Trang chủ » Chương 7 – Phôi tinh thần

Chương 7 – Phôi tinh thần

by Hậu Học Văn
359 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Dường như con người có hai giai đoạn phôi thai, một là giai đoạn trước khi ra đời, đó là giai đoạn mà bất cứ động vật nào cũng đều phải trải qua; một giai đoạn phôi thai khác xảy ra sau khi con người chào đời, đó là giai đoạn riêng có của con người và tạo ra sự khác biệt vô cùng lớn giữa con người với các động vật khác, đó cũng là nguyên nhân tại sao chúng ta cần tìm hiểu về nó.

Trẻ sơ sinh buộc phải trải qua một loại giai đoạn hình thành. Công cuộc hình thành này không giống với sự hình thành mang tính sinh lí của phôi thai, mà nó ám chỉ sự trưởng thành về mặt tinh thần của đứa trẻ. Trẻ phải đối diện với một giai đoạn mới, hoàn toàn không giống với khi nằm trong tử cung của mẹ, và tất nhiên cũng không giống với những giai đoạn khác trên bước đường trưởng thành mai sau. Hoạt động mang tính kiến thiết này sẽ được hoàn tất trong giai đoạn mà chúng ta gọi là “giai đoạn hình thành”. Đó là lí do vì sao chúng ta có thể gọi đứa trẻ vừa ra đời là “phôi thai tinh thần”.

Dường như con người có hai giai đoạn phôi thai, một là giai đoạn trước khi ra đời, đó là giai đoạn mà bất cứ động vật nào cũng đều phải trải qua; một giai đoạn phôi thai khác xảy ra sau khi con người chào đời, đó là giai đoạn riêng có của con người và tạo ra sự khác biệt vô cùng lớn giữa con người với các động vật khác, đó cũng là nguyên nhân tại sao chúng ta cần tìm hiểu về nó. Năng lực này của trẻ là thứ mà các động vật khác không thể có được. Sự ra đời của trẻ là một bước tiến lớn, là điểm bắt đầu của một hành trình sống mới.

Sở dĩ chúng ta có thể nhận ra các loài sinh vật là vì giữa chúng có sự khác biệt chứ không phải vì chúng có điểm tương tự. Cơ sở tồn tại của một loài chính là điểm khác biệt của nó so với các loài khác. Sự xuất hiện của một loài mới không chỉ là sự kế thừa các loài trước đó, nó có thể biểu hiện những đặc trưng cơ bản của loài trước đó, và cũng có thể có những đặc trưng mà loài trước không có, vì thế vương quốc sinh vật xuất hiện một nguồn động lực mới. Động vật có vú và loài chim xuất hiện đã mang lại bầu không khí mới cho thế giới. Nó không chỉ là sự di truyền, thích ứng và duy trì của các loài đã tồn tại trước đó.

Sau khi khủng long bị tuyệt chủng, loài chim xuất hiện những đặc tính mới, chúng tăng cường canh chừng trứng của mình, xây tổ và bảo vệ con non; ngược lại, tiền thân của loài chim là động vật bò sát lại thường vứt bỏ trứng của mình, còn động vật có vú tiến hóa từ loài chim thì lại càng tăng cường việc bảo vệ con non. Chúng giữ con trong cơ thể mình và dùng máu để cung cấp dinh dưỡng cho con. Đó đều là những đặc điểm mới của sinh vật. Con người còn có một bước tiến bộ hơn nữa, đó là có thêm một đặc trưng mới: Con người là loài duy nhất có hai thời kì phôi thai. Đó chính là điểm mới của con người so với các loài vật khác. Chúng ta cần nghiên cứu thêm về điều này, nên có một khởi điểm mới trong việc nghiên cứu sự phát triển của trẻ và tâm lí của con người. Nếu sự lao động của con người trên hành tinh này có liên quan tới tinh thần và trí tuệ mang tính sáng tạo, vậy thì tinh thần và trí tuệ nhất định phải là điểm tựa sinh tồn của con người. Hành vi của con người sẽ coi đó là điểm tựa để phát triển, hay có thể nói nhân loại được phát triển dưới tiền đề tinh thần này.

 Ngày nay, phương Tây cũng đã bắt đầu tiếp nhận quan điểm quan trọng này từ triết học Ấn Độ. Kinh nghiệm nói với chúng ta rằng, trạng thái tinh thần có thể tác động tới hành vi, trạng thái tâm lí thường là thứ tạo trở ngại về sinh lí, do tinh thần mất khả năng kiểm soát gây ra. Nếu như thiên tính của con người là do tinh thần kiểm soát, nếu mọi hành vi của con người đều là ngoại diên của tinh thần, vậy thì chúng ra càng nên quan tâm hơn tới thế giới tinh thầncủa trẻ sơ sinh chứ không phải là dành nhiều sự chú ý đến thể chất như hiện tại. Một đứa trẻ trong quá trình phát triển không chỉ có khả năng học tập người lớn như tiếp thu sức mạnh, trí tuệ, ngôn ngữ… mà trẻ còn căn cứ vào môi trường xung quanh để xây dựng nên nhân cách của mình.

Trẻ em có một loại hình tâm lí hoàn toàn không giống với người trưởng thành. Mối quan hệ của trẻ với môi trường cũng không giống mối quan hệ của người lớn chúng ta với môi trường. Người lớn có thể ghi nhớ những thứ ở môi trường xung quanh rồi tiến hành suy ngẫm, trong khi trẻ thẩm thấu mọi thứ từ môi trường. Trẻ không chỉ đơn thuần ghi nhớ sự vật sự việc ở môi trường, mà những sự vật sự việc đó sẽ hình thành nên một phần tâm hồn trẻ. Trẻ nhào nặn bản thân từ những điều tai nghe mắt thấy. Loại hình ghi nhớ và thẩm thấu một cách vô thức này được Passy gọi là “trí nhớ tiềm thức” (Khái niệm “trí nhớ tiềm thức” được nhà sinh vật học người Đức – Richard Simon đưa ra đầu tiên. Sau đó Passy, trong cuốn sách mang tên Lí luận mục đích hành vi đã phát triển và giải thích thuật ngữ này. Ý nghĩa của “trí nhớ tiềm thức” hoàn toàn giống với ý nghĩa mà ông đã lí giải).

 Một trong những ví dụ điển hình chính là vấn đề mà chúng ta đã từng thảo luận ở trên – ngôn ngữ. Trẻ không “ghi nhớ” ngôn ngữ phát âm như thế nào, mà hình thành khả năng phát âm và phát huy nó một cách tối đa. Những lời trẻ nói hoàn toàn tuân thủ đúng ngữ pháp và đặc điểm cách dùng không phải vì trẻ đã nghiên cứu và ghi nhớ chúng. Trẻ chưa từng ghi nhớ ngôn ngữ một cách có ý thức, ngôn ngữ đã tự nhiên trở thành một phần trong con người trẻ. Không còn nghi ngờ gì nữa, vấn đề mà ta đang thảo luận hoàn toàn không phải là về chuyện ghi nhớ, mà là về bộ phận quan trọng nhất trong tư duy của trẻ. Trẻ được phú cho tính nhạy cảm với tri thức trong môi trường xung quanh, sự quan sát và thẩm thấu khiến trẻ có thể dần dần thích nghi với môi trường. Trẻ đã hoàn tất quá trình thích nghi một cách vô thức chính trong giai đoạn ấu thơ này. Giai đoạn đầu tiên của cuộc đời trẻ chính là một giai đoạn thích ứng.

Chúng ta buộc phải hiểu một cách chính xác ý nghĩa của từ “thích ứng” này, đồng thời phân biệt nó với hành vi thích ứng của người trưởng thành. Khả năng thích ứng đặc biệt này khiến mảnh đất trẻ ra đời trở thành nơi mà trẻ sẽ tồn tại một cách dài lâu, cũng giống như thứ ngôn ngữ mà chúng ta nói trôi chảy nhất chính là tiếng mẹ đẻ. Một người trưởng thành sinh sống tại nước ngoài mãi mãi không thể đạt được trình độ thích ứng giống như trẻ nhỏ.

Thử lấy ví dụ là các nhà truyền giáo. Họ tình nguyện tới truyền giáo ở những đất nước xa xôi. Nếu được hỏi, họ sẽ trả lời: “Chúng tôi là những người khách lạ trên đất nước xa lạ!” Điều này chứng tỏ rằng khả năng thích ứng của người trưởng thành là cực kì hạn chế. Nhưng đối với trẻ, chúng vô cùng yêu quý nơi mình sinh ra, cho dù đó là nơi gian khổ đến mấy thì chúng cũng cảm thấy nơi ấy hạnh phúc hơn tất thảy. Cho dù đó là những bình nguyên băng giá ở Phần Lan hay vùng đất cát của Hà Lan, mỗi người đều thích ứng và yêu mến nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Tình yêu nơi chôn rau cắt rốn được hình thành chính từ thời thơ ấu, và khi trưởng thành, trong mỗi người đã sẵn có thứ tình cảm này. Mỗi người thuộc về đất nước của mình, anh ta yêu mảnh đất đó và không tìm được ở đâu khác cảm giác bình yên và hạnh phúc như ở quê hương.

Cách đây rất lâu, những người dân được sinh ra ở vùng nông thôn Italy có thể cả đời không bước chân ra khỏi làng quê của mình. Sau khi quốc gia Italy thành lập, rất nhiều người vì lí do công tác hay kết hôn mà rời xa quê hương. Một điều kì lạ là những người này vào những năm cuối đời thường mắc các chứng bệnh như: sắc mặt xanh xao, suy nhược, thiếu máu… Rất nhiều phương pháp chữa trị được đưa ra nhưng không hề công hiệu. Cuối cùng bác sĩ đề nghị họ nên trở về hít thở không khí trong lành nơi quê hương. Lời khuyên này đạt được hiệu quả không ngờ, rất nhiều người nhờ vậy đã khỏe mạnh trở lại. Nhiều người nói rằng, không khí ở quê hương là phương thuốc tốt nhất, mặc dù có thể trên thực tế, thời tiết ở quê hương họ quả thực không hề dễ chịu chút nào.

Thật ra, thứ mà những bệnh nhân này cần chính là sự bình yên ở nơi mà họ đã thích ứng một cách vô thức ngay từ thuở lọt lòng. Năng lực thẩm thấu tâm lí này là thứ tối quan trọng với chúng ta. Nó thúc đẩy sự trưởngthành của một con người, đồng thời khiến người đó thích ứng với những điều kiện như trật tự xã hội, khí hậu… Tất cả những nghiên cứu của chúng ta đều bắt đầu từ cơ sở đó. Mọi người đều công nhận: “Tôi yêu đất nước tôi.” Tất cả những lí lẽ ngược lại với điều này đều thật giả dối. Từ khả năng thẩm thấu đặc biệt này, chúng ta biết được trẻ đã tiếp thu truyền thống và tập tục như thế nào. Cuối cùng trẻ sẽ trở thành một đại diện điển hình cho thời đại của mình.

 Những phương thức hành vi thích ứng cũng được hình thành trong những năm thơ ấu của mỗi người. Không ai vừa sinh ra đã có thể thích ứng ngay với tập tục của một vùng đất, đó là những thứ được hình thành sau đó. Vậy là chúng ta đã có được hiểu biết toàn diện hơn về hành vi của trẻ. Những hành vi đó không chỉ phù hợp với yêu cầu về thời gian và địa điểm, mà còn thích ứng với phong tục tập quán ở địa điểm đó. Người Ấn Độ rất coi trọng sự sống, thậm chí là tôn thờ động vật. Đó là thứ tình cảm mà người đã trưởng thành sẽ không thể học được.

 Chỉ một câu nói “Nên tôn trọng sự sống” không thể khiến người ta trở nên có lòng sùng bái giống như người Ấn Độ. Có thể tôi sẽ nghĩ rằng, người Ấn Độ đã đúng, chúng ta nên tôn trọng động vật, nhưng đối với tôi, đó mãi mãi là lí lẽ mà thôi, nó không thể khơi dậy tình cảm của tôi. Ví dụ, sự tôn thờ mà người Ấn Độ dành cho loài bò là thứ tình cảm mà người châu Âu không bao giờ có được. Cho dù những người Ấn Độ có thử suy nghĩ theo hướng ngược lại, thì sự tôn thờ của họ đối với động vật cũng không thể thay đổi, đó là thứ tình cảm đã ăn sâu bám rễ trong con người họ. Đặc trưng tâm lí này thoạt đầu có vẻ như mang tính di truyền, nhưng trên thực tế lại là kết quả của việc học tập từ môi trường xung quanh trong thời thơ ấu.

Một lần, trong vườn hoa ở trường Montessori, tôi nhìn thấy một cậu bé Ấn Độ khoảng trên 2 tuổi đang ngồi xổm và dùng tay vẽ những đường cong trên mặt đất. Thì ra ở đó có một con kiến bị mất hai chân đang bò đi một cách khó nhọc. Cậu bé đã dùng tay vẽ đường cho kiến bò. Rất nhiều người cho rằng tình yêu động vật của cậu bé Ấn Độ này là yếu tố di truyền. Trước việc này, những đứa trẻ không cùng quốc gia, tôn giáo, tín ngưỡng sẽ có những thái độ khác nhau. Có đứa trẻ sẽ giẫm chết con kiến, có đứa thì bước đi mà chẳng buồn để tâm. Những người không yêu động vật và cho rằng động vật không thể chung sống với con người có thể sẽ thông cảm với những hành động trên.

Có thể nói rằng, tình yêu và lòng sùng bái động vật đều được quyết định bởi bản thân con người. Mỗi quốc gia trên thế giới lại tôn thờ một tôn giáo khác nhau. Trong khi con người có thể phê phán đó là những truyền thống lạc hậu, thì trong thâm tâm họ lại cảm thấy cực kì bất an. Bởi vì lòng tôn sùng và tín ngưỡng đã trở thành một phần không thể thiếu trong con người họ.

Người châu Âu sẽ nói: “Tín ngưỡng đã ngấm vào máu chúng tôi.” Tập quán đạo đức và tập quán xã hội đã tạo nên tính cách cũng như tình cảm của con người. Khi có điều đó, chúng ta mới trở thành một người Ấn Độ, Italy hay một người Anh điển hình. Tình cảm đó hình thành từ thuở thơ ấu của mỗi người dưới tác động của một sức mạnh thần bí, được các nhà tâm lí học gọi là “trí nhớ tiềm thức”. Điều này còn đúng với hành vi, thần thái, điệu bộ mang tính tập quán của con người. Những đặc trưng này ở mỗi dân tộc là hoàn toàn khác nhau.

Một số người châu Phi có khuynh hướng tâm lí đối phó với động vật hoang dã, một số khác nỗ lực rèn luyện thính giác, những người này có thính giác vô cùng nhạy bén. Những gì một đứa trẻ tiếp thu được sẽ mãi mãi tồn tại trong trí não và làm nên tính cách của nó, cho dù sau này vì một số lí do nào đó mà những điều đã tiếp thu ấy sẽ không còn được sử dụng nữa thì nó vẫn mãi ở lại trong tiềm thức trẻ, bởi lẽ những thứ đã được thẩm thấu vào đầu trẻ thì sẽ vĩnh viễn không thể xóa bỏ hoàn toàn. “Trí nhớ tiềm thức” (có thể gọi là trí nhớ siêu việt) không chỉ tạo ra đặc tính cho cá thể, mà còn lưu giữ những đặc tính đó trong cá thể suốt đời. Những gì trẻ đã thẩm thấu sẽ vĩnh viễn là một phần trong đặc tính con người trẻ.

Điều này cũng đúng với cơ thể và các cơ quan trong cơ thể người đó. Những thứ học được từ thuở còn thơ sẽ lưu dấu mãi mãi trên thân thể một con người. Bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi một người trưởng thành cũng đều là vô ích. Khi ta nói: “Người này thật chẳng có ý thức” hoặc khi một người nào đó tỏ ra lười biếng, ta sẽ rất dễ làm anh ta tổn thương hoặc xấu hổ, đồng thời anh ta cũng nhận ra được khuyết điểm của mình. Nhưng anh ta sẽ chẳng thay đổi khuyết điểm đó, bởi vì nó đã bám rễ trong anh ta từ lâu lắmrồi. Chúng ta có thể căn cứ vào đó để giải thích sự thích ứng của trẻ. Một người sinh ra trong thời cổ đại sẽ không thể nào hiểu được cuộc sống của người hiện đại. Trẻ nhỏ có thể thích ứng nhanh chóng với trình độ văn minh của thời đại mà chúng ra đời. Cho dù trình độ văn minh đó cao hay thấp thì trẻ cũng sẽ tự biến mình thành một người phù hợp với nó. Điều này chứng tỏ chức năng chính trong tính cách cá nhân của trẻ là có tính thích ứng. Trẻ phải xây dựng một loại mô thức hành vi để có thể tự do hòa nhập vào thế giới và từ đó tạo ảnh hưởng đến thế giới đó.

Ngày nay, chúng ta cần coi trẻ là sợi dây gắn kết những thời đại lịch sử khác nhau và những trình độ văn minh khác nhau. Thời kì sơ sinh là một giai đoạn vô cùng quan trọng, bởi nếu muốn đưa vào những tư tưởng mới, cải thiện phong tục tập quán của con người và tiếp thêm sinh lực cho những đặc điểm tự nhiên thì chúng ta phải coi trẻ là công cụ chính, người trưởng thành sẽ không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ này. Chỉ có trẻ mới có thể hoàn thành sứ mệnh thắp lên ngọn đuốc truyền bá nền văn minh.

Sau khi chế độ thực dân Anh ở Ấn Độ kết thúc, có một vị quan chức ngoại giao thường cho phép người bảo mẫu đưa hai đứa con của mình về gia đình của bà ăn cơm bốc như những người Ấn Độ bình thường, với mong muốn bọn trẻ sẽ trưởng thành trong một môi trường không có sự phân biệt đối xử. Cách ăn uống độc đáo này của người Ấn cũng khiến người châu Âu cảm thấy thích thú. Chính những thói quen hàng ngày và cảm giác đối địch nảy sinh từ những thói quen đó là căn nguyên của mọi cuộc chiến giữa người với người.

Đương nhiên, nếu muốn khôi phục những truyền thống xưa cũ, chúng ta cũng phải cầu viện tới sự trợ giúp của trẻ. Chúng ta có thể thông qua trẻ nhỏ để tạo ảnh hưởng tới tiến trình xã hội, vì thế chúng ta cần hiểu được tầm quan trọng của trường mầm non. Chính những sinh linh nhỏ bé này đã tiến hành sáng tạo ra xã hội loài người, nên chúng ta cần tạo cho trẻ một môi trường phát triển phù hợp. Môi trường chính là vật dẫn giúp giáo dục có ảnh hưởng đến trẻ, bởi trẻ thẩm thấu và học tập mọi thứ từ môi trường xung quanh mình để rồi từ đó hình thành nên tính cách của bản thân. Trẻ có thể trở thành sợi dây kết nối thế hệ trước với thế hệ sau, có thể trở thành người sáng tạo. Trẻ mang lại cho chúng ta niềm hi vọng to lớn và nhiều quan niệm mới lạ.

Là nhà giáo dục, chúng ta cần đưa con người đạt tới trình độ phát triển cao hơn, sâu sắc hơn, và vì thế chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Điều này có nghĩa là cần coi mỗi đứa trẻ từ giây phút chào đời đầu tiên đã là một sự sống có năng lực tâm lí đặc biệt và coi đó là căn cứ để tiến hành giáo dục. Trên thực tế, thế giới tâm lí của trẻ sơ sinh đã bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, thậm chí có thể là nguồn gốc của một môn khoa học mới. Ngày nay, về phương diện thể chất, đã có phòng khám nhi khoa chuyên trị các loại bệnh cho trẻ em. Nhưng nếu nói một đứa trẻ sơ sinh đã có đời sống tâm lí, vậy thì đứa trẻ đó hẳn đã có đời sống tâm lí từ trước khi được sinh ra, nếu không sau khi chào đời, trẻ đã không thể có sẵn điều này như vậy.

 Trên thực tế, đời sống tâm lí đã tồn tại ngay từ giai đoạn bào thai. Khi quan điểm này được mọi người đón nhận thì một cuộc tranh cãi khác đã nổ ra, đó là bào thai bắt đầu có hoạt động tâm lí từ thời điểm nào? Bởi như chúng ta đã biết, một đứa trẻ sinh non vào tháng thứ 7 đã có thể tồn tại một cách khỏe mạnh, chứng tỏ đời sống tâm lí của trẻ đã sẵn có vào thời điểm tháng thứ 7. Điều này cho thấy tất cả sự sống đều có tâm lí, mỗi loài sinh vật sẽ có một sức mạnh tinh thần và tâm lí đặc trưng nhất định, cho dù đó chỉ là sinh vật bậc thấp.

 Khi quan sát sinh vật đơn bào, chúng ta sẽ thấy chúng cũng có khả năng cảm nhận, biết tránh xa nguy hiểm và biết tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, trước đây không lâu, các nhà khoa học vẫn nhận định rằng, trẻ nhỏ không có năng lực tâm lí. Ngày nay, quan điểm trẻ nhỏ có năng lực tâm lí đã được giới khoa học chấp nhận, trong khi trước đó quan điểm này bị coi thường. Rất nhiều thực tế đã bắt đầu hé lộ và thu hút sự chú ý của những người trưởng thành. Nhữngthực tế đó cho thấy rõ rằng, người lớn cần phải có trách nhiệm hơn. Vấn đề sinh nở đã kích thích trí tưởng tượng của nhân loại. Nó không chỉ thể hiện ở các phương pháp trị liệu tâm lí, mà còn thể hiện ở các tác phẩm văn học. Các nhà tâm lí học thường xuyên nhắc tới cụm từ “cuộc hành trình sinh nở đầy đau đớn”.

Tuy nhiên, cụm từ này không nhằm vào người mẹ, mà là nói tới bản thân đứa trẻ. Phải chịu đựng nỗi đau đớn mà không thể biểu đạt thành lời, trẻ chỉ có thể cất tiếng khóc để báo hiệu sự kết thúc của hành trình gian khổ đó. Trẻ không tự nguyện đột ngột đến với thế giới xa lạ này, môi trường nơi đây hoàn toàn khác với môi trường trẻ từng sống. Trẻ buộc phải thích nghi với môi trường mới mà không thể dùng lời nói để mô tả lại quá trình gian khổ đó.

Các nhà tâm lí học hiện đại dùng cụm từ “nỗi sợ khi chào đời” (hay “cú sốc khi chào đời”) để miêu tả thời khắc quan trọng và mang tính quyết định này trong đời sống tinh thần của trẻ sơ sinh. (Cụm từ này được nhắc đến lần đầu tiên trong lí luận Vết thương khi chào đời năm 1923 của Otto Rank – thế hệ học trò đầu tiên của Freud. Tuy những lí thuyết của ông chưa được chấp nhận hoàn toàn, nhưng khái niệm “cú sốc khi chào đời” đã đứng vững trong lĩnh vực phân tâm học). Điều chúng ta thảo luận ở đây là nỗi sợ vô thức.

Nếu biết nói, trẻ sẽ kêu lên rằng: “Tại sao lại đưa tôi đến thế giới đáng sợ này? Tôi biết làm gì đây? Làm sao sống được trong môi trường mới này? Làm sao chịu đựng được những âm thanh khủng khiếp này? Làm sao gánh vác được những chức năng mà trước đó các cơ quan trong cơ thể mẹ đã làm cho tôi? Làm thế nào để học được cách hít thở và tiêu hóa? Làm thế nào mới có thể chịu đựng được sự biến động thời tiết lớn đến thế? Hơi ấm của cơ thể mẹ là mãi mãi.” Trẻ không hề có ý thức về mọi chuyện đã diễn ra, trẻ không thể biết được nỗi đau đớn khi ra đời, nhưng nỗi đau này chắc chắn đã mãi mãi để lại dấu ấn trong tiềm thức của trẻ. Trẻ có thể cảm nhận được điều đó trong tiềm thức và giải tỏa nỗi đau đớn đó bằng tiếng khóc.

Những nghiên cứu về lĩnh vực này đã đem lại kết luận rằng, chúng ta cần trợ giúp trẻ thích ứng với thế giới này. Chúng ta không được phép quên rằng, một đứa trẻ vừa chào đời cũng có cảm giác sợ hãi. Khi đưa trẻ vào chậu nước tắm, trẻ sẽ có động tác “tóm” như thể sợ bị rơi xuống. Đó là một phản ứng điển hình với nỗi sợ hãi. Vậy tạo hóa đã giúp đỡ trẻ như thế nào? Chắc chắn tạo hóa đã chuẩn bị sẵn cho trẻ, ví dụ, người mẹ sẽ ôm trẻ vào ngực theo bản năng, điều đó có thể ngăn chặn ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào trẻ. Tất cả những điều này diễn ra như thể trong tiềm thức của người mẹ đã ý thức được những nguy hiểm từ thế giới bên ngoài đối với trẻ. Mẹ sẽ ôm chặt trẻ vào lòng, ủ ấm cho trẻ, che chở trẻ khỏi mọi hiểm nguy. Những biện pháp bảo vệ con của con người dường như không tích cực như động vật.

 Ví dụ, chúng ta chắc hẳn từng chứng kiến cảnh mèo mẹ giấu con vào góc tối, khi có người đến gần, nó sẽ tỏ ra vô cùng hung dữ. Bản năng bảo vệ con của con người không dữ dội như động vật, hơn nữa bản năng này có thể dễ dàng biến mất. Sau khi sinh ra, ít khi xảy ra tình trạng trẻ bị cướp đi như loài vật, chúng ta có thể tắm rửa, thay đồ cho trẻ, có thể đưa trẻ ra dưới ánh nắng để ngắm nghía màu mắt của trẻ. Chúng ta thích coi trẻ là một thứ gì đó thú vị hơn là một con người đơn thuần. Đó là vì lí tính của con người đã vượt qua bản năng, vì chúng ta đã quen cho rằng trẻ không có đời sống tâm lí. Hiển nhiên, chúng ta cần nghiên cứu khoảnh khắc chào đời của con người một cách độc lập. Điều này thường không liên quan đến đời sống tâm lí của trẻ. Sự chào đời của trẻ là một khúc nhạc.

Lịch sử tự nhiên cho ta biết, tạo hóa đã ban tặng cho động vật có vú khoảnh khắc đầy trí tuệ này. Trước khi một con thú non ra đời, mẹ của nó sẽ cách li khỏi cả đàn trong một khoảng thời gian, cho đến sau khi con non ra đời mới thôi. Hiện tượng này càng rõ nét hơn đối với các động vật quần cư như ngựa, bò, voi, sói, hươu, chó… Con non mới chào đời sẽ tranh thủ khoảng thời gian cách li với bầy đàn để học cách thích nghi với môi trường. Khi được ở một mình cạnh thú mẹ, thú non sẽ được mẹ bảo vệ và chăm sóc. Trong khoảng thời gian này, con non sẽ phát triển đến mức có năng lực tương đương với thú trưởng thành. Con non sẽ liên tục đưa ra phản ứng với những kích thích từ môi trường, dần dần trở nên mạnh mẽ như những con thú trưởng thành khác. Vì vậy khi quay trở lại với bầy đàn, con non đã có thể sinh sống như một cá thể bình thường trong đó. Đến lúc đó, về cả thể chất lẫn tinh thần, con non đã trang bị đủ để được gọi là “ngựa con”, “chó con” hay “nghé”.Có thể nhiều người đã để ý thấy rằng, những động vật có vú đã được thuần hóa vẫn giữ bản năng nguyên thủy của chúng trong việc chăm sóc con non.

Chó, mèo nuôi ở nhà có bản năng ủ ấm cho con, chúng vẫn giữ bản năng từ thời sống hoang dã, giữ truyền thống con non phải ở bên cạnh mẹ. Kể cả khi con non đã rời xa mẹ thì chúng vẫn là một phần của cơ thể mẹ. Đó chính là phương pháp tốt nhất khiến con non dần dần thích nghi với môi trường sống. Vì vậy, chúng ta không thể không lí giải như sau về giai đoạn quan trọng này: Bản năng của loài ở động vật sẽ được đánh thức sau giai đoạn sinh nở. Không phải môi trường khắc nghiệt kích thích bản năng thích ứng với môi trường ở động vật mà chính những hành vi đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của bản thân con vật.

Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các loài động vật mà còn đúng với cả loài người. Thứ chúng ta bàn đến không chỉ là một thời khắc khó khăn, mà còn là một thời khắc có tính quyết định với cả tương lai. Đó là sự thức tỉnh bản năng tiềm tàng. Bản năng tiềm tàng này sẽ khiến trẻ (được chúng ta gọi là “phôi thai tinh thần”) thực hiện được nhiều công việc mang tính sáng tạo, bởi vì mỗi giai đoạn cơ thể có sự thay đổi quan trọng, chúng ta đều có thể quan sát được một số dấu hiệu rõ ràng. Đứa trẻ sau khi sinh ra được cắt dây rốn chính là một trong những dấu hiệu đó. Giai đoạn đầu tiên đó vô cùng quan trọng, đó là thời điểm mà sức mạnh tiềm tàng của con người được thức tỉnh.

Vì vậy chúng ta không chỉ cần chú ý đến cái gọi là “cú sốc khi chào đời” mà còn phải chú ý tới một loạt hành vi kéo theo của nó. Tuy trẻ không có mô thức hành vi bẩm sinh (giống như động vật khác), nhưng trẻ có được một loại sức mạnh tiềm tàng thúc đẩy sản sinh ra các hành vi. Trong trí nhớ của trẻ, không có thứ mang tên là “di truyền”, nhưng trẻ sẽ trải qua giai đoạn sức mạnh tiềm tàng làm nảy sinh những nhu cầu bức thiết. Sức mạnh này giúp trẻ học hỏi từ môi trường xung quanh và định hình tính cách của bản thân. Chúng ta gọi những nhu cầu vô hình này là “tinh vân” (Sự thức tỉnh của tinh vân và sự thức tỉnh bản năng hành vi của động vật có mối liên hệ nhất định. Nó là sự thức tỉnh sau giai đoạn sinh nở, tâm lí khỏe mạnh thời kì này là điều vô cùng quan trọng).

Động vật sau khi ra đời đã được di truyền bản năng này, chúng có thể hoạt động và kiểm soát bản thân một cách tự nhiên, đồng thời cũng có thể lựa chọn phương thức phòng ngự và thức ăn phù hợp. Con người phải chuẩn bị sẵn sàng cho thời khắc bắt đầu bước chân vào đời sống xã hội. Một đứa trẻ sau khi chào đời phải thích ứng với xã hội mà nó đang sinh sống. Đó không phải là bản năng sẵn có ngay từ thuở lọt lòng, mà được hình thành sau đó. Việc quan trọng nhất sau khi ra đời của trẻ chính là thích ứng, bởi loài người không có mô thức hành vi mang tính bản năng như các loài vật khác. Ghi nhớ đặc trưng này của trẻ, hiện nay chúng ta đang nghiên cứu sự phát triển của trẻ như là một cơ chế phổ biến, điều này thật thú vị. Một đứa trẻ mà thể chất còn rất lâu nữa mới phát triển thành thục đã buộc phải không ngừng hoàn thiện bản thân cho đến khi trở thành một con người thực sự.

Không giống như động vật, vừa chào đời đã có bản năng riêng và bắt đầu tiếp xúc với môi trường xung quanh, dù đã ra đời, trẻ vẫn phải tiếp tục hành trình phôi thai của mình, hình thành một loạt bản năng của con người. Vì trong con người trẻ không tồn tại sẵn một thứ gì, nên trẻ buộc phải tự xây dựng đời sống tinh thần, xây dựng cơ chế biểu đạt với bên ngoài. Sinh linh bé nhỏ này thậm chí còn chưa tự nâng nổi đầu mà đã phải bắt đầu một hành trình quan trọng. Từ học đứng, rồi học đi, trẻ dần dần hòa nhập vào thế giới này. Tiềm năng to lớn này của trẻ khiến chúng ta nhớ lại phát hiện của Kessen, đó là các cơ quan được hình thành sau khi hình thành trung khu thần kinh.

 Vì vậy, loại hình tâm lí của hành vi của trẻ được hình thành trước khi trẻ có thể thực hiện hành vi. Khởi điểm của quá trình phát triển ở trẻ vốn không nằm ở phương diện thể chất mà là ở phương diện tinh thần. Phương diện tối quan trọng trong sự phát triển của con người chính là phương diện tâm lí,bởi mọi hoạt động của con người đều diễn ra dưới sự kiểm soát và chỉ đạo của tinh thần. Trí tuệ làm nên sự khác biệt giữa con người với các loài vật, sự hình thành trí tuệ là yếu tố mấu chốt, các phương diện khác chỉ có thể đứng phía sau nó mà thôi.

Trẻ vừa ra đời, các cơ quan trong cơ thể còn chưa hoàn thiện, xương còn chưa hoàn toàn cứng, dây thần kinh còn chưa được bao phủ bởi myelin và vì thế không có cách nào truyền đi mệnh lệnh của đại não. Vì vậy cơ thể trẻ vẫn còn nằm trong giai đoạn phản ứng chậm chạp. Vì vậy sau khi được sinh ra, đầu tiên con người sẽ phát triển trí tuệ, trên cơ sở đó sẽ hình thành và phát triển các cơ quan khác nhau. Sự phát triển của trẻ bao gồm nhiều phương diện, mỗi phương diện đều tuân thủ quy luật nhất định.

Những nghiên cứu về sự phát triển của trẻ sau khi ra đời đã chỉ rõ, sau khi hộp sọ của trẻ phát triển, thóp liền, các khớp sọ dần khít thì kết cấu của toàn bộ cơ thể bắt đầu có sự thay đổi, tiến trình xương hóa cũng dần hoàn thành. Lúc này, dây thần kinh cột sống cũng đã được bao phủ bởi myelin, tiểu não giúp cân bằng các cơ quan trong cơ thể ban đầu có kích thước rất nhỏ, lúc này cũng bắt đầu phát triển nhanh chóng, đạt tỉ lệ phù hợp với bán cầu não. Cuối cùng, tuyến nội tiết và hệ tiêu hóa có liên quan với các tuyến này dần dần hình thành. Đó là những gì chúng ta đều đã biết, nó cho thấy sự trưởng thành của cơ thể là một quá trình liên tục, diễn ra đồng bộ, hài hòa với sự phát triển của hệ thống thần kinh.

Ví dụ, nếu tiểu não chưa phát triển tới trình độ thành thục thì trẻ sẽ không thể nào giữ thăng được bằng, không thể biết đứng và biết ngồi vững vàng. Giáo dục và luyện tập không thể có tác động nào lên khả năng này. Để trở nên thành thục, các cơ quan vận động dần dần tiếp nhận mệnh lệnh của đại não, đồng thời tiến hành vận động một cách mơ hồ để có thể tiếp thu kinh nghiệm từ môi trường xung quanh. Thông qua luyện tập và những kinh nghiệm này, sự vận động của trẻ trở nên nhịp nhàng, cho đến khi có thể hoàn thành tốt mệnh lệnh mà não bộ đưa ra.

 Không giống với động vật khác, con người không thể vừa sinh ra đã biết hoạt động nhịp nhàng mà cần có một quá trình mới có thể làm được điều đó. Trong não trẻ không có gì được lập trình trước, trẻ phải tự mày mò. Các loài vật khác vừa sinh ra đã biết đi, biết chạy, biết nhảy, chúng có thể nhanh chóng thực hiện được các động tác cực kì khó.

 Ví dụ một loài vật được di truyền khả năng nhảy thì con non vừa ra đời đã có thể nhảy qua các chướng ngại vật một cách nhanh nhẹn. Còn con người thì không có được khả năng đó, nhưng bù lại, con người được tạo hóa ban tặng khả năng tiếp thu kĩ năng vận động bẩm sinh. Con người có thể học được tất cả các hoạt động khó và đòi hỏi kĩ thuật, ví dụ như vận động viên thể thao, phi công, diễn viên múa, nhạc sĩ, nghệ sĩ dương cầm… Tất cả những hoạt động này không phải là kết quả của sự thành thục của các cơ quan vận động, mà là kết quả có được nhờ kinh nghiệm vận động và thực hành, hay nói cách khác, chính là kết quả của giáo dục. Từ xuất phát điểm giống nhau, mỗi người sẽ học được những kĩ năng vận động và phát triển chúng lên mức tối đa. Chúng ta cần phân biệt thêm vài điểm trong sự phát triển của trẻ.

Để làm rõ quan điểm, tôi buộc phải chấp nhận một thực tế là cơ thể là nền tảng vật chất cho vận động, nhưng cơ thể phải đạt đến một mức độ thành thục nhất định, còn sự phát triển tâm lí thì lại không bị lệ thuộc vào điểm này. Vì ta biết rằng, tinh thần là thứ đầu tiên phát triển trong con người, sự phát triển của các cơ quan bắt đầu sau sự hình thành tinh thần và do tinh thần kiểm soát. Sau khi các cơ quan bắt đầu vận động, tinh thần sẽ đạt thêm một bước tiến nữa. Thông qua vận động, hoạt động tâm lí sẽ tiếp nhận thêm kinh nghiệm từ môi trường xung quanh. Bởi vậy, nếu các cơ quan vận động của trẻ sau khi phát triển mà bị kìm hãm thì sự phát triển tâm lí của trẻ trong phương diện này cũng bị hạn chế. Dù sự phát triển tâm lí là vô hạn, nhưng nó lại được quyết định phần lớn bởi sự phát huy tác dụng của các cơ quan vận động, trong khi các cơ quan vận động lại phát triển một cách tự chủ.

Sự phát triển tâm lí có liên quan với một thứ thần bí hơn nhiều, đó chính là tác dụng của nó trong tương lai, hay nói cách khác là những nhiệm vụ nó phải hoàn thành. Mỗi cá thể người đều có khả năng hoàn thành quá trình này, nhưng chúng ta không thể quan sát năng lực này ở một đứa trẻ đang thuộc giai đoạn “phôi thai tinh thần”. Trong giai đoạn này, chúng ta chỉ thấy rằng, đứa trẻ nào cũng giống nhau như ta thường nói: “ Đứa trẻ sơ sinh nào cũng như nhau, trẻ đều lớn lên dưới những quy luật giống nhau.” Sự phát triển đại não của trẻ gần giống với phôi thai. Quá trình phân li tế bào cũng trải qua những giai đoạn giống nhau, chúng ta hầu như không tìm được điểm khác biệt giữa phôi này với phôi khác. Nhưng rồi những tế bào này lại phát triển thành những loài vật hoàn toàn khác nhau như: thằn lằn, chim, thỏ. Tất cả phôi thai đều khởi đầu như nhau, nhưng kết thúc thì hoàn toàn khác nhau. Vì vậy chúng ta nói rằng, cho dù là thiên tài, nghệ sĩ, lãnh tụ, thánh nhân hay người bình thường, tất cả đều phát triển từ “phôi thai tinh thần”.

Những người bình thường cũng có những tính cách không giống nhau và có vị trí khác nhau trong kết cấu xã hội. Rõ ràng con người không giống như động vật bậc thấp, bị hạn chế bởi di truyền, làm những việc giống nhau bằng những phương thức khác nhau. Nhưng chúng ta không thể dự đoán được quá trình phát triển sau đó và kết cục khác nhau của những phôi thai này, cũng không thể xem xét nó trong giai đoạn hình thành phôi thai. Việc duy nhất chúng ta làm được trong giai đoạn này là hỗ trợ sự phát triển của trẻ. Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình thích ứng của loài người. Nếu có thể mang lại sự trợ giúp nhất định cho những nhu cầu của con người trong giai đoạn này thì năng lực cá nhân của họ sẽ được nâng cao hơn nhiều trong tương lai.

Vì vậy chỉ có một phương pháp duy nhất để giáo dục những đứa trẻ non nớt này. Nếu giáo dục bắt đầu ngay từ khi con người vừa chào đời, vậy thì giáo dục phải phù hợp với những điều kiện trong giai đoạn đó. Trình tự giáo dục với trẻ em Ấn Độ, châu Á hay châu Âu, dù ở tầng lớp nào thì cũng giống nhau. Chúng ta chỉ có thể áp dụng phương pháp tuân thủ quy luật phát triển tự nhiên của con người. Bất cứ đứa trẻ nào cũng có nhu cầu tâm lí như nhau, cũng đều phải trải qua những giai đoạn phát triển giống nhau. Đó không phải là thứ mà chủ quan con người có thể quyết định được, cũng không phải là thứ mà một nhà triết học, tư tưởng hay nhà công tác thực tiễn nào có thể thay đổi được.

Chính tự nhiên đã xây dựng nên nguyên tắc, quyết định nhu cầu trong tiến trình phát triển của loài người. Chỉ có tự nhiên mới được đưa ra quyết định việc giáo dục phải tuân theo phương pháp nào. Phương pháp đó được quyết định bởi mục tiêu nhất định là thỏa mãn nhu cầu và quy luật của sự sống.

Sự phát triển tự thân trẻ tuân theo nhu cầu và quy luật này. Vẻ yên bình, vui vẻ và những nỗ lực không ngừng của trẻ đã chứng minh điều này. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu cặn kẽ và tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của trẻ. Hiện nay, tâm lí trị liệu đưa ra một thời điểm tạm thời có tính quyết định trong khoảng thời gian sau sinh, đó là lúc chào đời. Cách làm này dựa trên cơ sở lí luận của Freud, đồng thời cũng có thêm những luận chứng và luận cứ riêng. Nó nằm giữa khái niệm “triệu chứng hồi quy” trong “cú sốc khi chào đời” và “triệu chứng áp lực” có liên quan tới môi trường trong giai đoạn trưởng thành. Hồi quy không tương đồng với áp lực. Những triệu chứng này cho thấy một khuynh hướng vô thức của trẻ sơ sinh, đó là quay lại với cơ thể mẹ chứ không tiếp tục trưởng thành.

Ngày nay, chúng ta đã biết rằng “cú sốc khi chào đời” không chỉ khiến trẻ khóc lóc và chống cự mà còn khiến trẻ phát triển theo một cách không bình thường. Kết quả sẽ làm nảy sinh sự thay đổi tâm lí hoặc sức mạnh tinh thần. Trẻ sẽ phát triển theo một hướng dị thường. Đứa trẻ vừa chào đời vẫn lưu luyến trạng thái trước khi được sinh ra và từ chối lớn lên. Hầu như đứa trẻ nào cũng ít nhiều mắc triệu chứng hồi quy.

Trẻ có cảm giác không thể thích ứngtrong thời khắc chào đời, trong sâu thẳm nội tâm trẻ dường như muốn nói: “Tôi muốn trở lại trong bụng mẹ.” Trẻ sơ sinh ngủ nhiều được coi là hiện tượng bình thường, nhưng nếu việc này kéo dài quá lâu thì lại không còn bình thường nữa. Freud coi đó là sự trốn chạy của trẻ. Trẻ có cảm giác muốn thu mình lại trước sự sống và thế giới mà trẻ phải đối mặt.

Mặt khác, giấc ngủ có thể thúc đẩy khai thác tiềm thức. Khi gặp phải khó khăn quá lớn, chúng ta sẽ rất muốn ngủ một giấc, bởi trong khi ngủ ta chỉ phải đối diện với những giấc mơ chứ không phải là thế giới hiện thực, không cần phải đấu tranh với cuộc đời. Giấc mơ là “trại tị nạn” cho người trốn chạy khỏi thế giới hiện thực. Chúng ta cũng cần lưu tâm hơn đến tư thế ngủ. Tư thế ngủ tự nhiên của trẻ sơ sinh là hai tay đặt gần mặt, chân co lên. Ta cũng có thể bắt gặp tư thế này ở một vài người trưởng thành, nó cho thấy con người có khuynh hướng quay lại tư thế nằm trong tử cung trước kia.

Một triệu chứng hồi quy khác thể hiện ở tiếng khóc của trẻ khi tỉnh dậy, dường như trẻ cảm thấy sợ hãi khi lại phải đối mặt với cái thế giới khó chịu này. Trẻ còn thường gặp ác mộng, điều này không thể làm tăng thêm thiện cảm của trẻ dành cho thế giới này. Sau khi trưởng thành, hiện tượng hồi quy này có thể thể hiện thông qua sự dựa dẫm vào người khác. Dường như con người đều sợ sự đơn độc.

 Khuynh hướng dựa dẫm này không phải vì vui thích mà là vì sợ hãi. Những đứa trẻ nhút nhát luôn thích ở cạnh một ai đó, đặc biệt là thích ở cạnh mẹ. Trẻ không thích ra ngoài, chỉ thích ở nhà, tách biệt với thế giới bên ngoài. Những thứ ngoài kia đáng lẽ có thể khiến trẻ vui thích thì lại khiến chúng cảm thấy sợ hãi. Trẻ cảm thấy lạ lẫm khi đối diện với môi trường mới, môi trường đáng lẽ phải thu nhận trẻ thì lại cự tuyệt trẻ.

Nếu trẻ sơ sinh tỏ ra sợ hãi trước môi trường xung quanh mình, thì đó sẽ là trở ngại cho sự phát triển bình thường của bé. Những đứa trẻ như vậy trong tương lai nhất định sẽ ngang bướng và khó hòa nhập với thế giới. Đối với trẻ, việc tiếp thu mọi thứ từ môi trường xung quanh là một việc khó khăn và không thể hoàn thành. Có thể dùng một câu nói để hình dung về cuộc đời của những người này: “Đời là bể khổ”. Trẻ chán ghét mọi thứ, ngay cả việc hít thở cũng khiến trẻ thấy mệt mỏi. Những việc mà trẻ làm đều đi ngược lại lẽ thường. Kiểu trẻ này cần được nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn người khác, khả năng tiêu hóa cũng yếu hơn. Chúng ta có thể tưởng tượng tương lai của những đứa trẻ này sẽ ra sao, hơn nữa triệu chứng này rất khó sửa đổi, có khi sẽ theo suốt cả cuộc đời.

Những đứa trẻ như vậy thường thích khóc lóc, cầu viện sự giúp đỡ của người khác, lười biếng, tâm trạng bị ức chế. Khi trưởng thành, những người này khó hòa nhập với xã hội, không thích gặp người lạ, rất nhút nhát. Khả năng cạnh tranh của họ cũng yếu, luôn cần được cổ vũ và giúp đỡ. Đó là mặt tiêu cực khá lớn của tâm lí tiềm thức. Nó không tồn tại trong trí nhớ có ý thức của chúng ta mà tồn tại trong tiềm thức. Có thể bề ngoài chúng ta dường như chẳng còn nhớ gì cả, nhưng những kí ức vẫn lưu lại trong ta dưới dạng “trí nhớ tiềm thức”, nó trở thành một phần trong tính cách con người. Đó là nguy cơ lớn mà con người phải đối mặt. Những đứa trẻ mà trong quá trình phát triển không nhận được sự chăm sóc thích đáng, sau khi khôn lớn sẽ muốn trả thù xã hội.

 Đó là do sự vô tri của chúng ta, hậu quả của nó đáng sợ hơn nhiều so với sự đối đãi vô tri của ta với những người trưởng thành. Sự thay đổi của nó tạo ra trở ngại lớn trong tình cảm của cá nhân, những người này sẽ là trở ngại cho sự phát triển của thế giới. Các chuyên gia tâm lí đặc biệt coi trọng tác dụng của thời khắc chào đời này đối với đời sống tâm lí của con người, đó cũng là điều mà tôi đã nhấn mạnh ở trên. Chúng ta vừa bàn luận về tính nguy hiểm của hiện tượng hồi quy, đồng thời chúng ta cũng cần xem xét phương thức động vật có vú bảo vệ con non của mình.

Các nhà tự nhiên chủ nghĩa cho rằng, vài ngày sau khi chào đời, sự chăm chút tỉ mỉ của mẹ sẽ đánh thức bản năng sinh vật của động vật. Chúng ta có thể căn cứ vào đó để hiểu sâu hơn về tâm lí của trẻ nhỏ. Chúng ta cần coi trọng khả năng thích ứng của trẻ với thế giới xung quanh, đồng thời cũng cần coi trọng ảnh hưởng của khoảnh khắc chào đời đối với trẻ, và vì vậy cần đối xử với trẻ theomột cách đặc biệt.

Người mẹ và đứa trẻ phải đối mặt với những nguy cơ khác nhau, nhưng nỗi vất vả thì ngang nhau. Đối với trẻ, những rủi ro thể chất là rất lớn, nhưng so với nguy cơ về tâm lí thì vẫn nhỏ hơn nhiều. Nếu “cú sốc khi chào đời” là nguyên nhân của tình trạng hồi quy thì đứa trẻ nào cũng sẽ mắc phải tình trạng này. Đó là lí do vì sao chúng ta nghiêng về giả thiết đúng với cả con người và các loài vật khác. Những ngày đầu tiên sau khi chào đời, rõ ràng sẽ xảy ra một sự việc vô cùng quan trọng.

 So sánh với sự thức tỉnh hành vi di truyền ở động vật có vú, dường như ở trẻ cũng phát sinh những sự việc tương tự. Dù trẻ không có mô thức hành vi di truyền sẵn để tuân thủ, nhưng trẻ có khả năng học tập những mô thức hành vi đó. Khả năng tiềm tàng này có thể phát huy bằng việc tiếp thu, học hỏi từ môi trường xung quanh. Vì thế chúng ta đưa ra khái niệm “tinh vân”, so sánh sự sáng tạo để tiếp thu tri thức từ môi trường xung quanh của trẻ với sự bắt nguồn của “tinh vân”. Khoảng cách giữa các thiên thể trong tinh vân rất xa, nhưng nhìn từ một hành tinh khác thì dường như chúng khá gần nhau.

Tương tự như vậy, trẻ thu được kích thích và khả năng học tập ngôn ngữ. Đó không phải là thứ ngôn ngữ mà trẻ vừa được sinh ra đã biết, mà là trẻ dần dần học được từ môi trường, dưới một số quy luật chi phối nhất định. Nhờ năng lực kiểu “tinh vân” này mà trẻ có khả năng phân biệt cách phát âm khác nhau. Cũng chính bởi tiềm năng này, trẻ mới dần học được cách sử dụng ngôn ngữ, đồng thời dùng phương thức tương tự để tiếp thu tập quán và truyền thống xã hội, khiến bản thân trở thành một phần của cả một quần thể sinh sống. “Tinh vân” ngôn ngữ vốn không quy định trẻ phải học một ngôn ngữ nhất định nào đó, nó yêu cầu trẻ sau khi sinh ra phải học thứ ngôn ngữ từ môi trường mà nó đang sống. Thời gian và trình tự học nói của trẻ em ở các quốc gia trên thế giới hầu như không có sự khác biệt.

 Rõ ràng trẻ không được di truyền một loại hình ngôn ngữ nào mà chỉ di truyền khả năng học tập ngôn ngữ thông qua hoạt động vô thức. Tiềm năng này giống như gen của tế bào mầm, có thể kiểm soát một cách chính xác một cơ quan phức tạp và tinh vi trong tế bào, đó chính là thứ chúng ta gọi là “tinh vân ngôn ngữ”. Tương tự, tinh vân liên quan đến khả năng thích ứng của trẻ trước môi trường và mô thức hành vi của trẻ, chứ không phải là sự di truyền từ đời cha ông.

Trình độ văn minh ngày nay của chúng ta không hề được di truyền, mà chỉ là trẻ nhỏ được di truyền khả năng học tập và tiếp thu từ môi trường mà thôi. Điều này cũng đúng với việc học tập các phương diện khác ở trẻ. Karel từng viết: “Con cháu của các nhà khoa học không thể có được tri thức của cha ông bằng phương thức di truyền, nếu bị bỏ rơi trên hoang đảo, chúng cũng sẽ giống hệt người Cro– Magnon.”(1)

Ở đây, tôi muốn làm rõ hơn quan điểm của mình. Độc giả có thể có ấn tượng rằng, nhắc đến tinh vân tức là nhắc đến rất nhiều loại sức mạnh bản năng khác nhau, chúng độc lập với nhau chứ không phải một quần thể. Nhưng cần nhớ, “tinh vân” ở đây chỉ là một hình ảnh so sánh. Hình thức công việc của đại não hoàn toàn khác với tinh thể. Đối với chúng ta, tổ chức tâm lí là một chỉnh thể các động thái, thông qua môi trường xung quanh chủ động tiếp thu tri thức để kiến thiết kết cấu của bản thân. Nó được điều khiển bởi một loại năng lượng (hành động có mục đích), điều này có sự khác biệt với tinh vân.

Giả sử tinh vân ngôn ngữ – vì một lí do nào đó mà không thể hoạt động, dẫn đến không thể học tập ngôn ngữ. Hiện tượng bất thường này sẽ dẫn đến việc một đứa trẻ có thính giác, thị giác và đại não hoàn toàn bình thường không thể nói được. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp. Tôi đã từng chứng kiến một vài trường hợp như vậy, các chuyên gia đã kiểm tra và kết luận tai và hệ thần kinh của trẻ hoàn toàn bình thường, việc tại sao trẻ không biết nói mãi mãi là một bí ẩn.

 Nghiên cứu những trường hợp này là một công việc thú vị. Ta hãy thử tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra trong vòng vài ngày sau khi những đứa trẻ ấy ra đời. Điều này có thể giúp giải thích rất nhiều vấn đề nan giải trong rất nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như vấn đề khả năng thích ứng với xã hội. Nó thậm chí còn có giá trị thực dụng cao hơn so với lí thuyết “cú sốc khi chào đời”.

Tôi cho rằng, rất nhiều khuynh hướng hồi quy xảy ra là do chúng ta thiếu đi việc thúc đẩy khả năng thích ứng với xã hội của trẻ. Những đứa trẻ được nhắcđến ở phần trên, có thể do thiếu tính nhạy cảm nên không muốn tiếp thu tri thức từ môi trường, hoặc đã tiếp thu một cách không chính xác. Trong mắt chúng, thế giới bên ngoài chẳng có gì hấp dẫn, chúng thiếu đi “lòng nhiệt tình với cuộc sống bên ngoài” trong khi đáng lẽ những đứa trẻ này phải tiếp thu tri thức từ đó để dần trở nên tự lập. Đương nhiên, nếu việc tiếp thu tôn giáo, truyền thống và đặc trưng của chủng tộc không diễn ra theo cách thông thường thì sẽ dẫn tới những bất thường về đạo đức, những con người kiểu này sẽ trở nên không phù hợp với thời đại và bộc lộ nhiều triệu chứng hồi quy giống như chúng ta đã đề cập ở phần trên.

Con người vốn được phú cho tính nhạy cảm và sáng tạo chứ không trực tiếp di truyền những mô thức hành vi nhất định. Nếu trẻ từ từ trở nên thích ứng với hoàn cảnh, vậy thì rõ ràng là tâm lí và tính cách con người đã được hình thành trên cơ sở những năm tháng đầu đời. Chúng ta sẽ tự hỏi vì sao sự nhạy cảm này đôi khi bị thiếu đi hoặc chậm phát triển? Chúng ta chưa thể trực tiếp trả lời câu hỏi này mà chỉ có thể tìm kiếm đáp án ở những người gặp phải trục trặc này, để thực tế chứng minh mọi điều.

 Hiện tại, tôi có một ví dụ có thể sẽ giúp ích cho các nhà nghiên cứu. Có một cậu bé nọ không nghe lời, và cũng không thích học tập. Cậu gặp trục trặc trong việc phát triển nhân cách và không ai muốn thấu hiểu cậu. Cậu bé này rất xinh trai, thông minh và khỏe mạnh. Trong vòng 15 ngày sau khi được sinh ra, cậu từng bị suy dinh dưỡng trầm trọng, cân nặng sụt giảm nhanh chóng, chẳng mấy chốc chỉ còn da bọc xương, đặc biệt là khuôn mặt rất đáng thương. Người hộ lí chăm sóc cậu bé cảm thấy cậu thật xấu xí, thường gọi cậu là “da bọc xương”. Ngoại trừ khoảng thời gian hai tuần đầu tiên đó, những giai đoạn phát triển sau đó của cậu bé bình thường như bao đứa trẻ khác. Cậu lớn lên khỏe mạnh cường tráng, nhưng dường như đã bị mặc định sẽ trở thành một phần tử “có vấn đề”. Đương nhiên hiện tại tồn tại rất nhiều giả thiết đang chờ được xác thực. Nhưng có một thực tế rất quan trọng là cảm giác của “tinh vân” chỉ đạo sự phát triển tâm lí của trẻ giống như gen quyết định trứng đã thụ tinh trở thành người như thế nào.

 Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi được sinh ra, chúng ta cũng nên dành cho trẻ sự chăm sóc đặc biệt giống như các loài động vật bậc cao khác. Ở đây chúng ta không chỉ bàn tới sự quan tâm dành cho trẻ một năm, một tháng sau sinh, cũng không chỉ là sự quan tâm chăm sóc về thể chất. Mục đích của chúng ta là khiến cha mẹ và những người thân trong gia đình của trẻ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc trẻ. Chúng ta phải tôn trọng quy luật một cách thích đáng, mang lại cho trẻ sơ sinh những sự chăm sóc thiết yếu.

❁ Tiếp Chương 8

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x