực tiễn. Sở dĩ việc nghiên cứu phôi có tầm quan trọng là vì trước khi phôi phát triển thành các cơ quan, chúng ta có thể dễ dàng can thiệp vào phôi. Hiện nay con người đã nắm bắt được bí mật này.

Vài năm trước, nước Mỹ đã trao giải thưởng đầu tiên trong lĩnh vực phôi thai học. Chúng ta đã có thể tạo ra giống ong không có ngòi có thể lấy được nhiều mật hơn các loại ong thường. Cũng nhờ thí nghiệm trong phôi thai học mà con người có thể tạo ra các cây ăn quả cho nhiều quả hơn, thân cây không có gai. Một số loài thực vật có thể cho giá trị sử dụng cao hơn, hay độc tính trong một số loài thực vật có thể giảm đi.

Thông tin quen thuộc nhất với phần lớn mọi người chính là nhờ phương pháp này, các nhà khoa học đã lai tạo được nhiều giống hoa khác nhau. Ngoài ra, có thể chúng ta chưa biết rằng, bàn tay của con người không chỉ chạm tới động thực vật trên mặt đất mà đã vươn tới các sinh vật dưới biển sâu. Vì vậy có thể nói rằng, con người đã có thể vận dụng trí tuệ của mình để làm cho trái đất này tươi đẹp và phong phú hơn. Nếu bỏ công sức nghiên cứu hành tinh này giống như các nhà sinh vật học, đồng thời gây ảnh hưởng đến các sinh vật theo chiều hướng mà bản thân mong muốn, chúng ta sẽ kinh ngạc phát hiện ra rằng, sự tồn tại của loài người trên trái đất này còn mang một ý nghĩa khác. Đó chính là con người cũng là một thế lực vĩ đại thay đổi vũ trụ này.

Việc con người sử dụng trí tuệ của mình để sáng tạo như thể nhiệm vụ của con người là đẩy nhanh quá trình sáng tạo vật chất của tạo hóa. Bằng việc kiểm soát sự sống, con người đã có thể hoàn thành nhiệm vụ này của mình.

Vì vậy việc nghiên cứu phôi thai học không còn trừu tượng và nhàm chán nữa. Chúng ta có thể tưởng tượng, cùng bằng phương pháp đó, con người ngày nay có thể tạo ra rất nhiều giống loài mới và trong tương lai còn có thể tiến hành kiểm soát cả thế giới tâm lí của con người. Sự phát triển thế giới tâm lí và sự phát triển cơ thể của con người là như nhau, đều tuân theo quy luật giống nhau, từ chỗ không có sự khác biệt dần phát triển thành có sự khác biệt.

Cũng giống như bên trong tế bào mầm nguyên thủy của con người chưa có sẵn hình hài một con người, một đứa trẻ vừa chào đời cũng không có tính cách tâm lí nhất định. Chúng ta phát hiện ra rằng, nền tảng tâm hồn con người ban đầu chỉ là một mớ vật chất hỗn độn, hay nói cách khác chỉ là một tổ hợp tế bào. Quá trình này được tôi khái quát bằng cụm từ “tâm hồn có sức thẩm thấu”. Trên nền tảng này, ở xung quanh các điểm trung tâm cảm giác lần lượt hình thành các cơ quan tâm lí. Quá trình này tinh vi đến mức chúng ta không thể tái hiện lại, và nó được ẩn giấu sau việc trẻ nhỏ học ngôn ngữ. Bản thân tâm lí không tạo ra năng lực cảm giác này, mà các cơ quan của nó đã làm việc đó. Trong đó, mỗi cơ quan phát triển một cách độc lập. Ví dụ, cùng với sự phát triển ngôn ngữ thì khả năng phán đoán khoảng cách và khả năng nhận thức, khả năng phối hợp hai chân cân bằng cũng cùng lúc phát triển độc lập.

Mỗi khả năng này đều có nét đặc sắc riêng, hơn nữa loại hình cảm giác này rất linh hoạt, nó có thể khiến con người thực hiện được một loạt các động tác khác nhau. Nhưng chúng không tồn tại trong suốt cả quá trình. Mỗi loại hình sẽ biến mất sau khi hình thành cơ quan tâm lí. Khi các cơ quan đã định hình thì các loại hình cảm giác này không còn tồn tại nữa. Nhưng trong quá trình hình thành, nó cung cấp rất nhiều năng lượng cho chúng ta. Sau khi các cơ quan hình thành, chúng ta không còn nhớ mình đã từng có loại hình cảm giác đó. Sau khi tất cả các cơ quan đã được hoàn thiện, chúng sẽ giúp hình thành nên tổ hợp tâm lí hoàn chỉnh.

Cũng có thể tìm thấy minh chứng cho sự tồn tại loại hình cảm giác tạm thời này ở các loài côn trùng. Ở phần trên đã nhắc tới việc De Fraise tiến hành xây dựng lí thuyết về đột biến đã cho chúng ta thấy những cảm giác này xuất hiện trên côn trùng và sau hàng loạt hoạt động đã bắt đầu phát huy tác dụng như thế nào. Mỗi loại hình cảm giác này đều là điều kiện tất yếu cho sự sống còn và phát triển của côn trùng. Phát hiện này của De Fraise đã khiến việc nghiên cứu tâm lí học và sinh vật học có thể mở rộng trên các động vật khác nữa. Điều này đã dẫn tới sự phát triển của hàng loạt lí luận và học thuyết khác nhau, cho đến khi Watson – nhà tâm lí học người Mỹ mở ra một con đường mới giữa cục diện hỗn loạn này.

“Hãy gạt bỏ những điều không thể kiểm chứng.” Ông nói, “Chúng ta chỉ nên chú tâm vào những gì mình chứng minh được mà thôi. Hiện nay, có một điều chắc chắn là chúng ta có thể quan sát được động vật và hành vi của chúng. Hãy coi đó là nền tảng để mở ra một con đường nghiên cứu mới.”

 Những nghiên cứu của ông bắt đầu từ những động vật và hành vi bên ngoài mà chúng ta đều có thể quan sát thấy. Vì tin rằng hành vi là những chỉ dẫn chắc chắn nhất giúp con người đào sâu nghiên cứu về sự sống, nên ông đã hướng mục tiêu nghiên cứu tới hành vi của con người và tâm lí của trẻ nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu, ông đã phát hiện trẻ sơ sinh chẳng có hành vi nào đáng kể. Vì vậy ông đã nhận định trẻ không có thứ gọi là bản năng và di truyền về mặt tâm lí, đồng thời cho rằng hành vi của con người được quyết định bởi phản ứng dưới một loạt điều kiện nhất định. Những phản ứng này ngày càng chồng chất. Và ông đã đưa ra học thuyết “chủ nghĩa hành vi” của riêng mình. Học thuyết này từng rất phổ biến ở Mỹ, nhưng lại vấp phải sự phê bình và phản đối ở các quốc gia khác, bị cho là non kém và hời hợt.

Tuy nhiên, những nhận định của Watson đã khơi gợi hứng thú tìm hiểu của hai nhà nghiên cứu người Mỹ. Họ quyết định tìm hiểu và nghiên cứu hành vi thông qua phương pháp thí nghiệm. Họ chính là Kessen và Gesell. Kessen coi thuyết hành vi là cơ sở để nghiên cứu phôi thai học. Gesell thì tiến hành nghiên cứu về sự phát triển của trẻ nhỏ một cách có hệ thống, đồng thờixây dựng một phòng thí nghiệm tâm lí nổi tiếng thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Kessen, nhà nghiên cứu ở Philadelphia đã dành nhiều năm nghiên cứu phôi của một loài động vật. Sự tiến hóa của loài động vật này chưa đạt đến trình độ của động vật lưỡng cư, kết cấu giản đơn của nó rất phù hợp với công tác nghiên cứu. Kết quả thí nghiệm của Kessen đến năm 1929 mới được công bố. Sở dĩ phải sau nhiều năm như vậy, kết luận này mới được đưa ra là bởi vì nó hoàn toàn khác biệt với tư tưởng vốn thâm căn cố đế của các nhà sinh vật học lúc đó. Dù đã lặp đi lặp lại các thí nghiệm một cách cẩn thận, ông vẫn thấy rằng trung khu thần kinh đại não phát triển sớm hơn những cơ quan tiếp nhận mệnh lệnh của nó. Ví dụ trung khu điều khiển thị giác xuất hiện trước thần kinh thị giác. Nếu sự phát triển của phôi thai cũng tuân theo quy luật “những cơ quan xuất hiện trước trong quá trình phát triển của sinh vật thì cũng xuất hiện trước trong bào thai”, vậy thì xét từ góc độ sử dụng, thứ xuất hiện trước tiên trong phôi phải là các cơ quan chứ không phải là trung khu thần kinh của chúng. Vậy thì tại sao trung khu thị giác không chỉ xuất hiện trước khi hình thành đôi mắt, mà còn xuất hiện trước thần kinh thị giác rất lâu?

Thành tựu của Kessen đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ những nghiên cứu về hành vi của động vật. Không những thế, những nghiên cứu của ông còn chỉ ra một quan điểm đáng kinh ngạc: Nếu các cơ quan phát triển sau sự hình thành trung khu điều khiển, vậy thì sự hình thành của các cơ quan này nhất định là kết quả của sự thích nghi với môi trường. Theo quan điểm này, không chỉ có hành vi là được di truyền mà sự hình thành các cơ quan cũng là kết quả của sự thích nghi hành vi trong môi trường.

Trên thực tế, chúng ta đã từng bắt gặp những minh chứng cho nhận định này trong thế giới tự nhiên. Hình thái của các cơ quan có mối liên hệ mật thiết với công việc mà nó phải đảm nhận, mặc dù có một số cơ quan chẳng có mấy tác dụng với bản thân động vật. Những loài côn trùng sống nhờ mật hoa thường có vòi dài để có thể hút được mật từ tán hoa. Đồng thời trên cơ thể các côn trùng đó cũng xuất hiện một lớp lông, tuy không có tác dụng gì đối với việc hút mật hoa, nhưng lớp lông này lại giúp thụ phấn cho các bông hoa, để chúng có thể tiếp tục sản sinh mật hoa. Thú ăn kiến có một cái miệng rất nhỏ, chỉ đủ để thè cái lưỡi dài và mảnh ra ngoài, bề mặt lưỡi thô ráp giúp nó bắt được kiến và mồi.

Tại sao hành vi của động vật lại hạn chế như vậy? Tại sao có động vật bò sát, có động vật leo trèo, có động vật ăn kiến, có động vật chỉ ăn hoa? Tại sao có loài chỉ ăn động vật sống, có loài lại ăn xác chết, có loài ăn cỏ, có loài lại ăn gỗ, có loài chỉ sống trong đất mùn? Tại sao trên trái đất lại tồn tại nhiều loài động vật đến thế? Tại sao mỗi sinh vật đều có mô thức hành vi cố định và hoàn toàn khác với các loài khác? Tại sao có những loài vật rất tàn bạo và hung hãn, trong khi lại có những loài hết sức hiền lành? Sự tồn tại của mỗi sinh vật trên hành tinh này có thể không giống như những kết luận của Darwin – chỉ là để sinh tồn và thu lợi từ môi trường xung quanh. “Sự sống” không chỉ là quá trình không ngừng hoàn thiện hình thái sống. Hoàn thiện bản thân không phải là mục đích chính của mỗi sinh vật.

Điều này xung đột mạnh mẽ với những quan điểm đã có từ trước. Theo lí luận này, mục đích sống của mỗi sinh vật có mối liên hệ mật thiết với yêu cầu của toàn bộ môi trường. Hay nói cách khác, sự sống là tác phẩm của tạo hóa, mỗi sinh vật đều có một nhiệm vụ riêng, giống như người giúp việc trong gia đình lớn hay công nhân trong nhà máy vậy. Sự hài hòa của giới tự nhiên trên trái đất là kết quả nỗ lực của vô số sinh vật, mỗi loài có một nhiệm vụ riêng. Đó chính là mô thức hành vi mà chúng ta thấy. Hành vi của mỗi sinh vật không chỉ để thỏa mãn nhu cầu của bản thân chúng.

Vậy còn lí thuyết tiến hóa vốn có chỗ đứng vững chắc suốt một thời gian dài trong giới khoa học thì sao? Chẳng lẽ thuyết tiến hóa đã trở nên lỗi thời? Không. Nó chỉ được phát triển thêm mà thôi. Tất nhiên quan điểm của thuyết tiến hóa không thể chỉ dừng lại ở mức độ “dần dần tiến hóa, đạt tới sự hoàn hảo” như trước. Ngày nay, tầm vóc của hoạt động nghiên cứu sự tiến hóa nên được mở rộng, vươn tới nhiều khía cạnh khác. Nó nên bao gồm cả mối quan hệ giữa các chức năng, mối quan hệ này sẽ liên kết các hoạt động của các hình thái sống khác nhau.

Mối liên hệ này không nên chỉ được nhìn nhận là một hình thức hỗ trợ lẫn nhau một cách đơn giản, mà nên được hiểu là mục đích chung cuối cùng của cả giới tự nhiên. Khi đạt được mục đích chung, tất cả các sinh vật trong giới tự nhiên có thể có được những yếu tố thỏa mãn nhu cầu sinh tồn của riêng mình.

Chức năng của sự sống và trái đất có mối quan hệ với nhau đã được một nhà địa lí học ở thế kỉ trước thừa nhận. Đó là một người cùng thời với Darwin. Ông đã cho thấy vào những niên đại địa lí khác nhau, các động vật khác nhau trên trái đất sẽ có hình thái sinh tồn khác nhau. Ông đã nghiên cứu động vật thông qua hóa thạch của chúng ở các địa tầng khác nhau. Sau đó, các nhà khoa học khác cũng đã nghiên cứu và chứng minh được hành vi của động vật có ảnh hưởng đến sự kiến thiết bề mặt địa cầu. Tác phẩm Trái đất và sự sống của nhà địa lí học người Đức Frederick đã từng rất nổi tiếng ở nước Ý đầu thế kỉ này. Sau đó các ấn phẩm khác cũng đã bắt đầu đề cập tới rất nhiều khám phá và lí luận.

 Trước kia, chúng ta từng cảm thấy vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra dấu tích của các động vật biển ở lớp nham thạch trên dãy núi Himalaya hay dãy núi Alps. Những dấu tích này cũng có thể được tìm thấy trong lớp vật chất bị xói mòn từ trên đỉnh núi. Không còn nghi ngờ gì nữa, những động vật này đã từng đóng vai trò hữu ích trong việc kiến tạo lục địa. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể chứng kiến chúng tiếp tục làm công việc của mình ở những rặng san hô, khiến những đảo san hô này không ngừng mở rộng như những đóa hoa giữa đại dương mênh mông. Đó đều là thành quả của các nhà kiến tạo vô danh, chúng âm thầm góp sức mình vào công cuộc phục hưng những lục địa đang ngày càng già cỗi.

Hàng loạt minh chứng và kết quả nghiên cứu lần lượt hiện ra trước mắt chúng ta. Hình thái bề mặt lục địa ngày nay không thể chỉ được tạo ra dưới tác động của gió và nước, mà động vật, thực vật và cả con người đều đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo này. Nhà địa lí học người Italy – Antonio Stoppani đã cho chúng ta thấy sinh vật ảnh hưởng đến bộ mặt địa cầu như thế nào. Ông viết: “Các loài sinh vật dần dần trở thành một đội quân được đào tạo bài bản, không ngừng chiến đấu để bảo vệ sự hài hòa của giới tự nhiên.”

Hiện nay, chúng ta đã không còn phải bàn luận về kết quả của một quan sát nào đó nữa, bởi vì đã có một bộ môn khoa học mới mang tên là sinh thái học chuyên làm công việc nghiên cứu mối liên hệ giữa các sinh vật. Môn khoa học này đi sâu nghiên cứu ảnh hưởng của hành vi của một loài tới những loài khác, cũng giống như kinh tế học có ảnh hưởng tới tự nhiên vậy. Dưới sự trợ giúp của ngành sinh thái học, chúng ta có thể giải quyết rất nhiều thực trạng ở nông thôn. Ví dụ, để ngăn chặn một loài vật ở một vùng nào đó mà con người không có cách khống chế, chúng ta có thể căn cứ vào sinh thái học để tìm ra loại côn trùng tương khắc và khôi phục sự cân bằng trong tự nhiên. Nước Úc đã từng làm như vậy.

 Sinh thái học có thể được gọi là sinh vật học ứng dụng trong thực tiễn, nó nghiên cứu mối liên hệ giữa các loài với nhau chứ không nghiên cứu một cách đơn lẻ đặc trưng của từng loài. Phần ý nghĩa nhất của khoa học hiện đại nằm ở chỗ tính thực dụng của nó, nó nhận định rằng sự tiến hóa diễn ra bởi hoạt động của sinh vật dưới những điều kiện môi trường cụ thể. Điều này đã khiến chúng ta tiến gần hơn tới chân lí. Xét từ góc độ này thì tác dụng của các loài sinh vật là mạnh nhất và có tính quyết định nhất. Sự tồn tại của một sinh vật trên trái đất không chỉ để duy trì nòi giống, mà còn là để chịu trách nhiệm cần thiết với những sinh vật khác.

Những thực tế bên ngoài mà mắt thường quan sát được đã mang lại cho chúng ta những chỉ dẫn hữu ích. Tất cả những ai có mong muốn trợ giúp con người thông qua giáo dục giống như tôi đều nên bỏ công sức nghiên cứu quá trình phát triển của trẻ giống như nghiên cứu các sinh vật khác. Điều này khiến chúng ta không khỏi thắc mắc, thời kì sơ sinh của con người trong sinh vật học và trong cả thế giới sinh vật có vai trò như thế nào? Lí thuyết tiến hóa truyền thống chỉ nghiên cứu sự phát triển của sinh vật thông qua di truyền thích ứng và hoàn thiện đã trở nên hạn hẹp. Chúng ta đã phát hiện ra một lực lượng mới, mục đích của lực lượng này không phải là sinh tồn mà là dung hòa, lực lượng này đã khiến nỗ lực của tất cả các sinh vật được tập hợp lại và phục vụ cho một mục tiêu chung.

Vì vậy, trẻ nhỏ không những có khả năng tự sáng tạo, theo đuổi sự hoàn mĩ, mà sự tồn tại của trẻ còn vì một mục đích khác, đó chính là tạo ra sự hài hòa, phục vụ cho cả quần thể sinh vật. Trẻ nhỏ đồng thời chịu trách nhiệm kép, nếu chúng ta chỉ xem xét một trong số đó – tức là vấn đề sự phát triển của trẻ – thì có thể tiềm năng to lớn của trẻ sẽ không được phát huy đầy đủ. Chúng ta đã biết rằng, một đứa trẻ vừa chào đời đã có thể có được năng lực sáng tạo to lớn, và năng lực này sẽ được phát huy thông qua môi trường sống xung quanh.

Một đứa trẻ sơ sinh vừa chào đời không có trong tay một chút gì, từ vật chất đến tinh thần, nhưng trẻ lại có tiềm năng phát triển dồi dào và tiềm năng này sẽ được phát huy nhờ môi trường xung quanh. Sự “không có chút gì trong tay” này của trẻ có nét tương đồng với sự “không có gì” của tế bào mầm. Tất nhiên, đây không phải là một quan điểm khiến người ta dễ dàng chấp nhận. Woolf đã tạo ra một cú sốc lớn cho những người cùng thời với ông khi đưa ra nhận định của mình về quá trình phát triển của sinh vật, lí luận của ông hoàn toàn khác với quan điểm của những triết gia trước đó.

Chúng ta phát hiện ra rằng, đến với thế giới này, trẻ không tuân theo những người xung quanh, không tuân theo những người thân thiết của mình, mà trẻ sáng tạo mọi thứ của riêng mình. Quả là một sự thật đáng ngạc nhiên! Và sự thật này đúng với tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi nền văn minh trên thế giới này. Thứ phát huy tác dụng ở đây chính là sức sáng tạo, đó là sức sáng tạo mang tính bản năng của con người, nó khiến con người dần dần tự hoàn thiện bản thân cho đến khi có thể thích ứng với thời đại và xã hội của mình. Bản năng tự thẩm thấu và học hỏi đó là thứ mà bất cứ con người nào cũng có.

Nhiệm vụ của trẻ chính là tiến hành tìm hiểu xã hội ngày nay. Phân biệt tác dụng của hiện tượng đặc trưng này đối với trẻ nhỏ và người trưởng thành quả là một việc không dễ dàng. Có thể nói, tiến hành phân biệt quá trình di truyền đặc trưng này là việc rất khó khăn. Trẻ nhỏ có một thái độ mặc nhiên trước việc tiếp thu tri thức. Thông qua việc học hỏi tri thức từ môi trường xung quanh, trẻ bắt đầu tạo nên tính cách của bản thân. Minh chứng có tính toàn thể với tất cả loài người này khiến chúng ta đều cảm thấy kinh ngạc.

Phát hiện đáng kinh ngạc này đã làm dấy lên làn sóng tìm hiểu về các bộ lạc nguyên thủy với hi vọng thông qua những nghiên cứu đó sẽ có thể có được thêm nhiều phát hiện mang tính tiến bộ khác.

Trong cuốn sách Loại hình văn hóa của mình, Ross Bennedict kể lại sự kiện một nhóm truyền giáo người Pháp làm công tác nghiên cứu dân tộc học hiện đại đã tới Patagonia, tại đó họ phát hiện ra một tộc người cổ xưa nhất trên thế giới. Tiện nghi cuộc sống và tập quán xã hội của họ vẫn còn thuộc về thời kì đồ đá. Khi vừa nhìn thấy người da trắng, những người Patagonia vội vã bỏ chạy, và trong lúc vội vã, họ đã bỏ rơi một bé gái sơ sinh. Bé gái này đã được đoàn truyền giáo nuôi dưỡng. Bây giờ cô bé đã có thể nói hai thứ tiếng châu Âu, mang những tập quán sinh hoạt điển hình của người phương Tây, theo đạo Cơ đốc giáo và hiện đang theo học ngành sinh vật học tại một trường đại học. Vậy là trong suốt 18 năm vừa qua, từ một người thuộc thời kì đồ đá, cô bé đã nhanh chóng bước vào thời đại “nguyên tử”.

Câu chuyện trên đã cho thấy khi một con người được sinh ra, người đó có thể học được rất nhiều thứ một cách vô thức mà không hề cảm thấy có gánh nặng nào. Sự thẩm thấu tri thức từ thế giới bên ngoài này là một đặc trưng vô cùng quan trọng. Nó chỉ ra hiện tượng bắt chước (mô phỏng) của sinh vật, và không hề hiếm gặp như chúng ta đã từng tưởng tượng. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều ví dụ tương tự như trên. Chỉ trong Bảo tàng độngvật học Berlin, bạn đã có thể tìm cho mình đủ các loại minh chứng. Mô phỏng là một loại hiện tượng bảo vệ, nó bao gồm cả việc tiến hành học tập từ môi trường xung quanh. Bộ lông màu trắng của gấu Bắc cực, đôi cánh sặc sỡ của những chú bướm, tập quán sinh hoạt của các loài côn trùng, hình dạng phẳng dẹt của loài cá… tất cả đều là biểu hiện của hiện tượng mô phỏng này.

Sự mô phỏng từ môi trường xung quanh và lịch sử của đặc điểm này không có bất cứ mối quan hệ nào, cũng không phụ thuộc vào hiểu biết của sinh vật về môi trường. Một số sinh vật chẳng hề bị ảnh hưởng bởi môi trường, một số khác thì tiến hành mô phỏng. Đặc trưng có liên quan đến các loại hình sinh vật khác này có thể giúp chúng ta hiểu thêm về sự phát triển của trẻ, dù bản chất của chúng là hoàn toàn khác nhau.

❁ Tiếp Chương 7

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x