Trang chủ » Chương 8. Ly Lâu Hạ

Chương 8. Ly Lâu Hạ

by Hậu Học Văn
726 views

LY LÂU, PHẦN SAU

 

1. Mạnh Tử nói: “Vua Thuấn sinh ở Chư Phùng, dời đến Phụ Hạ, mất ở Minh Điều, là người thuộc miền rợ Đông. Vua Văn Vương sinh ở Kỳ Châu, mất ở Tất Dĩnh, là người thuộc miền rợ Tây. Từ đất này đến đất kia, có trên nghìn dặm; đời nọ sang đời kia, có trên nghìn năm. Đạt được chí hướng mà hành động tại Trung quốc, dường như mảnh thẻ tre làm tin kết với nhau. Thánh trước, thánh sau, đường lối của hai ngài là một.”

BÌNH GIẢI:

Vua Thuấn là người miền rợ Đông; Văn Vương là người miền rợ Tây; cả hai đều không phải là những người gốc ở Trung quốc. Ngày xưa, người Trung quốc vẫn có thành kiến cho những người ở miền cực bắc, cực nam, cực đông, cực tây đều là những giống dân man di, mọi rợ, kém văn hoá, thiếu lễ nghĩa (Bắc địch, Nam man, Đông di, Tây nhung).

Tuy nhiên, vua Thuấn và Văn Vương mặc dầu sinh ở hai miền đất xa cách nhau trên một nghìn dặm, sống ở hai thời đại cách nhau trên một nghìn năm (khoảng năm 2206 và năm 1072 trước Công nguyên), đều là những người mang tiếng mọi rợ, nhưng lại là hai vị thánh vương của Trung quốc vào thời cổ.

Đường lối cai trị của hai ngài giống nhau như hai mảnh tre dùng làm tin của cùng một phù tiết vậy. Phù tiết là một phiến tre để làm tin. Người xưa muốn kết ước với nhau thì viết chữ trên phiến tre ấy rồi chẻ đôi ra thành hai mảnh, mỗi bên giữ một mảnh. Một thời gian sau, hai bên xa cách. Khi hai người hay hậu duệ của hai người gặp lại nhau, cùng đem hai mảnh tre ghép lại, thấy dấu vết in khít; cả hai sẽ cùng nhận ra nhau đã từng kết ước, rồi cùng thực hiện điều kết ước.

Đường lối cai trị của vua Thuấn và Văn Vương ăn khớp với nhau như hai mảnh tre của một phù tiết. Đó là đường lối đức trị, lấy nhân nghĩa mà trị dân. Đường lối này còn có tên là vương đạo, luôn luôn lấy ý dân làm trọng, lấy hạnh phúc của dân làm mục tiêu. Cũng nhờ cách cai trị ấy, đời sau đã tôn hai ngài là thánh vương.

2. Tử Sản coi sóc nền chính trị của nước Trịnh, đã lấy xe cộ của mình giúp người ở sông Trăn, sông Vĩ.

Mạnh Tử nói: “Đó là làm ơn, nhưng không biết làm chính trị. Mỗi năm, vào khoảng tháng 11, hãy hoàn thành những cây cầu nhỏ; vào khoảng tháng 12, hãy hoàn thành những cây cầu lớn. Dân chúng sẽ không bị nỗi khổ phải lội sông. Người quân tử cân bằng việc cai trị của mình, cần phải khiến người ta biết nhường tránh. Sao lại phải đi giúp đỡ từng người này người kia? Vì thế, nếu làm chính trị cứ làm cho mỗi người được vui lòng thì hằng ngày làm cũng chẳng đủ.”

BÌNH GIẢI:

Tử Sản là quan đại phu và cũng là một hiền nhân nước Trịnh, tên gọi Công Tôn Kiều. Ông điều khiển nền hành chính nước Trịnh vào thời Xuân Thu, được nhiều người ái mộ. Khổng Tử từng khen ngợi Tử Sản là người giữ đạo quân tử được bốn điều: giữ mình khiêm cung, phụng sự bậc trên một cách kính cẩn, thường làm ơn cho dân, sai khiến dân hợp lẽ.

Ông làm chính trị vào thời đại trước Mạnh Tử gần 200 năm. Dân nước Trịnh quý mến ông vì ông đã lấy xe cộ của mình chở người qua sông Trăn, sông Vĩ.

Ở đây, Mạnh Tử khen Tử Sản có đức huệ, đó là hay làm ơn cho dân, nhưng chê Tử Sản chưa thông tỏ phép cai trị.

Nếu giỏi cai trị, mỗi năm, vào khoảng tháng 11, là mùa gặt, dân chúng phải bận rộn việc thu gom thóc lúa, thường xuyên qua lại trên sông, nhà cầm quyền hãy làm mới hay tu sửa những cây cầu nhỏ, khiến cho dân chúng có thể đi bộ qua lại dễ dàng. Vào khoảng tháng 12, là thời gian cận Tết, dân chúng phải chuyên chở hàng hoá buôn bán rộn rịp trên những xe cộ năng nề, nhà cầm quyền hãy làm mới hay tu sửa những cây cầu lớn, khiến cho dân có thể đem xe ngựa qua lại trên cầu. Làm được như vậy trong khắp nước, dân chúng sẽ tránh được nỗi khổ lội sông vất vả.

Người quân tử trị nước cần phải có biện pháp sao cho toàn dân được hưởng chung những tiện nghi, lợi ích cân bằng như nhau và cũng phải biết tạo một khoảng cách xa tránh với dân để cho dân khỏi đến quấy rầy phiền rộn mình (bình kỳ chính, hành tịch nhân). Nếu lúc nào cũng gần gũi thân mật với dân, đem xe nhà đi chở từng người dân qua sông, khiến cho mỗi người dân đều được vui lòng thì chở sao cho xuể! Có chở cả ngày như vậy suốt năm cũng không đủ thời gian hoàn tất việc giúp đỡ. Nếu cứ tiếp tục làm như thế, người cầm quyền lấy thời giờ đâu mà lo nghĩ đến những kế sách lớn cho đất nước?!

3. Mạnh Tử nói với Tề Tuyên Vương rằng: “Vua mà coi bề tôi như tay chân, bề tôi sẽ coi vua như lòng dạ. Vua mà coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi sẽ coi vua như người dưng. Vua mà coi bề tôi như bùn rác, bề tôi sẽ coi vua như cừu địch.”

Vua nói: “Theo lễ, đối với vua cũ phải để tang. Như thế nào thì đáng phải để tang?”

Đáp: “Can ngăn thì thi hành, nói thì nghe; ân lộc thấm nhuần xuống tới dân. Có duyên cớ mà ra đi, vua sai người dẫn đưa ra tới bờ cõi; lại giới thiệu trước với nơi đến; ra đi ba năm không trở lại, rồi mới thu lấy ruộng đất. Thế gọi là ba điều có lễ. Như vậy thì đáng phải để tang.

“Nay, bề tôi can ngăn thì không thi hành, nói thì không nghe, ân lộc thấm nhuần không xuống tới dân. Có duyên cớ mà ra đi, vua bắt giữ lại;

còn khiến cho cùng cực ở nơi đến; vào ngày ra đi, đã thu hết ruộng đất. Thế gọi là cừu địch. Đã là cừu địch, sao còn phải để tang?”

BÌNH GIẢI:

Giữa vua và bề tôi có một tương quan hai chiều cân xứng với nhau. Nếu vua quý mến bề tôi, bề tôi sẽ tôn trọng đáp lại. Nếu vua khinh rẻ bề tôi, bề tôi sẽ coi vua như người dưng, nước lã. Nếu vua miệt thị bề tôi, bề tôi sẽ coi vua như kẻ thù.

Xưa kia, Kinh Lễ có cho biết: nếu vua cũ của mình từ trần, bề tôi dù đang phục vụ ở nước khác cũng phải để tang ba tháng.

Để tang là tạ lại mối ân tình cũ giữa vua và bề tôi. Ân tình của vua đối với bề tôi tức là vua có lễ với bề tôi. Ba điều lễ đó là:

– Bề tôi can ngăn vua, vua sửa đổi; bề tôi nói phải, vua nghe theo. Vì vậy, ân huệ của vua mới thấm nhuần xuống tới dân chúng.

– Bất đắc dĩ bề tôi có duyên cớ phải đến nước khác, vua sai người dẫn đưa đến biên giới; trước đó lại còn tìm cách tiến cử với nước người để cho bề tôi được trợ giúp nơi đất khách.

– Sau ba năm mà bề tôi không trở về, vua mới cho thu lấy ruộng đất cũ đã từng cấp cho ngày trước.

Nếu vua có ba điều lễ đó, khi ngài mất đi, dĩ nhiên bề tôi dù ở bao xa cũng phải nhớ mà chịu tang.

Trái lại, vua chẳng giữ lễ với bề tôi:

– Bề tôi can ngăn, vua không chịu sửa lỗi; bề tôi nói phải, vua không thèm nghe. Do đó, chẳng có ân huệ nào của vua thấm nhuần xuống tới dân chúng.

– Có việc cần phải ra đi, vua sai người bắt giữ lại; nếu đi thoát được, sẽ bị vua tìm cách gièm pha với nước người để cho bề tôi lâm cảnh khốn cùng.

– Vừa ra khỏi nhà, vua đã tịch thu hết ruộng đất gia sản.

Nếu vua thất lễ với bề tôi như vậy, bề tôi sẽ coi vua như kẻ thù. Ai lại chịu tang kẻ thù bao giờ? Người ta còn ăn mừng nữa đấy chứ!

4. Mạnh Tử nói: “Không có tội mà giết người trí thức, thì quan đại phu có thể ra đi; không có tội mà phanh xác dân chúng, thì người trí thức có thể rời bỏ.”

BÌNH GIẢI:

Những người trí thức trong nước được coi như bộ não của toàn dân. Đất nước càng có nhiều trí thức càng có điều kiện để tiến bộ. Nếu người trí thức không có tội gì rõ rệt, không vi phạm an ninh quốc gia, có chăng chỉ là vài lời nhận xét phê phán, biểu lộ sự ưu tư trước thời cuộc; thế mà nhà cầm quyền nỡ đem ra giết; đó là chính sách tàn bạo, chuyên chế. Trước tình hình ấy, các quan đại phu trong triều nên bỏ nước mà ra đi, không nên cộng tác với vua và chính quyền ấy nữa.

Dân chúng là những người ít học, thiếu hiểu biết, nhưng lại là một đại bộ phận xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế cho một nước. Nếu dân không có tội, không phạm hình luật nặng nề, đôi khi bị vu oan mà không được xét xử công minh, lại bị nhà cầm quyền giết chóc một cách tàn nhẫn; đó là chính sách đàn áp, coi dân như kẻ thù. Trước tình hình ấy, những người trí thức không nên lưu lại, mà nên bỏ nước ra đi để tỏ bày sự chống đối của mình. Một khi các quan đại phu, các nhà trí thức ùn ùn kéo nhau bỏ đi; đó là những phần tử ưu tú nhất đã biểu lộ thái độ bằng đôi chân vậy.

Đất nước mà mất những phần tử ưu tú, sớm muộn cũng suy tàn; chính quyền cai trị không bị ai đánh cũng tự sụp đổ!

5. Mạnh Tử nói: “Vua có nhân, chẳng có ai bất nhân. Vua có nghĩa, chẳng có ai bất nghĩa.”

BÌNH GIẢI:

Trong chương Ly Lâu thượng, tiết 20, đã có câu này. Vua mà có lòng nhân, chẳng có vị quan nào bất nhân. Vua mà cư xử có tình nghĩa, chẳng có vị quan nào cư xử bất nghĩa. Có ai bất nhân, bất nghĩa trong triều, tức khắc người ấy tự sửa; nếu không sửa được, chắc chắn người ấy sẽ bị đào thải nhanh chóng. Dĩ nhiên, với một triều đình bao gồm vua và các quan đều sống nhân nghĩa, thì đức nhân nghĩa sẽ tràn lan khắp nước, cảm hoá được tất cả mọi người.

6. Mạnh Tử nói: “Điều lễ mà chẳng phải lễ, điều nghĩa mà chẳng phải nghĩa, bậc đại nhân không làm.”

BÌNH GIẢI:

Khổng Tử viết trong Kinh Dịch: “Gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hoà nghĩa: gom góp mọi điều tốt đẹp đủ để cho hợp với lễ, làm lợi ích cho mọi vật đủ để điều hoà điều nghĩa.” (Quẻ Càn, Văn ngôn).

Lễ là khuôn phép, mẫu mực, nghi thức cần thiết tạo thành các thuần phong mỹ tục để tiết chế, điều hoà tình cảm, cử chỉ, hành vi con người. Tinh thần của lễ là sự tốt đẹp hoà ái; nếu thi hành điều lễ mà chỉ chú trọng hình thức, không tiềm tàng tinh thần lễ thì chẳng phải lễ đích thực.

Nghĩa là cách cư xử đem lợi ích cho người. Nếu thi hành điều nghĩa mà làm cho người phiền lòng, thì chẳng phải nghĩa đích thực. Lễ nghĩa không phát huy được sự tốt đẹp, không khiến cho người được thỏa lòng, thì đó chỉ là lễ nghĩa giả dối. Bậc đại nhân là những người tiến bước trong đạo quân tử, hiền thánh, không bao giờ làm những điều lễ nghĩa giả dối như vậy.

7. Mạnh Tử nói: “Người trung dạy dỗ kẻ bất trung, người tài dạy dỗ kẻ bất tài; cho nên người ta vui vẻ mà có cha anh hiền. Nếu như người trung bỏ kẻ bất trung, người tài bỏ kẻ bất tài, thì sự xa cách nhau giữa người hiền kẻ ngu chỉ là khoảng cách không bằng một tấc!”

BÌNH GIẢI:

Trung là không thiên lệch khỏi đạo Trời. Người trung sống trong chính đạo, cho nên có nhiều đức hạnh tốt. Tài là khả năng thực hiện được những công việc khó. Người tài có thể điều khiển guồng máy cai trị và có thể đảm đương các ngành chuyên môn.

Người ta chẳng có ai không được dạy dỗ, huấn luyện mà trở thành người trung, người tài. Vì vậy, người trung có bổn phận dạy dỗ kẻ bất trung, người tài có bổn phận dạy dỗ kẻ bất tài. Người vừa có đức trung vừa có tài năng được gọi là người hiền. Trong gia đình, cha anh là bậc hiền thì có bổn phận dạy dỗ con em trở nên có đức, có tài như mình. Cha anh có thi hành bổn phận dạy dỗ, con em mới vui mừng tự hào có cha anh hiền và tỏ lòng tôn kính, quý mến.

Nếu như người trung, người tài từ bỏ kể bất trung, bất tài, không thi hành bổn phận dạy dỗ họ, sao có thể xứng danh bậc hiền? Bậc hiền mà không biết thương người, không dạy dỗ nâng đỡ kẻ kém hơn mình thì có khác gì kẻ dốt nát, hư hỏng đâu; nếu có xa cách nhau thì khoảng cách đó không bằng một tấc. Bậc hiền mà không được con em tôn kính, quý mến thì cũng đồng hàng với con em dốt nát mà thôi!

8. Mạnh Tử nói: “Người ta phải biết có những điều không được làm, rồi sau mới biết có những điều được làm.”

BÌNH GIẢI:

Những điều không được làm là những điều xấu (ác), có hại cho bản thân mình và cho người. Dĩ nhiên người ta phải học cho biết những điều xấu gây ra hậu quả gần và hậu quả xa như thế nào; hoặc phải biết những điều xấu nào có hại cho thể chất, những điều nào có hại cho tinh thần. Có những điều tưởng chừng vô hại nhất thời nhưng lại tiềm tàng điều hại mai sau. Ví dụ: việc uống nhiều rượu có thể gây hại (hậu quả gần) cho gan (thể chất), lại có thể làm rối loạn thần kinh (tinh thần) và còn di hại cho con cháu mai sau (hậu quả xa)…

Biết những điều không được làm, rồi sau người ta cần phải biết những điều được làm. Những điều được làm là những điều tốt (thiện), có ích cho mình và cho người. Người ta cũng cần học cho biết những điều gì có lợi cho thể chất, điều gì có lợi cho tinh thần, điều nào có lợi cho cả ta lẫn người, điều nào đáng làm trước, điều nào đáng làm sau…

Để trở nên bậc quân tử, người ta cần học cả đời, bởi vì có rất nhiều điều đáng học; học cho mình biết sống tốt và sau đó dạy lại cho người.

9. Mạnh Tử nói: “Nói về những điều không tốt của người, sẽ nhận lấy tai vạ về sau biết dường nào?”

BÌNH GIẢI:

Khi ta nói về những điều không tốt của người, ta sẽ trở thành đối thủ của người; dĩ nhiên người sẽ nói xấu lại ta hoặc tìm cách hại ta. Vì thế, vạ miệng là điều cần phải đề cao cảnh giác.

10. Mạnh Tử nói: “Thầy Trọng Ni không làm gì thái quá.”

BÌNH GIẢI:

Thái quá là tình trạng vượt qua lẽ thường. Vượt qua lẽ thường thì không hợp với qui luật tự nhiên, không hợp đạo Trời, và trái với tâm lý con người, khiến cho người đời khó lòng hiểu được, theo được. Vả lại, thái quá sẽ có hại. Nắng thái quá, mưa thái quá có hại cho mùa màng. Chạy thái quá khiến người ta kiệt sức, nằm thái quá khiến người ta yếu đuối, ăn thái quá khiến người ta bội thực, bệnh hoạn…

Đức Khổng Tử là bậc quân tử. Ngài luôn làm gương mẫu cho các đệ tử, nên luôn sinh hoạt chừng mực, không làm điều gì thái quá.

11. Mạnh Tử nói: “Bậc đại nhân, lời nói không nhất thiết phải giữ niềm tin, hành động không nhất thiết phải quả quyết; chỉ chú trọng vào điều nghĩa thôi.”

BÌNH GIẢI:

Đại nhân là người đã tiến xa trên đạo quân tử. Đối với kẻ tiểu nhân mới bắt đầu học đạo, thì được dạy phải giữ niềm tin trong giao thiệp, phải có tính quả quyết trong hành động; thấy điều gì đáng làm phải làm ngay.

Khi đã tiến xa trên đạo quân tử, người ta cần phải biết linh động quyền biến tùy cảnh, tùy thời cho hợp điều nghĩa. Điều nghĩa là điều tốt đẹp cho tha nhân. Điều nghĩa lại luôn luôn đi với thời, tạo nên thời nghĩa. Thời mà qua đi thì nghĩa cũng mất theo. Do đó để đáp ứng với thời nghĩa, đôi khi người ta cần phải bỏ qua điều tín và sự quả quyết. Lúc nào cũng khăng khăng giữ cho được điều tín và quả quyết làm cho được điều đã dự định mà bỏ qua thời nghĩa; đó là người cố chấp. Cố chấp có thể hại nghĩa. Bỏ qua điều tín nhỏ để đạt điều nghĩa lớn; không quả quyết hành động theo dự định để duy trì điều nghĩa lớn; như thế mới xứng đáng là bậc đại nhân thức thời.

12. Mạnh Tử nói: “Bậc đại nhân là người không đánh mất cái tâm trẻ thơ của mình.”

BÌNH GIẢI:

“Tâm trẻ thơ” theo quan niệm của Mạnh Tử chính là thiên mệnh trong sách Trung dung, là minh đức trong sách Đại học. Đó là “tính bản nhiên” được Trời phú bẩm cho con người khi mới thành thai. Công giáo gọi là “linh hồn”. Ấn giáo gọi là “tự ngã” (atman). Là người, ai cũng có thực thể đó. Tuy nhiên, kẻ tiểu nhân thì đánh mất, bậc đại nhân thì giữ được hay tìm lại được. Công phu tu tập của con người là tìm lại được cái “tâm trẻ thơ” đã bị đánh mất vì dục vọng, danh lợi.

13. Mạnh Tử nói: “Nuôi sống chưa đủ thành được việc lớn; phải tiễn đưa khi chết nữa, mới thành được việc lớn.”

BÌNH GIẢI:

Ở đây, việc lớn (đại sự) là đạo hiếu đối với cha mẹ. Ngày xưa, khi Chu Công chưa quy định lễ an táng trọng hậu cho cha mẹ, người ta chỉ cho cha mẹ ăn uống khi còn sống, còn lúc chết rồi thì chôn cất sơ sài cho xong việc. Làm như vậy, con cháu không bày tỏ được sự thương nhớ kính mến đối với cha mẹ, ông bà. Sự thương nhớ kính mến đối với những người đã khuất không được vun đắp, thì tình cảm giữa những người còn sống với nhau cũng lạt lẽo. Muốn cho tình người được đằm thắm vượt thời gian, đạo hiếu phải bao gồm cả việc nuôi nấng chu đáo cha mẹ khi còn sống và việc an táng tử tế cha mẹ khi đã chết. Thực hiện được cả hai việc đó mới gọi được là đảm đương đại sự (đạo hiếu) trong đời.

Vì người ta đã không hiểu hết ý câu nói của Mạnh Tử; cho nên mới có chuyện chẳng buồn nuôi nấng cha mẹ khi còn sống, nhưng lại tổ chức lễ an táng thật to để được tiếng là có hiếu!

14. Mạnh Tử nói: “Người quân tử đi sâu vào cõi đạo, muốn tự mình đạt được đạo. Tự mình đạt được đạo sẽ sống an vui. Sống an vui, sẽ có vốn liếng sâu sắc. Có vốn liếng sâu sắc sẽ lấy được ở bên trái bên phải của mình mà gặp được cội nguồn. Cho nên người quân tử muốn tự mình đạt được đạo.”

BÌNH GIẢI:

Quân tử là người đang tiến bước trên con đường chân chính, khởi đầu từ tiểu nhân lên bậc hiền nhân và thánh nhân. Tiến lên bậc hiền, bậc thánh tức là người quân tử đang đi sâu vào cõi đạo. Bao giờ nên thánh ấy là đạt được đạo, tức là nắm được chân lý diệu huyền, hay là chân lý diệu huyền bừng sáng nơi mình, hiện hữu nơi mình. Như vậy, tự mình đạt được đạo, thấy chân lý diệu huyền hiện hữu nơi mình, con người sẽ sống an vui. Sống an vui, con người sẽ không còn vong thân, nhưng tự nhận ra nơi mình có một vốn liếng sâu sắc dồi dào.

Người nào đã có vốn liếng sâu sắc dồi dào ấy là có nền tảng chân lý ở mình; người ấy thoát khỏi tình trạng phóng ngoại, tha hoá (táng vu vật: chôn vùi trong vật); trái lại, người ấy sẽ biết gặt hái quanh mình (bên trái, bên phải) những phương tiện thuộc về thế giới hiện tượng để dùng làm hành trang cho mình, giúp mình đi hết đường đời, hoàn thành sứ mệnh mà gặp được cội nguồn chân lý (phùng kỳ nguyên) ở chung cuộc. Vì thế, người quân tử muốn tự mình đạt được đạo, đích thân tiếp cận Chân lý tối cao.

15. Mạnh Tử nói: “Học rộng mà giải bày rõ ràng; rồi mới trở lại giải bày những điều trọng yếu.”

BÌNH GIẢI:

Câu trên nói về phương pháp học và phương pháp giảng dạy những điều đã học. Trước hết, người ta phải học cho rộng để thu gom các kiến thức; sau đó các kiến thức ấy phải được giải thích và hệ thống hoá cho rõ ràng. Thế rồi, trong việc giảng dạy cho người khác, người dạy phải biết rút ra những điều trọng yếu để truyền đạt, người nghe mới có thể hiểu và nhớ được.

16. Mạnh Tử nói: “Đem điều thiện chinh phục người thì chưa thể chinh phục người được. Đem điều thiện dưỡng dục người, rồi sau mới có thể chinh phục thiên hạ. Thiên hạ không tâm phục mà nên thịnh vượng, chưa hề có vậy.”

BÌNH GIẢI:

Nhà cầm quyền nếu chỉ nêu điều thiện của mình ra mà mong rằng dân chúng phải tùng phục mình; điều đó chưa được. Cần phải đem điều thiện giáo dưỡng dân chúng, khiến cho người ta quen sống trong điều thiện, bấy giờ thiên hạ mới tùng phục mình. Khi cả thiên hạ đều khâm phục nhà cầm quyền tận đáy lòng, nhà cầm quyền xướng xuất điều gì, dân chúng nghe ngay, thì đất nước mới hưng vượng được.

17. Mạnh Tử nói: “Lời nói không thật là điều chẳng lành. Cái thật của điều chẳng lành là che lấp lời nói ngay thẳng của bậc tài đức.”

BÌNH GIẢI:

Lời nói không thật là lời nói dối, lời nói xấu. Nói dối, nói xấu hẳn là điều chẳng lành, ắt sẽ gây hậu quả tai hại. Tuy nhiên, điều tai hại nhất (cái thật của điều chẳng lành) là che lấp mất lời nói ngay thẳng của bậc tài đức. “Đương” nghĩa là nhận; bậc tài đức (hiền giả) chỉ nhận lời nói ngay thẳng, chứ không bao giờ nói không thật. Chỉ có lời nói ngay thẳng mới xây dựng được quốc gia. Nay lời nói không thật của bọn gian nịnh đã che lấp lời nói ngay thẳng của người tài đức, thì quốc gia không thể phát triển tốt đẹp được.

18. Từ Tử nói: “Thầy Trọng Ni luôn luôn đề cao nước rằng: ‘Nước thay! Nước thay!’ Lấy gì ở nước vậy?”

Mạnh Tử nói: “Suối nguồn cuồn cuộn, không nghỉ ngày đêm, đầy các hầm hố rồi sau tiến lên, phóng ra bốn biển. Có cội nguồn mới như vậy. Đó là lấy cái ý ấy. Ví bằng chẳng có cội nguồn, vào khoảng tháng bảy,tháng tám, mưa xong, ngòi rãnh đầy cả. Chỉ cần đứng đợi rồi nước cạn hết. Cho nên danh tiếng vượt quá sự thực, người quân tử lấy làm xấu hổ.”

BÌNH GIẢI:

Sở dĩ Khổng Tử ca ngợi nước vì nước có cội nguồn, chảy liên miên bất tận. Vì có cội nguồn cung cấp thường xuyên, nước sông, nước suối chảy cuồn cuộn không ngừng nghỉ đêm ngày, phóng ra bốn biển mà chẳng cạn. Còn như nước mưa vào dịp tháng bảy, tháng tám mỗi năm, tuy gây ra ngập lụt lênh láng nhưng chẳng bao lâu cũng rút hết. Lý do là nước mưa không có cội nguồn như nước sông, nước suối.

Con người cũng vậy. Nếu chịu khó học hành tu tập lâu ngày trau giồi tài đức, người ta mới có một nguồn tài đức dồi dào để giúp dân, giúp nước không cạn. Nếu không có nguồn tài đức, mà được danh tiếng một thời, cái danh tiếng ấy chỉ là hư danh mà không có tình thực; chẳng bao lâu, hư danh tan đi, sự bất tài vô đức mới lộ ra. Trước tình cảnh ấy, người quân tử lấy làm xấu hổ. Vì vậy, người quân tử luôn luôn tu tập để có tài đức đích thực.

19. Mạnh Tử nói: “Con người sở dĩ khác với cầm thú, hầu như là ít. Người thường bỏ mất, người quân tử giữ gìn. Vua Thuấn làm sáng tỏ mọi sự vật, xét rõ về luân lý làm người, thi hành nhân nghĩa một cách an vui, chẳng phải miễn cưỡng thi hành nhân nghĩa.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử cho rằng con người khác với cầm thú chỉ ít thôi. Cái điều khác nhau đó là nhân nghĩa. Một cách vắn gọn, nhân nghĩa là coi trọng phẩm giá người khác, cư xử với người khác tốt đẹp như cư xử với chính mình. Người thường thì bỏ mất nhân nghĩa, người quân tử thì giữ gìn nhân nghĩa. Người bỏ mất nhân nghĩa không khác gì cầm thú.

Ông nêu ra một tấm gương: vua Thuấn làm sáng tỏ mọi việc, mọi vật, xét rõ về luân lý làm người, cư xử với mọi người theo đức nhân, đức nghĩa. Ông thi hành nhân nghĩa một cách an nhiên, bởi vì ông biết nhân nghĩa gắn liền với tính phận con người; ông không phải gắng gượng, miễn cưỡng làm việc nhân nghĩa. Miễn cưỡng làm việc nhân nghĩa tức là coi nhân nghĩa ở ngoài tính phận con người.

20. Mạnh Tử nói: “Vua Vũ (Hạ) ghét rượu ngon mà ưa thích lời nói phải. Vua Thang nắm giữ mực trung, đặt người tài đức không kể địa phương. Vua Văn Vương xem dân như người bị thương, hướng về đạo lý coi như chưa được thấy. Vua Vũ Vương không khinh dễ người gần, không bỏ quên kẻ xa.

“Ông Chu Công nghĩ ngợi gồm thu cả ba đời vua, thi hành cả bốn công việc của các vua ấy. Có điều gì không phù hợp, thì ngửa mặt lên mà suy nghĩ, đêm kế tiếp ngày. May mắn mà đạt được thì ngồi chờ cho đến sáng.”

BÌNH GIẢI:

Tương truyền rằng vua Vũ nhà Hạ nếm rượu ngon của Nghi Địch mà sợ có ngày vì rượu mất nước; nên xa lánh, ghét bỏ rượu ngon. Ông chỉ thích nghe lời nói phải. Vua Thành Thang nhà Thương thì luôn tránh hai đầu mối cực đoan thái quá và bất cập, chỉ nắm giữ mực trung trong chính sách cai trị. Ông cắt đặt người tài đức trong chức vụ lãnh đạo mà không xét tới địa phương, gia thế, gốc tích. Chu Văn Vương hết lòng thương dân, xem dân như kẻ bị thương cần được săn sóc, cho nên hằng lo lắng cho dân được ấm no, yên ổn. Ông luôn luôn hướng về đạo lý, quý trọng đạo lý như chưa được thấy bao giờ. Chu Vũ Vương thì chu đáo chiếu cố tới cả người gần lẫn kẻ xa, không bỏ sót, khinh dễ ai.

Ông Chu Công, em ruột của Vũ Vương mới là một nhà chính trị gương mẫu lỗi lạc. Ông nghĩ ngợi để tổng hợp tất cả những cái hay trong phép cai trị của ba triều đại: Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương và đem ra thực hành những công việc trong chính sách của bốn vị vua ấy. Tuy nhiên ông lại cân nhắc, thấy điều gì không còn hợp thời thì ra công suy nghĩ, rút ưu khuyết điểm, chỉnh sửa các đường lối cai trị cũ, chẳng quản ngại nhọc mệt đêm ngày. Khi may mắn đạt được phương thức hành động thích hợp, ông quên cả ngủ, ngồi chờ cho tới sáng để đem ra thi hành.

21. Mạnh Tử nói: “Dấu vết của các bậc vương đã bặt, mà những bài ca dao cổ đã mất. Những bài ca dao cổ mất đi, sau đó sách Xuân Thu được viết ra. Sách Thặng của nước Tấn, sách Đào Ngột của nước Sở, sách Xuân Thu của nước Lỗ là một loại. Những việc trong đó (Xuân Thu) nói về Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công. Lời văn của sách ấy là lối văn sử. Khổng Tử nói: ‘Ý nghĩa của sách ấy, thì Khâu này lấy theo ý riêng.’”

BÌNH GIẢI:

Vào khoảng năm 770 trước Công Nguyên, vua Chu Bình Vương, vì tránh người Tây Khương quấy phá, phải dời đô sang Lạc Ấp ở miền Đông, thì nhà Chu suy. Những cách cai trị nhân chính của Văn Vương, Vũ Vương không còn được áp dụng; do đó, dấu vết của các bậc vương đã dứt bặt. Trong dân gian, những bài ca dao cổ (Thi) nói về đạo lý cũng bị lãng quên (vong).

Những bài ca dao cổ ấy trước kia có tới 3000 bài. Sau này, Khổng Tử sao chép, tuyển chọn được trên 300 bài, tạo thành Kinh Thi, đem giảng dạy cho các đệ tử. Bởi vì những bài ca dao cổ bị mất, mất luôn những lời răn dạy đạo lý, cho nên Khổng Tử mới viết Kinh Xuân Thu để lập lại giềng mối đạo lý trong xã hội. Xuân Thu (mùa xuân và mùa thu) là mùa gieo và mùa gặt, chỉ sinh hoạt của con người trong đời. Tương tự như thế, nước Tấn có sách Thặng. Sách Thặng như một cỗ xe chuyên chở những chuyện tích từ đời nọ sang đời kia. Nước Sở có sách Đào Ngột. Sách Đào Ngột kể về sự bạo tàn, tai ngược (như giống ác thú) của các vua đời trước. Cả hai sách ấy cùng với Kinh Xuân Thu của nước Lỗ đều là một loại như nhau, nói về những sự việc trong các triều đại xưa.

Kinh Xuân Thu nói về những việc cai trị của các vua trong một giai đoạn lịch sử Trung Hoa cổ dài gần 300 năm (từ đời Lỗ Ẩn Công đến đời Lỗ Ai Công); trong đó có chép những việc cai trị của hai vị bá chủ đáng lưu ý là: Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công. Văn của Kinh Xuân Thu là lối văn viết sử biên niên, diễn tiến theo thứ tự thời gian từng năm. Còn về ý nghĩa, Khổng Tử đã đem quan điểm đạo lý của riêng mình để chọn lựa và phê phán các sự kiện diễn ra trong thời đại ấy (thiết thủ). Sự phê phán, khen chê, được đặt kín đáo trong từng chữ đặc biệt. Ví dụ: Thiên tử chết được dùng chữ “băng”; vua chư hầu chết được dùng chữ “hoăng”; vua cướp ngôi, tiếm vị chết thì chép là “tồ”; quan liêm chính chết được chép là “tốt”; quan gian nịnh chết thì chép là “tử”.

Do đó, Khổng Tử đã từng nói: “Tri ngã giả, kỳ duy Xuân Thu hồ? Tội ngã giả, kỳ duy Xuân Thu hồ? (Biết ta, chỉ riêng bởi kinh Xuân Thu chăng? Kết tội ta, chỉ riêng bởi kinh Xuân Thu chăng?)

22. Mạnh Tử nói: “Ân đức của bậc quân tử, năm đời mới dứt; ân đức của người thường, năm đời mới dứt.

“Ta chưa được làm môn đồ của Khổng Tử; riêng ta được tốt lành nhờ vào các vị khác.”

BÌNH GIẢI:

Ở đây, “quân tử” chỉ nhà cầm quyền có tài đức; “tiểu nhân” chỉ người có tài đức nhưng không ở địa vị cầm quyền. Mạnh Tử cho rằng ân đức của hai loại người trên đều gây ảnh hưởng tới năm đời, tức năm thế hệ.

Trong vòng ảnh hưởng của ân đức năm đời, Mạnh Tử xác nhận rằng riêng ông cũng được hưởng sự tốt lành do các vị tiền bối truyền lại, mặc dù ông chưa được làm môn đồ của Khổng Tử. Ân đức của Khổng Tử đã thấm nhuần tới ông qua các vị tiền bối là: Tăng Tử, Tử Tư (Khổng Cấp) và môn đồ của Tử Tư. Như thế, đạo lý của Khổng Tử truyền tới Mạnh Tử mới là bốn đời.

23. Mạnh Tử nói: “Có thể lấy, có thể không lấy, lấy thì hại đến đức liêm chính. Có thể cho, có thể không cho, cho thì hại đến đức ban ơn. Có thể chết, có thể không chết, chết thì hại đến đức mạnh mẽ.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử nêu ra ba trường hợp có thể xảy đến cho người học đạo quân tử.

Trường hợp thứ nhất: Giả như có ai cho ta cái gì. Ban đầu ta định lấy, sau đó suy nghĩ lại, ta thấy không nên lấy. Nếu vì tham lam ta lấy cái đó; như thế việc lấy này làm hại đến đức liêm chính. Liêm chính là tính trong sạch, ngay thẳng. Đức liêm chính cần thiết cho người làm quan.

Trường hợp thứ hai: Giả như ta định cho ai cái gì. Ban đầu ta định cho; sau đó, suy nghĩ lại, người ấy không đáng cho. Đem cho sẽ khiến người ấy thêm biếng lười, ỷ lại, không chịu phấn đấu. Nghĩ vậy, nhưng rồi ta lại đem cho. Như vậy, việc cho này làm hại đến đức ban ơn. Ban ơn là một đức tính tốt, nhưng chỉ nên ban ơn cho những người nghèo khó, thiếu thốn, cho những người lập được công trạng với quốc gia. Lạm dụng sự ban ơn thì hao tốn và làm hư hỏng người được ban.

Trường hợp thứ ba: Giả như ta gặp một cơn nguy biến. Ban đầu ta định liều thân chết vì ai đó hay vì điều gì đó; nhưng rồi, kịp nghĩ lại, ai đó không đáng cho ta hy sinh, điều gì đó không phải lý tưởng cần được bảo vệ; vì thế không nên chết. Tuy thế, sau đó ta lại liều thân chịu chết. Như thế, sự chết này làm hại đến đức mạnh mẽ. Đức mạnh mẽ đích thực chỉ chấp nhận chết để bảo vệ lý tưởng cao cả. Còn liều thân bỏ phí sự sống là cái dũng mãnh bồng bột vô ích của kẻ thất phu.

24. Bàng Mông học bắn cung với Nghệ, học hết kỹ thuật của Nghệ. Nghĩ rằng trong thiên hạ chỉ có Nghệ hơn mình; thế là giết Nghệ.

Mạnh Tử nói: “Đó là Nghệ cũng có tội.” Công Minh Nghi nói: “Xem ra vô tội.”

Mạnh Tử nói: “Nhẹ hơn mà thôi. Vô tội sao được!

“Người nước Trịnh khiến Tử Trạc Nhụ Tử xâm lấn nước Vệ. Nước Vệ khiến Dữu Công Chi Tư ra đuổi. Tử Trạc Nhụ Tử nói: ‘Hôm nay, ta mắc bệnh, không thể cầm cung được; ta chết mất thôi.’ Bèn hỏi kẻ cầm cương rằng: ‘Đuổi ta là ai vậy?’ Kẻ cầm cương nói: ‘Dữu Công Chi Tư đó.’ Tử Trạc nói: ‘Ta sống rồi.’ Kẻ cầm cương nói: ‘Dữu Công Chi Tư là tay bắn giỏi của nước Vệ. Ngài nói: Ta sống rồi là nghĩa làm sao?’ Đáp: ‘Dữu Công Chi Tư học bắn cung với Doãn Công Chi Tha. Doãn Công Chi Tha học bắn cung với ta. Này, Doãn Công Chi Tha là người ngay thẳng. Ông ấy kén bạn ắt ngay thẳng vậy.’

“Dữu Công Chi Tư tới, nói: ‘Ngài sao chẳng cầm cung?’ “Đáp: ‘Hôm nay ta mắc bệnh, không thể cầm cung được.’

“Dữu Công nói: ‘Kẻ hèn này học bắn cung với Doãn Công Chi Tha. Doãn Công Chi Tha học bắn cung với ngài. Tôi không nỡ lấy kỹ thuật của ngài mà hại trở lại ngài. Tuy nhiên, việc hôm nay là việc của vua. Tôi không dám bỏ.’

“Bèn rút tên ra, gõ vào bánh xe, bỏ mũi kim khí, bắn bốn mũi tên, rồi quay ra sau.”

BÌNH GIẢI:

Nghệ tức là Hậu Nghệ, vua nước Hữu Cùng, một chư hầu của nhà Hạ, vào khoảng thế kỷ thứ 23 trước Công nguyên. Tương truyền, Hậu Nghệ là nhân vật thiện xạ đệ nhất thời Thượng Cổ ở Trung Hoa, đã truyền kỹ thuật bắn cung cho Bàng Mông. Bàng Mông muốn trở nên vô địch thiên hạ, cho nên đã giết Hậu Nghệ.

Bàn về chuyện này, Mạnh Tử cho rằng Hậu Nghệ cũng có tội; tuy tội Hậu Nghệ nhẹ hơn tội của Bàng Mông. Tội của Bàng Mông là tội bất nhân bất nghĩa, phản thầy. Còn tội của Hậu Nghệ là tội không đoan chính. Vì sống không đoan chính cho nên Hậu Nghệ đã không tìm người đoan chính để truyền dạy thuật bắn cung. Tục ngữ gọi là: “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà.

Để minh chứng cho Công Minh Nghi về luận điểm của mình, Mạnh Tử nêu ra trường hợp của Tử Trạc Nhụ Tử trong thời Xuân Thu.

Tử Trạc Nhụ Tử dạy thuật bắn cung cho Doãn Công Chi Tha. Doãn Công Chi Tha là người đoan chính; do đó biết chọn đệ tử đoan chính là Dữu Công Chi Tư mà truyền thuật bắn cung.

Trên chiến trường tại nước Vệ, Tử Trạc Nhụ Tử gặp Dữu Công Chi Tư là kẻ đối đầu với mình. Dữu Công Chi Tư là người đoan chính, cho nên đã không nỡ bắn chết Tử Trạc Nhụ Tử trong lúc ông này mắc bệnh, không thể sử dụng cung tên được. Mặc dầu Tử Trạc Nhụ Tử không phải là thầy của Dữu Công Chi Tư, nhưng ông này vẫn nhớ cái ơn dạy dỗ của Tử Trạc Nhụ Tử gián tiếp truyền đến mình. Do đó, Dữu Công Chi Tư chỉ dùng tên không mũi nhọn để bắn tượng trưng vào xe của Tử Trạc Nhụ Tử mà thôi. Vì mệnh lệnh vua nước Vệ mà Dữu Công Chi Tư phải bắn tên; vì nhớ mình là đồ tôn của Tử Trạc Nhụ Tử mà Dữu Công Chi Tư tha chết cho Tử Trạc Nhụ Tử. Đó là cách xử lý vừa trọn tình vẹn nghĩa, vừa thi hành bổn phận của người quân tử đoan chính.

Kết cuộc, nước Vệ không bị xâm lấn, nước Trịnh rút quân về; hai nước gạt được oán thù và giữ được hoà khí vậy.

25.  Mạnh Tử nói: “Nàng Tây tử tối tăm nhơ nhuốc thì người ta đều bịt mũi mà đi qua.

“Tuy nhiên có kẻ [dung mạo] xấu xí mà giữ giới chay tịnh, tắm gội, thì vẫn tế cúng Thượng Đế được.”

BÌNH GIẢI:

Tây tử tức là nàng Tây Thi, người đẹp nhất nước Việt ở thôn Trữ La vào thời Xuân Thu. Bấy giờ, nước Việt bị nước Ngô đánh bại, vua Việt là Câu Tiễn và Tể tướng Phạm Lãi phải dùng mỹ nhân kế, dâng Tây Thi cho vua Ngô Phù Sai. Ngô Phù Sai xây Cô Tô đài cho người đẹp ở và say mê nàng, bỏ bê việc triều chính. Sau khi nước Ngô bị phá, tương truyền Tây Thi được Phạm Lãi đón đi ngao du Ngũ hồ. Vì vậy, hậu thế đã chê Tây Thi là người tối tăm nhơ nhuốc.

Mạnh Tử là nhà đạo đức nên cũng không chấp nhận chuyện đó; và cho rằng người xấu xí mà giữ tâm hồn thanh khiết, thân thể trong sạch vẫn có giá trị hơn người đẹp, bởi vì người ấy có thể được Thượng Đế chấp nhận trong chức năng tế tự.

26. Mạnh Tử nói: “Thiên hạ nói về tính, ấy là nói về bản năng vốn có mà thôi. Cái bản năng vốn có lấy lợi làm gốc. Chỗ đáng ghét của kẻ trí là sự xuyên tạc của họ. Kẻ trí nếu như giống vua Vũ khai thông nước chảy, thì đâu có ai ghét kẻ trí. Vua Vũ khai thông nước chảy đã tiến hành một cách tự nhiên (vô sự). Giả như kẻ trí cũng tiến hành công việc một cách tự nhiên, thì điều trí của họ thật lớn lao.

“Bầu trời cao cả, các vì sao xa xôi, ví bằng đi tìm nguyên cớ của trời sao, thì cái ngày đông chí của một ngàn năm có thể ngồi mà thấu đáo được.”

BÌNH GIẢI:

Theo sách Trung dung, tính là Thiên mệnh; đó là thực thể tinh tuyền tiên thiên của Trời trao cho con người trong buổi ban sơ. Tính ấy vốn tốt lành. Tuy nhiên, cái tính mà thiên hạ hay nói tới, ở đây Mạnh Tử gọi là “cố”, lại là tính hậu thiên; đó là bản năng động vật vốn có của con người trong trần gian. Cái bản năng vốn có ấy theo thời gian đã bị mù quáng vì điều lợi, và lấy lợi làm gốc. Kẻ trí là người khôn ngoan xảo quyệt bị chi phối bởi điều lợi cho nên phát triển mạnh cái tính hậu thiên hám lợi đó. Vì vậy, họ có thể xuyên tạc sự thật, có thể nói những điều không hợp nghĩa lý, nói những lời ngụy biện cốt để thủ lợi. Đó là chỗ đáng ghét của kẻ trí.

Nếu như kẻ trí biết bắt chước ông Vũ ngày xưa khi khai thông cho nước chảy thì hay biết mấy; ai có thể ghét sự trí xảo của họ được? Ông Vũ khi còn làm quan dưới triều vua Thuấn, đã được cử đi trị thủy, khai kênh, mở rạch để cho dân có đất cày cấy, có đường để đi, tránh nạn sình lầy, ngập lụt. Ông Vũ đã thuận theo qui luật tự nhiên của nước, xoi đất cho nước chảy từ cao xuống thấp, dẫn nước chỗ sình vào vùng khô cạn, hay đưa nước ra sông, ra biển. Công việc của ông Vũ thuận theo qui luật tự nhiên cho nên không phải tốn công sức nhiều; ngài không vẽ việc (vô sự), do đó không phí sức của dân chúng. Giả như kẻ trí cũng tiến hành công việc một cách tự nhiên như vậy, không cưỡng ép, không gò bó, không dối trá, không cản trở để cầu lợi riêng, thì điều trí của họ sẽ đưa tới thành quả lớn lao biết bao cho xã hội. Chẳng những vận dụng điều trí theo qui luật tự nhiên có thể xây dựng nước nhà, có thể tạo nên phúc lợi cho toàn dân, mà còn có thể vận dụng sự khôn ngoan ấy để tìm hiểu qui luật huyền vi của vũ trụ.

Kìa bầu trời kia cao rộng biết bao, các vì sao xa xôi biết bao! Tuy nhiên cả cái vũ trụ bao la ấy đều tuân theo qui luật vận hành tự nhiên của Thượng Đế. Nếu kẻ trí biết suy tư và sống trong qui luật tự nhiên thì có thể ngồi ngay tại nhà mình mà thấu đáo được diễn tiến tuần tiết của thời gian, tiêu biểu bằng ngày đông chí vào mỗi năm. Đông chí (ngày ngắn nhất, đêm dài nhất) là ngày cuối của thời âm khí cực thịnh bước sang ngày của thời dương khí bắt đầu phát triển. Đã biết được qui luật của một năm, người ta có thể biết được qui luật chung của cả nghìn năm trong vũ trụ.

27. Công Hàng Tử có đám tang con. Quan Hữu sư đến viếng tang. Bước vào cửa, có một số quan tiến tới nói chuyện với quan Hữu sư. Có những vị quan đến chỗ quan Hữu sư ngồi và nói chuyện với ông. Mạnh Tử chẳng nói gì với quan Hữu sư cả.

Quan Hữu sư không vui, nói: “Các vị quân tử đều nói chuyện với Hoan này. Một mình Mạnh Tử chẳng nói với Hoan. Đó là coi nhẹ Hoan này vậy.”

Mạnh Tử nghe vậy, nói rằng: “Theo lễ, chốn triều đình, không được vượt qua chỗ của mình mà nói chuyện cùng người; không được vượt thứ bậc mà đến vái chào người. Tôi muốn thi hành theo lễ, Tử Ngao lại cho rằng tôi coi nhẹ, cũng chẳng lạ hay sao?”

BÌNH GIẢI:

Công Hàng Tử là quan đại phu nước Tề. Hữu sư là chức quan khanh vào hàng thượng phẩm. Trong chuyện này, quan Hữu sư đến viếng tang là quan lớn Vương Hoan (Tử Ngao). Thấy có quan lớn đến, các quan khác đua nhau ra chào hỏi, biểu lộ sự trọng kính. Chỉ riêng Mạnh Tử ngồi yên tại chỗ mình, chẳng hỏi thăm, chuyện trò gì với Vương Hoan cả.

Sở dĩ Mạnh Tử có thái độ lạnh nhạt như vậy, vì ông biết Vương Hoan là hạng tiểu nhân, chẳng có tài đức gì, chỉ giỏi tâng bốc, nịnh hót vua mà được chức vị lớn. Mạnh Tử là khách khanh của vua Tề, tiện thì ở, không tiện thì đi nước khác, hay trở về cố hương, đâu cần lấy lòng ai! Mạnh Tử đã có thái độ này khi cùng đi với Vương Hoan trong phái bộ đến nước Đằng điếu tang.

Sự thực là như thế, nhưng thấy Vương Hoan trách móc mình, Mạnh Tử đã nói tránh đi để giữ phép lịch sự và hoà khí, lấy cớ là cần phải chấp hành nghi lễ của triều đình.

28.  Mạnh Tử nói: “Quân tử sở dĩ khác người ta là bảo tồn tâm hồn của mình. Quân tử lấy điều nhân điều lễ để bảo tồn tâm hồn. Người nhân thì yêu người; người có lễ thì kính trọng người. Yêu người thì người hằng yêu lại, kính người thì người hằng kính lại.

“Có người nào ở đây đối đãi với ta ngang ngược, thì làm người quân tử ắt phải xét lại mình. Ta chắc bất nhân, vô lễ, mà họ xử đến như thế chăng? Tự xét mình mà có nhân, xét mình mà có lễ; nhưng sự ngang ngược của họ vẫn còn đó, người quân tử ắt phải xét lại mình nữa, chắc ta chẳng hết lòng. Xét lại mà thấy hết lòng, sự ngang ngược của họ vẫn còn. Ta là người quân tử, sẽ nói rằng: ‘Kẻ ấy cũng là con người xằng bậy mà thôi. Người như thế cùng với cầm thú đâu có khác biệt? Đối với cầm thú, lại phải căn vặn hay sao?’

“Vậy nên, người quân tử có điều lo nghĩ suốt đời mà không phải sợ sệt một buổi nào. Giả như có điều phải lo nghĩ, mối lo nghĩ là: vua Thuấn là người, ta cũng là người. Vua Thuấn làm được khuôn phép cho thiên hạ, có thể truyền lại cho hậu thế. Còn ta thì chưa thoát khỏi thân phận kẻ quê mùa! Đó là điều đáng lo nghĩ vậy. Đã lo nghĩ, phải làm sao? Phải như vua Thuấn mà thôi. Còn như chỗ sợ của người quân tử thì không có. Chẳng phải điều nhân, không làm; chẳng phải điều lễ, không hành động. Như có nỗi lo sợ một buổi, người quân tử không phải sợ vậy.”

BÌNH GIẢI:

Ai cũng có tâm hồn cả; chỉ có điều khác nhau là: người quân tử biết bảo tồn tâm hồn, kẻ tiểu nhân để cho mất. Bảo tồn tâm hồn tức là giữ điều nhân, điều lễ. Đánh mất tâm hồn là bất nhân, là vô lễ. Bất nhân, vô lễ thì sánh ngang với cầm thú. Đối với kẻ sánh ngang với cầm thú, chỉ có cách tốt hơn hết là lánh xa, không có gì đáng phải đặt vấn đề nữa.

Tuy nhiên, trước khi đánh giá ai là người xằng bậy, sánh ngang với cầm thú, người quân tử phải tự xét mình trước, xét đi rồi xét lại. Xét kỹ xem mình có lỗi không, rồi mới có thể đánh giá người được. Vì thế cổ nhân nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” (Trước hãy hỏi lỗi mình, sau mới hỏi lỗi người).

Khi đã thấy mình không lỗi, người quân tử không còn sợ gì nữa. Chỉ có điều, người quân tử phải lo nghĩ suốt đời mà thôi: lo làm sao trở nên bậc chí thiện để có thể nêu gương mẫu cho đời, để có thể bắt chước vua Thuấn truyền bá đạo lý cho hậu thế bằng những hành vi tốt đẹp của mình.

29. Ông Vũ, ông Tắc đương ở thời bình, ba lần qua cửa nhà mà không vào. Khổng Tử khen là bậc hiền. Nhan Tử đương ở thời loạn, sống trong ngõ hẹp, một giỏ cơm, một bầu nước, người ta không chịu được nỗi lo buồn ấy, Nhan Tử thì không đổi niềm vui của mình. Khổng Tử khen là bậc hiền.

Mạnh Tử nói: “Ông Vũ, ông Tắc, ông Nhan Hồi cùng một đạo lý. Ông Vũ nghĩ rằng thiên hạ bị chìm đắm là do mình nhấn chìm. Ông Tắc nghĩ rằng thiên hạ chịu đói là do mình làm cho đói. Cho nên mới phải vội vàng như thế. Ông Vũ, ông Tắc, ông Nhan Tử mà đổi địa vị cho nhau, thì đều làm như thế.

“Nay có những người ở cùng nhà mà đánh nhau, kêu cứu; tuy phải vén tóc, buộc mũ mà cứu giúp thì nên làm. Còn hàng xóm mà có đánh nhau, vén tóc, buộc mũ mà đi cứu thì hồ đồ vậy. Dù đóng cửa, cũng nên.”

BÌNH GIẢI:

Ông Vũ, ông Tắc là hai quan đại thần dưới triều vua Thuấn. Sau khi nắm quyền cai trị thay vua Nghiêu, vua Thuấn cử ông Vũ lo việc trị thủy, cử ông Tắc phụ trách việc canh nông. Cả hai ông đều tận tụy vì dân vì nước, cho nên ba lần đi qua cửa nhà mình mà không vào thăm vợ con. Khổng Tử đã từng khen ông Vũ và ông Tắc là hai bậc hiền.

Ở thời Xuân Thu, môn đệ Khổng Tử là Nhan Hồi, thờ ơ với việc chính trị nước non, vui vẻ trong cảnh nghèo tại ngõ hẹp. Ông cũng được Khổng Tử khen là bậc hiền.

Ông Vũ, ông Tắc và ông Nhan Hồi có hai lối hành xử khác nhau. Ông Vũ, ông Tắc thì chăm chỉ hoạt động; ông Nhan Hồi thì nhàn nhã thảnh thơi. Tuy hai lối hành xử đó trái ngược nhau nhưng cùng chung một đạo lý.

Theo Mạnh Tử, giả như Nhan Hồi sống vào thời thái bình, được vua trọng dụng thì ông cũng hành xử như ông Vũ, ông Tắc; giả như ông Vũ, ông Tắc sống vào thời Xuân Thu đại loạn, chẳng được vua chúa ngó ngàng tới, hẳn hai ông sẽ hành xử như ông Nhan Hồi.

Tại sao ông Vũ, ông Tắc chăm chỉ hoạt động vì dân vì nước như vậy? Thưa rằng hai ông quan niệm trong thời bình mà dân chúng bị chìm đắm trong lụt lội, bị đói khổ vì thiếu cơm, đó là nhà cai trị không biết lo cho dân. Nhận rõ trách nhiệm của mình đối với dân, cho nên ông Vũ, ông Tắc phải cấp bách làm việc để cứu dân khỏi lụt, khỏi đói.

Còn ông Nhan Hồi chẳng hề bận tâm về việc nước, thảnh thơi sống trong cảnh nghèo, bởi vì vua chúa thời Xuân Thu không tha thiết gì đến sự khốn khổ của dân, không trọng dụng người hiền, coi người hiền như người ngoài cuộc. Đã là người ngoài cuộc thì chuyện nước loạn, dân đói chỉ là chuyện của nhà hàng xóm (hương lân); người hiền sao có thể can dự vào được? Giả như vua chúa thời Xuân Thu mời Nhan Hồi nhập cuộc; bấy giờ, chuyện nước loạn dân đói mới là chuyện nhà của Nhan Hồi. Chắc hẳn vào lúc đó, Nhan Hồi sẽ tận tụy hơn ai hết, chẳng thua gì ông Vũ, ông Tắc.

Xen vào việc của nhà hàng xóm là một việc hồ đồ, dại dột, có khi bị bể đầu, sứt tai, thì xen vào việc của vua chúa, khi vua chúa không cần tới mình, cũng là một việc hồ đồ, dại dột nốt. Người hiền chẳng bao giờ làm như vậy.

30. Công Đô Tử nói: “Khuông Chương, cả nước đều cho là bất hiếu, thầy giao du với ông ta, lại còn tỏ ra tôn kính nữa. Dám hỏi, vì sao vậy?”

Mạnh Tử nói: “Những điều mà thói đời gọi là bất hiếu có năm: uể oải tay chân, chẳng đối hoài đến nuôi nấng cha mẹ, là một điều bất hiếu. Đánh bạc, đánh cờ, ham uống rượu, chẳng đối hoài đến nuôi nấng cha mẹ, là hai điều bất hiếu. Ham của cải, riêng lo cho vợ con, chẳng đối hoài đến nuôi nấng cha mẹ, là ba điều bất hiếu. Chạy theo sự ham muốn của tai mắt, làm cho cha mẹ bị nhục nhã, là bốn điều bất hiếu. Ham dũng mãnh, đánh lộn tàn nhẫn, làm nguy đến cha mẹ, là năm điều bất hiếu. Chương Tử có mắc một điều nào chăng?

“Này, Chương Tử, con trách móc cha về điều thiện mà chẳng hoà hợp được. Trách móc nhau về điều thiện là đạo lý của bè bạn. Cha con trách thiện nhau là việc hại lớn cho ân tình. Này, Chương Tử há không muốn có sự thân thuộc giữa chồng vợ, mẹ con sao? Vì mắc lỗi với cha, không được gần gũi, nên phải bỏ vợ, đuổi con, suốt đời chẳng cần nuôi nấng. Trong lòng ông sắp đặt rằng nếu không làm như vậy, thì mắc lỗi lớn. Đó là tình cảnh của Chương Tử phải thế thôi.”

BÌNH GIẢI:

Khuông Chương là người nước Tề. Ông bị cả nước cho là bất hiếu vì giữa ông và thân phụ không có sự hoà hợp gần gũi. Lý do là ông đã dám khuyến cáo cha mình về điều thiện. Trong khi mọi người nước Tề xa lánh Khuông Chương, thì Mạnh Tử lại thường xuyên giao du và tỏ ra tôn kính ông nữa. Tại sao vậy?

Tại vì Mạnh Tử biết ông là người quân tử. Người quân tử giữ đạo hiếu trong điều lễ, nghĩa là yêu kính cha mẹ mình trong đạo lý. Khổng Tử nói: “Sự phụ mẫu cơ gián: thờ cha mẹ phải biết can ngăn” (Luận ngữ, Lý nhân). Thấy cha mẹ làm điều trái, người con hiếu phải khuyến khích cha mẹ làm điều thiện.

Khuông Chương giữ đạo hiếu của người quân tử, cho nên đã gây nên mối bất hoà với cha. Đó là một chuyện hết sức đau lòng chẳng đặng đừng. Vì không được gần gũi cha để hầu hạ phụng dưỡng, Khuông Chương đã phải tự phạt mình bằng cách xa vợ con, không để cho vợ con phụng dưỡng mình suốt đời.

Thấu hiểu tình cảnh ngang trái ấy của Khuông Chương, Mạnh Tử rất cảm phục ông và thường lui tới để an ủi. Trước mắt Mạnh Tử, Khuông Chương không phải là người con bất hiếu mà là một bậc quân tử đáng thương, đáng kính.

31. Tăng Tử sống ở Vũ Thành, vào lúc có giặc Việt. Có người nói: “Giặc tới, sao chẳng chạy đi?”

Tăng Tử nói: “Đừng cho người vào ở trong nhà ta, phá hoại cây cỏ của ta.”

Giặc rút lui, thì ông nhắn: “Hãy sửa sang nhà cửa tường vách, ta sắp về.” Giặc lui rồi, Tăng Tử quay về. Những kẻ tả hữu nói với nhau rằng: “Đối đãi với thầy như thế này, thật hết lòng, vả lại còn tôn kính! Giặc đến thì thầy bỏ đi trước, hẳn làm cho dân bắt chước theo. Giặc lui, lại quay về. E rằng như thế chẳng nên!”

Thẩm Du Hành nói: “Các anh biết thế nào được lẽ phải trái. Xưa kia, Thẩm Du có tai họa do bọn gánh cỏ. Đi theo thầy, có tới bảy mươi người, mà chẳng có ai can dự. Tử Tư sống ở nước Vệ, vào lúc có giặc Tề. Có người nói: ‘Giặc tới, sao chẳng chạy đi?’ Tử Tư nói: ‘Nếu như Cấp này bỏ đi, ai cùng với vua gìn giữ?’”

Mạnh Tử nói: “Tăng Tử, Tử Tư cùng theo một đạo lý. Tăng Tử là bậc thầy, bậc cha anh. Tử Tư là bề tôi, là phận nhỏ mọn. Nếu Tăng Tử, Tử Tư đổi địa vị cho nhau, thì đều xử như thế.”

BÌNH GIẢI:

Vũ Thành là một ấp thuộc nước Lỗ; Tăng Tử sống và dạy học tại đấy. Việt là một nước mạnh ở bên cạnh nước Ngô, nước Sở, thuộc Hoa Nam. Giặc Việt có lẽ là một bọn giặc cỏ ở vùng nước Việt, chứ không phải đại quân nước Việt. Được tin báo có giặc, Tăng Tử ra đi và dặn dò người nhà trông coi nhà cửa, vườn tược cẩn thận.

Khi trở về, thấy nhà cửa của thầy được bảo vệ tử tế, các môn đệ theo hầu tả hữu khen ngợi quan cai trị sở tại đã rất chu đáo đối với thầy; đồng thời họ có ý chê cách xử lý của thầy trong cơn biến loạn vừa qua. Lý do là Tăng Tử không tham gia vào việc chống giặc giữ ấp; nghe tin giặc đến thì chạy ngay, nêu gương chẳng hay cho dân bắt chước.

Bấy giờ, Thẩm Du Hành, một môn đệ của Tăng Tử đã lên tiếng bênh vực thầy. Ông cho biết, xưa kia nhà họ Thẩm Du gặp tai họa do bọn gánh cỏ gây rối. Tăng Tử ở đấy cùng với bảy mươi đệ tử, mà chẳng ai can dự vào việc dẹp loạn. Lý do là thầy trò Tăng Tử không phải gia nhân của họ Thẩm Du, không chịu ơn huệ của họ Thẩm Du, nên không có bổn phận phải can thiệp. Còn trường hợp của Tử Tư (một cao đệ của Tăng Tử và là cháu nội của Khổng Tử, tên là Khổng Cấp) thì khác. Tử Tư làm quan ở nước Vệ, ăn lộc của vua Vệ. Vào lúc có giặc Tề xâm lấn, có người bảo Tử Tư chạy, nhưng ông không đi, bởi vì ông biết rằng mình có bổn phận ở lại giúp vua Vệ giữ nước.

Thẩm Du Hành có ý nói rằng, Tăng Tử bỏ ấp Vũ Thành chạy loạn, không ở lại tham gia vào việc giữ ấp, không phải là việc đáng trách. Tăng Tử chỉ là một ông thầy dạy học, ở phận cha anh (bề trên), không phải là một ông quan ăn lộc nước; nên ông không có bổn phận giữ ấp. Tăng Tử chỉ là một khách trọ đáng tôn trọng của ấp Vũ Thành mà thôi.

Bình luận về chuyện này, Mạnh Tử cho rằng tuy xử lý khác nhau nhưng Tăng Tử và Tử Tư cùng theo một đạo lý. Tăng Tử là bậc thầy, ở vai cha anh; ông không có bổn phận giữ ấp, chống giặc. Tử Tư là một ông quan nước Vệ, thân phận nhỏ mọn tùy thuộc vào vua; cho nên ông phải ở lại cùng vua giữ nước.

Nếu như hai người đổi địa vị cho nhau, Tử Tư ở vai thầy, Tăng Tử ở phận bề tôi, thì cách xử lý cũng như thế. Nghĩa là Tử Tư sẽ bỏ đi khi giặc tới, còn Tăng Tử ở lại giữ nước, giữ ấp.

32. Trừ Tử nói: “Vua sai người dò xem phu tử quả có gì khác với người ta chăng?”

Mạnh Tử nói: “Nào có gì khác với người ta? Vua Nghiêu, vua Thuấn cùng với người ta như nhau cả mà.”

BÌNH GIẢI:

Trừ Tử, một viên quan nước Tề cho Mạnh Tử biết rằng Tề Tuyên Vương sai người dò xét xem Mạnh Tử có gì khác với người thường chăng. Có lẽ, vua Tề nghĩ rằng bậc hiền như Mạnh Tử phải có một phần cơ thể nào đó khác với người thường, cho nên mới tài giỏi, đạo đức như vậy.

Mạnh Tử cho biết về ông và cả những bậc thánh vương như vua Nghiêu, vua Thuấn ngày xưa chẳng có phần cơ thể nào khác thường; tất cả mọi người, tài giỏi, ngu dốt, thiện ác đều giống nhau cả.

Có khác chăng là khác về cái tâm. Tâm là phần tinh thần chủ trì trong con người. Tâm của người thường thì rong ruổi theo dục vọng của thân xác, khiến cho người ta làm điều sai trái. Tâm của bậc thánh hiền thì tuân theo chính đạo. Vì giữ theo chính đạo cho nên tâm luôn luôn trong sáng; nhờ trong sáng mà hiểu thấu mọi vật; do hiểu thấu mọi vật mà trở nên khôn ngoan. Trong chính đạo, tâm phát hiện trên cử chỉ hành vi để trở thành những hành động thiện hảo.

33. Người nước Tề kia có vợ cả, vợ nhỏ ở cùng một nhà. Chồng của họ ra ngoài ắt no nê rượu thịt rồi sau mới về. Vợ cả hỏi xem cùng ăn uống với người nào thì tất cả đều là những người giàu sang. Vợ cả nói với vợ nhỏ rằng: “Chồng chúng ta ra ngoài ắt no nê rượu thịt rồi sau mới về. Hỏi xem cùng ăn uống với người nào, thì tất cả đều là những người giàu sang. Thế mà chưa từng có người giàu sang nào đến. Tôi sẽ dò xem chồng chúng ta đến những chỗ nào.”

Sớm dậy, nàng bèn theo hút người chồng đi chốn này chốn nọ. Trong khắp mọi nơi, anh ta chẳng đứng nói chuyện với người nào. Rốt cục đi đến ngoại thành phía Đông, khoảng có người tế cúng mồ mả, anh ta xin đồ ăn thừa; chưa đủ no, lại ngối nhìn sang đám khác. Đó là đường lối no nê của anh ta vậy.

Vợ cả về nói với vợ nhỏ rằng: “Chồng chúng ta, chỗ suốt đời chúng ta trông mong, nay như thế đấy.” Chị ta cùng với vợ nhỏ chê trách chồng, rồi cùng khóc với nhau ở giữa sân nhà. Thế mà người chồng chưa biết gì cả. Anh ta hoan hỉ tự đắc từ ngoài vào, kiêu căng với hai vợ.

Do đạo quân tử mà xem xét, thì cái chỗ người ta tìm giàu sang, lợi đạt trong khi vợ nhà không hổ thẹn, không khóc lóc, thật hiếm hoi bao nhiêu!

BÌNH GIẢI:

Câu chuyện về người nước Tề thời Chiến Quốc này quả là thú vị! Một con người chẳng có tài cán gì mà dám lấy tới hai vợ; đã chẳng nuôi được vợ, đi xin ăn đồ thừa ngoài nghĩa địa, thế mà lại còn vênh váo, khoác lác rằng ăn uống với những người giàu sang!

Mạnh Tử kể câu chuyện này rồi suy luận thêm: con người đi tìm giàu sang, lợi lãi thành đạt bằng phương cách ngay thẳng, khiến cho vợ con không phải xấu hổ, khóc lóc, thật là hiếm hoi! Chẳng lẽ cái loại người đi tìm giàu sang, lợi lãi thành đạt bằng phương cách ô nhục thì nhiều lắm hay sao? Thế mới biết người quân tử quả là quá ít trong thế gian này vậy!

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x