Trang chủ » Chương 7. Ly Lâu Thượng

Chương 7. Ly Lâu Thượng

by Hậu Học Văn
431 views

LY LÂU, PHẦN TRƯỚC

1. Mạnh Tử nói: “Sự sáng mắt của ông Ly Lâu, sự khéo léo của ông Công Thâu Tử, mà không dùng cái khuôn tròn, khuôn vuông, không thể làm nên đồ tròn, đồ vuông được. Sự thính tai của Sư Khoáng, mà không dùng sáu luật âm thanh, không thể xác định chính đáng được năm tiếng. Đạo lý của vua Nghiêu, vua Thuấn mà không dùng cách cai trị nhân đạo, không thể bình trị thiên hạ được.

“Nay có những vị có lòng nhân, nghe tiếng là có nhân, mà dân không nhận được ân lộc của họ, họ không nêu được khuôn phép cho hậu thế, tức là họ không thi hành đạo lý của các tiên vương vậy.

“Cho nên có lời rằng: ‘Chỉ riêng việc thiện, không đủ để cai trị; chỉ riêng khuôn phép, không có khả năng tự tiến hành.’

“Kinh Thi rằng: ‘Chẳng sai lầm, chẳng bỏ quên nếu noi theo điển chương cũ.’ Tuân theo khuôn phép các tiên vương mà mắc lỗi, chưa hề có.

“Các thánh nhân đã dùng hết sức sáng của mắt, lại tiếp tục dùng khuôn tròn, khuôn vuông, thước thăng bằng, dây mực để làm ra các đồ tròn, vuông, bằng, thẳng, còn dùng được mãi. Các ngài đã dùng hết sức thính của tai, lại tiếp tục dùng sáu luật âm thanh để xác chính năm tiếng, còn dùng được mãi. Các ngài đã dùng hết tâm tư, lại tiếp tục dùng cách cai trị của người biết thương xót mà đem đức nhân bao trùm thiên hạ.

“Cho nên có lời rằng: ‘Làm ở trên cao, ắt nương vào gò đống; làm ở dưới thấp, ắt nương vào rạch đầm.’ Làm chính trị, không nương vào đạo lý các tiên vương, có thể được gọi là bậc trí chăng? Vì thế chỉ có bậc nhân mới nên ở địa vị cao. Kẻ bất nhân mà ở địa vị cao, ấy là gieo rắc tật xấu của họ cho dân chúng. Bậc trên mà không lấy đạo lý để cân nhắc, bề dưới mà không giữ gìn khuôn phép; triều đình không tin vào đạo, các quan không tin vào phép tắc; người quân tử mà vi phạm điều nghĩa, kẻ tiểu nhân mà vi phạm hình luật; nước có tồn tại được, chỉ là may mắn thôi!

“Cho nên có lời rằng: ‘Thành quách không vững bền, binh giáp không có nhiều, chẳng phải là tai họa cho nước. Ruộng đồng không khai khẩn, của cải không súc tích, chẳng phải là điều thiệt hại cho nước. Người trên mà không giữ lễ, người dưới mà không học tập, dân loạn nghịch lại dấy lên, thì nước mất không kể ngày.’

“Kinh Thi nói: ‘Trời đương nhốn nháo, đừng trễ tràng thế.’ Trễ tràng cũng là lười nhác chậm chạp vậy.

“Phụng sự vua không theo điều nghĩa, tiến thối không giữ lễ phép, lời nói chẳng phải đạo lý các tiên vương như thế cũng là lười nhác chậm chạp.

“Cho nên có lời rằng: ‘Nhắc nhở điều khó cho vua, gọi là cung; bày tỏ điều thiện, ngăn điều tà, gọi là kính. Cho rằng vua ta chẳng có khả năng, gọi là tàn hại.’”

BÌNH GIẢI:

Ông Ly Lâu, tương truyền là người đời vua Hoàng Đế (khoảng 27 thế kỷ trước Công nguyên), có mắt rất sáng. Ông Công Thâu Tử, người nước Lỗ, tên là Ban; vì thế người đời gọi là Lỗ Ban; tương truyền ông là một thợ mộc rất khéo léo.

Mạnh Tử cho rằng mặc dù Ly Lâu có mắt sáng và Công Thâu Tử có đôi tay cực kỳ khéo léo mà không dùng những dụng cụ dành cho nghề thợ mộc như khuôn tròn (cái quy, thước nhíp), khuôn vuông (cái củ, thước nách), dây mực (thằng mặc), thước thăng bằng (chuẩn) thì cũng không thể tạo nên những đồ vật tròn, vuông, bằng, thẳng như ý được.

Cái qui giúp tạo những vật tròn,, cái củ giúp tạo những vật vuông, đều theo đúng ý muốn. Dây mực là dụng cụ bằng gỗ khoét rỗng, bên trong có cuộn dây tẩm mực, có thể kéo dài ra và cuộn lại. Khi dùng căng dây thành một đường thẳng dọc theo vật muốn lấy chuẩn, như tấm ván hay thanh gỗ, rồi bật lên đó để dấu mực trên dây tạo thành một đường thẳng. Thợ mộc căn cứ vào đó mà đục, đẽo hay cưa. Cái chuẩn (thước thăng bằng) là một thanh gỗ thẳng, ở giữa có giữ nước để lấy thăng bằng dựa theo mặt phẳng nằm ngang của nước. Sư Khoáng là nhạc sư trưởng ban nhạc triều đình nước Tấn, tên là Khoáng. Ông là một nhạc sư danh tiếng nhất Trung Hoa vào thời Xuân Thu, tương truyền ông đã tự lấy lá thuốc xông cho mù mắt để tai được thính hơn mà luyện nhạc; vì thế tiếng đàn của ông cảm động được cả chim muông.

Mạnh Tử cho rằng mặc dù Sư Khoáng có đôi tai thính, phân biệt rõ từng cung bậc âm thanh, nhưng nếu không vận dụng sáu luật âm dương, ông cũng không thể xác định chính đáng và kết hợp được ngũ cung để tạo nên một bản nhạc hay một cầm phổ tuyệt diệu.

Từ những ví dụ trên mà suy ra, đạo lý của vua Nghiêu, vua Thuấn tuy được mặc khải từ Trời hay được tiếp nhận từ các vị cổ thánh như Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế… nhưng nếu không dùng cách cai trị nhân đạo, tức là hạ mình phục vụ dân chúng, thì các ngài cũng không thể làm cho thiên hạ thái bình ổn định được.

Vào thời Chiến Quốc bấy giờ, có những vị vua chư hầu có lòng nhân hay cũng được tiếng là nhân đức, nhưng các ông ấy không thi hành được chính sách gì tốt đẹp cho dân; dân chúng không được hưởng một ân lộc nào dưới sự cai trị của họ. Hơn nữa, họ không nêu được khuôn phép, mẫu mực nào tốt đẹp cho người đời sau; như thế, cũng xem như họ không thi hành đạo lý của các tiên vương. Họ có thể nói về đạo lý của các tiên vương một cách thông thạo ở triều đình để được tiếng là nhân đức; nhưng thực ra họ không phát một chiếu lệnh nào cho các quan tiến hành việc canh cải đất nước để xoa dịu những nỗi thống khổ của dân chúng.

Chỉ có điều thiện trên lý thuyết, chỉ có khuôn phép trên môi miệng hay trên các văn bản mà chính vua không thực hiện làm mẫu, không xuống lệnh cho cấp dưới thi hành, thì guồng máy cai trị như một cỗ xe cồng kềnh gỉ sét lâu ngày không chuyển động; và dân chúng thì không thể tự tiến hành đường lối xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, phát huy đạo đức, mở mang giáo dục…

Kinh Thi nói: “Chẳng sai lầm, chẳng bỏ quên nếu noi theo điển chương cũ.” Điển chương của các thánh hiền xưa cũng có giá trị tương tự như cái qui, cái củ, cái chuẩn, sợi thằng mặc của thợ mộc hay sáu luật âm thanh của nhạc công. Những điển chương đó nếu được vận dụng tốt, biết cách linh động thích ứng theo thời buổi và hoàn cảnh, các nhà cai trị vẫn có thể nhờ đó mà tránh được sai lầm, quên sót.

Về điểm này, sử gia Will Durant, sau 40 năm nghiên cứu lịch sử văn minh nhân loại, đã nói: “Tập tục, qui ước, tín ngưỡng là công lao của nhân loại trong bao nhiêu thế kỷ dò dẫm. Khó mà chấp nhận được rằng chỉ một đời người – dù là đời một người thông minh tuyệt trần – là có được những kiến thức quảng bác, những tư tưởng thâm trầm đủ để phán đoán đúng những truyền thống có từ mấy thế kỷ.

Những “tập tục ,qui ước, tín ngưỡng” mà Will Durant nhắc tới chính là những điển chương cũ do Mạnh Tử trích dẫn Kinh Thi trong đoạn văn này. Những điển chương đó cũng như cái qui, cái củ… sáu luật âm thanh; chúng vẫn cần thiết cho người đời sau mãi mãi. Cho nên không thể cậy vào trí khôn thô thiển nhất thời của một vài người nông nổi mà cuồng ngôn, vọng động, phế bỏ những điển chương cũ của cổ nhân. Nếu phế bỏ đi, người ta rất dễ sai lầm, quên sót.

Vì thế, Mạnh Tử cho rằng một bậc trí (khôn ngoan, sáng suốt) phải biết nương vào đạo lý của các tiên vương. Nền đạo lý ấy chủ trương rằng bậc nhân mới xứng đáng ở địa vị cao; các lãnh tụ ở ngôi chí tôn phải là người nhân đức. Những kẻ bất nhân mà ngồi ở địa vị lãnh đạo chỉ làm hư hỏng xã hội, bởi vì họ gieo rắc những thói hư, tật xấu cho mọi người. Dù họ có khéo léo bưng bít, tin tức về những tật xấu đó vẫn bị rò rỉ ra. Nếu bậc trên mà không lấy các chuẩn mực đạo lý cổ truyền để xét nét ý tưởng và cân nhắc hành vi của mình; những người dưới sẽ bắt chước mà không chịu giữ gìn khuôn phép.

Trong một triều đình mà vua và các đại thần không còn tin vào đạo lý, các quan lại ở khắp địa phương châu quận không còn tin vào pháp độ xã hội; trong dân chúng, người quân tử lại làm điều bất nghĩa, kẻ tiểu nhân thì trộm cướp, giết người… đất nước ấy chắc chắn phải mất. Nếu còn tồn tại được ngày tháng nào, chỉ là điều may mắn nhất thời thôi!

Xưa nay, người ta thường nghĩ đơn sơ rằng muốn cho đất nước thịnh vượng trường tồn, cần phải duy trì một nền quốc phòng vững mạnh bao gồm thành quách, chiến lũy chắc chắn, binh khí dư dật; và phải có sự phát triển kinh tế dồi dào, đất đai mở mang. Tuy nhiên điều cốt lõi không phải ở đấy. Điều cốt lõi nằm ở chỗ: giới lãnh đạo phải giữ lễ, tức là sống trong đạo đức và xử tốt với dân; mọi người dân phải chịu khó học tập đức hạnh để cư xử tốt với nhau. Khi người trên giữ lễ, người dưới chăm chỉ học tập đức hạnh, sẽ không có hiện tượng dân chúng khởi loạn, bạo nghịch, xuống đường chống phá chính quyền, đạp tung xích xiềng… Được như vậy, đất nước sẽ thái bình, thịnh vượng, trường tồn.

Vũ trụ vạn vật luôn biến dịch, cho nên vận nước có lúc thịnh, lúc suy. Nói về vận nước vào lúc suy, Kinh Thi nói là: “Trời đương nhốn nháo” (Thiên chi phương quệ). Đó là chỉ cho đất nước đang ở trong tình trạng không gian, thời gian (trời) có sự biến động khác thường (nhốn nháo). Thích ứng với tình thế này, mọi người từ cấp lãnh đạo tới dân chúng phải ra sức chăm chỉ hành động tốt. Nếu như thế, sự thái bình thịnh vượng chỉ chao đảo chút ít rồi lại có thể kéo dài; sự nhốn nháo xao động có thể được thu ngắn. Đó là ý nghĩa lời dặn dò của Thanh Giang sứ giả (Thần Kim Qui) trao cho Thục An Dương Vương ngày xưa: “Quốc tộ tu đoản, xã tắc an nguy, thiên chi vận. Nhân nhiên năng tu đức, khả dĩ diên chi.” (Nền móng quốc gia dài hay ngắn, đất nước bình yên hay nguy vong, đó là vận mệnh của Trời. Nếu người nỗ lực tu đức, có thể kéo dài được.)

Nếu cấp lãnh đạo lười nhác chậm chạp trong điều nghĩa, không giữ lễ phép trong nếp sống và trong cách cư xử với dân, không thiết tha gì tới điển chương đạo lý thánh hiền, thì sự nguy vong của đất nước sẽ đến trong sớm tối.

Người ta lại thường có quan niệm rằng: cung kính là khúm núm, hạ mình, tự cho mình là thấp bé nhỏ mọn, sẵn sàng cúi đầu, khom lưng; người trên phán bảo sao thì nghe làm theo vậy và tận tụy chấp hành. Có biết đâu rằng nghĩa tích cực của cung là nhắc nhở người trên, góp ý cho người trên giải quyết những điều khó; nghĩa tích cực của kính là bày tỏ điều thiện cho người trên thấy và can ngăn người trên không làm những điều tà khuất. Người nào có ý tưởng tiêu cực, thái độ thờ ơ, xác quyết rằng cấp lãnh đạo của ta kém cỏi, chẳng có khả năng làm điều thiện, người đó đã làm hại cấp lãnh đạo và gián tiếp làm hại đất nước.

2. Mạnh Tử nói: “Cái qui (khuôn tròn), cái củ (khuôn vuông) là tiêu chí của đồ tròn, đồ vuông. Thánh nhân là tiêu chí của luân lý làm người. Muốn làm vua cho trọn đạo vua, muốn làm bề tôi cho trọn đạo bề tôi thì có hai mẫu mực: đều phải bắt chước vua Nghiêu, vua Thuấn mà thôi. Không theo chỗ vua

Thuấn phụng sự vua Nghiêu mà phụng sự vua, đó là không kính vua của mình. Không theo chỗ vua Nghiêu cai trị dân mà cai trị dân, đó là làm hại dân mình.

“Khổng Tử nói: ‘Đạo phân biệt hai thứ: nhân và bất nhân mà thôi.’ Tàn bạo với dân quá mức thì thân mình bị giết, đất nước bị tiêu vong; nếu không quá mức thì thân mình bị nguy hiểm, đất nước bị suy kiệt; tên được gọi là ‘U, Lệ’; tuy có con hiếu, cháu hiền, một trăm đời sau cũng không thể đổi được tên ấy.

“Kinh Thi rằng: ‘Cái gương của nhà Ân không xa, ở tại đời vua nhà Hạ đó.’ Câu ấy nói lên như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Người thợ mộc làm các đồ tròn, đồ vuông thì phải dùng tới khuôn tròn là cái qui, dùng tới khuôn vuông là cái củ. Không có qui củ, không thể làm nên đồ tròn, đồ vuông.

Con người sống trong xã hội, muốn tạo nên mối tương giao tốt để cho gia đình yên vui, đất nước ổn định, phải nhắm tới mẫu mực luân lý làm người (nhân luân) tiêu biểu, đó là thánh nhân. Thánh nhân là những người đã cảm nghiệm được Thiên ý, Thiên luật để cô đúc thành nhân luân. Nhân luân cũng như cái qui, cái củ để cho mọi người theo đó mà sinh hoạt tốt lành. Có năm mối nhân luân (ngũ luân hoặc ngũ điển) chính là: quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ hay trưởng ấu bằng hữu.

1. Quân thần: đạo nghĩa giữa vua và bề tôi. Vua có nhân đức, bề tôi trung thành (quân nhân, thần trung).

2. Phụ tử: đạo nghĩa giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo (phụ từ, tử hiếu).

3. Phu phụ: đạo nghĩa giữa chồng vợ. Chồng tử tế, vợ nghe theo (phu nghĩa, phụ thính).

4. Huynh đệ: đạo nghĩa giữa anh em. Anh tốt lành, em tôn trọng (huynh lương, đệ đễ). Trưởng ấu: đạo nghĩa giữa người lớn kẻ nhỏ. Người lớn ban ơn, kẻ nhỏ vâng theo (trưởng huệ, ấu thuận).

5. Bằng hữu: đạo nghĩa giữa bạn bè. Bạn bè giao thiệp với nhau phải giữ niềm tin (bằng hữu thủ tín).

Tất cả mọi người đều giữ theo nhân luân, xã hội sẽ ổn định, gia đình yên vui, đất nước thái bình, thịnh vượng.

Vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc ở Trung Hoa, các Nho gia đã cho rằng vua Nghiêu vua Thuấn là hai mẫu mực hoàn hảo về nhân luân; cho nên mọi người cần phải bắt chước vua Nghiêu, vua Thuấn mà sinh hoạt.

Ai phụng sự vua, phải lấy tiêu chí ở vua Thuấn phụng sự vua Nghiêu. Bề tôi nào phụng sự vua mình mà không theo khuôn mẫu vua Thuấn, đó là không tôn kính vua. Vậy vua Thuấn đã phụng sự vua Nghiêu như thế nào?

Kinh Thư cho biết: khi lên tuổi thọ 86, vua Nghiêu nghe tiếng ông Thuấn có tài đức, bèn vời vào triều và trao quốc chính. Vua Nghiêu thử tài ông Thuấn 3 năm rồi mới chính thức trao vương vị. Từ đó, vua Thuấn chăm chỉ thi hành phận sự: điều khiển trăm quan cai trị đất nước, duy trì đạo lý trong dân, tiếp đãi các nước chư hầu… Mọi việc đều trôi chảy, mọi người đều hoà mục. Mặc dù thành công trong việc trị nước, được trăm quan tuân phục, dân chúng yêu mến và chư hầu kính nể, vua Thuấn vẫn một mực chịu sự giám sát của vua Nghiêu trong 28 năm, vẫn tự coi mình là thần tử của vua Nghiêu, không hề có ý chuyên quyền, soán nghịch. Sau khi vua Nghiêu thăng hà, vua Thuấn cáo ở miếu thờ Đức Văn Tổ, rồi mới chính thức lên ngôi vua.

Như vậy, phụng sự vua phải lấy mẫu mực ở vua Thuấn; còn cai trị dân phải lấy mẫu mực ở vua Nghiêu, vì vua Nghiêu đã cai trị dân đạt kết quả tốt và đã chỉ dẫn cho vua Thuấn phép cai trị ấy. Ông vua nào cai trị dân mà không theo mẫu mực ở vua Nghiêu, đó là làm hại dân mình. Vậy vua Nghiêu đã cai trị dân như thế nào?

Kinh Thư cho biết: Vua Nghiêu có đức tính khiêm cung, kính cẩn, ý tứ sâu xa, tạo được nhiều ân trạch cho dân chúng khắp nơi. Ngài sống giản dị, ôn hoà, không ép uổng dân chúng phải miễn cưỡng chấp hành ý riêng của mình, khéo thuận theo lẽ tự nhiên mà cai trị dân. Ngài “hay tỏ đức tốt để thân với người trong họ chín đời. Các người trong họ chín đời hoà mục rồi, ngài tỏ đức tốt cho cả trăm họ. Trăm họ sáng tỏ rồi, ngài hoà hợp cả đến muôn nước chư hầu. Bấy giờ nhân dân trong thiên hạ đều hoà vui, bỏ điều ác mà làm điều thiện.[34]

Ngoài ra, để giúp dân chúng biết sinh hoạt ứng hợp với thời, vua Nghiêu đã sai Hy Bá và Hoà Bá kính cẩn theo dõi Thiên luật, xem xét độ số mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, làm ra lịch pháp, ấn định một năm có bốn mùa bao gồm 366 ngày, dạy dân gieo gặt tùy theo ngày tháng. Ngài còn sai Hy Trọng xác định các việc làm về mùa xuân; sai Hy Thúc xác định các việc làm về mùa hạ; sai Hoà Trọng sắp đặt các việc nên làm về mùa thu; sai Hoà Thúc xét mọi việc có nên thay đổi về mùa đông. Vua Nghiêu lại thường xuyên hỏi các quan để biết ai có tài đức về chuyên môn nào, rồi cắt cử họ vào công việc chuyên môn ấy. Nhờ vậy, mọi sinh hoạt trong nước được tốt đẹp, đất nước được thịnh vượng, thái bình; đến nỗi, tục truyền rằng thời đó không có giặc giã, trộm cướp, của rơi ngoài đường không có ai nhặt (Đạo bất thập di).

Khổng Tử cho rằng đạo Trời phân biệt ra: nhân bất nhân. Ông vua nào bất nhân, tàn bạo quá mức thì sẽ bị giết và đất nước, triều đình bị rơi vào tay người khác. Nếu ông vua nào không quá tàn bạo thì sinh mạng cũng bị nguy khốn; đất nước sẽ bị hao tốn tài nguyên, hoặc mất một phần lãnh thổ. Cảnh tượng vua bị giết, nước bị mất đầy rẫy trong thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Bằng chứng là vào đầu thời Xuân Thu, Trung Hoa có hơn 100 nước chư hầu; sang thời Chiến Quốc chỉ còn lại 7 nước. Chấm dứt thời Chiến Quốc, lục địa Trung Hoa nằm gọn trong tay Tần Thủy Hoàng.

Vua nào bị dân chúng gán tên cho là “vua U, vua Lệ” thì thật là một điều nhục nhã cho dòng tộc và con cháu. U là danh hiệu của Chu U Vương, vua thứ 12 đời nhà Chu, ở ngôi những năm từ 781 – 771 trước Công Nguyên. Ông vua này say mê Bao Tự, bỏ bê triều chính, bị rợ Khuyển Nhung đánh giết và mất Tây Đô. Lệ là danh hiệu của Chu Lệ Vương, vua thứ 10 đời nhà Chu, trước U Vương, ở ngôi những năm từ 878 – 841 trước Công Nguyên. Vì trụy lạc và khắc bạc, ông bị rợ Tây Nhung đánh, phải bỏ ngôi chạy qua đất Trệ. Tuy U có nghĩa là “kín đáo; sâu xa”, nhưng cũng có nghĩa là “tối tăm”; Lệ có nghĩa là “cố gắng”; nhưng cũng có nghĩa là “bạo ngược, dữ tợn”. Nói đến U Vương, Lệ Vương, người ta chỉ nghĩ đến những nghĩa xấu là “tối tăm, bạo ngược, dữ tợn”. Vì thế, sau này, vua nào bị dân chúng gọi tên là U Vương, Lệ Vương, thì đó là những xú danh; cho dù về sau con cháu có hiếu thảo, hiền ngoan một trăm đời cũng không thể tẩy xoá được danh hiệu xấu xa đó.

Kinh Thi nói: “Cái gương của nhà Ân không xa”, tức là chỉ vào đời vua Kiệt cuối nhà Hạ. Vua Kiệt say mê nàng Muội Hỷ, bỏ bê chính sự, khiến dân chúng lầm than; cuối cùng bị mất nước vào tay vua Thành Thang. Thế mà vua Trụ nhà Ân không biết soi tấm gương đó, lại say mê nàng Đát Kỷ và sát hại công thần, đến nỗi bị Chu Vũ Vương tiêu diệt. Câu Kinh Thi đó nói lên ý tưởng mà Mạnh Tử đã trình bày kỹ lưỡng ở trên.

3. Mạnh Tử nói: “Ba triều đại được thiên hạ nhờ làm điều nhân; mất thiên hạ vì làm điều bất nhân. Các nước chư hầu sở dĩ mất đi hay hưng thịnh, tồn tại hay tiêu vong cũng vì thế.

“Thiên tử mà bất nhân, không gìn giữ được bốn biển; vua chư hầu mà bất nhân, không gìn giữ được đất nước; các quan khanh, đại phu mà bất nhân, không gìn giữ được miếu thờ tổ tiên; kẻ sĩ, dân thường mà bất nhân, không gìn giữ được tấm thân mình. Nay có người ghét sự chết chóc, tiêu vong mà lại ưa thích điều bất nhân, thì cũng như kẻ ghét say rượu mà cứ cố tình uống rượu!”

BÌNH GIẢI:

Ba triều đại nhờ làm điều nhân mà được thiên hạ là: nhà Hạ của vua Vũ, nhà Thương của vua Thành Thang, nhà Chu của Văn Vương, Vũ Vương. Vì làm điều bất nhân, vua Kiệt làm mất nhà Hạ, vua Trụ làm mất nhà Thương Ân, vua Lệ Vương và U Vương làm nhà Chu suy sụp và cuối cùng bị mất vào tay nhà Tần dưới đời Chu Noãn Vương. Đại tướng Doanh Cù của nhà Tần đã phá hủy tông miếu nhà Chu, chở các tế khí và chín cái đỉnh đem về Hàm Dương.

Cũng thế, điều nhân có khả năng duy trì sự hưng thịnh trường tồn; điều bất nhân đã làm tiêu vong các nước chư hầu. Điều bất nhân trong đó có xảo quyệt và tàn bạo có thể chinh phục được các nước chư hầu, gồm thâu thiên hạ, thống nhất các quốc gia như nhà Tần đã làm; nhưng điều bất nhân không thể đem hạnh phúc đến cho dân chúng, không thể duy trì sự hưng thịnh lâu dài. Bất nhân sẽ đưa đến khốn khổ, rối loạn và suy vong trong khoảng một thời gian ngắn. Bằng chứng là với thủ đoạn xảo quyệt và tàn bạo của Vệ Ưởng, Lý Tư, Bạch Khởi, v.v. nước Tần đã xoá sổ nhà Chu và Lục hùng thời Chiến Quốc (Tề, Sở, Yên, Triệu, Nguỵ, Hàn) nhưng chỉ tồn tại hơn 10 năm là sụp đổ! Dưới sự cai trị hà khắc bất nhân của nhà Tần, dân chúng nhiều khi không dám thở mạnh, nói to!

Các vị thiên tử nhà Hạ, nhà Thương Ân, nhà Chu như Kiệt, Trụ, U, Lệ… vì bất nhân mà không gìn giữ được đất nước rộng lớn (bốn biển). Các vua chư hầu thời Xuân Thu, Chiến Quốc vì bất nhân mà không gìn giữ được cương thổ. Các quan khanh, đại phu ở các nước ấy vì bất nhân mà không gìn giữ được miếu thờ tổ tiên, lăng mộ, có khi còn tuyệt tộc; con số ấy nhiều vô kể. Những kẻ sĩ, dân thường vì bất nhân mà bị giết, bị chặt chân, chặt tay… do án xử ở công môn hay bị chết đường, chết chợ do oán thù, không thể tính hết được.

Ai cũng ghét cái chết bất ưng (bất đắc kỳ tử), ghét sự tiêu vong, suy mạt, thân tàn ma dại; thế mà vẫn ưa thích điều bất nhân, muốn thành công trên sự đau khổ của người khác. Đó là một nghịch lý, mâu thuẫn lớn lao! Bởi vì cái chết bất ưng, đau thương và sự tiêu vong gắn liền với những điều bất nhân. Sự liên kết ấy cũng tương tự như sự liên kết giữa say rượu và uống rượu. Nhiều người vẫn tự hào khôn ngoan nhưng lại mắc vào nghịch lý mâu thuẫn là ghét say rượu mà lại ham uống rượu!

4. Mạnh Tử nói: “Yêu người, mà mình chẳng được thân yêu, phải xét lại lòng nhân của mình. Cai trị người, mà sự cai trị không nên, phải xét lại sự sáng suốt của mình. Giữ lễ với người, mà người không đáp lại, phải xét lại sự kính trọng của mình. Hành động mà chẳng đạt, đều phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình. Thân mình ngay thẳng thì mọi người sẽ quay về với mình.

“Kinh Thi rằng: ‘Lời nói luôn luôn xứng hợp với Mệnh, đó là tự tìm được nhiều điều tốt lành.’”

BÌNH GIẢI:

Mình yêu người mà không tạo được sự gần gũi, cảm thông với người; người ta cũng không thân yêu lại mình; giữa mình và người vẫn có sự xa cách, nghi kỵ nào đó; như thế, phải xét lại lòng nhân của mình khi giao tiếp với người. Có thể tại mình yêu người theo cách chủ quan của mình, đem cái quan điểm riêng của mình áp đặt cho người. Có thể tại mình quá tự hào, kiêu hãnh, coi nhẹ người, đặt người ở giá trị thấp hơn mình, phải cầu cạnh mình. Có thể tại mình yêu người vì muốn mưu lợi cho mình, mong lợi dụng người về một phương diện nào đó… Thật là có nhiều lý do khiến người ta không thân yêu, gần gũi mình. Chúng ta phải xét lại xem lòng nhân của mình vướng mắc vào lý do nào để tìm cách gỡ bỏ. Tình yêu tốt đẹp nhất đối với tha nhân là tự xoá mình đi, chỉ hướng về người với một tình thân vô vị lợi. Đối với Khổng Tử, lòng nhân lý tưởng này chỉ mới thể hiện được trong tuổi già khi ngài dứt được bốn điều: “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” (không ý riêng, không cho là hoàn tất, không cố chấp, không có mình).

Cai trị người mà người không chịu chấp nhận sự cai trị của mình; hơn nữa, người chẳng nhờ sự cai trị của mình mà nên tốt, lại còn chống lại mình; như thế phải xét lại sự sáng suốt của mình. Có lẽ mình chưa sáng suốt đủ để thấu tỏ tâm lý, nguyện vọng của người mà có một phương pháp cai trị thích hợp.

Giữ lễ tức là bày tỏ thái độ kính trọng lịch sự, nhún nhường đối với người, mà người làm ngơ, lạnh nhạt không đáp lễ; như thế, phải xét lại xem mình có thực lòng kính trọng người chăng, và xét xem sự kính trọng ấy có biểu lộ tốt đẹp với tất cả thành khẩn chăng; lại còn xét xem sự biểu lộ ấy có phù hợp với phong tục, tập quán của người chăng.

Mỗi khi hành động bất cứ một công việc gì mà không thành tựu, cần phải quay lại tìm nguyên nhân ở mình: nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân bên trong. Có nhiều nguyên nhân khách quan bên ngoài làm cho mình thất bại: không gian, thời gian không thuận tiện, khí hậu, thời tiết, v.v.; cũng có những nguyên nhân chủ quan bên trong: vụng về, hấp tấp, thiếu chuyên nhất, v.v. Phân tích kỹ để tìm ra nguyên nhân thất bại, sau đó sửa sai và nỗ lực tiến hành tốt, mới có thể đạt kết quả.

Trong gia đình, người cha ngay thẳng, trung thực, thành khẩn thì mọi người trong nhà đều vui vẻ tuân phục.

Trong nước, bậc lãnh đạo ngay thẳng, trong sạch, chân thành, luôn luôn hết lòng vì dân, vì nước thì dân chúng khắp nơi sẽ hướng về và sẵn sàng tuân phục mệnh lệnh.

Kinh Thi khuyên rằng: “Lời nói luôn luôn xứng hợp với Mệnh.” Mệnh đây là Thiên mệnh, cái tính ban sơ tốt lành của Trời đặt trong lòng người (Trung Dung: Thiên mệnh chi vị tính 天命之謂性。Mệnh trời gọi là tính.) Lời nói của mình trước sau đều tốt lành theo thiên lý, thể hiện tính ban sơ chân chất, không dối trá mưu hại người; đó là tự tìm cho mình nhiều điều tốt lành (phúc), bởi vì có Trời hiện diện trong tâm tư mình.

5. Mạnh Tử nói: “Người ta thường có lời nói rằng: ‘Thiên hạ quốc gia.’ Gốc của thiên hạ ở tại nước; gốc của nước ở tại nhà; gốc của nhà ở tại thân mình.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Mạnh Tử, người ta thường có một câu nói ở cửa miệng: “Thiên hạ quốc gia.” Câu đó có nghĩa là sinh mệnh của mọi người (thiên hạ) gắn liền với nước, với nhà (gia đình). Bốn chữ “Thiên hạ quốc gia” tuy ngắn gọn nhưng bao hàm ba tầng ý nghĩa:

1. Gốc của thiên hạ ở tại nước:

Khi nhiều người qui tụ với nhau thành một xã hội, sinh hoạt với nhau theo chung một thể chế trong một cương thổ; cương thổ đó gọi là nước. Nước là gốc của mọi người trong xã hội đó. Nước có thái bình, thịnh vượng thì sinh mệnh mọi người mới được bảo đảm hạnh phúc. Nước loạn lạc, nghèo nàn thì mọi người sẽ vất vả, lầm than. Nước bị xâm lược, chiếm đoạt, mọi người sẽ mất chủ quyền, mất tự do, phải chịu kiếp nô lệ; sinh mệnh có thể bị nguy khốn. Vì vậy, nước là gốc của thiên hạ. Nước đã là gốc thì mọi người như những cành, lá, hoa, quả trên một thân cây. Gốc có lớn lao, bền vững, cành lá mới sum suê, hoa quả mới tốt đẹp được. Người ta phải vun trồng gốc cây cho bền chặt như thế nào thì mọi người trong nước phải cố gắng xây dựng, giữ gìn nước cho ổn định, giàu mạnh như vậy.

2. Gốc của nước ở tại nhà:

Nước là tổng hợp của nhiều nhà (gia đình). Nhà có an vui, phong túc thì nước mới thịnh trị. Vì vậy, phải làm sao cho mọi thành viên trong nhà, bao gồm ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em được nhân từ, hiếu thảo, hoà thuận thì nhà mới an vui, phong túc được. Mọi nhà đều ổn định tốt đẹp thì xã hội sẽ không rối loạn; do đó, nước mới bền vững. Bởi thế, nhà là gốc của nước.

3. Gốc của nhà ở tại thân mình:

Nhà (gia đình) gồm có các thành viên: ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em. Mỗi thành viên là một thân. Nếu mỗi thân đều khỏe mạnh, cư xử tốt với nhau, đều thi hành trọn vẹn bổn phận của mình thì nhà sẽ là một tổ hợp lý tưởng. Vì thế thân của mỗi người là gốc của nhà. Nếu ông bà nêu gương tốt cho con cháu, cha mẹ yêu thương con cái, vợ chồng vui vẻ hợp tác với nhau, anh em tương trợ lẫn nhau, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; đó là một nhà hạnh phúc.

Sách Đại Học có ghi lời của Khổng Tử: “Dục trị kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân 欲治其國者,先齊其家。欲齊其家者, 先脩其身。” Muốn trị nước, trước phải điều chỉnh nhà mình. Muốn điều chỉnh nhà mình, trước phải sửa thân mình.” (Đại Học, phần Kinh). Câu này chứng tỏ: thân là gốc của nhà, nhà là gốc của nước.

Khổng Tử lại nói thêm: “Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình 國治而後天下 平。 Nước được sửa trị rồi sau thiên hạ mới bình.” Câu này chứng tỏ: nước là gốc của thiên hạ.

Những lời của Mạnh Tử ở đây xuất phát từ truyền thống Nho giáo đã được minh định trong sách Đại Học.

6. Mạnh Tử nói: “Làm chính trị không khó, đó là đừng mắc lỗi với các gia tộc lớn. Các gia tộc lớn quý mến mình, cả nước sẽ quý mến. Cả nước quý mến mình, thiên hạ sẽ quý mến. Bấy giờ đức hạnh và sự giáo hoá của mình sầm sập tràn lan bốn biển.”

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn này, Mạnh Tử muốn nói rằng việc làm chính trị, trước hết phải khiến cho mọi người mến phục. Khi đã được mến phục rồi, tự nhiên mọi việc sau đó sẽ diễn tiến dễ dàng.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc là thời phong kiến. Các vua nước chư hầu được nhà Chu phong cho tước công và đời đời con cháu được một cương thổ để kiến lập sự nghiệp. Hầu hết họ là dòng dõi con cháu nhà Chu hoặc dòng dõi các thần tử đã có công giúp Vũ Vương đánh vua Trụ. Ví dụ, Lỗ Bình Công là dòng dõi của Chu Công; Tề Hoàn Công là dòng dõi của Thái Công Khương Tử Nha, v.v. Các vua chư hầu mang tước công lại phong tước cho một số quan khanh, hoặc đại phu có công với mình. Các quan khanh, đại phu cũng được ban cho một lãnh thổ nhỏ gọi là thực ấp để thu thuế của dân trong ấp đó. Thời Khổng Tử, nước Lỗ có ba họ là: Quý Tôn, Mạnh Tôn, Thúc Tôn. Họ có ấp riêng, có quan lại, binh đội và vũ khí. Họ Quý Tôn có ấp Phí, thường được nhắc tới trong sách Luận Ngữ. Những đại gia đó được Mạnh Tử gọi ở đây là “cự thất”, tức là gia tộc lớn, có thần thế trong một nước chư hầu. Những gia tộc này được truyền tử lưu tôn, cho nên thế lực của họ rất mạnh, có khi lấn áp cả vua và có thể cướp ngôi vua.

Vì vậy, muốn giúp vua cai trị đất nước, kẻ sĩ phải là một quân tử có tài đức, phải khéo léo làm sao không “mắc lỗi” (bất đắc tội) với các gia tộc lớn. Ở đây, không mắc lỗi có nghĩa là không gây thù chuốc oán với các gia tộc lớn. Muốn thế, bậc quân tử cầm quyền phải thật trung chính, khôn ngoan, khiêm tốn để có thể chinh phục được sự quý mến của họ. Khi các gia tộc lớn đã ái mộ, kính phục rồi, cả nước bao gồm quan lại các cấp sẽ mến phục theo; kế đến toàn thể thiên hạ cũng mến phục nữa. Đến lúc sự mến phục đã trở thành một phong trào, bấy giờ đức hạnh của người làm chính trị sẽ được mọi người noi theo, mệnh lệnh sẽ được chấp hành và những lời giáo hoá trở nên có sức mạnh lớn lao như mưa lũ sầm sập lan tràn khắp nơi.

7. Mạnh Tử nói: “Thiên hạ có đạo, kẻ ít đức phục tòng người nhiều đức, bậc hiền nhỏ phục tòng bậc đại hiền. Thiên hạ không có đạo, kẻ phận nhỏ hầu hạ người quyền thế, kẻ yếu hèn hầu hạ người dũng mãnh. Hai hiện tượng đó là lẽ Trời vậy. Thuận theo lẽ Trời thì còn; ngược với lẽ Trời thì mất.

“Tề Cảnh Công nói: ‘Đã không thể ra lệnh được, lại không chịu nhận mệnh lệnh, đành đoạn tuyệt với người thân vậy!’ Bèn ứa nước mắt bước ra mà gả con gái cho nước Ngô.

“Ngày nay, nước nhỏ bắt chước nước lớn mà thấy xấu hổ phải nhận mệnh lệnh. Thế là giống như học trò mà thấy xấu hổ phải nhận mệnh lệnh ở thầy. Nếu như thấy xấu hổ chẳng bằng bắt chước Văn Vương. Bắt chước Văn Vương thì nước lớn mất năm năm, nước nhỏ mất bảy năm, ắt sẽ thi hành chính trị cho thiên hạ được.

“Kinh Thi rằng: ‘Con cháu nhà Thương, phỏng chừng đến ngoài chục vạn; Thượng Đế đã ra mệnh lệnh, nên phải hướng về nhà Chu mà thần phục. Thần phục hướng về nhà Chu, vì mệnh Trời không ở mãi. Các quan lớn trí thức nhà Ân đã sáng suốt lanh lẹ đến kinh đô (nhà Chu) để dâng rượu trợ tế.’

“Khổng Tử nói: ‘Đức nhân, chẳng thể làm gì được mặc dù đông người. Này, ông vua một nước mà yêu thích đức nhân, thiên hạ không địch nổi.’ “Ngày nay, muốn vô địch trong thiên hạ mà không lấy đức nhân cũng như cầm đồ nóng mà chẳng xối nước.

“Kinh Thi rằng: ‘Có ai cầm đồ nóng mà chẳng xối nước?’”

BÌNH GIẢI:

Thiên hạ có đạo” nghĩa là khi đạo lý được triển khai khắp thiên hạ, mọi người từ vua tới dân đều sống theo đạo lý; bấy giờ đất nước ắt thái bình thịnh trị. Trong tình trạng ấy, kẻ ít đức vui vẻ phục tùng người nhiều đức, bậc hiền nhỏ phục tùng bậc đại hiền. Tức là dân chúng, những người chưa trọn vẹn hiền đức thuận tình vâng theo mệnh lệnh của vua quan, những người nhiều đức hạnh hơn mình.

Thiên hạ không có đạo” nghĩa là khi đạo lý bị bỏ quên, mọi người từ vua tới dân không sống trong đạo lý; bấy giờ đất nước ắt loạn lạc. Trong tình trạng ấy, dân chúng có thân phận nhỏ hèn đành phải hầu hạ những người quyền thế, tức là vua quan, những người có vũ khí, binh lực trong tay.

Hai hiện tượng đó là lẽ Trời trong thiên nhiên, không thể khác được. Thế giới của loài thực vật, động vật cũng theo lẽ ấy. Cây nhỏ nương bóng cây lớn, dây leo yếu mềm bám vào cây lớn để tồn tại. Thú nhỏ nương cậy hoặc tránh né thú lớn mới có thể giữ được mạng sống. Người khôn ngoan, biết sống thì phải thuận theo lẽ tự nhiên ấy mới tự bảo tồn. Nếu ai dám đương đầu với thế lực lớn mạnh hơn, tức là trái lẽ Trời, ắt bị tiêu diệt.

Trường hợp của Tề Cảnh Công cũng thế. Cảnh Công không đủ sức ra lệnh cho nước Ngô, lại không muốn nhận lệnh của nước Ngô, đành phải dứt bỏ tình thân mà đem con gái gả cho vua nước Ngô.

Mạnh Tử nhận thấy rằng: Thời ấy, có nước nhỏ bắt buộc phải nhận mệnh lệnh của nước lớn mà thấy xấu hổ; điều đó có khác gì học trò mà thấy xấu hổ khi phải nhận mệnh lệnh của thầy. Thấp nhỏ, yếu kém thì phải phục tùng thế lực lớn mạnh; đó là lẽ tự nhiên, can chi phải xấu hổ? Nếu ai đó có lòng tự trọng cao, có khí phách hơn người, cảm thấy xấu hổ thực, hãy nên có chí bắt chước cách xử thế của Văn Vương thuở xưa. Cuối đời Thương Ân, vua Trụ có quyền lực hùng mạnh đã bắt giam Văn Vương tại ngục Dữu Lý ở kinh đô Triều Ca. Văn Vương thấy xấu hổ, nhưng đã nuốt hận nép mình, giả ngây giả dại, chịu nép mình trong ngục, không chống cự. Trong khi đó, con là Vũ Vương thi hành nhân đức, vỗ yên dân chúng tại quê nhà; các nước chư hầu đều mến phục. Sau 7 năm, mãn hạn tù, Văn Vương đã trao cho con quyền tụ họp binh đội chư hầu, kéo về thanh toán vua Trụ và chế độ tàn bạo của nhà Ân chỉ bằng một trận oanh liệt tại Mục Dã.

Đối với nước lớn, nhiều nhân lực tài lực, chỉ cần năm năm; đối với nước nhỏ, thì cần tới bảy năm; một ông vua có thể thu phục cả thiên hạ bằng nền chính trị vương đạo với đức nhân chủ trì.

Kinh Thi cho biết: Sau khi vua Trụ bị diệt, con cháu nhà Thương còn đông đúc lắm, có tới cả chục vạn người. Nhưng họ biết rằng Thượng Đế đã chuyển mệnh từ nhà Thương sang nhà Chu; cho nên họ không dám cưỡng lại, mà phải hướng về thần phục nhà Chu. Bởi vì, mệnh Trời không ở hẳn với một người nào hay một triều đại nào; ai có nhân đức thì mệnh Trời hướng về đấy.

Do đó, các quan lớn trí thức nhà Thương Ân đã sáng suốt lanh lẹ đến kinh đô nhà Chu dâng rượu trợ tế để nhận mệnh lệnh mới.

Căn cứ vào lịch sử các triều đại đã qua, Khổng Tử cho rằng đức nhân có thể khiến người ta trở thành vô địch trong thiên hạ. Kẻ loạn nghịch có đông đúc bao nhiêu cũng phải khuất phục đức nhân. Ông vua trong một nước mà yêu thích đức nhân sẽ trở thành thiên hạ vô địch.

Mạnh Tử nhận thấy thời Chiến Quốc có nhiều vua muốn trở thành thiên hạ vô địch nhưng lại không muốn thi hành đức nhân. Điều ấy cũng nghịch lý như người cầm đồ nóng trong tay mà chẳng xối nước. Cai trị một khối dân đông đúc cũng như cầm đồ nóng trong tay. Cầm đồ nóng trong tay mà không xối nước, tay sẽ bị phỏng. Nếu không dùng đức nhân cai trị, không thể ổn định được dân chúng. Vận dụng đức nhân mà cai trị dân cũng tương tự dùng nước xối vào đồ nóng vậy.

8. Mạnh Tử nói: “Có thể nói chuyện với kẻ bất nhân chăng? Nguy khốn mà lấy làm yên ổn, tai họa mà lấy làm lợi lộc, họ vui trong chỗ làm cho họ diệt vong. Kẻ bất nhân mà có thể nói chuyện được với họ, sao có việc mất nước, hỏng nhà?

“Đã có đứa trẻ hát rằng: ‘Nước sông Thương lang trong hề, có thể dùng để giặt giải mũ của ta. Nước sông Thương lang đục hề, có thể dùng để rửa bàn chân của ta.’ Khổng Tử nói: ‘Các học trò hãy nghe lấy. Trong, thì giặt giải mũ; đục, thì rửa bàn chân vậy. Tự mình hãy chọn lấy cách ứng xử.’

“Này, người ta tự khinh khi mình, rồi sau người khác mới khinh khi; nhà mình tự hủy hoại mình, rồi sau người khác mới hủy hoại; nước mình tự đánh mình, rồi sau người khác mới đánh tới.

“Thiên Thái Giáp nói: ‘Trời ra tai vạ, còn có thể tránh; tự mình gây ra tai vạ, không thể sống nổi.’ Câu đó nói lên như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Ở đây Mạnh Tử có ý muốn nói: kẻ bất nhân có chịu nghe lời khuyên bảo phải trái hay không? Ông cho rằng không thể nói chuyện phải trái với kẻ bất nhân được. Bởi vì họ ở trong chỗ nguy khốn mà cứ cho là yên ổn, sống trong tai họa đang ập đến mà cứ cho là lợi lộc. Ví dụ, không thiếu gì kẻ trộm cướp đang bị chính quyền rình bắt nhưng vẫn sống phây phây trên của cải mình kiếm được và vẫn mưu toan thực hiện một cuộc trộm cướp khác. Có ông vua sắp bị mất ngai vàng nhưng vẫn phè phỡn ăn chơi trụy lạc cùng những kẻ thân tín, nịnh bợ. Có người gia trưởng bị vợ con chán ghét, gia đình sắp tan vỡ nhưng vẫn say sưa trong men rượu hay trong chiếu bạc… Họ vui vẻ cuồng nhiệt trong nguy cơ diệt vong mà họ không để ý đến. Nếu những kẻ bất nhân mà sẵn sàng tiếp thu lời nói của tôi hiền, vợ ngoan, con khôn, bạn tốt thì đâu xảy ra chuyện nước mất, nhà tan rẫy đầy trong lịch sử.

Có một câu đồng dao cổ thường được trẻ con Trung Hoa hát mà Mạnh Tử nhắc tới ở đây. Tương truyền, câu ấy sau này lại được một cụ già câu cá bên bờ sông Mịch La, nước Sở, hát cho Khuất Nguyên nghe. Đó là :

“Sông Thương nước chảy trong veo,

Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.

Sông Thương nước đục lờ lờ,

Thì ta lội xuống để mà rửa chân.”

Đây là một lời minh triết cổ, không biết xuất hiện từ bao giờ mà cả Khổng Tử, Mạnh Tử đều được nghe; đến Khuất Nguyên cuối thời Chiến Quốc cũng được nghe nữa.

Nghe trẻ con hát câu ấy, Khổng Tử đã nhắc nhở với các học trò: Nước trong thì đem giặt giải mũ, nước đục thì để rửa chân. Người quân tử phải biết tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh mà chọn lấy một cách ứng xử cho thích hợp.

Nước trong chỉ thời thái bình, thiên hạ có đạo; bấy giờ người quân tử nên đem tài sức ra thi thố với đời. Nước đục biểu thị thời loạn lạc, thiên hạ vô đạo; bấy giờ người quân tử nên đặt danh lợi xuống dưới gót chân mà tìm đường ẩn lánh.

Đối với một ông vua bất nhân, không biết nghe lời nói phải thì triều đình của ông ấy chỉ là một vũng nước đục; người quân tử không thể tâu bày lẽ khôn ngoan ở đấy mà nên lánh xa để tránh tai vạ.

Mạnh Tử nhận xét thêm rằng: Người ngoài chỉ khinh khi mình khi mình đã tự khinh khi, không biết tự trọng, ra tay làm những việc hèn hạ, mất nhân phẩm. Người ngoài chỉ có thể xen vào hủy hoại gia đình mình khi gia đình mình thiếu sự gắn bó yêu thương giữa vợ chồng con cái. Tương tự như vậy, ngoại bang chỉ đem quân đánh phá một nước khi nước ấy sinh sự chia rẽ, các thế lực, đảng phái trong nước đánh phá lẫn nhau.

Những sự thực này đã có từ lâu trong lịch sử loài người; cho nên thiên Thái Giáp trong Kinh Thư mới có câu rằng: “Trời ra tai vạ, còn có thể tránh; tự mình gây ra tai vạ, không thể sống nổi.” Gieo nhân nào, gặt quả nấy, đó là qui luật của Trời. Tuy nhiên, Trời ra nhân tai vạ, người ta có thể nhìn nhân ấy, đoán ra hậu quả và còn có thể tránh né. Người ta đã từng tránh né được bão lũ, động đất… nhưng nếu tự mình đã tạo nhân tai vạ, đã làm những việc thất nhân ác đức thì hậu quả tai ương sẽ ập đến, khiến mình phải chết. Tương tự như thế, khi mình không biết dưỡng sinh, để cho bệnh tật có cơ hội hoành hành tàn phá thân thể mình thì khó bề cứu vãn.

9. Mạnh Tử nói: “Kiệt, Trụ mất thiên hạ, bởi vì mất dân; mất dân, bởi vì mất lòng dân. Được thiên hạ, có đường lối: được dân thì được thiên hạ. Được dân, có đường lối: được lòng dân thì được dân. Được lòng dân, có đường lối: điều dân muốn, hãy làm cho đầy đủ; điều dân ghét, đừng đem đến cho họ.

“Dân theo về bậc nhân giống như nước chảy tới chỗ thấp, như thú chạy về đồng hoang. Cho nên, cá chạy xuống đầm sâu là do con rái cá; chim sẻ bay vào rừng rậm là do con chim cắt; dân chạy theo vua Thang, vua Vũ là do Kiệt, Trụ. Nay, vua trong thiên hạ, nếu có người thích điều nhân thì các vua chư hầu đều chạy theo cả. Tuy muốn không nên nghiệp vương, cũng không thể được.

“Nay muốn nên nghiệp vương, giống như người mắc bệnh bảy năm, phải tìm loại ngải cứu ba năm. Ví bằng chẳng nuôi ngải ấy, suốt đời chẳng thành được. Ví bằng không có chí hướng về nhân, suốt đời sẽ bị ưu sầu, nhục nhã, bị hãm vào cảnh chết chóc diệt vong.

“Kinh Thi rằng: ‘Có thể làm được chăng điều tốt lành? Thôi thời đều phải sa vào chìm đắm.’ Câu đó nói lên như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Ân đánh mất thiên hạ (mất địa vị thiên tử cai trị khắp cả lục địa Trung Hoa), bởi vì đã đánh mất dân chúng. Sở dĩ mất dân, bởi vì lòng dân không còn hướng về các ông ấy nữa. Do đó, điều kiện tiên quyết để lãnh đạo thiên hạ là được dân chúng ủng hộ. Muốn dân chúng ủng hộ thì phải chinh phục lòng dân. Muốn chinh phục lòng dân, hãy đáp ứng những điều dân muốn và bãi bỏ, chỉnh sửa những điều dân ghét.

Dân muốn ăn no, mặc ấm, thì đừng bóc lột dân bằng sưu cao thuế nặng và hãy giúp dân phát triển kinh tế. Dân muốn sống đời tự do, thì đừng đặt ra hình pháp nặng nề, cùm kẹp. Dân muốn ổn định thái bình thì hãy giáo dục dân và đừng nêu gương xấu cho dân bắt chước. Dân ghét tham nhũng thì tổ chức guồng máy cai trị trong sạch, thi hành nền dân chủ pháp trị đúng đắn, chọn người tài đức ra giúp nước. Dân ghét những thủ tục hành chính rườm rà, phiền tối thì hãy cải cách cho thông thoáng, giản dị.

Dân chúng có kẻ xấu, người tốt, nhưng tất cả đều ưa thích bậc nhân. Người nhân đức ở ngôi vị cai trị sẽ được dân qui phục hết lòng như nước chảy về chỗ thấp, như thú chạy về đồng hoang vậy. Đức nhân có sức hút diệu kỳ, không ai cản nổi, như nam châm hút sắt; bởi vì đức nhân thuộc về đạo Trời. Sở dĩ, lũ cá phải kéo nhau lặn xuống đầm sâu trốn tránh là vì sợ bị rái cá nhai nuốt. Bầy chim sẻ phải rủ nhau bay vào rừng rậm ẩn lánh vì sợ bị chim cắt dữ dằn mổ thịt. Tương tự như vậy, dân chúng cuối đời Hạ, đời Ân ùa nhau chạy theo Thành Thang, Vũ Vương vì chính sách ác nghiệt tàn bạo của vua Kiệt, vua Trụ bủa vây.

Vào thời Chiến Quốc, dân chúng lầm than đã lâu, nếu trong thiên hạ có ông vua nào nhân đức, chắc chắn toàn dân sẽ hướng về và các vua chư hầu cũng hưởng ứng. Lúc đó, ông vua ấy muốn từ chối nghiệp vương cũng không được.

Trong tình thế thời ấy, thiên hạ khổ sở như bị bệnh hoạn lâu năm (7 năm), nên cần phải có loại ngải cứu thật già (3 năm) để cứu chữa. Ngải cứu già dùng để chữa bệnh lâu năm cũng giống như đức nhân dùng để cứu dân chúng khỏi lầm than và cứu đất nước khỏi diệt vong vậy. Ông vua nào không có chí hướng về điều nhân, mà cứ sống tàn bạo, trụy lạc, suốt đời sẽ lo lắng vì sợ bị ám sát; và cuối cùng sẽ bị chết trong ưu sầu, khủng hoảng.

Kinh Thi có ghi lại một lời than thở của dân chúng thời xa xưa rằng: nhà cầm quyền chẳng làm được điều gì tốt lành sao? Thế thì dân ắt phải sa vào cảnh chìm đắm mà thôi. Câu ấy đã xác chứng cho những lời của Mạnh Tử là đúng.

10. Mạnh Tử nói: “Kẻ tự hại mình, không thể cùng nói với họ được. Kẻ tự phế bỏ mình, không thể cùng làm việc với họ được. Lời nói chẳng hợp lễ nghĩa thì gọi là tự hại mình. Tự nhận thân mình không thể ở trong đức nhân, noi theo đức nghĩa thì gọi là tự phế bỏ mình.

“Đức nhân là nhà ở yên ổn của con người. Đức nghĩa là con đường chân chính của con người. Bỏ trống nhà yên ổn mà chẳng ở, buông bỏ con đường chân chính mà chẳng noi theo, đáng thương thay!”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng: Người có lời nói chẳng hợp lễ nghĩa, gọi là kẻ tự hại mình. Lời nói chẳng hợp lễ thì mất lòng người trên, buồn lòng người dưới; lời nói không hợp nghĩa gây xích mích với mọi người xung quanh, không thiết lập được mối giao hảo với ai; khiến cha mẹ, anh em, bè bạn… phải xa lánh.

Như thế, chính là người đó tự cô lập, tự hại mình, khiến cho không ai muốn giúp đỡ mình. Người đó không biết lẽ phải trái, cho nên không thể cùng nói chuyện với họ được.

Lại có người tự nhận mình không thể ở trong đức nhân, noi theo đức nghĩa. Người nào không ở trong đức nhân tức là người bất nhân; người không noi theo đức nghĩa tức là người bất nghĩa. Người đã bất nhân, bất nghĩa thì không có sự ác độc nào mà họ không dám làm, không có lời dối trá nào mà họ không dám nói, không có mưu mẹo xảo quyệt nào mà họ không dám dùng đến. Một người như thế thì nguy hiểm biết chừng nào! Ai ở gần họ được xem như nằm bên hang cọp. Vì vậy, người ấy xem như đã tự phế bỏ mình, bởi vì không còn ai dám làm việc chung với họ nữa.

Đức nhân là đạo Trời, là cơ sở tốt lành cho con người sinh hoạt, trên có trời che, dưới có đất chở. Trần Cao Vân đã từng nói trong bài thơ Vịnh Tam Tài: “Trời che, đất chở, ta thong thả.” Con người chỉ có thể được “thong thả” khi biết tiếp nhận linh khí của Trời và sinh khí của đất, tức là biết sống trong đức nhân, biết giao hoà với tha nhân.

Chữ nhân () bao gồm bộ nhân () chỉ con người; chữ nhị () chỉ linh khí của trời và linh khí của đất; đồng thời chữ nhị () cũng chỉ việc ta phải chấp nhận tha nhân là một thực thể bình đẳng với ta, có giá trị như ta. Do đó, đức nhân là nhà ở yên ổn cho con người trong mọi không gian và thời gian.

Đức nghĩa là con đường chân chính, là đại đạo dẫn dắt con người tìm hạnh phúc.

Chữ nghĩa () bao gồm chữ dương () nằm trên biểu thị bầy dê hiền hoà và chữ ngã () bên dưới chỉ cá nhân ta. Đức nghĩa là cách cư xử hiền hoà của ta trong một cộng đồng như: gia đình, làng xóm, đất nước, nhân loại. Ở đâu, con người cũng phải nhường nhịn nhau, không xâu xé tranh giành nhau như loài lang sói. Nếu người nào cư xử theo kiểu “người là chó sói của người” thì đúng là kẻ bất nghĩa. Người nào sống bất nhân, tức là bỏ trống ngôi nhà yên ổn của mình mà không ở, lại đến ở chỗ gian nguy, hung hiểm; người nào cư xử bất nghĩa tức là buông bỏ con đường chân chính của mình mà chẳng đi, lại đi theo con đường cong queo lắt léo. Như vậy, sớm muộn gì tai họa ắt sẽ xảy đến cho người ấy, đáng thương biết bao!

11. Mạnh Tử nói: “Đạo ở bên ngươi, mà tìm ở xa; việc ở chỗ dễ dàng, mà tìm ở chỗ khó khăn. Người người hãy thân yêu người thân của mình, hãy tôn trọng bậc trên của mình, thiên hạ sẽ bình yên.”

BÌNH GIẢI:

Thiên hạ thái bình, mọi người thân yêu nhau là một cảnh tượng quý nhất, đẹp nhất ở trần gian. Bởi vì bao lâu nay thiên hạ loạn lạc, mọi người ghen ghét hận thù, chiếm đoạt, xâu xé lẫn nhau; cho nên người ta mới nảy ra ý muốn đi tìm đạo. Đi tìm đạo tức là đi tìm một chân lý, một phương thế giải quyết cảnh loạn lạc đau khổ ở trần gian. Cũng vì tìm đạo mà nhiều người phải bỏ nhà đi lên núi cao, vào rừng sâu xa xôi, lại còn phải dùng những phương pháp tu luyện khổ hạnh, hết sức khó khăn để mong đạt được chân lý.

Về vấn đề này, Mạnh Tử đại diện cho phái Nho gia chính thống đã minh xác: “Đạo ở bên ngươi, mà tìm ở xa; việc ở chỗ dễ dàng, mà tìm ở chỗ khó khăn.”

Câu trên có thể được tách ra để tìm hiểu như sau:

Đạo ở bên ngươi mà tìm ở xa:

Nếu hiểu đạo là chân lý tối thượng, thì đạo ấy vốn ở trong đáy lòng mỗi người; thật là gần gũi. Các hiền triết, các giáo chủ cao siêu nhất của nhân loại đều xác nhận như vậy. Đừng phóng ngoại cầu vật nữa, hãy trở về nội tâm của mình, sẽ tìm thấy đạo.

Nếu hiểu đạo là đạo đức (những hành vi tốt lành), thì đạo vốn ở sát bên con người, kề cận mỗi người. Nói lời chân thật tử tế, săn sóc cha mẹ, vợ dại, con thơ… bắt tay làm việc thiện giúp tha nhân: dắt người già, nâng kẻ yếu… tức là thi hành những hành vi đạo đức.

Cả hai cách hiểu về chữ đạo ở trên đều cho biết “đạo ở bên ngươi”, đi xa mà tìm đạo là sai hướng.

Việc ở chỗ dễ dàng, mà tìm ở chỗ khó khăn:

Việc làm cho thiên hạ thái bình, đất nước ổn định, gia đình an vui, người người hạnh phúc rõ ràng là những việc không khó trong thực chất. Sách Đại học có nói tới 4 bước tiến tới thiên hạ thái bình là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ – 修身,齐家,治国,平天下.

Muốn cho thiên hạ thái bình (bình thiên hạ), phải cai trị đất nước cho tốt. Muốn cai trị đất nước tốt (trị quốc), trước đó phải sắp xếp gia đình cho được an vui. Muốn sắp xếp gia đình được an vui (tề gia), trước đó phải tu sửa, hoàn thiện bản thân mình (tu thân).

Tu thân nghĩa là không nghĩ, không nói và không làm điều sai trái. Tất cả những điều ấy đều dễ dàng, đâu phải khó khăn nguy hiểm như việc lên rừng săn thú dữ, xuống biển tìm ngọc trai. Thế mà biết bao người đã bỏ những việc dễ dàng đó, không bao giờ làm, chỉ đi tìm những việc khó khăn như muốn làm những anh hùng hào kiệt, xả thân vì tổ quốc. Thực ra đất nước đã loạn lạc, đã bị xâm lăng rồi mới cần đến anh hùng hào kiệt. Nếu nước thái bình, đâu cần anh hùng hào kiệt làm chi! Xưa nay, người ta bỏ việc dễ đi tìm việc khó, đó là đã bỏ gốc tìm ngọn vậy!

Sau khi nói ngắn gọn về lý thuyết, Mạnh Tử chỉ ra phương pháp thực hành: Muốn cho đạo được triển khai để có thiên hạ thái bình, chỉ cần người người hãy thân yêu người thân của mình. Người thân của mình là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè. Thân yêu người thân của mình rồi thân yêu láng giềng, làng xóm, đồng bào; sau đó nữa thì tiến đến thân yêu ngoại kiều, nhân loại.

Ngoài ra, người người lại tôn trọng những bậc trên của mình, từ nhà đến nước. Như thế, cả gia đình lẫn xã hội đều có trật tự trong yêu thương quý trọng. Người dưới kính trọng người trên thì đáp lại, người trên cũng quý mến người dưới. Những việc dễ dàng đó mà thực hiện được thì thiên hạ sẽ bình yên; đạo sẽ hiển hiện sáng láng như mặt trời soi sáng ban ngày, như mặt trăng soi sáng ban đêm. Trần gian sẽ có hạnh phúc.

12. Mạnh Tử nói: “Ở địa vị dưới mà không được sự tín nhiệm của người trên, dân không thể được trị an. Được sự tín nhiệm của người trên, có đường lối: không được niềm tin ở bạn, không được người trên tín nhiệm. Được niềm tin ở bạn có đường lối: phụng dưỡng mà cha mẹ chẳng vui lòng, chẳng được niềm tin ở bạn. Làm vui lòng cha mẹ có đường lối: xét lại mình mà không chân thành, không làm vui lòng cha mẹ được. Chân thành ở mình có đường lối: không làm sáng tỏ điều thiện, không chân thành ở mình được.

“Vậy nên chân thành là đạo của Trời. Suy nghĩ nên chân thành là đạo của người. Chân thành hết mức mà không cảm động được người, chưa hề có. Không chân thành chưa có khả năng cảm động được người.”

BÌNH GIẢI:

Làm một viên quan ở địa vị dưới mà không được vua hay quan ở bậc trên tín nhiệm, sẽ không được hỗ trợ tích cực; vì thế không thể có đủ điều kiện thuận lợi để cai trị dân được.

Muốn được người trên tín nhiệm, viên quan đó phải được niềm tin ở bạn. Người nào được nhiều bạn bè tin tưởng, người ấy tự chứng tỏ mình là người có đức hạnh. Do đó, người trên sẽ tín nhiệm mà ủy thác cho những chức vụ quan trọng và hỗ trợ trong công việc.

Muốn được niềm tin ở bạn, người ấy phải hiếu thảo với cha mẹ, phụng dưỡng sao cho cha mẹ được vui lòng. Làm vui lòng cha mẹ, thì những bạn bè sẽ tin tưởng rằng người ấy có đức hạnh, không phản bội bạn bè. Do đó, bạn bè sẽ đặt niềm tin vào người ấy và hết lòng ủng hộ; người ấy sẽ không bị cô lập.

Muốn làm vui lòng cha mẹ, người ấy phải chân thành trong sự phụng dưỡng, phải tận tụy cư xử mà không lạt lẽo, giả dối. Thấy người ấy là người con ngoan hiền, cha mẹ mới vui lòng.

Muốn trở nên một người chân thành, người ấy phải làm sáng tỏ điều thiện trong mọi lời nói, cử chỉ và hành vi. Người nào không nói năng, hành động đầy thiện chí, không thể trở nên chân thành được.

Chân thành là nền tảng của đạo làm người, bởi vì chân thành là đạo của Trời. Sự chân thành của Trời biểu hiện trong các qui luật thiên nhiên bao gồm cả các lãnh vực vật lý, hoá học, sinh học. Qui luật đó biểu hiện rõ rệt trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Vì có các qui luật thiên nhiên không sai suyển mà vạn vật mới phát triển điều hoà trải qua muôn triệu năm. Khổng Tử đã viết Kinh Xuân Thu, lấy hai mùa phù hợp với công việc gieo gặt của con người là mùa xuân và mùa thu đặt tên cho sách, cốt ý mong muốn mọi người, từ vua, quan, đến dân, biết sinh hoạt phù hợp với đạo Trời. Do đó, để trở nên một con người lý tưởng phải suy xét mà cải thiện chính mình theo mẫu mực chân thành của đạo Trời. Trở nên chân thành chính là đạo của con người vậy.

Một khi đã chân thành hết mức, người ấy sẽ tự tỏa ra một huyền lực có thể cảm động được lòng người, khiến cho mọi người xung quanh sẽ theo mình, sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của mình và bắt chước mình. Kẻ nào không chân thành sẽ không có khả năng đánh động được lòng người, không có khả năng lôi kéo được người tùng phục mình. Có khả năng khiến người ta tùng phục mới có thể cai trị dân tốt, khiến cho xã hội ổn định, thái bình.

13. Mạnh Tử nói: “Bá Di lánh Trụ, sống ở bãi Bắc Hải. Nghe tin Văn Vương dấy lên, ông đứng dậy nói: ‘Sao chẳng đến mà qui phục? Ta nghe nói Tây Bá khéo nuôi người già.’ Thái Công lánh Trụ, sống ở bãi Đông Hải. Nghe tin Văn Vương dấy lên, ông đứng dậy nói: ‘Sao chẳng đến mà qui phục? Ta nghe nói Tây Bá khéo nuôi người già.’

“Hai ông già đó là những ông già phi thường mà qui phục, thế là bậc cha của thiên hạ đã qui phục rồi. Bậc cha của thiên hạ đã qui phục, con cái họ sao bỏ đi được?

“Nếu các vua chư hầu mà thi hành nền chính trị của Văn Vương, chỉ trong vòng bảy năm ắt thực hành được nền chính trị đó cho thiên hạ.”

BÌNH GIẢI:

Thái Công, tức là Khương Thượng, tự Tử Nha, người đời thường gọi là Lã Vọng. Thái Công là tước do Chu Vũ Vương phong cho và ban cho nước Tề làm lãnh địa sau khi giúp Vũ Vương phạt Trụ. Cả Bá Di và Thái Công là hai lão hiền tài cuối đời Thương Ân. Vì vua Trụ tàn bạo, hai ông phải ẩn lánh nơi thôn dã. Bá Di sống bên bãi Bắc Hải; Khương Thượng sống bên bãi Đông Hải. Đến khi nghe tin Văn Vương đã ra khỏi ngục Dữu Lý, trở về Tây Kỳ khởi nghiệp, cả hai ông đều đến qui phục.

Dưới thời vua Trụ, Văn Vương (Cơ Xương) mới được phong tước . Quê hương ở đất Tây Kỳ, nên ông được gọi là Tây Bá. Sau này, Vũ Vương dựng nghiệp nhà Chu, mới thụy phong cho cha là Tây Bá lên tước hiệu Văn Vương.

Lý do mà cả Bá Di lẫn Khương Thái Công đều muốn qui phục Văn Vương là Văn Vương (Tây Bá) khéo nuôi người già. Sở dĩ hai ông này chú ý tới đức “khéo nuôi người già” của Văn Vương vì hai ông đều là người già. Tương truyền, khi rời bến sông Vị ra giúp Văn Vương, Khương Thái Công đã tới tuổi Tuy nhiên, đã có đức “khéo nuôi người già”, Văn Vương còn có nhiều đức hạnh khác nữa, khiến cả già lẫn trẻ ở đất Tây Kỳ đều mến phục. Văn Vương đã thi hành một nền chính trị vương đạo, đề cao đức nhân, phát huy đức nghĩa, lưu tâm đến hạnh phúc của dân.

Bá Di và Khương Thái Công là hai ông già tài đức phi thường mà cả thiên hạ thời ấy đều biết tiếng. Hai ông ấy ngang hàng với các bậc cha bác của dân chúng, thì cũng như cha bác của thiên hạ. Nay cha bác thiên hạ đã qui phục Văn Vương, lẽ nào hàng con cháu trong thiên hạ có thể bỏ Văn Vương mà chẳng quay về tùng phục?

Lý luận như vậy, Mạnh Tử cho rằng nếu một vị chư hầu nào thời đó mà bắt chước Văn Vương thi hành chính sách nhân trị, thì chỉ trong vòng bảy năm, tất cả thiên hạ đều qui phục vị vua đó; và nền chính trị nhân đạo sẽ được thực thi trong thiên hạ.

14. Mạnh Tử nói: “Ông Cầu làm gia thần của họ Quý, đã không sửa được tính nết của chủ, lại còn thu thêm thóc lúa hơn ngày trước. Khổng Tử bảo: ‘Cầu chẳng phải đệ tử ta nữa. Các trò hãy đánh trống (hùa nhau) mà công kích hắn, có thể được đấy.’

“Do đó thì thấy, người quân tử không thi hành chính trị nhân đạo, lại còn làm giàu thêm, đều bị Khổâng Tử coi như bỏ; huống chi dùng sức mạnh đánh chiếm? Lấy việc chiến đấu mà tranh đất thì giết người đầy đồng. Lấy việc chiến đấu mà tranh thành thì giết người đầy thành. Điều đó gọi là để cho đất đai ăn thịt người. Cho tới chết, tội không dung tha được.

“Cho nên kẻ chiến đấu giỏi phải chịu hình phạt nặng; kẻ liên kết các chư hầu là hạng thứ; kẻ mở mang ruộng vườn, chiếm lấy đất đai là hạng thứ nữa.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử chủ trương cai trị dân là mưu cầu hạnh phúc cho dân. Nếu người cai trị nào mà chỉ lo thu gom của cải dân chúng để làm giàu cho cấp trên và cho mình, người đó thật đáng phế bỏ. Ông nêu ra trường hợp Nhiễm Cầu. Nhiễm Cầu là môn đệ Khổng Tử, được họ Quý Tôn dùng làm quan tể, tức làm gia thần, để cai trị ấp Phí.

Quý Tôn Phì là một đại phu lấn áp vua Lỗ, chuyên quyền, biển lận; thế mà Nhiễm Cầu đã không khuyên chủ sửa được tính nết, lại còn bội thu thóc lúa của dân, làm giàu thêm cho chủ. Như thế, đâu phải đạo lý của người quân tử?

Ngày xưa, Khổng Tử đã từ bỏ và hô hào các môn đệ chống lại Nhiễm Cầu. Nay Mạnh Tử nhắc lại lời Khổng Tử để minh xác quan điểm của mình.

Thu vét của cải dân chúng đã đáng tội rồi, lại còn có những nhà cai trị dùng sức mạnh quân sự đi cướp đất, cướp thành của người, khiến cho vô số dân vô tội phải chết oan, xác nằm đầy đồng, thân phơi chiến lũy. Tội đó to lớn biết bao nhiêu! Những nhà cai trị ấy dù có bị giết chết, tội cũng chưa đáng được dung tha.

Vì thế, kẻ chiến đấu giỏi mà không vì chính nghĩa bảo vệ tổ quốc, đáng xử tội nặng nhất; kẻ liên kết các chư hầu để xâm lấn nước người đáng xử tội vào hàng thứ hai; kẻ dùng binh lực mở mang ruộng vườn, cướp đất đai của dân chúng, đáng xử tội vào hàng thứ ba.

Tóm lại, Mạnh Tử chủ trương phản chiến, kết án những kẻ hiếu chiến, xâm lược, chiếm đoạt là trọng phạm. Người quân tử cai trị dân theo đường lối nhân chính, không bao giờ dùng binh lực bắt nạt dân, xâm lược nước người.

15. Mạnh Tử nói: “Tồn tại trong con người, chẳng có gì ngay lành cho bằng con ngươi. Con ngươi không thể che lấp điều xấu của người ta. Trong lòng ngay thẳng thì con ngươi sáng sủa; trong lòng không ngay thẳng thì con người lờ đờ. Nghe lời nói của người, nhìn con ngươi của người, người ta giấu diếm sao được?”

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn này, Mạnh Tử đưa ra một kinh nghiệm để nhận xét tâm tính con người. Theo ông, trong các bộ phận tồn tại nơi con người; chỉ duy nhất có con ngươi trong mắt là ngay lành, trung thực. Con ngươi không biết dối trá, không biết che giấu điều xấu của người ta. Mạnh Tử nêu ra một câu có tính qui luật: “Trong lòng ngay thẳng, con ngươi sáng sủûa; trong lòng không ngay thẳng, con ngươi lờ đờ.”

Mạnh Tử dùng chữ “liệu” (); bản Mạnh tử Hán văn chúng tôi đang dùng (Trí Dương Xuất bản xã – 2002) chú thích là “minh” (); chúng ta dịch là “sáng sủa”. Tuy nhiên, trên thực tế, để thể hiện lòng ngay thẳng trung thực, con ngươi chẳng những sáng sủa mà còn đứng yên; nếu con ngươi di động luôn luôn thì hẳn phải là biểu hiện của lòng dạ đảo điên, không trung thực.

Mạnh Tử lại dùng chữ “mạo” (); bản Mạnh tử Hán văn (Trí Dương Xuất bản xã – 2002) chú thích là “mông mông mục bất minh mạo 蒙蒙目不明貌” (dáng vẻ của con mắt không sáng mà tối mờ mờ); chúng ta dịch là “lờ đờ”. Trên thực tế, “lờ đờ” không phải là mắt kém, mắt loà, mà “lờ đờ” chỉ sự di động nhè nhẹ, chậm chạp của con ngươi. Nếu người nào nói năng trơn tru, liến thoắng mà có con ngươi “lờ đờ” thì ắt là trong lòng có âm mưu dối trá xảo quyệt, hoặc tà tâm.

Vì vậy, Mạnh Tử nhắc nhở: nghe lời nói của người, phải nhìn con ngươi của người để xét xem lời nói đó có thành thật hay không. Nếu thành thật thì đáng tin; nếu dối trá thì cần phải cảnh giác đề phòng, kẻo bị lừa.

16. Mạnh Tử nói: “Người cung kính không khinh bỉ người; người tiết kiệm không chiếm lấy của người. Ông vua khinh bỉ và chiếm lấy của người chỉ sợ người ta không thuận theo mình thôi. Sao được gọi là cung kiệm? Cung kiệm há có thể là giọng nói điệu cười mà nên ư?”

BÌNH GIẢI:

Người ta thường có thói quen hiểu rằng: cung kính là thái độ khiêm hạ tôn kính bậc trên; tiết kiệm là sự căn cơ, thận trọng trong việc chi tiêu, không hoang phí tiền bạc. Ở đây, Mạnh Tử cho cung kính và tiết kiệm một nghĩa rộng đặc biệt.

Cung kính là không khinh bỉ người, tôn trọng người không phân biệt trên dưới, sang hèn. Vì đã là người thì tự thân con người có giá trị đáng tôn trọng, không kể đó là người trên hay kẻ dưới.

Tiết kiệm là không chiếm lấy của người. Tiết kiệm ở đây mang ý nghĩa đạo đức về sự công bằng. Người ta không chiếm đoạt của mình, thì mình cũng không chiếm đoạt của người khác.

Như thế, cung kiệm hiểu theo nghĩa thông thường là nghĩa tiêu cực, cung kiệm theo cách hiểu của Mạnh Tử là nghĩa tích cực.

Ông vua nào có thái độ khinh bỉ người và có tham vọng chiếm đoạt thì sợ người ta cũng khinh bỉ mình và chiếm đoạt của mình. Tâm lý phổ thông của con người là luôn lấy mình làm thước đo người khác. Do đó, ông vua ấy chỉ sợ người ta không thuận theo mình và tìm cách phản bội mình, chống phá mình. Một người như thế sao đáng gọi là có đức cung kiệm? Cung kiệm không phải là dáng điệu bề ngoài với những lời lẽ nhũn nhặn hay điệu cười kiểu cách hoà nhã. Cung kiệm phải là thái độ chân thành tôn trọng người khác cả về thân xác lẫn tài sản của họ.

17. Thuần Vu Khôn hỏi: “Trai gái trao và nhận của nhau không được gần gũi, đó là lễ ư?”

Mạnh Tử đáp: “Lễ vậy.”

Hỏi: “Chị dâu bị chìm, thì dùng tay kéo lên chăng?”

Đáp: “Chị dâu bị chìm mà không kéo lên, đó là loài chó sói. Trai gái trao và nhận của nhau không được gần gũi, đó là lễ. Chị dâu bị chìm, dùng tay kéo lên, đó là linh động vậy.”

Hỏi: “Nay thiên hạ bị chìm đắm, thầy không kéo lên, sao vậy?”

Đáp: “Thiên hạ bị chìm đắm, phải dùng đạo mà kéo lên; chị dâu bị chìm, dùng tay kéo lên. Ông muốn dùng tay mà kéo thiên hạ chăng?”

BÌNH GIẢI:

Lễ là những quy tắc hướng dẫn người ta sống tốt đẹp, tránh những nguy hại đáng tiếc, để tạo nên sự ổn định trong xã hội. Xã hội ổn định thì cá nhân mới hạnh phúc. Vì thế, người nam và người nữ khi giao thiệp với nhau cần phải có sự phân biệt để tránh những sự lộn xộn không tốt đẹp có thể xảy ra. Lễ giáo ngày xưa dạy rằng: Mỗi khi người nam và người nữ, không ở trong quan hệ vợ chồng, trao (thụ – ) hay nhận (thụ – ) bất cứ vật gì, đều không được gần gũi thân mật (bất thân – 不親).

Thuần Vu Khôn, một nhà biện thuyết nước Tề nêu ra liên tiếp mấy câu hỏi xem Mạnh Tử giải quyết ra sao.

Nếu “nam nữ thụ thụ bất thân” là hợp lễ, người ta phải xử lý ra sao, khi có người chị dâu bị chìm dưới nước? Đưa tay ra cứu chị dâu thì vi phạm lễ giáo, thế mà giữ lễ giáo thì chị dâu sẽ chìm; không lẽ để chị dâu chết đuối?

Mạnh Tử trả lời dứt khoát: “Chị dâu bị chìm mà không kéo lên, đó là loài chó sói.” Dĩ nhiên, đã kéo lên thì phải dùng tay rồi; đó là sự linh động trong cách xử trí. Linh động tức là quyền. Quyền chỉ được vận dụng trong lúc biến, tức là lúc không bình thường. Trong lúc bình thường thì phải chấp kinh. Chấp kinh là giữ lời dạy của thánh hiền; đó là giữ lễ.

Đồng quan điểm đó, thi hào Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều:

“Có khi biến, có khi thường;

Có quyền, nào phải một đường chấp kinh.”

Chấp kinh đi với khi thường; tòng quyền đi với khi biến. Khi thường phải giữ lời kinh “nam nữ thụ thụ bất thân”; khi biến phải tòng quyền, linh động hành xử, không cần giữ lời kinh nữa.

Đó là đạo lý của những người thông đạt xưa nay, không phóng túng mà cũng không câu nệ. Vì vậy, Khổng Tử đã dùng mấy chữ “vô khả, vô bất khả” (không nói là nên, không nói là không nên) để nói lên cách ứng xử của ngài trong đời. Đó cũng là ý nghĩa của bốn chữ “quân tử thời trung” của Khổng Tử. Quân tử thời trung nghĩa là người quân tử phải biết thích ứng với thời (thời thế, thời tiết) nhưng không lệch lạc, lúc nào cũng giữ tâm trong sáng theo chính đạo (trung).

Sau khi nghe Mạnh Tử giải thích về cách linh động giữ lễ, Thuần Vu Khôn trổ tài biện thuyết của mình, nhằm đưa Mạnh Tử vào chỗ bế tắc. Ông ta đã chuyển nghĩa chữ “nịch” là chìm trong nước sang nghĩa chìm đắm trong đau khổ lầm than. Chữ “nịch” trên có nghĩa đen, chữ “nịch” dưới có nghĩa bóng. Đó là một mẹo của thuật ngụy biện. Ông ta có ý muốn nói: chị dâu bị chìm thì phải kéo lên; nếu ai không kéo là loài chó sói. Nay thiên hạ bị chìm đắm; nếu thầy không kéo lên, thầy cũng là loài chó sói vậy.

Thuần Vu Khôn đã dùng đòn “Gậy ông đập lưng ông” đối với Mạnh Tử .

Mạnh Tử điềm nhiên trả lời: “Thiên hạ bị chìm đắm, phải dùng đạo mà kéo lên.” Dùng đạo mà kéo lên tức là lấy đạo lý, bao gồm các đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu, từ, huệ, thuận, kiệm… mà dạy thiên hạ. Từ vua quan cho đến dân thường, nếu ai ai cũng giữ đạo thì xã hội hết bị chìm đắm trong đau khổ, lầm than. Thiên hạ có bị chìm đắm trong ao, hồ, sông, biển… đâu mà dùng tay kéo lên?!

18. Công Tôn Sửu nói: “Người quân tử không dạy con, tại sao vậy?”

Mạnh Tử đáp: “Tình thế chẳng thi hành được. Đã dạy, ắt phải lấy lẽ ngay thẳng. Lấy lẽ ngay thẳng mà (con) chẳng thi hành, sẽ sinh ra giận dữ. Sinh ra giận dữ thì trở lại (con) bị thương tổn. (Bèn nói): ‘Cha dạy con theo lẽ ngay thẳng; thế mà cha chưa được ngay thẳng!’ Thế là cha con đều bị thương tổn cả. Cha con đều bị thương tổn, đó là điều xấu vậy. Người xưa đã đổi con mà dạy. Cha con cách nhau ra thì không trách móc nhau về điều thiện nữa. Trách móc nhau về điều thiện dẫn đến chia lìa. Chia lìa thì chẳng có điều chẳng lành nào lớn cho bằng.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, ở Trung Hoa, người quân tử thường không trực tiếp dạy con về chữ nghĩa, văn hoá như các môn: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số… Việc giảng dạy được trao cho thầy bên ngoài; ở nhà, cha chỉ dạy bảo thêm.

Công Tôn Sửu đem vấn đề này ra hỏi Mạnh Tử xem lý do tại sao. Mạnh Tử đã giải thích như sau: tình thế tương quan giữa cha con không thuận cho việc giảng dạy. Đã dạy, thì phải đưa ra một mẫu mực lý tưởng, tức là dạy theo lẽ ngay thẳng. Khi thấy con không đáp ứng được lẽ ngay thẳng, không theo được mẫu mực lý tưởng, người cha thường nổi giận, mắng mỏ, la rầy con. Bị mắng mỏ, la rầy, người con bị tổn thương lòng tự ái; có khi mở miệng lẩm bẩm: “Cha dạy con theo lẽ ngay thẳng, thế mà cha chưa được ngay thẳng” (như mẫu mực cha đưa ra). Bấy giờ, người cha cũng bị tổn thương lòng tự ái; từ đó có thể nảy sinh ra sự xô xát giữa cha con. Tình cha con bị tổn thương, đó là một điều xấu, điều đáng tiếc trong gia đình. Điều đáng tiếc ấy nếu cứ liên tiếp xảy ra, chắc chắn sẽ dẫn đến sự chia lìa giữa cha con. Vì thế, người xưa đã khôn ngoan khi chủ trương đổi con cho nhau mà dạy. Mình làm thầy dạy con người, người làm thầy dạy con mình. Giữa cha và con có sự gián cách, cha con không bắt bẻ nhau về điều thiện, mới tránh được chia lìa, mới giữ được trọn vẹn tình cha con. Nếu cha con phải lìa nhau, đó là điều chẳng lành lớn nhất.

19. Mạnh Tử nói: “Việc phụng sự nào là lớn? Phụng sự cha mẹ là lớn. Việc giữ gìn nào là lớn? Giữ gìn thân mình là lớn. Không đánh mất thân mình, mới có thể phụng sự cha mẹ mình được, ta đã nghe như vậy. Đánh mất thân mình, mà có thể phụng sự cha mẹ mình, ta chưa từng nghe nói. Việc nào chẳng phải là việc phụng sự? Phụng sự cha mẹ là việc phụng sự gốc. Cái nào chẳng phải là cái cần giữ gìn? Giữ gìn thân mình là giữ gìn cái gốc vậy.

“Ông Tăng Tử nuôi ông Tăng Tích, đã từng có rượu, thịt. Khi sắp dẹp bữa, thì hỏi về chỗ còn thừa. (Cha) hỏi có thừa chăng, thì nói có. Ông Tăng Tích mất, ông Tăng Nguyên nuôi ông Tăng Tử, đã từng có rượu, thịt. Khi sắp dẹp bữa, không hề hỏi về chỗ còn thừa. (Cha) hỏi có thừa chăng, thì nói không còn. Muốn sẽ lại dâng lên nữa. Phụng sự như thế gọi là nuôi cái miệng mà thôi. Như ông Tăng Tử mới có thể gọi là nuôi cái chí hướng của cha. Phụng sự cha mẹ như ông Tăng Tử mới xứng đáng vậy.”

BÌNH GIẢI:

Trên đời, có nhiều việc phụng sự. Trước khi nói đến phụng sự tha nhân, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân loại, con người có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ mình. Đó là việc phụng sự lớn và gần gũi hơn cả. Chưa từng có ai bỏ bê cha mẹ mình mà có thể phụng sự tha nhân tốt được.

Làm người thì phải biết giữ gìn nhiều thứ, nhưng quan trọng hơn hết là phải biết giữ gìn thân mình. Sinh hoạt cẩu thả để thân mình bị bệnh hoạn, bị tai nạn, bị tử vong sớm, khiến cho cha mẹ buồn lòng và không thể phụng dưỡng cha mẹ được; đó là điều đáng trách. Vì vậy, phụng sự cha mẹ là gốc của các việc phụng sự khác; và giữ gìn thân mình cho khỏe mạnh vẹn toàn là gốc của các việc gìn giữ khác. Không giữ gìn thân mình mà để cho tổn hại thì lấy gì giữ gìn những cái khác?

Ngày xưa, ông Tăng Tử (tên là Sâm) nuôi cha là ông Tăng Tích (tên là Điểm) rất chu đáo; bữa ăn thường có rượu, thịt. Mỗi khi dẹp mâm, ông Tăng Tử hay hỏi cha về chỗ đồ ăn còn thừa, xem ý cha muốn xử lý thế nào. Cha bảo đem cho người láng giềng thì ông Tăng Tử đem cho ngay.

Sau khi ông Tăng Tích qua đời, ông Tăng Tử đã già yếu, cũng được con là ông Tăng Nguyên nuôi tử tế; bữa ăn cũng có rượu và thịt. Nhưng khi dẹp bữa, ông Tăng Nguyên không hề hỏi cha về cách xử lý đồ ăn còn thừa. Cha có hỏi về đồ ăn còn thừa trong nhà bếp, thì ông Tăng Nguyên trả lời là không còn. Ý ông Tăng Nguyên muốn dành đồ ăn còn thừa đó để dọn lại trong bữa ăn sau cho cha (tương dĩ phục tiến dã). Đó là ông Tăng Nguyên có tính tiết kiệm, nhưng đã không làm vui lòng cha.

Phụng dưỡng cha như kiểu ông Tăng Nguyên chỉ là nuôi cái miệng của cha thôi. Phụng dưỡng cha như ông Tăng Tử mới là nuôi cái chí hướng của cha, phổ biến đức nhân của cha đối với bà con láng giềng. Phụng sự cha mẹ như ông Tăng Tử mới thật là đúng đạo phụng dưỡng, nghĩa là làm cho cha mẹ thật vui lòng.

Ông Tăng Tử là môn đệ thứ hai của Khổng Tử, đứng sau Nhan Hồi; cho nên ông đã thấm nhuần sâu sắc đức nhân, đức hiếu chân chính của Khổng giáo vậy.

20. Mạnh Tử nói: “Không cần chỉ trích người, không cần chia rẽ việc chính trị. Chỉ riêng bậc đại nhân là có thể chính được lòng sai trái của vua. Vua có nhân, chẳng có ai bất nhân. Vua có nghĩa, chẳng có ai bất nghĩa. Vua ngay thẳng, chẳng có ai không ngay thẳng. Một ông vua ngay thẳng thì nước được ổn định.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng bí quyết của người tham gia chính trị là không cần chỉ trích những bạn đồng sự với mình và cũng không nên gây chia rẽ trong việc chính trị. Chỉ trích và gây chia rẽ chỉ tạo nên những sự xích mích, những sự ghen ghét khiến cho bộ máy công quyền bị suy yếu, có hại cho việc trị an.

Đối với vua, chỉ riêng bậc đại nhân tức là người có địa vị, có đức hạnh, có uy tín lớn trong triều đình mới có thể góp ý với vua để điều chỉnh những tư tưởng sai lầm của vua. Nếu ai tự cảm thấy mình không phải bậc đại nhân khiến vua và các quan phải kính nể, thì đừng bao giờ cất tiếng phê phán, chỉnh lý vua. Trước tình thế không còn chịu đựng được, cách hay nhất là cáo thối.

Vua là nhân vật quan trọng nhất trong guồng máy cai trị. Vua có nhân, có nghĩa, có chính trực thì trong triều đình đầy rẫy nhân, nghĩa, chính trực. Chẳng có ai dám có hành vi bất nhân, bất nghĩa, bất chính. Trăm phần trăm các quan sẽ bắt chước thi hành nhân, nghĩa, chính trực. Những người dưới bắt chước người trên; các quan bắt chước vua là qui luật tự nhiên.

Chẳng những bắt chước những điều nhân nghĩa, chính trực, người ta còn bắt chước vua trong những cách sống rất tầm thường. Vào khoảng giữa triều đại nhà Thanh ở Trung Hoa, có một vị vua tiết kiệm hết mức; ông thường mặc long bào vá khi thiết triều. Thế là các quan đua nhau mặc quần áo vá, còn vá chằm vá đụp hơn vua nữa. Trong hậu cung, các cung tần mỹ nữ, thái giám đều bắt chước theo như vậy. Đó là một bằng chứng cho thấy rằng những hành vi của vua, dù tốt dù xấu, đều được mọi người rập khuôn.

Cho nên, nếu đất nước có được một vị vua sống trong chính đạo, chắc chắn cả nước sẽ được ổn định, dân chúng được hạnh phúc.

21. Mạnh Tử nói: “Có người chẳng biết lo liệu mà được khen; có người tìm sự hoàn toàn mà bị chế nhạo.”

BÌNH GIẢI:

“Người chẳng biết lo liệu mà được khen” có thể nằm trong hai trường hợp sau:

Vì người ấy được sủng ái.

Vì người ấy gặp thời.

Được sủng ái hay gặp thời thì “làm chơi ăn thật”, chẳng vất vả chút nào mà vẫn được khen ngợi hay được thành công.

“Người tìm sự hoàn toàn mà bị chế nhạo” có thể nằm trong hai trường hợp:

Vì người ấy bị ghét bỏ.

Vì người ấy không gặp thời.

Người bị ghét bỏ thì cố gắng đến đâu cũng vẫn bị chế nhạo, chê bai. Người không gặp thời thì dù hết sức cố gắng tìm sự hoàn toàn cũng vẫn thất bại.

Với những điều bất như ý đó thường xảy ra trong đời, cho nên có biết bao anh hùng, hào kiệt phải bó tay thở dài, than vắn. Do đó, cổ nhân đã không biết nói sao hơn là tự an ủi: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (Mưu tính việc ở người, thành việc ở Trời). Bên Tây phương người ta cũng nói: “L’homme propose, Dieu dispose” (Người trù liệu, Trời quyết định).

Có vô số nguyên nhân dẫn đến thành công, cũng như có vô số nguyên nhân dẫn đến thất bại, mà con người khôn ngoan nhất trên trần gian cũng không thể phân tích cho thấu đáo vô số nguyên nhân ấy.

Cuối cùng, người ta chỉ còn biết an ủi nhau: “Không nên lấy sự thành bại mà luận anh hùng.” Chỉ nên luận một người về tài đức và thiện chí của người ấy mà thôi.

22. Mạnh Tử nói: “Người ta nói điều gàn dở, vì không có người trách móc họ.”

BÌNH GIẢI:

Những người hay nói điều gàn dở, ngang bướng, trái với đạo lý, làm mất lòng người khác, hầu hết là những người ít học. Nếu những người đó lại thành công trong đời, có địa vị, quyền bính, tài sản… họ càng ăn nói ngang ngược lố lăng, bất chấp mọi người. Những người ít học, không được cha mẹ, thầy, bạn trách móc, nhắc lỗi, sửa sai cho; vì thế họ luôn luôn lấy mình làm phải, làm khuôn mẫu cho người khác. Trái lại, những người học nhiều, càng đọc sách nhiều, càng thấy sự bất toàn của mình, cho nên càng dè dặt lời nói.

23. Mạnh Tử nói: “Mối tai hại của người ta ở chỗ thích làm thầy người khác.”

BÌNH GIẢI:

Thích làm thầy dạy dỗ, chỉ bảo người khác là khuynh hướng chung của mọi người. Để có thể làm thầy người khác, người ta phải học hỏi, tu tập, súc tích nhiều kinh nghiệm lắm; đâu có dễ!

Tuy nhiên, không ít người chẳng mất công học tập, chẳng tu sửa bản thân, mà cứ ham làm thầy thiên hạ. Làm thầy thiên hạ mà nói sai, làm dở, bị người ta chế giễu thì nhục nhã biết bao! Làm thầy thiên hạ đôi khi còn rước tai họa vào thân; nhất là làm thầy về những việc có liên hệ tới chính trị vào thời loạn lạc thì nguy hiểm như ôm hổ mà ngủ.

24. Nhạc Chính Tử theo Tử Ngao đến nước Tề. Nhạc Chính Tử ra mắt Mạnh Tử. Mạnh Tử nói: “Ngươi cũng đến thăm ta ư?”

Hỏi: “Sao thầy nói ra lời ấy?”

Đáp: “Ngươi đến bao nhiêu ngày rồi?” Trả lời: “Trước đây.”

Hỏi: “Trước đây, thì ta nói như thế, cũng chẳng phải ư? Đáp: “Nhà trọ chưa ổn định.”

Hỏi: “Ngươi có nghe rằng nhà trọ ổn định rồi, sau đó mới tìm thăm bề trên ư?”

Đáp: “Khắc này có lỗi.”

BÌNH GIẢI:

Nhạc Chính Tử, tên là Khắc, môn đệ của Mạnh Tử, đang làm quan tại triều đình nước Lỗ. Tử Ngao tức là Vương Hoan, một quan đại phu của nước Tề, được vua sủng ái. Có lẽ, Tử Ngao đại diện vua Tề đi sứ sang nước Lỗ; lúc trở về Tề, mời Nhạc Chính Tử đi theo.

Sau khi đến nước Tề một thời gian, Nhạc Chính Tử mới tìm đến thăm thầy là Mạnh Tử; bấy giờ đang làm khách khanh của vua Tề. Thấy Nhạc Chính Tử đến muộn màng, Mạnh Tử hỏi có ý trách: “Ngươi cũng đến thăm ta ư?”

Sở dĩ, Mạnh Tử trách móc như vậy, bởi vì Nhạc Chính Tử đã không giữ lễ đối với thầy. Ngoại trừ công vụ khẩn cấp, khi đến khu vực thầy ở, học trò phải đến vấn an thầy ngay để nghe thầy chỉ bảo thêm.

Nay Nhạc Chính Tử lấy cớ phải lo ổn định chỗ ở mà chậm trễ đến thăm thầy là không hợp lễ, là trái đạo cư xử của học trò đối với thầy.

Nghe Mạnh Tử trách, Nhạc Chính Tử mới hiểu ra và sẵn sàng nhận lỗi.

25Mạnh Tử bảo Nhạc Chính Tử rằng: “Ngươi theo Tử Ngao đến đây, chỉ là tham lam ăn uống. Ta không ngờ ngươi học đạo của cổ nhân mà lại tham lam ăn uống.”

BÌNH GIẢI:

Có lẽ Mạnh Tử biết Nhạc Chính theo Tử Ngao đến nước Tề không phải thay vua nước Lỗ đến bàn việc nước với vua Tề. Vả lại, Mạnh Tử cũng biết Tử Ngao, tức Vương Hoan là một sủng thần chỉ nhờ nịnh hót mà được vua nước Tề trao cho chức quan khanh. Như thế, Tử Ngao chỉ là kẻ tiểu nhân chứ chẳng phải bậc quân tử. Do đó, Mạnh Tử kết luận Nhạc Chính Tử theo Tử Ngao đến nước Tề chỉ vì tham lam ăn uống mà thôi. Học đạo của cổ nhân là để giúp vua trị nước, đem lại hạnh phúc cho dân chúng, sao có thể coi miếng ăn, miếng uống làm trọng?

26. Mạnh Tử nói: “Có ba điều bất hiếu, không con nối dõi là điều bất hiếu lớn. Vua Thuấn không báo cáo (cha mẹ) mà lấy vợ, vì lẽ không con nối dõi vậy. Bậc quân tử coi đó cũng như đã báo cáo.”

BÌNH GIẢI:

Theo Kinh Lễ, có ba điều bất hiếu đối với cha mẹ là:

Làm chuyện xấu, khiến cha mẹ bị nhục nhã.

Cha mẹ già yếu mà không phụng dưỡng.

Không lấy vợ sinh con nối dõi để cúng tế tổ tiên.

Theo Kinh Thư, vua Nghiêu lúc về già, nghe tiếng ông Thuấn là người hiếu thảo, khôn ngoan, thâm trầm, văn vẻ, sáng suốt, ôn hoà, cung kính và thật thà, đang sống tại bến sông Vị, thuộc miền Sơn Tây. Vua Nghiêu bèn sửa soạn hành trang và cho đưa hai con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh đến làm vợ ông Thuấn; sau đó mời về triều đình và trao cho ngôi vua.

Theo lẽ thường, người con trai trước khi cưới vợ phải xin phép cha mẹ để cha mẹ định liệu cho. Tuy nhiên trong tình cảnh ông Thuấn, cha thì loà, lại đần độn, ngoan cố; mẹ kế thì ác độc, ông Thuấn chẳng tiện xin phép. Vì vậy, ông Thuấn đã tòng quyền mà vâng lệnh vua Nghiêu, lấy vợ khi chưa xin phép cha mẹ. Sở dĩ hành động như thế vì ông Thuấn sợ mắc vào tội vô hậu (không con nối dõi) là điều bất hiếu lớn. Bậc quân tử về sau này hiểu tình cảnh ông Thuấn lúc ấy, đã cho rằng tuy ông Thuấn chưa báo cáo với cha mẹ nhưng cũng xem như đã báo cáo.

27. Mạnh Tử nói: “Cái thực của đức nhân là phụng sự cha mẹ. Cái thực của đức nghĩa là vâng theo bậc huynh trưởng. Cái thực của đức trí là biết hai điều đó mà chẳng bỏ bê. Cái thực của lễ là sắp đặt và tô điểm hai điều đó. Cái thực của nhạc là làm vui hai điều đó. Vui thì nảy nở. Nảy nở thì sao có thể thôi được? Sao có thể thôi được thì không biết cả khi (hai điều ấy hiện ra ở) chân giẫm, tay quơ.”

BÌNH GIẢI:

Nhân, nghĩa, trí, lễ, nhạc là những đức tính hay những cách hành xử căn bản của người quân tử trong đạo Nho. Tuy nhiên, có nhiều người chỉ hiểu những đức tính hay cách hành xử ấy một cách mông lung, xa rời thực tế. Vì thế, cuộc sống trong xã hội cứ bị rối loạn do các thành viên trong gia đình đã mất căn bản đạo đức. Vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc, người ta vẫn nói nhiều tới nhân, nghĩa, trí, lễ, nhạc, thế mà thường xuyên có vô số tệ nạn xảy ra giữa những người thân trong gia đình: con chống lại hoặc giết cha, anh em giết hại lẫn nhau…

Trước tình cảnh đau thương ấy, Mạnh Tử mới nói đến cái thực của đức nhân, đức nghĩa, đức trí, cái thực của lễ, nhạc như trong đoạn văn trên đây.

Theo Mạnh Tử, căn bản của nhân nghĩa trước hết là phụng sự cha mẹ, kính trọng vâng phục anh chị; căn bản của trí, lễ, nhạc là hiểu rõ hai bổn phận ấy, sắp đặt tô điểm hai điều ấy cho thật tốt đẹp và tạo nên niềm vui hoà trong tương giao giữa cha mẹ, con cái và anh em.

Cách lý giải của Mạnh Tử ở đây có hơi quá đáng. Nếu cứ bám sát một chữ một nghĩa hạn hẹp theo lời chỉ dạy ấy, chẳng hoá ra người quân tử trong đạo Nho chỉ suốt ngày quanh quẩn lo phục vụ cha và vâng theo anh thôi sao? Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng trước tình cảnh người ta phế bỏ cả tình cha con, anh em, thì Mạnh Tử nói quá như vậy cốt lấy lại thế quân bình, chẳng khác gì thuật uốn cây. Khi thấy cây vẹo quá sang trái, người uốn cây phải uốn vặn quá sang bên phải, để một thời gian sau, cây lấy lại quân bình thì vừa.

28. Mạnh Tử nói: “Thiên hạ được vui lớn mà hướng về mình; nhìn thấy thiên hạ vui vẻ mà hướng về mình như rau cỏ, chỉ riêng vua Thuấn làm được thôi! Không được lòng cha mẹ, không thể làm người; không thuận thảo với cha mẹ, không thể làm con!

“Vua Thuấn hết lòng trong đạo thờ cha mẹ nên ông Cổ Tẩu đạt được yên vui. Ông Cổ Tẩu đạt được yên vui nên thiên hạ được cải hoá. Ông Cổ Tẩu đạt được yên vui, nên những kẻ làm cha, là con trong thiên hạ được ổn định. Như thế gọi là đại hiếu.”

BÌNH GIẢI:

Vua Thuấn nhờ khéo cai trị mà mọi người trong thiên hạ điều vui vẻ hướng về ông như rau cỏ rạp xuống trước cơn gió lớn. Chỉ riêng vua Thuấn mới làm nổi việc đó, bởi vì ông là người rất đạo đức.

Vua Thuấn quan niệm rằng nếu không làm cho cha mẹ vui lòng thì không đáng làm người; không thuận thảo với cha mẹ, không đáng làm con. Kinh Thư nói về ông rằng: “Cổ tử, phụ ngoan, mẫu ngân, Tượng ngạo: con một người loà, cha ương, mẹ (kế) điêu ngoa, Tượng (con mẹ kế) ngạo ngược” (Kinh Thư, Nghiêu điển). Với một gia đình như vậy, vua Thuấn phải nhịn nhục, khéo léo lắm mới làm vui lòng cha mẹ và em được.

Khi vua Thuấn đã làm cha mẹ vui lòng, cả thiên hạ đều theo gương vua Thuấn mà được cải hoá. Vì thế, những kẻ làm cha, làm con trong thiên hạ lấy gia đình vua Thuấn làm mẫu mực, cho nên được ổn định trong cách ăn nết ở.

Có hiếu mà ổn định được thiên hạ như vua Thuấn mới đáng gọi là đại hiếu.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x