Trang chủ » Chương 8: Tiêu Dạo quyết

Chương 8: Tiêu Dạo quyết

by Trung Kiên Lê
246 views

   Tổ Sư nói:
      

Ngọc Thanh (l) lưu hạ Tiêu dao (2) quyết, tứ tự (3) ngưng Thần nhập Khí huyệt. Lục nguyệt (4) nga kiến bạch tuyết phi, tam canh hựu kiến nhật luân hách. Thủy trung xuy khởi tịch Tốn phong, thiên thượng du quy thực Khôn đức. Cánh hữu nhất cú huyền trung huyền, vô hà hữu hương thị chân trạch.
      

Dịch nghĩa: 
       Tiên cảnh Ngọc Thanh có để lại Tiêu dao quyết, bốn chữ “Vô vi nhi vi” làn thần tập trung ở Khí huyệt.
       Tháng Sáu chợt thấy tuyết trắng bay, canh ba lại thấy Mặt Trời rực lửa.
       Dưới nước gió Tốn thổi dạt dào, trên Trời đức Khôn dồn ập tới.
       Sách có câu “huyền trung huyền”, sao lại không có nơi ở thực sự. 
      

Những vần thơ thất ngôn bát cú trên đã nói rõ hết những chỗ cao siêu của công pháp. Yếu lĩnh của Đại Đạo không ngoài bốn chữ “Vô vi nhi vi” (không làm mà dẫn tới làm). Chỉ có thực hiện tới mức độ vô vi mới có thể làm cho Tâm thanh tịnh, không bị các đối tượng bên ngoài khuấy động.

Chỉ có “Vô vi nhi vi” mới có thể nhận thấy được “Chân Khí” vận hành, từ đó mới ngộ ra rằng “Không” vốn chẳng có vật nào. Khi thực hiện “Vô vi nhi vi” ta rất khó nắm chắc mức độ thế nào, nếu nắm vững giới hạn “Trung” (5) (“ở giữa”) ta sẽ phát hiện công dụng thực tế, bởi vậy mấu chốt “Hồi Quang” là ở hai mắt.

Hai mắt có thể ví như cán gàu sòng (6) sao Bắc Đẩu, có thể xoay vần Trời Đất, chuyển vận Âm Dương. Khi toàn bộ cơ cấu đã chuyển xoay kỳ ảo, trong cơ thể sẽ tự nảy sinh những biến đổi khôn cùng.

Đại Dược của phép Luyện Đan thực chất chỉ là Chân Dương trong quẻ Khảm, cũng có tên là “Thủy trung Kim” (7) (Vàng trong nước) hoặc “Thủy hương Diên”.
      

Công pháp “Hồi Quang” nói ở trên chính là nhằm chỉ vẻ cho những người mới học, đòi hỏi phải nhìn dõi vào trong, tư tưởng và hơi thở phải luôn luôn gắn bó với nhau, đi dần dần từ hữu vi ở bên ngoài tới vô vi, làm cho Tâm tĩnh không tạp niệm, tựa như minh quân được các hiền thần phò tá, quốc thái dân an.

Ở đây đề ra công pháp cho những đệ tử thuộc trình độ trung và sơ cấp (8) nhằm tu tập hai “quan” ở dưới (9), rồi đưa Khí lên “quan” ở phía trên (10). Tới đây, mấu chốt của công pháp đã dần dần sáng rõ, cơ chế vận hành của Khí ở bên trong ngày càng thuần thục. Trời cao không hẹp hòi gì Đạo pháp, vì thế tiết lộ “Tông chỉ” tối mật này, các đệ tử tu tập hãy quí trọng, giữ gìn, kiên trì cố gắng!
      

Hồi Quang là tổng thể, quán triệt toàn bộ quá trình tu luyện. Công phu tiến thêm một bước, chất lượng nội tại của ánh sáng cũng được nâng cao thêm một bước, phương pháp Hồi Quang sẽ càng tinh, càng huyền diệu.

Phương pháp Hồi Quang trình bày ở trên nhằm mục đích lấy Pháp chế Tâm, làm cho con người nhập tĩnh, bây giờ Tâm đã tĩnh, Thần đã linh, ta có thể dần dần làm chủ, biết kiềm chế không để xảy ra những hiện tượng không hay. Nói ví dụ, phương pháp trình bày trên giống hệt như bày tôi hết lòng phò tá quân vương, còn công pháp bây giờ thì như thừa hành theo thánh chỉ của quân vương, hoàn toàn khác trước.
      

Phương pháp lúc này là: trước lúc nhập tĩnh phải điều Thân, điều Tâm, làm cho Thân Tâm lắng dịu, ổn định, yên bình, gạt bỏ hết mọi tạp niệm, làm cho Tâm không có gì vương mắc. Lúc này Thiên Tâm không bị dục niệm làm rối loạn, tự nhiên sẽ ở vào vị trí của nó trước kia.

Sau đó hai mắt nhìn xuống, giống như vâng theo thánh chỉ hiệu triệu đại thần, lúc này còn ai dám không tuân lệnh, không vào khấu đầu bệ kiến? Tiếp đó hai mắt Hồi Quang nhìn dõi vào trong, chiếu rọi vào Cung Khảm nơi ý niệm tập trung, lúc này Chân Dương trong Cung Khảm sẽ cảm ứng (11), làm cho Thần và Khí tương hợp.
       

Quẻ Ly (gạch liền, gạch đứt, gạch liền) là do hai hào Dương ở trên và ở dưới với một hào âm ở giữa tạo nên, bắt nguồn tử quẻ Càn (3 gạch liền), ở đây bản thể là Càn (12) còn công dụng là Thần Hỏa.

Vì nó là một hào Âm đi vào Càn bản thể nên đóng vai trò chủ chốt (13), tượng trưng cho Thức Thần điều khiển nhất cử nhất động của con người, khiến cho con người thấy cảnh sinh tình nảy sinh Tâm dục niệm tùy theo hoàn cảnh bên ngoài, khiến cho Thần Quang xuất hiện, chạy lăng xăng, chẳng lúc nào ngừng.

Giờ đây có thể Hồi Quang nội chiếu biến đi ra thuận chiều thành quay về ngược chiều, không tùy vật sinh tâm, chỉ nghĩ ở bên trong, tâm niệm không thay đổi tùy ngoài vật, vì thế Âm Khí bị khống chế, lúc ấy ánh sáng chiếu rọi ở cung Khảm là ánh sáng Thần Dương.

Lúc này, những cái cùng tính chất tất nhiên hòa quyện vào nhau, vì thế Chân Dương trong cung Khảm mới có thể bốc lên. Về thực chất hào Dương trong quẻ Khảm bắt nguồn từ Càn bản thể, vì thế mới có thể xảy ra tình trạng Càn Dương hồi ứng Càn Dương(14).

Hai vật thể này bỗng chốc gặp nhau liền hòa quyện vào nhau, không tách rời nhau, hoạt động mạnh mẽ, đi đi lại lại, lúc lên lúc xuống. Lúc này, trong Nguyên cung của mình dào dạt, mênh mang tựa như Vũ Trụ bao la không bờ không bến, toàn thân lúc này nhẹ bổng lâng lâng, tựa như muốn bay lên chấp chới, đó chính là cái mà ta vẫn gọi là trạng thái “Mây Trời bao phủ núi non”.

Tiếp đó sẽ cảm thấy Khí lan tỏa khôn lường, không sao phân biệt nổi dâng lên hay hạ xuống, mạch như ngừng đập, ngay đến hơi thở cũng tựa hồ như không cảm thấy, đây chính là sự giao hòa thực sự giữa Âm và Dương, ta vẫn quen gọi là trạng thái “Ánh trăng trùm tỏa khắp sông hồ” hay trong các sách gọi là trạng thái: “Khảm Ly giao cấu”.

Đợi tới giây phút may mắn đó, bỗng nhiên Thiên Tâm rung động, đó chính là trạng thái “Nhất Dương lai phục” (15), tức là lúc Chân Dương xuất hiện ở “Hư cực Tịnh đốc” (cùng cực Hư không vô cùng Thanh tịnh), nghĩa là xuất hiện “Hoạt Tý thời” (16). Thế nhưng, cũng cần nói rõ thêm sự biến đổi động tĩnh lúc này, xin trình bày rõ như sau.
      

Hoạt động nghe nhìn của người bình thường nảy sinh do sự vận động của tai mắt theo sự vật bên ngoài, cho tới lúc nào không nghe thấy, không nhìn thấy nữa tai mắt mới chịu nghỉ? Động tĩnh xảy ra như vậy cũng giống như chuyện vốn là của thần dân (Thức Thần), nhưng nhà vua (Nguyên Thần) buộc bất đắc dĩ phải làm.

Tính chất công việc cũng giống như luôn luôn sống cùng quỉ dữ, không nhìn thấy Mặt Trời. Bây giờ hấp thụ Thần Khí, sao cho lúc động lúc tĩnh, sự việc xảy ra đồng bộ với hoạt động của con người. Con người ở đây ám chỉ Chân Nhân (Nguyên Thần), nó chính là đức vua trong cơ thể, Chân Nhân động, thần khí cũng động theo.

Động theo cách đó gọi là Thiên Căn (17). Chân Nhân mà tĩnh thì Thần Khí cũng tĩnh theo, tĩnh như vậy gọi là Nguyệt Quật (18). Đức vua động tĩnh vô lối, thần dân cũng động tĩnh vô lối theo, đức vua nghỉ ngơi, thần dân cũng nghỉ ngơi theo. Đó chính là sự vãng lai tự nhiên giữa Thiên Căn và Nguyệt Quật.
      

Khi Thiên Tâm trấn tĩnh không động, nếu lấy Ý dẫn Chân Khí, sẽ vi phạm qui luật sinh trưởng tự nhiên của Chân Khí: làm cho chất lượng Đan Dược còn non, chưa thật chín. Khi Thiên Tâm đã động rồi mới lấy Ý dẫn Chân Khí thì lúc ấy Đan Dược đã quá lửa, chất lượng cũng sẽ không cao.

Khi Thiên Tâm vừa phát động nếu lấy Chân Ý làm cho Chân Khí dâng lên cung Nê Hoàn ở trên đầu, lúc ấy Thần Quang hai mắt chăm chú nhìn vào đầu coi như làm nhiệm vụ đạo dẫn, như vậy là thuận theo sự biến hóa của Thiên Tâm.

Sau khi Thiên Tâm lên tới cung Nê Hoàn ở trên đầu, biến đổi không có gì trở ngại, đang mê say công việc, bỗng nhiên vận động đó chừng như muốn dừng lại, lúc ấy nên nhanh chóng dùng Chân Ý dẫn nó xuống bộ vị Hoàng Đình (19), còn ánh mắt đồng thời nhìn chăm chú vào Thần thất Trung Hoàng (20) xem như làm nhiệm vụ đạo dẫn.

Một lúc sau, Thiên Tâm muốn tĩnh lặng không còn mảy may vương vấn, trong phút chốc, ánh mắt cũng quên khuấy không chăm chú nhìn Thần thất Trung Hoàng. Lúc này cơ thể và tâm thân đều thả lỏng, bao nhiêu ý nghĩ đều tan biến không hình không bóng, ngay đến cả lò vạc (21) luyện Đan trong thần thất của mình cũng không biết đặt ở đâu, thậm chí muốn tìm ngay cả cơ thể mình cũng không tìm thấy.

Đó chính là lúc “Thiên nhập Địa trung” , “Chúng diệu qui căn” (22) (“Trời đi vào trong Đất”, “Mọi điều Huyền diệu đều trở về Gốc”), trạng thái này chính là cái mà ta gọi là “Ngưng Thần nhập Khí huyệt” (“Tập trung Thần vào Khí huyệt”).
      

Việc chứng nghiệm Hồi Quang, căn cứ vào công phu nông sâu thế nào, có thể chia thành ba mức độ: lúc thoạt đầu thu gom Thần Khí, để Tâm nhập tĩnh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không bị ngoại cảnh cuốn hút, khiến Ánh Sáng không chạy ra ngoài, đó là một mức độ, mục đích nhằm “Hàm dưỡng Bản Nguyên, thiên du tiếp mệnh” (“Nuôi dưỡng Bản Nguyên, tiếp thêm sức sống”).

Sau đó tiếp tục để Tâm nhập tĩnh, dần dần gạt bỏ mọi tạp niệm, Tâm không vương vấn, thuận theo tự nhiên, tinh thần hoạt bát, không chút gì trở ngại, đạt tới bước không bị bất cứ sự việc gì quấy rối, đây là một mức độ, mục đích nhằm “An Thần Tổ Khiếu, hấp thụ Tiên Thiên” (“An Thần ở Tổ Khiếu, thu nạp Tiên Thiên”).

Tiếp sau đó, tất thảy mọi ảnh hưởng dần dần tan biến, ta tiến vào trạng thái Đại Định. Đó là một mức độ, mục đích nhằm “Trập tàng Khí huyệt, chúng diệu qui Căn” (“Cất giữ vào Khí huyệt, mọi điều huyền diệu đều trở về Gốc”). Những điều trình bày trên nhằm mô tả công pháp một mức độ gồm có ba mức độ thấp hơn (23). Ngoài ra còn có công pháp một mức độ gồm chín mức độ thấp hơn, đợi sau này sẽ trình bày rõ.
      

Bây giờ xin được trình bày công pháp một mức độ gồm có ba mức độ thấp hơn: công phu sơ bộ của công pháp Hồi Quang đòi hỏi trước hết phải nhập tĩnh. Ở đây gọi là “Hàm dưỡng”, lúc này “Hấp tụ” cũng là “Hàm dưỡng”, “Trập tàng” cũng là “Hàm dưỡng”, mục đích đều như nhau.

Đến giai đoạn “Trập tàng” thì “Hàm dưỡng” cũng là “Trập tàng”, “Hấp tụ” cũng là “Trập tàng”. Trường hợp “Hấp tụ” cũng cứ thế mà suy. Chỉ cần ngưng Thần nhập tĩnh những chỗ khó bộc lộ sẽ tự bộc lộ ra, bởi vì chúng là những “khiếu”, tức là nhưng “lỗ” vô hình.

Cho dù là nghìn chỗ hay vạn chỗ về bản chân cũng vẫn là một. Những giây phút khó phân biệt thời cơ đến sẽ tự tách biệt ra, bởi vì nó bất kể thời gian, vượt mọi thời gian, muôn đời nghìn kiếp về bản chất vẫn chỉ là một khoảnh khắc. 
      

Tâm con người ta không thể nào cực tĩnh mà không thể động được, nếu thế thì cái gọi là động chỉ là vọng động, chứ không phải là bản thể của Tâm đang động. Vì thế mới nói rằng, động nảy sinh do những kích thích của ngoại giới, chính là sự biểu hiện những dục vọng của Tâm và Tính.

Còn động nảy sinh không do những kích thích của ngoại giới mới thực sự là động của “Thiên Địa Căn” (“Gốc của Trời Đất”). Nếu không lấy động của Trời đối ứng với Tính của Trời thì sẽ bị khống chế bởi dục vọng mê lầm.

Đây chính là cái ý “xuất vị” nói đến trong “Kinh Dịch, Hệ từ”, nghĩa là Tâm rời khỏi trạng thái vốn có của nó, động này sẽ dẫn tới động khác. Chỉ khi không còn mảy may tạp niệm thì mới nảy sinh chính niệm, đó chính là chân ý. Trong trạng thái Đại Định, bỗng nhiên phát hiện “thiên cơ”, đó chính là cái động vô niệm, “Vô vi nhi vi” chính là chỉ hiện tượng vừa nói ở trên.
      

Câu thứ nhất và thứ hai trong bài ca quyết trên:
      “Ngọc Thanh lưu hạ Tiêu dao quyết, tứ tự ngưng Thần
nhập Khí huyệt” đã khái quát tác dụng của Đạo Kim Hoa.
      

Câu thứ ba và thứ tư:
       “Lục nguyệt nga kiến bạch tuyết phi, tam canh hựu kiến
nhật luân hách”, nói lên cái ý Nhật Nguyệt giao hòa. Lục nguyệt ám chỉ Ly (gạch liền, gạch đứt, gạch liền) Hỏa, nghĩa là Mặt Trời, bạch tuyết phi ví với Chân Âm trong quẻ Ly, phát xuất từ bản thể Khôn (3 gạch đứt) rồi lại trở về bản thể Khôn.

“Tam Canh” chỉ nước của quẻ Khảm, giống như Mặt Trăng, “Nhật luân” ví với Chân Dương quẻ Khảm, phát xuất từ bản thể Càn (3 gạch liền) rồi lại hừng hực trở về bản thể Càn; và cũng chính trong sự hội hợp Nhật Nguyệt nói trên đã diễn ra cái gọi là lấy Khảm bù vào Ly.
      

Câu thứ năm và thứ sáu : 
       “Thủy trung xuy khởi tịch Tốn phong, Thiên thượng du quy
thực Khôn đức”,  nói rõ mắt ta giống như cán gàu sao Bắc Đẩu, có tác dụng chuyển vận Âm Dương, điều khiển sự thăng giáng lên xuống của Khí cơ (24).

“Thủy trung Kim” (“Vàng trong nước”) là chỉ Chân Dương trong quẻ Khảm, Ánh sáng của đôi mắt chính là Gió Tốn (2 gạch liền, gạch đứt), mắt nhìn vào trong rọi vào cung Khảm (hạ Đan Điền), nhằm hấp dẫn Chân Dương trong cung Khảm, nó chính là Chân Tinh của Càn bản thể.

Thiên thượng là chỉ cung Càn, sau khi Khí Chân Dương lên tới cung Càn liền hạ xuống phần Bụng, Khôn là bụng, vì vậy “du quy thực Khôn đức” ý muốn chỉ tình hình Thần vào Khí huyệt, cũng gọi là “Trời đi vào trong Đất”, làm cho Khí kết tinh thành Kim Đan dựa vào tác dụng hun đúc của Thần Hỏa (25).
      

Hai câu cuối cùng: 
       “Cánh hữu nhất cú huyền trung huyền, vô hà hữu hương thị chân trạch”, chỉ rõ một bí mật vô cùng thâm thúy, vì thế gọi là “Ca quyết trong ca quyết”, đề cập đến vấn đề nuôi dưỡng Thánh thai
(Kim Đan), không tách khỏi công phu tắm gội tẩy tâm rửa dạ, và cũng chỉ có như vậy mới giữ được không lo nghĩ ưu phiền.

Các bậc thánh hiền Nho giáo dạy mọi người công phu tu dưỡng bắt đầu từ “Tri chỉ”, lấy “Chí ư chí thiện” làm mục đích, bắt đầu từ vô cực rồi cuối cùng trở về vô cực, nói rõ công phu tu tập vô cùng huyền diệu, không tách rời khỏi Đạo.
      

Tinh hoa Phật học lấy “Vô sở trụ nhi sinh kỳ Tâm” nói đến trong “Kinh Kim Cương” làm giáo chỉ Đại Tạng, tức là tôn chỉ của Phật giáo: “vô sở trụ” (không trụ vào chỗ nào), tức không có vọng niệm, vọng niệm không tồn tại sẽ nảy sinh chính niệm, Tâm đã có chính niệm tức là thấy được bản tính, kiến tính thành Phật.

Đạo giáo chúng ta tôn sùng hai từ “trí hư”, Tâm đã có thể “trí hư cực” thì Tính công đã thành, “thủ tĩnh đốc” thì Mệnh công đã đạt, cho nên Tính Mệnh song tu, Hình Thần đều trọn vẹn. Tóm lại, qua những điều trình bày trên, Tam giáo Nho Thích Đạo đã tổng kết mục đích của tu dưỡng thành một câu, đó là tạo được Thần Đan rời xa cái chết đi vào cái sống, vậy Thần Đan đó là cái gì ?

Đó là tất thảy ở vào trạng thái Không Tâm. Công pháp bí truyền nhất của môn phái chúng ta chính là toàn bộ quá trình “tắm gội”, Tính Mệnh song tu khái quát chỉ vỏn vẹn bằng hai chữ “Không Tâm”. Bây giờ chúng ta dùng câu nói đơn giản đó đi sâu phân tích sẽ giúp các vị rút ngắn được hàng chục năm trời tầm thầy học hỏi.
      

Chắc các vị chưa thấu suốt hết được chỗ huyền diệu của công pháp một mức độ gồm có ba mức độ, chúng tôi xin thuyết minh dựa vào ví dụ “Tam quán” của nhà Phật: không quán, giả quán, trung quán. Trong “Tam quán” thì trước tiên là không quán, trong lúc quán nhìn tất cả mọi vật đều là không cả.

Tiếp đó là giả quán, nhìn tất cả mọi hiện tượng đều là không có thực, hư giả mà thôi. Lúc quán nhìn tất cả mọi sự vật đều là không, thế nhưng không phải là thực không, chưa tách khỏi cái không vốn có của vạn vật, vẫn làm mọi việc trong trạng thái không.

Vừa không tách khỏi hình tướng vốn có của vạn vật lại vừa không chấp trước vạn vật, đó là trung quán. Khi tu luyện không quán, vốn đã biết rằng không thể tách rời khỏi vạn vật, thế nhưng là không là chấp trước vạn vật, như vậy gồm đủ Tam quán: không, giả, trung.

Nhưng vì khi ta không quán, thật ra đã xem mọi vật đều là không cả, cho nên khi ta không quán, không quán cố nhiên là không quán rồi, nhưng giả quán cũng là không quán, trung quán cũng là không quán. Khi tu giả quán, điều ta cần chú trọng không phải là bản thể của sự vật, mà là công dụng của chúng.

Hiệu quả của giả quán là phải đạt cho được công dụng của chúng. Và như vậy, giả quán cố nhiên là giả quán, không quán cũng là giả quán, trung quán cũng là giả quán. Khi tu trung quán, ta cũng thực hành không quán nhưng không gọi là không quán, mà gọi là trung quán. Khi tu giả quán cũng vậy, nhưng ta không gọi là giả quán mà gọi là trung quán. Còn đối với trung quán, chẳng cần phải nói cũng tự nhiên sẽ là trung quán.
      

Tôi tuy có lúc chỉ nói về tác dụng của quẻ Ly, có lúc lại nói kiêm cả tác dụng của quẻ Ly và quẻ Khảm, nhưng ý nghĩa trọng tâm không có gì thay đổi. Ngay từ đầu tôi đã nhắc: Vấn đề mấu chốt là ở đôi mắt. Nói mấu chốt là chỉ việc sử dụng.

Sử dụng đôi mắt để xoay vần Tạo hóa, ở đây không hề muốn nói tác dụng của Tạo hóa chỉ giới hạn ở đôi mắt. Lục căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và thất khiếu mắt, tai, miệng, mũi của con người đều là nơi tàng trữ ánh sáng Mặt Trời.

Chẳng lẽ chúng ta chỉ dùng đến đôi mắt mà bỏ qua tất cả những cái khác? Cần phải phát huy tác dụng của Chân Dương trong quẻ Khảm, muốn thế vẫn phải dùng Thần Quang hai mắt soi rọi nhìn dõi vào trong mới có thể thực hiện được. Thiết tưởng thí dụ này đã thuyết minh rõ lý do vì sao phải làm như thế.

Chu Huyền Dục tiên sinh đã từng nói: “Người mù tu đạo không phải chuyện dễ dàng nhưng anh điếc lại không gặp khó khăn”. Ý của tôi không khác gì cách nói của Chu Đạo nhân. Ý của tôi thực ra chỉ muốn nhấn mạnh ở đây cái gì là chính, cái gì là phụ, cái gì cần coi trọng cái gì có thể xem nhẹ mà thôi.
      

Xét về bản chất, Mặt Trời và Mặt Trăng là cùng một loại vật chất: trong Mặt Trời có Chân Âm, Chân Âm trên thực tế là tinh hoa thực sự của Mặt Trăng. Hang lỗ Mặt Trăng thực ra không ở Mặt Trăng, mà ở trong Mặt Trời, vì thế mới gọi là hang lỗ không thật của Mặt Trăng, nếu không chỉ cần nói Mặt Trăng là đủ.

Trong Mặt Trăng có tích tụ Chân Dương, là Ánh Sáng thực sự của Mặt Trời, Ánh Sáng Mặt Trời ngược lại ở trong Mặt Trăng, vì thế mới gọi là gốc của Trời. Nếu không chỉ cần nói Trời không thôi là đủ. Mặt Trời và Mặt Trăng nếu tách riêng ra mới chỉ là có một nửa. Gộp cả lại mới thành một chỉnh thể.

Chẳng hạn người chồng và người vợ ở riêng ra không thành một gia đình, gia đình có vợ có chồng mới thành một gia đình hoàn chỉnh. Thế nhưng lấy sự vật làm ví dụ cho Đại Đạo cũng có chỗ chưa thỏa đáng. Chồng vợ tách riêng ra vẫn là hai cá thể hoàn chỉnh, thế nhưng trong công pháp Mặt Trời và Mặt Trăng tách riêng ra không thành một toàn thể.

Hiểu được lẽ đó sẽ thấy được rằng mắt và tai cũng là một chỉnh thể. Tôi nói rằng người mù không có tai, người điếc không có mắt như thế xem ra vẫn còn chút gì đó phân biệt cái này cái nọ. Nói nào “lục căn”, nào “thất khiếu”? Lục căn thực ra chỉ là một căn! Thất khiếu thực ra chỉ là một khiếu!

Những điều tôi nói ra nhằm làm sáng tỏ “chỗ tương thông” của chúng cho nên nhìn không thấy có gì khác nhau, nhưng còn các vị lại chuyên môn chấp trước “những chỗ bất tương thông” của chúng cho nên chỗ nào cũng chỉ thấy những điểm khác nhau.

      

CHÚ THÍCH
      

1. Ngọc Thanh: là tên Tiên cảnh, một trong Thánh cảnh của Tam Thanh. Tam Thanh cảnh chỉ Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh. Còn có tên gọi là Tam Thiên Ngọc Thanh là nơi thanh tịnh, vô hư cao quý không gì sánh nổi, được ví như một vị thần tối cao, đồng thời ám chỉ nơi Não Thần cư trú phải thật thanh tịnh.
      

2. Tiêu dao: không bị vật chất trói buộc, Thân tâm tự do tuyệt đối.
       

3. Bốn chữ “Vô vi nhi vi”: “vô vi” chỉ khi tĩnh tọa đầu óc không suy nghĩ để cho Thần nhập tĩnh, tâm vắng lặng. “Vi” chỉ tĩnh cực sinh động, thiên cơ tự đến, Chân Khí tự hiện. Sau khi Chân Khí đã được phát động, tập trung Thần ở Khí huyệt, khiến Thần Khí hòa hợp, như vậy Đan Được tự nhiên ngưng kết.
      

4. Tháng Sáu: quẻ Ly (gạch liền, gạch đứt, gạch liền)  trong kinh Dịch, ở giữa là một hào Âm, Ly là Thần, là Hỏa.
      

5. Xem “Đạo Đức Kinh”, chương Bốn: “Đạo xung nhi dụng chi”. Sách “Hà Thượng Công” chú thích: xung là “trung” vậy.  “Trung” tức là Đạo.
      

6. Cán gàu sòng: danh từ Thiên văn. Giống như cán gàu sòng, chỉ ngôi sao thứ năm đến bảy trong chòm sao Bắc Đẩu. Ví hai mắt với cán gàu sòng cho thấy, khi ánh mắt quay trở về có thể xoay vần
Trời Đất, chuyển vận Âm Dương.
      

7. “Thủy trung kim”: quẻ Khảm được xem là nước. Hào giữa là Hào Dương, thuộc Càn, Càn được xem là Kim vì thế nói “Thủy trung Kim”. Khảm trong cơ thể người chỉ Thận, Thận chứa Tinh. Luyện Tinh hóa Khí của Đạo gia gắn bó mật thiết với Chân Dương của Thận.
      

8. Đệ tử thuộc trình độ Trung và Sơ cấp: chỉ những người tu học công phu trình độ Trung và Sơ cấp, dựa theo trình độ luyện nội công. Trong sách “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: Thượng sĩ văn Đạo cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo nhược tồn nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi Đạo. (Thượng sĩ nghe Đạo thực hành chuyên cần. Trung sĩ nghe Đạo, thoắt nhớ thoắt quên. Hạ sĩ nghe Đạo, cả cười. Nếu không cười, sao đủ gọi đó là Đạo). Như thế muốn nói rằng Căn Tính của con người cũng chia thành ba trình độ Thượng, Trung, Hạ.
      

9. Hai quan ở dưới: chỉ quan khiếu ở phần giữa và  phần bụng trong cơ thể.
      

10. “Quan” ở phía trên: hai “quan” ở dưới nằm trong công phu Thức Thần, còn “quan” ở phía trên nằm trong công phu luyện Nguyên Thần. Nguyên Thân nằm trong não bộ. Khi “Hồi Quang”, thoạt đầu Ánh Sáng hội tụ bên ngoài Cung Nê Hoàn, sau đó xuyên rọi vào trong, đi thẳng tới trung và hạ Đan Điền, lúc này Chân Khí sung mãn, tự nhiên sẽ bay bốc lên phía trên rồi đi vào Càn Đỉnh, tức Thượng Đan Điền.
      

11. Hai mắt nội chiếu vào cung Khảm tức nhìn dõi vào cung Khảm, ý muốn nói tập trung ý nghĩ giữa thận và rốn, Ánh Sáng lúc này là Chân Quang, và theo luật đồng loại tương thân. Chân Dương trong cung Khảm sẽ xuất hiện do cảm ứng.
      

12. Càn bản thể: tiên thiên của con người ta vốn là bản thể Thuần Dương, tức Càn bản thể. Sau khi chào đời, liền phân chia thành Nguyên Thần và Thức Thần. Ly (gạch liền, gạch đứt, gạch liền) trong con người là Tâm, Thức Thần là công dụng, bắt nguồn ở Càn, vì vậy bản thể là Càn.
      

13. Một Hào âm đi vào Càn bản thể nên đóng vai trò chủ chốt: Bát Quái trong Kinh Dịch, mỗi quẻ do ba Hào tạo thành. Hào chia ra thành Hào Âm (gạch đứt) và Hào Dương (gạch liền), trừ quẻ Càn (3 hạch liền) và quẻ Khôn (3 gạch đứt) là Thuần Dương và Thuần Âm ra, sáu quẻ còn lại đều do các Hào Âm và Hào Dương tạo thành, lấy số ít làm chủ. Quẻ Ly do hai Hào Dương và một Hào Âm tạo nên, cho nên lấy Âm làm chủ.
      

14. Càn Dương hồi ứng Càn Dương: Hào Dương trong quẻ
Khảm (gạch đứt, gạch liền, gạch đứt) là do sự tương giao của hai quẻ Càn và Khôn, Khôn lấy Dương ở Càn mà có, vì thế Khảm Dương bốc lên, ứng ở phía trên với Ly, Ly là Càn bản thể, Dương trong Khảm là Càn Dương, vì thế nói Càn Dương hồi ứng Càn Dương.
      

15. “Nhất Dương lai Phục”: quẻ Phục (5 gạch đứt, gạch liền) trong “Kinh Dịch” do quẻ Khôn và quẻ Chấn tạo nên. Khôn là Đất, Chấn là Sấm, quẻ Phục được xem là Sấm trên mặt Đất, Âm hết thì Dương đến, cho nên gọi là “Nhất Dương lai Phục”.
      

16. “Hoạt Tý thời”: thuật ngữ luyện nội. Theo quan niệm của Đạo gia, Tâm chỉ Trời, Thận chỉ Đất, Trời Đất giao hòa, Nhất Âm sản sinh trước tiên vào giờ Ngọ, cho nên Tâm Dương đi xuống Thận vào giờ Ngọ; còn Nhất Dương của Đất lai Phục vào giờ Tý, cho nên Dương Khí trong Thận nảy sanh vào giờ Tý. Nói tóm lại, Hoạt Tý Thời tức là đã sản ra Đan Dược, cần tìm cách thu hái kịp thời.
      

17-18. Thiên Căn, Nguyệt Quật: có liên quan đến phương vị của 64 quẻ. Thiệu Ung, tác giá bộ sách bất hủ “Hoàng Cực Kinh Thế” có thơ rằng “Càn ngô Tốn thời quan Nguyệt Quật, Địa phùng Lôi xứ khán Thiên Căn, Thiên Căn Nguyệt Quật nhàn lai vãng, tam thập lục cung giai thị xuân” (Lúc Càn gặp Tốn hãy xem Nguyệt Quật, chỗ Địa gặp Lôi hãy nhìn Thiên Căn, Thiên Căn và Nguyệt quật ít vãng lai, cả ba mươi sáu cung đều là mùa xuân).
      

19. Hoàng Đình, trong sách “Hoàng Đình nội cảnh Kinh” nói: “Hoàng là màu sắc trung gian, Đình là ở giữa bốn phương”; vì vậy Hoàng Đình ám chỉ Trung Đan Điền, bộ vị ý thủ trung tu luyện.
      

20. Thần thất Trung Hoàng: chỉ Não Thần, ý nói khi tập luyện, cần tập trung ý nghĩ vào bộ vị này nhằm mục đích dưỡng Khí, bảo Tinh.

      

21. Lò vạc, tiếng Hán là “Lô Đỉnh”: Thuật ngữ Luyện Đan,  “lò” chỉ Hạ Đan Điền, “vạc” chỉ Trung Đan Điền.
      

22. “Chúng diệu qui căn”, sách “Đạo Đức Kinh” chương XVI nói: “Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn. Quy căn hồi tĩnh thị vị Phục Mạng. (Ôi! mọi vật trùng trung đều trở về Gốc. Trở về Gốc tức là hồi tĩnh, như thế gọi là Phục Mạng). Lá cây mọc vào mùa xuân, lớn lên vào mùa hạ, đến mùa thu trải qua sương gió, tự nhiên rụng lá, bứt khỏi cành. Con người tu luyện, Chân Khí đang trào lên cung Càn, nếu dùng Chân Ý rọi soi, sẽ biến trải qua động tĩnh, như thế gọi là “chúng diệu qui Căn”.
       

23. Công pháp một mức độ gồm ba mức độ thấp hơn: chỉ mỗi lần chứng nghiệm Hồi Quang gồm có ba mức độ, nghĩa là công phu Hồi Quang gồm ba giai đoạn từ nông đến sâu.
      

24. Khí cơ: chỉ sự vận động của Khí. Sự vận động của Khí tuy muôn hình muôn vẻ, nhưng về mặt lý luận có thể qui về bốn hình thức vận động cơ bản là lên, xuống, vào, ra. Vận động lên, xuống, vào, ra của Khí là gốc của hoạt động sống của cơ thể, nếu như vận động này bỗng chốc ngừng lại có nghĩa là hoạt động sống cũng kết thúc.

Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các vận động lên, xuống, vào, ra của Khí gọi là “Khí cơ thông thoát”, cơ thể mạnh khỏe dễ chịu; còn nếu Khí cơ trục trặc, bất ổn, mất cân bằng, ta lâm vào trạng thái bệnh lý “Khí cơ trục trặc”, như Khí trệ, Khí nghịch, Khí hãm, Khí thoát, Khí kết, Khí uất, Khí bế v.v…
      

Sự vận hành của nội khí trong Khí Công cũng là một phương thức vận động của Khí, do đó cũng là một loại Khí cơ.
      

25. Tác dụng hun đúc của Thần Hỏa: ở đây sở dĩ “Thần vào Khí huyệt, kết tinh thành Kim Đan” là dựa vào tác dụng của Hỏa hậu. Thần được ví với Lửa, Lửa không được quá to, quá nhỏ, quá nóng, quá lạnh… Nếu không, không làm tròn tác dụng tôi luyện, hun đúc của mình, thậm chí có khi còn dẫn tới những sai lệch như hiện tượng “Tẩu Hỏa nhập Ma” chẳng hạn.

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x